Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Tăng Già »»
(白虎): hổ trắng, trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, là tên gọi của 1 trong 4 vị thần. Căn cứ học thuyết Ngũ Hành (五行), đây là con linh thú đại biểu cho phương Tây, hình tượng là con hổ màu trắng, đại diện cho mùa Thu. Trong Nhị Thập Bát Tú (二十八宿), nó là tên gọi chung của 7 ngôi sao ở phương Tây gồm: Khuê (奎), Lâu (婁), Vị (胃), Mão (昴), Tất (畢), Tuy (觜) và Sâm (參). Cho nên trong Thái Thượng Hoàng Lục Trai Nghi (太上黃籙齋儀) quyển 44 của Đạo Giáo gọi Bạch Hổ Tây Đẩu Tinh Quân (白虎西斗星君) là: “Khuê Tú Thiên Tướng Tinh Quân, Lâu Tú Thiên Ngục Tinh Quân, Vị Tú Thiên Thương Tinh Quân, Mão Tú Thiên Mục Tinh Quân, Tất Tú Thiên Nhĩ Tinh Quân, Chuy Tú Thiên Bình Tinh Quân, Tham Tú Thiên Thủy Tinh Quân (奎宿天將星君、婁宿天獄星君、胃宿天倉星君、昴宿天目星君、畢宿天耳星君、觜宿天屛星君、參宿天水星君).” Người thời nhà Hán xem con hổ là tượng trưng cho vua của trăm thú. Tương truyền khi một con hổ sống đến 500 tuổi thì lông của nó tự nhiên biến thành màu trắng; cho nên hổ trắng được xem như là đại diện cho một loại linh vật. Khi bậc đế vương có đủ tài đức hay lúc thiên hạ thái bình thì loại thần thú này xuất hiện. Vì màu trắng đại biểu cho phương Tây, nên hổ trắng là thần bảo vệ phương Tây. Trong Đạo Môn Thông Giáo Tất Dụng Tập (道門通敎必用集) quyển 7 có giải thích rằng: “Tây phương Bạch Hổ thượng ứng Chuy tú, anh anh tố chất, túc túc thanh âm, uy nhiếp cầm thú, khiếu động sơn lâm, lai lập ngô hữu (西方白虎上應觜宿、英英素質、肅肅聲音、威攝禽獸、嘯動山林、來立我右, hổ trắng phương Tây trên ứng với sao Chuy, tinh túy nguyên chất, nghiêm nghị âm thanh, uy nhiếp cầm thú, rống động núi rừng, đến bên phải ta).” Hổ trắng là chiến thần, tức là thần sát phạt, do tinh tú biến thành, có đủ quyền năng thần lực như trừ tà, giải trừ tai ương, cầu no đủ, trị ác, khuyến thiện, ban tài lộc, kết lương duyên, v.v. Sở dĩ hổ trắng đại diện cho phương Tây vì trong Ngũ Hành, phương Tây thuộc về Kim, màu trắng. Cho nên tên gọi Bạch Hổ không phải căn cứ vào màu sắc, mà vốn có do Ngũ Hành. Đạo Giáo cũng lấy hổ trắng làm thuật ngữ luyện đơn, như trong Vân Cấp Thất Hy (雲笈七羲) quyển 72 có dẫn bài Cổ Kinh (古經), cho rằng: “Bạch Hổ giả, Tây phương Canh Tân Kim Bạch Kim dã, đắc chân nhất chi vị (白虎者、西方庚辛金白金也、得眞一之位, Bạch Hổ là Kim, Bạch Kim thuộc Canh Tân ở phương Tây, đắc chân vị số một).” Ngoài ra, Bạch Hổ còn là hình tượng của một hung thần; như trong Hiệp Kỷ Biện Phương (協紀辨方) có dẫn nhân Nguyên Bí Xu Kinh (元秘樞經): “Bạch Hổ giả, tuế trung hung thần dã, thường cư tuế hậu Tứ Thần, sở cư chi địa, phạm chi, chủ hữu tang phục chi tai (白虎者、歲中凶神也、常居歲後四辰、所居之地、犯之、主有喪服之災, Bạch Hổ là hung thần trong năm, thường cư bốn mùa sau một năm; vùng đất ngài sống, nếu phạm phải, chủ yếu có tai họa tang phục).” Thuật Phong Thủy chỉ Bạch Hổ là địa hình phía bên phải huyệt núi; như trong Táng Kinh (葬經) của Quách Phác (郭璞, 276-324) nhà Đông Tấn có cho rằng: “Địa hữu tứ thế, khí tùng bát phương, cố táng giả dĩ tả vi Thanh Long, hữu vi Bạch Hổ (地有四勢、氣從八方、故葬者以左爲青龍、右有白虎, đất có bốn thế, khí từ tám hướng, cho nên người chôn cất gọi bên trái là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ).” Hay Bạch Hổ còn là tên gọi của con đường lớn bên phải, như trong Dương Trạch Thập Thư (陽宅十書) quyển 1 có câu: “Phàm trạch, hữu hữu trường đạo vị chi Bạch Hổ (凡宅、右有長道謂之白虎, phàm nhà phía bên phải có đường dài, được gọi là Bạch Hổ).” Trong Bắc Cực Thất Nguyên Tử Diên Bí Quyết (北極七元紫延秘訣) có đề cập đến hiệu của Bạch Hổ là “Giám Binh Thần Quân (監兵神君).”
(s: kaṣāya, kāṣāya; p: kāsāya, kāsāva, 袈裟、毠㲚): theo nguyên ngữ nó có nghĩa là y phục có màu sắc sần sùi như trái thị, người ta nhuộm y của tu sĩ Phật Giáo băng màu sắc trái thị nên y đó được gọi là Ca Sa; còn hoàng y (黃衣, y vàng), hoại sắc (壞色) là ý dịch. Nó còn được gọi là Tệ Y (弊衣, y xấu), Phấn Tảo Y (糞掃衣, y quét phân), Cát Tiệt Y (割截衣, y cắt ra từng mảnh), Nạp Y (衲衣, y nghèo nàn), Điền Tướng Y (田相衣, y có hình như ô ruộng), Phước Điền Y (福田衣, y ruộng phước), Công Đức Y (功德衣, y công đức), Giải Thoát Y (解脫衣, y giải thoát), v.v. Tệ Y và Phấn Tảo Y là loại nguyên lai người ta lượm những mảnh vải vứt bỏ ở các nghĩa trang hay đống rác, rồi đem giặt, nhuộm màu vàng và kết thành. Cát Tiệt Y và Nạp Y là loại được khâu lại từ nhiều mảnh vải vụn. Điền Tướng Y cũng như Phước Điền Y là loại được tạo theo hình dáng ô ruộng. Ca Sa là loại y phục có sắc màu xấu xí, không gây ấn tượng mạnh, nên không sợ bị mất cắp; vì thế vị Tỳ Kheo mang y này có thể xa lìa niệm trần tục mà chú tâm vào việc tu tập, đạt được giải thoát cho tự thân và có được công đức to lớn, nên nó được gọi là Công Đức Y hay Giải Thoát Y. Tùy theo số lượng mảnh vải được nối ráp lại, người ta phân ra làm nhiều loại như 5 điều, 7 điều, 9 điều, 13 điều, 15 điều, 25 điều, v.v. Y có từ 9 điều trở lên được gọi là Đại Y hay Tăng Già Lê (s: saṅgāṭī, 僧伽梨), y 7 điều là Thượng Y hay Uất Đa La Tăng (s: uttarasaṅga, 鬱多羅僧), y 5 điều là Nội Y hay An Đà Hội (s: antarvāsa, 安陀會). Đó gọi là Tam Y. Trong Thiền Tông, việc truyền trao pháp là truyền trao y bát, cho nên người ta rất tôn trọng y Ca Sa. Đặc biệt, ngài Đạo Nguyên (道元, Dōgen, 1200-1253), vị tổ sáng lập ra Tào Động Tông Nhật Bản, đã nhấn mạnh rằng Ca Sa là ấn chứng của Phật pháp chánh truyền. Cùng với sự truyền bá của Phật Giáo, Ca Sa đã phát sanh ra rất nhiều thay đổi tùy theo sự khác nhau về khí hậu, phong thổ, y phục, tập quán, v.v. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, Ca Sa được mặc trên Pháp Y; đặc biệt loại Ca Sa dùng trong các nghi thức trọng yếu đã trở thành loại trang sức rất hoa mỹ, có thêu các hoa văn. v.v.
(s: bhūta-tathatā, tathatā, 眞如): chơn nghĩa là chơn thật, không hư vọng; như là như thường, bất biến. Chơn như là bản thể chân thật trùm khắp vũ trụ vạn vật, là chân lý vĩnh cửu bất biến, căn nguyên của hết thảy vạn hữu. Từ này còn được gọi là Như Như (如如), Như Thật (如實), Pháp Giới (法界), Pháp Tánh (法性), Thật Tế (實際), Thật Tướng (實相), Như Lai Tạng (如來藏), Pháp Thân (法身), Phật Tánh (佛性), Tự Tánh Thanh Tịnh Thân (自性清淨身), Nhất Tâm (一心), Bất Tư Nghì Giới (不思議界). Trong các Phật điển Hán dịch thời kỳ đầu, Chơn Như được dịch là Bản Vô (本無). Nếu nghiên cứu kỹ, các tông phái dùng từ này với nghĩa khác nhau. Theo A Hàm Kinh (阿含經), lý pháp của Duyên Khởi là chân lý vĩnh viễn bất biến, nên gọi đó là Chơn Như. Lại nữa, căn cứ vào thuyết Cửu Vô Vi (九無爲, 9 loại Vô Vi) do Hóa Địa Bộ (s: Mahīśāsaka, 化地部) trong Dị Bộ Tông Luân Luận (異部宗輪論), có Thiện Pháp Chơn Như (善法眞如), Bất Thiện Pháp Chơn Như (不善法眞如), Vô Ký Pháp Chơn Như (無記法眞如), Đạo Chi Chơn Như (道支眞如), Duyên Khởi Chơn Như (緣起眞如), v.v. Theo chủ trương của Phật Giáo Đại Thừa, bản tánh của tất cả tồn tại như người và pháp đều vô ngã, vượt qua các tướng sai biệt vốn có; nên gọi là Chơn Như. Tỷ dụ sự tự tại của Pháp Thân Như Lai là Chơn Như. Theo Phật Địa Kinh Luận (佛地經論) quyển 7, Chơn Như là thật tánh của tất cả vạn tượng; tướng của nó tuy có nhiều loại khác nhau, nhưng thể của nó cùng một vị, cùng với các pháp không một cũng không khác, vượt ra ngoài những phạm trù của ngôn ngữ, tư duy. Từ quan điểm xa lìa những sai khác, hư ngụy, Chơn Như, nó được gọi là Giả Danh Chơn Như (假名眞如). Hay nếu là nơi nương tựa của tất cả các điều thiện, nó có tên là Pháp Giới. Nếu là chỗ sở ngộ của trí vô phân biệt, nó có tên là Thắng Nghĩa (勝義). Về các tên gọi khác nhau của Chơn Như, Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 360, có nêu 12 từ như Chơn Như, Pháp Tánh, Bất Hư Vọng Tánh (不虛妄性), Bình Đẳng Tánh (平等性), Ly Sanh Tánh (離生性), Pháp Định (法定), Pháp Trú (法住), Thật Tế, Hư Không Giới (虛空界) và Bất Tư Nghì Giới. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (阿毘達磨雜集論) quyển 2 có liệt ra 6 từ như Chơn Như, Không Tánh (空性), Vô Tướng (無相), Thật Tế, Thắng Nghĩa, Pháp Giới. Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義) quyển 8 cũng nêu lên 14 từ khác nhau như Thật Tướng, Diệu Hữu (妙有), Chơn Thiện Diệu Sắc (眞善妙色), Thật Tế, Tất Cánh Không (畢竟空), Như Như, Niết Bàn (涅槃), Hư Không (虛空), Phật Tánh, Như Lai Tạng (如來藏), Trung Thật Lý Tâm (中實理心), Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo (非有非無中道), Đệ Nhất Nghĩa Đế (第一義諦), Vi Diệu Tịch Diệt (微妙寂滅). Theo Thành Duy Thức Luận (成唯識論) quyển 10, Pháp Tướng Tông lập ra 10 loại Chơn Như khác nhau, tùy theo cấp độ giác ngộ sâu cạn của vị Bồ Tát, gồm: Biến Hành Chơn Như (變行眞如), Tối Thắng Chơn Như (最勝眞如), Thắng Lưu Chơn Như (勝流眞如), Vô Nhiếp Thọ Chơn Như (無攝受眞如), Loại Vô Biệt Chơn Như (類無別眞如), Vô Nhiễm Tịnh Chơn Như (無染淨眞如), Pháp Vô Biệt Chơn Như (法無別眞如), Bất Tăng Giảm Chơn Như (不增減眞如), Trí Tự Tại Sở Y Chơn Như (智自在所依眞如) và Nghiệp Tự Tại Đẳng Sở Y Chơn Như (業自在等所依眞如). Còn Địa Luân Tông thì chủ trương tự thể của A Lại Da Thức (s: ālaya-vijñāna, 阿賴耶識) thứ 8 là Tự Tánh Thanh Tịnh Tâm (自性清淨心) và đó là Chơn Như. Thức này do bị Vô Minh huân tập, nên xuất hiện các hiện tượng ô nhiễm, thanh tịnh, v.v. Hoa Nghiêm Tông lại chủ trương “bản thể là hiện tượng”, có nghĩa rằng Chơn Như vốn là vạn pháp và vạn pháp cũng là Chơn Như. Cho nên, tông này nêu ra 2 loại Chơn Như: Nhất Thừa Chơn Như (一乘眞如, gồm Biệt Giáo Chơn Như [別敎眞如] và Đồng Giáo Chơn Như [同敎眞如]) và Tam Thừa Chơn Như (三乘眞如, gồm Đốn Giáo Chơn Như [頓敎眞如] và Tiệm Giáo Chơn Như [漸敎眞如]). Trong khi đó, Thiên Thai Tông thì dựa trên thuyết Tánh Cụ (性具, tánh có đầy đủ các pháp) mà cho rằng bản thân Chơn Như xưa nay vốn đầy đủ các pháp ô nhiễm, thanh tịnh, thiện ác, v.v. Từ đó, tự tánh thanh tịnh của chư Phật được gọi là Vô Cấu Chơn Như (無垢眞如), hay Xuất Triền Chơn Như (出纒眞如); còn thể tánh của chúng sanh bị phiền não làm cho cấu nhiễm, nên gọi là Hữu Cấu Chơn Như (有垢眞如), hoặc Tại Triền Chơn Như (在纒眞如); cả có tên là Lưỡng Cấu Chơn Như (兩垢眞如). Tổ Giác Tiên (覺先, 1880-1936), người khai sáng An Nam Phật Học Hội (安南佛學會) ở miền Trung và cũng là vị tổ khai sơn Chùa Trúc Lâm tại Huế, có làm bài thơ rằng: “Phù sanh ký thác chơn như mộng, đáo xứ năng an tiện thị gia (浮生寄托眞如夢、到處能安便是家, phù sanh tạm gởi chơn như mộng, đến chốn khéo an ấy là nhà).”
(普庵咒): nguyên danh là Phổ Am Đại Đức Thiền Sư Thích Đàm Chương Thần Chú (普庵大德禪師釋談章神咒), còn gọi là Chú Phổ An (普安咒), hoặc Thích Đàm Chương (釋談章), lần đầu tiên thấy xuất hiện trong bản cầm phổ Tam Giáo Đồng Thanh (三敎同聲, 1592). Căn cứ vào văn ký tải của Dương Luân Bá Nha Tâm Pháp (楊掄伯牙心法) cho biết rằng: “Tư khúc tức Phổ Am Thiền Sư chi chú ngữ, hậu nhân dĩ luật điệu nghĩ chi (斯曲卽普庵禪師之咒語,後人以律調擬之也, khúc này là chú ngữ của Thiền Sư Phổ Am, người đời sau lấy luật điệu mô phỏng theo).” Chú này được xem như là Tổ Sư Chú (祖師咒), rất ít thấy ở Trung Quốc và không rõ nguyên nhân sáng tác thế nào. Trong lúc sinh tiền, Thiền Sư Phổ Am Ấn Túc (普庵印肅, 1115-1169) thường làm những điều linh nghiệm như bẻ cây trị bệnh, chặt cây ma quái, cầu mưa, v.v. Hơn nữa, ông lại rất tinh thông Phạn văn, từng lấy Phạn văn phiên âm thành chú, người đời gọi đó là Phổ Am Chú (普庵咒). Thần chú này có thần lực làm cho an định mười phương và tòng lâm, nên thường được tụng tại các tự viện vào mỗi dịp đầu và giữa tháng. Thậm chí thần chú này còn có công năng xua đuổi các loài muỗi, trùng, rắn rít, v.v. Trong khoảng niên hiệu Vạn Lịch (萬曆, 1573-1620) nhà Minh, Thiền Sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615) mới đưa thần chú này vào bản Chư Kinh Nhật Tụng (諸經日誦). Trong bản Thiền Môn Nhật Tụng (禪門日誦) được khắc ấn đầu tiên vào khoảng niên hiệu Đạo Quang (道光, 1821-1850) của vua Tuyên Tông (宣宗, tại vị 1820-1850) nhà Thanh, cũng có thâu lục thần chú này. Chú Phổ Am có kết cấu rất nghiêm cẩn, dễ đọc tụng và ghi nhớ. Thần chú này có nhiều tổ hợp đơn âm, cấu thành một loại luật tắc tự nhiên, giống như sự giao hòa hỗ tương của ba yếu tố Thiên-Địa-Nhân, khiến cho người nghe tự nhiên thể nhập vào cảnh giới linh không, thanh tịnh, và có tinh thần cảm ứng đạo giao, có cầu có ứng qua hình tượng Thiền Sư Phổ Am. Tương truyền thần chú này có công năng có thể tiêu tai, giải trừ ách nạn, khiến cho các loài côn trùng, chuột, muỗi, kiến, rắn, rít, v.v., phải tránh xa, các hung thần ác sát đều xa lánh. Nội dung của thần chú như sau: “Nam Mô Phật Đà Da. Nam Mô Đạt Ma Da. Nam Mô Tăng Già Da. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Phổ Am Tổ Sư Bồ Tát. Nam Mô Bách Vạn Hỏa Thủ Kim Cang Vương Bồ Tát. Án, ca ca kê kê cu cu kê; cu kê cu; kiêm kiều kê; kiều kê kiêm. Ca ca kê kê cu cu kê kiều kiêm, kiêm, kiêm, kiêm kiêm kiêm; nghiệm nghiêu nghê, nghiêu nghê nghiệm; ca ca kê kê cu cu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ dụ. Nghiên, giới. Già già chi chi châu châu chi; châu chi châu; chiêm chiêu chi, chiêu chi chiêm. Già già chi chi châu châu chi chiêu chiêm, chiêm, chiêm, chiêm chiêm chiêm; nghiệm nghiêu nghê; nghiêu nghê nghiệm. Già già chi chi châu châu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ, dụ, dụ dụ dụ. Thần, nhạ. Tra tra tri tri đô đô tri; đô tri đô; đảm đa tri; đa tri đảm. Tra tra tri tri đô đô tri đa đảm, đảm, đảm, đảm đảm đảm; nam na ni; na ni nam. Tra tra tri tri đô đô da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đát, na. Đa đa đế đế đa đa đế; đa đế đa, đàm đa đế; đa đế đàm. Đa đa đế đế đa đa đế đa đàm, đàm, đàm, đàm đàm đàm; nam na ni; na ni nam. Đa đa đế đế đa đa da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đàn, na. Ba ba bi bi ba ba bi; ba bi ba; phạn ba bi; ba bi phạn. Ba ba bi bi ba ba bi ba phạn, phạn, phạn, phạn phạn phạn; phạn ma mê; ma mê phạn. Ba ba bi bi ba ba da; Mẫu mẫu, mẫu mẫu, mẫu, mẫu, mẫu mẫu mẫu. Phạn, ma. Án, ba đa tra; già ca da; dạ lan ha; a sắt tra; tát hải tra; lậu lô lậu lô tra; già ca dạ, ta ha. Vô số Thiên Long Bát Bộ, bách vạn Hỏa Thủ Kim Cang, tạc nhật phương ngung, kim nhật Phật địa, Phổ Am đáo thử, bách vô cấm kỵ (南無佛陀耶、南無達摩耶、南無僧伽耶、南無本師釋迦牟尼佛、南無大悲觀世音菩薩、南無普庵祖師菩薩。唵、迦迦雞雞倶倶雞、倶雞倶、兼喬雞、喬雞兼。迦迦雞雞倶倶雞喬兼、兼、兼、兼兼兼、驗堯倪、堯倪驗。迦迦雞雞倶倶耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。研、界。遮遮支支朱朱支、朱支朱、占昭支、昭支占。遮遮支支朱朱支昭占、占、占、占占占、驗堯倪、堯倪驗。遮遮支支朱朱耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。神、惹。吒吒知知都都知、都知都、擔多知、多知擔。吒吒知知都都知多擔、擔、擔、擔擔擔、喃那呢、那呢喃。吒吒知知都都耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。怛、那。多多諦諦多多諦、多諦多、談多諦、多諦談。多多諦諦多多諦多談、談、談、談談談、喃那呢、那呢喃。多多諦諦多多耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。檀、那。波波悲悲波波悲、波悲波、梵波悲、波悲梵。波波悲悲波波悲波梵、梵、梵、梵梵梵、梵摩迷、摩迷梵。波波悲悲波波耶、母母、母母、母、母、母母母。梵、摩。唵、波多吒、遮迦耶、夜闌訶、阿瑟吒、薩海吒、漏嚧漏嚧吒、遮迦夜、娑訶。無數天龍八部、百萬火首金剛、昨日方隅、今日佛地、普庵到此、百無禁忌).” Trong Thiền Môn của Việt Nam, thần chú này cũng được dùng để trì tụng đặc biệt trong các lễ nghi quan trọng như tang lễ, khánh thành tân gia, Trai Đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v.
(古心如磬, Koshin Nyokei, 1541-1615): vị tăng Luật Tông Trung Quốc, sống dưới thời nhà Minh, tổ của Phái Cổ Lâm (古林派), xuất thân Lật Thủy (溧水), Giang Tô (江蘇), họ Dương (楊), tự là Cổ Tâm (古心). Lúc còn nhỏ tuổi, ông đã mất cha, được mẹ nuôi khôn lớn. Vào năm thứ 31 (1552) niên hiệu Gia Tĩnh (嘉靖), mẹ lại qua đời, ông cảm nhận được lý vô thường của cuộc đời, nên đến năm thứ 10 (1582, có thuyết cho là trong khoảng thời gian niên hiệu Gia Tĩnh) niên hiệu Vạn Lịch (萬曆), ông theo xuất gia với Tố An (素安) ở Thê Hà Tự (棲霞寺), Nhiếp Sơn (攝山). Sau nhân đọc Phẩm Trú Xứ Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm, ông thệ nguyện thọ giới với Bồ Tát Văn Thù (文殊), bèn đến Ngũ Đài Sơn (五臺山), suốt đêm thành tâm cầu nguyện. Cho đến một hôm, trong khi hoảng hốt, ông được một lão bà ban cho y Tăng Già Lê (僧伽黎), nhìn thấy ra là Bồ Tát, liền đốn ngộ pháp môn tâm địa của 5 thiên, 3 tụ, cảm thấy luật của Đại Thừa và Tiểu Thừa đều từ trong ngực lưu xuất ra. Giữa đường khi trở về cố hương, ông đi qua Nam Kinh (南京), tình cờ gặp lúc ngôi tháp ở Trường Can Tự (長干寺, tức Báo Ân Tự [報恩寺]) đang được tu sửa, ông lưu trú tại đây và được gọi là Ưu Ba Ly (優波離) tái lai. Ông từng sống qua các chùa như Linh Cốc (靈谷), Thê Hà (棲霞), Cam Lồ (甘露), v.v.; khai đàn truyền giới hơn 30 nơi, và có khoảng hơn vạn người theo thọ giáo với ông. Vào năm thứ 41 (1613) niên hiệu Vạn Lịch, vua Thần Tông ban cho ông Tử Y, bình bát, tích trượng với hiệu là Huệ Vân Luật Sư (慧雲律師), và mời ông thiết lập Đại Hội Long Hoa (龍華大會) tại Thánh Quang Vĩnh Minh Tự (聖光永明寺) trên Ngũ Đài Sơn. Trước tác của ông có Kinh Luật Giới Tướng Bố Tát Quỹ Nghi (經律戒相布薩軌儀) 1 quyển. Ông thị tịch vào tháng 11 năm thứ 43 niên hiệu Vạn Lịch, hưởng thọ 75 tuổi. Pháp hệ của ông được gọi là Phái Cổ Lâm.
(唐招提寺, Tōshōdai-ji): ngôi Tổng Bản Sơn trung tâm của Luật Tông Nhật Bản, tọa lạc tại Gojō-chō (五條町), Nara-shi (奈良市), Nara-ken (奈良縣), một trong 7 ngôi chùa lớn của vùng Nam Đô. Tượng thờ chính của chùa là tượng ngồi Lô Xá Na Phật (盧舍那佛, thời đại Nại Lương) cao 6 trượng. Là ngôi tự viện có liên quan mật thiết với vị Đường tăng Giám Chơn (鑑眞, Ganjin), về sự tình xây dựng chùa được miêu tả rất rõ trong Đường Đại Hòa Thượng Đông Chinh Truyện (唐大和上東征傳) do Đạm Hải Tam Thuyền (淡海三船, Oumi-no-Mifune) soạn thuật vào năm 779. Vượt qua biết bao gian khổ để đến được triều đình Nhật, vào năm 754 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳] 6), Giám Chơn đã thiết lập Giới Đàn trước tượng Đại Phật của Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) để truyền thọ giới pháp cho Thiên Hoàng, Hoàng Hậu và hơn 440 người trong cung nội. Từ đó về sau, ông xác lập chế độ thọ giới. Sau đó, ông nhường lại Đường Thiền Viện (唐禪院) ở Đông Đại Tự cho đệ tử Pháp Tấn (法進, Hōshin), rồi xây dựng một ngôi Biệt Viện mới tại khu đất nhà ở cũ của cố Thân Vương Tân Điền Bộ (新田部, Nitabe)—khu đất do triều đình ban tặng vào năm 759 (Thiên Bình Bảo Tự [天平寳字] 3), và chuyển đến trú ở đây với tên do ông đặt là Đường Chiêu Đề Tự. Đây chính là duyên khởi của chùa này. Về quy mô của ngôi già lam, người tạo lập, v.v., có ghi rõ trong Chiêu Đề Tự Kiến Lập Duyên Khởi (招提寺建立緣起, năm 835). Quần thể đại quy mô của ngôi già lam này có Kim Đường (金堂) nối liền với Hành Lang chạy vòng quanh, Giảng Đường (講堂), Lầu Kinh (經樓), Lầu Chuông (金樓), Tăng Phòng (僧房), v.v., là những kiến trúc được dời từ Đông Triều Tập Điện của Bình Thành Kinh (平城京). Sau khi kinh đô được dời về Trường Cương (長岡), chùa vẫn tiếp tục xây dựng thêm. Dưới thời Bình An, do vì kinh đô dời đi nơi khác nên chùa phải chịu số phận suy vong cùng với những ngôi chùa khác của vùng Nam Đô. Trong phần Thật Phạm Luật Sư Truyện (實範律師傳) của bản Chiêu Đề Thiên Tuế Truyện Ký (招提寺千歳傳記) được hình thành vào năm 1701 (Nguyên Lộc [元祿] 14), có ghi lại lần hoang phế của chùa dưới thời đại này. Đến thời đại Liêm Thương, chùa bắt đầu tái hưng nhờ những hoạt động phục hưng giáo học vùng Nam Đô của Trinh Khánh (貞慶, Jōkei), Duệ Tôn (叡尊, Eison), Giác Thạnh (覺盛, Kakujō), v.v. Vào năm 1202 (Kiến Nhân [建仁] 2), Trinh Khánh bắt đầu tu sửa Đông Thất (東室), thiết lập Đạo Tràng Niệm Phật; đến năm 1240 (Nhân Trị [仁治] nguyên niên) thì xây dựng Lầu Kinh, v.v. Năm 1244 (Khoan Nguyên [寬元] 2), Giác Thạnh—người được kính ngưỡng như là vị sơ tổ thời Trung Hưng của chùa—đến làm trú trì. Ông tiến hành phục hưng về mặt giáo học; và vị tổ thứ 2 là Chứng Huyền (証玄, Shōgen) cũng tận lực góp phần làm cho chùa xương thạnh. Bức tượng Thích Ca theo dạng thức của Thanh Lương Tự (清涼寺, Seiryō-ji) được tôn trí tại Lễ Đường (禮堂, năm 1202), tranh vẽ Đông Chinh Truyện (東征傳), v.v., nói lên một cách chân thật thời kỳ phục hưng này. Lịch sử của chùa từ thời Nam Bắc Triều trở đi thì không rõ lắm, nhưng giống như các ngôi tự viện khác, chùa cũng bị suy tàn mãi cho đến thời Cận Đại. Đến năm 1596 (Trường Khánh [長慶] nguyên niên), do vì động đất, toàn bộ ngôi già lam bị hư nát. Sau đó, nhờ Tướng Quân Đức Xuyên Cương Cát (德川綱吉, Tokugawa Tsunayoshi) quy y với Long Quang (隆光, Ryūkō)—vị trú trì Hộ Trì Viện (護持院) của chùa, Tướng Quân phát nguyện tu bổ lại toàn bộ già lam để hồi hướng công đức cho thân mẫu ông. Từ khi chùa thành lập chưa có trận hỏa tai nào xảy ra cho đến thời Cận Đại; nhưng vào năm 1802 (Hưởng Hòa [享和] nguyên niên), ngôi tháp được dựng vào năm 810 bị sét đánh làm cháy rụi. Thêm vào đó, vào năm 1833 (Thiên Bảo [天保] 4), Tây Thất (西室), Khai Sơn Đường (開山堂) và năm 1848 (năm đầu niên hiệu Gia Vĩnh [嘉永]) thì Giới Đàn Đường (戒壇堂) bị cháy thành tro bụi. Tuy nhiên, cũng may mắn thay, trung tâm già lam thì không bị ảnh hưởng hỏa tai lớn, các kiến trúc quý giá như Kim Đường, Giảng Đường, Kho Kinh, Kho Báu, v.v., vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay. Bảo vật của chùa hiện có một quần thể tượng điêu khắc giá trị gồm mấy mươi pho như tượng ngồi Lô Xá Na Phật, tượng đứng Thiên Thủ Quan Âm (thời đại Nại Lương), tượng đứng Dược Sư Như Lai (đầu thời Bình An), tượng ngồi Giám Chơn Hòa Thượng (thời đại Nại Lương), v.v. Ngoài ra, còn có rất nhiều bảo vật khác như bình đựng xá lợi do Giám Chơn đem sang, tranh vẽ, kinh điển, v.v. Về tên gọi Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺), Đường (唐) ở đây có nghĩa nói đến vị Đường Tăng Giám Chơn sang truyền Luật Tông vào Nhật. Còn Chiêu Đề (招提) là âm dịch của tiếng Pāli hay Sanskrit cātuddisa, nghĩa là tứ phương, bốn phương. Vậy ngôi Đường Chiêu Đề Tự là ngôi chùa của vị Đường Tăng Giám Chơn dành cho người của bốn phương đến tu tập. Có lẽ đây cũng là chân ý của Hòa Thượng Giám Chơn.
(唐大和上東征傳, Tōdaiwajōtōseiden): 1 quyển, truyền ký của vị Đường tăng Giám Chơn (鑑眞, Ganjin), gọi tắt là Đông Chinh Truyện (東征傳, Tōseiden), do Chân Nhân Nguyên Khai (眞人元開, 722-785, tục danh là Đạm Hải Tam Thuyền [淡海三船, Oumi-no-Mifune]) soạn, thành lập vào năm 779 (Bảo Quy [寳龜] 10). Đây là thư tịch lấy ngòi bút hoa lệ của vị văn nhân nổi tiếng đương thời là Đạm Thuyền Mẫn Lang để hòa giải những phản đối cũng như ngộ nhận của chư tăng đối với Giám Chơn sau khi Tư Thác (思託, Shitaku)—đệ tử của Giám Chơn—sang triều đình Nhật Bản. Đạm Thuyền Mẫn Lang đã dựa trên bản Đại Đường Truyền Giới Sư Tăng Danh Ký Đại Hòa Thượng Giám Chơn Truyện (大唐傳戒師僧名記大和上鑑眞傳, còn gọi là Quảng Truyện [廣傳], 3 quyển) để chỉnh lý thành 1 quyển. Nội dung của tác phẩm này thuật rõ ý của Vinh Duệ (榮叡) và Phổ Chiếu (普照)—hai vị tăng sang nhà Đường với mục đích cung thỉnh Giám Chơn sang làm Truyền Giới Sư cho Nhật Bản, thông qua quyết tâm của Giám Chơn vượt biển để sang truyền trao giới luật, trãi biết bao gian khổ qua 6 lần vượt biển trong vòng 12 năm, từ đó viết nên câu chuyện về tinh thần bất khuất, nhiệt tâm đối với vấn đề truyền pháp như thế nào qua hình ảnh Giám Chơn. Phần đầu thuật về xuất thân cũng như quá trình hành đạo của ông tại Trung Quốc; sau khi sang Nhật vào năm 754 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寳] 6), ông đã thiết lập Giới Đàn Viện tại Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji), rồi sáng lập Đường Chiêu Đề Tự (唐招提寺, Tōshōdai-ji), v.v., giây phút qua đời và tán dương về đức hạnh cao cả của ông. Cuối sách có phụ thêm 2 đoạn Hán thi có lời tựa của Nguyên Khai và một số bài thơ khác truy niệm về Giám Chơn. Vào năm 1298 (Vĩnh Nhân [永仁] 6), trên cơ sở của tác phẩm này, Truyện Tranh Đông Chinh (東征繪傳, 5 quyển) được vẽ ra và tranh vẽ do ngòi bút của Lục Lang Binh Vệ Nhập Đạo Vận Hành (六郎兵衛入道運行).
(s, p: saṅghārāma, j: garan, 伽藍): âm dịch là Tăng Già Lam Ma (僧伽藍摩), gọi tắt là Tăng Già Lam (僧伽藍); ý dịch là Tăng Viên (僧園), Chúng Viên (眾園), Tăng Viện (僧院), v.v., là nơi thanh tịnh, vắng vẻ phù hợp cho chư tăng tập trung tu hành. Về sau, từ này được dùng để ám chỉ kiến trúc tự viện; mỗi khi tự viện nào hoàn thành đều có đủ 7 kiến trúc chính; từ đó có tên gọi Thất Đường Già Lam (七堂伽藍). Tên gọi cũng như tổ chức của Thất Đường Già Lam này có khác nhau ít nhiều tùy theo tông phái hay thời đại. Trong Thiền Tông, có 7 kiến trúc chính, gồm: (1) Điện Phật (佛殿, nơi an trí tượng thờ chính, cùng với tháp là kiến trúc trung tâm của Già Lam); (2) Pháp Đường (法堂, hay Thuyết Pháp Đường [說法堂, Nhà Thuyết Pháp, tương đương với Giảng Đường, nằm sau Điện Phật]); (3) Tăng Đường (僧堂, còn gọi là Thiền Đường [禪堂], Vân Đường [雲堂], Tuyển Phật Trường [選佛塲], là nơi tăng chúng ngồi Thiền, sinh hoạt, ở giữa an trí tượng Bồ Tát Văn Thù), (4) Khố Phòng (庫房, Nhà Kho, còn gọi là Khố Viện [庫院], nơi điều phối thực vật); (5) Sơn Môn (山門, còn gọi là Tam Môn [三門], tức cửa lầu có đủ 3 cánh cửa lớn, là ba cánh cửa giải thoát, biểu hiện cho Không [空], Vô Tướng [無相] và Vô Nguyện [無願]); (6) Tây Tịnh (西淨, còn gọi là Đông Ty Tịnh Phòng [東司淨房], tức Nhà Vệ Sinh, Nhà Xí) và (7) Hòa Dục Thất (和浴室, còn gọi là Ôn Thất [溫室], là nhà tắm nước nóng). Trong đó, Tăng Đường, Tây Tịnh và Hòa Dục Thất là ba nơi cấm không được nói chuyện, nên có tên là Tam Mặc Đường (三默堂, ba nhà giữ im lặng). Nếu theo quan điểm học vấn mà nói, kiến trúc của Thất Đường Già Lam gồm: (1) Tu Bối Hữu Tháp (須具有塔, để an trí Xá Lợi Phật); (2) Kim Đường (金堂, còn gọi là Phật Điện [佛殿]); (3) Giảng Đường (講堂, nơi giảng thuyết kinh luận); (4) Chung Lâu (鐘樓, Lầu Chuông, tục gọi là Chung Chàng Đường [鐘撞堂], nơi treo Hồng Chung [洪鐘]); (5) Tàng Kinh Lâu (藏經樓, còn gọi là Kinh Đường [經堂], là lầu tàng trữ hết thảy kinh sách); (6) Tăng Phòng (僧房, hay Tăng Phường [僧坊], là nơi tăng chúng sinh sống, phân bố ở 3 hướng Đông, Tây, Bắc của Giảng Đường); và (7) Hòa Thực Đường (和食堂, hay Trai Đường [齋堂], là nơi chúng tăng cùng thọ trai). Như trong Pháp Giới Thánh Phàm Thủy Lục Đại Trai Phổ Lợi Đạo Tràng Tánh Tướng Thông Luận (法界聖凡水陸大齋普利道塲性相通論, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1498) quyển 2 có đoạn: “Thập đại thần vương thừa Phật sắc, thường ư biến giới hộ Già Lam, duy tư thanh tịnh pháp vương cung, tất hữu thần minh lai túc vệ (十大神王承佛勅、常於遍界護伽藍、唯茲清淨法王宮、必有神明來宿衛, mười vị thần vương vâng Phật dạy, thường biến khắp nơi hộ Già Lam, hôm nay thanh tịnh pháp vương cung, tất có thần minh đến bảo vệ).” Hay trong Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記, Taishō Vol. 51, No. 2087) quyển 7, phần Ni Ba La Quốc (尼波羅國), lại có đoạn: “Già Lam Bắc tam tứ lí hữu Tốt Đổ Ba, thị Như Lai tương vãng Câu Thi Na quốc nhập bát Niết Bàn, nhân dữ phi nhân tùy tùng Thế Tôn, chí thử trữ lập (伽藍北三四里有窣堵波、是如來將往拘尸那國入般涅槃、人與非人隨從世尊、至此佇立, phía Bắc Già Lam khoảng ba bốn dặm có ngôi tháp, là do khi đức Như Lai trên đường đi đến nước Câu Thi Na để nhập Niết Bàn, người và phi nhân cùng đi theo Thế Tôn, đến đây thì dựng lên).”
(戒壇): là đàn tràng dùng để cử hành nghi thức truyền thọ giới pháp cũng như thuyết giới. Nguyên lai, Giới Đàn không cần phải xây dựng nhà cửa gì cả, tùy theo chỗ đất trống kết giới mà thành. Xưa kia, thời cổ đại Ấn Độ tác pháp ngoài trời, không cần phải làm đàn. Về việc Giới Đàn được kiến lập đầu tiên, Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Thượng, có ghi lại rằng Bồ Tát Lâu Chí (樓至) thỉnh ý đức Phật xin thiết lập Giới Đàn cho chư vị Tỳ Kheo thọ giới và được Ngài hoan hỷ chấp thuận: “Tây Thiên Kỳ Viên, Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập đàn, vi Tỳ Kheo thọ giới Như Lai ư viên ngoại viện Đông Nam, trí nhất đàn, thử vi thỉ dã (西天祇園、比丘樓至請佛立壇、爲比丘受戒、如來於園外院東南、置一壇、此爲始也, Kỳ Viên ở Tây Thiên [Ấn Độ], Tỳ Kheo Lâu Chí xin Phật thiết lập Giới Đàn để truyền thọ giới cho Tỳ Kheo; đức Như Lai thiết lập một đàn ở phía Đông Nam ngoài Kỳ Viên; đây là khởi đầu).” Tại Trung Quốc, tương truyền Giới Đàn đầu tiên do Đàm Kha Ca La (s: Dharmakāla, 曇柯迦羅) kiến lập trong khoảng thời gian niên hiệu Gia Bình (嘉平, 249-254), Chánh Nguyên (正元, 254-256) nhà Tào Ngụy. Từ thời nhà Tấn, Tống trở đi, ở phương Nam kiến lập Giới Đàn rất nhiều. Như Pháp Hộ (法護) nhà Đông Tấn lập đàn ở Ngõa Quan Tự (瓦官寺), Dương Đô (揚都, Nam Kinh [南京]). Chi Đạo Lâm (支道林, 314-366) cũng thiết lập ở Thạch Thành (石城, Lê Thành [黎城], Sơn Tây [山西]), Phần Châu (汾州, Tân Xương [新昌], Triết Giang [浙江]) mỗi nơi một đàn. Chi Pháp Tồn (支法存, ?-457) lập đàn ở Nhã Da (若耶, Thiệu Hưng [紹興], Triết Giang). Trí Nghiêm (智嚴) nhà Nam Tống lập đàn ở Thượng Định Lâm Tự (上定林寺, Nam Kinh). Huệ Quán (慧觀) lập đàn ở Thạch Lương Tự (石梁寺, Thiên Thai Sơn [天台山]). Cầu Na Bạt Ma (s: Guṇavarman, 求那跋摩, 367-431) lập đàn ở Nam Lâm Tự (南林寺). Tăng Phu (僧敷, ?-?) của nhà Nam Tề lập đàn ở Vu Hồ (蕪湖). Pháp Siêu (法超) của nhà Lương thời Nam Triều lập đàn ở Nam Giản (南澗, Nam Kinh). Tăng Hựu (僧祐, 445-518) thiết lập tại Nam Kinh 4 chùa Vân Cư (雲居), Thê Hà (棲霞), Quy Thiện (歸善) và Ái Kính (愛敬) mỗi nơi một đàn. Tổng cọng hơn 300 Giới Đàn. Đến thời nhà Đường, vào năm thứ 2 (667) niên hiệu Càn Phong (乾封), Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) kiến lập Giới Đàn tại Tịnh Nghiệp Tự (淨業寺) ở ngoại ô Trường An (長安). Bắt đầu từ thời này, Giới Đàn đã hình thành quy thức nhất định. Về sau, chư cao tăng khác như Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713), Nhất Hành (一行, 683-727), Kim Cang Trí (金剛智, 671-741), v.v., từng kiến lập Giới Đàn ở vùng phụ cận Lạc Dương (洛陽). Vào năm đầu (765) niên hiệu Vĩnh Thái (永泰), vua Đại Tông (代宗, tại vị 762-779) ban sắc lệnh kiến lập Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇, tức Đại Thừa Giới Đàn) ở Đại Hưng Thiện Tự (大興善寺); rồi cho đặt 10 vị Lâm Đàn Đại Đức (臨壇大德) trong giáo đoàn Tăng Ni ở Kinh Thành; tức sau này là Tam Sư Thất Chứng (三師七證). Về phía Nhật Bản, Giới Đàn đầu tiên do Giám Chơn (鑑眞, Ganjin, 688-763) kiến lập ở phía trước Chánh Điện Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji) vào năm 749 (Thiên Bình Thắng Bảo [天平勝寶] thứ 6). Đến tháng 4 năm này, Giám Chơn đã truyền giới cho Thánh Võ Thiên Hoàng (聖武天皇, Shōmu Tennō, tại vị 724-749) cùng với 430 người khác. Sau đó, Giới Đàn Viện (戒壇院) được kiến lập ở Đông Đại Tự (東大寺, Tōdai-ji); và hai Giới Đàn khác ở Quan Thế Âm Tự (觀世音寺, Kanzeon-ji), vùng Trúc Tử (筑紫, Chikushi) và Dược Sư Tự (藥師寺, Yakushi-ji) thuộc tiểu quốc Hạ Dã (下野, Shimotsuke). Trong (Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành) Thích Giáo Bộ Vị Khảo ([古今圖書集成]釋敎部彙考, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 77, No. 1521) quyển 2 có câu: “Trường Khánh tứ niên, Kính Tông tức vị, Từ Tứ Vương Trí Hưng, thỉnh trí Tăng Ni Giới Đàn (長慶四年、敬宗卽位、徐泗王智興、請置僧尼戒壇, niên hiệu Trường Khánh thứ 4 [824], vua Kính Tông nhà Đường lên ngôi, Từ Tứ Vương Trí Hưng, xin thiết trí Giới Đàn Tăng Ni).” Hay trong Chung Nam Gia Nghiệp (終南家業, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 59, No. 1109) quyển Trung có đoạn rằng: “Chí Nguyên Hỷ thập niên, hữu Tăng Già Bạt Ma, ư Dương Đô Nam Lâm Giới Đàn, vi Tăng Huệ Chiếu đẳng ngũ thập nhân, Ni Huệ Quả đẳng tam thập tam nhân, trùng thọ cụ giới (至元喜十年、有僧伽拔摩、於揚都南林戒壇、爲僧慧照等五十人、尼慧果等三十三人、重受具戒, cho đến niên hiệu Nguyên Hỷ thứ 10, tại Giới Đàn Chùa Nam Lâm ở Dương Đô, có Tăng Già Bạt Ma vì nhóm Tăng Huệ Chiếu 50 người, nhóm Ni Huệ Quả 33 người, thọ giới Cụ Túc lại).”
(夏臘, 夏臈): còn gọi là Tăng Lạp (僧臘), Pháp Lạp (法臘), Pháp Tuế (法歲), Pháp Hạ (法夏), Giới Lạp (戒臘), Tọa Lạp (坐臘), Tọa Hạ Pháp Lạp (坐夏法臘); chỉ cho số năm An Cư Kiết Hạ của vị Tỳ Kheo (s: bhikṣu, p: bhikkhu, 比丘) sau khi thọ giới Cụ Túc. Mỗi năm từ ngày 16 tháng 4 cho đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, trong vòng 3 tháng, các tòng lâm có tổ chức An Cư Kiết Hạ, lấy ngày cuối cùng của thời gian ấy làm ngày kết thúc của một năm; tức là ngày thọ thêm 1 tuổi. Cho nên, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼), sau khi thọ giới xong, vào dịp kết thúc kỳ An Cư Kiết Hạ, sẽ được tăng thêm 1 tuổi nữa. Tùy theo tuổi Hạ ít nhiều mà phân làm Thượng Lạp (上臘), Trung Lạp (中臘) và Hạ Lạp (下臘), để phân định cao thấp, tôn ty thượng hạ. Người có tuổi Hạ cao nhất được gọi là Nhất Lạp (一臘), Cực Lạp (極臘), Lạp Mãn (臘滿). Trong Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập (憨山老人夢遊集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 73, No. 1456) quyển 21 có đoạn: “Sở trú giả Pháp Lạp, cố cổ chi cao tăng, viết Thế Thọ, hựu viết Pháp Lạp; cái bất câu tuế niên, nhi dĩ sơ nhập thọ trì giới phẩm, tam nguyệt An Cư, giới thể vô khuy vi nhất lạp, do dĩ lạp bất dĩ niên, cố hữu niên cao nhi lạp thiểu giả, hữu đồng niên nhi kì thọ giả (所住者法臘、故古之高僧、曰世壽、又曰法臘、蓋不拘歲年、而以初入受持戒品、三月安居、戒體無虧爲一臘、由以臘不以年、故有年高而臘少者、有童年而耆壽者, Pháp Lạp của người cư trú, chư vị cao tăng xưa gọi là Thế Thọ, hay còn gọi là Pháp Lạp; vì không kể tuổi đời, mà lấy việc mới vào thọ trì giới phẩm, ba tháng An Cư, giới thể không bị thiếu là một Lạp, do vì lấy Hạ Lạp mà không lấy tuổi đời; cho nên có người tuổi đời cao mà Hạ Lạp ít, có người tuổi đời ít mà tuổi thọ cao).” Trong Thích Thị Yếu Lãm (釋氏要覽, Taishō Vol. 54, No. 2127) quyển Hạ lại giải thích rõ rằng: “Hạ Lạp, tức Thích thị Pháp Tuế dã; phàm tự trưởng ấu, tất vấn, Hạ Lạp đa giả vi trưởng (夏臘、卽釋氏法歲也、凡序長幻、必問、夏臘多者爲長, Hạ Lạp là Pháp Tuế nhà Phật; phàm muốn biết thứ tự lớn nhỏ, cần phải hỏi, Hạ Lạp nhiều là lớn).” Hay trong Báo Ân Luận (報恩論, 卍 Xuzangjing Vol. 62, No. 1205) quyển Thượng có đề cập rằng: “Phàm xuất gia nhị chúng, Đông Hạ nhập Lan Nhã giảng học, Xuân Thu quy gia dưỡng phụ mẫu, cố tăng gia tự xỉ xưng Hạ Lạp, bất xưng niên (凡出家二眾、冬夏入蘭若講學、春秋歸家養父母、故僧家序齒稱夏臘、不稱年, phàm hai chúng xuất gia, mùa Đông và Hạ thì vào chùa tu học, đến mùa Xuân và Thu thì về nhà phụng dưỡng cha mẹ; nên tuổi tác của tăng sĩ được gọi là Hạ Lạp, không gọi là năm [tuổi đời]).” Trong Tống Cao Tăng Truyện (宋高僧傳, q.16, Taishō Vol. 50, No. 2061) quyển 16, phần Đường Giang Châu Hưng Quả Tự Thần Thấu Truyện (唐江州興果寺神湊傳) cũng có đoạn: “Nguyên Hòa thập nhị niên cửu nguyệt cấu tật, nhị thập lục nhật nghiễm nhiên tọa chung vu tự, thập nguyệt thập cửu nhật môn nhân phụng toàn thân biếm vu tự Tây đạo Bắc phụ Nhạn Môn phần tả, nhược tăng Thuyên táng cận Quách Văn chi mộ dã, xuân thu thất thập tứ, Hạ lạp ngũ thập nhất (元和十二年九月遘疾、二十六日儼然坐終于寺、十月十九日門人奉全身窆于寺西道北祔雁門墳左、若僧詮葬近郭文之墓也、春秋七十四、夏臘五十一, vào tháng 9 năm thứ 12 [817] niên hiệu Nguyên Hòa, ông nhuốm bệnh, đến ngày 26 thì nghiễm nhiên ngồi thị tịch tại chùa; vào ngày 19 tháng 10, môn nhân đem toàn thân của ông an táng ở phía Tây chùa, sau hợp táng ở bên trái đồi Nhạn Môn, giống như vị tăng Đạo Thuyên an táng gần mộ của Quách Văn vậy; ông hưởng thọ 74 tuổi đời và 51 Hạ lạp).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập