Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Xá Vệ Quốc »»
(維那, Ino): còn gọi là Kỷ Cương (紀綱). Trong tòng lâm, vị này đốc thúc, giám thị sự tu hành của chúng tăng và xem xét toàn bộ công việc trong tự viện. Khi đại chúng tụng kinh, vị này có trách nhiệm hướng dẫn và thủ xướng cho mọi người, cho nên được gọi là Duyệt Chúng (悅眾). Duy (維) nghĩa là bao trùm như mạng lưới, cho nên nó có nghĩa là quản lý tăng chúng; Na (那) là từ được lấy từ âm đọc Yết Ma Đà Na (s: karmadāna, 羯磨陀那); cho nên từ Duy Na bao hàm chung nghĩa của tiếng Hán và Phạn. Nguồn gốc của nó vốn là tên gọi chức vị được đặt ra trong nội bộ tăng đoàn ở Ấn Độ. Trong phần Bát Pháp Trung Ngọa Cụ Pháp (八法中臥具法) 7 của Thập Tụng Luật (十頌律) 23 có đoạn rằng: “Phật tại Xá Vệ Quốc, nhĩ thời Kỳ Đà lâm trung tăng phường trung, vô Tỳ Kheo tri thời hạn xướng thời, vô nhân đả kiền trĩ, vô nhân tảo sái đồ trị giảng đường thực xứ, vô nhân thứ đệ tương tục phu sàng tháp, vô nhân giáo tịnh quả thái, vô nhân khán khổ tửu trung trùng, ẩm thực thời vô nhân hành thủy, chúng tán loạn ngữ thời, vô nhân đàn chỉ, thị sự bạch Phật, Phật ngôn, ưng lập Duy Na (佛在舍衛國、爾時祇陀林中僧坊中、無比丘知時限唱時、無人打揵稚、無人掃灑塗治講堂食處、無人次第相續敷床榻、無人敎淨果菜、無人看苦酒中蟲、飲食時無人行水、眾散亂語時、無人彈指、是事白佛、佛言、應立維那, Khi đức Phật tại nước Xá Vệ, lúc bấy giờ trong chúng tăng tại rừng Kỳ Đà không có vị Tỳ Kheo báo cho biết thời khắc, không có người đánh kiền chùy, không người quét dọn, lau chùi giảng đuờng và nơi ăn uống, không người lần lượt thay nhau sắp dọn giường nằm, không người chỉ bảo rửa sạch rau quả, không người nhìn thấy con trùng trong rượu đắng, khi ăn uống không có người đem nước đến, khi chúng tăng nói chuyện tán loạn lại không có người khảy móng tay giữ im lặng; cho nên việc này được trình lên đức Phật. Phật dạy rằng nên lập ra chức Duy Na).” Vì vậy, đức Phật đã chế ra chức vụ này để chỉnh lý và quản chưởng những công việc lặt vặt của chúng tăng. Tại Trung Quốc, chức này được thiết lập như chức Tăng Quan và trong chế độ Tăng Quan trung ương dưới thời Diêu Tần (姚秦), có chức Duyệt Chúng. Tăng Thiên (僧遷) là người đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ này. Vào thời Bắc Ngụy, tên trung ương có đặt Chiêu Huyền Tào (昭玄曹) làm chức Sa Môn Thống (沙門統) với tư cách là Trưởng Quan để thống lãnh Phật Giáo toàn quốc. Còn vị Phó Quan quản lý sự việc của các ban liên quan đến Phật Giáo chính là [Đô] Duy Na ([都]維那) của trung ương và Duy Na ở các địa phương. Trong Thiền Tông, đây là chức vụ vô cùng quan trọng chịu trách nhiệm quản chưởng hết thảy hành động, oai nghi tế hạnh, lui tới của chúng tăng. Nó được liệt vào một trong Lục Tri Sự (六知事, sáu vị Tri Sự). Đối với các tông phái khác, chức Duy Na có bổn phận dẫn dắt đại chúng khi hành lễ pháp sự, xướng hô hồi hướng, v.v. Phòng ở của vị Duy Na được gọi là Duy Na Liêu (維那寮) hay Kỷ Cương Liêu (紀綱寮).
(p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍): còn gọi là Kỳ Viên Tinh Xá (祇園精舍), tên gọi của tinh xá nằm ở Thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛城), kinh đô của nước Kiều Tát La (s: Kauśala, p: Kosala, 憍薩羅) vào thời Ấn Độ cổ đại. Lúc bấy giờ, trưởng giả Tu Đạt (p: Sudatta, 須達, còn có tên là Cấp Cô Độc [給孤獨]) của Thành Xá Vệ mua khu rừng của Thái Tử Kỳ Đà (s, p: Jeta, 祇陀) để xây dựng tu viện cho giáo đoàn đức Phật. Tên gọi Kỳ Viên vốn phát xuất từ truyền thuyết này. Trưởng giả Tu Đạt là người thường bố thí vật phẩm ăn uống cho những người cô độc, nghèo nàn, cho nên nơi đây còn được gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên (祇樹給孤獨園). Đức Phật đã trãi qua hơn 20 năm vào cuối đời ngài ở tại đây, và khoảng 7, 8 phần kinh điển hiện tại đều được ngài thuyết giảng tại nơi này. Tuy nhiên, ngay sau khi đức Phật diệt độ thì tinh xá này bị suy tàn. Về sau, khi Pháp Hiển (法顯, 340?-?) và Huyền Trang (玄奘, 602-664) sang du hành ở Ấn Độ, tinh xá này đã hoàn toàn hoang phế. Hiện tại nó chỉ còn là di tích rất rộng lớn ở phía Nam vùng Saheṭh-Maheth thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Trong Phật Thuyết Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn Kinh (佛說文殊師利般涅槃經, Taishō No. 463) do Cư Sĩ Nhiếp Đạo Chơn (聶道眞) nhà Tây Tấn dịch có đoạn: “Nhĩ thời, Thế Tôn tùng Tam Muội khởi, tức tiện vi tiếu, hữu ngũ sắc quang tùng Phật khẩu xuất, thử quang xuất thời, Kỳ Hoàn Tinh Xá biến thành Lưu Ly (爾時、世尊從三昧起、卽便微笑、有五色光從佛口出、此光出時、祇洹精舍變成琉璃, lúc bấy giờ đức thế tôn từ trong Tam Muội đứng dậy, bèn mĩm cười, có ánh sáng năm sắc từ trong miệng Phật phóng ra, khi ánh sáng này phóng ra, Kỳ Hoàn Tinh Xá biến thành ngọc Lưu Ly).” Hay như trong Trung Thiên Trúc Xá Vệ Quốc Kỳ Hoàn Tự Đồ Kinh (中天竺舍衛國祇洹寺圖經, Taishō No. 1899), phần Trung Thiên Trúc Xá Vệ Quốc Kỳ Hoàn Tự Đồ Kinh Tự (中天竺舍衛國祇洹寺圖經序) lại có đoạn đề cập đến Kỳ Viên Tinh Xá như sau: “Vãng giả Thích Tôn tại Đao Lợi Thiên, thử tượng tại điện vi chư Tỳ Kheo giáo giới thuyết pháp, nãi chí chư vương chi bất kiến Phật tư mộ Thích Ca, thử tượng vi vương tam độ thuyết pháp; Kỳ Viên sơ lập giới đàn, thành thời thử tượng lãnh tiền đồ chúng, chí giới đàn sở nhiễu tam tráp dĩ, bộ bộ giai sanh kim sắc thiên diệp Liên Hoa; mỗi thọ giới thời hoa tự nhiên khai, trung hữu thiên đồng tấu ư thiên nhạc (徃者釋尊在忉利天、此像在殿爲諸比丘敎戒說法、乃至諸王之不見佛思慕釋迦、此像爲王三度說法、祇園初立戒壇、成時此像領前徒眾、至戒壇所遶三匝已、步步皆生金色千葉蓮花、每受戒時花自然開、中有天童奏於天樂, xưa kia khi đức Thích Tôn tại Trời Đao Lợi, tượng này tại chánh điện vì các Tỳ Kheo mà dạy bảo, thuyết pháp, cho đến các vua không thấy được Phật, nhớ nghĩ đến Thích Ca, tượng này cũng vì vua thuyết pháp ba lần; lúc ban đầu, Kỳ Viên Tinh Xá mới lập giới đàn, khi hình thành, tượng này dẫn các đồ chúng trước đây, đến giới đàn đi nhiễu quanh ba vòng xong, từng bước đều sanh hoa sen ngàn cánh có màu vàng kim; mỗi khi thọ giới, hoa ấy tự nhiên nở ra, bên trong có thiên đồng tấu khúc nhạc trời).”
(s: Mañjuśrī, 文殊師利): hay Man Thù Thất Lợi (曼殊室利), Tàu dịch là Diệu Đức (妙德) hoặc Diệu Cát Tường (妙吉祥). Ngài sanh ra từ vai phải của mẹ, trong một gia đình Bà La Môn ở tụ lạc Đa La (多羅) tại Xá Vệ Quốc (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛國). Thân thể Ngài có màu vàng tía, về sau Ngài xuất gia với đức Phật. Trong Đạo Giáo, Ngài được gọi là Văn Thù Quảng Đại Thiên Tôn (文殊廣法天尊). Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị Bồ Tát thường theo hầu bên đức Phật Thích Ca, được gọi là Thích Ca Tam Tôn (釋迦三尊), khác với Di Đà Tam Tôn, hay Tây Phương Tam Thánh. Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh (首楞嚴三昧經) cho biết rằng: “Vào thời quá khứ vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp, có thế giới ở phương Nam tên Bình Đẳng (平等), đức Phật của thế giới ấy tên là Long Chủng Thượng Như Lai (龍種上如來), tức là đức Văn Thù Bồ Tát hiện tại.” Hay như Ương Quật Ma La Kinh (央掘魔羅經) có giải thích về xuất xứ của Ngài rằng: “Đức Hoan Hỷ Tạng Ma Bảo Tích Phật (歡喜藏摩尼寶積佛) ở thế giới Thường Hỷ (常喜) ở phương Bắc hiện tại chính là đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.” Tuy nhiên, trong Bi Hoa Kinh (悲華經) lại cho rằng: “Khi đức Phật A Di Đà đang còn làm Chuyển Luân Thánh Vương, có vị Vương Tử thứ ba tên Vương Chúng (王眾), đã phát tâm Bồ Đề, nguyện trong đời tương lai, đời đời kiếp kiếp, thực hành đạo Bồ Tát, không có dừng nghỉ, không giới hạn nơi chỗ, để trang nghiêm thanh tịnh quốc độ Phật; khiến cho tam thiên đại thiên thế giới, hằng hà sa số mười phương quốc độ rộng lớn, hợp lại thành một thế giới của vị này giáo hóa. Trong thế giới ấy có vô lượng đầy đủ các của báu, không có xúc chạm những điều nhơ nhớp, đau khổ, không có người nữ, thậm chí không có danh từ người nữ; lại không có chúng sanh chưa phát tâm Bồ Đề. Vị Vương Tử thứ ba phát nguyện xong, Bảo Tạng Phật bèn đặt cho Vương Tử tên là Văn Thù Sư Lợi, thọ ký vào thời mạt pháp tương lai sẽ thành tựu viên mãn vô thượng chánh đẳng chánh giác tại quốc độ tên Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chấn (清淨無垢寶窴) với danh hiệu là Phổ Hiện Như Lai (普現如來).” Trong Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (觀佛三昧海經) lại cho biết thêm rằng đương thời khi đức Thế Tôn sau khi vì đại chúng thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh xong, Văn Thù Bồ Tát thưa với đại chúng rằng: “Vào thời quá khứ đức Bảo Uy Đức Như Lai (寶威德如來), có một người con của Trưởng Giả kia tên Giới Hộ (戒護), khi đang con trong bào thai mẹ đã thọ Tam Quy Y. Năm lên 8 tuổi, song thân cậu bé cung thỉnh đức Thế Tôn đến tư gia thiết lễ cúng dường. Khi cậu bé diện kiến đức Phật, uy nghi an tường, từng bước đi bình ổn, khoan thai, nơi từng bước chân của Ngài đều nở ra một đóa sen, và thân tướng Ngài phóng ra ánh sáng rực rỡ. Thấy vậy cậu bé vô cùng hoan hỷ, hướng Phật cung kính lễ bái, xong từ từ nhìn chăm chăm đức Thế Tôn mà không hề chớp mắt. Chỉ một lần thấy được Phật, tức trừ đi được trăm vạn ức kiếp các tội nặng sanh tử. Đồng tử này do nhờ duyên đã thọ Tam Quy và lễ bái đức Phật, rồi quán sát tướng hảo của đức Như Lai rất kỹ lưỡng, tâm không mệt mỏi, lười biếng, nhờ vậy mà có thể gặp được vô số các đức Phật. Đồng tử lúc bầy giờ chính là Văn Thù Sư Lợi tôi đây.” Sau khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói xong, đức Phật bảo A Nan rằng: “Con hãy nên ghi nhận, nhớ kỹ câu chuyện của Văn Thù Sư Lợi, đem phổ biến đến khắp các chúng sanh, chúng sanh trong đời tương lai, nếu như có người có thể nhất tâm lễ bái, có thể tâm thành niệm Phật, có thể tâm thành quán Phật, nên biết rằng người ấy có công đức ngang bằng với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.” Lại trong Văn Thù Phát Nguyện Kinh (文殊發願經) có nêu lên bài kệ phát nguyện phần lớn giống với bài kệ của Phổ Hiền Bồ Tát (普賢菩薩): “Nguyện con lúc mạng chung, diệt trừ các chướng ngại, mắt thấy A Di Đà, vãng sanh An Lạc Sát, sanh nơi nước Phật kia, trọn thành các nguyện lớn, A Di Đà Như Lai, trước mắt thọ ký con, trang nghiêm Phổ Hiền hạnh, đầy đủ Văn Thù nguyện, tận cùng kiếp tương lai, cứu cánh Bồ Tát hạnh.” Văn Thù, Phổ Hiền là hai vị Đại Thánh bổ tá cho đức Phật Tỳ Lô Giá Na (毘盧遮那) trên hội Hoa Nghiêm (華嚴). Hạnh nguyện độ sanh của hai vị Bồ Tát này đều lấy cơ sở của pháp môn Niệm Phật, lấy Tịnh Độ là nơi quy hướng cuối cùng. Đặc biệt trong Phóng Bát Kinh (放缽經), đức Phật có đề cao vai trò của Văn Thù Sư Lợi rằng: “Nay ta thành Phật, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần tôn quý, độ thoát mười phương hết thảy chúng sanh, thảy đều nhờ ơn của Văn Thù Sư Lợi; Văn Thù Sư Lợi chính là thầy của ta. Vô lượng vô số chư Phật trong quá khứ đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi, tương lai thành Phật cũng nhờ oai thần thế lực của vị ấy; ví như trên đời con nhỏ có cha mẹ, Văn Thù là cha mẹ trong Phật đạo.” Văn Thù Sư Lợi là hóa thân của trí tuệ, nên thường được gọi là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (大智文殊師利菩薩). Bồ Tát Văn Thù thường được gọi là Tam Thế Giác Mẫu (三世覺母, mẹ giác ngộ của ba đời). Danh hiệu Long Chủng Thượng Tôn Vương Như Lai (龍種上尊王如來), hay Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh (首楞嚴三昧經) là Bồ Tát Văn Thù. Hay như danh hiệu Phổ Minh Phật (普明佛) trong Bát Thập Bát Phật Hồng Danh Bảo Sám cũng là Bồ Tát Văn Thù. Trong các kinh điển thường gọi Bồ Tát Văn Thù là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (s: Mañjuśriyā Kumārabhūtena, 文殊師利法王子), có nghĩa rằng tất cả Bồ Tát đều gọi là con của đức Như Lai Pháp Vương. Kinh điển thường nêu Bồ Tát Văn Thù là Pháp Vương Tử là vì ngài là vị đệ tử thượng thủ trong hàng Bồ Tát, được xem như cánh tay phải bên cạnh Đức Phật. Trưởng Lão Xá Lợi Phất là Trí Tuệ Đệ Nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn, còn Văn Thù Sư Lợi là Trí Tuệ Đệ Nhất trong hàng Bồ Tát Đại Thừa. Nhân trong quyển 80 của Hoa Nghiêm Kinh có câu: “Tại phương Đông Bắc có ngọn núi tên Thanh Lương Sơn (清涼山); từ xưa đến nay, các chúng Bồ Tát đều dừng chân trú tại núi đó, hiện có Bồ Tát tên Văn Thù Sư Lợi, cùng với quyến thuộc, các vị Bồ Tát một vạn người, thường trong núi ấy, tuyên diễn thuyết pháp.” Cho nên, Ngũ Đài Sơn (五台山, còn gọi là Thanh Lương Sơn) ở Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc được công nhận là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, trở thành một trong 4 ngọn núi danh tiếng. Nga Mi Sơn (峨嵋山) là thánh địa của Phổ Hiền Bồ Tát (普賢菩薩). Phổ Đà Sơn (普陀山) là thánh địa của Quan Thế Âm Bồ Tát. Cửu Hoa Sơn (九華山) là thánh địa của Địa Tạng Vương Bồ Tát (地藏王菩薩).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập