Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Chương IX: Mối tơ vương dần hiện »»

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa
»» Chương IX: Mối tơ vương dần hiện

(Lượt xem: 3.956)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa - Chương IX: Mối tơ vương dần hiện

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Có tiếng kêu thật lớn của nữ tỳ nơi vườn Ngự Uyển ở Phủ Thiên Trường rằng:

- Công chúa ơi! Công chúa đã biết gì chưa?

- Sao em hôm nay hớt hãi thế? Có chuyện gì hãy từ từ nói cho ta nghe xem? (Công chúa Huyền Trân hỏi)

- Công chúa đã nghe Thượng Hoàng quy quốc mấy hôm nay sau 9 tháng trú ngụ tại Chiêm Quốc?

- Đúng là như vậy! Nhưng nay mai thì ta và Hoàng huynh cùng Mẫu hậu sẽ lên Yên Tử Sơn và đến Ngọa Vân Am để thăm cũng như đảnh lễ Phụ hoàng. Việc này Hoàng huynh đã chuẩn bị rồi.

- Không phải việc ấy.

- Chứ việc gì?

- Việc Công chúa sẽ được gả sang Chiêm Quốc.

-Ta còn nhỏ dại, mới 14 tuổi đầu. Tại sao lại có chuyện này?

- Thì em cũng mới nghe lại loáng thoáng từ những người lớn trong phủ này truyền miệng nên em nói cho Công chúa biết thế thôi! Khi nào Công chúa gặp Thượng Hoàng thì sẽ rõ hơn!

- Vâng! Hãy chờ vậy.

Cuối năm 1301, cảnh sắc mùa Thu đã qua, Yên Tử Sơn đã tiến dần vào mùa Đông lạnh giá. Nơi đây có 4 mùa rõ rệt. Khi mùa Xuân đến thì các đọt non, mầm nhỏ từ dưới đất đâm chồi, nảy nở, dần dần vươn lên khỏi mặt đất để tìm cho mình một vị trí thích hợp có đầy đủ khí trời che chở và hướng về đó để tiếp thu những năng lượng của mặt trời. Khi Hè sang, núi đồi Yên Tử vẫn là một nơi lý tưởng để những khách hành hương sau khi leo cả hằng trăm bậc thang cấp lên đến đỉnh núi, nơi có chùa Đồng để lễ bái, thì họ cũng có thể tìm đâu đó một bóng mát của những tàn cây che rợp lối đi để núp ánh sáng chói chang từ mặt trời dọi thẳng xuống. Còn Thu sang thì hoa lá rực rỡ muôn màu. Có những chiếc lá còn đang xanh, bỗng nhiên lìa cành rơi xuống đất và cũng có những chiếc lá vàng tươi thật đẹp khi đêm lạnh về, sương phủ kín cả bờ vai của lá, làm cho lá phải khúm núm lại để chịu đựng cái lạnh của sương đêm, chờ ngày mai mặt trời sưởi ấm, để cho lá còn có cơ hội khoe sắc màu với những chiếc lá còn đong đưa trên cành, bên cạnh mình nữa. Kế đến là Đông sang, ở Yên Tử không có tuyết, nhưng mùa Đông buồn lắm, cây cối chỉ còn trơ trọi cành cây, trông như những cây khô chờ chết, thỉnh thoảng có những cơn gió động, làm cho chúng khua nhau như những tiếng vỗ tay tuy yếu ớt của những người già yếu. Chỉ còn duy nhất những cây tùng, cây bách là dày dạn với gió sương. Chúng vẫn xanh tươi, mặc dù đất trời về Đông rất lạnh. Không biết có động vật nào chịu đựng gió sương hơn những loại cây này chăng? Thiên nhiên vốn như vô tình, nhưng chúng thật là hữu tâm khi chung sống cùng nhau dưới một bầu trời, một khung cảnh như thế.

Giác Hoàng Thiền sư sau khi quy cố hương, Ngài đã về lại Ngọa Vân Am này. Am tuy đơn sơ, không hoa hòe tráng lệ như Thăng Long, Thiên Trường hay Mỹ Sơn hoặc Đồ Bàn là những nơi mà Ngài đã trải qua nhiều mùa mưa nắng, nhưng những nơi đó và ngay cả nơi đây đều là những nơi chốn ghi lại không biết bao nhiêu dấu tích và kỷ niệm của đời mình từ khi còn là một hoàng tử rồi được phong vương cũng như cầm quân đánh giặc Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288. Ngài thầm nghĩ: Nếu không có những tướng tài như Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng v.v… thì mình ngày nay đã khác rồi. Có thể cũng bị chết như Toa Đô, phơi thây nơi chiến trường Đại Việt, hay bị bắt làm tù binh và gần hơn nữa là trở thành những chiến sĩ vô danh nơi trận địa, nhưng mình được cái may là không chết trong những hoàn cảnh như thế, mà vẫn còn sống sót lại nơi đây. Sau đó lại được thỏa chí tang bồng, được xuất gia đầu Phật theo tâm niệm của mình sau khi đại thắng quân Nguyên Mông hai lần. Ngài đưa nhẹ cán chổi để đẩy đi những chiếc lá rơi từ tối hôm qua đang nằm bên ngoài Thiền thất và chợt ngẩng đầu lên thì thấy một quang cảnh lạ thường không được báo trước, ấy là đoàn người gồm có Hoàng hậu Khâm Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Hưng Đạo Vương, Vũ Thành Vương Doãn, cho đến Thượng Tướng Trần Khắc Chung, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Vua Anh Tông, Thiên Trân, Huyền Trân Công chúa và những người cận vệ của Hoàng Đế đương triều.

- Muôn tâu Thánh thượng!

Hoàng hậu Khâm Từ đứng dậy chắp hai tay lên ngực muốn thưa, nhưng Điều Ngự khoác tay:

- Bây giờ không phải là ngày xưa nữa, tín chủ hãy gọi ta là Đầu Đà Đại Sư hay Giác Hoàng cũng được.

- Mô Phật, tiện thiếp xin vâng.

- Cũng không ổn nữa. Nếu gọi ta bằng Đại Sư thì hãy xưng hô là đệ tử!

- Đệ tử xin vâng lệnh. Kể từ khi Tiên đế băng hà, triều đình Nhà Trần này cũng đã trải qua nhiều cuộc đánh Đông dẹp Tây, công khó của Ngài cũng như của các tướng lãnh cao tợ núi Thái, chúng đệ tử chưa biết đáp đền như thế nào, thì Ngài đã xuất gia đầu Phật, nay lại còn hay tin…

Tuệ Trung Thượng Sĩ vái chào tất cả và tiếp lời em gái của mình: “Đúng là như vậy. Việc ân đền oán trả xưa nay là chuyện thường tình trong nhân thế. Đâu có ai quên được bao giờ! Nhưng giờ đây ta xem những mảnh nhung y khi chinh chiến phải phục sức vào cũng như những thành công ấy cũng chẳng qua là nhờ vào âm đức của tiền nhân cũng như sự gia trì của liệt Thánh. Còn chuyện tuyên dương những công trạng và phạt vạ những kẻ hàng giặc thì Anh Tông đã làm rồi.”

Hưng Đạo Vương thưa: “Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão và quý vị đương triều, theo chỗ tôi thấy thì dân ta đã quá khổ rồi, chắc cũng không cần phải tổ chức thêm những lễ lộc gì nữa hay cho xây dựng thêm cung điện nguy nga cũng chỉ làm hao tốn của công. Chúng ta hãy dốc tâm đề phòng phương Bắc bằng phương pháp nuôi dân tại địa phương làm lính để chờ thời. Nếu giặc phương Bắc hay phương Nam có quậy phá biên thùy thì ta có quân binh mà nghinh tiếp.”

Thượng Tướng Trần Khắc Chung cũng khải bạch: “Ngưỡng bạch quý Ngài cùng tất cả chư vị, thuở nào người xưa thường nói: ‘Khi chiến tranh người ta hay nghĩ đến hòa bình và trong khi hòa bình thì người ta lại chuẩn bị cho chiến tranh’. Theo thiển ý, giặc phương Bắc đã thua ta liểng xiểng đến 3 lần, nên chúng nào dám quậy phá để trả thù ta nữa. Vả lại Nguyên Thái Tổ đã băng hà, còn cháu nội ông ta thì nhút nhát, không một tướng tài nào có thể mạo hiểm đến đây một lần nữa đâu. Nếu có chỉ là phương Nam, nơi mà Ngài Giác Hoàng mới từ đó quy cố quốc. Chúng thần xin tôn ý của Ngài.”

Giác Hoàng chậm rãi nói: “Mục đích chính của ta muốn sang Chiêm Quốc là vì muốn tình giao hảo của hai nước càng ngày càng gần gũi hơn, và sau 9 tháng sống tại đó ta thấy rằng Chế Mân là một bậc quân vương anh hùng, tài ba lỗi lạc. Cai trị dân được ấm no, hạnh phúc, nhà nhà đều nghe tiếng giã gạo dưới ánh trăng khi mùa màng đã gặt hái, và đặc biệt là những kiến trúc chùa tháp thật là kỳ vĩ, có những đường cong giống như Ấn Độ giáo, không lai kiểu kiến trúc Trung Hoa như đất nước Đại Việt của mình và còn nhiều thứ nữa cũng đáng nói lắm đấy chứ!”

Anh Tông thưa: “Muôn tâu Đại sư, Mẫu hậu và chư vị. Phàm làm vua, nếu không lấy hạnh phúc của dân làm hạnh phúc của mình, không lấy nỗi khổ của dân làm nỗi lo của mình thì vị ấy không gọi là một minh quân. Qua lời giải thích của Đại sư con nghĩ rằng Chế Mân là một vị vua đủ cả tài lẫn đức! Nhờ vậy mà Đại sư ở đó đến 9 tháng mà cũng chưa muốn quy cố hương.”

Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi thưa: “Muôn tâu Giác Hoàng và chư vị hiện tiền! Văn học của nước Đại Việt chúng ta lâu nay ảnh hưởng nền văn hóa Trung Quốc, ngay cả văn tự cũng như cách kiến trúc. Nay nhân chuyến tuần du 9 tháng tại Chiêm Thành, Ngài đã tiếp xúc được với nền văn minh Đông Nam Á cổ. Vậy chúng giống và khác nhau như thế nào với chúng ta?”

Giác Hoàng trả lời: “Ngài Trạng Nguyên hãy lắng nghe đây. Giữa con người và con người, giữa quốc gia và quốc gia có nhiều điểm giống nhau và nhiều điểm khác nhau lắm, làm sao có thể phân biệt hết được. Ngài đã chẳng nghe Đức Phật dạy rằng: “Dầu con người ở giai cấp và địa vị nào đi chăng nữa hay dẫu cho màu da, phong tục có khác đi nhiều so với các dân tộc khác, nhưng chắc chắn một điều là máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn cả”. Đâu phải người da đen là máu đen, người da trắng là máu trắng. Tất cả máu đều cùng một màu và Phật tánh cũng chỉ một mà thôi. Ngài hãy bình tâm lại để chiêm nghiệm lời Phật dạy.”

Vũ Thành Vương góp ý: “Theo thiển ý của tôi thì nhà ai lo nhà nấy vẫn hơn. Tại sao phải bang giao với nhau, rồi tranh giành ngôi báu, địa vị làm gì như thế cho khổ thân nhỉ?”

Anh Tông bảo rằng: “Ai mà cũng nghĩ như Cậu thì thế giới này đâu có đao binh.”

Thiên Trân Công chúa tiếp lời: “Em xin cảm ơn Hoàng huynh và Đại sư cùng Mẫu hậu cũng như chư vị hữu công đối với triều Trần của chúng ta, nhưng con nghe phong phanh nơi hậu cung cũng như tại Phủ Thiên Trường là Đại sư muốn ước gả Huyền Trân, em con cho vua của xứ ấy? Ngôn ngữ, phong tục, tập quán, cách ăn mặc, lễ nghi v.v… ôi thôi đủ thứ. Đại sư nghĩ như thế nào mà đã định ước cho việc ấy? Vả lại em con còn nhỏ dại mới 14 tuổi đời.”

Giác Hoàng mỉm cười và trên tay tiếp tục mân mê tràng hạt niệm Phật không thành tiếng, đoạn trả lời cho Công chúa Thiên Trân cũng như có ý muốn nói lớn cho mọi người cùng nghe và cùng hiểu: “Phàm là con gái lớn lên phải lấy chồng, đó là việc trời đất xưa nay. Bây giờ Huyền Trân đã 14 tuổi, cái tuổi đã bắt đầu lớn khôn hiểu biết rồi. Vả lại cũng phải đợi năm ba năm nữa mới làm lễ cưới, nhiều lắm là lễ đính hôn nay mai để giữ lấy hôn ước ấy. Trừ phi Huyền Trân xuất gia thì không ai nài ép gì cả.”

Huyền Trân đứng dậy thưa: “Muôn tâu Đại sư, Mẫu hậu, hoàng huynh, quý cậu và chú, bác hiện tiền. Con vốn còn nhỏ dại chưa biết gì. Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” và ngày xưa khi Đại sư xuất gia tại Chùa Bút Tháp, lúc ấy con mới 9 tuổi, nhưng khi thấy cậu Tuệ Trung đặt dao kéo lên đầu của Đại sư để cắt đi mái tóc hoa râm, lòng con xúc động vô cùng và kể từ dạo ấy con luôn tâm niệm rằng: Nếu một ngày nào đó con được theo Đại sư xuất gia đầu Phật, thì quả là một phước báu cho con.”

- Bậy nào! Con gái của ta tuy hiểu biết cái khổ của đường tình duyên là gì rồi và sợi dây tơ của bà Nguyệt Lão đã xe cho hai người nam và nữ trở thành chồng vợ vẫn là chuyện đã an bày xưa nay mà!

- Con hổng chịu đâu! Con đâu thấy ông tơ bà nguyệt nào đâu! Con chỉ thấy Đại sư đã đi tu rồi, tại sao lại còn buộc con vào đường tình ái. Nếu cuộc đời này là hạnh phúc miên viễn, thì tại sao Đại sư không ở lại với chúng con tại Phủ Thiên Trường để hưởng vinh hoa phú quý, mà vào núi Yên Tử để làm gì vậy?

- Người lớn đã định ước rồi, thì con nên nghe theo và nếu ngày sau con vẫn còn có ý định xuất gia như ta vào lúc cuối đời cũng đâu có muộn. Xuất gia không phải chỉ để cạo tóc, mà cạo tâm. Vả lại ta thấy mái tóc của con còn xanh mướt một màu, hãy khoan vội chán cảnh sống lứa đôi, cố tìm nơi tịch tĩnh thì cũng chẳng lợi lạc gì trong lúc này.

Thượng Tướng Trần Khắc Chung thưa: “Ngưỡng bạch Giác Hoàng! Muôn tâu Bệ hạ! Theo hạ thần thấy, từ cuối Lý đầu Trần, cái lệ đi tu đối với các bậc quân vương không hiếm. Ví dụ Vua Lý Huệ Tông sau khi nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng rồi đi xuất gia ở Chùa Chân Giáo, trở thành Thiền sư Huệ Quang và Thái Tông của chúng ta đã chán cảnh sống trong cung hoàng nên nửa đêm đã bỏ tất cả, một mình một ngựa trèo núi băng rừng vào Yên Tử để gặp Quốc Sư Phù Vân và hiện tại như chúng ta thấy đó, Thượng Hoàng đã lìa ngôi báu, học hạnh đầu đà của Ngài Ca Diếp, không màng bã vinh hoa sau hai lần đại thắng Nguyên Mông, thì việc xuất gia vẫn là những hình ảnh đẹp tuyệt vời. Còn con gái, đang thời kỳ son trẻ như Công chúa Huyền Trân đây mà vào núi đi tu thì…”

Hoàng hậu Khâm Từ ngắt lời Thượng Tướng và tiếp tục giải bày rằng: “Đây là đứa con gái ‘cành vàng lá ngọc’ của chúng ta. Nó thông minh xuất chúng. Tại sao không gả cho những Trạng Nguyên, Bảng Nhãn người Đại Việt của mình mà Đại Sư Đầu Đà lại đem gả cho “thằng Mán, thằng Mường” ở đâu xa thăm thẳm như vậy? Vả lại ngôn ngữ, tập tục làm sao rõ biết hết! Thiên Trân đã có chồng rồi, nay chỉ còn một người con gái duy nhất đó. Xin Ngài hãy xét soi cho.”

- Việc học chữ Chiêm Thành thì nhờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên tìm Thầy dạy cho Huyền Trân. Hoàng hậu Khâm Từ hướng dẫn cho công chúa biết cách xử sự đối với chồng, cũng như dạy cho công chúa những lễ nghi cần phải biết trước khi về làm dâu Chiêm Quốc. Còn Anh Tông hãy chọn người tài vào Quốc Sử Giám và Quốc Sử Quán để chuẩn bị cho sự giao hảo giữa hai nước, trước cũng như sau khi thành thân giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

- Chúng hạ thần xin tuân lệnh.

Mọi người lui bước chỉ còn lại Hoàng hậu Khâm Từ và Huyền Trân Công chúa ngồi đối diện với Đầu Đà Đại Sư. Họ đã xa nhau nhiều năm rồi, kể từ năm 1294 đến nay 1301 cũng hơn 7 năm rồi còn gì nữa. Tình nghĩa giữa Quân vương và Hoàng hậu không còn nữa, mà họ bây giờ đối đáp với nhau như tình Thầy trò, đệ tử vậy. Khâm Từ Hoàng hậu mở lời:

- Bạch Ngài! Vương quyền và gia thế của người đó ra sao?

- Champa là một dân tộc đã lập quốc từ thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, sau này do việc khảo cổ nên mới thấy được nền văn hóa của Sa Huỳnh, đã nói lên được nền văn hóa của dân tộc này tại dải đất miền Trung nước Việt. Một dân tộc đã lập quốc trước Đại Việt và có một nền văn hóa rực rỡ, một nền kinh tế nông nghiệp phồn thịnh, một binh lực rất kiên cường, hiện hữu từ thế kỷ thứ 4 cho đến đầu thế kỷ thứ 14 này. Bây giờ Vua Chế Mân cai quản từ châu Ô, châu Lý cho đến Phan Rang, Phan Rí, uy dũng vô song và đã có Chánh cung Hoàng hậu đến từ xứ Java của Indonesia, gọi là Hoàng hậu Tapasi, cả hai đều xứng đôi vừa lứa. Nhưng khi qua Chiêm Quốc thăm viếng trong 9 tháng vừa qua, ta thấy tấm chân tình của Chế Mân đối với ta, với Đại Việt rất gần gũi, thân mật, do vậy ta muốn đi xa hơn nên cho Huyền Trân về đó làm vợ Chế Mân. Biết đâu nếu con mình tài ba, giỏi giang được sự tin tưởng của Chế Mân thì Huyền Trân sẽ được thay ngôi đổi vị.

- Bạch Ngài! Nhưng Chế Mân đã có Hoàng hậu đương triều?

- Việc ấy đâu có nệ hà gì. Vì lâu nay người ta vẫn thường nói rằng: “Trai thì năm thê bảy thiếp, còn gái chính chuyên chỉ một chồng.” Chắc là khanh đã biết điều này? Vả lại làm Vua hay Thái Thượng Hoàng như ta ngày xưa, có đủ điều kiện để lo cho cả hàng trăm cung tần mỹ nữ cũng được thôi. Bây giờ nơi hậu cung của thành Đồ Bàn có thêm một cô gái Đại Việt nữa thì càng làm cho cung điện và hoàng triều tại đó lộng lẫy hơn chứ có sao đâu mà khanh lo.

Người Trung Hoa xưa nay vẫn vậy, họ tự cao tự đại cho họ mới là nước có văn minh, văn hóa, nên gọi là nước chính giữa (Trung Quốc), còn những nước nhỏ ở phía Bắc Trung Quốc thì họ gọi là rợ Hồ và phía Nam Trung Quốc như Đại Việt và Chiêm Quốc là Nam Man. Ta cũng theo lệ ấy mà gọi người Chiêm Thành là thằng Mán, thằng Mường hay những dân tộc Man Di, Mọi Rợ, nhưng đứng về phương diện lịch sử để truy tầm thì họ văn minh hơn mình đó. Trong khi mình bị Trung Hoa chiếm cứ cả hằng ngàn năm, thì họ đã độc lập từ thế kỷ thứ 4 rồi. Từ đó họ có các nhà Sư như Khương Tăng Hội, Mâu Bác và Chi Cương Lương đã đến truyền đạo tại mảnh đất Giao Châu này và từ đó Đạo Phật mới phát sanh. Nếu không có Phật giáo thì dân tộc ta cũng đã mai một rồi.

Khanh không thấy sao? Như Vua Đường Thái Tông của Trung Quốc đã gả Công chúa Lý Văn Thành cho vua Tây Tạng là Can Bố để kết tình hữu nghị giữa hai nước lân bang và lôi kéo họ về với Đại Đường của Trung Hoa. Nàng được Vua Can Bố phong cho làm Hoàng hậu và thường cầu xin Phụ hoàng Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) giúp đỡ nước Tây Tạng phát triển nền kinh tế định canh, thay vì du canh như xưa nay và đem lại sự phồn thịnh cho Tây Tạng và đặc biệt Công chúa Lý Văn Thành đã cầu xin Vua cha ban cho kinh điển cũng như tượng Phật qua Tây Tạng và nàng ngày đêm cầu nguyện cũng như khuyên Vua Can Bố tin tưởng Đạo Phật và Bồ Tát Quan Thế Âm. Nhờ thế mà Phật giáo mới phát triển được như ngày hôm nay. Sau khi Vua Can Bố băng hà, bà thỉnh chư Tăng các nơi về cầu siêu cho chồng. Qua tiếng kinh lời kệ thuở ban đầu ấy mà người dân Tây Tạng dần dà biết được Đạo Phật là gì? Tiếp đó bà lên yên ngựa dong ruổi khắp nơi trên chốn núi đồi Tây Tạng, tiếp nối những công việc xây dựng chùa chiền cung điện của chồng mình làm còn dang dở và sau này khi bà chết, cả thần dân Tây Tạng đều quý kính tiễn đưa và lập miếu thờ.

Như vậy gả con đâu có mất, mà thân gái dặm trường khi ra đi chỉ một việc công, mà được cả hai chuyện nữa. Đó là việc nước nhà và việc Đạo. Như thế há chẳng xứng mặt là một đấng thuyền quyên?

- Muôn tâu Phụ hoàng! Công chúa Huyền Trân thỏ thẻ với cha và mẹ: “Người lớn đặt đâu con ngồi đó, nhưng sao con thấy mối tình này nó giống như đôi đũa lệch vậy! Ngôn ngữ không rành, mặt chồng chẳng biết. Chỉ có qua Phụ hoàng, con mới biết được một ít chuyện của nước Chiêm, nhưng biết sao hơn bây giờ! Thôi thì ‘nước non ngàn dặm ra đi’! Con xin giữ gìn tôn ý, nhưng cho con xin có nhiều thời gian để chuẩn bị một dặm đăng trình xa xôi như vậy.”

- Nên biết rằng, cả ta và khanh, cả người thân lẫn kẻ thù! Đâu phải một đời này mà nên duyên chồng vợ. Ta đọc trong Túc Sanh Truyện, ngẫm nghĩ những chuyện tiền thân của những kiếp xa xưa giữa Thái tử Tất Đạt Đa và Công chúa Da Du Đà La; giữa Đề Bà Đạt Đa và Đức Phật; giữa Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên v.v… Tất cả đều có nguyên nhân và hệ lụy cả. Ta đã trải qua hàng trăm ngàn kiếp yêu thương nhau như vậy, đâu phải chỉ có một đời. Bây giờ thành người rồi, chúng ta có áo quần để mặc, có vương miện để đội, có ngựa để đi, có xe để chạy, có cơm để ăn, có nhạc để thưởng thức, nhưng cả hàng trăm ngàn kiếp trước chúng ta đã có nhân duyên với nhau từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có lúc làm thú dữ, có khi làm ma vương, có lúc làm người đi săn, có khi làm người trộm cắp. Sau này khanh và con có dịp đọc lại kinh sách Phật dạy thì sẽ rõ biết điều ấy. Còn bây giờ thì…

Cả 3 người đang đối diện nói chuyện với nhau một cách gần gũi như cảnh “tình cũ nghĩa xưa” từ bao lâu nay ngăn cách, bây giờ mới có cơ ngơi thổ lộ. Đối với Giác Hoàng việc đạo việc nước là trên hết, cho nên dẫu đứng trên phương diện nào đi chăng nữa, việc nhà, nhất là của hoàng gia thì sau này đã có Anh Tông lo rồi, ngay cả chuyện gả Huyền Trân Công chúa về Chiêm Quốc, chính Anh Tông phải hành xử như việc “quyền huynh thế phụ” để cho hai nước cân xứng nhau.

Cả 3 người đang ngưng câu chuyện thảo luận thì bên ngoài có một chú Thị giả vào thưa rằng:

- Bạch Đại sư! Có hai người ăn mặc theo cách vương phục. Có nên cho họ vào chăng?

- Con cứ cho vào.

Thấy Anh Tông và Trần Khắc Chung bước vào, Giác Hoàng nói:

-Tưởng là ai, các khanh chưa hồi loan sao?

- Nãy giờ chúng con ra ngoài bàn nhau chút việc và để Mẫu hậu cùng Phụ hoàng cũng như tiểu muội Huyền Trân có thời giờ tâm sự, nên chúng con bây giờ mới xin vào bái yết Phụ hoàng thêm một lần nữa.

- Các ngươi cứ thật mà trình bày.

- Ngưỡng bạch Ngài! Chúng con tài hèn sức mọn không suy nghĩ được những việc sâu xa như Ngài, nhưng nếu nay mai Chiêm Quốc có cho người sang đây cầu hôn thì chúng ta phải đòi sính lễ là gì để nạp sính theo tục lệ lâu nay của bản quốc và sau đó 3 hay 4 năm để cho Huyền Trân đủ 18 tuổi sẽ được kiệu giá về đất Chiêm để làm lễ xuất giá vu quy?

- Việc này ý các khanh như thế nào? Chứ còn ta thì đơn giản lắm. Chỉ vì ta thấy Chế Mân là một ông vua nhân từ, một anh hùng dân tộc của Chiêm Quốc. Vả lại suốt 9 tháng trường ta thực hành hạnh đầu đà đi khất thực hằng ngày để nuôi thân và hành hạnh của người xuất gia, ta thấy dân chúng ở đó rất là hạnh phúc, vì họ hiểu đạo lý cổ truyền, gìn giữ những gì xưa cũ và với tấm lòng từ bi của ta, ta chỉ muốn đem con gái Út của mình gả về đó làm vợ Vua Chế Mân thì hai nước Đại Việt và Chiêm Thành càng ngày sẽ càng được thân thiện hơn xưa nữa. Ta muốn nghe ý kiến của Anh Tông.

- Ngưỡng bạch Đại sư! Thân gái dặm trường thì em con chắc chịu nổi, dẫu cho có xa cha mẹ và những người thân đi nữa, cũng còn bên cạnh mình những cung nữ mến yêu cận kề trò chuyện, nhưng chuyện một Công chúa của một triều đình Đại Việt không thể chỉ có một sính lễ vàng bạc, ngọc ngà châu báu là đủ mà phải là…

Thượng tướng Trần Khắc Chung tiếp lời Vua Anh Tông: “Kính bạch Đại Sư! Phải là một sính lễ có một không hai mà chúng con đã hội kiến bên ngoài, theo đó sính lễ phải nộp để cưới Huyền Trân là châu Ô và châu Lý. Nếu bên triều đình Chiêm Thành chấp thuận trong lễ hỏi diễn ra vào tháng 2 năm sau như họ đã trình tâu thì Đại Việt chúng ta mới cho tiến hành hôn lễ sau đó.”

- Không lẽ đem thân phận của một Công chúa cành vàng lá ngọc đi đổi lấy đất đai về cho mình?

- Muôn tâu! Chính địa phận của hai châu này rất hiểm trở và chúng ta cần phải mở rộng bờ cõi về phương Nam sau này, nếu Đại sư chấp nhận thì đây là điều kiện cần và đủ để chúng con đưa ra khi họ đến đây nộp sính lễ lần đầu?

- Ta rất ngại vì sự đổi chác như vậy. Vả lại bây giờ ta đã là người xuất gia rồi. Tùy các ngươi định liệu vậy. Nhưng các ngươi phải nhớ một điều là “nhân nào quả nấy” đấy. Xưa nay bất cứ cái gì xảy ra trong cuộc đời này, bất cứ cái gì cũng có thể đúng và có thể sai, nhưng nhân quả không bao giờ sai mà lúc nào cũng luôn luôn đúng. Phật dạy xưa nay chưa từng sai một mảy may nào.

- Chúng con xin đa tạ thâm ý của Ngài.

Cả một đoàn xa giá rút lui khỏi chốn Yên Tử, họ trả lại không khí yên lành của đồi Yên Tử và Ngọa Vân Am. Giác Hoàng sau khi tĩnh tọa, Ngài đã tiếp tục soạn lục thời khóa tụng cho chư Tăng Ni của Thiền Phái Trúc Lâm hành trì. Đó là kinh để tụng sáu lần trong một ngày cũng như những bài kệ của Trúc Lâm về “Có và Không” như sau:

Có có không không
Dây khô cây ngã
Thầy tu áo vá
Đau não điên đầu
Có có không không
Thể lộ gió thu
Hằng hà sa số
Gươm nhọn đâm nhằm
Đao bén chạm phải
Có có không không
Lập tông lập chỉ
Đập ngói, soi rùa
Leo núi, lội sông
Có có không không
Chẳng có chẳng không
Ghi dấu mạn thuyền
Sau này tìm kiếm
Xách theo họa đồ
Đi lùng ngựa đẹp
Có có không không
Hoặc có giữ gìn
Hoặc không giữ gìn
Tuyết trên nón lá
Hoa trên hài nhung
Ôm cây đợi thỏ
Có có không không
Từ xưa tới nay
Chấp vào ngón tay
Quên mất mặt trăng
Đất bằng chìm xuống
Có có không không
Như thế như thế
Tám chữ tháo tung
Không nơi bám víu
Có có không không
Nhìn trái nhìn phải
Tra tra xét xét
Phố chợ ồn ào
Có có không không
Lo lắng xót thương
Cắt đứt sắn bìm
Bên đó bên đây
Thảy đều khoái hoạt.

(Thích Nhất Hạnh dịch)

Chín bài kệ “Có Không” này của Giác Hoàng nói lên được tâm tư của Ngài đã chứng được Kim Cang Tam Muội. Việc đến đi, còn mất đối với Ngài không còn quan trọng nữa. Đạt đến đỉnh không như 9 bài kệ này của Giác Hoàng tức là đạt đến chỗ vô trụ nơi cửa Thiền. Với Ngài bây giờ tất cả là một cái không to tướng, dầu cho vật đổi sao dời thì tư tưởng thoát tục giải thoát của Ngài đã ngự trị suốt cả cõi Đại Việt này rồi.

Sau khi đi Yên Tử Sơn về, mỗi người trong phái đoàn đã gặp Giác Hoàng rồi có một cái nhìn và sự nhận thức khác nhau, không ai giống ai hết.

Tuệ Trung Thượng Sĩ thì vẫn an lạc như xưa, ông tiêu diêu tự tại, không đoái gì đến chuyện triều đình nữa, vì ông quan niệm rằng: Phàm làm dân trong một nước, khi quốc gia lâm nguy, kẻ không có học vẫn còn trách nhiệm với sơn hà xã tắc, thì kẻ sĩ không thể ngồi đó khoanh tay lại để chờ thời mà phải xông pha ra chiến trường để dẹp loạn. Sau khi giặc yên, mỗi người trở lại cương vị cũ của mình. Đó là nói về việc chiến tranh, còn bây giờ phương Bắc đã yên, phương Nam lại chẳng có chuyện gì cả, đã vậy đứa cháu làm Thái Thượng Hoàng ấy sang Chiêm Quốc thăm viếng và thấy cảm tình với vua tôi nhà Chiêm nên định gả con gái cho. Như vậy với ông, một kẻ thoát tục đã lâu, không cần để tâm đến nữa.

Hưng Đạo Vương đóng vai là Quốc Trượng, cha vợ của Trần Nhân Tông, vừa là cậu ruột nữa và trong tay ông có rất nhiều uy quyền. Những sự tư duy và chỉ đạo của ông luôn được Thượng tướng Trần Khắc Chung thừa hành một cách rốt ráo. Cho nên trong lần này ông và Trần Khắc Chung đã bàn tán rất kỹ về chuyện sính lễ hai châu Ô, châu Lý và khiến đứa cháu đang làm vua, kêu mình bằng ông cậu là Trần Anh Tông phải tuân theo không thể hòa hoãn cũng như không thể không thách cưới được. Vì dẫu sao đi chăng nữa Huyền Trân là một đứa con gái mới lớn, còn Chế Mân đã có Chánh cung Hoàng hậu rồi, nên để rước một nàng Công chúa con vua Đại Việt về làm vợ thì phải hy sinh cái gì đó là điều hẳn nhiên, mà hai châu Ô, Lý ấy phải đâu xa, nó cũng nằm sát nách phía Nam của Đại Việt. Thế thì một công hai việc lại được lưỡng toàn. Ai cũng được, mà ai cũng mất. Chế Mân thì được sở hữu một cành vàng lá ngọc, nhưng phải chịu mất đất đai để làm sính lễ; còn Đại Việt đã mất đi người con gái Út được cưng chiều nhất của Nhân Tông và Khâm Từ, nhưng bù lại được rộng thêm biên cương bờ cõi.

Riêng Vũ Thành Vương và Thiên Trân Công chúa không có ý kiến gì cả. Họ chỉ buồn, vì trong hoàng tộc Nhà Trần sẽ mất đi một thành viên, lấy chồng xứ lạ, bao giờ mới gặp mặt lại mẹ cha, anh em dòng họ được. Họ không nói vào, chẳng nói ra, không bàn qua lẫn tính lại. Vì họ nghĩ rằng những gì mà Quốc Trượng Hưng Đạo Vương cũng như Thượng Tướng Trần Khắc Chung và Hoàng Đế đương triều Anh Tông đã hợp ý với nhau là được rồi.

Chỉ riêng Hoàng hậu Khâm Từ và Công chúa Huyền Trân thì âu sầu ủ dột, mẹ con không rời nhau nửa bước, vì bà biết rằng con mình còn nhỏ dại chưa biết luật nghi của triều đình Chiêm Quốc như thế nào, khi một nàng dâu từ ngoại quốc về đó đóng vai thứ phi. Sự ăn uống ra sao? Ngôn ngữ sẽ như thế nào khi giao tiếp. Tuy nhiên theo phép tắc của hoàng triều và tinh thần “Tam tòng tứ đức” của Nho gia bà cũng đã dạy cho Huyền Trân rất kỹ rằng:

- Như con biết đó! Hoàng hậu chánh cung phải khác với thứ phi về cách phục sức cũng như đội vương miện. Chánh cung ngồi bên phải vua và thứ phi luôn ngồi bên trái. Nếu thứ phi mà sanh được con trai, trong khi chánh hậu chưa sanh sản gì hay sinh công chúa thì con hãy coi chừng. Vì tình chung ai dễ chia đều cho nhau đâu. Vả lại khi hoàng hậu không có con trai thì không được nhà Vua sủng ái và đôi khi vua lập thứ phi lên làm hoàng hậu cũng không chừng. Đôi khi cũng có chuyện “Linh miêu tráo chúa” như của Trung Hoa mà con đã từng nghe qua rồi, thì hãy để ý kỹ đến hàng cung nữ cận kề bên con. Họ không phải là người mà mình hoàn toàn tin tưởng được, cho nên con phải rất thận trọng trong việc này. Đó là chưa kể thù trong giặc ngoài, ai cũng muốn giữ chỗ đứng của mình đối với bậc quân vương, nếu mình sơ ý, nhiều khi cũng dễ bị sát hại một cách vô cớ. Những hoạn quan ở triều đình nào cũng phải để ý, vì họ là những người đa phần “hữu dõng vô mưu”, nên ta thường thấy trung thần thì ít mà nịnh thần thì nhiều là vậy. Nhưng con hãy tin nơi nhân quả như Phụ vương con vẫn thường hay dạy mà con đã nghe ở Phủ Thiên Trường hoặc ở trường Quốc Tử Giám rồi, nên Mẹ không cần phải lặp lại ở đây nữa, chỉ nhắc con nhớ “ở hiền gặp lành” và “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn”. Tuy nhiên nhân quả có nhiều loại và nhiều trường hợp chồng chéo khác nhau khó lường lắm. Do vậy 37 phẩm trợ đạo con phải luôn nhớ khắc ghi trong lòng, nhất là Tứ Chánh Cần.

- Thưa Mẹ! Con đã hiểu, nhưng xin Mẹ nhắc lại “Tứ Chánh Cần” một lần nữa cho con nghe để con ghi nhớ vào lòng.

- Đó là:

Việc ác chưa sanh thời đừng làm cho nó sanh
Việc ác đã sanh rồi thì đừng làm cho nó sanh ra nữa.
Việc thiện chưa sanh thì làm cho nó sanh
Việc thiện đã sanh rồi thì cố gắng làm cho nó sanh thêm nữa.

Con sẽ là mẫu nghi của thiên hạ, dầu là thứ phi đi chăng nữa, nhưng nếu tâm con cố gắng thực hành Bồ Tát hạnh và Tứ Chánh Cần mà Đức Phật đã dạy tự ngàn xưa thì dầu cho ở đời này hay trong đời sau đi chăng nữa, bao giờ phước báu cũng sẽ luôn đến với con. Khi con người có quyền thế và tiền bạc trong tay hay khinh thường kẻ khác, tự cho mình là đứng trên tất cả, nhưng tiền và quyền đâu có gì là bền vững. Có đó rồi mất đó và tất cả đều bị vô thường chi phối. Phàm là đấng quân vương hay mẫu nghi trong thiên hạ phải quán triệt điều này. Con hãy lấy tấm kính chiếu hậu của Phụ vương con mà soi. Ngài có tất cả và đã bỏ đi tất cả. Thế mà lại được tất cả đấy con! Còn người nào cứ bo bo gìn giữ của cải giả tạm, ngay cả cái thân này đi nữa, đâu có vĩnh cửu, mà chúng luôn bị sự vô thường, khổ, không và vô ngã chi phối. Do vậy việc nào con cảm thấy là bất thiện thì hãy dừng ngay, kể cả trong tư tưởng mới khởi lên, chứ không nhất thiết là đã xảy ra bằng hành động và những gì không tốt đã xảy ra rồi thì hãy cố gắng đừng cho phát sanh ra thêm nữa. Con thấy đó! Đức Phật đã từng dạy rằng: Trong đời này chỉ có hai hạng người đáng quý. Đó là người không bao giờ gây ra lầm lỗi. Chắc chắn không phải là chúng ta rồi, chỉ có Phật và Bồ Tát mới thể hiện được điều ấy. Hạng người thứ hai là có lỗi xong, biết sám hối sửa đổi. Có như vậy cuộc đời này mới đáng sống hơn…

- Sao con nghe giống như một bài pháp mà Phụ Vương con thường hay dạy quá!

- Ừ! Thì ta cũng nhờ đó mà thâm nhập chứ sao!

Bây giờ con hãy nghe tiếp phần còn lại của Tứ Chánh Cần là:

Việc thiện chưa sanh, cố gắng làm cho nó phát sanh. Ở đời kẻ xúi ta làm ác thì nhiều vô số kể, ở đâu cũng có, mà người khuyên ta làm lành thì ít lắm. Cho nên khi con thấy người khác đói khổ, phải lấy cái khổ đó làm cái khổ của mình thì mới cảm nhận được cái thiếu thốn, cơ cực, khổ đau là gì và từ đó con có thể dùng từ tâm của mình để ban trải phước đức đến cho mọi người. Ở đời này cái gì mình cho, thì cái ấy luôn còn, mà cái gì mình cố bám víu giữ chặt, thì nó hay mất. Con không thấy đó sao! Nếu trong tay mà chỉ nắm chắc một vật, thì không thể nắm được vật khác, mà hãy buông ra, lúc ấy ta mới có thể nắm thêm vật khác được. Làm phước, bố thí, cúng dường cũng như vậy đó. Con về quốc độ kia chắc có nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, nên phải chuyên tâm làm phước, bố thí, cúng dường để cho vương quyền luôn bền vững, thế đạo mới hưng long. Nhưng sự bố thí cúng dường có bốn loại khác nhau.

Trong một bài Kinh, Đức Phật có giải thích bốn loại thanh tịnh cúng dường đó như sau:

- Cúng dường được thanh tịnh bởi thí chủ chứ không bởi người thọ nhận. Ở đây, thí chủ là người giới đức, thiện tánh và người thọ nhận là người không đạo đức, ác tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi thí chủ chứ không bởi người thọ nhận.

- Cúng dường được thanh tịnh bởi người thọ nhận chứ không do thí chủ. Ở đây, thí chủ là người không đạo đức, ác tánh và người thọ nhận là người giới đức, thiện tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi người thọ nhận chứ không bởi thí chủ.

- Cúng dường không được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận. Ở đây, thí chủ và người thọ nhận đều là người không giới đức, ác tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy không được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận.

- Cúng dường được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận. Ở đây, thí chủ và người thọ nhận đều là người giới đức, thiện tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận.

Đức Phật giải thích thêm: "Khi một người giới đức bố thí đến một người không đạo đức, với tâm trong sạch không cấu nhiễm, vật thí có được một cách chân chánh, đặt niềm tin lớn vào quả của nghiệp. Để có được những lợi ích cao thượng, người bố thí phải hoàn tất bốn điều kiện vừa kể , thì lúc ấy mặc dù người thọ nhận là một người không đạo đức, việc cúng dường vẫn được thanh tịnh bởi thí chủ.

- Con xin vâng! Và con xin làm theo lời dặn dò của Mẫu hậu.

- Nhưng còn nữa. Đó là việc tam tòng tứ đức. Tuy Nho học ngày nay còn thịnh hành, nhưng có mấy ai giữ gìn được trọn vẹn. Thế nhưng nó cũng không có nghĩa là thiếu đi những bậc “Tiết Hạnh Khả Phong” mà vua chúa xưa nay đã phong cho những người đàn bà sau khi kết hôn, mà lỡ chồng có chết sớm thì ở vậy nuôi con cho lớn khôn, nếu con có chết thì giúp cho cháu nên người chứ không tái giá khi con cháu mình chưa đến tuổi trưởng thành. Niềm vui của người phụ nữ là thấy gia phong hay vương quyền của chồng mình vững chắc, con cái nên người. Một mai nếu chồng có mệnh bạc thì ở vậy nuôi con, thờ chồng nên người xưa mới quý, chứ chuyện tái giá hay lấy người chồng khác cũng là sự thường tình ở đời thôi! Nhưng làm chi như vậy để miệng thế mỉa mai, dè bỉu. Hãy can đảm lên con. Còn tứ đức là sao?

Đó là công, dung, ngôn, hạnh của người con gái, khi còn ở nhà với cha mẹ mình cần phải học hỏi cho kỹ trước khi đi lấy chồng.

Công là những việc làm trong nhà, ngoài ngõ. Phàm là đàn bà con gái phải biết quán xuyến gia nghiệp của người chồng, xem gia tộc của nhà chồng cũng giống như gia tộc của mình. Phải biết sắp đặt cho kẻ ăn người ở xứng tầm với khả năng của họ và thưởng phạt phải công minh thì họ mới nể vì mình; nếu chỉ vì những kẻ dua nịnh ton hót mà mình quan tâm, còn những kẻ ăn ngay nói thẳng, mình lại trách mắng họ. Quả thật, mình mới là người thiếu trí tuệ.

Dung ở đây có nghĩa là dung nhan, sắc đẹp. Người xưa thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng phàm là một đấng quân vương đa phần là mê tài và sắc của phụ nữ. Con đã từng nghe Mẹ kể về Đắc Kỷ, Trụ Vương hay Chung Vô Diệm, Tây Thi của Trung Quốc rồi, thiết tưởng Mẹ không cần phải lặp lại nữa. Đa phần phụ nữ chỉ chưng diện bề ngoài cho đàn ông vừa ý, nhưng con biết không? Khuynh hướng của người đàn ông, con trai luôn luôn là khuynh hướng muốn chiếm hữu. Sau khi chiếm được một bóng hồng nào đó rồi, chỉ một thời gian thôi, là họ sẽ đi tìm bóng hồng khác. Cho nên người đàn bà tại sao phải luôn luôn làm đẹp là vậy. Nếu không, sẽ bị chồng chê, chồng bỏ. Còn đàn bà của chúng ta luôn luôn có khuynh hướng nương tựa. Nếu đấng mày râu nào xét thấy là không có của, có sức mạnh hay thô bạo mà người đàn bà cảm thấy không nhờ cậy được, thì họ sẽ xa lánh để đi tìm người khác. Đó là nói chuyện chung chung thôi! Chứ phận con đâu phải là vậy. Con gái đã lấy chồng rồi như ván đã đóng đinh, hãy thờ chồng như những mẫu nghi thiên hạ xưa nay đã làm, mới xứng đáng là người con gái của nước Đại Việt đem chuông đi đánh xứ người.

Ngôn là lời nói, lời nói phải cẩn trọng. Lúc nào cũng phải gọi dạ, bảo vâng. Không thể không thưa, không bẩm, không bạch, không trình khi muốn nói vấn đề gì, dầu cho người quen thân đầu ấp tay gối với mình là một bậc quân vương đi nữa, vì thể diện của họ lớn lắm. Con chớ quên điều này. Ở phòng riêng hay ở chốn công đường người con gái ăn nói phải giữ lễ. Được như vậy mới làm nên tất cả, chứ có tiền và có quyền chưa hẳn đã làm cho người ta phục đó con!

Còn hạnh đây tức là đức hạnh của người phụ nữ. Ông bà ta ngày xưa thường nói: “Có đức mặc sức mà ăn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp” cũng thế! Người đẹp đến bao nhiêu mà không có nết na dịu dàng, đoan chánh như một thục nữ, thuyền quyên, thì người đàn bà ấy ngày xưa không được trọng dụng. Còn ở đây con đã đẹp, đã thùy mỵ, mà đức hạnh cao vời nữa, làm sao Chế Mân có thể khinh con được. Khi con bị chê, tức là Phụ hoàng con và Mẹ cũng bị ảnh hưởng. Cho nên con phải cố gắng làm sao cho cha mẹ và dân tộc hai nước an hòa là cha mẹ vui lắm rồi. Con cũng đã nghe nói rằng:

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây phước (đức) để đời về sau”

Cây hạnh ra bông rất đẹp, nhưng cái đẹp ấy sẽ có ngày tàn phai; chỉ có cái phước và cái đức hạnh của một người con gái, cái ấy mới gìn giữ được lâu dài. Nó không có hình tướng, nhưng sự thưởng phạt của nhân quả rất công bình. Nó như bóng theo hình. Nếu hình cong thì bóng vẹo, hình thẳng thì bóng ngay là vậy. Không thể nào khác hơn những điều mà Mẹ vừa nói với con bên trên được nữa. Ngày xưa bà ngoại con cũng đã dạy Mẹ như vậy. Bây giờ Mẹ cũng trao truyền lại cho con như thế. Con hãy cố gắng mà giữ gìn gia phong của họ Trần này để tiếng thơm được muôn thuở nghe con.

- Xin niệm ân Mẫu hậu. Những lời Mẹ dặn, con sẽ khắc cốt ghi tâm.

Sau khi nghe những lời của Mẹ dặn một cách chí tình trước khi về làm dâu Chiêm Quốc, Huyền Trân trở về lại căn phòng mình để nhìn ngắm lại những vật kỷ niệm một lần nữa, để biết đâu ngày mai hay năm tới mình không còn săm soi, ngắm nghía chúng nữa, bởi lẽ quan san nghìn dặm, việc tới lui đâu phải giản đơn như trong Phủ Thiên Trường này hay nơi cung điện Thăng Long, mà là xa lắm, xa tít tận cuối chân trời kia.

Nàng nằm đó và suy nghĩ mông lung về người chồng tương lai. Ta với Chế Mân, hai người xa nhau trong muôn vạn dặm, chỉ biết về nhau qua Phụ hoàng ta thôi, và bây giờ ta phải làm vợ người. Nhưng cái tơ vương ấy từ đâu đến mà quấn chặt lấy ta như vậy? Nếu nói là tình yêu thì không đúng, vì trong tim ta chưa có hình ảnh của người ấy ngự trị. Hay là ta đã dễ dàng chấp nhận và tơ vương một mối tình mà Phụ hoàng ta đã vì việc nước, việc dân mà gán ép cho ta? Phận con gái chỉ biết vâng lời, nếu cãi lại lệnh cha, tức phạm vào tội khi quân, ta nào đâu dám, nhưng ta hy vọng rằng Phụ hoàng ta có cái nhìn đúng đắn, chuẩn mực.

Kẻ đa tình nào cũng là những kẻ yếu đuối, háo sắc, kể cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ đa tình hay bị lụy vì tình, bởi vì họ không làm chủ được trái tim của chính mình vậy. Nhịp đập của con tim nó không đi đôi với sự sai khiến của lý trí, nên mới đa tình như vậy. Thế nhưng đã bị mắc vào lưới tình rồi, thì không cách nào gỡ cho ra được. Cho nên Đức Phật cũng đã dạy rằng: “Nếu có kẻ nào đó bị đọa vào địa ngục trong trăm ngàn kiếp, sau khi mãn hạn cũng có ngày ra khỏi được những chốn đọa đày kia. Còn những ai đã bị lưới tình giăng bủa thì cả trăm nghìn kiếp cũng vẫn mãi bị buộc ràng.” Vậy thì ta và chàng có duyên nợ ba sinh gì đây chăng? Khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, khác tập quán… thế mà thành vợ chồng, kể ra cũng là một điều lạ. Nhưng thôi! Bây giờ suy nghĩ mãi chuyện ấy cũng đâu có lợi ích gì. Nó! Chính cái tình ấy nó đã khuấy động tuổi thanh xuân của ta. Đúng là con ma ở cõi nào đến đây phá đám ta rồi còn gì nữa. Chỉ có con ma yêu tinh này ở một cõi xa xăm nào đó nó đã giăng bẫy tình, đã cài sâu vào tâm thức của hai kẻ lâu nay ở xa nhau không biết, mà bây giờ nó buộc vào thì làm sao gỡ cho ra đây. Dầu cho những đấng tài hoa hay những người mệnh bạc cũng đều bị dây tơ tình ái này cột chặt lại. Chỉ có những con người xuất trần thượng sĩ như Phụ vương ta, mới là người đáng ngưỡng mộ. Nhưng ta không hiểu tại sao Phụ vương ta đã tìm cách thoát tục xuất gia, mà còn ta thì không thể, ông còn buộc ta vào một tình thế khó phân giải như thế này?

Ôi! Cái tình là cái chi chi? Xưa nay chẳng ai định nghĩa được. Khi đất trời này hình thành, sinh vật hiện hữu thì đã có những thứ tình này rồi.

Nguyễn Công Trứ về sau này, cũng có một bài thơ lưu lại cho đời nói về cái tình này:

Cái tình là cái chi chi
Dẫu chi chi, cũng chi chi với tình
Đa tình là dở, đã mắc vào đố gỡ cho ra
Khéo quấy người một giấc thiên ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy
Lại đưa hồn mộng ngủ canh đi…

(Chữ tình)

Cái tình này nó ghê gớm lắm. Dẫu cho người chết đã 1.000 năm đi nữa, mà khi nghe đến chuyện tình lại phải lồm cồm bò dậy lắng nghe để rồi chấp nhận hay để tơ vương! Quả thật là khủng khiếp. Nó đến lúc nào ta cũng không hay, nó đi lúc nào ta cũng không biết. Thế mà nó đã làm cho không biết bao nhiêu người khổ đau vì nó.

Từ giờ trở đi Huyền Trân Công chúa không phải chỉ học công dung ngôn hạnh của một người phụ nữ Đại Việt, mà nàng còn phải học tiếng Chiêm Thành cũng như những phong tục tập quán của nước mà nàng sắp tới nữa. Nghĩ cho cùng thì ngày xưa Tổ mẫu Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Thái Tông mới 8 tuổi, cái tuổi của con nít còn non, mà Cụ ông Trần Thủ Độ đã ép duyên, nhờ vậy mà cuối cùng một triều đại Nhà Trần đã được hình thành; còn bây giờ cái tuổi 14 của ta là cái tuổi đang lớn của người con gái, ta không còn nhỏ dại như xưa nữa, nhưng trông Nam nhìn Bắc thấy đâu cũng là những cạm bẫy chông gai, khó tránh, dễ lầm. Vậy ta phải làm gì đây khi gặp những cơn hoạn nạn như thế. Nàng suy nghĩ hồi lâu như vậy và thiếp đi khi nào không biết, trong giấc mơ nàng đã thấy Bồ Tát Quan Âm hiện ra trên đầu giường với tà áo trắng tinh, trên hai tay của Ngài có một nhành dương liễu và một bình nước cam lồ, Ngài khai thị:

- Này con! Phàm làm con gái, phận thuyền quyên có cả 12 bến nước, có bến đục bến trong. Những điều con nhận hôm nay là kết quả do con đã tạo ra trong nhiều đời trước. Vả lại con đi lấy chồng là một bổn phận to lớn. Đó là gìn giữ tình thân của hai nước thực sự đoàn kết lại với nhau để chống họa xâm lăng. Đây là một trách nhiệm nặng nề, không phải ai cũng làm được, chỉ có con thôi, nên Thượng Hoàng đã gửi gắm và chọn lựa. Con hãy bình tâm mà thực hiện những nghi lễ của triều đình đã tin tưởng giao phó cho con và khi nào nếu có lâm nguy giữa dông bão của cuộc đời thì con hãy niệm đến danh hiệu ta, lúc ấy ta sẽ đến. Còn bây giờ con có muốn thưa hỏi gì không?

- Kính bạch Ngài! Con có quá nhiều câu hỏi nhưng không biết bắt đầu bằng câu hỏi nào đây.

- Con cứ bắt đầu.

- Bạch Ngài! Kiếp trước con đã vụng tu như thế nào mà thân liễu yếu bây giờ phải chịu ra đi lấy chồng cách xa với quê hương Đại Việt trong muôn vạn dặm như vậy?

- Đầu tiên hãy nhìn về phước báu đã, còn nghiệp chướng thì ai mà chẳng có. Tu là chuyển nghiệp mà! Những nghiệp xấu ác, ta sẽ chuyển thành thiện lương. Đấy là con đường tu học Phật vậy. Nếu con kiếp trước mà không tạo phước nhiều thì làm sao kiếp này con đầu thai vào cung điện của nhà Vua, được gặp người cha thật đức hạnh nay đã xuất gia đầu Phật và vị này sẽ trở thành vị Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và Tổ thứ 4 của Phật giáo Đại Việt vậy. Còn nữa, Mẫu hậu của con cũng là một người đạo đức vô song. Khi cha con đi xuất gia rồi, thì chính bà đã tiếp tục thực hiện những việc như xây chùa, đúc tượng, tô chuông v.v… làm cho Phật giáo ở cõi Nam Bang này được hưng thịnh. Như vậy con sinh vào trong Hoàng gia này là một phước báu rồi đó. Còn có chồng về Chiêm Thành, trong cái rủi sẽ có cái may và trong cái may ấy sẽ có cái rủi ro khó lường. Lời ta báo mộng cho con hôm nay không phải để chỉ biết và lo cho ngày mai hay ngày mốt, mà cho cả một cuộc đời của con sau này vậy. Đây là một câu thần chú hộ thân rất quan trọng, con hãy luôn đeo nó vào người để được an ổn khi lâm nguy cũng như trong lúc khốn cùng. Bồ Tát Quan Âm đeo thần chú vào cổ của Huyền Trân, đoạn bay lên khoảng không trung vô tận bên ngoài căn phòng của nàng đang ngủ, nàng giật mình tỉnh giấc miệng vẫn còn la ú ớ thật lớn: Bớ! Quan Âm Bồ Tát! Đợi con với! Đợi con với! Tiếng kêu của nàng khiến cho Công chúa Thiên Trân nằm ngủ phòng bên cạnh cũng phải tỉnh giấc hỏi:

- Gọi ai trong đêm khuya vậy hả Huyền Trân. Em đang mơ và thấy gì hả?

- Em thấy Bồ Tát Quan Âm đến với em và trao cho em một câu thần chú. Nàng nhìn xuống ngực thấy có câu “Án Ma Ni Bát Di Hồng” hiện ngay trên ngực, nàng hỏi Thiên Trân Công chúa:

- Chú gì vậy chị?

- Ta cũng chẳng biết.

- Nhưng em có nghe Bồ Tát Quan Âm dặn rằng khi nào có hoạn nạn hay khó khăn thì hãy niệm đến câu thần chú này, thì mọi việc sẽ dễ dàng tiêu tan.

- Nếu vậy thì quá tuyệt vời rồi! Thôi em hãy đi ngủ tiếp đi.

Hôm đó nhằm ngày lành của tháng 2 năm 1302, nghĩa là sau 5 tháng khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tông hứa gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân, thì đoàn người mang lễ vật đính hôn từ Chiêm Quốc đã đến cửa biển gần Thăng Long, Vua Anh Tông cũng như Trần Hưng Đạo và Thượng Tướng Trần Khắc Chung cho những vị Đại Thần như Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài và các tướng tài như Yết Kiêu, Dã Tượng đến tận bãi biển để đón tiếp thật là linh đình. Có cả voi, ngựa, cờ, lọng cũng như những đoàn kỵ binh, tượng binh rất là hùng dũng, nhằm phô trương thanh thế của Đại Việt. Ngoài những voi ngựa để chở các quan lớn của Chiêm Thành, còn có thêm một số để chuyên chở ngọc ngà châu báu, trầm hương, vàng bạc, trân châu v.v… Đoàn tiếp rước đi qua đã lâu mà người cuối đoàn vẫn chưa đi hết. Chứng tỏ Chế Mân đã cho đem nhiều lễ vật để làm lễ đính hôn với Công chúa Huyền Trân, thật là có một không hai. Từ trước đến nay đã có những cuộc đưa dâu hay rước dâu của Hoàng tộc Nhà Trần nhưng chưa hề có ai được như vậy.

Vì đi đường xa mệt mỏi, nên cả phái đoàn hơn trăm người được tá túc tại chùa Quán Sứ. Đây là một ngôi chùa dùng để tiếp các Sứ Thần của các nước Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, Chiêm Thành… trước khi vào Thăng Long để bệ kiến Hoàng thượng đương triều, nơi này chính là chỗ cho các Sứ giả bày biện công văn, lễ nghi, phẩm vật triều cống cho Đại Việt hằng năm, nhằm nối kết sự giao hảo tốt đẹp giữa các nước láng giềng với nhau, nhưng phái đoàn hôm nay lại khác xa với những Phái đoàn triều cống trước kia, bởi vì đây là lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân cho Vua Chế Mân của họ.

Một vị Đại Thần Chiêm Thành hỏi một vị quan Đại Việt rằng:

- Khi tiến triều, chúng tôi đi cửa Ngọ Môn chính hay đi bên tả, bên hữu?

- Theo lịnh của Triều đình bổn quốc vì chưa phải là lễ cưới nghinh hôn, do đó Phái bộ chỉ nên tiến vào cửa Ngọ Môn bên phải, đoạn tiến lên đại điện, nơi đó đã có Hoàng thượng đương triều và bá quan văn võ của Đại Việt đang chờ đợi các Ngài để cung nghinh.

- Như vậy thì rất tiện lợi cho Chiêm Quốc. Tục lệ của quý quốc cũng không khác tục lệ của bổn quốc là bao nhiêu. Vậy xin tuân lệnh.

Cả đoàn cầu hôn và đoàn hộ giá của Đại Việt đã tiến thẳng vào sân chầu. Bên trong Đại Nội nghe tiếng hô Thánh thượng vạn tuế! Thánh thượng vạn tuế! Thánh thượng giá lâm! Thánh thượng giá lâm!

Sau khi thi lễ xong, Vua Anh Tông và triều đình bá quan văn võ cả hai bên chủ khách đều an tọa, tiếp đó qua người thông dịch viên thông thạo, mọi lễ nghi dâng nạp sính lễ Vua Chế Mân cầu hôn Huyền Trân Công chúa được thông qua. Nhưng sau đó Anh Tông và Thượng Tướng Trần Khắc Chung cũng như các quan lại Đại Việt đã đưa ra một đề nghị mà cả Phái Bộ cầu hôn không thể tự quyết định được, phải cần về trình tấu lên Vua Chế Mân cũng như triều đình Chiêm Thành. Đó là điều kiện muốn Huyền Trân Công chúa làm dâu Chiêm Quốc thì phải dùng châu Ô và châu Lý để làm sính lễ và đợi 3 đến 4 năm nữa mới làm lễ kết hôn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Gõ cửa thiền


Tổng quan về Nghiệp


Hát lên lời thương yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.195.81 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...