Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Pháp Phục »»
(獨庵道衍, Dokuan Dōen, 1335-1418): vị Thiền tăng sống vào đầu thời nhà Minh, xuất thân Trường Châu (長洲, Huyện Ngô, Tỉnh Giang Tô), họ là Diêu (姚), tên Quảng Hiếu (廣孝), hiệu Độc Am (獨庵). Năm 14 tuổi, ông xuất gia, ban đầu học Thiên Thai giáo học, sau theo Trí Cập (智及) ở Kính Sơn (徑山) tham Thiền và đạt được yếu chỉ. Sau đó, ông làm trú trì một số chùa như Phổ Khánh Tự (普慶寺) ở Lâm An (臨安), Thiên Long Tự (天龍寺) ở Hàng Châu (杭州), Lưu Quang Tự (留光寺) ở Gia Định (嘉定). Ông có năng khiếu về thi văn, lại sở trường về thuật số âm dương, và rành về hội họa. Yến Vương cùng ông đàm luận rất tâm đắc; thỉnh thoảng ông sống trong phủ nội với nhà vua, cùng vua bàn chuyện cơ mật, có công đệ nhất nên được tôn làm Thái Tử Thiếu Sư và người đời gọi ông là Diêu Thiếu Sư (姚少師). Nhà vua lại ra lệnh cho ông để tóc mặc quan phục, nhưng ông từ chối không nhận, thậm chí ban cho cả nhà cửa cung nhân hầu hạ, nhưng rốt cuộc ông chối từ tất cả. Ông từng giám tu cuốn Thái Tổ Bảo Lục (太祖寳錄), Vĩnh Lạc Đại Điển (永樂大典), v.v. Thường ngày ông sống tại Thành Tây Phật Tự (城西佛寺), mặc Pháp Phục lễ bái tụng kinh, chỉ nuôi dưỡng một người thị giả. Đến năm thứ 6 (1418) niên hiệu Vĩnh Lạc (永樂), ông thị tịch, hưởng thọ 84 tuổi, được ban cho thụy hiệu là Cung Tĩnh (恭靖). Ông từng viết cuốn Đạo Dư Lục (道余錄), khẳng định rằng Phật pháp không thể nào diệt tận, là tác phẩm đối trị với những ngộ nhận và công kích của Nho Giáo dưới thời nhà Tống đối với Phật Giáo. Bên cạnh đó, ông còn để lại nhiều luận thư khác về Tịnh Độ như Tịnh Độ Giản Yếu Lục (淨土簡要錄), v.v. Đối với Nhật Bản, ông cũng có mối quan hệ như đã từng viết lời tựa cho bản Tiêu Kiên Cảo (蕉堅稿) của Tuyệt Hải Trung Tân (絕海中津, 1336-1405) hay Trí Giác Phổ Minh Quốc Sư Ngữ Lục (智覺普明國師語錄) của Xuân Ốc Diệu Ba (春屋妙葩, 1311-1388).
(日英, Nichiei, 1346-1423): vị Tăng của Nhật Liên Tông, sống vào khoảng giữa hai thời đại Nam Bắc Triều và Thất Đinh, húy là Nhật Anh (日英), hiệu Diệu Thân Viện (妙親院). Ông theo tu học với Nhật Trinh (日貞) ở Pháp Hoa Kinh Tự (法華經寺) thuộc vùng Trung Sơn (中山, Nakayama), Hạ Tổng (下總, Shimōsa); rồi sau khi thầy ông qua đời, ông theo hầu hạ Nhật Tôn (日尊), vị Tổ đời thứ 4 của chùa này. Đến năm 1390, ông được mời đến làm Tổ khai sơn Diệu Tuyên Tự (妙宣寺) vốn do anh ông là Thực Cốc Trùng Kế (埴谷重繼) tạo dựng nên. Trong khi tiến hành lễ khánh thành chùa này, xảy ra vấn đề tranh luận về Pháp Phục với Cửu Viễn Tự (久遠寺, Kuon-ji); nên sinh ra việc kiện tụng lên người quản lãnh vùng Quan Đông (關東, Kantō), và kết quả tại pháp đình thì Cửu Viễn Tự thắng kiện. Từ đó về sau, ông lấy mối quan hệ huyết thống với dòng họ Thiên Diệp (千葉, Chiba), tín đồ trung thành của Pháp Hoa Kinh Tự, làm cơ sở để mở ra những trung tâm hoằng pháp ở vùng Thượng Tổng (上總, Kazusa) cũng như Hạ Tổng (下總, Shimōsa), và phát triển Môn Phái Trung Sơn. Môn hạ của ông có Nhật Thân (日親), Nhật Quốc (日國), v.v. Trước tác của ông có Mạt Tự Giảng Diễn Chức Đẳng Sự (末寺講演職等事) 1 quyển, Nhượng Trạng (讓狀).
(法服): có hai nghĩa chính:
(1) Nghĩa là phục sức quy định trong lễ pháp thời cổ đại. Như trong Hiếu Kinh (孝經), Chương Khanh Đại Phu (卿大夫章) có câu: “Phi tiên vương chi Pháp Phục bất cảm phục (非先王之法服不敢服, chẳng phải là Pháp Phục của tiên vương thì chẳng dám mặc).” Hay trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 35 có đoạn rằng: “Nhân hữu đạo tục chi dị, tại gia tắc y hồ ngoại giáo, phục tiên vương chi Pháp Phục, thuận tiên vương chi pháp ngôn (人有道俗之異、在家則依乎外敎、服先王之法服、順先王之法言, người có đạo tục khác nhau, hàng tại gia tất phải nương vào giáo thuyết khác, mặc Pháp Phục của tiên vương, vâng theo lời dạy của tiên vương).”
(2) Trong Phật Giáo, còn gọi là Pháp Y (法衣), Tăng Phục (僧服), Tăng Y (僧衣); tức là y phục của Tăng Ni thường dùng; chỉ cho y phục do đức Phật chế ra, như Như Pháp Y (如法衣), Ứng Pháp Y (應法衣). Y phục do đức Phật chế có Tam Y, Ngũ Y, v.v. Trường hợp Trung Quốc, Nhật Bản có khí hậu khác với Ấn Độ, nên phạm vi của Pháp Y rộng hơn, hình thức đa dạng hơn. Phàm những y phục nào của Tăng Ni dùng mà không vi phạm giới luật, đều được gọi là Pháp Y. Tại Ấn Độ, quy định vị Tỳ Kheo có 3 y là Tăng Già Lê (s, p: saṅgāṭī, 僧伽梨), Uất Đa La Tăng (s, p: uttarāsaṅga, 鬱多羅僧) và An Đà Hội (s: antarvāsa, p: antaravāsaka, 安陀會). Riêng Tỳ Kheo Ni, trừ 3 y nêu trên, còn có thêm 2 y khác là Tăng Kỳ Chi (s: saṃkakṣikā, 僧衹支) và Quyết Tu La (s: kusūla, 厥修羅). Ba Y là tiếng gọi chung của âm dịch tiếng Sanskrit Chi Phạt La (s: cīvara, 支伐羅). Hơn nữa, do vì có nhuộm sắc màu nên gọi là Ca Sa (s: kaṣāya; p: kāsāya, 袈裟, ý dịch là hoại sắc); hoặc gọi là Phước Điền Y (福田衣), Hàng Tà Y (降邪衣), Tràng Tướng Y (幢相衣), Gian Sắc Y (間色衣), Tạp Trần Phục (雜塵服), Vô Cấu Y (無垢衣), Vô Tướng Y (無相衣), Thắng Tràng Y (勝幢衣), Vô Thượng Y (無上衣), Giải Thoát Phục (解脫服), Đạo Phục (道服), Xuất Thế Phục (出世服), A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Y (阿耨多羅三藐三菩提衣), Từ Bi Phục (慈悲服), Nhẫn Nhục Khải (忍辱鎧), Nhẫn Khải Y (忍鎧衣), Công Đức Y (功德衣), Tiêu Sấu Y (消瘦衣), Liên Hoa Y (蓮華衣), Liên Hoa Phục (蓮華服), Điền Tướng Y (田相衣), v.v. Trong Ba Y, Tăng Già Lê còn gọi là Đại Y (大衣), Trọng Y (重衣), Tạp Toái Y (雜碎衣), Cao Thắng Y (高勝衣), Nhập Vương Cung Tụ Lạc Y (入王宮聚落衣), v.v. Uất Đa La Tăng có tên gọi khác là Thất Điều Ca Sa (七條袈裟), Thất Điều Y (七條衣), Thất Điều (七條), Thượng Y (上衣), Nhập Chúng Y (入衆衣), v.v.; được dùng khi lễ tụng, thính giảng, Bố Tát (s: upavasatha, p: uposatha, 布薩). An Đà Hội còn gọi là Ngũ Điều Y (五條衣), Nội Y (內衣), Trung Túc Y (中宿衣); là y mặc dùng vào lúc sinh hoạt hằng ngày, hay khi đi ngủ. Như trong Tuyển Tập Bách Duyên Kinh (撰集百緣經, Taishō Vol. 4, No. 200) quyển 7 có câu: “Phật tức cáo ngôn: 'Thiện lai Tỳ Kheo !' Tu phát tự lạc, Pháp Phục trước thân, tiện thành Sa Môn, tinh cần tu tập, đắc A La Hán quả, Tam Minh Lục Thông, cụ Bát Giải Thoát, chư thiên thế nhân, sở kiến kính ngưỡng (佛卽告言、善來比丘、鬚髮自落、法服著身、便成沙門、精懃修習、得阿羅漢果、三明六通、具八解脫、諸天世人、所見敬仰, Phật bèn nói rằng: 'Tỳ Kheo hãy khéo đến đây !' Râu tóc tự rơi rụng, Pháp Phục mang vào thân, bèn thành Sa Môn, siêng năng tu tập, chứng quả A La Hán, Ba Minh Sáu Thông, đầy đủ Tám Giải Thoát, Trời người trên đời, trông thấy kính ngưỡng).” Hay như trong Trường A Hàm Kinh (長阿含經, Taishō Tripitaka Vol. 1, No. 1) quyển 17 lại có câu: “Bỉ ư hậu thời, thế trừ tu pháp, phục tam Pháp Y, xuất gia tu đạo, hành bình đẳng pháp (彼於後時、剃除鬚髮、服三法衣、出家修道、行平等法, vị ấy sau đó, cạo bỏ râu tóc, mặc ba Pháp Y, xuất gia tu đạo, hành pháp bình đẳng).” Trong Tục Đăng Chánh Thống (續燈正統, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 84, No. 1583) quyển 26 cũng có câu: “Triều đình tam khiển trọng thần giáng hương, tích hiệu Phật Huệ Viên Giám Phổ Tế Thiền Sư, tinh tứ Kim Lan Pháp Y (朝廷三遣重臣降香、錫號佛慧圓鑒普濟禪師、幷賜金襴法衣, triều đình ba lần cử sứ thần đến dâng hương, ban cho hiệu là Phật Huệ Viên Giám Phổ Tế Thiền Sư, và ban thưởng cho Pháp Y Kim Lan).” Trong Sa Di Ni Luật Nghi Yếu Lược (沙彌尼律儀要略, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 60, No. 1122), phần Sự Sư Đệ Tam (事師第三, Hầu Thầy Thứ Ba) lại có đoạn: “Tảo khởi thời, đương tiên thanh tịnh trước Pháp Y, lễ Phật pháp, khước lễ sư (早起時、當先清淨著法衣、禮佛法、卻禮師, khi dậy sớm, trước phải thanh tịnh mang Pháp Y vào, lạy Phật pháp, rồi lạy thầy).”
(三十六部鬼王): 36 vị Quỷ Vương. Trong Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh (正法念處經, Taishō Vol. 17, No. 721) quyển 16, Phẩm Ngạ Quỷ (餓鬼品) cũng như Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) quyển 6, phần Liệt Số Bộ (列數部) thứ 4 có nêu rõ tên 36 loại Ngạ Quỷ, nhưng tên gọi có khác. Đặc biệt, Pháp Uyển Châu Lâm quyển 6 nêu rõ từng nguyên nhân vì sao bị đọa làm thân quỷ của từng loại như vậy. (1) Hoạch Thang Quỷ (鑊湯鬼, quỷ vạc nước sôi), do được người khác thuê sát sanh, nên bị bỏ vào vạc nước sôi nấu luộc; (2) Châm Khẩu Xú Quỷ (針口臭鬼, quỷ hôi thối có miệng nhỏ như cây kim), do vì lấy tiền tài mướn người giết hại, nên bị quả báo cổ họng nhỏ như cây kim, đến nỗi giọt nước cũng không chảy lọt; (3) Thực Thổ Quỷ (食吐鬼, quỷ ăn vào nôn mữa ra), chồng khuyên vợ bố thí, nhưng vợ tiếc của mà từ chối, tích trữ tài sản, keo kiệt, bỏn xẻn, nên thường ăn vào mà nôn mữa ra; (4) Thực Phẩn Quỷ (食糞鬼, Quỷ Ăn Phân), do vì người vợ lừa dối chồng, tự ăn các thức ăn uống, hiềm ghét chồng, nên ăn rồi mữa ra phân; (5) Thực Hỏa Quỷ (食火鬼, quỷ ăn lửa), do vì cấm người khác không cho lương thực, khiến họ tự chết, cho nên bị lửa thiêu đốt, kêu la thất thanh, đói khát khổ sở; (6) Thực Khí Quỷ (食氣鬼, quỷ ăn hơi), ăn nhiều đồ thức ăn ngon, không cho vợ con đang bị đói khát ăn, nên bị quả báo ngửi không khí mà thôi; (7) Thực Pháp Quỷ (食法鬼, quỷ ăn pháp), vì cầu tài lợi mà nói pháp cho người, nên thân thường đói khát, thịt nơi thân tiêu mất dần, chỉ mong chư tăng thuyết pháp thì mạng mới bảo tồn được; (8) Thực Thủy Quỷ (食水鬼, quỷ ăn nước), do bán rượu như nước để phỉnh gạt người ngu, không giữ trai giới, nên thường bị khát nước; (9) Hy Vọng Quỷ (希望鬼, quỷ hy vọng), do mua bán tranh giành giá cả, lừa gạt lấy đồ, nên thường bị đói khát, nhờ cúng tế cho các vong linh đời trước mà được ăn no đủ; (10) Thực Thùy Quỷ (食唾鬼, quỷ ăn đồ khạc nhổ), do vì lấy đồ không được trong sạch mà lừa dối người xuất gia, nên thân thường đói khát, luôn bị thiêu đốt, cầu mong người khạc nhổ ra để ăn đồ bất tịnh; (11) Thực Man Quỷ (食鬘鬼, quỷ ăn tràng hoa), do vì vào đời trước, trộm cắp tràng hoa của Phật để tự trang sức cho mình; nên nếu có người lấy tràng hoa cúng tế, nhờ vậy mà có tràng hoa để ăn; (12) Thực Huyết Quỷ (食血鬼, quỷ ăn máu), do giết hại sinh mạng, ăn máu huyết mà không chia cho vợ con, nên phải chịu làm thân quỷ này; chỉ nhờ cúng tế máu mơi được ăn; (13) Thực Nhục Quỷ (食肉鬼, quỷ ăn thịt), do vì lấy thịt thân chúng sanh, băm nhỏ từng miếng rồi đem cân, mua bán lừa đảo, vì vậy phải chịu quả báo này; nhờ cúng tế thịt đủ loại mới có thể ăn được; (14) Thực Hương Quỷ (食香鬼, quỷ ăn hương), do vì bán loại hương xấu mà lại được lợi nhiều, nên bị quả báo chỉ ăn hương khói mà thôi; (15) Tật Hành Quỷ (疾行鬼, quỷ đi nhanh), nếu có phá giới mà lại mang Pháp Phục tu sĩ, lường gạt, làm mê hoặc để lấy tài của; bảo cúng cho người bệnh, cuối cùng chẳng đưa cho người đó, lại lấy tự ăn một mình, nên bị quả báo thường ăn đồ nhơ nhớp, tự thiêu cháy thân mình; (16) Tứ Tiện Quỷ (伺便鬼, quỷ dòm rình đại tiểu tiện), do dùng mưu mô, lường gạt lấy tài của mà chẳng tu phước nghiệp, vì vậy mới thọ quả báo này, nơi lông của thân có lửa phát ra, thường ăn khí lực bất tịnh của người để tự tồn tại; (17) Hắc Ám Quỷ (黑闇鬼, quỷ đen tối), do vì làm trái pháp luật mà mong cầu tài của, làm cho người khác phải bị vào lao ngục, nên mắt chẳng thấy được, tiếng thường ai oán, bị ở trong chỗ tối tăm có nhiều rắn; (18) Đại Lực Quỷ (大力鬼, quỷ có sức mạnh lớn), do vì trộm cắp đồ của người, lại đem cho kẻ ác, nên chịu quả báo này, có sức thần thông lớn, chịu nhiều khổ não; (19) Xí Nhiên Quỷ (熾然鬼, quỷ bốc cháy), do phá thành, lục soát, cướp bóc, sát hại bá tánh, nên chịu quả báo này, thường la hét, khóc than, thân biến bốc lửa cháy; (20) Tứ Anh Nhi Tiện Quỷ (伺嬰兒便鬼, quỷ dòm rình con nít đại tiểu tiện), do giết hại con nít, tâm sanh giận dữ, nên chịu quả báo này, thường rình dòm người đại tiểu tiện, và có thể hại con nít; (21) Dục Sắc Quỷ (欲色鬼, quỷ ham sắc dục), do háo dâm, có tài của mà không bố thí để tạo ruộng phước, nên chịu quả báo này, du hành trong cõi người, cùng người giao tiếp, liều làm yêu quái để cầu mạng sống; (22) Hải Chử Quỷ (海渚鬼, quỷ sống ở cồn biển), do khi đi nơi đồng trống thấy người bệnh khổ, lừa dối người để lấy tài vật, nên bị sanh nơi cồn biển, chịu nỗi khổ nóng lạnh, gấp hơn con người 10 lần; (23) Diêm La Vương Chấp Trượng Quỷ (閻羅王執杖鬼, quỷ cầm gậy vua Diêm La), do đời trước, từng gần gũi quốc vương đại thần, chuyên làm việc bạo ác, nên chịu quả báo này, làm sứ giả cho nhà vua, làm con quỷ cầm gậy; (24) Thực Tiểu Nhi Quỷ (食小兒鬼, quỷ ăn con nít), do vì nói chú thuật làm mê hoặc, lừa dối lấy tài vật của người, giết hại heo dê, chết rồi đọa Địa Ngục, sau chịu quả báo này, thường ăn thịt con nít; (25) Thực Nhân Tinh Khí Quỷ (食人精氣鬼, quỷ ăn tinh khí người), do lừa dối là bạn thân, bảo rằng tôi sẽ cứu giúp bạn, khiến người ấy dung sức mạnh xông pha chết trong trận chiến, rốt cuộc không được cứu giúp, nên chịu quả báo này; (26) La Sát Quỷ (羅剎鬼, quỷ La Sát), do giết hại sinh mạng để làm đại hội, nên chịu quả báo đói khát, lửa thường bốc cháy; (27) Hỏa Thiêu Thực Quỷ (火燒食鬼, quỷ lửa cháy), do tâm keo kiệt, ganh tỵ, ăn đồ chúng tăng, nên trước đọa Địa Ngục, rồi từ Địa Ngục ra, làm thân con quỷ lửa thiêu đốt thân; (28) Bất Tịnh Hạng Mạch Quỷ (不淨巷陌鬼, quỷ ăn đồ bất tịnh nơi đường hẽm, bờ ruộng), do lấy đồ bất tịnh này mà cho người Phạm hạnh, nên chịu quả báo này, thường ăn đồ bất tịnh; (29) Thực Phong Quỷ (食風鬼, quỷ ăn gió), do thấy người xuất gia đến khất thực, hứa mà không bố thí cho họ thức ăn, nên thường bị đói khát, như cái khổ địa ngục; (30) Thực Thán Quỷ (食炭鬼, quỷ ăn than), do làm chủ hình ngục, cấm không cho ăn uống, nên chịu quả báo này, thường ăn than lửa; (31) Thực Độc Quỷ (食毒鬼, quỷ ăn chất độc), do vì lấy thức ăn độc làm cho người mất mạng, nên bị đọa Địa Ngục, sau làm thân quỷ, thường đói khát, ăn lửa độc, đốt cháy thân hình; (32) Khoáng Dã Quỷ (曠野鬼, quỷ nơi đồng trống), do các ao hồ nơi đồng trống tạo nên để bố thí nước cho người, nhưng vì ác khẩu, quyết phá khiến cho người đi đường phải chịu khát mệt, nên chịu quả báo này, thường bị đói khát, lửa đốt cháy thân hình; (33) Trũng Gian Thực Thán Thổ Quỷ (塚間食灰土鬼, quỷ sống nơi gò mã ăn tro đất), do lấy trộm hoa cúng Phật bán để nuôi sống, nên chịu quả báo này, thường ăn người chết, thây chết bốc cháy thành tro nóng; (34) Thọ Hạ Trú Quỷ (樹下住鬼, quỷ sống dưới gốc cây), do thấy người trồng cây để đem lại bóng mát cho người, lấy ác tâm mà chặt đi, lấy làm tài vật sử dụng, nên bị đọa vào trong thân cây, thường bị nóng lạnh bức thân; (35) Giao Đạo Quỷ (交道鬼, quỷ sống nơi đường giao thông), do cướp đoạt lương thực người đi đường, nên thường bị cưa sắt cắt thân, nhờ cúng tế nơi ngã tư đường, lấy thức ăn để nuôi sống bản thân; (36) Ma La Thân Quỷ (魔羅身鬼, quỷ thân Ma La), do làm việc tà đạo, không tin chân chánh, đọa làm ma quỷ, thường phá pháp lành của người.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.69.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập