Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 3. Đường sang xứ Úc »»

Đường Không Biên Giới
»» 3. Đường sang xứ Úc

(Lượt xem: 2.675)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 3. Đường sang xứ Úc

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Cách đây độ chừng 20 năm tôi đã có dịp đọc một quyển sách Đạo nhan đề là “Đường về Cực Lạc” của Thượng Tọa Thích Trí Tịnh, nói về phương pháp Niệm Phật Vãng Sanh. Rồi độ 10 năm sau nữa, ở một ngôi chùa Tổ Đình dòng Lâm Tế, chùa Phước Lâm tại Quảng Nam, tôi đọc được một quyển sách của 3 tác giả cùng viết chung tương đối khá hay, cũng có nhan đề “Đường về xứ Phật”. Ba vị tác giả ấy là Thượng Tọa Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Huyền Vi và Thượng Tọa Thích Thiện Châu. Nội dung của sách viết về những Phật tích tại Ấn Độ, nơi mà Quý Thượng Tọa lúc bấy giờ đang tu học tại đó.

Ngày nay Thượng Tọa Thích Minh Châu vẫn còn ở Việt Nam (nguyên là Viện Trưỏng Viện Đại Học Vạn Hạnh), bị áp lực của Cộng sản cũng như của gia đình, Thượng Tọa bị cưỡng chế dưới nhiều hình thức gần như xa hẳn lập trường của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong hiện tại.

Hoà Thượng Thích Huyền Vi hiện đang ở Pháp. Trụ trì chùa Linh Sơn, là đương kim giảng sư danh tiếng của Phật giáo Việt Nam tại Pháp.

Còn Thượng Tọa Thích Thiện Châu bây giờ cũng đang ở Pháp, trụ trì Tinh xá Trúc Lâm, nhưng Thưọng Tọa bị Cộng sản Việt Nam lợi dụng, hiện là một cánh tay nối dài của Chính Quyền Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngoài nước.

Đọc “Đường về Xứ Phật”, tôi thấy hân hoan khó tả, nhưng hôm nay xứ Phật chưa về mà một vài vị đã gần như xa xứ, cảm như sự thế đổi dời, vô thường biến đổi, như bãi bể nương dâu. Quả thật cuộc đời là một sự đổi thay không định hướng.

Hôm nay tôi không muốn giới thiệu với quý vị độc giả những “đường về” như trên, mà tôi sẽ viết về một cuộc hành trình, một thiên hồi ký về xứ Úc.

Nước Úc nằm về phía Nam bán cầu, đối ngược với Việt Nam hay Nhật Bản. Khí hậu ở đây tương đối giống Việt Nam, nhưng cũng có nhiều nơi nóng hoặc lạnh hơn.

Nếu ai bảo Nhật là một hòn đảo cô đơn, Đại Hàn là một bán đảo, thì Úc Đại Lợi cũng chỉ là một hòn đảo không hơn không kém. Tuy Úc là một hòn đảo, nhưng người ta ít nhận ra được khi ở giữa đất liền, vì xứ Úc quá rộng lớn, diện tích gần bằng nước Mỹ. Nhưng ở đây chỉ có 14 triệu dân, đa số là dân di cư tạp chủng từ khắp nơi trên quả địa cầu. Người ta sống trong lục địa mênh mông ấy, không còn cảm thấy mình bị cô lập bởi thiên nhiên như sông, núi, hồ, ao.

Năm 1980 tôi đã có dịp đi Úc 2 lần, Mỹ và Gia Nã Đại một lần, Á Châu một lần, Phi Châu một lần và Âu Châu nhiều lần khó có thể ghi hết trong ký ức. Nếu làm một con số thống kê về đường bay sẽ có khoảng hơn 100.000 cây số tôi đã đi và trở về lại Đức.

Ngày xưa, khi thời còn du học, mỗi lần xin visa để đi xứ này qua xứ khác là cả một vấn đề khó khăn và phức tạp, có thể phải đổi bằng tiền tài, sự lanh lợi hay uy thế. Còn ngày nay dễ dàng đến mức có nhiều lúc chưa muốn đi mà việc đi vẫn đến như thường.

Tuy ta là con dân của nước Việt, nhưng ta chưa hân hạnh được làm dân của một nước thật sự hòa bình, độc lập, tự do, nên người Việt chúng ta vẫn chưa có một cái gì đáng tự hào với năm châu bốn bể cả.

Quê hương ta không thiếu một thứ gì, kể cả tình người lẫn vật chất, nhưng trong hiện tại ta thiếu rất nhiều thứ tự do căn bản của một con người.

Ngày nay ta ở ngoại quốc, ta có đủ hết mọi điều, từ nhà lầu, xe hơi, truyền hình, tủ lạnh... nhưng chúng ta đang thiếu một điều: Đó là quê hương, tình người và một Việt Nam muôn thuở. Ở ngoại quốc dầu cố ý tìm tòi bao nhiêu chăng nữa, nơi đây cũng không có một tình tự dân tộc cho thật Việt Nam, không có tình người, không có mái chùa xưa, không có ngôi đình cũ, nên dầu có đủ bao nhiêu, trong ta vẫn thấy trống vắng lạ thường.

Ôi quê hương. Ôi tình người ... Tôi thấy được một điều là chúng ta chỉ có thể hòa đồng và đoàn kết được khi lửa hận thù không còn nữa và nước từ bi rưới tắt lòng căm hận thì mới không còn oan oan tương báo. Nếu không, nghiệp khổ vẫn cứ đeo đuổi chúng ta hoài và có lẽ chẳng bao giờ trí tuệ siêu phàm phát triển, nảy nở được.

Ngày nay người Việt Nam chúng ta ở khắp nơi trên quả địa cầu, chẳng biết đó là một niềm vui hay là điều tủi nhục? Có lẽ thời gian và hoàn cảnh sẽ trả lời cho tất cả chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn trở lại Việt Nam - quê hương yêu dấu, như người Do Thái trở lại Thánh Địa Jerusalem - thì ta còn đỡ tủi nhục. Nếu không, chúng ta cũng chỉ là những cánh hoa chùm gởi nơi xứ lạ quê người không một chút nghĩa ơn.

Nước Úc tuy to lớn nhưng chỉ có một số thành phố chính như Sydney, Brisbane, Melbourne, Perth, Darwin, và một số thành phố nhỏ hơn như Adelaide, Canberra... Canberra là thủ đô của Úc, nhưng nhỏ hơn Sydney, cũng như Bonn là thủ đô tạm thời của Tây Đức, nhưng nhỏ hơn Munchen hay Hamburg, hoặc Ottawa của Canada nhỏ hơn Montreal, Toronto... Điều đó chúng ta cũng chẳng lạ gì. Vì thủ đô của một nước là nơi tập trung những thế lực chính trị của nước đó và của thế giới, còn một số thành phố khác tuy không là thủ đô, nhưng sầm uất hơn, vì đó là nơi thương mại, bán buôn.

Tôi đã có dịp ghé Sydney, Brisbane, Adelaide nhiều lần, nên ở đây xin ghi lại một vài hình ảnh để quý độc giả hiểu thêm về một số phong tục, tôn giáo và văn hóa của xứ Úc cũng như của người Việt Nam chúng ta hiện đang cư ngụ tại Úc.

Như trên đã trình bày, Úc là một xứ di dân đa chủng, nên phong tục của mỗi giống dân đều có từng sắc thái đặc biệt của họ. Vì bao nhiêu năm tôi đã có dịp ở Á, Âu và Mỹ Châu vào nhiều dịp Tết, tuy cũng khác nhau, nhưng không như ở Úc. Ở Úc có lẽ không có Tết, không có một phong tục, một sắc thái nào nổi bật trong ngày Tết của Úc cả. Có lẽ dân tộc nào cũng nghĩ rằng mình đều có phong tục riêng, nước Úc đối với họ chỉ là một nước đến để ở, làm việc, lấy tiền để về sống nơi quê hương của họ, ngoài ra không có một ý nghĩa nào khác cả.

Trong khi đó thì người Việt Nam chúng ta vẫn chờ ngày Tết âm lịch hơn là vui theo dương lịch.

Dầu ở Úc đa số là người Anh, nhưng có lẽ họ ở đây lâu đời (nhiều nhất là 200 năm) nên họ cũng bị ảnh hưởng bởi cái vô ý vị về ngày Tết ấy. Dầu cho Giáng Sinh ở đây có tô điểm thế nào đi chăng nữa, vẫn không thể nào và không bao giờ có được một bông tuyết rơi, trong lúc Âu Châu hoặc Mỹ Châu đang lạnh buốt thấu xương, tuyết rơi trắng xóa ngoài đường, ở Úc Châu đón Giáng Sinh bằng những giọt mồ hôi nhễ nhại, nóng bức khó tả, đôi khi nhiệt độ lên đến cả 40 độ C.

Khi người Anh tìm ra được đất Úc, đa số đều mang theo tín ngưỡng của họ. Đó là Tin Lành hoặc Thiên Chúa Giáo, và đương nhiên một số dân tộc khác khi di dân vào xứ Úc cũng đã mang tôn giáo của họ vào.

Riêng Phật giáo thì sự có mặt tại xứ Úc này hơi trễ. Phật giáo được dân Úc biết đến nhiều có lẽ từ khi người Tây Tạng chạy loạn sang đây và một số người Âu Châu theo Tiểu Thừa Phật giáo mang đến. Ở tại Úc, người Phật tử cũng như giới Tăng Sĩ Tây Tạng đã tạo dựng được khá nhiều chùa chiền, tu viện như ở Thụy Sĩ hay Tây Đức, nhưng cũng không phổ cập mấy đối với người địa phương. Vì đa số người Âu Châu hay Úc Châu khi nghiên cứu và tin theo Đạo Phật chỉ về phần triết lý chứ không thiên về phần tín ngưỡng hay lễ nghi như người Phật tử Á Châu vẫn thường hay tin.

Khoảng hậu bán thế kỷ thứ 19, sau cuộc Duy tân của vua Minh Trị (Meiji Tenno - Nhật - 1868) người Âu Châu tìm tòi đến văn hóa và tôn giáo của Á Châu nhiều hơn trong những thế kỷ trước. Ngược lại người Nhật cũng nhân cơ hội này mở rộng cửa giao thương với người Âu Mỹ và phiên dịch những sách báo bằng tiếng Nhật ra Anh ngữ để người ngoại quốc có cơ hội hiểu về người Nhật nhiều hơn (trong đó có tôn giáo, văn hóa, thương mại). Trong các tác phẩm được dịch ra Anh ngữ đã được giới học giả và giới trí thức Âu Châu ái mộ nhất trong hậu bán thế kỷ 19 về tôn giáo có lẽ là bộ Thiền luận của Suzuki. Ông là một người cư sĩ tại gia nhưng viết sách về Thiền rất độc đáo, đã làm cho nhiều người Âu Châu ngày càng tìm hiểu về Phật giáo nhiều hơn.

Tuệ Sỹ và Trúc Thiên cũng đã dịch bộ sách Thiền của Suzuki (Daietsu Teitaro) ra Việt ngữ và cũng đã được nhiều giới tôn giáo và văn học Việt Nam ưa chuộng. Nguyên tác những sách của Suzuki có nhiều đề tựa khác nhau nhưng quyển đầu tiên tựa đề là Thiền Học nhập môn (Zengakku nyumon). Có nhiều người Việt Nam đã dịch là “Nẻo vào Thiền học” hoặc “Đường vào Thiền học”. Cả hai cách dịch đều đúng cả. Tôi đã có dịp đọc bộ Thiền luận của Suzuki bằng tiếng Nhật trong thời gian ở Nhật, thấy không hay bằng văn đã được dịch sang Anh ngữ hay Việt ngữ.

Một quyển sách khác mang tên tiếng Đức là “Der Weg Zum Innern”, nếu dịch đúng nghĩa là “Đường vào nội tâm”, nhưng Phùng Khánh và Phùng Thăng đã dịch là “Câu chuyện dòng sông”. Đây là một câu chuyện giả tưởng mang tính chất lịch sử, theo cái nhìn của một người Âu châu đượm nhuần tinh thần Phật giáo.

Sau năm 1975, đồng bào Việt Nam chúng ta di tản đến Úc ngày càng đông. Cho đến hôm nay (1/1981), ước chừng 33.000 người có mặt khắp nơi trên nước Úc. Đa số người Việt Nam chúng ta theo Phật giáo, nên nhu cầu tinh thần ngày càng cấp thiết hơn mà ở đây cho đến đầu năm 1980 vẫn chưa có một vị Tăng sĩ Việt Nam nào hướng dẫn tinh thần cho đồng bào cả, ngoài Thầy Đồng Trung đã tỵ nạn sang Sydney rồi sau đó qua Los Angeles. Đến đầu năm 1980, trên đường trở lại Nhật tôi đã có lần ghé thăm đồng bào Phật tử Việt Nam tại đây và sau khi tiếp xúc, nói chuyện, gặp gỡ... mọi người con Phật ai ai cũng đều mong muốn có một vị Tăng sĩ Việt Nam đến lưu ngụ tại Úc.

Phật tử tại Úc vào cuối năm 1980 có đón được 2 vị Tăng sĩ Việt Nam từ Hồng Kông và Pulau Bidong đến tỵ nạn. Đó là Hòa Thượng Thích Tắc Phước và Thượng Tọa Thích Huyền Tôn. Hiện nay 2 vị này đang trụ trì 2 chùa tại Melbourne và Sydney.

Trước khi nhị vị Tăng sĩ sang đến Úc, ở đây có 3 Hội Phật giáo Việt Nam đã được thành lập trước đó một năm tại New South Wales, Brisbane và Adelaide (Perth, Canberra được thành lập sau đó), và nơi nào cũng không có tu sĩ Việt Nam hướng dẫn. Có một số quý vị Phật tử đặt câu hỏi với chúng tôi là: Tại sao quý Thầy Việt Nam sang đến được các đảo đều mong muốn đi Mỹ cả, mà không muốn đến Úc hay một nước Âu Châu nào khác ngoài Pháp và Đức?

Câu hỏi tuy dễ nhưng sự trả lời thật khó. Nếu đứng từ quan điểm của chính tôi, tôi đã giải thích như sau:

- Vì đa số các vị đó đều nghĩ rằng ở Mỹ đã có cơ sở rồi, nên đến đó tiện hơn.

- Vì ở Mỹ nhiều đồng bào Phật tử hơn là ở những nước khác.

- Vì chính khả năng của những vị Tu sĩ ấy chưa đủ để đứng ra lãnh đạo một Hội đoàn, một tổ chức hay một ngôi chùa.

- Và cũng chính vì trình độ văn hóa của những vị Tu Sĩ Việt Nam mới sang trên đường tỵ nạn cần bổ túc thêm (trừ những vị đã đi du học từ trước). Họ chưa sử dụng được ngoại ngữ thông thạo nên cần phải học cũng như những người tỵ nạn Việt Nam khác. Sau vài ba năm họ sẽ là những người đi tiên phong để lãnh đạo quần chúng.

Nhưng xét cho cùng, với một nhu cầu thật to lớn của đồng bào Phật tử Việt Nam hiện nay trên khắp cõi địa cầu, mà chỉ có hơn 100 vị Tu Sĩ Phật giáo lo cho đồng bào Phật tử về vấn đề tinh thần thì quả là một vấn đề hết sức trọng đại.

Sau năm 1954, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã gởi một số Quý Thầy sang du học ở các nước: Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức nhưng theo tôi được biết con số chính thức những du học Tăng được Giáo Hội gởi đi tính đến năm 1975 độ chừng 60 vị. Một số đã về nước làm việc với Giáo Hội và một số du học Tăng đã tốt nghiệp tại ngoại quốc và đang làm việc với đồng bào khắp năm châu độ chừng 35-40 vị. Với một nhu cầu quá lớn của đại đa số quần chúng Phật tử Việt Nam mà những người có khả năng lãnh đạo tinh thần đồng bào lại quá ít, nên đó vẫn là vấn đề khó khăn của Giáo Hội ở Hải Ngoại hiện nay. Người phát tâm xuất gia ngày càng biệt dạng, trong khi đó những vị lãnh đạo tinh thần lớn tuổi lại lần lượt ra đi. Một khoảng trống rất lớn mà ai trong chúng ta cũng đều phải lưu tâm đến.

Giáo Hội chúng ta nghèo, nhưng Giáo Hội đã đào tạo được một số Tu Sĩ nòng cốt tại Hải Ngoại chân tu thực học, cấp bậc thấp nhất là cử nhân và cao nhất là Tiến sĩ, về Đạo cũng như về đời. Dầu sao đi nữa, điều này cũng làm cho chúng ta hãnh diện với người ngoại quốc hay chính người Phật tử Việt Nam chúng ta.

Ngày xưa đa số tu sĩ Phật giáo Việt Nam chỉ cần học thông thạo nội điển là đủ, nhưng ngày nay vì sự lớn mạnh của Đạo Phật cũng như sự tiến bộ của quần chúng, nên bắt buộc những tu sĩ ngoài việc thông hiểu kinh, luật, luận còn cần phải có một số bằng cấp tương đương với đời thì mới mong hoàn thành trọng trách Sứ Giả Như Lai, mang Đạo Phật đi vào quần chúng.

Thật ra cái học đối với người tu dầu là tiến sĩ hay cử nhân cũng chẳng có giá trị gì trong cuộc sống tạm bợ này cả. Vì đạo Phật quan niệm rằng cuộc đời là vô thường thì tất cả những bằng cấp trên cũng đều bị biến đổi theo sự vô thường đó. Cho nên học hỏi để giúp đời giúp Đạo, không phải học hỏi để khoe khoang bằng cấp, tranh giành địa vị lớn nhỏ.

Tôi đi đến đâu, các Hội Phật giáo cũng mong được tôi giới thiệu cho một Thầy để hướng dẫn những sinh hoạt cho đồng bào Phật tử. Nhưng như chúng tôi đã trình bày ở trên, tu sĩ Việt Nam trong hiện tại rất là hiếm vì “tre đã tàn nhưng măng chưa mọc” thì làm sao đây. Ngày xưa ở Việt Nam đã có biết bao nhiêu người phát tâm xuất gia nhưng ngày nay ra ngoại quốc đốt đuốc mà tìm cũng chưa thấy một người có tâm lo tu học giải thoát. Điều đó tôi nói chẳng ngoa chút nào. Vì suốt 9, 10 năm ở ngoại quốc tôi chưa thấy một người Việt Nam nào vào chùa xin đi tu cả. Có chăng cũng chỉ ít người đến ở làm công quả năm ba ngày rồi trở về nhà chứ không thể ở lại nơi Thiền Môn được. Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi rằng: “Không biết có phải vì người ta khổ mới lo tu, còn sung sướng rồi thì đâu có cần gì đến Phật Pháp?” Nói như thế chắc có lẽ chỉ đúng một phần nào thôi, nhưng nếu cứ vui theo cái đà giả tạm này liệu con người có thể mang theo những niềm vui ấy về cõi khác không? Hay cũng để cho chính nó giày vò mình đến tận tủy tận xương?

Nhưng Phật tử tại Úc may mắn cũng đón được Thượng Tọa Thích Bảo Lạc từ Nhật qua để chăm lo Phật sự tại Sydney. Đó cũng là niềm vui cho đồng bào Phật tử tại Sydney vậy.

Vì đồng bào Phật tử ở đó, theo tôi thấy họ luôn luôn một lòng vì Đạo, nên sớm muộn gì rồi ước nguyện cũng đạt thành. Có nhiều nơi Quý Thầy tương đối khá nhiều, Phật tử không mời, không cung thỉnh mà Quý Thầy và Quý Ni Cô vẫn hiện diện bên họ. Quả thật chư Phật tử ở đó thật hữu duyên, còn có nhiều nơi cung thỉnh một vị trụ trì hoài không được cũng sinh ra phật ý.

Theo thiển ý của chúng tôi, nhiệm vụ của người Tăng sĩ là trên cầu đạo Giác Ngộ dưới lo giúp đỡ quần sanh, chỗ nào cần mình đến, chỗ nào gọi mình đi. Có như thế mới tự tại giải thoát và tùy cảnh tùy duyên, chứ người tu sĩ quyết sẽ không bị một sự ràng buộc nào cả.

Ở Sydney, Brisbane, Adelaide, đồng bào Phật tử thật quá thuần thành, có nhiều vị mới nhìn thấy chiếc áo cà sa là đã khóc òa lên nói trong nức nở: “Tưởng rằng con không bao giờ còn nhìn thấy được pháp phục này nữa.” Cho hay cái tâm Đạo của con người cao hơn núi Tu Di, rộng hơn bốn biển, làm chúng tôi vô cùng cảm động và chỉ biết chắp tay nguyện cầu cho mọi người con Phật nơi đây được đầy đủ phước duyên để sống trong tinh thần từ mẫn của Đức Như Lai.

Nói về văn hóa ở xứ Úc đều ảnh hưởng bởi người Anh hay người Mỹ. Người Việt Nam chúng ta học tiếng Anh tương đối nhanh hơn tiếng Đức hay tiếng Nhật. Duy chỉ có một điều mà các bậc phụ huynh luôn lo âu cho những thế hệ trẻ rằng, nếu một mai đây không có những trường Việt ngữ để dạy cho con em thì chừng một thế hệ nữa con em của họ sẽ không còn biết Văn Hóa Việt Nam là gì nữa, mà có lẽ khi học sử Việt Nam bằng tiếng Anh hay khi nghe nói về Việt Nam, con em họ sẽ nghĩ Việt Nam cũng giống như một nước ngoại quốc nào đó không liên hệ gì với chúng.

Có nhiều bậc cha mẹ thấy con mình nói tiếng Anh với nhau vui mừng, nhưng cũng có nhiều người cấm đoán. Bảo rằng ở trường thì nên nói tiếng Anh, nhưng về nhà phải dùng tiếng Việt. Ngược lại cũng có nhiều cha mẹ không muốn con mình học tiếng Việt vì sợ thua sút bạn bè. Bên nào cũng có lý cả, nhưng nếu chúng ta nhìn tấm gương của người Do Thái và người Trung Hoa thì hẳn chúng ta cũng sẽ học được nhiều bài học xứng đáng trong vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa tại xứ người. Nếu chúng ta muốn chính chúng ta và con em chúng ta trở về Việt Nam khi không còn chế độ Cộng Sản nữa, thì nên cho con em chúng ta học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam thêm ngoài giờ học ở trường.

Do đó những vị giáo sư hữu tâm đã lo dạy tiếng Việt cho con em Việt Nam tỵ nạn ở Úc là điều đáng quí và nên làm.

Có những buổi phát thanh tiếng Việt hằng tuần và một vài tờ báo đăng tải những tin tức quê hương và thế giới bằng tiếng Việt để cho người tỵ nạn Việt Nam chúng ta có cơ hội đọc, nhớ và nghĩ về quê hương trong vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa nước nhà trong lúc xa quê hương xứ sở.

Nói chung tình hình sinh hoạt của đồng bào Việt Nam tại Úc, Phật tử cũng như không Phật tử đều quá tốt, vì nơi đó dễ phát triển và không có sự kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo như các quốc gia Âu, Mỹ khác.

Tiếng nói và khí hậu ở Úc cũng tương đối dễ chịu hơn một số quốc gia Bắc Mỹ hay Bắc Âu, vì Úc gần Việt Nam hơn là những nơi xa lạ khác.

Tôi ghi lại đây chuyến đi “Đường về Nam Cực” để hoàn tất một chương trình viễn du khắp năm châu trong thập niên 70-80 và để giới thiệu đến quí vị những nơi mà đồng bào Việt Nam ta đang sinh sống mà tôi đã được hân hạnh đến tận nơi, xem tận mắt những vấn đề liên quan đã kể trên để cống hiến quý vị độc giả một cái nhìn xác thực với người tỵ nạn Việt Nam chúng ta đang có mặt khắp nơi trên quả địa cầu.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Về mái chùa xưa


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.46.36 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (54 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...