Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Ngọc Hoàng Thượng Đế »»
(地府): còn gọi là Âm Tào Địa Phủ (陰曹地府), chỉ dưới lòng đất, tên gọi khác của Địa Ngục. Tại Trung Quốc, phần lớn các điển tịch thần thoại cổ đại cũng như của Phật Giáo đều có đề cập đến tên gọi Âm Tào Địa Phủ. Người dân Trung Quốc chia thế giới vạn vật làm hai cực: đó là học thuyết âm dương, là thành phần quan trọng của học thuyết cổ đại Trung Quốc; như Trời (dương) và Đất (âm), nam (dương) và nữ (âm), mặt trời (dương) và mặt trăng (âm). Hơn nữa, tại Trung Quốc còn có học thuyết Ba Cõi: trên trời, con người và địa ngục. Họ cho rằng mỗi con người đều có linh hồn, 3 hồn hay 7 hồn. Sau khi con người chết đi, trước hết sẽ đọa xuống cõi Âm Tào Địa Phủ để chịu sự xét xử, thọ nhận quả báo, hình phạt; được vị phán quan cõi âm là Diêm La Vương (閻羅王) phán xét. Nếu ai trên dương gian làm việc thiện, tu nhân tích đức, sẽ đắc đạo thành tiên, sanh về cõi trời, được trường sanh bất tử. Nếu người chuyên làm việc ác, sẽ bị trừng phạt trong 18 tầng Địa Ngục dưới Âm Phủ. Người trung quốc xưa cho rằng trên trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế chưởng quản, ở phương Tây có Phật Tổ Như Lai, trên đời có Hoàng Đế cai trị; còn cõi âm thì có Bồ Tát Địa Tạng (s: Kṣitigarbha, 地藏) cũng như các vua khác chủ quản. Theo truyền thuyết, người chưởng quan tối cao cõi Địa Phủ là Thiên Tề Nhân Thánh Đại Đế (天齊仁聖大帝), cai quản toàn thể sanh linh vạn vật. Kế đến là Bắc Âm Phong Đô Đại Đế (北陰酆都大帝). Sau đó có các Quỷ Đế (鬼帝, vua quỷ) ở 5 phương: Đông Phương Quỷ Đế Thái Uất Lũy (東方鬼帝蔡鬱壘), còn gọi là Thần Trà (神荼), cai quản Quỷ Môn Quan (鬼門關) ở Đào Chỉ Sơn (桃止山); Tây Phương Quỷ Đế Triệu Văn Hòa (西方鬼帝趙文和), còn gọi là Vương Chân Nhân (王真人), cai quản Ba Trủng Sơn (嶓塚山); Bắc Phương Quỷ Đế Trương Hành (北方鬼帝張衡), còn gọi là Dương Vân (楊雲), cai quản La Phong Sơn (羅酆山); Nam Phương Quỷ Đế Đỗ Tử Nhân (南方鬼帝杜子仁), cai quản La Phù Sơn (羅浮山); Trung Ương Quỷ Đế Chu Khất (中央鬼帝週乞), còn gọi là Khể Khang (稽康), cai quản Bão Độc Sơn (抱犢山). Bên dưới là 6 vị trời La Phong (羅酆), tức là những vị Thủ Cung Thần (守宮神), gồm: Trụ Tuyệt Âm Thiên Cung (紂絕陰天宮), Thái Sát Lượng Sự Tông Thiên Cung (泰煞諒事宗天宮), Minh Thần Nại Phạm Võ Thành Thiên Cung (明晨耐犯武城天宮), Điềm Chiêu Tội Khí Thiên Cung (恬昭罪氣天宮), Tông Linh Thất Phi Thiên Cung (宗靈七非天宮), Cảm Ty Liên Uyển Lũ Thiên Cung (敢司連宛屢天宮). Tuy nhiên, truyền thuyết cho rằng chốn Âm Tào Địa Phủ là do Thập Điện Diêm La Vương (十殿閻羅王) thống quản: Tần Quảng Vương (秦廣王), Sở Giang Vương (楚江王), Tống Đế Vương (宋帝王), Ngũ Quan Vương (五官王), Diêm La Vương (閻羅王), Bình Đẳng Vương (平等王), Thái Sơn Vương (泰山王), Đô Thị Vương (都市王), Biện Thành Vương (卞城王), Chuyển Luân Vương (轉輪王). Dưới Thập Điện Diêm La Vương còn có các vị thần khác như Thủ Tịch Phán Quan Thôi Phủ Quân (首席判官崔府君), Chung Khôi (鍾魁), Hắc Bạch Vô Thường (黑白無常), Ngưu Đầu Mã Diện (牛頭馬面), Mạnh Bà Thần (孟婆神), v.v.
(地官): tên gọi của 6 chức quan dưới thời nhà Chu, tương đương với chức Tư Đồ (司徒), chuyên giám sát những việc liên quan đến giáo dục, đất đai và nhân sự. Đây cũng là tên vị quan dưới âm ty địa ngục. Địa Quancòn là tên gọi của một trong 3 vị của Tam Quan Đại Đế (三官大帝), chính danh là Địa Quan Đại Đế (地官大帝), Trung Nguyên Nhị Phẩm Xá Tội Địa Quan (中元二品赦罪地官), Trung Nguyên Xá Tội Địa Quan Nhị Phẩm Thanh Hư Đại Đế (中元赦罪地官二品清虛大帝), lệ thuộc Thượng Thanh Cảnh (上清境), do khí của Nguyên Động Hỗn Linh (地官由元洞混靈) và tinh màu vàng hỗn hợp lại thành, tổng chủ quản Ngũ Đế (五帝), Ngũ Nhạc (五嶽), các thần tiên. Ông phụng sắc chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế (玉皇上帝), quản chưởng việc tội ác của con người và đến ngày rằm tháng 7 thường hạ phàm, chỉnh đốn việc tội phước cũng như xá tội cho con người. Giống như Thiên Quan, Địa Quan cũng có vài truyền thuyết khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng ông là vua Thuấn, do vì ông có công lao to lớn trong việc khai khẩn đất đai, người dân tưởng nhớ và tôn thờ ông như là vị thần. Vua Thuấn họ Diêu (姚), tên là Trọng Hoa (重華), con cháu đời thứ 8 của Hoàng Đế (黃帝); cha tên Cổ Tẩu (瞽叟), mẹ là Ác Đăng (握登), hạ sanh Thuấn ở vùng đất Diêu Hư (姚虛). Ông để tang mẹ lúc còn nhỏ, cha lại tái giá, sanh được một con tên là Tượng (象). Cậu bé này tánh tình ngạo mạn, thường cùng với mẹ ghẻ hành hạ Thuấn. Tuy nhiên, Thuấn bẩm tính nhân từ, lại rất hiếu thảo và có tài hoa hơn người, thường cày ruộng ở Lịch Sơn (歷山), bắt cá ở Lôi Trạch (雷澤), săn bắn ở Phụ Hạ (負夏), làm đồ gốm ở Hà Tân (河濱); cho nên, người dân dẫn cả gia đình dòng họ đi theo ông để học tập các kỷ năng thao tác. Chỉ trong 2 năm, ông đã hình thành nên thôn ấp, rồi 3 năm thì phát triển thành đô thị; từ đó, uy đức và tiếng tăm của ông vang xa. Vua Nghiêu bèn tuyển người hiền và nhường ngôi cho Thuấn. Sau khi vua Thuấn băng hà, Đạo Giáo tôn sùng ông như là vị thần, chuyên xá tội cho con người vào dịp Tiết Trung Nguyên. Do vì ông chí hiếu với song thân, cho nên Tiết Trung Nguyên còn được gọi là Hiếu Tử Tiết (孝子節). Lại có thuyết cho rằng dưới thời Chu U Vương (周幽王) có 3 vị quan liêm chính là Cát Ung (葛雍), Đường Hoằng (唐宏) và Chu Thật (周實). Cả ba đều từ quan, sống cuộc đời tự tại với thiên nhiên. Đến thời vua Chơn Tông nhà Tống, họ được phong làm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Ngoài ra, có thuyết cho rằng Ngôn Vương Gia (言王爺) có 3 người con gái đều gả cho Trần Tử Thung (陳子摏) làm vợ; mỗi người hạ sanh được một trai, bẩm tánh khác người; nhân đó, Nguyên Thỉ Thiên Tôn (元始天尊) phong cho cả ba làm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan, sắc mệnh chuyên cai quản Ba Cõi, được gọi là Tam Quan Đại Đế. Trong Thái Thượng Tam Nguyên Tứ Phước Xá Tội Giải Ách Tiêu Tai Diên Sanh Bảo Mạng Diệu Kinh (太上三元賜福赦罪解厄消災延生保命妙經), phần Địa Quan Bảo Cáo (地官寶誥) của Đạo Giáo có đoạn về Địa Quan rằng: “Chí tâm quy mạng lễ, Thanh Linh Động Dương, Bắc Đô Cung trung, bộ Tứ Thập Nhị Tào, giai cửu thiên vạn chúng, chủ quản Tam Giới Thập Phương Cửu Địa, chưởng ác Ngũ Nhạc Bát Cực Tứ Duy, thổ nạp âm dương, khiếu nam nữ thiện ác thanh hắc chi tịch, từ dục thiên địa, khảo chúng sanh lục tịch phước họa chi danh, pháp nguyên hạo đại, nhi năng ly Cửu U hạo kiếp, thùy quang nhi năng tiêu vạn tội, quần sanh phụ mẫu, tồn một triêm ân, đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ, Trung Nguyên thất khí, xá tội Địa Quan, Động Linh Thanh Hư Đại Đế, Thanh Linh Đế Quân (志心皈命禮、青靈洞陽、北都宮中、部四十二曹、偕九千萬眾、主管三界十方九地、掌握五嶽八極四維、吐納陰陽、竅男女善惡青黑之籍、慈育天地、考眾生錄籍禍福之名、法源浩大、而能離九幽浩劫、垂光而能消萬罪、群生父母、存沒沾恩、大悲大願、大聖太慈、中元七氣、赦罪地官、洞靈清虛大帝、青靈帝君, Một lòng quy mạng lễ: Thanh Linh Động Dương, trong Bắc Đô Cung, cai quản 42 bộ quan, nhiếp chín ngàn vạn chúng, chủ quản Ba Cõi, Mười Phương, Chín Xứ, chấp chưởng Năm Núi, Tám Cực, Bốn Phương, nhổ thâu âm dương, xét hồ sơ thiện ác, trắng đen của nam nữ, từ bi nuôi dưỡng trời đất, kiểm tra từng tên họa phước của hồ sơ chúng sanh, pháp vốn lớn không cùng, mà có thể lìa kiếp nạn của chốn Cửu U, nương ánh sáng mà có thể tiêu vạn tội, bậc cha mẹ của quần sanh, người còn kẻ mất đều được thấm nhuần ơn, đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ, bảy khí Trung Nguyên, xá tội Địa Quan, Động Linh Thanh Hư Đại Đế, Thanh Linh Đế Quân).”
(行譴大王): theo quan niệm tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc, có 12 vị Đại Vương Hành Khiển, được gọi là Thập Nhị Hành Khiển Đại Vương (十二行譴大王), cai quản nhân gian. 12 vị ứng với 12 Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Các Đại Vương này còn được gọi là đương (kim) niên chi thần (當[今]年之神, vị thần của năm nay). Mỗi vị có trách nhiệm thống nhiếp thế gian trong vòng 1 năm, xem xét mọi chuyện tốt xấu của từng người, từng gia đình, từng thôn xã, cho đến từng quốc gia để luận tội và trình tấu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên cạnh mỗi vị Đại Vương, thường có một vị Phán Quan trợ lý. Trong số 12 vị này, có rất nhân đức, độ lượng; có vị cương trực và cũng có vị rất nghiêm khắc. Tương truyền rằng có năm xảy ra loạn lạc, chiến tranh, mất mùa, thiên tai, v.v., cũng do các vị Đại Vương Hành Khiển gây ra để trừng phạt nhân gian. Tên gọi các vị Đại Vương Hành Khiển và Phán Quan như sau:
(1) Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển Đại Vương (周王行譴), Thiên Ôn Hành Binh Chi Thần, Lý Tào Phán Quan;
(2) Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển (趙王行譴), Tam Thập Lục Phương Hành Binh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;
(3) Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển (魏王行譴), Mộc Tinh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;
(4) Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển (鄭王行譴), Thạch Tinh Chi Thần, Liễu Tào Phán Quan;
(5) Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển (楚王行譴), Hỏa Tinh Chi Thần, Biểu Tào Phán Quan;
(6) Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển (呉王行譴), Thiên Hải Chi Thần, Hứa Tào Phán Quan;
(7) Năm Ngọ: Tần Vương Hành Khiển (秦王行譴), Thiên Hao Chi Thần, Nhân Tào Phán Quan;
(8) Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển (宋王行譴), Ngũ Đạo Chi Thần, Lâm Tào Phán Quan;
(9) Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển (齊王行譴), Ngũ Miếu Chi Thần, Tống Tào Phán Quan;
(10) Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển (魯王行譴), Ngũ Nhạc Chi Thần, Cựu Tào Phán Quan;
(11) Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển (越王行譴), Thiên Bá Chi Thần, Thành Tào Phán Quan;
(12) Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển (劉王行譴), Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào Phán Quan.
Một trong những ý nghĩa quan trọng của Lễ Giao Thừa là vì tục lệ Việt Nam chúng ta tin rằng mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để cung tiễn vị cũ ra đi và nghênh đón vị mới đến. Sở dĩ Lễ Giao Thừa được thiết cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút vị cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã; thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì cả.
(疏): còn gọi là Sớ Văn (疏文), Văn Sớ (文疏), hay Tấu Sớ (奏疏), có hai nghĩa: (1) Là văn thư của quần thần điều trần dâng lên bậc trên như đức vua, như trong Văn Thể Minh Biện (文體明辯) của Từ Sư Tằng (徐師曾, 1546-1610) nhà Minh có giải thích rằng: “Án Tấu Sớ giả, quần thần luận gián chi tổng danh dã (按奏疏者、群臣論諫之總名也, xét Sớ Tâu là tên gọi chung của các văn thư do quần thần can gián, luận nghị).” Hay như trong Tống Sử (宋史) quyển 32, Truyện Chu Trác (朱倬傳) có đề cập rằng: “Mỗi thượng sớ, triếp túc hưng lộ cáo; nhược Thượng Đế giám lâm, Tấu Sớ phàm số thập (每上疏、輒夙興露告、若上帝鑒臨、奏疏凡數十, mỗi lần dâng sớ, thường kính cẩn thưa rõ ràng; nếu Thượng Đế giáng xuống, sớ tâu thường mười phong).” Hoặc như trong bài Khiển Hứng Thi (遣興詩) của thi hào Đỗ Phủ (杜甫, 712-770) nhà Đường cũng có câu: “Thượng sớ khất hài cốt, hoàng quan quy cố hương (上疏乞骸骨、黃冠歸故鄉, dâng sớ xin hài cốt, mũ vàng về cố hương).” Tấu Sớ còn gọi là Tấu Chương (奏章), Tấu Nghị (奏議). (2) Trong khoa nghi của Đạo Giáo cũng như Phật Giáo, Sớ Văn được dùng rất rộng rãi và phổ biến, với tư cách là văn thư thành kính dâng lên đấng tối cao, đấng chí tôn như Thần, Thánh, Phật; là chiếc cầu tiếp nối giữa cõi hữu hình với thế giới vô hình. Như trong Đạo Giáo có các bộ Linh Bảo Văn Kiểm (靈寶文檢), Tâm Hương Diệu Ngữ (心香妙語), v.v., là những thư tịch chuyên dùng cho khoa nghi Công Văn. Về phía Phật Giáo có bộ Thiền Lâm Sớ Ngữ Khảo Chứng (禪林疏語考證, CBETA No. 1252), 4 quyển, do Thạch Cổ Chủ Nhân Thích Nguyên Hiền (石鼓主人釋元賢) nhà Minh (1368-1662) biên soạn. Một số văn sớ thường dùng trong Đạo Giáo như: Nguyên Đán Khánh Hạ Văn Sớ (元旦慶賀文疏), Ngọc Hoàng Thượng Đế Khánh Hạ Văn Sớ (玉皇上帝慶賀文疏), Thượng Nguyên Thiên Quan Đại Đế Khánh Hạ Văn Sớ (上元天官大帝慶賀文疏), Thái Thượng Lão Quân Khánh Hạ Văn Sớ (太上老君慶賀文疏), Huyền Thiên Thượng Đế Khánh Hạ Văn Sớ (玄天上帝慶賀文疏), Thiên Thượng Thánh Mẫu Khánh Hạ Văn Sớ (天上聖母慶賀文疏), Trương Thiên Sư Khánh Hạ Văn Sớ (張天師慶賀文疏), Trung Nguyên Địa Quan Đại Đế Khánh Hạ Văn Sớ (中元地官大帝慶賀文疏), Hạ Nguyên Thủy Quan Đại Đế Khánh Hạ Văn Sớ (下元水官大帝慶賀文疏), Bắc Đẩu Giải Ách Văn Sớ (北斗解厄文疏), An Phụng Thần Vị Văn Sớ (安奉神位文疏), An Phụng Trị Niên Thái Tuế Văn Sớ (安奉值年太歲文疏), v.v. Linh Bảo Văn Kiểm nhấn mạnh vai trò của Sớ Văn là: “tuyên diễn đạo pháp, lợi thế chi tân lương dã (宣演道法、利世之津梁也, bờ bến để tuyên bày đạo pháp và làm lợi ích cho cuộc đời).” Từ ý nghĩa đó, Sớ được dùng rộng rãi trong Phật Giáo như là phương tiện độ sanh cần phải có đối với mọi trường hợp, như trong tác phẩm này có giới thiệu. Đặc biệt, có một loại Sớ Văn gọi là Pháp Đường Sớ (法堂疏) được dùng trong Thiền môn, là văn từ của vị Trưởng Lão Trú Trì của một tự viện nào đó, dùng để khải thỉnh khai đường thuyết pháp.
(灶君・竈君): vị thần của nhà bếp, chuyên giám sát mọi việc trong nhà và báo cáo lên Thiên Đình. Trong truyền thuyết thần thoại cổ đại Trung Quốc, Táo Quân hay Táo Thần (灶神) là vị thần trông coi việc ăn uống, sau thời nhà Tấn thì được liệt vào vị thần chuyên giám sát việc thiện ác của con người. Từ khi nhân loại thoát ly khỏi thời kỳ ăn lông, uống máu, phát minh ra lửa để nấu ăn, tùy theo sự phát triển sinh sản của xã hội, Táo Quân có mối quan hệ rất mật thiết với sinh hoạt của nhân loại. Vào thời cổ đại, Trung Quốc đã có việc tế tự Táo Thần rồi; từ thời nhà Ngụy, Tấn về sau, Táo Thần đã có tên họ. Trong Ngọc Chúc Bảo Điển (玉燭寶典) của Đỗ Vương Khanh (杜王卿) nhà Tùy, có nêu phần Táo Thư (灶書) và cho biết rằng: “Táo Thần, tánh Tô, danh Cát Lợi, phụ danh Bác Giáp (灶神、姓蘇、名吉利、婦名搏頰, Tháo Thần, họ Tô, tên Cát Lợi; vợ tên Bác Giáp).” Theo Tạp Ngũ Hành Thư (雜五行書) do Lý Hiền (李賢, 654-684) nhà Đường chú dẫn, có giải thích rằng: “Táo Thần danh Thiền, tự Tử Quách, y hoàng y, phi phát, tùng táo trung xuất (灶神名禪、字子郭、衣黃衣、披髮、從灶中出, Táo Thần tên Thiền, tự là Tử Quách, mặc áo vàng, đội tóc, từ trong bếp ra).” Ban đầu, Táo Quân là nữ thần, nên được gọi là lão bà, có khi là mỹ nữ, v.v., có nhiều thuyết khác nhau. Sau này, trong Kính Táo Toàn Thư (警灶全書), thư tịch xuất hiện khoảng thời nhà Thanh, có giải thích là Táo Thần được gọi là Táo Quân (灶君), họ Trương (張), tên Đơn (單), tự là Tử Quách, thuộc nam thần. Hiện tại trong dân gian vẫn thờ phụng Đông Trù Ty Mạng Định Phước Táo Quân (東廚司命定福灶君), là hình vẽ hai lão già phu phụ, hay hình một nam hai nữ, tức là Táo Quân và phu nhân. Táo Thần gọi cho đủ là Đông Trù Ty Mạng Cửu Linh Nguyên Vương Định Phước Thần Quân (東廚司命九靈元王定福神君); thế gian thường gọi là Táo Quân, Táo Quân Công (灶君公), Táo Vương Gia (灶王爺), Ty Mạng Chơn Quân (司命眞君), Ty Mạng Đế Quân (司命帝君), Cửu Thiên Đông Trù Yên Chủ (九天東廚煙主), Hộ Trạch Tôn Thiên (護宅尊天), Táo Vương (灶王). Đặc biệt, phái nữ tôn kính ông như là vị thần của nhà bếp. Nguồn gốc về Táo Quân có từ rất sớm, từ khi nhà Thương khai sáng cơ đồ, người dân đã bắt đầu thờ phụng vị thần này rồi; trước thời nhà Tần, Hán, ông được liệt vào 5 vị thần thờ phụng chủ yếu, cùng với Thần Cửa, Thần Giếng, Thần Nhà Xí, Thần Phòng Ốc, chịu trách nhiệm trông coi trong gia đình; cho nên, ông thường được mọi người ái kính và biết ơn. Ngoại trừ chưởng quản việc ẩm thực, đem lại mọi sự tiện lợi về mặt sinh hoạt, chức trách của Táo Quân còn được Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống giám sát việc thiện ác trong gia đình. Về hình tượng của Táo Quân, hai bên ông có hai vị thần đứng hầu, một vị cầm cái “lọ thiện” và vị kia “lọ ác”; tất cả hành vi của gia đình trong năm đều được ghi vào trong hai lọ này, đến cuối năm thì tổng kết lại và đem báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế. Hằng năm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch là ngày Táo Quân rời dương gian về chầu Trời, cho nên mới có tục Đưa Ông Táo Về Trời. Có khá nhiều truyền thuyết khác nhau về vị thần nhà bếp này. Trước hết, có thuyết cho rằng ông là đế vương hay hậu duệ nhà vua thời Thượng Cổ. Tác phẩm Sự Vật Nguyên Hội (事物原會) cho rằng Hoàng Đế làm ra bếp, chết đi thành Thần Bếp. Hoài Nam Tử (淮男子), phần Phiếm Vật Luận (氾物論) có đoạn: “Viêm Đế tác hỏa nhi tử vi Táo (炎帝作火而死爲灶, Viêm Đế chế ra lửa, nên khi chết làm Táo)”; nhân đây Cao Dụ (高誘) chú giải rằng vua Viêm Đế lấy đức của lửa để quản lý thiên hạ, nên sau khi chết thì lấy thân phận Táo Thần để được tế tự. Chu Lễ Thuyết (周禮說) lại cho rằng dòng họ Chuyên Húc (顓頊) có người con tên Lê (黎), tức Chúc Dung (祝融) được thờ làm Táo Thần. Trong Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋), phần Mạnh Thu (孟秋) có câu: “Kỳ thần Chúc Dung (其神祝融, Thần đó là Chúc Dung)”; Cao Dụ chú giải rằng “Chúc Dung là hậu duệ của dòng họ Chuyên Húc, con của Lão Đồng, sau khi chết làm Thần Hỏa Quan.” Hơn nữa, lại có thuyết cho rằng Táo Quân là quỷ thần. Lễ Ký (禮記) có đoạn: “Áo giả, lão phụ chi tế dã (奧者、老婦之祭也, Bên trong thờ bà lão).” Trịnh Huyền (鄭玄, 127-200) chú rằng: “Lão phụ, Tiên Xuy giả dã (老婦、先炊者也, Lão bà chính là Tiên Xuy)”; Khổng Dĩnh Đạt (孔穎達, 574-648) lại giải thích thêm rằng “Ở đây cúng Tiên Xuy, không phải cúng Thần Lửa”. Theo đó, Táo Quân cũng chẳng phải là Thần Lửa, cũng không phải là người phát minh ra nhà bếp. Trong Văn Hiến Thông Khảo (文献通考), phần Giao Xã (郊社) 19 có nêu danh hiệu của Táo Thần là Ty Mạng (司命); từ đó có tên là Đông Trù Ty Mạng Định Phước Táo Quân. Cũng có thuyết cho rằng ông là Sao Táo Thần; vì người dân cho việc ăn uống là Trời, muốn có ăn thì nhà bếp phải đầy khói; cho nên cúng tế Thần Bếp là nhằm ngày 23 tháng chạp, ngưỡng vọng ông lên trời cáo trình những việc tốt, rồi xuống trần gian ban cho điều tốt lành, khiến cho gia đình mỗi năm được bình an. Thời gian cúng tế vị thần này cũng có khác nhau, đa số các nơi đều cúng vào ngày 24 tháng chạp, nhưng cũng có nơi thuộc thiểu số lại cúng vào ngày 23; do vì có thuyết là “quan tam dân tứ (官三民四)”, tức là đối với quan thần thì cúng vào ngày 23, còn dân thường là ngày 24. Ngoài ra, Táo Quân còn được xem như là Bồ Tát giữ gìn cho bá tánh được “ngũ cốc phong nhiêu, tài nguyên vượng tấn (五穀豐饒、財源旺進, ngũ cốc phong phú, tài nguyên thịnh vượng).” Ngày sinh nhật của ông là mồng 3 tháng 8. Tuy nhiên, hiện tại ở Trung Hoa người ta thường cúng ông vào ngày ông đi báo cáo hơn là ngày sinh nhật. Về nội dung báo cáo, từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 9, nội dung ấy chỉ tập trung vào những việc làm không tốt, xấu ác của gia đình. Thế nhưng, gần đây nội dung ấy không phải nhắm vào các thành viên trong gia đình, mà chủ yếu là những lời nói việc làm của bà chủ nhà. Có điều, đối với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân có nguồn gốc từ 3 vị thần: Thổ Công (土公), Thổ Địa (土地) và Địa Kỳ (地祇), nhưng được Việt hóa thành huyền tích “hai ông một bà”, gồm Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Trên cơ sở của thuyết Tam Vị Nhất Thể (三位一體, ba ngôi vị cùng một thể), dân gian vẫn gọi chung là Táo Quân hay Ông Táo. Theo Wikipedia Tiếng Việt, trang Táo Quân có tóm tắt về nội dung chính sự tích của vị Thần Bếp này là: “Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không có con, nên sinh ra buồn phiền, hai người hay cãi cọ với nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ người thợ săn tên Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Trong lúc đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi đến xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Hai bên hàn huyên chuyện cũ và Thị Nhi tỏ ra ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Khi Phạm Lang trở về, Thị Nhi giấu chồng cũ mình vào trong đống rơm ngoài vườn để tránh hiểu nhầm. Vừa về đến nhà, anh thợ săn liền ra đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra, nên bị chết thiêu trong đống rơm. Người vợ chạy ra thấy người chồng cũ đã chết thui thê thảm, nên liều mình nhảy vào để chết theo. Phạm Lang thấy vậy cũng nhảy vào cứu vợ, cuối cùng cả ba đều tử mạng. Quá thương tâm trước tình cảnh như vậy, Thượng Đế sắc phong cho làm Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc; Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc nhà bếp, hiệu là Đông Trù Ty Mạng Táo Phủ Thần Quân (東廚司命灶府神君); Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần (土地龍脉尊神); Thị Nhi làm Thổ Kì, trông coi việc chợ búa, hiệu là Ngũ Thổ Phước Đức Chánh Thần (五土福德正神).” Ở Việt Nam, phong tục thờ Táo Quân cũng rất thịnh hành từ xưa cho đến nay với cùng ý nghĩa như trên. Hơn thế nữa, người ta còn cho rằng vị thần này có trách nhiệm chăm sóc những em bé sơ sinh, vì vậy khi đứa bé bị cảm mạo, đau bụng, v.v., gia đình thường cầu Táo Quân gia hộ cho chóng lành bệnh. Đó là lý do vì sao ngay nơi nhà bếp người ta thường thiết bàn thờ Táo Quân, bất kể tín đồ Phật Giáo hay không. Tại Trung Quốc, người ta thờ Táo Quân bằng hình vẽ, nhưng ở Việt Nam thì thờ bằng thỏi đất nung, có hình 3 trụ đứng. Sau khi cúng tiễn đưa Ông Táo về Trời xong vào ngày 23, người dân thường đem Ông Táo ra bỏ ở các gốc cây đa đầu làng, và thay vào Ông Táo mới. Tương truyền ngày mồng 3 tháng Giêng đầu năm là ngày Ông Táo từ Thiên Đình trở về, nên vào ngày này người ta cũng tổ chức lễ rước Ông Táo.
(天官): tên gọi của một trong ba vị Tam Quan Đại Đế (三官大帝), tức Thiên Quan Đại Đế (天官大帝), còn gọi là Thượng Nguyên Tứ Phước Thiên Quan Nhất Phẩm Tử Vi Đại Đế (上元賜福天官一品紫微大帝), và hai vị kia là Trung Nguyên Xá Tội Địa Quan Nhị Phẩm Thanh Hư Đại Đế (中元赦罪地官二品清虛大帝), Hạ Nguyên Giải Ách Thủy Quan Tam Phẩm Động Âm Đại Đế (下元解厄水官三品洞陰大帝). Từ thời Thượng Cổ, tại Trung Quốc đã có nghi lễ tế trời, đất và nước rồi. Ba vị Đại Đế này được thần cách hóa chỉ dưới Ngọc Hoàng Thượng Đế (玉皇上帝) một bậc, chuyên chưởng quản việc phước lộc, tội ác và giải trừ tai ách của con người. Trong dân gian vẫn truyền tụng rằng: “Thiên Quan hảo lạc, Địa Quan hảo nhân, Thủy Quan hảo đăng (天官好樂、地官好人、水官好燈, Thiên Quan thích vui, Địa Quan thích người, Thủy Quan thích đèn).” Thượng Nguyên (上元, rằm tháng giêng), Trung Nguyên (中元, rằm tháng bảy) và Hạ Nguyên (下元, rằm tháng mười) là ba ngày tế hội của ba vị Đại Đế này. Thiên Quan Đại Đế lệ thuộc vào Ngọc Thanh Cảnh (玉清境), do 3 khí xanh, vàng, trắng mà kết hợp thành, tổng chủ quản các đế vương trên trời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng giêng, vị này thường giáng phàm xem xét tội phước của con người, nên có tên là Thiên Quan Tứ Phước (天官賜福, Quan Trời Ban Phước). Có nhiều truyền thuyết khác nhau liên quan đến vị này. Có thuyết cho rằng ông là Nghiêu Đế (堯帝); do vì nhà vua có lòng nhân lớn nên được phong làm Thiên Quan, phụng mạng Ngọc Hoàng Thượng Đế, xem xét việc tốt xấu của con người. Nghiêu Đế họ là Y Kì (伊祁), tên Phóng Huân (放勳), con vua Khốc (嚳), em của vua Chí (摰). Khi Chí lên ngôi vua thì phong cho Nghiêu là (陶侯), rồi đổi tên là Đường (唐); nên được gọi là Đào Đường (陶唐). Tương truyền Đường Nghiêu (唐堯) có dung mạo rất quái dị, lông mày có 8 sắc màu, tai có 3 lỗ thông. Khi vua Chí nhường ngôi cho Nghiêu thì bốn phương xuất hiện hung thần, ác khí, làm nguy hại đến tánh mạng của bá tánh. Nhà vua bèn sai Hậu Nghệ (后羿) đến hàng phục hung thần kia. Ông tóm thâu gió lớn nơi sông hồ, chém chết mãnh thú ven hồ Động Đình (洞庭), thâu tóm độc xà và làm cho dân chúng được yên ổn. Vua Nghiêu lại vẽ ra bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, chế định một năm có 12 tháng. Sau khi tại vị được 98 năm, vua Nghiêu truyền ngôi vị lại cho Thuấn (舜), hưởng thọ 177 tuổi; được tôn xưng là Thiên Quan Tứ Phước Thần (天官大帝賜福神). Trong Đạo Giáo tôn sùng ông là Thượng Nguyên Nhất Phẩm Tứ Phước Thiên Quan Đại Đế (上元一品賜福天官大帝). Thuyết khác cho rằng Thiên Quan là vị quan thường tâu những lời can gián lên nhà vua tên Đường Hoằng (唐宏) dưới thời Chu U Vương (周幽王, tại vị 781-771 tcn). Ông cùng với Cát Ung (葛雍), Chu Thật (周實) từ quan và sống cuộc đời vui thú điền viên. Đến thời Tống Chơn Tông (宋眞宗, tại vị 997-1022), cả ba được phong làm Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan và được tế tự hàng năm. Cũng có truyền thuyết giải thích rằng từ khi Trương Thiên Sư (張天師, 34-156, tức Trương Đạo Lục [張道陵], tự là Phụ Hán [輔漢], cháu đời thứ 8 của Trương Lương [張良], xuất thân Phong Huyện [豐縣], Tỉnh Giang Tô [江蘇省]) khai sáng Đạo Giáo về sau, dân gian mới bắt đầu biết cúng tế ba vị Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Ngoài ra, có thuyết lại cho rằng Ngôn Vương Gia (言王爺) có 3 người con gái, đem gả cho Trần Tử Thung (陳子摏) làm vợ; mỗi người lại hạ sinh một người con, có bẩm tính khác thường. Nguyên Thỉ Thiên Tôn (元始天尊) phong cho 3 người này làm Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan và ra lệnh cho họ cai quản ba cõi. Trong Thái Thượng Tam Nguyên Tứ Phước Xá Tội Giải Ách Tiêu Tai Diên Sanh Bảo Mạng Diệu Kinh (太上三元賜福赦罪解厄消災延生保命妙經), phần Thiên Quan Bảo Cáo (天官寶誥) của Đạo Giáo có đoạn: “Chí tâm quy mạng lễ: Huyền Đô Nguyên Dương, Tử Vi Cung trung, bộ Tam Thập Lục Tào, giai cửu thiên vạn chúng, khảo hiệu đại thiên thế giới chi nội, lục tịch thập phương quốc độ chi trung; phước bị vạn linh, chủ kiêm sanh thiện ác chi tịch; ân đàm Tam Giới, trí chư tiên thăng giáng chi ty, trừ vô vọng chi tai, giải thích túc ương, thoát sanh tử chi thú, cứu bạt u khổ, quần sanh thị lại, xuẩn động hàm khang, đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ, Thượng Nguyên Cửu Khí, Tứ Phước Thiên Quan, Diệu Linh Nguyên Dương Đại Đế, Tử Vi Đế Quân (志心皈命禮、玄都元陽、紫微宮中、部三十六曹、偕九千萬眾、考較大千世界之內、錄籍十方國土之中、福被萬靈、主兼生善惡之籍、恩覃三界、致諸仙升降之司、除無妄之災、解釋宿殃、脫生死之趣、救拔幽苦、群生是賴、蠢動咸康、大悲大願、太聖大慈、上元九氣、賜福天官、曜靈元陽大帝、紫微帝君, Một lòng quy mạng lễ: Huyền Đô Nguyên Dương, trong Tử Vi Cung, cai quản 36 bộ quan, nhiếp chín ngàn vạn chúng, giám sát trong khắp thế giới đại thiên, xét hồ sơ mười phương quốc độ, chủ quản hồ sơ thiện ác con người, phước nhuần vạn sinh, chủ kiểm soát hồ sơ thiện ác; ơn ban Ba Cõi, quản lý chư tiên lên xuống, trừ các tai họa, giải trừ oan khiên đời trước, thoát khỏi đường sanh tử, cứu bạt khổ ách, chúng sanh nương tựa, động vật đều yên, đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ, Thượng Nguyên Cửu Khí, Tứ Phước Thiên Quan, Diệu Linh Nguyên Dương Đại Đế, Tử Vi Đế Quân).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập