Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN II : MẠC PHỦ MUROMACHI VÀ EDO

Chương I : Những chuyển biến trong xã hội quân nhân 
Tiết 1: Tổ chức cai trị của Mạc phủ Muromachi.
1.1 Việc xác định quyền uy của Shôgun: 

Trong phần II của Giáo Trình Lịch Sử Nhật Bản, trước tiên chúng ta sẽ đề cập đến công cuộc thống nhất hai triều đình Nam Bắc vốn đã phân ly trong nhiều năm do sự bất đồng về quyền thừa kế giữa nội bộ hoàng tộc. Kế tiếp ta sẽ bàn tới diễn biến chính trị của hai Mạc phủ Muromachi và Tokugawa cho đến thời điểm cuối thế kỷ 19, lúc nhà nước Nhật Bản đứng trước nguy cơ một mất một còn khi phải trả lời chấp nhận hay không yêu cầu của ngoại quốc đòi mở cửa thông thương.

Cuộc thống nhất hai triều Nam Bắc đã thành công vào năm Meitoku thứ 3 (1392) dưới thời Tướng Quân Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn, 1358-1408), người cầm quyền Mạc Phủ Muromachi trong giai đoạn 1368-1394. Năm 1368 (Ôan nguyên niên), sau khi tức vị, Yoshimitsu đã dẹp yên cuộc nội chiến kéo dài cho đến lúc đó, thực hiện sự hòa giải giữa hai triều đình. Ông đặt Kyôto, trung tâm công thương nghiệp cả nước thời bấy giờ, dưới sự quản lý của mình. Đồng thời ông đã dành được quyền trưng thu một thứ thuế tạm thời gọi là tansen (đoạn tiền, đoạn (tan) là đơn vị đo đạc = 991,7 m2) đánh vào đồng ruộng ở các tiểu quốc địa phương để bù đắp kinh phí tổ chức lễ tức vị cho thiên hoàng, kiến tạo cung điện trong đại nội và sửa sang Thần cung Ise, nơi tế tự của hoàng tộc. Như thế, Yoshimitsu đã tước đoạt cái quyền mà xưa nay gia đình Thiên Hoàng xem như là của riêng họ. Đặt được hoàng gia dưới tay mình thì Mạc Phủ Muromachi đã có khả năng thành lập và xác định được một chính quyền thống nhất trên cả nước. Sự kiện này là tiền đề chúng ta nên chấp nhận trước khi muốn bàn xa hơn.

Tuy nhiên, cần biết thêm là lúc đầu, tại sao Mạc phủ lại mang tên Muromachi.Thực ra vào năm 1378 (Eiwa 4), Shôgun Yoshimitsu đã cho kiến tạo phủ đệ của mình trong vùng Muromachi (Thất Đinh) ở Kyôto và cho trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ (Muromachi còn có mỹ xưng là hana no gosho tức khu dinh thự đầy hoa) [1]. Từ nơi đây, ông bắt đầu thực hiện chính trị của mình.Nếu chúng ta nhìn bức bình phong mang tên Rakuchuu rakugaizu byôpu (Lạc trung lạc ngoại đồ bình phong) (Lạc có nghĩa là kinh đô như thành Lạc Dương bên Trung Quốc), một tác phẩm mỹ thuật gồm nhiều bức [2], được vẽ ra trong khoảng thời Muromachi cho đến thời văn hóa Momoyama (Đào Sơn), ghi lại cảnh tượng bên trong và bên ngoài thành phố Kyôto, thì mới thấy nơi sinh hoạt của Yoshimitsu không xa đại nội nơi thiên hoàng sống bao nhiêu. Chẳng những thế, phủ đệ này lấy cảm hứng từ lối kiến trúc thời vương triều và qui mô của nó còn vượt hẳn chỗ ở của thiên hoàng.
 

Sự kiện chính trị dưới thời Shôgun Ashikaga Yoshimitsu (1358-1408) [3]
Năm Sự kiện nổi bật
1368 Shôgun đời thứ 2 Yoshikakira mất, Yoshimitsu (11 tuổi) kế vị. Trên thực chất, chức kanrei (quản lãnh) là Hosokawa Yoriyuki nắm quyền.
1378 Yoshimitsu dời dinh về Hana no gosho (Hoa ngự sở) ở Muromachi
1379 Shôgun lật đổ, bãi chức của Hosokawa và thi hành chính sách độc tài.
1383 Mạc phủ giành được quyền thu các thuế ruộng và thuế nóc gia. 
1385 Mạcphủ lại nắm quyền cảnh sát và thủ bị kinh đô Kyôto.
1390 Loạn do nội tình gia đình họ Toki ở Ise. Thảo phạt Toki Yasuyuki.
1391 Loạn năm Meitoku ở San.in. Bị thảo phạt, Yamana Ujikiyo bại tử.
1391 Yoshimitsu thống nhất được hai triều đình Nam Bắc.
1393 Giành được quyền thu thuế kho hàng và quán rượu-tiệm cầm đồ.
1394 Yoshimitsu nhượng vị cho Yoshimochi (chức vụ mạc phủ), lên làm Daijôdaijin (chức vụ triều đình) để thực thi "công vũ hợp nhất" giữa công khanh và vũ gia.
1395 Yoshimitsu xuất gia, pháp danh Dôgi (Đạo Nghĩa). Bãi chức Thủ hiến Kyuushuu của Imagawa Ryôshun vì sợ thế lực ông này quá mạnh.
1399 Loạn năm Ôei ở vùng Nagato-Suô. Ôuchi Yoshihiro bại tử.
1400 Thảo phạt Imagawa Ryôshun. Ryôshun được cho về ở ẩn.
1401 Yoshimitsu gửi sứ sang nhà Minh ngoại giao
1402 Yoshimitsu nhận sắc phong chức Quốc vương Nhật Bản từ nhà Minh
1404 Bắt đầu mậu dịch kangô (khám hợp) với nhà Minh.
1406 Vợ Yoshimitsu là Hinoyasuko trở thành mẹ đỡ đầu Thiên hoàng
1408 Muốn tiếm vị, Yoshimitsu ngồi ngang vai với Thiên hoàng trong các buổi lễ.Tuy nhiên, sau khi Yoshimitsu chết, Yoshimochi phủ định sự nghiệp của cha.

Điều đó chứng tỏ rằng trong thời đại Muromachi, giai đoạn Yoshimitsu giữ chức Shôgun, là lúc mà quyền uy của nhà chúa lên đến cực điểm. Bởi vì bản thân Yoshimitsu đã nắm chức quan trọng nhất trong triều đình là Daijôdaijin (Thái chính đại thần), một điều chỉ có quyền thần Taira no Kiyomori đạt được trước đó.Ngay sau khi Yoshimitsu xuất gia nhượng lại chức Shôgun rồi, quyền uy của ông đối với mạc phủ lẫn triều đình vẫn còn nguyên vẹn.

Nền văn hoá tỏa sáng trong giai đoạn này là văn hóa Kitayama (Bắc sơn). Đó là tên một khu vực ở Kyôto nơi ông có phủ đệ lúc nghĩ hưu.Yoshimitsu đã dùng quyền lực đã được ổn định của mình làm hậu thuẫn cho việc phát triển mọi lãnh vực từ học vấn, tôn giáo cho đến nghệ thuật mới được hồi sinh trở lại. Có thể nói ông đã biết đóng vai trò của một người bảo vệ văn hóa đúng nghĩa.

Nếu muốn tóm tắt đặc sắc của văn hóa Kitayama này trong một câu, ta có thể nói đó là một nền văn hóa qui tụ và điều hòa được cái hay cái đẹp của hai thứ văn hóa công khanh và vũ gia. Tượng trưng cho sự hòa hợp đó là ngôi gác dát vàng gọi là Kinkakuji (Kim Các Tự) dựng trong khuôn viên khu vực biệt thự của Yoshimitsu nằm ở khu Kitayama (Bắc sơn) [4]. Qua cái gác dát vàng này, ta vừa thấy phong cách kiến trúc shindenzukuri (xây cất kiểu tẩm điện) có tính truyền thống mà xã hội công khanh đã phát triển tài bồi cho đến lúc ấy, lại vừa thấy phong cách Zenshuuyô (chùa Thiền) vốn được giới vũ sĩ yêu chuộng. Chính vì thế, Kinkakuji mới được ca tụng là kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ văn hoá Kitayama.


Kinkakuji, tượng trưng cho kiến trúc văn hóa Bắc Sơn (Kitayama)
Bảng tóm lược về văn hoá Bắc Sơn (Kitayama) [5]

(kéo dài từ cuối thế kỷ 14 sang đầu thế kỷ 15)

Đặc điểm -Đã phát triển dưới thời Shôgun thứ 3 Ashikaga Yoshimitsu

-Chủ yếu là văn hoá Thiền tông đã được áp dụng vào nhiều lãnh vực.

-Thơ văn chữ Hán phát triển qua trứ tác, dịch thuật và xuất bản.

-Nhờ thuyền buôn, tiếp thu văn hóa Trung Quốc nhà Minh.

Kiến trúc Kim các của Lộc Uyển Tự (Rokuonji Kinkaku) [6] với kiến trúc lối tẩm điện và mang màu sắc Thiền tông.

-Đông kim đường và Tháp năm tầng chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) xây lại năm 1425-1426 từ chùa cũ có từ năm 726-730 lại mang màu sắc Nhật Bản (Wayô = Hòa dạng). 

Viên đình Vườn của Rokuonji (Lộc Uyển Tự)
Tôn giáo Hoàn thành chế độ Ngũ sơn thập sát ở Kyôto, Kamakura cũng như hệ thống chư sơn.
Hội họa -Kanzan Jittoku zu (Hàn Sơn Thập Đắc đồ) của Shuubun (Chu Văn) 

-Hyônenzu (Biều niêm đồ) của Jôsetsu (Như Chuyết) ở Taizôin (Thoái Tàng Viện) thuộc Myôshinji (Diệu Tâm Tự).

Keìn shôchikuzu (Khê âm tiểu trúc đồ) tương truyền của Minchô (Minh Triệu) ở Konchiin (Kim địa viện) chùa Nanzenji (Nam Thiền Tự). 

Văn học -Văn học Gozan (Ngũ sơn) với các cao tăng kiêm văn nhân như Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín) và Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân).

-Ấn bản Gozan (kinh, truyện, thi ca) phổ biến.

Nghệ thuật -Sarugaku (Viên nhạc) trở thành Nôgaku (Năng nhạc) (Tuồng Nô phát triển nhờ 4 rạp lớn Yamato shiza: Kanzei, Hôshô, Konbaru và Kongô).

-Các đại sư (nhà lý luận, thầy tuồng kiêm diễn viên) Kan.ami (Quán A Di), Zeami (Thế A Di).

-Tác phẩm lý luận Fuushikaden (Phong tư hoa truyền) của Zeami.

Kim các của Rokuonji (Lộc Uyển Tự) đã được mọi người coi như chính Rokuonji bởi vì sau khi Shôgun tạ thế, một phần lớn kiến trúc trong quần thể gồm biệt thự và tự viện đã mai một. Cái gác vàng đương thời hãy còn tồn tại cho đến sau Đệ Nhị Thế Chiến nhưng vào năm 1950, nó đã bị thần hỏa thiêu rụi và được xây lại vào năm 1955.

Cũng vào dưới thời Yoshimitsu, ông đã xây một ngôi chùa dành để cúng tế vong linh (bodaiji = bồ đề tự) cho dòng họ Ashikaga của mình. Đó là Shôkokuji hay chùa Tướng quốc. Từ ấy về sau, nhiều chùa Thiền được xây lên theo chế độ kanji (quan tự ) tức chế độ "chùa nhà nước" mô phỏng cách thức Nam Tống. Chùa Thiền ở hai vùng Kamakura và Kyôto được gọi theo chế độ Gozan jissatsu hay "Ngũ sơn thập sát" [7] bên Trung Quốc và tầm quan trọng của nó được qui định từ lớn đến nhỏ. Nhìn lại những gì xảy ra vào lúc đó, ta mới thấy ảnh hưởng các chùa Thiền đến chính trị và văn hóa thời ấy thật vô cùng to tát. Trong số những ngôi chùa quan trọng, trước tiên phải kể đến Ngũ sơn, rồi sau mới tới Thập sát [8].

Ngũ sơn của vùng Kyôto: Nanzenji (Nam thiền tự) (đứng riêng và cao hơn cả), Tenryuuji (Thiên long tự), Shôkokuji (Tướng quốc tự), Kenninji (Kiến nhân tự), Tôfukuji (Đông phúc tự), Manjuji (Vạn thọ tự).

Ngũ sơn của vùng Kamakura: Kenchôji (Kiến trường tự), Engakuji (Viên giác tự), Jufukuji (Thọ phúc tự), Jôchiji (Tịnh trí tự), Jômyôji (Tĩnh diệu tự).

Thử nêu lên một ví dụ về những chùa Thiền và Thiền tăng đã đóng vai trò trung tâm của văn hóa Kitayama. Trong lãnh vực hội họa chẳng hạn, đó là những vị họa tăng như Minchô (Minh Triệu), Josetsu (Như Chuyết), Shuubun (Chu Văn) đã có công gây dựng một lối vẽ tranh thủy mặc nói lên được cái tâm cảnh (cảnh địa) của thiền gia. Tác phẩm tiêu biểu của mỗi người thì phải kể đến Gohyaku rakanzu (Ngũ bách La Hán đồ) tức tranh vẽ 500 vị La Hán của Minchô, Hyonenzu (Biều niêm đồ) tranh bắt cá namazu (một loại cá trê) bằng nơm của Josetsu [9] và Kanzan Jittokuzu (Hàn Sơn Thập Đắc đồ) vẽ hai thi tăng kỳ dị Hàn Sơn và Thập Đắc đời Đường.


Hyonenzu (Biều niêm đồ) của Josetsu (Như Chuyết)

Hoạt động của phái Gozan (Ngũ sơn) như thế kết hợp rất chặt chẽ với quyền trung ương Mạc phủ. Còn những người không thích dính líu với quyền lực, muốn tự do tu hành và hoạt động khuyến giáo cho dân chúng thì phải tìm về địa phương. Đó là những chùa rinka (lâm hạ). Điều đó có nghĩa họ không phải là "tùng lâm" như các chùa nhà nước mà còn ở hạng dưới thấp (hạ) nữa. Một chùa như Daitokuji (Đại đức tự) chẳng hạn, lúc đầu là một trong nhóm Gozan, ngang hàng với Nanzenji (Nam thiền tự) nhưng sau khi nhà sư phóng khoáng Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần, 1394-1481) xuất hiện và xây dựng lại nó từ trên đổ nát thì đã trở thành một chùa rinka, nhưng là một rinka nổi tiếng.
 

Ngũ Sơn và Nhất Hưu [10]

Nói đến Ngũ Sơn và Nhất Hưu tức là bàn về vần đề "tri thức" của thời đại Muromachi. Ngũ Sơn, đọc theo âm Nhật là Gozan, có nghĩa là năm ngôi chùa (sơn) sắp theo thứ tự trên dưới trong hệ thống chùa chiền của tông Lâm Tế (Rinzai).Thời Mạc phủ Kamakura tông Lâm Tế cũng đã được trọng vọng và hệ phái này đã có mặt với Kiến Trường Tự và Viên Giác Tự rồi, thế nhưng lúc ấy vì áp lực của hai phái Thiên Thai và Chân Ngôn quá mạnh, Thiền Lâm Tế chưa có thể tổ chức thành Ngũ Sơn. Đến đời Thiên Hoàng Go Daigo thì ở Kyôto mới có Ngũ Sơn ở Kyôto khi hai ngôi chùa "lớn nhất trong thiên hạ" là Nam Thiền Tự (do Thiên hoàng Kameyama) và Đại Đức Tự (nơi Thiên hoàng Go Daigo đến khấn nguyện) được lập ra. Lúc chính quyền vũ gia của họ Ashikaga đóng vai trò chủ đạo thì Shôgun đời thứ 3 Yoshimitsu đã hoàn tất được hệ thống Ngũ Sơn của cả Kamakura và Kyôto. Hệ phái các trụ trì Gozan đều là tăng chúng môn đồ của Musô Shoseki (Mộng Song Sơ Thạch), người đã qui y cho Shôgun đời thứ nhất là Takauji. Ngoài Ngũ Sơn còn có thập sát, tất cả là những quan tự, chịu sự bảo hộ của mạc phủ. Như thế, từ đó, phía triều đình và công khanh đã mất đi quyền quản lý tôn giáo cũng như cả giới trí thức vì đương thời, các cao tăng đều là những người tài cao, học rộng. Hệ thống Ngũ Sơn cho phép các thiền tăng nếu chuyên chú tu hành và học tập, có thể mở mặt với đời một khi leo được từ địa vị ở chư sơn lên đến ngũ sơn thập sát và đạt tới thượng đỉnh khi thành người trụ trì Nam Thiền Tự, ngôi chùa đứng cao nhất trong hệ thống. Lịch sử cho thấy các tăng lữ trong hệ thống Ngũ Sơn đều là những trí thức ưu tú và từng có cơ hội tham dự vào việc nội trị lẫn ngoại giao bên cạnh nhà nước.

Thiền cũng như Chu Tử học đều đến từ Trung Quốc. Nhiều thiền gia cũng quan tâm đến vấn đề tri thức, trung tâm của triết học Nho giáo. Các tăng sĩ Ngũ Sơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự hưng thịnh của việc nghiên cứu Chu Tử học dưới thời Edo về sau. Họ giỏi Hán văn, biết làm Hán thi, thông hiểu kinh điển, rành rẽ các thể văn thuyết pháp và ca tụng công đức (pháp ngữ và tán). Họ cũng trước tác nhiều tác phẩm cũng như phụ trách việc in ấn, phát hành chúng (Ngũ Sơn bản). Như thế, anh hưởng văn hoá của họ đã lan rộng đến các giới thương nhân, vũ sĩ và cả nông dân ở các tổng thôn nghĩa là mọi tầng lớp năng động trong xã hội.

Trong Ngũ Sơn, đặc biệt nổi tiếng hơn cả là phái Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) với tăng Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín, 1325-1388) và phái Kenninji Nanzenji (Kiến Nhân Tự Nam Thiền Tự) mà Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân, 1336-1405) giữ vị trí trung tâm. Đặc biệt phái Shôkokuji chú trọng về thơ. Shuushin cũng là học trò của Musô Soseki, đã thu thập thơ Tống Nguyên thành tập Jôwashuu (Trinh Hòa tập), tự mình cũng có thi tập riêng là Kuuwashuu (Không hoa tập). Ông cũng ghi chép lại những lời dạy dỗ của thầy mình trong Kuuwa Nichiyô Kuufu Ryakushuu (Không hoa nhật dụng công phu lược tập). Phiá Kenninji Nanzenji thì giỏi về văn tứ lục biền ngẫu chữ Hán Chuushin là người đồng hương và cùng theo học một thày (Musô Soseki) với Shuushin. Ông từng du học bên nhà Minh, khi về nước, cũng có thời sống ở Shôkokuji. Ông có tập thi văn chữ Hán nhan đề Shoukenkô (Tiêu Kiên Cảo).

Thế nhưng bên cạnh tăng lữ Ngũ Sơn còn có một tăng sĩ, tuy đạt đến đỉnh cao danh vọng trong hàng giáo phẩm nhưng là một nhân cách khác phàm, và cũng vì đó, gây nhiều tranh cãi. Đó là Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần, 1394-1481), hiệu Cuồng vân tử. Tương truyền ông là hòn máu rơi của Thiên hoàng Komatsu, vì hoàn cảnh đặc biệt đã được gửi vào An Quốc Tự tu từ năm 6 tuổi, suốt thời thanh niên tu hànhkhắc khổ nghiêm cẩn. Sau ông tìm đến Daitokuji (Đại Đức Tự, bị loại ra ngoài hệ thống Ngũ Sơn), theo học với Hòa thượng Kasô (Hoa Tẩu). Tuy nhiên càng tiếp xúc với cái tri thức Lâm Tế chính truyền, ông càng thấy sự trụy lạc tinh thần, bán rẽ tư tưởng nhà Thiền của họ. Không chịu nổi sự ngụy thiện của những đàn anh như Yôsô (Dưỡng Tẩu), ông phê phán kịch liệt họ rồi giả điên (phong cuồng), chọn con đường Thiền tại gia và sống bình thường thay cho cách tu theo lối xuất gia gò bó trong chủ trương cấm dục. Tri thức về Thiền của ông phóng khoáng, mới mẻ, đã ảnh hưởng đến tinh thần sáng tạo của các trà sư như Murata Shuukô và các soạn giả tuồng Nô như Konparu Zenchiku.

Thi tập Cuồng vân tập (Kyôunshuu) của ông được xem như cuốn Thiền ngữ lục bằng thơ dù không thiếu những bài có chủ đề gần xa với tính dục. Thêm vào đó, mối tình lúc cuối đời với nữ thị giả Mori (xuất thân là một con hát mù) mà ông không cần che dấu, chứng tỏ tâm hồn thoát tục và phá chấp của ông.


Ikkyuu (Nhất Hưu), con người kỳ dị

1.2 Cơ cấu chính trị Mạc phủ Muromachi: 
 

Sơ đồ cơ cấu tổ chức Mạc phủ Muromachi

Shôgun (Tướng Quân)
__________________|___________________

|
|
Địa Phương
Trung Ương
1- Shugo (Thủ hộ) à Jitô (Địa đầu)

2- Ôu tandai (Áo Vũ thám đề) phủ thủ hiến cai trị vùng Ôu (Đông Bắc)

3- Mutsu tandai (Áo châu thám đề) phủ thủ hiến cai trị vùng Mutsu (ở Đông Bắc) và để chống đối lực lượng Nam triều miền Mutsu.

4- Kyuushu tandai (Cửu châu thám đề) phủ thủ hiến cai trị Kyuushuu.

Kanrei (Quản lãnh) à trong đó có Sankanrei (Tam quản lãnh) ở trung ương.

|

1- Monchuujo (Vấn chú sở) có quan Shitsuji (chấp sự) coi việc văn thư và điều tra. 

2- Samuraidokoro (Thị sở) có quan Shoji (Sở ty) coi việc cảnh bị Kyôto và hình sự.

3- Mandokokoro (Chính sở) có quan Shitsuji (Chấp sự) coi về hành chính, tài chính của nhà chúa)

4- Hyôjôshuu (Bình định chúng) à Hikitsukeshuu (Dẫn phụ chúng) lo việc diều tra tố tụng các lãnh địa)

5- Hôkôshuu (Phụng công chúng) Nha sảnh do Shôgun trực tiếp cai quản, lo việc hộ vệ và quản lý phủ chúa. 

5- Vùng đặc biệt: Kamakura-fu (Phủ Kamakura), nơi đây có đại diện Shôgun là Kamakura Kubô quản hạt 10 tiểu quốc à Kantô Kanrei (Quan đông quản lãnh) phụ tá cho Kubô, người đại diện Shôgun à Bốn cơ sở coi về tố tụng (hyôjô), cảnh bị (samurai), hành chính (mandokoro), điều tra và quản lý văn thư (monchuu).

Người trông coi Phủ Kamakura được xem như lãnh đạo một triều đình nhỏ ở miền Đông, thường có liên hệ huyết tộc gần với Shôgun, chức danh là Kamakura kubô (công phương). Vùng ông ta cai quản gồm 10 tiểu quốc (ngoài 8 tiểu quốc của vùng Kantô còn thêm hai vùng Izu và Kai). Người giữ chức Kantô Kanrei phụ giúp Kamakura kubô, được thế tập trong vòng dòng họ Uesugi (họ hàng nhà Shôgun). Còn ở trung ương thì ba vị Kanrei hay sankanrei - "tam quản lãnh" - được chỉ định từ ba gia đình thế thần Hosokawa, Shiba và Hatakeyama để thay phiên nhau giúp Shôgun như thủ tướng. Coi việc cảnh bị cũng là đặc quyền giữa 4 dòng họ Akamatsu, Isshiki, Yamana và Kyôgoku mà thôi.

Chúng ta đã bàn qua về tổ chức chính quyền và hoạt động văn hóa, đặc biệt là dạng thức văn hóa Kitayama, dưới thời Shôgun Yoshimitsu. Sau đây ta sẽ xác nhận một lần nữa về tổ chức cơ cấu chính trị thấy trong sơ đồ ở phía trên.

Trước tiên, ở trung ương, nhà chúa thiết lập một chức Kanrei (Quản lãnh) để phụ tá mọi việc cho Shôgun và đây là chức danh cao nhất sau ông. Người kanrei này cai quản cả việc cảnh bị của cơ quan Samuraidokoro lẫn việc hành chính của Mandokoro.Ngoài ra, đối với việc phòng thủ các tiểu quốc, Kanrei cũng sẽ là người truyền đạt các mệnh lệnh của Shôgun. Như thế, kanrei giữ vị trí trung tâm của chính quyền Mạc phủ.

Kẻ đạt được đến địa vị cao cả đó phải là người một trong 3 chi của nhà Ashikaga, đó là họ Hosokawa, Shiba và Hakateyama, tục gọi là sankanrei (tam quản lãnh). Họ thay nhau kế nhiệm vào chức ấy. Đó là những shugo (thủ hộ = như tổng binh) có thực lực. Họ Hosokawa chẳng hạn, đã nắm chức shugo các vùng Settsu, Tanba, Sanuki, Awa, Tosa, Iyo ...nói chung là chung quanh kinh đô và trên đảo Shikoku gần đó. Họ Shiba là shugo các vùng Echizen, Owari, Tôtômi, Mutsu, Dewa ...nghĩa là miền đông và vùng phía bắc đảo Honshuu.Còn như họ Hatakeyama thì họ nắm giữ các phần đất Etchuu, Noto, Kawachi, Hyuuga, Izu ...rải rác từ miền trung Nhật Bản đến đảo Kyuushuu.Trong một chế độ bố trí các shugo vốn rất phức tạp, 3 họ nói trên đã chiếm 3 vị trí địa lý chính trị (geopolitics) vô cùng quan trọng.

Nhân đây cũng xin nhắc lại rằng chức danh shugo (thủ hộ) đã có tự thời Kamakura.Mục đích mạc phủ đặt ra chức ấy là -như cái tên của nó cho biết - nhằm duy trì trị an ở từng địa phương (tiểu quốc) trên toàn cõi. Tuy về danh nghĩa, shugo thời Muromachi không khác shugo đời trước bao nhiêu nhưng trên thực tế, quyền hành của họ ở bên trong vùng đất được ủy nhiệm trông coi thì lớn hơn nhiều. Chẳng hạn cho đến lúc đó, nhà nước chỉ qui định họ có quyền xử lý daihan sankajô (đại phạm tam cá điều) tức ba tội trọng thì nay, họ được gia thêm quyền xét đến hai tội trọng khác. Một là karita rôzeki (ngải điền lang tịch [11]) tức là hành động tự tiện đi cắt lúa trên một đám ruộng còn đang trong thời kỳ tranh chấp chưa ngã ngũ.Hai là shisetsujungyô (sứ tiết tôn hành) tức là quyền hạn ban cho shugo để chấp hành một cách cưỡng chế một quyết định tài phán nào đó đến từ mạc phủ. Hơn nữa về lãnh quốc tức là địa phận mà họ có nhiệm vụ thủ bị thì quyền quản hạt ấy từ nay trở đi sẽ được truyền từ đời nọ sang đời kia cho người trong gia đình họ theo chế độ thế tập. Do đó, thông thường khi người viết sử muốn phân biệt chức shugo thời Muromachi với chức shugo thời Kamakura thì họ dùng chữ shugo daimyô (thủ hộ đại danh = vừa giữ chức thủ bị vừa là chủ nhân ông của lãnh địa) để gọi những vị shugo mới mẻ này.

Thế rồi, dưới quyền lãnh đạo của chức Kanrei, Mạc phủ Kamakura đã rập theo khuôn mẫu của những người tiền nhiệm thời Kamakura để dựng lên một cơ cấu hành chánh và quan liêu. Trước tiên, để trông coi việc binh, họ cũng đặt một Samuraidokoro (Thị sở). Sở này còn có nhiệm vụ thống suất các samurai, lo việc bảo vệ và tài phán về mặt hình sự ở kinh đô Kyôto và kể từ năm 1353 (Bunna 2) trở đi, kiêm cả việc thủ bị tiểu quốc Yamashiro tức vùng ngoại vi kinh thành. Phận sự kiêm nhiệm việc thủ bị vùng Yamashiro là một điểm cần đặc biệt chú ý. Người đứng đầu Samuraidokoro có danh hiệu là Shoshi (Sở ty), còn có cách gọi khác là Mandokoro-tônin (tônin = đầu nhân, người đứng đầu). Dưới thời Mạc phủ Muromachi, đã có tập quán là người được bổ vào chức này phải nằm trong 4 tộc (giống như có 3 tộc được đặc quyền thay phiên giữ chức Kanrei). Ấy là các tộc Akamatsu, Isshiki, Yamana và Kyôgoku. Người ta thường gọi những người đứng ở vị thế nói trên (Kanrei và Mandokoro-tônin) là Sankanshishiki (Tam quản - tứ chức). Xin nhắc lại là chức kanrei nằm trong tay 3 tộc khác (Hosokawa, Shiba và Hatakeyama) chứ không phải 4 họ này.

Có thể nói Mạc phủ Muromachi là một chính quyền tập đoàn hình thành từ sự liên kết của các shugo. Hệ luận của việc này là những shugo có thế lực và đặc quyền chiếm giữ những chức vụ trọng yếu đều không thường trú ở các địa phương mình lãnh đạo mà phải có mặt ở Kyôto bên cạnh Mạc phủ để theo dõi chính vụ. Công việc quản lý trực tiếp tiểu quốc họ quản lãnh (từ nay xin tạm dùng chữ "lãnh quốc" cho gọn) thì đã có người đại diện hay đại lý là chức shugodai (thủ hộ đại). Thế nhưng việc vai chính đi xa và vai phụ nắm quyền sẽ trở thành - rồi như ta sẽ thấy - mầm mống của những cuộc nội loạn. Điều này có nghĩa là một khi shugo rời lãnh quốc thì người shugodai ở lại giữ nhà cho ấm chỗ (có tên nôm na là "người trong nước" (quốc nhân, đọc là kokunin hay kokujin) sẽ có khuynh hướng bành trướng thế lực riêng của mình và trở thành nhân vật quan trọng hơn hết của địa phương.

Ngoài ra, việc trông coi tài chánh của Mạc phủ đặt dưới quyền của Mandokoro (Chính sở) mà người trưởng quan của nó có tên là Shitsuji (Chấp sự) cũng chỉ được cho thế tập trong giới hạn trong một họ Ise mà thôi. Việc ký lục và tố tụng thì nằm dưới sự kiểm soát của Monchuujo (Vấn chú sở). Trưởng quan tức chấp sự của sở này phải là người họ Miyoshi, một gia đình có truyền thống thế tập từ đời Kamakura. Cũng nhắc lại một điều đã nói đến bên trên là sự hiện hữu của hai tổ chức Hyôjôsho (Bình định sở) và Hikitsukeshuu (Dẫn phụ chúng) ở cấp hành chánh trung ương.

Thứ đến, xin trình bày về tổ chức chính quyền địa phương. Địa phương mà Mạc phủ coi trọng nhất dĩ nhiên là chỗ xuất phát của chính quyền vũ gia, không chi khác hơn là Kamakura. Cho nên Mạc phủ đã đặt ra Kamakura-fu (fu= phủ) để cai trị tám tiểu quốc của vùng Kamakura (Quan đông) gọi là Kanhasshuu (Quan bát châu) cộng thêm hai phần đất liên hệ là Izu và Kai thành ra 10 (thập quốc) (Về sau còn gia thêm vào đó hai tiểu quốc khác miền Đông Bắc là Mutsu và Dewa). Người trưởng quan của Kamakura-fu có tên là Kamakura kubô (kubô = công phương).

Kubô (công phương) là danh hiệu xưa kia dùng để chỉ "triều đình". Dưới thời Muromachi, nó được dùng mỗi khi nói về Shôgun. Trưởng quan ở Kamakura-fu chắc cũng được coi như đại diện tại chỗ của triều đình nên mới mang danh hiệu như vậy. Dám có danh hiệu giống như Shôgun thì người đứng đầu Kamakura-fu phải là một nhân vật quyền quí và thân cận với nhà chúa biết nhường nào. Thực thế, trưởng quan đầu tiên ở Kamakura không ai khác hơn là Ashikaga Motouji (Túc Lợi Cơ Thị, 1340-1367), con trai của Shôgun đời thứ nhất Takauji.Sau đó chức Kamakura kubô này được truyền xuống cho con cái cháu chắt của Motouji. Riêng về người được đặc quyền phụ tá cho Kamakura kubô thì được gọi là Kantô kanrei (Quan Đông quản lãnh). Chức này lại là độc quyền đời đời của gia đình Uesugi. Nguồn gốc họ Uesugi là họ Fujiwara. Thời xưa, gia đình quí tộc Fujiwara có người tên Shigefusa (Trọng Phòng) xây một gia trang tên Uesugi-shô (Thượng Sam trang) [13] ở Ikaruga thuộc Tanba. Sang thời Mạc phủ Kamakura thì ông ta theo chân Hoàng thân Munetaka (Tướng quân đời thứ 6) [[14] vào dất Kantô mà lập nghiệp, lấy họ Uesugi. Shigefusa đã gả cháu nội là Uesugi Seishi (hay Seiko, Thanh tử) cho họ Ashikaga và bà này chính là mẹ của anh em Takauji và Naoyoshi. Do đó liên hệ giữa hai gia đình rất mật thiết. Kể từ khi Uesugi Noriaki (Hiến Hiển) giữ chức Kantô kanrei vào năm 1363 (Jôchi 2) thì tước ấy được thế tập. Nhân đây cũng xin báo trước là kể từ khi Uesugi Noriaki lãnh chức Kantô kanrei thì trong những người thừa kế của ông đã nẩy ra một cuộc tranh chấp nội bộ kéo dài nhiều thế hệ giữa một bên là họ Uesugi cánh vùng Yamanouchi và một bên là họ Uesugi cánh vùng Ôgigayatsu.

Nhân vì Mạc phủ lần này thành lập ở Muromachi thuộc Kyôto, việc cai trị vùng đất cũ là nơi căn cứ địa của chính quyền vũ sĩ đã phải đặt trọn vào tay Kamakura-fu. Do đó, phủ ấy có một tổ chức đồng dạng và quyền hạn rất lớn, ngang ngửa với Mạc phủ. Trên thực tế, sự kiện này đã là cơ hội làm cho đôi khi bùng lên các cuộc xung đột giữa phân phủ Kamakura với Mạc phủ ở Kyôto.

Năm 1438 (Eikyô 10), việc phải đến rồi cũng đến. Người cầm đầu phân phủ Kamakura là chức Kubô Ashikaga Mochiuji (Túc Lợi Trì Thị, 1398-1439) xưa nay vốn đã không ăn ý với Mạc phủ ở Kyôto, tỏ ra muốn chống đối Shôgun đời thứ 6 là Ashikaga Yoshinori (Nghĩa Giáo, tại chức 1429-1441, con trai Yoshimitsu). Yoshinori liền hạ lệnh thảo phạt. Năm sau Motouji đã phải tự sát. Sử chép đó là cuộc loạn năm Eikyô (Eikyô no hen). Lợi dụng việc này, họ Uesugi đang giữ chức Kantô kanrei đã bành trướng thế lực của mình. Đây cũng là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt.


Di tượng Shôgun Yoshinori, nhà lãnh đạo nổi tiếng hung bạo

Ngoài ra vào thời này, về tình hình cai trị ở địa phương thì vùng Mutsu (Lục Áo) được đặt dưới quyền quản lý hành chánh của Ôshuu tandai (Áo châu thám đề), trong khi đó Ushuu (Vũ châu thám đề) là một tổ chức mới tách ra khỏi Ôshuu tandai để trông coi vùng Dewa (Xuất Vũ). Ở Kyuushuu thì cũng đã có Kyuushuu tandai cai quản như một phủ thủ hiến trên đảo.

Còn ở các tiểu quốc thì vẫn như xưa là có shugo coi việc thủ bị trong vùng và các jitô lo việc quản lý trang viên. Đó là những chức quan cai trị trực tiếp ở địa phương. Mạc phủ đặc biệt ra sức chu toàn việc đặt các chức shugo. Chung quanh Kyôto và vùng Kinki bao bọc nó, shugo hầu như phải là những người đồng tộc của nhà Ashikaga để bảo đảm sự an toàn và ổn định cho chính quyền.Ngoại lệ chỉ có một số họ bề tôi thân tín như Akamatsu và Toki... là cùng. Tuy phải nhắc đi nhắc lại một điều đã có lần nói đến bên trên nhưng quả thật, Mạc phủ Muromachi nếu sống còn được chỉ là nhờ sự ủng hộ và hiệp lực của các shugo mà thôi.

1.3 - Sức mạnh quân sự và kinh tế của Mạc phủ.

Sau đây chúng ta thử tìm hiểu sức mạnh quân sự và kinh tế của Mạc phủ. Không phải cứ hễ Mạc phủ thành hình là kinh tế ổn định ngay được. Vả lại sức mạnh quân sự cũng không có thể củng cố một sớm một chiều.Do đó, sự chỉnh đốn quân sự và kinh tế vào buổi đầu là một công việc có tính quyết định của chính trị Mạc phủ.

Trước tiên, hãy thử ghé mắt nhìn vào tình hình tài chính của Mạc phủ vốn do cơ quan tên là Mandokoro (Chính sở) trông coi. Về cơ bản mà nói, tài chánh là một lãnh vực Mạc phủ trực tiếp quản lý, do một tổ chức riêng gọi là Goryosho (Ngự liệu sở) chấp hành, gồm việc trưng thu các nguồn lợi từ tuế cống (hay nengu = niên cống), công sự (kuji), phu dịch (fuyaku).Các nguồn lợi này là bộ phận căn bản của thu nhập đối với Mạc phủ. Tuy nhiên để có đủ phương tiện vận hành bộ máy cai trị trên toàn quốc, bấy nhiêu nguồn lợi chưa thấm vào đâu cả.Chúng ta sẽ không lấy gì làm lạ khi thấy mạc phủ còn nghĩ thêm nhiều cách khác.

Một nguồn tài nguyên quí giá của Mạc phủ là tiền phụ đảm (buntankin = phân đảm kim) mà các shugo phải chia nhau đóng góp và các món tiền thuế (fukakin = phú khoá kim) đến từ các jitô và các go-kenin. Các loại nguồn lợi phụ ấy có tên như sau đây:

-Thuế nhà kho, thuế quán rượu: Ở Kyôto có các nhà kho cho thuê giá cao và các tiệm rượu làm thêm nghiệp vụ cầm đồ. Thuế này đánh vào tiền thu từ việc cho mướn kho hàng và các món đồ đem cầm cho các tiệm rượu cũng như số hủ rượu trong tiệm rượu. Tuy nhiên người phải nạp thuế là các chủ nhà kho cỡ lớn và tập thể các tiệm rượu. Những nhóm người này có danh hiệu là nôsenkata (nạp tiền phương = người nộp tiền thuế). Hai loại thuế ấy gọi là kurayaku (thuế nhà kho) hay sakayayaku (thuế quán rượu). Đáng lý ra phải phân biệt yaku (= dịch, tiền trưng thu, duty) là trường hợp của họ với zei (thuế = tax), nhưng xin gọi chung là thuế cho gọn.

-Thuế thông hành: thu tiền khách qua đường ở những trục giao thông. Nếu là cửa ải thì gọi là sekisen (quan tiền) vì quan có nghĩa là cửa ải. Tsuryô (tân liệu) nếu là bến vì tân có nghĩa là bến.

-Thuế diện tích ruộng: Gọi là tansen (đoạn tiền) vì đơn vị đo diện tích ruộng ngày xưa gọi là tan (đoạn), mỗi tan là 991,7m2. Thuế này thu tạm thời (không phải là một loại thuế vĩnh viễn) và áp dụng cho tất cả các loại ruộng từ công đến tư (cả công lãnh trang viên). Vì thuế được đánh một cách bình đẳng như thế nên có tên ikkoku heikinyaku (nhất quốc bình quân dịch).

-Thuế nóc gia : Mỗi nóc gia đều phải đóng thuế riêng. Tên Nhật gọi là munabetsuzen (đống biệt tiền). Đống (mune, muna) nghĩa là nóc gia.

-Quan thuế: khi buôn bán với nhà Minh, phải nộp 10% trên huê lợi đến từ mậu dịch. Thuế này có tên là chyuubunsen (trừu phân tiền). Trừu phân có thể hiểu là "trích ra".

-Thuế quan tự: Những ai trở thành trụ trì một chùa nhà nước (quan tự) cỡ các chùa Thiền vào hạng Ngũ sơn thập sát đều có bổn phận nộp một loại "quan tiền" cho nhà nước. Món thuế này có tên là kumonzen (công văn tiền).

-Thuế từ đường: Tiền cúng tiến để sửa sang chùa chiền gọi là shidôsen (từ đường tiền).

Ngoài ra, hãy còn nhiều thứ thuế khác, không kể ra hết được. Nhìn chung, ta thấy nhà nước thời đó đã biết đánh thuế vào những hoạt động kinh tế (kho, tiệm rượu, mậu dịch quốc tế) và hoạt động bên ngoài kinh tế nữa (thuế quan tự, thuế từ đường, thuế nóc gia...) chứ không bằng lòng với những loại thuế đến từ đất đai và nông nghiệp (tô, dung, điệu).Tóm lại, Mạc phủ Muromachi gặp khó khăn trong khi muốn cân bằng ngân sách đã phải đánh đủ mọi thứ thuế vào dân chúng.

Về mặt võ bị thì xây dựng một lực lượng quân sự để phò tá Shôgun trong việc hành sử quyền bính và trị an là điều không thể thiếu được cho chính quyền mới. Trước khi anh em nhà Ashikaga nắm được chức Shôgun thì họ chẳng qua là một gia đình go-kenin của Mạc phủ Kamakura. Sức mạnh cùng lắm chỉ bằng một shugo có thế lực mà thôi.Takauji, Shôgun đầu tiên của Mạc phủ Muromachi chưa có đủ sức bứt phá các shugo khác.Do đó, việc làm của các Shôgun đầu tiên là tập hợp bọn gia thần và những shugo từng ủng hộ dòng họ Ashikaga để tạo nên một bộ đội chủ lực do người nhà mình trực tiếp điều khiển.Những người này có tên là Hôkôshuu (Phụng công chúng). Bộ đội Hôkôshuu gồm trên dưới 500 người và chia thành 5 đội.Họ có trách nhiệm hộ vệ Shôgun ở kinh đô và giữ an ninh cho các goryôsho (ngự liệu sở tức gia trang, estate) trực tiếp thuộc quyền Shôgun nằm rải rác khắp nơi trong nước. Họ cũng có trách nhiệm khiên chế để các shugo địa phương không phản lại mạc phủ.

Cứ như thế mà thể chế của mạc phủ dần dần được củng cố.Yoshimitsu, Shôgun đời thứ 3 còn nhắm việc áp chế các shugo từng lợi dụng cảnh loạn lạc mà tăng thêm thế lực. Qua quá trình ấy - và điều này sẽ được bàn thêm trong phần sau - ông đã thành công trong việc lần lượt tiêu diệt các dòng họ mạnh như Toki, Yamana, Ôuchi để ổn định quyền lực của phủ chúa.

Cụ thể là vào năm 1390 (Meitoku nguyên niên), Yoshimitsu thừa dịp trong họ Toki (Thổ Chi, vốn giữ chức shugo của 3 tiểu quốc Mino, Owari và Ise) đang xảy ra một vụ hổn loạn vì tranh chấp quyền gia trưởng (gia đốc = katoku) mà thảo phạt và đã dẹp tan được họ.

Sau đó, vào năm 1391 (Meitoku 2), ông lại can thiệp vào cuộc tranh chấp nội bộ của dòng họ Yamana (Sơn Danh). Dòng họ này rất lớn vì một mình nó đã kiêm nhiệm chức shugo của 11 tiểu quốc trong số 66 trên toàn cõi. Vì cớ ấy mà người ta gọi họ Yamana là Rokubu no ichi-shuu hay Rokubu no ichidono (Mấy ông 1 phần 6). Thanh thế của họ bao trùm cả một vùng San.in và San.yô tức trọn miền nam đảo Honshuu. Người đứng đầu họ Yamana lúc ấy là Ujikiyo (Thị Thanh) bị mạc phủ diệt. Sử gọi là Meitoku no ran (cuộc biến loạn năm Meitoku).

Lại nữa, bước qua năm 1399 (Ôei 6), người họ Ôuchi (Đại Nội) là Yoshihiro (Nghĩa Hoằng, 1356-1399), một nhân vật thế lực của dòng họ kiểm soát cả 6 tiểu quốc, tỏ ra bất mãn với chính trị của Yoshimitsu. Ông bèn cộng mưu với chức Kamakura Kubô đương thời là Ashikaga Mitsukane (Túc Lợi Mãn Kiêm, 1378-1409), cử binh ở thành phố Sakai.Kết quả là ông bị Yoshimitsu tru diệt. Cuộc chiến đấu này có tên là Ôei no ran (Cuộc biến loạn năm Ôei). Như thế, cả 3 trường hợp, ta đều thấy đó đều là những cuộc đàn áp các shugo có thế lực mà có thể Yoshimitsu là người đã xách động (hay tự biên tự diễn).

Trong thời gian trước khi những cuộc đàn áp ấy xảy ra, quyền lực của các shugo nói chung đã mạnh hơn so với thời Kamakura nhưng vì họ lấn lướt quá lố làm cho mạc phủ cảm thấy nhức đầu. Vừa cần sự hợp tác của các shugo, vừa muốn thống nhất đất nước, mạc phủ chỉ chấp nhận quyền hạn của shugo đến một chừng mực nào đó thôi. Nếu có một shugo nào quá nổi trội thì không sao tránh khỏi việc người ấy dòm ngó cái ghế Shôgun. Mâu thuẫn của mạc phủ nằm ở chỗ đó.

Điều quan trọng đối với phủ chúa là vừa kiểm soát được các shugo vừa nương dựa được vào sức mạnh của họ để gồm thâu đất nước về một mối. Mạc phủ phải điều hành khéo léo làm sao để giữ được sự thăng bằng của chế độ gọi là shugo ryôgoku (thủ hộ lãnh quốc). Nếu thế quân bình ấy mất đi, sự xung đột giữa các shugo sẽ xảy ra và không chỉ ở một nơi. Về mặt địa lý thì 5 cuộc chinh phạt đã diễn ra trên khắp miền đất Nhật Bản từ đông sang tây, từ bắc xuống nam: loạn năm Eikyô (1438) của Ashikaga Mochiuji ở Kamakura, loạn năm Meitoku nguyên niên (1390) của họ Toki gần Kyôto, loạn năm Meitoku 2 ( 1391) của họ Yamana cũng gần Kyôto, cuộc loạn năm Kakitsu ( 1441) của họ Akamatsu ở vùng Harima cạnh biển nội địa Seto, cuộc loạn năm Ôei ( 1399) của họ Ôuchi ở vùng cực nam đảo Honshuu.

Việc các shugo có thêm quyền hạn đến từ hai sự kiện. Xin được giải thích. Trước tiên là việc ban bố Hanzeirei (Bán tế lệnh, Lệnh cấp cho phân nửa) vào năm 1352 (Bunna nguyên niên). Lệnh này xuất hiện trong một văn bản tên là Kenmu irai tsuika nghĩa là "Những pháp lệnh thêm vào kể từ thời Kenmu". Thêm vào cái gì thì rõ ràng là thêm vào các pháp lệnh đã sẳn có ở trong Go Seibai shikimoku (Ngự thành bại thức mục), bộ luật cơ bản của giới vũ sĩ Kamakura. Trong phần "liên quan đến các trang viên thuộc về công khanh hay tự viện thần xã", ta thấy viết như sau: "Việc tranh chấp nội bộ xảy ra ở các tiểu quốc làm cho tình trạng đền chùa hoang phế và các lãnh chủ trang viên đi đến chỗ khốn cùng, Vậy từ nay, lệnh cho các shugo phải thực thi việc đình chỉ mọi sự xâm phạm đến các trang viên. Kẻ nào không nghe theo thì hãy tịch biên 1/3 lãnh địa của đương sự. Còn trường hợp kẻ đó không có đất đai thì bắt đi đày." Sau phần đó còn thấy viết: "Phân nửa lãnh thổ của ba tiểu quốc Ômi, Mino, Owari có thể dùng làm đất để cung cấp binh lương" Binh lương đây có nghĩa là lúa gạo dành cho quân đội ( hyôrômai = binh lương mễ). Tóm lại, Mạc phủ Muromachi cho phép các shugo được dùng phân nửa tuế cống thu được từ các trang viên và công lãnh trong phạm vi tiểu quốc của mình vào chi phí quân sự nếu chi phí ấy có mục đích trị an (ổn định tình hình có lợi cho phủ chúa). Lệnh này lúc đầu được ban ra để dùng thử một năm và giới hạn trong 3 tiểu quốc lúc đó đang ở tình cảnh loạn lạc nghiêm trọng: Ômi, Mino và Owari.

Tuy nhiên, đối với các shugo, có chi béo bở bằng cái lộc này nên chẳng mấy chốc, Lệnh Hanzei (Lệnh cấp cho phân nửa) đã lan rộng ra trên toàn cõi và trở thành một đạo luật áp dụng thường xuyên. Không những các shugo chỉ lấy phân nửa hoa màu tuế cống mà họ còn chia cắt cả đất đai của nghịch thần để chiếm hữu. Đặc biệt ở tiểu quốc nào có nhiều công lãnh, shugo càng có dịp nới rộng phần đất chiếm hữu của mình và cứ như thế, tình trạng nói trên đã đưa đến một thể chế mà theo đó, shugo chi phối tất cả đất đai trong tiểu quốc của mình.Đó là shugo ryôkokusei (thủ hộ lãnh quốc chế). Chế độ này đã được các shugo phát triển một cách êm thắm theo ý riêng. Những dòng họ Akamatsu, Ôuchi, Toki và Uesugi... là đại diện tiêu biểu cho sự bành trướng thế lực như vậy.

Sự kiện thứ hai đã đưa đến sự bành trướng ấy có tên là chế độ shugouke (thủ hộ thỉnh). Vì "thỉnh" có nghĩa là mời ( nếu uke viết bằng mặt chữ Hán khác lại có nghĩa là nhận lãnh hay thừa hành) nên có thể hiểu là các chủ trang viên và lãnh địa đã "ký thác" việc kinh doanh đất cát của mình cho shugo. Thay vào đó, chủ trang viên chỉ bắt shugo phải nộp mỗi một số tuế cống. Đây cũng là một cơ hội để giúp các shugo bành trướng thế lực một cách hữu hiệu. Điều đó chứng minh rằng hình thức ấp phong và phiên trấn Nhật Bản không phải đùng một cái mà xuất hiện. Nó đã phát triển từ từ trong dòng lịch sử và hai chế độ hanzei cũng như shugo.uke nói trên đều đóng vai trò không nhỏ.

Trên đây, chúng ta đã điểm qua hình thức cai trị của Mạc phủ Muromachi. Từ bây giờ, chúng ta hãy xem kể từ khi có cuộc thống nhất của hai triều Nam Bắc (Nanbokuchô), tình hình chính trị của mạc phủ cũng như văn hóa và xã hội đương thời đã diễn tiến như thế nào.

Tiết 2: Nụy khấu và chính sách đối ngoại của Mạc phủ.
2.1 Nụy khấu và mậu dịch Nhật Minh:

Trong phần này, chúng ta thử quan sát chính sách ngoại giao của Mạc phủ Muromachi trong suốt 180 năm trãi qua 15 đời Shôgun. Đồng thời đại với Mạc phủ Muromachi (1336-1573) nhưng kéo dài mãi về sau là nhà Minh (1368-1644) bên Trung Quốc và họ Rhee (hay I, Lý, 1392-1910) ở Triều Tiên.

Dưới thời Ashikaga Takauji cai trị Nhật Bản có một vị tăng tên Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch, 1275-1351) thuộc tông Rinzai (Lâm Tế), môn phái Zen (Thiền) có ảnh hưởng rất lớn đến tầng lớp vũ gia cao cấp tự thời Kamakura. Vị này đã khuyên nhà chúa nên xây một ngôi chùa (đó là Tenryuuji hay Thiên Long Tự) để an ủi oan hồn của Thiên hoàng Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, trị vì 1318-1339, sống 1288-1339), người bị Shôgun Takauji phản bội trong cuộc trung hưng thời Kenmu và đã uất hận đến nổi ly khai, bỏ vào rừng núi Yoshino lập ra Nam Triều. Chi phí xây chùa do nguồn lợi thu lượm được từ đoàn thuyền mậu dịch sang bên nhà Nguyên. Đó là khoảng năm 1342 (Kôei nguyên niên) và người ta gọi những chiếc thuyền mậu dịch đó là Tenryuujibune (Thuyền chùa Tenryuu). Thực ra thì cách thức "thuyền nhà chùa" này cũng đã có tiền lệ dưới thời Kamakura rồi. Năm 1325 (Shôchuu 2), để trùng tu Kenchôji (Kiến Trường Tự), Mạc phủ Kamakura cũng đã cho phép những chiếc thuyền mậu dịch mang tên Kenchôjibune (Thuyền chùa Kenchô) sang nhà Nguyên buôn bán.


Wakô (Nụy khấu)

Tưởng là khi thông thương như thế thì có thể xem như giữa mạc phủ với nhà Minh (nối nghiệp nhà Nguyên bên Trung Quốc) từng có trao đổi về ngoại giao rồi nhưng thực ra, giữa hai nước không hề có một quan hệ chính thức. Ngược lại, đó là một thời kỳ rất đặc biệt: thời của Wakô (Nụy khấu, Oải hay Oa khấu). Wakô hoạt động rất mạnh mẽ và đã làm cho hai nước Minh và Triều Tiên khốn đốn trong một thời gian dài.

Wako là ai vậy? Wa (Nụy, Oa, Oải) vốn là tiếng Trung Quốc xưa kia gọi người Nhật Bản với giọng điệu khinh thị. Còn kô (khấu) thì trong các tự điển đều cho ta biết rõ ràng, đó là bọn giặc, kẻ làm loạn, kẻ chuyên môn phá hoại hay địch đến từ bên ngoài.

Nhìn chung, Wakô chỉ bọn cướp biển (hải tặc) hung hãn xuất thân từ Nhật Bản. Nói cách khác, đó là những người Nhật làm nghề cướp bóc. Hoạt động của Wakô có thể chia làm hai thời kỳ: thời giữa thế kỷ 14 và thời giữa thế kỷ 16. Cần phân biết Wakô giai đoạn đầu (I) và Wakô giai đoạn sau (II). Tuy nhiên, tại sao thời này người Wa lại trở thành cướp biển? Chỉ là vì trong thời buổi đó, sự chi phối mặt biển đã trở thành một vấn đề nan giải và không một thế lực nào có đủ sức đứng ra cáng đáng.

Giai đoạn Wakô I tương đương với thời kỳ Nam Bắc Triều là một giai đoạn nước Nhật mất an ninh. Từ hậu bán thế kỷ 14 cho đến suốt thế kỷ 15, phải nói là cả vùng Đông Á, kể cả Nhật Bản, đang trải qua một thời kỳ thay đổi chính quyền trong nội bộ của họ làm cho tương quan giữa các quốc gia trong vùng (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) cũng xáo trộn, sự cai quản mặt biển trở nên lỏng lẻo. Sau khi ấy thì bên trong các nước, lần hồi các chính quyền nội bộ được thành lập vững vàng rồi từ đó đẻ ra một liên hệ quốc tế mới.

Tóm lại là Wakô đã được sinh ra trong tình huống như vậy. Wakô có căn cứ ở các đảo Tsushima (Đối Mã), Iki (Nhất Kỳ) và vùng Hizen Matsuura (nay là một phần tỉnh Saga và Nagasaki trên đảo Kyuushuu). Đó là những tập đoàn hải tặc mà người Nhật là bộ phận nòng cốt. Chúng hoành hành ở vùng duyên hải Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Khởi đầu chúng chỉ có 2,3 chiếc thuyền nhưng sau đó đã tổ chức thành những tập đoàn vài trăm chiếc. Kể từ ấy, Wakô trở thành một vấn đề làm nhức óc nhà đương cuộc Trung Quốc lẫn Triều Tiên.

Trong khi đó, bên Trung Quốc, Chu Nguyên Chương (sau đó lên ngôi Thái Tổ Hồng Vũ Đế nhà Minh) vào năm 1368 đã thành công trong việc đánh đuổi triều đình nhà Nguyên của tộc Mông Cổ ra khỏi Bắc kinh và tái lập vương triều tộc Hán. Triều Minh của ông ra đời tương ứng vào lúc Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn, tại vị 1368-1394, sinh sống 1358-1408) làm Shôgun.

Như đã nói tự đầu, trong một khoảng thời gian, giữa mạc phủ của Nhật Bản và Trung Quốc, không có liên hệ ngoại giao chính thức ngay cả sau khi hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên đã kết thúc. Chỉ có những đoàn thuyền tư nhân qua lại buôn bán mà thôi. Thế rồi sau khi Chu Nguyên Chương thống nhất trung nguyên, ông bèn nghĩ đến việc tái lập quan hệ quốc tế truyền thống mà người Trung Quốc giữ địa vị trung tâm, kêu gọi các lân bang nối lại ngoại giao. Có thể một trong những mục đích của hoàng đế nhà Minh là nếu kết nối được quan hệ ngoại giao chính thức, Nhật Bản sẽ phải giúp ông kiềm chế Wakô đang uy hiếp vùng duyên hải Trung Quốc.

Thế nhưng trước lời kêu gọi của nhà Minh, Nhật Bản chẳng đáp ứng được gì bởi vì chính họ hãy còn đang ở trong tình trạng hỗn loạn của cuối thời Nanbokuchô (Nam Bắc Triều).Chưa có một chính quyền thống nhất để đàm phán, họ đành một lần nữa bỏ qua cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.

Trên thực tế thì lúc đó, Mạc Phủ Muromachi dù đã chi phối được nhiều địa phương nhưng riêng Kyuushuu thì hãy chưa. Trên hòn đảo lớn này, thế lực của Hoàng tử Kaneyoshi (Hoài Lương thân vương, ? - 1383) [15]
- một người con trai của Thiên hoàng Go-Daigo - vẫn còn rất mạnh. Nhà Minh vì thấu hiểu sự tình nên trước tiên đã gửi sứ giả đến với hoàng tử. Thế nhưng tại sao nhà Minh thay vì gửi sứ đi gặp Yoshimitsu ở Kyôto, lại xử sự như vậy? Đó là một câu hỏi đáng cho chúng ta đặt ra.

Bởi vì xưa nay Dazaifu (Đại tể phủ) ở Kyuushuu vẫn là cánh cửa ngoại giao phải mở ra khi muốn chế ngự Wakô. Lúc đó, người có thế lực ở phủ này và có thể cộng tác với họ không ai khác hơn Hoàng tử Kaneyoshi. Đây là con đường ngoại giao ngắn nhất mà nhà Minh có thể dùng để đạt mục tiêu. Huống chi nếu hoàng tử chấp nhận sự giao hiếu của nhà Minh, ông sẽ được Minh triều chính thức nhìn nhận là "Nhật Bản quốc vương".Một khi nhà Minh chịu làm hậu thuẫn, hoàng tử sẽ có cơ hội giữ Kyuushuu như một lãnh thổ độc lập. Đó là một chi tiết ít khi thấy có nhà viết sách giáo khoa nào ở Nhật nói đến. Chuyện này xảy ra vào năm 1371 (Ôan 8), một thời gian dài trước khi Yoshimitsu bật đèn xanh cho mậu dịch giữa hai nước chính thức bắt đầu.

Về sau, để bình định Kyuushuu, Mạc phủ Muromachi đã gửi võ tướng và cũng là nhà thơ waka lừng danh Imagawa Ryôshun (Kim Xuyên Liễu Tuấn, 1326- khoảng 1414) xuống Kyuushuu tandai giữ chức vụ thủ hiến trên đảo. Ryôshun đã đánh bại Kaneyoshi, giúp Yoshimitsu thống nhất toàn quốc. Từ đó, Yoshimitsu mới có thể đáp lời kêu gọi của nhà Minh. Vào năm 1401 (Ôei 8), ông đã gửi sứ giả sang bên ấy thiết lập quốc giao. Đó là buớc đầu của mậu dịch Nhật Minh và cũng là bước đầu của giao lưu văn hoá với những thiền tăng phái Gozan (Ngũ sơn). Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín, 1325-1388), Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân, 1336-1405). Ngoài việc xuất bản bản in khắc thơ văn chữ Hán gọi là Gozanban (Ngũ sơn bản), nền tảng của phong trào Gozan bungaku (văn học Ngũ sơn), còn có nhiều đóng góp như cố vấn cho các hoạt động chính trị, ngoại giao của mạc phủ. Chẳng những thế, các thiền tăng còn giới thiệu các khía cạnh văn hóa khác của đời sống Trung Quốc đến cho người Nhật. Tập nhật ký mang tên Kuuge Nikkishuu (viết tắt của Không hoa nhật dụng công phu lược tập, 20 quyển) của Gidô Shuushin có thể xem như một tài liệu quí báu giúp chúng ta hiểu thêm về sinh hoạt chính trị, xã hội của người đương thời.

Như ta đã biết, mậu dịch Nhật Minh bắt đầu vào năm 1301 (Ôei 8). Ngay trước khi mậu dịch bắt đầu, Yoshimitsu tổ chức đoàn thuyền gọi là Kenminsen (Khiển Minh thuyền).Viên chính sứ là Soa (Tổ A), một tăng lữ thân tín của ông. Phó sứ là Koitsumi (Phì Phú), một thương nhân ở Hakata. Quan hệ mậu dịch Nhật Minh bắt đầu như thế nào thì đã được ghi lại trong Zenrin Kokuhôki (Thiện lân quốc bảo ký), một sử liệu do tăng phái Rinzai là Zuikei Shuuhô (Thụy Khê Chu Phượng, 1391-1473) chấp bút. Nhân đây cũng nên để ý đến một chuyện: nhà buôn Koitsumi (Phì Phú) nói đến trên kia thật ra có họ Koizumi (Tiểu Tuyền), thuộc cánh Kobayakawa (Tiểu Tảo Xuyên), một nhóm hải tặc (kaizokushuu) hoạt động ở vùng biển nội địa Seto. Còn như muốn biết về hình thù con thuyền đi sứ nhà Minh (Kenminsen) như thế nào, chúng ta có thể tham khảo ở Shinnyodô engi Emaki (Chân Như Đường duyên khởi hội quyển) tức "quyển tranh cuộn nói về gốc gác Chân Như Đường [16]". Rõ ràng là "thuyền có 2 cánh buồm, ở giữa sàn thuyền có một kiến trúc giống như căn buồng lợp bằng vỏ cây hinoki (Japanese cypress)".


Thuyền mậu dịch Nhật - Minh

Khi ngoại giao giữa hai nước thành lập, Yoshimitsu đã cho sứ thần mang quốc thư sang và năm sau, hoàng đế nhà Minh cũng phúc đáp. Trung Quốc nhìn nhận Yoshimitsu như vua Nhật Bản. Danh hiệu nhà Minh ban tặng cho ông là Nihon kokuô Gen Dôgi (Nhật Bản quốc vưong Nguyên Đạo Nghĩa). Gen (Nguyên) vì Yoshimitsu là dòng dõi nhà Minamoto [17], còn Dogi (Đạo Nghĩa) là pháp danh của ông. Nhà Minh cũng ban lịch. Việc Nhật Bản nhận lịch rất đáng ghi nhớ bởi vì nó có ý nghĩa sâu sắc: qua hành động ấy, Nhật Bản chấp nhận mình như một quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của Minh triều. Từ đó về sau, mỗi khi Shôgun Nhật Bản gửi văn thư cho hoàng đế nhà Minh thường dùng lối xưng danh Nihon Kokuô shin Minamoto mà shin có nghĩa là thần hạ. Shôgun đã xưng thần với vua Minh trong một quan hệ nước lớn nước nhỏ gọi là thể chế sách (sắc) phong (sakuhô taisei).

Theo đó, sự thiết lập mậu dịch khởi đầu bằng việc quốc vương Nhật Bản mang lễ vật triều cống hoàng đế nhà Minh và để đáp lại sự tùng phục ấy, Minh cho phép (hạ tứ) mua sản vật của Minh về. Tiếng chuyên môn gọi đó là hình thức "mậu dịch theo lối triều cống". Thuyền Nhật Bản phái sang Trung Quốc lúc ấy phải có giấp phép do nhà Minh cấp. Giấy phép đó là loại chứng minh thư làm theo lối kangô (khám hợp). Nguyên lai, kangô nghĩa là xem xét có ăn khớp hay không. Với Nhật Bản thì "giấy phép" đó gồm hai thứ thẻ bài, một khắc chữ Nhật, một khắc chữ Bản và có số hiệu đính kèm (từ 1 đến 100), ví dụ Nhật tự nhất hiệu, Bản tự thập tam hiệu vv.... Mỗi thứ đều được chẻ đôi, một phần gọi là kango (khám hợp), phần kia dùng để làm bản gốc, để kiểm tra có ăn khớp hay không. Nó được gọi là kango teibo (khám hợp để bạ) mà teibô (để bạ) nghĩa là sổ gốc. Thuyền từ Nhật sang Trung Quốc thì dùng mảnh kangô có viết chữ Bản (Honji kangô), còn thuyền từ Trung Quốc sang Nhật phải mang theo mảnh kangô có viết chữ Nhật (Nichiji kangô). Như thế, hai nước đã thiết lập được một con đường giao thương chính thức và có thể kiểm soát được hoạt động đó (cũng để loại trừ khả năng thuyền cướp biển Wakô đi làm mậu dịch "chui"). Hai trạm kiểm soát của nhà Minh được đặt ở Ninh Ba (Ningpo) và Bắc Kinh (Pekin). Thuyền mậu dịch chính thức ấy vì thế có tên là kangôsen (khám hợp thuyền) và chứng thư của nó sau được gọi là kangôfu (khám hợp phù).


Quan lại kiểm nhận thẻ kangôfu

Mậu dịch kiểu kangô đã bắt đầu từ năm Ôei thứ 14 (1404) và trong vòng 150 năm đã có 19 lần thuyền Kenminsen (Khiển Minh thuyền) được phái qua Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có khi việc qua lại bị gián đoạn. Đó là sự cố xảy ra vào đời Shôgun thứ 4 là Yoshimochi (Nghĩa Trì, tại chức 1394-1423). Lý do hình như là phía Nhật Bản không chịu được sự khuất nhục khi bị nhà đương cuộc Trung Quốc khám xét thẻ bài và Shôgun Yoshimochi vốn ghét lối mậu dịch giới hạn hẹp hòi như thế nên đã ra lệnh ngưng.

Chính trị "xét lại" của Shôgun Yoshimochi
Yoshimitsu Yoshimochi
Shôgun quyết định một mình (độc đoán) Chế độ hiệp nghị với các nguyên lão đại thần (shukurô kaigi = túc lão hội nghị)
Mưu đồ soán đoạt (ngồi ngang hàng (bình tọa) với Thiên hoàng, đặt nghi thức như lập thái tử cho con cháu mình) Bãi bỏ danh xưng Thái thượng pháp hoàng của Yoshimitsu
Xúc tiến mậu dịch khám hợp Nhật Minh Ngưng mậu dịch Nhật Minh vì cảm thấy nhận sách phong là nhục nhã.

Thế nhưng khi Yoshimochi quyết định như vậy, ông đã làm thiệt thòi cho phía Nhật Bản vì sự giao thương ấy đem lại cho họ rất nhiều lợi ích. Khi thực hiện mậu dịch dưới hình thức triều cống, phía Nhật Bản đỡ phải trả rất nhiều kinh phí từ tiền ăn ở, tiền chuyển vận. Mọi thứ đều được phía nhà Minh phụ đảm. Do đó, sau khi Shôgun Yoshimochi qua đời thì người Nhật, vì đặt lợi ích kinh tế lên trên, đã tái lập giao thương với Trung Quốc vào năm Eikyô 4 (1432) đời Shôgun thứ 6 là Yoshinori (Nghĩa Giáo, tại chức 1429-1441). Tóm lại, kangyô bôeki (khám hợp mậu dịch) đã bắt đầu với Shôgun đời thứ 3 (Yoshimitsu), gián đoạn với Shôgun đời thứ 4 (Yoshimochi) và tái lập với Shôgun đời thứ 6 (Yoshinori).

Sau đây xin liệt kê những loại sản phẩm đã được người Nhật xuất khẩu và nhập khẩu trong việc mậu dịch với nhà Minh.

-Hàng xuất: các loại vũ khí và vũ cụ như đao kiếm, thương, áo giáp, các mặt hàng tiêu dùng hay nghệ thuật phẩm như quạt, bình phong, các khoáng chất như đồng, lưu huỳnh.

-Hàng nhập: tiền đồng, tơ sống, các loại đồ thêu và đồ gốm cao cấp, hội họa và thư tịch.

Những hàng nhập từ Trung Quốc thời ấy, người Nhật gọi là Karamono (Đường vật) và rất quí trọng chúng. Ngoài ra, tiếp nối việc nhập khẩu tiền đời Tống (Sôsen =Tống tiền) của Mạc phủ Kamakura, họ cho nhập một lượng hết sức lớn tiền nhà Minh (Minsen = Minh tiền). Lý do là vì Nhật Bản không đúc tiền nữa, phải sử dụng tiền nước ngoài đã đúc sẳn để thỏa mãn nhu cầu giao dịch thương mại quốc nội.Đương thời, ba loại tiền nhà Minh được người Nhật yêu chuộng là Hồng Vũ thông bảo, Vĩnh Lạc thông bảo và Tuyên Đức thông bảo. Ba loại tiền này đều mang niên hiệu các hoàng đế nhà Minh.

Mậu dịch theo thể chế sách phong ở vùng Đông Á chủ yếu bao gồm 4 nước: Trung Quốc nhà Minh, Nhật Bản thời Muromachi, Triều Tiên họ Lý (Rishi Chôsen) và Vương quốc Lưu Cầu (Ryuukyuu ôkoku). Với cả 3 nước, nhà Minh nhận triều cống (chôkô) và hạ tứ (kashi) bán cho phương vật. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Minh và Nhật Bản như thế nào thì đã được trình bày bên trên. Còn như giữa Nhật Bản và Triều Tiên thì Nhật nhập bông vải, nhân sâm và đại tạng kinh, xuất đồng, lưu huỳnh, các loại gỗ thơm (kôboku = hương mộc) và cây cỏ để nhuộm màu (soboku = tô mộc). Với Lưu Cầu thì Nhật nhập gỗ thơm và cây cỏ nhuộm màu, xuất đao kiếm, quạt, đồng.

Mậu dịch kiểu kangô (khám hợp) đến hậu bán thế kỷ thứ 15 thì nhân lúc Mạc phủ suy thoái, thực quyền nằm trong tay thương nhân hai thành phố Sakai và Hakata. Họ Hosokawa kết hợp với thành phố Sakai ở vùng biển nội địa trong khi họ Ôuchi liên kết với Hakata trên đảo Kyuushuu. Thế rồi giữa hai dòng họ này lại xảy ra những vụ tranh đoạt kịch liệt về lợi ích, đến nổi năm Taiei 5 (1253), bọn họ đã gây ra một cuộc xung đột giữa người Nhật với nhau ở cảng Ninh Ba (Ningpo) trên đất Trung Quốc.Sử gọi đó là cuộc biến loạn ở Ninh Ba (Ninpo no ran). Người thắng cuộc trong vụ tranh chấp này là họ Ôuchi nên từ dạo ấy, họ Ôuchi đã loại được họ Hosokawa để dành lấy độc quyền mậu dịch với nhà Minh. Tuy nhiên, chính họ Ôuchi này đến giữa thế kỷ thứ 16, vì bị cuốn vào các cuộc tranh hùng với lân quốc trong thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản, 1467-1568) rồi bị diệt vong sau đó cho nên mậu dịch kangô cũng lụi tàn theo. Như thế, kể từ giữa thế kỷ 16 trở đi, hải tặc Wakô (Nụy khấu) lại có cơ hưng thịnh và hoạt động mạnh mẽ. Nhóm Wakô này được gọi là Wakô hậu kỳ (Wako giai đoạn II).

Đặc trưng của Wakô II là họ không chỉ thuần có người Nhật mà là một tập đoàn kết hợp hai nhóm buôn lậu Trung Quốc (phần lớn) và Nhật Bản, Đài Loan, Lưu Cầu (phần nhỏ). Những người này vừa làm mậu dịch "chui" bằng cách đem bạc của Nhật đổi lấy tơ sống của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng cướp bóc khắp nơi. Trị được họ có lẽ phải đợi đến cuối thế kỷ 16, lúc Tể tướng Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát, 1537-1598) thành công trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản trên mặt biển.

Ta thấy rõ rằng mỗi khi có sự xung đột quyền lực chính trị thì Wakô lại hoạt động mạnh mẽ, còn như khi tình hình yên ổn rồi thì Wakô bị khống chế, phải rút lui vào bóng tối.Thời Sengoku vì loạn lạc không ngừng, chúng lại xuất hiện và hoành hành. Đến lúc Hideyoshi thống nhất được Nhật Bản, chúng trở nên im ắng. Như vậy, mậu dịch Nhật Minh giống như một cái phong vũ biểu. Tùy theo sự hưng thịnh hay suy thoái của nó mà người ta đoán biết được những thế lực chiếm giữ sân khấu chính trị có vững vàng hay không.

2.2 Quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên:

Đến đây, chúng ta thử xét về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên.Trên bán đảo Triều Tiên, I Song-gye (Lý Thành Quế) - vị tướng từng đánh bại cướp biển Wakô vào năm Meitoku 3 (1392) - đã thành công trong việc chấm dứt sự cai trị của triều đình Cao Li (Goryeo) và xây dựng một đế chế mới: vương triều Triều Tiên (Joseon) (tiếng Nhật đọc là Chosen Rishi hay nước Triều Tiên họ Lý) [18]. Nhà nước Triều Tiên vừa thành lập đã có ngay bang giao chính thức với Nhật Bản để yêu cầu họ chặn đứng sự lộng hành của Wakô. Việc này cũng đã xảy ra đồng thời với sự xúc tiến mậu dịch Nhật Minh nghĩa là vào dưới thời Shôgun Yoshimitsu cầm quyền.


Triều Tiên Thái Tổ Lý Thành Quế

Mậu dịch Nhật Triều đã được tổ chức song song với mậu dịch Nhật Minh. Thế nhưng về hình thức vận hành thì có hơi khác. Lúc đầu mậu dịch Nhật Triều không có sự tham dự của mạc phủ. Nó chỉ được đóng góp bởi những thế lực địa phương như các lãnh chúa thủ hộ (shugo daimyô), hào tộc và thương nhân.Về phía Triều Tiên thì nhờ sự hiệp lực như môi giới của gia đình họ Sô (Tôn thị) ở vùng đảo Tsushima. Gia đình có thế lực này hầu như sắp đặt, định đoạt hình thức giao thương và quản lý việc mậu dịch giữa hai nước.

Sau đó, bước tiến của mậu dịch Nhật Triều đã có sự thay đổi nhân khi biến cố gọi là ngoại khấu (giặc đến từ bên ngoài) xảy ra vào năm Ôei thứ 26 (1419) (Ôei no gaikô).Nó làm cho sự giao thương phải đình chỉ trong một thời gian. Đó là sự kiện một đoàn thuyền gồm 200 tàu chiến Triều Tiên bất chợt tấn công đảo Tsushima, nơi mà họ nghĩ là sào huyệt của Nụy khấu (Wakô). Nguyên do của biến cố này là lúc đó, trong gia đình họ Sô đã xảy ra một chuyện tranh chấp về chức trưởng tộc làm cho quyền cai trị trên đảo bị yếu đi. Có lẽ phía nhà nước Triều Tiên vì lo lắng rằng nếu mọi việc cứ diễn tiến trong chiều hướng đó sẽ đưa đến nguy cơ là việc Wakô nắm lấy cơ hội bành trướng thế lực nên mới hạ thủ trước chăng?

Dù vậy, cho đến thế kỷ thứ 16, mậu dịch Nhật Triều rất thịnh vượng. Về phía Triều Tiên, nhờ sự giao dịch kinh tế này, họ đã có thể mở ra 3 hải cảng (phố) quan trọng là Phủ Sơn Phố (tức Phủ Sơn, Busan), Nãi Nhi Phố (Tế Châu hay Jeju) và Diêm Phố (Úy Sơn hay Ulsan). Ba hải cảng ấy được gọi chung là Sanpo (Tam Phố).Người Triều Tiên đã thành lập ở những nơi đây các cơ sở có tên là Wakan (Nụy Quán) dùng để tiếp đãi sứ thần Nhật Bản và xúc tiến mậu dịch.Chúng vẫn tiếp tục tồn tại như cơ sở ngoại giao giữa hai nước cho đến thời Meiji.

Ta đã biết Nhật nhập bông vải, đại tạng kinh và nhân sâm từ Triều Tiên nhưng đặc biệt phải chú ý đến việc họ nhập momen (bông vải) hơn cả. Lý do là vì vào thời điểm đó, Nhật Bản chưa bắt đầu trồng bông. Vải làm từ cây bông vải mềm mại dễ mặc, dễ nhuộm màu. Người Nhật vì thế rất yêu chuộng chúng trong cuộc sống hằng ngày. Bông vải sản xuất được ở Nhật là do hạt giống cây bông vải đến từ Triều Tiên. Bông vải phổ cập ở Nhật vào thời Sengoku (1467-1568) và đến thời Edo thì nó đã đóng vai trò chủ yếu trong việc hoàn thành cuộc "cách mạng về ăn mặc" của người trong nước. Muốn hiểu thêm về điều này, xin đọc tác phẩm Momen izen no koto (Cái thời trước khi có bông vải) của nhà dân tộc học sinh vào thời Meiji, Yanagita Kunio (Liễu Điền Quốc Nam, 1875-1962). Ngày nay ta không cảm thấy có gì khác thường đáng nói, nhưng phải biết là xưa kia việc sử dụng vải đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người Nhật. Còn đại tạng kinh, tên một mặt hàng du nhập quan trọng thứ hai thì thật ra chẳng có gì khác hơn là các loại kinh điển nhà Phật.

Tuy nhiên, một thời gian sau, mậu dịch Nhật Triều đã xuống dốc và điều này bắt nguồn từ một cuộc xung đột. Đó là cuộc biến loạn mang tên Sanpo no ran (Tam phố chi loạn, Loạn ở 3 hải cảng) xảy ra vào năm Eishô thứ 7 (1510). Trên ba bến cảng trên đất Triều Tiên (Busan, Jeju và Ulsan), chính quyền sở tại bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn những con buôn Nhật sinh sống ở đó (gọi là kyoryuumin = cư lưu dân, dân ngụ cư) vốn được hưởng nhiều đặc quyền cho đến lúc bấy giờ. Dân ngụ cư (kiều dân Nhật) dựa vào thế lực nhà họ Sô ở Tsushima để chống lại chính quyền bản địa, gây ra bạo động. Kết quả là họ bị trấn áp nhưng đã quá trễ, vì lý do đó mà mậu dịch Nhật Triều cũng tàn lụi theo.

2.3 Quan hệ giữa Mạc phủ Muromachi với Ryuukyuu và Ezogashima:

Trong lãnh vực đối ngoại của nhà nước Nhật Bản thời đó, không thể bỏ qua mối liên hệ giữa họ với hai khu vực quan trọng là quần đảo Ryuukyuu (Lưu Cầu) và Ezochi (Hà Di địa). Hai miền đất này lúc đó không do người Nhật cai quản. Tuy hiện nay hai vùng đã trở thành lãnh thổ Nhật Bản (quần đảo Okinawa và đảo Hokkaidô) nhưng vào thế kỷ 14, thật ra tình thế chưa hẳn là như thế.

Lúc ấy, đảo Okinawa (đảo chính của quần đảo Lưu Cầu) được ngăn ra làm ba phần tỉnh từ bắc xuống nam gọi là "Tam sơn": Hokuzan (Bắc sơn), Chuuzan (Trung sơn) và Nanzan (Nam sơn). Dân trong ba vùng này thường xuyên tranh chấp với nhau. Thật ra, kể từ cuối thế kỷ thứ 11, người trên đảo đã sống dưới sự cai trị của hào tộc địa phương họ Aji (Án Ty). Rồi đến năm 1429 thì vua vùng Chuusan (Trung Sơn Vương) tên Shôhashi (Thướng Ba Chí) - sau khi trãi qua một cuộc chiến kéo dài 20 năm - đã thành công trong việc thu cả "tam sơn" về một mối và thành lập vương quốc Lưu Cầu. Quốc vưong nước Lưu Cầu lợi dụng vị trí bốn mặt có biển để thiết lập quốc giao và mậu dịch với các quốc gia lân cận, trong đó có Trung Quốc của nhà Minh và Nhật Bản. Không những thuyền bè Lưu Cầu chỉ qua lại Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên mà còn nới rộng hoạt động xuống phía nam đến tận các đảo Java, Sumatra và bán đảo Đông Dương. Lưu Cầu đã đóng một vai trò chủ chốt trong một hệ thống gọi là chuukei bôeki (trung kế mậu dịch, transit trade), làm cứ điểm tiếp nối trong việc chuyển vận hàng hóa giữa những vùng đất quá xa cách nhau về mặt địa dư. Lưu Cầu chuyên chở đao kiếm, đồ sơn mài, quạt, tranh cuộn, vải vóc đã dệt xong là những sản phẩm Nhật Bản, đem chúng sang Trung Quốc, ngược lại, họ mang từ Trung Quốc về Nhật những sản phẩm có nguồn gốc đại lục như đồ gốm đồ sứ, vải vóc, tiền đúc. Sản phẩm vùng biển nam như các loại cỏ thơm, hương liệu, hồ tiêu cũng được thuyền Lưu Cầu chở về bán cho người Hoa, người Hàn và người Nhật. Nói chung, Lưu Cầu chính là địa điểm trung gian giúp cho hệ thống mậu dịch của vùng Đông Á được phát triển. Do đó bến càng Naha (Na Bá) ở kinh đô Lưu Cầu là thành Shuri (Thủ Lý) đã trở thành một cứ điểm vô cùng quan trọng của cả vùng đất ấy.


Thành Shuri ngày nay ở Naha (Okinawa)

Nếu nhìn những gì được khắc trên quả chuông đúc vào năm 1458 treo trước ngôi điện chính của thành Shuri (nay được chưng ở Viện Bảo Tàng tỉnh Okinawa), ta sẽ nghiệm ra điều đó. Quả chuông có tên là "Vạn quốc tân lương chung" ý nói nó là cái chuông kỷ niệm việc đóng vai trò "cây cầu nối liền muôn nước" với nhau của hải cảng Naha. Lời minh văn trên quả chuông nhắc đến Lưu Cầu như "hòn đảo Bồng Lai, thắng địa vùng Nam Hải, gắn bó mật thiết với Đại Minh và Tam Hàn, có thế môi răng với Nhật vực, đã đem thuyền bè làm cầu nối cho vạn quốc". Muốn hiểu về phong tục cổ xưa và tâm tình của người dân Lưu Cầu, có thể tham khảo tác phẩm Omoro Sôshi (Ghi chép thể loại dân ca Omoro) của họ gồm 22 quyển với 1.554 bài dân ca Omoro, hoàn thành khoảng năm 1531-1632) thu góp những bài hát đã lưu hành trên quần đảo từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 17.

Mặt khác, về phần đất gọi là Ezochi, kể từ thế kỷ thứ 14 trở đi, nó đã nối kết được với mười ba bến cảng (tosaminato) của vùng Kinai (đất kinh kỳ) và Tsugaru (mũi đất ở phía bắc đảo Honshuu) cho nên việc mậu dịch ở khu vực biển Nhật Bản được triển khai rộng rãi.Những sản vật vùng Bắc hải như cá hồi (shake) và rong biển konbu được chuyên chở đến tận Kyôto. Thế rồi người Nhật ở miệt dưới cũng vượt qua eo biển Tsugaru để tiến vào vùng gọi là Ezogashima (nghĩa là "đảo của người Ezo") tức phía nam đảo Hokkaidô bây giờ. Họ đã bắt đầu lập những cơ sở ven biển gọi là tate (quán) và các bến cảng (minato) làm nơi cư trú và hoạt động. Có hào tộc ở Tsugaru gốc người Wa (Wajin) họ Andô (An Đằng hay An Đông) đã mở mang việc cai trị đối với dân gốc Ainu trên đảo.

Một vùng duyên hải phía nam bán đảo Ôshima đã được các nhóm người di dân đến xây dựng nhiều đồn binh (jôsai, thành tái, hay tate) với lũy đất và hào rãnh. Tất cả khu vực ấy gồm có 12 đồn như thế. Chúng được gọi là Jônan juunitate (Nam đạo thập nhị quán). Tiêu biểu cho loại đồn như thế là Shinoridate, Hanasawadate, Mobetsudate. Thành phố Hakodate còn tồn tại đến ngày nay như một đô thị quan trọng ở Hokkaidô trước kia cũng chỉ là một loại đồn binh như thế. Hakodate được xây trên một địa điểm gọi là Usukeshi và có hình thù giống một cái hộp (hako) nên mới mang tên đó. Còn như cái đồn có tên là Shinoridate, nơi đã xảy ra cuộc biến loạn gọi là Koshamain (cuộc nổi dậy của Koshamain, tù trưởng một bộ lạc thổ dân), từ trong ba cái vò đất thật lớn ở đó, người ta khai quật được 40 vạn đồng tiền đồng Trung Quốc. Số tiền được chôn giấu này phỏng định có từ tiền bán thế kỷ 15. Đó là số lượng tiền đồng lớn nhất khai quật được chỉ từ một địa điểm trong toàn cõi Nhật Bản có từ trước tới nay. Qua đó, chúng ta thấy rằng khu vực nói trên đã từng chứng kiến một thời đại kinh tế vô cùng phồn vinh.


Tranh tù trưởng Shakushain người Ezo

Bên cạnh những người Wa từ phía nam đến di trú, trên đảo còn có sắc tộc bản quán là người Ainu. Họ chuyên sinh sống nhờ săn bắn, đánh cá và giao dịch (với cả người Wa). Thế nhưng khi người Wa lên đấy đông đảo, người Ainu thành ra bị chèn ép. Khi chịu đựng không nổi nữa, vào năm 1457 (Chôroku nguyên niên), người Ainu đã nổi dậy.Dưới sự lãnh đạo của đại tù trưởng Koshamain, họ đã tấn công và triệt hạ tất cả những cơ sở cư trú của người Wa (Wajin) trên đảo.

Sau đó, lãnh chúa vùng Jônokuni là họ Kakizaki thành công trong việc bình định cuộc nổi dậy này. Họ Kakizaki trở thành thế lực cai trị trên phần đất phiá nam đảo, nơi cư dân người Wa sinh sống. Đến đời Edo, khu vực này lại được đặt dưới quyền kiểm soát của phiên Matsumae (Tùng Tiền).

Qua những dòng trên, chúng ta đã tạm có một khái niệm về quan hệ đối ngoại của Nhật Bản dưới thời Muromachi.

Tiết 3: Tổ chức làng xã và các cuộc nổi loạn của nông dân.
3.1 Sự kết hợp thành tổ chức tự trị của nông dân:

Trong phần này, chúng ta tập trung chú ý đến việc phát triển tổ chức tự trị của dân chúng nông thôn dưới thời Muromachi, một hình thức tổ chức xã hội có phạm vi rộng rãi và mang ý nghĩa quan trọng.

Thật ra, trước đó, dưới thời Kamakura, ở vùng Kinai (bao gồm kinh đô Kyôto) và khu vực lân cận, trong các shôen (trang viên, còn được dùng để chỉ các thái ấp), ta đã thấy những mura (thôn) với hình thức mới mẻ, đến lúc đó chưa từng thấy ở nông thôn Nhật Bản. Mới mẻ ở chỗ là có những kẻ tuy sống trong trang viên nhưng được quyền thu từ nông dân một món tiền mướn đất (chidai) gọi là kajishi (gia địa tử) [19] hay katako (phiến tử) và dần dần đóng vai trò chủ đất. Người ta gọi họ là myôshu (danh chủ). Những tiểu địa chủ như thế đã tự mình thành lập thôn làng với chế độ tự trị. Đơn vị thôn làng đó có tên là sô (tổng) hay sôson (tổng thôn). Tổng có nghĩa là kết hợp (và sự kết hợp tổng thôn này cũng là bước đầu cho sự giải thể của các trang viên).

Tại sao những tổng thôn như thế đã thành hình? Có nhiều lý do. Một là vì đất hàng tổng (sô no chi) là đất chung của những "hội viên" (hay xã viên) chứ không thuộc riêng một ai. Đó là đất của cộng đồng thể, gọi là iriai-chi (nhập hội địa). Cộng đồng được thành hình để quản lý chung đất trồng trọt cũng như nguồn nước.Ví dụ, nước tưới được quản lý theo khung giờ, theo đó, mọi người sẽ luân phiên đem nước vào phần đất của mình. Chế độ luân phiên lấy nước này được gọi là bansuisei (phiên thủy chế). Hai là vì công việc tế lễ, hội hè hàng năm cần sự đóng góp của mọi người cùng sống trong một khu vực và thói quen làm việc chung đã tạo ra tinh thần nông thôn tự trị. Hiện nay, người Nhật vẫn còn tổ chức làm việc chung, ví dụ mùa hè, vào dịp lễ Vu Lan, cộng đồng vẫn tự phát tổ chức những buổi múa hát tập thể (bon-odori) địa phương mà không cần đến sự chỉ đạo của cơ quan hành chánh.

Ngoài ra, việc tổ chức cuộc sống tự trị ở địa phương như vậy cũng bắt nguồn từ tinh thần chống đối hành động phi pháp của các lãnh chúa trang viên hay quan lại từ trung ương gửi tới. Nếu biết tự trị, họ sẽ tự vệ được và như thế, ngăn chặn những hành động cướp bóc cưỡng đoạt hay gây thương tích chết chóc khi xảy ra xung đột, chiến tranh. Lại nữa, một ryôshu (lãnh chủ, chúa) chỉ có thể hành sử quyền lực trên một đơn vị cai trị là gô (làng) hay shôen (trang viên) của mình. Trong khi đó hình thức sôson (tổng thôn) có thể kết hợp nhiều làng hay nhiều trang viên thành sôgô (tổng hương), sôshô (tổng trang) nghĩa là thực hiện điều đó trên một bình diện rộng rãi hơn. Hành động chung như thế giúp họ trở nên mạnh mẽ đủ để sức đối kháng với lãnh chúa.

Từ đó, ở miền Đông (Tôgoku), sự kết hợp nông thôn lấy gô (làng) làm đơn vị cũng trở thành phổ biến.Những xóm làng kế cận bên nhau lại kết hợp ở một mức độ lớn hơn để thành đại cộng đồng thì gọi là gôson (hương thôn) vì bao gồm cả xóm và làng. Thể chế xã hội đó mang tên là gôsonsei (hương thôn chế).

Nói tóm lại, danh từ sôson (tổng thôn) là một hình thức tổ chức xã hội biểu hiện được tinh thần hợp quần và ý chí đoàn kết thống nhất của người nông dân Nhật Bản cư trú và sinh hoạt trên một vùng đất vậy.

3.2 Tổ chức hương thôn: hình thức sôson (tổng thôn):

Sau đây, xin phép trình bày sự vận hành nội bộ các sôson.

Trong sôson, có những người cầm đầu mang tên là otona (trưởng, ất danh) có thể tạm dịch là ông chánh tổng, sau đến toshiyori (niên ký) ngang với hương lão và satanin (sa thải nhân) là những người chấp hành, chắc có thể xem như hương hào. Những nhân vật này họp với nhau hầu như hằng ngày và điều khiển đời sống trong hàng tổng. Cơ cấu quyết định có tên là yoriai (ký hợp), một hội nghị của các đại diện dân chúng trong tổng. Có thể nói là người dân nào cũng phải chấp hành những quyết định mà hội nghị này đưa ra.

Khi hội nghị cần quyết định điều gì thì đối tượng được mời đến để hội họp bàn bạc là toàn thể các sakunin (tác nhân, giống như tá điền, nông dân mướn được đất để canh tác và nộp tô cho địa chủ) . Những người này còn được gọi là sôbyakushô (tổng bách tính = tất cả trăm họ). Thế nhưng, họ không phải là nông dân thuộc giai cấp thấp kém như genin (hạ nhân), nago (danh tử) hay môdo (gian nhân) [20]. Nơi người trong thôn tập hợp là khuôn viên đền thần đạo vì thần trên nguyên tắc là kẻ có nhiệm vụ bảo vệ dân chúng. Trong mỗi đền thần của tổng thôn đều có miyaza (cung tọa, cung tòa) tức tổ chức tế tự của thôn. Con cháu các dòng họ được chỉ định (thị tử = ujiko) trong thôn (thường là con trai) khi đến tuổi, phải thay phiên nhau tham gia. Có thể nói tổ chức tế tự này là đầu mối tinh thần của sự kết hợp dân chúng trong tổng thôn Nhật Bản với nhau. Vào dịp những cuộc nổi loạn của dân chúng gọi là ikki (nhất quỹ), người ta thấy cảnh các thanh niên chuyền nhau nước thần (shinsui = thần thủy) uống như thể hứa với nhau là sẽ đồng cam cộng khổ (ichimi shinsui = nhất vị thần thủy).

Qui ước mà người trong tổng thôn cam kết gìn giữ có tên là sô-okite (còn gọi là mura- okite hay jige-okite). Qui ước đó bao gồm những điều khoản về việc sử dụng ruộng hay nguồn nước tưới, quản lý đất của chung (dùng như hợp tác xã), nghĩa vụ có mặt trong các buổi họp, các biện pháp trừng phạt cũng như biết bao qui định khác chi phối cuộc sống thường nhật của họ.

Hiện nay người ta còn bảo tồn được một số văn bản qui ước của làng Imabori (Imabori-gô) vùng Ômi trong lãnh địa chùa Enryaku (Diên Lịch) (nay địa phương này thuộc thành phố Yôkaichi tỉnh Shiga). Trong qui ước gọi là sô-okite của làng Imabori có những điều lệ như sau:

- Dân ngụ cư nếu không có người trông thôn bảo lãnh thì sẽ không có quyền cư trú [21] .

- Không được nuôi chó.

Như thế, ta thấy đó là những điều lệ rất thiết thực, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của người dân. Những ai muốn tìm hiểu về sinh hoạt của người đương thời sẽ tìm thấy những câu trả lời hết sức cụ thể và thú vị.Chẳng hạn việc đòi hỏi kẻ muốn ngụ cư phải có người bảo lãnh chứng tỏ dân chúng có thái độ rất ư bài ngoại (đối với người ngoài làng) nhưng lại đoàn kết bên trong. Nếu chúng ta đọc Sanshô Dayuu (Sơn tiêu đại phu) - tác phẩm của nhà văn Mori Ôgai lấy bối cảnh thời trung cổ - sẽ thấy ông tả cảnh mấy mẹ con nhà quan đi thăm chồng ở nơi phó nhậm dọc đường bị dân chúng ở Naoetsu (một cái bến) không cho ngủ trọ đành phải trú qua đêm dưới chân cầu và thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người.


Cảnh gia đình nhà quan trên đường gặp nạn 
trong phim Sanshô Dayuu của Mizoguchi Kenji

Người dân trong thôn vì muốn duy trì trật tự cho thôn mình có khi cũng đã hành sử cả quyền cảnh sát.Đó là quyền jikendan (tự kiểm đoán) hay jige kendan (địa hạ kiểm đoán). Thành ra, câu nói "phép vua thua lệ làng" của Việt Nam đôi khi cũng có thể đem ra áp dụng cho người Nhật được!

Trên nguyên tắc, người dân trong tổng thôn vẫn phải có nhiệm vụ nộp tuế cống cho lãnh chủ (chúa) nhưng sau khi đã có sức mạnh tự bảo vệ (jikendan, tự kiểm đoán), tự trị và tự lập rồi, một số tổng thôn thường xin đứng ra gánh vác việc thu gom tuế cống ấy cho tiện. Nếu được mọi người chung sức với nhau thu gom, họ sẽ tránh được việc bị đàn áp hay thúc hối mỗi lần lãnh chủ (chúa) hành sử quyền thu tuế cống. Chế độ tự mình thu gom tuế cống gọi là jige-uke (còn có tên là mura-uke, hyakushô-uke). [22]

Thế rồi, khi ý thức liên đới trong sinh hoạt của cộng đồng thể đã ăn sâu vào đầu óc của người nông dân tổng thôn, họ đã dám có những hành động táo bạo hơn như tố cáo việc làm bất chính của quan lại trang viên và đòi bãi miễn những ngưòi ấy. Cũng có khi họ đòi hỏi các lãnh chúa phải ngưng hay giảm thu tuế cống vào những năm hạn hán hay lũ lụt. Như vậy, dân chúng tổng thôn đã tỏ ra có tinh thần chống đối trước các lãnh chúa và nhiều khi khá mạnh mẽ. Sử gia Nhật Bản phân biệt hình thức shuuso (sầu tố) có tính chất van xin ơn huệ và gôso (cưỡng tố) gần như gây áp lực và ép buộc. Khi yêu cầu của mình không được mãn nguyện, họ có thể bỏ mặc ruộng đồng và trốn đi sống tản mác (chôsan = đào tán) nơi những lãnh địa khác hay vào ẩn trong núi. Lúc sự chống đối leo thang tới đỉnh cao cùng cực, nó có thể biến thành những cuộc nổi loạn của dân chúng (phần lớn là nhà nông), mang tên là ikki (nhất quỹ).

Nguyên chữ ikki (nhất quỹ) có nghĩa là "đồng lòng để lo chung một điều gì" (nhất vị đồng tâm). Khi võ sĩ và nông dân thề thốt trước mặt chư thần sẽ đoàn kết với nhau để thực hiện một công trình cụ thể nào đó thì việc ấy gọi là ikki (nhất quỹ). Do đó, tùy theo chủ thể và mục đích mà ikki được chia làm nhiều loại. Ít nhất có 4 loại chính:

1- Tsuchi ikki (Thổ nhất quỹ): trường hợp dân chúng sở tại (thổ dân = domin tức người dân một địa phương nhất định nào đó) nổi dậy [23]. Thường vì họ muốn được giảm hay miễn trả tuế cống hoặc mong xóa nợ.

2- Tokusei ikki (Đức chính nhất quỹ) Dân chúng nổi dậy xin phát lệnh và thi hành "đức chính", cũng có nghĩa là xóa bỏ các món nợ nặng lãi. Thường thấy ở các đô thị vùng Kinai nơi người dân làm ăn không ngóc đầu lên nổi vì phải trả nợ với lãi suất rất cao.

3- Kuni ikki (Quốc nhất quỹ): cuộc nổi dậy của "người giữ nước hộ" (kokujin ) và các võ sĩ xuất thân địa phương (jizamurai) tức lớp người sống tại chỗ (kuni = tiểu quốc). Họ muốn chống lại chính sách cai trị của các quan lại như shugo được trung ương bổ nhậm, tự mình lập nên các điều lệ quản lý (jôhô = định pháp) thích hợp với sinh hoạt của mình hơn.

4- Ikkô nikki (Nhất Hướng nhất quỹ): những cuộc nổi dậy của môn đồ một giáo phái Phật giáo gọi là Nhất Hướng tông (Ikkôshuu) - một chi phái của Chân tông - chống lại chính quyền địa phương. Giáo phái này chủ trương thờ mỗi Phật A Di Đà và chuyên tâm niệm Phật. Trung tâm của họ là chùa Honganji (Bản Nguyện Tự).

3.3 Những cuộc nổi loạn liên tập của dân chúng (ikki):

Xin trình bày về một số cuộc nổi loạn dân chúng tiêu biểu dưới thời Muromachi:

Trước hết, cuộc nổi dậy của dân chúng đáng để ta ghi nhớ nhất tại Nhật Bản đã xảy ra vào năm 1428 (Shôchô nguyên niên).Sử gọi là Sôchô no tokusei ikki (Chính Trường đức chính nhất quỹ). Trong bản ghi chép tên là Daijôin nikki mokuroku (Đại thừa viện nhật ký mục lục) của học tăng Jinson (Tầm Tôn) chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) tỉnh Nara có viết "Toàn thể dân chúng sở tại hè nhau nổi dậy. Họ đòi hỏi "đức chính" tức là chính trị đứng đắn, ra tay đập phá các quán rượu, nhà kho, chùa chiền, tự tiện lấy mọi thứ vật dụng mang đi, xé sạch và vứt sạch mọi văn tự cho vay". Chức kanrei (quản lãnh) đã trấn áp được họ nhưng phải nói là không có chi làm suy sụp đất nước hơn là những hành động như thế này. Kể từ khi lập quốc, đây là lần đầu tiên Nhật Bản biết nếm mùi nổi loạn của dân chúng".


Tái tạo qua phim ảnh một cảnh nông dân nổi loạn (ikki)

Năm 1428, lúc những cuộc nổi loạn bộc phát là thời điểm và kinh tế và xã hội trong nước đều ở vào tình trạng bất ổn. Ngay từ đầu năm, nhân vì nội bộ của mạc phủ có vấn đề kế vị được đặt ra khiến chính sự rơi vào cảnh hỗn loạn. Thực thế, chức Shôgun đời thứ 5 của Mạc phủ Muromachi là Yoshikazu (Nghĩa Lượng, 1407?-1425, tại chức 1423-25) yểu mệnh, đã tạ thế trước đó 3 năm (1425 hay Ôei 32). Kể từ ngày đó, vì mạc phủ không quyết định được ai là người có thể thay ông, cha của Yoshikazu là Shôgun đời thứ 4 Yoshimochi (Nghĩa Trì, 1386-1428, tại chức 1394-1423) phải tạm thời trở lại chấp chánh. Tuy nhiên, chẳng bao lâu đến phiên Yoshimochi cũng chết trong khi nhà chúa vẫn chưa chọn được người lên thay. Sự chỉ định người nối nghiệp do đó phải dựa vào việc bốc quẻ ở đền Hachiman phố Rokujô trong thành Kyôto để xem thử ý kiến thần thánh như thế nào. Đó là một quyết định vô cùng kỳ quặc. Lại nữa, từ tháng 4 trở đi, một chứng truyền nhiễm tên là mikkayamai (tam nhật bệnh = bệnh ba ngày) mà không ai hiểu duyên do đã lan tràn khắp nước. Số người mắc bệnh tử vong vô số, xác chết chồng chất như núi. Thêm vào đó, thời tiết xấu gây ra mất mùa. Cả nước Nhật lúc đó ở trong một hoàn cảnh thật là bi đát.

Tháng 8 cùng năm, những kẻ làm nghiệp vụ chuyên chở bằng ngựa gọi là giới bashaku (mã tá) lại nổi lên để yêu cầu thực hiện "đức chính" [24]. Như nhận được sự kích thích, các tổng thôn phụ cận kinh đô Kyôto cũng một lòng đoàn kết đứng lên đòi hỏi "đức chính". Họ đập phá các quán rượu, tập kích các nhà kho cũng như tiệm buôn và tiệm cầm đồ, xé sạch văn tự bằng khoán, đem vứt đi tất. Phong trào này lan ra khắp vùng Kinki. Những địa phương khác cũng học theo cách làm đó nghĩa là tự tay họ thi hành đức chính một cách cụ thể (gọi là shitokusei hay đức chính). đức chính chẳng có gì khác hơn là hành động "tự tay" đốt hết giấy nợ và thu hồi ruộng đất của mình.

Nhân đây cũng kể thêm rằng ở tỉnh Nara, thành phố Yagyuu, ở cửa vào ngọn đèo trên con đường gọi là Yagyuu-gaitô, hãy còn một hòn đá lớn trên đó người ta khắc bức tượng Phật Địa Tạng (Jizô) tên là Hôsô jizô (Bào sang Địa Tạng) tức là ông Phật Địa Tang bị nốt rỗ (như người lên đậu). Lý do là trên thân thể ông hãy còn khắc mấy hàng chữ mà nội dung chính là tuyên ngôn của những người nổi loạn đòi đức chính năm Shôchô 1 (Chính Trường nguyên niên, 1428). Tượng đó được gọi là Tokusei hibun (Đức chính bi văn) xem như là văn bia mà dân 4 làng trực thuộc lãnh địa của ngôi đền Kasuga vùng đó đã chép lại về thành quả "đức chính" họ giành lấy được. Tuy vậy, có thuyết khác cho rằng những lời minh trên đó chẳng qua là tác phẩm của người đời sau. Nhưng dầu sao đi nữa, ta vẫn có thể xem bài văn bia như một bằng chứng quan trọng của phong trào nổi dậy đòi đức chính thời Muromachi.


Di tích Địa Tạng gần Nara 
có khắc tuyên ngôn đòi thi hành "đức chính"

Trong phần trên, chúng ta đã phân loại các hành động ikki (nhất quỹ) nhưng nói đúng ra chỉ có loại tsuchi-ikki do dân sở tại chủ trương là có những đòi hỏi hiện thực hơn cả. Tuy nhiên khi nói tsuchi ikki (thổ nhất quỹ) là nói về chủ thể hành động (domin, dân sở tại), còn như nói tokusei ikki là nói về mục đích (đòi đức chính) chứ thực ra không dễ gì phân biệt hoàn toàn hai thứ ikki ấy cho được.

Năm Eikyô nguyên niên (1429), lại xảy ra một vụ nổi dậy tên gọi Harima no tsuchi-ìki.Cũng giống như cuộc nổi dậy năm Shôchô (Chính Trường nguyên niên, 1428) ở Nara, trong vùng Harima này, người ta cũng thi hành "đức chính" bằng cách đoạt lại đất đai đã bán đi nhưng hơn thế nữa, dân chúng còn đuổi gia thần họ Akamatsu (Xích Tùng) đang giữ chức shugo ở đó ra ngoài cõi.

Kết cuộc, họ đã bị cánh nhà Akamatsu trấn áp được.Thế nhưng theo tin tức ghi chép lại trong Sakkaiki (Sát giới ký, 1418-43), tập nhật ký có tính sử liệu của một công khanh tên gọi Nakayama Sadachika (Trung Sơn Định Thân) [25] "chuyện các võ sĩ phía shugo bị dân chúng sở tại, giết chết hay đánh đuổi đi là chuyện vô cùng hiếm có xảy ra trong khu vực một địa phương".

Lại nữa, đến năm Kakitsu nguyên niên (1441), hàng vạn dân đã nổi lên chiếm cứ thành phố Kyôto. Đó là cuộc ikki xảy ra sau khi quan shugo vùng Harima nói trên là Akamatsu Mitsusuke (Xích Tùng Mãn Hựu) [26] đã mời Shôgun Yoshinori (Nghĩa Giáo) đến dinh của mình chơi và ám sát ông tại chỗ (Kakitsu no ran = loạn năm Kakitsu). Do đó, cuộc ikki vừa kể thuộc loại thừa cơ nổi dậy đòi thay đổi nhà cầm quyền để "thi hành đức chính". Tuy sử gọi là Kakitsu no tsuchi-ikki nghĩa là ikki của dân sở tại vào năm Kakitsu, còn như các nhà chuyên môn thì họ xếp nó vào loại daihajime no tokusei (đức chính khi thay đổi triều đại) gây ra bởi cuộc khủng hoảng vì trống vắng chính trị. Lý do là đất nước không có ai cầm đầu kể từ cái chết của Shôgun đương nhiệm. Việc hô hào như thế xảy ra mỗi khi có sự thay ngôi đổi chủ là vì thời trung cổ, người ta có quan niệm rằng việc một Shôgun tức vị sẽ là cơ hội khiến mọi quan hệ xã hội được xét lại.

Từ đó về sau, những cuộc tsuchi-ikki thường đi đôi với chiêu bài đòi thực thi đức chính. Phía chính phủ cũng sử dụng ngôn từ đó. Họ ban hành các tokuseirei (đức chính lệnh) nhưng rất bừa bãi.

Việc Mạc phủ ban bố "đức chính lệnh" cũng bắt nguồn từ lợi ích tài chánh riêng tư của họ. Trong các đức chính lệnh ấy, phần nhiều họ đặt điều kiện phải trích 1/5 hay 1/10 những món nợ hay món tiền cho vay nộp cho nhà chúa dưới danh nghĩa huê hồng thưởng công lao can thiệp trong việc nhìn nhận hay bãi bỏ một món nợ. Tiền huê hồng (tiền giấy tờ) đó có tên là buichisen (phân nhất tiền) và đức chính lệnh đã đẻ ra chúng được gọi là buichi-tokuseirei (phân nhất đức chính lệnh), nhưng nào có phải là chính trị tốt đẹp (đức chính) mà chỉ là lệnh "buộc cho ăn chia" theo phần trăm!
 

Tóm tắt về những cuộc nổi loạn nông dân (Ikki) vào thế kỷ 15[27]
Năm Danh xưng Địa phương Nguyên nhân - Hậu quả
1428 Cuộc đòi đức chính năm Shôchô (Chính Trường)  Kyôto Sinh ra từ khoảng trống chính trị sau cái chết của Shôgun Yoshimochi, không tìm ra người kế vị
1429 Cuộc đòi đức chính ở Harima Harima Sinh ra từ cuộc tranh quyền gia trưởng của họ Akamatsu.
1432 Cuộc đòi đức chính ở Ise Ise
1441 Cuộc đòi đức chính năm Kakitsu (Gia Cát) Kyôto Sinh ra từ khoảng trống chính trị sau vụ họ Akamatsu ám sát Shôgun Yoshinori
1447 Cuộc đòi đức chính Yamashiro Nishioka Yamashiro
1454 Cuộc đòi đức chính năm Kyôtoku (Hưởng Đức) Kyôto Sinh ra từ cuộc tranh chấp giữa Hatakeyama Masanaga và Hatakeyama Yoshhihiro
1457 Cuộc đòi đức chính năm Chôroku (Trường Lộc) Kyôto Chiếm đóng chùa Tôji (Đông tự) . Đánh bại quân mạc phủ gửi tới.
1459 Dựng bảy trạm kiểm soát trên đường vào Kyôto
1462 Cuộc đòi đức chính chiếm bảy trạm kiểm soát Kyôto Nạn đói năm Kanshô (Khoan Chính, 1461-62) làm chết 82.000 người.
1465 Cuộc đòi đức chính chiếm Tôji (Đông tự) Kyôto
1466 Cuộc đòi đức chính ở Kyôto Kyôto
1467 Bắt đầu cuộc đại loạn năm Ônin (Ứng Nhân, 1467-1477)
1480 Cuộc đòi đức chính và triệt bỏ 7 trạm kiểm soát lối vào Kyôto Kyôto
1485 Cuộc đòi đức chính ở Yamashiro Yamashiro Lại sinh ra từ sự tranh chấp giữa Hatakeyama Masanaga và Hatakeyama Yoshihiro.
1488 Cuộc đòi đức chính của tông Ikkô (Nhất Hướng)  Kaga Quan shugo ở Kaga là Togashi Masachika đối lập với tín đồ Ikkô.

Thống kê về những cuộc nổi loạn của nông dân (Ikki) 1600-1867[28]

Giai đoạn Tổng số các cuộc Ikki Bình quân số Ikki hàng năm
1600-1700 420 4,2
1700-1800 1092 10,9
1800-1850 814 16,2
1851-1867 373 21,9
Tiết 4: Xã hội thời Muromachi:
4.1 Nông nghiệp dưới thời Muromachi:

Sau khi đã điểm qua một vòng chân trời chính trị, ngoại giao, chúng ta thử bàn về hoàn cảnh xã hội đương thời.

Ưu tiên ta phải để mắt tới hoạt động nông nghiệp. So với thời trước, nông nghiệp Muromachi có các đặc điểm là tập trung hóa, đa dạng hóa và nhân đó, làm cho sức sản xuất tăng mạnh.

Về kỹ thuật nông nghiệp, trước tiên. vào thời này, việc sử dụng các nông cụ bằng sắt như cuốc, bừa và liềm cũng như sức làm việc của bò ngựa trong nông canh đã phổ cập hơn hồi thời Kamakura. Chúng ta biết rằng có bộ tranh cuộn Hônen Shônin eden (Pháp Nhiên thượng nhân hội truyện) mô tả cuộc đời của vị giáo chủ Tịnh Độ Tông. Bộ tranh này tuy bản chính đã mất nhưng vẫn có nhiều bản sao chép suốt trong giai đoạn Nanbokuchô (Nam bắc triều) và Muromachi. Qua đó, ta thấy như sống lại bằng tranh vẽ phong cảnh người Nhật canh tác ruộng nước với sự hổ trợ của bò và ngựa. Bên cạnh đó là tranh miêu tả lễ hội dengaku (điền nhạc, bắt nguồn tự thời Heian) ở nông thôn với những người nông dân đang nhảy múa vui vẻ.

Thứ đến, giống lúa cũng đã được cải thiện. Người ta đã phân biệt được cái loại wase (tảo đạo), nakate (trung đạo) và okute (vãn đạo) theo thời kỳ thu hoạch chúng sớm hay muộn. Chẳng hạn wase là loại sớm ra bông, kết hạt nhất.Tuy đến thời Sengoku (1467-1568) điều đó mới thực sự trở nên thuần nhất và rộng rãi nhưng nhờ đó mà vào thời ấy, các vùng đã bắt đầu biết tùy theo điều kiện thiên nhiên của mình mà chọn lựa giống lúa thích hợp và canh tác sao cho năng suất thu hoạch đạt mức tối đa.

Ba là sự phát triển và phổ cập của các loại guồng dẫn nước (suisha = thủy xa), trong đó có loại ryuukossha (long cốt xa) phát xuất từ Trung Quốc, gồm những mảnh ván kết nối với nhau như bộ xương của rồng. Do đó việc tưới tiêu đã được cải thiện rất nhiều.Vào thời Kamakura, chỉ có vùng Kinai gần kinh đô mới được xem là tiên tiến vì có thể làm 2 vụ trong năm (nimôsaku = nhị mao tác) là lúa gạo và lúa mì.Đến lúc này thì kỹ thuật hầu như đã lan rộng ra khắp các vùng, Còn như trong vùng tiên tiến là Kinai thì vào thời Muromachi, nông dân Nhật Bản có thể làm được đến 3 vụ (tam mao tác = sanmôsaku). Năm Ôei 27 (1420) tức năm sau khi xảy ra cuộc biến loạn ngoại khấu năm Ôei (Ôei no gaikô) (xin xem bên trên), để cải thiện mối bang giao Triều Tiên Nhật Bản, người Triều tiên đã gửi đoàn sứ giả sang Nhật đáp lễ gọi là kaireishi (hồi lễ sứ).Người sứ giả lúc đó là Tống Hy Cảnh (biệt hiệu Lão Tùng Đường) đã viết cuốn sách nhan đề "Lão Tùng Đường Nhật Bản hành lục" (Ghi chép về chuyến đi Nhật của ông Lão Tùng), trong đó ông đã trình bày rõ ràng về việc canh tác ở Nhật. Sứ giả họ Tống, ngoài việc mô tả về tình hình trên đảo Tsushima (Đối Mã) mà người ta vẫn cho là bản doanh của giặc cướp biển Wakô (Nụy khấu), còn quan sát cả tình hình phía bắc đảo Kyuushuu, miền tây đảo Honshuu cũng như vùng xung quanh kinh đô Kyôto. Ở Amazaki trong vùng Settsu chẳng hạn, ông đã ngạc nhiên khi thấy nông dân làm 3 vụ: luá gạo (rice), lúa mì (wheat) và soba (kiều mạch, buckwheat) trong cùng một năm và điều đó khiến ông đặt bút viết mấy vần thơ tức sự .

Làm hai vụ hay ba vụ mùa cần có một hệ thống tưới tiêu tốt và nông cụ thích hợp. Nông nghiệp thời Muromachi như vậy đã đạt đến một trình độ kỹ thuật khá cao. Đó là chưa nói đến kiến thức của họ trong việc cải tiến phân bón ruộng.Ngoài phân xanh như karishiki (phân từ cây cỏ cắt ra (kari = cát) và rải phủ (shiki = phu) vào ruộng) cũng như phân tro thực vật (sômokubai = thảo mộc hôi), họ còn dùng cả phân chuồng gọi là shimogoe ( hạ phì = chất thải từ tiểu và đại tiện của động vật) giúp cho chất lượng của đất được nâng cao và thu hoạch đều đặn hơn.

Riêng nói về các đặc sản địa phương thì vào thời này, người nước đã biết trồng trọt và sản xuất những mặt hàng có tiếng của địa phương mình. Nguyên liệu dùng trong thủ công có tơ gai (karamushi, hemp plant), dâu tằm (kuwa, mulberry), cây dó (kôzo, paper mulberry), cây sơn (urushi, lacquer tree), cây cho màu lam (ai, indigo plant) và cây chè (cha, tea). Những hoạt động gia công cũng bắt đầu phát đạt ở nông thôn và biến các loại thực vật này thành sản phẩm phân phối đi khắp nơi.

Sản xuất đi lên như thế làm cho thu nhập của người nhà nông dồi dào hơn, vật tư cũng đầy đủ hơn. Nhu cầu lưu chuyển hàng hóa cũng vì đó đã bắt đầu trở nên bức thiết.

4.2 Chế độ Za và sự phát triển công thương nghiệp:

Vào thời đại này, những người sản xuất và đi buôn đã tìm cách họp lại thành Za (Tọa, Tòa) hay tổ hợp ngành nghề để tranh đấu cho những quyền lợi chung. Rồi đến khi công thương nghiệp phát triển thêm lên, số Za đã tăng nhiều lên hẳn so với lúc trước và lan rộng khắp toàn quốc.Những nhà sản xuất các mặt hàng đặc sắc ở địa phương mình cũng tổ chức thành Za. Có khi thì là Za nghề rèn (Kajiza), Za nghề mộc (Daikuza) như thể có bao nhiêu nghề là có bấy nhiêu Za.
 

Tìm hiểu thêm về Za [29]

Za (Tọa, Tòa) là một tổ chức đồng nghiệp thời trung cổ Nhật Bản có những người thợ, nhà buôn, con hát... tụ họp lại theo ngành nghề. Khởi đầu, vào cuối thời Heian, triều đình và các đền chùa có thần thế, mỗi khi tổ chức lễ lạc đều dành một số chỗ ngồi (zaseki = tọa tịch) cho những người bỏ công cung cấp lương thực hay chạy việc cho họ, vốn xuất thân từ các tổ hợp ngành nghề gọi là bemin (bộ dân). Vinh dự "góc chiếu giữa làng" này còn kèm theo một số quyền lợi như khỏi phải đóng thuế và làm phu dịch. Về sau những người có đặc quyền có chỗ ngồi gọi là hôshi no za (hôshi = phụng sĩ, tức phụng sự) bán những sản phẩm hay dịch vụ dư thừa ra bên ngoài để kiếm ăn thêm nhưng vẫn nhận được sự che chỡ của cửa quyền (honjô = bản sở).Tùy gốc gác, họ có những tên gọi riêng:

1) Các jinin (thần nhân) gốc là thuộc hạ đền thần. Họ được các đền như Iwashimizu, Hachimanguu che chở. Họ chuyển sang buôn dầu, cá, muối...

2) Các yoriudo (ký nhân) từng là trang dân làm việc cho các chủ trang viên.Các chùa Kôfukuji, Ichijôin là nơi che chở cho họ. Chuyên môn buôn nông cụ như bừa.

3) Các kunin (công nhân) trước là thuộc hạ của triều đình và đền chùa. Sở samuraidokoro của Mạc phủ Muromachi che chở họ.Họ buôn đồ vải vóc.

4) Các sanjô (tán sở) là nhân viên phụ giúp cho các nhân viên chính thức trong gia đình quyền môn. Được đền thần Kamo che chở.Buôn bán cá và đồ biển.

Ích lợi việc tổ chức thành Za là được miễn thuế, khỏi đóng phí giao thông khi qua các trạm kiểm soát, được độc quyền mua vào và bán ra.Nghĩa vụ của Za (gọi là zayaku = tòa dịch) là làm lao dịch, đóng tiền Za (zakin = tòa kim) và nạp phẩm vật cho các honjô đã che chở mình. Za là một tổ chức khép kín với bên ngoài, nên trở thành nguyên nhân của sự tăng giá quá độ các mặt hàng và gây tắc nghẽn trong hoạt động thương mãi. Từ đời Muromachi trở đi đã xuất hiện những honjô không có Za và có những con buôn độc lập không phụ thuộc vào Za nào cả. Đến thời Sengoku thì đặc quyền của Za bị bãi bỏ sau khi Lệnh buôn bán tự do (Rakushirei = Lạc thị lệnh) được ban ra nhằm xúc tiến lưu thông kinh tế.

Chúng ta cũng có thể mường tượng sinh hoạt của những người thợ cả (shokunin) các ngành nghề đương thời khi xem bộ tranh cuốn có nhan đề hóm hỉnh là Shichijuuichi ban shokunin uta-awase (Cuộc bình thơ của các thợ cả lần thứ 71). Bộ tranh đó trình bày một hội thơ theo phong cách kyôka (cuồng ca) tức thơ waka nhưng không mấy đứng đắn, mô tả cảnh làm việc của đủ mọi thành phần thợ thuyền và con buôn từ anh thợ cả ngành mộc (banjô) đến các anh thợ cả ngành đúc (imoji), ngành rèn (kajishi), ngành sơn (nushi), ngành mài dao (togishi), ngành chép kinh (kyôji), ngành chế giấy (kamisuki), ngành đóng áo giáp (yoroishi) vv... Nhờ bộ tranh đó mà ta hiểu sự phân công các ngành nghề của xã hội thời Muromachi đã đa dạng hóa đến mức độ nào.

Nếu so sánh các tổ hợp ngành nghề (Za) được thành lập vào thời Muromachi với các tổ hợp ngành nghề có mặt cho đến lúc đó thì ta thấy Za có nhiều đặc sắc. Dĩ nhiên chữ Za (tọa, tòa) có nghĩa là "chỗ ngồi" như trong từ zaseki (tọa tịch = chỗ ngồi). Ở đây nó ám chỉ người nào đã có được một chỗ đứng (chỗ ngồi) trong nghề nghiệp của mình.Sau đó tiến xa hơn nữa, nó ngầm chỉ một tập đoàn của những người chuyên nghiệp nghĩa là kẻ đã xác định chỗ đứng (ngồi) của mình trong lãnh vực chuyên môn nào đó.

Cho đến lúc ấy, các Za được đặt dưới sự bảo hộ nên tùy thuộc vào các honjo (bản sở) tức là các gia đình công khanh, đại tự viện hay đền thần đạo vốn nắm thực quyền lãnh đạo trang viên thái ấp. Thế nhưng đến đời Muromachi dần dà họ đánh đổi sự bảo hộ ấy bằng cách trả một thứ thuế doanh nghiệp thành ra độc lập hơn chứ không chịu hoàn toàn sự chi phối của các chủ nhân ông kia nữa. Họ bắt đầu tự mình sản xuất theo đòi hỏi của thị trường để cung ứng cho nó.

Sau đây là những Za hay tổ hợp ngành nghề có tầm cỡ đáng lưu ý vào giai đoạn đó.

Có 4 tổ hợp quan trọng. Trước hết, ta phải nói đến Ôyamazaki-aburaza một tổ hợp buôn dầu vừng để đốt đèn. Abura có nghĩa là dầu và Ôyamazaki là địa danh ở vùng Kyôto.Đó là địa điểm đền thần đạo Hachimanguu thuộc ly cung (biệt điện nhà vua) ở vùng Ôyamazaki. Aburaza này độc quyền việc thu mua nguyên liệu dầu thắp đèn (tôyu) lấy từ cây vừng dầu (egoma-abura) trong mười tiểu quốc của các xứ Kinai, Mino, Owari, Awa, Higo.Sau đến Kôji-za thuộc đền thần Kitano chuyên buôn mầm mạch nha (kôji, malt), Wata-za đền Gion chuyên về bông vải (wata, cotton), Aoso-za nhà công khanh Sanjônishi chuyên về tơ bóc từ vỏ cây gai (aoso). Những đền chùa và công khanh đều là các honjo tức kẻ nắm quyền cai quản cho nên đối với họ, các Za phải cung cấp sức lao động hay đóng một món tiền khoán gọi là zayaku (tọa dịch, còn gọi là zasen hay tọa tiền). Để đánh đổi, các honjô bảo đảm độc quyền mua đi bán lại cho họ và tha các thứ thuế khác như thuế buôn, thuế chợ, thuế đi đường (khi qua các cửa ải). Ngoài ra, riêng ở Kyôto, người ta thấy có Shifukayochô-za. Za này như cái tên của nó (Shifukayôchô = tứ phủ giá liễn đinh) là một tập đoàn trực thuộc tứ phủ (4 phủ = 2 phủ tả hữu thành ra là 4) của triều đình tức là Konoe-fu (Cận vệ phủ, hay phủ ngự lâm quân) và Hyôe-fu (Binh vệ phủ) và lo việc khiêng kiệu thần vào dịp lễ lạc và xa giá cho thiên hoàng. Bởi vì Za này được độc quyền làm ăn một số nghề cho nên các con buôn và thợ ở vùng Kamijô (Kinh thượng, tên gọi vùng phiá bắc thành phố Kyôto chung quanh cung điện), tham gia rất đông đảo. Chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) ở Nara cũng thế. Chùa bao trùm nhiều Za khác nhau. Hai phân viện của chùa là Đại thừa viện và Nhất thừa viện đều làm kinh tế. Họ cai quản nghề buôn tơ lụa (Kinu-za) và cả nghề bán cá (Uo-za)

Ngay cả trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, chúng ta vẫn thấy kiểu tổ chức theo Za. Văn hóa Kitayama mà điển hình là tuồng Nô (Năng nhạc) sở dĩ được phát triển mạnh là nhờ có tổ chức Yamato Sarugaku-shiza (Đại hòa viên nhạc tứ tòa) hay là 4 rạp hát tuồng trong vùng Yamato (khu vực kinh đô và chung quanh).Bốn rạp hay bốn gánh hát ấy (shiza, tứ tọa, tứ tòa) là Kanze-za (Quan Thế), Hôshô-za (Bảo Sinh), Konbaru-za (Kim Xuân) và Kongô-za (Kim Cương).Từ Kanze-za đã xuất hiện hai tên tuổi lớn là cha con Kan.ami (Quán A Di, 1333-1384) và Zeami (Thế A Di, 1363 ? -1443). Các ông vừa là soạn giả, vừa là diễn viên, được Shôgun Yoshimitsu bảo hộ, yên tâm sáng tác và đã cho ra đời rất nhiều kịch bản tuồng Nô (gọi là yôkyoku hay dao khúc), đưa sarugaku-nô (viên nhạc năng) vốn là một loại tuồng sơ khai dành cho lễ hội ở nông thôn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của nó.Chúng ta lại biết thêm là Zeami đã để lại cho hậu thế một bí kíp trứ danh giải thích cái hay của Nô (hana = hoa) mang tên Fuushikaden (Phong tư hoa truyền = Cách truyền lại tinh hoa nghệ thuật diễn xuất).

Tuy vậy, do sự phát triển của thương nghiệp, kể từ thế kỷ 15 trở đi, đã có những nhà buôn mới nổi lên. Đặc điểm của họ là đứng ngoài các Za. Khi biết rằng sở dĩ giới sản xuất và buôn bán họp nhau lại thành Za vì lý do bảo vệ quyền lợi cho phe nhóm cho nên dĩ nhiên là sự xuất hiện của các nhà buôn mới nổi lên chỉ làm rầy rà hoạt động của họ.Giữa hai bên không ngừng nẩy sinh ra những sự cố vì đối nghịch, phân tranh trong vấn đề bảo vệ quyền mua bán. Thương nghiệp nhân đó bị đình đốn. Đến thời Sengoku (Chiến Quốc) trong đám các lãnh chúa (daimyô) ở các tiểu quốc, có những người thấy rằng cần phải phế bỏ đặc quyền của các Za nên đã hành động trong chiều hướng đó. Chủ đích của họ có thể nắm được qua tiêu đề gồm bốn chữ là Rakuichi rakuza (Lạc thị lạc tọa) mà chúng ta sẽ mổ xẻ tường tận về sau.

Sau đây, hãy thử trình bày những vấn đề đã xảy ra trong sự trao đổi thương mại thời bấy giờ. Ví dụ các vấn đề địa điểm, hóa tệ và lưu thông hàng hóa.

Trước tiên, về địa điểm trao đổi hàng hóa thì kể từ thời Kamakura, người ta đã tổ chức những phiên chợ định kỳ. Tùy theo việc chợ họp bao nhiêu lần trong một tháng mà nó có tên là sansai-ichi (tam trai thị, chợ họp mỗi tháng 3 lần), rokusai-ichi (lục trai thị, chợ họp mỗi tháng 6 lần). Sau loạn Ônin (cuộc đại loạn kéo dài từ niên hiệu Ứng Nhân đến Văn Minh, 1467-77), chợ hầu như họp 6 lần một tháng (rokusai-ichi). Trong số các chợ, thường có những ngôi chợ chuyên bán một số mặt hàng đặc biệt, chẳng hạn chợ Kyôto Sanjô và Shichijô (khu vực đường số 3 và số 7 ở Kyôto) chuyên bán gạo và chợ Yodo chuyên bán cá. Trên các bức tranh bình phong Rakuchuu rakugaizu byôpuu vẽ cảnh bên trong (Rakuchuu) và bên ngoài (Rakugai) thành phố Kyôto, ta có thể nhìn thấy cảnh tượng cuộc sinh hoạt rất sống động trong các chợ đương thời, các cửa tiệm với những mặt hàng bày bán trên quầy và cả bóng dáng những người làm nghề bán dạo.


"Lạc trung lạc ngoại đồ", tranh vẽ cảnh phố phường Kyôto của Kano Eitoku

Việc ở vùng trung tâm các đô thị có những ngôi chợ mọc lên như vậy chứng tỏ kinh tế lưu thông hàng hóa đã được phát triển. Tuy nhiên trong chợ có các sạp chợ (ichiza = thị tọa, thị tòa) nghĩa là "chỗ ngồi" mà người đi buôn nếu không đóng thuế doanh nghiệp thì không có quyền sử dụng để buôn bán.


Tái tạo hình ảnh Ôharame, các cô gái bán củi và than thời xưa qua lễ hội

Ngoài các chợ còn có một hệ thống buôn bán song song do những người bán dạo (gyôshô = hành thương, gyôshônin = hành thương nhân) phụ trách.Những người bán dạo mỗi ngày một đông, họ thường đeo cái rương bằng gỗ gọi là renjaku (liên tước, liên xích) giống như sạp hàng nhỏ trên lưng. Từ đó mà ta có được renjaku shônin, cái tên để gọi người bán dạo. Những ai bán dạo mà gánh hàng bằng đòn gánh, vừa đi vừa rao thì được gọi là furiuri (chấn mãi) có thể vì động từ furu (chấn à furi) trong tiếng ấy hàm ý chuyển động. Hạng người bán dạo tiêu biểu của giới này là các cô các bà bán than, bán củi trong thành phố Kyôto, vốn có tên là Oharame (Đại Nguyên nữ, vùng Ôhara phía bắc Kyôto là khu vực núi non có thể lấy củi, than), cũng như các Katsurame (Quế nữ, sông gọi là Katsuragawa ở Kyôto lắm cá) phụ nữ đội thúng lên đầu đi bán cá ayu (cá hương, sweetfish) bắt được bằng chim ugai (chim cốc, cormorant). Ngoài ra trong giới bán dạo còn có các cô các bà bán cá, quạt, vải vóc, đậu hủ. Cũng thấy cả bóng dáng phụ nữ đi buôn những loại tiền bạc.

Thế rồi dần dần các tiệm được đặt ở một nơi ổn định, việc mà ngày nay không ai lấy làm ngạc nhiên nhưng xưa kia, phải mất nhiều thời gian người ta mới thực hiện được điều đó.Trên thực tế, hình thức tiệm đã có từ cuối thời Heian. Tuy vậy đến gần hết thời Kamakura người ta mới biết bày mặt hàng trên quầy hàng (misedana). Đến đời Muromachi thì mới có danh từ tiệm phố (tenpo) và hàng hóa được bày bán bên trong tiệm và khái niệm tiệm (mise) mới chính thức hoàn thành.


Gyôshônin, anh hàng rong thời trung cổ Nhật Bản

Thứ đến, đề cập đến hóa tệ vào thời điểm này thì ta biết sự sử dụng của nó đã khá phổ cập.Bối cảnh của sự phổ cập ấy là người ta đã chuyển đổi các sản phẩm tuế cống sang kim tiền nghĩa là thay vì nộp đồ vật thì người ta nộp tiền.Hơn nữa, hóa tệ rất tiện lợi một khi việc thương mãi với các vùng xa xôi được mở mang. Từ đó người đi buôn tích cực dùng hóa tệ và những phương tiện thanh toán khác như chứng thư hối đoái để thay thế tiền mặt (kawase = vi thế hay saifu = cát phù) trong các cuộc đổi chác.

Hóa tệ được sử dụng trong giai đoạn này là các loại tiền đời Tống, Nguyên và Minh. Bởi vì khi chế độ luật lệnh suy thoái, công việc đúc các thứ hoá tệ gọi là "hoàng triều thập nhị tiền" của người Nhật đã cáo chung với đồng tiền cuối cùng có tên là Kengen Taihô (Càn Nguyên đại bảo). Do đó, tiền nhà Minh (Minh tiền) được xem như công cụ đã giúp xúc tiến mậu dịch khám hợp (kangô bôeki, hình thức mậu dịch chính thức của nhà nước đã giải thích bên trên) giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Xin nhắc lại những loại tiền đó là Vĩnh Lạc thông bảo, Hồng Vũ thông bảo và Tuyên Đức thông bảo, đặt theo niên hiệu của ba hoàng đế nhà Minh.


Đồng tiền Vĩnh Lạc

Kinh tế trao đổi dựa lên việc sử dụng hoá tệ như công cụ được gọi là kinh tế hoá tệ. Tuy nhiên, nếu kinh tế hóa tệ này phát triển, không phải là nó không đẻ ra vấn đề, mà còn đẻ ra một vấn đề lớn nữa là khác. Đó là việc tiền do tư nhân trong nước đứng ra đúc (shichuuzen = tư chú tiền) vậy. Những loại tiền này thường có chất lượng xấu, nhiều khi là tiền không được lành lặn (kakezeni = khuyết tiền) hay tiền vụn vỡ (phá tiền = warezeni). Chúng mang một cái tên chung là bitazeni (bita viết chữ Hán lá ác với bộ kim), người đi buôn thường tránh loại tiền xấu này. Hiện tượng này được gọi là chọn lựa tiền (erizeni = soạn tiền). Nó làm mất nhiều thời giờ của người đi buôn, làm cho sự trao đổi bị đình đốn và đưa kinh tế đến chỗ rối loạn.

Do đó, mạc phủ và các lãnh chúa thời Sengoku (Chiến Quốc) mới đặt ra điều lệ để ấn định cách thức đổi tiền xấu (ác tiền) ra tiền tốt (lương tiền). Họ định tỷ lệ giữa chúng và còn đưa ra Erizenirei (Soạn tiền lệnh) để cấm lưu hành một số loại tiền xấu.

Khi kinh tế hóa tệ phát triển mạnh thì hoạt động của giới buôn bán, cho vay tiền cũng mạnh ra. Những thương gia hay nhà sản xuất có thế lực như các nhà nấu rượu hay buôn rượu (và cả quán rượu, sakaya) mới làm thêm một nghề phụ gọi là dosô (thổ thương, nguyên nghĩa là nhà kho) [30] nhưng bản chất là cung ứng tư bản để lấy lãi cao. Bắt đầu từ thời Kamakura, lối làm ăn này trở nên rất thịnh vượng dưới thời Muromachi. Tính ra vào thế kỷ 15, trong thành phố Kyôto đã có khoảng 350 nhà buôn rượu có nhà kho (sakaya-dosô) như thế. Ngay cả Nara cũng có khoảng 200. Thế mới thấy lúc đó kinh tế hóa tệ đã phát triển đến mức độ nào!

Yếu tố thứ ba đã trở thành động lực cho sự trao đổi hàng hóa lúc đó là hệ thống giao thông. Trên bộ, trên sông, trên biển, nhiều tuyến đường được mở mang để giúp cho việc chuyển hàng về các vùng sâu vùng xa được dễ dàng.Việc vận chuyển đường biển thời trung đại đã được ấn định bằng luật lệ như đạo luật Kaisen shikumoku (Hồi thuyền thức mục). Nhờ đó mà chúng ta biết cách thức thuyền bè ngày xưa chuyển vận một cách định kỳ qua bến cảng của các địa phương như thế nào. Một văn bản khác, Hyôgo Kitaseki Irifune Nôchô (Binh Khố bắc quan nhập thuyền nạp trương) có nghĩa là sổ sách về việc thu nạp của thuyền bè đi qua trạm kiểm soát ở phía bắc Hyôgo (Binh Khố, vùng Kobe ngày nay) cho ta thấy đã có 1960 chuyến thuyền đi từ các hải cảng ven Thái Bình Dương của vùng biển nội địa và đảo Shikoku chở hàng về Kyôto vào năm Bun.an thứ 2 (1445). Con số thuyền bè vừa nói chứng tỏ cách đây 500 về trước, sự vận chuyển đưòng biển ở Nhật đã có một qui mô rất đáng lưu ý. Ở những cứ điểm quan trọng trên tuyến đường, giới buôn sĩ (toiya) đều đặt nhà kho và sự có mặt của các cơ sở ấy đã gắn liền với quá trình hình thành các đô thị địa phương. Hơn nữa, ở những địa điểm nằm trên tuyến đường đem hàng hóa về Kyôto, đã xuất hiện rất nhiều người thuộc giới chuyển vận hàng hóa. Họ đặt hàng trên lưng ngựa (bashaku = mã tá) tức là thồ bằng ngựa hay chuyển vận bằng xe do bò hoặc ngựa kéo (shashaku = xa tá). Hai thành phố Sakamoto và Ôtsu của vùng Ômi (gần hồ Biwa) là điểm chuyển tiếp của những tuyến đường thủy lục nên nghề chuyển vận bằng sức ngựa hết sức phát đạt.

Thấy việc lưu thông thịnh vượng như thế, các giới chức của mạc phủ, tự viện, đền thần cũng như gia đình công khanh bèn kiếm cách chấm mút. Họ lập những trạm kiểm soát (sekisho) ở những nơi hiểm yếu hòng trưng thu các loại thuế má có tên là tsuryô (tân liệu = thuế bến) hay kansen (quan tiền = thuế quá quan). Đó là những sự cố đã ngăn trở việc vận chuyển hàng hóa và giao thông không ít. Vì vậy nó đã làm bùng nổ các vụ tạo phản tức ikki của dân chúng. Tsuchi-ikki xảy ra vào năm Shôchô chẳng hạn là do giới bashaku châm ngòi thuốc súng.

4.3 Sản vật đặc biệt của các vùng:

Sau đây xin liệt kê một số sản vật đặc biệt địa phương vào thời Muromachi:

- Hàng tơ sợi: các vùng Kaga, Tango, Hitachi.

- Giấy: Harima (giấy Suibara), Mino (giấy Mino), Echizen (giấy Torinoko).

- Đồ gốm: Mino, Obari.

- Cuốc: Izumo, đao kiếm: Bizen, lò đun: Noto, Chikuzen, nồi chảo: Kawachi.

Trong những mặt hàng này thì có đao kiếm (Nhật) là vật dụng người trong nước ưa chuộng mà cũng là món hàng xuất khẩu quan trọng cho mậu dịch Nhật Minh. Do đó đao kiếm đã được sản xuất với một số lượng cực lớn. Kể từ nửa sau đời Heian, thời có nhiều cuộc chiến loạn, đao kiếm của Nhật đã được cải tiến và đạt đến chất lượng tốt. Chúng không còn được chế theo lối thẳng băng (chokutô =trực đao) như từ trước đến lúc đó mà là theo hình cung (wantô = loan đao), lưỡi có rìa bên ngoài (sotozori) nên chém rất ngọt, không sợ gảy hay bị cong queo. Ngoài ra, vùng Kyôto lại sản xuất loại gấm cao cấp gọi là Nishijino-ori. Nishijin hay Tây trận ý muốn nói được sản xuất ở địa điểm từng là nơi đạo binh miền Tây của lãnh chúa Yamana đóng quân khi ông kéo bộ hạ lên kinh đô để thư hùng với quân miền Đông của họ Hosokawa trong cuộc đại loạn năm Ứng Nhân (Ônin no ran, 1467-77). Nghề nấu rượu của các vùng Kawachi, Yamato và Settsu, không xa Kyôto bao nhiêu, cũng nổi tiếng và tạo ra được thương hiệu cho địa phương mình.


Rèn đao kiếm

Mặt khác, về muối ngon thì phải nói đến vùng Yugeshima ở Iyo (tỉnh Ehime bây giờ) và Shiakushima thuộc Sanuki (trên đảo Shikoku). Đó là loại ruộng muối (agehama) thiên nhiên. Người ở đấy chế muối bằng phương pháp cổ điển nghĩa là đắp đê chắn bãi cát lấy nước biển do thủy triều đưa lên.

Như trên, chúng ta đã đi hết một vòng trong việc quan sát tình hình xã hội thời Muromachi để biết rằng, lúc đó, không chỉ nông nghiệp mà cả thương và công nghiệp đều đã có những bước tiến đáng kể.

Tiết 5: Loạn Ônin. Thời Sengoku mở màn:
5.1 Chính trị chuyên chế nào đã đưa đến đại loạn?

Cuộc nội loạn bắt đầu từ niên hiệu Ônin (Ứng Nhân, 1467-69) mang tên Loạn Ônin (Ônin no ran, 1467-77) là một biến động xã hội to tát hàng đầu của lịch sử Nhật Bản. Ảnh hưởng của nó nhiều lắm nhưng quan trọng nhất là việc nó đã khai sinh ra nền văn hóa Higashiyama (văn hoá Đông Sơn).

Học giả Naitô Kônan[31], một nhà nghiên cứu lịch sử sinh ra vào thời Meiji có lần phát biểu như sau: "Muốn hiểu xã hội Nhật Bản ngày nay, chỉ cần nghiên cứu cặn kẽ về những gì xảy ra từ cuộc loạn Ônin là đủ." Tuy không thể nhập tâm nguyên văn điều ông nói nhưng đúng như tinh thần lời phát biểu của Naitô Kônan, ta sẽ đồng ý với ông rằng cuộc loạn Ônin quả là bước ngoặt lớn trong lịch sử Nhật Bản. Không những ở vào thời điểm đó mà cả về sau cho đến thời cận đại và hiện đại, biến cố ấy vẫn còn liên quan mật thiết với cuộc sống trên quần đảo. Dạng thức văn hóa Higashiyama (Đông sơn) thành hình vào thời kỳ này đã không ngừng ghi dấu ấn trong sinh hoạt của con người Nhật Bản ngày nay. Do đó, ta có thể xem câu nói của Naitô Kônan là đích đáng vậy.

Trước khi mô tả tường tận văn hóa Higashiyama, hãy thử tìm hiểu về cuộc nội loạn, và trước đó, đâu là hình ảnh xã hội trước khi 10 năm chiến chinh đó xảy ra. Nói cách khác, ta sẽ bàn về thể chế chính trị chuyên chế của Shôgun đời thứ 6 của Mạc phủ Muromachi là Yoshinori (Nghĩa Giáo, 1394-1441, tại chức 1429-1441) và cũng thử xem nó đã dẫn tới sự suy vong của chế độ bằng cách nào.


Tấm bia đánh dấu nơi cuộc đại loạn Ônin phát xuất

Như từng nhắc đến bên trên, Yoshinori là vị Shôgun được chỉ định từ một cuộc xin xăm giũ quẻ (kujibiki) ở đền thần, nói cách khác, người lên ngôi nhờ bốc thăm. Ông là một vị Shôgun độc đoán và hung bạo nhất của triều đại Ashikaga. Ông nhắm củng cố địa vị của chức vụ Shôgun giữa lòng mạc phủ nên đã dùng sức mạnh để loại bỏ tất cả những thành phần nào không chịu phục tùng.Theo những gì chép lại về thời cuộc lúc đó trong tác phẩm Kanmongyôki (Khán văn ngự ký = Những điều nghe thấy), Yoshinori là người "cả thiên hạ đều khiếp vía" (bannin ga osoreru). Tăng sĩ Hokkeshuu (Pháp Hoa tông) là Nisshin (Nhật Thân, 1407-1488) dâng lên Yoshinori tác phẩm có tính điều trần là Risshôchikokuron (Lập chính trị quốc luận, 1439) để can gián khiến ông nổi giận.Yoshinori tra khảo Nisshin bằng cách bắt nhà sư phải đội một cái chảo nung thật nóng lên đầu. Do đó, tuy may mắn còn sống sót nhưng Nisshin phải mang lấy danh hiệu "nhà sư đội chảo" (nabekamuri shônin = oa quan thượng nhân) kể từ hình phạt khủng khiếp này.

Con người độc tài Yoshinori không chỉ tỏ ra ương ngạnh đối với mạc phủ Muromachi mà còn làm xấu đi những quan hệ của mình đối với phủ Kamakura ở miền Đông vốn đã căng thẳng từ trước. Kết quả là vào năm 1438 (Eikyô 10), ông đã ra lệnh cho quân đội tiến về vùng Tôgoku thảo phạt chính quyền Kamakura. Năm sau, chức Kubô (Công phương) của Kamakura là Ashikaga Mochiuji (Túc Lợi Trì Thị) bị ông diệt. Sử gọi đó là cuộc chiến loạn năm Eikyô (Eikyô no ran). Nguyên nhân gần của cuộc tranh phong này là chuyện trong nội bộ phủ Kamakura. Giữa chức kubô Mochiuji (Trì Thị) và chức Kantô kanrei quản lãnh vùng Quan Đông là Uesugi Norizane (Thượng Sam Hiến Thực) đã nẩy sinh một quan hệ đối lập. Biết rằng nếu biết lợi dụng tình thế ấy, mình có thể làm suy yếu thế lực Kamakura nên Yoshinori đã ra mặt ủng hộ họ Uesugi chống lại Mochiuji (thực ra Uesugi là họ ngoại còn Mochiuji là họ nội nhà ông ta mà thôi). Nói đến nhân vật Uesugi Norizane, ông còn được biết đến như người đã mở lại trường học Ashikaga (Ashikaga gakkô = Túc Lợi học hiệu) vào năm 1439 (Eikyô 11). Trường học Ashikaga là ngôi trường mà họ Ashikaga đã dựng lên để dạy dỗ cho con cháu nhà mình tự thời Kamakura. Thánh Francesco Xavier tức nhà truyền giáo đến Nhật Bản vào thời Sengoku, đã giới thiệu với người phương Tây sự hiện hữu của ngôi trường này qua cái tên Bandô no Daigaku (Bản (Phản) Đông đại học). Bandô ám chỉ các tỉnh miền đông Nhật Bản.


Thánh Francesco Xavier

Sau cuộc thảo phạt này của Yoshinori, vào năm 1440 (Eikyô 12), võ tướng và hào tộc Shimôsa no kuni (vùng bắc tỉnh Chiba ngày nay) Yuuki Ujitomo (Kết Thành, Thị Triều) đã phò hai con của Mochiuji là Haruômaru và Yasuômaru, dấy binh nổi dậy chống nhà chúa. Tuy nhiên ông ta sớm bị đè bẹp. Sau đó, con trai khác của Mochiuji là Shigeuji (Thành Thị) đã trở thành kubô của Kamakura nhưng chính Shigeuji cũng đối lập với họ Uesugi và gây ra cuộc loạn năm 1454 (Kyôtoku 3).

Tính cách độc đoán chuyên chính của Yoshinori càng ngày càng lộ liễu gây nên bất an trong chính trị. Năm 1441 (Kakitsu nguyên niên), chức shugo vùng Harima (nay là tây nam Kobe) tên Akamatsu Mitsusuke (Xích Tùng Mãn Hựu, 1337-1441 hay 1381-1441) đã mời Yoshinori đến nhà chơi rồi nhân đó mà giết đi.Sau vụ ám sát này, hai họ Yamana và Hosokawa đã đồng minh với nhau để thảo phạt họ Akamatsu (ta nhớ rằng họ Hosokawa là một trong tam quản lãnh và hai họ Akamatsu, còn Yamana thuộc tứ chức, đều là rường cột truyền đời của Mạc phủ Muromachi).Sử gọi biến cố này là Loạn năm Kakitsu (Kakitsu no ran). Thế rồi, từ ấy về sau, quyền hành của chức Shôgun càng ngày càng suy vi. Mặt khác, khi quân đội đã kéo xuống Harima để truy kích cánh Akamatsu thì ở Kyôto, các đại thần vẫn không sao đồng ý trong việc tuyển chọn một Shôgun mới. Thêm vào đó, sức mạnh của quân đội mạc phủ coi như là đã băng hoại nên không ngăn nổi một cuộc nổi dậy của dân chúng, một tsuchi-ikki với qui mô lớn chưa từng thấy. Đó là Kakitsu no tsuchi-ikki mà chúng ta có lần đề cập tới bên trên. Nó đã tạo nên cơ sở cho cuộc đại biến loạn năm Ônin.

5.2 Bối cảnh của cuộc loạn Ônin (Ứng Nhân):

Bối cảnh của cuộc Loạn năm Ônin có thể tóm tắt qua 4 tình huống chính:

1- Sự đối lập giữa mạc phủ và các shugo.

2- Các cuộc nổi dậy tsuki-ikki xảy ra không ngừng.

3- Chính trị sai lầm của Shôgun Yoshimasa (Nghĩa Chính).

4- Những vụ hối lộ của phu nhân Hino Tomiko (vợ Yoshimasa).

Chừng ấy sự kiện đã làm cho chính trị của mạc phủ suy thoái và dẫn đến đại loạn.

Như đã trình bày, Shôgun Yoshinori đã bị hào tộc vùng Harima là Akamatsu Mitsusuke sát hại. Sau đó, con trai mới lên 9 của ông là Yoshikatsu (Nghĩa Thắng) nối nghiệp và trở thành vị Shôgun đời thứ 7 của chính quyền Muromachi. Thế nhưng Yoshikatsu từ khi mới sinh ra thể chất đã bạc nhược, chỉ một năm sau là chết. Shôgun đời thứ 8 là Yoshimasa (Nghĩa Chính), em trai nhỏ thua ông 2 tuổi.Cuộc loạn Ônin đã xảy ra dưới thời cai trị của Yoshimasa và kéo dài suốt 10 năm từ 1467 (Ônin nguyên niên). Địa điểm của cuộc tranh chấp là thành phố Kyôto. Cuộc nội loạn này thuộc vào hàng to lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản và chỉ chấm dứt vào năm 1477 (Bunmei 9).

Cuộc đại loạn ấy lồng khung 3 cuộc tranh chấp then chốt:

1 Shugo họ Hatakeyama tranh quyền gia trưởng (katoku) để chỉ huy dòng họ.

2 Họ Shiba cũng tranh nhau quyền katoku

3 Cuộc tranh giành nội bộ trong chính gia đình Shôgun.
 

Đồ biểu gia hệ các Shôgun họ Ashikaga (tên các Shôgun in chữ đậm và có kèm số thứ tự):

1 Takauji (Tôn Thị) --> 2 Yoshiakira (Tôn Thuyên) --> 3 Yoshimitsu (Nghĩa Mãn) -->

4 Yoshimochi (Nghĩa Trì) --> 5 Yoshikazu (Nghĩa Lượng).

Yoshimitsu -->6 Yoshinori (Nghĩa Giáo) --> 7 Yoshikatsu (Nghĩa Thắng).

Yoshinori -->8 Yoshimasa (Nghĩa Chính) --> 9 Yoshihisa (Nghĩa Thướng)

Yoshinori à Yoshimi (Nghĩa Thị) --> 10 Yoshitane(Nghĩa Thực)

Yoshinori --> Masatomo (Chính Hòa) --> Chachamaru, 11 Yoshizumi (Nghĩa Trừng)

Yoshizumi -->12 Yoshiharu (Nghĩa Tình) --> 13 Yoshiteru (Nghĩa Huy), 15 Yoshiaki (Nghĩa Huy).

Yoshizumi --> Yoshitsuna (Nghĩa Duy) --> 14 Yoshihide (Nghĩa Vinh).

Cánh nhà Kubô vùng Kamakura:

Takauji --> 1 Motouji (Cơ Trì) --> 2 Ujimitsu (Thị Mãn) --> 3 Mitsukane (Mãn Kiêm) --> 4 Mochiuji (Trì Thị) à Shigeuji (Thành Thị) --> Masauji (Chính Thị)

Có hai tên hiệu Kubô khác là Horigoe Kubô để chỉ Masatomo và Koga Kubô để chỉ hai cha con Shigeuji và Masauji. Khu vực quản lý của họ (Horigoe và Koga) chỉ là một vùng đất nhỏ (Horigoe ở Shizuoka, Koga ở Ibaragi) không đáng kể.

Trước tiên, cuộc tranh giành quyền gia trưởng để điều khiển dòng họ (katoku = gia đốc) của nhà Hatakeyama (cũng là một danh gia vọng tộc có chân trong tam quản lãnh) đã xảy ra giữa Yoshihiro (Nghĩa Tựu) và Masanaga (Nghĩa Trường). Gia đình Shiba (Tư Ba, lại một trong tam quản lãnh) cũng có một cuộc tranh chấp tương tự giữa Yoshitoshi (Nghĩa Mẫn) và Yoshikado (Nghĩa Liêm). Riêng cảnh nhà Shôgun thì nhân vì Yoshimasa không có con trai nên đã bắt buộc người em trai đã đi tu là Yoshimi (Nghĩa Thị) phải hoàn tục, nhận làm con nuôi của mình và xem như kẻ thừa kế. Lúc đó nhà chúa cử Hosokawa Katsumoto (Tế Xuyên Thắng Nguyên) làm kẻ phò tá cho ông ta. Thế nhưng đến năm 1467 (Ônin nguyên niên) thì chính thất của Yoshimasa - phu nhân Hino Tomiko (Nhật Dã Phú Tử) - lại hạ sanh được trưởng nam là Yoshihisa (Nghĩa Thướng). Lúc ấy, Yoshimasa lại cậy một trọng thần khác là Yamana Mochitoyo (Sơn Danh Trì Phong) (có tên khác là Tôzen = Tông Toàn) phò tá cho con trai mới sinh. Như thế, chưa chi ông đã phá vỡ lời giao ước với em trai mà giật lại chức vụ cho con đẻ. Nguồn gốc sự lủng củng trong gia đình ông phát sinh từ sự trở mặt đó.

Tại sao cuộc tranh giành quyền chỉ đạo trong nhà lại xảy ra vào thời điểm này? Để trả lời cho câu hỏi, chỉ có thể dùng hai chữ quyền lợi mà thôi. Vào thời ấy, đường lối thừa kế ở các gia đình samurai, đã chuyển từ nguyên tắc "chia sẻ cho nhau" (bunkatsu sôzoku = phân cát tương tục) qua "giữ lấy một mình" (tandoku sôzoku = đơn độc tương tục). Người con gọi là chakushi (đích tử) sẽ thừa kế toàn bộ địa vị tài sản của người cha và có quyền tuyệt đối trên các shoshi (thứ tử), nghĩa là một ăn cả ngả về không. Cuộc tranh giành cái địa vị gia trưởng ấy càng ngày càng khốc liệt trong nội bộ nhà họ. Thêm vào đó, ở các gia đình shugo, việc quyết định ai giữ quyền katoku lại càng rắc rối thêm vì nhiều kẻ cho rằng không phải ý kiến riêng của người cha là quan trọng mà còn phải tham khảo ý kiến của shôgun và các gia thần nữa. Việc các thế lực này có ủng hộ đương sự hay không có tính cách quyết định trong việc cử ai đó làm đích tử. Do đó mà tình hình càng ngày càng phức tạp với sự biến đổi trong cán cân lực lượng.

Quan hệ đối lập hai bên tranh chấp trong cuộc loạn Ônin
Nguyên nhân đối lập Tây quân (phía nhà Yamana) Đông quân (phía nhà Hosokawa)
Vấn đề thừa kế trong gia đình Shôgun Yoshihisa (con trai giữa Yoshimasa và phu nhân Hino Tomiko) Yoshimi (em và con nuôi Yoshimasa)
Vấn đề thừa kế trong gia đình các chức kanrei Nhà Hatakeyama:Yoshihiro 

Nhà Shiba: Yoshikado

Nhà Hatakeyama: Masanaga

Nhà Shiba : Yoshitoshi

Lực lượng các shugo tham gia hai bên  Các shugo họ Yamana (5 nhà) và đồng minh như Rokkaku, Isshiku, Toki, Kono, Ôuchi (tất cả là 20 tiểu quốc) Các shugo họ Hosokawa (6 nhà) và đồng minh như Kyôgoku, Akamatsu, Takeda (tất cả 24 tiểu quốc)

5.3 Loạn lạc đã để lại những dấu vết nào?

Các shugo, kẻ thì theo Đông quân (phía nhà Hosokawa), kẻ thì theo Tây quân (phía nhà Yamana) trong cuộc tranh chấp. Nhà Yamana bày trận ở phía tây phủ đệ Muromachi của Shôgun nên một vùng doanh trại của họ mới gọi là Tây trận và đạo quân của họ có tên là Tây quân. Kyôto vẫn còn giữ cái tên Tây trận (Nishijin) cho một vùng đất trong thành phố. Trong khi đó, bản doanh của Đông quân nằm ở phía bắc ngự sở nhà chúa, gần chùa Shôkoku (Tướng Quốc tự) thuộc tông Lâm Tế.

Theo sách Ôninki (Ứng Nhân Ký), một tập ký sự chiến tranh thì phía Hosokawa (Đông quân) có 24 tiểu quốc và 16 vạn binh lực, còn phe Yamana thì có 20 tiểu quốc và 11 vạn binh đi theo. Tuy nhiên, chưa có thể vội tin những con số quá vô lý ấy. Đương thời, Kyôto chỉ có một dân số khoảng 20 vạn thì làm theo có thể để cho 30 vạn lính đóng ở đó và đánh qua đánh lại từ năm này sang năm khác. Thứ nhất là thành phố khó lòng cung cấp nổi lương thực cho chừng ấy quân binh.

Trong khi binh đoàn của Hosokawa đóng gần ngay Kyôto và lợi dụng được sức sản xuất của thành phố thì đạo quân của Yamana nằm ở vị trí xa hơn nên bị bất lợi. Mặt khác, các shugo tuy là đồng minh với một chủ tướng nào đó nhưng vẫn chưa có sự gắn bó chủ tớ như các lãnh chúa của thời Sengoku về sau mà thường chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân khi quyết định tham dự hay không. Sự tích cực động viên binh lực của họ trong thời chiến hãy còn là một nghi vấn. Thành thử việc một shugo có thể duy trì đóng góp binh lực cho chủ tướng trong quảng thời gian dài thật không có gì làm chắc. Con số binh sĩ tham gia hai bên đối địch được các sử gia nêu lên có thể nặng tính cách khoa trương hơn là sự thực.

Dù vậy, thành phố Kyôto đã trở thành bãi chiến trường, bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi làm cho hoang phế.Chẳng những Shôkokuji (Tướng Quốc Tự), ngôi chùa lớn nằm trong Ngũ Sơn, mà cả những ngôi chùa và đền thần vốn có lịch sử lâu đời như Kitano Jinja (Bắc Dã thần xã, đền thờ Sugawara no Michizane), Tenryuuji (Thiên Long Tự), Ninnaji (Nhân Hòa Tự), Tôji (Đông Tự) cũng như biết bao phủ đệ công khanh khác đều đã làm mồi cho ngọn lửa. Những bảo vật và thư tịch quí mất mát nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Bàn về binh lực, chắc phải nhắc đến vai trò của một lực lượng mới, đó là các ashigaru (túc khinh hay "chân nhẹ", ý nói khinh binh) trang phục gọn ghẽ, với những hoạt động có thể gọi là "du kích chiến" (guerilla) của họ. Ngày trước, quân đội Nhật Bản còn thiên về kỵ binh với các samurai giáp trụ nặng nề, xưng tên tuổi quê quán trước đi xáp lại quyết đấu với nhau (ikkiuchi). Nhà nghiên cứu về khoa lễ nghi phong tục (yuusoku kojitsu = hữu chức cố thực) và các tác phẩm cổ điển tên là Ichijô Kaneyoshi ( còn đọc là Ichijô Kanera, Nhất Điều Kiêm Lương, 1402-1481) đã ghi chép về họ trong tác phẩm Shôdan Chiyô (Tiều đàm trị yếu) [32] mà ông dâng lên Shôgun đời thứ 9 Ashikaga Yoshihisa (Túc Lợi Nghĩa Thướng). Ông bảo: "Bọn ashigaru mới xuất hiện gần đây còn vượt bực bọn akutô (ác đảng)" [33] Trên thực tế thì ashigaru đã xuất hiện từ trước chứ không đợi đến lúc đó. Trong các tác phẩm chiến ký như Heike Monogatari (Truyện nhà Taira) và Taiheiki (Thái bình ký) đã thấy bóng dáng bọn họ rồi. Tuy Ichijô đã sai lầm khi bảo họ "mới xuất hiện" nhưng ông đã nói đúng về hành vi "vượt bực" của họ trong cuộc biến loạn. Ông đã kể ra là họ đã đốt phá biết bao nhiêu đền chùa, cướp đoạt vô số tài vật quí giá và chê trách hành vi đó. Tác phẩm tranh cuộn Shinnyodô enki emaki (Chân Như đường duyên khởi hội quyển, 1524, Ôei 4) đã vẽ lại rất rõ ràng cảnh cướp bóc của các nhóm ashigaru.

Khi chiến loạn kéo dằng dai nhiều năm, nhiều toán lính đã đào ngũ. Hơn nữa, khi các shugo đem hết lực lượng lên kinh đô tham chiến thì lãnh địa của họ không có ai canh phòng, để hoang như nhà trống. Họ bắt đầu lo sợ rằng nếu mình bỏ đi lâu, những người còn lại ở đó có sác xuất nổi lên làm loạn ikki. Do đó, họ muốn quay về. Năm 1473 (Bunmei 5) khi hai minh chủ là Yamana Mochitoyo (Sơn Danh Trì Phong, 1404-1473) và Hosokawa Katsumoto (Tế Xuyên, Thắng Nguyên, 1430-1473) lần lượt qua đời thì ý chí chiến đấu của hai đạo quân bắt đầu giảm sút, mà phạm vi chiến trường cũng thu hẹp lại. Đến năm 1477 (Bunmei 9), có lẽ quá mệt mỏi và thấy không ai thắng được ai rõ ràng, họ ký hòa ước và cuộc loạn Ônin lúc đó mới chấm dứt.

5.4 Văn hoá Higashiyama (Đông Sơn) phát triển;

Sau khi Loạn Ônin chấm dứt, quyền hành của mạc phủ đã hoàn toàn băng hoại. Cho dù họ còn nắm được chút quyền gì thì nó cũng không vượt ra khỏi phạm vi vòng phụ cận thành phố Kyôto. Shôgun Yoshimasa (1436-1490, tại chức 1449-1473) sau đó đã rời bỏ chính trường và lui về trang trại của ông ở vùng Hiyashiyama (Đông Sơn) trong thành phố Kyôto. Ông lấy đạo hiệu Ami (A Di), cùng với bọn thị thần bầu bạn gọi là Dôbôshuu (Đồng bằng chúng) tổ chức những cuộc yến ẩm, trình diễn văn nghệ và tạp kỷ, thưởng thức cha no yu (trà đạo), ngâm thơ renga (liên ca) ... lấy đó làm trung tâm cuộc sinh hoạt của mình. Cũng như thế, trong tầng lớp công khanh và các thầy dạy thơ renga (rengashi = liên ca sư) đã thấy có nhiều ngưòi từ bỏ kinh đô mà đi về sinh hoạt ở các địa phương làm cho văn hóa chốn đế đô lan rộng ra đến cả các tầng lớp shugo và người bình dân ở cõi ngoài.

Ngoài ra, họ Kikuchi ở Higo (nay thuộc Kumamoto) và họ Shimazu ở Satsuma (nay thuộc Kagoshima) đã mời nhà nho và tăng sĩ tăng Lâm Tế là Keian Genju (Quế Am Huyền Thụ, 1427-1508) [34] đến giảng về đạo Nho cho người trong vùng. Sau đó, Keian Genju đã viết Daigaku Shôku (Đại Học chương cú) để giải thích Chu Tử Học ở phiên Satsuma và được xem như là thủy tổ của trường phái Nho học miền Nam đảo Kyuushuu có tên là Satsunan gakuha (Sát Nam học phái).


Truyền thống Cha no yu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay

Về nghệ thuật thưởng thức trà, sau thời Nanbokuchô (Nam Bắc Triều), ở Nhật đã có phong trào chayoriai (trà ký hợp) tức tụ tập lại để cùng uống trà với nhau hay tôcha (đấu trà) nghĩa là trò chơi xem ai biết phân biệt rành các loại hương vị trà. Có trà sư tên Murata Jukô (Thôn Điền Châu Quang, 1423-1502)[35]  đã đem tinh thần thiền môn vào phong cách uống trà và phát triển wabicha nghĩa là cách thưởng thức trà trong một khung cảnh đơn sơ tịch mịch. Wabi có nghĩa là phong vị nhàn tĩnh cũng như sabi hay u tịch, đạm bạc đều là những phạm trù cơ bản của văn hoá Nhật Bản. Về sau khái niệm wabi này còn được ứng dụng cả vào thi ca như haikai nữa.Murata Jukô truyền xuống Takeno Jôô (Vũ Dã Thiệu Âu, 1502-1555), Jôô lại truyền xuống Sen no Rikyuu (Thiên, Lợi Hưu, 1522-1591), họ là những người kẻ trước người sau đã hoàn thành nền tảng cho wabicha.
 

Phân loại bốn kiểu uống trà [36]
1 - Uống trà kiểu tọa Thiền

(Zen.in chanoyu)

Lối uống trà của tông Rinzai (Lâm Tế) kèm theo tọa thiền và suy nghĩ về những công án tức bài tập của thiền gia, trầm tư đi tìm giác ngộ.
2 - Uống trà kiểu giao du. 

(Cha yoriai)

Đánh cuộc, thi đấu về trà (phân biệt trà / phi trà) [37]trong một khung cảnh trang trí xa hoa. Bàn, ghế, tranh treo, trà khí đều sử dụng đồ ngoại (karamono). Có thể kèm với ca nhạc, tiệc rượu.
3 - Uống trà kiểu tiếp khách
(Denchuu chanoyu)
Hội họp trong phòng khách gia đình (shôin = thư viện). Các bạn trà chuyên về nhiều ngành nghệ thuật (đồng bằng chúng = dôhôshuu) có thể vừa uống trà vừa thưởng thức hội họa, hương, hoa...
4 - Uổng trà kiểu thảo am
(Sôan chanoyu)
Còn gọi là Wabicha. Uống trà với tinh thần thanh cao ở những trà phòng cất lên ở nơi thâm u vắng vẻ. Đồ dùng (trà khí, trà cụ) đơn sơ, thuần Nhật.
 
Trong lãnh vực thi ca, renga đã được thu thập vào một tập thơ soạn theo sắc chiếu tên gọi Tsukuba shuu (Thố Cửu Ba tập). Tác phẩm do đại thần (chức nhiếp chính quan bạch thái chính đại thần thời Nam Bắc Triều) Nijô Yoshimoto (Nhị Điều Lương Cơ, 1320-1388) soạn. Ông cũng từng viết Ôan Shinshiki (Ứng An tân thức) để trình bày về qui tắc làm thơ renga.Nhờ đó mà thơ renga từ địa vị một dòng thơ dân dã đã leo lên địa vị cao cả, tương đương với thơ Waka (Hòa ca) vốn là sản phẩm văn học đã được quí tộc hóa. Nói chung, văn hóa thời này được mệnh danh là văn hóa Higashiyama (Đông Sơn) mà đặc tính là sự thô sơ đạm bạc bắt nguồn từ tinh thần Thiền tông kết hợp với những khái niệm yuugen (u huyền) và wabi (u nhàn tịch mịch) sẳn có trong văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Cụ thể thì văn hóa Higashiyama đã được thể hiện như sau đây:

Tượng trưng cho nó là ngôi điện mang tên Kannonden thờ Quan Âm trong khu biệt trang của Shôgun ở vùng Higashiyama. Điện này còn có tên là Ginkaku (Ngân các). Sau khi Shôgun Yoshimasa qua đời, để an ủi vong linh ông, người ta bèn biến nó thành một ngôi chùa với cái tên Jishôji (Từ Chiếu Tự) dùng làm nơi thờ phượng. Khi làm tầng thứ nhất của ngôi chùa ấy và trai phòng Tôkyuudô Jinsai (Đông Cầu Đường Nhân Trai) thì người ta có đưa một chút kiến trúc gọi là shoindzukuri nghĩa là "lối thư viện" vào. (Shoin hay thư viện theo cách hiểu thời ấy là gian phòng nhỏ gắn liền với gian chính trong nhà và dùng làm chỗ tiếp khách).Cách kiến trúc này vừa giản dị vừa u huyền là lối kiến trúc tiêu biểu cho văn hóa Higashiyama. Nó đã trở nên mẫu mực cho kiến trúc nhà cửa lối Nhật gọi là Wafuu (Hòa phong) bây giờ,
 
 


Ginkakuji (Ngân Các Tự)

Việc xây cất nhà cửa theo "lối thư viện" và việc tạo dựng chùa chiền theo lối Thiền tông cũng đi song song với việc kiến tạo viên đình theo phong cách nhà Thiền. Viên đình đó là loại vườn tược gọi là kare sansui (khô sơn thủy) vì nó chỉ làm trên cạn, bằng cát và đá đơn sơ như khung cảnh thiên nhiên thấy trong một bức tranh thủy mặc. Nổi tiếng nhất và đại diện được cho phong cách vườn kare sansui là những ngôi vườn ở chùa Ryuuanji (Long An Tự), Daitokuji Daisenin (Đại tiên viện của Đại Đức Tự) và Saihôji (Tây Phương Tự). Những người có kỹ thuật thực hiện loại vườn này có tên là Sansui kawaramono (niwamono). Kawaramono ám chỉ những kẻ trôi sông lạc chợ (Kawara là cái bãi sông ở Kyôto nơi những kẻ vô gia cư tụ họp). Tuy bị xem thường như tiện dân nhưng họ là những nhân công có kỹ thuật đáng nễ. Người ta cho rằng kẻ được giao trách nhiệm tạo ra ngôi vườn của Ginkaku là một người tên Zen.ami (Thiện A Di).


Sơn thủy trên cạn (karesansui) ở Ryuuanji, 
một nét đẹp của văn hoá Đông sơn (Higashiyama)

Cách trang trí bày biện nội thất nơi cư trú thời bấy giờ cũng có nhiều cái mới mẻ. Chẳng hạn tranh treo lửng (kakejiku, hanging scroll) hoặc tranh vẽ trên vách ngăn bằng giấy bồi (fusumae, fusuma paintings), cách chưng hoa tươi (ikebana, flower arrangements) và đồ mỹ nghệ trong một hốc vuông trên sàn, nơi được xem như chỗ trang trọng nhất trong nhà (tokonoma, alcove) là những lãnh vực có nhiều tìm tòi. Sesshuu (Tuyết Chu, 1420 - khoảng 1506) với tranh thủy mặc của mình đã giúp tranh thiền (Zenga = Thiền họa) thoát ra khỏi khuôn khổ cố hữu. Ông là người đã tập đại thành "tranh thủy mặc kiểu Nhật" (Nihonteki na suibokuga). Trong số những tác phẩm của nhà danh họa, đáng để ý nhất là Shiki sansui zukan (Tứ quí sơn thủy đồ quyển), một bức tranh dài trên 15m vẽ sự biến đổi của dòng thời gian qua phong cảnh bốn mùa.Nó được xem như đỉnh cao của nghệ thuật Sesshuu.


Nhà danh họa Sesshuu

Bên cạnh đó, trong loại tranh dân tộc (Yamatoe = Đại Hòa hội) thì, cùng với Tosa Mitsunobu (Thổ Tá Quang Tín, ? - 1522?) - người đặt nền tảng cho trường phái Tosa - chúng ta còn phải kể đến những họa sư quan trọng khác như Kanô Masanobu (Thú Dã Chính Tín, 1434-1530) và con trai ông là Motonobu (Nguyên Tín, 1476-1559). Hai người đã gây dựng nên trường phái Kanô nổi tiếng với một thủ pháp độc đáo vì họ biết đem yếu tố thủy mặc hòa quyện vào tranh truyền thống Nhật Bản.

Mặt khác, nhờ có sự phát triển của tuồng Nô, nghệ thuật điêu khắc Nhật Bản cũng bước vào một lãnh vực mới, đó là việc chạm khắc mặt nạ dùng trong tuồng. Về mỹ nghệ thì có sự xuất hiện của một đại sư trong ngành kim hoàn: Gotô Yujô (Hậu Đằng Hựu Thừa, 1440-1512). Song song với hoạt động của ông, ta cũng thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật của giới làm tranh sơn, mài và cẩn (makie = thì hội = lacquer work) [38] .Về cách chưng hoa tươi (ikebana) thì người ta phải nhắc đến nghệ nhân tatebana (lập hoa =cắm hoa) lỗi lạc Ikenobô Senkei (Trì Phường Chuyên Khánh, không rõ năm sanh năm mất). Chỉ biết ông nguyên là một nhà sư tu ở Ikenobô, một bộ phận của chùa Chôhôji (Đỉnh Pháp Tự, Rokkakudô = Lục Giác Đường) và hoạt động trong khoảng năm 1457-1466. Đến thời giữa thế kỷ thứ 16, trong hệ thống Ikenobô có Ikenobô Senô (Chuyên Ứng), còn thời cuối thế kỷ thì có Ikenobô Senkô (Chuyên Hảo), cả hai đã góp công hoàn thiện nghệ thuật cắm hoa.


Nghệ thuật cắm hoa và hiện đại

Thế rồi, giới công khanh khi đã đánh mất sức mạnh trong lãnh vực kinh tế và chính trị bèn quay ra đảm nhận vai trò bảo vệ văn hóa truyền thống (và nhờ đó mà kéo dài sự có mặt của mình như một giai cấp cần thiết cho xã hội). Họ chú tâm nghiên cứu học vấn, tác phẩm cổ điển và phong tục lễ nghi truyền thống (thường biết đến với cái tên yuusoku kojitsu (hữu chức cố thực) và từ đó giới công khanh đã đẻ ra nhiều học giả có tầm cỡ.Nhân vật đại biểu được cho giới này có lẽ là Ichijô Kaneyoshi (Nhất Điều Kiêm Lương). Kaneyoshi (tức Kanera) là người đã viết nhiều tác phẩm nghiên cứu và chú thích. Trong giới tu sĩ Thần đạo, Yoshida Kanetomo (Cát Điền Kiêm Câu, 1435-1511) của đền Yoshida (tại Kyôto) đã bỏ công nghiên cứu quyển cổ sử Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ, 720) để đi đến việc hoàn thành một thứ Thần đạo duy nhất (yuuitsu Shintô) kết quả một quá trình lý luận gọi là Han Honjisuijakusetsu (Phản bản địa thùy tích thuyết) [39] nhằm mục đích hợp nhất cả Nho giáo lẫn Phật giáo dưới sự chi phối của Thần đạo.

Từ lâu, Kokin wakashuu (Cổ kim Hòa ca tập) đã được xem như là kinh điển trong thi ca. Tuy người Nhật coi trọng tác phẩm ấy và xem nó như khuôn vàng thước ngọc nhưng cách giải thích về nó để học hỏi chỉ được truyền thì thầy sang trò trong vòng bí mật (hijikuden = bí sự khẩu truyền). Phải là những nhân vật chọn lọc đặc biệt mới có vinh hạnh thu nhận cái tinh hoa Kokin denju (Cổ kim truyền thụ) này. Thế nhưng sau đó đã có Tô Tsuneyori (Đông Thường Duyện, 1401-84) đứng ra chỉnh lý lại hình thức truyền thụ thơ Kokin.Ông họ này vốn là người miền Đông (goku), xuất thân từ gia đình samurai, gặp loạn Ônin nên sa sút, phải lên kinh đô Kyôto để dạy nghề thơ. Người học trò tiếp nối công việc giáo dục của Tô là Sôgi (Tông Kỳ, 1421-1502). Ông đề xướng shôfuu renga (chính phong liên ca) tức một loại renga mang phong cách chính thống. Sôgi soạn Shin Tsukubashuu (Tân Thố Cửu Ba tập) [40]. Một sự kiện đáng ghi nhớ là ông đã cùng các đệ tử làm bài thơ liên ngâm nổi tiếng Minase sangin hyakuin (Thủy Vô Lại tam ngâm bách vận = Bài thơ trăm câu do ba người cùng ngâm ở đền Minase nơi thờ phượng vong linh Thiên hoàng Go Toba, 1488).Thủy Vô Lại chỉ là một địa danh có nghĩa Cái Lạch Cạn. Rời truyền thống, người đi sau ông là Yamazaki Sôkan (Sơn Kỳ Tông Giám, ? -1540) đã sáng tạo hình thức haikai renga (bài hài liên ca) tự do phóng túng hơn. Ông là tổ của haikai và như thế là viễn tổ của thơ haiku vậy.Trong Inu Tsukuba shuu (Khuyển Trúc Ba tập) do ông biên tập, ông đã cho ta thấy cái phong vị hài hước của người bình dân. Dĩ nhiên, inu (khuyển = con chó), ) cũng chỉ là một cách nói hài hước để tỏ lòng khiêm tốn, cho rằng tác phẩm mình chỉ kể chuyện con cà con kê.

Về phía quần chúng bình dân thì họ cũng sáng tạo nhiều hình thức văn nghệ mà đặc tính là sự linh hoạt, nhẹ nhàng. Kịch có lối hài kyôgen (cuồng ngôn), vũ có kôwakamai (hạnh nhược vũ) [41], trình diễn có sân khấu búp bê (múa rối cổ điển gọi là ko jôruri (cổ tĩnh lưu ly) và các ca khúc ngắn gọi là kouta (tiểu ca, tiểu bái).Kyôgen được diễn xen kẻ giữa hai lớp tuồng Nô là một hình thức sân khấu của lớp bình dân, qua đó, họ bày tỏ cái nhìn riễu cợt, phúng thích của mình đối với giai cấp quí tộc, võ sĩ và tăng lữ. Còn như ko.uta là những bài hát ngắn, được giữ lại trong những ca tập như Kanginshô (Nhàn ngâm tập, 1518, tác giả vô danh, 311 bài) chẳng hạn, nói theo tiếng hiện đại thì đó là những "pop song" đương thời. Nhờ chúng mà ta có một hình ảnh hết sức sống động về cuộc sống của giới bình dân lúc đó.
 

Đặc sắc của Nô và Kyôgen, hai hình thức văn nghệ thời Muromachi [42]
Kyôgen
1 - Gồm 3 yếu tố ca, nhạc và vũ. Phúng thích lãnh chúa, sư sải, thầy pháp
2 - Thể điệu kỹ xảo, viết theo câu 5 và 7 chữ Sử dụng nhiều đối thoại - văn nói
3 - Dùng mặt nạ Ít khi dùng đến mặt nạ trừ ngoại lệ
4 - Đề tài đến từ tác phẩm cổ điển, truyền thuyết Diễn tả truyện đời thường, tùy hứng.
5 - Tính bi kịch, quí tộc Tính hí kịch, bình dân
6 - Biểu hiện bằng tượng trưng Nhiều trò bắt chước. Tính tả thực.
7 - Tính cách u huyền, cao xa. Cái cười sảng khoái


Sân khấu Nô

Otogisoshi (Ngự già thảo tử) là tên gọi những đoản thiên tiểu thuyết đã được lưu hành trong quần chúng. Ngự già (otogi) có nghĩa là "làm bạn", ý nói "để mua vui hay giải buồn". Nội dung của chúng chia thành thểloại gọi là mono (vật), khi thì kể chuyện nhà các công khanh, tăng lữ, võ sĩ, khi thì nói về lớp thứ dân và người ngoại quốc. Hình thức của chúng là những bức tranh, bên cạnh có chỗ trống để người viết gia bút thêm mấy lời bàn. Ưu điểm của loại truyện này là người ta thể tưởng thức một lượt tranh vẽ và hình ảnh, lại có thể đem đi kể cho nhau nghe. Những truyện tiêu biểu có Ipponbôshi (Nhất thốn pháp sư, Chàng dũng sĩ tí hon) như truyện Petit Poucet của Pháp, truyện chàng Urashima Tarô (Ngư phủ Urashima Tarô du Long Cung) chẳng khác nào truyện Từ Thức gặp tiên ở nước ta, đều quen thuộc với người Nhật từ khi họ còn ở trong lứa tuổi nhi đồng.
 

Bảng tóm lược về đặc sắc của văn hóa Higashiyama (Đông Sơn) [43]

(từ thế kỷ 15 đến tiền bán thế kỷ 16)

Đặc điểm -Đã ra đời dưới thời Shôgun thứ 8 Ashikaga Yoshimasa.

-Mang nét giản dị thô phác của Thiền tông.

-Xem hai yếu tố yuugen (u huyền) và wabi (tiêu sơ) là cơ bản. 

-Nghệ thuật đi được vào sinh hoạt thường nhật và trở thành cơ sở cho văn hoá Nhật Bản hiện đại.

Kiến trúc  Kiến trúc (kiểu thư viện hay Shôindzukuri) -Sơn trang Higashiyama (ở Jishôji =Từ Chiếu Tự, 1489)

-Ginkaku (Ngân Các trong Jishôji)

-Trai phòng Dôjin (Dojinsai) của Tôgudô (Đông Cầu Đường) trong cùng khuôn viên Jishôji.

Viên đình -Các cảnh sơn thủy trên cạn (khô sơn thủy = karesansui) hay thạch đình ở Ryôanji (Long An Tự), Daitokuji (Đại Đức Tự) và Jishôji (Từ Chiếu Tự, tương truyền do Zen.ami).
Hội họa Thủy mặc -Hai bức Shikisansuizukan (Tứ quí sơn thủy đồ quyển) và Shuutôsansuizu (Thu đông sơn thủy đồ) của Sesshuu (Tuyết Chu)
Yamato-e (Tranh Đại Hòa) -Tranh của Tosa Mitsunobu (Thổ Tá Quang Tín) phái Tosa.
Phái Kano (Thú Dã) -Shumoshuku airenzu (Chu Mậu Thục ái liên đồ) [44]

của Kano Masanobu (Thú Dã Chính Tín).

-Daisenin kachôzu (Đại tiên viện hoa điểu đồ) tương truyền của Kano Motonobu (Thú Dã Nguyên Tín) 

Thủ công Mặt nạ Nô Nhờ sự phát triển của sân khấu Nô đương thời.
Kim hoàn Thợ giỏi Gotô Ryuujô (Hậu Đằng Hựu Thừa)
Học vấn

Văn học

Thơ Waka Kokindenju (Cổ kim truyền thụ) với Tô Tsuneyori (Đông Thường Duyện) truyền bí quyết thơ Waka.
Nghi thức lễ lạc Sách Kuji Kongen (Công sự căn nguyên) của Ichijô Kaneyoshi (Nhất Điều Kiêm Lương) ghi chép nguồn gốc và những thay đổi trong lễ nghi tập tục áp dụng hàng năm. 
Chính trị Shôdan Chiyô (Tiều đàm Trị Yếu, 1480) của Ichijô Kaneyoshi, trước tác trả lời những câu hỏi về chính trị của Shôgun thứ 9 Ashikaga Yoshihisa.
Nghiên cứu cổ điển Kachô Yojô (Hoa điểu dư tình) của Iuchijô Kaneyoshi chú thích và đính chính những điều hiểu lầm về Truyện Genji của người đi trước. 
Lịch sử Zenrinkokuhôki (Thiện lân quốc bảo ký) của Zuikei Shuuhô (Thụy Khê Chu Phượng)
Triết học Nho giáo

(Chu tử học)

Hai danh nho Keian Genju (Quế Am Huyền Thụ) và Minamimura Baiken (Nam Thôn Mai Hiên)
Nghệ thuật Trà đạo Phong cách thư viện trà (shôincha) trong điện, trong phủ) đã tiến hoá để trở thành thảo am trà (sôancha, wabicha) từ Murata Jukô (Thôn Điền Chu Quang) qua Takeno Jôô (Vũ Dã Thiệu Âu).
Hoa đạo Hoa cúng (Sonahara = cung hoa) tiến hóa để trở thành hoa cắm (tatehana = lập hoa) với Ikenobô Senkei (Trì Phường Chuyên Khánh)
Tôn giáo Thần đạo Tư tưởng thần đạo duy nhất (Yuiitsu Shinto) với Yoshida Kanetomo (Cát Điền Kiêm Câu)

Bi kịch của Zeami [45]

Mãi đến đời Edo tên chính thức của Nô và Kyôgen vẫn là Sarugaku (Viên nhạc). Hình thức nghệ thuật này có gốc gác là Sangaku (Tán nhạc) gồm có trò khéo tay khéo chân và ảo thuật, đến từ nhà Đường vào thời Nara. Đến đời Heian, nó được gọi là Sarugaku hay Sarugô mà tác giả Fujiwara no Akihira (Đằng Nguyên Minh Hành) trong Shin Sarugakuki (Tân viên nhạc ký) xem như một nghệ thuật có tính hài hước. Thế rồi, Sarugaku đã biến thái thành một loại kịch ngắn mang màu sắc phúng thích. Sang đến thời Kamakura thì nhiều nơi đã có những Za chuyên môn diễn Sarugaku. Đến khi nó chịu ảnh hưởng của Dengaku, một thứ sân khấu trình diễn trong các lễ tiết theo nông lịch, cộng thêm nghệ thuật sarugaku có tính bùa chú diễn ở các đền chùa (jushi sarugaku) và những điệu vũ gọi là "diên niên vũ" (ennen no mai) thì chúng ta đã hội đủ những thành phần cơ bản cấu thành kịch Nô. Chẳng bao lâu, phần hài kịch có đối thoại thường đi song đôi với nó (tức sarugaku no kyôgen) đã phân hoá ra và trở thành một loại tuồng độc lập với Nô. Nhân vì dân chúng tán thưởng việc hai loại tuồng ấy được diễn xen kẻ nên chúng vẫn tiếp tục tồn tại bên nhau cho đến ngày nay.

Trong đám soạn giả kiêm diễn viên tuồng Nô lúc bấy giờ có cha con Kan.ami và Zeami là những nhân vật ưu tú hơn cả. Khoảng năm 1374 hay 1375, trong một buổi trình diễn, hai cha con đã được vị Shôgun trẻ (mới 17 tuổi) Ashikaga Yoshimitsu để mắt đến tài năng của họ và từ khi ấy, hết lòng bảo trợ.Lúc đó Kan.ami 42 và Zeami 12 tuổi. Được hoàn cảnh thuận lợi, Zeami đã phát triển nghệ thuật của mình đến đỉnh cao và nhân đó, sáng tác tập lý luận để đời về Nô nhan đề Fuushikaden (Phong tư hoa truyền). Tuy nhiên, về sau, Yoshimitsu lại đổi ý. Ông sủng ái Inuô (Dôami) một nhân vật tuy cùng thế hệ với Kan.ami nhưng thuộc trường phái khác và ban cho ông ta nhiều ân huệ.Việc này kích động Zeami, ông thấy cần phải chuyển hướng. Lúc đó bố đã mất, ông từ bỏ lối diễn xuất Nô chủ yếu dựa trên trò nhại (monomane) ở rạp Kanze của cha con mình mà thu thập ưu điểm của địch thủ nghĩa là từ đó hướng về loại Nô dựa trên cái đẹp của ca vũ như Dôami để sáng tạo một dạng thức Nô mới là Nô mộng huyễn (Mugen Nô), có tính chất triết lý và huyền ảo.

Năm 1408, Yoshimitsu chết đột ngột. Shôgun đời thứ tư Yoshimochi (Nghĩa Trì) không thích Sarugaku mà chỉ mê Dengaku.nô, trọng vọng Zôami, người nổi tiếng về thể loại này. Tuy không đến nổi bị Yoshimochi bỏ bê hoàn toàn nhưng để phục hồi lại chỗ đứng, Zeami hợp tác với hai con (Motomasa, Motoyoshi) và cháu nội (Saburô Motoshige) chuyên chú tập luyện và viết thêm sách vở lý luận như Kakyô (Hoa kính), Shikadô (Chí hoa đạo), Sandô (Tam đạo) và không những thế, tỏ ra rất sung sức khi cho ra đời nhiều bản tuồng mới.

Năm 1428, Yoshimochi lại mất. Khi người em trai là Yoshinori (Nghĩa Giáo) lên kế vị cũng là lúc tấn bi kịch của Zeami mở màn.Yoshinori nâng người cháu nội của ông là Saburô Motoshige tức Onnami lên địa vị cao, hất hủi cha con ông, ngay cả đình chỉ những buổi diễn của họ.Gặp nghịch cảnh như vậy mà ông còn đủ nghị lực để soạn thêm Shuugyokutokuka (Thập ngọc đắc hoa), Shudôsho (Tập đạo thư) là những trước tác lý luận khác. Năm 1432, người con tài hoa mà ông yêu quí rất mực, đích tử Motomasa, mất ở Ise giữa tuổi thanh niên, riêng ông thì bị tội đày ra đảo Sado (1434). Chi tiết cho biết ông ở lại Sado đến năm 1436 (74 tuổi) có chép trong Kindôshuu (Kim đảo tập) nhưng việc sau đó ông có được tha để hồi kinh hay không thì chẳng thấy ghi chú ở đâu cả. .

5.5 Chuyển tiếp từ Muromachi về phía thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản):

Chúng ta tạm đóng ngoặc câu chuyện về văn hóa Higashiyama ở đây.

Về phần những tiểu quốc lãnh địa của các shugo, như chúng ta có dịp thấy cho đến nay, sau khi kinh qua một thời chiến loạn, từ những nvùng đất đó đã phát tích một sô võ tướng có thực lực. Nhóm người này sẽ đóng vai trò quan trọng khi lịch sử chuyển dòng sang trang, đưa Nhật Bản bước vào một giai đoạn lịch sử đấu tranh khốc liệt, tục gọi là thời Sengoku (Chiến quốc, The Warring States).

Trên thực tế, trong đám "người giữ nước hộ" (kokujin) - cận thần trông coi nhà cửa cho shugo đang đi vắng - có những phần tử thừa cơ hội cuộc loạn Ônin để tạo ra các vụ nổi dậy gọi là ikki để bảo lệ quyền lợi của bè phái mình.Chẳng hạn như vào năm 1485 (Bunmei 17) ở vùng phía nam khu vực Yamashiro đã có vụ nổi dậy gọi là Yamashiro no kuni ikki (Sơn Thành quốc nhất quỹ). "Người giữ nước hộ" (kokujin) đã đuổi gia đình shugo Hatakeyama ra khỏi lãnh thổ vì những người này đang chia làm hai bè phái tranh chấp lẫn nhau. Kết quả là "người giữ nước hộ" suốt 8 năm trời đã thành công trong việc biến vùng Yamashiro thành một lãnh quốc tự trị. Sử liệu có tên là Daijôin jisha zôjiki (Đại thừa viện tự xã tạp sự ký) đã tường thuật lại cuộc nổi loạn này, đại ý chép như sau:

"Hôm nay bọn "người giữ nước hộ" (kokujin) ở vùng Yamashiro đã họp nhau. Dân chúng trong vùng cũng tụ tập lại nữa. Tất cả dường như đang muốn bàn tán xem phải có thái độ thế nào với hai phe của nhà Hatakeyama đang lục đục. Đó là một điều dĩ nhiên mà thôi. (lược bỏ một đoạn). Họ quyết định là hai cánh quân của nhà Hatakeyama không được trở về trong nước.Những trang viên thuộc quyền quản lý của honjo (bản sở, honke tức gia đình chủ nhân) thì vẫn để y nguyên. Còn việc lập trạm kiểm soát thông hành (sekijô) thì sẽ không cần có thêm trạm mới. Thật là một điều đáng mừng"

Người viết những dòng chữ nói trên là Jinson (Tầm Tôn) ở Daijôin (Đại Thừa Viện) chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự). Tại sao trong câu cuối, nhà tu này lại tỏ ra vui mừng như vậy? Nếu "trang viên vẫn thuộc về chủ nhân như xưa" thì Jinson (vốn ở trong giới chủ nhân vì trang viên thuộc về nhà chùa) nhất định phải bằng lòng khi thấy quyết định trên của các "người giữ nước" (kokujin) phù hợp với quyền lợi của phe cánh mình.

Cũng phải nhắc lại là vào thời kỳ này, thế lực tôn giáo là một sự uy hiếp rất lớn lao đối với mạc phủ. Chẳng hạn như trường hợp tông Nichiren (Nhật Liên), một đoàn thể tôn giáo vốn có cơ sở vững chắc ở miền Đông (Tôgoku). Vào năm 1532 (Tenbun nguyên niên) vì muốn bảo vể kinh đô Kyôto trước ngọn lửa binh đao, họ đã phát động một cuộc nổi dậy gọi là Hokke Ikki (Pháp Hoa nhất quỹ), tổ chức cả việc tự trị hành chánh cho các khu phố trong thành. Lại nữa, vào năm 1536 (Tenbun 5), khi đối lập với phe cánh chùa Enryakuji (Diên Lịch Tự), họ đã gây nên cuộc nổi dậy khác gọi là Tenbun Hokke (Thiên văn Pháp Hoa, loạn Pháp hoa vào niên hiệu Thiên văn) bởi vì bản sơn của họ trong thành phố Kyôto bị các giáo đồ Enryakuji và binh đoàn của tướng Rokkaku (vùng Ômi, gần Enryakuji) đến phóng hỏa.

Không nên quên chuyện tông Ikkô (Nhất Hướng) với những giáo đồ của họ có mặt trong một hình thức tổ chức có tên là kô (giảng). Họ lợi dụng sức mạnh của tổ chức để nới rộng phạm vi vùng ảnh hưởng đến khắp vùng nông thôn. Năm 1488 (Chôkyô 2), đã có cuộc nổi dậy gọi là Kaga no Ikkô ikki (Nhất Hướng nhất quỹ ở tiểu quốc Kaga). Khi ấy, giáo đồ tông Ikkô ở Kaga đã hiệp lực với bọn "người giữ nước hộ" (kokujin) để lật đổ chức shugo Tôgashi Masachika (Phú Kiên Chính Thân). Điều đó sở dĩ xảy ra được là vì giáo đồ đã biết lợi dụng hoạt động truyền giáo của tăng Rennyo (Liên Như) chùa Honganji (Bản Nguyện Tự) đang lan ra tận các vùng Kinki, Tôkai và Hokuriku nhằm bành trướng thế lực của phái Tịnh Độ Chân Tông chùa Honganji đến những nơi ấy. Về mặt thực tế thì rõ ràng rằng sau đó, lãnh địa chùa Honganji đã được đặt dưới sự quản lý của nhóm nổi dậy suốt trong một thế kỷ.


Tăng Rennyo (Liên Như)

Con trai của Rennyo là Jitsugo (Thực Ngộ) đã kể lại cho chúng ta trong Jitsugoki Shuui (Thực Ngộ ký thập di) như sau: "Gần đây đã có những lãnh quốc do dân chúng (nông dân, hyakushô) đứng lên giữ lấy" . Ý ông ta muốn nói là thường dân đã thành công trong việc tự vận hành lãnh quốc ấy. Điều đó cho thấy sức mạnh ở bên dưới (hạ = ge) đã lấn lướt sức mạnh bên trên (thượng = jô). Hiện tượng ấy xảy ra khá thường xuyên trong giai đoạn này. Cũng chính vì thế, người ta đã mệnh danh những phong trào có tính chất như vậy là gekokujô (hạ khắc thượng = dưới lấn lên trên). Cò lẽ đây là cụm từ đại biểu được tính chất của xã hội thời Sengoku.

Tiết 6: Các lãnh chúa Sengoku (Sengoku daimyô) xuất hiện:
6.1 Sự khác nhau giữa shugo (thủ hộ) và daimyô (đại danh):

Cuộc đại loạn năm Ônin là bước ngoặt đưa đẩy nước Nhật bước vào một thời đại còn hỗn mang hơn nữa, đó là thời Sengoku (Chiến Quốc).Lúc bây giờ, trên toàn quốc, những nhà cai trị có thực lực và bám rễ sâu tại địa phương đã bắt đầu lộ diện.

Thời tiền bán thế kỷ 16, chủ yếu là vùng Kinki bao quanh kinh đô Kyôto, đã trở thành sân khấu nơi diễn ra không ngừng những cuộc xung đột trong nội bộ Mạc Phủ Muromachi, đặc biệt là họ Hosokawa (Tế Xuyên), để dành quyền chi phối chính trị. Trong cuộc đấu đá này, kết quả là quyền hành đã chuyển từ cánh gia đình chức Kanrei (Quản lãnh) có thực quyền là Hosokawa sang một gia thần của họ, Miyoshi Nagayoshi (Tam Hảo Trường Khánh), rồi sau đó nó lại vào tay một bộ hạ của Nagayoshi tên là Matsunaga Hisahide (Tùng Vĩnh Cửu Tú). Tuy nhiên, ở các địa phương khác, những gì xảy ra không còn dính líu tới mạc phủ nữa. Các thế lực địa phương đã đủ sức xây dựng nên những lãnh quốc (ryôkoku, còn gọi là bunkoku = phân quốc) rồi tự mình cai trị lấy.Những nhân vật có thế lực như thế được gọi là Sengoku daimyô (Chiến Quốc đại danh). Là lãnh chúa Chiến Quốc, họ tượng trưng cho một thứ quyền lực mới chưa hề có từ trước đến nay, không còn thuộc vào hệ thống thế lực của mạc phủ và dĩ nhiên không tuân theo mệnh lệnh của tổ chức này.

Thực ra, trước khi có cuộc loạn Ônin, cảnh tượng tương tự đã từng thấy ở vùng Kantô. Cái địa vị kubô ở phủ chúa Kamakura đại biểu cho Mạc phủ Muromachi ở miền này là mầm mống xung đột giữa hai ông tiểu kubô: Ashikaga Shigeuji (Túc Lợi Thành Thị), con trai Mochiuji (Trì Thị), khi đó gọi là Koga kubô (Cổ Hà công phương) và người anh em của Shôgun Yoshimasa (Nghĩa Chính) tên gọi Masatomo (Chính Tri), lúc đó giữ chức Horigoe kubô (Quật Việt công phương). Còn thêm một cuộc xung đột thứ hai trong nội bộ gia đình Uesugi, một thân tộc bên ngoại của mạc phủ, vốn giữ đặc quyền quản lãnh vùng Kantô (Kantô kanrei) để phụ tá cho chức kubô. Cánh Yamanouchi Uesugi tranh giành với cánh Ôgigayatsu Uesugi và điều này đã tiếp diễn trong một thời gian dài.


Lãnh chúa Chiến Quốc Hôjô Sôun

Nhân tình trạng tranh chấp này mà vào cuối thế kỷ 15, Hôjô Sôun (Bắc Điều Tảo Vân, tục gọi là Ise Sôzui hay Y Thế Tông Thụy) từ Kyôto xuống đã nắm lấy cơ hội bình định được một vùng miền Đông từ Izu đến Kantô. Về gốc gác của nhân vật Sôun thì có nhiều thuyết, không có gì rõ ràng nhưng có lẽ ông ta thuộc hàng thân tộc của họ Ise, vốn lãnh chức chấp sự (shitsuji) trong cơ quan hành chánh trung ương gọi là Mandokoro (Chính sở) của Mạc phủ Muromachi. Cũng có thể ông ta là con trai Ise no Morisada (Y Thế Thịnh Định), người có lãnh địa là trang viên Ebara thuộc tiểu quốc Bicchuu (Bị Trung, nay là miền tây tỉnh Okayama). Điều đó giải thích việc bên cạnh tên Sôun của ông ta có đính kèm danh hiệu Ise Sôzui.

Hồi loạn Ônin thì Sôun là gia thần của Yoshimi, em trai Shôgun Yoshimasa. Ông theo chủ xuống vùng Ise, rồi sau đó mới gả em gái cho shugo địa phương ấy là Imagawa Yoshitada (Kim Xuyên Nghĩa Trung). Nhân vật nữ nói trên là bà Kitagawadono (?-1529). Cuộc hôn nhân này cho phép ông trở thành người nhà của họ Imagawa.Về sau, Hôjô Sôun lật đổ được chức Horigoe-kubo khu vực Izu vào năm 1393 (Meitoku 4), lần lượt bình định các vùng Izu và Sagamo và trở thành một lãnh chúa Sengoku (Sengoku daimyô) trấn giữ đất Odawara.

Tại sao phải nhắc đến nhân vật Hôjô Sôun ở đây? Thật ra, lý do là sự kiện Sôun bình định được vùng Izu và Sagami để trở thành một daimyô được đánh giá như biến cố đánh dấu sự mở màn của một thời kỳ lịch sử. Sau đó sẽ có những hành động rập khuôn tiếp nối. Thời đại Sengoku xem như đã bắt đầu với nhân vật này. Với sự giải thể của Mạc phủ Muromachi, một thế lực mới xuất thân từ hàng đại diện shugo (shugodai) và các kokujin (người giữ nước hộ) sẽ thay thế tầng lớp cai trị cũ (shugo).

Vào khoảng giữa thế kỷ 16, ở vùng Kantô, người ta thấy hình ảnh loạn lạc của thời Sengoku đã thực sự bày ra trước mắt. Chức shugo vùng Kai (Giáp Phỉ hay Giáp châu, nay thuộc địa phận tỉnh Yamanashi) là Takeda Harunobu (Vũ Điền Tình Tín, 1521-1573), người về sau được biết đến với đạo hiệu là Shingen (Tín Huyền) đã trở thành một lãnh chúa Sengoku khác. Đó cũng là trường hợp địch thủ lợi hại của ông, Nagao Kagetora (Trường Vỹ Cảnh Hổ), sau đổi tên thành Uesugi Kenshin (Thượng Sam Khiêm Tín, 1530-1578). Hai võ tướng thiền gia này thường xuyên chạm trán và cuộc giao chiến lịch sử giữa hai người ở vùng Kawanakajima (Xuyên Trung Đảo) thuộc địa phương Kita Shinano nay đã trở thành truyền thuyết trong dân gian.
 

Uesugi Kenshin 
Takeda Shingen

 Phải nói giai thoại về hai ông thì có rất nhiều và người Nhật ai cũng còn nhớ chuyện " gửi muối cho quân địch" (teki ni shio wo okuru). Lúc đó, hai chiến tướng Shingen và Kenshin đang lúc tranh phong rất gay cấn nhưng khi nghe tin dân của Shingen thiếu muối ăn vì lãnh địa nằm xa biển, thay vì siết vòng vây để phong tỏa bằng kinh tế, Kenshin mà lãnh địa vốn ở bên cạnh biển, đã cho gửi muối giúp địch thủ. Kenshin chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở trên chiến trường chứ không bằng một thủ đoạn hèn mạt. Điều này chứng tỏ tinh thần mã thượng của samurai Nhật Bản. Từ đó cách nói đó đã trở thành ngạn ngữ hàm ý tính rộng lượng đến độ "giúp cả kẻ địch trong cơn khốn đốn".

Mặt khác vào lúc đó, nhiều daimyô khác cũng cùng nhau dấy lên mưu việc tự lập. Địa phương Suruga (miền trung tỉnh Shizuoka) và Tôtoumi (miền tây Shizuoka) có họ Imagawa, Echizen (tỉnh Fukui bây giờ) có họ Asakura, Owari (phía tây tỉnh Aichi) có họ Oda (Chức Điền)...Vùng cực nam đảo Honshuu (thường được gọi là Chuugoku, tỉnh Yamaguchi), chức shugo có một thời cường thịnh họ Ôuchi (Đại Nội) đã bị viên cận thần nhiều tham vọng của mình là Sue Harukata (Đào Tình Hiền) đoạt lấy nước. Vùng Aki (phía tây Hiroshima) "người giữ nước hộ" là Môri Motonari (Mao Lợi Nguyên Tựu) nổi dậy, phá tan thế lực Sue Harukata rồi cùng với họ Amago (Ni Tử) tranh chiến qua lại nhiều lần để dành quyền kiểm soát khu vực San.in [46] rộng lớn.

Còn về các địa phương khác thì trên đảo Shikoku thì đã có họ Chôsokabe (Trường Tông Ngã Bộ), đảo Kyuushuu có các họ Ôtomo (Đại Hữu), Ryuuzôji (Long Tạo Tự), Shimazu (Đảo Tân), vùng đông bắc Honshuu là họ Date (Y Đạt). Rừng nào cọp nấy, họ nhắm nới rộng khu vực ảnh hưởng, tranh hùng với nhau như thời thập nhị sứ quân ở nước ta.

Nhìn chung, các daimyô Sengoku tức lãnh chúa thời Chiến Quốc Nhật Bản hầu hết xuất thân từ những người "đại diện tại chỗ" như các đại diện shugo hay tầng lớp "quản gia" vốn có nhiệm vụ giữ nước hộ (kokujin) nhhung phải cái khi vắng chủ nhà gà đã sớm mọc đuôi tôm. Các dòng Shimadzu, Ôtomo, Imagawa, Takeda là những gia đình gốc shugo, đến thời Sengoku tình thế đưa đẩy thành ra daimyô nhưng ngoài họ ra, hầu hết tập thể daimyô kiểu mới này xuất thân thuộc cấp, xưa ở bên dưới giờ mới ngóc đầu lên. Nói cách khác, những người đến từ giai cấp thấp này đã tượng trưng cho cuộc vận động xã hội có tên gekokujô (hạ khắc thượng).

Quyền lực truyền tử lưu tôn ngày xưa không còn giá trị gì nữa giữa một thời đại mà chỉ có thực lực mới đáng kể. Vì thế những lãnh chúa mới ra đời này, khi muốn bảo vệ địa vị mình mới đoạt được, đã phải chiến đấu không ngưng tay. Để được bầy tôi và dân chúng trong lãnh địa tín nhiệm và trung thành với mình, các daimyô Sengoku cần tỏ ra xứng đáng nghĩa là bắt buộc có tài chỉ đạo quân sự và năng lực cai trị.

Thử hỏi các daimyô thời Chiến Quốc phải làm cách nào để gây dựng được lực lượng? Thực ra họ phải tìm cách kết hợp các kokujin ("quản gia" giữ nước hộ) mới theo về cũng như các jizamurai (võ sĩ xuất thân từ địa phương), hai loại người vốn đã có mặt tại chỗ. Quá trình nhằm biến những phần tử thuộc hai giới này thành gia thần, nói khác đi, quá trình tạo giữa daimyô và hai loại người này một quan hệ chủ tớ, có tên gọi là hikanka (bị quan hóa = biến thành nhân viên, quan chức, như thể nhập vào biên chế). Trước tiên daimyô phải thống nhất được những tiêu chuẩn tính toán lương bổng (gọi là kandaka = quán cao) cho những quan chức mới này và bảo đảm một đồng lương tương xứng với địa vị của họ. Bù lại, cùng với món thu nhập này, người "bị quan hóa" đó cũng phải lãnh một trách nhiệm quân sự (gọi là gun.yaku = quân dịch). Chế độ nói trên được lược xưng bằng danh từ kỹ thuật "quán cao chế" (kandakasei) nhưng có lẽ nên tạm hiểu là chế độ lương bổng (ân cấp) bởi vì "quán" có nghĩa là quan tiền. Hiểu được chế độ này là đã hiểu được nguyên lý cơ sở của việc xây dựng lực lượng quân sự bởi các daimyo thời Chiến Quốc.

Mặt khác các phần tử kokujin và jizamurai đó cũng đoàn ngũ hóa. Họ được gửi gắm cho những gia thần có thế lực coi sóc. Với chế độ gọi là yorioya (ký thân), yoriko (ký tử) (cha nuôi, con nuôi), họ được các gia thần ấy tổ chức thành những toán quân nhà nghề, tinh nhuệ, biết sử dụng các loại vũ khí tạm gọi là tối tân vào thời đó như súng hỏa mai (teppô) và trường thương (nagayari). Đó cũng là một điểm giúp ta phân biệt vai trò giữa shugo thời mạc phủ và daimyô thời Chiến Quốc.

6.2 Việc cai trị của các daimyô Chiến Quốc tại tiểu quốc của mình:

Daimyô thời Chiến Quốc khác với các shugo daimyô của giai đoạn Mạc phủ Muromachi. Những người gọi là daimyô (lãnh chúa) thời Sengoku chịu cơ cực và phải lo toan hơn nhiều. Cả năm, họ bắt buộc lúc thì giao chiến để bảo vệ tiểu quốc của mình trước sự xâm lấn của những lãnh chúa nhiều tham vọng, lúc thì đề phòng đồng minh trở mặt. Bằng không, họ sẽ khó lòng giữ được địa vị.

Do đó, vấn đề ưu tiên của lãnh chúa thời Chiến Quốc nằm trong bốn chữ "phú quốc cường binh" nghĩa là làm sao cho dân giàu lính mạnh. Thành công hay thất bại nằm ở cái tài tổ chức được một chính quyền vững chãi.Họ phải ngày đêm mưu tính với các gia thần tìm phương án tốt nhất, chính sách hữu hiệu nhất để thực hiện cho được mục đích tối thượng đó. Trong hoàn cảnh như vậy, các bunkokuhô ( phân quốc pháp) cũng như kahô (gia pháp) tức các luật nội bộ với nhiều điều khoản độc đáo của từng địa phương, từng dòng họ đã ra đời.

Luật của tiểu quốc (phân quốc) có khi là những bộ luật kế thừa những điều luật của mạc phủ hay của các tay shugo thời trước, có khi hấp thụ những điều luật được các nhóm kokujin đã tạo ra trong thời gian họ làm ikki nghĩa là nổi dậy để giành lấy chính quyền. Có thể xem luật phân quốc là tập đại thành của luật lệ thời trung cổ Nhật Bản (thường được họ gọi là trung thế[47] để chỉ giai đoạn giữa thế kỷ 12 đến 16). Xin xem bảng tóm tắt dưới đây để hiểu về một số bộ luật của các tiểu quốc quan trọng thời đó.
 

Luật các tiểu quốc và gia pháp
Lãnh chúa Tiểu quốc Tên bộ luật Năm hoàn thành
Date Mutsu (Aomori, Iwate) Jinkaishuu (tập hợp 171 điều khoản, bộ luật tiểu quốc lớn nhất) 1536
Yuuki Shimôsa (miền bắc Chiba) Yuukishi shinhatto 1556
Hôjô  Izu Sôunjidono nijuuichi kajô (gia pháp của Sôun) đầu thế kỷ 16
Imagawa Suruga (miền trung Shizuoka) Imagawa kana mokuroku

Imagawa kana mokuroku zuika

1526

1553

Takeda Kai (Yamanashi) Kôshu hatto no shida (gia pháp của Shingen)  1547
Asakura Echizen (đông Fukui) Asakura Toshikage jôjô

(Asakura Toshikage juushichi kajô) 17 điều khoản

1471-81
Rokkaku Ômi (Shiga) Rokkakushi shikimoku (Yoshiharu shikimoku) 1567
Ôuchi Suuô (Yamaguchi) Ôuchike okitegaki

(Ôuchike kabegaki)

khoảng 1495
Miyoshi Awa (Tokushima) Shinkaseishiki 1562-1573
Chôsokabe Tosa (Kôchi) Chôsokabeshi okitegaki (Chôsokabe motochika hyakukajô) 100 điều khoản 1596
Sagara Higo (Kumamoto) Sagarashi hatto 1493-1555

Các bộ luật này lúc mang tên hatto (pháp độ), lúc mang tên mokuroku (mục lục). shikimoku (thức mục), kabegaki (bích thư = chép trên tường) vv... nhưng nói chung đều là các điều khoản (jô) từ vài mươi (trường hợp gia pháp nhà Asakura, Hôjô) đến cả trên trăm (bộ luật nhà Date, Chôsokabe). Trong các bộ luật của dòng họ hay tiểu quốc lắm lúc có cả những qui định như là kenka ryôseibai để giải quyết việc tranh tụng đấu đá. Luật này qui định rằng hễ cãi nhau thì hai bên dù phải hay trái đều có tội và bị xử phạt (kenka là gây tranh cãi, gây ồn ào, còn ryôseibai = lưỡng thành bại, xử cả hai) [48]. Người ta lại thấy một đặc điểm khác là chế độ renza (liên tọa chế). Renzasei qui định rằng khi một cá nhân phạm tội thì làng nước, hương lý nghĩa là những người sống trong vùng cũng phải chịu tội lây. Chúng ta thấy các daimyô của thời Chiến Quốc, những nhà cai trị mới, đã tỏ ra có một lập trường cứng rắn đối với kẻ bị trị. Họ còn cấm các gia thần của mình không được kết hợp lại thành nhóm riêng để mưu đồ những việc tư túi củng như không có quyền mua bán lãnh địa qua lại mà cũng không được chia của thừa tự cho các con theo lối bunkatsu sôzoku (phân cát tương tục). Chế độ chỉ khuyến khích để của lại cho một mình trưởng nam (chôshi tandoku sôzoku = trưởng tử đơn độc tương tục) mà thôi. Ngoài ra trong các bộ luật tiểu quốc này, cũng thấy có những điều khoản nghiêm trị việc không nộp tuế cống và ngăn cấm nông dân bỏ xứ đào vong.

Đối với những lãnh chúa đời Chiến Quốc, việc kiểm soát sức mạnh kinh tế trong lãnh địa là điều họ xem là thiết thân hơn cả.Họ tìm sách bắt rễ sâu hơn ở địa phương, tăng gia diện tích đất chiếm lĩnh bằng cách thu đoạt những vùng đất mới qua các cuộc chinh phục.Sau đó họ mở cuộc điều tra đất đai (kenchi = kiểm địa) để xem sức sản xuất lúa gạo nơi đó được bao nhiêu. Sự kiểm soát của họ dựa trên một chế độ tự khai báo (jiko shinkokusei = tự kỷ thân cáo chế), qua đó, các địa chủ, gia thần của họ phải báo cáo lên lãnh chúa một số chi tiết như diện tích và sức sinh sản, mức đóng góp hàng năm (nengu = niên cống) của đất đai mình có. Phương pháp kiểm soát này còn có tên là sashidashi kenchi (kiểm soát đất đai qua tờ trình).

Cũng cần nói đến một điều các lãnh chúa lưu tâm đặc biệt: việc cung cấp và vận chuyển hàng hóa. Do đó họ tổ chức thành hệ thống những con buôn và những nhà sản xuất công nghệ vốn sống rải rác trong lãnh quốc. Làm như thế họ có thể kiểm soát một cách hữu hiệu những nhà buôn và nhà sản xuất lớn. Các lãnh chúa đã cho xây dựng những xóm buôn bán bên chân thành gọi là jôkamachi (thành hạ đinh) để tụ họp nhà buôn nhằm kiểm soát sự giao dịch cũng như sản xuất công nghệ trơng phần đất mình quản lãnh. Những xóm gọi là jôkamachi trở thành trung tâm kinh tế trong vùng. Rồi với hệ thống nhà trạm (shukueki = túc dịch) và ngựa trạm (denba = truyền mã) trên tuyến đường chuyển vận cũng việc thiết lập chợ búa cùng việc phế bỏ những cửa ải ngăn chận sự lưu thông tài hóa, kinh tế thương nghiệp đã được vận hành một cách trơn tru.


Di tích một khu nhà trạm (shukueki) cho khách nghỉ

6.3 Phố phường và dân chúng thời Chiến Quốc:

Đến đây, chúng ta thử điểm qua một số phố phường buôn bán sầm uất của thời Chiến Quốc. Những jôka machi hay xóm dưới chân thành nổi tiếng thì có Odawara của họ Hôjô, Fuchuu (thành phố Shizuoka) của họ Imagawa, Kasugayama (thành phố Jôetsu) của họ Uesugi, Yamaguchi của họ Ôuchi, Funai (thành phố Oita) của họ Otomo, Kagoshima của họ Shimazu.

Cũng phải kể đến những xóm buôn bán (sau sẽ phát triển trở thành đô thị) đã thành hình trước cổng chùa và đền thần. Đó là những monzen machi (môn tiền đinh). Trước cổng đền Ise Jingu thì có xóm Uji và Yamada, trước chùa Zenkôji (Thiện Quang Tự) vùng Shinano thì có Nagano. Mặt khác, ở những nơi mà giáo phái Tịnh Độ Chân Tông hưng thịnh, nhiều xóm buôn và khu phố đã được dựng lên bên trong khuôn viên các chùa chiền và đạo trường (dôjô, trong văn mạch này có nghĩa là nơi tín đồ Phật giáo đến tu dưỡng). Do đó những chốn này mới mang tên jinaichô (tự nội đinh hay "xóm chùa"). Các tín đồ nhân đó có nơi để tụ họp buôn bán và sản xuất những mặt hàng công nghệ. Xóm chùa của Ishiyama Honganji (Thạch Sơn Bản Nguyện Tự, thuộc thành phố Ôsaka) trong xứ Settsu, các xóm Kanazawa ở Kaga, Tondabayashi ở Kawachi, Imai ở Yamato là những địa danh tiếng tăm còn được lưu truyền. Những "xóm chùa" như thế có đặc quyền là được miễn thuế và không chịu sự can thiệp của nhà chức trách từ bên ngoài đến. Việc buôn bán cũng được xảy ra một cách bình đẳng chứ không bị đặt điều kiện là có chân trong Za (đó là hình thức muza = vô tọa, vô tòa). Do đó, chế độ áp dụng ở đây có tên gọi là rakuza rakushi (lạc tọa lạc thị," mà "lạc" được dùng trong cái nghĩa là thong thả, dễ dãi). Thế nhưng chẳng bao lâu các lãnh chúa Chiến Quốc muốn vơ những nhà buôn đó để đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Những người ấy bị tước đoạt hết đặc quyền và sau đó, họ đã nhập làm một cùng với những nhà buôn của "xóm dưới chân thành". Nhưng chẳng bao lâu, các xóm dưới chân thành của các lãnh chúa Chiến Quốc theo đà phát triển của nền kinh tế lại bắt đầu có khuynh hưởng phế bỏ những Za vì bản chất của Za là duy trì sự độc quyền trong kinh doanh. Cuối cùng, lệnh rakushi rakuza (Lạc thị lạc tọa lệnh) đã được ban hành khắp nơi.

Một khi kinh tế jôka-machi tức "xóm dưới chân thành" đã phồn vinh như thế, nó cũng kéo theo sự phát triển của các nhà buôn tuy ở xa nhưng có làm ăn với Kyôto ở trung ương. Điều đó dẫn đến sự hưng thịnh của các "xóm bến cảng" (minato machi), "xóm nhà nghỉ đường bộ" (shukuba machi). Những bến cảng sầm uất vào thời ấy thì có Sakai ở ven biển nội địa và Hakata phía bắc đảo Kyuushuu. Ngoài ra, còn phải kể đến Hô no tsu, Onomichi, Hyôgo, Obama, Tsuruga, Ôtsu, Kuwana, Ôminato vv...

Trong các đô thị mới phát triển này, những nhà công thương nghiệp làm ăn có của đã họp nhau lại thành tổ chức tự trị để vận hành công việc trong các xóm buôn và xây dựng một cách êm thắm những thành phố tự do. Sakai, Hakata, Hirano ở Settsu, Kuwana và Ôminato ở Ise no kuni đều là những thành phố tiêu biểu. Sakai đã lập được một hội đồng quản trị gồm 36 thành viên có tên là Egôshuu (Hội họp chúng, còn đọc là Kaigôshuu). Hakata có một cơ quan mang tên Nengyôji (Niên hành ty) gồm 12 con buôn lớn hay cự phú (gọi là gôshô =hào thương) để tiến hành công việc hàng năm của thành phố như một đô thị tự trị với một chính sách quản lý đặc thù. Một nhà truyền giáo thuộc giáo hội Ki-tô tên là Gaspar Virella, sau khi đặt chân đến Nhật, đã gửi thư về cho các bạn đồng sự của ông ở Ấn Độ và Âu châu một bức thư (chép lại trong Gia Tô Hội Sĩ Nhật Bản Thông Tín) với nội dung như sau:

"Thành phố Sakai rất lớn, con buôn giàu có tụ tập đông đảo. Ở đây có một hội đồng quản trị gọi là Egôshuu, hình thức cũng giống như Hội đồng hàng tỉnh (Chấp chính quan) ở Venice.Bắt đầu chỉ có 10 người, sau lên đến 36. Họ đứng ra tự vận hành mọi công việc"

"Trên khắp nước Nhật, không có chỗ nào an toàn hơn đây. Ba mặt nam, bắc và đông của thành phố có đào hào để chuẩn bị chống lại việc kẻ địch tấn công từ bên ngoài. Người ta mướn cà lính đánh thuê để bảo vệ thành phố."

Qua hai đoạn thư trên, chúng ta có thể tưởng tượng ra được phần nào đời sống ở thành phố Sakai vào thời ấy. Chẳng những thế, ở bảo tàng viện thành phố Sakai ngày nay, người ta còn giữ được một bức tranh vẽ phong cảnh ở đó trong ngày hội đền Sumiyoshi.Trong tranh, ta thấy thành phố có hào sâu che chở, lại thêm thuyền bè và những kho hàng tường trắng cao đến 3 tầng. Lại có quang cảnh một đám rước hệt như ngày hội giả trang (Carnival).

Giống như Sakai, ở Kyôto có tổ chức gọi là Hội đồng khu phố (Chôshuu= Đinh chúng). Họ là những con buôn giàu có, đã tập hợp lại để xây dựng nên các Chô (Đinh) tức là khu vực dân chúng tự trị. Trong các Chô như vậy, mỗi Chô đều có luật lệ riêng gọi là Chôhô (Đinh pháp), dân chúng trong vùng cứ dựa theo đó mà sinh hoạt hay kinh doanh. Không nên quên rằng các Chô lại có thêm tổ chức là Chôgumi (Đinh tổ) (tổ như tổ hợp) bao gồm nhiều Chô. Những Chô và Chôgumi như vậy được vận hành một cách tự trị bởi những nhân vật có chức vụ gọi là Tsukigyôji (Nguyệt hành sự) tuyển ra từ đám Chôshuu. Những người này luân phiên mỗi tháng điều khiển công việc trong khu vực. Nhờ có bàn tay của các Chôshuu mà thành phố Kyôto điêu tàn từ sau cuộc đại loạn năm Ônin đã được phục hưng. Cuộc lễ hội Gion (Kỳ Viên) vẫn được tồn tại cho đến ngày nay ở Kyôto tượng trưng cho công lao bảo tồn văn hóa của những người ấy.

***
[1] - Còn có tên là Kaei (Hoa dinh), Katei (Hoa đình) bởi vì xưa kia bên Trung Quốc, nơi tướng quân đóng binh thường có hoa cỏ đẹp đẽ như Liễu doanh của Chu Á Phu đời Hán.

[2] - Loại bình phong mang đề tài này được nhiều họa sư khai thác vào cuối thời Muromachi. Sau được phát triển thành tranh cuộn (emaki) mô tả cuộc sống và phong tục chốn đế đô.ờ

[3] - Nguồn Nihonshi Zuroku (trang 119)

[4] - Khu vực núi non phía bắc thành phố Kyôto gồm các ngọn Funaoka, Kasagara và Iwakura. Tuy mang tiếng là núi (yama) nhưng chính ra chỉ là một khu vực gồm nhiều quả đồi thấp (oka).

[5] - Nguồn Nihonshi Zuroku (trang 128)

[6] - Sau khi nhượng vị cho con trai là Yoshimochi, Yoshimitsu về sống ở phủ đệ Kitayamadono (Bắc Sơn điện). Nơi đây, vào năm 1398, ông cho dựng một gác vàng cao 13,6 m để chứa xá lợi (shariden). Sau khi Yoshimitsu chết, nhân vì ông được tặng pháp hiệu là Rokuonin (Lộc Uyển Viện) cho nên kim các đó được đổi tên thành Rokuonji (Lộc Uyển Tự). Kim các có 3 tầng: tầng thứ nhất là đình câu cá (điếu đình) nhìn xuống hồ nước, kiến trúc theo lối tẩm điện (shindendzukuri), tầng thứ hai đặt tượng Phật Quan Âm kiến trúc thuần Nhật (Wayô). Còn tầng ba Kugyôchô (Cứu cánh đính) lại theo kiến trúc Thiền tông với song và cánh cửa bằng ván. Tất cả đều được dát vàng. Sau chiến tranh gác bị thiêu hủy vì hỏa tai, phải xây lại mới.

[7] - Trong thuật ngữ nhà Phật, sơn và sát đều có nghĩa là chùa.

[8] - Chế độ quan tự này có đặc điểm là các trụ trì phải được nhà nước bổ nhiệm.Thực ra sau ngũ sơn, thập sát còn có shozan (chư sơn) tức những chùa còn lại. Qui chế đó gọi là "tam tự cách".Theo sử liệu thì việc liệt kê và danh hiệu Gozan đã bắt đầu từ tháng 5 năm 1229 dưới thời Kamakura với Jôchiji (Tĩnh trí tự) ở Kamakura.

[9] - Bức tranh này cũng là đề tài một kôan (công án) tức bài tập cho thiền sinh trong thiền vấn đáp. Tương truyền có đến 31 vị tăng Gozan đã viết những bài tán về nó.

[10] - Nguồn: Ikkyuu, ransei ni ikiru zensha, NHK Book (Ichikawa Hakugen)

[11] - Đây là một lối đặt tên rất thú vị. Ngải có nghĩa là cắt cho nên ngải điền nghĩa là cắt lúa. Lang là con chó sói ý nói hành động buông tuồng. Tịch là thâu thập hay chiếm đoạt như trong cách nói tịch thu, tịch biên. Chữ lang tịch có trong Sử Ký ý nói việc làm bừa bãi, không đúng phép tắc.

[12] Địa.

[13] - Sugi = cây tuyết tùng (Japanese cedar) tàng cây thẳng tắp và cao có khi đến 50m, hình viên trụ, thường thấy trong núi rừng miền đông Nhật Bản.

[14] - Hoàng thân Munetaka (Tông Tôn, tại chức Shôgun từ 1252-1266) là con trai Thiên hoàng Go-Saga, được mời giữ chức Shôgun cho Mạc phủ Kamakura, bị nghi mưu phản bị bọn họ trả về Kyôto.Sau ông đi tu.

[15] - Còn gọi là Kanenaga. Được Thiên hoàng Go-Daigo giao trọng trách giữ vùng Kyuushuu. Chức Chinh tây tướng quân. Chết khoảng 55, 56 tuổi.

[16] - Chùa tông Thiên thai ở vùng Sakyô (Tả kinh) thuộc kinh đô Kyôto, vốn tên là Shinshô kyokurakuji (Chân chính cực lạc tự) xây năm 984.,
[17] - Các người cầm quyền Nhật Bản thường cố gắng đánh bóng tổ tiên. Họ Tokugawa (Owari), Shimadzu (Kagoshima), Takeda (Yamanashi), Hosokawa (Kunamoto), Sadake (Akita) đều tự nhận là dòng dõi Minamoto, vốn bắt đầu với Thiên hoàng Seiwa. Nhà Maeda (Kaga) nhận là con cháu của học giả Sugawara no Michizane, Hideyoshi xuất thân nông dân cũng được triều đình ân tứ họ Toyotomi, một chi của đại tộc Fujiwara. 

[18] - Sử Đại Hàn gọi cuộc đảo chánh phế bỏ vua Uwang (Ngu vương) vào năm 1388 của I Seong-gye (Lý Thành Quế) là vụ "hồi quân" (đem quân trở về kinh thành) từ Wihwa-do (Uy hoa đảo) khi ông đặt ưu tiên cho việc chấn chỉnh nội bộ trước việc hành quân chống giặc. Nó tương tự cuộc binh biến ở Trần Kiều của Triệu Khuông Dận bên Trung Quốc và lý do lên ngôi của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn ở Việt Nam.

[19] - Thời Kamakura, kajishi là tên một thứ tiền tô mà người mướn ruộng phải trả thêm cho tiểu địa chủ sở tại ngoài tiền tuế cống cho nhà nước hay chủ trang viên. .

[20] - Ba loại người này thuộc giai cấp thấp trong xã hội, ví dụ người làm công, đầy tớ sai vặt, dân ngụ cư vv...

[21] - Sự phân biệt, ngay cả kỳ thị đối với người ngụ cư cũng thường thấy ở các làng xã Việt Nam, nhất là vùng châu thổ sông Hồng.

[22] - Chúng ta không khỏi liên tưởng đến tổ chức shitauke (hạ thỉnh, subcontractor ), một hình thức tổ chức kinh doanh theo hệ thống trên nhờ dưới làm, dưới chờ trên cho việc, vẫn còn thấy trong thời hiện đại.

[23] - Có lối giải thích khác về chữ "thổ" ở đây. Theo tác giả Katsumata Shizuo trong tác phẩm nhan đề Ikki của ông thì nguyên thủy "thổ" là "quyền khai khẩn thổ địa" thiêng liêng của người vỡ đất mà những cuộc buôn bán đổi chác về sau không làm mất đi được. Ý nói đất phải thuộc về người khai hoang.

[24] - Mượn ý lệnh "đức chính" cuối đời Kamakura nhưng không có nghĩa là "thi hành chính trị nhân đức" mà chỉ có nghĩa là cho chạy nợ.

[25] - Nakayama Sadachika (Trung Sơn Định Thân, 1401-1459) ghi lại trong bộ sách này một số sự kiện lịch sử xảy ra dưới thời Mạc phủ Muromachi giữa giai đoạn 1418-1443. Tuy nhiều phần bị thất lạc nhưng Sakkaiki được đánh giá là một sử liệu có giá trị cao.

[26] - Akamatsu Mitsusuke ( Xích Tùng Mãn Hựu, 1373 hay 1381?-1441), võ tướng thời Muromachi trung kỳ. Sau khi ám sát thành công Shôgun Yoshinori đã trốn về ấp của mình ở Harima nhưng bị bọn trung thần là Yamana Sôzen đánh đuổi phải tự sát. 

[27] - Nguồn Nihonshi Zuroku (trang 121)

[28] - Nguồn: Andrew Gordon, A Modern History of Japan, dẫn Stephen Vlastos (1986).

[29] - Nguồn Nihonshi Zuroku (trang 123).

[30] - Những tiệm rượu vì có nhà kho lớn nên có thể giữ hàng hóa và cho thương nhân vay tiền.Trong trường hợp này, tiệm rượu(sakaya) được gọi là sakaya dosô.

[31] - Naitô Konan (Nội Đằng Hồ Nam, 1866-1934) học giả ngành Đông phương học, sinh ở Akita vùng Đông Bắc, tên thật là Torajirô (Hổ thứ lang), Xuất thân ký giả báo Asahi ở Ôsaka, sau trở thành giáo sư đại học Kyôto. Đặc biệt nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật sử và văn hóa học Trung Quốc, Nhật Bản. Rất uyên bác.

[32] - Shôdanchiyô (Tiều đàm trị yếu, 1480), 1 quyển, sách do Ichijô Kaneyoshi dâng cho Shôgun Yoshihisa (Nghĩa Thướng) bàn về thuật trị nước. Tiều đàm là lời bàn của người tiều phu, ý khiêm tốn chứ thực ra Kaneyoshi là người bác học, thông hiểu Nho Phật, dòng dõi thế gia, viết nhiều tác phẩm được truyền tụng và làm quan đầu triều đến chức Kanpaku Dajôdaijin.

[33] - Akutô (ác đảng) không chỉ có nghĩa là "bọn người có hành vi xấu xa độc ác" mà thôi. Nó có ý nghĩa lịch sử vì vào thời Kamakura, tiếng gọi này dùng để chỉ những người không phải samurai nhưng trang bị vũ khí và bạo động chống chính quyền.Họ không đến từ tầng lớp nông dân như samurai nhưng xuất thân và gắn bó với các giới công và thương nghiệp.

[34] - Keian Genju ( Quế Am Huyền Thụ, 1427-1508), người vùng Suô (nay thuộc tỉnh Yamaguchi) nhưng không rõ gia thế. Tăng tông Lâm Tế, đã sang nhà Minh du học vào năm 1467. Ông giỏi cả về Phật lẫn Nho. Từng là pháp tự (học trò kế nghiệp) của Keiho Genkin (Cảnh Bồ Huyền Hân) chùa Nanzenji (Nam Thiền Tự). Đã có công truyền bá đạo Nho ở các phiên trấn miền Nam Kyuushuu..

[35] - Murata Shukô (Thôn Điền Châu Quang, 1423-1502) là một trà sư thời Muromachi. Ông thuở nhỏ vào tu ở chùa Nara Shômyôji (Nại Lương xứng danh tự) và học Thiền từ Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần). Ông từng giảng về trà đạo cho Shôgun Yoshimasa. Ông đã đưa khái niệm wabi vào trà, chủ trương phải uống trà trong một nơi đơn sơ u tịch, ly khai với phong cách shôincha (thư viện trà) tức uống trà trong phòng tiếp khách vốn nặng phong cách nước ngoài. Triết lý của ông được các trà nhân về sau như Sen Rikyuu (Thiên Lợi Hưu)vô cùng tán thưởng.

[36] - Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 130)

[37] -  Chỉ có trà do tăng Eisai (Vinh Tây) đem từ Trung Quốc về và cho trồng ở địa phương Tonano-o mới được xem là trà chính hiệu (honcha = bản trà). Trà lấy từ những nơi khác đều bị xem là phi trà (hicha)

[38]- Tuy tiếng Anh chỉ dịch là lacquer work nhưng makie (thì hội) dùng đến ba thủ pháp cơ bản là sơn, mài, cẩn và nhiều kỹ thuật thứ yếu. Thì (động từ maku)có nghĩa là gieo rắc như gieo mầm, giao mạ.

[39] - Trưóc kia ở Nhật đã có tham vọng hợp nhất Thần Phật với lý luận Honji suijaku (Bản địa thùy tích) xem chư Phật và bồ tát từ đại lục đến Nhật đã mượn hình ảnh các thần để hiện ra cứu giúp chúng sinh. Do đó Thần Phật là một nhưng Phật quan trọng hơn Thần. Thuyết này có tự thời Heian. Tuy nhiên, với lý thuyết mới Phản bản địa thùy tích này thì đúng như cái tên của nó, Yoshida Kanetomo của thời Muromachi muốn đối nghịch với thuyết trước. Tuy chấp nhận Thần Phật là một nhưng ông đã lật ngược quan hệ trên dưới giữa Thần bản địa và Phật vốn đến từ nước ngoài. Ông xem các Thần sở tại có địa vị cao hơn Phật.

[40] - Tsukuba dù viết dưới nhiều tự dạng đều chỉ tên ngọn núi Tsukuba gần Tôkyô ngày nay.
Ngọn núi ấy không cao nhưng quan trọng không kém núi Fuji.Xưa kia nó là nơi thanh niên nam nữ tụ họp hát đối đáp và giao lưu trai gái. Như thế, Tsukuba là một danh từ tượng trưng cho "truyền thống văn nghệ dân gian" chứ không có gì hiểm hóc.

[41] - Kôwaka là tên một vũ khúc (mai) bắt nguồn từ tên người sáng chế. Tương truyền ông tố của vũ khúc này là Momonoi Naoaki, một võ tướng đời Muromachi hồi nhỏ có biệt hiệu là Kôwakamaru.

[42] - Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 130)

[43] - Nguồn: Nihonshi Zuroku (trang 129)

[44] - Chu Mậu Thục là văn nhân đời Tống, đặc biệt yêu hoa sen.

[45]- Nguồn: Hayashiya Shinsaburô trong Kabuki Izen (Iwanami Shinsho) và Kitagawa Tadahiko trong Zeami (Chuô Shinsho) (trang 147-148).

[46] - San.in (Sơn Âm) có nghĩa là phía bắc rặng núi. Ở đây ám chỉ phía tây đảo Honshuu , bao gồm Tottori, Shimane, bắc Yamaguchi ..là những tỉnh "khuất mặt trời" và nhìn ra biển Nhật Bản.Trong khi đó San.yô (SơnDương) nhằm chỉ các tỉnh phía nam rặng núi, "gần mặt trời" hơn và nhìn ra biển nội địa Seto như Okayama,Hiroshima, Hyôgo (Kobe) và phần phía nam tỉnh Yamaguchi.

[47] - Trong tiếng Anh, trung thế và trung cổ, trung đại đều có thể được dịch là Middle Ages (danh từ) hay medieval (tính từ).. Tuy nhiên, người Nhật còn dùng từ trung cổ để chỉ vật dụng đã dùng một lần, không còn mới nữa (second hand).

[48] - Định chế hóa vào thời Chiến Quốc, luật này đã bị bãi bỏ dưới thời Edo nhưng lối suy nghĩ này vẫn còn được duy trì trong lối sống của người Nhật và trở thành một phương châm dẫn dắt họ trong cách xử thế.