BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


THIỀN MINH SÁT
BẰNG TIẾNG VIỆT THÔNG THƯỜNG

 Trưởng Lão (Bhante) Henepola Gunaratana
Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch


  

 THIỀN MINH SÁT BẰNG TIẾNG VIỆT THÔNG THƯỜNG [1]

 

 

MỤC LỤC

 

Vài Nét Về Tác Giả
Lời Người Dịch
Lời Tựa
Dẫn Nhập

[01]

Chương 1: Thiền: Sao Phải Bận Tâm?
Chương 2: Thiền Không Phải Là...
Chương 3: Thiền Là...
Chương 4: Thái Độ
Chương 5: Thực Hành
Chương 6: Phải Làm Gì Với Thân Mình?

  Quy Chung
  Cách Ăn Mặc
  Thế Truyền Thống

Chương 7: Phải Làm Gì Với Tâm Mình?
Chương 8: Tổ Chức Buổi Thiền Của Mình

  Ngồi Ở Đâu?
  Khi Nào Ngồi?
  Ngồi Bao Lâu?

Chưong 9: Tổ Chức Buổi Tập

  Ba Điều Chỉ Dẫn
  Tâm Từ

[02]

Chương 10: Đối Phó Với Vấn Đề
Chương 11: Đối Phó Với Bối Rối, I
Chương 12: Đố Phó Với Bối Rối, II
Chương 13: Tỉnh Thức -- Sati
Chương 14:  Tỉnh Thức vs. Chú Ý
Chương 15:  Thiền Trong Đời Sống Hằng Ngày
Chương 16: Thiền Có Gì Cho Ta

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Sách viết về Thiền có từ đời Thượng cổ và có rất nhiều. Sách về Vipassana--Thiền Minh Sát cũng không ít, nhứt là trong văn học Đông Nam Á Châu. Tuy nhiên hầu hết sách này đều được viết bằng ngôn từ học giả. Chúng tôi được duyên may đọc quyển Mindfulness in Plain English của Đại Lão Hòa Thượng Henepola Gunaratana và phát tâm mong muốn dịch ra tiếng Việt dùng thường ngày để quảng bá kiến thức và phương pháp Vipasssana đến mọi tầng lớp đọc giả Việt Nam. Sau khi thỉnh giáo Hòa Thượng Gunaratana, chúng tôi chẵng những được Ngài cho phép biên dịch mà còn thay đổi tựa đề của sách thành Thiền Minh Sát Bằng Tiếng Việt Thông Thường hầu thích ứng với thực tế.

Thuật ngữ thiền trong tiếng Việt đã là hiếm hoi rồi, nên chi từ Việt thông thường về thiền còn ít hơn. Vã lại, ai cũng biết tiếng Việt có hơn sáu mươi phần trăm tiếng Hán Việt. Chúng tôi cố gắng dùng tiếng Việt thông thường hằng ngày để biên dịch. Tuy nhiên trong trường hợp không thể, chúng tôi phải dùng tiếng Hán Việt, và đối với những từ không thông dụng chúng tôi xin kèm theo lời giải với ghi chú (nd) tức là của người dịch để phân biệt với ghi chú của tác giả (tg). Thỉnh thoảng chúng tôi xin dùng nguyên văn từ Pali (như Vipassana, Samatha) hay Anh văn của tác giả (như roller coaster) để ý nghĩa được đầy đủ và chính xác hơn. Dĩ nhiên các từ này được giải nghỉa lần đầu tiên hoặc trong bản dịch hoặc trong phần chú thích. Dám mong được quý độc giả kiên nhẫn và lượng tình tha thứ. Chúng tôi cũng rất mong được quý độc giả chỉ giáo để sách thêm hoàn chỉnh trong những lần in ấn sau. Đa tạ.

Chúng tôi thành kính ghi ân Đại Lão Hòa Thượng Henepola Gunaratana đã ưu ái giảng dạy và cho phép chúng tôi biên dịch sách này của Ngài. Chúng tôi hân hạnh cảm tạ Cư sĩ Tự Tại Nguyễn Văn Anh đã làm cầu nối chúng tôi với Hòa Thượng và trú xứ của Ngài là Bhavana Society Forest Monastery/Meditation Center ở West Virginia, Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng xin cám ơn người bạn đạo và đời của chúng tôi là Chơn Quang Trương Nguyệt Thu đã dành nhiều công trong việc biên dịch và đọc lại bản thảo.

Cầu xin Hồng Ân Tam Bảo hộ trì mọi chúng sanh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chơn Quán Trần Ngọc Lợi

-ooOoo-

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Đại Lão Hòa Thượng Henepola Gunaratana xuất gia lúc Ngài mới 12 tuổi, tại một chùa nhỏ trong làng Malandeniya ở Kurunegala, Tích Lan. Đức Bổn Sư của Ngài là Đại Lão Hòa Thượng Kiribatkumbure Sonuttara Mahathera. Năm 1947 khi Ngài 20 tuổi, Ngài thọ giới cao tại Kandy. Ngài theo bậc trung học tại hai trường Vidyalankara và Buddhist Missionary ở Colombo.

Để phụng sự Phật pháp, Ngài qua Ấn Độ làm việc cho Hội Mahabodhi năm năm, giúp đở tiện dân (harijana) sanh sống ở Sanchi, Delhi, và Bombay. Sau đó, Ngài tiếp tục phục vụ với tư cách cố vấn tôn giáo cho Sasana Abhivurdhiwardhana Society, Buddhist Missionary Society và The Buddhist Youth Federation of Malaysia (Liên Đoàn Thanh Niên Phật Tử Mã Lai). Ngài từng dạy tại Trường Kishion Dial, Trường Nữ Temple Road, và là Hiệu Trưởng của Viện Phật Học Kuala Lumpur.

Năm 1968 theo lời mời của Hội Sasana Sevaka, Hòa Thượng Gunaratana sang Hoa Kỳ giữ chức Tổng Thơ Ký Danh Dự của Hội Phật Học Vihara ở Washington, D.C. Năm 1980, Ngày được mời làm Hội Trưởng của Hội. Lúc ở Vihara, Ngài dạy Phật học, tổ chức các khóa thiền, và đi thỉnh giảng trên toàn nước Mỹ, bên Âu châu và nhiều quốc gia khác như Gia Nã Đại, Úc châu và Tân Tây Lan.

Ngài tốt nghiệp Cữ Nhân, Cao Học, và Tiến Sĩ Triết tại Đại Học American University. Ngài dạy Phật học tại các Đại Học American, Georgetown và Maryland. Ngài viết nhiều sách và tài liệu xuất bản ở Mã Lai, Ấn Độ, Tích Lan, và Hoa Kỳ. Từ 1973 Ngài giữ vai trò tuyên úy Phật giáo tại Đại Học American, cố vấn sinh viên trong vấn đề Phật học và thiền. Ngài hiện là Hội Trưởng của Bhavana Society ở Shenandoah, West Virginia, cách Washington D.C. chừng 100 dặm. Ngài là người rất tích cực trong việc tổ chức các khóa tu học và giảng dạy thiền.

*

 Tâm không thể được tịnh hóa nếu không thấy được sự vật thật sự như-là. "Thấy sự vật như-là" là một câu nói chất ngất rất khó hiểu. Nhiều người mới bước vào ngưỡng cửa thiền thắc mắc không hiểu tại sao ai có mắt sáng mới nhìn thấy được sự vật như-là.

Đối với nội tại chứng nghiệm qua thiền quán, câu nói trên có nghĩa là thấy sự việc không phải bằng mắt thường tình một cách hời hợt, mà là thấy bằng tuệ nhản rằng sự vật như chúng thật sự là. Nhìn bằng tuệ nhản có nghĩa là nhìn thấy sự vật bằng thân/tâm không bị ô nhiễm bởi thiên kiến hay thành kiến xuất phát từ tham, sân, si. Thông thường, khi chúng ta quan sát sự vận hành của thân-tâm, chúng ta hay dấu hay quay lưng lại những gì chúng ta không ưa thích và cố bám víu vào những gì chúng ta ưa thích. Đó là vì tâm chúng ta bị ảnh hưởng bởi ham muốn, sân hận và ảo tưởng. Tự ngã và tự kiến xen vào nhuộm màu phán đoán của chúng ta. (Chương 5--Thực Hành)

-ooOoo-

 LỜI NÓI ĐẦU

Kinh nghiệm cho biết cách hữu hiệu nhứt để trình bày cho mọi người hiểu dễ dàng một vấn đề là dùng ngôn từ đơn giãn. Ngoài ra, qua những năm giảng dạy, tôi nhận thấy rằng ngôn từ càng cứng nhắc càng khó hiểu. Ngôn từ khó hiểu ít khi được đáp ứng rộng rãi, nhứt là khi đề tài giảng dạy lại không liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Thiền không phải là cái gì mà ai ai cũng thực hành. Do đó, thiền cần có những chỉ dẫn đơn giãn để giúp những ai muốn thiền có thể hành được không có cần thầy bên cạnh. Sách này được viết ra không ngoài mục đích đó, tức là để giúp thiền giả hiểu mà hành thiền, bằng một ngôn từ của quảng đại quần chúng.

Sách này được hoàn thành với sự giúp đở của nhiều bạn hữu mà tôi trân trọng ghi ơn. Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm tạ các ông bà John Patticord, Daniel J. Olmsted, Matthew Flickstein, Carol Flicstein, Patrick Hamilton, Genny Hamilton, BillMayne, Tỳ Kheo Dang Pham Jotika, và Tỳ Kheo Sona đã góp nhiều ý kiến, đưa nhiều đề nghị, và giúp nhiều lời phê bình rất bổ ích. Tôi cũng xin cám ơn Mẹ Bề Trên Sama và ông Chris O'keefe đã giúp phần in ấn.

H. Guaratana Mahathera
Bhavana Society
Route 1, Box 218-3
High View, WV 26808
Ngày 7 tháng 12, 1990

-ooOoo-  

Khi ghét người nào, bạn nghĩ bỏ "Cho họ xấu xa. Cho họ khổ đau. Cho họ nghèo hèn. Cho họ không có bậu bạn. Cho họ tái sanh bất hạnh trong sự thiếu thốn, ở nơi thấp hèn, và chịu nhiều đài đọa." Tuy nhiên, những gì xảy đến thật sự là đến với bạn. Thân bạn bị nhiều phản ứng hóa học khiến bạn đau đớn, tim đập mạnh, bực bội, đổi sắc, ăn không ngon, ngủ không yên, và làm buồn lòng nhiều người. Bạn trải qua tất cả những gì bạn muốn cho người mình ghét. Và, bạn không nhìn thấy được sự vật như-là. Tâm bạn như nước đang sôi. Hoặc là bạn như người bịnh vàng da (hoàng đản) ăn không thấy ngon miệng dầu thức ăn là cao lương mỹ vị. Bạn cũng không thể nhận ra hình dáng, thành tựu, thành công, vân vân của người khác. Khi nào bạn còn trong tình huống đó, bạn không thể thành công trong việc hành thiền.

Bhante Henepola Gunaratana

-ooOoo-

DẪN NHẬP

Đề tài của quyển sách này là hành Thiền Minh Sát. Xin nhắc lại động từ hành. Đây là quyển sách chỉ dẫn chi tiết cơ bản, thực tiễn và từng bước một để thiền giả quán chiếu nội tại. Nói cách khác, sách dùng cho thực hành, tức để tập chớ không phải để biết.

Triết lý Phật giáo và lý thuyết của thiền Phật giáo đã được nhiều sách viết lắm rồi; nếu quý vị muốn đào sâu vấn đề xin đọc các sách ấy mà nhiều quyển rất hay. Còn sách này là một loại "kim chỉ nam," chúng tôi viết để chỉ cho ai muốn thiền, nhứt là thiền ngay hôm nay. Chúng tôi muốn chỉ quý vị ấy những điều căn bản để mà bắt đầu. Chỉ có quý vị nào đã thiền theo cách chỉ dẫn của sách mới có thể nói sách hay hoặc dở. Và chỉ có quý vị nào đã thiền đều đặn và tinh tấn mới có thể phê phán cố gắng của chúng tôi. Không có sách nào có thể giải đáp hết mọi thắc mắc của các thiền giả gặp phải. Họ cần phải có thầy. Tuy nhiên trong hiện tình, xin quý vị cứ theo các quy tắc căn bản, và nếu hiểu hết các trang sách này, quý vị đã đi được một bước rất xa rồi đó.

Có nhiều chi thiền. Các tôn giáo lớn đều có một hình thức nào đó gọi là thiền, và danh từ thiền được dùng một cách rất rộng rãi. Xin hiểu cho rằng quyển sách này chỉ đề cặp đến Thiền Minh Sát hành trì trong cộng đồng Phật giáo Nam Á và Đông Nam Á. Phương pháp thiền minh sát này còn đuợc gọi là Quán Nội, vì mục đích là giúp thiền giả nhìn vô bản tánh của thực tại và hiểu chính xác sự vật diễn biến như thế nào.

Phật giáo nói chung khác biệt với các đạo giáo thần học mà người phương Tây đã quen thuộc. Đạo Phật là con đường dẫn thẳng vô thế giới tâm linh không qua thần thánh hay một 'tác nhân' nào khác. Đạo Phật có tác dụng nghiên hẳn về chữa trị, mường tượng như khoa tâm lý hơn là một đạo giáo thông thường. Đạo Phật luôn tìm thực tại, soi chiếu tỉ mỉ tiến trình của chính tâm thức. Mục đích của đạo Phật là phá tan màn ảo tưởng[2] qua đó chúng ta nhìn thế giới, và như thế để lộ ra sự thật tối hậu. Thiền Minh Sát là một phương cách cổ điển hợp thời có thể làm được việc ấy.

Phật giáo Theravada giúp chúng ta một phương thức hữu hiệu để khám phá các từng sâu thẩm của tâm, đến tận gốc rễ của tâm thức. Theravada còn bao gồm một số lễ nghi chất chứa các phương cách ấy. Truyền thống đẹp đẻ này là kết quả đương nhiên của 2500 năm phát triển trong nếp văn hóa truyền thống của Nam và Đông Nam Á châu.

Trong sách này chúng tôi cố gắng phận biệt những ngoại vi với nội tại và chỉ trình bày sự thật đơn thuần mà thôi. Đọc giả thiên về nghi lễ của Theravada xin đọc sách khác; quý vị sẽ thấy phong tục cũng như nghi thức truyền thống của tông phái này rất phong phú và vô cùng đẹp đẻ. Những ai thiên về tu tập có thể chỉ dùng các phương pháp và áp dụng chúng vào bối cảnh hoặc triết lý hoặc tình cảm tùy ý; thực hành là cốt lõi.

Sự phân biệt giữa Thiền Minh Sát với các hình thức thiền khác rất cần yếu và nên được nhận thức rõ ràng. Phật giáo có hai chi thiền chánh mà kỹ năng tâm linh cũng như phương thức vận hành hay đặc tính của tâm thức đều khác nhau. Đó là "Vipassana' 'Samatha', hai thuật ngữ Pali được dịch là 'Thiền Minh Sát' 'Thiền Chỉ'.

Vipassana được hiểu là nội tại, sự thông hiểu đích thực những gì đang xảy ra xảy ra như-là. Còn Samatha là chú ý hay tịch tĩnh, tức là trạng thái của tâm được an tịnh, chỉ nghĩ đến một vật thể nào đó mà thôi và không được phép đi rong[3]. Khi vào trạng thái tĩnh, thân và tâm được thẩm thấu một niềm tịnh bình mà hành giả nhận biết qua xác chứng bằng kinh nghiệm. Hầu hết các phương pháp thiền đều chú trọng đến yếu tố Samatha. Hành giả chú tâm đến một vật thể, ví như lời cầu nguyện, một kiểu hộp, câu hát, ngọn đèn cầy, linh ảnh, hay bất kỳ một vật thể nào, và gạt tất cả những niệm hay tưởng khác ra khỏi tâm thức. Kết quả là thiền giả sẽ đạt trạng thái hỷ lạc kéo dài cho tới khi xả thiền. Trạng thái ấy vui, thích, hấp dẫn, rất quý, nhưng có tánh cách giai đoạn.

Vipassana chú trọng đến khía cạnh khác, nội tâm. Thiền giả Vipassana dùng sự tập trung (định) [4] như phương tiện để tỉnh thức xói mòn bức tường ảo tưởng ngăn cách không cho người thấy ánh sáng của chân lý. Tiến trình Vipassana làm gia tăng tỉnh thức dần dần và xâm nhập từ từ vào sự vận hành của chính chân lý. Tiến trình này cần thời gian dài hằng năm, song cuối cùng hành giả sẽ thấy được ánh sáng khi bức tường ảo tưởng bị chọc thủng. Bấy giờ sự thay đổi sẽ toàn diện và thường hằng; đó là sự giải thoát. Giải thoát là mục đích của Phật giáo. Tuy nhiên, con đường đưa đến giải thoát rất dị biệt.

Phật giáo có nhiều tông phái, nhưng chung quy có hay hướng chánh: Mahayana hay Đại Thừa và Theravada hay Nguyên Thủy. Đại Thừa chiếm đa số ở Nam Á và có nhiều ảnh hưởng trong các nền văn hóa Trung Hoa, Đại Hàn, Nhựt, Nepal, Tây Tạng, và Việt Nam. Hệ phái quan trọng thường nghe nói đến nhiều nhứt của Mahayana là Zen được tu tập ở Nhựt, Đại Hàn, Việt Nam [5], và Hoa Kỳ. Còn Nguyên Thủy chiếm đa số ở Nam và Đông Nam Á, như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào, và Cam Bốt. Sách này đề cập đến hệ phái Nguyên Thủy Theravada đó.

Theravada có rất nhiều tài liệu truyền thống mô tả các kỷ thuật của cả hai chi thiền Samatha (chú ý và tâm an định) và Vipassana (nội quán hay tỉnh thức), và kinh sách Pali từng mô tả bốn mươi đề tài thiền khác nhau. Chúng được xem vừa như đối tượng của chú tâm vừa như đề tài của quán chiếu dẫn vào nội tâm. Nhưng vì đó là những tác phẩm bao quát, nên chúng tôi tự giới hạn trong một điểm chủ yếu mà thôi--thở. Dầu vậy, sách này cũng chỉ là một quyển vỡ lòng giúp hành giả biết thế nào là đạt tỉnh thức bằng sự chú ý đơn thuần, và hiểu rõ ràng tiến trình của sự thở. Dùng hơi thở như điểm chú ý chánh, thiền sinh sẽ tham gia vào sự quan sát toàn thể vũ trụ của mình. Thiền giả sẽ học nhìn những biến đổi xảy ra trong thân (hiện tượng vật lý), trong cảm thọ, và trong suy tưởng. Thiền giả sẽ học cách nghiên cứu các sinh hoạt tâm linh của mình và sự thay đổi của tâm thức. Tất cả những biến đổi này xảy ra thường xuyên và liên tục trong mọi khoảnh khắc.

Thiền là một sinh hoạt, một sinh hoạt xác chứng bằng kinh nghiệm cố hữu. Nó không thể đuợc dạy như một môn học thuần tri thức. Cái tâm sống thực của tiến trình phải đến từ kinh nghiệm của chính người thầy dạy. Tuy nhiên, không vì thế mà thiền giả không chú ý đến vô số tài liệu điển chế do các bực thiện tri thức đã viết ra cho thế gian. Hầu hết các điểm chánh của sách này được trích từ Tipitaka, ba tạng chứa đựng những lời giáo huấn của Đức Thế Tôn. Tipitaka gồm có Luật (Vinaya) của tăng, ni và cư sĩ; Kinh (Sutta) thuyết bởi Đức Phật; và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tức những lời giảng giải triết học tâm lý thâm sâu.

Trong thế kỷ thứ nhứt sau Công nguyên, có nhà Phật học uyên bác Upatissa luận về Giải Thoát (Vimuttimagga, The Path of Freedom) trong ấy Ngài có tóm lược những lời dạy về thiền của Đức Phật. Đến thế kỷ thứ năm một đại danh sư khác, Buddhagosha (Phật Âm) luận cùng đề tài trong bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga, The Path of Purification) là một bộ kinh về thiền được xem như chuẩn mực cho đến ngày hôm nay. Trong vuờn thiền hiện nay, thiền sư dựa vừa trên Tipitaka vừa trên kinh nghiệm riêng của mình. Mục đích của chúng tôi là dùng ngôn ngữ thông thường trình bày những đường nét của thiền Minh Sát (Vipassana) một cách rõ ràng và chính xác hầu giúp thiền giả có thể mở cửa vô vườn thiền. Nhưng hành giả phải tự mình bước những bước đầu tiên lên con đường khám phá để biết mình là ai và như thế nào. Con đường ấy xin quý vị chớ bỏ qua. Chúc quý vị thành công.

*

Đức Phật Cồ Đàm là một người không ước lệ và không lệ thuộc truyền thống. Ngài không dạy giáo điều mà chỉ đề nghị mỗi nguời chúng ta nên chiêm nghiệm cho chính mình. Lời khuyên riêng cũng như chung của Ngài là "Hãy đến xem." Một trong những lời Ngài nói với đệ tử là "Đừng nên tin ai cả." Ngài muốn nói đừng chấp nhận lời của ai là thật. Phải tự mình xác chứng bằng kinh nghiệm.


[1] Xin tạm đổi tựa sách để phù hợp với thực tại. Nguyên văn của tựa sách là Mindfulness in Plain English. (nd).

[2] Còn gọi là bức màn vô minh, theo thuật ngữ Phật giáo (nd).

[3] Từ chỉ trong Thiền Chỉ (Samatha) là tiếng Hán Việt có nghĩa ngưng lại (nd).

[4] Pali: Samadhi (nd).

[5] Zen được biết nhiều ở Nhựt, Đại Hàn và Hoa Kỳ hơn ở Việt Nam (nd).

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | Mục lục


Chân thành cám ơn Đạo hữu Chơn Quán đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2007).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-03-2009