Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 34 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai - Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 34 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai - Phần hai

(Lượt xem: 9.377)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 34 - Phẩm BỒ TÁT CA DIẾP - Phẩm thứ mười hai - Phần hai

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Thiện nam tử! Nếu ai nói rằng Như Lai dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn, hoặc Như Lai không dứt tất cả mà vào Niết-bàn, những người ấy đều không hiểu được ý Như Lai nên mới nói ra những thuyết như vậy.

“Thiện nam tử! Trong Hương sơn có năm mươi ba ngàn vị tiên nhân, đều là những người vào thuở quá khứ đã tu các công đức nơi chỗ đức Phật Ca-diếp. Họ chưa chứng đắc Thánh đạo, chưa được gần gũi chư Phật để nghe và thọ nhận Chánh pháp. Như Lai vì những người này mới bảo A-nan rằng: ‘Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’ Chư thiên nghe được rồi bèn truyền tin ấy đến tận Hương sơn. Các vị tiên nhân kia nghe được tin ấy liền sanh lòng hối tiếc rằng: ‘Vì sao chúng ta được sanh trong loài người mà không được gần gũi Phật? Chư Phật Như Lai ra đời là việc rất khó gặp, cũng như hoa Ưu-đàm. Nay chúng ta nên đến chỗ Phật Thế Tôn để nghe và thọ nhận Chánh pháp.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, năm mươi ba ngàn tiên nhân liền đến chỗ ta. Ta thuyết pháp thích hợp với họ: ‘Chư đại sĩ! Sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì nhân duyên của sắc là vô thường. Do nhân duyên vô thường sanh ra nên sắc làm sao có thể là thường?... Cho đến thức cũng giống như vậy.” Bấy giờ, các tiên nhân nghe pháp ấy rồi tức thời chứng đắc quả A-la-hán.

“Thiện nam tử! Ở thành Câu-thi-na có tộc họ Lực-sĩ khoảng ba trăm ngàn người. Họ không chịu phụ thuộc ai, thường tự thị, kiêu căng với hình sắc, sức mạnh, thân mạng và tài sản mà họ có được; tâm ý họ rối loạn, cuồng say. Thiện nam tử! Vì muốn điều phục những người họ Lực-sĩ ấy, ta bảo Mục-kiền-liên rằng: ‘Ông nên điều phục những người họ Lực-sĩ ấy.’

“Bấy giờ, Mục-kiền-liên kính vâng lời dạy của ta, trong suốt năm năm trời cố dùng mọi cách để giáo hóa họ, nhưng không thể khiến cho một người nào [trong số họ] thọ pháp, được điều phục. Cho nên, ta lại vì những người họ Lực-sĩ ấy mà bảo A-nan rằng: ‘Còn ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, nghe được lời ấy, những người họ Lực-sĩ liền rủ nhau tụ tập, sửa dọn đường sá. Qua ba tháng rồi, ta bèn từ giã thành Tỳ-xá-ly, đi đến thành Câu-thi-na. Giữa đường, trông thấy những người họ Lực-sĩ từ xa, ta liền tự hóa thân làm một thầy sa-môn, đi thẳng đến chỗ bọn họ rồi hỏi rằng: ‘Bọn trẻ các con đang làm gì đó?’

Nghe hỏi như vậy, những người họ Lực-sĩ đều sanh tâm sân hận, trách mắng rằng: ‘Sa-môn! Sao ông dám gọi chúng tôi là bọn trẻ?’ Ta đáp: ‘Các con số đông đến ba trăm ngàn người, cùng đem hết sức mình mà chẳng dời được hòn đá nhỏ này, chẳng đáng gọi là bọn trẻ hay sao?’ Những người họ Lực-sĩ nói rằng: ‘Nếu ông dám gọi chúng tôi là bọn trẻ, hẳn ông phải là một bậc đại nhân!’

“Thiện nam tử! Bấy giờ, ta chỉ dùng hai ngón chân hất văng hòn đá lên. Thấy việc ấy rồi, những người họ Lực-sĩ ấy liền đối với thân mình tự sanh lòng chê trách là yếu ớt. Họ lại hỏi: ‘Sa-môn! Nay ông có thể dẹp hòn đá này ra khỏi đường đi chăng?’ Ta hỏi: ‘Này các con! Do nhân duyên gì mà các con sửa dọn đường này?’ Những người họ Lực-sĩ thưa rằng: ‘Sa-môn! Ông chẳng biết gì sao? Đức Thích-ca Như Lai sẽ theo con đường này đi đến rừng Sa-la để nhập Niết-bàn. Vì nhân duyên ấy nên chúng tôi dọn dẹp đường sá cho cho bằng thẳng.’

“Ta liền ngợi khen họ: ‘Lành thay! Các con đã phát lòng lành như vậy, ta sẽ giúp trừ bỏ hòn đá này cho các con.’ Ta bèn dùng tay nhấc hòn đá, ném lên tận cõi trời A-ca-ni-trá.

“Bấy giờ, thấy hòn đá còn đang lơ lửng trên không, những người họ Lực-sĩ đều lấy làm kinh sợ, muốn bỏ chạy. Ta liền bảo họ rằng: ‘Những người họ Lực-sĩ các con, nay chớ sanh lòng hoảng hốt muốn chạy trốn.’ Những người họ Lực-sĩ thưa rằng: ‘Sa-môn! Nếu ngài có thể cứu giúp bảo vệ chúng tôi, chúng tôi mới dám đứng yên nơi đây.’

“Bấy giờ, ta liền đưa tay ra đón lấy hòn đá, đặt trên lòng bàn tay mặt. Thấy vậy rồi, những người họ Lực-sĩ sanh lòng hoan hỷ, hỏi rằng: ‘Sa-môn! Hòn đá này là thường còn chăng? Là vô thường chăng?’

“Lúc ấy, ta dùng miệng thổi vào hòn đá. Tức thời, hòn đá tan nát thành bụi nhỏ. Thấy vậy rồi, những người họ Lực-sĩ cùng nói rằng: ‘Sa-môn! Đá này là vô thường.’ Họ liền sanh lòng hổ thẹn, tự trách mình rằng: ‘Tại sao chúng ta lại dựa vào sự tự tại, hình sắc, sức lực, mạng sống, tài sản của chúng ta mà sanh lòng kiêu mạn?’

“Biết rõ tâm ý của họ rồi, ta liền bỏ thân biến hóa, hiện nguyên hình [Phật] và thuyết pháp với họ. Những người họ Lực-sĩ được thấy nghe như vậy rồi, tất cả đều phát tâm Bồ-đề.

“Thiện nam tử! Tại thành Câu-thi-na, có một người thợ khéo tên là Thuần-đà. Người này thuở trước từng ở chỗ đức Phật Ca-diếp phát lời thệ nguyện lớn rằng: ‘Đến khi đức Thích-ca Như Lai nhập Niết-bàn, tôi sẽ là người sau cùng phụng thí ẩm thực!’ Vì vậy nên khi còn ở thành Tỳ-xá-ly, ta có bảo tỳ-kheo Ưu-bà-ma-na rằng: ‘Thiện nam tử! Còn ba tháng nữa ta sẽ đến thành Câu-thi-na, trong rừng cây sa-la mọc sóng đôi mà nhập Niết-bàn. Ông nên đến báo cho Thuần-đà được biết.’

“Thiện nam tử! Tại thành Vương Xá có vị tiên nhân ngũ thông tên là Tu-bạt-đà, sống thọ đến một trăm hai mươi tuổi, thường tự xưng là bậc Nhất thiết trí [rõ biết tất cả], sanh lòng kiêu mạn lớn. Người ấy đã từng đối trước vô lượng chư Phật quá khứ gieo trồng thiện căn. Vì muốn điều phục người ấy, ta bảo A-nan rằng: ‘Còn ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’ Nghe được lời ấy, Tu-bạt-đà ắt sẽ tìm đến chỗ ta, sanh tâm tín kính. Ta sẽ vì ông ấy mà thuyết giảng đủ mọi pháp lành. Nghe pháp rồi, người ấy sẽ được dứt hết phiền não [chứng quả A-la-hán].

“Thiện nam tử! Ở thành La-duyệt-kỳ có vị vua là Tần-bà-sa-la. Thái tử con vua tên là Thiện Kiến, vì nghiệp nhân duyên nên sanh lòng ác nghịch, muốn làm hại cha, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện. Bấy giờ, kẻ xấu ác là Đề-bà-đạt-đa cũng do nghiệp nhân duyên quá khứ nên sanh lòng dữ, muốn làm hại ta. Đề-bà-đạt-đa liền tu tập Ngũ thông, chẳng bao lâu đạt được năm phép thần thông ấy. Sau đó, Đề-bà-đạt-đa kết thân với thái tử Thiện Kiến, vì thái tử mà biến hóa mọi phép thần thông: không đi qua cửa mà vẫn ra ngoài được, lại theo cửa mà vào; hoặc đi qua cửa mà ra, lại không qua cửa mà vẫn vào được; hoặc thị hiện thân voi, thân ngựa, thân bò, thân dê, thân nam, thân nữ...

“Thấy vậy, thái tử Thiện Kiến sanh lòng ái mộ, vui vẻ kính tin theo [Đề-bà-đạt-đa]. Vì thế, thái tử Thiện Kiến liền bày biện nghiêm trang các món phẩm vật mà dâng hiến cho Đề-bà-đạt-đa, lại thưa rằng: ‘Đại sư Thánh nhân! Tôi muốn được thấy hoa mạn-đà-la.’

Đề-bà-đạt-đa tức thời hiện lên cõi trời Đao-lợi hỏi xin hoa ấy. Nhưng Đề-bà-đạt-đa là người đã hết phước nên chư thiên ở đó chẳng ai cho. Xin hoa không được, Đề-bà-đạt-đa bèn suy nghĩ rằng: ‘Cây mạn-đà-la vốn không tự có bản ngã, cũng không sở hữu các pháp khác; nếu ta tự lấy hoa ấy cũng không có tội gì.’ Đề-bà-đạt-đa liền bước tới toan hái hoa, tức thời mất hết thần thông, nhìn lại thấy mình [đã rơi xuống] giữa thành Vương Xá. Lòng sanh hổ thẹn, Đề-bà-đạt-đa không dám đến viếng thái tử Thiện Kiến, lại nảy ra ý nghĩ rằng: ‘Nay ta nên đến chỗ Như Lai, xin ngài giao lại đại chúng [chư tăng] cho ta. Nếu Phật ưng thuận, ta sẽ có thể tùy ý dạy bảo, sai khiến những người như Xá-lợi-phất.’

“Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ ta, nói rằng: ‘Xin Như Lai đem đại chúng này mà phó chúc cho tôi. Tôi sẽ dùng mọi cách thuyết pháp giáo hóa, khiến họ được điều phục.’ Ta đáp: “Ông thật ngu si! Người thông minh đại trí, được người đời tin phục như Xá-lợi-phất còn chưa được ta đem cả đại chúng mà phó chúc, huống gì ông là kẻ ngu si, chỉ biết lặp lại những lời người khác đã nói?’

“Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đối với ta càng sanh tâm xấu ác, liền nói: ‘Cồ-đàm! Nay tuy ông điều phục được đại chúng, nhưng thế lực chẳng tồn tại được lâu, chắc chắn rồi sẽ tàn diệt.’ Đề-bà-đạt-đa vừa nói ra lời ấy, toàn cõi đất này liền chấn động sáu lần. Đề-bà-đạt-đa đứng trơ trên đất, bên thân ông ấy có luồng gió cực mạnh thổi qua, làm cho bụi bặm, đất cát bám dơ cả người. Đề-bà-đạt-đa thấy tướng dữ ấy rồi lại nói rằng: ‘Nếu thân đời này của ta phải vào địa ngục A-tỳ, thế nào ta cũng phải trả mối oán thù sâu nặng này [với Cồ-đàm]!’

“Liền đó, Đề-bà-đạt-đa đến chỗ thái tử Thiện Kiến. Vừa thấy người, thái tử hỏi rằng: ‘Thánh nhân! Tại sao dung nhan ngài tiều tụy, ưu sầu?’ Đề-bà-đạt-đa nói rằng: ‘Tôi vẫn thường như vậy, thái tử chẳng biết sao?’ Thiện Kiến đáp rằng: ‘Xin ngài nói rõ ý, vì nhân duyên chi vậy?’

Đề-bà-đạt-đa liền nói: ‘Nay tôi với ngài rất thân thiết, người bên ngoài nói xấu ngài, thật là vô lý. Tôi nghe biết việc ấy, lại có thể không ưu sầu hay sao?’ Thái tử Thiện Kiến liền hỏi: ‘Người trong nước nói xấu tôi như thế nào? Đề-bà-đạt-đa đáp: ‘Người trong nước nói xấu ngài, gọi ngài là Vị sanh oán, [nghĩa là kẻ oán thù từ lúc chưa sanh].’ Thái tử Thiện Kiến lại hỏi: ‘Tại sao họ gọi tôi là Vị sanh oán? Ai đã đặt tên ấy?’

“Đề-bà-đạt-đa đáp: ‘Khi ngài chưa sanh ra, tất cả các thầy tướng đều nói rằng: ‘Đứa trẻ ấy về sau sẽ giết cha nó.’ Vì vậy, nên người bên ngoài đều gọi ngài là Vị sanh oán. Tất cả người trong cung vì muốn được lòng ngài nên gọi ngài là Thiện Kiến. Phu nhân Vi-đề nghe lời thầy tướng rồi, sau khi sanh ra liền từ trên lầu cao ném ngài rơi xuống đất, làm ngài gãy mất một ngón tay. Vì nhân duyên ấy, người ta lại gọi ngài là Bà-la-lưu-chi. Tôi nghe những điều như vậy lấy làm buồn rầu bấn loạn, nhưng không thể mang ra nói thẳng với ngài.’

“Đề-bà-đạt-đa đem những việc xấu ác như vậy kể ra để xúi giục thái tử giết cha, nói rằng: ‘Nếu cha ngài đã chết, tôi cũng có thể giết chết sa-môn Cồ-đàm.’

“Thái tử Thiện Kiến liền hỏi một đại thần tên Vũ Hành: ‘Đại thần! Tại sao Đại vương đặt tên cho tôi là Vị sanh oán?’ Đại thần liền kể nguồn gốc câu chuyện, cũng y như Đề-bà-đạt-đa đã nói, không khác chi cả.

“Nghe rồi, Thiện Kiến liền sai đại thần Vũ Hành đi bắt vua cha, giam ở ngoài thành, sai bốn loại quân canh giữ cẩn thận. Phu nhân Vi-đề nghe việc ấy rồi, liền đi đến chỗ giam vua. Những người canh giữ ngăn cản không cho bà vào. Khi ấy, phu nhân nổi giận, liền quở mắng bọn họ.

“Bấy giờ, những người canh giữ liền đến báo với thái tử Thiện Kiến: ‘Đại vương! Nay phu nhân Vi-đề muốn vào thăm vua, chẳng biết có nên cho vào hay không?’ Thiện Kiến vừa nghe liền sanh lòng giận tức, đi thẳng đến chỗ mẹ, nắm tóc bà kéo lên, vung đao muốn chém.

“Lúc ấy, [đại thần ngự y là] Kỳ-bà tâu rằng: ‘Đại vương! Từ khi lập quốc đến nay, dù tội rất nặng cũng không hại đến phụ nữ, huống chi là mẹ ruột của mình!’

“Nghe lời ấy rồi, thái tử Thiện Kiến liền vì Kỳ-bà mà buông tha mẹ, nhưng ra lệnh cấm tuyệt không để bà đem áo quần, mùng mền, đồ ăn uống, thuốc thang cho vua cha. Sau bảy ngày, vua liền mạng chung. Thái tử Thiện Kiến khi ấy mới sanh lòng hối hận.

“Đại thần Vũ Hành lại dùng đủ mọi pháp tà ác mà tâu lên: ‘Đại vương! Tất cả các hành vi tạo nghiệp đều không có tội, nay vì sao ngài lại sanh lòng hối hận?’

“Ngự y Kỳ-bà [nghe như thế] liền tâu: ‘Đại vương! Ngài nên biết rằng việc [ngài đã làm] như vậy phạm vào hai tội: một là giết hại vua cha, hai là giết vị Tu-đà-hoàn. Những tội nặng như vậy, trừ đức Phật ra thì không ai có thể trừ diệt được.’

“Vua Thiện Kiến liền hỏi: ‘Như Lai là bậc thanh tịnh, không chút bợn nhơ; ta là người có tội, làm sao có thể gặp ngài?’

“Thiện nam tử! Ta biết rõ việc ấy nên bảo A-nan: ‘Còn ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.’ Thiện Kiến nghe được lời ấy rồi liền tức thời tìm đến chỗ ta. Ta vì vua ấy thuyết pháp, khiến tội nặng được thành nhẹ, đạt được đức tin vô căn.

“Thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta nên cho rằng: ‘Như Lai đã nói chắc sẽ buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn.’

Thiện nam tử! Có hai hạng Bồ Tát: một là hạng Bồ Tát đúng nghĩa chân thật, hai là hạng Bồ Tát giả danh.

“Hạng Bồ Tát giả danh nghe nói rằng còn ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn, thảy đều sanh lòng thối chuyển, nói rằng: ‘Đức Như Lai còn là vô thường, chẳng trụ, thì chúng ta đây làm được gì? Vì sự vô thường ấy mà trong vô số kiếp chúng ta phải chịu khổ não lớn, nay Như Lai Thế Tôn thành tựu đầy đủ vô lượng công đức còn không trừ được ma chết, huống chi bọn ta lại trừ nổi hay sao?’

“Thiện nam tử! Cho nên vì hạng Bồ Tát ấy mà ta nói rằng: ‘Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta liền bảo rằng: ‘Như Lai rốt cùng không hề buông bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn.’

“Thiện nam tử! Có những chúng sanh sinh khởi quan điểm đoạn diệt, nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh sau khi thân mạng dứt rồi thì không có ai thọ nhận các nghiệp thiện ác.’ Ta vì những người ấy ta nên nói rằng: ‘Quả báo thiện ác thật có người thọ nhận.’

“Vì sao biết là có? Thiện nam tử! Vào thuở quá khứ, tại thành Câu-thi-na có một vị vua tên là Thiện Kiến. Thời niên thiếu của vua ấy kéo dài đến tám mươi bốn ngàn năm. Đến thời gian ngài làm thái tử cũng kéo dài tám mươi bốn ngàn năm. Cho đến khi ngài lên ngôi vua, thời gian trị nước cũng kéo dài tám mươi bốn ngàn năm.

“Đức vua ấy trong khi ngồi một mình ở nơi vắng vẻ tự suy xét rằng: ‘Chúng sanh phước mỏng, sống đời ngắn ngủi, thường có bốn mối oán thù đeo đuổi mà không tự biết nên mãi buông thả, lười nhác. Vì thế ta nên xuất gia tu hành, trừ dứt bốn mối oán thù là sanh, già, bệnh, chết.’

“Vua liền sai quan hữu tư làm một tòa nhà bằng thất bảo ở phía ngoài thành. Sau khi làm xong, vua tuyên cáo với tất cả quần thần, bá quan, hậu phi trong cung, cùng tất cả con cái và quyến thuộc rằng: ‘Mọi người nên biết, nay ta muốn xuất gia. Mọi người có thuận ý hay không?’

“Bấy giờ, tất cả đại thần và quyến thuộc của vua thảy đều tâu lên rằng: ‘Lành thay, Đại vương! Nay chính là lúc thích hợp.’

“Vua Thiện Kiến liền cùng với một người hầu đến ở tòa nhà ấy, trải qua suốt tám mươi bốn ngàn năm tu tập tâm từ. Nhờ nhân duyên của đức từ ấy mà về sau ngài được liên tiếp làm Chuyển Luân Thánh vương trong tám mươi bốn ngàn đời, lại làm Thích-đề-hoàn-nhân trong ba mươi đời, và làm tiểu vương trong vô số kiếp.

“Thiện nam tử! Vua Thiện Kiến thuở ấy nào phải ai xa lạ? Cũng không cần quán tưởng [tìm hiểu] việc ấy, [vì] chính là ta ngày nay đây.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng có ngã và ngã sở.’

“Lại có lần ta vì chúng sanh mà nói rằng: ‘Ngã tức là tánh. Chẳng hạn như: nhân duyên trong và ngoài, Mười hai nhân duyên, năm ấm của chúng sanh, cảnh giới tâm thức của thế gian, mọi công đức, hạnh nguyện, tác nghiệp, đời sống ở cõi trời Tự tại... đó gọi là ngã.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng có ngã.’

“Thiện nam tử! Lại một lần khác, có vị tỳ-kheo đi đến chỗ ta hỏi rằng: ‘Thế Tôn! Sao gọi là ngã? Ngã đó là ai? Vì duyên cớ gì mà có ngã?’ Ta liền vì tỳ-kheo ấy mà dạy rằng: ‘Tỳ-kheo! Thật không có ngã và ngã sở. Nói ngã đó tức là vốn trước không mà sau thành có, rồi từ có trở lại thành không. Khi cái ngã ấy sanh ra, chẳng từ đâu đến; khi nó diệt đi, cũng chẳng về đâu. Tuy có nghiệp quả nhưng không có người tạo tác. Không có người lìa bỏ năm ấm [cũ] và thọ nhận năm ấm [mới]. Như lời ông hỏi: Sao gọi là ngã? Ngã đó chính là các giai đoạn, thời kỳ [chuyển biến khác nhau].’ Lại hỏi: ‘Ngã đó là ai?’ ‘Chính là các nghiệp [thiện ác đã tạo].’ Lại hỏi: ‘Vì duyên cớ gì mà có ngã?’ ‘Chính là do nơi tham ái.’

“Tỳ-kheo! Ví như hai bàn tay vỗ lại, âm thanh do nơi đó mà sanh ra; cái ngã cũng vậy, do ba nhân duyên là chúng sanh, nghiệp [lực] và tham ái [mà sanh ra] nên gọi đó là ngã.

“Tỳ-kheo! Hình sắc của tất cả chúng sanh chẳng phải ngã; trong ngã không có sắc, trong sắc không có ngã; cho đến đối với thức cũng vậy.

“Tỳ-kheo! Những người ngoại đạo tuy nói rằng có ngã, nhưng rốt cùng không lìa khỏi năm ấm. Nếu nói rằng lìa khỏi năm ấm mà riêng có ngã thì thật là vô lý! Hành vi [tạo tác] của tất cả chúng sanh đều như huyễn hóa, như những gợn sóng lung linh hiện ra khi trời nắng gắt.

“Tỳ-kheo! Năm ấm đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ có vô số tỳ-kheo quán xét lẽ năm ấm là không có ngã và ngã sở, nhờ đó chứng đắc quả vị A-la-hán.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói chắc rằng không có ngã.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh ta lại có dạy rằng: ‘Có ba việc hòa hợp nên [chúng sinh] có thân này: một là cha, hai là mẹ, ba là thân trung ấm.’ Có đủ ba việc ấy hòa hợp mới có được thân này. Có khi ta lại dạy rằng bậc A-na-hàm nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại, hoặc nói là nhập Niết-bàn với thân trung ấm, hoặc lại nói rằng: ‘Thân căn trung ấm được sáng tỏ trọn vẹn, đều do nơi nghiệp đời trước trong sạch tinh khiết như chất đề-hồ.’

“Thiện nam tử! Có lúc ta dạy rằng: ‘Thân trung ấm mà những chúng sanh xấu ác nhận lấy giống như cái áo vải thô cũ rách, thân trung ấm mà chúng sanh thuần thiện nhận lấy giống như lụa trắng tốt được làm ra ở Ba-la-nại.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có [thân] trung ấm.’

“Thiện nam tử! Ta lại vì những chúng sanh phạm [năm] tội nghịch mà dạy rằng: ‘Những kẻ tạo năm tội nghịch, khi bỏ thân này liền vào thẳng địa ngục A-tỳ.’ Ta lại dạy rằng: ‘Tỳ-kheo Đàm-ma-lưu-chi vừa xả thân liền vào thẳng trong địa ngục A-tỳ, khoảng giữa không có một chút thời gian ngừng nghỉ.’ Ta lại vì ông Phạm-chí Độc Tử mà dạy rằng: ‘Phạm-chí! Nếu có thân trung ấm, ắt có sáu cảnh giới hiện hữu.’ Ta lại có dạy rằng: ‘Chúng sanh cõi Vô sắc không có thân trung ấm.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng không có [thân] trung ấm.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh ta lại dạy rằng có sự thối chuyển. Vì sao vậy? Do nơi vô số những tỳ-kheo biếng nhác, trì trệ, không tu tập Chánh đạo, nên ta thuyết dạy rằng có năm loại [nhân duyên] thối chuyển: một là ưa thích nhiều việc, hai là ưa bàn nói việc đời, ba là ưa thích ngủ nghỉ, bốn là ưa thích gần gũi người thế tục, năm là ưa thích việc đi chơi đây đó. Do những nhân duyên này mà vị tỳ-kheo sanh ra thối chuyển.

“Ta cũng dạy rằng nhân duyên thối chuyển có hai loại, một là nhân duyên bên trong, hai là nhân duyên bên ngoài. Bậc A-la-hán tuy lìa khỏi nhân duyên bên trong nhưng chưa lìa dứt nhân duyên bên ngoài. Do nhân duyên bên ngoài nên sanh phiền não. Vì sanh phiền não, nên phải thối chuyển.

“Lại có vị tỳ-kheo tên là Cồ-đàn, sáu lần thối chuyển. Sau mỗi lần thối chuyển đều lấy làm hổ thẹn, trở lại tinh tấn tu tập. Đến lần thứ bảy thì chứng đắc. Chứng đắc rồi lại sợ thối chuyển nên dùng dao mà tự hại [mạng sống]. Có khi ta [phân biệt] nói [các quả vị] giải thoát tùy thời, hoặc nói về sáu hạng A-la-hán. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có sự thối chuyển.’

“Thiện nam tử! Trong kinh lại có dạy rằng: ‘Ví như đốt cây thành than, than ấy không thể trở lại thành cây; như cái bình đã vỡ không thể dùng được nữa. Phiền não cũng vậy, khi vị A-la-hán đã dứt trừ [phiền não] rồi thì phiền não không bao giờ sanh khởi trở lại.’

“Trong kinh cũng có dạy: ‘Các nhân sanh ra phiền não của chúng sanh có ba loại: một là chưa dứt trừ phiền não, hai là không dứt nhân duyên, ba là không khéo suy xét. Nhưng vị A-la-hán không có hai [trong số ba] nhân duyên vừa nói, vì [vị ấy] đã dứt trừ phiền não và biết khéo suy xét.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng không có sự thối chuyển.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta dạy rằng: ‘Thân Như Lai có hai loại, một là thân được sanh ra, hai là Pháp thân.

“Nói thân được sanh ra tức là thân phương tiện ứng hóa. Thân này có thể nói là có sanh, già, bệnh, chết, cao, thấp, đen, trắng; có cái này, cái kia; có học hỏi, có vô học. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng thân Phật là pháp hữu vi.’

“Còn Pháp thân là thường, lạc, ngã, tịnh, vĩnh viễn lìa khỏi mọi điều sanh, già, bệnh, chết; chẳng phải trắng, chẳng phải đen; chẳng phải cao, chẳng phải thấp; chẳng phải cái này, chẳng phải cái kia; chẳng phải học hỏi, chẳng phải vô học. Dù Phật có ra đời hay không, thân ấy vẫn là thường trụ không lay động, không có sự biến đổi.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng thân Phật là pháp vô vi.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Thế nào gọi là Mười hai nhân duyên? Do vô minh sanh ra hành; do hành sanh ra thức; do thức sanh ra danh sắc; do danh sắc sanh ra sáu nhập; do sáu nhập sanh ra xúc chạm; do xúc chạm sanh ra cảm thọ; do cảm thọ sanh ra tham ái; do tham ái sanh ra chấp thủ; do chấp thủ sanh ra hiện hữu; do hiện hữu mà có sanh; do sanh mà có già, có chết, các mối lo khổ.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Mười hai nhân duyên nhất định là pháp hữu vi.’

“Lại có lần ta dạy các tỳ-kheo rằng: ‘Dù có Phật hay không có Phật, tánh và tướng của Mười hai nhân duyên vẫn là thường trụ.’

“Thiện nam tử! Có [pháp thuộc về] Mười hai duyên, không do duyên sanh ra; lại có [pháp] do duyên sanh ra, không thuộc Mười hai duyên; lại có [pháp] do duyên sanh ra, cũng thuộc về Mười hai duyên; lại có [pháp] không do duyên sanh ra, cũng không thuộc về Mười hai duyên.

“[Các pháp thuộc về] Mười hai duyên, không do duyên sanh ra, đó là nói Mười hai chi của đời vị lai. [Các pháp] do duyên sanh ra, không thuộc về Mười hai duyên, đó là nói năm ấm của vị A-la-hán. [Các pháp] do duyên sanh ra, cũng thuộc về Mười hai duyên, đó là nói năm ấm, Mười hai nhân duyên của phàm phu. [Các pháp] không do duyên sanh ra, cũng không thuộc về Mười hai duyên, đó là nói hư không, Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Mười hai duyên nhất định là pháp vô vi.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh tạo ra những nghiệp lành, dữ, khi vừa bỏ thân thì bốn đại liền tan rã. Những người tạo toàn nghiệp lành thì tâm đi lên [cảnh giới] cao; những kẻ tạo toàn nghiệp dữ thì tâm đi xuống [cảnh giới] thấp.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tâm thức nhất định là thường tồn.’

“Thiện nam tử! Có lần ta bảo vua Tần-bà-sa-la rằng: ‘Đại vương nên biết, sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì sắc ấy do nhân vô thường sanh ra. Nếu sắc ấy do nhân vô thường sanh ra, người có trí làm sao có thể nói rằng đó là thường? Nếu sắc là thường, hẳn nó không thể hoại diệt, sanh các khổ não. Nay thấy rằng sắc ấy là tiêu tan, hư hoại, nên biết rằng sắc là vô thường... Cho đến thức cũng giống như vậy.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tâm thức nhất định là đoạn diệt.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Đệ tử Phật tuy thọ nhận các món hương hoa, vàng bạc, châu báu, vợ con, tôi tớ, tám thứ vật bất tịnh... nhưng vẫn đạt được Chánh đạo; đạt được Chánh đạo rồi cũng chẳng lìa bỏ những thứ ấy.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng sự hưởng thụ năm món dục không trở ngại Thánh đạo.’

“Lại có lần ta dạy rằng: ‘Người tại gia không có lý nào lại đạt được Chánh đạo.’ Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng sự hưởng thụ năm món dục nhất định là ngăn trở che chướng Chánh đạo.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Lìa xa phiền não nhưng chưa đạt được giải thoát cũng giống như tu tập Thế đệ nhất pháp.’ Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Đệ nhất pháp chỉ ở tại Dục giới.’

“Ta lại có dạy rằng: ‘Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp đều ở từ Sơ thiền cho đến Đệ tứ thiền. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Những pháp Như Lai nói đó đều ở tại Sắc giới.’

“Ta lại có dạy rằng: ‘Những người ngoại đạo trước đã dứt trừ phiền não trong cảnh giới Tứ thiền, tu tập Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, Thế đệ nhất pháp, quán xét Bốn chân đế, chứng đắc quả A-na-hàm.

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Đệ nhất pháp ở tại Vô sắc giới.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Trong bốn trường hợp bố thí, có ba trường hợp được thanh tịnh. Bốn trường hợp bố thí gồm có: Một là người bố thí tin vào nhân quả và sự bố thí, nhưng người nhận bố thí không tin vào nhân quả và sự bố thí; hai là người nhận bố thí tin vào nhân quả và sự bố thí nhưng người bố thí không tin vào nhân quả và sự bố thí; ba là cả người bố thí và người nhận bố thí đều có lòng tin [vào nhân quả và sự bố thí]; và bốn là cả người bố thí và người nhận bố thí đều không có lòng tin [vào nhân quả và sự bố thí].

“Trong bốn trường hợp bố thí ấy, ba trường hợp trước là thanh tịnh. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng việc bố thí chỉ do nơi tâm ý.’

“Thiện nam tử! Có lần ta dạy rằng: ‘Người thực hành bố thí dùng đến năm món để bố thí. Những gì là năm? Một là bố thí vật chất; hai là bố thí công sức; ba là bố thí sự an ổn; bốn là bố thí mạng sống; năm là dùng biện tài để bố thí. Do [năm] nhân duyên này, người bố thí có được năm loại quả báo.

“Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng bố thí tức là năm ấm.’

“Thiện nam tử! Có lần ta dạy rằng: ‘Niết-bàn là xa lìa [tất cả], vĩnh viễn dứt trừ phiền não, không còn chút vết tích nào. Như ngọn đèn đã tắt, không còn pháp nào sanh ra nữa; Niết-bàn cũng vậy. Nói hư không tức là không có gì cả. Ví như người thế gian, vì không có gì cả nên gọi là hư không. Không phải do dứt mất đối tượng nhận biết mà gọi là không có. Nếu đã là có, ắt phải có nhân duyên. Vì có nhân duyên nên phải có sự diệt mất. Vì không có nhân duyên nên không có sự diệt mất.

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có Ba vô vi.’

“Thiện nam tử! Có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Niết-bàn đó chính là theo kinh văn giảng giải, là dấu tích [của bậc giải thoát], là nơi đến rốt ráo [của người tu tập], là không còn sợ sệt, là bậc thầy lớn [để nương theo], là kết quả lớn lao, là trí tuệ rốt ráo trọn vẹn, là sức kham nhẫn lớn, là pháp tam-muội không ngăn ngại, là cõi pháp mênh mông, là vị cam lộ [bất tử], là rất khó thấy biết.

“Mục-kiền-liên! Nếu nói rằng không có Niết-bàn, vì sao những kẻ phỉ báng Niết-bàn lại đọa vào địa ngục?’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng thật có Niết-bàn.’

“Lại có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Con mắt không bền chắc..., cho đến thân cũng đều không bền chắc. Vì không bền chắc nên gọi là hư không, chỉ là chỗ để thức ăn đi vào xoay chuyển tiêu hóa. Tất cả âm thanh đều gọi là hư không.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có hư không vô vi.’

“Lại có lần ta vì Mục-kiền-liên thuyết dạy rằng: ‘Mục-kiền-liên! Có người khi chưa đắc quả Tu-đà-hoàn, đang trụ ở Nhẫn pháp, dứt trừ được vô lượng quả báo trong ba đường ác, nên biết rằng [người ấy] không do nhân duyên trí tuệ mà diệt [được vô lượng quả báo xấu ác].’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng có Phi trí duyên diệt.’

“Thiện nam tử! Lại có lần ta vì tỳ-kheo Bạt-ba thuyết dạy rằng: ‘Bạt-ba! Vị tỳ-kheo [khi] quán xét hình sắc, như hình sắc trong quá khứ, vị lai hoặc hiện tại; như hình sắc ở gần hoặc ở xa; như hình sắc thô ráp hoặc tinh tế; [thì thấy rằng] mọi thứ hình sắc như thế đều không phải là ngã, ngã sở. Nếu tỳ-kheo quán xét như vậy rồi thì có thể dứt trừ sự tham ái đối với hình sắc.’

“Bạt-ba lại thưa hỏi rằng: ‘Thế nào gọi là danh và sắc?’ Ta đáp: ‘Bốn đại gọi là sắc; bốn ấm [còn lại] gọi là danh. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói chắc rằng sắc là bốn đại.

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Ví như nhân có gương soi ắt phải có hình bóng hiện ra [trong đó]. Hình sắc cũng như vậy, nhân nơi bốn đại tạo nên; chẳng hạn như: thô, mịn, nhám, trơn; xanh, vàng, đỏ, trắng; dài, ngắn, vuông, tròn; tà, nhọn, nhẹ, nặng; lạnh, nóng, đói, khát; khói mây, bụi bặm, mù sương... Đó gọi là hình sắc được tạo ra, cũng giống như tiếng dội [của âm thanh], hình bóng [hiện trong gương].’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có bốn đại ắt có tạo ra hình sắc, thật không có bốn đại thì không tạo ra hình sắc.’

“Thiện nam tử! Trước đây có lần Vương tử Bồ-đề nói rằng: ‘Như có vị tỳ-kheo hộ trì cấm giới mà phát khởi tâm xấu ác, nên biết rằng ngay khi ấy liền mất giới tỳ-kheo.’ Ta liền dạy: ‘Vương tử Bồ-đề! Giới có bảy loại, do nơi thân và miệng, có hình sắc không biểu lộ. Do nhân duyên là hình sắc không biểu lộ, nên dù tâm xấu ác, trong chỗ vô ký cũng không gọi là mất giới, vẫn là trì giới. Do nhân duyên gì gọi là hình sắc không biểu lộ? Vì không có nhân từ những hình sắc khác, không tạo thành quả là những hình sắc khác.

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng có hình sắc không biểu lộ.’

“Thiện nam tử! Trong các kinh khác ta có dạy rằng: ‘Giới tức là ngăn cấm, chế ngự các pháp xấu ác. Nếu không làm việc ác thì gọi là trì giới.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai giảng thuyết nhất định rằng không có hình sắc không biểu lộ.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Sắc ấm cho đến thức ấm của bậc thánh nhân cũng đều do nhân duyên là vô minh sanh ra. Tất cả phàm phu cũng vậy; từ nơi vô minh sanh ra tham ái, nên biết rằng tham ái tức là vô minh. Từ nơi tham ái sanh ra chấp thủ, nên biết rằng chấp thủ tức là vô minh, tham ái. Từ nơi chấp thủ sanh ra hữu; hữu ấy tức là vô minh, tham ái, chấp thủ. Từ nơi hữu sanh ra thọ, nên biết rằng thọ ấy tức là hành, hữu. Do nhân duyên là thọ mà sanh ra danh sắc, vô minh, ái, thủ, hữu, hành, thọ, xúc, thức, sáu nhập... các thứ, cho nên thọ đó chính là Mười hai nhân duyên. Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có các tâm sở.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Từ nơi bốn yếu tố là con mắt, hình sắc, ánh sáng và sự tham muốn xấu, ắt phải sanh ra nhãn thức. Nói tham muốn xấu đó tức là vô minh. Đang khi tham muốn mong cầu gọi là tham ái. Tham ái làm nhân duyên cho chấp thủ. Chấp thủ gọi là nghiệp. Nghiệp làm nhân duyên cho thức. Thức làm duyên cho danh sắc. Danh sắc làm duyên cho sáu nhập. Sáu nhập làm duyên cho xúc. Xúc làm duyên cho tưởng, thọ, ái. Các pháp như tín, tinh tấn, định, tuệ đều nhân nơi xúc mà sanh ra, nhưng không phải là xúc.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói rằng thật có các tâm sở.’

“Thiện nam tử! Có khi ta dạy rằng: ‘Chỉ có duy nhất một cảnh giới hiện hữu.’ Lại có khi ta dạy là có hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín... cho đến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo rằng: ‘Như Lai nói rằng có năm cảnh giới hiện hữu, hoặc nói rằng có sáu cảnh giới hiện hữu...’

“Thiện nam tử! Có một lần ta đang ở trong rừng Ni-câu-đà tại Ca-tỳ-la-vệ. Lúc ấy, Thích-ma-nam đến chỗ ta thưa hỏi rằng: ‘Thế nào gọi là ưu-bà-tắc?’ Ta liền vì ông ấy thuyết giảng: ‘Nếu có thiện nam tử đầy đủ các căn, thọ Tam quy y thì gọi là ưu-bà-tắc.’ Thích-ma-nam lại thưa hỏi: ‘Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc không trọn vẹn?’ Ta đáp: ‘Ma-nam! Nếu ai thọ Tam quy và chỉ thọ trì một giới thì gọi là ưu-bà-tắc không trọn vẹn.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng giới ưu-bà-tắc có thể không cần thọ đủ.’

“Thiện nam tử! Có lần ta đang ở bên bờ sông Hằng, Ca-chiên-diên tìm đến chỗ ta thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con giáo hóa chúng sanh, khiến họ thọ Tám giới trai trong một ngày, hoặc trong một đêm, hoặc trong một lúc, hoặc chỉ trong một niệm. Những người như vậy có thành tựu Tám giới trai hay không?’ Ta đáp: ‘Tỳ-kheo! Những người như vậy làm được điều lành chứ không thành tựu Tám giới trai.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng Tám giới trai buộc phải thọ đủ mới được.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Tỳ-kheo nào đã phạm Bốn trọng cấm rồi thì không nên gọi là tỳ-kheo nữa, nên gọi đó là tỳ-kheo phá giới, tỳ-kheo hư hỏng, không thể trở lại sanh khởi hạt giống lành. Ví như hạt giống đã bị cháy thì không sanh quả hạt, như cây đa-la bị chặt ngọn không thể sanh trái. Tỳ-kheo phạm vào các trọng cấm cũng giống như vậy.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng các tỳ-kheo đã phạm các trọng cấm thì mất giới tỳ-kheo.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có vì Thuần-đà nói về bốn hạng tỳ-kheo. Một là các tỳ-kheo rốt cùng sẽ đạt được Chánh đạo; hai là các tỳ-kheo chỉ bày Chánh đạo [cho chúng sanh]; ba là các tỳ-kheo thọ nhận Chánh đạo; bốn là các tỳ-kheo làm ô uế Chánh đạo. Tỳ-kheo phạm vào Bốn trọng cấm chính là hạng làm ô uế Chánh đạo.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng các tỳ-kheo đã phạm vào Bốn trọng cấm không mất giới cấm.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy các tỳ-kheo về một thừa duy nhất, một đạo, một hạnh, một duyên. Từ một thừa cho tới một duyên ấy, có thể vì chúng sanh mà tạo ra sự vắng lặng an tĩnh, dứt trừ vĩnh viễn mọi sầu khổ trói buộc, khổ và nguyên nhân của khổ, khiến cho tất cả chúng sanh đều đạt đến một thừa duy nhất. Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, thảy đều đạt được đạo của Phật.’

“Thiện nam tử! Trong kinh ta có dạy rằng: ‘Hàng Tu-đà-hoàn sau bảy lần tái sanh trong cõi người và cõi trời sẽ nhập Niết-bàn. Hàng Tư-đà-hàm chỉ còn thọ thân một lần trong cõi người hoặc cõi trời, rồi sẽ nhập Niết-bàn. Hàng A-na-hàm có năm hạng: hoặc ở trong khoảng trung gian mà nhập Niết-bàn, cho đến sanh lên những cõi cao nhất của Sắc giới mà nhập Niết-bàn. Hàng A-la-hán có hai hạng, một là hiện tại, hai là vị lai. A-la-hán hiện tại dứt phiền não năm ấm, A-la-hán vị lai cũng dứt phiền não năm ấm.’

“Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán đều không đạt được đạo của Phật.’

“Thiện nam tử! Trong kinh này ta có dạy rằng: ‘Tánh Phật có đủ sáu đức: thường còn, đúng thật, chân chánh, hiền thiện, thanh tịnh và có thể thấy.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại; chẳng phải trong, chẳng phải ngoài; không chịu sự chi phối bởi hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm. Tánh Phật cũng như thế.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh như của báu chôn giấu trong nhà người đàn bà nghèo; như hạt châu kim cang quý ẩn giữa trán người lực sĩ; như suối nước cam lộ của vị Chuyển Luân Thánh vương.’ Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có nói: ‘Những kẻ phạm bốn trọng cấm, nhất-xiển-đề, phỉ báng kinh Phương đẳng, làm năm tội nghịch đều có tánh Phật. Những chúng sanh như vậy đều không có pháp lành. Tánh Phật là lành.’ Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng tánh Phật của chúng sanh lìa khỏi chúng sanh vẫn có.’

“Thiện nam tử! Ta lại có dạy: ‘Chúng sanh tức là tánh Phật. Vì sao vậy? Lìa khỏi chúng sanh thì không có sự chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên ta đưa ra ví dụ người mù sờ voi với vua Ba-tư-nặc. Như những người mù mô tả con voi, tuy [người nghe] không nhận ra được con voi, nhưng cũng không ra ngoài [hình thể] con voi. Chúng sanh nói rằng sắc là tánh Phật, cho đến thức là tánh Phật, cũng giống như vậy; tuy không phải tánh Phật nhưng cũng không ra ngoài tánh Phật. Như ta vì nhà vua nói ví dụ về cây đàn không hầu. Tánh Phật cũng như thế.’

“Thiện nam tử! Có những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền đưa ra đủ mọi thuyết. Cũng như người mù hỏi về sữa; tánh Phật cũng thế. Vì nhân duyên ấy, có người nói rằng: ‘Những kẻ phạm bốn trọng cấm, phỉ báng kinh Phương đẳng, làm năm tội nghịch, hạng nhất-xiển-đề, thảy đều có tánh Phật.’ Hoặc có người nói rằng: ‘Những người như vậy không có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Ở nhiều nơi trong các kinh điển ta có nói rằng: ‘Một người ra đời mà nhiều người được lợi ích, một quốc độ mà có hai Chuyển luân vương, một thế giới mà có hai vị Phật ra đời; những việc như vậy đều không thể có. Trong một cõi Tứ thiên hạ mà có tám vị Tứ thiên vương, cho đến có hai cõi trời Tha hóa tự tại; cũng là không thể có.’ Nhưng ta có đề cập đến từ địa ngục A-tỳ [bên dưới] cõi Diêm-phù-đề lên đến cõi trời A-ca-ni-trá. Những đệ tử của ta nghe nói như vậy, không hiểu được ý ta, liền bảo: ‘Như Lai nói rằng không có mười phương chư Phật.’ [Nhưng] trong các kinh Đại thừa ta thật có nói đến mười phương chư Phật.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Thắp ngọn đuốc hồng


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Kinh Di giáo


Phật Giáo Yếu Lược

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.205.67.119 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...