Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Di Lặc »»
(s: Vārāṇasī, Vāraṇasī, Varāṇasī, Varaṇasī, p: Bārāṇasī, 波羅奈): tên của một vương quốc cổ ngày xưa của Ấn Độ, còn gọi là Ba La Nại Tư Quốc (波羅奈斯國), Ba La Nại Quốc (波羅捺國), Ba La Nại Tả Quốc (波羅捺寫國); xưa kia gọi là Già Thi Quốc (s: Kāśī, 伽尸國), hiện tại là Benares. Theo Đại Đường Tây Vức Ký (大唐西域記) quyển 7, vương quốc này có thành quách kéo dài đến tận sông Tây Khắc Già (西殑伽), dài 18, 19 dặm, rộng 5-6 dặm. Dân cư trong thành đông đúc, tính người hiền lương, phần lớn tin vào ngoại đạo, ít người kính trọng Phật pháp. Tăng chúng phần lớn học pháp Chánh Lượng Bộ của Tiểu Thừa. Về phía đông bắc của thành có dòng sông Varaṇā; phía tây sông có tháp A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王); phía đông bắc sông khoảng 10 dặm có di tích cũ nơi Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒), Bồ Tát Hộ Minh (護明) từng thọ ký. Bên cạnh đó, phía tây bắc thành có vườn Lộc Uyển (s: Mṛgadāva, p: Migadāya, 鹿苑), nơi xưa kia sau khi thành đạo, đức Phật lần đầu tiên giáo hóa cho 5 vị Tỳ Kheo. Từ đó về sau, Ngài thường đến thành này hóa độ chúng sanh và Ba La Nại trở thành một trong 6 trung tâm thuyết pháp lớn đương thời. Hiện tại trong thành có cả ngàn ngôi đền thờ Ấn Độ Giáo. Nơi này xưa kia rất thịnh hành về học thuật, cùng với vùng Takṣasilā là hai trung tâm của Bà La Môn giáo học. Khi cao tăng Huyền Trang (玄奘, 602-664) đến địa phương này, Phái Thấp Bà (s: Śiva, 濕婆) rất hưng thịnh. Sau khi tín đồ Hồi Giáo xâm nhập vào năm 1194, Phật Giáo tiến đến tuyệt tích. Hiện tại nơi đây không chỉ là thánh địa của Ấn Độ Giáo, mà còn là thánh địa của Phật Giáo và Kỳ Na Giáo (耆那敎, Jainism).
(半言): nửa lời, còn gọi là bán kệ (半偈, nửa bài kệ). Theo Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經) quyển 14, Phẩm Thánh Hạnh (聖行品), xưa kia khi Như Lai chưa xuất hiện trên đời, lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca thị hiện là một người ngoại đạo Bà La Môn, tinh thông hết thảy các học vấn, hành vi rất nhu hòa, tịch tĩnh, tâm thanh tịnh, vô nhiễm. Vị ấy có chí nguyện muốn tìm học kinh điển Đại Thừa; nhưng trãi qua một thời gian lâu mà không có kết quả. Sau ông vào trong núi Tuyết Sơn tu khổ hạnh, hành Thiền định và chờ đợi đấng Như Lai xuất hiện để được nghe giáo pháp Đại Thừa. Thấy vậy, Trời Đế Thích bèn biến hóa thành một con quỷ La Sát rất hung dữ, đáng sợ, bay đến gần chỗ vị tiên nhân, rồi lớn tiếng tuyên thuyết nửa bài kệ tụng do trước kia đã từng nghe từ đức Như Lai rằng: “Chư hành vô thường, hữu sinh hữu diệt (諸行無常、有生有滅, các hành vô thường, có sinh thì có diệt)”, và đến bên tiên nhân đảo mắt hung tợn nhìn khắp bốn phương. Nghe xong nửa bài kệ này, tiên nhân cảm thấy như có được thuốc hay để trị lành căn bệnh lâu ngày, như rơi xuống nước mà được thuyền cứu vớt, như đất hạn hán lâu ngày gặp nước mưa, như thân hình bị giam hãm lâu ngày nay được phóng thích; nên thân tâm rất hoan hỷ. Tiên nhân đứng dậy nhìn quanh, chỉ thấy con quỷ La Sát thân hình hung tợn, nên rất hồ nghi không biết ai đã tuyên thuyết câu kệ vi diệu như vậy; cuối cùng mới biết do con quỷ La Sát thuyết. Vị tiên nhân chí thành cầu xin con quỷ nói tiếp nửa bài kệ sau; sau nhiều lần thử thách, con quỷ vẫn không bằng lòng; cho nên vị tiên nhân phát nguyện hiến cả thân mạng cho con quỷ đói, chỉ với mục đích là nghe được chánh pháp mà thôi. Nhân đó, quỷ La Sát thuyết nửa bài kệ sau: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc (生滅滅已、寂滅爲樂, Sinh diệt diệt hết, vắng lặng an vui)”. Nghe xong, vị Bà La Môn biết câu kệ này rất có lợi ích cho mọi người, liền khắc lên khắp nơi như vách đá, thân cây, v.v., để lưu truyền cho hậu thế. Sau đó, ông leo lên cây cao, buông mình xuống để xả thân cho con quỷ đói ăn, theo như lời phát nguyện. Lúc bấy giờ, trên không trung văng vẳng âm thanh vi diệu, các vua trời cùng Trời Đế Thích hiện nguyên thân hình đón lấy thân thể vị Bà La Môn, cung kính đãnh lễ và cầu xin hóa độ cho họ trong tương lai. Nhờ nhân duyên xả thân mạng để nghe được nửa câu kệ như vậy, sau 12 kiếp tu hành, vị Bà La Môn thành Phật trước cả Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, 彌勒). Hơn nữa, trong Bách Nghiệp Kinh (百業經), có đề cập đến câu chuyện tiền thân của đức Phật là của Tích Phổ Quốc Vương (昔普國王) cũng tương tự như vậy; song nội dung chuyện và văn kệ có phần khác. Đức vua là người có tâm từ bi lớn, chuyên bố thí khắp mọi người, thương yêu thần dân hết mực. Trời Đế Thích thấy vậy muốn thử tâm của nhà vua, bèn biến thành con quỷ La Sát, đến trước vua tuyên thuyết nửa bài kệ rằng: “Chư pháp giai vô thường, nhất thiết sinh diệt tánh (諸法皆無常、一切生滅性, các pháp đều vô thường, tất cả có tánh sinh diệt)”. Nghe xong pháp xong, đức vua sanh tâm hoan hỷ, liền cung kính đãnh lễ La Sát và cầu xin cho nghe nửa bài kệ sau với lời phát nguyện sẽ dâng hiến thịt máu của vua cho con quỷ. Trước lời thỉnh cầu chí thành của nhà vua, quỷ La Sát nói tiếp nửa bài kệ sau là: “Sinh diệt tức diệt tận, bỉ đẳng tịch diệt lạc (生滅卽滅盡、彼等寂滅樂, Sinh diệt đã diệt hết, ấy niềm vui vắng lặng)”. Sau khi nghe được cả bài kệ, đức vua lấy toàn bộ thịt máu của mình dâng cho quỷ La Sát. Lúc bấy giờ, đại địa chấn động, trời người rải hoa cúng dường và tán thán đại nguyện của Tích Phổ Quốc Vương. Sau này, Huyền Trang (玄奘, 602-664) có làm bài “Đề Bán Kệ Xả Thân Sơn (題半偈捨身山)” rằng: “Hốt văn bát tự siêu thi cảnh, bất tích đơn xu xả thử sơn, kệ cú thiên lưu phương thạch thượng, nhạc âm thời tấu bán không gian (忽聞八字超詩境、不惜丹軀捨此山、偈句篇留方石上、樂音時奏半空間, chợt nghe tám chữ siêu thi hứng, chẳng tiếc thân mình bỏ núi non, câu kệ còn lưu trên vách đá, nhạc âm vang vọng nửa không gian)”. Ngoài ra, Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺, 675-713), tác giả của bài Chứng Đạo Ca (証道歌), cũng có Bán Cú Kệ rằng: “Sanh dã điên đảo, tử dã điên đảo (生也顚倒、死也顚倒, sống cũng điên đảo, chết cũng điên đảo).”
(八大菩薩): bên cạnh hai Bồ Tát Nhật Quang Biến Chiếu (日光遍照) và Nguyệt Quang Biến Chiếu (月光遍照), còn có 8 vị Bồ Tát khác cũng thường hầu cận bên đức Phật Dược Sư (s: Bhaiṣajyaguru, 藥師) là:
(1) Văn Thù Sư Lợi (s: Mañjuśrī, 文殊師利),
(2) Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音),
(3) Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至),
(4) Bảo Đàn Hoa (寶壇華), (5) Vô Tận Ý (無盡意),
(6) Dược Vương (s: Bhaiṣajyarāja, 藥王),
(7) Dược Thượng (s: Bhaiṣajyasamudgata, 藥上), và
(8) Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒).
(s: Cundi, t: bskul-bye-kma, 準提): âm dịch là Chuẩn Đề (准提、准胝), Chuẩn Nê (准泥), ý dịch là thanh tịnh, còn gọi là Chuẩn Đề Quan Âm (准提觀音), Chuẩn Đề Phật Mẫu (准提佛母), Phật Mẫu Chuẩn Đề (佛母准提), Thiên Nhân Trượng Phu Quan Âm (天人丈夫觀音), Thất Câu Chi Chuẩn Đề Đại Phật Mẫu (七俱胝準提大佛母); là vị Bồ Tát thường xuyên hộ trì Phật pháp, hộ mạng và làm cho những người đoản mạng được sống lâu; có sự cảm ứng rất lớn, trí tuệ cũng như phước đức của Ngài thì vô lượng. Bên cạnh đó, Ngài còn được sùng tín để cầu tiêu trừ tai nạn, cầu con, trừ tật bệnh, v.v., tùy duyên hóa hiện để cứu độ chúng sanh, làm cho thế gian và xuất thế gian tròn đầy hết thảy sự cầu nguyện. Trong Thiền Tông của Trung Quốc và Nhật Bản, Ngài được xem như là một trong những đấng chủ tôn của Quan Âm Bộ. Đặc biệt Thai Mật của Nhật Bản lấy Chuẩn Đề nhập vào Phật Mẫu, trở thành một trong những đối tượng tôn thờ của Phật bộ. Còn Đông Mật của Nhật Bản xem Chuẩn Đề là một trong 6 Quan Âm (Thiên Thủ Quan Âm, Thánh Quan Âm, Mã Đầu Quan Âm, Thập Nhất Diện Quan Âm, Chuẩn Đề Quan Âm, Như Ý Luân Quan Âm) của Liên Hoa Bộ. Ngài là thân ứng hóa của Quan Âm, phân nhập vào trong Sáu Đường để cứu độ chúng sanh. Ngài được an trí tại Biến Tri Viện (遍知院) của Hiện Đồ Thai Tạng Giới, hình tượng thường có 3 mắt với 2 tay, 4 tay, 6 tay, 8 tay, hay 18 tay, v.v. Trong Phật Thuyết Thất Câu Chi Phật Mẫu Đại Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh (佛說七俱胝佛母心大准提陀羅尼經) có thuật lại rằng khi ở tại Vườn Cấp Cô Độc (給孤獨園), thuộc nước Xá Vệ (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛), đức Phật tư duy quán sát, thương tưởng các chúng sanh trong đời tương lai, nên tuyên thuyết “Thất Câu Chi Phật Mẫu Tâm Chuẩn Đề Đà La Ni Pháp (七俱胝佛母心准提陀羅尼法)”, tức là Chuẩn Đề Chú (準提咒) được các tín đồ Phật Giáo thường trì tụng. Bản tiếng Sanskrit của thần chú này là: “Namaḥ saptānāṃ samyaksaṃbuddha-koṭīnāṃ tad yathā. Oṃ cale cule cundi svāhā.”; âm Hán dịch theo bản Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh (七倶胝佛母所說准提陀羅尼經) của Bất Không (不空) dịch là: “Na mạc tát đa nam tam miệu tam một đà cu chi nam đát nhĩ dã tha, án, giả lễ chủ lễ chuẩn nê ta phạ ha (娜莫颯多南三藐三没駄倶胝南怛儞也他唵者禮主禮准泥娑嚩訶)”; nghĩa là “Con xin quy y theo đức Phật Chánh Đẳng Giác Thất Câu Chi (vạn ức). Tức là, Oṃ (Án). Hỡi đấng chuyển động quanh ! Hỡi đấng trên đảnh đầu ! Hỡi đức Chuẩn Đề ! Svāhā (ta phạ ha) !” Thần chú này được xem như là vua trong các thần chú, vì uy lực gia trì của nó không thể nghĩ bàn, sự cảm ứng của nó thì rất nhanh và mãnh liệt. Người trì tụng thần chú này có thể cầu được thông minh, trí tuệ, biện luận lanh lợi; chồng vợ thương kính nhau, khiến cho người khác sanh tâm kính mến; cầu được con nối dõi, kéo dài mạng sống, trị lành các bệnh tật, diệt trừ tội chướng; cầu được trời mưa, rời xa giam cầm, thoát khỏi nạn ác quỷ, ác tặc, v.v. Chuẩn Đề Phật Mẫu còn có 8 vị Bồ Tát là quyến thuộc, như Quán Tự Tại Bồ Tát (觀自在菩薩), Di Lặc Bồ Tát (彌勒菩薩), Hư Không Tạng Bồ Tát (虛空藏菩薩), Phổ Hiền Bồ Tát (普賢菩薩), Kim Cang Thủ Bồ Tát (金剛手菩薩), Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (文殊師利菩薩), Trừ Cái Chướng Bồ Tát (除蓋障菩薩) và Địa Tạng Bồ Tát (地藏菩薩).
(證明師): vị thầy chứng giám cho đàn tràng pháp sự. Trong Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Uy Nghi Kinh (優婆塞五戒威儀經, Taishō Vol. 24, No. 1503) có đoạn: “Thập phương chư Phật cập Đại Ca Diếp, thân ư Phật tiền thọ A Lan Nhã pháp, Phật tác Chứng Minh Sư, vi tác chứng tri (十方諸佛及大迦葉、親於佛前受阿蘭若法、佛爲作證明師、爲作證知, mười phương các đức Phật và Đại Ca Diếp, đến trước Phật thọ pháp A Lan Nhã, đức Phật làm Thầy Chứng Minh, để chứng tri cho).” Hay trong Pháp Uyển Châu Lâm (法苑珠林, Taishō Vol. 53, No. 2122) lại có đoạn rằng: “Đệ tử mỗ giáp đẳng, phổ cập pháp giới chúng sanh, phụng thỉnh Thích Ca Như Lai dĩ vi Hòa Thượng, phụng thỉnh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát vi A Xà Lê, phụng thỉnh Di Lặc Bồ Tát vi Giáo Thọ Sư, phụng thỉnh thập phương chư Phật vi Chứng Minh Sư, phụng thỉnh thập phương Bồ Tát dĩ vi kỷ bạn, ngã kim y Đại Thừa thậm thâm diệu nghĩa, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (弟子某甲等、普及法界眾生、奉請釋迦如來以爲和尚、奉請文殊師利菩薩爲阿闍梨、奉請彌勒菩薩爲敎授師、奉請十方諸佛爲證明師、奉請十方菩薩以爲己伴、我今依大乘甚深妙義、歸依佛、歸依法、歸依僧, đệ tử … vân vân, cùng khắp chúng sanh trong pháp giới, cung thỉnh đức Thích Ca Như Lai làm Hòa Thượng, cung thỉnh Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi làm A Xà Lê, cung thỉnh Bồ Tát Di Lặc làm Thầy Giáo Thọ, cung thỉnh mười phương các đức Phật làm Thầy Chứng Minh, con nay nương theo nghĩa mầu sâu xa của Đại Thừa, quay về nương tựa Phật, quay về nương tựa Pháp, quay về nương tựa Tăng).” Thông thường, vào cuối lòng văn Sớ có câu: “Bỉnh giáo phụng hành gia trì pháp sự, mỗ tự Trú Trì, húy thượng mỗ hạ mỗ Hòa Thượng chứng minh (秉敎奉行加持法事某寺住持諱上某下某和尚證明, Hòa Thượng chứng minh húy thượng … hạ …, Trú Trì Chùa … theo lời dạy vâng làm, gia trì pháp sự).”
(s: Kumārajīva, j: Kumarajū, 鳩摩羅什, 344-413, có thuyết cho là 350-409): âm dịch tiếng Phạn là Cứu Ma La Thập (究摩羅什), Cưu Ma La Thập Bà (鳩摩羅什婆), Cưu Ma La Đổ Bà (鳩摩羅耆婆), Cưu Ma La Thời Bà (鳩摩羅時婆), Câu Ma La Đổ Bà (拘摩羅耆婆), gọi tắt là La Thập (羅什), ý dịch là Đồng Thọ (童壽), còn gọi là La Thập Tam Tạng (羅什三藏). Ông người gốc nước Quy Tư (龜兹, thuộc vùng Sớ Lặc [疏勒], Tân Cương [新疆]), một trong 4 nhà dịch kinh vĩ đại của Trung Quốc. Cả cha mẹ ông đều tin thờ Phật. Cha là Cưu Ma La Viêm (鳩摩羅炎), gốc người Ấn Độ, từ bỏ ngôi vị Tể Tướng và xuất gia. Sau đó, ông đi du hóa khắp nơi, đến nước Quy Tư thuộc trung ương Châu Á, được quốc vương nước này kính mộ, rồi kết hôn với em gái nhà vua là Đổ Bà (耆婆) và sanh ra được một người con. Tên của Cưu Ma La Thập được hợp thành bởi tên cha (Cưu Ma La Viêm) và mẹ (Đổ Bà). Lúc nhỏ La Thập đã thông mẫn, năm lên 7 tuổi theo cha nhập đạo tu tập, rồi đi du học khắp xứ Thiên Trúc (天竺), tham cứu khắp các bậc tôn túc nổi tiếng đương thời, nghe rộng và ghi nhớ kỹ, nên tiếng tăm vang khắp. Sau đó ông trở về cố quốc, nhà vua trong nước tôn kính ông làm thầy. Vua Phù Kiên (符堅) nhà Tiền Tần (前秦) nghe đức độ của ông, bèn sai tướng Lữ Quang (呂光) đem binh đến rước ông. Lữ Quang chinh phạt miền Tây giành thắng lợi, rồi đến nghênh đón La Thập về kinh, nhưng giữa đường nghe Phù Kiên qua đời, bèn tự xưng vương ở Hà Tây (河西), do đó La Thập phải lưu lại Lương Châu (涼州) 16, 17 năm. Mãi cho đến khi Diêu Hưng (姚興) nhà Hậu Tần tấn công dẹp tan nhà họ Lữ, La Thập mới có thể đến Trường An (長安) được, tức là sau khi Đạo An (道安) qua đời 16 năm. Lúc bấy giờ là năm thứ 5 (401) niên hiệu Long An (隆安) nhà Đông Tấn. Diêu Hưng bái ông làm Quốc Sư, thỉnh ông đến trú tại Tiêu Dao Viên (逍遙園), cùng với Tăng Triệu (僧肇), Tăng Nghiêm (僧嚴) tiến hành công tác dịch kinh. Từ đó về sau, vào tháng 4 năm thứ 5 (403) niên hiệu Hoằng Thỉ (弘始) nhà Hậu Tần (後秦), La Thập bắt đầu dịch Trung Luận (中論), Bách Luận (百論), Thập Nhị Môn Luận (十二門論), Bát Nhã (般若), Pháp Hoa (法華), Đại Trí Độ Luận (大智度論), A Di Đà Kinh (阿彌陀經), Duy Ma Kinh (維摩經), Thập Tụng Luật (十頌律), v.v. Có nhiều thuyết khác nhau về số lượng kinh luận do ông phiên dịch. Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集) cho là 35 bộ, 294 quyển. Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋敎錄) là 74 bộ, 384 quyển. Từ khi Phật Giáo được truyền vào Trung Hoa, số lượng kinh điển Hán dịch ngày càng tăng nhiều, tuy nhiên lối dịch phần nhiều không thông suốt, văn chương khó hiểu, chẳng nhất trí với nguyên bản. Riêng La Thập thì vốn thông hiểu nhiều ngôn ngữ ngoại quốc, cho nên nội dung phiên dịch của ông hoàn toàn khác xa với các dịch bản trước đây, văn thể tuy giản dị nhưng súc tích, rõ ràng. Suốt đời La Thập đã đem tất cả năng lực của mình để phiên dịch các kinh điển Đại Thừa thuộc hệ Bát Nhã, cùng với những luận thư của học phái Trung Quán thuộc hệ Long Thọ (龍樹), Đề Bà (提婆). Những kinh điển Hán dịch của ông có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển Phật Giáo ở Trung Hoa. Sau này Đạo Sanh (道生) truyền Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận về phương Nam, kinh qua Tăng Lãng (僧朗), Tăng Thuyên (僧詮), Pháp Lãng (法朗), cho đến Cát Tạng (吉藏) nhà Tùy thì hình thành hệ thống Tam Luận Tông, và thêm vào Đại Trí Độ Luận (大智度論) để thành lập học phái Tứ Luận. Ngoài ra, Kinh Pháp Hoa (法華經) do ông phiên dịch đã tạo nhân duyên cho Thiên Thai Tông ra đời; Thành Thật Luận (成實論) là điển tịch trọng yếu của Thành Thật Tông; A Di Đà Kinh (阿彌陀經) cũng như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (十住毘婆沙論) là kinh luận sở y của Tịnh Độ Tông. Bên cạnh đó, Di Lặc Thành Phật Kinh (彌勒成佛經) giúp cho tín ngưỡng Di Lặc phát triển cao độ; Phạm Võng Kinh (梵綱經) ra đời làm cho toàn Trung Quốc được truyền Đại Thừa giới; Thập Tụng Luật (十頌律) trở thành tư liệu nghiên cứu quan trọng về Luật học. Môn hạ của La Thập có hơn 3.000 người, trong số đó những nhân vật kiệt xuất có Đạo Dung (道融), Tăng Duệ (僧叡), Tăng Triệu (僧肇), Đạo Sanh (道生), Đàm Ảnh (曇影), Huệ Quán (慧觀), Đạo Hằng (道恒), Đàm Tế (曇濟), Tăng Đạo (僧導), v.v. Ông được kính ngưỡng như là vị tổ của Tam Luận Tông. Vào năm thứ 9 (413, có thuyết cho là năm thứ 5 [409]) niên hiệu Nghĩa Hy (義熙), ông thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi.
(s: Tuṣita, p: Tusita, t: Dgaḥ-ldan, 兜率陀): từ gọi tắt của Đâu Suất Đà Thiên (兜率陀天), còn gọi là Đô Suất Thiên (都率天), Đâu Thuật Thiên (兜術天), Đâu Suất Đa Thiên (兜率多天), Đâu Sư Đà Thiên (兜師陀天), Đổ Sử Đa Thiên (覩史多天), Đâu Sử Đa Thiên (兜駛多天); ý dịch là Tri Túc Thiên (知足天), Diệu Túc Thiên (妙足天), Hỷ Túc Thiên (喜足天), Hỷ Lạc Thiên (喜樂天); là cõi trời thứ 4 trong 6 cõi trời của Dục Giới, nằm giữa cõi Dạ Ma Thiên (夜摩天) và Nhạo Biến Hóa Thiên (樂變化天), giữa hư không mây dày đặc. Cõi trời này nằm cách cõi Diêm Phù Đề (s, p: Jampudīpa, 閻浮提) 320.000 do tuần (s, p: yojana, 由旬), cách cõi trời Dạ Ma Thiên 160.000 do tuần. Về tên cõi trời này, Lập Thế A Tỳ Đàm Luận (立世阿毘曇論) quyển 6 có giải thích rằng cõi này hoan lạc, no đủ, vật chất chẳng thiếu gì, nên có tên gọi như vậy. Phật Địa Kinh Luận (佛地經論) quyển 5 lại cho rằng hậu thân của Bồ Tát sẽ giáo hóa ở cõi này và tu nhiều về pháp Hỷ Túc, nên có tên là Hỷ Túc Thiên (喜足天). Cõi trời này có hai viện nội và ngoại. Đâu Suất Nội Viện (兜率內院) là chỗ ở của vị sắp thành Phật (tức Bồ Tát bổ xứ), nay là cõi Tịnh Độ của Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒). Vị này hiện cũng là Bồ Tát bổ xứ, đang tuyên thuyết Phật pháp tại đây; nếu trú tại đây tròn 40 năm, vị ấy sẽ hạ sanh xuống cõi người, thành Phật dưới cây Long Hoa (龍華). Hơn nữa, xưa kia đức Thích Ca Như Lai khi còn là thân Bồ Tát, cũng từ cõi trời này hạ sanh xuống nhân gian và thành Phật. Tương truyền nội viện có 49 ngôi viện, có thể là y cứ vào Di Lặc Thượng Sanh Kinh (彌勒上生經, Taishō 14, 419) cho rằng: “Thử Ma Ni quang hồi toàn không trung, hóa vi tứ thập cửu trùng vi diệu bảo cung (此摩尼光廻旋空中、化爲四十九重微妙寶宮, ánh sáng viên ngọc Ma Ni này xoay quanh trong không trung, hóa thành bốn mươi chín lớp cung điện báu vi diệu)”. Ngoại viện thuộc về Dục Giới Thiên (欲界天), là nơi cư trú của thiên chúng, hưởng thọ dục lạc. Tuổi thọ của chúng sanh trên cõi trời này khoảng 4.000 năm, một ngày đêm trên đó tương đương với 400 năm dưới cõi người. Thọ mạng 4.000 tuổi ấy được tính tương đương với 6.700.000.000 (thực tế là 5.670.000.000) năm. Ngoài ra, khi chúng sanh của cõi này động tình dục thì cả hai đều chấp tay, tự nhiên thành âm dương; đứa bé sơ sanh của họ giống như hài nhi 8 tuổi dưới dương gian; đến 7 tuổi đứa bé thành nhân, thân dài 4 do tuần, áo dài 8 do tuần, rộng 4 do tuần, v.v. Mật Giáo an trí vị Thiên tử này tại phương Tây Bắc của Kim Cang Bộ Viện (金剛部院), ngoài Hiện Đồ Thai Tạng Giới Mạn Trà La (現圖胎藏界曼茶羅). Hình tượng của vị trời này có thân hình lộ sắc da màu trắng, tay phải gập lại, đặt nơi ngực, cầm cành hoa sen búp; tay trái bắt ấn, kê trên bắp đùi; hai bên có hai người nữ hầu, thân cũng để lộ da trắng, tay phải của họ đều cầm cành sen búp. Chủng tử của vị trời này là taṃ, hình Tam Muội Da là cành hoa sen búp trên lá. Tại Điện Di Lặc (彌勒殿) của Thái Vân Tự (白雲寺) ở Thái Châu (泰州), Tỉnh Giang Tô (江蘇省) có hai câu đối: “Thử Như Lai đại đỗ bao dung bả thế gian sự toàn hóa thành vô biên Phật pháp, thị Bồ Tát mãn tâm hoan hỷ tương Đâu Suất Cung tận cố tác Tỳ Lô đạo tràng (此如來大肚包容把世間事全化成無邊佛法、是菩薩滿心歡喜將兜率宮盡做作毗盧道塲, Như Lai này bụng lớn bao dung lấy chuyện thế gian thảy hóa thành vô biên Phật pháp, Bồ Tát ấy đầy tâm hoan hỷ đem Cung Đâu Suất trọn biến làm Tỳ Lô đạo tràng).”
(s: Kṣitigarbha, j: Jizō, 地藏): tức Địa Tạng Bồ Tát (地藏菩薩, Jizō Bosatsu), âm dịch là Khất Xoa Để Nghiệt Bà (乞叉底蘗婆), Chỉ Sư Đế Yết Bà (枳師帝掲婆), ý dịch là Trì Địa (持地), Diệu Tràng (妙幢), Vô Biên Tâm (無邊心). Kể từ khi đức Thế Tôn nhập diệt cho đến khi Phật Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒) xuất hiện, ngài thường hiện hình tướng Thanh Văn, phân chia thân mình khắp Sáu Đường để cứu độ hết thảy chúng sanh từ trên trời cho xuống dưới Địa Ngục, sau đó mới thệ nguyện thành Phật. Tên gọi của ngài có 6 loại như:
(1) Kim Cang Nguyện Địa Tạng (金剛願地藏): vị Bồ Tát thường cứu độ chúng sanh trong cõi Địa Ngục, tay trái cầm tràng phan và tay phải bắt Ấn Thành Biện (成辨印);
(2) Kim Cang Bảo Địa Tạng (金剛寳地藏): đức Địa Tạng chuyên cứu độ chúng sanh trong đường Ngạ Quỷ, tay trái cầm viên ngọc báu, và tay phải bắt Ấn Cam Lồ (甘露印) hay Ấn Thí Vô Úy (施無畏印);
(3) Kim Cang Bi Địa Tạng (金剛悲地藏): đức Địa Tạng chuyên cứu độ chúng sanh trong đường Súc Sanh, vai trái mang cây Tích Trượng (s: khakkhara, khakharaka, 錫杖), bàn tay phải ngữa ra theo hình thức tiếp đón;
(4) Kim Cang Tràng Địa Tạng (金剛幢地藏): đức Địa Tạng chuyên cứu độ chúng sanh trong cõi Tu La, tay trái cầm tràng phan hay cây kiếm, tay phải bắt Ấn Thí Vô Úy (施無畏印);
(5) Phóng Quang Địa Tạng (放光地藏): đức Địa Tạng chuyên cứu độ chúng sanh trong cõi người, tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải bắt Ấn Dữ Nguyện (與願印);
(6) Dự Thiên Hạ Địa Tạng (預天賀地藏): đức Địa Tạng chuyên cứu độ chúng sanh trên cõi trời, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải bắt Ấn Thuyết Pháp (說法印).
Tại Nhật Bản, tín ngưỡng Địa Tạng phổ biến rộng rãi từ giữa thời Bình An (平安, Heian) trở đi; người ta tôn thờ ngài hai bên đường lộ, đặc biệt trong Thiền Tông thì Lục Địa Tạng Tôn (六尊地藏) được tôn trí tại các nghĩa trang. Bên cạnh đó, còn có tín ngưỡng về Địa Tạng Giữ Con (子守地藏), Địa Tạng Nuôi Con (子育地藏), Địa Tạng Sinh Con An Toàn (子安地藏). Ngoài ra còn có Diên Mạng Địa Tạng (延命地藏), Thắng Quân Địa Tạng (勝軍地藏), v.v.
(s: Bhaiṣajyaguru, 藥師): nói rõ là Dược Sư Lưu Ly Quang (s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabha, 藥師瑠璃光), Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (藥師琉璃光王佛), Dược Sư Như Lai (藥師如來), Đại Y Vương Phật (大醫王佛), Y Vương Thiện Thệ (醫王善誓), Thập Nhị Nguyện Vương (十二願王), âm dịch là Bệ Sát Xã Lũ Lô (鞞殺社窶嚕). Theo Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (s: Bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabhāsapūryapraṇidhāna, 藥師瑠璃光如來本願功德經, Taishō No. 450), ngoài 10 hằng hà sa Phật độ có thế giới gọi là Tịnh Lưu Ly (淨瑠璃) và giáo chủ của thế giới đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thế giới này được gọi là cõi Tịnh Độ ở phương Đông, cũng trang nghiêm như cõi nước Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂). Trong thời gian hành Bồ Tát đạo, vị Phật này có phát 12 lời nguyện lớn và nhờ lời nguyện này mà hiện tại ngài thành Phật ở thế giới Tịnh Lưu Ly, có hai vị Bồ Tát Nhật Quang (s: Sūryaprabha, 日光) và Nguyệt Quang (s: Candraprabha, 月光) thường xuyên hộ trì hai bên. Thệ nguyện của đức Phật này không thể nghĩ bàn và sự linh nghiệm của Ngài cũng rất rộng lớn. Nếu có người thân mạng bệnh nặng, hiện tướng sắp chết, bà con quyến thuộc của người ấy tận tâm, chí thành cúng dường, lễ bái Phật Dược Sư, đọc tụng Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh 49 biến, thắp 49 ngọn đèn, tạo tràng phan 5 sắc màu của 49 cõi trời, thì người sắp lâm chung ấy sẽ được sống lại và kéo dài sinh mạng thêm. Cho nên, tín ngưỡng Phật Dược Sư đã thịnh hành từ xa xưa. Về hình tượng của Ngài, theo Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh Niệm Tụng Nghi Quỹ Cúng Dường Pháp (藥師琉璃光王七佛本願功德經念誦儀軌供養法, Taishō No. 926) cho biết rằng tay trái Ngài cầm dược khí (còn gọi là Vô Giá Châu [無價珠]), tay phải kết Tam Giới Ấn (三界印), mặc áo Ca Sa (s: kaṣāya, kāṣāya, p: kāsāya, kāsāva, 袈裟), ngồi kiết già trên đài hoa sen và dưới đài có 12 vị thần tướng. Các vị thần tướng này thệ nguyện hộ trì pháp môn Dược Sư, mỗi vị thống lãnh 7.000 quyến thuộc Dược Xoa (藥叉), tại các nơi hộ trì cho chúng sanh nào thọ trì danh hiệu Phật Dược Sư. Bên cạnh đó, hình tượng được lưu truyền phổ biến nhất về đức Phật này là hình có mái tóc xoăn hình trôn ốc, tay trái cầm bình thuốc, tay phải bắt Thí Vô Úy Ấn (施無畏印, hay Dữ Nguyện Ấn [與願印]); có 2 Bồ Tát Nhật Quang Biến Chiếu (日光遍照) và Nguyệt Quang Biến Chiếu (月光遍照) hầu hai bên, được gọi là Dược Sư Tam Tôn (藥師三尊). Hai vị Bồ Tát này là thượng thủ trong vô lượng chúng ở cõi Tịnh Độ của Phật Dược Sư. Ngoài ra còn có 8 Bồ Tát khác hầu cận bên Ngài như Văn Thù Sư Lợi (s: Mañjuśrī, 文殊師利), Quan Âm (s: Avalokiteśvara, 觀音), Thế Chí (s: Mahāsthāmaprāpta, 勢至), Bảo Đàn Hoa (寶壇華), Vô Tận Ý (無盡意), Dược Vương (s: Bhaiṣajyarāja, 藥王), Dược Thượng (s: Bhaiṣajyasamudgata, 藥上), Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒). Theo Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光七佛本願功德經, Taishō No. 451) do Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) nhà Đường dịch có nêu tên 7 vị Phật Dược Sư, gồm: Thiện Xưng Danh Cát Tường Vương Như Lai (善稱名吉祥王如來), Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai (寶月智嚴光音自在王如來), Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai (金色寶光妙行成就如來), Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai (無憂最勝吉祥如來), Pháp Hải Lôi Âm Như Lai (法海雷音如來), Pháp Hải Tuệ Du Hý Thần Thông Như Lai (法海慧遊戲神通如來) và Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (藥師琉璃光如來). Trong số đó, 6 vị đầu là phân thân của Dược Sư Như Lai. Đức Phật này cùng với Thích Ca Mâu Ni Như Lai (釋迦牟尼佛), A Di Đà Phật (阿彌陀佛) được gọi là Hoành Tam Thế Phật (橫三世佛), hay Tam Bảo Phật (三寶佛). Trong Phật Giáo, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật ở phương Đông và A Di Đà Phật ở phương Tây được xem như là hai đấng tối cao giải quyết vấn đề sanh và tử của chúng sanh.
(覺皇): vua giác ngộ, còn gọi là Giác Vương (覺王), xưng hiệu của Phật. Như trong bài Đại Hưng Long Tiết Công Đức Sớ (代興龍節功德疏) của Trần Sư Đạo (陳師道, 1053-1101) nhà Tống có câu: “Phục nguyện bằng Giác Hoàng chi ngoại trợ, hiệu thần tử chi nội tâm (伏願憑覺皇之外助、效臣子之內心, cúi mong nương Giác Hoàng ấy ngoài giúp, chữa chúng thần ấy trong tâm).” Hay trong Cao Phong Long Tuyền Viện Nhân Sư Tập Hiền Ngữ Lục (高峰龍泉院因師集賢語錄, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1277) quyển 3, phần Lục Hiến Tổng Văn (六獻總文), lại có đoạn: “Như Cam Lộ nhi ốc tâm, tợ Đề Hồ nhi quán đảnh, hà tất cánh tầm Di Lặc Phật, chỉ kim hạnh đổ Thích Ca Sư, cung đối Giác Hoàng, liêu ngâm Phật vận, tín sĩ kiền thành, cung thân thiết bái (如甘露而沃心、似醍醐而灌頂、何必更尋彌勒佛、只今幸睹釋迦師、恭對覺皇、聊吟佛韻、信士虔誠、躬身設拜, như Cam Lộ mà rót tâm, tựa Đề Hồ mà rưới đầu, hà tất lại tìm Di Lặc Phật, chỉ nay may gặp Thích Ca Ngài, cung đối Giác Hoàng, hứng ngâm Phật hiệu, tín đồ lòng thành, cúi thân lễ lạy).”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.211 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập