Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Từ điển Phật học Tinh tuyển »» Đang xem mục từ: A La Hán »»
(s, p: Ānanda, 阿難): từ gọi tắt của âm dịch A Nan Đà (阿難陀), ý dịch là Khánh Hỷ (慶喜), Vô Nhiễm (無染), con trai của vương tộc Sĩ Cam Lộ Phạn (s: Amṛtodana, 士甘露飯, còn gọi là Bạch Phạn Vương [白飯王]) thuộc dòng họ Thích Ca (s: Śākya, p: Sakya, 釋迦), anh em với Đề Bà Đạt Đa (s, p: Devadatta, 提婆達多), anh em chú bác với đức Phật, là thị giả hầu cận Ngài trong một thời gian lâu dài. Ngày đức Thế Tôn thành đạo là ngày A Nan ra đời; Ngài giảng kinh xong 20 năm thì khi ấy A Nan mới xuất gia. Sau khi thành đạo, lần đầu tiên đức Thế Tôn trở về thành Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦毘羅衛), khi Ngài trú tại Vườn Xoài (s: Āmrapāli-vana, p: Ambapāli-vana, 菴婆波梨園, tức Am Bà Ba Lợi Viên), Tôn giả A Nan đã cùng với các vương tử thuộc dòng họ Thích Ca và người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優波離) xin xuất gia theo Phật. Từ đó trở đi, Tôn giả thường hầu hạ bên đức Thích Tôn, phần nhiều nghe được những lời dạy của Ngài, nên được xưng tụng là Đa Văn Đệ Nhất (多聞第一, nghe nhiều số một). Có thuyết cho rằng Tôn giả đã tu đắc pháp gọi là Tánh Giác Tự Tại Tam Muội (性覺自在三昧), có thể ở trong định thấu hiểu các pháp; cho nên khi kết tập Pháp Tạng thì A Nan được suy cử. Khi dưỡng mẫu của Phật là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī Gautamī, s: Mahāpajāpatī Gotamī, 摩訶波闍波提) cầu xin xuất gia nhưng không được phép, chính Tôn giả đã đích thân xin Phật và sau khi được phép thì Tôn giả là người đã tận lực sáng lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni đầu tiên. Vào tháng thứ 2 sau khi Phật diệt độ, khi cuộc kết tập lần đầu tiên được tiến hành tại Hang Thất Diệp (s: Sapta-parṇa-guhā, 七葉窟) ngoài Thành Vương Xá (s: Rājagṛha, p: Rājagaha, 王舍城), Tôn giả đã cùng tham dự với 499 vị đệ tử của đức Phật chứng quả A La Hán. Khi đức Phật diệt độ, tương lai của giáo đoàn được phó thác lại cho Ma Ha Ca Diếp (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉), cho nên A Nan được Ca Diếp truyền trao giáo pháp cho và trở thành vị tổ thứ 2 của Thiền Tông Tây Thiên. Theo các tài liệu như Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh (救拔焰口餓鬼陀羅尼經, Taishō 1313), Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni Thần Chú Kinh (救面燃餓鬼陀羅尼神呪經, Taishō 1314), Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh (瑜伽集要救阿難陀羅尼焰口儀軌經, Taishō 1318), Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Khởi Giáo A Nan Đà Duyên Do (瑜伽集要焰口施食起敎阿難陀緣由, Taishō 1319), có dẫn về nguồn gốc cúng thí thực Ngạ Quỷ, âm linh cô hồn. Câu chuyện kể rằng có một đêm nọ trong khi đang hành Thiền định quán chiếu những lời dạy của Đức Phật, vào canh ba tôn giả A Nan chợt nhìn thấy một con quỷ đói thật hung tợn tên là Diệm Khẩu (s: Ulkā-mukha, 焰口) có thân hình gầy ốm, miệng rực cháy lửa và cổ họng của nó nhỏ như cây kim. Con quỷ ấy đến trước mặt tôn giả thưa rằng ba ngày sau mạng của tôn giả sẽ hết và sanh vào thế giới ngạ quỷ (ma đói). Nghe vậy, tôn giả A Nan vô cùng ngạc nhiên và lấy làm sợ hãi, bèn hỏi con quỷ kia xem có cách nào thoát khỏi tai họa ấy không. Con quỷ trả lởi rằng: “Vào sáng ngày mai nếu tôn giả có thể cúng dường thức ăn và nước uống cho trăm ngàn ức chúng ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng, cho vô số đạo sĩ Bà La Môn, cho chư thiên và các vị thần cai quản việc làm của con người, cho quá cố các vong linh, dùng cái hộc của nước Ma Kiệt Đà (s, p: Magadha, 摩掲陀) để cúng dường cho họ 49 hộc thức ăn và nước uống, và vì họ mà cúng dường cho Tam Bảo, như vậy tôn giả sẽ được tăng thêm tuổi thọ, cùng lúc đó sẽ làm cho chúng tôi thoát khỏi cảnh khổ đau của Ngạ Quỷ và sanh lên cõi trời.” Trên cơ sở của nguồn gốc này, nghi lễ Cúng Thí Thực cho âm linh cô hồn Ngạ Quỷ ra đời cho đến ngày nay.
(s: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula, p: Bakkula, Bākula, 薄拘羅): còn gọi là Bạc Cự La (薄炬羅), Bạc Câu La (薄俱羅), Ba Cưu Lãi (波鳩蠡), Bà Câu La (婆拘羅), Ba Câu Lô (波拘盧), Phược Củ La (縛矩羅), v.v. Hán dịch là Thiện Dung (善容), Vĩ Hình (偉形), Trùng Tánh (重姓). Pháp Hoa Văn Cú (法華文句, tức Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú [妙法蓮華經文句, Taishō No. 1718]) quyển 2 cho biết rằng: “Bạc Câu La giả, thử phiên Thiện Dung, hoặc Vĩ Hình, hoặc Đại Phì Thịnh, hoặc Lăng Đặng, hoặc Mại Tánh; nhiên nhi sắc mạo đoan chánh cố ngôn Thiện Dung dã; niên nhất bách lục thập tuế vô bệnh vô yểu, hữu ngũ bất tử báo (薄拘羅者、此翻善容、或偉形、或大肥盛、或楞鄧、或賣性、然而色貌端正故言善容也、年一百六十歲無病無夭、有五不死報, Bạc Câu La, Tàu dịch là Thiện Dung, hoặc Vĩ Hình, hoặc Đại Phì Thịnh, hoặc Lăng Đặng, hoặc Mại Tánh; tuy nhiên vì có sắc mạo đoan chánh nên gọi là Thiện Dung; sống đến 160 tuổi, không bệnh, không chết yểu, nhờ quả báo của 5 điều bất tử).” Huyền Ứng Âm Nghĩa (玄應音義) quyển 22 lại giải thích rằng: “Bạc Câu La, Trung Quốc dịch là Thiện Dung, do trì giới không sát sanh mà được 5 điều bất tử.” Kinh Bạc Câu La (薄拘羅經) của Trung A Hàm Kinh (中阿含經, Taishō No. 26) quyển 8 cho hay rằng: “Ngã ư thử chánh pháp, Luật trung học đạo dĩ lai bát thập niên, vị tằng hữu bệnh, nãi chí đàn chỉ đầu thống giả, vị tằng ức phục dược, nãi chí nhất phiến Ha Lê Lặc (我於此正法、律中學道已來八十年、未曾有病、乃至彈指頃頭痛者、未曾憶服藥、乃至一片訶梨勒, ta ở trong chánh pháp, Luật, học đạo đến nay đã 80 năm, mà chưa từng có bệnh, cho dù là đau đầu trong khoảng thời gian một cái khảy móng tay; chưa từng uống thuốc dù là một miếng Ha Lê Lặc).” Vì trong thời quá khứ của Tỳ Bà Thi Phật (s: Vipaśyin-buddha, p: Vipassin-buddha, 毘婆尸佛), Tôn Giả đã từng lấy thuốc Ha Lê Lặc dâng cúng cho một vị tăng chứng quả Bích Chi Phật. Từ đó đến nay, trãi qua 91 kiếp, ông đều được phước báo không bệnh tật, và không chết yểu. Hơn nữa, nhân hành trì giới không sát sanh, ông được quả báo 5 điều bất tử (không bị lửa thiêu đốt cháy chết, nước sôi không làm cho phỏng chín thân, không bị chết chìm trong nước, không bị cá cắn, không bị đao chém thây). Tương truyền lúc nhỏ, bà kế mẫu đã từng rắp tâm sát hại ông 5 lần mà không thành (tức 5 điều bất tử), do vì đời trước ông đã từng tinh tấn hành trì giới không sát sanh. Sau khi lớn lên xuất gia, chỉ trong 3 ngày, ông chứng quả A La Hán. Ông không bị quả báo khổ đau vì bệnh tật, thọ 160 tuổi, được xưng tụng là Trường Thọ Đệ Nhất. Theo A Dục Vương Kinh (阿育王經), A Dục Vương (s: Aśoka, p: Asoka, 阿育王) là người thâm tín Phật pháp, thi hành nhân chính, thống nhất thiên hạ, kiến lập vương triều Khổng Tước (孔雀). Có hôm nọ, nhà vua cùng với Tôn Giả Ưu Ba Cấp Đa (s: Upagupta, 優波笈多) tham bái các ngôi tháp, tiến hành bố thí cúng dường. Khi đến bên tháp của Bạc Câu La, Tôn Giả Ưu Ba Cấp Đa thưa nhà vua rằng đây là tháp của Bạc Câu La, nhà vua nên cúng dường. A Dục Vương bèn hỏi rằng vị Tôn Giả này có công đức thù thắng nào mà đáng cúng dường như vậy ? Ưu Ba Cấp Đa trả lời rằng vị Tôn Giả này là người không có bệnh tật số một trong các đệ tử của Phật, yên lặng tu hành, thiểu dục tri túc. Nghe vậy, nhà vua lấy một đồng tiền cúng dường nơi tháp. Tuy nhiên, đồng tiền kia lại bay đi, trở lại bên chân của A Dục Vương. Khi ấy, nhà vua bảo rằng: “Vị A La Hán này có năng lực công đức thiểu dục, cho đến khi chứng quả Niết Bàn mà vẫn không thọ nhận một đồng tiền.”
(s: aṣṭāṅga-samanvāgatopavāsa, p: aṭṭhaṅga-samannāgata uposatha, aṭṭhaṅgika uposatha, 八關齋戒): các giới điều tạm thời xuất gia được đức Phật chế ra cho hàng Phật tử tại gia. Người thọ trì các giới điều này cần phải một ngày một đêm rời khỏi gia đình, đến trú xứ của chư tăng để học tập về nếp sống sinh hoạt của người xuất gia. Bát Quan Trai Giới còn gọi là Trưởng Dưỡng Luật Nghi (長養律儀), Cận Trú Luật Nghi (近住律儀), Bát Giới (八戒), Bát Chi Tịnh Giới (八支淨戒), Bát Chi Trai Pháp (八支齋法), Bát Chi Trai Giới (八支齋戒), Bát Phần Giới Trai (八分戒齋), Bát Giới Trai (八戒齋), Bát Trai Giới (八齋戒), Bát Cấm (八禁), Bát Sở Ưng Ly (八所應離). Bát (八) ở đây có nghĩa là hành trì 8 loại giới; Quan (關) là cánh cửa đóng chặt 8 điều ác, khiến cho Ba Nghiệp không sanh khởi những điều sai lầm; Trai (齋) ở đây đồng nghĩa với tề (齊), tức là cùng đoạn trừ những điều ác, cọng tu các điều thiện; bên cạnh đó, quá ngọ không ăn được gọi là trai. Giới (戒) có tác dụng ngăn ngừa điều sai trái và chận đứng điều ác. Nói chung, thọ trì 8 loại Trai Giới thì có thể đóng chặt 8 điều ác, không cho sanh khởi sai lầm, ngăn chận những ác nghiệp của thân miệng ý; cũng nhờ từ đây mà tạo cánh cửa mở thông con đường xuất gia và đóng chặt cánh cửa luân hồi sanh tử. Cho nên, Bát Quan Trai Giới là cánh cửa vi diệu hướng đến con đường thiện, là con đường tắt dẫn vào Phật đạo. Thọ trì Bát Quan Trai Giới có thể giúp cho hàng tín đồ Phật tử tại gia huân tập, nuôi lớn căn lành xuất thế, nên mới có tên gọi là Trưởng Dưỡng Luật Nghi. Người thọ trì Bát Quan Trai Giới bắt buộc phải một ngày một đêm xa lìa gia cư, đến sống nơi chốn già lam, gần Tam Bảo, chư vị A La Hán; vì vậy mới có tên gọi là Cận Trú Luật Nghi. Về nội dung, theo Tát Bà Đa Luận (薩婆多論), Bát Quan Trai Giới là 8 loại giới luật, hay nói cho đúng là Bát Giới Nhất Trai (八戒一齋, tám giới và một giới trai), gồm: (1) Bất sát sanh (不殺生, không giết hại sinh mạng), (2) Bất thâu đạo (不偷盜, không trộm cắp), (3) Bất dâm dật (不淫泆, không dâm đãng phóng túng), (4) Bất vọng ngữ (不妄語, không nói dối), (5) Bất ẩm tửu (不飲酒, không uống rượu), (6) Bất trước hoa man cập hương du đồ thân (不著華鬘及香油塗身, không mang tràng hoa và dùng dầu thơm xoa lên mình), (7) Bất ca vũ xướng kỷ cập vãng quan thính (不歌舞倡伎及往觀聽, không đàn ca xướng hát và đến xem nghe), (8) Bất tọa ngọa cao quảng đại sàng (不坐臥高廣大床, không ngồi nằm giường cao rộng lớn), (9) Bất phi thời thực (不非時食, không ăn phi thời). Tuy thực tế là 9 giới, nhưng thường được gọi là Bát Quan Trai Giới, trong Bát Quan Trai Pháp (八關齋法, CBETA Vol. 60, No. 1130) có giải thích lý do rõ rằng: “Phù Bát Trai Pháp, tinh quá trung bất thực, nãi hữu Cửu Pháp, hà dĩ Bát Sự đắc danh; Phật ngôn, trai pháp quá trung bất thực vi thể, bát sự trợ thành trai thể, cọng tương chi trì, danh Bát Chi Trai Pháp; thị cố ngôn Bát Trai, bất vân cửu dã (夫八齋法、并過中不食、乃有九法、何以八事得名、佛言、齋法過中不食爲體、八事助成齋體、共相支持、名八支齋法、是故言八齋、不云九也, phàm Tám Pháp Quan Trai cọng với việc không ăn quá ngọ, thành ra Chín Pháp, tại sao có tên gọi Tám Pháp; đức Phật dạy rằng pháp không ăn quá ngọ là thể, Tám Pháp giúp cho thành tựu thể ấy, cùng nâng đỡ nhau, nên gọi là Tám Chi Trai Pháp; vì vậy gọi là Tám Pháp Trai, chứ không gọi là chín).” Trong 5 giới đầu của Bát Quan Trai Giới có nội dung tương đương với Ngũ Giới, chỉ khác giới “bất tà dâm (不邪淫, không tà dâm)” đổi thành giới “bất dâm (不淫)” hay “bất dâm dật (不淫泆)”. Cho nên, khi thọ trì Bát Quan Trai Giới, hành giả không những đoạn tuyệt quan hệ hợp pháp vợ chồng, mà còn tuyệt đối nghiêm thủ không dâm dục trong một ngày một đêm; vì vậy người thọ trì pháp tu này được gọi là “Tịnh Hạnh Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di”. Đức Phật chế rằng người Phật tử tại gia nên thọ trì Bát Quan Trai Giới vào 6 ngày trai của mỗi tháng. Đại Thiên Nại Lâm Kinh (大天捺林經) của Trung A Hàm (中阿含經) quyển 14, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增一阿含經) quyển 16, v.v., cho rằng mỗi tháng vào 6 ngày trai giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (nếu nhằm tháng thiếu Âm Lịch thì có thể thay đổi vào ngày 28 và 29). Người chuyên thọ trì Bát Quan Trai Giới có được những công đức, lợi ích như: (1) Xa lìa nỗi khổ bệnh hoạn; như trong Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh (藥師琉璃光如來本願功德經, Taishō No. 450) có giải thích rằng: “Nhược hữu bệnh nhân, dục thoát bệnh khổ, đương vi kỳ nhân, thất nhật thất dạ, thọ trì Bát Phần Trai Giới (若有病人、欲脫病苦、當爲其人、七日七夜、受持八分齋戒, nếu có người bệnh, muốn thoát khỏi nỗi khổ của bệnh, nên vì người ấy, trong bảy ngày bảy đêm, thọ trì Tám Phần Trai Giới)”. (2) Tiêu trừ tội chướng; phàm những ai muốn sám hối tội chướng, đều phải nên thọ trì tám pháp này; như trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh (優婆塞戒經, Taishō No. 1488) quyển 5, phẩm Bát Giới Trai (八戒齋品) thứ 21 có giải thích rằng: “Nhược năng như thị thanh tịnh quy y thọ bát giới giả, trừ Ngũ Nghịch tội, dư nhất thiết tội tất giai tiêu diệt (若能如是清淨歸依受八戒者、除五逆罪、餘一切罪悉皆消滅, nếu người nào có thể quy y thọ tám giới thanh tịnh như vậy, thì trừ được Năm Tội Nghịch, hết thảy các tội khác tất đều tiêu diệt).” Hay như trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (大般涅槃經, Taishō No. 374) quyển 19 có nêu ra câu chuyện của Quảng Ngạch (廣額): “Ba La Nại quốc hữu đồ nhi, danh viết Quảng Ngạch, ư nhật nhật trung, sát vô lượng dương, kiến Xá Lợi Phất tức thọ Bát Giới Kinh nhất nhật nhất dạ, dĩ thị nhân duyên, mạng chung đắc vi Bắc phương thiên Tỳ Sa Môn tử (波羅捺國有屠兒、名曰廣額、於日日中、殺無量羊、見舍利弗卽受八戒經一日一夜、以是因緣、命終得爲北方天王毘沙門子, tại nước Ba La Nại có người đồ tể tên Quảng Ngạch, trong mỗi ngày giết vô lượng con dê, khi gặp Xá Lợi Phất liền thọ Bát Giới Kinh một ngày một đêm, nhờ nhân duyên ấy mà sau khi qua đời thì được làm con trai của Tỳ Sa Môn ở cõi trời phương Bắc).” (3) Phước báo không cùng, như trong Ưu Ba Di Đọa Xá Ca Kinh (優陂夷墮舍迦經, Taishō No. 88) cho biết rằng: “Lục nhật trai giả, thí như hải thủy bất khả hộc lượng; kỳ hữu trai giới nhất nhật nhất dạ giả, kỳ phước bất khả kế (六日齋者、譬如海水不可斛量、其有齋戒一日一夜者、其福不可計, sáu ngày trai giới, giống như nước biển không thể nào đong đếm được; người nào có trai giới trong một ngày một đêm, phước của người đó không thể nào tính được).” (4) Xa lìa các đường ác, như Thọ Thập Thiện Giới Kinh (受十善戒經, Taishō No. 1486) cho biết rằng: “Trì thử thọ trai công đức, bất đọa Địa Ngục, bất đọa Ngạ Quỷ, bất đọa Súc Sanh, bất đọa A Tu La, thường sanh nhân trung, chánh kiến xuất gia, đắc Niết Bàn đạo (持此受齋功德、不墮地獄、不墮餓鬼、不墮畜生、不墮阿修羅、常生人中、正見出家、得涅槃道, công đức hành trì Tám Trai Giới này, không đọa vào đường Địa Ngục, không đọa vào đường Ngạ Quỷ, không đọa vào đường Súc Sanh, không đọa vào đường A Tu La, thường sanh vào cõi người, có chánh kiến xuất gia, chứng đạo Niết Bàn).” (5) Đạt được niềm vui vô thượng, như trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh quyển 5, phẩm Bát Giới Trai thứ 21 dạy rằng: “Phàm thị trai nhật, tất đoạn chư ác phạt lục chi sự; nhược năng như thị thanh tịnh thọ trì Bát Giới Trai giả, thị nhân tắc đắc vô lượng quả báo, chí vô thượng lạc (凡是齋日、悉斷諸惡罰戮之事、若能如是清淨受持八戒齋者、是人則得無量果報、至無上樂, phàm ngày trai này, tất dứt hết những việc ác hình phạt, chém giết; nếu người nào có thể thọ trì Tám Giới Trai thanh tịnh như vậy, người ấy ắt đạt được quả báo vô lượng, cho đến niềm vui vô thượng).” (6) Sanh lên các cõi trời, như trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 16, Cao Tràng Phẩm (高幢品) thứ 24 dạy rằng: “Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, trì Bát Quan Trai giả, thân hoại mạng chung, sanh thiện xứ thiên thượng, diệc sanh Hê Thiên, Đâu Thuật Thiên, Tha Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, chung bất hữu hư, sở dĩ nhiên giả, dĩ kỳ trì giới chi nhân sở nguyện giả đắc (若善男子、善女人、持八關齋者、身壞命終、生善處天上、亦生豔天、兜術天、化自在天、他化自在天、終不有虛、所以然者、以其持戒之人所願者得, nếu có người thiện nam, tín nữ nào hành trì Tám Giới Trai, sau khi thân hoại mạng hết, sanh vào nơi tốt lành trên trời, cũng được sanh lên cõi Ma Hê Thủ La Thiên, Đâu Suất Thiên, Tha Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, dứt khoát không hư dối, vì sao đúng như vậy; vì do sở nguyện của người trì giới mà đạt được).” Bên cạnh những điều nêu trên, còn có một số công đức khác như sanh vào đời sau được mọi người tôn quý, trợ duyên cho vãng sanh, khi lâm chung được an lạc, có tướng mạo tốt đẹp, tạo duyên lành để thành Phật đạo, v.v.
(s, p: bodhi, 菩提): ý dịch là đạo (道, con đường, giáo lý), giác (覺, giác ngộ, sự tỉnh thức), trí (智, trí tuệ) và thông thường nó chỉ cho chánh giác, quả vị của chư Phật, và phân biệt thành 3 loại bồ đề là Thanh Văn Bồ Đề (聲聞菩提, tức A La Hán Bồ Đề), Bích Chi Bồ Đề (辟支菩提, tức Bích Chi Phật Bồ Đề) và Chánh Đẳng Bồ Đề (正等菩提, tức Phật Bồ Đề). Hai loại đầu chỉ đoạn phiền não chướng mà thôi, còn Phật Bồ Đề thì đoạn tận phiền não và sở tri, cho nên được gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề (無上正等菩提), Vô Thượng Chánh Đẳng Giác (無上正等覺), Vô Thượng Chánh Chơn Đạo (無上正眞道), A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (阿耨多羅三藐三菩提), Chánh Đẳng Bồ Đề (正等菩提), v.v. Trong Đại Thừa Phật Giáo thì chỉ đề cập đến Phật Bồ Đề mà thôi, còn hai loại kia rất ít khi thấy. Thiền Sư Huệ Trung (慧忠, 683-769), vị tổ thứ 6 của Ngưu Đầu Tông, có bài kệ an tâm rằng: “Nhân pháp song tịnh, thiện ác lưỡng vong, chơn tâm chơn thật, Bồ Đề đạo tràng (人法雙淨、善惡兩忘、眞心眞實、菩提道塲, người pháp vắng lặng, thiện ác đều quên, chơn tâm chân thật, Bồ Đề đạo tràng).”
(s: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa, p: uposatha, posatha, 布薩): âm dịch là Ưu Ba Bà Tố Đà (優波婆素陀), Ưu Bà Ta (優婆娑), Bố Tát Đà Bà (布薩陀婆), Bố Sái Tha (布灑他), Bố Sa Tha (布沙他), Ổ Ba Bà Sa (鄔波婆沙), Bô Sa Đà (逋沙陀), Bao Sái Đà (褒灑陀), Ổ Bô Sa Tha (鄔逋沙他); ý dịch là Trưởng Tịnh (長淨), Trưởng Dưỡng (長養), Tăng Trưởng (增長), Thiện Túc (善宿), Tịnh Trú (淨住), Trường Trú (長住), Cận Trú (近住), Cọng Trú (共住), Đoạn (斷), Xả (捨), Trai (齋), Đoạn Tăng Trưởng (斷增長), hay Thuyết Giới (說戒). Nghĩa là vào mỗi nữa tháng, chư vị Tỳ Kheo cùng sống chung tập trung tại một trú xứ nhất định, hoặc tại Bố Tát Đường (s: uposathāgāra, 布薩堂, còn gọi là Nhà Thuyết Giới), cung thỉnh vị Tỳ Kheo hành trì giới luật tinh chuyên thuyết giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa (s: prātimokṣa, p: pātimokkha, 波羅提木叉), để phản tỉnh, xem xét lại trong nữa tháng vừa qua bản thân có tuân thủ đúng với giới bổn hay không. Nếu có người phạm giới, thì sẽ sám hối ngay trước đại chúng, giúp cho chúng tăng có thể an trụ lâu trong tịnh giới, làm tăng trưởng thiện pháp và công đức. Nếu như hàng Phật tử tại gia, vào trong 6 ngày trai mà thọ trì Bát Quan Trai Giới (s: aṣṭāṅga-samanvāgatopavāsa, p: aṭṭhaṅga-samannāgata uposatha, aṭṭhaṅgika uposatha, 八關齋戒), cũng được gọi là Bố Tát, nghĩa là có thể làm cho tăng trưởng thiện pháp. Hình thức Bố Tát vốn phát xuất từ nguồn gốc tế lễ từ thời Phệ Đà (s: Veda, 吠陀) của Ấn Độ; tức là ngày trước lễ Tế Đầu Tháng (s: darśā-māsa, 新月祭) và Tế Giữa Tháng (s: paurṇa-māsa, 滿月祭), người ta cử hành một lễ cúng tế dự bị, được gọi là Bố Tát. Chủ yếu vào ngày cúng tế này, mọi người không ăn, an trú trong giới pháp thanh tịnh, khiến cho cả thân lẫn tâm đều được trong sạch. Về sau, truyền thống này được truyền thừa đến thời đức Phật, nhóm ngoại đạo Ni Kiền Tử (s: Nirgrantha-putra, Nirgrantha-jñātaputra, p: Nigaṇtha-putta, 尼乾子) cũng thường tập trung tại một trú xứ nào đó, tác pháp hành trì 4 giới như không ăn, v.v. Đức Thế Tôn cũng cho phép Tăng chúng tiến hành pháp sự này; cho nên hình thức Bố Tát của Phật Giáo vốn căn cứ vào tập quán nói trên. Theo như sự chế định của Phật, vào dịp này chúng tăng nên tụng toàn bộ giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa; và nếu gặp các duyên nạn thì có thể tụng một phần của giới bổn cũng được. Tứ Phần Luật (四分律) quyển 58 phân Bố Tát thành 4 loại là: (1) Tam Ngữ Bố Tát (三語布薩); (2) Thanh Tịnh Bố Tát (清淨布薩), (3) Thuyết Ba La Đề Mộc Xoa Bố Tát (說波羅提木叉布薩) và (4) Tự Tứ Bố Tát (自恣布薩). Trong khi đó, Ngũ Phần Luật (五分律) quyển 18 lại phân làm 5 loại khác là: (1) Tâm Niệm Khẩu Ngôn Bố Tát (心念口言布薩), (2) Hướng Tha Thuyết Tịnh Bố Tát (向他說淨布薩), (3) Quảng Lược Thuyết Giới Bố Tát (廣略說戒布薩), (4) Tự Tứ Bố Tát (自恣布薩) và (5) Hòa Hợp Bố Tát (和合布薩). Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (善見律毘婆沙) quyển 16 thì liệt kê 9 loại là: (1) Thập Tứ Nhật Bố Tát (十四日布薩), (2) Thập Ngũ Nhật Bố Tát (十五日布薩), (3) Hòa Hợp Bố Tát (和合布薩), (4) Tăng Bố Tát (僧布薩), (5) Chúng Bố Tát (眾布薩), (6) Nhất Nhân Bố Tát (一人布薩), (7) Thuyết Ba La Đề Mộc Xoa Bố Tát (說波羅提木叉布薩), (8) Tịnh Bố Tát (淨布薩) và (9) Sắc Bố Tát (敕布薩). Ngay như ngày Bố Tát, các kinh điển cũng nêu lên khác nhau. Như Đại Thiên Nại Lâm Kinh (大天捺林經) của Trung A Hàm (中阿含經) quyển 14, Tăng Nhất A Hàm Kinh (增一阿含經) quyển 16, v.v., cho rằng mỗi tháng vào 6 ngày trai giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 thì tiến hành Bố Tát. Tứ Phần Luật quyển 58 thì cho rằng mồng 1, 14, 15 là những ngày Bố Tát. Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 13 thì giải thích ngày mồng 1, mồng 8, 14, 16, 23, 29. Nhìn chung, mỗi tháng 3 lần Bố Tát, dần dần sinh ra quy định mỗi nữa tháng một lần. Hơn nữa, từ xưa phong trào Bố Tát và ăn chay vốn đã rất thịnh hành tại Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Việt Nam. Trong Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi (大比丘三千威儀, Taishō No. 1470) quyển Thượng có đoạn rằng: “Bố Tát giả, Tần ngôn tịnh trú, nghĩa ngôn trưởng dưỡng Tỳ Kheo hòa hợp; nhược tác bách nhất Yết Ma, nhi bất tri hòa hợp, thị danh bất tri Bố Tát (布薩者、秦言淨住、義言長養比丘和合、若作百一羯磨、而不知和合、是名不知布薩, Bố Tát, Tàu dịch là tịnh trú [an trú trong thanh tịnh], nghĩa là nuôi lớn sự hòa hợp của chúng Tỳ Kheo; nếu thực hành trăm lẽ một pháp Yết Ma mà không biết hòa hợp, có nghĩa là không biết Bố Tát).” Hay như trong Thọ Thập Thiện Giới Kinh (受十善戒經, Taishō No. 1486 ) giải thích rằng: “Kim ư tam thế chư Phật, A La Hán tiền, Hòa Thượng tăng tiền, chí thành phát lộ, Ngũ Thể đầu địa, sám hối chư tội, thị danh hành Bố Tát pháp (今於三世諸佛、阿羅漢前、和上僧前,至誠發露,五體投地,懺悔諸罪,是名行布薩法, nay đối trước ba đời chư Phật, trước A La Hán, trước Hòa Thượng tăng, chí thành bộc bạch, năm vóc gieo đất, sám hối các tội, ấy gọi là hành pháp Bố Tát).” Trong Nhập Bố Tát Đường Thuyết Kệ Văn Đẳng (入布薩堂說偈文等, Taishō No. 2852) có bài Thanh Tịnh Diệu Kệ Văn (清淨妙偈文) rằng: “Thanh tịnh như mãn nguyệt, thanh tịnh ưng Bố Tát, thân khẩu nghiệp thanh tịnh, nhĩ nãi đồng Bố Tát (清淨如滿月、清淨應布薩、身口業清淨、爾乃同布薩, trong sạch như trăng rằm, trong sạch nên Bố Tát, nghiệp thân miệng trong sạch, ngươi hãy cùng Bố Tát).”
(倶舍宗, Gusha-shū): tên gọi của một tông phái lớn trong 8 tông phái ở Trung Quốc và trong 6 tông lớn của Phật Giáo vùng Nam Đô, Nhật Bản. Tại Ấn Độ, người ta chia thành 18 bộ phái của Phật Giáo Thượng Tọa Bộ (xưa gọi là Tiểu Thừa). Lần đầu tiên sau khi đức Phật diệt độ được 400 năm, thể theo lời thỉnh cầu của vua Ca Nị Sắc Ca (s: Kaniṣka, p: Kanisika, 迦膩色迦王) của vương quốc Kiện Đà La (s, p: Gandhāra, 健駄羅), 500 vị A La Hán đã tiến hành kết tập bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận (s: Abhidharma-mahāvibhāṣa-śāstra, 大毘婆沙論), 200 quyển; cho nên trong số 18 bộ phái ấy, tông nghĩa của Tát Bà Đa Bộ (薩婆多部, tức Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ [s: Sarvāstivādin, p: Sabbatthivādin, 說一切有部]) được thành lập. Bộ luận này theo nghĩa của Lục Túc Luận (s: Śaḍpadaśāstra, 六足論) để giải thích về Phát Trí Luận (s: Abhidharma-jñāna-prasthāna, 發智論), vì vậy giáo nghĩa của Tát Bà Đa Bộ đều tập trung vào bộ luận này. Trải qua 500 năm sau, Bồ Tát Thế Thân (s, p: Vasubandhu, 世親) xuất hiện, đầu tiên xuất gia tu tập theo Tát Bà Đa Bộ (薩婆多部), học tông nghĩa của bộ phái này, rồi sau đó học giáo lý của Kinh Lượng Bộ (s: Sautrāntika, 經量部), nhưng có điều không hài lòng về tông này, nên ông đã y cứ vào bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận mà trước tác ra bộ Câu Xá Luận (s: Abhidharmakośa-bhāṣya, 倶舍論). Trong mỗi phần ông đều lấy ý của Kinh Lượng Bộ để đả phá giáo thuyết của Tát Bà Đa Bộ. Vì vậy, từ đó ông đã tách riêng ra khỏi 18 bộ phái trên. Tại Ấn Độ, bộ luận này được gọi là Thông Minh Luận (聰明論), tất cả mọi người trong và ngoài tông phái đều học cả. Kể từ khi Chơn Đế (s: Paramārtha, 眞諦, 499-569) nhà Tùy bên Trung Quốc dịch bộ này sang Hán ngữ vào năm thứ 4 (563) niên hiệu Thiên Gia (天嘉), người ta bắt đầu nghiên cứu về nó. Kế đến, Huyền Trang (玄奘, 602-664) nhà Đường lại dịch Câu Xá Luận lần thứ hai vào năm thứ 5 (654) niên hiệu Vĩnh Huy, rồi các môn nhân của ông như Thần Thái (神泰), Phổ Quang (普光), Pháp Bảo (法寳) đã chú sớ cho bộ này. Từ đó Câu Xá Tông bắt đầu hưng thạnh ở Trung Quốc. Tại Nhật Bản, tông này được Đạo Chiêu (道昭, Dōshō, 629-700) truyền vào cùng với Pháp Tướng Tông. Vị này sang nhà Đường cầu pháp vào năm thứ 4 (653) niên hiệu Bạch Trỉ (白雉), theo hầu Huyền Trang và trở về nước vào năm thứ 7 (661) đời Tề Minh Thiên Hoàng (齊明天皇, Saimei Tennō, tại vị 655-661). Ông được xem như là người đầu tiên truyền bá Câu Xá Tông vào Nhật. Tiếp theo, có Trí Thông (智通, Chitsū, ?-?), Trí Đạt (智達, Chitatsu, ?-?), hai người sang nhà Đường vào năm thứ 4 (658) đời Tề Minh Thiên Hoàng, cũng như Huyền Phưởng (玄昉, Gembō, ?-746), vị tăng sang cầu pháp vào năm đầu (717) niên hiệu Dưỡng Lão (養老), đều có truyền tông này vào Nhật. Trong bản Tả Kinh Sở Khải (冩經所啓) ghi ngày mồng 8 tháng 7 năm thứ 12 (740) niên hiệu Thiên Bình (天平) còn lưu lại trong Chánh Thương Viện Văn Khố (正倉院文庫), ta thấy có ghi “Câu Xá Tông 30 quyển”; như vậy sách mà Huyền Trang (玄奘, 602-664) dịch ra đã được bắt đầu nghiên cứu từ khoảng thời gian này. Tên gọi Câu Xá Tông cũng được tìm thấy lần đầu tiên trong bản Tăng Trí Cảnh Chương Sớ Phụng Thỉnh Khải (僧智憬章疏奉請啓). Vì Câu Xá Tông được xem giống như Tát Bà Đa Tông vốn được tìm thấy trong bản Lục Tông Trù Tử Trương (六宗厨子張) ghi ngày 18 tháng 3 nhuận năm thứ 3 niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo (天平勝寳), có thể sự thành lập của học phái này là trong khoảng thời gian năm thứ 3 hay 4 của niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo. Kế đến, trong phần quy định về số người được xuất gia và tu học mỗi năm của các tông phái như trong bức công văn của quan Thái Chính ghi ngày 26 tháng giêng năm thứ 25 (806) niên hiệu Diên Lịch (延曆), ta thấy có quy định Pháp Tướng Tông là 3 người, 2 người đọc Duy Thức Luận (s: Vijñānamātrasiddhi-śāstra, 唯識論) và 1 người đọc về Câu Xá Luận (s: Abhidharmakośa-bhāṣya, 倶舍論); như vậy ta biết được rằng lúc bấy giờ Câu Xá Tông vẫn là tông phái phụ thuộc vào Pháp Tướng Tông. Giáo nghĩa của tông này phân tích các pháp thành 5 vị và 75 pháp, công nhận tính thực tại của các pháp ấy, chủ trương rằng thế giới được thành lập dựa trên các pháp đó và con người tồn tại trong vòng luân hồi đau khổ, vì vậy cần phải đoạn diệt phiền não căn bản và chứng đạt Vô Dư Y Niết Bàn. Cũng giống như Pháp Tướng Tông, tông này cũng chia thành 2 phái là Bắc Tự Truyền (北寺傳) và Nam Tự Truyền (南寺傳). Phái Nam Tự Truyền thì chủ trương thuyết Dụng Diệt (用滅), nghĩa là các pháp hoại diệt nhưng thật thể của chúng vẫn tồn tại và cái tiêu diệt chính là tác dụng. Phái Bắc Tự Truyền đứng trên lập trường của thuyết Thể Diệt (体滅), tức là các pháp sanh khởi nhờ duyên và thật thể của chúng tiêu diệt theo từng Sát Na.
(s: Cūḍapanthaka, Cullapatka, Kṣullapanthaka, Śuddhipaṃthaka, p: Cullapanthaka, Cūḷapanthaka, 周利槃陀伽): vị La Hán thứ 16 trong Thập Bát La Hán (十八羅漢). Âm dịch là Châu Trĩ Ban Tha Già (周稚般他伽), Côn Nỗ Bát Đà Na (崑努鉢陀那), Chú Lợi Ban Đà Già (咒利般陀伽), Châu Lợi Bàn Đặc (朱利槃特), Chú Đồ Bán Thác Ca (注荼半托迦); gọi tắt là Bàn Đà (般陀), Bán Thác Già (半託伽); ý dịch là Tiểu Lộ (小路), Lộ Biên Sanh (路邊生). Khi đức Phật còn tại thế, ông là con của một vị Bà La Môn tại Thành Vương Xá (s: Rājagṛha, p: Rājagaha, 王舍城), sau cùng với anh là Ma Ha Bàn Đặc (s: Mahāpanthaka, 摩訶槃特) đều xuất gia làm đệ tử Phật. Bẩm tánh của ông chậm lụt, ngu độn; khi học giáo lý, tụng kinh qua, ông đều quên mất, chẳng nhớ một câu một từ nào, thậm chí đến tên của ông cũng quên mất, không nhớ; cho nên người đương thời gọi ông là Ngu Lộ (愚路). Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có kể câu chuyện anh ông thấy vậy bảo rằng nếu ngu si không thuộc chữ nào thì nên trở về thế tục, không nên ở trong chùa và đuổi ông ra khỏi chùa. Ông ra trước cổng chùa đau xót, khóc lóc thảm thiết. Đức Phật dùng tuệ nhãn thanh tịnh thấy được tình cảnh này, bèn từ tĩnh thất đến Kỳ Hoàn Tinh Xá (p: Jetavana Anāthapiṇḍikārāma, 祇洹精舍), gặp Châu Lợi Bàn Đặc, khuyên nhũ ông nên dùng chổi để quét sạch những vô minh, ngu muội, nghiệp chướng trong người mình. Ngài chỉ dạy cho một câu “phất trần trừ cấu (拂塵除垢, quét bụi trừ nhớp)” và khuyên ông nên ngày đêm vừa lau chùi dép của chư tăng, vừa tụng niệm, quán sát, tư duy và thực hành. Ông chậm lụt đến nỗi khi đọc câu trên thì quên quét, đọc chữ trước quên chữ sau, hay quét thì quên đọc câu kệ ấy. Có một hôm nọ, khi đang tụng câu đó, ông hốt nhiên đại ngộ, chứng quả A La Hán. Sau khi chứng ngộ, thần thông của ông rất kỳ diệu, có thể hiện các hình tượng khác nhau, thường dùng thần thông thị hiện thuyết pháp cho nhóm Lục Quần Tỳ Kheo (六郡比丘). Tương truyền vào cuối đời, ông cùng với 1.600 vị Tỳ Kheo khác đến trú tại Trì Tụ Sơn (持軸山) để hộ trì chánh pháp và làm lợi ích chúng sanh. Quán Hưu (貫休, 832-912) nhà Đường có vẽ hình tượng của ông ngồi dưới gốc cây khô, đưa tay trái ra.
(大力): có mấy nghĩa khác nhau. (1) Chỉ cho sức mạnh của đại tự nhiên. Như trong bài Trường Ca Hành (長歌行) của Lý Bạch (李白, 701-762) nhà Đường có câu: “Đại lực vận thiên địa (大力運天地, đại lực vận hành trời đất).” (2) Chỉ sức mạnh vô cùng to lớn. (3) Tôn xưng của đức Phật, chỉ cho đấng có sức mạnh tâm linh trí tuệ to lớn, có thể đoạn tận phiền não, vô minh. Như trong Phật Thuyết Đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp Kinh (佛說大乘菩薩藏正法經, Taishō Vol. 11, No. 316) quyển 26 có đoạn: “Ư kỳ chánh pháp bất nhạo thân cận, thiết kiến hữu nhân ư chư khế kinh, nhi sanh cung kính tôn trọng cúng dường, hữu đại lực năng chủng chủng xưng tán (於其正法不樂親近、設見有人於諸契經、而生恭敬尊重供養、有大力能種種稱讚, đối với chánh pháp của vị ấy không muốn gần gủi, như thấy có người đối với các khế kinh, mà sanh cung kính tôn trọng cúng dường, có năng lực lớn có thể xưng tán các loại).” Hay trong Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn (釋禪波羅蜜次第法門, Taishō Vol. 46, No. 1916) quyển 10 có câu: “Lợi căn Thanh Văn cụ thử lục pháp Phát Chân Vô Lậu, tức thành bất hoại pháp đại lực A La Hán (利根聲聞具此六法發眞無漏、卽成不壞法大力阿羅漢, Thanh Văn lợi căn có đủ sáu pháp Phát Chân Vô Lậu này, tức thành A La Hán có năng lực lớn không hoại pháp).”
(s, p: Mahāyāna, j: Daijō, 大乘): âm dịch là Ma Ha Diễn (摩訶衍), Ma Ha Diễn Na (摩訶衍那), nghĩa là cỗ xe lớn, thường chỉ cho Bồ Tát Thừa (菩薩乘) và Phật Thừa (佛乘), đối với Tiểu Thừa (小乘) là Thanh Văn Thừa (聲聞乘). Đối với Tiểu Thừa thì tu Bát Chánh Đạo (s: āryāṣṭāṇga-mārga, āryāṣṭāṇgika-mārga, p: ariyāṭṭhaṅgika-magga, 八正道) và Tứ Đế (s: catur-ārya-satya, p: catu-ariya-sacca, 四諦), trở thành A La Hán (s: arhant, p: arahant, 阿羅漢); còn Bồ Tát Thừa của Đại Thừa thì tu Lục Ba La Mật (六波羅蜜) và nhắm mục đích thành Phật. Hơn nữa, ngay từ ban đầu Bồ Tát Thừa của Đại Thừa đã phát thệ nguyện lợi tha, tự mình khởi tâm tự mình chưa độ mà trước hết vào trong các đường ác để độ người khác.
(護法): bảo hộ, hộ trì chánh pháp. Tương truyền đức Phật từng phái 4 vị Đại Thanh Văn, 16 vị A La Hán (阿羅漢) đến để hộ trì Phật pháp. Bên cạnh đó, lại có Phạm Thiên (梵天), Đế Thích Thiên (帝釋天), Tứ Thiên Vương (四天王, 4 Thiên Vương), Thập Nhị Thần Tướng (十二神將, 12 Thần Tướng), 28 bộ chúng, 13 phiên thần, 36 thần vương, 18 thiện thần chốn Già Lam, Long Vương, quỷ thần, v.v., nhân nghe đức Phật thuyết pháp mà thệ nguyện hộ trì Phật pháp. Những vị này được gọi là Thần Hộ Pháp, hay Hộ Pháp Thiện Thần (護法善神). Ngoài ra, các bậc đế vương, đàn việt, Phật tử đều là những người hộ pháp đắc lực. Trong số các Thần Hộ Pháp, có vị là thiện thần, nhưng cũng có vị là hung thần, ác thần. Họ có trách nhiệm bảo hộ chúng sanh, đầy đủ 4 công đức độ đời là làm cho tiêu trừ mọi tai họa, làm tăng trưởng ích lợi, tạo sự kính mến thương yêu, và hàng phục. Đặc biệt, Quan Vũ (關羽, tức Quan Thánh Đế Quân [關聖帝君]) cũng trở thành Thần Hộ Pháp, sau khi được Trí Khải Đại Sư (智顗大師, 538-397) dùng pháp Phật làm cho siêu độ và thoát khỏi thân quỷ.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 216.73.216.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập