Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Thất Phật »»
(迦惟衛): từ gọi tắt của Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛), âm dịch là Ca Duy La Duyệt (迦維羅閲), Ca Duy La Việt (迦維羅越), Ca Duy La Vệ (迦維羅衛), Ca Tỳ La Bà Tô Đô (迦毘羅婆蘇都), Ca Tỷ La Bà Tốt Đổ (迦比羅皤窣堵), Kiếp Tỷ La Phạt Tốt Đổ (劫比羅伐窣堵), Bà Đâu Thích Xí Sưu (婆兜釋翅搜), Ca Duy La (迦維羅), Ca Di La (迦夷羅), Ca Tỳ La (迦毘羅); ý dịch là Thương Thành (蒼城, thành màu xanh), Hoàng Xích Thành (黃赤城, thành màu vàng đỏ), Diệu Đức Thành (妙德城, thành có uy đức diệu kỳ), Hoàng Đầu Tiên Nhân Trú Xứ (黃頭仙人住處, chỗ ở của vị tiên nhân đầu vàng), Hoàng Phát Tiên Nhân Trú Xứ (黃髪仙人住處, chỗ ở của vị tiên nhân tóc vàng), v.v. Đây là tên của thành đô do dòng họ Thích Ca cai quản, hay tên một quốc gia. Tương truyền Ca Tỳ La Tiên Nhân (迦毘羅仙人), vị tổ của Phái Số Luận (s: Sāṅkhya, p: Saṅkhyā, 數論), đã từng sống tại thành đô này, nên có tên gọi như vậy. Hiện tại nó ở tại vùng Đề La Lạp Khấu Đặc (s: Tilorakoṭ, 提羅拉寇特) thuộc địa phương Ta-rai của vương quốc Nepal, là nơi đức Phật đản sanh. Quốc vương của thành này là vua Tịnh Phạn (s: Śuddhodana, p: Suddhodana, 淨飯), hoàng thân của đức Thích Ca; vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼), nơi đức Phật đản sanh, là biệt trang của nhà vua, nằm về phía Tây thành. Sau khi dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly (s: Virūḍhaka, 毘瑠璃) của nước Kiều Tát La (s: Kauśala, Kośalā, p: Kosala, 憍薩羅) thảm sát, thành Ca Tỳ La Vệ đi đến tình trạng suy vong, vùng đất này dần dần bị hoang phế. Khi cao tăng Pháp Hiển (法顯, 340?-?) nhà Tấn của Trung Quốc sang chiêm bái, thành quách nơi đây đã hoàn toàn lụi tàn và dân chúng chỉ còn lại mấy mươi người mà thôi. Đến khi Huyền Trang (玄奘, 602-664) thời nhà Đường sang Tây du, ông vẫn còn thấy các ngôi già lam, tháp và trụ đá lớn do A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) kiến lập nên. Trụ đá ấy được khai quật vào năm 1897. Trong Phật Quốc Ký (佛國記) của cao tăng Pháp Hiển (法顯, 340?-?) nhà Tấn có giải thích về Thành Ca Tỳ La Vệ rằng: “Tùng thử đông hành giảm nhất do diên, đáo Ca Duy La Vệ Thành, thành trung đô vô vương dân, thậm như khâu hoang, chỉ hữu chúng tăng dân hộ số thập gia nhi dĩ (從此東行減一由延、到迦維羅衛城、城中都無王民、甚如坵荒、只有眾僧民戶數十家而已, từ đây đi về hướng đông, chưa đầy một do tuần, đến Thành Ca Duy La Vệ, trong thành đều không có vua và dân, thậm chí như đất hoang, chỉ có chúng tăng, hộ dân vài chục nhà mà thôi).” Trong Thủy Kinh Chú (水經註), phần Hà Thủy (河水) của Lịch Đạo Nguyên (酈道元, 466 hay 472-527) nhà Bắc Ngụy (北魏, 386-534) có đoạn rằng: “Hằng thủy hựu đông nam, kinh Ca Duy La Vệ Thành bắc, cố Bạch Tịnh vương cung dã (恆水又東南、逕迦維羅衛城北、故白淨王宮也, sông Hằng lại chảy về hướng đông nam, đi thẳng về phía bắc Thành Ca Duy La Vệ, là vương cung của vua Tịnh Phạn).” Hay như trong Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh (七佛父母姓字經, Taishō No. 4) lại có câu: “Kim ngã tác Thích Ca Văn Ni Phật, phụ tự Duyệt Đầu Đàn Sát Lợi Vương, mẹ tự Ma Ha Ma Da, sở trị quốc danh Ca Duy La Vệ (今我作釋迦文尼佛、父字閱頭檀剎利王、母字摩訶摩耶、所治國名迦維羅衛, ta nay làm Thích Ca Văn Ni Phật, cha tên là Duyệt Đầu Đàn Sát Lợi Vương, mẹ là Ma Ha Ma Da, trị vì nước tên là Ca Duy La Vệ).”
(s: Krakucchanda-buddha, p: Kakusandha-buddha, 拘留孫佛): âm dịch là Câu Lưu Tôn (倶留孫), Ca La Cưu Tôn Đà (迦羅鳩孫陀), vị thứ 4 trong 7 vị Phật thời quá khứ, và còn là một trong ngàn vị Phật trong hiền kiếp. Trong Kinh Đại Bổn (大本經) của Trường A Hàm (Dīgha-nikāya, 長阿含) bản tiếng Pāli và Hán dịch, cũng như các bản dị dịch của Thất Phật Kinh (七佛經), Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh (七佛父母姓字經), v.v., có nêu rõ lúc ngài ra đời, tên dòng họ, cha mẹ, nơi xuất thân, vợ con, thành đạo dưới gốc cây gì, thi giả, đệ tử đầu tiên là ai, v.v. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, hình như ngài được xem như là vị Phật có thật trong thời quá khứ. Theo Pháp Hiển Truyện (法顯傳) trong Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記), quyển 6 Huyền Trang (玄奘), có di tích của thành đô ở phía Nam Thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛城), nơi ngài hạ sanh, cũng như một số các tháp khác. Trong đó, phía bên ngôi tháp an trí xá lợi của ngài có trụ đá cao 30 tấc hình đầu sư tử tương truyền do vua A Dục (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) kiến lập nên, tuy nhiên hiện tại di tích ấy vẫn chưa được phát hiện.
(s: Kanakamuni-buddha, p: Konāgamana-buddha, 拘那含牟尼佛): âm dịch là Ca Na Ca Mâu Ni (迦那迦牟尼), Yết Nặc Ca Mâu Ni (羯諾迦牟尼), ý dịch là Kim Tiên Nhân (金仙人) Kim Sắc Tiên (金色仙), Kim Tịch (金寂), vị thứ 5 trong 7 vị Phật thời quá khứ, và vị thứ 2 trong ngàn vị Phật thời hiền kiếp. Trong Kinh Đại Bản (大本經) của Trường A Hàm (Dīgha-nikāya, 長阿含) bản tiếng Pāli và Hán dịch, cũng như các bản dị dịch của Thất Phật Kinh (七佛經), Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh (七佛父母姓字經), v.v., có nêu rõ lúc ngài ra đời, tên dòng họ, cha mẹ, nơi xuất thân, vợ con, thành đạo dưới gốc cây gì, thi giả, đệ tử đầu tiên là ai, v.v. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, hình như ngài được xem như là vị Phật có thật trong thời quá khứ, và hình như có ngôi tháp an trí kim thân xá lợi của ngài. Theo Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記), quyển 6 của Huyền Trang (玄奘), ở vùng phụ cận của thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛城) có di chỉ thành đô nơi xuất thân của vị Phật này. Ở phía Bắc các tháp có tôn thờ di thân xá lợi của ngài, trước tháp có trụ đá với đầu sư tử phía trên và tương truyền trụ đá này do vua A Dục (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) dựng nên. Trên thực tế trụ đá này được phát hiện vào năm 1895 tại địa phương Nigāri Sāgar thuộc phía Bắc vườn Lâm Tỳ Ni (s, p: Lumbinī, 藍毘尼). Chung quanh trụ đá ấy có những dòng chữ của vua A Dục ghi rằng: “Vào năm thứ 14 sau khi tức vị, Thiên Ái Hỷ Kiến Vương (vua A Dục) đã kiến lập them ngôi tháp của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, đến năm thứ 20 sau khi tức vị, nhà vua tự thân hành đến cúng dường và cho dựng trụ đá”. Như vậy trụ đá có đầu hình con sư tử như Huyền Trang ghi trong trước tác của ông là hoàn toàn nhất trí.
(東海): có mấy nghĩa. (1) Tên biển, tùy theo thời đại mà tên gọi khác nhau. Đại để, dưới thời Tiền Tần (từ năm 221 ttl. trở về trước), phần lớn chỉ Hoàng Hải (黃海) hiện tại. Từ thời Tần (秦, 221-207 ttl.), Hán (漢, 202 ttl-220) trở về sau, phần lớn chỉ cho Hoàng Hải, Đông Hải hiện tại. Từ thời nhà Minh (明, 1368-1644) trở về sau, chỉ tương đương với Đông Hải hiện tại. Hải vực của Đông Hải ngày nay, từ phía Bắc đi về bờ Bắc cửa khẩu Trường Giang (長江), phía Nam lấy Đảo Nam Áo (南澳島) của Tỉnh Quảng Đông (廣東省) đến Tỉnh Đài Loan (台灣省) làm ranh giới, phía Đông đến quần đảo Lưu Cầu (琉球) của Nhật Bản. (2) Chỉ chung cho biển lớn ở phương Đông. Như trong bài Thất Phát (七發) của Mai Thừa (枚乘, ?-140) nhà Hán có đoạn: “Bỉnh ý hồ Nam sơn, thông vọng hồ Đông hải, hồng động hề thương thiên, cực lự hồ nhai sĩ (秉意乎南山、通望乎東海、虹洞兮蒼天、極慮乎崖涘, vững ý ôi núi Nam, nhìn thoáng ôi biển Đông, cầu vồng chừ trời xanh, tận ý ôi bờ vực).” Hay trong tác phẩm Tây Thục Mộng (西蜀夢) của Quan Hán Khanh (關漢卿, khoảng 1220-1300) nhà Nguyên có câu: “Lai thời tiết ngọc thiềm xuất Đông hải, khứ thời tiết tàn nguyệt hạ Tây lâu (來時節玉蟾出東海、去時節殘月下西樓, thời tiết đến cóc ngọc hiện Đông biển, thời tiết đi trăng tàn xuống Tây lầu).” (3) Chỉ địa khu Tân Hải (濱海) của Trung Quốc. (4) Tên gọi chung của 4 Huyện lớn của Nhật là Aichi-ken (愛知縣, Huyện Ái Tri), Gifu-ken (岐阜縣, Huyện Kì Phụ), Mie-ken (三重縣, Huyện Tam Trọng) và Shizuoka-ken (靜岡縣, Huyện Tĩnh Cương).
(s: Bhaiṣajyaguru, 藥師): nói rõ là Dược Sư Lưu Ly Quang (s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabha, 藥師瑠璃光), Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (藥師琉璃光王佛), Dược Sư Như Lai (藥師如來), Đại Y Vương Phật (大醫王佛), Y Vương Thiện Thệ (醫王善誓), Thập Nhị Nguyện Vương (十二願王), âm dịch là Bệ Sát Xã Lũ Lô (鞞殺社窶嚕). Theo Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabhāsapūryapraṇidhāna, 藥師瑠璃光如來本願功德經, Taishō No. 450), ngoài 10 hằng hà sa Phật độ có thế giới gọi là Tịnh Lưu Ly (淨瑠璃) và giáo chủ của thế giới đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thế giới này được gọi là cõi Tịnh Độ ở phương Đông, cũng trang nghiêm như cõi nước Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂). Trong thời gian hành Bồ Tát đạo, vị Phật này có phát 12 lời nguyện lớn và nhờ lời nguyện này mà hiện tại ngài thành Phật ở thế giới Tịnh Lưu Ly, có hai vị Bồ Tát Nhật Quang (s: Sūryaprabha, 日光) và Nguyệt Quang (s: Candraprabha, 月光) thường xuyên hộ trì hai bên. Thệ nguyện của đức Phật này không thể nghĩ bàn và sự linh nghiệm của Ngài cũng rất rộng lớn. Nếu có người thân mạng bệnh nặng, hiện tướng sắp chết, bà con quyến thuộc của người ấy tận tâm, chí thành cúng dường, lễ bái Phật Dược Sư, đọc tụng Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh 49 biến, thắp 49 ngọn đèn, tạo tràng phan 5 sắc màu của 49 cõi trời, thì người sắp lâm chung ấy sẽ được sống lại và kéo dài sinh mạng thêm. Cho nên, tín ngưỡng Phật Dược Sư đã thịnh hành từ xa xưa. Về hình tượng của Ngài, theo Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh Niệm Tụng Nghi Quỹ Cúng Dường Pháp (藥師琉璃光王七佛本願功德經念誦儀軌供養法, Taishō No. 926) cho biết rằng tay trái Ngài cầm dược khí (còn gọi là Vô Giá Châu [無價珠]), tay phải kết Tam Giới Ấn (三界印), mặc áo Ca Sa (s: kaṣāya, kāṣāya, p: kāsāya, kāsāva, 袈裟), ngồi kiết già trên đài hoa sen và dưới đài có 12 vị thần tướng. Các vị thần tướng này thệ nguyện hộ trì pháp môn Dược Sư, mỗi vị thống lãnh 7.000 quyến thuộc Dược Xoa (藥叉), tại các nơi hộ trì cho chúng sanh nào thọ trì danh hiệu Phật Dược Sư. Bên cạnh đó, hình tượng được lưu truyền phổ biến nhất về đức Phật này là hình có mái tóc xoăn hình trôn ốc, tay trái cầm bình thuốc, tay phải bắt Thí Vô Úy Ấn (施無畏印, hay Dữ Nguyện Ấn [與願印]); có 2 Bồ Tát Nhật Quang Biến Chiếu (日光遍照) và Nguyệt Quang Biến Chiếu (月光遍照) hầu hai bên, được gọi là Dược Sư Tam Tôn (藥師三尊). Hai vị Bồ Tát này là thượng thủ trong vô lượng chúng ở cõi Tịnh Độ của Phật Dược Sư. Ngoài ra còn có 8 Bồ Tát khác hầu cận bên Ngài như Văn Thù Sư Lợi (s: Mañjuśrī, 文殊師利), Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音), Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至), Bảo Đàn Hoa (寶壇華), Vô Tận Ý (無盡意), Dược Vương (s: Bhaiṣajyarāja, 藥王), Dược Thượng (s: Bhaiṣajyasamudgata, 藥上), Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒). Theo Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光七佛本願功德經, Taishō No. 451) do Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) nhà Đường dịch có nêu tên 7 vị Phật Dược Sư, gồm: Thiện Xưng Danh Cát Tường Vương Như Lai (善稱名吉祥王如來), Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai (寶月智嚴光音自在王如來), Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai (金色寶光妙行成就如來), Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai (無憂最勝吉祥如來), Pháp Hải Lôi Âm Như Lai (法海雷音如來), Pháp Hải Tuệ Du Hý Thần Thông Như Lai (法海慧遊戲神通如來) và Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (藥師琉璃光如來). Trong số đó, 6 vị đầu là phân thân của Dược Sư Như Lai. Đức Phật này cùng với Thích Ca Mâu Ni Như Lai (釋迦牟尼佛), A Di Đà Phật (阿彌陀佛) được gọi là Hoành Tam Thế Phật (橫三世佛), hay Tam Bảo Phật (三寶佛). Trong Phật Giáo, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật ở phương Đông và A Di Đà Phật ở phương Tây được xem như là hai đấng tối cao giải quyết vấn đề sanh và tử của chúng sanh.
(s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabhāsapūryapraṇidhāna, 藥師瑠璃光如來本願功德經): 1 quyển, được thâu lục vào Taishō Vol. 48, No. 450, do Đại Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (大唐三藏法師玄奘, 602-664) dịch, gọi tắt là Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師如來本願功德經), Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師本願功德經), Dược Sư Kinh (藥師經). Bản Hán dịch của kinh này có 5 loại: (1) bản do Bạch Thi Lê Mật Đa La (帛尸梨多羅) nhà Đông Tấn dịch (317~322); (2) bản do Huệ Giản (慧簡) nhà Lưu Tống dịch (457); (3) bản do Đạt Ma Cấp Đa (達磨笈多) nhà Tùy dịch (615); (4) bản do Huyền Trang nhà Đường dịch (650); và (5) bản do Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) nhà Đường dịch (707). Ba bản đầu cường điệu về công đức của Phật Dược Sư, được gọi là Dược Sư Tùy Nguyện Kinh (藥師隨願經). Bản của Nghĩa Tịnh dịch là Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光七佛本願功德經, Taishō No. 451), hay Thất Phật Dược Sư Kinh (七佛藥師經), nói rõ về bản nguyện cũng như Đà La Ni (陀羅尼) của 7 vị Phật. Bản do Huyền Trang dịch là thông hành nhất, có đủ tính chất Mật Giáo, có đặc sắc thuyết về tư tưởng lợi ích hiện thế và vãng sanh Tịnh Độ. Bản dịch Kinh Dược Sư bằng tiếng Tây Tạng có 2 loại, trong đó có bản tương đương với bản hiện hành là Bcom-ldaṃ ḥdás sman-gyi bla vaiḍūryaḥi hod-kyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khyad-par rgyas-pa. Bản tương đương với bản của Nghĩa Tịnh dịch là De-bshin-gśegs-pa bdun-gyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khya-par rgyas-pa. Bản chú sớ về kinh này có Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Nghĩa Sớ (藥師本願功德義疏) 3 quyển của Thật Quán (實觀), cũng như Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh Sớ (藥師本願功德經疏) của Khuy Cơ (窺基, 632-682), Tĩnh Mại (靖邁), Thần Thái (神泰), Độn Luân (遁倫), Cảnh Hưng (憬興), v.v., mỗi vị viết 1 quyển; cọng thêm Dược Sư Bổn Nguyện Kinh Cổ Tích (藥師本願古迹) 2 quyển của Thái Hiền (太賢).
(s: danta-kāṣṭha, p: danta-kaṭṭha, danta-poṇa, 楊枝): âm dịch là Đạn Đa Gia Sắt Sá (憚哆家瑟詑), Thiền Đa Ni Sắt Sáp (禪多抳瑟插); còn gọi là xỉ mộc (齒木), tức là mảnh cây nhỏ dùng để mài răng cạo lưỡi cho sạch; là một trong 18 vật cần dùng cho vị Tỳ Kheo do Phật chế ra. Như trong Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện (南海寄歸內法傳, Taishō Vol. 54, No. 2125) quyển 1, phần Bát Triêu Tước Xỉ Mộc (八朝嚼齒木), giải thích rõ rằng: “Mỗi nhật đán triêu tu tước xỉ mộc, giai xỉ, quát thiệt, vụ linh như pháp, quán thấu thanh tịnh, phương hành kính lễ (每日旦朝須嚼齒木、揩齒、刮舌、務令如法、盥漱清淨、方行敬禮, mỗi ngày vào sáng sớm nên nhai cây xỉa răng, chùi răng, cạo lưỡi, làm việc như pháp, rửa tay súc miệng sạch sẽ, mới hành kính lễ).” Tại Ấn Độ, các nước phía Tây, khi mời người thế tục, trước tặng cho cây xỉa răng và nước hương, v.v., để chúc cho người đó được sức khỏe, thể hiện ý thỉnh cầu. Ngay như cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát cũng dùng nhành dương chi và nước trong sạch, được gọi là Pháp Thỉnh Quán Âm (請觀音法) hay Pháp Dương Chi Tịnh Thủy (楊枝淨水法). Như trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 60, phần Thỉnh Quan Thế Âm Đại Thế Chí Bồ Tát Chú Pháp (請觀世音大勢至菩薩咒法), có câu: “Thỉnh thập phương Thất Phật Quan Âm Đại Thế Chí Bồ Tát đẳng, ngã kim dĩ cụ dương chi tịnh thủy, duy nguyện đại từ ai mẫn nhiếp thọ (請十方七佛觀音大勢至菩薩等、我今已具楊枝淨水、惟願大慈哀愍攝受, thỉnh mười phương bảy vị Phật, Quan Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát, v.v., con nay đã đầy đủ nhành dương nước sạch, xin nguyện từ bi thương xót nhiếp thọ).” Pháp Uyển Châu Lâm quyển 61 còn cho biết rằng Phật Đồ Trừng (佛圖澄, 232-348), cao tăng Thiên Trúc, là người có đức độ lớn, Thạch Lặc (石勒, 274-333)—vua nhà Hậu Triệu, nghe tiếng bèn cho mời vào cung nội. Nhân con nhà vua bị bệnh chết, Phật Đồ Trừng lấy nhà dương thấm nước rưới lên, người ấy sống lại. Cho nên, người ta thường dùng nhành dương liễu và nước trong sạch để làm thanh tịnh các đàn tràng cầu nguyện cầu an, cầu siêu, Chẩn Tế Âm Linh Cô Hồn, v.v. Trong Từ Bi Dược Sư Bảo Sám (慈悲藥師寶懺, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1484) quyển 1 có bài tán Dương Chi Tịnh Thủy như sau: “Dương chi tịnh thủy, biến sái tam thiên, tánh không Bát Đức lợi nhân thiên, phước tuệ quảng tăng diên, diệt tội trừ khiên, hỏa diệm hóa hồng liên (楊枝淨水、遍洒三千、性空八德利人天、福慧廣增延、滅罪除愆、火燄化紅蓮, nhành dương nước tịnh, rưới khắp ba ngàn, tánh không Tám Đức lợi người trời, phước tuệ rộng tăng thêm, diệt tội oan khiên, lửa rực hóa hồng sen).” Về loại cây xỉa răng, Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu (毗尼日用切要, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1115) có nêu ra 4 loại có thể dùng làm cây xỉa răng là Bạch Dương (白楊), Thanh Dương (青楊), Xích Dương (赤楊) và Hoàng Dương (黃楊). Hơn nữa, không chỉ riêng loại Dương Liễu mới có thể làm cây xỉa răng, mà tất cả các loại cây đều có thể dùng được. Trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu còn giới thiệu bài kệ Thủ Dương Chi (取楊枝, Cầm Nhành Dương Liễu [Tăm Xỉa Răng]) là: “Thủ chấp dương chi, đương nguyện chúng sanh, giai đắc diệu pháp, cứu cánh thanh tịnh (手執楊枝、當願眾生、皆得妙法、究竟清淨, tay cầm nhành dương, nguyện cho chúng sanh, đều được pháp mầu, rốt ráo thanh tịnh)”; và bài Tước Dương Chi (嚼楊枝, Xỉa Răng): “Tước dương chi thời, đương nguyện chúng sanh, kỳ tâm điều tịnh, phệ chư phiền não (嚼楊枝時、當願眾生、其心調淨、噬諸煩惱, khi đang xỉa răng, nguyện cho chúng sanh, tâm được trong sạch, hết các phiền não).” Tỳ Ni Chỉ Trì Hội Tập (毗尼止持會集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 39, No. 709) quyển 16 còn cho biết một số nguyên tắc khi xỉa răng như: “Bất đắc tại Phật tháp hạ tước dương chi (不得在佛塔下嚼楊枝, không được xỉa răng dưới tháp Phật)”, “bất đắc hướng Phật tháp tước dương chi (不得向佛塔嚼楊枝, không được hướng về tháp Phật mà xỉa răng)”, “bất đắc Phật tháp tứ biên tước dương chi (不得佛塔四邊嚼楊枝, không được xỉa răng ở bốn phía của tháp Phật)”, v.v.
(橫死): còn gọi là Phi Thời Tử (非時死), Bất Lự Tử (不慮死), Sự Cố Tử (事故死); chỉ cho những người chết không phải do vì nhân nghiệp quả của đời trước, mà do vì tai họa bất ngờ. Hoạnh tử có 9 loại: (1) Có bệnh nhưng không thầy thuốc mà chết; (2) Bị chém chết do phép vua; (3) Chết do loài không phải người đoạt mất tinh khí; (4) Bị chết do lửa thiêu cháy; (5) Bị chết đuối; (6) Chết do bị ác thú ăn; (7) Chết do bị rớt xuống vực thẳm; (8) Chết do bị thuốc độc, bùa chú thư yểm; (9) Chết do bị đói khát. Trong Tống Thư (宋書), phần Liễu Nguyên Cảnh Truyện (柳元景傳), có đoạn: “Thế Tổ băng, Nghĩa Cung, Nguyên Cảnh đẳng tinh tương vị viết: 'Kim nhật thỉ miễn hoạnh tử' (世祖崩、義恭、元景等幷相謂曰、今日始免橫死, vua Thế Tổ băng hà, Nghĩa Cung, Nguyên Cảnh, v.v., cùng bảo rằng: 'Hôm nay bắt đầu khỏi hoạnh tử rồi !').” Trong Thập Nhị Phẩm Sanh Tử Kinh (十二品生死經, Taishō Vol. 17, No. 753), đức Phật có thuyết về 12 trường hợp chết, trong đó có hoạnh tử. Trong Hư Không Tạng Bồ Tát Vấn Thất Phật Đà La Ni Chú Kinh (虛空藏菩薩問七佛陀羅尼咒經, Taishō Vol. 21, No. 1333) thì dạy rằng: “Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân thọ trì thử chú giả, nhược độc nhược tụng, nhược phục hữu nhân suy mịch thử chú giả, nhược nhạo thính văn giả, thị nhân bất vi nhất thiết đao trượng sở hại, bất vi nhất thiết thủy nịch, bất vi nhất thiết khổ hoạn sở trì, bất thọ nhất thiết hoạnh tử (若有善男子善女人受持此咒者、若讀若誦、若復有人推覓此咒者、若樂聽聞者、是人不爲一切刀仗所害、不爲一切水溺、不爲一切苦患所持、不受一切橫死, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chú này, hoặc đọc hoặc tụng, nếu lại có người tìm tòi chú này, nếu thích lắng nghe, người ấy không bị tất cả đao gậy xâm hại, không bị tất cả chết đuối, không bị tất cả hoạnh tử).” Hay trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Thắng Hội Tu Trai Nghi Quỹ (法界聖凡水陸勝會修齋儀軌, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1497) quyển 3 lại có câu thỉnh rằng: “Nhất tâm phụng thỉnh, thập phương pháp giới Diệm Khẩu quỷ vương, Tam Phẩm Cửu Loại chư ngạ quỷ chúng, hoạnh tử cô hồn, tinh chư quyến thuộc (一心奉請、十方法界燄口鬼王、三品九類諸餓鬼眾、橫死孤魂、幷諸眷屬, một lòng phụng thỉnh mười phương pháp giới Diệm Khẩu [miệng bốc lửa] quỷ vương, ba phẩm chín loài các chúng ngạ quỷ, hoạnh tử cô hồn, cùng các quyến thuộc).”
(暮春): cuối Xuân, chấm dứt mùa Xuân. Như trong Tu Dược Sư Nghi Quỹ Bố Đàn Pháp (修藥師儀軌布壇法, Taishō Vol. 19, No. 928) có đoạn: “Nhất Phật xử thai nhật, hệ Kỷ Mùi Trọng Hạ thập ngũ nhật; nhị Phật giáng sanh nhật, hệ Canh Dần tứ nguyệt thất nhật; tam Phật xuất gia nhật, hệ Mậu Tý Mộ Xuân bát nhật; tứ Phật thành đạo nhật, hệ Giáp Ngọ tứ nguyệt thập ngũ nhật; ngũ Phật ư Lộc Uyển chuyển Tứ Đế Pháp Luân nhật, hệ thành đạo bổn niên Quý Hạ lục nguyệt tứ nhật; lục Phật tùng Đao Lợi Thiên hạ hoàn nhật, hệ Canh Tý Trọng Thu nhị thập nhị nhật; Thất Phật bát Niết Bàn nhật, hệ Canh Thìn tứ nguyệt thập ngũ nhật (一佛處胎日、係己未仲夏十五日、二佛降生日、係庚申四月七日、三佛出家日、係戊子暮春八日、四佛成道日、係甲午四月十五日、五佛於鹿苑轉四諦法輪日、係成道本年季夏六月四日、六佛從忉利天下還日、係庚子仲秋二十二日、七佛般涅槃日、係庚辰四月十五日, thứ nhất ngày đức Phật nhập vào thai đích xác là ngày rằm tháng 5 năm Kỷ Mùi; thứ hai ngày đức Phật giáng sanh đích xác là ngày mồng 7 tháng 4 năm Canh Dần; thứ ba ngày đức Phật xuất gia đích xác là ngày mồng 8 tháng 3 năm Mậu Tý; thứ tư ngày đức Phật thành đạo đích xác là ngày rằm tháng tư năm Giáp Ngọ; thứ năm ngày đức Phật chuyển Pháp Luân Tứ Đế đích xác là ngày mồng 4 tháng 6 cùng năm Ngài thành đạo; thứ sáu ngày đức Phật từ cung Trời Đao Lợi trở về đích xác là ngày 22 tháng 8 năm Canh Tý; thứ bảy ngày đức Phật nhập Niết Bàn đích xác là ngày rằm tháng 4 năm Canh Thìn).” Hay trong bài Bát Nhã Vô Tri (般若無知) của Kiến Trung Tĩnh Quốc Tục Đăng Lục (建中靖國續燈錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 78, No. 1556) quyển 30 có câu: “Bát Nhã hiệu Vô Tri, tương phùng thoại sở chi, khứ niên Sơ Hạ nguyệt, kim nhật Mộ Xuân thì, lâm thủy tinh thần kiện, đăng sơn khí lực suy, ân cần thoại tiêu tức, mi thượng cánh sanh mi (船若號無知、相逢話所之、去年初夏月、今日暮春時、臨水精神健、登山氣力衰、慇懃話消息、眉上更生眉, Bát Nhã hiệu Vô Tri, gặp nhau nói chuyện gì, năm ngoái tháng đầu Hạ, năm nay cuối xuân khi, đến nước tinh thần mạnh, lên non khí lực suy, ân cần thăm hỏi đủ, trên mi mọc lông mày).”
(s: karmāvaraṇa, 業障): còn gọi là nghiệp lụy (業累), là một trong 3 chướng, một trong 4 chướng; nghĩa là ác nghiệp do ba nghiệp thân, miệng và ý của chúng sanh tạo ra có thể gây chướng ngại chánh đạo, nên có tên gọi như vậy. Theo Bắc Bản Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển 11, A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (阿毘達磨大毘婆沙論, Taishō Vol. 27, No. 1545) quyển 115, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (阿毘達磨俱舍論, Taishō Vol. 29, No. 1558) quyển 17, v.v., trong các ác nghiệp, lấy 5 nghiệp Vô Gián làm nghiệp chướng, làm trở ngại lớn nhất đối với sự tu hành Thánh đạo. Đó là: (1) hại mẹ, (2) hại cha, (3) hại bậc A La Hán, (4) phá sự hòa hợp của tăng, (5) làm thân Phật chảy máu với ác tâm. Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (大方廣佛華嚴經, Taishō Vol. 10, No. 279) quyển 2, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm (世主妙嚴品) thứ 1, có câu: “Nhược hữu chúng sanh nhất kiến Phật, tất sử tịnh trừ chư nghiệp chướng (若有眾生一見佛、必使淨除諸業障, nếu có chúng sanh một lần thấy được Phật, tất khiến cho trừ sạch các nghiệp chướng).” Hay trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 60, phần Đại Phương Đẳng Kinh Thất Phật Thuyết Diệt Tội Chú (大方等經七佛說滅罪咒), lại có đoạn: “Như thị thần chú, cụ đại uy lực, năng thọ trì giả, nghiệp chướng tiêu trừ (如是神咒、具大威力、能受持者、業障消除, thần chú như vậy, đủ oai lực lớn, người thường thọ trì, nghiệp chướng tiêu trừ).” Hoặc trong Giáo Ngoại Biệt Truyền (敎外別傳, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 84, No. 1580) quyển 4, phần Ngưu Đầu Sơn Pháp Dung Thiền Sư (牛頭山法融禪師), cũng có đoạn rằng: “Nhất thiết phiền não nghiệp chướng, bổn lai không tịch, nhất thiết nhân quả giai như mộng huyễn, vô Tam Giới khả xuất, vô Bồ Đề khả cầu (一切煩惱業障、本來空寂、一切因果皆如夢幻、無三界可出、無菩提可求, hết thảy phiền não nghiệp chướng, xưa nay rỗng lặng, hết thảy nhân quả đều như mộng huyễn, chẳng Ba Cõi phải ra, chẳng Bồ Đề phải tìm).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập