Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Hoa Nghiêm Kinh [Truyện,Truyền] Kí [華嚴經傳記] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Hoa Nghiêm Kinh [Truyện,Truyền] Kí [華嚴經傳記] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyện Ký Kinh Hoa Nghiêm

Kinh này có 5 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Việt dịch: Thiện Thuận - Quảng An - Viên Châu - Ngộ Bổn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

1- BỘ LOẠI (Bộ loại kinh Hoa Nghiêm)
Kinh này là do Thân vân[8] pháp giới của Phật Tì-lô-giá-na[9] từ nơi định Hải ấn ở Thế giới hải Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm nói cho các Đại Bồ-tát như ngài Phổ Hiền[10] v.v… trong hải hội Thánh chúng nghe. Phàm mỗi lời, mỗi nghĩa, mỗi phẩm, mỗi hội đều trải khắp pháp giới trong mười phương hư không cho đến mỗi mỗi cõi nước như hạt bụi nhỏ trên đầu sợi lông; lại thuyết thường hằng, thuyết cùng khắp, không dừng nghỉ đến cùng tận các thế giới vi tế trùng trùng vô tận, xuyên suốt tất cả kiếp hải từ quá khứ, hiện tại, vị lai cho đến vô biên kiếp hàm dung trong mỗi mỗi niệm. Như vậy, kinh này chỉ có sức Đà-la-ni[11] mới có thể thọ trì, chứ không bút mực nào có thể ghi chép hết. Đây chính là ngôn giáo của Pháp luân viên mãn khế hợp pháp giới vậy.
Nhưng vì Bản không lìa Tích[12], nên nơi chốn[13] để thuyết kinh thì mượn cõi trời người, còn thời gian thuyết kinh thì trải qua 14 ngày[14]. Vì Tích không lìa Bản, nên chín hội[15] trùm khắp mười phương[16], mười bốn ngày nhiếp cả mười đời[17]. Lại vì Bản - Tích không hai, nên vô hạn tức hữu hạn, hữu hạn tức vô hạn. Như khế kinh Phổ Nhãn mà tỳ-kheo Hải Vân[18] thọ trì nói trong kinh này, dù bút chất cao như núi Tu-di[19], mực nhiều như nước biển lớn cũng không biên chép hết một phẩm.
Tam tạng[20] Chân Đế (499-569) nói rằng: Trong Tây Vực Truyện Ký có ghi việc bồ-tát Long Thọ xuống Long cung, thấy kinh Hoa Nghiêm Đại Bất Tư Nghị Giải Thoát này có ba bản:
- Bản Thượng có số bài kệ nhiều bằng số hạt bụi nhỏ trong 10 tam thiên đại thiên thế giới, số phẩm bằng số hạt bụi nhỏ trong Tứ thiên hạ.
- Bản Trung có 498.800 bài kệ, 1.200 phẩm.
- Bản Hạ có 100.000 bài kệ, 48 phẩm.
Hai bản Thượng, Trung và khế kinh Phổ Nhãn, hàng phàm phu không thể thọ trì, cho nên ẩn kín không được lưu truyền, còn bản Hạ được lưu truyền tại Ấn Độ.
Bởi vì căn cơ lãnh hội không đồng, nên giáo pháp nghe được cũng sai khác. Do đó, bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền đích thân lãnh thọ đầy đủ giáo pháp, còn ngài Thiên Thân, Long Thọ thì chỉ thấy phần giáo pháp lưu lại thế gian. Lại nữa, hàng Thanh văn đồng tòa mà chẳng nghe hiểu, bậc đại Bồ-tát ở chốn khác mà lãnh ngộ trước. Như vậy, đoán định có thể biết Thánh giáo ẩn hay hiện là do căn cơ hơn hay kém vậy.
Chúng sanh ngày nay cách Phật đã xa, phước báo cạn mỏng, thân lực và trí tuệ đều giảm tổn, đối với bản Hạ còn không đủ sức lãnh thọ; cho nên tùy theo năng lực và tâm ưa thích mà biên chép từng phần để thọ trì. Do đó, có bản đủ 100.000 bài kệ như Đại bản hiện còn, hoặc bản 36.000 bài kệ được dịch vào đời Tấn, hoặc bản hơn 40.000 bài kệ được dịch vào đời Chu, hoặc rút các phẩm, các hội của kinh rồi lập thành một bộ pho riêng để lưu hành, như trong phần Chi lưu được trình bày ở sau. Trong đó, có những phần dần dần thất truyền, không còn nghe đến tên gọi. Tất cả đều do căn khí của chúng sinh dẫn đến như thế.
Thí như mặt trời lồng lộng trên hư không, tỏa ra ánh sáng đều như nhau, nhưng người mắt sáng thì thấy tỏ, mắt mờ thì thấy hơi tối, còn mắt mù thì thấy một màu đen, chứ đâu phải mặt trời có sáng tối! Ở đây cũng như thế, đầy đủ hay giản lược đều do căn cơ của chúng sinh, chứ kinh pháp vốn không thêm bớt.
2- ẨN HIỂN (Những bộ kinh Hoa Nghiêm được lưu truyền và không được lưu truyền):
Theo kinh Văn-thù Bát Niết-bàn: “Sau khi Phật nhập diệt 450 năm, bồ-tát Văn-thù-sư-lợi vẫn còn ở tại thế gian”. Theo luận Đại Trí Độ: “Các kinh Đại thừa, trong đó có kinh này, phần nhiều là do bồ-tát Văn-thù-sư-lợi kết tập”.
Khi Đức Phật vừa nhập diệt, các bậc Hiền thánh cũng theo đó nhập diệt; vì vậy, ngoại đạo nổi lên rất nhiều, thiếu những bậc có căn khí Đại thừa để thọ trì kinh này. Cho nên, kinh này mới được cất giấu tại Long cung hơn 600 năm, không được lưu truyền ở thế gian.
Khi bồ-tát Long Thọ xuống Long cung, hàng ngày gặp được kinh này, cho nên tụng thuộc lòng trong tâm, rồi đem lên thế gian để truyền trao, do đó kinh này được lưu truyền khắp nơi.
Khai Hoàng Tam Bảo Lục[21] ghi: Ngày xưa, có nước Già-câu-bàn cách phía Đông Nam nước Vu Điền hơn 2.000 dặm[22]. Quốc vương nước này tên Lịch Diệp, kính trọng Đại thừa. Danh tăng các nơi khi vào nước này đều được kiểm tra; nếu vị nào theo Tiểu thừa thì mời đi, không giữ lại, còn vị nào theo Đại thừa thì thỉnh ở lại và cúng dường.
Trong cung vua sẵn có các bộ kinh như Hoa Nghiêm, Ma-ha Bát-nhã, Đại Tập v.v… mỗi bộ có 100.000 bài kệ. Đích thân vua thọ trì những bộ kinh này, chính vua giữ chìa khóa Tàng kinh các, khi đọc tụng thì mở cửa ra, dùng hương hoa cúng dường. Ở trong đạo tràng đó, vua trang trí mọi thứ, đầy đủ các báu vật, treo các tràng phan, dâng cúng hoa quả, đồng thời khuyến dụ các Tiểu vương vào Tàng kinh các lễ bái.
Lại nữa, về phía Đông Nam của nước này hơn 20 dặm có tòa núi rất hiểm trở. Trong đó, có tôn trí 12 bộ kinh như Hoa Nghiêm, Đại Tập, Phương Đẳng, Bảo Tích, Lăng-già, Phương Quảng, Xá-lợi-phất Đà-la-ni, Hoa Tụ Đà-la-ni, Đô-tát-la Tạng, Ma-ha Bát-nhã, Đại Vân v.v… mỗi bộ có 100.000 bài kệ. Theo phép nước ấy, các đời vua kế tiếp nhau bảo hộ giữ gìn.
Bấy giờ, có sa-môn Chi Pháp Lãnh[23] đời Đông Tấn, phẩm đức cao vời, mang chí nguyện rộng lớn, ưa thích Đại thừa đến quên ăn bỏ ngủ. Sư mang lương thực lên đường, chẳng kể thân mạng, đến Vu Điền một lòng cầu pháp, cho nên thỉnh được phần trước của kinh Hoa Nghiêm gồm 36.000 bài kệ, đem về Trung Quốc. Đó chính là bản được dịch vào đời Tấn.
Nay bản kinh vào đời Đại Chu[24] ta là do nước Vu Điền dâng cúng, có hơn 40.000 bài tụng. Bản Cựu dịch (bản dịch vào đời Tấn) không có phần Thế giới Hoa Tạng trong hội thứ nhất, nên không có căn cứ để giảng giải. Bản này (bản đời Đại Chu) đầy đủ, có thể lãnh hội một cách rõ ràng. Còn hội Thập Định, bản Cựu dịch chỉ có phần hỏi, không có phần đáp, bản này thì đầy đủ. Vì vậy, bản cũ chỉ có 7 chỗ 8 hội, bản này có 7 chỗ 9 hội. So với bản 100.000 bài kệ thì bản này chưa đủ, nhưng lý vẫn không thiếu.
Vả lại, ngài Long Thọ tụng bản đầy đủ để đem lên thế gian, nhưng Sa-môn Chi Pháp Lãnh chỉ có được một nửa để đem sang Trung Quốc. Tuy phàm thánh khác nhau, nhưng sự hoằng pháp không khác. Chỉ vì cõi nước có trung quốc và biên địa, sự hiểu biết có cạn và sâu, nên trong khoảng cách mấy vạn dặm, sự lãnh thọ có sai biệt, đưa đến thiếu hơn một nửa. Thật là đáng tiếc!
Luận Đại Trí Độ ghi: Kinh Bất Tư Nghị có 100.000 bài kệ. Luận Nhiếp Đại Thừa ghi: Kinh này có 100.000 bài kệ nên gọi là kinh Bách Thiên. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích ghi: Kinh Hoa Nghiêm có 100.000 bài kệ, cho nên gọi là kinh Bách Thiên. Lại nữa, kinh Niết-bàn gọi kinh này là kinh Tạp Hoa. Nhưng nói Bách Thiên là lấy số lượng bài kệ để đặt tên, nói Tạp Hoa là căn cứ vào tướng trạng để đặt tên. Nêu số lượng thì mất đi nguồn gốc, căn cứ vào tướng trạng thì mất đi chủ thuyết của kinh. Nói Bất Tư Nghị thì nêu được tông chỉ, thẳng đến Phật địa. Nêu tên Phật Hoa Nghiêm thì căn cứ vào người để nêu pháp, trình bày rõ yếu chỉ của kinh. Như vậy, trong bốn tên gọi, hai tên sau là đúng nhất.
3- TRUYỀN DỊCH (Những vị Tăng dịch kinh Hoa Nghiêm):
3.1- Phật-đà-bạt-đà-la ở chùa Đạo Tràng[25] tại Kinh đô, sống vào đời Đông Tấn (317-420):
Phật-đà-bạt-đà-la (359-429), Hán dịch là Giác Hiền, họ Thích, người Ca-tỳ-la-vệ, là con cháu của vua Cam Lộ Phạn. Ông nội của Sư tên là Đạt-ma-đề-bà, Hán dịch là Pháp Thiên, đã từng sang Bắc Ấn Độ buôn bán, nhân đó cư ngụ tại đây. Cha của Sư là Đạt-ma-tu-da-lợi, Hán dịch là Pháp Nhật.
Năm 3 tuổi, Sư mồ côi cha; 8 tuổi[26] lại mất mẹ, nên được bên ngoại nuôi dưỡng. Ông chú tên là Cưu-ma-lợi nghe Sư thông minh, đồng thời thương xót Sư mồ côi từ bé, nên đón về độ cho làm Sa-di.
Năm 17 tuổi, Sư cùng với vài người bạn đồng học đều lấy việc đọc tụng làm sự nghiệp. Những người khác phải học một tháng, riêng Sư chỉ học một ngày. Ông thầy khen: “Sức học của Giác Hiền bằng ba mươi người”.
Đến khi thọ giới Cụ túc[27], Sư càng siêng năng tu tập, thông đạt các kinh điển. Thuở nhỏ, Sư nổi tiếng về Thiền Luật, thường cùng với bạn đồng học là Tăng-già-đạt-đa du học tại nước Kế Tân và ở chung nhiều năm. Đạt-đa tuy khâm phục tài đức của Sư, nhưng chưa lường được chỗ cạn sâu. Lần nọ, ngồi thiền trong mật thất, Đạt-đa bỗng thấy Sư đi đến, giật mình hỏi:
- Từ đâu đến.
Sư đáp:
- Tôi vừa mới lên cung trời Đâu-suất[28], đảnh lễ bồ-tát Di-lặc, rồi trở lại đây.
Nói xong, Sư biến mất. Đạt-đa mới biết Sư là bậc Thánh. Sau đó, Đạt-đa nhiều lần thấy Sư hiện thần biến, bèn chí thành thăm hỏi mới biết Sư đã đắc quả Bất-hoàn[29].
Sư thường thích đi các nơi để hoằng hóa và xem khắp các phong tục. Gặp lúc sa-môn Trí Nghiêm, người Trung Quốc, sang nước Kế Tân, hỏi thăm chúng tăng nước đó rằng:
- Ai có khả năng hoằng pháp ở Đông Độ?
Tăng chúng đều nói:
- Có sa-môn Phật-đà-bạt-đà-la vốn là người thành Na-khả-lê ở Ấn Độ, gia thế thuộc dòng dõi Bà-la-môn, nhiều đời theo Phật, thông minh học rộng, địa vị và đức hạnh khó lường; xuất gia từ thuở nhỏ, đã học thông kinh luận, lại thọ học với thiền sư Phật Đại Tiên[30].
Thiền sư Phật Đại Tiên bấy giờ cũng ở tại Kế Tân, nghe sư Trí Nghiêm đến tìm người, mới bảo sư Trí Nghiêm:
- Người có khả năng chỉnh đốn Tăng đồ, truyền trao Thiền pháp chính là Phật-đà-bạt-đà-la vậy!
Do Trí Nghiêm hết lòng nài thỉnh, Sư bèn im lặng nhận lời.
Thế là, Sư từ tạ Thầy, mang lương thực đến Trung Quốc, lặn lội ba năm, trải qua đủ gian khổ; nào là núi cao chót vót, mây giăng lối bước, nào là băng tuyết phủ dặm ngàn. Sáng ra thì lặn lội núi non hiểm trở, tối đến thì nằm trên băng tuyết. Trên những bậc thang nhỏ hẹp, những chiếc cầu đá cheo leo, Sư phải chen chân nghiêng bước, vin dây đu sợi, ngẩng lên thì mây chạm đầu. Ngoài băng tuyết giá lạnh, quãng đường gian nan muôn dặm, lại thêm lương thực hết nửa chừng, phải chia từng hạt để ăn. Bấy giờ, chỉ nhờ bậc Thánh gia hộ mới có thể vượt qua. Khi đã băng qua Thông Lãnh, đi ngang qua sáu nước, Quốc vương của những nước này xót thương Sư giáo hóa xa xôi, đều vui mừng, dốc lòng cúng dường.
Đến Giao Chỉ, nương thuyền đi dọc theo biển, ngang qua một hòn đảo, Sư đưa tay chỉ vào hòn núi và nói:
- Nên ghé vào đây.
Chủ thuyền nói:
- Đi xa nên quý tiếc thời giờ, lại khó gặp lúc thuận gió, không thể dừng lại được.
Nói xong, chủ thuyền cho thuyền đi tiếp, hơn 200 dặm, bỗng gặp ngọn gió chuyển hướng đẩy thuyền trở lại đảo cũ. Mọi người trên thuyền mới biết được tài thần đoán của Sư. Tất cả đều tôn kính Sư như bậc Thầy, đồng thời vâng theo lời Sư chỉ dạy. Sau đó, gặp gió thuận thổi đến, những chiếc thuyền cùng đi đều xuất phát. Sư nói:
- Không nên khởi hành.
Chủ thuyền bèn dừng lại. Chẳng bao lâu, những chiếc thuyền đi trước đồng loạt bị chìm.
Đêm nọ, bỗng nhiên Sư bảo các thuyền đều xuất phát, nhưng không ai nghe theo. Sư tự mình nhổ neo, chỉ một chiếc thuyền của Sư rời bến. Lát sau, giặc cướp đến, những chiếc thuyền ở lại đều bị hại.
Chẳng bao lâu, thuyền đến quận Đông Lai ở Thanh Châu. Nghe ngài Cưu-ma-la-thập[31] ở tại Trường An, Sư vui mừng đến đó, nhằm tháng 4 năm Hoằng Thủy thứ 10 (408) đời Diêu Tần[32]. Vừa gặp Sư, ngài La-thập rất vui mừng, thường cùng với Sư luận bàn về Pháp tướng, phát dương nghĩa lý sâu xa, tỏ ngộ được nhiều điều. Nhân đó, Sư hỏi ngài La-thập:
- Kiến giải của Sư cũng bình thường, nhưng tại sao thanh danh vang xa đến thế?
Ngài La-thập đáp:
- Tôi tuổi già rồi nên mới được như thế, chứ chưa hẳn xứng hợp với lời khen.
Mỗi khi có điều nghi về giáo nghĩa, ngài La-thập thường cùng với Sư thảo luận và quyết định. Có 600 vị sa-môn, như Đạo Tài, Vân Sướng, Tăng Duệ, Huệ Quán v.v… đều theo Sư thọ học Thiền pháp. Những điều Sư truyền dạy đều là yếu chỉ chân thật. Từ khi được truyền vào Trung Quốc, giáo pháp đã mở mang và phát triển với bề dày hơn 400 năm, không có lúc nào hưng thịnh như thời điểm này. Khi Sư luận về nghĩa lý, bàn về sự tướng, thì nhất định mong đạt đến chỗ trọng tâm, không tùy tiện làm vừa ý người, cũng không mong hơn người. Những điều hiểu biết thì Sư trình bày đến cùng tận, những điều chưa biết thì luôn để tồn nghi.
Một hôm, Thái tử Hoằng đời Diêu Tần muốn nghe Sư thuyết pháp, bèn thỉnh chúng tăng vào Đông cung để biện luận. Bấy giờ, ngài La-thập và Sư mấy phen đối luận.
Chúa của nước Tần là Diêu Hưng hết lòng đối với Phật pháp, cho phép hơn 3.000 vị tăng thường ra vào cung cấm, đồng thời cúng dường rất nhiều phẩm vật, riêng Sư vẫn điềm nhiên, khác với những vị tăng kia.
Có lần, Sư bảo đệ tử: “Đêm qua, ta mộng thấy có 5 chiếc thuyền xuất phát từ Ấn Độ”. Khoảng một năm sau, gặp những chiếc thuyền ngoại quốc đến, Sư tới hỏi thăm, mới biết đây chính là 5 chiếc thuyền ở Ấn Độ mà Sư đã thấy trước kia. Cả vùng đó nghe tin này đều đến lễ lạy Sư. Trong đó, có người cúng dường, Sư đều không nhận, chỉ ôm bát đi khất thực, không luận nhà giàu hay nghèo.
Ngày nọ, Sư cùng với đệ tử Huệ Quán theo thứ lớp khất thực, đến nhà Viên Báo ở quận Trần. Viên Báo vốn không kính tin Phật pháp, nên tiếp đãi Sư rất tệ bạc. Do đó, dùng cơm chưa no, Sư đã cáo từ. Viên Báo nói:
- Dường như các vị chưa no, xin nán lại một lát.
Sư bảo:
- Tâm bố thí của đàn việt có giới hạn, làm cho những phẩm vật cúng dường đã hết.
Viên Báo liền sai người hầu đem thêm cơm, thì quả nhiên cơm đã hết. Viên Báo vô cùng hổ thẹn, mới hỏi Huệ Quán:
- Vị Sa-môn ấy là người như thế nào vậy?
Huệ Quán đáp:
- Ngài là vị đức độ cao vời, người phàm không thể lường được.
Từ đó, Viên Báo vô cùng thán phục và kính ngưỡng Sư.
Uy nghi, phép tắc của Sư rất thuần phác, không giống người thế tục, chí nguyện cũng thanh cao, có ý hướng sâu xa. Pháp sư Tăng Bật (365-442) và sa-môn Bảo Lâm viết thư đến ca ngợi:
- Thiền sư Đạo Tràng có tâm lượng rộng lớn, tài đức bậc nhất ở Ấn Độ, đâu phải hạng tầm thường.
Đến năm Nghĩa Hy thứ 14 (418), quan Nội sử Mạnh Khải ở quận Ngô và Hữu vệ tướng quân Trữ Thúc Độ thỉnh Sư dịch kinh Hoa Nghiêm. Sư cầm bản Phạn, cùng với hơn 100 vị sa-môn, như Pháp Nghiệp, Huệ Nghiêm…, dịch kinh này tại chùa Đạo Tràng, rồi thẩm định văn nghĩa, diễn giải thành văn Trung Quốc, thấu đạt yếu chỉ của kinh.
Cho nên, chùa Đạo Tràng còn có điện đường Hoa Nghiêm. Giáo pháp của Đức Phật được lưu truyền là nhờ công sức của Sư. Lúc bắt đầu dịch kinh, trong ao phía trước điện đường Hoa Nghiêm thường có hai thanh y đồng tử từ trong ao xuất hiện, dâng cúng hương hoa, tất cả mọi người đều trông thấy; lại có địa thần bảo vệ chung quanh.
Vào năm Nguyên Gia thứ 6 (429), Sư viên tịch, hưởng thọ 71 tuổi. Khi thị tịch, Sư co ba ngón tay, minh chứng đã đắc quả A-na-hàm.
3.2- Địa-bà-ha-la ở Ngụy Quốc Tây Tự[33], sống vào đời Đường (618-907):
Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la (613-687), đời Đường dịch là Nhật Chiếu, người nước Trung Ấn Độ, thuộc dòng dõi Bà-la-môn.
Sư xuất gia từ thuở nhỏ, từng trụ các chùa Ma-ha Bồ-đề và Na-lan-đà. Sư có phong thái ôn nhu, bẩm tánh cao nhã, theo Thầy học đạo, nghiên cứu nhiều năm, trở thành bậc pháp khí, tài học siêu xuất. Nhân sa-môn Huyền Tráng truyền giáo trở về nước, Sư mến mộ Đại thừa, lưu tâm đến Trung Quốc, nên có ý về Đông (Trung Quốc).
Sau đó, xét biết triều đại Thánh vương ta, Sư sang Trung Quốc, xiển dương giáo pháp Thượng thừa, trợ giúp việc trị hóa của Đế vương. Vào năm Vĩnh Long thứ 1 (680), Sư đến Kinh đô. Lúc ấy, vua Cao Tông (650-683) hoằng dương Phật pháp, thực hiện di mệnh của Tiên vương, bèn mời 10 vị Đại đức[34] như luật sư Đạo Thành, pháp sư Bạc Trần… là những bậc Long tượng[35] ở Kinh đô, lần lượt phiên dịch các kinh luận tại Ngụy Quốc Tây Tự.
Bấy giờ, pháp sư Hiền Thủ[36] trước kia lấy kinh Hoa Nghiêm làm sự nghiệp, thường than kinh này chưa được đầy đủ, nên đến hỏi han. Sư đáp: “Đã mang kinh văn của hội thứ tám đến đây”.
Thế là pháp sư Hiền Thủ cùng Sư đối chiếu, thì gặp được đoạn “Thiện Tài đồng tử cầu học với hơn 10 vị Thiện tri thức, như đồng tử Thiên Chủ Quang…” Khi đó, nhà vua thỉnh Sư dịch kinh Hoa Nghiêm ra Hán văn để bổ túc chỗ thiếu sót của bản cũ. Bấy giờ, sa-môn Phục Lễ chấp bút, sa-môn Huệ Trí chuyển ngữ; đồng thời, dịch các kinh luận khác như kinh Mật Nghiêm v.v… tổng cộng hơn 10 bộ, 24 quyển. Mỗi bộ đều được Hoàng thái hậu đích thân viết lời tựa, hết lòng khen ngợi tài dịch thuật của Sư. Các bộ kinh này hiện đang lưu hành ở đời.
Ngày Sư từ giã quê hương, thân mẫu vẫn còn. Sư không quên thâm ân nuôi dưỡng của mẹ và luôn nghĩ đến việc báo đáp. Vì vậy, Sư đến Kinh đô, nhiều lần dâng biểu lên triều đình xin trở về cố hương. Ban đầu, nhà vua từ chối; sau hai ba lần nài thỉnh, vua mới chấp thuận. Các vị Đại đức ở Kinh đô may ca-sa bằng lụa đính châu báu và tạo tượng Phật ngồi dưới cội Bồ-đề dâng cúng cho Sư. Vua lại ban cho một quả chuông báu và thỉnh thêm phan, tượng, những vật cúng, rồi tiễn Sư lên đường.
Vào ngày 27 tháng 12 năm Thùy Củng thứ 3 (687), đang lúc khoẻ mạnh, Sư bảo đệ tử: “Ta sắp đi đây”. Nói xong, Sư nằm nghiêng bên phải, không bệnh mà thị tịch tại Ngụy Quốc Đông Tự[37] ở Kinh đô.
Hôm ấy, người dự tang lễ có đến mấy trăm ngàn. Vũ Hậu nghe tin này, vô cùng buồn thương, cúng ngàn tấm lụa để tẩm liệm. Tăng tục đều thương tiếc như mất cha mẹ. Vua sắc ban cho hương hoa, xe cộ, tiễn đưa Sư đến an táng ở bên trái sông Y, phía Nam núi Long Môn. Các đệ tử tu sửa mộ tháp, xây thêm nhiều tầng gác; nhân đó, xây dựng tinh xá bên cạnh tháp để quét tước, cúng dường.
Về sau, nhân lời trình tấu của Lương Vương, Vũ Hậu cho xây dựng già-lam; trong chiếu có ghi là chùa Hương Sơn. Chùa có lầu cao chót vót, gác tận mây xanh, bảy khám thờ tượng đá, dựng tháp bát giác. Các vua đến đây đều có đề thơ khen ngợi.
3.3- Thật-xoa-nan-đà ở chùa Phật Thọ Ký tại Kinh đô, sống vào đời Đại Chu (690-705):
Sa-môn Thật-xoa-nan-đà (652-710), Hán dịch là Hỷ Giác, người nước Vu Điền (nay là Hòa Điền, Tân Cương). Sư có trí tuệ cao vời, hết lòng làm lợi ích chúng sanh, giỏi về Đại thừa lẫn Tiểu thừa, lại thông các luận thuyết của ngoại đạo.
Bấy giờ, Vũ Hậu xiển dương Phật pháp, kính trọng Đại thừa. Vì phần xứ và hội của bản Cựu dịch kinh Hoa Nghiêm chưa được đầy đủ, từ xa Vũ Hậu nghe nước Vu Điền có bản Phạn kinh Hoa Nghiêm, bèn sai sứ đến cầu thỉnh, đồng thời mời được ngài Thật-xoa-nan-đà cùng về Kinh đô.
Vào năm Ất Mùi, năm Chứng Thánh thứ 1 (695), Sư dịch kinh Hoa Nghiêm tại chùa Biến Không ở Đại nội, Đông Đô. Vũ Hậu đích thân đến pháp tòa, phấn chấn viết lời tựa, tự cầm bút ghi tên các phẩm. Bấy giờ, sa-môn Bồ-đề-lưu-chí (người Nam Ấn Độ) và sa-môn Nghĩa Tịnh cùng đọc chữ Phạn; sau đó, trao cho sa-môn Phục Lễ, Pháp Tạng… chứng nghĩa[38], nhuận văn. Đến năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thánh Lịch thứ 2 (699) thì hoàn thành việc dịch kinh Hoa Nghiêm tại chùa Phật Thọ Ký. Đó là bộ Hoa Nghiêm 80 quyển.
Sau đó, vào năm Canh Tý, niên hiệu Cửu Thị thứ 1 (700), Sư dịch kinh Đại Thừa Nhập Lăng-già tại cung Tam Dương, dịch kinh Văn-thù Thọ Ký… tại chùa Thanh Thiền ở Tây Kinh và chùa Phật Thọ Ký ở Đông Đô, tổng cộng 19 bộ, 107 quyển. Sa-môn Ba Lôn, Huyền Quỹ… ghi chép, sa-môn Phục Lễ nhuận văn, sa-môn Pháp Bảo, Hằng Cảnh… chứng nghĩa. Quan Thái tử Trung xá[39] Cổ Ưng Phước giám hộ.
Đến năm Trường An thứ 4 (704), do thân mẫu già yếu, Sư dâng biểu xin trở về bổn quốc để phụng dưỡng. Đến lần thứ hai, nhà vua mới chấp thuận và sắc cho quan Ngự sử Thôi Tự Quang đưa Sư trở về nước Vu Điền.
Về sau, Đường triều hưng thịnh, muốn trùng hưng Phật pháp, nên vua ban sắc cho mời Sư trở lại. Vào năm Cảnh Long thứ 2 (708), Sư đến Kinh đô, nhà vua hạ mình đích thân nghinh đón Sư ở ngoài cửa Khai Viễn. Chư Tăng ở kinh thành mang cờ phướn nghinh tiếp, đồng thời trang trí voi đẹp để Sư cỡi vào thành. Vua sắc cho Sư ở Đại Tiến Phước Tự[40]. Tiếc rằng, chưa kịp dịch kinh, Sư bị bệnh.
Ngày 12 tháng 10 năm Cảnh Vân thứ 1 (710), Sư nằm theo thế cát tường[41] mà thị tịch tại chùa Đại Tiến Phước, thọ 59 tuổi. Chư Tăng Ni buồn thương, nghẹn ngào, than cho bậc Pháp khí[42] đã sớm vội ra đi. Dân chúng đau xót, kêu gào, tiếc cho chúng sanh mất đi bậc Thầy chỉ lối.
Lúc ấy, vua ban chiếu cho phép an táng Sư theo cách thức của nước Vu Điền. Ngày 12 tháng 11, nhục thân của Sư đã được hỏa táng tại đài Nhiên Đăng cổ xưa ở ngoài cửa Khai Viễn. Khi củi hết lửa tắt, lưỡi Sư vẫn còn nguyên vẹn. Đây là điềm lành của việc hoằng pháp.
Đến ngày 13 tháng 12, môn đồ của Sư là Bi Trí… và sứ nhà Đường là Ca Thư Đạo Nguyên đưa linh cốt và lưỡi của Sư trở về nước Vu Điền, xây tháp cúng dường. Người đời sau lại xây tháp bảy tầng tại chỗ trà-tỳ, gọi là Hoa Nghiêm Tam Tạng tháp.
4- CHI LƯU (Phần phẩm hội của kinh Hoa Nghiêm được trích lưu hành riêng):
] Kinh Đâu Sa, 1 quyển (phẩm Danh Hiệu của kinh Hoa Nghiêm), sa-môn Chi-lâu-ca-sấm (147-?) người nước Nhục Chi, dịch vào đời Hậu Hán (tức đời Đông Hán 25-220).
] Kinh Bồ-tát Bản Nghiệp, 1 quyển (còn gọi là kinh Tịnh Hạnh Phẩm, phẩm Tịnh Hạnh), sa-môn[43] Chi Khiêm người nước Nhục Chi, dịch vào đời Ngô (222-280).
] Kinh Chư Bồ-tát Cầu Phật Bản Nghiệp, 1 quyển (cũng là phẩm Tịnh Hạnh); kinh Bồ-tát Bổn Nguyện Hạnh Phẩm, 1 quyển (cũng là phẩm Tịnh Hạnh), cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
Ba kinh trên đều được trích từ hội thứ 2 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh Bồ-tát Thập Trụ, 1 quyển (phẩm Thập Trụ), sa-môn Kì-đa-mật (âm Hán là Ha-chi) người Ấn Độ dịch vào đời Đông Tấn (317-420).
] Kinh Bồ-tát Thập Trụ, 1 quyển (phẩm Thập Trụ), sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Bồ-tát Thập Đạo Địa, 1 quyển (như phẩm Thập Trụ), cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Thập Trụ Đoạn Kết, 10 quyển (không phải phẩm Thập Trụ, cũng không phải phẩm Thập Địa), sa-môn Trúc Phật Niệm người Lương Châu, dịch vào đời Hậu Tần (384-417).
Bốn kinh trên đều được trích từ hội thứ 3 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh Thập Địa Đoạn, 10 quyển (phẩm Thập Địa), sa-môn Trúc Phật Niệm người Lương Châu, dịch vào đời Hậu Tần (384-417).
] Kinh Thập Trụ, 12 quyển (phẩm Thập Địa), cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Bồ-tát Thập Địa, 1 quyển (giống phẩm Thập Địa, Thập Trụ), sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Đại Phương Quảng Thập Địa, 1 quyển (giống phẩm Thập Địa, Thập Trụ), sa-môn Cát-ca-dạ người Ấn Độ, dịch vào đời Bắc Ngụy (386-534).
] Kinh Thập Địa, 1 quyển (giống phẩm Thập Địa, Thập Trụ), sa-môn Kì-đa-mật (âm Hán là Ha-chi) người Ấn Độ, dịch vào đời Đông Tấn (317-420).
] Kinh Thập Trụ, 4 quyển (chính là phẩm Thập Địa), sa-môn Cưu-ma-la-thập (344-413) người nước Quy Tư và tam tạng Phật-đà-da-xá[44] (Hán dịch Giác Minh) người nước Kế Tân, dịch vào đời Hậu Tần (384-417).
] Kinh Tiệm Bị Nhất Thiết Trí Đức, 5 quyển (chính là phẩm Thập Địa), sa-môn Đàm-ma-la (Hán dịch là Pháp Hộ) người nước Nhục Chi, dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Bồ-tát Sơ Địa, 1 quyển (giống phần Sơ Địa), cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
Tám kinh trên đều được trích từ hội thứ 6 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh Đẳng Mục Bồ-tát, 2 quyển (phẩm Thập Định), sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Hiển Vô Biên Phật Độ Công Đức, 1 quyển (phẩm Thọ Mạng), Tam tạng pháp sư Huyền Trang (602-664) dịch vào đời Đường (618-907).
] Kinh Như Lai Hưng Hiện, 4 quyển (là phần trường hàng của phẩm Tánh Khởi, lại thêm vào phẩm Thập Nhẫn ở sau, cũng không ghi tựa đề), sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch vào năm Nguyên Khang (291-299), đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Như Lai Hưng Hiện, 1 quyển (tên phẩm đồng với bản dịch của ngài Trúc Pháp Hộ, nhưng có rộng có lược), sa-môn Bạch Pháp Tổ dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Đại Phương Quảng Như Lai Tánh Khởi, 2 quyển (phần Tựa là phẩm Danh Hiệu, phần Chánh thuyết là phẩm Tánh Khởi), mất tên người dịch.
] Kinh Đại Phương Quảng Như Lai Tánh Khởi Vi Mật Tạng, 2 quyển (giống như bản trên, nhưng khác người dịch), dịch vào năm Nguyên Khang (291-299) đời Tây Tấn (265-317), không rõ người dịch.
Sáu kinh trên đều được trích từ hội thứ 7 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh Độ Thế, 6 quyển (phẩm Ly Thế Gian), sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (265-317).
] Kinh Phổ Hiền Bồ-tát Đáp Nạn Nhị Thiên (phẩm Ly Thế Gian), dịch vào đời Ngô (222-280), mất tên người dịch.
Hai kinh trên đều được trích từ hội thứ 8 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh La-ma-già, 3 quyển (phẩm Nhập Pháp Giới, nhưng văn không đầy đủ), sa-môn Thánh Kiên (còn gọi là Kiên Công) dịch vào đời Tây Tần (385-431), lại có bản dịch 3 quyển của sa-môn An Pháp Hiền đời Ngụy (220-265) và bản dịch 1 quyển của sa-môn Đàm Vô Sấm (385-433) đời Bắc Lương (397-439).
Ba bản dịch trên đều được trích từ hội thứ 9 của kinh Hoa Nghiêm.
] Kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Nhập Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới, 2 quyển (hoặc không có ba chữ Đại Phương Quảng), tam tạng Xà-na-quật-đa (523-600) (Hán dịch là Trí Đức) người Bắc Ấn Độ, dịch vào đời Tùy (581-618) [hoặc nói: cùng dịch với ngài Đạt-ma-cấp-đa (?-619)].
] Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Nghiêm, 1 quyển, sa-môn Tăng-già-bà-la (460-524) (Hán dịch là Tăng Dưỡng, Tăng Khải) người Phù Nam, dịch vào đời Lương (502-557).
] Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Quang Nghiêm, 1 quyển, mất tên người dịch.
] Kinh Đại Phương Quảng Nhập Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới, 2 quyển, sa-môn Thật-xoa-nan-đà (652-710) người nước Vu Điền, dịch vào đời Đại Chu (690-705).
Bốn kinh trên là đồng bản nhưng khác người dịch, đều được Đức Phật thuyết tại pháp đường Phổ Quang.
Hai kinh Bất Tư Nghị Cảnh Giới ở trên trong bản kinh Hoa Nghiêm hiện nay tuy không có, nhưng trong bản Phạn đều có đủ, chắc là phẩm hội lưu hành riêng của kinh Hoa Nghiêm; vì bản Phạn không ghi thứ tự tên phẩm, nên không xếp vào Đại bộ Hoa Nghiêm.
] Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Phật Cảnh Giới Phần, 1 quyển, tam tạng Đề-vân Bát-nhã người nước Vu Điền, dịch vào năm Tái Sơ (690) triều Đại Chu (690-705).
] Kinh Đại Phương Quảng Phật Cảnh Giới, 1 quyển, sa-môn Thật-xoa-nan-đà (652-710) người nước Vu Điền, dịch vào đời Đại Chu (690-705).
Hai kinh trên là đồng bản nhưng khác người dịch, được Đức Phật thuyết dưới cội Bồ-đề.
] Kinh Đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết, 1 quyển (nói về việc trong thân Phật có bất khả thuyết thế giới), sa-môn Thật-xoa-nan-đà (652-710) người nước Vu Điền, dịch vào đời Đại Chu (690-705).
] Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Tu Từ Phần, 1 quyển, tam tạng Đề-vân Bát-nhã người nước Vu Điền, dịch vào năm Tái Sơ (690) triều Đại Chu (690-705).
] Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn, 5 quyển, do tam tạng Đàm-ma-lưu-chi (Hán dịch là Hy Pháp) người Nam Ấn Độ, dịch vào đời Nguyên Ngụy (còn gọi là Bắc Ngụy, Hậu Ngụy 386-534).
Cổ đức tương truyền kinh này là Biệt phẩm Hoa Nghiêm. Xét kỹ về văn cú, từ đầu đến cuối đều không có trong bộ loại Hoa Nghiêm. Gần đây, xét trong bản Phạn cũng không có phẩm này, mong người sau nghiên cứu tường tận.
] Sao Hoa Nghiêm Kinh, 15 quyển[45], do quan Tư đồ đời Nam Tề (479-502) là Cánh Lăng Văn Tuyên Vương Tiêu Tử Lương soạn.
Cánh Lăng Vương là người có bẩm tính trời ban, để tâm nơi cảnh tịnh, danh vang mãi ức kiếp, đức cao tột ngàn năm. Vương cho rằng, việc xiển dương kinh giáo, mở rộng phước nghiệp đều xuất phát từ tâm và thể hiện nơi thân.
Vào năm Vĩnh Minh thứ 8 (490), một hôm, Vương mộng thấy Thiên Vương Như Lai[46] từ phương Đông đi đến, âm thầm chỉ dạy, Vương mới soạn pháp Tịnh trụ. Hôm sau, Vương lại mộng thấy có vị sa-môn tự xưng là Trí Thắng dẫn đến trước Phật, dạy cho đọc tụng kinh văn; nhân đó, lưu truyền phương pháp Tán tụng. Vương khích lệ những bậc hiền tài trong triều đình mở phước điền Long Hoa Tam hội[47]; khuyên kẻ sĩ và người dân thọ trì Tam tụ tịnh giới của Bồ-tát[48]. Tất cả đều có điềm lành hiển hiện, thật khó diễn tả thành lời. Hơn nữa, Vương xem kinh Hoa Nghiêm, nhận ra kinh có thể trợ giúp việc trị hóa của Đế vương và duy trì mạng mạch Phật pháp.
Sao chép các kinh có hơn 300 quyển, soạn những luận sớ để lợi ích cùng khắp có hơn 100 quyển. Tự tay Vương chép hơn 70 quyển. Trong đó, có kinh Hoa Nghiêm Anh Lạc, 2 quyển, trình bày phương pháp xuất thế; Hoa Nghiêm Tề Ký, 1 quyển, trình bày chỉ thú của pháp hội. Tất cả sách này đều có thể soi chiếu cho người đời sau, không mai một Thánh giáo.
] Kinh Hoa Nghiêm Thập Ác, 1 quyển, được xếp vào khoa Ngụy vọng trong bộ Tam Bảo Lục của học sĩ Phí Trường Phòng đời Tùy, sợ người sau nhầm lẫn nên nêu ra ở đây.
5- LUẬN THÍCH (Những bộ luận về kinh Hoa Nghiêm):
] Tam tạng Bà-la-phả-mật-đa nói rằng: Ấn Độ tương truyền bồ-tát Long Thọ sau khi đem kinh Hoa Nghiêm từ Long cung về, bèn soạn luận Đại Bất Tư Nghị, cũng có 100.000 bài tụng để giải thích. Nhưng căn tánh của chúng sanh từ đời trước chưa khai phát, nên không biết được chỉ thú của luận.
] Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa 16 quyển[49], giải thích đại ý phẩm Thập Địa, do bồ-tát Long Thọ soạn, tam tạng Da-xá đọc văn, pháp sư Cưu-ma-la-thập (344-413) dịch vào đời Hậu Tần (384-417). Trong khi phiên dịch bộ luận này, đến hơn một nửa Địa thứ 2 là Ly Cấu Địa, thì ngài Da-xá không đọc nữa, nên thiếu phần sau. Tương truyền bộ luận này là một phần trong bộ luận Đại Bất Tư Nghị.
] Luận Thập Trụ 10 quyển, do bồ-tát Long Thọ soạn, pháp sư Cưu-ma-la-thập (344-413) dịch vào năm Hoằng Thủy (399-415) đời Hậu Tần (384-417).
] Luận Thập Địa 12 quyển, do bồ-tát Bà-tẩu-bàn-đậu (Hán dịch là Thiên Thân) soạn. Sư chú thích phẩm Thập Địa khi đang ở trong núi. Luận được soạn theo cách ghi lại từng đoạn kinh văn rồi theo thứ tự giải thích. Khi vừa hoàn thành bộ luận này, Sư thấy từ trong kinh phóng ra hào quang sáng rỡ, đất núi chấn động. Quốc vương, thần dân nước ấy đều đến chúc mừng, khen là điềm lành chưa từng có, như trong bản truyện ghi chép đầy đủ.
Đời Hậu Ngụy (còn gọi là Bắc Ngụy 386-584), tam tạng Bồ-đề-lưu-chi (Hán dịch là Hy Giác) người Bắc Ấn Độ, sang Trung Quốc phiên dịch luận Thập Địa. Ngày đầu Sư dịch kinh, Tuyên Vũ Đế (500-516) đích thân đến ghi chép.
Lại ghi: Tam tạng Lặc-na-ma-đề (Hán dịch là Bảo Ý) người Trung Ấn Độ sang Trung Quốc, cùng với ngài Bồ-đề-lưu-chi, mỗi vị dịch một bộ luận Thập Địa ở phía Nam và phía Bắc sông Lạc (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Sau đó, tăng thống Huệ Quang (468-537) thỉnh hai Ngài đối chiếu, so sánh những điểm đồng dị của hai bản dịch này rồi tổng hợp thành một bản.
Biệt truyện ghi: Ngài Thiên Thân soạn Hoa Nghiêm Kinh Luận. Nhưng tại Trung Quốc chưa có bản đầy đủ, có lẽ bộ luận Thập Địa này chính là một phần của bộ luận ấy mà đất Hán có được, nên Ngài đã dịch ra.
Lại ghi: Bồ-tát Vô Trước qua lại cõi trời Đâu-suất được bồ-tát Di-lặc dạy cho kinh Hoa Nghiêm v.v… Từ đó, kinh được lưu truyền rộng rãi cũng là nhờ công sức của Sư.
Gần đây, khi hỏi về bộ luận Thập Địa này, những vị Tam tạng người Ấn Độ đều nói rằng: Bồ-tát Kim Cương Quân soạn Thập Địa Thích Luận, gồm 12.000 bài tụng, phiên dịch thành hơn 30 quyển; bồ-tát Kiên Huệ cũng có soạn một bản Lược Thích. Cả hai bản này đều chưa truyền sang Trung Quốc. Ở nước Vu Điền hiện có bản ấy. Ngày ngài Thật-xoa trở về, nhà vua cho người mang thơ tìm cầu; nếu như tìm được, cũng định phiên dịch ra.
Lại nữa, phẩm Trụ trong phần Bồ-tát Địa của luận Du-già Sư-địa ghi đầy đủ văn phẩm Thập Địa kinh Hoa Nghiêm, đồng thời theo thứ tự giải thích. Bởi vì phần Tam Hiền[50] Thập Thánh[51] trong kinh này rất rộng, các bộ luận thường y cứ đối chiếu, cho nên đã có nhiều nhà soạn chú thích.
] Luận Hoa Nghiêm 600 quyển do Lưu Khiêm Chi soạn.
Thuở xưa, vào năm Thái Ninh[52] thứ 1 (561) đời Bắc Tề (550-577), Hoàng tử thứ ba của Vũ Thành Đế (Cao Trạm, 561-565) đã đốt thân cúng dường ở núi Thanh Lương[53] để cầu nguyện bồ-tát Văn-thù-sư-lợi gia trì. Hoạn quan của Hoàng tử tên là Lưu Khiêm Chi đã từng than mình là người vô tích sự, đồng thời thấy Hoàng tử đốt thân cầu pháp, nên xin vua vào núi tu đạo. Vua xuống chiếu chấp thuận.
Bấy giờ, ông ta đem theo một bộ kinh Hoa Nghiêm, ngày đêm tinh cần, lễ sám đọc tụng, một lòng khẩn cầu bồ-tát Văn-thù thầm gia hộ. Trải qua 21 ngày như vậy, thân hình ông tuy gầy yếu nhưng tinh thần minh mẫn. Bỗng nhiên, ông thấy tóc mai mọc đủ, trở lại tướng trượng phu, tâm trí sáng tỏ lạ thường, thông suốt yếu chỉ sâu mầu của kinh. Từ đó, ông nghiên cứu tinh tường, soạn luận Hoa Nghiêm có hệ thống rõ ràng. Về sau, việc này được tâu lên vua, Cao tổ (Văn Tuyên Đế-Cao Dương, 550-560) càng tin kính hơn. Từ đây, bộ kinh Hoa Nghiêm được lưu truyền rộng rãi.
] Pháp sư Huệ Viễn (523-592) chùa Tịnh Ảnh[54], đời Tùy (581-618), khi về già, mới soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ. Đến phẩm Hồi Hướng, bỗng thấy tim đau nhói, Sư nhìn vào ngực thì thấy những lỗ chân lông ngay tim chảy máu. Một hôm, Sư mộng thấy mình cầm liềm leo lên núi cao lần lượt cắt cỏ, được phân nửa thì sức suy kiệt, không thể đứng dậy. Tỉnh mộng, Sư bảo đệ tử: “Hồi hôm, ta thấy điềm chẳng lành, e rằng bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ này không thể hoàn thành”. Vì vậy, Sư dừng lại ở phẩm này.
Pháp sư Hưu ở Tương Châu nghe kinh Hoa Nghiêm đã hơn 50 lần, càng đọc tụng, nghiền ngẫm nghĩa lý thì càng mờ mịt. Bấy giờ, Sư suy nghĩ: Đây vốn là lời dạy chí thiết của bậc Thượng thánh, hàng phàm phu đâu thể suy lường.
Rõ ràng hai bậc Hiền này là người thông thái, kiến thức sâu rộng, nổi tiếng xưa nay, ít ai bì kịp. Các Ngài đã nỗ lực nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm, nhưng không thể thấu hiểu cùng tột. Còn Lưu Khiêm Chi xem đọc chưa đầy mấy tuần, đã chú thích được bộ luận Hoa Nghiêm. Sao mà tài giỏi thế! Đây chính là sự thầm truyền của chư Phật, chẳng lạ lắm sao?
Phẩm Bồ-tát Trụ Xứ của kinh Hoa Nghiêm ghi: “Ở phía Đông Bắc có núi Thanh Lương là trú xứ của Bồ-tát, bồ-tát Văn-thù-sư-lợi[55] thường ở đây thuyết pháp cho 10.000 vị Bồ-tát”. Cho nên, ngày nay, dưới chân núi này có hang Thanh Lương. Trên ngọn núi nhỏ ở phía Nam núi Thanh Lương này có chùa Thanh Lương[56].
Núi Thanh Lương còn gọi là núi Ngũ Đài, vì năm ngọn núi này cao chót vót, trên đỉnh không có rừng cây, giống như đống đất, cho nên gọi là Ngũ Đài. Chu vi núi hơn 400 dặm. Phía Đông giáp với Hằng sơn[57]. Trên Trung Đài có ao Đại Hoa, nước ao trong lặng, hơi nước bốc lên hiện ra nhiều điều linh cảm; lại có tinh xá, tháp đá bên trong. Trên Bắc Đài có hai ngôi bảo tháp tôn trí Xá-lợi Phật và tượng bồ-tát Văn-thù. Cách phía Đông Nam Trung Đài hơn 30 dặm có chùa Đại Phù[58] do vua Hán Minh Đế (58-76)[59] sáng lập. Trải qua nhiều năm, ngôi chùa này đã bị hoang phế, chỉ còn lại di tích nền móng của toàn chùa. Trong đó, vẫn còn Đông đường, Tây đường[60] và các tôn tượng. Phía trước chùa có vườn hoa khoảng 2-3 khoảnh[61], sắc hoa đủ màu đan xen lẫn nhau, trăm giống nghìn tên, rực rỡ như gấm hoa, ửng đỏ như ráng chiều, vô cùng lộng lẫy. Có những loài kỳ hoa ít được nghe thấy ở thế gian; vào ngày Rằm tháng 7, chúng đua nhau nở rộ muôn màu muôn vẻ. Cách núi Ngũ Đài về phía Bắc khoảng 8-9 dặm là nơi Hoàng tử xả thân cầu pháp trước đây, hiện còn ngôi tháp ở đó.
Đời Bắc Tề (550-577), chùa chiền xây dựng rất nhiều. Trên núi Ngũ Đài này có hơn 200 ngôi chùa, triều đình cắt thuế ở tám châu, như Hằng châu, Định châu v.v… dùng để cúng dường Tứ sự (như y phục, thuốc men…) cho Tăng chúng. Nay Thánh địa nhà Phật vẫn còn.
Biệt Truyện ghi: Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thường giảng kinh Hoa Nghiêm ở đây, nên từ xưa cho đến đời Đường, các vị tăng Ấn Độ không ngại đường xa vạn dặm vẫn đến đây chiêm bái. Tăng tục Trung Quốc cũng rầm rộ kéo đến. Có khi gặp được Thần tăng, Thánh chúng; có lúc thấy gác tiên, đài báu, ánh sáng rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Có khi nghe tiếng chuông ngân, có lúc vọng về lời kệ. Âm điệu trầm bổng thoáng chốc biến chuyển muôn vàn. Điều này được ghi đầy đủ trong Thanh Lương Sơn Ký.
Núi Ngũ Đài thuộc địa phận Đại Châu, cách Kinh đô khoảng 1.600 dặm, là vùng biên địa, vô cùng lạnh giá. Cho nên, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, băng tuyết đóng cứng, trải một lớp trắng xóa. Nếu không phải là ngày giữa Hạ thì không thể đặt chân lên đó được.
Hỡi những ai thiết tha mến đạo, lẽ nào chẳng một lần đến đó ư?
] Luận Hoa Nghiêm 100 quyển, sa-môn Thích Linh Biện soạn vào đời Hậu Ngụy (386-534), Trung Quốc.
Sư người xứ Tấn Dương, Thái Nguyên, đời trước đã gieo nhân tốt, từ lâu đã trồng căn lành. Cho nên, tuổi nhỏ đã sớm vào đạo, lớn lên lập chí xuất trần, thường đọc tụng kinh điển Đại thừa, lưu tâm nơi hạnh Bồ-tát. Đến khi đọc kinh Hoa Nghiêm, Sư càng thêm tán ngưỡng, bèn đầu đội kinh này đi đến chùa Thanh Lương ở trên núi Thanh Lương, cầu nguyện bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từ bi nhiếp thọ, mong Ngài khai phát nghĩa lý kinh văn. Từ đó, Sư đầu đội kinh và kinh hành.
Trải qua một năm, bàn chân Sư bị tổn thương nặng, tuôn máu, rồi dần dần thịt mất hết, xương lộ ra, Sư phải đi bằng gối và khẩn cầu bồ-tát Văn-thù thầm cảm ứng. Bấy giờ, Sư nghe có người bảo rằng: “Ông hãy thôi kinh hành, nên để tâm tư duy kinh này”. Thế rồi, Sư giở kinh ra xem, tâm liền bừng sáng.
Vào năm Hy Bình thứ 1 (516) đời Hậu Ngụy (còn gọi là Bắc Ngụy 386-534), nhằm tháng Giêng năm Bính Thân, Sư bắt đầu soạn luận Hoa Nghiêm tại chùa Thanh Lương, giải thích văn nghĩa, cùng tột chỗ sâu xa vi diệu. Đến đầu năm Hy Bình thứ 2 (517), Sư đến ở chùa Tung Nham trên núi Huyền Đoài, chú giải kinh văn như trước. Bấy giờ, Linh Thái hậu họ Hồ đời Hiếu Minh Đế (516-528) rất trọng Đạo kính Tăng, bèn mời Sư vào cung. Sư cáo bệnh từ chối. Vì chưa gặp được Sư, nên đến đầu mùa Hạ, Thái hậu lại ban chiếu nài thỉnh, lần này thì Sư không thể từ chối. Vào ngày 16, Sư đến điện Đông Bá; không bao lâu, lại dời sang điện Thức Càn, sau ở điện Huy Âm, biên soạn luận không ngừng nghỉ.
Vào mùa Hạ, năm Thần Quy thứ 1 (518), nhà vua xuống chiếu: “Việc hoằng dương Chánh pháp đang chờ đợi người. Nay pháp sư Linh Biện đang biên soạn luận tại điện Huy Âm là người đức độ cao vời, kiến giải sâu rộng, tiếng tăm sớm truyền trong thiên hạ, nên thỉnh Pháp sư đến điện Tuyên Quang giảng kinh Đại Phẩm Bát-nhã”. Lúc đó, bốn chúng[62] vui vẻ, mười phương đón mừng. Giảng kinh xong, vua sắc Thị trung Thái phó Thanh Hà Vương Duẫn Dịch đưa Sư về ở điện Thức Càn, tiếp tục soạn luận như trước. Mùa Hạ thì giảng kinh Hoa Nghiêm, mùa Đông thì giảng kinh Đại Phẩm Bát-nhã, thời gian còn lại, Sư cùng với đệ tử Linh Nguyên biên soạn luận đến nỗi quên ăn bỏ ngủ.
Tháng 9, mùa Thu năm Thần Quy thứ 3 (520), việc biên soạn được hoàn thành, gồm 100 quyển, 10 pho; về sau, lại gom tập, hiệu đính nhiều lần. Pháp âm của Sư nửa chừng không còn nghe thấy, vì Sư đã nghỉ giảng kinh văn, ẩn cư, chuyên tâm tu niệm.
Vào ngày 8 tháng Giêng năm Chính Quang thứ 3 (522), Sư viên tịch tại chùa Dung Giác, trụ thế 46 năm. Lúc đó, Hiếu Minh Đế (516-528) sắc rằng: “Luận Hoa Nghiêm này do vị Bồ-tát Trung Quốc soạn, nên đưa vào Nhất Thiết Kinh Tạng (Đại Tạng Kinh) và ghi vào Mục lục, đồng thời cho lưu hành rộng rãi”.
Đệ tử của Sư là Đạo Sưởng, Linh Nguyên, Đàm Hiển… tiếc cho Thầy đã sớm ra đi, buồn cho sách quý sắp bị mai một, nên cùng với các cư sĩ tài giỏi kính cẩn viết lại một bản sạch sẽ để lưu truyền khắp nơi.
Bộ luận này tuy thịnh hành ở xứ Phần Tấn[63], nhưng chưa được lưu truyền đến Kinh đô. Cho nên, những vị thạc đức ở Trường An thường mong cầu có được bộ luận này.
Vào năm Vĩnh Thuần thứ 2 (683), sa-môn Thích Thông Hiền ở chùa Chí Tướng[64] và cư sĩ ở Huyền Sảng phòng chùa Huyền Đức đều nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm và hết lòng kính ngưỡng kinh này, nên kết bạn đồng đến núi Thanh Lương, đảnh lễ bồ-tát Văn-thù. Nhân đó, đến chùa Đồng Tử[65] ở Tinh Châu thì gặp được bộ luận này, các vị tha thiết nài thỉnh, nên được truyền trao. Vừa đem về đến Kinh đô, vua quan đều ngạc nhiên, liền cho sao chép để truyền bá.


Chú thích:
[8] Thân vân: Dụ cho thân Phật trùm khắp vô lượng, vô số, vô biên tế, hoặc dụ cho thị hiện các thứ ấm thân nhiều như mây để che chở chúng sanh. Lại dụ cho các tôn vị nhiều như mây. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5152).
[9] Phật Tì-lô-giá-na: Phẩm Lô-xá-na Phật trong kinh Hoa Nghiêm 2 (bản Cựu dịch) cho rằng Phật Tì-lô-giá-na tu tập công đức trong vô lượng kiếp mới thành Chánh giác, trụ ở thế giới Liên Hoa Tạng, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp 10 phương, trong lỗ chân lông hiện ra vầng mây hóa thân, diễn nói vô lượng vô biên khế kinh. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4402).
[10] Phổ Hiền: Kinh Hoa Nghiêm phối hợp ngài Văn-thù, Phổ Hiền với Phật Tì-lô-giá-na thành Tam Thánh Hoa Nghiêm. Đức Phật Tì-lô-giá-na đủ cả Lý và Trí, ở ngôi vị chính giữa; bồ-tát Văn-thù chủ về Trí đứng bên trái; bồ-tát Phổ Hiền chủ về Lý đứng bên phải. Theo Tam Thánh Viên Dung Quán Môn của ngài Trừng Quán, trong ba vị Thánh, 2 vị Thánh đứng 2 bên là Nhân, còn Đức Phật ở chính giữa là Quả, nhưng công đức của Nhân và Quả này siêu việt ngôn ngữ, tư tưởng, cho nên phải từ 2 nhân Lý và Trí mà ngộ giải, nếu ngộ được lẽ huyền diệu của 2 nhân này thì biết được chỗ sâu mầu của quả Phật. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1852-1853, điều “Hoa Nghiêm Tam Thánh”).
[11] Đà-la-ni: Năng lực của trí tuệ tóm thâu, giữ gìn vô lượng Phật pháp không để cho quên sót. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1194).
[12] Bản - Tích: Theo kinh Hoa Nghiêm, Bản là bản thể, Tích là quyền hóa. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 299).
[13] Nơi chốn: Nơi Đức Phật thuyết giáo nghĩa Hoa Nghiêm là cội cây Bồ-đề trong Thế giới hải Liên Hoa Tạng được trang nghiêm bằng bảy báu, do đó thâu tóm tất cả chỗ. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1853, điều “Hoa Nghiêm Thập Dị”).
[14] Mười bốn ngày: Giáo nghĩa Hoa Nghiêm được Thế Tôn nói trong 14 ngày ở thời đầu tiên, giống như khi mặt trời mới mọc, trước hết ánh sáng chiếu trên núi cao, lại ở thời kỳ đầu tiên này gồm thâu hết tất cả các thời, không có khoảng cách trước, giữa và sau. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1853, điều “Hoa Nghiêm Thập Dị”).
[15] Chín hội: Chín hội thuyết pháp, tức chỉ pháp hội Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm (bản Tân dịch) gọi chung là Thất Xứ Cửu Hội, hoặc bản Cựu dịch gọi là Thất Xứ Bát Hội. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 824).
[16] Mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, thượng, hạ. Phật giáo chủ trương mười phương có vô số thế giới và tịnh độ, gọi là Thập phương thế giới, Thập phương pháp giới, Thập phương tịnh độ, Thập phương sát. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5297).
[17] Mười đời: Ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai mỗi đời có 3 đời, cộng chung thành 9 đời, 9 đời này dung nhau thành một đời, hợp lại thành 10 đời. Hoa Nghiêm Kinh Vấn Đáp thượng, y cứ vào sự tương tục của một đời người mà chủ trương Thập thế, như quá khứ làm súc sanh, hiện tại làm người, vị lai làm Phật… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5316).
[18] Tỳ-kheo Hải Vân: Vị thiện tri thức thứ hai trong 53 vị thiện tri thức mà đồng tử Thiện Tài tham vấn, được ghi trong phẩm Nhập Pháp Giới kinh Hoa Nghiêm. Vị Tỳ-kheo này trụ ở nước Hải Môn, thường đến bờ biển quán duyên khởi biển cả và pháp của bậc Thượng nhân ở biển ấy trang nghiêm rải khắp như mây, cho nên căn cứ vào sở quán mà gọi là Hải Vân. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1756).
[19] Núi Tu-di: Vốn là ngọn núi trong thần thoại Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng, cho rằng đây là ngọn núi cao đứng sừng sững ở chính giữa một Tiểu thế giới. Lấy núi này làm trung tâm, có 8 lớp núi, 8 lớp biển bao bọc chung quanh, hình thành một thế giới (Tu-di thế giới). (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4614).
[20] Tam tạng: Còn gọi Tam tạng Pháp sư, vị Pháp sư tinh thông tam tạng Kinh, Luật, Luận. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4170).
[21] Khai Hoàng Tam Bảo Lục: còn gọi Lịch Đại Tam Bảo Kỉ, Khai Hoàng Lục, Tam Bảo Lục, Trường Phòng Lục, gồm 15 quyển, do Phí Trường Phòng soạn vào năm 597 đời Tùy, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính Tạng tập 49. Nội dung sách này nói về việc hoằng pháp sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc cho đến đời Tùy và mục lục các kinh điển Hán dịch. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2429).
[22] Dặm: 500 mét.
[23] Chi Pháp Lãnh: Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, đệ tử của ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn. Năm 392, Sư cùng sư Pháp Tịnh qua Tây Vực cầu pháp. Đến nước Vu Điền, hai vị thỉnh được 36.000 bài kệ của kinh Hoa Nghiêm… Bộ kinh Hoa Nghiêm Sư thỉnh về được ngài Phật-đà-bạt-đà-la dịch vào năm 418 ở chùa Đạo Tràng, Dương Châu. Đó là kinh Hoa Nghiêm (Cựu dịch) 60 quyển ngày nay. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 898).
[24] Năm 690, Vũ Hậu (Võ Tắc Thiên) xưng Đế, đổi quốc hiệu là Chu.
[25] Chùa Đạo Tràng: ở Kiến Khương, Trung Quốc, thành phố Nam Kinh hiện nay, do quan Tư không Tạ Thạch sáng lập vào năm 323. Đến cuối thời Đông Tấn, chùa này và Lô Sơn đều là trung tâm của Phật giáo Nam phương. Trong khoảng từ năm 405-419, chùa này có nhiều vị Cao tăng đến dịch kinh. Ngài Phật-đà-bạt-đà-la dịch kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng, Tăng-kỳ Tỳ-kheo Giới Bản, kinh Văn-thù-sư-lợi Phát Nguyện. Trong đó, việc phiên dịch kinh Hoa Nghiêm còn có sự tham dự của hơn 100 vị Sa-môn như Pháp Nghiệp, Huệ Nghiêm v.v… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1439).
[26] Cao Tăng Truyện quyển 2: ghi 5 tuổi.
[27] Giới Cụ túc: Giới luật đầy đủ mà Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải thọ trì. Theo giới pháp quy định, người thọ trì giới Cụ túc thì chính thức đạt được tư cách của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Giới Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới... Giới Cụ túc cũng chỉ nêu bày các giới luật chủ yếu, giúp cho người trì giới nhờ đó mà xa lìa được tội ác, trí đức tròn đủ. Nếu căn cứ vào số giới mà nói thì thật là vô lượng vô biên, phải siêng năng tu trì trong mọi hoàn cảnh, giữ việc lành, bỏ việc ác. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 780).
[28] Đâu-suất: Cõi trời thứ tư trong 6 tầng trời cõi Dục, rộng 8 vạn do-tuần, vị trí ở giữa trời Dạ-ma và trời Lạc Biến Hóa, cách trời Dạ-ma 16 vạn do-tuần... Cõi trời này có 2 viện: 1. Đâu-suất nội viện: Trụ xứ của Bồ-tát sắp thành Phật (Bồ-tát Bổ xứ), nay là Tịnh độ của Bồ-tát Di-lặc; 2. Đâu-suất ngoại viện: Thuộc cõi Dục, là nơi cư trú của thiên chúng hưởng thụ nhiều dục lạc, nhưng ít được nghe pháp. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1474-1475).
[29] Bất hoàn: Còn gọi A-na-hàm, Bất lai, bậc thánh quả thứ 3 trong 4 quả Thanh văn. Vị này đã đoạn hết 9 phẩm Tư hoặc ở cõi Dục và không còn thọ sanh trở lại cõi Dục nữa. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 46, điều “A-na-hàm”).
[30] Phật Đại Tiên: Cao tăng người nước Kế Tân, thuộc miền Bắc Ấn Độ, sống vào thế kỷ V, là Luận sư của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, về sau là người truyền trì Thiền pháp... Ngài Phật-đà-bạt-đà-la thuở nhỏ có theo học với Sư. Ngài Trí Nghiêm người Trung Quốc, trong thời gian du học Ấn Độ, cũng đến nước Kế Tân, vào tinh xá Ma-thiên-đà-la học thiền pháp với Sư. Ba năm sau, khi học xong, ngài Trí Nghiêm cùng ngài Phật-đà-bạt-đà-la trở về Trung Quốc… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3606).
[31] Cưu-ma-la-thập (344-413): Cao tăng Trung Quốc sống vào đời Đông Tấn, người nước Qui-tư, là một trong 4 nhà dịch kinh lớn. Cha mẹ Sư là người có đức hạnh, sau đều xuất gia theo đạo Phật. Sư thông minh từ thuở bé, 7 tuổi xin mẹ vào đạo. Sau Sư đến Thiên Trúc, tham học khắp các bậc danh túc. Sư học rộng nhớ dai, tiếng tốt vang khắp 5 xứ Thiên Trúc. Khi trở về nước, Sư được vua tôn làm thầy… Năm 401, vua Diêu Hưng đánh bại họ Lữ, Sư mới được rước về Trường An. Vua Diêu Hưng tôn Sư làm Quốc sư, trụ ở vườn Tiêu Dao, chuyên dịch kinh với sự trợ giúp của các vị Tăng Triệu, Tăng Nghiêm. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 804-805).
[32] Diêu Tần: Còn gọi là Hậu Tần (384-417).
[33] Ngụy Quốc Tây Tự: Chùa ở Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ban đầu, vua nhà Đường xây cất 5 ngôi chùa ở tại Dương Châu, Kinh Nam, Thái Nguyên, Tây Kinh và Đông Kinh để ghi nhớ và báo đáp nơi khởi nghiệp, lại lấy niên hiệu là Thái Nguyên để đặt tên cho cả 5 ngôi chùa. Chùa Thái Nguyên ở Tây Kinh do quan Thị trung Quán Quốc Công Dương Cung Nhân, bà con bên ngoại của Vũ Hậu Tắc Thiên sửa nhà cũ thành chùa vào năm 670, sau nhiều lần trùng tu đổi tên là Ngụy Quốc Tây Tự. Năm 690 lại đổi tên là chùa Sùng Phước. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5033, điều “Thái Nguyên tự”; tập IV, trang 3995, điều “Sùng Phước tự”).
[34] Đại đức: Từ tôn xưng Phật, Bồ-tát hoặc Cao tăng ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, từ “Đại đức” dùng tôn xưng các vị Cao tăng để tỏ sự cung kính. Nhưng vào đời Tùy, Đường, những người làm công tác phiên dịch thì đặc biệt được gọi là Đại đức. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 2141).
[35] Long tượng: Nguyên chỉ cho những con voi mạnh mẽ nhất trong loài voi. Từ này được dùng để tỉ dụ cho người có năng lực mạnh mẽ. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2489).
[36] Pháp sư Hiền Thủ (643-712): Tức ngài Pháp Tạng. Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, là vị Tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm, tự là Hiền Thủ, hiệu là Quốc Nhất Pháp Sư, còn gọi là Hương Tượng Đại Sư, Khương Tạng Quốc Sư. Sư họ Khương, tổ tiên người nước Khương Cư, đến đời ông nội thì cả họ dời đến Trường An. Thuở nhỏ, Sư thờ ngài Trí Nghiễm, được nghe giảng kinh Hoa Nghiêm và thâm nhập tôn chỉ huyền diệu của kinh Hoa Nghiêm… Theo Sư, giáo lý Hoa Nghiêm là cao nhất, triết học Hoa Nghiêm thực hiện một thế giới lý tưởng ngay trong thế giới hiện thực. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3543-3544).
[37] Ngụy Quốc Đông Tự: Đầu đời Đường, ở Trường An, Lạc Dương, Thái Nguyên, Kinh Châu và Dương Châu đều có lập chùa Thái Nguyên. Chùa Thái Nguyên ở Lạc Dương (Đông Kinh) lần lượt đổi tên là Ngụy Quốc Đông Tự, Đại Chu Đông Tự, sau tên là Đại Phước Tiên Tự… Trong chùa có Phước Tiên Tự Thánh Giáo Tự Bi do Vũ Hậu viết. Về sau, do nước sông Lạc dâng tràn, nên chùa phải dời về phía Bắc. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5033).
[38] Chứng nghĩa: Một chức vụ đảm nhiệm việc thẩm định văn nghĩa Phạn văn trong dịch trường. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 1014).
[39] Trung xá: tên một chức quan. Theo Dung Trai Tam Bút, khi phép tắc đặt chức quan chưa thay đổi, quan mới vào triều, người có khoa bảng gọi là Thái tử trung duẫn, không có khoa bảng gọi là Thái tử trung xá, nay đều gọi chung là Trị lang. Về sau, các nhà Nho có lẽ không hiểu rõ, nên gọi Trung thư xá nhân là Trung xá. (Theo Từ Nguyên).
[40] Đại Tiến Phước Tự: Chùa ở phía Nam thành Tây An, huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, do Vũ Tắc Thiên ban chiếu xây dựng vào năm 684 để cầu phước cho vua Cao Tông. Đầu tiên, chùa có tên là Đại Hiến Phước Tự. Năm 690, chùa được trùng tu và đổi tên như ngày nay. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1317).
[41] Nằm theo thế cát tường: Nằm nghiêng bên phải, chân phải xếp chồng lên chân trái.
[42] Pháp khí: Người có khả năng tu hành Phật đạo.
[43] Nguyên bản ghi Sa-môn thanh tín sĩ: Ở đây chỉ chọn chữ Sa-môn. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 896, Chi Khiêm là danh tăng Trung Quốc, người xứ Nhục-chi, sang Trung Quốc dịch kinh, sống vào cuối thế kỷ III thời Tam Quốc…
[44] Tam tạng Phật-đà-da-xá là thầy của ngài Cưu-ma-la-thập. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3604).
[45] Từ điển Phật học Huệ Quang tập IV, trang 3921: ghi 14 quyển.
[46] Thiên Vương Như Lai: Danh hiệu của tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa khi ông thành đạo ở đời vị lai. Hoặc Tên của các vị Phật với hình thức thế tục ở đời quá khứ. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5506).
[47] Long Hoa Tam hội: Ba hội thuyết pháp của Phật Di-lặc dưới cội Long Hoa. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2476).
[48] Bồ-tát Tam tụ giới: Ba tụ giới pháp của Đại thừa Bồ-tát. Tụ nghĩa là chủng loại. Vì ba tụ giới pháp này vô cấu thanh tịnh, hàm nhiếp các giới Đại thừa, viên dung vô ngại nên gọi là Tam tụ tịnh giới, Tam tụ viên giới. Tam tụ tịnh giới gồm: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiếp chúng sinh giới. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4182-4183).
[49] Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5330: ghi 17 quyển.
[50] Tam Hiền: Bồ-tát ở các giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, chỉ đoạn Kiến hoặc và Tư hoặc, vẫn còn Trần sa hoặc và Vô minh hoặc, chưa vào thánh vị Thập địa, nên chỉ gọi là Tam hiền, hoặc là Bồ-tát Địa tiền.
a- Thập trụ: Mười giai vị thứ hai trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát. Do lòng tin đã kiên định, nên có thể trụ vào địa vị Phật. Lại do phát khởi đại tâm, hướng đến diệu đạo, nên còn gọi là Thập phát thú. Thập trụ gồm: Phát tâm trụ, Trị tha trụ, Tu hành trụ, Sanh quý trụ, Phương tiện cụ túc trụ, Chánh tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ và Quán đảnh trụ.
b- Thập hạnh: Mười giai vị thứ ba trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát. Do Bồ-tát đã trải qua Thập tín, Thập trụ, đã trở thành con của Phật, tự lợi đã tròn đầy, lại phải trưởng dưỡng công hạnh lợi tha, nên gọi là Thập Hạnh, cũng gọi là Thập trưởng dưỡng. Thập hạnh gồm: Hoan hỷ hạnh, Nhiêu ích hạnh, Vô sân hận hạnh, Vô tận hạnh, Ly si loạn hạnh, Thiện hiện hạnh, Vô trước hạnh, Tôn trọng hạnh, Thiện pháp hạnh và Chân thật hạnh.
(Thập tín: Mười giai vị đầu tiên trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát. Bởi vì vào biển Phật pháp, tu vô lượng pháp môn, cần phải lấy Tín làm đầu. Thập tín là: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Huệ tâm, Định tâm, Bất thối tâm, Hộ pháp tâm, Hồi hướng tâm, Giới tâm và Nguyện tâm).
c- Thập hồi hướng: Mười giai vị thứ tư trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát. Do dùng tâm Đại bi cứu hộ tất cả chúng sanh, nên gọi là Hồi hướng. Trong giai vị Thập trụ, Thập hạnh ở trước, tâm ra khỏi thế tục thì nhiều, tâm Đại bi thì ít. Đến giai vị này, cứu hộ bằng nguyện lực đại bi, ở nơi tục để làm lợi ích chúng sanh, hồi hướng thiện hạnh này đến muôn loại. Thập hồi hướng gồm: Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, Bất hoại hồi hướng, Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng, Chí nhất thiết xứ hồi hướng, Vô tận công đức tạng hồi hướng, Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng, Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng, Chân như tướng hồi hướng, Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng và Đẳng pháp giới vô lượng hồi hướng.
(Theo Phật học thường kiến từ vựng 佛學常見詞彙 , 2001, trang 43-45, 66-67).
[51] Thập thánh: Bồ-tát Đại thừa từ Sơ địa trở lên cho đến Thập địa, còn gọi là Bồ-tát Địa thượng. Thập địa là 10 giai vị thứ năm trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát; ở giai vị này, dần dần khai mở Phật nhãn, thành tựu Nhất thiết chủng trí. Thập địa gồm: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa. (Theo Phật học thường kiến từ vựng, trang 43, 45).
[52] Nguyên bản là Thái Hòa 大和 . Tuy nhiên, xét các sách sử thì đời Bắc Tề (550-577) chỉ thấy có niên hiệu Thái Ninh 太寧 (561), không có niên hiệu Thái Hòa.
[53] Thanh Lương sơn: Tên khác của núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Núi này đóng băng quanh năm, mùa Hạ vẫn có tuyết rơi, khí hậu không nóng bức nên gọi là Thanh Lương. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5062).
[54] Chùa Tịnh Ảnh: Chùa ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, do vua Tùy Văn Đế (Dương Kiên, 581-605) sáng lập. Sau khi nhà Tùy thống nhất đất nước, đặc biệt tôn sùng Phật giáo. Bấy giờ, ngài Huệ Viễn hướng dẫn hơn 200 học tăng, hoằng dương Phật pháp tại chùa Đại Hưng Thiện ở Trường An. Vì chùa Đại Hưng Thiện hẹp nhỏ, nên phải xây thêm chùa Tịnh Ảnh (587). Ngài Huệ Viễn trụ nơi đây giảng kinh Niết-bàn, luận Thập Địa, việc giáo hóa rất hưng thạnh. Sư còn vâng sắc phiên dịch, hiệu đính văn nghĩa bản dịch, rồi sau thị tịch tại chùa này. Để phân biệt với ngài Lô Sơn Huệ Viễn nên người đời gọi Sư là Tịnh Ảnh Huệ Viễn. Về sau, chùa này trở thành nơi cư trú của các học tăng thuộc hệ thống Niết-bàn giáo học, đệ tử ngài Huệ Viễn. Vào thời Đường, ngài Bất Không từ Tích Lan lại đến Trung Quốc, trụ tại chùa này dịch kinh. Hiện nay chùa đã bị hoang phế. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập V, trang 4491-4492).
[55] Văn-thù-sư-lợi: Một vị Bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ, một trong những vị Bồ-tát quan trọng của Phật giáo. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được đích thân Phật Thích-ca giao phó việc truyền bá Phật pháp tại núi Ngũ Đài. (Theo Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học, Nxb. Thuận Hóa, 1999, trang 482).
[56] Chùa Thanh Lương: Ở trong hang Thanh Lương, thuộc Trung Đài, núi Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, do vua Hiếu Văn Đế (471-499) sáng lập vào đời Bắc Ngụy... Sách Nhập đường cầu Pháp tuần lễ kí cho rằng chùa Thanh Lương là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên trên núi Ngũ Đài. Nhưng thông thường lại cho rằng chùa Đại Phù thuộc Trung Đài là ngôi tự viện được xây dựng đầu tiên. Hiện nay, chùa Thanh Lương đã bị hoang phế, chỉ còn Thanh Lương thạch và Thiên Phật tháp. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập VI, trang 5062).
[57] Hằng Sơn: Một trong năm ngọn núi: Đông Nhạc Thái Sơn (Thái An, Sơn Đông), Nam Nhạc Hoành Sơn (Hoành Sơn, Hồ Nam), Tây Nhạc Hoa Sơn (Hoa Âm, Thiểm Tây), Bắc Nhạc Hằng Sơn (Đại Đồng, Sơn Tây) và Trung Nhạc Tung Sơn (Đăng Phong, Hà Nam). Thời vua Nghiêu, chỉ có Tứ Nhạc. Về sau, thêm Trung Nhạc mà thành Ngũ Nhạc. Xưa nay, Ngũ Nhạc là trụ xứ sớm nhất của các vị tăng sĩ và đạo sĩ, như ngài Đạo An đời Phù Tần vào Hằng Sơn dựng lập chùa tháp… (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2985).
[58] Chùa Đại Phù: Xem chú thích “Chùa Thanh Lương”.
[59] Từ điển Phật học Huệ Quang tập III, trang 2949, có đoạn: Kể từ sau khi vua Văn Đế đời Bắc Ngụy, Trung Quốc dạo chơi Thúy Nham Phong, sáng lập Đại Phù Đồ Linh Thứu Tự.
[60] Đông đường, Tây đường: Vị trụ trì tiền nhiệm một ngôi chùa gọi là Đông Đường, Đông Am. Vị trụ trì ở chùa khác đến bản tự trú ngụ gọi là Tây Đường, Tây Am. Cho nên, Đông Đường là chỉ nơi ở của vị trụ trì tiền nhiệm, Tây đường chỉ nơi ở của vị trụ trì chùa khác đến. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1571; tập V, trang 4363).
[61] Khoảnh: Thửa ruộng rộng 100 mẫu Trung Quốc, chừng 6,667 héc-ta.
[62] Bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di.
[63] Phần Tấn: Sông Phần ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
[64] Chùa Chí Tướng ở núi Chung Nam, Thiểm Tây, Trường An, Trung Quốc, do sư Thanh Uyên sáng lập vào đầu nhà Tùy… Về sau, có sư Trí Nghiễm đến chùa này học kinh Hoa Nghiêm với các sư Pháp Lâm, Trí Chính và trở thành Tổ thứ hai tông Hoa Nghiêm ở Trung Quốc, đời gọi là đại sư Chí Tướng. Nhờ đó chùa này được nổi tiếng. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập I, trang 904).
[65] Chùa Đồng Tử ở trên núi Long Sơn, cách Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc 20 dặm, do thiền sư Hoằng Lễ xây dựng vào năm 556. Theo truyền thuyết, có hai đồng tử thấy tảng đá ở núi này có hình dáng giống Đức Phật, liền khắc thành tượng cao 57m, do đó có tên Đồng Tử… Chùa bị binh lửa tàn phá vào năm 1117; đến năm 1522 được trùng tu, nhưng những kiến trúc bên trong và tượng Phật khắc bằng đá đã bị mất. Trước chùa có tháp đá để thắp đèn, hình lục giác, 5 tầng cao hơn 4m. Đây là tháp đèn xưa nhất còn lại ở Trung Quốc. (Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập II, trang 1597-1598).

« Kinh này có tổng cộng 5 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.234.154.197 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập