Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thương nhớ quê hương

Trảng-Bàng (Tây-Ninh) 

"cái nôi của đặc sản văn hóa ẩm thực
bánh canh giò heo
và bánh tráng nướng phơi sương"

*****

Tô "Bacatraba" (Bánh Canh Trảng-Bàng).

An-Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)

 
Ai về thôn Trảng
Hãy nhớ đừng quên!
Nhặt lá cây Bàng
Cùng quê cùng phố cùng làng
Hỏi ai rõ cội trảng bàng ở đâu?

Quê hương là gì? Nếu không phải đó là một thứ tình cảm thân thương mà bạn và tôi vừa đã tìm thấy được mối liên hệ kỷ niệm ràng buộc chúng ta vào hình ảnh mái nhà, cục đất, con sông, chùa chiền, đình miếu, trường học, ngôi chợ, buội tre, bờ ruộng, ao làng và còn nữa... Do vậy, yếu tố của thời gian là cột mốc đánh dấu cho một quảng đường đời lịch sử đã đi qua và giữ lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của hầu hết mọi người. Và người ta có thể nói không sai, chính quá khứ vô tình đó đã làm trăn trở con tim của những con người vì hoàn cảnh cuộc đời cho nên phải đành chấp nhận âm thầm một cuộc sống ly hương buồn bã. Nhưng đành vậy, vì đó là số kiếp phù sinh chung của thế nhân da màu bốn giống. Là định mệnh tuần hoàn trong vòng trật tự của hoàn cảnh vạn vật đổi thay, không thể nào thoát ra khỏi được ngoài vòng trật tự biến hóa sanh linh theo ý nghĩa vô thường.

Tuy nhiên, sợi dây thân ái vô hình của bầu không khí quê mẹ, vầng trăng treo nghiêng nghiêng trên ngọn cây dừa, những lúc đêm về có nước sông khuya dâng tràn lên mí cỏ ở thôn trang ta ngày trước. Ngày nay, chính lại là hình ảnh của những bức tranh vô giá, khó mà diễn tả ra cho hết được bằng những thứ ngôn ngữ tầm thường mà chúng ta thường hay quen sử dụng nói chuyện với nhau. Hơn thế nữa, sống lâu ngày ở một nơi quá xa tầm ảnh hưởng văn hóa, phong tục của giống nòi. Và nếu có một câu hỏi nào được đặt ra, nói về tình cảm của con người mang tính chất thắm tình đạo nghĩa vốn là rường cột căn bản của đặc tính dân tộc ta, thiø câu trả lời xứng đáng nhất có thể đó là câu nói "Quê Hương Đẹp Hơn Cả" [1] .

Thật vậy, không mến yêu sao được vì nơi ấy chúng ta hãy còn để lại kỷ niệm cuốn rún dưới cội cây xoài, cây mít...Và từ lâu, chính những vị trí đó từng được tượng trưng xem như là những ngôi từ đường thiêng liêng đã có công giữ gìn gia phả nhục thể cho xác thân tạm bợ nầy của chúng ta. Còn nữa, nếu trong đời sống bình dị của dân gian mình thường dí dỏm với những bài hát, câu thơ, tiếng hò, lời ru mộc mạc...Và khi nó đã thể hiện ra được mối tình thiết tha ca tụng quê hương, thì câu chuyện hoang đường cáo chết ba năm quay đầu về núi cũng có ý nghĩa đủ để cho tâm hồn của chúng ta bao giờ cũng vẫn phải nhớ mãi về bóng dáng xóm làng mình.

Do vậy, thường thì những kẻ tha phương nhưng hễ mỗi khi nghe nhắc tới quê hương chôn nhau cắt rún của mình, thì điều trước tiên là trái tim vương vấn trong tâm hồn của họ không khỏi bị rung động rất nhiều. Và họ lại còn có dịp, để hình dung ra ngay về hình ảnh dưới mái nhà ấm cúng gia đình mà chính họ đã từng nương náu với nhiều kỷ niệm gắn bó cuộc đời cùng với mọi cảnh quang làng mạc. Tuy nhiên, nói chung là cũng có một điều mà nó sẽ làm cho họ phải bị ngạc nhiên ít nhiều. Đó là theo dòng chảy xoáy mòn của thời gian, vô tình đã làm cho tất cả hình ảnh và mọi sự việc trong quá khứ đều phải bị đổi thay không còn nguyên vẹn được như xưa.

Trường hợp Trảng-Bàng quê hương tôi cũng vậy!

Dưới triều đại của vua Minh-Mạng (1791-1841), vùng đất ở địa phương nầy vốn là một trục lộ giao thông huyết mạch về nhu cầu chiến lược quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao đối với lân bang vương quốc Khmer, cho nên đã được triều điønh chọn làm địa điểm dinh điền, đóng chốt quân sự. Và vị tiền hiền đầu tiên từng được nhà vua phong tước, đã trấn nhiệm ở nơi nầy lúc bấy giờ là ông Cả Trước (Đặng-văn-Trước). Và điønh thần tọa lạc ở ngay trung tâm huyện lị nầy, xưa nay còn đó, chính là biểu tượng tỏ lòng biết ơn sâu xa của toàn thể dân làng đối với công đức của ông.


Đền thờ ông Cả Trước tại Trảng-Bàng.

Rồi trải qua bao thời kỳ bị nạn chiến tranh tàn phá và sau mấy thế hệ đời người cùng với đồng bào cả nước góp công lao xây dựng phát triển quê hương, làm đẹp xóm làng, thì giờ đây, khoảng mới chừng vài thập niên vừa mới trôi qua. Từ một điểm địa lý có cái tên dân dã được nhìn thấy bằng nét chấm nhỏ trên bản đồ thân yêu tổ quốc, vậy mà cục đất già nua Trảng-Bàng phút chốc bỗng vươn mình đứng dậy, trở thành một thị trấn quan trọng trên trục lộ giao thông xuyên Á.

Sự phát triển quá mau lẹ nầy, cũng đã từng làm cho ngay cả người dân bản địa phải kinh ngạc rất nhiều. Ngày nay, quốc lộ 1 đi ngang qua huyện lị nầy đã đổi tên thành quốc lộ 22A. Và ngôi chợ mới xây cất khang trang hơn, thì được dời về phía giáp ngoại ô của trung tâm thành phố Trảng-Bàng.

Đi thực tế hơn, thiø hoàn cảnh xã hội nước nhà hiện nay đã có rất nhiều sự thay đổi rất lớn về mọi mặt. Nói riêng về các công trình thiết kế, quy hoạch đô thị, chỉnh trang thành phố, thì người ta từng nhận thấy là những dấu hiệu mở mang ấy ngày nay hãy còn tiếp tục phát triển không ngừng. giống như sự vận hành của dòng chảy con sông siết xoáy vỡ bờ tạo thành nên những chi lưu. Do vậy, mà hầu hết cảnh quang từ ở đô thị, tỉnh thành, làng mạc ở khắp mọi nơi bây giờ đều được kể như là hoàn toàn đã bị lột xác. Do vậy, cục đất Trảng-Bàng bây giờ nó cũng không còn được thơ mộng như xưa, nơi mà từng có những dải phố bé nhỏ lụp xụp lúc nào như cũng im lìm trong giấc ngủ.

Trong lịch sử mở mang biên cương bảo vệ sự sinh tồn, thì trên con đường khai phá tiến về phương Nam, tổ tiên của chúng ta thường hay có thói quen, là đặt tên cho từng mỗi địa phương tiếp cận qua sự cảm nhận bằng trực giác của mình. Do vậy, người ta rất dễ hiểu nếu khi xưa có dịp đã từng nghe cũng có rất nhiều trường hợp giống in nhau, chẳng hạn như nào là: Động-Lông-Công, Truông-Mít, Trại-Bí, Rỗng-Tượng, Suối Ông Hùng, Bàu-Rong [2]v.v. Và cái địa danh Trảng-Bàng xa xưa nằm trong tỉnh Tây-Ninh, cũng không thể bị loại trừ ra khỏi thành ngoại lệ đó.

Tuy nhiên, nếu bây giờ muốn đặt vấn đề để truy tầm sự kiện chứng từ có giá trị về lịch sử của vùng địa lý đó, thiø cũng không phải là chuyện dễ. Chính vì lẽ đó mà ngày nay người ta có thể tạm kết luận bằng giả thuyết cho là cục đất Trảng-Bàng khi xưa, vốn là một cái trảng đất to rộng có rất nhiều cây bàng hơn bất cứ chỗ nào ở quanh vùng. Và nói riêng về phương diện tổ chức đơn vị hành chánh, thì cục đất mang tên Trảng-Bàng cũng đã được chính quyền khi xưa quyết định sử dụng chọn đặt thành tên của địa phương nầy khởi từ năm 1867, nếu tính cho đến thời điểm hôm nay (2012) thiø đã được 145 năm. Và cũng do nhờ có tuổi hành chánh khá lâu lại cộng thêm vào với yếu tố địa hình thuận tiện, cho nên Trảng-Bàng bao giờ cũng có một vị thế quan trọng về trục giao thông ở quanh vùng. Cần nói rõ hơn, là trước sau, thì Trảng-Bàng cũng vốn là hình ảnh của một huyện lị già nhất trong tỉnh Tây-Ninh.

Rồi trải qua bao thăng trầm, thiø lịch sử về vùng địa lý hành chánh của mảng đất thiêng nầy có thể được người ta ví như là như hình ảnh của một đứa con lưu lạc. Nay, nó may mắn đã được đoàn tụ gia điønh, châu về hiệp phố để bám lại vào với vùng đất mẹ cũ xưa có muôn ngàn vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng gấm vóc. Và rồi từ những bờ xôi, ruộng mật, nhiều cánh đồng xanh tươi bát ngát trong một sớm chiều đã trở thành khu đất công nghiệp hiện đại được mọc lên bằng với cảnh quang tươi mát, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Đường nội bộ thì được trải bê tông nhựa trọng tải vật liệu nặng, và có cả hồ bơi sạch sẽ bên cạnh những hàng cây tô điểm nên thơ ở bên vệ đường.


Cổng vào khu công nghiệp hiện đại
Trảng-Bàng.

Sau tốc độ bứt phá của thời gian, giờ đây thường xuyên mỗi ngày nhất là vào lúc những buổi chiều về, người ta sẽ có dịp mục kích cảnh tượng công nhân viên từ các khu công nghiệp đồng loạt nổ xe máy túa ra y như hoạt cảnh của một đàn ong vỡ tổ, làm rối loạn giao thông gần cả giờ đồng hồ trên đoạn đường xuyên qua trung tâm thành phố Trảng-Bàng. Cần nói rõ thêm, là lúc ấy người ta gần như không hề thấy có bóng dáng của bất cứ chiếc xe đạp nào trên khúc lộ đó. Sở dĩ khuôn mặt Trảng-Bàng ngày nay đã được mau lẹ đổi thay, phát triển không ngừng là nhờ cục đất nầy may mắn có ưu thế địa lợi, là do có nhiều công ty nước ngoài đến đây đầu tư vào các xí nghiệp, cho nên nhu cầu thu hút số lượng lớn bàn tay lao động địa phương lúc nào cũng được họ đón nhận sự hợp tác. Và khu công ngiệp hiện đại "Trảng-Bàng" (vốn là một thí điểm được thành lập đầu tiên ở trong tỉnh Tây-Ninh đã thành công) cũng như khu chế xuất "Linh-Trung III"đều cùng tọa lạc trên đất thuộc xã An-Tịnh hiện nay đã có hơn 30.000 công nhân địa phương và gần 700 nhân viên người nước ngoài luân phiên nhau cùng làm việc thường trực đêm ngày. (Chưa kể đến con số nhân công sẽ đến làm việc ở khu công nghiệp sinh thái "Bourbon" An-Hòa, khu công nghiệp liên hợp "Phước-Đông - Bời-Lời", khu công nghiệp "Gia-Bình", khu công nghiệp"Bàu Rong", khu công nghiệp "Bàu Hai Năm" theo diện quy hoạch dự trù hoàn tất cho đến tới năm 2015).

Do vậy, nếu tính theo ước lượng về lợi tức thu nhập bình quân đầu người thì bây giờ Trảng-Bàng là một huyện lị giàu có nhất trong tỉnh Tây-Ninh. Điều nầy, có thể giải thích cho người ta dễ hiểu về nguyên nhân thu hút di dân lao động miền xa đến đây ngày càng nhiều. Hiện nay, tổng số dân cư trong huyện được ước lượng đã có khoảng trên dưới 150.000 đầu người cùng sống trong một diện tích đất đai 334,61 km2 gồm cả hai con sông chảy ngang qua địa phận là sông Vàm-Cỏ-Đông và sông Sài-Gòn. Và theo tổ chức tái cấu trúc các cơ sở đơn vị hành chánh địa phương bây giờ, thì huyện gồm có thị trấn Trảng-Bàng cùng với 10 xã là: Gia-Lộc, Gia-Bình, An-Hòa, Lộc-Hưng, Đôn-Thuận, An-Tịnh, Hưng-Thịnh và Bình-Thạnh, Phước-Lưu, Phước-Chỉ. Nói riêng, là về địa lý của ba xã nằm ở ven biên sau cùng nầy thì đều giáp ranh với lãnh thổ của Campuchia.

Trong lịch sử phân chia quản hạt về vùng địa lý hành chánh huyện lị của nước Việt-Nam ta từ xưa đến nay, người ta phải nói rằng hiếm thấy có duyên phận những cái huyện nào đã từng long đong bị rơi vào cái cảnh chia ly, đoàn tụ như là trường hợp của vùng đất Trảng-Bàng. Nguyên thủy dưới triều nhà Nguyễn, thì nó nằm trong huyện Quang-Hóa trực thuộc phủ Tây-Ninh, dạo ấy thuộc về Gia-Định trong bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh . Rồi sau đó được nhập vào tỉnh Tây-Ninh, rồi lại bị rơi vào cái cảnh cắt chia ra nữa. Đó là vào những năm cuối cùng khi sắp kết thúc chiến tranh Việt-Nam, thì Trảng-Bàng được tách ra khỏi Tây-Ninh để sát nhập vào tỉnh Hậu-Nghĩa vào năm 1963 sau một thời kỳ bị đổi tên là Phú-Đức vào năm 1961. Và sau khi thống nhất nước nhà thì thêm một lần nữa là Trảng-Bàng lại được châu về hiệp phố, để đoàn tụ gắn bó trở lại với miền đất núi rừng nguyên thủy của nó là Tây-Ninh.

Và vì cũng là một vùng đất văn hóa địa phương đa dạng, cho nên người ta cũng không quên là từ thuở xa xưa...Nếu đem so với quận Châu-Thành và Gò-Dầu-Hạ (của Tây-Ninh hồi đó), thì Trảng-Bàng còn là một quận có rất nhiều tệ đoan xã hội về mặt tứ đổ tường(sắc nha tửu bác) - nhất là á phiện, bài bạc, số đề. Thời kỳ đó, người ta thường thấy có những con người say sưa rượu chè, bê tha nghiện ngập hút xách thân hình vàng vọt, xác xơ ngồi cú rũ ngáp dài bên trên các sạp chợ lúc vắng người. Đặc biệt có nhiều kỷ niệm ấn tượng của tuổi thơ, là hình ảnh đánh trống, chập chả đập lùng tùng xèng của các đám sơn đông mãi võ vào những buổi sáng mai họp chợ. Họ biểu diễn võ thuật, hát ca rồi bán thuốc rượu, cao đơn hoàn tán và làm nhiều trò ảo thuật trông rất vui mắt. Ngoài ra, lúc bấy giờ, các đoàn hát cải lương lớn nhỏ nào ở Sài-Gòn cũng đều có dịp đến triønh diễn văn nghệ ở tại địa phương nầy. Lý do thứ nhất, là vì Trảng-Bàng có rạp hát Đồng-Phước (trong khi ngày xưa nhiều quận không có rạp hát, cho nên các gánh hát thường xuyên phải che lều dựng rạp ngay trong các nhà lồng tại chợ). Và những nghệ sĩ thượng thặng như Út Trà-Ôn (đệ nhất danh ca Vọng-cổ), Út Bạch-Lan v.v cũng như những nghệ sĩ lớp trẻ nổi danh thời đó như Juliette-Nga (tức Thanh-Nga từng đoạt nhiều lần giải Thanh-Tâm), Ánh-Hoa v.v cũng đã từng đến đây triønh diễn nghệ thuật sân khấu cải lương, và có dịp nếm mùi gạo chợ nước sông của đất Trảng-Bàng.Lý do kế tiếp cũng là vì người dân sở tại, vốn có tinh thần ham mộ tiếng ca vọng cổ từ lâu.

Người ta cũng không quên, là trong bối cảnh của xã hội quốc gia cũng lúc bấy giờ, thì cái mốt chưng diện của nam thanh nữ tú là đầu chảy tém, áo cao bồi (chim cò) dành cho phái nam, còn áo (dài) phết gót đầu chảy kiểu tango dành cho phái nữ. Và người ta cũng được nhìn thấy, là hiện tượng nầy đã có xuất hiện khá nhiều ở làng nầy.

Đất Trảng-Bàng ngày xưa, thường được người ta nói vui là cái gì cũng có. Từ chợ búa, tiệm tùng, lò sát sinh, bến xe ngựa, bến ghe, xe đò, xe hàng, rạp hát và cả hồ bơi dã ngoại của...trời cho nữa. (Các nơi tắm lộ thiên là: vũng trâu nằm cạnh đình Gia-Lộc, bến tắm ngựa cạnh giếng Mạch, bàu Lộc-Du cạnh ba cây Thốt-Nốt và khúc kinh Trảng-Bàng cạnh chùa Ông Ba). Có điều, có thể ít được người biết đến. Là nếu ngày nay, đất Trảng-Bàng được người ta nhắc đến nhiều nhờ có đặc sản ẩm thực bánh canh địa phương, thiø ngày trước món bánh ướt, bánh hỏi cũng được rất nhiều cư dân xa gần ưa thích. Tưởng cũng cần nói rõ hơn, là các món ăn đặc sản địa phương nầy xuất xứ cũng từ ngay khu chợ Gia-Huỳnh. Và các cư dân miền Lộc-Hưng, Động Lông-Công, Gia-Biønh, Tha-La, An-Tịnh, Suối Cụt v.v mỗi khi có dịp đi vào Trảng-Bàng đều không bỏ lỡ thì giờ để đến các nơi thưởng thức những hương vị của quê hương.

Nói chung, về màu sắc sinh hoạt nơi đường xưa lối cũ Trảng-Bàng ngày ấy rất là nên thơ vì nhờ cái hồn làng mạc đơn sơ, hiền hòa, chơn chất. Và dù cho có những hình ảnh của các ông già nhà quê bới tóc, ngồi chồm hổm trên ghế đẩu trong tiệm uống cà phê đổ ra dĩa hớp ngon lành. Các bà già cục mịch thản nhiên bỏm bẻm nhai trầu nhổ bừa bãi, tứ tung. Hay có dịp nghe qua các câu chuyện ma quái lộng hành khi xưa dưới gốc cây bàng, thì ngoài tiếng kêu la đêm vắng trong lò mổ heo, còn phải hiểu thêm rằng...Là nơi đây, khi xưa cũng là đất dụng võ của các nhà pháp sư chuyên nghề lừa đảo lên đồng, đi thiếp, khiển trò múa bóng nhập hồn, gieo rắc dị đoan v.v. Nhưng thực tế, thổ ngơi Trảng-Bàng không đến nỗi nào phải có những chuyện mê tín hoang đường kiểu"hồn Trương-Ba da hàng thịt" theo như lời truyền khẩu đùa dzai của các hàng đệ tử lưu linh mỗi khi nhắc tới miền đất ở nơi nầy thuở nào, quê một cục!

Dù rằng đó là những nhận xét qua bức tranh toàn cảnh về màu sắc văn hóa, xã hội sinh động đặc trưng của xóm làng. Tuy nhiên, nó cũng không thể tiêu biểu cho toàn thể sức sống hồn thiêng của tất cả bà con thôn ấp trong suốt thời kỳ chiến tranh đau khổ xảy ra trên đất nước. Dẫu sao, là bằng hữu con dân nghĩa tình làng xã thì mọi người chúng ta ai nấy đều cũng phải có bổn phận liên đới để duy triø liên hệ tinh thần, và bảo vệ, phát huy những đường nét tinh hoa của một ý nghĩa lịch sử không gian thời đi trước.

Trảng-Bàng ngày xưa vốn là một dải đất lành, ở gần vùng Rỗng Tượng. Nơi đây có voi già, và cọp sơn cước Bà Đen từ miệt Kà-Tum lâu lâu bén mảng về làng ăn thịt gia súc trâu bò. Và chỉ thấy xuất hiện giai nhân từng nhỏ gịot! Tuy nhiên, cũng có những người con gái quê làng mới ngày nào chẳng biết cái chi chi...Thế mà ngoảnh mặt lại, thì đã tới kỳ thấy có những ông già se duyên áo dài khăn đóng xông vào nhà mai mối. Do vậy, những chàng trai chậm chân hay vốn có tình yêu nở muộn, thì đành phải an ủi tâm hồn của bậc nam nhi đại trượng phu rằng là ta đây hãy còn nợ núi sông chưa trả, lại sao phải sớm riêng tư lụy gái đã có...chồng! Ngoài ra, Trảng-Bàng cũng còn có những tấm gương bà mẹ tùng phu trọn đạo, quyết nuôi con trở thành gái thảo trai hiền, học hành giỏi giang tới nơi đến chốn. Và trong suốt cả thời gian cuộc đời tần tảo, không dám cam kết lập nên tờ "bát tự liên canh"[3] với bất cứ gia điønh một ai ở trong làng. Thế mà, thỉnh thoảng trong những buổi tiệc tân hôn nơi huyện lẻ đêm buồn, người ta nhận thấy có những kẻ thầm thương trộm nhớ lỡ chuyến tàu, âm thầm xuất hiện để lộ ra đôi dòng hạt lệ chân tình, mộc mạc...Và đó cũng là tất cả những hình ảnh của thời quá khứ đầy kỷ niệm vui buồn.


Bia tháp cổ
Bình-Thạnh Trảng-Bàng.

Còn thực tế ngày nay sau khi chấm dứt chiến tranh, thì lại có thêm một điều lý thú bất ngờ đã làm cho cục đất nầy đã trở thành một địa danh quyến rủ. Trảng-Bàng bây giờ được đánh giá coi như là một nơi có tiềm năng khai thác du lịch, và sự kiện nầy không phải chỉ riêng do nhờ vào có các món ăn đặc sản nổi tiếng địa phương quen thuộc. Nguyên nhân chính của nó, là do có sự may mắn còn tồn tại dấu vết kho tàng của một công trình kiến trúc mang tính tiêu biểu cho nền văn hóa Óc-Eo, theo như tài liệu nghiên cứu của nhà khảo cổ. Đó là hình ảnh của một ngôi tháp khá còn nguyên vẹn vừa được trùng tu, tọa lạc ở trong vùng địa lý Trảng-Bàng. Và thực sự ngày nay chính nhờ vào ảnh hưởng giá trị của kho tàng văn minh tháp cổ Bình-Thạnh (mà dân địa phương quen gọi là tháp Chàm đó), đã khiến cho bây giờ có rất nhiều du khách hiếu kỳ bắt đầu tiøm đến nơi đây để tham quan. Hơn thế nữa, từ lâu ngọn núi Bà-Đen cao ngất từng được người ta ví như là cái nóc nhà của miền đất phương Nam, từng hấp dẫn được hàng triệu du khách thập phương chiêm bái, vãng cảnh. Nay, đất nước hòa bình thì hình ảnh của ngôi tháp Bình-Thạnh, Trảng-Bàng cũng thường được họ ghép thêm vào trong những tuyến tham quan quanh vùng non nước Tây-Ninh.

Tháp cổ nầy là một trong hai ngôi tháp hiếm hoi duy nhất được tìm thấy ở miền Nam, đặc biệt nói riêng là hai tháp nầy đều nằm ở trong vùng địa lý Tây-Ninh. Tháp Biønh-Thạnh (Trảng-Bàng) thì khá còn nguyên vẹn hơn hẳn tháp Chóp-Mạt (Tân-Biên) và đã được Hội Nghiên-Cứu Đông-Dương phát hiện vào năm 1886. Trong nhiều thập niên dài, vì lý do chiến tranh và đường giao thông trắc trở cho nên tháp bị hoang phế quá lâu đến nỗi có nhiều người địa phương cũng chưa hề có dịp được tiøm đến tham quan. Tuy nhiên, trước khi quần thể thánh địa Mỹ-Sơn nơi biểu tượng cho lịch sử của tháp cổ Chămpa được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1999, thì trước đó, Bộ Văn-Hóa Thông-Tin cũng đã chính thức công nhận xếp ngôi tháp cổ Bình-Thạnh nầy vào di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.


Tháp cổ Bình-Thạnh Trảng-Bàng.
Theo chức năng và mô hình xây dựng của tháp nầy, thì nó giống tương tợ như lối kiến trúc của các đền tháp Chàm ở miền Trung hiện còn tồn tại. Và mặc dù tuy chưa có thể khẳng định được một cách hoàn toàn chính xác về phương pháp xây dựng, nhưng kỹ thuật làm cho các viên gạch chất chồng lên được dính trết và khắng khít chặt chẽ với nhau thì quả thật là một kỳ công tuyệt xảo. Và mặc dù là một công trình di tích lịch sử văn hóa giá trị có tầm vóc quốc gia nhưng tháp cổ Bình-Thạnh nầy lại cũng vẫn không được nổi danh. Và cũng không được người dân trong nước biết đến nhiều hơn là nhà thờ Tha-La, cùng tọa lạc ven bờ sông Vàm-Cỏ-Đông thuộc địa giới của huyện Trảng-Bàng. Tuy nhiên, trong thực tế thì cả hai biểu tượng mang tính hồn thiêng tôn giáo đó, đều cũng không được đồng bào cả nước có dịp biết đến cho bằng món văn hóa ẩm thực dân gian hiện nay đang cực thịnh hành phổ biến từ Nam ra Bắc.

Và người dân Trảng-Bàng chính cống ngày nay hết sức lấy làm tự hào, vì quê hương của mình chính là cái nôi đã sản sinh ra món ăn đặc sản nổi tiếng là bánh canh.

Trước năm 1975, tại Sài-Gòn duy nhất chỉ có một tiệm bánh canh Trảng-Bàng chính cống ở tại đường Lý-Thái-Tổ và hiện nay vẫn còn tồn tại. Bây giờ, thì dịch vụ nầy được rất nhiều doanh nhân đã bỏ vốn đầu tư vào các tiệm bánh canh hiện tràn lan ra cả những thành phố lớn ở trong nước. Do vậy, cho nên ngày nay người ta cũng lần bớt ngạc nhiên khi nghe có nhiều người gọi tên cho món ăn đó là phở thịt heo. Thậm chí hơn, là người ta còn có dịp nhìn thấy món ăn đặc sản nầy bây giờ được quảng cáo nhan nhản với cái tên rất ngoại là Bacatraba, tức là bánh canh Trảng-Bàng.


Lò bánh tráng.
Lịch sử của món ăn bánh canh giò heo Trảng-Bàng bắt nguồn từ ở chợ Gia-Huỳnh. Bên cạnh chợ Gia-Huỳnh (là một trong hai cái chợ ở Trảng-Bàng) khi xưa chỉ có một cái quán nhỏ chuyên nghề bán bánh canh. Thuở ấy, vì không có đối thủ cạnh tranh cho nên chất lượng hương vị trình bày trong tô bánh canh có thể không bằng kỹ thuật bây giờ, nhưng về công thức chế biến chủ yếu thì vẫn giống in nhau. Hơn thế nữa, chính hình thức trình bày của món ăn bánh tráng nướng phơi sương cuốn thịt heo dạo ấy cũng không được người ta khai thác triệt để như thời buổi bây giờ. Nghệ thuật chế biến thành bánh canh, cũng như bánh tráng nướng phơi sương đều phải trải qua những giai đoạn khá công phu, cầu kỳ mới có thể được bảo đảm về chất lượng. Bánh canh thiø phải làm bằng bột gạo thơm ngon, đem xay nhuyễn chế thành tinh bột, hấp chín rối ép thành từng sợi tròn dài thành mẩu trắng tinh.

Về bánh tráng nướng phơi sương, thì gạo phải đem ngâm cho mềm rồi xay ra thành bột, tráng mỏng trên tấm vải thành hai lớp bằng hơi nước nóng. Sau đó, trải thẳng ra trên những vỉ tre phơi nắng cho khô, rồi nướng dưới ngọn lửa riu riu cho chín trước khi đem ra phơi sương vào ban đêm cho bánh có độ dẻo. Thịt heo thiø luộc bằng nước dừa, phải khéo tay để giữ cường độ trung hòa sau khi vớt thịt ra từ nước nóng rồi bỏ ngay vào nước lạnh. Và nếu đúng theo nghệ thuật chính cống Trảng-Bàng ngày xưa của nó, thì trong tô bánh canh phải có cục xương giò heo. Còn về món ăn bánh tráng nướng phơi sương cuốn thịt heo thì lúc nào cũng phải được kèm theo một mâm rau như nào là: lá cóc chua, tía tô, diếp cá, cần nước, húng, hẹ, ngò, đọt vừng, lá lụa, đọt bời lời, lá săng dẻ, rau quế, lá nhái, đọt kim cang, đọt lá xộp v.v và đặc biệt là không thể không có loại rau mùi ngũ vị: thơm, chua, bùi, chát, ngọt. Và bí quyết hấp dẫn cuối cùng trong món ăn đặc sản bánh canh Trảng-Bàng nầy, thì trước sau cũng vẫn lại là cách pha chế thành nước mắm chấm. Hiện giờ, có nhiều quán bánh canh đã uyển chuyển tự pha chế nước mắm theo công thức đặc biệt của miønh, để đáp ứng đúng theo nhu cầu khẩu vị của số đông thực khách sành điệu về ẩm thực.


Liếp bánh tráng nướng
phơi sương ban đêm.
Ngày nay, mặc dù món ăn bánh canh nầy có dịp đã được phổ biến lan tràn ra cả nước nhưng Trảng-Bàng luôn luôn bao giờ cũng lại là một địa điểm hứa hẹn dừng chân, mời mọc thực khách sành điệu từ ở phương xa đến tận nơi để thưởng thức hương vị chính cống của địa phương. Và cũng để thỏa mãn tính tò mò, tìm hiểu thêm về giai thoại nói về cái Trảng của cây Bàng và cục đất của Trại-Bí có con suối bên cạnh với nhiều huyền thoại hồi xa xưa. Cả hai địa hình nầy nguyên là một vùng thổ ngơi, có giá trị lịch sử đặc biệt về hoàn cảnh dân sinh ở cách không xa miền sơn cước phương Nam qua hai câu đối ngộ nghĩnh vui tai:

trảng Bàng treo biển truyền bá tráng bánh trồng bông trắng bạch
trại Bí trang bị trưng bày trâm bầu trút bỏ trong bình [4]

Hơn thế nữa, Trảng-Bàng cũng còn là một cục đất quý hiếm hoi, là nơi mở mắt chào đời của những con người cao tuổi quá mức đại thượng thọ, viø tính cho tới thời điểm bấy giờ (đầu năm 2011) mà hãy còn sót lại có những cụ già quê gốc ở nơi nầy đã từng sống qua được trên cả 100 năm. Đó là trường hợp của cụ bà Út Hương từng cư ngụ ngay tại chợ Trảng-Bàng, một góa phụ hiền đức từ bao năm tần tảo nuôi con ăn học thành nhân. Và đặc biệt hơn, là cụ bà Phạm-thị-Thương sinh năm 1890 tại Trảng-Bàng nhưng lại trưởng thành ở tại đất Cần-Thơ, vì sau khi lập gia đình thì về ở Cái-Vồn. Từ lâu cụ bà lưu lạc sinh sống ở miền Tây, và bà được coi như là người già nhất trong cõi hành tinh nầy với cái tuổi 120 tính cho đến thời điểm kỷ niệm 1000 năm lễ hội Thăng-Long 2010 [5].

Tuy nhiên, nếu cần phải nói thêm, thì địa danh Trảng-Bàng không phải chỉ được đóng khung có bấy nhiêu với người trong nước, mà trong thực tế, thì hình ảnh cục đất của nó cũng đã được trải dài thêm ra trên bề rộng. Vì đối với thế giới bên ngoài, thì Trảng-Bàng bây giờ là một địa danh nổi tiếng nhờ qua bức ảnh"Napalm Girl"chụp ngày 8-6-1972 mà nạn nhân lúc bấy giờ là em bé Kim-Phúc. Từ lâu, chính tấm ảnh lịch sử giá trị nầy, là một chứng từ có rất nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng của chiến tranh khốc liệt tại Việt-Nam, và đã từng đạt được giải thưởng quốc tế "Pulitzer" vào năm 1973. Và phóng viên của hãng AP may mắn đã chụp được bức ảnh đặc biệt đó đúng vào thời điểm bấy giờ, chính là nhiếp ảnh viên Nick Út (Huỳnh-Công-Út).

Đây là một người Việt-Nam đầu tiên vừa mới được Hiệp-Hội Ký-Giả Người Mỹ Gốc Á (AAJA)[6] bình chọn trao tặng cho giải thưởng cao quý nhất là "Lifetime Achievement Award" (Thành Tựu Trọn Đời) vào trung tuần tháng tám 2011 tại Hoa-Kỳ.


Nữ Hoàng Anh quốc Elizabeth I I tiếp kiến
Đại-Sứ Thiện-Chí UNESCO Phan-Thị Kim-Phúc
và nhiếp ảnh viên Nick Út.
Chính sự kết hợp bằng những chứng từ màu sắc đó cùng với các ngành nghề thủ công truyền thống sở tại như xóm lò bánh canh, xóm lò bánh tráng, xóm làm nón lá, xóm lò muối tôm, các vườn trồng cây trái hoa màu, cánh đồng xinh tươi, vườn lan tươi tốt, trại nấm "Út Huệ" ở An-Tịnh cung cấp cho thị trường tiêu thụ hằng ngày. Ngoài ra, còn có các tiệm ăn bánh canh và bánh tráng nướng phơi sương cuốn thịt heo với thương hiệu từ lâu nổi tiếng ở địa phương lúc nào cũng được nhiều du khách từ phương xa lui tới. Thêm vào đó, là hiện nay tại đây người ta cũng đã thấy có xuất hiện bày bán ra một loại hủ tíu giò heo đựng trong hai tô (một hình thức kinh doanh ẩm thực kiểu mới).Và đặc biệt là thắng cảnh "Ngọc-Sương" ở An-Hòa, một quán cà phê vừa mới mọc lên cạnh nhà thờ Tha-La. Thắng cảnh nầy bây giờ còn được dân ghiền gọi kèm theo bằng hai tiếng "nghệ-sĩ", vì nó được thiết kế hoành tráng với phong cách hấp dẫn đặc biệt. Và có lợi thế về không gian, thoáng rộng hơn cả quán cà phê nổi tiếng "Vườn Đá" ở công viên văn hóa Đầm-Sen tại thành phố Hồ-Chí-Minh bây giờ. Nhờ đó, mà nó đã làm tăng thêm sức quyến rũ thành phần hàng ngàn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp quanh vùng. Hiện nay, địa điểm nầy đã được rất nhiều khách hàng địa phương và các vùng lân cận chiếu cố tìm đến tham quan, để thưởng thức hương vị thức uống dưới bầu không khí thơ mộng, hữu tiønh.

Điều đó, đã nói lên được về những nét đặc trưng của vùng địa lý, lịch sử của đất Trảng-Bàng (Tây-Ninh).

Tuy nhiên, còn nếu phải tế nhị để được thêm vào những hình ảnh trang nhã trong một bức tranh hoa gấm làm đẹp xóm làng, thì cục đất nầy cũng chính là quê hương của giáo sư Thẩm-Thệ-Hà. Một nhà mô phạm mẫu mực, từ tốn, tận tụy yêu nghề mà sự nghiệp tầm cỡ của ông từ lâu đã từng được các giới đồng nghiệp nghiêm túc đánh giá coi như là thầy của những bậc thầy có bề dày kinh nghiệm giảng dạy về văn chương cho các môn sinh. Hơn thế nữa, chính ngòi bút của nhà văn, nhà báo Thẩm-Thệ-Hà vốn là cây đại thụ trên văn đàn của tỉnh Tây-Ninh cũng còn từng là một ngôi sao chói sáng trong làng văn học của miền đất phương Nam. Ngoài là tác giả của nhiều loại sách giáo khoa giá trị, ông còn có nhiều tác phẩm đa dạng về tiểu thuyết cũng như những bài bình luận sắc bén về văn học nổi tiếng lưu truyền trước nay đã từng thu hút được rất nhiều con số độc giả bốn phương. Và nghệ sĩ ưu tú Thanh-Nga ngày trước từng được mệnh danh là nữ hoàng sân khấu cải lương Việt-Nam, tuy đồng hương của tác giả sinh trưởng ngay cạnh châu thành Tây-Ninh. Nhưng mỗi khi có dịp về quê, đều cũng không bao giờ bỏ qua thời gian để dừng chân ở tại Trảng-Bàng, để luyến lưu với nhiều kỷ niệm và viếng thăm lại bà con cùng khán giả thân tình ái mộ. Còn nữa, các thế hệ hậu sinh chắc có lẽ ít người còn có dịp được biết tới danh tiếng của một đại gia cũng quê gốc ở địa phương nầy từng vang bóng một thời trên con đường sự nghiệp. Đó chính là bà Tám Mai, chủ nhân rạp hát "Quốc-Thanh" tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Sài-Gòn hoa lệ thuở nào.


Mâm bánh tráng nướng phơi sương cuốn thịt heo.
Tóm lại, ngày nay người ta có thể nói rằng nếu bạn là khách viễn du dừng chân giây lát trong các tiệm bánh canh giò heo và bánh tráng nướng phơi sương nằm dọc theo trục lộ đi tới Casino ở Mộc-Bài, thì Trảng-Bàng chính là một nơi để bạn thưởng thức về món ăn đặc sản nổi tiếng địa phương danh bất hư truyền. Và có dịp tham quan nhiều di tích lịch sử như nào là: miếu Ông Cả Trước, nhà thờ Tha-La, các vùng đất ven bờ chi lưu Vàm-Cỏ-Đông vốn là quê hương của bao thế hệ chàng trai anh tuấn oai hùng chống giặc xâm lăng từng nuôi mộng lớn, tháp cổ Bình-Thạnh, di tích Bời-Lời, chùa Phước-Lưu, đình Gia-Lộc v.v.

Còn bây giờ, trái lại nếu bạn là người chính gốc Trảng-Bàng thuộc thành phần thế hệ người đi trước, thì sẽ không sao có thể tránh khỏi được mọi sự ngỡ ngàng khi từ lâu mới có dịp trở về viếng thăm làng xưa phố cũ. Và luyến lưu, tiếc nhớ từng bao kỷ niệm với mảnh"hồn quê ta say đắm"[7] của thuở thiếu thời .

Theo bánh xe tiến hóa của lịch sử thời gian, Trảng-Bàng quê hương yêu dấu ngày nay đang từng bước đi trên con đường thay đổi, để hòa nhập vào hình ảnh của một thị trấn văn minh có nhiều triển vọng ở tương lai.

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris Xuân Tân-Tỵ 2013)
(1) - Bài học trong quyển sách Việt-Nam Giáo-Khoa Thư.

(2) - Động (khu) đất gò mối có nhiều cọng Lông-Công. Truông (dải) đất có nhiều cây Mít. Nơi khi xưa có trồng nhiều bí. Nơi khi xưa có voi xuất hiện thường xuyên. Tên của một vị cao tuổi sống cạnh bờ suối. Bàu nước lớn có nhiều rong rêu.

(3) - Tục lệ hứa hôn cho con khi còn nhỏ.

(4) -"Trảng-Bàng" và "Trại-Bí" là hai địa danh, địa hiønh của tỉnh Tây-Ninh.

(5) - (Theo tài liệu thông tin của các báo chí ở trong và ngoài nước vào hồi thượng tuần tháng 03-2010). Và nếu nói thêm, thì năm 1997 thế giới còn có một cụ bà duy nhất gốc người Pháp, tên là Jeanne Calment đã sống tới năm cuối cùng được 122 tuổi.

(6) - Asian American Journalism Association.

(7) - Trong bài thơ " Thương Nhớ Tình Quê Trảng-Bàng" sau đây:

Trảng-Bàng quê xa xăm
Đất thiêng ta ngồi nằm
Ao nhà ta bơi tắm
Gió trăng ta trong ấm
Lá rừng ta xanh thẳm
Lúa bông ta nẩy mầm
" Hồn quê ta say đắm"
Xóm làng ta bao năm
Bà con ta thăng trầm
Láng giềng ta cuốc bẫm
Hàng xóm ta dãi dầm
Người yêu ta hiền lắm
Trao trọn ta tình thâm
Thương nhớ ta để tâm
Hẹn về ta ghé thăm
Ruộng vườn ta hoa gấm
Đồng hương quê tình thắm...
(MLC)


Đây là địa điểm khúc quốc lộ 1 cạnh thánh thất
Cao-Đài Trảng-Bàng, ngày trước là chiến trường, nơi mà
bé Kim-Phúc bị bom đốt cháy cả lưng.

*********