Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hát lên lời thương yêu »» Thương người như thể thương thân »»
Sự phá vỡ ý thức chấp ngã không chỉ giúp chúng ta có thể mở lòng thương
yêu người khác, mà thật ra còn có thể hiểu đó là sự thương yêu chính bản
thân mình. Khi trong nhận thức của chúng ta đã không còn nữa một “cái
ta” riêng rẽ, thì sự thương yêu mà chúng ta dành cho người khác cũng
chính là cho bản thân mình, và sự tu dưỡng hoàn thiện hay bất cứ một
điều tốt đẹp nào ta thực hiện cho bản thân vào lúc này lại cũng chính là
vì tất cả mọi người. Vì thế mà câu tục ngữ “Thương người như thể thương
thân” có thể xem là một cách diễn đạt chính xác nhất mối quan hệ hai
chiều này.
Cách đây nhiều năm, tôi có tham gia việc tổ chức một lớp học tình thương
ở địa phương vào dịp hè. Lớp học đặt trong khuôn viên một ngôi chùa.
Trong số những người giảng dạy, ngoài tôi ra còn có một giáo viên nữ đã
nghỉ hưu và một vị tăng sĩ. Tuy chỉ có ba người nhưng chúng tôi phải đảm
nhận đến hơn trăm học sinh, chia thành nhiều lớp. Số tiết dạy khá nhiều
và chúng tôi phải làm việc tích cực vì hầu như có rất ít thời gian để
chuẩn bị bài. Không bao lâu, vị giáo viên về hưu khá lớn tuổi đã ngã
bệnh và phải rời bục giảng. Tinh thần học tập của các em không cho phép
chúng tôi bỏ lớp, và vì thế mà hai người còn lại buộc phải chia nhau tất
cả số tiết dạy.
Khoảng một tháng trước khi khóa học kết thúc thì vị tăng sĩ ngã bệnh.
Sau khi khám bệnh mới biết là thầy đã mắc bệnh lao phổi và bắt buộc phải
điều trị dài hạn. Nhớ lại khoảng thời gian này, quả thật chưa bao giờ
tôi phải làm việc nhiều đến như thế! Cũng may là tôi đã cố gắng cầm cự
được cho đến khi kết thúc khóa học mà không phải buộc các em học sinh
nghỉ học. Tuy nhiên, cái giá phải trả sau đó là chính tôi cũng không
khỏi “tiều tụy” đi mất mấy tháng!
Thật ra, tất cả chúng tôi đều đã sai lầm. Chúng tôi đã không thực sự
hiểu được ý nghĩa của câu “Thương người như thể thương thân”. Trong khi
hết sức nhiệt tình giúp đỡ cho việc học tập của các em thì chúng tôi lại
không quan tâm đúng mức đến chính bản thân mình! Chúng tôi đã đối xử bất
công với chính mình mà không thấy được rằng đó cũng chính là thiếu sự
thương yêu!
Nhiều năm sau, mỗi khi gặp nhau chúng tôi vẫn thường nhắc lại câu chuyện
về lớp học tình thương “quá tải” như một kinh nghiệm thực tiễn quý giá.
Chính kinh nghiệm này đã giúp tôi hiểu ra và điều chỉnh lại một cách hợp
lý hơn mọi sinh hoạt của mình trong cuộc sống.
Trong thực tế, rất nhiều người trong chúng ta khi nhiệt tình lao vào
hoạt động xã hội hay phụng sự những lý tưởng cao đẹp cũng rất thường
quên đi bản thân mình, và đây thật ra không phải là một thái độ sáng
suốt. Chỉ biết quan tâm đến bản thân mình mà không nghĩ đến người khác,
tất nhiên đã là sai lầm. Nhưng lao vào công việc vì người khác mà không
quan tâm đến bản thân cũng là một sai lầm khác. Cả hai sai lầm này đều
không thể dẫn đến kết quả hoàn toàn tốt đẹp.
Vì thế, người thực sự có lòng thương yêu chính là phải biết yêu người,
yêu mình. Khi đã nhận thức đúng về sự tương quan tồn tại trong toàn thể
thì chúng ta không có lý do gì để duy trì một sự “phân biệt đối xử”, cho
dù là đối với chính bản thân mình!
Chúng ta đã nói nhiều đến lòng thương yêu và sự quan tâm đến người khác
như một biểu hiện của lòng thương yêu. Đây chính là những gì mà bất cứ
ai trong chúng ta khi thực hành lòng thương yêu đều phải lưu tâm học
hỏi, rèn luyện. Tuy nhiên, sai lầm thường gặp đối với người thực hành
lòng thương yêu trong giai đoạn tiếp theo sau đó lại chính là sự thiếu
quan tâm đến chính bản thân mình!
Sự quan tâm đúng mức đến bản thân chính là điều kiện tất yếu cho sự tu
dưỡng và hoàn thiện. Trong khi sự tu dưỡng và hoàn thiện bản thân lại
chính là yếu tố quyết định để có thể duy trì, nuôi dưỡng và thực hành
lòng thương yêu. Nếu không có sự thường xuyên tu dưỡng và hoàn thiện,
lòng thương yêu đã sinh khởi của bạn sẽ giống như một bếp lửa đã bị rút
hết củi, chắc chắn sẽ tàn lụi đi trong chốc lát.
Quan tâm đúng mức đến bản thân không có nghĩa là sống buông thả hoặc
thỏa mãn mọi nhu cầu của cơ thể. Trong thực tế, có những nhu cầu mà
chúng ta nhất thiết phải đáp ứng, vì chúng là điều kiện tối thiểu để duy
trì sức khỏe và sự minh mẫn của trí óc. Nhưng cũng có rất nhiều nhu cầu
khác vốn dĩ chỉ nảy sinh do thói quen, tập quán hay do chịu sự ảnh hưởng
từ người khác. Quan tâm đúng mức đến bản thân chính là biết phân biệt
các nhu cầu của bản thân và đáp ứng chúng sao cho có thể luôn duy trì
được một tinh thần minh mẫn trong một thể xác lành mạnh và cường tráng,
nhưng hoàn toàn không phải là sống buông thả, hưởng thụ.
Mặt khác, sự tu dưỡng bản thân có ý nghĩa quan trọng quyết định trong
việc giúp bạn thực hành lòng thương yêu của mình một cách có hiệu quả,
nghĩa là có thể thực sự mang lại được niềm vui và làm vơi bớt khổ đau
nơi người khác. Nếu một vị giáo sư dành trọn thời gian để giảng dạy mà
tự mình không có sự rèn luyện, tiếp thu kiến thức mới, thì không bao lâu
kho tri thức của ông ta sẽ cạn kiệt và trở nên lạc hậu, không thể đáp
ứng được nhu cầu giảng dạy có hiệu quả. Vì thế, cách duy nhất để làm tốt
công việc giảng dạy chính là phải dành thời gian thỏa đáng để bản thân
mình cũng không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới. Điều này rất dễ
nhận ra, vì nó sẽ được biểu hiện qua những buổi giảng sinh động và lôi
cuốn thay vì là khô khan, nhàm chán và buồn tẻ.
Tương tự như vậy, nếu bạn muốn mang lại niềm vui và giảm nhẹ khổ đau cho
người khác, tự thân bạn cũng phải thường xuyên cảm nhận được niềm vui và
sự giảm nhẹ đau khổ. Vì chỉ khi bạn thực sự biết cách để đạt được điều
đó, bạn mới có thể hướng dẫn và giúp đỡ người khác trong tinh thần “cứu
khổ, ban vui”.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.239.233.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập