Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) »» VI. CHÍN MƯƠI PHÁP BA-DẬT-ĐỀ »»

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt)
»» VI. CHÍN MƯƠI PHÁP BA-DẬT-ĐỀ

(Lượt xem: 4.959)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) - VI. CHÍN MƯƠI PHÁP BA-DẬT-ĐỀ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

_ Kính bạch chư đại đức tăng. Chín mươi pháp ba-dật-đề này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo nào biết là điều sai sự thật mà vẫn nói ra, phạm vào tội ba-dật-đề.

2. Như có tỳ-kheo nào vì lý do chủng tộc, giai cấp mà dùng lời hủy nhục người, phạm vào tội ba-dật-đề.

3. Như có tỳ-kheo nào dùng cách nói hai lưỡi, phạm vào tội ba-dật-đề.

4. Như có tỳ-kheo nào ngủ lại trong nhà có phụ nữ qua đêm, phạm vào tội ba-dật-đề.

5. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ giới cụ túc mà ngủ chung trong một nhà quá hai đêm, đến đêm thứ ba thì phạm vào tội ba-dật-đề.

6. Như có tỳ-kheo nào cùng với người chưa thọ cụ túc giới đọc tụng kinh điển, phạm vào tội ba-dật-đề.

7. Như có tỳ-kheo nào đem việc phạm tội thô ác của tỳ-kheo khác nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do chúng tăng quyết định.

8. Như có tỳ-kheo nào đem việc mình chứng đắc hơn người nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

9. Như có tỳ-kheo nào thuyết pháp quá năm, sáu câu với phụ nữ, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có người đàn ông sáng suốt cùng ở đó.

10. Như có tỳ-kheo nào tự tay đào xới đất, hoặc sai bảo người khác làm, phạm vào tội ba-dật-đề.

11. Như có tỳ-kheo nào phá hại mầm giống cho đến cây cỏ đang còn sống, phạm vào tội ba-dật-đề.

12. Như có tỳ-kheo nào cố ý nói quanh co gây phiền toái cho chúng tăng, phạm vào tội ba-dật-đề.

13. Như có tỳ-kheo nào chê bai sau lưng hoặc mạ lỵ trước mặt đối với vị tăng tri sự, phạm vào tội ba-dật-đề.

14. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ mang ra chỗ trống để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

15. Như có tỳ-kheo nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ, tọa cụ bày ra trong phòng của tăng để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất, phạm vào tội ba-dật-đề.

16. Như có tỳ-kheo nào, biết chỗ nghỉ của tỳ-kheo khác, khi đến sau lại mang ngọa cụ trải ra mà nằm, tự nghĩ rằng: “Nếu ông ấy có chê là chật chội thì cứ việc tránh ta mà đi nơi khác.” Nhân duyên hành động như vậy không hợp với oai nghi, phạm vào tội ba-dật-đề.

17. Như có tỳ-kheo nào do tức giận tỳ-kheo khác, trong lòng không vui, liền xô đuổi hoặc sai khiến người khác xô đuổi tỳ-kheo ấy ra khỏi tăng phòng, phạm vào tội ba-dật-đề.

18. Như có tỳ-kheo nào nằm hoặc ngồi trên giường bị lỏng chân, phạm vào tội ba-dật-đề.

19. Như có tỳ-kheo nào biết là nước có trùng mà tự mình đổ lên bùn đất, hoặc tưới trên cỏ, hoặc sai bảo người khác làm như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

20. Như có tỳ-kheo nào làm phòng lớn có cửa song, cửa sổ và các vật trang hoàng, chỉ được lợp mái từ hai đến ba lớp. Nếu quá mức, phạm vào tội ba-dật-đề.

21. Như có tỳ-kheo nào, chúng tăng không đề cử mà tự ý đến dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.

22. Như có tỳ-kheo nào, được chúng tăng đề cử đến dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, đến chiều tối mới về, phạm vào tội ba-dật-đề.

23. Như có tỳ-kheo nào nói rằng các tỳ-kheo khác vì chuyện ăn uống mà đi dạy giáo pháp cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.

24. Như có tỳ-kheo nào đem y cho tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp trao đổi với nhau, hoặc tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.

25. Như có tỳ-kheo nào vì tỳ-kheo ni mà may y, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp tỳ-kheo ni đó là người bà con thân thuộc.

26. Như có tỳ-kheo nào cùng ngồi ở chỗ khuất vắng với tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.

27. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi chung đường đến thôn khác, cho đến thậm chí chỉ trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp cùng đi với đoàn khách buôn, hoặc khi lo sợ có nguy hiểm trên đường.

28. Như có tỳ-kheo nào cùng với tỳ-kheo ni hẹn trước với nhau để cùng đi thuyền xuôi dòng hoặc ngược dòng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp đi thuyền ngang qua sông.

29. Như tỳ-kheo nào biết có tỳ-kheo ni vì mình mà đến nói với thí chủ nên người ấy mới cúng dường thức ăn cho mình, vẫn thọ nhận thức ăn ấy, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp người thí chủ ấy đã phát tâm cúng dường từ trước.

30. Như có tỳ-kheo nào hẹn trước với người phái nữ để cùng đi chung đường, dù chỉ trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.

31. Như có tỳ-kheo nào đến chỗ thí chủ cúng dường một bữa ăn, không có bệnh chỉ được thọ nhận một bữa. Nếu quá, phạm vào tội ba-dật-đề.

32. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn nhiều lần trong ngày, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có bệnh, hoặc khi thí chủ cúng y.

33. Như có tỳ-kheo nào thọ thỉnh ăn thành chúng riêng, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi có bệnh, khi may y, khi nhận cúng y, khi đi đường xa, khi đi tàu thuyền, khi đại chúng tụ họp đông đảo, khi các thầy tu ngoại đạo cúng dường.

34. Như tỳ-kheo thọ thỉnh cúng dường ở nhà cư sĩ, có bánh hoặc lương khô, nếu muốn có thể nhận đến hai hoặc ba bát mang về chùa phân chia cho các tỳ-kheo khác cùng ăn. Như tỳ-kheo không có bệnh mà thọ nhận nhiều hơn hai hoặc ba bát, khi về chùa không phân chia cho các tỳ-kheo khác cùng ăn, phạm tội ba-dật-đề.

35. Như có tỳ-kheo nào đã ăn đủ rồi, nếu có thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ăn nữa, phạm tội ba-dật-đề.

36. Như có tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ trong ngày rồi, khi thọ thỉnh không làm phép dư thực, lại cố ân cần mời thỉnh vị ấy ăn nữa, không vì mục đích gì khác hơn là muốn cho vị kia phạm giới mà thôi. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

37. Như có tỳ-kheo nào thọ nhận thức ăn và ăn phi thời, phạm vào tội ba-dật-đề.

38. Như có tỳ-kheo nào ăn thức ăn được chứa trữ từ hôm trước, phạm vào tội ba-dật-đề.

39. Như có tỳ-kheo nào, không phải thức ăn hoặc thuốc cúng dường cho mình mà để vào trong miệng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ ra nước và nhành dương.

40. Như có tỳ-kheo nào, nếu thấy có những thức ăn ngon, tự mình đòi hỏi được ăn, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do có bệnh.

41. Như có tỳ-kheo nào tự tay trao thức ăn để thí cho người ngoại đạo, phạm vào tội ba-dật-đề.

42. Như có tỳ-kheo nào trước đã thọ thỉnh cúng dường, sau đó trước hoặc sau giờ thọ thực lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như có bệnh, hoặc khi nhận cúng y, khi may y.

43. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá, cố ngồi nán lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

44. Như có tỳ-kheo nào khất thực trong nhà có đồ quý giá mà ngồi nơi chỗ khuất kín, phạm vào tội ba-dật-đề.

45. Như có tỳ-kheo nào một mình ngồi với phụ nữ ở chỗ trống trải, phạm vào tội ba-dật-đề.

46. Như có tỳ-kheo nào bảo tỳ-kheo khác cùng đi với mình đến chỗ thôn xóm kia, nói rằng có thể nhận được thức ăn. Đến nơi không có thức ăn, lại nói rằng: “Ông nên đi đi. Tôi ngồi với ông, nói chuyện với ông không được vui; tôi ngồi một mình sẽ được vui vẻ.” Nói thế không ngoài mục đích là tìm cách xô đuổi vị kia đi nơi khác. Tỳ-kheo như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

47. Như có tỳ-kheo nào muốn nhận sự cúng dường thuốc men của thí chủ để dùng trong vòng 4 tháng, dù không bệnh cũng được nhận. Nếu nhận quá mức trên, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có người phát tâm cúng dường thường xuyên, hoặc hết hạn bốn tháng rồi nhận cúng dường lần khác, hoặc thí chủ mang đến chùa phân chia cúng dường cho tăng chúng, hoặc thí chủ phát tâm cúng dường suốt đời.

48. Như có tỳ-kheo nào đến xem những chỗ quân trận, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.

49. Như có tỳ-kheo nào có nhân duyên phải đến chỗ quân trận, có thể ở lại hai hoặc ba đêm. Nếu lâu hơn, phạm vào tội ba-dật-đề.

50. Như có tỳ-kheo nào, có nhân duyên đến chỗ quân trận, ở lại đó từ hai đến ba đêm, lại đi xem quân lính tập dượt, dàn trận, đánh nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.

51. Như có tỳ-kheo nào uống rượu, phạm vào tội ba-dật-đề.

52. Như có tỳ-kheo nào bơi lội đùa nghịch trong nước, phạm tội ba-dật-đề.

53. Như tỳ-kheo dùng ngón tay mà chọc lẫn vào người nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.

54. Như có tỳ-kheo nào không nghe lời can ngăn của người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

55. Như có tỳ-kheo nào làm cho tỳ-kheo khác lo lắng, sợ sệt, phạm vào tội ba-dật-đề.

56. Như có tỳ-kheo nào trong nửa tháng tắm quá một lần, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi trời nóng nực, khi thân thể có bệnh, khi phải làm việc nhiều, khi mưa gió, khi đi đường xa.

57. Như có tỳ-kheo nào không có bệnh nhưng vì muốn hơ ấm, ở chỗ đất trống đốt lửa, hoặc sai khiến người khác đốt, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.

58. Như có tỳ-kheo nào mang giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo khác, dù chỉ để đùa chơi, phạm vào tội ba-dật-đề.

59. Như có tỳ-kheo nào đã đem y thí cho người khác, về sau không nói với người ấy mà tự ý lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.

60. Như có tỳ-kheo nào được y mới, phải đem nhuộm cho xấu đi rồi mới dùng. Nếu không nhuộm xấu đi mà mặc vào, phạm tội ba-dật-đề.

61. Như có tỳ-kheo nào cố ý giết chết các loài động vật, phạm vào tội ba-dật-đề.

62. Như có tỳ-kheo nào biết là trong nước có trùng mà vẫn uống hoặc lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.

63. Như có tỳ-kheo nào cố ý tìm cách gây sự nghi ngờ hoang mang cho tỳ-kheo khác, khiến chẳng lúc nào được vui vẻ, phạm vào tội ba-dật-đề.

64. Như có tỳ-kheo nào biết tỳ-kheo khác phạm tội thô mà che giấu, phạm vào tội ba-dật-đề.

65. Như có tỳ-kheo nào biết người chưa đủ 20 tuổi mà nhận cho thọ giới cụ túc, người đó không được giới, chư tỳ-kheo có thể quở trách tỳ-kheo ấy vì ngu si, phạm vào tội ba-dật-đề.

66. Như có tỳ-kheo nào, biết những chuyện tranh chấp đã theo đúng pháp sám hối trừ diệt đi rồi, sau lại phát khởi lên, phạm vào tội ba-dật-đề.

67. Như có tỳ-kheo nào đã biết là kẻ gian mà cùng đi chung đường, dù chỉ là trong phạm vi một thôn, phạm vào tội ba-dật-đề.

68. Như có tỳ-kheo nào nói rằng: “Phật có nói là việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Có tỳ-kheo khác can ngăn rằng: “Đại đức, chớ nói như thế. Chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy là không tốt. Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”

Dù can ngăn như thế, tỳ-kheo kia vẫn nhất mực không bỏ. Nên khuyên can cho đến ba lần. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, phạm vào tội ba-dật-đề.

69. Như có tỳ-kheo nào, tuy biết tỳ-kheo khác đã nói lời như trên, chưa sám hối theo như pháp, chỗ tà kiến ấy cũng chưa bỏ, mà vẫn cung cấp cho những thứ cần dùng, lại cùng với kẻ ấy làm phép yết-ma, ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

70. Như tỳ-kheo được biết sa-di nói ra lời này: “Phật có nói việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Tỳ-kheo ấy liền can ngăn rằng: “Ngươi chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy không tốt. Này sa-di, đức Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”

Dù can ngăn như thế, sa-di kia vẫn nhất mực không bỏ. Tỳ-kheo ấy nên khuyên can, quở trách cho đến ba lần, buộc phải từ bỏ lời sai trái ấy. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, tỳ-kheo ấy nên nói như thế này: “Ngươi từ nay về sau không được gọi Phật là đức Thế Tôn của ngươi nữa, không được đi theo các tỳ-kheo, cũng không được cùng các thầy tỳ-kheo ngủ chung một nơi hai đến ba đêm như các sa-di khác. Ngươi phải đi khỏi đây, không được ở lại nữa.”

Như có tỳ-kheo nào biết sa-di đã bị đuổi đi như vậy mà còn mang về nuôi dưỡng, cùng sa-di ấy ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

71. Như tỳ-kheo nào làm điều sai trái, có tỳ-kheo khác theo đúng pháp can ngăn, liền đáp rằng: “Nay tôi không học giới này. Phải đợi chất vấn các vị tỳ-kheo khác có trí tuệ, giữ theo luật.” Tỳ-kheo ấy phạm vào tội ba-dật-đề. Như nếu thật sự vì muốn hiểu, muốn học, thì có thể chất vấn.

72. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Đại đức, cần chi phải nói những giới vụn vặt ấy, chỉ làm cho người ta phải buồn phiền, hổ thẹn mà thôi.” Như vậy là nghi ngờ, khinh chê giới luật, phạm vào tội ba-dật-đề.

73. Như có tỳ-kheo nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Tôi đến hôm nay mới biết trong giới pháp có điều này, từ trong Giới kinh rút ra, nửa tháng tụng đọc một lần.” Nhưng các tỳ-kheo khác thật biết rằng tỳ-kheo ấy ít nhất cũng hai hoặc ba lần ngồi nghe thuyết giới, huống là rất nhiều lần.

Tỳ-kheo ấy không phải là không biết giới. Như đã phạm tội gì thì cứ theo đúng pháp mà trị. Ngoài ra, phải ghép thêm tội không biết nữa, bảo cho biết rằng: “Trưởng lão, ông thật không được sự ích lợi, không có chỗ khéo được. Khi thuyết giới ông đã không chú tâm vào, không một lòng lắng tai nghe pháp.” Vì không biết như thế, phạm vào tội ba-dật-đề.

74. Như có tỳ-kheo nào cùng chúng tăng dự phép yết-ma rồi, sau lại nói rằng: “Các tỳ-kheo vì chỗ thân thiết mà lấy vật của chúng tăng đem cho người kia.” Như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

75. Như có tỳ-kheo nào, khi chúng tăng bàn việc chưa xong, tự ý bỏ đi không nói là mình thuận theo ý chung, phạm vào tội ba-dật-đề.

76. Như có tỳ-kheo nào, đã nói là mình thuận theo ý chung, nhưng về sau lại có ý hối tiếc, phạm vào tội ba-dật-đề.

77. Như có tỳ-kheo nào, biết các tỳ-kheo khác đang bất hòa nhau, nghe chuyện bên này đến nói với bên kia, phạm vào tội ba-dật-đề.

78. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà đánh tỳ-kheo khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

79. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận không vui mà dùng tay vả, tát tỳ-kheo khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

80. Như có tỳ-kheo nào, do nóng giận mà vô cớ vu cáo tỳ-kheo khác phạm tội tăng-già bà-thi-sa, phạm vào tội ba-dật-đề.

81. Như có tỳ-kheo nào đi vào chốn cung môn lúc vua chưa ra triều, chưa kịp cất giấu của báu, bước qua ngạch cửa phạm vào tội ba-dật-đề.

82. Như có tỳ-kheo nào tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc trang sức giá trị, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp trong khuôn viên chùa hoặc nơi mình đang tạm nghỉ.

Nếu trong khuôn viên chùa hoặc nơi đang tạm nghỉ, tỳ-kheo có tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, nên suy nghĩ như thế này: “Nếu chủ nhân biết mà đến sẽ giao cho.” Thật chỉ vậy chứ không có ý gì khác.

83. Như có tỳ-kheo nào đi vào thôn xóm trái giờ mà không báo cho các tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.

84. Như có tỳ-kheo nào làm giường nằm cao quá tám lóng tay của Phật, không tính từ chỗ vào mộng trở lên, làm xong phạm vào tội ba-dật-đề.

85. Như có tỳ-kheo nào dùng loại bông mềm nhuyễn để dồn trải lên giường, chỗ nằm, chỗ ngồi, phạm vào tội ba-dật-đề.

86. Như có tỳ-kheo nào dùng các loại xương, răng, sừng thú để khoét ra, chạm trổ làm ống đựng kim. Làm xong, phạm vào tội ba-dật-đề.

87. Như có tỳ-kheo nào may tọa cụ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài hai gang tay Phật, bề rộng một gang rưỡi. Như cần nới rộng hơn, có thể tăng mỗi bề nửa gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.

88. Như có tỳ-kheo nào may áo để che ghẻ, nên may vừa đúng cỡ, bề dài bốn gang tay Phật, bề rộng hai gang. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.

89. Như có tỳ-kheo nào may áo tắm mưa, nên may vừa đúng cỡ, bề dài sáu gang tay Phật, bề rộng hai gang rưỡi. Nếu may xong rộng quá cỡ phạm vào tội ba-dật-đề.

90. Như có tỳ-kheo nào may y đồng cỡ với Như Lai hoặc lớn hơn, phạm vào tội ba-dật-đề. Cỡ y của Như Lai là bề dài chín gang tay Phật, bề rộng sáu gang.

_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong chín mươi pháp ba-dật-đề, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?

 Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 41 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Phật Giáo Yếu Lược


Những tâm tình cô đơn


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.224.52.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...