Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Mộc Tinh »»
(s: Navagrahā, 九曜): 9 loại thiên thể chiếu sáng rất quan trọng trong hiện tượng thiên văn, còn gọi là Cửu Chấp (九執), tùy theo ngày giờ mà không xa rời nhau, có nghĩa nắm chặt nhau (chấp trì). Nghi quỹ trọng yếu của Cửu Diệu được thuyết trong Túc Diệu Kinh (宿曜經, 2 quyển, Bất Không [不空] dịch, Taishō 21, 1299), Thất Diệu Nhương Tai Quyết (七曜攘災決, Đường Kim Câu Tra [唐倶金吒] soạn, Taishō 21, 1308), Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp (七曜星辰別行法, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1309), Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu (梵天火羅九曜, Nhất Hành [一行] soạn, Taishō 21, 1311). Về đồ hình của Cửu Diệu có Cửu Diệu Tôn Tượng (九曜尊像), Cửu Diệu Bí Lịch (九曜秘曆), v.v., phần lớn có các yếu tố thiên văn của Trung Quốc. Căn cứ vào lịch Ấn Độ bằng tiếng Phạn, Cửu Diệu được phân thành:
(1) Nhật Diệu (s: Āditya, 日曜): còn gọi là Thái Dương (太陽), Nhật Tinh (日精、日星), Nhật Đại Diệu (日大曜); hình tượng bàn tay phải xòe ra cầm nhật luân (bánh xe mặt trời), tai trái kê lên đầu gối, mang thiên y và cỡi trên mình 3 con bạch mã (hay 5 con ngựa, trong Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu có thể nhầm sao này với Nguyệt Diệu);
(2) Nguyệt Diệu (s: Soma, 月曜): còn gọi là Nguyệt Thiên Diệu (月天曜), Nguyệt Tinh (月精、月星), Mộ Thái Âm (暮太陰), Thái Âm (太陰); hình tượng bàn tai phải xòe ra cầm hình mặt trăng có con thỏ nằm trên, tay trái đưa lên ngang ngực và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; hoặc hình tượng trên đỉnh đầu có con chim bồ câu, mang y Yết Ma, hai tay bỏ trong tay áo và cầm nguyệt luân (vòng tròn mặt trăng), cỡi lên trên 5 cánh chim bồ câu;
(3) Hỏa Diệu (s: Aṅgāraka, 火曜): còn gọi là Huỳnh Hoặc Tinh (熒惑星, Sao Hỏa), Hỏa Tinh (火精、火星), Hỏa Đại Diệu (火大曜), Phạt Tinh (罰星); hình tượng tay phải đặt trên bắp đùi, tay trái cầm cái giáo dài mũi nhọn, chân phải hơi nhếch lên một chút, ngồi với tư thế hai bàn chân giao nhau; tuy nhiên trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La (北斗曼茶羅) thân hình vị này có màu đỏ, tóc rực lửa dựng ngược, mang áo và mũ trời, chung quanh lửa cháy, thân đứng với 4 tay;
(4) Thủy Diệu (s: Budha, 水曜): còn gọi là Thần Tinh (辰星), Thủy Tinh (水精、水星), Thần Tinh (辰星), Trích Tinh (滴星), Thủy Đại Diệu (水大曜); hình tượng chấp tay, ngồi xếp bằng hai bàn chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay phải cầm bình, tay trái cầm xâu chuổi và ngồi bán già trên tòa hoa sen;
(5) Mộc Diệu (s: Bṛhaspati, 木曜): còn gọi là Tuế Tinh (歳星), Nhiếp Đề (攝提), Đại Chủ (大主), Mộc Đại Diệu (木大曜), Mộc Tinh (木精); hình tượng ngón tay áp út và ngón giữa của bàn tay phải cong lên, ngón tay cái ấn xuống trên hai ngón kia, tai trái để lên bắp đùi và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng tay trái cầm cây gậy trên có hình bán nguyệt, hay hình ông lão đứng, đội mũ đầu heo, tay trái cầm cây gậy;
(6) Kim Diệu (s: Śukra, 金曜): còn gọi là Thái Bạch Tinh (太白星), Trường Canh (長庚), Na Hiệt (那頡), Kim Tinh (金星、金精), Kim Đại Diệu (金大曜); hình tượng mang thiên y, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên với 4 ngón tay bẻ gập lại và ngồi xếp bằng hai chân giao nhau; ngoài ra còn có hình tượng hai tay cầm bình và xâu chuỗi; hay hình người nữ đội con gà trên đầu và gãy đàn Tỳ Bà (琵琶);
(7) Thổ Diệu (s: Śanaiścara, 土曜): còn gọi là Trấn Tinh (鎭星), Thổ Tinh (土星、土精), Thổ Đại Diệu (土大曜); hình tượng ông lão khỏa thân đứng, mang quần da nai, tay phải cầm cây gậy tiên; hay hình Bồ Tát tay cầm bình; hoặc hình ông lão cỡi trâu, tay trái cầm tích trượng, có 2 đồng tử cầm giáo đứng hầu hai bên;
(8) La Hầu (s: Rāhu, 羅睺): còn gọi là Hoàng Phan Tinh (黃旛星), Thực Thần (蝕神), Thái Dương Thủ (太陽首); hình tượng ẩn trong mây với 2 bàn tay hai bên khuôn mặt giận dữ; bên cạnh đó còn có hình tượng giận dự với 3 mặt và tóc rực lửa, trên mỗi đỉnh đầu có đầu rắn và từ ngực trở xuống ẩn trong mây;
(9) Kế Đô (s: Ketu, 計都): còn gọi là Tuệ Tinh (彗星), Báo Vĩ Tinh (豹尾星), Kỳ Tinh (旗星), Thực Thần Vĩ (蝕神尾), Thái Âm Thủ (太陰首), Nguyệt Bộc Lực (月勃力); hình tượng nữa thân phải lộ ra khỏi mây, tay phải để ngang ngực, tay trái đưa lên cao; hay hình có khuôn mặt giận dữ, khỏa thể một nữa ẩn trong đám mây đen; hoặc hình tướng giận dữ có 3 mặt, trên mỗi mặt có 3 con rắn, từ ngực trở xuống ẩn trong mây. Trong đồ hình Bắc Đẩu Mạn Trà La thân hình vị này có màu đỏ, 3 mặt và 4 tay, tóc dựng ngược, mang áo và mũ trời, chân trái duỗi ra và cỡi lên con rồng. Ngoài ra còn có hình tượng tay phải ẩn trong đầu rồng, cầm lỗ tai con thỏ, tay trái cầm cương rồng và tóc người).
Trong Tân Đường Thư Lịch Chí (新唐書曆志) quyển 18 có ghi rằng vào năm thứ 6 (718) niên hiệu Khai Nguyên (開元) đời vua Huyền Tông, Thái Sử Giám Cù Đàm Tất Đạt (太史監瞿曇悉達) vâng chiếu phiên dịch Lịch Cửu Diệu; nó cũng tương tự với loại lịch Thái Dương bằng tiếng Phạn. Nếu phối hợp phương vị, Nhật Diệu thuộc về phương Sửu Dần, Nguyệt Diệu thuộc phương Tuất Hợi, Hỏa Diệu thuộc phương Nam, Thủy Diệu là phương Bắc, Mộc Diệu ở phương Đông, Kim Diệu ở phương Tây, Thổ Diệu ở trung ương, La Hầu ở phương Thìn Tỵ (Đông Bắc), Kế Đô thuộc phương Mùi Thân (Tây Nam). Hơn nữa, theo Thuyết Bản Địa của Nhật Bản, Nhật Diệu là Quan Âm (觀音, hay Hư Không Tạng [虛空藏]), Nguyệt Diệu là Thế Chí (勢至, hay Thiên Thủ Quan Âm [千手觀音]), Hỏa Diệu là Bảo Sanh Phật (寳生佛, hay A Rô Ca Quan Âm [阿嚕迦觀音]), Thủy Diệu là Vi Diệu Trang Nghiêm Thân Phật (微妙莊嚴身佛, hay Thủy Diện Quan Âm [水面觀音]), Mộc Diệu là Dược Sư Phật (藥師佛, hay Mã Đầu Quan Âm [馬頭觀音]), Kim Diệu là A Di Đà Phật (阿彌陀佛, hay Bất Không Quyên Sách [不空羂索]), Thổ Diệu là Tỳ Lô Giá Na Phật (毘盧遮那佛, hay Thập Nhất Diện Quan Âm [十一面觀音]), La Hầu là Tỳ Bà Thi Phật (毘婆尸佛), Kế Đô là Bất Không Quyên Sách (不空羂索). Người xưa thường phối hợp Cửu Diệu này với tuổi tác của con người để phán đoán tốt xấu.
(久遠寺, Kuon-ji): ngôi chùa Tổng Bản Sơn trung tâm của Nhật Liên Tông, hiện tọa lạc tại số 3567 Minobu (身延), Minobu-chō (身延町), Minamikoma-gun (南巨摩郡), Yamanashi-ken (山梨縣); hiệu núi là Thân Diên Sơn (身延山), tên gọi chính thức là Thân Diên Sơn Diệu Pháp Hoa Viện Cửu Viễn Tự (身延山妙法華院久遠寺), tượng thờ chính là Thập Giới Mạn Trà La (十界曼荼羅). Đây là di tích quan trọng đánh dấu Nhật Liên (日蓮, Nichiren) đã từng lưu trú kể từ năm thứ 11 (1274) niên hiệu Văn Vĩnh (文永), và cũng là nơi được biến thành tự viện với ngôi Miếu Đường làm trung tâm sau khi Nhật Liên qua đời vào năm thứ 5 (1282) niên hiệu Hoằng An (弘安). Tên chùa được thấy đầu tiên qua thư tịch ghi năm 1283 là Thân Diên Sơn Cửu Viễn Tự Phiên Trương (身延山久遠寺番帳). Về ngôi Miếu Đường, 6 người cao đệ chân truyền của Nhật Liên cùng với 12 người khác, tổng cọng là 18 người, thay phiên nhau mỗi người 1 tháng canh giữ; nhưng không bao lâu sau thì hủy bỏ quy định này. Vào khoảng năm 1284, 1285, Nhật Hưng (日興) trở thành người thường trú ở đây, và trong khoảng thời gian này có Nhật Hướng (日向) cũng cùng chung sức duy trì và phát triển Thánh địa này. Tuy nhiên, Nhật Hưng lại bất hòa với lãnh chúa Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長), tín đồ đắc lực từ thời Nhật Liên; cho nên vào năm đầu (1288) niên hiệu Chánh Ứng (正應), ông lui về vùng Phú Sĩ (富士, Fuji), Tuấn Hà (駿河, Suruga). Từ đó trở về sau, Nhật Hướng và môn lưu của ông kế thừa chùa này. Hệ thống của ông được gọi là Dòng Phái Nhật Hướng (日向門流), Dòng Phái Thân Diên (身延門流). Từ đó, Cửu Viễn Tự mở rộng giáo tuyến, và đôi khi chùa mang đậm sắc thái là ngôi tự viện của chính dòng họ Ba Mộc Tỉnh. Trong khoảng thời gian 10 năm từ năm đầu (1466) niên hiệu Văn Chánh (文正) cho đến năm thứ 7 (1475) niên hiệu Văn Minh (文明), Nhật Triêu (日朝), vị Quán Thủ đời thứ 11 của chùa, đã di chuyển ngôi đường vũ cũng như các kiến trúc khác ở Tây Cốc (西谷) đến vị trí hiện tại; đồng thời ông cũng quy định ra những hành sự trong năm, đặt ra cơ quan điều hành các lễ hội hàng tháng và mở rộng giáo hóa. Cửu Viễn Tự thời Trung Đại chủ yếu lấy vùng Giáp Phỉ (甲斐, Kai), Tuấn Hà (駿河, Suruga) làm cứ điểm hoạt động. Tướng Quân Võ Điền Tình Tín (武田晴信, Takeda Harunobu, tức Tín Huyền [信玄, Shingen]) của Giáp Phỉ tiến hành cầu nguyện ở Cửu Viễn Tự cho vận thế của dòng họ Võ Điền (武田, Takeda) được dài lâu; đồng thời bảo chứng cho quyền trú trì của chùa. Bên cạnh đó, trung thần của ông là Huyệt Sơn Tín Quân (穴山信君) cũng dốc toàn lực bảo trợ cho chùa. Sau khi dòng họ Võ Điền qua đời, Đức Xuyên Gia Khang (德川家康, Tokugawa Ieyasu) lên thay thế nắm chính quyền vùng Giáp Phỉ, cũng tiếp tục bảo hộ cho chùa, rồi vào năm thứ 16 niên hiệu (1588) niên hiệu Thiên Chánh (天正), ông quy định miễn trừ các lao dịch cho chùa và bảo chứng quyền trú trì ở đây. Về sau, qua các đời chùa được ban cho như quy định cũ. Đến đầu thời Cận Đại, từ vụ đàn áp Phái Không Nhận Không Cho vốn phát sinh qua cuộc tựu nhiệm trú trì Quán Thủ chùa cho Nhật Càn (日乾), Nhật Viễn (日遠) của Bổn Mãn Tự (本滿寺) ở Tokyo, nơi đây trở thành chủ tọa cho giáo đoàn Nhật Liên trên toàn quốc. Trong bản Pháp Hoa Tông Chư Tự Mục Lục (法華宗諸寺目錄) được hình thành năm thứ 10 (1633) niên hiệu Khoan Vĩnh (寛永), những chùa con trực thuộc Cửu Viễn Tự có 412 cơ sở; và chùa còn gián tiếp quản lý 1.519 ngôi chùa con khác nữa. Mặt khác, theo sự tăng dần số lượng người đến tham bái từ cuối thời Trung Đại trở đi, những ngôi viện con xuất hiện. Trú trì cũng như tăng chúng của các viện con thì phục vụ trực tiếp cho viện chính, cùng nhau tham gia điều hành chùa; cho nên Cửu Viễn Tự là một phức hợp thể của viện chính và các viện con. Vị trú trì đời thứ 31 của chùa là Nhật Thoát (日脫) cũng như trú trì đời thứ 32 là Nhật Tỉnh (日省) đều được cho phép đắp Tử Y. Vào năm thứ 3 (1706) niên hiệu Bảo Vĩnh (寶永), dưới thời vị trú trì thứ 33 là Nhật Hanh (日亨), từ đó về sau lịch đại chư vị trú trì đều được phép mang Tử Y. Cũng vào thời này, nhờ sự cúng dường của các nhà Đại Danh cũng như hàng cung thất của họ, nhiều kiến trúc đường xá của chùa được tạo dựng; nhưng chùa lại bị mấy lần hỏa tai vào những năm thứ 4 (1821), thứ 7 (1824), thứ 12 (1829) niên hiệu Văn Chính (文政). Trãi qua các niên hiệu Thiên Bảo (天保), Gia Vĩnh (嘉永), già lam lại được phục hưng; song đến năm thứ 8 (1875) thời Minh Trị (明治), chùa lần nữa bị hỏa tai và hơn phần nữa già lam bị cháy rụi. Sau mấy lần trùng tu, hiện tại chùa có một quần thể kiến trúc rộng lớn với rất nhiều ngôi đường xá như Tổng Môn (總門), Tam Môn (三門), Bổn Đường (本堂, Chánh Điện) tôn trí bức Mạn Trà La do chính tay Nhật Liên vẽ; Ngũ Trùng Tháp (五重塔, tháp 5 tầng); Thê Thần Các Tổ Sư Đường (棲神閣祖師堂) an trí tượng Nhật Liên; Thích Ca Điện (釋迦殿); Ngự Chơn Cốt Đường (御眞骨堂) an trí hài cốt của Nhật Liên; Khai Cơ Đường (開基堂) tôn thờ Ba Mộc Tỉnh Thật Trường, v.v.
(大石寺, Taiseki-ji): ngôi chùa trung tâm của Nhật Liên Chánh Tông, hiện tọa lạc tại Fujinomiya-shi (富士宮市), Shizuoka-ken (靜岡縣); hiệu núi là Đa Bảo Phú Sĩ Đại Nhật Liên Hoa Sơn (多寶富士大日蓮華山), gọi tắt là Đại Nhật Liên Hoa Sơn (大日蓮華山). Đây là ngôi chùa do Nhật Hưng (日興, Nikkō), một trong 6 đệ tử chân truyền của Nhật Liên, sáng lập. Sau này, khi thầy qua đời được 7 năm, vào năm 1289, Bạch Liên A Xà Lê Nhật Hưng (白蓮阿闍梨日興) được vị Hương Chủ của vùng Thượng Dã (上野, Ueno) là Nam Điều Thời Quang (南條時光, Nanjō Tokimitsu) cung thỉnh đến để xây dựng Trì Phật Đường (持佛堂) ở vùng đất này; và nguyên lai nơi đây có tên là Đại Thạch (大石, Ōishi), nên tên chùa cũng được đặt theo địa danh. Có nhiều thuyết khác nhau về lý do vì sao Nhật Hưng tách ly vùng Thân Diên (身延, Minobu), trong đó có thuyết cho rằng vì ông bất hòa với người thí chủ Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長). Sau khi sống nơi đây được vài năm, Nhật Hưng khai sáng tiếp Bổn Môn Tự (本門寺, Honmon-ji) ở vùng Trọng Tu (重須, Omosu), và sống mãi nơi đây cho đến khi qua đời ở độ tuổi 88. Hiện ở Trọng Tu có ngôi mộ của ông. Chính tại ngôi Đại Thạch Tự này, ông đã thực hiện trọn vẹn di huấn của ân sư trong việc thành lập Bổn Môn Giới Đàn (本門戒壇) vốn chỉ truyền thọ cho từng người một mà thôi. Nơi ngôi già lam này, ông đã từng quy y cho phu nhân của Đức Xuyên Gia Tuyên (德川家宣, Tokugawa Ienobu) là Thiên Anh Viện (天英院). Chính bà đã tập trung công sức xây dựng già lam, tạo thành cảnh sắc rất tráng lệ, tuyệt mỹ. Vào năm 1912, Phái Phú Sĩ ngày xưa được đổi tên thành Nhật Liên Chánh Tông. Quần thể kiến trúc chính của chùa hiện có Nhị Thiên Môn, hai lầu chuông trống, Ngự Đường, Ngũ Trùng Tháp, v.v. Tuy nhiên, sau thời chiến tranh thì nơi đây trở thành ngôi chùa trung tâm của Sáng Giá Học Hội (創価學會, Sōkagakkai), rất nhiều đoàn thể thường xuyên đến tham bái. Từ năm 1955 trở đi, nơi phía tây Ngự Ảnh Đường có dựng lên Phụng An Đường (奉安堂) để an trí bức đồ hình Mạn Trà La do thủ bút của Nhật Liên vẽ nên; phía trước đó có Đại Khách Điện, Đại Hóa Thành 3 tầng, Đại Giảng Đường, v.v., toàn là những kiến trúc mang tính hiện đại tân thời. chùa hiện còn lưu trữ nhiều bảo vật như Tiêu Tức Văn của Nhật Liên.
(行譴大王): theo quan niệm tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc, có 12 vị Đại Vương Hành Khiển, được gọi là Thập Nhị Hành Khiển Đại Vương (十二行譴大王), cai quản nhân gian. 12 vị ứng với 12 Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Các Đại Vương này còn được gọi là đương (kim) niên chi thần (當[今]年之神, vị thần của năm nay). Mỗi vị có trách nhiệm thống nhiếp thế gian trong vòng 1 năm, xem xét mọi chuyện tốt xấu của từng người, từng gia đình, từng thôn xã, cho đến từng quốc gia để luận tội và trình tấu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên cạnh mỗi vị Đại Vương, thường có một vị Phán Quan trợ lý. Trong số 12 vị này, có rất nhân đức, độ lượng; có vị cương trực và cũng có vị rất nghiêm khắc. Tương truyền rằng có năm xảy ra loạn lạc, chiến tranh, mất mùa, thiên tai, v.v., cũng do các vị Đại Vương Hành Khiển gây ra để trừng phạt nhân gian. Tên gọi các vị Đại Vương Hành Khiển và Phán Quan như sau:
(1) Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển Đại Vương (周王行譴), Thiên Ôn Hành Binh Chi Thần, Lý Tào Phán Quan;
(2) Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển (趙王行譴), Tam Thập Lục Phương Hành Binh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;
(3) Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển (魏王行譴), Mộc Tinh Chi Thần, Tiêu Tào Phán Quan;
(4) Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển (鄭王行譴), Thạch Tinh Chi Thần, Liễu Tào Phán Quan;
(5) Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển (楚王行譴), Hỏa Tinh Chi Thần, Biểu Tào Phán Quan;
(6) Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển (呉王行譴), Thiên Hải Chi Thần, Hứa Tào Phán Quan;
(7) Năm Ngọ: Tần Vương Hành Khiển (秦王行譴), Thiên Hao Chi Thần, Nhân Tào Phán Quan;
(8) Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển (宋王行譴), Ngũ Đạo Chi Thần, Lâm Tào Phán Quan;
(9) Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển (齊王行譴), Ngũ Miếu Chi Thần, Tống Tào Phán Quan;
(10) Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển (魯王行譴), Ngũ Nhạc Chi Thần, Cựu Tào Phán Quan;
(11) Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển (越王行譴), Thiên Bá Chi Thần, Thành Tào Phán Quan;
(12) Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển (劉王行譴), Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào Phán Quan.
Một trong những ý nghĩa quan trọng của Lễ Giao Thừa là vì tục lệ Việt Nam chúng ta tin rằng mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để cung tiễn vị cũ ra đi và nghênh đón vị mới đến. Sở dĩ Lễ Giao Thừa được thiết cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút vị cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã; thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì cả.
(南條時光, Nanjō Tokimitsu, 1259-1332): vị Võ Tướng sống vào cuối thời Liêm Thương, tín đồ đắc lực của Nhật Liên, là thủ lãnh vùng Thượng Dã (上野, Ueno) thuộc tiểu quốc Tuấn Hà (駿河, Suruga); ông được gọi là Thượng Dã Điện (上野殿, Ngài Thượng Dã). Vào năm 1278, khi xảy ra vụ Pháp Nạn Nhiệt Nguyên (熱原の法難, Atsuhara-no-Hōnan), dưới sự chỉ đạo của Nhật Hưng (日興, Nikkō), ông đề kháng chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Mạc Phủ, rồi tận lực bôn tẩu để bảo vệ cho tín đồ. Đối với tâm tín thành của Thời Quang như vậy, Nhật Liên tán thán và ban cho hiệu là Thượng Dã Hiền Nhân Điện (上野賢人殿). Sau khi thầy qua đời, Nhật Hưng không hợp ý với Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長), nên rời khỏi Thân Diên Sơn (身延山). Lúc ấy, Thời Quang cung đón Nhật Hưng về lãnh địa của ông, rồi đến năm thứ 3 (1290) niên hiệu Chánh Ứng (正應) thì dâng cúng một phần đất đai của mình và trở thành người tín đồ khai sáng Bổn Môn Tự (本門寺). Vào năm đầu (1323) niên hiệu Chánh Trung (正中), để cúng dường hồi hướng cầu nguyện cho người vợ quá cố là Diệu Liên (妙蓮), ông biến tư thất của Hạ Điều Quật Chi Nội (下條堀之內) thành Diệu Liên Tự (妙蓮寺). Ông qua đời ở tuổi 74 và có giới danh là Đại Hành Tôn Linh (大行尊靈).
(五行): là quan niệm về vật chất của người Trung Quốc cổ đại, phần nhiều được dùng trong các phương diện triết học, y học cũng như bói toán; tức là 5 nguyên tố cần thiết vận hành giữa trời đất gồm Thủy (水), Hỏa (火), Mộc (木), Kim (金) và Thổ (土). Tên gọi khác của Ngũ Thường (五常, 5 yếu tố con người thường cần phải thực hiện) gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Người Trung Quốc co rằng tự nhiên được cấu thành bởi 5 yếu tố, tùy theo các yếu tố này mà thạnh suy, khiến cho tự nhiên sinh ra các biến hóa, có ảnh hưởng đến vận mạng của con người, đồng thời làm cho vũ trụ tuần hoàn không ngừng. Trong các kinh điển luận về Ngũ Hành, trước hết thấy xuất hiện trong Thượng Thư (尚書), phần Hồng Phạm (洪範) có nêu rõ rằng: “Ngũ Hành, nhất viết Thủy, nhị viết Hỏa, tam viết Mộc, tứ viết Kim, ngũ viết Thổ (五行、一曰水、二曰火、三曰木、四曰金、五曰土, Ngũ Hành, thứ nhất là Thủy, thứ hai là Hỏa, thứ ba là Mộc, thứ tư là Kim, thứ năm là Thổ).” Nguồn gốc của Ngũ Hành vốn phát xuất từ số của sách Hà Đồ (河圖), Lạc Thư (洛書); số 1, 6 là Thủy; 2, 7 là Hỏa; 3, 8 là Mộc; 4, 9 là Kim; 5, 10 là Thổ. Theo Hà Đồ, nếu xoay về bên trái thì tương sinh; theo Lạc Thư, nếu xoay về bên phải thì tương khắc. Như vậy Ngũ Hành tương khắc gồm có Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ Khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. Ngũ Hành tương sinh là Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Năm yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với các truyền thống văn hóa Trung Quốc khác như phương vị, thiên can, địa chi, màu sắc, thời tiết, v.v. Xin liệt kê theo thứ tự các yếu tố Ngũ Hành, Ngũ Tài (五材), Ngũ Sắc (五色, 5 màu sắc), Ngũ Phương (五方), Ngũ Quý (五季, 5 mùa), Ngũ Thời (五時), Ngũ Tiết (五節), Ngũ Tinh (五星, 5 ngôi sao), Ngũ Thanh (五聲, 5 loại tiếng), Ngũ Âm (五音, 5 loại âm), Ngũ Tạng (五臟), Ngũ Phủ (五腑), Ngũ Chí (五志, 5 loại cảm xúc), Ngũ Quan (五官, 5 giác quan), Ngũ Giác (五覺, 5 loại cảm giác), Ngũ Dịch (五液, 5 loại chất dịch), Ngũ Vị (五味, 5 loại mùi vị), Ngũ Xú (五臭), Ngũ Khí (五氣), Ngũ Vinh (五榮), Ngũ Thú (五獸, 5 loại thú thần thoại), Ngũ Súc (五畜, 5 loại súc vật), Ngũ Cốc (五穀), Ngũ Quả (五果), Ngũ Thái (五菜), Ngũ Thường (五常), Ngũ Chính (五政), Ngũ Ác (五惡), Ngũ Hóa (五化), Thiên Can (千干), Địa Chi (地支). Kim thường đi với Kim, màu xanh, phương Đông, mùa xuân, buổi sáng, Tân Niên, Mộc Tinh (木星), tiếng kêu gọi, Giác, gan, mật, bực tức, mắt, màu sắc, nước mắt, chất chua, mùi hôi (của cừu, nai, v.v.), gân, móng, Thanh Long (青龍), con chó, lúa tẻ, trái Mận, rau Hẹ, Nhân, khoan dung, gió, sanh sản, Giáp và Ất, Dần và Mão. Hỏa đi với Hỏa, màu đỏ, phương Nam, mùa hè, giữa ngày, Thượng Tỵ (上巳, tiết hội của người Hán được tổ chức vào ngày Tỵ của thượng tuần tháng 3 Âm Lịch để cầu gió mát), Hỏa Tinh (火星), tiếng cười, Chưng, tim, ruột non, niềm vui, lưỡi, sự xúc chạm, mồ hôi, vị đắng, mùi khét, máu, mặt, Châu Tước (朱雀), con dê, thóc, trái Hạnh, rau Kiệu, Lễ, sự sáng suốt, sức nóng, sự trưởng thành, Bính và Đinh, Tỵ và Ngọ. Thổ đi với Thổ, màu vàng, phương giữa, giữa hè, xế chiều, Đoan Ngọ (端午, mồng 5 tháng 5 Âm Lịch), Thổ Tinh (土星), tiếng ca, Cung, lá lách, bụng, suy tư, miệng, mùi vị, nước dãi, vị ngọt, mùi hương thơm, thịt, môi, Hoàng Lân (黃麟) hay Đằng Xà (滕蛇), con bò, lúa, trái Táo, rau Quỳ, sự cung kính, ẩm thấp, biến hóa, Mậu và Kỷ, Thìn, Mùi, Tuất và Sửu. Kim đi với Kim, màu trắng, phương Tây, mùa Thu, mặt trời lặn, Thất Tịch (七夕, mồng 7 tháng 7 Âm Lịch), Kim Tinh, tiếng khóc, Thương, phổi, ruột già, sự đau buồn, mũi, hương thơm, nước mũi, vị đắng, mùi tanh, hơi, lông, Bạch Hổ (白虎), con gà, gạo, trái Đào, rau Hành, Nghĩa, sức mạnh, khô ráo, thâu lại, Canh và Tân, Giáp và Dậu. Thủy đi với Thủy, màu đen, phương Bắc, mùa Đông, giữa đêm, Trùng Dương (重陽, mồng 9 tháng 9 Âm Lịch, còn gọi là Trùng Cửu [重九]), Thủy Tinh (水星), tiếng rên rỉ, quả thận, bàng quang, sự lo sợ, lỗ tai, âm thanh, nước bọt miếng, vị mặn, mùi thối mục, xương, tóc, Huyền Võ (玄武), lợn, đậu, hạt dẻ, lá dâu, Trí, sự tĩnh lặng, lạnh lẽo, che giấu, Nhâm và Quý, Hợi và Tý.
(日興, Nikkō, 1246-1333): vị tăng của Nhật Liên Tông Nhật Bản, sống vào cuối thời Liêm Thương, vị Tổ đời thứ 2 của Đại Thạch Tự (大石寺), Tổ của Dòng Phái Phú Sĩ (富士門流); Tổ của Nhật Liên Chánh Tông (日蓮正宗), Nhật Liên Bổn Tông (日蓮本宗); một trong Lục Lão Tăng (六老僧); húy là Nhật Hưng (日興), thông xưng là Bạch Liên A Xà Lê (白蓮阿闍梨), hiệu là Bá Kì Phòng (伯耆房), Thường Tại Viện (常在院); xuất thân vùng Thu Trạch (鰍澤, Kajikazawa), Giáp Phỉ (甲斐, Kai, thuộc Yamanashi-ken [山梨縣]); con của Đại Tỉnh Quất Lục (大井橘六). Trước kia, ông từng tu học ở Tứ Thập Cửu Viện (四十九院) của Thiên Thai Tông ở vùng Tuấn Hà (駿河, Suruga); đến năm 1265 thì quy y theo Nhật Liên; và đã từng theo hầu hạ khi thầy bị lưu đày đến vùng Tá Độ (佐渡, Sado). Sau khi được tha tội, ông quy y khá nhiều tín đồ thuộc tầng lớp nông dân, võ sĩ cũng như tu sĩ của Thiên Thai Tông ở Tuấn Hà, Giáp Phỉ, Y Đậu (伊豆, Izu); và vào năm 1279, đệ tử cùng tín đồ của ông bị chính quyền Mạc Phủ đàn áp trong vụ Pháp Nạn Nhiệt Nguyên (熱原の法難, Atsuhara-no-Hōnan). Năm 1282, Nhật Liên tuyên bố Nhật Hưng là một trong 6 đệ tử chân truyền. Sau khi thầy qua đời, ông chuyên lo phụng thờ tôn tạo ngôi miếu của Nhật Liên ở vùng Thân Diên (身延, Minobu). Sau đó, ông lại đối lập với Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長) và Nhật Hướng (日向) ở vùng này; nên vào năm 1288, ông rút lui về địa phương Tuấn Hà, và sáng lập Đại Thạch Tự ở Phú Sĩ (富士, Fuji) vào năm 1290, rồi Bổn Môn Tự (本門寺) ở vùng Trọng Tu (重須, Omosu). Trước tác của ông có Bổn Tôn Phần Dữ Trương (本尊分與帳), An Quốc Luận Vấn Đáp (安國論問答) 1 quyển, Tam Thời Hoằng Kinh Thứ Đệ (三時弘經次第) 1 quyển, Thần Thiên Thượng Khám Văn (神天上勘文) 1 quyển, v.v.
(日向, Nikō, 1253-1314): vị tăng của Nhật Liên Tông Nhật Bản, sống vào khoảng cuối thời Liêm Thương, một trong Lục Lão Tăng (六老僧); Tổ đời thứ 2 của Cửu Viện Tự (久遠寺, Kuon-ji), Tổ của Dòng Phái Thân Diên (身延門流); húy là Nhật Hướng (日向), tục danh là Đằng Tam Lang Thật Trường (藤三郎實長?); thông xưng là Tá Độ Công (佐渡公), Tá Độ A Xà Lê (佐渡阿闍梨), Dân Bộ A Xà Lê (民部阿闍梨); xuất thân vùng Tảo Nguyên (藻原, Mobara), Thượng Tổng (上總, Kazusa); con của Tiểu Lâm Dân Bộ Thật Tín (小林民部實信?). Ông xuất gia với Nhật Liên, thường theo hầu thầy và chuyên tâm tu học. Sau khi Nhật Liên đến sống ẩn cư ở vùng Thân Diên (身延, Minobu), ông thường làm sứ giả đi khắp nơi hoạt động giáo hóa. Sau khi thầy qua đời, ông lấy Diệu Quang Tự (妙光寺) ở vùng Thượng Tổng làm cứ điểm để mở rộng phạm vi giáo hóa. Ông đã từng lên Thân Diên Sơn (身延山) quy y cho lãnh chúa Ba Mộc Tỉnh Thật Trường (波木井實長), rồi sau khi phế bỏ quy chế luân phiên canh giữ ngôi tháp của Nhật Liên, ông trở về làm trú trì đời thứ 2 của Cửu Viện Tự, và xây dưng cơ cở vững chắc cho chùa này. Dòng phái của ông được gọi là Dòng Phái Nhật Hướng. Trước tác của ông có Kim Cang Tập (金剛集) 10 quyển.
(太歲): Mộc Tinh (木星, Jupiter), còn gọi là Tuế Tinh (歲星), Thái Âm (太陰), Tuế Âm (歲陰), Tuế Quân (歲君), Thái Tuế Tinh Quân (太歲星君), là tên gọi của vị thần trong Đạo Giáo Trung Quốc. Ngày xưa ngôi sao này được dùng để đếm tuổi nên có tên gọi như vậy, về sau biến thành một loại tín ngưỡng thần linh. Thái Tuế còn là tên của một trong Lưu Niên Tuế Số Thập Nhị Thần Sát (流年歲數十二神煞), lưu hành trong 12 tháng, với câu kệ là: “Thái Tuế đương đầu tọa, chư thần bất cảm đương, tự thân vô khắc hại, tu dụng khốc đa dương (太歲當頭坐、諸神不敢當、自身無剋害、須用哭爹娘, Thái Tuế ngay đầu tọa, các thần chẳng dám chường, tự thân không nguy hại, nên thương khóc mẹ cha).” Sao này có công năng đè ép các sao Thần Sát, người gặp sao này nếu gặp vận thì xấu nhiều tốt ít, chủ yếu gặp tai nạn bất trắc, nên làm việc phước thiện. Trong dân gian thường có từ “phạm Thái Tuế (犯太歲)”, “xung Thái Tuế (衝太歲)”, “hình Thái Tuế (刑太歲)” hay “thiên xung Thái Tuế (偏衝太歲)”. Tỷ dụ như năm nay là năm con Tỵ (巳, con rắn), người tuổi con rắn là phạm Thái Tuế, tuổi Hợi (亥, con heo) là xung Thái Tuế; tuổi Thân (申, con khỉ) và Dần (寅, con cọp) là thiên xung Thái Tuế. Vì vậy, có câu ngạn ngữ rằng: “Thái Tuế đương đầu tọa, vô hỷ khủng hữu họa (太歲當頭坐、無喜恐有禍, Thái Tuế trên đầu ngự, chẳng vui e có họa).” Cho nên, người ta có tục lệ An Thái Tuế (安太歲), tức cúng sao giải hạn, cầu nguyện được vạn sự bình an, cát tường. Ngay từ buổi đầu, tục lệ An Thái Tuế rất giản dị. Tín đồ nào muốn cúng An Thái Tuế thì nên nhân dịp trước hay sau tiết Xuân, lấy giấy màu hồng hay vàng viết lên dòng chữ như “Bổn niên Thái Tuế Tinh Quân đáo thử (本年太歲星君到此, năm nay Thái Tuế Tinh Quân đến đây)”, “Bổn niên Thái Tuế Tinh Quân thần vị (本年太歲星君神位, thần vị của Thái Tuế Tinh Quân năm nay)”, “Nhất tâm kính phụng Thái Tuế Tinh Quân (一心敬奉太歲星君, một lòng kính thờ Thái Tuế Tinh Quân)”, đem dán trong nhà, hằng ngày dâng hương cầu khấn. Đến cuối năm, nên đem giấy đó ra đốt với ý nghĩa là “tiễn Thần lên Trời.” Tương truyền trong vòng 60 năm, mỗi năm Trời phái một vị thần phụ trách năm ấy, quản lý toàn bộ việc phước họa của con người. Cho nên, trong thời gian 60 năm ấy có 60 vị Thái Tuế. Tín ngưỡng này có từ thời Nam Bắc Triều (南北朝, 220-589), và đến đầu thời nhà Thanh (清, 1616-1911) thì có tên họ rõ ràng của 60 vị thần Thái Tuế Tinh Quân. Tên của mỗi vị ứng vào các năm như sau:
(1) Thái Tuế năm Giáp Tý là Kim Biện Tổ Sư (金辦祖師),
(2) Thái Tuế năm Ất Sửu là Trần Tài Tổ Sư (陳材祖師),
(3) Thái Tuế năm Bính Dần là Đam Chương Tổ Sư (耿章祖師),
(4) Thái Tuế năm Đinh Mão là Trầm Hưng Tổ Sư (沉興祖師),
(5) Thái Tuế năm Mậu Thìn là Triệu Đạt Tổ Sư (趙達祖師),
(6) Thái Tuế năm kỷ tỵ là Quách Xán Tổ Sư (郭燦祖師),
(7) Thái Tuế năm Canh Ngọ là Vương Thanh Tổ Sư (王清祖師),
(8) Thái Tuế năm Tân Mùi là Lý Tố Tổ Sư (李素祖師),
(9) Thái Tuế năm Nhâm Thân là Lưu Vượng Tổ Sư (劉旺祖師),
(10) Thái Tuế năm Quý Dậu là Khang Chí Tổ Sư (康志祖師),
(11) Thái Tuế năm Giáp Tuất là Thí Quảng Tổ Sư (施廣祖師),
(12) Thái Tuế năm Ất Hợi là Nhiệm Bảo Tổ Sư (任保祖師),
(13) Thái Tuế năm Bính Tý là Quách Gia Tổ Sư (郭嘉祖師),
(14) Thái Tuế năm Đinh Sửu là Uông Văn Tổ Sư (汪文祖師),
(15) Thái Tuế năm Mậu Dần là Tằng Quang Tổ Sư (曾光祖師),
(16) Thái Tuế năm Kỷ Mão là Long Trọng Tổ Sư (龍仲祖師),
(17) Thái Tuế năm Canh Thìn là Đổng Đức Tổ Sư (董德祖師),
(18) Thái Tuế năm Tân Tỵ là Trịnh Đán Tổ Sư (鄭但祖師),
(19) Thái Tuế năm Nhâm Ngọ là Lục Minh Tổ Sư (陸明祖師),
(20) Thái Tuế năm Quý Mùi là Ngụy Nhân Tổ Sư (魏仁祖師),
(21) Thái Tuế năm Giáp Thân là Phương Kiệt Tổ Sư (方杰祖師),
(22) Thái Tuế năm Ất Dậu là Tương Sùng Tổ Sư (蔣崇祖師),
(23) Thái Tuế năm Bính Tuất là Bạch Mẫn Tổ Sư (白敏祖師),
(24) Thái Tuế năm Đinh Hợi là Phong Tề Tổ Sư (封齊祖師),
(25) Thái Tuế năm Mậu Tý là Trịnh Thang Tổ Sư (鄭鏜祖師),
(26) Thái Tuế năm Kỷ Sửu là Phan Tá Tổ Sư (潘佐祖師),
(27) Thái Tuế năm canh dần là Ổ Hoàn Tổ Sư (鄔桓祖師),
(28) Thái Tuế năm Tân Mão là Phạm Ninh Tổ Sư (范寧祖師),
(29) Thái Tuế năm Nhâm Thìn là Bành Thái Tổ Sư (彭泰祖師),
(30) Thái Tuế năm Quý Tỵ là Từ Hoa Tổ Sư (徐華祖師),
(31) Thái Tuế năm Giáp Ngọ là Chương Từ Tổ Sư (章詞祖師),
(32) Thái Tuế năm Ất Mùi là Dương Tiên Tổ Sư (楊仙祖師),
(33) Thái Tuế năm Bính Thân là Quản Trọng Tổ Sư (管仲祖師),
(34) Thái Tuế năm Đinh Dậu là Đường Kiệt Tổ Sư (唐傑祖師),
(35) Thái Tuế năm Mậu Tuất là Khương Võ Tổ Sư (姜武祖師),
(36) Thái Tuế năm Kỷ Hợi là Tạ Đảo Tổ Sư (謝燾祖師),
(37) Thái Tuế năm Canh Tý là Ngu Khởi Tổ Sư (虞起祖師),
(38) Thái Tuế năm Tân Sửu là Dương Tín Tổ Sư (楊信祖師),
(39) Thái Tuế năm Nhâm Dần là Hiền Ngạc Tổ Sư (賢諤祖師),
(40) Thái Tuế năm Quý Mão là Bì Thời Tổ Sư (皮時祖師),
(41) Thái Tuế năm Giáp Thìn là Lý Thành Tổ Sư (李誠祖師),
(42) Thái Tuế năm Ất Tỵ là Ngô Toại Tổ Sư (吳遂祖師),
(43) Thái Tuế năm Bính Ngọ là Văn Triết Tổ Sư (文哲祖師),
(44) Thái Tuế năm Đinh Mùi là Mậu Bính Tổ Sư (繆丙祖師),
(45) Thái Tuế năm Mậu Thân là Từ Hạo Tổ Sư (徐浩祖師),
(46) Thái Tuế năm Kỷ Dậu là Trình Bảo Tổ Sư (程寶祖師),
(47) Thái Tuế năm Canh Tuất là Nghê Bí Tổ Sư (倪秘祖師),
(48) Thái Tuế năm Tân Hợi là Diệp Kiên Tổ Sư (葉堅祖師),
(49) Thái Tuế năm Nhâm Tý là Kheo Đức Tổ Sư (丘德祖師),
(50) Thái Tuế năm Quý Sửu là Chu Đắc Tổ Sư (朱得祖師),
(51) Thái Tuế năm Giáp Dần là Trương Triều Tổ Sư (張朝祖師),
(52) Thái Tuế năm Ất Mão là Vạn Thanh Tổ Sư (萬清祖師),
(53) Thái Tuế năm Bính Thìn là Tân Á Tổ Sư (辛亞祖師),
(54) Thái Tuế năm Đinh Tỵ là Dương Ngạn Tổ Sư (楊彥祖師),
(55) Thái Tuế năm Mậu Ngọ là Lê Khanh Tổ Sư (黎卿祖師),
(56) Thái Tuế năm Kỷ Mùi là Phó Đảng Tổ Sư (傅黨祖師),
(57) Thái Tuế năm Canh Thân là Mao Tử Tổ Sư (毛梓祖師),
(58) Thái Tuế năm Tân Dậu là Thạch Chính Tổ Sư (石政祖師),
(59) Thái Tuế năm Nhâm Tuất là Hồng Sung Tổ Sư (洪充祖師), và
(60) Thái Tuế năm Quý Hợi là Ngu Trình Tổ Sư (虞程祖師).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập