Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 02 »»

Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 02


Anguttara Nikāya

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 13.41 MB - Thời gian phát: 01 giờ,18 phút 05 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

II. Phẩm Lớn
(I) (11) Veranjà
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi Bà-la-môn Veranjà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói nên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Veranjà bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau: "Sa-môn Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời". Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy: "Tôn giả Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời". Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thật là không đầy đủ.
- Này Bà-la-môn, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, trong thế giới Ác ma, trong thế giới Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người mà ta có thể đảnh lễ người ấy, đứng dậy hay mời ghế ngồi. Này Bà-la-môn, nếu Như Lai đảnh lễ, hay đứng dậy, hay mời ngồi ai, thời đầu người ấy bị bể tan.
2. - Tôn giả Gotama, thật thiếu ý vị!
- Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama thật thiếu ý vị". Này Bà-la-môn, các sắc vị, thanh vị, hương vị, vị vị, xúc vị, các vị ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama thiếu ý vị". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
3. "Tôn giả Gotama thiếu tài sản". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama thiếu tài sản". Này Bà-la-môn, các sắc tài sản, thanh tài sản, hương tài sản, vị tài sản, xúc tài sản, các tài sản ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama thiếu tài sản". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
4. "Tôn giả Gotama chủ trương thuyết không hành động". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động". Này Bà-la-môn, Ta nói không hành động về thân làm ác, về lời nói ác, về ý nghĩ ác. Ta nói không hành động về các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
5. "Tôn giả Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt ". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt ". Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố đoạn diệt các ác, bất thiện pháp. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
6. "Tôn giả Gotama là người nhàm chán". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người nhàm chán". Này Bà-la-môn, Ta nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ta nhàm chán sự thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người nhàm chán ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
7. "Tôn giả Gotama là người chủ trương hư vô chủ nghĩa". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô". Này Bà-la-môn, Ta thuyết pháp để hư vô tham, sân, si. Ta thuyết pháp để hư vô các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, do pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
8. "Tôn giả Gotama là người khổ hạnh". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh ". Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố rằng cần phải khổ hạnh các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này Bà-la-môn, với ai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy là người khổ hạnh. Này Bà-la-môn, với Như Lai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác đã được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, do pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
9. "Tôn giả Gotama chủ trương không nhập thai". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai". Này Bà-la-môn, với ai mà khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy chủ trương không nhập thai. Này Bà-la-môn, Như Lai đã đoạn tận khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây tala, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
Ví như, này Bà-la-môn, có tám, mười hay mười hai cái trứng của con gà mái, được con gà mái khéo ấp nằm, ấp nóng và ấp dưỡng, và con gà nào trong những con gà con ấy, đầu tiên hết, lấy chân, móng, đầu, miệng hay mỏ phá vỡ vỏ trứng gà, ra ngoài một cách an toàn, con ấy được gọi là con trưởng hay con trẻ nhất?
- Thưa Tôn giả Gotama, con ấy phải được gọi là con trưởng. Thật vậy, thưa Tôn giả Gotama, con ấy là con trưởng trong tất cả các con gà ấy.
10. - Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi Ta vì chúng sanh bị vô minh chi phối, như sanh ra từ trứng, bị bao trùm, đã phá vỡ vỏ trứng vô minh, một mình chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Giác ở đời, này Bà-la-môn, thật sự Ta là vị đệ nhất, tối thắng ở đời. Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta tinh cần tinh tấn, không biếng nhác. Ta trú niệm, không có thất niệm, thân được khinh an, không có tháo động, định tĩnh, nhất tâm.
11. Này Bà-la-môn, ly dục, ly pháp bất thiện, Ta đã chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ Ta trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ, mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.
12. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Ta nhớ đến đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các nét chi tiết.
Này Bà-la-môn, đây là trong canh một, Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ nhất của Ta, như con gà con ra khỏi vỏ trứng.
13. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ; những hạng chúng sanh này thành tựu thân làm ác, thành tựu miệng nói ác, thành tựu ý nghĩ ác; phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những hạng chúng sanh nào, thành tựu thân làm lành, thành tựu miệng nói lành, thành tựu ý nghĩ lành, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Bà-la-môn, đây là trong canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ hai của Ta, như con gà con ra khỏi vỏ trứng.
14. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: "Ðây là khổ", biết như thật: "Ðây là khổ tập", biết như thật: "Ðây là Khổ diệt", biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt", biết như thật: "Ðây là những lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật: "Ðây là các lậu hoặc diệt", biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến lậu hoặc diệt". Do biết như vậy, thấy như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết, ta đã giải thoát. Ta biết: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa". Này Bà-la-môn, đây là trong canh cuối, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ ba của Ta, như con gà ra khỏi vỏ trứng.
15. Ðược nghe nói như vậy, Bà-la-môn Veranja bạch Thế Tôn:
- Ðệ nhất là Tôn giả Gotama! Tối thắng là Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(II) (12) Tướng Quân Sìha
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), tại Mahàvana (Ðại Lâm), ở Kùtàgàrasàla (ngôi nhà có nóc nhọn). Lúc bấy giờ rất nhiều vị Licchavi là các bậc có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng.
2. Lúc bấy giờ tướng quân Sìha là đệ tử của Niganthà ngồi trong hội chúng ấy. Rồi tướng quân Sìha suy nghĩ như sau: "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng. Vậy ta hãy đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
3. Rồi tướng quân Sìha đi đến Niganthà, Nàtaputta, sau khi đến, thưa với Niganthà Nàtaputta:
- Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến yết kiến Sa-môn Gotama.
- Này Sìha, sao Ông chủ trương hành động lại đi đến yết kiến Sa-môn Gotama, người chủ trương không hành động? Này Sìha, Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy. Rồi tướng quân Sìha, ý muốn đi đến yết kiến Thế Tôn bị dập tắt.
4. Lần thứ hai, rất nhiều vị Licchavi có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng. Lần thứ hai, tướng quân Sìha suy nghĩ như sau: "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng. Vậy ta hãy đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
Rồi tướng quân Sìha đi đến Niganthà, Nàtaputta, sau khi đến, thưa với Niganthà Nàtaputta:
- Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến yết kiến Sa-môn Gotama.
- Này Sìha, sao Ông chủ trương hành động lại đi đến yết kiến Sa-môn Gotama, người chủ trương không hành động? Này Sìha, Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy.
Rồi tướng quân Sìha, lần thứ hai, ý muốn đi đến yết kiến Thế Tôn bị dập tắt.
5. Lần thứ ba, rất nhiều vị Licchavi là có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng. Lần thứ ba, tướng quân Sìha suy nghĩ như sau: "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng. Các Niganthà sẽ làm gì được cho ta, nếu họ được hỏi ý kiến hay không hỏi ý kiến. Vậy ta hãy không hỏi ý kiến Niganthà, đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác".
Rồi tướng quân Sìha, vào giữa trưa với khoảng năm trăm cỗ xe, đi khỏi Vesàli để yết kiến Thế Tôn. Ði xe cho đến đoạn đất còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ vào trong khu vườn. Rồi tướng quân Sìha đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con có được nghe: "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy". Bạch Thế Tôn, họ nói như sau: "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy". Bạch Thế Tôn, họ nói về Thế Tôn như vậy, họ có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật chăng? Và họ trả lời có thuận pháp với pháp không, và những ai như pháp thuyết đúng pháp không có lý do để chỉ trích? Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn.
6. - Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp về hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người nhàm chán, thuyết pháp về nhàm chán và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp về khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp về an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy".
7. Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, ta tuyên bố về không hành động đối với thân làm ác, miệng nói ác, và ý nghĩ ác. Ta tuyên bố về không hành động đối với các pháp ác, bất thiện.
Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp về hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, Ta tuyên bố về hành động đối với thân làm lành, miệng nói lành, và ý nghĩ lành. Ta tuyên bố về hành động đối với các thiện pháp.
Và này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp về hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, Ta tuyên bố về đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố về đoạn diệt đối với các pháp ác, bất thiện. Và này Sìha, đây là pháp môn, với pháp môn ấy nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìhà, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người nhàn chán, thuyết pháp về nhàm chán và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Này Sìha, Ta nhàm chán đối với thân làm ác, miệng nói ác, và ý nghĩ ác. Ta nhàm chán đối với sự thành tựu các pháp ác, bất thiện.
Này Sìhà, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người nhàm chán, thuyết pháp về nhàm chán và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìhà, thế nào là pháp môn do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, ta thuyết pháp để hư vô tham, sân, si. Ta thuyết pháp để hư vô các pháp ác bất thiện.
Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìhà, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu có ai nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, Ta tuyên bố cần phải khổ hạnh các pháp ác bất thiện, kể cả thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này Sìha, với ai, pháp ác bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được chắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy là người khổ hạnh.
Này Sìha, đối với Như Lai, các pháp ác, bất thiện cần phải khổ hạnh này đã được đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp về khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, với ai đã đoạn tận sự nhập thai trong tương lai, sự tái sanh, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ta tuyên bố người ấy là người chủ trương không nhập thai. Này Sìha, Như Lai đã đoạn tận sự nhập thai trong tương lai, sự tái sanh, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy".
Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy"?
Này Sìha, Ta là người an ủi với tối thượng an ủi, Ta thuyết pháp về an ủi, Ta huấn luyện các đệ tử như vậy. Này Sìha, đây là pháp môn, với pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói: "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy".
8. Khi được nói như vậy, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay! Bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
- Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông.
- Bạch Thế Tôn, con càng bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: "Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông". Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ trương cờ lên và tuyên bố: "Tướng quân Sìha đã trở thành đệ tử của chúng tôi". Nhưng Thế Tôn lại nói với con: "Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông". Bạch Thế Tôn, lần thứ hai con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
- Này Sìha, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthà. Hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với Ông.
- Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: "Này Sìha, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthà. Hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với Ông". Bạch Thế Tôn, con không nghe như sau, Sa-môn Gotama nói: "Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho các đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử các người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí cho những người khác không có phước lớn. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta mới có phước lớn, bố thí cho đệ tử những người khác không có phước lớn". Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho Niganthà.
Bạch Thế Tôn, và chúng con ở đây sẽ biết thời nên làm. Bạch Thế Tôn, lần thứ ba con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
9. Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho tướng quân Sìha, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi Trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các dục, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tướng quân Sìha, tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: "Khổ, Tập, Diệt, Ðạo". Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa, rất dễ thấm màu nhuộm. Cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt.
10. Rồi tướng quân Sìha thấy pháp, chứng pháp, biết pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ vượt qua, do sự trừ diệt, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp của bậc Ðạo sư. Tướng quân Sìha bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai tới dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi tướng quân Sìha biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi đi ra. Rồi tướng quân cho gọi một người: Này người kia, hãy tìm cho thịt tươi.
Rồi tướng quân Sìha, sau đêm ấy tại trú xứ của mình, cho soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và mềm, rồi cho người tới báo tin với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời. Tại trú xứ của tướng quân Sìha, món ăn đã sẵn sàng".
11. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đến trú xứ của tướng quân Sìha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, với chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ nhiều người Niganthà ở Vesàli, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn: "Hôm nay, tướng quân Sìha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra". Rồi một người đi đến tướng quân Sìha, sau khi đến, nói nhỏ vào tai tướng quân Sìha,: "Thưa Tôn giả, Tôn giả có biết chăng? Nhiều Niganthà ở Vesàli, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn: "Hôm nay, tướng quân Sìha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm đã được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra". -Thôi vừa rồi, này bạn. Ðã lâu rồi, các Tôn giả ấy muốn chỉ trích Phật, muốn chỉ trích Pháp, muốn chỉ trích các chúng Tăng. Nhưng các Tôn giả ấy không làm hại gì được Thế Tôn với những lời xuyên tạc không có thật, trống rỗng, láo khoét. Và chúng ta không vì sinh mạng lại cố ý sát hại sinh mạng của loài hữu tình.
12. Rồi tướng quân Sìha tự tay mình hầu hạ và làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật và người cầm đầu các món ăn thượng vị, loại cứng và mềm. Rồi tướng quân Sìha, sau khi biết Thế Tôn ăn đã xong, bàn tay đã rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên, và Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng cho tướng quân Sìha, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
(III) (13) Con Ngựa Thuần Thục
1. - Ðầy đủ với tám đức tánh, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở hữu của vua, và được xem như là biểu tượng của vua. Thế nào là tám?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, khéo sanh cả hai từ mẫu hệ và phụ hệ, tại phương hướng nào, các con ngựa hiền thiện, thuần thục không sanh trưởng, tại phương hướng ấy, con ngựa ấy được sanh; họ cho ăn các món ăn gì, ướt hay khô, con ngựa ấy ăn một cách cẩn thận, không có làm rơi rớt. Con ngựa ấy nhàm chán khi phải đứng hay nằm gần phân hay nước tiểu; con ngựa ấy sống hoan hỷ và dễ dàng sống chung với các con ngựa khác, và không làm các con ngựa khác hoảng sợ. Phàm có những gian dối, giả dối, xảo trá, quanh co gì, nó nêu rõ như thật cho người đánh xe biết, và người đánh xe cố gắng nhiếp phục nó. Khi đang kéo xe, nó nghĩ: "Hãy để cho các con ngựa khác muốn hay không muốn kéo, còn ta, ta sẽ kéo". Khi đi, nó đi con đường thẳng. Kiên trì, nó kiên trì cho đến khi mạng sống chấm dứt.
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở sữu của vua, và được xem như là biểu tượng của vua.
3. Như vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu tám pháp này, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính ... là ruộng phương vô thượng ở đời. Thế nào là tám?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Phàm nhận các món đồ ăn gì, thô hay tế, vị ấy ăn một cách cẩn thận, không có oán thán gì, vị ấy có nhàm chán, nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nhàm chán sự thành tựu các pháp ác bất thiện. Vị ấy hoan hỷ và dễ dàng sống chung với các Tỷ-kheo khác, và không làm các Tỷ-kheo khác hoảng sợ. Phàm có những gian dối, giả dối, xảo trá, quanh co gì, nêu rõ như thật cho vị Ðạo sư hay các đồng Phạm hạnh có trí cố gắng để nhiếp phục. Trong khi học tập, vị ấy khởi lên ý nghĩ: "Hãy để cho các Tỷ-kheo khác học tập, hay không học tập, còn ta, ta sẽ học tập ở đây ". Khi đi, vị ấy đi con đường thẳng, tại đây, con đường thẳng này tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Vị ấy sống tinh cần, nghĩ rằng: "Dầu chỉ có da, gân hay xương còn lại, dầu thịt và máu có khô cạn trong thân, điều mà sự kiên trì của con người, sự tinh tấn của con người, sự nỗ lực có thể đạt được, nếu chưa đạt được thời tinh tấn không có chấm dứt.
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
(IV) (14) Ngựa Chưa Ðiều Phục
1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về tám loại ngựa chưa điều phục, tám tánh xấu của con ngựa, tám hạng người chưa điều phục, tám tánh xấu của con người. Hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Này các Tỷ-kheo, thế nào là tám loại ngựa chưa được điều phục? Thế nào là tám tánh xấu của ngựa?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc, bị người đánh xe la và thúc đẩy, nó đi lùi, và với lưng, làm chiếc xe chạy vòng lại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ nhất của con ngựa.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó nhảy lùi, đạp vào thành xe, làm gãy gọng xe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ hai của con ngựa.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó rút bắp vế ra khỏi gọng xe và dẫm nát gọng xe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ ba của con ngựa.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó liền đi con đường xấu và làm cho xe bị lạc hướng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tư của con ngựa.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó trườn đứng phía chân trước và đạp lên không trung với chân trước. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ năm của con ngựa.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó không để ý đến người đánh xe la, không để ý đến cây gậy thúc ngựa, lấy răng nghiền hàm thiết (khớp ngựa) ngựa và đi chỗ nào nó muốn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ sáu của con ngựa.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó không đi tới, không đi lui, đứng lại tại chỗ như một cột trụ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ bảy của con ngựa.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó liền tréo hai chân trước, tréo lại hai chân sau, và quỵ xuống bốn chân tại đấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tám của con ngựa.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám loại ngựa chưa được điều phục và tám tánh xấu của con ngựa.
10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tám hạng người chưa được điều phục và tám tánh xấu của con người?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, tránh né (vấn đề) như là không nhớ, nói rằng: "Tôi không nhớ, tôi không nhớ ". Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó đi lùi với cái lưng làm cho cái xe chạy vòng lại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ nhất của con người.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, phát ra lời chất vấn Tỷ-kheo buộc tội: "Thầy lấy quyền gì mà nói, này kẻ ngu, không thông minh? Tại sao Thầy nghĩ rằng Thầy phải nói? " Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó nhảy lùi lại, đạp vào thành xe, làm gãy gọng xe. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ hai của con người.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền cật nạn Tỷ-kheo buộc tội: "Thầy cũng phạm tội tên là như vậy. Vậy Thầy hãy phát lộ trước". Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó rút bắp vế ra khỏi xe và dẫm nát gọng xe. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ ba của con người.
13. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền tránh né vấn đề với một vấn đề khác, hướng dẫn câu chuyện ra ngoài và biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền đi vào con đường xấu và làm cho xe bị lạc hướng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tư của con người.
14. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền nói ba hoa, khua tay múa chân. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền trườn đứng phía thân trước và đạp lên không với chân trước. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ năm của con người.
15. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, không để ý đến chúng Tăng, không để ý đến các Tỷ-kheo buộc tội, với tội phạm và như một người bị xúc phạm, vị ấy đi chỗ nào vị ấy muốn. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó không để ý đến người đánh xe, không để ý đến cây roi, lấy răng nghiến hàm thiết ngựa, và đi chỗ nào nó muốn. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ sáu của con người.
16. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền nói: "Tôi không phạm tội, tôi không có phạm tội" và vị ấy làm chúng Tăng bực mình với sự im lặng. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó không đi tới, không đi lui, đứng lại tại chỗ như một cột trụ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ bảy của con người.
17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, nói như sau: "Tại sao các Tôn giả lại quá lo cho tôi. Bắt đầu từ nay, tôi sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục". Rồi vị ấy sau khi từ bỏ học pháp và hoàn tục nói như sau: "Nay các Tôn giả ấy được hoan hỷ". Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó liền tréo lại hai chân trước, tréo lại hai chân sau và quỵ xuống bốn chân tại đấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tám của con người.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám hạng người chưa được điều phục và tám tánh xấu của con người.
(V) (15) Các Cấu Uế
1. - Này các Tỷ-kheo, có tám tâm cấu uế này, thế nào là tám?
2. Này các Tỷ-kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển; này các Tỷ-kheo, không thức dậy là cấu uế của nhà; này các Tỷ-kheo, biếng nhác là cấu uế của dung sắc; này các Tỷ-kheo, phóng dật là cấu uế của phòng hộ; này các Tỷ-kheo, ác hạnh là cấu uế của đàn bà; này các Tỷ-kheo, xan tham là cấu uế của bố thí; các pháp ác, bất thiện, là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ-kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế. Vô minh là cấu uế lớn nhất.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám loại cấu uế.
Không tụng làm nhớp kinh
Không dậy làm nhớp nhà
Biếng nhác làm nhớp dung sắc
Phóng dật làm nhớp phòng hộ
Ác hạnh nhớp mỹ nhân
Xan tham nhớp bố thí
Các pháp ác làm nhớp
Ðời này và đời sau
Nhưng có loại cấu uế
Hơn tất cả cấu uế
Ðấy chính là vô minh
Là cấu uế lớn nhất.
(VI) (16) Sứ Giả
1. - Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo xứng đáng đi làm sứ giả. Thế nào là tám?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người nghe, khiến người khác nghe, học và khiến người khác thọ trì, biết và khiến người khác biết, thiện xảo trong vấn đề thích hợp và không thích hợp (hay vấn đề kinh điển hay không kinh điển), không phải là người ưa cãi nhau.
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo xứng đáng đi làm sứ giả.
3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta (Xá-lợi-phất) xứng đáng đi làm sứ giả. Thế nào là tám?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta là người nghe, và khiến người khác nghe, học và khiến người khác thọ trì, biết và khiến người khác biết, thiện xảo trong vấn đề thích hợp và không thích hợp, không phải là người ưa cãi nhau.
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta xứng đáng đi làm sứ giả:
Với ai không run sợ,
Ðến hội chúng bạo ngôn
Không quên lời đã học
Không che giấu giáo pháp
Không nói lời nghi hoặc
Ðược hỏi không phẫn nộ
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Xứng đáng đi sứ giả.
(VII) (17) Sự Trói Buộc Của Nữ Nhân
1. - Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Thế nào là tám?
2. Này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với sắc; này các Tỷ-kheo nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm.
Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập.
(VIII) (18) Nam Nhân Trói Buộc
1. - Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân. Thế nào là tám?
2. Này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với sắc; này các Tỷ-kheo nam nhân trói buộc nữ nhân với tiếng cười; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với lời nói; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với lời ca; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với nước mắt; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với áo quần; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với vật tặng; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với xúc chạm.
Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập.
(IX) (19) A-Tu-La Pahàràda
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên:
- Này Pahàràda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.
- Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng , các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
2. Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Nên bạch Thế Tôn đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng ... trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như thân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, bạch Thế Tôn , biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình có tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn ... năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này?
- Này Pahàràda, Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.
- Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này?
10. - Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám?
11. Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
12. Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Vì rằng này Pahàràda các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
13. Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, ... tánh tình bất tịnh ... và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
14. Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
15. Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
16. Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
17. Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, có nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
18. Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này ... quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
(X) (20) Ngày Trai Giới
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Ðông viên, chỗ lâu đài mẹ Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, nhân ngày trai giới, đang ngồi, có chúng Tăng đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh một đã qua, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã qua, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
2. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh giữa đã qua, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã qua, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.
3. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh cuối đã qua, rạng đông đã khởi, mặt đêm đã sáng rõ, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã qua, rạng đông đã khởi, mặt đêm đã sáng tỏ, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.
- Này Ananda, hội chúng không được thanh tịnh.
4. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna suy nghĩ như sau: "Ðề cập đến người nào, Thế Tôn đã nói: "Này Ananda, hội chúng không được thanh tịnh "? Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna, với tâm của mình, chú tâm tác ý đến toàn thể chúng Tỷ-kheo Tăng, Tôn giả thấy một người ấy là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh, đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo; thấy vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến, nói với người ấy:
- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Ðối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.
- Ðược nói như vậy, người ấy im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Mahàmoggallàna nói với người ấy:
- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Ðối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahàmoggallàna nói với người ấy:
- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Ðối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.
Lần thứ ba, người ấy im lặng.
5. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna nắm lấy cánh tay người ấy, đẩy ra khỏi cửa, đóng chốt cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người ấy đã bị con đuổi ra khỏi. Hội chúng đã thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, hãy thuyết giới bổn cho chúng Tỷ-kheo.
- Thật vi diệu thay, này Mahàmoggallàna! Thật hy hữu thay, này Mahàmoggallàna! Cho đến khi bị nắm tay, kẻ ngu sĩ kia mới đi.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy hành trì Uposatha (Bố-tát), hãy đọc giới bổn. Bắt đầu từ nay, này các Tỷ-kheo, Ta sẽ không đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, không có sự kiện, không có cơ hội rằng Như Lai có thể đọc giới bổn trong một hội chúng không thanh tịnh.
7. Này các Tỷ-kheo, trong biển lớn có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà (A-tu-la) thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng ... (như trên, Kinh số 19, từ đoạn số 2 đến số 9) ... Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà (A-tu-la) thích thú biển lớn.
Này các Tỷ-kheo, trong biển lớn có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà thích thú biển lớn.
8. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng ... (như trên 19, đoạn số 11 với những thay đổi cần thiết ) ... Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, có tám pháp vi diệu, chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ trong Pháp và Luật này.
Hết phần Phẩm 02 (Anguttara Nikāya)

(Lên đầu trang)


Chương Tám Pháp có tổng cộng 8 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.89.116.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...