Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Nhất thiết pháp »»
(s: Mahāvairocana, Vairocana, 大日如來): âm dịch là Ma Ha Tỳ Lô Giá Na (摩訶毘盧遮那), dịch là Đại Biến Chiếu Như Lai (大遍照如來), Biến Chiếu Như Lai (遍[徧]照如來). Về danh nghĩa, ma ha (摩訶) có nghĩa là to lớn, nhiều, hơn cả. Tỳ (毘) là phổ biến, quảng bác, rộng rãi, cao hiển. Lô giá na (盧遮那) là quang minh, sáng tỏa, mỹ lệ. Cho nên Ma Ha Tỳ Lô Giá Na còn có các tên gọi khác nhau như Tối Cao Hiển Quảng Minh Nhãn Tạng Như Lai (最高顯廣明眼藏如來, Kim Cang Đảnh Nghĩa Quyết [金剛頂義決], Bất Không [s: Amoghavajra, 不空] soạn, Taishō No. 39), Vô Lượng Vô Biên Cứu Cánh Như Lai (無量無邊究竟如來, Lý Thú Kinh [理趣經], Kim Cang Trí [s: Vajrabodhi, 金剛智] dịch, Taishō No. 8), Quảng Bác Thân Như Lai (廣博身如來, Thí Chư Ngạ Quỷ Pháp [施諸餓鬼法], Bất Không dịch, Taishō No. 21), Nhất thiết pháp Tự Tại Mâu Ni (一切法自在牟尼, Đại Nhật Kinh Sớ [大日經疏] 18, Nhất Hành [一行, 683-727] ghi, 20 quyển, Taishō No. 39), v.v. Đây là đấng giáo chủ bổn tôn trung tâm tuyệt đối của Mật Giáo, được xem như thể hiện toàn bộ chân lý của vũ trụ. Trong Đại Nhật Kinh Sớ giải thích rằng ánh sáng trí tuệ của Ngài trừ tối tăm, tỏa sáng khắp tất cả, là ánh sáng lớn không thể nào so sánh với thần mặt trời có phân biệt ngày đêm, phương hướng, tỏa chiếu khắp hết thảy mọi nơi, hoạt động từ bi của Ngài liên tục, vĩnh viễn bất diệt; vì vậy mới thêm vào chữ “đại (s: mahā, 大)” để thể hiện sự hơn hẳn, vượt trội lên tất cả. Đấng Đại Nhật Như Lai như vậy lấy thật tướng của vũ trụ làm Pháp Thân, hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều xuất sanh từ đức Phật này, và tất cả mọi chuyển động đều là hiển hiện cái đức của đấng Như Lai này. Đại Nhật Kinh (s: Mahāvairocanābhisaṃbodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sūtrendra-rāja nāma dharmaparyāya, 大日經) cũng như Kim Cang Đảnh Kinh (s: Sarvatathāgatatattvasaṃgrahanāmamahāyāna-sūtra, 金剛頂經) là những kinh điển thuyết về cách thức hiển hiện các đức ấy trong mối quan hệ với rất nhiều đấng bổn tôn khác; đồ hình thể hiện Ngài là hai bộ Mạn Trà La của Thai Tạng Giới (胎藏界) và Kim Cang Giới (金剛界). Mật hiệu của Ngài là Biến Chiếu Như Lai. Về hình tượng, với tính cách là đấng Như Lai nhưng hình là Bồ Tát. (1) Kim Cang Giới Đại Nhật (金剛界大日): hình tháp, chủng tử là vaṃ, āḥ, oṃ; là đấng trung tôn của 8 hội, ngoài Lý Thú Hội (理趣會) vốn lấy Kim Cang Tát Đỏa (金剛薩埵) làm đấng chủ tôn trong 9 hội, thuyết về kinh điển của hệ Kim Cang Đảnh Kinh. Trong quyển 3 của Kim Cang Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng Kinh (金剛頂瑜伽中略出念誦經, 4 quyển, Kim Cang Trí dịch, Taishō No. 18) có dạy rằng nên nghĩ tưởng đức Tỳ Lô Giá Na Phật, Ngài ngồi ngay trung ương của đàn, ngồi kiết già với oai đức lớn, sắc trắng như con thiên nga, hình như mặt trăng trong lành, hết thảy tướng hảo đều tròn đầy; trên đầu Ngài đội mũ báu, tóc rũ xuống, áo trời bằng tơ mỏng nhẹ buông trên vai. Trong quyển Trung của Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật Kinh (諸佛境界攝眞實經, 3 quyển, Bát Nhã [般若] dịch, Taishō No. 18) cũng có giải thích rằng trên đảnh đầu Ngài có mũ 5 thứ báu, trong mũ báu có 5 vị Hóa Phật ngồi kiết già; quán như vậy xong rồi, hãy bắt Kiên Lao Kim Cang Quyền Ấn (堅牢金剛拳印), Bồ Đề Dẫn Đạo Đệ Nhất Trí Ấn (菩提引導第一智印); nhờ gia trì ấn này mà có thể thọ ký quyết định chắc chắn chứng đắc vô thượng Bồ Đề. (2) Thai Tạng Giới Đại Nhật (胎藏界大日): hình Ngũ Luân Tháp (五輪塔) không có trang sức, chủng tử āḥ, a, khaṃ, ma; là đấng chủ tôn trung tâm của Trung Đài Bát Diệp Viện (中台八葉院), được thuyết trong hệ Đại Nhật Kinh; trong quyển 1 của Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh (大毘盧遮那成佛神變加持經, 7 quyển, gọi tắt là Đại Nhật Kinh, Taishō No. 18, Thiện Vô Úy [善無畏, 637-765] và Nhất Hành [一行, 683-727] cọng dịch) có đoạn rằng đấng Đại Nhật Thắng Tôn xuất hiện, sắc vàng ròng rực rỡ, trên đầu đội mũ búi tóc; có ánh sáng cứu thế viên mãn, xa lìa nhiệt não, trú trong Tam Muội. Trong Đại Nhật Kinh Sớ quyển 4 cũng giải thích thêm rằng Ngài lấy chữ A để chuyển thành thân của Đại Nhật Như Lai, giống như sắc màu vàng kim của Diêm Phù Đàn Tử Ma (閻浮檀紫摩), như tượng Bồ Tát, khắp thân phóng đủ loại hào quang. Ấn tướng của Ngài là Pháp Giới Định Ấn (法界定印) nhằm thuyết về sự xa lìa nhiệt não và trú trong Tam Muội. (3) Tứ Diện Đại Nhật (四面大日): trong Lược Xuất Niệm Tụng Kinh (中略出念誦經) quyển 1 có giải thích rằng từ ý nghĩa hiển đắc Tứ Trí của Như Lai nội chứng, đức Phật này thể hiện không y cứ vào phương diện nào cả. Đấng bổn tôn chính của Tháp Du Kỳ (瑜祇塔) trên Cao Dã Sơn cũng dựa trên cơ sở của đấng Tứ Diện Đại Nhật. Tại Nhật Bản, hiện tồn rất nhiều tôn tượng bằng tranh cũng như gỗ khắc của đức Đại Nhật Như Lai này.
(義天): có mấy nghĩa chính. (1) Gọi đủ là Đệ Nhất Nghĩa Thiên (第一義天), Đệ Nhất Nghĩa Tịnh Thiên (第一義淨天), tức chỉ cho chư Phật, Bồ Tát chứng quả Đại Niết Bàn; hoặc chư vị Bồ Tát đang ở quả vị Thập Trú (十住, gồm Phát Tâm Trú [發心住], Trị Địa Trú [治地住], Tu Hành Trú [修行住], Sanh Quý Trú [生貴住], Cụ Túc Trú [具足住], Chánh Tâm Trú [正心住], Bất Thối Trú [不退住], Đồng Chơn Trú [童眞住], Chánh Pháp Vương Trú [法王子住] và Quán Đảnh Trú [灌頂住]); là một trong 4 cõi trời. Như trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō Vol. 12, No. 374) quyển 22, phẩm Cao Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát Phẩm (光明遍照高貴德王菩薩品) có giải thích rõ rằng: “Hữu tứ thiên, nhất giả Thế Gian Thiên, nhị giả Sanh Thiên, tam giả Tịnh Thiên, tứ giả Nghĩa Thiên. Thế Gian Thiên giả như chư quốc vương; Sanh Thiên giả tùng Tứ Thiên Vương nãi chí Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Thiên; Tịnh Thiên giả tùng Tu Đà Hoàn chí Bích Chi Phật; Nghĩa Thiên giả Thập Trú Bồ Tát Ma Ha Tát đẳng. Dĩ hà nghĩa cố Thập Trú Bồ Tát danh vi Nghĩa Thiên ? Dĩ năng thiện giải chư pháp nghĩa cố. Vân hà vi nghĩa ? Kiến Nhất thiết pháp thị không nghĩa cố (有四種天、一者世間天、二者生天、三者淨天、四者義天、世間天者如諸國王、生天者從四天王乃至非有想非無想天、淨天者從須陀洹至辟支佛、義天者十住菩薩摩訶薩等、以何義故十住菩薩名爲義天、以能善解諸法義故、云何爲義、見一切法是空義故, có bốn loại cõi trời, một là Thế Gian Thiên, hai là Sanh Thiên, ba là Tịnh Thiên, bốn là Nghĩa Thiên. Thế Gian Thiên là các quốc vương; Sanh Thiên là từ Tứ Thiên Vương cho đến cõi trời Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng; Tịnh Thiên là từ Tu Đà Hoàn cho đến Bích Chi Phật; Nghĩa Thiên là các Bồ Tát Ma Ha Tát của quả vị Thập Trú. Vì lấy nghĩa gì mà Bồ Tát của quả vị Thập Trú được gọi là Nghĩa Thiên ? Vì có thể khéo hiểu nghĩa của các pháp. Nghĩa đó là gì ? Thấy hết thảy các pháp là nghĩa không).” (2) Chỉ cho Từ Ân Đại Sư (慈恩大師), tức Khuy Cơ (窺基, 632-682), sơ Tổ của Pháp Tướng Tông Trung Quốc, có thể hiểu được nghĩa nhiệm mầu, nên được gọi là Nghĩa Thiên. (3) Chỉ cho Nghĩa Thiên (1055-1101), hiệu là Đại Giác Thiền Sư (大覺禪師), là con trai thứ 4 của vua Văn Tông (文宗, tại vị 1046-1083) nước Cao Lệ (高麗, Triều Tiên), được phong làm Hựu Thế Tăng Thống (祐世僧統), quản lý tăng giới Triều Tiên.
(言說): nói năng, bàn luận, diễn thuyết, giải thích bằng ngôn từ. Ngôn thuyết có nhiều loại khác nhau; theo Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 1 có nêu ra 3 loại, gồm: Tà Kiến (邪見), Mạn (慢) và Danh Tự (名字); trong đó, hai loại đầu thuộc về bất tịnh, loại thứ ba là tịnh. Hơn nữa, Thích Ma Ha Diễn Luận (釋摩訶衍論) quyển 2 lại nêu lên 5 loại khác như: Tướng Ngôn Thuyết (相言說), Mộng Ngôn Thuyết (夢言說), Vọng Chấp Ngôn Thuyết (妄執言說), Vô Thỉ Ngôn Thuyết (無始言說) và Như Nghĩa Ngôn Thuyết (如義言說); trong đó, bốn loại đầu thuộc về thuyết hư vọng, loại cuối cùng là thuyết như thật. Như trong Phật Thuyết Đại Phương Quảng Bồ Tát Thập Địa Kinh (佛說大方廣菩薩十地經, Taishō No. 308) có đoạn: “Thiện nam tử ! Bồ Đề giả, thị giai ngôn thuyết tục sổ thí thiết. Thiện nam tử ! Bồ Đề giả phi ngôn thuyết phi tục sổ phi thí thiết. Thiện nam tử ! Như Bồ Đề phi ngôn thuyết, Tát Đỏa cập tâm chí Nhất thiết pháp, diệc phục như thị (善男子、菩提者。菩提者、是皆言说俗数施设。是皆言說俗數施設、善男子。善男子、菩提者非言说非俗数非施设。菩提者非言說非俗數非施設、善男子。善男子、如菩提非言說、萨埵及心至一切法。薩埵及心至一切法、亦复如是。亦復如是当作是, Này thiện nam tử ! Bồ Đề đều do ngôn thuyết, thế tục tính đếm, thiết lập mà thành. Này thiện nam tử ! Bồ Đề không phải do ngôn thuyết, không phải do thế tục tính đếm, chẳng phải do thiết lập mà thành. Này thiện nam tử ! Nếu như Bồ Đề không phải do ngôn thuyết, thì Tát Đỏa, tâm cho đến hết thảy các pháp cũng giống như vậy).” Hay như trong Bảo Tạng Luận (寶藏論) của Tăng Triệu (僧肇, 383-414) cũng có giải thích rằng: “Thí như hư không, ly số phi số, ly tánh phi tánh, phi nhất phi dị, phi cảnh phi ly cảnh, bất khả ngôn thuyết, quá ư văn tự, xuất ư tâm lượng, vô hữu khứ lai, vô hữu xuất nhập (譬如虛空、離數非數、離性非性、非一非異、非境非離境、不可言說、過於文字、出於心量、無有去來、無有出入, ví như hư không, lìa cả số lượng và không phải số lượng, lìa cả tánh và không phải tánh, chẳng phải một và cũng chẳng phải khác, chẳng phải cảnh và cũng chẳng phải lìa cảnh, chẳng thể giải thích bằng ngôn từ, vượt qua cả văn từ, ra khỏi sự suy lường của tâm, không có đi và đến, không có ra và vào).” Hơn nữa, trong Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bất Tư Nghì Phật Cảnh Giới Kinh (文殊師利所說不思議佛境界經, Taishō No. 340) quyển thượng cũng có câu: “Thế Tôn ! Không dĩ ngôn thuyết cố hữu; tham sân si, diệc dĩ ngôn thuyết cố hữu (世尊、空以言說故有、貪瞋癡、亦以言說故有, Thế Tôn ! Không vì do ngôn thuyết mà có; tham sân si cũng vì do ngôn thuyết mà có).”
(s: pañca-skandha, p: pañca-khandha, 五蘊): còn gọi là Ngũ Ấm (五陰), Ngũ Chúng (五眾), Ngũ Tụ (五聚). Uẩn (s: skandha, p: khandha, ) âm dịch là Tắc Kiện Đà (塞健陀), ý là tích tụ, loại biệt, tức là 5 loại khác nhau về các pháp hữu vi; về mặt khách quan, là chỉ cho toàn thể thế giới vật chất cũng như tinh thần. Ngũ Uẩn gồm:
(1) Sắc Uẩn (s: rūpa-skandha, p: rūpa-khandha, 色蘊), tức chỉ cho nhục thể hữu tình, thế giới vật chất, các yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa, cũng như những loại được hình thành từ các yếu tố ấy. Trong 75 pháp của Câu Xá Luận (具舍論), 11 pháp Nhãn (眼, mắt), Nhĩ (耳, tai), Tỷ (鼻, mũi), Thiệt (舌, lưỡi), Thân (身, thân thể), Sắc (色, sắc màu), Thanh (聲, âm thanh), Hương (香, mùi hương), Vị (味, mùi vị), Xúc (觸, xúc chạm), Vô Biểu (無表, không thể hiện) là chỉ cho Sắc Uẩn.
(2) Thọ Uẩn (s: vedanā-skandha, p: vedanā-khandha, 受蘊), chỉ cho tác dụng cảm thọ của khổ, vui, v.v., mang tính tinh thần (tri giác), mang tính nhục thể (cảm giác); được phân loại thành 3 loại Thọ là Khổ, Vui, Không Khổ Không Vui; hay 5 loại Thọ là Ưu (憂, buồn), Hỷ (喜, mừng), Khổ (苦, khổ), Lạc (樂, vui), Xả (捨, xả bỏ).
(3) Tưởng Uẩn (s: sañjā-skandha, p: saññā-khandha, 想蘊), tương đương với khái niệm, biểu tượng.
(4) Hành Uẩn (s: saṁkhāra-skandha, p: saṅkhāra-khandha, 行蘊), nghĩa hẹp là chỉ cho tư duy (ý chí); nghĩa rộng là chỉ cho các pháp tâm bất tương ứng với tính cách là sức mạnh để vận động hết thảy tác dụng tinh thần, tác dụng vật chất, trừ ba uẩn Thọ, Tưởng và Thức. Tỷ dụ như Đắc (得, đạt được), Phi Đắc (非得, không đạt được), Sanh (生, sanh), Trụ (住, tồn tại), Dị (易, thay đổi), Diệt (滅, hoại diệt), Danh (名), Cú (句), Văn (文), v.v.
(5) Thức Uẩn (s: vijñāna-skandha, p: viññāṇa-khandha, 識蘊), với tính cách là chủ thể của tâm, nó chỉ cho Nhãn Thức (眼識) cho đến 6 thức kia; hơn nữa thức thứ 7 Mạt Na (末那) cũng như thức thứ 8 A Lại Da (s, p: ālaya, 阿賴耶) của Duy Thức Học, cũng thuộc về Thức Uẩn này.
Trong Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Thư (大慧普覺禪師書, Taishō No. 1998A) quyển 28 có đoạn rằng: “Phật vi nhất thiết mê nhân nhận Ngũ Uẩn hòa hợp vi tự thể tướng, phân biệt Nhất thiết pháp vi ngoại trần tướng, háo sanh ố tử niệm niệm thiên lưu, bất tri mộng huyễn hư giả, uổng thọ luân hồi (佛爲一切迷人認五蘊和合爲自體相、分別一切法爲外塵相、好生惡死念念遷流、不知夢幻虛假、枉受輪回, Phật vì hết thảy người mê nhận Năm Uẩn hòa hợp là tướng tự thể, phân biệt tất cả pháp là tướng ngoại trần, thích sống sợ chết mỗi niệm trôi nỗi, chẳng biết mộng huyễn giả dối, uổng thọ luân hồi).” Hay như trong Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập (憨山老人夢遊集, CBETA No. 1456) quyển 38 cũng có câu: “Ngũ Uẩn sơn trung tịch diệt trường, lục song hư sưởng dạ sanh quang, chỉ tu hoán tỉnh yểm trung chủ, mạc sử hôn trầm tự cái tàng (五蘊山中寂滅塲、六窗虛敞夜生光、只須喚醒弇中主、莫使昏沉自蓋藏, Năm Uẩn trong rừng vắng lặng trường, sáu cửa toang mở đêm phát quang, chỉ nên tỉnh thức làm chủ cả, chớ để hôn trầm che kín màng).” Hoặc trong phần Bát Nhã (般若) của Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh (六祖大師法寶壇經, Taishō No. 2008) có đoạn: “Đương dụng đại trí tuệ, đả phá Ngũ Uẩn phiền não trần lao, như thử tu hành, định thành Phật đạo, biến Tam Độc vi Giới Định Tuệ (當用大智慧、打破五蘊煩惱塵勞、如此修行、定成佛道、變三毒為戒定慧, nên dùng trí tuệ lớn, đả phá Năm Uẩn phiền não trần lao; tu hành như vậy, nhất định thành Phật đạo, biến Ba Độc thành Giới Định Tuệ).” Trong Kinh Bát Nhã có câu rất nổi tiếng là: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách (觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時、照見五蘊皆空、度一切苦厄, khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Đa, thấy rõ Năm Uẩn đều không, thoát khỏi hết thảy khổ ách).” Từ đó, Ngũ Uẩn Giai Không (五蘊皆空, Năm Uẩn Đều Không) hay Nhất Thiết Giai Không (一切皆空, Tất Cả Đều Không) được xem như là tư tưởng căn bản của Phật Giáo. Như trong Thiền Gia Quy Giám (禪家龜鑑, CBETA No. 1255) có đoạn: “Phàm nhân lâm mạng chung thời, đản quán Ngũ Uẩn giai không, Tứ Đại vô ngã, chân tâm vô tướng, bất khứ bát lai, sanh thời tánh diệc bất sanh, tử thời tánh diệc bất khứ, trạm nhiên viên tịch, tâm cảnh nhất như (凡人臨命終時、但觀五蘊皆空、四大無我、眞心無相、不去不來、生時性亦不生、死時性亦不去、湛然圓寂、心境一如, phàm người khi đến lúc lâm chung, nên quán Năm Uẩn vô thường, Bốn Đại vô ngã, chân tâm vô tướng, không đến không đi, khi sanh tánh cũng không sanh, khi chết tánh cũng không mất, vắng lặng tròn đầy, tâm cảnh như một).”
(s: sarva, p: sabba, 一切) [thuật]: âm dịch là tát bà (薩婆), hết thảy, tất cả, toàn thể sự vật. Nó có 2 ý nghĩa, khi nói về toàn thể sự vật thì ám chỉ hết thảy toàn phần, còn khi đề cập đến toàn bộ phạm vi có giới hạn thì ám chỉ hết thảy phần nhỏ. Pháp Uyển Quỳnh Lâm (法苑珠林) 28 có đoạn rằng: “Nhất dĩ phổ cập vi ngôn, thiết dĩ tận tế vi ngữ (一以普及爲言、切以盡際爲語, một lấy sự rộng khắp làm tiếng, thiết lấy sự tận cùng làm lời)”. Vĩnh Bình Quảng Lục (永平廣錄) 2 có đoạn rằng: “Bách thiên chư Phật tổng tại phất tử đầu thượng, thị hiện trượng lục tử ma kim sắc chi thân, thừa kỳ quốc du lịch thập phương, thuyết Nhất thiết pháp, độ nhất thiết chúng, khởi bất thị không hoa loạn trụy (百千諸佛總在拂子頭上、示現丈六紫磨金色之身、乘其國土遊歷十方、說一切法、度一切眾生、豈不是空華亂墜, trăm ngàn các đức Phật ở trên đầu cây phất trần, thị hiện thân tướng sắc vàng tía cao sáu trượng, từ nước này đi dạo khắp mười phương, thuyết tất cả các pháp, độ tất cả chúng sanh, đó chẳng phải là không hoa rơi xuống cùng khắp sao ?)”.
(s: sarva-jñatā, sarva-jña, sarva-jñāna, p: sabba-ñöa, 一切智) [thuật]: âm dịch là Tát Bà Nhã (薩婆若), Tát Bà Nhã Đa (薩婆若多), là một trong 3 loại trí (nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí [s: sarvajña-jñāna, sarvajñatā, sarva-jña, 一切種智]), là trí tuệ thông đạt hết thảy trong ngoài, biết hết thảy các pháp. Hữu Bộ cho đây là trí tuệ của Phật, và cũng có thuyết cho rằng trí tuệ này thông cả hai thừa Thanh Văn và Duyên Giác. Nó đối với nhất thiết chủng trí, có hai nghĩa chung và riêng. Nếu theo nghĩa chung, nó được gọi là Phật trí, cùng nghĩa với nhất thiết chủng trí. Nếu theo nghĩa riêng, nhất thiết chủng trí là trí nhìn thấy sự khác nhau của sự tướng. Nhất thiết trí là trí tuệ nhìn hiện tượng giới một cách bình đẳng, có tánh không. Nếu nói về nghĩa chung, trong Phẩm Thí Dụ của Kinh Pháp Hoa (法華經) có đoạn rằng: “Cần tu tinh tấn, cầu nhất thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí (勤修精進、求一切智、佛智、自然智、無師智, siêng tu tinh tấn để cầu được trí tuệ biết hết tất cả, trí tuệ của Phật, , trí tuệ tự nhiên, trí tuệ không cần thầy chỉ dẫn)”. Cùng kinh trên, Phẩm Hóa Thành Dụ có đọan rằng: “Vi Phật nhất thiết trí, phát đại tinh tấn (爲佛一切智、發大精進, vì trí biết hết thảy của Phật mà phát khởi sự tinh tấn lớn)”. Kinh Nhân Vương (仁王經) quyển hạ dạy rằng: “Mãn túc vô lậu giới, thường tịnh giải thoát thân, tịch diệt bất tư nghì, danh vi nhất thiết trí (滿足無漏界、常淨解脫身、寂滅不思議、名爲一切智, cõi đầy đủ vô lậu, thân thường trong sạch giải thoát, vắng lặng không nghĩ bàn, đó gọi là trí tuệ biết hết tất cả)”. Phần cuối quyển 9 của Trung Luận Sớ (中論疏) có đoạn rằng: “Tri Nhất thiết pháp, danh nhất thiết trí (知一切法、名一切智, biết hết thảy các pháp được gọi là trí hiểu biết hết tất cả)”. Kế đến, nếu nói về nghĩa riêng, đó là trí tuệ biết được hết thảy lý không bình đẳng. Pháp Hoa Kinh Sớ (法華經疏) 2 của ngài Gia Tường (嘉祥) có giải thích rằng: “Bát Nhã Tam Huệ Phẩm vân: 'Tri Nhất thiết pháp nhất tướng, cố danh nhất thiết trí; hựu vân tri chủng chủng tướng cố danh nhất thiết chủng trí (般若三慧品云、知一切法一相、故名一切智、又云知種種相故名一切種智, Phẩm Bát Nhã Tam Huệ dạy rằng: 'Biết tất cả các pháp một tướng nên gọi là nhất thiết trí; biết tất cả các loại tướng nên gọi là nhất thiết chủng trí')”. Cùng quyển trên có giải thích thêm rằng: “Nhất thiết trí giả, vị không trí dã (一切智者、謂空智也, trí biết hết tất cả là trí không)”. Trí Độ Luận (智度論) 27 có đoạn rằng: “Luận nhất thiết chủng trí chi sai biệt, hữu nhân ngôn vô sai biệt, hoặc thời ngôn nhất thiết chủng trí; hữu nhân ngôn tổng tướng thị nhất thiết, biệt tướng thị nhất thiết chủng trí; nhân thị nhất thiết trí, quả thị nhất thiết chủng trí; lược thuyết nhất thiết trí, quảng thuyết nhất thiết chủng trí; nhất thiết trí tổng phá Nhất thiết pháp trung vô minh ám, nhất thiết chủng trí quán chủng chủng pháp môn phá chư vô minh (論一切種智之差別、有人言無差別、或時言一切種智、有人言總相是一切、別相是一切種智、因是一切智、果是一切種智、略說一切智、廣說一切種智、一切智總破一切法中無明闇、一切種智觀種種法門破諸無明, Khi luận về sự khác nhau của nhất thiết chủng trí, có người cho rằng không có khác nhau, hay có khi gọi là nhất thiết chủng trí; có người lại cho rằng tướng chung là hết thảy các trí, tướng riêng là nhất thiết chủng trí, nhân là nhất thiết trí, còn quả là nhất thiết chủng trí; nói riêng là nhất thiết trí, nói rộng ra là nhất thiết chủng trí; nhất thiết trí thì phá tan toàn bộ sự tối tăm, vô minh của tất cả các pháp; còn nhất thiết chủng trí thì quán từng loại pháp môn để phá các vô minh)”. Đại Thừa Nghĩa Chương (大乘義章) 10 cho rằng: “Cử lục chủng chi sai biệt, hựu dĩ danh Thanh Văn, Duyên Giác chi trí (舉六種之差別、又以名聲聞緣覺之智, nêu lên được 6 loại sai biệt, đó gọi là trí của Thanh Văn và Duyên Giác)”. Trí Độ Luận (智度論) 27 giải thích thêm rằng: “Hậu phẩm trung Phật thuyết nhất thiết trí, thị Thanh Văn, Bích Chi Phật sự, đạo trí thị Bồ Tát sự, nhất thiết chủng trí thị Phật sự, Thanh Văn, Bích Chi Phật câu hữu tổng nhất thiết trí, vô hữu nhất thiết chủng trí (後品中佛說明一切智、是聲聞辟支佛事、道智是菩薩事、一切種智是佛事、聲聞辟支佛倶有總一切智、無有一切種智, trong phẩm sau đức Phật nói về nhất thiết trí là trí của Thanh Văn và Bích Chi Phật, đạo trí là trí của Bồ Tát, nhất thiết chủng trí là trí của Phật, Thanh Văn và Bích Chi Phật đều có chung nhất thiết trí, nhưng không có nhất thiết chủng trí)”.
(s: dharmatā, p: dhammatā, 法性): còn gọi là Thật Tướng Chân Như (實相眞如), Chân Pháp Tánh (眞法性), Chân Tánh (眞性); là tên gọi khác của Chân Như (眞如), v.v.; tuy tên gọi khác mà đồng thể; là thể tánh chân thật của các pháp, cũng là bản tánh chân thật bất biến vốn có của hết thảy hiện tượng trong vũ trụ. Pháp Tánh là gốc của vạn pháp, nên còn gọi là Pháp Bổn (法本). Đại Trí Độ Luận (大智度論, Taishō Vol. 25, No. 1509) quyển 32 lấy tổng tướng và biệt tướng của các pháp cùng quy về Pháp Tánh; cho rằng các pháp có mỗi mỗi tướng (tướng sai biệt của hiện tượng) và thật tướng. Về cái gọi là mỗi mỗi tướng khác nhau, tỷ dụ như sáp ong đốt chảy thành nước, mất đi tướng ban đầu của nó, do vì không cố định, nên phân biệt tìm cầu không thể được; chính vì không thể được nên gọi là “không (空)” (tức không có tự tánh); vì vậy không chính là thật tướng của các pháp. Đối với hết thảy tướng sai biệt mà nói, do vì tự tánh của chúng là không, nên đều là đồng nhất, được gọi là “như (如).” Tất cả các tướng đều quy về không, vì vậy gọi không là Pháp Tánh. Lại nữa, như trong đá màu vàng có đủ tánh chất của vàng, trong tất cả các pháp trên thế gian đều có Pháp Tánh của Niết Bàn; vì vậy mới bảo rằng thật tánh bản nhiên của các pháp là Pháp Tánh. Điều này đồng nghĩa với ý nghĩa gọi là “chúng sanh, quốc độ đồng nhất Pháp Tánh (眾生、國土同一法性, chúng sanh, quốc độ cùng một Pháp Tánh)” trong Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh (大方廣圓覺修多羅了義經, Taishō Vol. 17, No. 842). Trong Đại Bảo Tích Kinh (大寶積經, Taishō Vol. 11, No. 310) quyển 52, đức Thích Tôn đã từng khai thị về nghĩa thật tánh của các pháp, dạy rằng Pháp Tánh không có đổi khác, không có tăng thêm, không tạo tác và chẳng có không tạo tác; Pháp Tánh không có phân biệt, không có sở duyên, đối với tất cả pháp có thể chứng đắc thể tướng cứu cánh. Cũng có thuyết cho rằng Như Lai Tạng (如來藏) đồng nghĩa với Pháp Tánh. Các luận sư giải thuyết về Pháp Tánh không giống nhau. Đại Sư Từ Ân (慈恩, tức Khuy Cơ [窺基, 632-682]) của Pháp Tướng Tông thì cho rằng Pháp Tánh là Viên Thành Thật Tánh (圓成實性) trong 3 tánh; Y Tha Khởi Tánh (依地起性) này là nơi nương tựa của hết thảy các pháp hữu vi. Trong khi đó, Gia Tường Đại Sư Cát Tạng (吉藏, 549-623) của Tam Luận Tông lại chủ trương rằng chân không là Pháp Tánh. Kế đến, Hiền Thủ (賢首, tức Pháp Tạng [法藏, 643-712]), vị Tổ thứ 3 của Hoa Nghiêm Tông, cho rằng chân như có hai nghĩa là bất biến và tùy duyên; nếu lấy nghĩa tùy duyên, biến tạo ra các pháp, tuy biến tạo mà vẫn giữ tánh chân như bất biến. Chân như tùy duyên biến tạo vạn pháp như vậy, nên gọi chân như là Pháp Tánh. Đại Sư Trí Khải (智顗, 538-597) của Thiên Thai Tông luận rằng Pháp Tánh có đủ ô nhiễm, trong sạch, tức tánh thiện tánh ác; vì tánh có đủ thiện và ác, nên sanh ra các pháp ô nhiễm, trong sạch. Như trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (大方廣佛華嚴經, Taishō Vol. 10, No. 279) quyển 16, Phẩm Thăng Tu Di Sơn Đảnh (昇須彌山頂品) 13, có đoạn: “Pháp Tánh bổn không tịch, vô thủ diệc vô kiến, tánh không tức thị Phật, bất khả đắc tư lường (法性本空寂、無取亦無見、性空卽是佛、不可得思量, Pháp Tánh vốn không lặng, không cầm cũng không thấy, tánh không tức là Phật, suy lường chẳng thể được).” Trong bài tựa của Khởi Tín Luận Tục Sớ (起信論續疏, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 45, No. 764) quyển 1 giải thích rằng: “Pháp Tánh giả, vị chân như bất biến, tùy duyên nhi năng thành Nhất thiết pháp (法性者、謂眞如不變、隨緣而能成一切法, Pháp Tánh nghĩa là chân như bất biến, tùy duyên mà có thể thành tất cả các pháp).” Hoặc trong Tông Kính Lục (宗鏡錄, Taishō Vol. 48, No. 2016) quyển 87 cũng có đoạn: “Hựu chư pháp tức Pháp Tánh nhân duyên, nãi chí Đệ Nhất Nghĩa diệc thị nhân duyên (又諸法卽是法性因緣、乃至第一義亦是因緣, lại các pháp là nhân duyên của Pháp Tánh, cho đến Đệ Nhất Nghĩa cũng là nhân duyên).”
(無生): còn gọi là vô khởi (無起), có hai nghĩa. (1) Thật tướng của các pháp không có sanh diệt; đồng nghĩa với vô sanh diệt (無生滅) hoặc vô sanh vô diệt (無生無滅). Sự tồn tại của các pháp vốn không có thật thể, do nhân duyên mà thành, là không, nên có thể nói rằng không có sanh diệt. Tuy nhiên, hạng phàm phu mê lầm lý vô sanh này, nên khởi lên phiền não về sanh diệt, vì vậy bị lưu chuyển sanh tử. Nếu nương theo kinh luận, quán lý vô sanh thì có thể trừ được phiền não sanh diệt. (2) Là ý dịch của A La Hán (s: arhat, p: arahant, 阿羅漢) hay Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃). A La Hán có nghĩa là bất sanh (不生, không sanh), tức đoạn tận phiền não của Ba Cõi, không còn trở lại thọ sanh trong Ba Cõi này nữa. Lại nữa, người nương theo bản nguyện vãng sanh Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, là khế hợp với bản nguyện của Ngài, nhân vô sanh này chính là lý của Niết Bàn; cho nên khác với cái gọi là sanh vọng tưởng hư huyễn trong nội tâm của kẻ phàm phu. Về điểm này, Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Chú (無量壽經優婆提舍願生偈註, tức Vãng Sanh Luận Chú [往生論註], Taishō Vol. 40, No. 1819) quyển Hạ gọi là “vô sanh chi sanh (無生之生, sanh của vô sanh).” Từ quan điểm không sanh diệt của Niết Bàn mà nói, tức chỉ giác ngộ Niết Bàn, cũng tức là chứng đắc thân vô sanh; Cực Lạc là khế hợp với thế giới của Niết Bàn; và từ nghĩa này, có tên gọi là vô sanh giới (無生界, cõi vô sanh). Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh (大方廣圓覺修多羅了義經, Taishō Vol. 17, No. 842) quyển 1 dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh ư vô sanh trung, vọng kiến sanh diệt, thị cố thuyết danh luân chuyển sanh tử (一切眾生於無生中、妄見生滅、是故說名轉輪生死, hết thảy chúng sanh trong vô sanh, lầm thấy sanh diệt, cho nên gọi là luân chuyển sanh tử).” Trong Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (金光明最勝王經, Taishō Vol. 16, No. 665) quyển 1 còn khẳng định thêm rằng: “Vô sanh thị thật, sanh thị hư vọng, ngu si chi nhân, phiêu nịch sanh tử, Như Lai thật thể, vô hữu hư vọng, danh vi Niết Bàn (無生是實、生是虛妄、愚痴之人、漂溺生死、如來體實、無有虛妄、名爲涅槃, vô sanh là thật, sanh là giả dối, người mà ngu si, trôi lăn sanh tử, thật thể Như Lai, không có giả dối, gọi là Niết Bàn).” Hay trong Phật Thuyết Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh (佛說仁王般若波羅蜜經, Taishō Vol. 8, No. 245) quyển Thượng cũng cho biết rằng: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không, bất lai bất khứ, vô sanh vô diệt, đồng chơn tế, đẳng pháp tánh (一切法性眞實空、不來不去、無生無滅、同眞際、等法性, tất cả pháp tánh chân thật không, chẳng đến chẳng đi, không sanh không diệt, đồng với chơn tế, ngang với pháp tánh).” Trong bài kệ thị tịch Thiền sư Quảng Nghiêm (廣嚴, 1121-1190) thuộc thế hệ thứ 11 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam có câu rằng: “Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ, sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh (離寂方言寂滅去、生無生後說無生, lìa diệt mới cho tịch diệt hết, đạt vô sanh rồi nói vô sanh).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập