Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Quán Thế Âm »»
(阿彌陀三尊, Amidasanzon): hay còn gọi là Tây Phương Tam Thánh, tức A Di Đà Phật và 2 người hầu hai bên; ở giữa là đức Phật A Di Đà, bên trái là Bồ Tát Quan Thế Âm (s: Avalokiteśvara, 觀世音) và bên phải Bồ Tát Đại Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 大勢至). Dạng thức của Di Đà Tam Tôn này vốn phát xuất từ Ấn Độ, là di phẩm được bảo tồn trên bích họa trong động thứ 9 của thạch động A Chiên Đa (s: Ajantā, p: Ajanta, 阿栴多). Ở Trung Hoa, tượng Di Đà Tam Tôn có sớm nhất được khắc vào năm 538 (Nguyên Tượng [元象] nguyên niên) nhà Đông Ngụy. Tại Nhật Bản, có bức bích họa trong Kim Đường của Pháp Long Tự (法隆寺, Hōryū-ji) và bức Niệm Trì Phật của Quật Phu Nhân là nổi tiếng nhất. Nhìn chung, nghi tướng của chư tôn đều y cứ vào quyển 8 của Kinh Vô Lượng Thọ (無量壽經) mà tạo nên. Kinh dạy rằng quán tưởng đức hai bên đức Phật Di Đà có hai tòa sen, Bồ Tát Quan Thế Âm ngồi trên tòa sen bên tay trái, Bồ Tát Đại Thế Chí ngồi trên tòa sen bên tay phải. Hơn nữa, trong quyển 5 của Bất Không Quyên Sách Thần Biến Chơn Ngôn Kinh (不空羂索神變眞言經) có dạy rằng tâm thương xót (bi) của Bồ Tát Quan Âm thể hiện cho ý nghĩa dưới hóa độ chúng sanh, nên vị này được đặt bên trái; trí tuệ (trí) của Bồ Tát Thế Chí có ý nghĩa là trên cầu bồ đề, nên vị này được đặt bên phải. Ngoài ra, Quan Thế Âm Bồ Tát Tam Thế Tối Thắng Tâm Minh Vương Kinh (觀世音菩薩三世最勝心明王經) lại cho rằng bên trái của Phật Di Đà là Quán Tự Tại (觀自在), còn bên phải là Kim Cang Thủ (金剛手).
(安祥寺, Anjō-ji): ngôi chùa phụ thuộc vào sự quản lý của Chơn Ngôn Tông trên Cao Dã Sơn, hiện tọa lạc tại Yamashina-ku (山科區), Kyoto-shi (京都市), tên núi là Cát Tường Sơn (吉祥山). Vì đây là ngôi chùa kiêm chuyên trách của Cao Dã Sơn, nên được gọi là Cao Dã Sơn Đường (高野山堂). Ngôi già lam này được khai sáng vào năm 848 (Gia Tường [嘉祥] nguyên niên), nhằm cầu nguyện cho Thuần Hòa Thái Hậu được tăng long phước thọ. Huệ Vận (惠運, Eun) được cung thỉnh làm vị Tổ khai sáng nơi đây. Đến đời vị Tổ thứ 11 là Tông Ý (宗意), vận thế của chùa rất hưng thạnh, trở thành ngôi chùa nổi tiếng hàng đầu trong 3 dòng ở Tiểu Dã (小野) thuộc Chơn Ngôn Tông, từ đó hình thành Dòng An Tường Tự (安祥寺流). Đến năm 1310 (Diên Khánh [延慶] 3), vào thời của Thành Huệ (成惠), vị Tổ đời 18, chùa được liệt vào một trong những ngôi danh thắng dành cho Hoàng Tử và tầng lớp quý tộc ở với hiệu là Môn Tích (門跡, Monzeki). Tuy nhiên, đến thời vị Tổ thứ 21 là Hưng Nhã (興雅), ông nhường lại hiệu chùa và luôn của Dòng An Tường Tự cho Cao Dã Sơn. Vào năm 1469 (Văn Minh [文明] nguyên niên), chùa bị binh hỏa cháy rụi tan tành, rồi dần dần không còn là đạo tràng căn bản tu hành cho ba dòng Tiểu Dã. Vào năm 1759 (Bảo Lịch [寶曆] 9), vị Tổ đời thứ 41 là Hoằng Phạm (弘範) mới tiến hành xây dượng Quan Âm Đường, Bảo Tháp, Địa Tạng Đường, v.v., và chỉnh bị lại cảnh quan của chùa. Trong Chánh Điện chùa có thờ tượng Thập Nhất Diện Quán Thế Âm, Ngũ Trí Như Lai, thuộc dạng quốc bảo. Quần thể kiến trúc hiện tại của chùa có Chánh Điện, Địa Tạng Đường, Đại Sư Đường, được tái kiến vào cuối thời Giang Hộ (江戸, Edo).
(s: bodhisattva, p: bodhisatta, 菩薩): từ gọi tắt của âm dịch Bồ Đề Tát Đỏa (菩提薩埵), hay Bồ Đề Sách Đa (菩提索多), Mạo Địa Tát Đát Phược (冐地薩怛縛), Phù Tát (扶薩); ý dịch là Đạo Chúng Sanh (道眾生), Giác Hữu Tình (覺有情), Đại Giác Hữu Tình (大覺有情), Đạo Tâm Chúng Sanh (道心眾生), Đại Sĩ (大士). Nguyên ngữ của nó được kết hợp bởi 2 từ bodhi và sattva. Từ bodhi (bồ đề [菩提]) có nghĩa là sự khai ngộ, tỉnh thức, được dịch là giác (覺). Sattva (tát đỏa [薩埵]) nghĩa là sinh vật, nên được dịch là chúng sanh (眾生), hữu tình (有情). Khi hai từ này được kết hợp lại với nhau, chúng có nghĩa là người tìm cầu sự giác ngộ hay người có trang bị đầy đủ sự giác ngộ. Đặc biệt, đối với trường hợp của Đại Thừa Phật Giáo, Bồ Tát không phải là người tu hành để tìm cầu sự giác ngộ cho tự thân mình, mà tồn tại trong hiện thực của cuộc đời để tìm cầu chân lý giác ngộ, tu hành thật tiễn (hạnh từ bi lợi tha) cho mọi người trên đời, nỗ lực tinh tấn Tịnh Độ hóa (làm thanh tịnh quốc độ Phật) hiện thực xã hội bằng chân lý giác ngộ. Từ đó, Đại Thừa Phật Giáo phê phán hai thừa Thanh Văn (聲聞) cũng như Duyên Giác (緣覺) vốn thoát ly hiện thực của Phật Giáo Nguyên Thủy, và nhấn mạnh vai trò của Bồ Tát Nhất Thừa (菩薩一乘). Trong các kinh điển Đại Thừa như Pháp Hoa (s: Saddharma-puṇḍarīka-sūtra, 法華), v.v., đôi khi phủ nhận người xuất gia Tiểu Thừa, thay vào đó lập nên hình tượng Bồ Tát. Từ thế giới giác ngộ, vị này thể nhập vào cuộc đời, đồng cam cọng khổ với mọi người và tận lực cứu độ chúng sanh. Do đó, nhiều loại Bồ Tát được dựng lên và được tôn thờ trong dân gian. Tỷ dụ như Bồ Tát Quan Thế Âm (s: Avalokiteśvara, 觀世音), Bồ Tát Địa Tạng (s: Kṣitigarbha, 地藏), v.v. Chính vì vậy, việc điêu khắc hình tượng Bồ Tát cũng trở nên thịnh hành. Tại Nhật Bản—đất nước có đặc sắc khẳng định con người và trung tâm hiện thực—ngay từ buổi ban sơ khi Phật Giáo mới được truyền vào, chư vị thần được xem như là chúng sanh mê muội chẳng khác gì con người, cũng có địa vị tối cao như là vị thần của quốc gia hay của dân tộc và dần dần được thánh hóa là Bồ Tát. Trường hợp Bát Phan Đại Bồ Tát (八幡大菩薩) là một thí dụ điển hình. Bên cạnh đó, những con người thực tế như Bồ Tát Hành Cơ (行基), v.v., cũng được Bồ Tát hóa để tôn xưng vị tu hành có đạo cao đức trọng. Ở Việt Nam, trường hợp Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng như vậy.
(普庵咒): nguyên danh là Phổ Am Đại Đức Thiền Sư Thích Đàm Chương Thần Chú (普庵大德禪師釋談章神咒), còn gọi là Chú Phổ An (普安咒), hoặc Thích Đàm Chương (釋談章), lần đầu tiên thấy xuất hiện trong bản cầm phổ Tam Giáo Đồng Thanh (三敎同聲, 1592). Căn cứ vào văn ký tải của Dương Luân Bá Nha Tâm Pháp (楊掄伯牙心法) cho biết rằng: “Tư khúc tức Phổ Am Thiền Sư chi chú ngữ, hậu nhân dĩ luật điệu nghĩ chi (斯曲卽普庵禪師之咒語,後人以律調擬之也, khúc này là chú ngữ của Thiền Sư Phổ Am, người đời sau lấy luật điệu mô phỏng theo).” Chú này được xem như là Tổ Sư Chú (祖師咒), rất ít thấy ở Trung Quốc và không rõ nguyên nhân sáng tác thế nào. Trong lúc sinh tiền, Thiền Sư Phổ Am Ấn Túc (普庵印肅, 1115-1169) thường làm những điều linh nghiệm như bẻ cây trị bệnh, chặt cây ma quái, cầu mưa, v.v. Hơn nữa, ông lại rất tinh thông Phạn văn, từng lấy Phạn văn phiên âm thành chú, người đời gọi đó là Phổ Am Chú (普庵咒). Thần chú này có thần lực làm cho an định mười phương và tòng lâm, nên thường được tụng tại các tự viện vào mỗi dịp đầu và giữa tháng. Thậm chí thần chú này còn có công năng xua đuổi các loài muỗi, trùng, rắn rít, v.v. Trong khoảng niên hiệu Vạn Lịch (萬曆, 1573-1620) nhà Minh, Thiền Sư Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615) mới đưa thần chú này vào bản Chư Kinh Nhật Tụng (諸經日誦). Trong bản Thiền Môn Nhật Tụng (禪門日誦) được khắc ấn đầu tiên vào khoảng niên hiệu Đạo Quang (道光, 1821-1850) của vua Tuyên Tông (宣宗, tại vị 1820-1850) nhà Thanh, cũng có thâu lục thần chú này. Chú Phổ Am có kết cấu rất nghiêm cẩn, dễ đọc tụng và ghi nhớ. Thần chú này có nhiều tổ hợp đơn âm, cấu thành một loại luật tắc tự nhiên, giống như sự giao hòa hỗ tương của ba yếu tố Thiên-Địa-Nhân, khiến cho người nghe tự nhiên thể nhập vào cảnh giới linh không, thanh tịnh, và có tinh thần cảm ứng đạo giao, có cầu có ứng qua hình tượng Thiền Sư Phổ Am. Tương truyền thần chú này có công năng có thể tiêu tai, giải trừ ách nạn, khiến cho các loài côn trùng, chuột, muỗi, kiến, rắn, rít, v.v., phải tránh xa, các hung thần ác sát đều xa lánh. Nội dung của thần chú như sau: “Nam Mô Phật Đà Da. Nam Mô Đạt Ma Da. Nam Mô Tăng Già Da. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Phổ Am Tổ Sư Bồ Tát. Nam Mô Bách Vạn Hỏa Thủ Kim Cang Vương Bồ Tát. Án, ca ca kê kê cu cu kê; cu kê cu; kiêm kiều kê; kiều kê kiêm. Ca ca kê kê cu cu kê kiều kiêm, kiêm, kiêm, kiêm kiêm kiêm; nghiệm nghiêu nghê, nghiêu nghê nghiệm; ca ca kê kê cu cu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ, dụ dụ dụ. Nghiên, giới. Già già chi chi châu châu chi; châu chi châu; chiêm chiêu chi, chiêu chi chiêm. Già già chi chi châu châu chi chiêu chiêm, chiêm, chiêm, chiêm chiêm chiêm; nghiệm nghiêu nghê; nghiêu nghê nghiệm. Già già chi chi châu châu da; dụ dụ, dụ dụ, dụ, dụ, dụ dụ dụ. Thần, nhạ. Tra tra tri tri đô đô tri; đô tri đô; đảm đa tri; đa tri đảm. Tra tra tri tri đô đô tri đa đảm, đảm, đảm, đảm đảm đảm; nam na ni; na ni nam. Tra tra tri tri đô đô da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đát, na. Đa đa đế đế đa đa đế; đa đế đa, đàm đa đế; đa đế đàm. Đa đa đế đế đa đa đế đa đàm, đàm, đàm, đàm đàm đàm; nam na ni; na ni nam. Đa đa đế đế đa đa da; nô nô, nô nô, nô, nô, nô nô nô. Đàn, na. Ba ba bi bi ba ba bi; ba bi ba; phạn ba bi; ba bi phạn. Ba ba bi bi ba ba bi ba phạn, phạn, phạn, phạn phạn phạn; phạn ma mê; ma mê phạn. Ba ba bi bi ba ba da; Mẫu mẫu, mẫu mẫu, mẫu, mẫu, mẫu mẫu mẫu. Phạn, ma. Án, ba đa tra; già ca da; dạ lan ha; a sắt tra; tát hải tra; lậu lô lậu lô tra; già ca dạ, ta ha. Vô số Thiên Long Bát Bộ, bách vạn Hỏa Thủ Kim Cang, tạc nhật phương ngung, kim nhật Phật địa, Phổ Am đáo thử, bách vô cấm kỵ (南無佛陀耶、南無達摩耶、南無僧伽耶、南無本師釋迦牟尼佛、南無大悲觀世音菩薩、南無普庵祖師菩薩。唵、迦迦雞雞倶倶雞、倶雞倶、兼喬雞、喬雞兼。迦迦雞雞倶倶雞喬兼、兼、兼、兼兼兼、驗堯倪、堯倪驗。迦迦雞雞倶倶耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。研、界。遮遮支支朱朱支、朱支朱、占昭支、昭支占。遮遮支支朱朱支昭占、占、占、占占占、驗堯倪、堯倪驗。遮遮支支朱朱耶、喻喻、喻喻、喻、喻、喻喻喻。神、惹。吒吒知知都都知、都知都、擔多知、多知擔。吒吒知知都都知多擔、擔、擔、擔擔擔、喃那呢、那呢喃。吒吒知知都都耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。怛、那。多多諦諦多多諦、多諦多、談多諦、多諦談。多多諦諦多多諦多談、談、談、談談談、喃那呢、那呢喃。多多諦諦多多耶、奴奴、奴奴、奴、奴、奴奴奴。檀、那。波波悲悲波波悲、波悲波、梵波悲、波悲梵。波波悲悲波波悲波梵、梵、梵、梵梵梵、梵摩迷、摩迷梵。波波悲悲波波耶、母母、母母、母、母、母母母。梵、摩。唵、波多吒、遮迦耶、夜闌訶、阿瑟吒、薩海吒、漏嚧漏嚧吒、遮迦夜、娑訶。無數天龍八部、百萬火首金剛、昨日方隅、今日佛地、普庵到此、百無禁忌).” Trong Thiền Môn của Việt Nam, thần chú này cũng được dùng để trì tụng đặc biệt trong các lễ nghi quan trọng như tang lễ, khánh thành tân gia, Trai Đàn Chẩn Tế, Giải Oan Bạt Độ, v.v.
(專修寺, Senjū-ji): ngôi chùa hiện tọa lạc tại số 1482 Takada (高田), Ninomiya-machi (二宮町), Haga-gun (芳賀郡), Tochigi-ken (栃木縣); hiệu là Cao Điền Sơn (高田山), thuộc phái Cao Điền Sơn của Chơn Tông. Tượng thờ chính là Nhất Quang Tam Tôn Phật (一光三尊佛, tức A Di Đà Tam Tôn theo dạng thức của Thiện Quang Tự, gồm A Di Đà Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát). Ngôi chùa bản sơn trung tâm cùng tên hiện tọa lạc tại số 2819 Isshinden-chō (一身田町), Tsu-shi (津市), Mie-ken (三重縣). Vì vậy, vị trú trì của chùa này thường kiêm nhiệm luôn cả ngôi chùa ở Mie-ken. Nguồn gốc tên chùa vốn phát xuất từ đặc trưng của các Tông phái thuộc hệ Tịnh Độ là “Chuyên Tu Niệm Phật (專修念佛)”. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của vị Thành Chủ của Thành Chơn Cương (眞岡城, Mooka-jō) là Đại Nội Quốc Thời (大內國時, Ōuchi Kunitoki), ngôi chùa này do Thân Loan kiến lập vào năm 1226 (Gia Lộc [嘉祿] 2), làm đạo tràng căn bản để truyền bá Chơn Tông khắp vùng Quan Đông (關東, Kantō). Năm sau, triều đình sắc phong cho chùa tên Chuyên Tu A Di Đà Tự (專修阿彌陀寺). Từ đó trở đi, ngôi chùa trở thành nơi hoạt động trung tâm của Chơn Tông ở vùng Quan Đông và rất phồn vinh, rồi dòng pháp của vị Tổ đời thứ 2 của chùa là Chơn Phật (眞佛, Shinbutsu) và thứ 3 là Hiển Trí (顯智, Kenchi) đã hình thành nên một dòng phái khác, lấy tên là dòng Tịnh Độ Hạ Dã (淨土下野). Đến năm 1465 (Khoan Chánh [寛正] 6), dưới thời vị Tổ thứ 10 là Chơn Tuệ Thượng Nhân (眞慧上人) đất chùa được dời đến vùng Mie-ken (三重縣), rồi sau đó chùa cũng hưng long. Tượng Bổn Tôn A Di Đà Như Lai tương truyền do Thân Loan thỉnh từ ngôi chùa Thiện Quang Tự (善光寺, Zenkō-ji) ở vùng Tín Nùng (信濃, Shinano). Hiện chùa còn lưu giữ khá nhiều bảo vật vô giá như Tây Phương Chỉ Quy Sao (西方指南抄), 6 quyển, thủ bút của Thân Loan; tam thiếp hòa tán (三帖和讃), 3 quyển, thủ bút của Thân Loan; Ngự ảnh Đường, Như Lai Đường, tượng A Di Đà Như Lai đứng bằng gỗ, v.v.
(大樹寺, Daiju-ji): ngôi tự viện của Tịnh Độ Tông, sơn hiệu là Thành Đạo Sơn (成道山); tên chính thức là Thành Đạo Sơn Tùng An Viện Đại Thọ Tự (成道山松安院大樹寺); hiện tọa lạc tại số 5-1 Hiromoto (廣元), Kamoda-chō (鴨田町), Okazaki-shi (岡崎市), Aichi-ken (愛知縣). Tượng thờ chính là Thiên Quang Thiên Thể A Di Đà Như Lai (千光千体阿彌陀如來) và Như Ý Luân Quan Thế Âm Bồ Tát (如意輪觀世音菩薩). Đây là ngôi chùa cầu nguyện cho dòng họ Đức Xuyên (德川, Tokugawa, tức Tùng Bình [松平, Matsudaira]), cho nên bài vị cũng như mộ của lịch đại chư vị Tướng Quân đều an trí tại đây. Vào năm 1475 (Văn Minh [文明] 7), chùa được kiến lập để cúng dường cầu nguyện siêu độ cho Võ Tướng Tùng Bình Thân Trung (松平親忠, Matsudaira Chikatada) vị chết trong chiến trận, và Hòa Thượng Thế Dự Ngu Để (勢譽愚底) được cung thỉnh đến làm Tổ khai sơn. Đến năm 1560 (Vĩnh Lộc [永祿] 3), trong trận chiến Dũng Hiệp Gian (桶狹間, Okehazama), quân Kim Xuyên (今川, Imagawa) bị bại trận, Tùng Bình Nguyên Khang (松平元康, tức Đức Xuyên Gia Khang [德川家康, Tokugawa Ieyasu]) chạy vào đây trốn nạn, rồi định tự vẫn trước mộ phần của tổ tiên; nhưng nhờ vị trú trì đương thời là Đăng Dự (登譽) khuyên răn, nên ông từ bỏ ý định đó. Năm 1602 (Khánh Trường [慶長] 7), nơi đây chính thức trở thành chùa sắc nguyện của hoàng tộc. Chùa hiện còn lưu giữ khá nhiều bảo vật quý giá như Tháp Đa Bảo, bức bích họa ở Đại Phương Trượng, tượng A Di Đà Như Lai bằng gỗ, v.v.
(投地): gieo mình xuống đất, ném vật gì xuống đất, gieo toàn thân năm vóc xuống đất để lễ bái, bày tỏ sự cung kính tối thượng. Trong Ngoại Thích Truyện (外戚傳) của Hán Thư (漢書) có đoạn rằng: “Dĩ thủ tự đảo, dĩ đầu kích bích hộ trụ, tùng sàng thượng tự đầu địa, đề khấp bất khẳng thực (以手自擣、以頭擊壁戶柱、從牀上自投地,啼泣不肯食, lấy tay tự đâm, lấy đầu đập vào tường, trụ nhà, từ trên giường tự gieo mình xuống đất, khóc la chẳng chịu ăn).” Trong Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh (佛說父母恩重難報經) có đoạn rằng: “Nhĩ thời, Như Lai hướng bỉ khô cốt, ngũ thể đầu địa, cung kính lễ bái (爾時、如來向彼枯骨、五體投地、恭敬禮拜, lúc bấy giờ, đức Như Lai hướng về đống xương khô kia, năm vóc gieo xuống đất, cung kính lễ bái).” Cho nên, Ngũ Thể Đầu Địa (五體投地) được xem như là hình thức lễ bái cung kính nhất trong Phật Giáo, xuất hiện trong một số kinh điển như trong Phật Bát Nê Hoàn Kinh (佛般泥洹經) quyển hạ có câu: “Thái Tử ngũ thể đầu địa, khể thủ Phật túc (太子五體投地、稽首佛足, Thái Tử năm vóc gieo xuống đất, cúi lạy chân Phật)”; hay trong Phẩm Nhập Tự (入寺品) của Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆沙論) có đoạn: “Thị tại gia Bồ Tát nhược nhập Phật tự, sơ dục nhập thời, ư tự môn ngoại ngũ thể đầu địa (是在家菩薩若入佛寺、初欲入時、於寺門外五體投地, vị Bồ Tát tại gia ấy nếu muốn vào chùa Phật, đầu tiên khi muốn vào thì phải năm vóc gieo xuống đất ở ngoài cửa chùa)”; hoặc như trong Thỉnh Quán Thế Âm Bồ Tát Tiêu Phục Độc Hại Đà La Ni Kinh (請觀世音菩薩消伏毒害陀羅尼經) cũng có đề cập rằng: “Như thị tam xưng Tam Bảo, tam xưng Quán Thế Âm Bồ Tát danh, ngũ thể đầu địa, hướng ư Tây phương (如是三稱三寶、三稱觀世音菩薩名、五體投地、向於西方, xưng danh hiệu Tam Bảo ba lần như vậy, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần, năm vóc gieo xuống đất, hướng về phương Tây).” Câu “Phật cư liên tọa, cảm vong đầu địa chi cung (佛居蓮座、敢忘投地之恭)” có nghĩa là đức Phật ngự trên tòa sen, đâu dám quên cung kính gieo mình xuống đất đảnh lễ.
(面燃、面然): còn gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ (焦面大士), Tiêu Diện Đại Quỷ Vương (焦面大鬼王), vua của loài ngạ quỷ có khuôn mặt đỏ, hay khuôn mặt bốc cháy. Vị này còn có tên gọi khác là Diệm Khẩu Quỷ Vương (焰口鬼王), có thân hình gầy ốm, miệng luôn bốc cháy lửa và cổ họng nhỏ như cây kim, do vì đời trước tham lam, keo kiệt, bỏn xẻn nên bị quả báo như vậy. Vị quỷ vương này thống lãnh tất cả chúng ngạ quỷ và người ta cho đó là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du có đoạn rằng: “Nhờ đức Phật thần thông quảng đại, chuyển pháp luân tam giới thập phương, nhơn nhơn Tiêu Diễn (Tiêu Diện) Đại Vương, linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.”
(s: danta-kāṣṭha, p: danta-kaṭṭha, danta-poṇa, 楊枝): âm dịch là Đạn Đa Gia Sắt Sá (憚哆家瑟詑), Thiền Đa Ni Sắt Sáp (禪多抳瑟插); còn gọi là xỉ mộc (齒木), tức là mảnh cây nhỏ dùng để mài răng cạo lưỡi cho sạch; là một trong 18 vật cần dùng cho vị Tỳ Kheo do Phật chế ra. Như trong Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện (南海寄歸內法傳, Taishō Vol. 54, No. 2125) quyển 1, phần Bát Triêu Tước Xỉ Mộc (八朝嚼齒木), giải thích rõ rằng: “Mỗi nhật đán triêu tu tước xỉ mộc, giai xỉ, quát thiệt, vụ linh như pháp, quán thấu thanh tịnh, phương hành kính lễ (每日旦朝須嚼齒木、揩齒、刮舌、務令如法、盥漱清淨、方行敬禮, mỗi ngày vào sáng sớm nên nhai cây xỉa răng, chùi răng, cạo lưỡi, làm việc như pháp, rửa tay súc miệng sạch sẽ, mới hành kính lễ).” Tại Ấn Độ, các nước phía Tây, khi mời người thế tục, trước tặng cho cây xỉa răng và nước hương, v.v., để chúc cho người đó được sức khỏe, thể hiện ý thỉnh cầu. Ngay như cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát cũng dùng nhành dương chi và nước trong sạch, được gọi là Pháp Thỉnh Quán Âm (請觀音法) hay Pháp Dương Chi Tịnh Thủy (楊枝淨水法). Như trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 60, phần Thỉnh Quan Thế Âm Đại Thế Chí Bồ Tát Chú Pháp (請觀世音大勢至菩薩咒法), có câu: “Thỉnh thập phương Thất Phật Quan Âm Đại Thế Chí Bồ Tát đẳng, ngã kim dĩ cụ dương chi tịnh thủy, duy nguyện đại từ ai mẫn nhiếp thọ (請十方七佛觀音大勢至菩薩等、我今已具楊枝淨水、惟願大慈哀愍攝受, thỉnh mười phương bảy vị Phật, Quan Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát, v.v., con nay đã đầy đủ nhành dương nước sạch, xin nguyện từ bi thương xót nhiếp thọ).” Pháp Uyển Châu Lâm quyển 61 còn cho biết rằng Phật Đồ Trừng (佛圖澄, 232-348), cao tăng Thiên Trúc, là người có đức độ lớn, Thạch Lặc (石勒, 274-333)—vua nhà Hậu Triệu, nghe tiếng bèn cho mời vào cung nội. Nhân con nhà vua bị bệnh chết, Phật Đồ Trừng lấy nhà dương thấm nước rưới lên, người ấy sống lại. Cho nên, người ta thường dùng nhành dương liễu và nước trong sạch để làm thanh tịnh các đàn tràng cầu nguyện cầu an, cầu siêu, Chẩn Tế Âm Linh Cô Hồn, v.v. Trong Từ Bi Dược Sư Bảo Sám (慈悲藥師寶懺, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 74, No. 1484) quyển 1 có bài tán Dương Chi Tịnh Thủy như sau: “Dương chi tịnh thủy, biến sái tam thiên, tánh không Bát Đức lợi nhân thiên, phước tuệ quảng tăng diên, diệt tội trừ khiên, hỏa diệm hóa hồng liên (楊枝淨水、遍洒三千、性空八德利人天、福慧廣增延、滅罪除愆、火燄化紅蓮, nhành dương nước tịnh, rưới khắp ba ngàn, tánh không Tám Đức lợi người trời, phước tuệ rộng tăng thêm, diệt tội oan khiên, lửa rực hóa hồng sen).” Về loại cây xỉa răng, Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu (毗尼日用切要, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1115) có nêu ra 4 loại có thể dùng làm cây xỉa răng là Bạch Dương (白楊), Thanh Dương (青楊), Xích Dương (赤楊) và Hoàng Dương (黃楊). Hơn nữa, không chỉ riêng loại Dương Liễu mới có thể làm cây xỉa răng, mà tất cả các loại cây đều có thể dùng được. Trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu còn giới thiệu bài kệ Thủ Dương Chi (取楊枝, Cầm Nhành Dương Liễu [Tăm Xỉa Răng]) là: “Thủ chấp dương chi, đương nguyện chúng sanh, giai đắc diệu pháp, cứu cánh thanh tịnh (手執楊枝、當願眾生、皆得妙法、究竟清淨, tay cầm nhành dương, nguyện cho chúng sanh, đều được pháp mầu, rốt ráo thanh tịnh)”; và bài Tước Dương Chi (嚼楊枝, Xỉa Răng): “Tước dương chi thời, đương nguyện chúng sanh, kỳ tâm điều tịnh, phệ chư phiền não (嚼楊枝時、當願眾生、其心調淨、噬諸煩惱, khi đang xỉa răng, nguyện cho chúng sanh, tâm được trong sạch, hết các phiền não).” Tỳ Ni Chỉ Trì Hội Tập (毗尼止持會集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 39, No. 709) quyển 16 còn cho biết một số nguyên tắc khi xỉa răng như: “Bất đắc tại Phật tháp hạ tước dương chi (不得在佛塔下嚼楊枝, không được xỉa răng dưới tháp Phật)”, “bất đắc hướng Phật tháp tước dương chi (不得向佛塔嚼楊枝, không được hướng về tháp Phật mà xỉa răng)”, “bất đắc Phật tháp tứ biên tước dương chi (不得佛塔四邊嚼楊枝, không được xỉa răng ở bốn phía của tháp Phật)”, v.v.
(覺華、覺花): hay Giác Ba, có mấy nghĩa khác nhau.
(1) Là danh xưng của một vị Phật. Theo Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 40, vào thời kiếp Hoa Tích (華積), các đức Phật đều có hiệu là Giác Hoa. Trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh (摩訶般若波羅蜜經, Taishō Vol. 8, No. 223) quyển 2 cũng có giải thích rằng: “Ư chư pháp trung đắc Vô Sanh Nhẫn, thị chư nhân ư vị lai thế, quá lục thập bát ức kiếp đương tác Phật, kiếp danh Hoa Tích, Phật giai hiệu Giác Hoa (於諸法中得無生忍、是諸人於未來世、過六十八億劫當作佛、劫名花積、佛皆號覺花, đối với trong các pháp chứng Vô Sanh Nhẫn, những người này vào đời tương lai, qua sáu mươi tám kiếp sẽ thành Phật, kiếp ấy tên là Hoa Tích, chư Phật đều có hiệu là Giác Hoa).”
(2) Hoa giác ngộ. Như trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1277) quyển 10, bài Sư Ni (師尼) có câu: “Sắc thân kiên cố, giới hạnh đoan nghiêm, trưởng phước quả ư thiện căn, khai giác hoa ư tâm địa (色身堅固、戒行端嚴、長福果於善根、開覺花於心地, sắc thân vững chắc, giới hạnh đoan nghiêm, nuôi phước quả nơi thiện căn, bày hoa giác nơi đất tâm).” Hay trong Phật Thuyết Pháp Thân Kinh (佛說法身經, Taishō Vol. 17, No. 766) cũng có câu: “Ly ư Ngũ Dục siêu Ngũ Thú khổ, cụ Lục Phần Pháp viên mãn Lục Ba La Mật, khai Thất Giác Hoa diễn Bát Chánh Đạo (離於五慾超五趣苦。具六分法圓滿六波羅蜜。開七覺花演八正道, lìa xa Năm Dục vượt khổ Năm Cõi, đủ Sáu Phần Pháp tròn đầy Sáu Ba La Mật, bày Bảy Hoa Giác diễn Tám Chánh Đạo).”
(3) Thể hiện cho tướng hảo của Bồ Tát Quán Tự Tại (觀自在). Như trong Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi (瑜伽集要焰口施食儀, Taishō Vol. 21, No. 1320) giải thích rõ rằng: “Thứ nhập Quan Âm định, tức nhập Quán Tự Tại Bồ Tát Tam Ma Địa, bế mục trừng tâm quán tưởng tự thân, viên mãn khiết bạch do như tịnh nguyệt, tại tâm tịnh nguyệt thượng tưởng hrīḥ tự phóng đại quang minh; kỳ tự biến thành bát diệp Liên Hoa, ư hoa đài thượng hữu Quán Tự Tại Bồ Tát, tướng hảo phân minh; tả thủ trì Liên Hoa, hữu thủ tác khai phu diệp thế. Thị Bồ Tát tác thị tư duy: 'Nhất thiết hữu tình thân trung, các cụ hữu thử giác ngộ chi hoa, thanh tịnh pháp giới bất nhiễm phiền não.' Ư Liên Hoa bát diệp thượng, các hữu Như Lai nhập định già phu nhi tọa, diện hướng Quán Tự Tại Bồ Tát, hạng bội viên quang thân như kim sắc quang minh hoảng diệu. Tưởng thử bát diệp Liên Hoa, tiệm thư tiệm đại lượng đẳng hư không, tức tác như thị tư duy, dĩ thử giác hoa chiếu xúc Như Lai hải hội, nguyện thành quảng đại cúng dường. Nhược tâm bất di thử định, tắc ư vô biên hữu tình thâm khởi bi mẫn. Dĩ thử giác hoa mông chiếu xúc giả, ư chư khổ não tất đắc giải thoát đẳng đồng Quán Tự Tại Bồ Tát tướng hảo, tức tưởng Liên Hoa tiệm tiệm thu liễm lượng đẳng kỷ thân, tắc kết Quán Tự Tại Bồ Tát ấn gia trì tứ xứ (次入觀音定、卽入觀自在菩薩三摩地、閉目澄心觀想自身、圓滿潔白猶如淨月、在心淨月上想hrīḥ字放大光明、其字變成八葉蓮華、於華臺上有觀自在菩薩、相好分明、左手持蓮華、右手作開敷葉勢、是菩薩作是思惟、一切有情身中、各具有此覺悟之華、清淨法界不染煩惱、於蓮華八葉上、各有如來入定跏趺而坐、面向觀自在菩薩、項佩圓光身如金色光明晃耀、想此八葉蓮華、漸舒漸大量等虛空、卽作如是思惟、以此覺華照觸如來海會、願成廣大供養、若心不移此定、則於無邊有情深起悲愍、以此覺華蒙照觸者、於諸苦惱悉得解脫、等同觀自在菩薩相好、卽想蓮華漸漸收斂量等己身、則結觀自在菩薩印加持四處, kế đến nhập vào định Quan Âm, tức nhập vào định của Bồ Tát Quán Tự Tại, nhắm mắt lắng tâm quán tưởng tự thân, tròn đầy trong trắng giống như trăng thanh, ngay tại trung tâm phía trên mặt trăng thanh ấy quán tưởng chữ hrīḥ phóng ra ánh sáng lớn, chữ ấy biến thành hoa sen tám cánh; trên đài hoa ấy có Bồ Tát Quán Tự Tại, tướng tốt rõ ràng, tay trái cầm hoa sen, tay phải làm theo tư thế cánh hoa nở ra. Vị Bồ Tát ấy suy nghĩ như vậy: 'Trong thân của hết thảy chúng hữu tình, đều có đủ hoa giác ngộ này, trong sạch pháp giới, không nhiễm phiền não.' Trên hoa sen có tám cánh ấy, mỗi cánh có một đức Như Lai ngồi xếp bằng nhập định, mặt hướng về Bồ Tát Quán Tự Tại, nơi cổ trang sức tỏa sáng, thân như sắc vàng sáng tỏa chói lọi, quán tưởng hoa sen tám cánh này, dần dần mở ra, dần dần to lớn như hư không; rồi lại suy nghĩ rằng, lấy hoa giác ngộ này chiếu rọi chạm đến hải hội của chư Như Lai, nguyện hoa sen thành to lớn để cúng dường. Nếu như tâm không dời khỏi định này, thì sẽ khởi lòng thương xót đối với vô biên chúng hữu tình. Nhờ lấy hoa giác ngộ này chiếu chạm đến, các khổ não đều được giải thoát, ngang đồng với tướng tốt của Bồ Tát Quán Tự Tại. Rồi lại quán tưởng hoa sen dần dần thâu nhỏ lại bằng với thân mình, liền bắt ấn Bồ Tát Quán Tự Tại để gia trì bốn nơi).” Như vậy, bàn thờ Giác Hoa, còn gọi là Giác Ba, thường được thiết bày trong đàn tràng Chẩn Tế, có thể là bàn thờ đức Bồ Tát Quan Thế Âm (hay Quán Tự Tại).
(4) Cũng có thuyết cho rằng Giác Ba ở đây tức là đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai (覺華定自在王如來) như trong Phẩm Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông (忉利天宮神通品) thứ nhất của Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh (地藏菩薩本願經, Taishō Vol. 13, No. 412) có đề cập đến. Vì theo như lời nói của Quỷ Vương Vô Độc thưa với Thánh nữ Bà La Môn (tức tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát) rằng: “Duyệt Đế Lợi tội nữ, sanh Thiên dĩ lai, kinh kim tam nhật, vân thừa hiếu thuận chi nữ, vị mẫu thiết cúng, tu phước, bố thí Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai tháp tự, phi duy Bồ Tát chi mẫu đắc thoát Địa Ngục, ưng thị Vô Gián tội nhân, thử nhật tất đắc thọ lạc (悅帝利罪女、生天以來、經今三日、云承孝順之子、爲母設供、修福、布施覺華定自在王如來塔寺、非唯菩薩之母得脫地獄、應是無間罪人、此日悉得受樂, nữ tội nhân Duyệt Đế Lợi sanh lên Trời đến nay, đã dược ba ngày, nương nhờ con gái hiếu thuận, vì mẹ thiết lễ dâng cúng, tu phước, bố thí chùa tháp của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai; không phải chỉ có mẹ của Bồ Tát được giải thoát, mà các tội nhân trong Địa Ngục Vô Gián, ngày ấy thảy được hưởng vui sướng)”; thiết lễ, cúng dường đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nhờ công đức đó mà chư tội nhân trong các Địa Ngục, chư vị âm linh cô hồn được siêu thoát khỏi cảnh khổ của ba đường ác. Cho nên, cũng có thể bàn thờ Giác Ba trong đàn tràng Chẩn Tế là bàn thờ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập