Trở Về  ]

Thơ  Inui-juro

(1) Liễu lộng khinh phong hoa lộng yên
Nhất chích hồ điệp bão hương miên
Nhàn nhân bộc bối tình song hạ
Ức khởi Giang Nam mãi túy niên 

Dịch nghĩa:

Liễu đùa gió nhẹ, hoa đùa khói,
đôi cánh bướm ôm hương hoa say ngủ,
Người nhàn phơi lưng dưới cửa sổ mở ra trời trong,
nhớ lại những năm tháng đã mua lấy cơn say ở đất Giang Nam

 Dịch thơ : 

Liễu đùa gió nhẹ, khói vờn hoa
Cánh bướm ôm hương ngủ say sưa
Người nhàn lưng mỏi phơi song cửa
Nhớ thuở Giang Nam chén rượu ngà
 

(2) Hiểu quan môn xuất địch quân xung
Mai hoa tại bối loạn phân phân
Xuân phong bất đãi đông thiên bạch
Xuy phất thanh thiên kỷ đội vân

Dịch nghĩa:

Sáng sớm ra cửa ải đến nơi hiểm yếu của quân địch,
sau lưng, cánh hoa mai phất phới rơi cuồng loạn,
Gió xuân không chờ được trời sáng trắng phương đông,
phe phẩy thổi mấy cụm mây trong bầu trời xanh

 Dịch thơ : 

Sáng sớm ra ải xem địch quân
Hoa mai phất phới rụng sau lưng
Gió xuân chẳng đợi trời đông sáng
Phe phẩy xua mây nổi mấy tầng

Phạm Vũ Thịnhphỏng dịch
Sydney, 11/08
t4phamvu@hotmail.com

Chú thích theo truyện ngắn "Gojo Jinya" của Shiba Ryotaro ("Phá Huyện đường", Phạm Vũ Thịnh dịch) :

Inui-juro là một chí sĩ Cần Vương cuối thời Mạc Phủ Tokugawa, là con tiệm may nên không có họ (cho đến thời bấy giờ, chỉ có giai cấp võ sĩ mới được có họ), thuở ấu thơ có tên là Yoshizo, nổi tiếng thần đồng, mới 4 tuổi đã thuộc lòng sách Mạnh Tử, lớn lên cố gắng học những mong được tuyển vào làm việc trong Huyện đường Gojo, cơ quan cai trị vùng Yamato của Mạc Phủ, đồng thời tiến lên giai cấp võ sĩ được trọng vọng nhất thời bấy giờ, nhưng va chạm thực tế của xã hội Nhật Bản phong kiến thế tập nên vỡ mộng, đi theo phong trào Cần Vương mưu đánh đổ Mạc Phủ, thực hiện một nước Nhật Bản mới, thần dân bình đẳng dưới quyền Thiên hoàng. Lập kế hoạch và tham gia chiếm Huyện đường Gojo, sau đó bị quân Mạc Phủ và các phiên trấn chư hầu đánh tan. Inui-juro trốn chạy rồi bị bắt giam, sau này chết trong biến cố ở cửa Hamaguri của Hoàng thành (1864).

Bài thơ thứ hai có câu: Xuân phong bất đãi đông thiên bạch (Gió xuân không chờ được trời sáng trắng phương đông) hàm ý muốn đánh đổ Mạc Phủ Tokugawa ở Edo phía đông của kinh đô Kyoto thời bấy giờ.
 
 

 

Trở Về  ]