Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.5 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.52 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh - Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An - Thích Tâm Nhãn - Thích Đạo Luận
A-GIA-LỢI-DA, Ô-BA-ĐÀ-DA
[455c10] Bấy giờ, đức Bạc-già-phạm ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ-đa, thành Thất-la-phạt,[1] Ngài bảo các bí-sô rằng:
- Này các bí-sô! Từ nay trở đi, nếu có người nào đến cầu học pháp luật khéo nói,[2] thật muốn xuất gia và thọ cận viên thì A-giá-lợi-da[3] và Ô-ba-đà-da[4] nên cho họ xuất gia và thọ cận viên.
Khi ấy, các bí-sô không biết có bao nhiêu A-giá-lợi-da và bao nhiêu Ô-ba-đà-da, bạch Phật. Phật dạy:
- Có năm hạng A-giá-lợi-da và hai hạng Ô-ba-đà-da. Năm hạng A-giá-lợi-da là gì? Một, Thập giới A-giá-lợi-da. Hai, Bình giáo A-giá-lợi-da. Ba, Yết-ma A-giá-lợi-da. Bốn, Y chỉ A-giá-lợi-da. Năm, Giáo độc A-giá-lợi-da.
Thế nào là Thập giới A-giá-lợi-da? Là vị truyền trao ba qui y và mười học xứ.
Thế nào là Bình giáo A-giá-lợi-da? Là vị kiểm vấn những pháp già nạn tại chỗ khuất.
Thế nào là Yết-ma A-giá-lợi-da? Là vị tác bạch tứ yết-ma.
Thế nào là Y chỉ A-giá-lợi-da? Là vị mà ta xin nương tựa, dù chỉ trong một đêm.
Thế nào là Giáo độc A-giá-lợi-da? Là vị dạy ta đọc tụng dù chỉ bốn câu kệ pháp.
Hai hạng Ô-ba-đà-da là gì? Thứ nhất là vị cho ta cạo tóc xuất gia, thọ mười học xứ. Thứ hai là vị cho ta thọ cận viện.
Chú thích:
[1] Thành Thất-la-phạt 室羅伐城: Skt. Śrāvastī, P. Sāvatthī, âm khác là Xá-vệ, Thất-la-bạt-đề..., là thủ đô nước Bắc Kiều-tát-la (Skt. Uttara-Kośalā).
[2] Hán: Thiện thuyết 善說. Du-già sư địa luận 70, T30n1579, p687b27: Có hai nhân duyên nói về pháp của Phật Thế Tôn là khéo giảng dạy, khéo nói (thiện thuyết), 1. ngôn từ văn cú đều rõ ràng trong sáng, 2. dễ hiểu, thông đạt.
[3] A-giá-lợi-da 阿遮利耶: Skt. ācārya, P. ācariya, phiên âm khác là A-xà-lê…; dịch là Giáo thọ, Quỹ phạm sư, Truyền thọ…
[4] Ô-ba-đà-da 鄔波馱耶: Skt. upādhyāya, P. upajjhāya, dịch là Thân giáo sư, Lực sinh, Hòa thượng…
THỌ GIỚI BÍ-SÔ
Như Thế Tôn dạy: “Thân giáo sư (Ô-ba-đà-da) nên cho người xuất gia thọ giới và thọ cận viên.” Các bí-sô không biết cho xuất gia và thọ cận viên như thế nào, bạch Phật.
Phật dạy:
- Nếu có người muốn xuất gia, tùy ý đến gặp một vị thầy. Thầy này phải hỏi những pháp chướng ngại (già nạn). Nếu họ hoàn toàn thanh tịnh thì được phép thâu nhận. Khi đã thâu nhận thì phải truyền cho họ ba qui y và năm học xứ, trở thành vị ô-ba-sách-ca[1] hộ luật nghi (Nói từ “hộ”, Phạn ngữ là tam-bạt-la,[2] dịch là ủng hộ. Do qui y và nhận giới nên được giới hộ trì, không rơi vào ba dường. Xưa dịch là luật nghi, dịch nghĩa là luật pháp và phép tắc. Nếu chỉ nói “hộ”, sợ người học không hiểu nên giữ cả hai chữ. Luận minh liễu[3] cũng dịch là “hộ”, là giới thể vô biểu sắc).
[456a01] Nên truyền thọ như thế này:
Trước hết dạy người cầu xuất gia nên lễ kính vị bổn sư, ngồi xổm chắp hai tay, thưa thế này:
Xin A-giá-lợi-da ghi nhận cho, con tên là… kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời:
Quy y Phật-đà[4] lưỡng túc trung Tôn.
Quy y Đạt-ma[5] ly dục trung tôn.
Quy y Tăng-già[6] chư chúng trung tôn.
(Nói như vậy 3 lần).
Vị Thầy dạy: - Tốt (Áo-tì-ca[7] dịch là tốt, được, cũng là nghĩa phương tiện. Do Thánh giáo cho rằng thiện phương tiện là có thể hướng đến niết-bàn, đi đến nơi an ổn).
Đáp: - Lành thay! (Sa-độ[8] dịch lành thay, phàm khi tác pháp, hay tùy thời bạch việc gì đều làm như vậy. Nếu không nói thế thì phạm tội vượt pháp.[9] Phạn-Hán thường nói thế [dùng từ áo-tì-ca, và sa-độ], về sau các văn hay dùng hảo [tốt], thiện [lành thay][10] đều đúng; hoặc dùng cách gọi sau vẫn được).
Thứ đến truyền năm học xứ, sư dạy rằng:
- Con nói theo ta (Theo Thánh giáo và sự truyền thừa thì đều đọc theo lời thuyết giới của vị bổn sư. Không có trường hợp thầy trực tiếp hỏi có làm được không. Việc trao giới không được xem thường, không được bỏ xót):
A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Như các vị thánh A-la-hán cho đến trọn đời, không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu; con tên là… kể từ hôm nay cho đến trọn đời cũng như vậy, không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu. Đây chính là năm chi học xứ của con, cũng là học xứ của các vị A-la-hán, con theo đó học tập, hành trì. (Nói như vậy ba lần).
Xin A-giá-lợi-da chứng tri cho, con là ô-ba-sách-ca quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ.
Vị thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Dạ vâng.
Thứ đến thỉnh Ô-ba-đà-da (Ô-ba-đà-da dịch là Thân giáo sư, Hòa thượng là nói theo ngôn ngữ phương Tây, không phải theo sách vở. Các kinh luật bản Phạn đều ghi là Ô-ba-đà-da),[11] nói rằng:
- Xin A-giá-lợi-da (dịch là Quỹ phạm sư)[12] ghi nhận cho! Con tên là…, nay xin thỉnh A-giá-lợi-da làm Ô-ba-đà-da, mong A-giá-lợi-da vì con làm Ô-ba-đà-da, nhờ A-giá-lợi-da làm Ô-ba-đà-da mà con được xuất gia.
Nói như vậy ba lần, trong lần thứ ba nên nói thêm:
- Nhờ Ô-ba-đà-da làm Ô-bà-đa-da. (do gần địa vị thầy nên lặp lại như vậy).
Thứ đến thỉnh một bí-sô làm người tác bạch với chúng Tăng. Vị này nên hỏi bổn sư của giới tử:
- Thầy đã hỏi các pháp chướng ngại chưa?
Trả lời: - Đã hỏi.
Có hỏi thì tốt, nếu không hỏi mà tác bạch thì bị tội vượt pháp. Sau đó, vị bổn sư phải thưa với tất cả chúng Tăng khi Tăng tập họp đầy đủ; hoặc dẫn giới tử đi từng phòng để cáo tri.
Thứ đến, bí-sô tác bạch đưa giới tử đến giữa chúng Tăng, sau khi đảnh lễ, ngồi xổm trước Thượng tọa, chắp tay thưa:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe, giới tử này tên là… nương nhờ bí-sô… mong cầu xuất gia, [456b01] còn hình thức bạch y, chưa cạo râu tóc, mong được xuất gia thọ cận viên trong pháp luật khéo nói, thành tánh bí-sô. Vị giới tử này nếu được cạo râu tóc, mặc pháp y rồi, phát khởi chánh tín, từ bỏ nhà để đến nơi chẳng phải nhà, thầy… làm Ô-ba-đà-da, Tăng-già cho phép giới tử tên là… xuất gia không? (Ở đây chỉ thưa là đủ, không cần phải tác yết-ma đơn bạch).
Cả chúng đều nói:
- Nếu giới tử tên là… thanh tịnh thì nên cho xuất gia.
Hỏi đầy đủ thì tốt, nếu không hỏi đầy đủ thì bị tội vượt pháp. Sau đó thỉnh một bí-sô thực hiện việc cạo tóc.
Khi cạo tóc, giới tử lại hối hận, do đó Phật dạy:
- Nên chừa lại một ít tóc trên đỉnh đầu. Rồi hỏi giới tử, tóc trên đỉnh có cạo được không? Nếu giới tử trả lời không, nên nói với họ: Ngươi có thể tùy ý ra về. Nếu giới tử đồng ý, nên cạo sạch, rồi cho tắm rửa. Nếu mùa rét, nên cho nước nóng hòa vào nước lạnh. Khi họ mặc quần áo nên kiểm soát cẩn thận, vì e rằng họ là người không căn, hai căn, hay căn bất tòan v.v…
Nghe Phật dạy như vậy, có bí-sô bị kiểm tra phải cởi đồ lộ hình quá xấu hổ. Phật dạy:
- Không nên lộ hình để kiểm tra, khi họ thay đồ có thể khéo tìm hiểu, đừng cho họ biết. Sau đó cho thọ y man điều,[13] bảo họ dâng lên trán để thọ. Thọ rồi mặc vào. Thầy của giới tử nên vì họ thỉnh bí-sô cho họ thọ cầu tịch luật nghi hộ, bảo họ làm lễ, rồi đối trước hai thầy, ngồi xổm chắp tay, dạy họ thưa như thế này (Hai thầy nên ngồi gần nhau, bảo đệ tử nắm lấy một góc cà-sa. Chính tôi [ngài Nghĩa Tịnh] thấy ở phương Tây họ hành pháp như vậy):
- A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Con tên là…, kể từ hôm nay cho đến trọn đời, quy y Phật-đà lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-ma ly dục trung tôn, quy y Tăng-già chư chúng trung tôn. Đức Bạt-già-phạm, Thích-ca Mâu-ni, Thích-ca Sư Tử, Thích-ca Đại Vương, bậc Tri kiến như thật, Ứng cúng, Chánh đẳng giác đã xuất gia, con cũng theo Ngài xuất gia. Con đã từ bỏ hình dáng thế tục, để thọ trì hình tướng xuất gia. Vì việc pháp con phải đề cập đến tên của Thân giáo sư. Thân giáo sư tên là…
(Thưa như vậy ba lần).
Thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Kính vâng.
Thứ đến thọ mười học xứ, sư dạy giới tử rằng:
- Ông nên nói theo ta! A-giá-lợi-da ghi nhận cho, như các vị thánh A-la-hán, cho đến trọn đời không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không trang sức, thoa ướp hương thơm, không ngồi trên giường rộng lớn sang trọng, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc. Con tên là…, kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời, không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói lời dối trá, không [456c01] uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không trang sức, thoa ướp hương thơm, không ngồi trên giường rộng lớn sang trọng, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc. Đây là mười chi học xứ của con, cũng chính là học xứ của vị A-la-hán, con sẽ học tập, thực hành và thọ trì. (Nói như vậy ba lần).
Ngưỡng mong A-giá-lợi-da chứng tri. Con là cầu tịch. Vì việc pháp con phải đề cập đến tên của Thân giáo sư. Thân giáo sư tên là…
Thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Kính vâng.
- Ông đã khéo thọ mười học xứ rồi, phải cúng dường Tam bảo, thân cận hai thầy, học hỏi tụng kinh, siêng năng tu sửa ba nghiệp, chớ có phóng dật.
Nếu tuổi đủ hai mươi, có thể cho thọ cận viên. Vị bổn sư nên tìm cho họ đủ ba y, bát, đảy lược nước, ngọa cụ. Sau đó, thỉnh Yết-ma sư và Bình giáo sư[14] cùng vào đàn trường. Chúng bí-sô hoặc năm người, hoặc mười người hòa hợp vân tập xong, bảo giới tử mặc y trịch vai phải, bỏ giày dép ra, nhất nhất đều phải lạy ba lạy. Lạy có hai cách. Một là năm chỗ tròn[15] (là trán, hai bàn tay, hai đầu gối) sát đất, hai là hai tay ôm lấy chân thầy. Lạy theo một trong hai cách xong, nên thỉnh Ô-ba-đà-da. Nếu vị này trước đây đã là Ô-ba-đà-da hoặc A-giá-lợi-da thì tùy lúc xưng hô. Nếu vị này trước đây không phải là một trong hai thầy, nên gọi là Đại đức hay Tôn giả. Nếu thỉnh Quỹ phạm sư, căn cứ theo đây mà làm. Cần phải chỉnh đốn uy nghi, thưa như thế này:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, nay thỉnh ngài làm Ô-ba-đà-da. Mong ngài vì con làm Ô-ba-đà-da. Nhờ ngài làm Ô-ba-đà-da mà con được thọ cận viên.
(Thưa như vậy 3 lần).
Ở giữa chúng, trước mặt Thân giáo sư, sư cho cầm ba y, rồi dạy như vầy:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, y tăng-già-chi[16] (phức y) này là y con thọ dụng, đã làm thành y, nay con xin gìn giữ.
(Nói như vậy ba lần).
Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, y ốt-đát-la-tăng-già[17] (thượng y) này là y con thọ dụng, đã làm thành y, nay con xin gìn giữ. (Nói như vậy ba lần).
Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, y an-đát-bà-sa[18] (nội y) này là y con thọ dụng, đã làm thành y, nay con xin gìn giữ.
(Nói như vậy ba lần).
Nếu là vật chưa được giặt sạch, nhuộm, cắt rọc [457a01] như lụa hay vải bố…, có thể phương tiện cho bổ sung tạm thời để đủ số y, nên thưa thế này:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, y này con xin gìn giữ, sẽ làm thành y tăng-già-chi chín điều, hai đoạn dài một đoạn ngắn. Nếu không bị trở ngại, con sẽ giặt nhuộm, cắt may thành y để thọ dụng.
(Nói như vậy ba lần).
Các y khác căn cứ theo đây.
(Cách thức mặc y ở sau, trong phần phụ chú năm y của ni).
Sau đó đưa bát ra trình cho đại chúng, sợ trường hợp bát quá nhỏ, quá lớn hay màu trắng v.v… Nếu là bát tốt đúng pháp, đại chúng nên nói bát tốt. Nếu không nói bị tội vượt pháp. Sau đó, sư lấy bát để trên tay trái, tay phải đặt trên miệng bát, dạy giới tử nói thế này:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, ba-đát-la[19] này là vật dụng của bậc đại tiên, là vật dụng để khất thực. Nay con gìn giữ, thường dùng để thọ thực. (Nói như vậy ba lần).
Thứ đến, đưa giới tử đến chỗ thấy nhưng không nghe, bảo họ đứng chắp tay, nhất tâm chí thành hướng về đại chúng. Yết-ma sư hỏi đại chúng:
- Vị nào trước đây đã thọ thỉnh sẽ chỉ dạy giới tử tại chỗ khuất?
Người được thọ thỉnh đáp rằng:
- Tôi là…
Yết-ma sư hỏi tiếp:
- Thầy… tại chỗ khuất có thể chỉ dạy cho giới tử tên…, và thầy… làm Ô-ba-đà-da được không?
Vị kia đáp: - Tôi có thể làm.
Thứ đến Yết-ma sư tác đơn bạch:
Chú thích:
[1] Ô-ba-sách-ca 鄔波索迦: Skt. upāsaka, hoặc gọi ưu-bà-tắc, dịch là cận sự nam, thiện nam.
[2] Tam-bạt-la 三跋羅: Skt. Saṁbhāra.
[3] Luật nhị thập nhị minh liễu luận, 1 quyển, Phất-đà-đa-la-đa tạo, Chân Đế dịch thời Trần (T24n1461p665).
[4] Phật-đà 佛陀: Skt. buddha.
[5] Đạt-ma 達摩: Skt. dharma, P. dhamma, pháp.
[6] Tăng-già 僧伽: Skt. saṃgha.
[7] Áo-tì-ca 奧箄迦, Skt. aupayika.
[8] Sa-độ 娑度, Skt. sādhu.
[9] Hán: Việt pháp tội 越法罪, hay gọi tội vượt Tỳ-ni (việt tỳ-ni tội 越毗尼罪), tức tội đột-kiết-la.
[10] Hảo 好, thiện 善.
[11] Xem thêm cht. 4, tr. 17.
[12] Xem cht. 3, tr. 17.
[13] Y man điều 縵條: Skt. Paṭaka, tức là tấm vải lớn không có hình thửa ruộng (điều). (Phiên dịch danh nghĩa tập 7, T54n2131, p1171b11).
[14] Bình giáo sư 屏教師: Skt. rahonuśāsaka, hay gọi Bình giáo A-giá-lợi-da. Bình là ngăn che, tức vị giáo sư này hỏi già nạn giới tử ở chỗ vắng. Hay gọi là Giáo thọ sư, Tăng-kỳ 24, T22n1425, p422b29: gọi là Không tĩnh xứ giáo sư 空靜處教師.
[15] Hán: ngũ luân 五輪.
[16] Tăng-già-chi 僧伽胝: Skt=P. Saṅghātī, Tăng-già-lê 僧伽梨, đại y, y hai lớp (phức y 複衣), loại y trùm kín thân.
[17] Ốt-đát-la-tăng-già 嗢怛羅僧伽: Skt=P. uttarāsaṅga, hay gọi là uất-đa-la-tăng 鬱多羅僧, dịch là y khoác vai, y mặc trên, Hán dịch là thượng y 上衣.
[18] An-đát-bà-sa 安怛婆娑: Skt. antarvāsa, P. antaravāsaka, hay gọi an-đà-hội 安陀會, dịch là y trong (nội y 內衣) hay y dưới (hạ y 下衣).
[19] Ba-đát-la 波怛羅: Skt. pātra, âm khác bát-đa-la 鉢多羅, dịch là ứng lượng khí, lược gọi là bát.
1. SAI NGƯỜI DẠY Ở CHỖ KHUẤT – ĐƠN BẠCH
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… tại chỗ khuất chỉ dạy giới tử tên…, bí-sô… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già, Tăng-già chấp thuận. Nay Tăng-già sai bí-sô…. làm Bình giáo sư tại chỗ khuất chỉ dạy giới tử…, bí-sô…. làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến, Bình giáo sư đến chỗ khuất, bảo giới tử làm lễ, ngồi xổm chắp tay, rồi dạy như vầy:
- Này cụ thọ,[1] ông hãy lắng nghe. Đây chính là lúc ông phải chân thành, là lúc phải nói thật. Nay ta hỏi ông một số vấn đề. Ông phải bình tĩnh không sợ sệt, có nói có, không nói không, không được dối trá:
- Ông có phải là trượng phu (đàn ông) không?
- Phải.
- Ông đủ hai mươi tuổi chưa?
- Đủ.
- Ông đủ ba y và bát không?
- Đủ.
- Cha mẹ ông còn sống không?
- Còn sống.
(Nếu họ trả lời cha mẹ họ còn sống thì hỏi tiếp)
- Cha mẹ ông có cho phép ông xuất gia không?
- Cho phép.
(Nếu giới tử trả lời cha mẹ chết thì không phải hỏi điều trên).
- Ngươi có phải là nô tỳ không?
Ngươi có phải là vương thần không?
Ngươi có phải người gây hại nhà vua không?
Ngươi có phải giặc không?
Ngươi có phải hoàng môn[2] không?
Ngươi có làm ô uế bí-sô-ni không?
Ngươi có giết cha không?
Ngươi có giết mẹ không? [457b01]
Ngươi có giết A-la-hán không?
Ngươi có phá hòa hợp Tăng-già không?
Ngươi có ác tâm làm thân Phật chảy máu không?
Ngươi có phải ngoại đạo không?
(Trường hợp đang là ngoại đạo).
Ngươi không có qui hướng về ngoại đạo chứ?
(Trước đây đã bỏ ngoại đạo, xuất gia theo Phật, rồi trở lại ngoại đạo, nay trở lại Phật giáo).
Người có phải tặc trú không?
Ngươi có phải là biệt trú không?
Ngươi chẳng phải là bất cộng trú chứ?
(Người trước đây phạm giới trọng).
Ngươi chẳng phải là hóa nhân[3] chứ?
Ngươi có phải là người đang mắc nợ không?
(Nếu họ trả lời có thì nên hỏi họ rằng: Ngươi có thể sau khi thọ cận viên, trả nợ cho họ không? Họ trả lời được thì tốt. Nếu họ trả lời không thì bảo với họ rằng: Ngươi có thể hỏi chủ nợ, nếu họ đồng ý cho khất nợ lại thì mới được lại đây).
Trước đây ngươi có xuất gia không?
(Nếu nói không thì tốt. Nếu họ nói đã từng xuất gia, thì hỏi họ có phạm một trong bốn tội tha thắng[4] không? Khi ngươi hoàn tục, ngươi có khéo xả học xứ không?Nếu họ trả lời có phạm giới trọng, thì bảo họ tùy ý ra đi. Nếu họ nói không phạm thì tốt).
Hỏi tiếp:
- Ngươi tên gì?
Đáp:
- Con tên là…
- Ô-ba-đà-da của ngươi tên gì?
- Vì pháp sự, con phải nêu tên của Ô-ba-đà-da, tên của Ô-ba-đà-da là…
- Lại nữa, ngươi hãy lắng nghe, trong thân của nam giới có những bệnh như bệnh phong, bướu cổ, ghẻ lác, ghẻ lở, đậu mùa, đồi mồi, tê bại, chốc đầu rụng tóc, mụt dữ chảy nước mủ, phù thủng, hen suyễn, yết hầu khô, trúng gió điên cuồng, hình dáng không khí sắc, nghẹn họng ói mửa, trĩ, hủi, hạch, thấp khớp, mụt hạch ở chân, thổ huyết, nhọt bên dưới, kiết nóng, đau tức hông, đau xương, các bệnh sốt rét, bệnh phong, đàm vàng, bệnh tim. Tóm lại, có ba loại bệnh: Bệnh thường nóng sốt, bệnh tâm thần, điếc, mù, câm, ngọng, quá lùn, què, tay chân không đủ. Ngươi không có các loại bệnh như vậy và có các loại bệnh khác chứ?
- Dạ không.
- Này giới tử… hãy nghe rõ: Giờ đây tại chỗ khuất này, ta hỏi ngươi như vậy. Sau đó, các bí-sô trong chúng cũng sẽ hỏi ngươi. Ngay khi giữa đại chúng, ngươi cũng phải bình tĩnh không sợ sệt, nếu có nói có, nếu không nói không. Phải trả lời một cách chân thật. Ngươi tạm đứng đây giây lát, nếu chưa được gọi thì không được vào.
Bình giáo sư đi vào trước, đến nửa đường đứng lại, hướng về đại chúng thưa:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Tại chỗ khuất, tôi đã chỉ dạy giới tử một cách nghiêm túc, hỏi các pháp chướng ngại. Vị… là Ô-ba-đà-da của giới tử. Tăng-già cho phép đưa giới tử đến không?
Toàn chúng đều nói:
- Tốt.
Nếu họ hoàn toàn thanh tịnh thì gọi họ vào. Nếu ai không nói thì bị tội vượt pháp.
(Đàn tràng ở năm xứ Thiên Trúc[5] đều bố trí nơi phương trượng, chỗ nhàn tĩnh trong khuôn viên chùa. Bốn phía của phương trượng đều được xây cao lên hai thước, bên trong đắp nền cao năm tấc, Tăng ngồi trên nền này. Chính giữa có tấm ngăn nhỏ, cao bằng một người bình thường, bên cạnh có cửa nhỏ để ra vào được. Giới tử đứng ở ngoài đàn [ngoài tấm vách này]. Bình giáo sư đứng ở chỗ khuất ngoài này để hỏi, không cho đại chúng thấy. Không giống như xứ này, tất cả đều ở trong giới trường, khiến cho mọi người đều thấy. Đây thật sai trái. Cần phải để chỗ khuất kín.
Sau khi hỏi các pháp chướng ngại rồi, có thể dạy giới tử đứng riêng ở ngoài đàn, Bình giáo sư đi đến giữa đường, đứng lại và thưa vào cho đại chúng biết. Đây chỉ là lời thưa chứ không phải yết-ma. Chính tôi [Nghĩa Tịnh] thấy việc này, người nghe chớ nghi ngờ.)
Cho gọi giới tử vào. [457c01] Khi họ đã vào trong chúng, bảo họ đứng trước Thượng tọa làm lễ, rồi ngồi xổm chắp tay. Dạy họ thưa lời xin thọ cận viên:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Con tên là…, nay vì việc pháp con phải nêu tên Ô-ba-đà-da. Con theo Ô-ba-đà-da… cầu thọ cận viên. Con là…, nay cầu xin Tăng-già cho cận viên. Nay vì việc pháp, con phải nêu tên Ô-ba-đà-da, ngài… là Ô-ba-đà-da. Ngưỡng mong Đại đức Tăng-già truyền cho con cận viên. Ngưỡng mong quí ngài cứu giúp dạy bảo con. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng con.
(Nói ba lần).
Sau đó, bảo họ đến trước vị Yết-ma sư, dùng gạch hay cỏ rơm để lót, ngồi xổm chắp tay. Vị Yết-ma sư tác pháp đơn bạch và hỏi các pháp chướng ngại:
Chú thích:
[1] Cụ thọ 具壽: Skt. āyuṣmat, P. āyasmant, tiếng tôn xưng các vị tỳ-kheo, còn gọi là Hiền giả, Thánh giả, Tôn giả… hoặc người nhỏ gọi bậc trưởng thượng, đệ tử gọi thầy, hay cách gọi tôn trọng.
[2] Hoàng môn 黃門, bất năng nam 不能男 (bất lực, hay chỉ cho người nam căn bị hư hoại). Căn bản: bán-trạch-ca 半擇迦. P. paṇḍaka, người bị hoạn/ thiến.
[3] Hóa nhân 化人: phi nhân 非人 (không phải người), chỉ các loại trời, thần, và tương tự, P. amanussa.
[4] Tội tha thắng 他勝罪: bị kẻ khác thắng, tức tội ba-la-di.
[5] Năm xứ Thiên Trúc, Hán: Ngũ Thiên 五天. Thời kỳ Trung cổ, Ấn Độ phân chia năm khu vực: đông, tây, nam, bắc, trung gọi là Ngũ Thiên Trúc.
2. HỎI PHÁP CHƯỚNG NGẠI – ĐƠN BẠCH
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Giới tử này theo Ô-ba-đà-da… cầu thọ cận viên. Giới tử… này đến cầu xin Tăng-già thọ cận viên. Vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già, Tăng-già đồng ý: Nay tôi giữa Tăng sẽ kiểm vấn giới tử về các pháp chướng ngại. Vị… là Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
3. BẠCH TỨ YẾT-MA
Sau đó hỏi các pháp chướng ngại như đã nêu ra ở trước. Thứ đến bạch tứ yết-ma:
- Đại đức tăng già lắng nghe! Giới tử này theo Ô-ba-đà-da… cầu xin thọ cận viên, là người đàn ông đủ hai mươi tuổi, đủ ba y và bát, vị này tự nói mình thanh tịnh, không có các pháp chướng ngại. Vị này nay cầu xin Tăng-già cho thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Tăng-già cho vị giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già, Tăng-già cho giới tử…. thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Sau đó tác pháp yết-ma:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Vị giới tử… này theo Ô-ba-đà-da cầu thọ cận viên, là người đàn ông đủ hai mươi tuổi, đủ ba y và bát, vị này tự nói mình thanh tịnh, không có các pháp chướng ngại. Nay giới tử này cầu xin Tăng-già cho thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Tăng-già cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu các cụ thọ đồng ý cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra.
Đây là yết-ma lần thứ nhất. Yết-ma như vậy ba lần.
- Tăng-già đã cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da rồi. Tăng-già đã đồng ý, vì các ngài im lặng. [458a01] Tôi xin ghi nhận như vậy.
4. PHÁP TÍNH THỜI GIAN[1]
Tức ước lượng theo bóng bí-sô, nếu bóng vượt qua chân bí-sô gọi là quá. Phật dạy tính theo thời gian của khắc.[2] Bí-sô không hiểu tính thời gian của khắc thế nào.
Phật dạy:
- Có thể lấy thẻ tre nhỏ, dài chừng hai thước,[3] bẻ một đầu bằng bốn ngón tay, để đứng thẳng theo bóng mặt trời giữa trưa tính độ dài ngắn, gọi là thời gian của khắc. Mỗi bóng đo bằng cách tính khắc đều gọi là một người. Khi độ dài vừa đo bằng bốn ngón, xem bóng của mình có trùng lên thân của mình, nếu có tăng giảm thì theo đó ước tính.
Khi lượng tính bóng xong báo cho người kia biết: Thầy thọ cận viên thời gian trước bữa ăn; hoặc sau bữa ăn do bóng mặt trời dài thế này: một ngón tay, hai ngón tay, hay một người rưỡi, hay hai người, ba người v.v… Nếu ban đêm, hay ban ngày u ám cứ theo đó ước tính: báo là là sơ canh, nửa đêm hay cho đến sáng ngày mai v.v…
Sau đó phải cáo tri thời tiết sai biệt, bí-sô kia không biết thời tiết bao nhiêu, Phật dạy: - Có 5 thời sai khác: 1. Mùa đông; 2. Mùa xuân; 3. Mùa mưa; 4. Mùa cuối; 5. Năm là mùa khéo dài.
Mùa đông có bốn tháng, từ ngày mười sáu tháng chín đến ngày mười lăm tháng giêng. Mùa xuân cũng có bốn tháng, từ ngày mười sáu tháng giêng đến ngày mười lăm tháng năm. Mùa mưa có một tháng, từ ngày mười sáu tháng năm đến ngày mười lăm tháng sáu. Mùa cuối, là ngày mười sáu tháng sáu, một ngày một đêm. Mùa dài có ba tháng, thiếu một ngày một đêm. Nghĩa là từ ngày mười bảy tháng sáu đến ngày mười lăm tháng chín.[4]
(Đây là pháp yếu của Tăng chúng phương Tây, nếu không hiểu thì chẳng phải bí-sô. Chỉ vì gần đây chưa phiên dịch, khiến người nghe cho rằng đó là pháp mật giáo của nhà Phật, và khác với người thế tục. Nếu đến nước phương Tây, họ hỏi mà không biết thì người ta thấy cười, chẳng qua không giống với cách ghi nhớ tháng của người Chi-na [Trung Quốc] mà thôi).
Chú thích:
[1] Sau khi đã tác pháp xong, tân bí-sô nên lấy theo bóng mặt trời để xác định thời gian (năm tháng ngày giờ) thọ giới của mình (cht. Dg).
[2] Khắc, Hán: Thương 商. Đồng hồ ngày xưa cho mặt trời lặn ba thương là buổi tối, thương tức khắc.
[3] Thước (xích 尺): bằng 1/3mét.
[4] Đây là cách tính thời gian bằng bóng mặt trời theo người Ấn thời xưa. Ngày nay chúng ta đã có đồng hồ và lịch chỉ cần xác định và ghi nhớ năm tháng ngày giờ thọ giới của mình. (cht. Dg)
5. PHÁP TỨ Y
Thứ đến thuyết minh về pháp tứ y:
- Này tân bí-sô… lắng nghe! Pháp tứ y này chính là tri kiến của các đức Thế Tôn, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô thọ cận viên mà thuyết giảng. Pháp tứ y này là y vào pháp luật khéo nói để xuất gia, thọ cận viên thánh tánh bí-sô. Thế nào là bốn?
Này tân bí-sô…! Thứ nhất là y phấn tảo.[1] Loại y thanh tịnh này dễ có được. Bí-sô nương vào y này, ở trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô.
Này tân bí-sô…, kể từ nay cho đến trọn đời, dùng y phấn tảo để che thân, thầy có hoan hỷ không?
Đáp:
- Hoan hỷ.
- Nếu thầy được lợi dưỡng lâu dài về các loại vải lụa tốt không điều (man điều), khăn choàng nhỏ, [458b01] khăn choàng lớn, lụa nhẹ, vải gai bố, hoặc có các vật khác, hay được y thanh tịnh từ Tăng phân chia, hoặc được thí chủ cúng riêng. Đối với các loại ấy, thầy có thể thọ nhận, sử dụng một cách tri túc không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
- Này tân bí-sô…! Thứ hai là thường khất thực. Đây là thực phẩm thanh tịnh dễ có được. Bí-sô nương vào pháp này, ngay trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô.
Này tân bí-sô… kể từ hôm nay cho đến trọn đời, lấy pháp khất thực để tự nuôi sống, thầy có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ.
- Nếu thầy được lợi dưỡng dài lâu về cơm, cháo, nước uống v.v… từ Tăng phân chia, hay do biệt thỉnh, hay bữa ăn thường lệ của Tăng, hay bữa ăn biệt thí (Phạn ngữ nê-đắc[2] dịch là thường thí. Có trường hợp được thí riêng. Thí chủ cúng cho Tăng tiền và vật để làm thực phẩm vô tận. Hằng ngày theo thứ tự, Tăng sai người trong chúng lấy khoản này làm thức ăn ngon để cúng cho một người. Sự cúng dường như vậy kéo dài nhiều ngày tháng không đoạn tuyệt. Các chùa ở Tây Trúc thường có như vậy. Người xứ này không nghe không biết. Nếu không thể làm thức ăn thì cúng sữa cũng tốt) vào ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; hoặc thức ăn (được đàn-việt cúng) thanh tịnh, hay được phân chia từ chúng Tăng, hay của người khác mời riêng. Đối với các loại thực phẩm ấy, thầy tùy theo khả năng thọ nhận, sử dụng một cách tri túc được không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
- Này tân bí-sô…! Thứ ba là nằm dưới gốc cây, là chỗ thanh tịnh dễ có được. Bí-sô nương vào đó, ở trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô.
Này tân bí-sô…, kể từ hôm nay cho đến trọn đời, ở dưới gốc cây để nghỉ ngơi, thầy có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ
- Nếu lợi dưỡng lâu dài về phòng xá, lầu gác, hoặc hang sâu, đệm cỏ, ván lót, chỗ có thể kinh hành, hoặc đổi được trú xứ thanh tịnh tốt đẹp, hoặc do chúng Tăng phân chia, hoặc do thí chủ cúng. Đối với các chỗ ấy, thầy có thể thọ nhận, sử dụng một cách tri túc không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
- Này tân bí-sô…! Thứ tư là trần khí dược.[3] Đây là thuốc thanh tịnh dễ có được. Bí-sô nương vào đó, ở trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô.
Này tân bí-sô…, kể từ hôm nay cho đến trọn đời, dùng trần khí dược để trị bệnh, thầy có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ.
- Nếu thấy được lợi dưỡng lâu dài về các thứ thuốc như thời dược[4] là bơ, dầu, đường, mật, gốc, nhánh, cọng, lá, hoa quả v.v…, canh dược,[5] thất nhật,[6] tận thọ;[7] hoặc được thuốc thanh tịnh, hay được chúng Tăng phân phối, hay do thí chủ cúng riêng. Đối với các loại thuốc ấy, thầy có thể thọ nhận, sử dụng một cách tri túc không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
Chú thích:
[1] Y phấn tảo 糞掃衣: Skt. pāṃsu-kūla, P. paṃsu-kūla, y (vải) lượm từ đống rác.
[2] Nê-đắc 泥得: Skt. nityadāna.
[3] Trần khí dược 陳棄藥: hay gọi hủ lạn dược 腐爛藥, P. pūti-mutta, nghĩa đen “thuốc mục nát”, là loại thuốc được rút ra từ tinh dầu hoặc tinh cốt của các loại thảo mộc.
[4] Thời dược 時藥: xem thêm phần các loại thuốc quyển 5 sau.
[5] Canh dược 更藥: hay gọi phi thời dược 非時藥 (thuốc uống phi thời). Canh dược có hai loại, một loại dùng trong thời gian từ trưa đến chiều, một loại từ chiều đến lúc mặt trời chưa mọc. Tức chỉ được cất dùng đến canh đầu (sơ canh) của đêm, nếu quá không được uống.
[6] Thất nhật: thất nhật dược 七日藥, P. sattāha-kālika, thuốc chỉ được phép trữ dùng trong vòng bảy ngày.
[7] Tận thọ: tận thọ dược 盡壽藥, tận hình thọ dược 盡形壽藥, P. yāva-jīvika, thuốc trữ dùng cho đến hết đời.
6. BỐN PHÁP ĐỌA LẠC
Thứ đến giảng về bốn pháp đọa lạc:
- Này tân bí-sô… hãy lắng nghe! Có bốn pháp là tri kiến của các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô thọ cận viên [458c01] mà thuyết giảng. Trong bốn pháp này, tùy theo từng việc, nếu bí-sô vi phạm thì ngay khi phạm không còn là bí-sô, không phải là Sa-môn, không phải là con của đức Thích-ca; mất tánh bí-sô, liền bị đọa lạc, chìm đắm luân hồi, bị người khác thắng, không thể phục hồi. Như cây đa-la[1] bị chặt đầu thì không thể sống và phát triển lên được, bí-sô cũng như vậy.
Thế nào là bốn?
Này tân bí-sô… hãy lắng nghe! Đây là tri kiến của các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, các Ngài dùng nhiều hình thức chê trách các pháp dâm dục, thuyết giảng dục là ô nhiễm, dục là mục nát, dục là ái nhiễm, dục là gia cư, dục là ràng buộc, dục là đam mê, là pháp nên đoạn trừ, nên khạc nhổ, nên nhàm chán, diệt tận. Dục là pháp tối tăm.
Này tân bí-sô…, kể từ ngày hôm nay, không được nhìn các người nữ bằng tâm nhiễm ô, huống chi cùng họ làm việc bất tịnh.
Này cụ thọ, như Thế Tôn dạy, nếu có bí-sô đồng đắc học xứ như các bí-sô khác, không xả học xứ, học xứ suy kém không tự sám hối, làm việc bất tịnh giao hợp cho đến cùng với bàng sanh. Bí-sô nào đã phạm vào việc như vậy, thì ngay khi phạm không còn là bí-sô nữa, không phải là Sa-môn, không phải là con của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô, liền bị đoạ lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thể phục hồi. Kể từ ngày hôm nay, đối với pháp dâm dục này, thầy không được cố ý vi phạm, nên sanh tâm nhàm chán, xa lánh và phòng hộ nghiêm ngặt, sinh tâm sợ hãi, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Với những việc này thầy có thể không làm không?
Đáp: - Không làm.
- Này tân bí-sô… lắng nghe! Đây là tri kiến của đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, các Ngài dùng nhiều hình thức chê trách sự lấy của không cho, đề cao tán thán pháp thắng diệu này.
- Này tân bí-sô…, kể từ hôm nay, dầu chỉ là hạt mè, hạt tấm, nếu họ không cho, không được với tâm niệm xấu xa cố ý lấy trộm. Huống chi lấy vật trị giá năm ma-sái[2] hay hơn năm ma-sái (Kiểm trong các bộ luật ở Tây Trúc đều dùng từ ma-sái, lấy thì phạm tội trọng, không gọi là năm tiền. Ở đây dùng đơn vị tiền tệ là bối xỉ,[3] tính 80 cái là một ma sái, tổng số [năm ma-sái] bốn trăm bối xỉ. Nên khi đưa số lượng này ra khỏi vị trí cũ thì phạm tội trộm, đây vốn không y cứ vào tiền. Nếu dịch là năm tiền thì sai với chính văn, nên giữ lại Phạn ngữ phiên âm. Đúng sai được nói rộng ở bộ khác).
Này cụ thọ, như Thế Tôn dạy: Bí-sô nào ở tại tụ lạc, hoặc chỗ vắng, lấy vật họ không cho với tâm niệm trộm. Khi trộm cắp như vậy, hoặc bị vua hay đại thần bắt được hoặc giết,[4] hoặc trói, đày đi biệt xứ, hoặc trách mắng rằng: “Hãy đi đi người kia, ngươi là giặc, là kẻ ngu si không biết gì, đã hành động trộm như vậy”.[5]
Đối với việc như vậy, bí-sô nào vi phạm không còn là bí-sô nữa, không phải Sa-môn, không phải là con của đức Thích-ca, [459a01] mất tánh bí-sô. Đây là đọa lạc, chìm đắm luân hồi, bị người khác thắng, không thể phục hồi.
Đối với pháp không cho mà lấy, kể từ hôm nay, thầy không được cố ý vi phạm, nên sinh tâm nhàm chán từ bỏ, phòng hộ nghiêm ngặt, sinh tâm sợ hãi, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Với những việc này thầy có thể không làm không?
Đáp: - Không làm.
- Này tân bí-sô… lắng nghe! Đây là tri kiến của đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, các Ngài dùng nhiều hình thức chê trách sự giết hại sinh mạng. Việc từ bỏ giết hại sinh mạng được đề cao tán thán, là việc thắng điệu.
Này tân bí-sô…, kể từ ngày hôm nay, cho đến ruồi muỗi cũng không nên cố ý giết hại sinh mạng của chúng, huống chi mạng người hoặc thai nhi. Này cụ thọ, như Thế Tôn dạy: Bí-sô nào đối với người hoặc thai nhi cố ý ra tay giết hại mạng sống ấy bằng cách đưa dao cho họ, hay tự cầm dao, hoặc nhờ người cầm dao, hay khuyên họ chết, tán thán để họ chết, nói rằng: “Này nam tử, ích lợi gì với đời sống xấu xa tội lỗi bất tịnh như vậy, nay người chết đi, chết tốt hơn sống.” Tùy theo tâm niệm của mình, dùng các lời lẽ khác nhau khuyến khích cho họ chết. Nhân đó họ chết. Đối với việc như vậy, bí-sô nào vi phạm không còn là bí-sô nữa, không phải Sa-môn, không phải là con của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô. Đây là đọa lạc, chìm đắm luân hồi, bị người khác thắng, không thể phục hồi.
Kể từ ngày hôm nay, đối với pháp sát sinh, thầy không được cố ý vi phạm, nên sinh tâm từ bỏ, phòng hộ nghiêm ngặt, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Với những việc này thầy có thể không làm không?
Đáp: - Không làm.
- Này tân bí-sô… lắng nghe! Đây là tri kiến của đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, các Ngài dùng nhiều hình thức chê trách sự nói dối. Sự từ bỏ nói dối được đề cao tán thán, là việc thắng diệu.
Này tân bí-sô…, kể từ ngày hôm nay, thậm chí trong lúc đùa giỡn cũng không được cố ý nói dối, huống nữa là thật không có pháp thượng nhân mà nói là có.
Này cụ thọ, như Thế Tôn dạy: Bí-sô nào thật không biết, không biết gì cả; tự biết mình chẳng đắc pháp thượng nhân, bậc thánh tịch tịnh, trụ tri kiến an lạc, chứng ngộ thù thắng, mà tự nói tôi biết tôi thấy. Vị ấy vào lúc khác, hoặc được hỏi đến hay không được hỏi đến, muốn tự thanh tịnh, nói:
Tôi thật không biết, không thấy mà nói có biết, có thấy. Nói lời dối trá, trừ tăng thượng mạn; hoặc nói tôi chứng lí tứ đế, hay nói trời rồng, quỷ thần đến nói chuyện với tôi; tôi chứng các tưởng về vô thường v.v… đắc bốn thiền, bốn không, sáu thần thông, tám giải thoát, chứng bốn quả thánh. Đối với việc như vậy, bí-sô nào vi phạm [459b01] không còn là bí-sô nữa, không phải Sa-môn, không phải là con của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô. Đây là đọa lạc, chìm đắm luân hồi, bị người khác thắng, không thể phục hồi.
Kể từ ngày hôm nay, đối với pháp nói dối, thầy không được cố ý vi phạm, nên sinh tâm từ bỏ, phòng hộ nghiêm ngặt, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Với những việc này thầy có thể không làm không?
Đáp: - Không làm.
Chú thích:
[1] Cây đa-la 多羅樹: Skt. Tāla, cây này thuộc họ cây cọ, nó sống ở những vùng đất cát gần bờ biển các nước Ấn Độ, Tích-lan, Miến Điện... Cây đa-la nếu bị chặt ngang thân không nảy chồi lại được nữa.
[2] Ma-sái 磨灑: Skt. māsa, P. māsa (Skt. māṣaka, P. māsaka). Loại tiền tệ thông dụng ở Ấn Độ thời cổ đại. Vin.nt., pādena... tena kho pana samayena rājagahe pañcamāsako pādo hoti, “bằng 1 pāda... thời bấy giờ, ở Rājagaha, 1 pāda = 5 māsaka. Ngũ phần, Thập tụng: 5 tiền 五錢. Tăng-kỳ 3, Phật trực tiếp hỏi vua Bình-sa. Vua trả lời: “19 tiền là 1 kế-lị-sa-bàn. Phân 1 kế-lị-sa-bàn (P. kahāpaṇa) thành 4; trộm 1 phần, hay vật trị giá 1 phần, tội chết.”
[3] Bối xỉ 貝齒: bối là vỏ ốc, xỉ là răng thú. Xưa người ta dùng loại này trao đổi nhau khi mua bán nên trở thành đơn vị tiền tệ.
[4] Hoặc giết 若殺: có thể các bản Hán hiểu nhầm từ “giết”. Vin.nt., Atha kho bhagavā taṃ bhikkhuṃ etadavoca – ‘‘kittakena kho bhikkhu rājā māgadho seniyo bimbisāro coraṃ gahetvā hanati vā bandhati vā pabbājeti vā’’ti? – Khi ấy đức Thế Tôn hỏi tỳ-kheo: Này tỳ-kheo, với mức bao nhiêu thì vua Seniya Bimbisāra xứ Maghada sẽ sát hại, hoặc cột trói, hoặc trục xuất kẻ trộm cắp khi bắt được?” Từ “hanati” có nghĩa giết, hại… Ở đây hiểu theo nghĩa là bị hại, tức chịu hình phạt như luật pháp trong Tăng-kỳ 3, T22n1425, p242b26 dẫn: Đức Phật hỏi vua Bình-sa pháp trị tội kẻ ăn trộm, vua nói: trong thời tổ tiên, nếu kẻ ăn trộm thì dùng tay tát vào đầu để nghiêm trị…, kẻ trộm xấu hổ không dám tái phạm. Đến thời ông nội của vua, nếu kẻ ăn trộm bắt đứng một chỗ dùng tro rắc xung quanh… kẻ trộm xấu hổ không dám tái phạm. Đến đến phụ vương của vua, nếu kẻ ăn trộm thì đuổi ra khỏi thành… Đến đời vua Bình-sa thì đuổi ra khỏi nước… Nếu kẻ trộm bị trục xuất bảy lần nhưng vẫn cướp của giết người nơi thành ấp…. thì chặt ngón tay út.
Theo luật pháp Việt Nam hiện nay (2013): bị xử phạt tù từ 12 năm đến 25 năm, hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 4, điều 138 bộ Luật hình sự, nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
[5] Câu “Hãy đi đi người kia, ngươi là giặc, là kẻ ngu si không biết gì, đã hành động trộm như vậy” như bản án của tòa phán quyết sau khi xử, thì lúc đó mới thành tội ba-la-di.
7. BỐN PHÁP CỦA SA-MÔN
Thứ đến thuyết minh về bốn pháp phải làm của Sa-môn:
Này tân bí-sô… lắng nghe! Đây là tri kiến của đức Như Lai chánh đẳng giác, vì các bí-sô thọ cận viên mà nói về bốn pháp phải làm của Sa-môn. Bốn pháp đó là?
Này tân bí-sô…, từ hôm nay, nếu ngươi bị người khác chửi mắng, không được chửi mắng lại; bị người khác gây sân hận, không được sân hận lại; bị người khác nhạo báng, không được nhạo báng lại; bị người khác đánh, không được đánh lại. Khi có việc não loạn như vậy phát sinh, thầy có thể nhiếp tâm không trả thù không?
Đáp: - Không trả thù.
- Này tân bí-sô… lắng nghe! Thầy trước đây đã phát khởi hy vọng, nghĩ như thế này: Đến bao giờ ta mới được xuất gia thọ cận viên trong pháp luật khéo nói của đức Thế Tôn, thành tựu tánh bí-sô. Nay thầy đã xuất gia được thọ cận viên, được Thân giáo sư, Quỹ phạm sư v.v…, Tăng-già hoà hợp, tác pháp bạch tứ yết-ma với ngữ văn như pháp, an trú chỗ cực thiện. Như bí-sô khác, họ trăm tuổi hạ và những điều mà các vị ấy học thì thầy cũng tu học. Pháp mà thầy học, các vị ấy cũng học như vậy, đồng một học xứ, đồng thuyết giới kinh. Kể từ ngày hôm nay, thầy phải phát tâm cung kính phụng hành việc ấy, không được biếng nhác. Đối với Thân giáo sư phải xem như cha, vị ấy đối với thầy cũng xem như con. Trọn đời phải hầu hạ, chăm sóc khi bệnh, thăm hỏi nhau, sinh tâm từ mẫn cho đến lúc già, lúc chết. Đối với các vị thượng trung hạ tọa đồng phạm hạnh, phải thường sinh tâm kính trọng tùy thuận, giúp đỡ, để cùng sống chung đọc tụng, thiền tư, tu các thiện nghiệp. Đối với các pháp uẩn, xứ, giới, mười hai duyên sinh, mười lực v.v… phải tìm hiểu cho thấu triệt. Đừng bỏ đi những quy tắc tốt đẹp, phải xa lìa các việc lười biếng. Với pháp chưa đắc cầu cho đắc, chưa hiểu cầu cho hiểu, chưa chứng cầu cho chứng, cho đến phải chứng cho được quả A-la-hán cứu cánh niết-bàn.
Nay ta nói cho thầy những nét đại cương của vài việc thiết yếu cần phải làm. Ngoài ra còn có những việc chưa biết khác, thầy phải khéo thưa hỏi nơi hai vị thầy và các vị thiện hữu đồng học. Lại nữa, mỗi nửa tháng khi thuyết giới kinh, tự mình phải lắng nghe thọ trì, căn cứ giáo pháp để siêng năng tu hành.
Nay ta nói cho thầy nghe bài kệ:
Thầy trong pháp tối thắng,
Thọ giới luật đầy đủ.
[459c01] Nên chí tâm phụng trì,
Không chướng, thân khó được.
Đoan chính là xuất gia,
Thanh tịnh là viên cụ.
Những lời chân thật này,
Là tri kiến của Phật.
Này tân bí-sô…, thầy đã thọ cận viên xong, chớ nên phóng dật, phải cẩn thận phụng hành.
Sau đó bảo họ đi ra trước.

« Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.192.53.34 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập