Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Tồn Ứng »»
(檀林, danrin): nguyên lai, nó là từ gọi tắt của Chiên Đàn Lâm (旃檀林), nơi chúng tăng hòa hợp, tập trung tu hành; thường chỉ cho tự viện; cho nên nó cũng là tên gọi khác của tự viện Phật Giáo. Về sau, nó trở thành cơ sở học vấn của Phật Giáo, vì tính chất cũng như cơ năng của nó giống như Học Lâm (學林), Học Liêu (學寮). Tại Nhật Bản, Đàn Lâm Viện (檀林院) được xây dựng vào năm thứ 3 (853) niên hiệu Nhân Thọ (仁壽) được xem như là tiền thân đầu tiên của Đàn Lâm. Đến thời đại Đức Xuyên (德川, Tokugawa), các tông phái bắt đầu thiết kế những cơ sở học vấn Đàn Lâm và Quan Đông Thập Bát Đàn Lâm (關東十八檀林, 18 cơ sở học vấn Đàn Lâm ở vùng Quan Đông) là tiêu biểu, nổi tiếng nhất. Riêng Tào Động Tông, trong khuôn viên của Cát Tường Tự (吉祥寺, Kichijō-ji) ở Giang Hộ (江戸, Edo) có Chiên Đàn Lâm với rất nhiều tăng chúng đến tham học. Tương truyền đến năm thứ 3 (1774) niên hiệu Khoan Vĩnh (寬永), nơi đây có đến 641 người. Khoảng vào năm đầu (1624) niên hiệu Khoan Vĩnh, Quan Đông Thập Bát Đàn Lâm được thành lập, nhưng người hình thành hệ thống là Nguyên Dự Tồn Ứng (源譽存應, Genyō Zonō, 1544-1620), vị tổ đời thứ 12 của Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji). Đây là 18 ngôi tự viện có cơ cấu giáo dục cho tăng sĩ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, gồm:
(1) Quang Minh Tự (光明寺, Kōmyō-ji) ở vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura, thuộc Kanagawa-ken [神奈川縣]);
(2) Thắng Nguyện Tự (勝願寺, Shōgan-ji) ở Hồng Sào (鴻巢, Konosu, thuộc Saitama-ken [埼玉縣]);
(3) Thường Phước Tự (常福寺, Jōfuku-ji) ở Qua Liên (瓜連, Urizura, thuộc Ibaraki-ken [茨城縣]);
(4) Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji) ở Đông Kinh (東京, Tokyo);
(5) Hoằng Kinh Tự (弘經寺, Gukyō-ji) ở Phạn Chiểu (飯沼, Iinuma, thuộc Ibaraki-ken);
(6) Đông Tiệm Tự (東漸寺, Tōzen-ji) ở Tùng Hộ (松戸, Maddo, thuộc Chiba-ken [千葉縣]);
(7) Đại Nham Tự (大巖寺, Daigan-ji) ở Thiên Diệp (千葉, Chiba, thuộc Chiba-ken);
(8) Liên Hinh Tự (蓮馨寺, Renkei-ji) ở Xuyên Việt (川越, Kawagoe, thuộc Saitama-ken);
(9) Đại Thiện Tự (大善寺, Daizen-ji) ở Bát Vương Tử (八王子, Hachiōji, thuộc Tokyo);
(10) Tịnh Quốc Tự (淨國寺, Jōkoku-ji) ở Nham Quy (岩槻, Iwatsuki, thuộc Saitama-ken);
(11) Đại Niệm Tự (大念寺, Dainen-ji) ở Đạo Phu (稻敷, Inashiki, thuộc Ibaraki-ken);
(12) Thiện Đạo Tự (善導寺, Zendō-ji) ở Quán Lâm (館林, Tatebayashi, thuộc Gunma-ken [群馬縣]);
(13) Hoằng Kinh Tự (弘經寺, Gukyō-ji) ở Thường Tổng (常總, Jōsō, thuộc Ibaraki-ken);
(14) Linh Sơn Tự (靈山寺, Reizan-ji) ở Mặc Điền (墨田, Sumida, thuộc Tokyo);
(15) Phan Tùy Viện (幡隨院, Banzui-in) ở Tiểu Kim Tỉnh (小金井, Koganei, thuộc Tokyo);
(16) Truyền Thông Viện (傳通院, Denzū-in) ở Văn Kinh (文京, Bunkyō, thuộc Tokyo);
(17) Đại Quang Viện (大光院, Daikō-in) ở Thái Đa (太田, Ōta, thuộc Gunma-ken);
(18) Linh Nham Tự (靈巖寺, Reigan-ji) ở Thâm Xuyên (深川, Fukagawa, thuộc Tokyo).
Trong Khổng Tước Tôn Kinh Khoa Nghi (孔雀尊經科儀) có câu: “Chiên Đàn Lâm nội lục thù giá trọng ư Ta Bà, Cấp Cô Viên trung nhất chú thông tân ư Linh Thứu, cổ chế bàn toàn thanh thoại khí, ngọc lô liêu nhiễu bích tường vân, ngã kim nhiệt xử hiến Như Lai, duy nguyện từ bi ai nạp thọ (旃檀林內六銖價重於娑婆、給孤園中一炷通津於靈鷲、古晢盤旋清瑞氣、玉爐繚遶碧祥雲、我今熱處獻如來、唯願慈悲哀納受, trong Chiên Đàn Lâm sáu cây giá nặng bằng Ta Bà, nơi Vườn Cấp Cô một nén hương xông tận Linh Thứu, sao xưa xoay chuyển trong lành khí, lò ngọc tỏa vờn mây xanh thiêng, con nay đốt lên cúng Như Lai, cúi mong từ bi thương lãnh thọ).” Hay trong Chứng Đạo Ca (證道歌) của Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713) cũng có câu: “Chiên Đàn Lâm vô tạp thọ, uất mật sum trầm sư tử trú, cảnh tĩnh lâm nhàn độc tự du, tẩu thú phi cầm giai viễn khứ (旃檀林無雜樹、鬱密森沉師子住、境靜林間獨自遊、走獸飛禽皆遠去, Chiên Đàn Lâm chẳng cây tạp, rừng rậm thâm u sư tử sống, cảnh vắng non nhàn mặc ngao du, thú chạy chim bay đều xa lánh).”
(增上寺, Zōjō-ji): ngôi chùa trung tâm của Phái Trấn Tây (鎭西派) thuộc Tịnh Độ Tông, hiện tọa lạc tại Shibakōen (芝公園), Minato-ku (港區), Kyōto-to (東京都); hiệu núi là Tam Duyên Sơn (三緣山); tên chính thức là Tam Duyên Sơn Quảng Độ Viện Tăng Thượng Tự (三緣山廣度院增上寺), là ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô Kyoto. Tượng thờ chính là A Di Đà Như Lai. Về vấn đề khai sáng của chùa, hiện vẫn còn nhiều điểm chưa rõ lắm, nhưng theo truyền ký thì chùa chính là hậu thân của Quang Minh Tự (光明寺) ở Thôn Bối Trũng (貝塚村); và người ta cho rằng Tông Duệ (宗睿) là người khai sơn ra chùa này. Theo như cuốn Ngọc Chi Lộ (玉枝露) của Kinh Lịch Hòa Thượng (經歷和尚), chùa này xưa kia vốn là tự viện của Chơn Ngôn Tông, là nơi thường dừng chân của Tướng Quân Túc Lợi Tôn Thị (足利尊氏, Ashikaga Takauji). Theo ký lục của chùa, điều rõ ràng nhất đó là bắt đầu từ thời của Nguyên Dự (源譽), vị Tổ đời thứ 7 kể từ Tây Dự (西譽) trở đi. Vào năm 1590, khi Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) vào thành Giang Hộ thì cùng lúc đó đến tham bái Tăng Thượng Tự này, ông được Tồn Ứng Thượng Nhân (存應上人) chỉ cho pháp môn Thập Niệm. Từ đó mối quan hệ giữa chùa này với dòng họ tướng quân càng khắng khít, và đó cũng là đích điểm xuất phát sự phát triển của chùa này. Thế lực cũng như tài lực của chùa trong thời kỳ này có thể nói là rất mạnh và phong phú. Qua sự hưng thạnh của chùa này mà các tự viện trên toàn quốc cũng dần dần đặt nặng đến thế lực chính trị. Vào trong khoảng niên hiệu Nguyên Lộc (元祿, 1688-1704), vâng mệnh của chính quyền Mạc Phủ vị Quán Thủ của chùa thì được bổ nhiệm là chức Đại Tăng Chánh. Điều này đã làm cho ngôi chùa Tổng Bản Sơn Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in) ở Kyoto rất khó xử, vì lẽ đó mà thỉnh thoảng xảy ra những cuộc tranh chấp về chức vị. Ngôi chùa Tăng Thượng Tự này đã cùng với cấu trúc của Thành Giang Hộ, được dời về vị trí hiện tại, và trở thành một điểm trọng yếu trong Nội Phủ Thành Giang Hộ vậy. Chủ yếu ngôi chùa này đã phát triển rực rỡ nhờ mối quan hệ mật thiết với chính quyền Mạc Phủ của dòng họ Đức Xuyên (德川, Tokugawa), và được sự ngoại hộ phong phú của chính quyền Mạc Phủ cũng như Hoàng Thất. Nhưng đến cuối thời Minh Trị Duy Tân (明治維新, 1868) thì quyền lực ấy dần dần yếu hẳn đi, rồi trong khuôn viên chùa có 48 ngôi chùa con cũng từ từ sát nhập lại với nhau, và đến thời kỳ Chiêu Hòa (昭和, Shōwa) thì chỉ còn đếm được 20 ngôi chùa con mà thôi. Thời đại thay đổi và khuôn viên trong chùa cũng có những biến chuyển, trong chùa hiện tại có công viên, trường học, sở hành chính, vì thế hình dáng ngày xưa của chùa không còn được nguyên vẹn nữa.
(勝虞, Shōgu, 732-811): tức Thắng Ngộ (勝悟, Shōgo), vị tăng của Pháp Tướng Tông Nhật Bản, sống dưới hai thời đại Nại Lương và Bình An, húy Thắng Ngộ (勝悟) hay Thắng Ngu (勝虞), xuất thân vùng A Ba (阿波, Awa, thuộc Tokushima-ken [德島縣]), họ Phàm Trực (凡直). Ông theo học Pháp Tướng và Duy Thức với Hành Cơ (行基, Gyōki), rồi theo hầu Tôn Ứng (尊應, Sonō) ở Nguyên Hưng Tự (元興寺, Gankō-ji) và rất tinh thông về Nhân Minh Học. Năm 793, trong lễ hội cúng dường tại Văn Thù Đường (文殊堂) trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), ông làm đạo sư rãi hoa. Đến năm 797, ông làm Luật Sư, trú tại Nguyên Hưng Tự. Vào năm 805, trong khi Hoàn Võ Thiên Hoàng (桓武天皇, Kammu Tennō) bị bệnh nặng, ông thuyết pháp cho nhà vua nghe, tương truyền nhà vua giác ngộ và từ đó trở đi phát nguyên không đi săn bắn nữa. Năm sau, ông được thăng chức Đại Tăng Đô. Môn đệ của ông có Hộ Mạng (護命, Gomyō), Từ Bảo (慈寳, Jihō), Thái Diễn (泰演, Taien), v.v.
(淨土宗, Jōdo-shū): tông phái tin vào bản nguyện của đức Phật A Di Đà (s: Amitābha, 阿彌陀佛), và tuyên thuyết rằng nhờ xưng danh hiệu của đức Phật ấy mà tất cả chúng sanh đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tịnh Độ (極樂淨土). Vị tông tổ là Pháp Nhiên Phòng Nguyên Không (法然房源空, Hōnenbō Genkū). Tổng Bản Sơn (ngôi chùa tổ) của tông phái này là Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in), hiện tọa lạc tại Higashiyama-ku (東山區), Kyōto-shi (京都市). Vào tháng 3 năm đầu (1175) niên hiệu An Nguyên (安元), khi đang tu hành trên Tỷ Duệ Sơn (比叡山, Hieizan), Nguyên Không nhân đọc được bản Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ (觀無量壽經疏) của Thiện Đạo (善導), có được niềm tin sâu xa, nên ông quay về với pháp môn Chuyên Tu Niệm Phật. Sau đó, ông hạ sơn, chuyển đến Tây Sơn Quảng Cốc (西山廣谷), nhưng không bao lâu sau lại dời về vùng Cát Thủy (吉水, Yoshimuzu), Lạc Đông (洛東, Rakutō) và chuyên tâm bố giáo tại đây. Đến năm thứ 9 (1198) niên hiệu Kiến Cửu (建久), ông soạn bộ Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập (選擇本願念佛集) để thể hiện lập trường cứu độ kẻ phàm phu, lấy 3 bộ Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經), A Di Đà Kinh (阿彌陀經) cũng như Vãng Sanh Luận (徃生論) của Thế Thân (s: Vasubandhu, 世親) làm kinh luận y cứ cho tông phái, và chọn việc an tâm, khởi hành, tác nghiệp làm phương pháp tu hành. Tư tưởng của ông đã tạo ảnh hưởng to lớn đối với xã hội đương thời. Đặc biệt, nó đã kích động các tông phái của Phật Giáo cũ, làm gia tăng số lượng người ủng hộ pháp môn Niệm Phật và tạo ác cảm không ít. Sự đàn áp từ sự kiện của Trú Liên (住蓮) cũng như An Lạc Phòng Tuân Tây (安樂房遵西) ngày càng trở nên mãnh liệt, dẫn đến đình chỉ Niệm Phật; vì vậy vào năm đầu (1207) niên hiệu Thừa Nguyên (承元), từ Nguyên Không trở xuống cho đến nhóm đệ tử Thân Loan (親鸞, Shinran) đều bị lưu đày (gọi là Pháp Nạn Thừa Nguyên); nhưng từ đó số lượng người ủng hộ như hàng võ sĩ, nông dân lại tăng lên cao hơn. Vào năm thứ 2 (1212) niên hiệu Kiến Lịch (建曆), khi Nguyên Không qua đời, vị môn hạ trưởng lão Pháp Liên Phòng Tín Không (法蓮房信空) lên kế thừa, muốn thống lãnh giáo đoàn, nên về mặt đối ngoại ông đã tạo sự luận tranh đối kháng với vị tổ của Trường Lạc Tự (長樂寺, Chōraku-ji) là Long Khoan (隆寬). Chính vì vậy, giáo đoàn gặp Pháp Nạn Gia Lộc (嘉祿法難), miếu thờ của Nguyên Không bị phá hoại, Long Khoan thì bị lưu đày đến địa phương Lục Áo (陸奥, Mutsu); nhưng kết quả việc này đã tạo sự khích lệ vô cùng to lớn cho sự phát triển Tịnh Độ Giáo ở vùng Quan Đông (關東, Kantō). Dòng phái của Long Khoan vốn chủ trương Đa Niệm Nghĩa (多念義) thì được nhóm Trí Khánh (智慶) thọ dung; riêng Hạnh Tây (幸西), người chủ trương Nhất Niệm Nghĩa (一念義), thì bị lưu đày đến Nhất Khi (壱岐), nhưng lại được nhóm Minh Tín (明信) ủng hộ. Dòng phái của Trường Tây (長西), người chủ trương Chư Hạnh Bổn Nguyện Nghĩa (諸行本願義) cũng hưng thạnh một thời, nhưng dần dần suy tàn. Mặt khác, vị tổ của môn đồ vùng Tử Dã (紫野, Murasakino) là Nguyên Trí (源智) lại khuyến khích triển khai hoạt động báo ân cho Nguyên Không, tạc bức tượng Phật A Di Đà (hiện an trí tại Ngọc Quế Tự [玉桂寺] thuộc Shiga-ken) để kết duyên với mọi người, nỗ lực phục hưng Tri Ân Viện và có được số lượng tín đồ khá đông. Bên cạnh đó, Chứng Không (証空), vị tổ của Tây Sơn Nghĩa (西山義), thì hoạt động dựa trên bối cảnh thế lực của Từ Viên (慈圓), làm cho Tịnh Độ Giáo thẩm thấu vào trong tầng lớp võ sĩ và quý tộc. Như vậy, sau khi Nguyên Không qua đời, giáo đoàn Chuyên Tu Niệm Phật đã phân hóa thành từng nhóm khác nhau và trở thành thời đại không thống nhất về mặt chính trị cũng như tổ chức giáo đoàn. Lương Trung (良忠), đệ tử của Biện Trường (辨長)—vị tổ của Trấn Tây Nghĩa (鎭西義) vốn hoạt động ở vùng Cửu Châu (九州, Kyūshū), đã đi qua vùng kinh đô Kyōto, Tín Nùng (信濃, Shinano), xuống Quan Đông (關東, Kantō), được cả dòng họ Thiên Diệp (千葉, Chiba) quy y theo và giáo hóa khắp các nơi; nhưng trở thành bất hòa từ vấn đề kinh tế tại đây nên ông tiến về vùng Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), được Đại Phật Triêu Trực (大佛朝直) quy y theo, sáng lập Ngộ Chơn Tự (悟眞寺) và xác lập cơ sở ở địa phương này. Ngay như tu sĩ của các tông phái khác cũng tín nhiệm ông, nên ông rất nổi tiếng; nhưng vì cao tuổi và để sửa đổi lại những điều không thống nhất trong giáo nghĩa Tịnh Độ Tông, ông xuống Kyōto và cùng hòa hợp với Tín Huệ (信慧), đệ tử của Nguyên Trí (源智). Từ đó, ông thống nhất với môn đồ vùng Tử Dã, tạo thành cứ địa cho Dòng Trấn Tây Chánh Thống. Sau khi Lương Trung qua đời, Lương Hiểu (良曉) của Bạch Kỳ Phái (白旗派), Tánh Tâm (性心, tức Tánh Chơn [性眞]) của Đằng Điền Phái (藤田派), Tôn Quán (尊觀) của Danh Việt Phái (名越派, cả ba được gọi là Ba Phái Quan Đông), Nhiên Không (然空) của Nhất Điều Phái (一條派), Đạo Quang (道光) của Tam Điều Phái (三條派), Từ Tâm (慈心) của Mộc Phan Phái (木幡派, cả ba được gọi là Ba Phái Kinh Đô) phân hóa rõ rệt, mỗi người tự nỗ lực mở rộng giáo tuyến cho giáo phái mình. Khi chủ trương này càng lúc càng mạnh mẽ, ba đời của Tịnh Độ Tông gồm Nguyên Không, Biện Trường, Lương Trung càng được xác định rõ và Dòng Trấn Tây trở thành dòng phái chính của Tịnh Độ Tông. Riêng cuộc luận tranh giữa Danh Việt Phái và Bạch Kỳ Phái vẫn tiếp diễn cho đến thời đại Minh Trị (明治, Meiji). Danh Việt Phái lấy Fukushima-ken (福島縣) làm cứ địa để mở rộng giáo tuyến ở vùng đông bắc, còn Bạch Kỳ Phái thì mở rộng bố giáo ở trung tâm vùng Quan Đông. Đặc biệt, đến thời đại Thất Đinh (室町, Muromachi), có vị học tăng Tây Liên Xã Liễu Dự Thánh Quynh (西蓮社了譽聖冋) xuất hiện, đưa ra thuyết Ngũ Trùng Tương Truyền (五重相傳) để hệ thống hóa lại toàn bộ huyết mạch cũng như giáo nghĩa và tạo quyền uy đối với các tông phái khác. Sau đó, đệ tử ông là Đại Liên Xã Tây Dự Thánh Thông (大蓮社西譽聖聰) đã sáng lập Tăng Thượng Tự (増上寺) để nuôi dưỡng nhân tài. Hành Liên Xã Đại Dự Khánh Trúc (行蓮社大譽慶竺), đệ tử của Thánh Thông, tiến về kinh đô Kyōto và trú tại Tri Ân Tự (知恩寺, Chion-ji). Nhóm đệ tử của Thông Liên Xã Thán Dự Lương Triệu (聰蓮社嘆譽良肇), người khai sáng Hoằng Kinh Tự (弘經寺) ở Phạn Chiểu (飯沼), tiến về địa phương Tam Hà (三河, Mikawa), sáng lập Đại Ân Tự (大恩寺, Daion-ji), Đại Thọ Tự (大樹寺, Daijū-ji), Tín Quang Minh Tự (信光明寺, Shinkōmyō-ji), lấy những nơi này làm bàn đạp tiến về kinh đô Kyōto; cuối cùng Bạch Kỳ Phái làm chủ thế lực chiếm cứ toàn bộ vùng này. Sau đó, Tri Ân Viện và Tri Ân Viện tranh giành ngôi vị chủ tôn. Tịnh Hoa Viện (淨華院), căn cứ địa của Dòng Nhất Điều, được sự hộ trì của dòng họ Vạn Lý Tiểu Lộ (萬里小路) và trở nên hưng thịnh, nhưng lại bị quý tộc hóa. Trong lúc đó, Lương Như (良如)—đệ tử của Kính Pháp (敬法)—cũng tận lực giáo hóa hàng thứ dân ở địa phương Việt Tiền (越前, Echizen), còn Long Nghiêu (隆堯)—đệ tử của Định Huyền (定玄)—thì giáo hóa tại vùng Cận Giang (近江, Ōmi) và mở rộng giáo tuyến của họ. Như vậy, Tịnh Độ Tông đã được tổ chức hóa về mặt giáo nghĩa, tại các địa phương đều hình thành cơ sở hoạt động, nhưng không thống nhất. Nhân vật tổng hợp thống nhất toàn bộ những thế lực phân tán như vậy là Trinh Liên Xã Nguyên Dự Tồn Ứng (貞蓮社源譽存應), người từng lấy quyền lực của Tướng Quân Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) làm thế lực. Tồn Ứng chế ra Chế Độ Đàn Lâm (檀林制度), dựa trên Pháp Độ Nguyên Hòa (元和法度, các pháp độ của Tịnh Độ Tông) để xác lập Chế Độ Bản Mạt (本末制度, chế độ chùa tổ chùa con) và lập ra giáo đoàn mang tính hữu cơ. Tuy nhiên, dần dần nảy sinh hiện tượng sa đọa, phóng túng và thế tục hóa trong giáo đoàn. Đến thời Trung Kỳ của thời đại Giang Hộ (江戸, Edo), lại xuất hiện những vị tăng xa lìa thế tục như Đàn Thệ (彈誓), Tồn Dịch (存易), cuộc vận động hành trì giới luật của nhóm Linh Đàm (靈潭) cũng bộc phát và đã đem lại tính cách cách tân cho giáo đoàn. Về mặt giáo học, có nhóm Lương Định (良定), Văn Hùng (文雄) xuất hiện, tạo sự chú tâm của mọi người, nhưng cuối cùng cũng không có ảnh hưởng nào. Khi chính phủ Duy Tân (維新) ra đời, giáo đoàn đã gặp phải làn sóng Phế Phật Hủy Thích. Chế Độ Tri Ân Viện Môn Tích (知恩院門跡制度) bị phế chỉ và phải chịu biết bao thử thách đồng dạng với các tông phái khác. Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của nhóm Phước Điền Hành Giới (福田行誡), giáo đoàn đã vượt qua thời kỳ hỗn loạn. Đến hậu bán thời đại Minh Trị (明治, Meiji), Tịnh Độ Tông đã xác lập thể chế với tư cách là giáo đoàn cận đại. Về mặt học vấn, có những học giả lãnh đạo giới Phật Giáo Học như Vọng Nguyệt Tín Hanh (望月信亨), Độ Biên Hải Húc (渡邊海旭) xuất hiện, đã tạo nên thời đại hoàng kim của Tịnh Độ Tông từ niên hiệu Đại Chánh (大正, Taishō, 1912-1926) đến Chiêu Hòa (昭和, Shōwa, 1926-1989). Ngoài ra, cuộc vận động tín ngưỡng bắt đầu dấy khởi như Cọng Sanh Hội (共生會) của Chuy Vĩ Biện Khuông (椎尾辨匡), Quang Minh Hội (光明會) của Sơn Khi Biện Vinh (山崎辨榮), v.v., tập trung sự quan tâm của đa số quần chúng. Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, phát sanh vấn đề độc lập phân phái trong Tịnh Độ Tông và cuối cùng vào năm thứ 36 (1961) niên hiệu Chiêu Hòa thì tông phái này đã thống nhất thành một thể. Hiện tại theo bản Tôn Giáo Niên Giám (宗敎年鑑, năm 1997) của Bộ Văn Hóa Nhật Bản, còn lại các phái như sau: Tịnh Độ Tông (淨土宗) có 7080 ngôi chùa, Tịnh Độ Tông Trấn Tây Thâm Thảo Phái (淨土宗鎭西深草派) có 283 ngôi chùa, Tịnh Độ Tông Tây Sơn Thiền Lâm Tự Phái (淨土宗西山禪林寺派) có 372 ngôi chùa, và Tây Sơn Tịnh Độ Tông (西山淨土宗) có 603 ngôi chùa. Một số ngôi tự viện trung tâm, nổi tiếng của tông phái này có Tri Ân Viện (知恩院, Chion-in, Kyōto-shi); Tăng Thượng Tự (增上寺, Zōjō-ji, Kyōto-to); Kim Giới Quang Minh Tự (金戒光明寺, Konkaikōmyō-ji, Kyōto-shi); Bách Vạn Biến Tri Ân Tự (百萬遍知恩寺, Hyakumanbenchion-ji, Kyōto-shi); Thanh Tịnh Hoa Viện (清淨華院, Shōjōkein, Kyōto-shi); Thiện Đạo Tự (善導寺, Zendō-ji, Fukuoka-ken); Quang Minh Tự (光明寺, Kōmyō-ji, Kanagawa-ken); Thiện Quang Tự (善光寺, Zenkō-ji, Nagano-ken); Thiền Lâm Tự (禪林寺, Zenrin-ji, Kyōto-shi); Thệ Nguyện Tự (誓願寺, Seigan-ji, Kyōto-shi), v.v.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập