Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: Đề Hồ »»
(s: arhat, p: arahant, j: arakan, 阿羅漢): âm dịch là Ứng Cúng, Phước Điền, Sát Tặc, Vô Học, là người đã đoạn tận hết tất cả phiền não, đã hoàn thành tất cả những việc mình nên làm. Là một vị thánh giả tối cao của đệ tử Phật (Thanh Văn), vị này chứng quả A La Hán thứ 8 của tứ hướng và tứ quả (quả vị được phân loại thành 8 giai đoạn theo cảnh giới mà vị ấy đạt được). Bên cạnh đó đây còn là một trong mười danh hiệu của một đấng Như Lai. Cho nên A La Hán còn được dùng chỉ cho tự thân của đức Phật, trong trường hợp này từ ứng cúng được dùng nhiều hơn. Nguyên gốc của từ này có nghĩa là “người có tư cách”, vì vậy người này xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường về y thực, v.v., của hàng tín đồ. Cho nên được gọi là ứng cúng. Hơn nữa, nhờ có sự cúng dường của hàng tín đồ mà có công đức to lớn, người này được ví dụ như là mảnh ruộng ban phước cho tín đồ, nên được gọi là phước điền. Lại nữa, người này đã giết hết loại giặc phiền não nên cũng được gọi là sát tặc. Vị này đã đoạn sạch hết tất cả phiền não không còn gì để học nữa nên được gọi là vô học. Trong quyển I của Kinh Tạp A Hàm (雜阿含經) giải thích người đã chứng quả A La Hán là “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ tác, tự tri bất thọ hậu hữu (我生巳盡、梵行巳立、所作巳作、自知不受後有, mạng sống của ta đã hết, phạm hạnh đã thành lập, những điều nên làm đã làm, tự biết không còn thọ sanh về sau nữa),” và gọi người ấy là người đã đạt được tận trí, vô sanh trí. Sau này trong A Tỳ Đạt Ma (阿毘達磨), tùy theo trí tuệ và căn cơ của vị A La Hán, người ta phân ra làm sáu loại gồm: Thối Pháp, Tư Pháp, Hộ Pháp, An Trú Pháp, Kham Đạt Pháp và Bất Động Pháp.
(白玉): loại ngọc quý màu trắng mỡ, rất hiếm có màu xanh nhạt, hay vàng sữa. Loại có chất lượng cao nhất xuất phát từ vùng Hòa Điền (和田), Tân Cương (新疆), Nội Mông. Dưới thời nhà Minh, Thanh của Trung Quốc, khi nói đến từ Bạch Ngọc, tức ám chỉ loại ngọc trắng của vùng Hòa Điền, Tân Cương. Hiện tại, ngoài loại ngọc màu trắng chúng ta thường thấy, còn có Tân Sơn Ngọc (新山玉), Mật Ngọc (密玉), Độc Sơn Ngọc (獨山玉), Thanh Hải Bạch Ngọc (青海白玉), cũng như Bạch Ngọc của Hàn Quốc, v.v. Đây là loại ngọc rất quý hiếm, có độ bền cao; nên thường được dùng để làm đồ trang sức, điêu khắc thành tượng Phật, xâu chuỗi, khám thờ, v.v. Câu “Bạch ngọc giai tiền, hàm thọ Đề Hồ chi vị (白玉階前、咸受醍醐之味)” ở trên có nghĩa là trước thềm ngọc trắng thọ nhận trọn vẹn vị Đề Hồ (diệu pháp). Trong bài cúng linh được chư tăng ở Huế thường dùng cũng có có câu với ý nghĩa tương tự như vậy: “Bạch Ngọc giai tiền văn diệu pháp, Huỳnh Kim điện thượng lễ Như Lai (白玉階前聞妙法、黃金殿上禮如來, Ngọc Trắng trước thềm nghe diệu pháp, vàng ròng trên điện lễ Như Lai).” Hơn nữa, trong hồi thứ 29 của Tây Du Ký (西遊記) cũng có đoạn: “Các đới tùy thân binh khí, tùy kim bài nhập triều, tảo đáo Bạch Ngọc giai tiền, tả hữu lập hạ (各帶隨身兵器、隨金牌入朝、早行到白玉階前、左右立下, mỗi người đều mang theo binh khí tùy thân, đem tấm kim bài vào triều, đi nhanh đến trước thềm Ngọc Trắng, đứng yên hai bên phải trái).”
(八部): tức Tám Bộ Chúng trời rồng bảo vệ Phật pháp, còn gọi là Thiên Long Bát Bộ (天龍八部), gồm Trời (s: deva, 天), Rồng (s: nāga, 龍), Dạ Xoa (s: yakṣa, 夜叉), Càn Thác Bà (s: gandharva, 乾闥婆, Hương Thần [香神] hay Nhạc Thần [樂神]), A Tu La (s: asura, 阿修羅), Ca Lâu La (s: garuḍa, 迦樓羅, Kim Xí Điểu [金翅鳥]), Khẩn Na La (s: kiṃnara, 緊那羅, phi nhân, ca nhân), Ma Hầu La Già (s: mahoraga, 摩睺羅伽, Đại Mãng Thần [大蟒神]). Vì trong Tám Bộ Chúng này, Trời và Rồng đứng đầu, nên có tên là Thiên Long Bát Bộ. Tuy khác nhau về chủng loại, nhưng họ đều quy phục uy đức của Phật và trở thành quyến thuộc của Ngài để hộ trì Phật pháp. Từ xa xưa, tại Trung Quốc cũng như Nhật Bản đã có tạo lập tranh tượng của Tám Bộ Chúng này rồi. Trong bài thơ Tống Thâm Pháp Sư Du Nam Nhạc (送深法師游南岳) của Lưu Vũ Tích (劉禹錫, 772-842) nhà Đường có câu: “Thập phương truyền cú kệ, Bát Bộ hội đàn tràng (十方傳句偈、八部會壇塲, mười phương truyền câu kệ, Tám Bộ gặp đàn tràng).” Hay trong Bất Không Quyên Sách Thần Biến Chơn Ngôn Kinh (不空罥索神變眞言經, Taishō Vol. 20, No. 1092) quyển 7, Phẩm Hộ Ma Tăng Ích (護摩增益品) thứ 7, lại có đoạn: “Nhược hữu hữu tình như pháp tu học, thường sử Tứ Thiên Vương, nhất thiết Thiên Long Bát Bộ quỷ thần, giai đương hộ hựu (若有有情如法修學、常使四天王天、一切天龍八部鬼神、皆當護祐, nếu có hữu tình như pháp tu học, thường khiến cho Tứ Thiên Vương, hết thảy Tám Bộ Trời Rồng quỷ thần, đều sẽ giúp đỡ).”
(s: aṣṭāṅga-samanvāgatopavāsa, p: aṭṭhaṅga-samannāgata uposatha, aṭṭhaṅgika uposatha, 八關齋戒): các giới điều tạm thời xuất gia được đức Phật chế ra cho hàng Phật tử tại gia. Người thọ trì các giới điều này cần phải một ngày một đêm rời khỏi gia đình, đến trú xứ của chư tăng để học tập về nếp sống sinh hoạt của người xuất gia. Bát Quan Trai Giới còn gọi là Trưởng Dưỡng Luật Nghi (長養律儀), Cận Trú Luật Nghi (近住律儀), Bát Giới (八戒), Bát Chi Tịnh Giới (八支淨戒), Bát Chi Trai Pháp (八支齋法), Bát Chi Trai Giới (八支齋戒), Bát Phần Giới Trai (八分戒齋), Bát Giới Trai (八戒齋), Bát Trai Giới (八齋戒), Bát Cấm (八禁), Bát Sở Ưng Ly (八所應離). Bát (八) ở đây có nghĩa là hành trì 8 loại giới; Quan (關) là cánh cửa đóng chặt 8 điều ác, khiến cho Ba Nghiệp không sanh khởi những điều sai lầm; Trai (齋) ở đây đồng nghĩa với tề (齊), tức là cùng đoạn trừ những điều ác, cọng tu các điều thiện; bên cạnh đó, quá ngọ không ăn được gọi là trai. Giới (戒) có tác dụng ngăn ngừa điều sai trái và chận đứng điều ác. Nói chung, thọ trì 8 loại Trai Giới thì có thể đóng chặt 8 điều ác, không cho sanh khởi sai lầm, ngăn chận những ác nghiệp của thân miệng ý; cũng nhờ từ đây mà tạo cánh cửa mở thông con đường xuất gia và đóng chặt cánh cửa luân hồi sanh tử. Cho nên, Bát Quan Trai Giới là cánh cửa vi diệu hướng đến con đường thiện, là con đường tắt dẫn vào Phật đạo. Thọ trì Bát Quan Trai Giới có thể giúp cho hàng tín đồ Phật tử tại gia huân tập, nuôi lớn căn lành xuất thế, nên mới có tên gọi là Trưởng Dưỡng Luật Nghi. Người thọ trì Bát Quan Trai Giới bắt buộc phải một ngày một đêm xa lìa gia cư, đến sống nơi chốn già lam, gần Tam Bảo, chư vị A La Hán; vì vậy mới có tên gọi là Cận Trú Luật Nghi. Về nội dung, theo Tát Bà Đa Luận (薩婆多論), Bát Quan Trai Giới là 8 loại giới luật, hay nói cho đúng là Bát Giới Nhất Trai (八戒一齋, tám giới và một giới trai), gồm: (1) Bất sát sanh (不殺生, không giết hại sinh mạng), (2) Bất thâu đạo (不偷盜, không trộm cắp), (3) Bất dâm dật (不淫泆, không dâm đãng phóng túng), (4) Bất vọng ngữ (不妄語, không nói dối), (5) Bất ẩm tửu (不飲酒, không uống rượu), (6) Bất trước hoa man cập hương du đồ thân (不著華鬘及香油塗身, không mang tràng hoa và dùng dầu thơm xoa lên mình), (7) Bất ca vũ xướng kỷ cập vãng quan thính (不歌舞倡伎及往觀聽, không đàn ca xướng hát và đến xem nghe), (8) Bất tọa ngọa cao quảng đại sàng (不坐臥高廣大床, không ngồi nằm giường cao rộng lớn), (9) Bất phi thời thực (不非時食, không ăn phi thời). Tuy thực tế là 9 giới, nhưng thường được gọi là Bát Quan Trai Giới, trong Bát Quan Trai Pháp (八關齋法, CBETA Vol. 60, No. 1130) có giải thích lý do rõ rằng: “Phù Bát Trai Pháp, tinh quá trung bất thực, nãi hữu Cửu Pháp, hà dĩ Bát Sự đắc danh; Phật ngôn, trai pháp quá trung bất thực vi thể, bát sự trợ thành trai thể, cọng tương chi trì, danh Bát Chi Trai Pháp; thị cố ngôn Bát Trai, bất vân cửu dã (夫八齋法、并過中不食、乃有九法、何以八事得名、佛言、齋法過中不食爲體、八事助成齋體、共相支持、名八支齋法、是故言八齋、不云九也, phàm Tám Pháp Quan Trai cọng với việc không ăn quá ngọ, thành ra Chín Pháp, tại sao có tên gọi Tám Pháp; đức Phật dạy rằng pháp không ăn quá ngọ là thể, Tám Pháp giúp cho thành tựu thể ấy, cùng nâng đỡ nhau, nên gọi là Tám Chi Trai Pháp; vì vậy gọi là Tám Pháp Trai, chứ không gọi là chín).” Trong 5 giới đầu của Bát Quan Trai Giới có nội dung tương đương với Ngũ Giới, chỉ khác giới “bất tà dâm (不邪淫, không tà dâm)” đổi thành giới “bất dâm (不淫)” hay “bất dâm dật (不淫泆)”. Cho nên, khi thọ trì Bát Quan Trai Giới, hành giả không những đoạn tuyệt quan hệ hợp pháp vợ chồng, mà còn tuyệt đối nghiêm thủ không dâm dục trong một ngày một đêm; vì vậy người thọ trì pháp tu này được gọi là “Tịnh Hạnh Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di”. Đức Phật chế rằng người Phật tử tại gia nên thọ trì Bát Quan Trai Giới vào 6 ngày trai của mỗi tháng. Đại Thiên Nại Lâm Kinh (大天捺林經) của Trung A Hàm (中阿含經) quyển 14, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增一阿含經) quyển 16, v.v., cho rằng mỗi tháng vào 6 ngày trai giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (nếu nhằm tháng thiếu Âm Lịch thì có thể thay đổi vào ngày 28 và 29). Người chuyên thọ trì Bát Quan Trai Giới có được những công đức, lợi ích như: (1) Xa lìa nỗi khổ bệnh hoạn; như trong Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光如來本願功德經, Taishō No. 450) có giải thích rằng: “Nhược hữu bệnh nhân, dục thoát bệnh khổ, đương vi kỳ nhân, thất nhật thất dạ, thọ trì Bát Phần Trai Giới (若有病人、欲脫病苦、當爲其人、七日七夜、受持八分齋戒, nếu có người bệnh, muốn thoát khỏi nỗi khổ của bệnh, nên vì người ấy, trong bảy ngày bảy đêm, thọ trì Tám Phần Trai Giới)”. (2) Tiêu trừ tội chướng; phàm những ai muốn sám hối tội chướng, đều phải nên thọ trì tám pháp này; như trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh (優婆塞戒經, Taishō No. 1488) quyển 5, phẩm Bát Giới Trai (八戒齋品) thứ 21 có giải thích rằng: “Nhược năng như thị thanh tịnh quy y thọ bát giới giả, trừ Ngũ Nghịch tội, dư nhất thiết tội tất giai tiêu diệt (若能如是清淨歸依受八戒者、除五逆罪、餘一切罪悉皆消滅, nếu người nào có thể quy y thọ tám giới thanh tịnh như vậy, thì trừ được Năm Tội Nghịch, hết thảy các tội khác tất đều tiêu diệt).” Hay như trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō No. 374) quyển 19 có nêu ra câu chuyện của Quảng Ngạch (廣額): “Ba La Nại quốc hữu đồ nhi, danh viết Quảng Ngạch, ư nhật nhật trung, sát vô lượng dương, kiến Xá Lợi Phất tức thọ Bát Giới Kinh nhất nhật nhất dạ, dĩ thị nhân duyên, mạng chung đắc vi Bắc phương thiên Tỳ Sa Môn tử (波羅捺國有屠兒、名曰廣額、於日日中、殺無量羊、見舍利弗卽受八戒經一日一夜、以是因緣、命終得爲北方天王毘沙門子, tại nước Ba La Nại có người đồ tể tên Quảng Ngạch, trong mỗi ngày giết vô lượng con dê, khi gặp Xá Lợi Phất liền thọ Bát Giới Kinh một ngày một đêm, nhờ nhân duyên ấy mà sau khi qua đời thì được làm con trai của Tỳ Sa Môn ở cõi trời phương Bắc).” (3) Phước báo không cùng, như trong Ưu Ba Di Đọa Xá Ca Kinh (優陂夷墮舍迦經, Taishō No. 88) cho biết rằng: “Lục nhật trai giả, thí như hải thủy bất khả hộc lượng; kỳ hữu trai giới nhất nhật nhất dạ giả, kỳ phước bất khả kế (六日齋者、譬如海水不可斛量、其有齋戒一日一夜者、其福不可計, sáu ngày trai giới, giống như nước biển không thể nào đong đếm được; người nào có trai giới trong một ngày một đêm, phước của người đó không thể nào tính được).” (4) Xa lìa các đường ác, như Thọ Thập Thiện Giới Kinh (受十善戒經, Taishō No. 1486) cho biết rằng: “Trì thử thọ trai công đức, bất đọa Địa Ngục, bất đọa Ngạ Quỷ, bất đọa Súc Sanh, bất đọa A Tu La, thường sanh nhân trung, chánh kiến xuất gia, đắc Niết Bàn đạo (持此受齋功德、不墮地獄、不墮餓鬼、不墮畜生、不墮阿修羅、常生人中、正見出家、得涅槃道, công đức hành trì Tám Trai Giới này, không đọa vào đường Địa Ngục, không đọa vào đường Ngạ Quỷ, không đọa vào đường Súc Sanh, không đọa vào đường A Tu La, thường sanh vào cõi người, có chánh kiến xuất gia, chứng đạo Niết Bàn).” (5) Đạt được niềm vui vô thượng, như trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh quyển 5, phẩm Bát Giới Trai thứ 21 dạy rằng: “Phàm thị trai nhật, tất đoạn chư ác phạt lục chi sự; nhược năng như thị thanh tịnh thọ trì Bát Giới Trai giả, thị nhân tắc đắc vô lượng quả báo, chí vô thượng lạc (凡是齋日、悉斷諸惡罰戮之事、若能如是清淨受持八戒齋者、是人則得無量果報、至無上樂, phàm ngày trai này, tất dứt hết những việc ác hình phạt, chém giết; nếu người nào có thể thọ trì Tám Giới Trai thanh tịnh như vậy, người ấy ắt đạt được quả báo vô lượng, cho đến niềm vui vô thượng).” (6) Sanh lên các cõi trời, như trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 16, Cao Tràng Phẩm (高幢品) thứ 24 dạy rằng: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, trì Bát Quan Trai giả, thân hoại mạng chung, sanh thiện xứ thiên thượng, diệc sanh Hê Thiên, Đâu Thuật Thiên, Tha Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, chung bất hữu hư, sở dĩ nhiên giả, dĩ kỳ trì giới chi nhân sở nguyện giả đắc (若善男子、善女人、持八關齋者、身壞命終、生善處天上、亦生豔天、兜術天、化自在天、他化自在天、終不有虛、所以然者、以其持戒之人所願者得, nếu có người thiện nam, tín nữ nào hành trì Tám Giới Trai, sau khi thân hoại mạng hết, sanh vào nơi tốt lành trên trời, cũng được sanh lên cõi Ma Hê Thủ La Thiên, Đâu Suất Thiên, Tha Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, dứt khoát không hư dối, vì sao đúng như vậy; vì do sở nguyện của người trì giới mà đạt được).” Bên cạnh những điều nêu trên, còn có một số công đức khác như sanh vào đời sau được mọi người tôn quý, trợ duyên cho vãng sanh, khi lâm chung được an lạc, có tướng mạo tốt đẹp, tạo duyên lành để thành Phật đạo, v.v.
(芹曝): từ khiêm tốn, chỉ cho lễ vật dâng hiến nhỏ nhặt, ít ỏi, đạm bạc, không đầy đủ nhưng với cả tấm lòng chí thành. Từ này thường được dùng đồng nghĩa với cần hiến (芹獻), hiến bộc (獻曝). Trong bài Cư Hậu Đệ Hòa Thất Thập Tứ Ngâm Tái Phú (居厚弟和七十四吟再賦) của Lưu Khắc Trang (劉克莊, 1187-1269) nhà Tống có câu: “Phê đồ tằng cử từ thần chức, cần bộc chung hoài dã lão tâm (批塗曾舉詞臣職、芹曝終懷野老心, phê chuẩn từng cử chức quan lớn, lễ bạc còn lo lão quê lòng).” Hay như trong bài thơ Chân Châu Tiêu Nương Chế Cao Bính Tối Hữu Danh (真州蕭娘制糕餅最有名) của Triệu Dực (趙翼, 1727-1814) nhà Thanh cũng có câu: “Quỹ tiết liêu đồng hiến bộc tình, cạnh yêu chuyên bút tứ bao vinh (饋節聊同獻曝情、競邀椽筆賜褒榮, quà biếu cũng như lễ mọn tình, tranh mời bút lực tặng hiển vinh).” Trong Thiền Lâm Sớ Ngữ Khảo Chứng (禪林疏語考證, 卍 tục tạng kinh Vol. 63, No. 1252) quyển 2, phần Anh Bệnh Dũ Hoàn Nguyện (嬰病愈還愿), lại có câu: “Tư tuần báo ân chi điển, nãi cần hiến bộc chi nghi (茲循報恩之典、乃勤獻曝之儀, nay nương báo ân kinh điển, mà bày lễ bạc khoa nghi).” Lại trong Vĩnh Giác Nguyên Hiền Thiền Sư Quảng Lục (永覺元賢禪師廣錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 72, No. 1437) quyển 17, phần Phúng Kinh Hộ Quốc Sớ (諷經護國疏), cũng có đoạn: “Chuy y ký nhược, đồ hoài hiến bộc chi thành; Phật đức khả bằng, cung tuyên hộ quốc chi điển (緇衣旣弱、徒懷獻曝之誠、佛德可憑、恭宣護國之典, tăng thân đã yếu, chỉ lo lễ bạc lòng thành; đức Phật thể nương, kính tuyên hộ quốc kinh điển).”
(景德傳燈錄, Keitokudentōroku): bộ Đăng Sử tiêu biểu nhất do Vĩnh An Đạo Nguyên (永安道原) nhà Tống, tương đương đời thứ 3 của môn hạ Pháp Nhãn, biên tập thành thông qua kết hợp các bản Bảo Lâm Truyện (寳林傳), Tục Bảo Lâm Truyện (續寳林傳), Huyền Môn Thánh Trụ Tập (玄門聖冑集), Tổ Đường Tập (祖堂集), v.v., toàn bộ gồm 30 quyển. Có thuyết cho là do Củng Thần (拱辰) ở Thiết Quan Âm Viện (鐵觀音院), Hồ Châu (湖州) soạn. Nó được hoàn thành vào năm đầu (1004) niên hiệu Cảnh Đức (景德), sau khi được nhóm Dương Ức (楊億) hiệu đính thì được thâu lục vào Đại Tạng và san hành vào năm thứ 3 (1080) niên hiệu Nguyên Phong (元豐). Phần mạo đầu có lời tựa của Dương Ức và bản Tây Lai Niên Biểu (西來年表), từ quyển 1 cho đến 29 thâu lục các truyền ký cũng như cơ duyên của 52 đời, từ 7 vị Phật trong quá khứ, trải qua 28 vị tổ của Tây Thiên, 6 vị tổ của Đông Độ cho đến hàng đệ tử của Pháp Nhãn Văn Ích (法眼文益), gồm tất cả 1701 người (người đời thường căn cứ vào đây mà gọi là 1700 Công Án, nhưng trong đó thật ra có rất nhiều người chỉ có tên thôi, còn truyền ký và cơ duyên thì không có). Riêng quyển thứ 30 thì thâu lục các kệ tụng liên quan đến Thiền Tông, và phần cuối có kèm theo lời bạt. Ảnh hưởng của bộ này rất to lớn, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác lập giáo điều độc đáo của Thiền Tông. Bản được thâu lục vào trong Đại Chánh Đại Tạng Kinh (大正大藏經, Taishō) 51 là bản trùng san của niên hiệu Nguyên Hựu (元祐, 1314-1320) nhà Nguyên; trong đó có thêm lời tựa của Dương Ức, văn trạng trùng san, bảng Niên Biểu Tây Lai, lá thư của Dương Ức, lời bạt của Trịnh Ngang (鄭昂), lời tựa sau sách của Hoằng Trí Chánh Giác (宏智正覺) và Lưu Phỉ (劉棐). Tại Nhật bản, nó cũng được xem như là thư tịch căn bản nhất thể hiện lập trường của Thiền Tông. Từ cuối thời Thất Đinh (室町, Muromachi) trở đi, thỉnh thoảng nó được khai bản ấn hành, và dưới thời đại Giang Hộ (江戸, Edo) có xuất hiện bộ Diên Bảo Truyền Đăng Lục (延寳傳燈錄) của Vạn Nguyên Sư Man (卍元師蠻) cũng do ảnh hưởng hình thái ấy. Tống bản hiện tồn có bản của Phúc Châu Đông Thiền Tự (福州東禪寺) được thâu lục vào Đại Tạng Kinh (hiện tàng trữ tại Đề Hồ Tự [醍醐寺, Daigo-ji], Đông Tự [東寺, Tō-ji] của Nhật), bản sở tàng của Kim Trạch Văn Khố (金澤文庫, Kanazawa-bunko, có khuyết bản), v.v. Thêm vào đó, một số bản san hành đang được lưu hành tại Nhật là bản năm thứ 4 (1348) niên hiệu Trinh Hòa (貞和), Bản Ngũ Sơn năm thứ 3 (1358) niên hiệu Diên Văn (延文), bản năm thứ 17 (1640) niên hiệu Khoan Vĩnh (寬永), v.v.
(吉藏, Kichizō, 549-623): vị tăng sống dưới thời nhà Tùy, người vùng Kim Lăng (金陵), họ An (安), tên Thế (貰), tổ tiên ông người An Tức (安息, dân tộc Hồ), sau dời đến Kim Lăng, cho nên ông được gọi là An Cát Tạng (安吉藏), Hồ Cát Tạng (胡吉藏). Năm lên 3, 4 tuổi, ông theo cha đến yết kiến Chơn Đế (眞諦), nhân đó Chơn Đế đặt cho ông tên là Cát Tạng. Sau cha ông xuất gia, có pháp danh Đạo Lượng (道諒). Ông thường theo cha đến Hưng Hoàng Tự (興皇寺) nghe Pháp Lãng (法朗) giảng thuyết về Tam Luận (三論), và năm lên 7 tuổi (có thuyết cho là 13 tuổi) ông theo vị này xuống tóc xuất gia. Pháp Lãng là người truyền thừa giáo học Tam Luận của hệ thống Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什), cho nên ông thường học tập Trung Luận (中論), Bách Luận (百論) và Thập Nhị Môn Luận (十二門論). Năm 19 tuổi, lần đầu tiên ông đăng đàn thuyết pháp, rồi năm 21 tuổi thọ Cụ Túc giới, danh tiếng ngày càng cao. Vào năm đầu (581) niên hiệu Khai Hoàng (開皇) nhà Tùy, lúc ông 32 tuổi, Pháp Lãng qua đời, ông bèn vân du về phía Đông đến Gia Tường Tự (嘉祥寺) thuộc vùng Cối Kê (會稽), Triết Giang (浙江), lưu lại nơi đây chuyên tâm thuyết giảng và trước tác, người đến học đạo lên đến hơn ngàn người. Bên cạnh đó, ông còn viết chú sớ cho các thư tịch Tam Luận, phần nhiều đều được hoàn thành ở chùa này, cho nên hậu thế gọi ông là Gia Tường Đại Sư (嘉祥大師). Ngoài việc hình thành hệ thống Tam Luận Tông, ông còn tinh thông cả các kinh Đại Thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, v.v. Vào tháng 8 năm thứ 17 niên hiệu Khai Hoàng (開皇), ông gởi thư mời Thiên Thai Trí Khải Đại Sư (天台智顗大師) đến tuyên giảng giáo nghĩa Pháp Hoa. Vào năm thứ 2 (606, có thuyết cho là năm thứ 2 [602] niên hiệu Nhân Thọ [仁壽], hay năm cuối [616] niên hiệu Đại Nghiệp [大業]) niên hiệu Đại Nghiệp (大業), vua Dương Đế (煬帝) hạ chiếu mở 4 đạo tràng, ông phụng sắc chỉ đến trú tại Huệ Nhật Đạo Tràng (慧日道塲) ở Dương Châu (揚州) vùng Giang Tô (江蘇). Chính bộ Tam Luận Huyền Nghĩa (三論玄義) tương truyền do ông trước tác được hoàn thành trong khoảng thời gian này. Sau đó, ông chuyển đến Nhật Nghiêm Tự (日嚴寺) ở Trường An (長安), hoằng đạo vùng Trung Nguyên. Ngoài ra, ông còn đi khắp các nơi diễn giảng kinh để hoằng dương Tam Luận Tông, cho nên ông được xem như là vị tổ tái hưng của tông phái này. Ông đã từng biện luận với Tăng Sán (僧粲), vị luận sư nổi tiếng đương thời, ứng đáp trôi chảy, cả hai bên trãi qua hơn 40 lần đối đáp như vậy, cuối cùng ông thắng cuộc. Từ năm đầu (605) niên hiệu Đại Nghiệp (大業) cho đến cuối đời nhà Tùy (617), ông sao chép 2.000 bộ Kinh Pháp Hoa, tạo 25 tôn tượng, chí thành lễ sám. Vào năm đầu (618) niên hiệu Võ Đức (武德) nhà Đường, tại Trường An vua Cao Tổ tuyển chọn ra 10 vị cao tăng đức độ để thống lãnh tăng chúng, ông được chọn vào trong số đó. Thêm vào đó, đáp ứng lời thỉnh cầu của 2 chùa Ứng Thật (應實) và Định Thủy (定水), ông đến làm trú trì, nhưng sau dời về Diên Hưng Tự (延興寺). Đến tháng 5 năm thứ 6 niên hiệu Võ Đức (武德), trước khi mạng chung, ông tắm rửa sạch sẽ, đốt hương niệm Phật, viết cuốn Tử Bất Bố Luận (死不怖論, Luận Không Sợ Chết) xong mới an nhiên thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi. Bình sanh ông giảng thuyết Tam Luận (三論) hơn 100 lần, Pháp Hoa Kinh (法華經) hơn 300 lần, Đại Phẩm Kinh (大品經), Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經), Duy Ma Kinh (維摩經), Đại Trí Độ Luận (大智度論), v.v., mỗi loại khoảng 10 lần. Môn hạ của ông có những nhân vật kiệt xuất như Huệ Lãng (慧朗), Huệ Quán (慧灌), Trí Khải (智凱), v.v. Trước tác của ông cũng rất phong phú như Trung Quán Luận Sớ (中觀論疏), Thập Nhị Môn Luận Sớ (十二門論疏), Bách Luận Sớ (百論疏), Tam Luận Huyền Nghĩa (三論玄義), Đại Thừa Huyền Luận (大乘玄義), Pháp Hoa Huyền Luận (法華玄論), Pháp Hoa Nghĩa Sớ (法華義疏), v.v. Ngoài ra, ông còn có một số sách chú thích cũng như lược luận của các kinh điển Đại Thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, Thắng Man, Đại Phẩm, Kim Quang Minh, Duy Ma, Nhân Vương, Vô Lượng Thọ, v.v.
(s: Cūḍapanthaka, Cullapatka, Kṣullapanthaka, Śuddhipaṃthaka, p: Cullapanthaka, Cūḷapanthaka, 周利槃陀伽): vị La Hán thứ 16 trong Thập Bát La Hán (十八羅漢). Âm dịch là Châu Trĩ Ban Tha Già (周稚般他伽), Côn Nỗ Bát Đà Na (崑努鉢陀那), Chú Lợi Ban Đà Già (咒利般陀伽), Châu Lợi Bàn Đặc (朱利槃特), Chú Đồ Bán Thác Ca (注荼半托迦); gọi tắt là Bàn Đà (般陀), Bán Thác Già (半託伽); ý dịch là Tiểu Lộ (小路), Lộ Biên Sanh (路邊生). Khi đức Phật còn tại thế, ông là con của một vị Bà La Môn tại Thành Vương Xá (s: Rājagṛha, p: Rājagaha, 王舍城), sau cùng với anh là Ma Ha Bàn Đặc (s: Mahāpanthaka, 摩訶槃特) đều xuất gia làm đệ tử Phật. Bẩm tánh của ông chậm lụt, ngu độn; khi học giáo lý, tụng kinh qua, ông đều quên mất, chẳng nhớ một câu một từ nào, thậm chí đến tên của ông cũng quên mất, không nhớ; cho nên người đương thời gọi ông là Ngu Lộ (愚路). Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có kể câu chuyện anh ông thấy vậy bảo rằng nếu ngu si không thuộc chữ nào thì nên trở về thế tục, không nên ở trong chùa và đuổi ông ra khỏi chùa. Ông ra trước cổng chùa đau xót, khóc lóc thảm thiết. Đức Phật dùng tuệ nhãn thanh tịnh thấy được tình cảnh này, bèn từ tĩnh thất đến Kỳ Hoàn Tinh Xá (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍), gặp Châu Lợi Bàn Đặc, khuyên nhũ ông nên dùng chổi để quét sạch những vô minh, ngu muội, nghiệp chướng trong người mình. Ngài chỉ dạy cho một câu “phất trần trừ cấu (拂塵除垢, quét bụi trừ nhớp)” và khuyên ông nên ngày đêm vừa lau chùi dép của chư tăng, vừa tụng niệm, quán sát, tư duy và thực hành. Ông chậm lụt đến nỗi khi đọc câu trên thì quên quét, đọc chữ trước quên chữ sau, hay quét thì quên đọc câu kệ ấy. Có một hôm nọ, khi đang tụng câu đó, ông hốt nhiên đại ngộ, chứng quả A La Hán. Sau khi chứng ngộ, thần thông của ông rất kỳ diệu, có thể hiện các hình tượng khác nhau, thường dùng thần thông thị hiện thuyết pháp cho nhóm Lục Quần Tỳ Kheo (六郡比丘). Tương truyền vào cuối đời, ông cùng với 1.600 vị Tỳ Kheo khác đến trú tại Trì Tụ Sơn (持軸山) để hộ trì chánh pháp và làm lợi ích chúng sanh. Quán Hưu (貫休, 832-912) nhà Đường có vẽ hình tượng của ông ngồi dưới gốc cây khô, đưa tay trái ra.
(眞言宗, Shingon-shū): tông phái của Nhật Bản, do Không Hải Đại Sư (空海大師, Kūkai Daishi) sáng lập nên với tư cách là vị khai tổ. Đối tượng lễ bái của tông này là Đại Nhật Như Lai (s: Vairocana, 大日如來), do vì pháp thân của đức Đại Nhật Như Lai biến mãn khắp hết thảy pháp giới, nên vớiý nghĩa đó thì đối tượng lễ bái của tông này trở thành hết thảy tồn tại. Chơn Ngôn Tông hay còn gọi là Chơn Ngôn Mật Giáo, là đối với Hiển Giáo, tức đối ứng với vị giáo chủ của Hiển Giáo là Ứng Hóa Thân (應化身), và thay vào đó giáo chủ của Mật Giáo là Pháp Thân (法身), vì thế giáo thuyết của tông này là tự nội chứng của Pháp Thân để đối xứng với giáo thuyết của Hiển Giáo là tùy cơ. Đối ứng với Hiển Giáo cho rằng thời gian thành Phật là rất lâu dài, Mật Giáo chủ trương rằng trong hiện đời này có thể thành Phật. Đây chính là Tức Thân Thành Phật. Phương pháp đó là quán niệm chư tôn Mạn Đà La, xướng tụng chơn ngôn của chư tôn bằng miệng, và tay thì kết ấn của chư tôn. Đây được gọi là Tam Mật Du Già Hành (三密瑜伽行). Đối với Mật Tông thì vị giáo chủ là Đại Nhật Như Lai, rồi kế đến là Long Mãnh (龍猛, tức Long Thọ), Long Trí (龍智), Kim Cang Trí (金剛智), Bất Không (不 空), Huệ Quả (惠果), và Không Hải (空海). Theo tổng kết của Bộ Văn Hóa (bản năm 1997), hiện tại trên toàn quốc Chơn Ngôn Tông có rất nhiều chùa và nhiều phân phái khác nhau như sau: (1) Cao Dã Sơn Chơn Ngôn Tông (高野山眞言宗) có 3615 ngôi, (2) Chơn Ngôn Tông Đề Hồ Phái (眞言宗醍醐派) có 1094 ngôi, (3) Chơn Ngôn Tông Đông Tự Phái (眞言宗東寺派) có 85 ngôi, (4) Chơn Ngôn Tông Tuyền Dũng Tự Phái (眞言宗泉涌寺派) có 63 ngôi, (5) Chơn Ngôn Tông Sơn Giai Phái (眞言宗山階派) có 134 ngôi, (6) Chơn Ngôn Tông Ngự Thất Phái (眞言宗御室派) có 798 ngôi, (7) Chơn Ngôn Tông Đại Giác Tự Phái (眞言宗大覺寺派) có 353 ngôi, (8) Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái (眞言宗善通寺派) có 262 ngôi, (9) Chơn Ngôn Tông Trí Sơn Phái (眞言宗智山派) có 2893 ngôi, (10) Chơn Ngôn Tông Phong Sơn Phái (眞言宗豐山派) có 2656 ngôi, (11) Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗) có 208 ngôi, (12) Chơn Ngôn Tông Thất Sanh Tự Phái (眞言宗室生寺派) có 54 ngôi, (13) Tín Quý Sơn Chơn Ngôn Tông (信貴山眞言宗) có 191 ngôi. Một số ngôi chùa trung tâm nổi tiếng của tông phái này là Kim Cang Phong Tự (金剛峯寺, Kongōbu-ji, Wakayama-ken) Tổng Bản Sơn của Cao Dã Sơn Chơn Ngôn Tông (高野山眞言宗); Đông Tự (東寺, Tō-ji, tức Giáo Vương Hộ Quốc Tự [敎王護國寺], Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Đông Tự Chơn Ngôn Tông (東寺眞言宗); Thiện Thông Tự (善通寺, Zentsū-ji, Kagawa-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái (眞言宗善通寺派); Tùy Tâm Viện (隨心院, Zuishin-in, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Thiện Thông Tự Phái; Đề Hồ Tự (醍醐寺, Daigo-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Đề Hồ Phái (眞言宗醍醐派); Nhân Hòa Tự (仁和寺, Ninna-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Ngự Thất Phái (真言宗御室派); Đại Giác Tự (大覺寺, Daikaku-ji, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Đại Giác Tự Phái (眞言宗大覺寺派); Tuyền Dũng Tự (泉涌寺, Sennyū-ji, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Tuyền Dũng Tự Phái (眞言宗泉涌寺派); Khuyến Tu Tự (勸修寺, Kanjū-ji, Kyōto-shi), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Sơn Giai Phái (眞言宗山階派); Triều Hộ Tôn Tử Tự (朝護孫子寺, Chōgosonshi-ji, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Tín Quý Sơn Chơn Ngôn Tông (信貴山眞言宗); Trung Sơn Tự (中山寺, Nakayama-dera, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Trung Sơn Tự Phái (眞言宗中山寺派); Thanh Trừng Tự (清澄寺, Seichō-ji, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tam Bảo Tông (眞言三寶宗); Tu Ma Tự (須磨寺, Suma-dera, Hyōgo-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Tu Ma Tự Phái (眞言宗須磨寺派); Trí Tích Viện (智積院, Chishaku-in, Kyōto-shi), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Trí Sơn Phái (眞言宗智山派); Trường Cốc Tự (長谷寺, Hase-dera, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Tông Phong Sơn Phái (眞言宗豐山派); Căn Lai Tự (根來寺, Negoro-ji, Wakayama-ken), Tổng Bản Sơn của Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông (新義眞言宗); Tây Đại Tự (西大寺, Saidai-ji, Nara-ken), Tổng Bản Sơn của Chơn Ngôn Luật Tông (眞言律宗); Bảo Sơn Tự (寶山寺, Hōzan-ji, Nara-ken), Đại Bản Sơn của Chơn Ngôn Luật Tông, v.v.
(孤峰覺明, Kohō Kakumyō, 1271-1361): vị tăng của Phái Pháp Đăng thuộc Lâm Tế Tông Nhật Bản, hiệu là Cô Phong (孤峰), xuất thân Hội Tân (會津, Aizu, thuộc Fukushima-ken [福島縣]), họ Bình (平), sinh năm thứ 8 niên hiệu Văn Vĩnh (文永). Năm lên 7 tuổi, ông đã để tang mẹ, đến năm 17 tuổi ông theo xuất gia với giảng sư Lương Phạm (良範), thọ giới trên Duệ Sơn (叡山), học giáo lý Thiên Thai được 8 năm, sau đó theo hầu Pháp Đăng Quốc Sư Vô Bổn Giác Tâm (法燈國師無本覺心) ở Hưng Quốc Tự (興國寺) được 3 năm. Tiếp theo, ông đến tham học với Liễu Nhiên Pháp Minh (了然法明) ở Xuất Vũ (出羽, Dewa) và thỉnh giáo nơi Cao Phong Hiển Nhật (高峰顯日), Nam Phố Thiệu Minh (南浦紹明), v.v. Đến năm đầu (1311) niên hiệu Ứng Trường (應長), ông sang nhà Nguyên, đến tham yết Trung Phong Minh Bổn (中峰明本) ở Thiên Mục Sơn (天目山). Ngoài ra ông còn tham học với các danh tăng khác như Nguyên Ông Tín (元應信), Cổ Lâm Thanh Mậu (古林清茂), Đoạn Nhai Liễu Nghĩa (斷崖了義), Vân Ngoại Vân Tụ (雲外雲岫), Vô Kiến Tiên Đỗ (無見先覩), v.v. Sau khi trở về nước, ông lại đến tham vấn Oánh Sơn Thiệu Cẩn (瑩山紹瑾) ở Vĩnh Quang Tự (永光寺) vùng Năng Đăng (能登, Noto), thọ bồ tát giới và khai sáng Vân Thọ Tự (雲樹寺) tại vùng Xuất Vân (出雲, Izumo). Vào đầu niên hiệu Nguyên Hoằng (元弘), Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng (後醍醐天皇) mời ông đến truyền giới và ban cho hiệu là Quốc Tế Quốc Sư (國濟國師). Đến năm thứ 2 (1346) niên hiệu Trinh Hòa (貞和), ông tiến hành tái kiến Hưng Quốc Tự, rồi đến sống ở Diệu Quang Tự (妙光寺), được Hậu Thôn Thượng Thiên Hoàng (後村上天皇) ban tặng cho hiệu là Tam Quang Quốc Sư (三光國師) và thể theo sắc chỉ của nhà vua ông làm tổ khai sơn Cao Thạch Đại Hùng Tự (高石大雄寺) ở vùng Hòa Tuyền (和泉, Izumi). Chính trong khoảng thời gian này, ông đã dâng sớ thỉnh cầu triều đình ban cho thầy ông là Oánh Sơn Thiệu Cẩn tước hiệu Thiền Sư. Vào ngày 24 tháng 5 năm thứ 16 (1361) niên hiệu Chánh Bình (正平, tức năm đầu niên hiệu Khang An [康安]), ông thị tịch, hưởng thọ 91 tuổi đời và 75 hạ lạp.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập