Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển »» Tuổi thơ »»

Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển
»» Tuổi thơ

(Lượt xem: 9.755)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển - Tuổi thơ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đất nước Quảng Nam trong hiện tại có nhiều người ngoại quốc biết đến là nhờ có phổ cổ Hội An và Mỹ Sơn. Đây là hai địa phương trong lúc chiến tranh ít có người nhắc đến, nhưng vào thời bình, đã có rất nhiều người vãng lai. Đứng về phương diện lịch sử thì đã có nhiều người biết, nhưng đứng về phương diện địa lý cũng như địa linh nhân kiệt thì quả là Quảng Nam có nhiều điều đáng nói, trong đó có hai địa danh này.

Từ năm 1600 đến năm 1640 cửa biển Hội An luôn có thuyền buôn tấp nập đến từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ và xa hơn nữa như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp, Ý v.v... Vì lẽ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ trương tự do mậu dịch; trong khi đó vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài sợ áp lực của Trung Quốc nên ngoại giao với chính sách bế quan tỏa cảng.

Từ đó đến nay suốt trên dưới 400 năm lịch sử đã có không biết bao nhiêu người đến và cũng có không biết bao nhiêu người đã ra đi và cũng không ít những người đã nằm xuống tại thành phố này. Có những ngôi chùa được xây lên và cũng đã có không biết bao nhiêu thành trì bị đập phá. Cũng có lắm trường học được tân trang trên những ngôi chùa cổ của Chiêm Thành còn sót lại một vài di tích cũ.

Hội An nằm bên bờ sông Thu, chảy ra cửa Đại. Vì vậy Hội An là cái đích để cho bên lở bên bồi và thành phố này cũng đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu thiên tai, lụt lội và bão táp, mưa sa. Thế nhưng ngày nay Hội An vẫn còn đó với những mái ngói rêu phong cổ kính được lợp theo lối âm dương theo người nhà Minh bên Trung Quốc. Vì lẽ cư dân ban đầu đến đây là những người chạy tỵ nạn nhà Thanh (1640) và mong phục hồi lại nhà Minh, nên những gì tốt đẹp của nhà Minh, người Trung Quốc tỵ nạn tại thành phố này đều giữ gìn rất cẩn mật.

Dòng sông Thu Bồn bắt đầu từ thượng nguồn của dãy Trường Sơn, mang phù sa đến bồi đắp cho các làng dọc suốt một chặng đường dài trước khi đổ ra cửa Đại. Dòng sông này ngày nay đã đi vào thi ca và lịch sử. Sông không sâu nhưng cũng đủ để cho trẻ mục đồng ngạo nghễ dắt trâu qua lại đến giữa dòng. Mùa mưa nước đổ xuống từ thượng nguồn đã khiến cho dòng sông trở nên hung dữ. Chính sông này đã nuôi sống không biết bao nhiêu con người, mà chính dòng sông này cũng đã mang theo không biết bao nhiêu sinh mạng của người và vật khi những cơn lụt lội tràn về.

Mỹ Sơn nằm về mạn Bắc của Cầu Chìm và Hòn Non Trược. Đây là địa danh và là kinh đô cổ nổi tiếng của người Chàm vào thế kỷ thứ 10 đến 16. Vua Trần Nhân Tông gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân vào cuối thế kỷ 13, có lẽ nàng đã về làm dâu tại cố đô này. Sau khi rước dâu về nước, Châu Ô và Châu Lý mới được sát nhập vào nước Đại Việt của chúng ta. Do vậy kinh đô này đã nổi tiếng một thời qua mối tình Chiêm Việt cách đây 700 năm ấy.

Ngày nay Mỹ Sơn cũng chỉ còn lưu lại dấu vết của những thành quách đã đổ nát, nhưng đã vang bóng một thời. Bây giờ nếu có ai đó tìm lại chốn này cũng chỉ để nhớ thương cho một thời dĩ vãng đã trôi qua trong ngậm ngùi thương tiếc. Vì người xưa bây giờ đâu còn nữa.

Tổ Tiên tộc Lê của tôi có lẽ đã từ Thanh Hóa hay Nghệ An vào đây lập nghiệp từ thuở xa xưa ấy và làng nơi tôi được sinh ra nằm tại ấp Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Địa phương này nằm gần Quốc lộ 1 và ở vị thế trung gian giữa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An nên vấn đề giao thông cũng rất thuận lợi.

Ngày xưa chắc nơi này còn trống vắng, chim hạc về nhảy múa, quây quần, nên những người di dân đến đây đặt cái tên nghe thật hay, vì có sự hiện hữu của loài chim quý ấy chăng? Tên thôn đã đẹp mà tên xã cũng đẹp nữa. Vì nơi đây có con sông Thu Bồn uốn khúc; nên gọi là xã có dòng sông đẹp và xã này là 1 trong 18 xã của quận này, chung quanh bao bọc bởi sông nên gọi là Duy Xuyên. Ông bà mình ngày xưa khi đặt tên địa phương thường hay chọn những danh từ tượng trưng hay tượng thanh để đặt và ngay cả tên người cũng vậy. Đây có lẽ là cái chất phác của nhà nông đã sản sinh ra những tâm hồn thật thà như vậy.

Tôi ra đời tại nơi đây vào năm 1949. Thời điểm này mới sau khi chấm dứt Đệ nhị Thế chiến mấy năm (1945) và đây cũng là thời gian tranh giành của các Đảng Phái để đến năm 1954 quê hương tôi lại bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 ở vĩ tuyến 17, nơi sông Bến Hải hiền hòa kia. Quê hương tôi đã nhiều lần bị chia cắt ở sông Gianh, sông Bến Hải và cũng đã được thống nhất nhiều lần, nhưng lòng người ở hai miền bị chia cắt và mỗi lần thống nhất lại với nhau như thế lại nghi kỵ cũng như tìm cách thôn tính, sát phạt nhau. Đây là nỗi đau thương của dân tộc, mà con người phải nhận lấy hậu quả ấy.

Chung quanh nhà tôi ở có vườn và bao bọc vườn có ruộng. Vườn dùng để trồng rau cải cung cấp nuôi dưỡng cho gia đình. Nếu rau cải dư, nhổ đem ra chợ đầu làng bán để đổi lấy mắm, muối, cá tôm. Trong vườn nhà có trồng cau, trầu, bí, bầu, mướp, đậu. Trong vườn có thêm chuồng trâu bò và heo gà nữa. Thỉnh thoảng gà vịt cũng hiện hữu trong khung cảnh của một nhà nông ở miền quê.

Nước uống được lấy từ giếng. Nước này dùng để nấu ăn, tắm giặt và chùi rửa. Thức ăn đã có gạo, bắp, cây trái quanh năm nơi vườn nhà cung cấp.

Ruộng có hai loại. Đó là ruộng cao và ruộng thấp: Ruộng cao dùng để trồng khoai lang, sắn, bí, bầu, đậu, rau. Ruộng thấp dùng để trồng lúa và cho nước vào để nuôi sống cây lúa, chờ cho đến ngày trổ đòng đòng, kết thành bông, thành trái và chờ ngày lúa chín vàng thì gặt đem về phơi khô để cho vào vựa hay vào lu. Người ta làm ruộng rất công phu. Ngày xưa không có máy móc thì dùng sức người và sức trâu bò là chính. Đây là sức lực để xới lên những luống đất đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Sau khi cày xới lên rồi, người ta phải làm cho đất nhuyễn lại và bón phân vào. Tiếp đến hạt giống được trỉa vào đây và chờ ngày cho hạt giống ấy nảy mầm, sau đó bón phân và tỉa lá v.v…

Trong khi đất thấp phải cho nước vào để cày, rồi bừa; khiến cho đất nhuyễn ra và người ta đem mạ cấy trồng vào nơi những thửa ruộng đã chứa đầy nước và phân này. Độ một tháng sau là lúa đã bắt đầu xanh. Có nhiều loại lúa 3 tháng đã có thể gặt được; nên gọi là lúa Ba Trăng. Có nhiều loại lúa cần thời gian lâu hơn; nhưng ngày nay có những loại lúa trồng trong một thời gian rất ngắn đã có thu hoạch rồi.

Nhà tôi không nghèo mà cũng chẳng giàu. Vì trong nhà không có người giúp việc. Tất cả mọi công việc đều do cha mẹ và các anh chị tôi đảm trách. Nếu ngày mùa đến, trong làng hay làm việc theo cách vần công với nhau; nghĩa là ngày hôm nay nhà này có cấy lúa thì mấy người chị đến cấy giùm cho họ và ngày sau nhà mình cấy lúa thì những người mà ngày trước mình đi cấy, họ đến nhà mình cấy để trả công trở lại. Đây gọi là cấy vần công; không tính đến tiền bạc. Không biết ngày nay sau bao nhiêu biến thiên của thời đại và lịch sử công việc nông tang của những ngày xa xưa ấy có còn giữ lại chăng hay đã vang bóng một thời?

Nhà nông mỗi năm có 2 mùa mưa nắng. Mùa nắng họ lo cày bừa gặt hái. Mùa mưa họ lo ươm tằm dệt lụa, chằm nón, hái rau và làm những nghề phụ nhẹ nhàng khác, nhằm tăng thêm phần thu hoạch cho gia đình. Có một lần nào đó tôi đã viết về “chiếc nón bài thơ” đã có lần đăng trên báo Viên Giác và sau này có đăng vào trong tuyển tập truyện ngắn kỷ niệm 25 năm chùa Viên Giác. Đây là kết quả của những công việc không tên lúc tôi còn nhỏ đã phụ giúp gia đình.

Gần xã Xuyên Mỹ là xã Xuyên Châu; nơi dệt lụa và nuôi tằm rất nổi tiếng. Lụa Mã Châu là lụa có tiếng từ xưa đến nay. Nơi đây cũng đã ghi lại dấu chân của người học sĩ tài ba Lê Thanh Hải, sau này đi xuất gia có pháp hiệu là Thích Tâm Thanh. Quê tôi nghèo hơn nhiều quận lỵ khác; nhưng được cái là giàu phước và giàu đức; nên trong làng tôi có đến 50 người đi xuất gia; ngày nay đa phần là Hòa Thượng, Thượng Tọa, Sư Bà, Ni Sư. Riêng gia đình tôi đã có hai vị Hòa Thượng. Nếu kể luôn cả những xã lân cận trong quận thì con số xuất gia khó tính hết được. Vào ngày 27 tháng 10 năm 2012 vừa qua, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi đã về Chiangmai, Thái Lan để dự lễ khánh thành ba tôn tượng Tây Phương Tam Thánh tại chùa Cực Lạc Cảnh Giới do Thầy Hạnh Nguyện trụ trì; chúng tôi đã tạo ra một cơ hội thứ 2 để sum họp gia đình (lần thứ nhất vào năm 2010). Lần này chỉ 100 người và lần trước có cả 200 người đến từ Việt Nam tham dự; trong đó những thành viên 4 đời của gia đình gần 100 người và 100 người còn lại kia là quý Thầy Cô và bạn bè đến từ quê hương xứ Quảng. Lần này cháu Lê Văn Sinh phát biểu rất hay, đại ý như thế này:

“Có người nằm mơ, sáng hôm sau trở thành triệu phú; nhưng ít ai có thể nằm mơ để một sớm một chầy mà trong một gia đình đã có hai vị Hòa Thượng đang nổi tiếng một thời.”

Câu nói tuy đơn sơ mộc mạc; nhưng phải trải nghiệm qua một thời gian dài hành đạo trên dưới 50 năm mới có được ngày hôm nay như vậy. Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xuất gia từ năm 1957 đến nay 2013 là 56 năm và tôi xuất gia từ năm 1964 đến nay là 48 năm. Gần nửa thế kỷ ấy, chúng tôi là những người xuất thân từ quê hương xứ Quảng này và chính quê hương Xuyên Mỹ thân thương ấy đã có lần Thầy Hiệu Trưởng trường Tiểu Học tại đây tên là Phan Thế Tập pháp danh Như Thể đã có bài thơ rằng:

Xuyên Mỹ ơi! chiều nay ta nhớ lắm
Nhớ Mỹ Đình xanh biếc những hàng cau
Nhớ Mỹ Nga chạy dài bên ruộng lúa
Nhớ Mỹ Xuyên vườn tược muôn màu
Ta về đây! Ta về thăm Xuyên Mỹ
Thăm những nàng chằm nón tuổi đôi mươi
Da trắng, mắt xanh miệng mãi tươi cười
Tâm hồn đẹp trong thân hình tráng kiện...

Chỉ ngần ấy vần thơ cũng đã diễn tả được trọn vẹn hình ảnh của quê hương tôi của những ngày tháng thanh bình rồi.

Thời gian từ năm 1949 đến đến năm 1958 tôi không thể mường tượng nổi việc gì đã xảy ra với chính mình. Khi hỏi lại anh chị tôi, thì chẳng có người nào có thể kể lại mạch lạc việc gì cả. Có lẽ thời gian đã trôi qua quá lâu và việc nông tang, đồng áng chồng chất lên hai vai người nông dân xứ Quảng nên chẳng ai muốn để ý đến việc gì của tuổi thơ, dầu cho đó là của mình hay của những người thân trong gia đình mình đi nữa.

Thời gian tôi nhớ rất rõ là kể từ năm 1956 đến nay. Thuở ấy tại làng Mỹ Hạc có một ngôi trường vách bằng phên tre. Mái lợp rạ, có 3 gian dùng để dạy học. Trường này nằm ngay nơi vị trí cây Duối; nên gọi là trường Cây Duối. Cây Duối không phải là cây Đa mà cũng chẳng phải là cây quít, cây mận. Hình ảnh cây Duối không lớn như cây đa, mà cũng chẳng nhỏ như cây quít. Lá màu xanh, cành chen với lá và đến mùa cho quả vàng, lũ học trò nhỏ chúng tôi rất vui khi nhặt những quả này để cho vào miệng; nhưng ở dưới cội Duối này người ta hay đem những bình vôi sứt miệng để vào đó và nhiều người bảo rằng: Nơi ấy linh thiêng lắm; nên bọn nhỏ chúng tôi chẳng ai dám leo trèo lên thân cây Duối, mà chỉ đứng chung quanh để hái quả mà thôi.

Cha tôi sắm cho tôi một bình mực và một cây bút rông (rond), một quyển tập và dẫn tôi đến trường. Hôm ấy là một buổi sáng mai mùa thu năm 1956. Thầy giáo dáng người thấp, tóc hớt ngắn gọn, tuổi độ 18, 20. Ông tên là Trịnh Đức Hoàng. Những ngày đầu ông ta nói gì chúng tôi không rõ, mặc dầu đều là tiếng Quảng Nam. Thầy người xã An Bình vào đây dạy học. Thuở ấy tôi chẳng biết ai trả lương cho Thầy, nhưng chúng tôi thì chỉ có bề chăm lo học tập. Đầu tiên Thầy viết lên bảng mấy chữ cái: a, b, c, d, đ rồi bắt chúng tôi lặp lại. Sau đó tập viết và tập học thuộc lòng. Những ngày đầu lũ trẻ chúng tôi chỉ thích chơi và ít ham học, cho nên Thầy cho về sớm và ngày 2 buổi chúng tôi vẫn cắp sách đến trường như vậy, bất kể là mưa nắng. Ngày trời mưa Mẹ tôi cho tôi một cái tơi chằm bằng lá núi để đi học. Cái tơi có 2 cánh tay xỏ vào và ở xa trông như một con gà con mới vừa mọc cánh; nhưng rất ấm; nếu có gió lạnh từ phương xa thổi đến. Sau này mới có áo mưa làm bằng nylon, chứ ngày ấy bọn học trò chúng tôi toàn mang những chiếc áo tơi được chằm bằng lá rừng ấy.

Từ vần đơn đến vần kép, từ vần xuôi đến vần ngược… cả năm 56 - 57 ấy chúng tôi đã học xong năm dự bị và cũng còn gọi là lớp Năm của thời ấy. Niên khóa sau 1957-1958 tôi được lên trường Mỹ Hiến để học lớp Tư cũng do Thầy Trịnh Đức Hoàng dạy. Niên học ấy tôi chẳng biết mình đã học được những gì; nhưng chỉ nhớ có mấy việc như sau:

Việc đầu tiên là con đường từ nhà đi qua mương nước, đi quanh qua nhà chị Hai; sau đó qua một bãi tha ma; đến một quán bán lẻ và cuối cùng mới đến trường. Trường bấy giờ được xây bằng gạch và có 4 bức tường ngăn mưa gió; không như trường Cây Duối của năm học vừa qua. Cái ngán của tuổi thơ là sợ ma khi đi ngang qua dãy mồ hoang vắng ấy. Nếu lúc đó có trẻ con nào nghịch ngợm làm ma để nhát, chắc hồn vía tôi cũng sẽ chạy đi chơi nơi khác rồi. Cũng hên là chẳng có trò nào làm việc ấy.

Thấy lũ bạn uống chai xá-xị màu tím tím, xanh xanh phát thèm mà chẳng có tiền để mua. Cứ đứng đó mà nhìn. Chẳng bù lại với ngày nay, có không biết bao nhiêu là nước giải khát; nhưng đâu có uống hết được thứ nào!

Còn trò chơi thuở ấy, lũ học trò của chúng tôi bẻ những cây keo để làm que, còn trái keo dùng để ăn; nhưng rất hôi miệng. Cầm một nộm que và một hòn sỏi thảy lên để đếm hơn thua. Ngoài ra trò nhảy dây và chơi đòn gánh cũng là những môn quen thuộc thuở bây giờ. Đứa nào hay đội nào thua thì phải cõng đội thắng đi một hay ba vòng. Thế là huề.

Cuối năm 1956 tất cả chúng tôi đều được lên lớp và được dời lên Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ ở tận trên Miễu Cây Kén, cách nhà chừng một cây số đi bộ. Niên khóa năm 1958-1959 tôi học lớp Ba; năm 1959-1960 học lớp Nhì và năm 1960-1961 học lớp Nhất. Các lớp này do Cô giáo Cửu, Thầy Nhượng, Thầy Tải và Thầy Phan Thế Tập dạy.

Thông thường các Trường Tiểu Học thuở ấy chỉ học có buổi sáng và buổi chiều thì học trò giúp việc đồng áng cho gia đình. Những môn học được dạy nơi này là: Toán, tập đọc, văn, công dân giáo dục, sử, thể thao v.v… Chương trình học không khó lắm; nhưng tôi thì học dốt vô cùng. Vì lẽ về nhà không có người kèm thêm. Tất cả đều tự học; nên cuối năm tốt nghiệp Tiểu Học ấy tôi đứng hạng gần chót trong số 36 học sinh lúc bấy giờ. Tự nhiên cũng chẳng buồn, vì chẳng nghĩ đến tương lai là gì và phải cần những gì nữa; nên học xong về nhà xếp vở lại để đó.

Trong những năm học tại Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ này tôi có quen thân với hai người bạn tên là Nguyễn Thông và Phan Đức Lợi; nhưng nay thì hai người này cũng không còn trên dương thế nữa để chuyện trò. Phan Đức Lợi sau khi tốt nghiệp Tú Tài II ở Việt Nam, sang Nhật Bản du học vào năm 1970. Năm 1972 khi tôi sang Nhật có gặp Lợi một hai lần. Sau năm 1975 chúng tôi không còn gặp nhau nữa vì chính kiến khác nhau. Bẵng đi một thời gian không liên lạc, sau đó nghe Thông cho biết là Lợi đã bị bịnh gan và đã qua đời tại Nhật cách đây độ 10 năm về trước. Đây là một người bạn thuở ấu thơ vẫn còn ghi đậm dấu ấn, ân nghĩa nghìn trùng.

Người thứ hai là Nguyễn Thông, sau khi xong Trung Học tại miền Trung, Thông vào học Đại Học Vạn Hạnh ở Sàigòn; đến năm 1975 tốt nghiệp phân khoa báo chí, sau ra làm cho báo Saigon Times; nhưng cách đây 2 năm Thông đã quy y Tam Bảo với Pháp danh là Nguyên Minh và cũng đã ra người thiên cổ với tuổi đời chỉ mới 62 lúc ấy để lại một vợ và hai con, trong khi con đường công danh còn rạng rỡ. Quả thật duyên và nghiệp, tốt và xấu… cuộc đời này luôn có nhiều mặt khác nhau. Không ai ngờ được mà cũng chẳng ai tránh được bởi hai chữ vô thường.

Giờ này có nhắc đến hai bạn thời còn học Tiểu Học thuở xa xưa tại làng quê Xuyên Mỹ tôi chỉ nhớ đến gương mặt hiền từ của hai bạn mà thôi. Rồi đây kẻ trước người sau, ai rồi cũng phải bước qua chiếc cầu sanh tử ấy cả.

Dưới những tàng cây phượng vĩ trổ bông vào hè nơi mái trường Tiểu Học Xuyên Mỹ ngày ấy đã để lại trong tôi không biết bao nhiêu là dấu ấn của tuổi thơ. Thuở ấy đọc và viết được chữ quốc ngữ là một hãnh diện cho gia đình và cả làng xóm nữa. Cho nên sau Tiểu Học có nhiều người đã tiến vào Trung Học, là những cánh cửa đang đợi chờ họ và mang đến cho họ một tương lai rực rỡ hơn. Còn tôi có lẽ có nhân duyên với cửa chùa; cho nên chùa chiền vốn là nơi quen thuộc để tôi lui tới.

Thuở thanh bình của những ngày tháng có trăng rằm và không trăng như mồng một Gia Đình Phật Tử Hà Linh thường sinh hoạt; tôi theo Dĩnh là đứa cháu lớn trong nhà để tập tễnh vào sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử này. Chùa Hà Linh nằm gần Quốc lộ 1. Từ nhà tôi, muốn đến đây phải trải qua một cánh đồng bát ngát toàn là những ruộng lúa và bí khoai. Ngày nay Chùa Hà Linh vẫn còn đứng sừng sững đó với gió sương và ghi lại không biết bao nhiêu là chứng tích của lịch sử. Nào là chiến tranh đổ nát thời chinh chiến: Nào là vị Hội Trưởng này qua đời, vị Hội Trưởng kia kế nhiệm. Chùa cũng đã cung thỉnh các vị Cao Tăng đại đức từ Tỉnh Hội về đây làm lễ quy y truyền giới cho hàng trăm, hàng ngàn Phật Tử và thuyết pháp cho họ nghe để họ trở nên những người lương thiện. Chùa cũng đã nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ và nay có những người trở thành Hòa Thượng, Sư Bà… Nơi đây đã sản sinh ra không biết bao nhiêu con người như vậy.

Vì là chùa quê, không có bánh trái nhiều vào những ngày rằm hay mồng một; nhưng tôi nhờ theo Mẹ đi chùa từ tấm bé; nên hình ảnh của ngôi chùa, lòng từ bi của Đức Phật đã thấm nhuần trong từng hơi thở, từng giọt máu của mình. Dẫu cho nhân thế có đổi thay qua bao nhiêu triều đại; nhưng chính hình ảnh ngôi chùa này là hình ảnh của dân tộc tôi đã cưu mang và che chở cho dân mình qua không biết bao nhiêu là chặng đường của lịch sử. Chùa không đứng bên này hay bên kia, mà đứng lên trên và đứng ra ngoài mọi tranh chấp của đời thường. Vì lẽ tính dân tộc không mang màu sắc này hay màu sắc khác mà hồn thiêng ấy chỉ có hun đúc từ bi, lòng vị tha, chứ không dung chứa một thói tật nào.

Nếu tôi không nhờ Cha và Mẹ hướng dẫn cho đi chùa làng từ thuở nhỏ thì mình đã không có ngày hôm nay được sống dưới sự chở che của mái nhà Phật Pháp như thế này. Chính tinh thần ấy, sự sống này đã gói trọn tình quê trong tôi, dầu đi đâu hay sống bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này. Đi đến đâu và ở đâu, hình ảnh ngôi chùa xưa là một chất liệu dưỡng nuôi cho tâm thức mình trên vạn nẻo đường trần.

Từ khi đi Oanh Vũ của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, rồi lên ngành Thiếu cho đến ngày đi xuất gia, tôi đã thuộc khá nhiều bài hát như: Trai Đoàn Áo Lam.

Trai đoàn áo lam tiến bước lên đường
Nhịp nhàng theo gió sớm về ngát hương
Tâm hồn sáng tươi chứa chan niềm vui
Đem bao chí cường ngợi ca đạo thiêng …

Hay bài :

Một hôm (một hôm) mồng một đến chùa
Em đi (là đi) với Mẹ mua vài hoa sen
Đến chùa (đến chùa) dâng cả hồn em
Lên trên (là trên) Đức Phật lòng em chí thành
Nhịp kinh (nhịp kinh) vang dậy trong lòng
Hòa theo (là theo) tiếng mõ chuông đồng vang đưa
Mối tình (mối tình) mến cảm khi xưa
Còn ghi (là ghi) trong dạ trẻ thơ tâm thành
Cầu xin (cầu xin) Phật Tổ ban lành
Từ bi (là bi) gia hộ con thành trẻ ngoan
Từ rày (từ rày) con bỏ chơi hoang
Và chuyên (là chuyên) đi họp đoàn con vui vầy …

Hay bài : Dòng A Nô Ma

Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn dòng nước biếc, Thích Ca Ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn khắc ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo Đức Từ Bi
Thành Ca Tỳ La sống yên vui đời Tịnh Vương
Người người vui sướng Thích Ca Ngài vừa giáng trần
Muông chim hát mừng lá hoa hương ngát trời
Muôn hào quang ngời rạng chiếu khắp núi sông …

Rồi “dây thân ái”, “Chị Trưởng chúng em” v.v… có thể tôi không còn nhớ mạch lạc được nữa; nhưng những bài hát như vậy đã ăn sâu vào tâm thức của tuổi thơ tôi lúc nào chẳng biết, qua hình ảnh chiếc áo lam của Gia Đình Phật Tử, hình ảnh chiếc áo nâu của các vị Tăng Sĩ v.v… tất cả là những hình ảnh đẹp để mang tôi vào Đạo sau này.

Vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch năm 1957, anh trai tôi (sau này là Hòa Thượng Bảo Lạc) trong đêm khuya đã trốn nhà đi ra Chùa Non Nước để xuất gia. Thuở ấy tôi mới 8 tuổi Tây (9 tuổi ta); cái tuổi chưa biết gì nhiều; nhưng khi nghe cha mẹ và các anh chị khóc lóc, cố đi tìm cho ra dấu vết, sau khi đọc những bức thư của anh để lại thì mới biết rằng người anh thứ bảy ấy không còn ở lại với gia đình nữa. Năm đó anh 15 tuổi. Quả thật là một điều lạ với xóm làng. Vì thuở ấy trong làng tôi chưa có ai đi tu cả; ngoại trừ Sư Bà Diệu Tâm, nhà ở bên trên đường mương nước gần nhà. Gặp ai tôi cũng bị hỏi, nhưng thuở ấy tôi đâu biết ý nghĩa của việc đi xuất gia là gì.

Năm 1960 Thầy Hiệu Trưởng Phan Thế Tập cưới vợ tại Hà Mật. Thế là cả bọn học sinh lớp Nhất của chúng tôi do Văn Công Huấn và Thu hướng dẫn đi dự đám cưới của Thầy. Thuở ấy Thầy còn trẻ lắm. Chắc hơn 20 tuổi là cùng. Cô Nga là con gái nhà giàu, sánh vai cùng Thầy Hiệu Trưởng là một danh giá của gia đình và đám học trò chúng tôi là hình ảnh để hỗ trợ Thầy trong lễ cưới ấy.

Thời gian trôi qua chẳng biết là bao lâu; có lẽ cũng trên dưới gần 30 năm. Bỗng một hôm tôi nhận được thư Thầy gởi từ Việt Nam qua Đức và nhờ tôi giúp đỡ cho con trai của Thầy là Phan Quốc Bửu đang du học tại Tiệp sang Đức để tiếp tục con đường học vấn sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ (ngày 9.11.1989). Kể từ đó, Thầy trò lại có cơ duyên hàn huyên tâm sự với nhau và lúc nói chuyện điện thoại hay viết thơ, chúng tôi luôn nhắc đến hình ảnh của ngôi trường Tiểu Học Xuyên Mỹ thuở nào.

Một ngày đẹp trời của 20 năm về trước, Thầy và Cô đã đến chùa Viên Giác Hannover. Cô đã tự động xin quy y với tôi và tôi cho Pháp danh là Thiện Tánh. Riêng Thầy Hiệu Trưởng Phan Thế Tập đã quy y với Thầy tôi và Sư Phụ tôi cho Pháp danh là Như Thể. Phan Quốc Bửu cũng đã quy y Tam Bảo và tôi cho Pháp danh là Thiện Kim. Sau khi được tỵ nạn và vào quốc tịch Đức cũng như tốt nghiệp Đại Học Hannover, Bửu đã cùng vợ con sang Hoa Kỳ để làm việc và nay đang định cư tại San Jose. Quả thật trái đất tròn. Chẳng ai ngờ được một việc gì cả. Việc ấy tôi đã chẳng đợi chờ; nhưng đã đến. Đồng thời cũng có lắm việc trông mong chờ đợi nhưng chẳng đến bao giờ.

Tôi đề nghị Thầy Phan Thế Tập nên lập một quỹ học bổng cho trường Tiểu Học Xuyên Mỹ. Bây giờ thì trường xưa đã bị chiến tranh thiêu hủy rồi. Chỉ còn lại tên gọi thôi; nhưng con em của bạn bè ngày xưa còn lại khá đông; nên giúp đỡ những em này. Thế là Thầy Bảo Lạc và tôi đã bắt đầu cho quỹ học bổng khiêm nhường mỗi năm 300 - 500 đô la cho mỗi lần phát. Lần đầu phát vào ngày 22 tháng 3 âm lịch, nhắc lại ngày qua đời của thân mẫu chúng tôi vào năm 1966. Lần thứ hai phát vào ngày 28 tháng 6 nhằm vào sinh nhật của tôi. Tính cho đến năm 2012 này là đúng 20 năm như vậy. Địa điểm phát học bổng luôn luôn thay đổi. Lúc thì ở nhà của Sửu, của Hùng, của Đáng. Lúc thì nhà từ đường họ Lê; lúc thì trường Tiểu Học mới v.v… Đây là cơ hội để cho con em của Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ cố gắng vươn lên. Ngoài ra sau này Thầy Tập còn đề nghị tôi phát cho học sinh trường Trần Quý Cáp tại Hội An nữa.

Mỗi năm vào ngày mồng 3 hay mồng 4 Tết âm lịch các anh chị em cựu học sinh trường Tiểu Học Xuyên Mỹ còn tổ chức buổi hội ngộ chung vui để thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo” nữa. Một gói quà nhỏ gởi đến Thầy Tập, Thầy Nhượng, Thầy Tải, Thầy Hoàng… là những hình ảnh thật đơn sơ; nhưng đã gói ghém tình nghĩa Thầy trò từ những năm 1956-1961 cho đến nay… Chừng ấy thời gian trôi qua, bấm đốt tay tính nhẫm lại cũng đã trên 50 năm rồi. Cô Cửu đã ra đi; nhưng những Thầy khác vẫn còn có mặt nơi dương thế, để nhìn mặt cháu con mình thành tựu trên con đường học vấn, để kế tục mái trường xưa.

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2012 vừa qua tại chùa Cực Lạc Cảnh Giới tự ở Chiangmai, Thái Lan, cũng đã diễn ra một cuộc họp mặt gia đình lần thứ 2 thật đầm ấm sau hơn 40 năm xa xứ của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi. Đặc biệt có 8 người bạn học cũ từ những năm tháng còn học Tiểu Học thuở thiếu thời cũng đã đến đây thăm viếng. Đây cũng là một chuyến đi lịch sử từ Việt Nam qua Lào, rồi từ Lào qua Thái Lan và trở lại Việt Nam cũng bằng xe Bus. Thế mà mọi người đều vui vẻ như ngày hội lớn. Bây giờ bạn bè ai cũng đã hai ba thứ tóc trên đầu; có người đã có cháu nội, cháu ngoại lớn khôn; nhưng khi nhắc lại những trò chơi thuở nhỏ như đánh bi, bắn dây thun… ai nấy cũng đều nhoẽn miệng cười.

Không biết khi con người giàu có về tiền của, họ sống sung sướng trên những món ăn cao lương mỹ vị, vợ đẹp con ngoan như thế nào; nhưng giàu tình người, giàu lòng tri kỷ, sự giúp đỡ lúc cần thiết, tấm lòng cho quê hương… đối với tôi là quan trọng vô cùng. Mình có thể hy sinh, chịu sự thiếu thốn thiệt thòi; nhưng nếu những ai cần đến mình thì mình không thể chối từ được. Đây là niềm vui của tôi khi được giúp đỡ họ. Nếu không có họ thì mình đâu có cơ hội để làm phước giúp đời và giúp người. Nhờ họ mà lòng từ bi của tôi mới có cơ hội phát triển thêm. Xin cảm ơn Thầy Tập và cảm ơn những người bạn của thuở thiếu thời.

Con cháu của họ sẽ là những người có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ chúng thuở xa xưa; nhưng chắc rằng cái tình ấy càng cao hơn nữa; khi chúng nghĩ về những bậc cha ông, có được những con người đã biết hy sinh để cho chúng ăn học nên người như vậy.

Trong làng tôi có nhiều nhà thờ họ tộc như tộc Hồ, tộc Văn Công, nhưng chưa có nhà thờ tộc Lê. Giữa làng có một ngôi miếu thờ Thần và mỗi năm tại đây có hai kỳ xuân thu tế lễ. Trong làng chọn người tuổi cao và đạo đức ra đứng làm chánh bái. Thông thường cha tôi là người được mời làm việc này. Ông khăn đóng áo dài chỉnh tề và trước khi vào lễ trổi lên 3 hồi chiêng trống để nghinh thần. Bên tả và hữu đều có hai người phụ lễ đứng đó sẵn và mỗi khi xướng lên như:

Hưng bái (mọi người cùng đứng lên lạy xuống)
Chước tửu (rót rượu)
Giai quỳ (đồng quỳ xuống)

Mọi người đều thể hiện sự kính trọng vị thần làng như thế; còn bọn nhỏ chúng tôi chỉ đứng chơi xớ rớ đâu đó, chờ người lớn sai vặt cái gì thì chạy để lấy công. Cuối cùng rồi cũng được những nắm xôi hay quả chuối cúng thần. Thế mà chúng tôi lấy làm đắc ý lắm. Vì ngày thường họa hoằn lắm, bọn con nít chúng tôi mới có được những ân huệ này.

Cha tôi sinh năm 1898 và mất ngày mồng 9 tháng 7 năm 1986. Ông thọ 89 tuổi, quy y với Thầy Như Vạn, trụ trì chùa Phước Lâm Hội An với Pháp danh là Thị Tế. Ông là người thuộc thế hệ cũ, giỏi cả chữ Nho lẫn chữ quốc ngữ. Tôi được sinh ra vào năm 1949; nghĩa là khi ông gần 50 tuổi, tôi là người con út trong gia đình được ra đời. Ông có dáng người khỏe mạnh, hình như chẳng đau ốm ngày nào. Ông hay bốc thuốc Nam để cứu giúp người bệnh, xem ngày lành tháng tốt để gả cưới hay ma chay. Khi tôi còn nhỏ, nhớ có lần có người mượn ông đi “soi môi”, ông nhận lời; thế là cầm đuốc qua sự khai khiến của người khác, chạy đến nơi khác tìm người chết đã thất lạc. Tục lệ này đã có tự ngày xưa, mà ngày nay người ta gọi là những nhà ngoại cảm. Thời gian có khác đi và hình thức cũng không giống nhau; nhưng nội dung chỉ để tìm cho ra những người bị chết mà hồn phách, mồ mả không còn trọn vẹn.

Sau khi chúng tôi đi xuất gia, trong làng cũng trọng vọng tuổi cao của ông; nên ông đã có giai đoạn được bầu làm Khuôn Hội Trưởng chùa Hà Linh trong nhiều năm khi chùa này chưa có Tăng Sĩ trụ trì.

Hình ảnh đẹp nhất của ông mà tôi nhớ rõ là ông cặp dù đi thăm nuôi tôi ở tù vào mùa hè năm 1966 khi đã xuất gia tại Hội An. Thuở ấy là thuở “bàn Phật xuống đường” và phong trào “Thanh niên quyết tử” đang bị hoạn nạn qua việc kêu gọi của Hòa Thượng Thích Trí Quang.

Ông đứng tần ngần trước trại giam mà lòng tôi quặn thắt, khi mình còn ở tuổi 17, chưa làm được gì cho Đạo, cả cho Đời. Ông rơm rớm nước mắt chào giã từ và biết rằng con mình mặc dù đi tu; nhưng vẫn còn nằm trong vòng lao lý.

Đến mùa hè năm 1974 khi tôi từ Nhật về thăm quê lần cuối, cũng là lần cuối gặp ông, để năm 1986 ông đã nằm xuống mà ngay cả Thầy Bảo Lạc và tôi cũng đã chẳng hiện diện được trước quan tài.

Còn Mẹ như một vầng trăng rằm không bị một áng mây che. Mẹ là tất cả. Khi con đau ốm, khi đói ăn, khi đi học. Tất cả đều do Mẹ làm người hướng đạo. Không có Mẹ, tôi sẽ không biết đi chùa; không có Mẹ tôi sẽ không có cơ hội ăn chay và không có Mẹ, tôi đã không trở thành người xuất gia sau này. Ca dao, tục ngữ, văn học Việt Nam đã viết về Mẹ rất nhiều rồi. Thiết tưởng tôi không cần nhắc lại nhiều ở đây nữa. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại người Mẹ của mình; người Mẹ của đồng quê, nắng cháy; người Mẹ của quê tôi cày lên sỏi đá; người Mẹ mà một nắng hai sương tần tảo nuôi con, muốn cho con cái khôn lớn, đã chẳng đòi hỏi nhận lại một điều gì. Dầu cho điều ấy nhỏ nhất đi chăng nữa. Trên đời này có lắm người Mẹ như thế. Thỉnh thoảng cũng có những người Mẹ ở ngoài vòng tay với của các con; nhưng những người Mẹ như thế rất hiếm hoi trong đời này.

Trong vườn nhà tôi có nhiều khoảnh đất trống; nơi đó là giang sơn của Mẹ. Mẹ trồng rau tần ô, ngò, cải bẹ xanh, rau diếp cá, tía tô, rau ngò gai, đậu đũa, đậu ngự v.v… quanh năm suốt tháng, lúc nào tôi cũng thấy Mẹ chăm bón mảnh vườn nho nhỏ xinh xinh ấy, giống như chăm bón đời sống tâm linh của mình. Hết nhổ cỏ lại bỏ phân vào gốc; hết tưới nước lại bắt sâu v.v… Khi rau lên cao, Mẹ lại cắt rau đem ra chợ làng quê để bán. Thuở ấy tôi không còn nhớ rõ là chợ họp mấy ngày trong tuần; nhưng có ngày chợ đông lắm. Trong làng ai có thứ gì mang ra thứ đó để đổi chác, mua bán với nhau. Hầu như chẳng có thứ gì đắt giá, đa phần là nón lá, chuối, mít, ổi, đu đủ và rau trái vườn nhà. Thịt thà và cá mắm cũng có; nhưng đây là xa xí phẩm của quê tôi. Hình như chỉ những ngày lễ trọng đại trong năm, họ mới bày bán những thứ ấy tại chợ làng quê này. Bây giờ mỗi lần hình dung lại làng quê ấy, bên cây đa chợ Đình, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, chẳng nói lên được lời.

Những ngày rằm, mồng một tôi theo Mẹ đi chùa và chính đây là cái nhân để sau này đi xuất gia học đạo. Ơn của Mẹ ngoài công sinh dưỡng ra, Mẹ đã cho con cả một bầu trời đạo pháp, rộng rãi thênh thang vô cùng tận, không có biên giới nào cản ngăn cả. Bây giờ ở tuổi 64 tôi mới thấm thía những ý nghĩa này. Cái ý nghĩa thâm sâu ấy, người ta không thể dùng lời nói để diễn tả, chỉ có thể cảm nhận mà thôi.

Mẹ tôi thuộc thế hệ cổ xưa, bà sinh năm 1908, kém cha tôi 10 tuổi. Bà mất năm 1966, lúc ấy bà mới 58 tuổi, còn tôi thì đã xuất gia được 2 năm, từ năm 1964 tại Hội An. Ngày ấy chiến tranh rất tàn khốc ở miền quê, vào ban đêm thì mặt trận về, bắt dân phải đi học tập. Còn thanh niên thì đào hầm trú ẩn. Ban ngày thì lính quốc gia đi tuần, bắt dân phải lấp hết những hầm hố ấy lại. Rõ là cảnh khổ của người dân, phải sống trong vùng xôi đậu như thế. Mỗi ngày một nắng hai sương đã đành, nay lại còn hai thể chế khác nhau sống chung trong một đất nước, khiến cho con người lại càng khổ tâm hơn nữa. Tất cả những khó khăn, người dân phải lãnh hết; còn những cấp lãnh đạo ngồi tại Sài Gòn, Hà Nội, nào ai có biết đến thân phận của người dân là gì?

Tôi nhớ rất rõ, hôm đó chuẩn bị làm tuần 49 ngày cho anh trai thứ sáu của tôi, đi Nhân dân Tự vệ bị chết. Trên đường đi về từ chùa Phước Lâm đến chợ Cẩm Hà, đối diện với tôi là xe chở thương từ trạm Nam Phước trờ đến. Có người nhận diện ra tôi, nên đã báo tin rằng Mẹ tôi, Bác tôi đã qua đời vì quả đạn pháo kích tối hôm qua nả từ cầu Câu Lâu vào nhà ông Trợ. Thế là có nhiều người bị thương và hai người chết. Trong xe chở thương này có cả chị thứ năm của tôi nữa. Ôi! Một nhà tang thương, biết nói thế nào cho hết nỗi khổ của nhân sinh đây. Tôi lặng người, sau khi đã khóc hết nước mắt để tiễn đưa Mẹ vào nơi chốn vĩnh viễn nghìn thu. Hôm đó là ngày 27 tháng 3 âm lịch năm 1966. Thầy Bảo Lạc ở Sài Gòn không về được, tôi chỉ một mình đưa tang Mẹ; mà sau này Thầy Phan Thế Tập, cựu Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Xuyên Mỹ thuở bấy giờ đề nghị lấy ngày mất của Hiền Mẫu tôi làm ngày trao giải thưởng do Hòa Thượng Thích Bảo Lạc từ Úc gởi tặng, cho đến nay cũng đã 20 năm rồi.

Khi còn sống Cha cày bừa, Mẹ cấy lúa và làm vườn. Còn tôi tuổi nhỏ chỉ biết đi học và họa hoằn lắm khi Mẹ nhờ lúc nhổ tóc bạc, lúc nhặt sạn trong gạo, lúc cho lúa vào cối xay hay theo Mẹ đi chợ v.v… tất cả đều cũng được trả công xứng đáng, khi thì cây cà-rem, lúc thì một nắm xôi bắp v.v… Tất cả đều có điều kiện.

Lúa miền quê có nhiều loại, nhưng đa phần ngày xưa người ta cấy ruộng thấp, phải cho nước vào để nuôi cây lúa. Sau một hay hai tháng, người ta phải làm cỏ cho lúa; đến khi lúa trổ đòng đòng người ta lại phải xịt thuốc trừ sâu. Hương thơm của mùa lúa trổ rất ngọt ngào; nhất là những đêm trăng rằm khi chúng tôi có dịp đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử băng qua những ruộng lúa này. Chung quanh những đám ruộng ấy có bờ đê quanh co đầy cỏ mọc. Trẻ mục đồng có thể cắt cỏ này về cho trâu bò ăn trong những ngày không có cày bừa.

Chùa Hà Linh là một trong những ngôi chùa cổ của quê tôi được bao bọc bởi những ruộng lúa như thế. Tuổi thơ của tôi cũng được bao bọc quanh mình bằng tình yêu thương của cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Vì vậy, hình ảnh ngôi chùa, làng quê, bụi chuối, lũy tre làng v.v… luôn ẩn hiện bên tôi, mặc cho tôi có thời gian sống ở thị thành nhiều hơn gấp ba hay bốn lần thời gian sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ấy. Tôi vẫn là một đứa bé hạnh phúc; bởi vì chung quanh mình đều đầy đủ, không thiếu thốn bất cứ một loại tình thương yêu nào.

Thú vui của tuổi thơ ngoài việc bắn bi, đánh cờ gánh ra, còn có thú vui chăn trâu hay chăn bò nữa. Nằm ngửa hay nằm sấp trên lưng trâu để trâu gặm cỏ; hay trâu trở về chuồng là một niềm vui khó tả. Tôi ngửa mặt lên trời để đếm từng cụm mây bay qua. Có khi là một ông tiên râu bạc; có lúc có hình ảnh của Đức Quán Thế Âm. Đôi khi lại hiện ra một vài hình thù kỳ dị… tất cả là một trò cút bắt. Thoạt hiện ra đó rồi thoạt mất đó. Không có áng mây nào nhất định cả. Tất cả đều di động và thay đổi vô chừng. Thuở ấy tôi đâu biết rằng đường đời cũng ngang dọc, dọc ngang như những cụm mây kia, khi nổi khi chìm. Nếu ai thong dong tự tại như những cụm mây kia thì cuộc đời của họ có muôn vàn màu sắc. Ngược lại, nếu ai đó chỉ dừng lại ở một nơi chốn nào, thì cuộc sống kia bị giới hạn; giống như những đám mây xanh trắng kia bị cơn gió lốc chặn đường, khiến chúng tan ra từng mảnh nhỏ, rồi tìm cách hợp hợp tan tan… trong khung trời vô định ấy.

Thú vui tuổi thơ của tôi thuở ấy là cỡi bò lội nước trong những cơn lụt lội. Con bò thường sợ nước; nên chúng bươn vội đến đồi cao; trên đồi cao ấy tụ họp không biết bao nhiêu là dế nhủi, chuồn chuồn, châu chấu ngay cả những con bọ hung to tướng, hình thù xấu xí và khi nhìn thấy những cái càng màu đen to lớn của chúng, chúng tôi lại có ý ngại ngùng.

Bò lúc nào cũng chỉ tìm đến cỏ. Thỉnh thoảng mới quơ trộm lúa xanh dọc đường; nhưng nhiệm vụ của kẻ chăn bò là không cho bò ăn bậy, dễ bị những nông dân khác quở mắng. Khi lớn khôn và nhất là lúc xuất gia học đạo, tôi xem 10 cách chăn trâu, cũng giống như chăn tâm mình thôi. Vì tâm vốn không có bờ ngăn cách. Bò cũng vậy, nếu không khéo chăn bò thì không thể nào chăn tâm mình được.

Sau này vào đời, chăm lo cho thân mình hay nuôi dạy đệ tử, tôi cũng đã ứng dụng phép chăn bò của tuổi ấu thơ ấy, thế mà được việc. Tôi quan niệm rằng mỗi con ngựa, mỗi con trâu hay mỗi con bò, chỉ có một dây cương, một dây mũi. Ngựa hay trâu bò chỉ theo một người điều khiển duy nhất để nó có thể đi tới, đi lui, quẹo qua phải hay trái v.v… trong một lúc, nếu có nhiều người cùng điều khiển thì ngựa, trâu hay bò không biết hướng nào mà đi. Việc lãnh đạo quần chúng cũng giống như vậy. Tôi đồng ý thay đổi người lãnh đạo nếu cần nhưng không đồng ý trong lúc người lãnh đạo đang cầm cương lại có nhiều người khác muốn hướng dẫn, vì như vậy thì con ngựa kia chẳng biết đường nào mà đi.

Gia đình tôi có cha mẹ và 8 anh chị em gồm 5 trai, 3 gái. Người chị cả năm 2012 này đã 85 tuổi. Tôi là út mà cũng đã 64 tuổi rồi. Nghĩa là trung bình trong 3 năm, cha mẹ tôi cho một người con ra đời. Chị Hai, chị Ba và chị Năm, anh Tư, anh Sáu, anh Bảy (tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc), anh Tám và tôi thứ chín. Trong hiện tại tôi chỉ còn 2 chị và 2 anh. Hai anh trai và một chị gái đã qua đời do chiến tranh và bệnh tật.

Chị Hai tôi dáng người trung bình, lấy chồng lúc 20 tuổi. Nay chị đã 85, 86 tuổi rồi. Cái tuổi của quên lãng, cái tuổi của con cái, cháu chắt đầy nhà; nhưng chồng chị đã mất sớm và chị phải lo cho một đại gia đình như vậy. Chị đi lấy chồng, thỉnh thoảng ngày Tết, ngày giỗ gì bên nhà cha mẹ tôi, chị mới dẫn con cái về. Đa phần theo nghề nông, đầu tắt mặt tối với công việc một nắng hai sương. Nhớ có lần sau khi đi xuất gia rồi, trở về thăm quê, tôi tìm lên nhà để thăm chị; nhưng được biết chị đi cắt rau muống để ngày mai ra chợ bán. Tôi lặn lội tìm đến đám rau chào hỏi và thăm chị. Chị lặng lẽ lận tay vào lưng quần lấy ra một cuộn giấy bạc cuốn tròn và đếm mấy tờ 10 đồng tặng cậu Chín. Hình ảnh ấy đã gần 50 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Nhớ để ghi lại hình ảnh của một người chị nhà quê dân dã, chất phác, hiền lành, hầu như rất ít nói. Thỉnh thoảng có gì cần chị mới có ý kiến mà thôi.

Năm 2003 tôi có đón chị, anh Bốn, chị Năm và vợ anh Sáu sang Đức thăm, lần ấy gặp vào ngày 28 tháng 6, là sinh nhật của tôi. Tôi nói chị kể lại lúc nhỏ tôi như thế nào, thì chị bảo rằng: “Thầy kể đi!” Kể làm sao được khi tôi mới sinh ra? Thế là chị em cùng cười. Lúc tôi sinh ra, chị đã đi lấy chồng được một hai năm rồi. Vả lại người nhà quê, ít ai muốn nhắc lại chuyện xưa, dầu cho chuyện ấy có tốt đến đâu đi nữa; cho nên gọi họ là những người sống giản dị là vậy. Giản là đơn giản, tỉnh lược, sơ sài. Dị là dễ dãi, dễ dàng. Họ sống không cầu kỳ mà rất thật thà, chất phác. Bây giờ thì lưng chị đã còng nhiều, đứng đi đều phải nhờ đến con cháu, cái bệnh, cái chết cũng đã đến gần kề. Tôi khuyên chị nên cố gắng niệm Phật, ngày rằm tháng giêng năm Quý Tỵ vừa rồi chị đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 86.

Chị Ba thì lấy chồng xa, tận cầu Câu Lâu và chỉ sinh được một cháu gái, đến năm 1954 chồng đi tập kết; chị sống như vậy để nuôi con và sau khi đứa con gái đi lấy chồng, chị vẫn sống như vậy cho đến ngày qua đời, cách đây mấy năm về trước.

Anh chị Bốn năm nay đã 80 tuổi, nghề nghiệp chính là thợ mộc. Anh chị có nhiều con cháu và nay ở tuổi về chiều lo tu niệm cũng như chăm sóc nhà thờ tộc Lê trong những ngày giỗ quải và kỵ cúng ông bà. Mới đây vào ngày 27/10/2012 chúng tôi có tổ chức cho gia đình, con cháu qua Chiangmai, Thái Lan sum họp lần thứ hai, cả anh chị đều có mặt. Mặc dầu tuổi lớn như vậy, ngồi xe bus từ Việt Nam qua Lào, rồi qua Thái. Đi về cả 4 ngày 2 đêm; nhưng hai ông bà vẫn còn khỏe mạnh. Đó cũng là cái phước của gia đình.

Lần này, sau hơn 40 năm Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi mới gặp lại người anh rể thứ Năm. Trông anh nhỏ thó so với ngày xưa, nhưng rắn chắc, vì là người nhà nông. Chắc tuổi anh cũng đã gần 80 rồi. Cháu nội của anh có đứa tốt nghiệp đại học. Đây cũng là niềm vui của gia đình vậy. Chị Năm bây giờ bịnh hoạn, nên lần này chị không tháp tùng cùng gia đình được.

Người anh thứ Sáu đã mất từ năm 1966 và người chị dâu, vợ của anh ở vậy nuôi con cho đến con cái trưởng thành.

Người anh thứ Bảy là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc. Người anh thứ Tám sinh năm 1945, cũng chính năm tản cư của Đệ nhị Thế chiến. Anh đã mất khi mới một tuổi.

Người cuối cùng trong gia đình là tôi. Đúng là “giàu út ăn, khó út chịu”. Gia đình tôi không giàu cũng chẳng nghèo, nghĩa là một nhà nông thuộc hạng trung lưu của quê hương xứ Quảng. Nếu Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi không nhờ được ánh sáng Phật Pháp thì cũng đã chẳng có được ngày hôm nay.

Năm 1957, sau khi Hòa Thượng Bảo Lạc đã xuất gia tại chùa Non Nước một năm, gia đình cha mẹ tôi đón xe đò đi Đà Nẵng, dừng ghé qua Non Nước để thăm Thầy. Chùa Linh Ứng là nơi Cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu trụ trì và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tu học ở đó cho đến năm 1960. Cũng nhờ những chuyến đi thăm ông anh tu tại đó mà tôi có ý hướng vọng về đời sống tu hành sau này. Từng điểm nhỏ như thế, những giọt nước mới tạo nên đại dương và trong đại dương kia không thể thiếu những giọt nước ban đầu này.

Tâm Bồ Đề của tuổi thơ khó khơi dậy nếu không có những thuận duyên trong cuộc sống. Do vậy, trợ duyên trong 37 phẩm trợ đạo là những điều kiện căn bản vô cùng khi ai đó muốn gửi trọn cuộc đời vào chốn thiền môn.

Nhà tôi thuở ấy ba gian một chái, lợp ngói và phía dưới là nhà bếp dùng cho sinh hoạt của gia đình như nấu nướng, ăn uống, xay lúa, giã gạo, chằm nón, sàng trấu v.v… Đây là một bức tranh rất sinh động của nhà quê trong lúc quê hương đất nước thanh bình.

Bên cạnh nhà tôi có nhà anh Cọng, là anh em chú bác ruột và xa xa kia là nhà của Bà Bác Soạn. Bác là chị dâu của cha tôi và khi Bác trai mất, Bác ở vậy nuôi anh Vĩnh và anh Cọng nên người. Bác không tái giá. Ngày 27/3/1966 Bác đã cùng với Mẹ tôi bị tử nạn và ngày nay hai bà vẫn được giỗ chung trong một ngày.

Anh trai đầu Lê Văn Vĩnh, con của Bác, sau Đệ nhị Thế chiến đi vào Bồng Sơn ở Bình Định, lập nghiệp, cũng như cưới các vợ kế tại đó. Mỗi năm có giỗ quải, anh lại dẫn vợ con về thăm quê một lần để giới thiệu với bà con dòng họ. Ngày nay mặc dầu anh đã qua đời; nhưng con cháu anh vẫn về quê Mỹ Hạc để thăm viếng người thân. Trong số các cháu nội ngoại của anh, có nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học.

Gia đình anh Cọng có 6 người con gồm 5 trai, 1 gái. Con đầu của anh học chung Tiểu Học với tôi một lớp nhưng sinh năm 1950 và nay đã vãng sinh ở tuổi dưới 60. Những người em khác của Cọng như: Phát, Sinh, Cương, Nhị, Phụ nay đã có cháu nội ngoại và con cháu của các gia đình này đều tốt nghiệp đại học, đang sinh sống tại Bình Long, mặc dầu các con của anh chị Cọng vẫn theo nghề thợ mộc.

Trước đây chừng 15 năm, từ quê hương xứ Quảng, anh Bốn tôi có gởi thơ cho Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi muốn xây dựng một nhà Từ Đường họ Lê ở quê hương để thờ cúng ông bà. Tôi nghĩ rằng người đi xuất gia rồi, đâu cần phải làm việc ấy nữa; nhưng Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi sau khi bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới ra điều kiện như sau:

Xây nhà Từ Đường thì được, nhưng ở phía Tiền phải thờ Phật và Hậu thờ Tổ. Đây là cái cớ của chúng tôi, để gia đình có giỗ quải không cúng mặn mà chỉ cúng chay thôi. Cuối cùng thì mọi người đã đồng ý. Từ đó Hòa Thượng Bảo Lạc lo bảo trợ, xây dựng nhà Từ Đường họ Lê ở Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Còn tôi lo bảo trợ giúp đỡ cho việc xây dựng nhà Từ Đường họ Lê tại Bình Long, thuộc Miền Nam Việt Nam cả hai ngôi Từ Đường này đều xây dựng lên với hình thức như một ngôi chùa.

Ngôi Từ Đường họ Lê tại miền Nam có sinh hoạt cho cả Gia Đình Phật Tử và những đêm 14 hay 30 âm lịch đều có tổ chức lễ Sám Hối cho cả đại gia đình cũng như cho những người Phật Tử đang định cư tại đó. Chúng tôi nghĩ rằng: Người dưng nước lã mà mình còn giúp đỡ được. Tại sao thân nhân, dòng họ lại không được giúp đỡ. Nghĩ cho xa hơn, nếu không có họ, thì đâu có mình ngày nay. Do vậy dòng tộc, thân quyến cũng là cái duyên trong bao đời, để ta mới có thể xuất gia học đạo được. Xa hơn nữa, khi nghĩ về Đức Phật và Chư Tổ cũng chưa có ai đi ra ngoài nguyên tắc này khi chúng ta vẫn còn hiện hữu nơi trần thế đầy pháp duyên sinh này cả.


« Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




San sẻ yêu thương


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Về mái chùa xưa


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.200.95.157 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...