Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

 Chương 21 - Vang rộn tiếng ve
1

Đã hơn 20 năm trôi qua.

Quan Chưởng quản Kiểm nông Maki Sukezaemon, thời trẻ có tên là Bunshiro, xuống ngựa trong sân dinh huyện lệnh ở làng Yajiri thuộc huyện Oura. Mặt trời giữa mùa hè chói chang khắp nơi, không có chút gió nào nên không khí hít vào phổi tưởng như nóng phồng lên. Sukezaemon nắm cương dắt ngựa vào dưới bóng mát của cây lý bên trong hàng rào cây. Nghe tiếng chân ngựa, người tớ trai Tokusuke chạy từ trong nhà ra.

-"Thưa quan đã về". Tokusuke chạy đến gần, nói. -"Tưởng là phải sau hai giờ trưa kia, nhưng quan về sớm thế. Hẳn là trời nóng lắm".

-"Này, ngài Kuwamura có đấy không?". Sukezaemon hỏi về quan huyện lệnh sở tại.

Tokusuke lắc đầu: -"Thưa, ngài vào thành từ sáng sớm, dặn là chiều tối mới về. À, thưa quan muốn ăn trưa món gì? Cơm cũng có sẵn, nhưng nếu quan không gấp thì để bảo bà già làm món bún cho quan dùng giải nhiệt".

Tokusuke từ lúc trẻ vào làm tớ trai nhà quan trong xóm gần thành, bây giờ thì hai vợ chồng ở chung hầu việc trong tư dinh quan huyện lệnh.

-"Trời nóng thế này thì chuyện củi lửa hẳn là nhọc lắm. Thôi, có cơm nguội là được rồi. À, trước đó thì cho nước đi. Mồ hôi đổ ra chịu không nổi!"

Dặn thêm là cho ngựa uống nước xong, Sukezaemon bước vào trong nhà. Dinh huyện lệnh ở làng Yajiri này nguyên chẳng phải được xây cất cho việc quan, mà là nhà ở của một phú hộ về sau khánh kiệt, không trả nổi thuế trong năm, nên bị trưng thu trừ nợ, rồi được sửa sang đôi chút cho ra vẻ dinh cơ công quyền. Vì thế, cấu tạo vẫn còn nguyên cốt cách của một căn nhà nông dân.

Vào trên nền đất, Sukezaemon đang cởi giày rơm, thì có lẽ nghe tiếng Sukezaemon nói chuyện với Tokusuke, phụ tá quan huyện lệnh là Nakayama Shigejuro và ba nhân viên thuộc hạ từ bên trong bước ra, cùng vấn an ông.

Từ mùa hè này, Sukezaemon vào kiểm tra vùng núi rừng ở huyện Oura, đi vòng xem xét các đám rừng tuyết tùng ông đã cho trồng năm ngoái. Lần ấy, ông cũng đã dùng dinh huyện lệnh này làm chỗ ngụ tạm trong hơn một tháng. Hôm nay, ông cũng vừa từ làng trong rừng trở về chỗ trú ngụ tạm thời này sau ba ngày làm việc trên ấy.

Sukezaemon bước vào phòng dành cho mình, lấy áo quần lót để thay, rồi bước ra giếng ở vườn sau. Chỉ mặc một manh vải che thân dưới, ông dội nước lên mình rửa cáu bẩn và mồ hôi.

-"Chỉ còn một chỗ nữa là xong việc". Sukezaemon thầm nghĩ. Lần đi vòng kiểm tra các nơi trồng cây này, chỉ còn một chỗ là Sugisawa, rừng cây trồng trong góc làng trên núi, đến đó thị sát và chăm sóc xong thì hoàn tất kế hoạch. Việc chăm sóc do các thuộc hạ của ông đến trú tại làng ấy, chỉ huy dân làng thí công, nhưng tùy theo chỗ, như lần này, có khi chính ông cũng phải đến ở lại làm việc. Cho đến khi hoàn tất, ông không về thành được.

Tắm nước lạnh xong, thân thể lúc nãy hừng hực nóng của ông giờ đã sạch sẻ mát mẻ, có cảm giác như được hồi sinh. Ông thay áo quần rồi trở vào trong nhà thì nghe Nakayama thưa là sáng nay có khách đến.

-"Khách của ta à?"

-"Vâng, xưng là người quản lý quán Mikuni ở làng Minoura, mang thư này đến".

Nakayama trao cho Sukezaemon một phong thư trông đơn giản, cầm lên tay có cảm giác mỏng manh, chỉ đề trên bì hàng chữ: "Ngài Maki Sukezaemon", ngoài ra chẳng có gì khác cả.

-"Thế có lời nhắn gì không?". Sukezaemon hỏi, nhưng Nakayama nói ông ta chỉ nhờ trao lại cho quan, thế thôi.

Sukezaemon vừa nghiêng đầu suy nghĩ vừa đi vào phòng mình. Ngồi trước án thư, mở thư ra đọc những hàng chữ giản dị ấy, Sukezaemon cảm thấy mặt mình dần dần mất máu.

"Trước đây đã quyết tâm thành ni cô ở chùa Byakuren, định mùa thu này thì xuống tóc quy y. Nhưng tâm vẫn động vì chút lưu luyến còn sót lại của cuộc đời tục lụy, nên đã đến tận làng Minoura, không chừng lại được gặp nhau. Nếu gặp được thì không còn gì vui mừng hơn, tuy không dám ép buộc. Xin nhờ trao thư này, mong ước được may mắn trong muôn một."

Cuối thư đề hàng chữ: "Gửi ngài Bunshiro". Không ký tên, nhưng chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đó là thư ngài Fuku viết cho ông. Quyết tâm thành ni cô rồi sao? Sukezaemon kinh ngạc. Chùa Byakuren (Bạch Liên) là ngôi chùa ni cô có quan hệ mật thiết lâu đời với nhà Lãnh Chúa. Lãnh Chúa trước đã mất vì bạo bệnh gần một năm nay. Có lẽ ngài Fuku định nhân ngày giỗ một năm ấy mà xuống tóc quy y. Dù thế đi nữa, cũng thật là một quyết định can đảm.

Sukezaemon nhìn đăm đăm hàng chữ nhỏ bên lề dòng thư: "Định sẽ trở lại thành vào ngày 20". Ngày 20 thì đúng vào hôm nay rồi. Hàng chữ nhỏ ấy đã thúc bách Sukezaemon phải quyết định gấp. Ông đứng lên thay quần áo. Một khi đã quyết ý, thì việc chuẩn bị cũng nhanh chóng. Ông ra khỏi phòng, gọi Nakayama bảo là sẽ ra khỏi nhà, rồi ghé qua bếp, bảo Tokusuke là không cần dọn cơm nữa.

Lên ngựa ra khỏi dinh, khí nóng giữa trưa hè bao phủ một lớp dày chung quanh Sukezaemon. Dù có đội chiếc nón bằng cỏ lách, luồng khí nóng vẫn dội lên từ mặt đất nung đốt khuôn mặt ông. Mồ hôi tức thì chảy ràn rụa.

Ra khỏi làng, đến đường giữa ruộng, thấy xa xa bên trái có một ngọn đồi nhỏ hình dáng như con rùa đang thu mình trên đồng ruộng. Bao quanh là đám cây tùng và cây sam, ngọn đồi đột khởi giữa ruộng ấy là nơi ngày xưa người ta đào lấy đá làm mũi tên, và tên làng Yajiri là cũng từ đó mà ra.

Phóng ngựa khoảng 2 dặm, qua khỏi chừng ba làng, đường bắt đầu thoai thoải lên đồi cát. Rồi qua khỏi rừng cây tùng đen, thân cây nghiêng đi trong gió biển mùa đông thổi mạnh, thì nghe văng vẳng tiếng sóng và bắt đầu ngửi thấy mùi nồng mặn của biển. Minoura chỉ là một làng chài lưới bên hải cảng nhỏ, dù vậy, ở bìa làng cũng có chừng mươi căn nhà nghỉ cho khách du lịch. Sukezaemon bắt đầu thấy rõ được hình dạng các nhà nghỉ ấy có khói nhà tắm bốc lên cao.

2

Tuy chẳng phải là nơi có những nhà nghỉ to lớn, nhưng nhờ có bãi biển sóng êm và bãi cát dài bên cạnh rừng tùng, mà cá tươi ngon mới đánh lên lại rất nổi tiếng, nên những nhà nghỉ cho khách du lịch ở làng Minoura này từ ngày xưa đã là nơi các gia đình giàu có trong thành đến nghỉ ngơi tắm nước nóng. Nhưng thời kỳ tắm nước nóng ở đây là từ mùa thu đến đầu mùa xuân, chứ ngay giữa mùa hè thì xóm nhà nghỉ cho du khách này có vẻ nhàn vắng. Sukezaemon dong ngựa thong thả vào làng, rồi xuống ngựa trước quán Mikuni. Như đã thấy ông dừng ngựa, từ trong quán có người đàn ông trung niên chạy ra ngay: -"Thưa, có phải là quan Chưởng quản không ạ?"

Sukezaemon đáp: phải. Ông ta xưng là người quản lý quán Mikuni, lúc sáng đã đến dinh. -"Thưa quan, vị khách đến ở đây từ tiệm Mino, cho biết là 2 giờ chiều nay sẽ rời quán này, thế nên mọi người trong quán đều nôn nao mong đợi, nay quan đến kịp thật là tốt quá". Người quản lý hưng phấn nói, rồi gọi người làm dắt ngựa ra vườn sau, và mời Sukezaemon vào trong nhà nghỉ.

Từ lời người quản lý, Sukezaemon nghĩ có vẻ ngài Fuku vi hành đến đây nhưng giữ kín thân thế. Tiệm Mino là tiệm vải kimono ở xóm gần thành mà người trong thành thường đến mua hàng. Người khách đến trọ ở nhà nghỉ này đã ghi danh là người từ tiệm Mino ấy.

Người quản lý đi trước, qua một hành lang dài và hẹp, đưa Sukezaemon vào đến một căn phòng cuối dãy ở tầng trên. Căn trước đó thì không có khách trọ, cửa và vách kéo đều mở toang, từ các cửa sổ cuối phòng nhìn ra thấy biển.

Sukezaemon bước vào phòng được đưa đến thì thấy có ngài Fuku, tóc buông xoã, và một thiếu nữ có vẻ là người hầu, chừng 13, 14 tuổi.

-"Thưa, đã lâu không liên lạc, xin thứ lỗi..."

Nghe Sukezaemon mở lời chào hỏi, ngài Fuku gật đầu, cười nhẹ, rồi quay sang bảo người quản lý cho mang các thứ đã dặn đến. Khi người quản lý và cô người hầu bước ra, ngài Fuku hỏi Sukezaemon:

-"Anh đã dùng bữa trưa chưa?"

Hiếm khi Sukezaemon được thấy ngài Fuku, từ lâu nay đã trở thành người cai quản nội cung trong thành, tuy cũng chẳng phải là hoàn toàn không thấy được, bởi vài năm một vài lần, Sukezaemon đi tham bái ở đền thần thì cũng đã có gặp ngài Fuku, hoặc là những lần Lãnh Chúa về xứ, mở hội xem tuồng Nô, thì ông cũng được nhìn thấy ngài Fuku, nhưng những lần đó, đều chỉ nhìn được từ xa. Gặp mặt gần gũi như lúc này, là từ đêm ông hộ tống hai mẹ con ngài Fuku từ biệt thự Keyaki dời sang tư dinh Kaji Oribe. So với lần trước thì cả khuôn mặt ngài Fuku lẫn khuôn ngực đều có phần đầy đặn hơn, nhưng dung nhan lại tươi trẻ lạ lùng, đến không thể nghĩ là của một người phụ nữ đã trên 40 tuổi. Đôi mắt vẫn nhỏ mà trong vắt, khoé miệng nhỏ không khác gì ngày xưa, những ngón tay đặt trên đùi thon trắng. Và cử chỉ, lời nói biểu lộ phẩm cách thanh cao tao nhã cố hữu của một người phụ nữ quý phái, quyền thế.

-"Thưa, vừa từ trên núi về, chưa kịp cơm trưa..."

-"Thế thì hẳn là đói bụng rồi". Ngài Fuku dịu dàng nói. -"Theo lời người quản lý quán này thì anh lên núi làm việc đã lâu rồi đấy nhỉ?"

-"Thưa vâng".

-"Đã nghĩ là anh không đến được đấy chứ".

-"Thưa, cũng may mà còn kịp...". Sukezaemon nói.

Ông nghĩ là ông hiểu được lý do tại sao ngài Fuku đã biết ông lên núi làm việc mà không dọ hỏi kỹ càng tình hình trước khi đến trú ở đây, và đợi đến lúc sắp phải trở lại thành mới cho người đưa thư đến cho ông. Có lẽ ngài Fuku có tâm tình là nếu không kịp nữa thì cũng đành thôi. Chắc hẳn ngài Fuku cũng lo sợ chuyện gặp lại ông. Cho dù có sự tình thế nào đi nữa, sự thực vẫn là người thiếp của Lãnh Chúa cũ đang có tang chồng mà lén đi gặp đàn ông. Nhờ người ta mang thư đi vào giờ phút cuối như thế là do tâm tình muốn đặt cược ở số mệnh của hai người. Kịp hay không đều do số mệnh cả.

Tuy nhiên, ngay lúc này thì ít nhất khuôn mặt ngài Fuku cũng không lộ vẻ lo sợ gì cả. Vừa chăm chú nhìn khuôn mặt ấy, Sukezaemon vừa kể chuyện làm việc trên núi một hồi, thì nghe có tiếng chân người, rồi hai cô người làm trong quán mang thức ăn, bầu rượu và chén uống rượu vào.

-"Mời anh dùng rượu. Cũng xin một chén luôn thể". Các cô ra khỏi phòng xong, ngài Fuku nói, rồi rót rượu cho Sukezaemon. Ông im lặng, cũng rót rượu vào chén cho ngài Fuku.

-"Xin cứ tự nhiên, đừng làm khách". Ngài Fuku nói. -"Cô bé lúc nãy tin cậy được. Đã sắp xếp chu toàn rồi, nếu không gọi thì chỉ canh chừng bên ngoài mà không đến gần phòng này đâu".

-"Thế ạ?". Sukezaemon uống cạn chén rượu. Ông đưa tay ngăn ngài Fuku định rót rượu cho, tự mình rót rượu vào chén. -"Thưa, ngài đến đây là từ hôm nào?"

-"Năm ngày trước đấy".

Quả đúng là thế rồi. Sukezaemon nghĩ. Đã đến đây từ năm ngày trước, nhưng mãi đến sáng nay sắp trở lại thành rồi, cuối cùng mới quyết tâm được chuyện gặp ông.

-"Quả thật, ngài đã làm chuyện vô cùng táo bạo".

-"Vâng".

-"Mà ngài từ ngày thơ ấu đã sẵn có tâm tính can đảm, quả quyết thế rồi".

Ngài Fuku cười không thành tiếng. Trên khuôn mặt ấy hiện lên nét tinh anh của cô Fuku ngày xưa.

-"Anh Bunshiro". Ngài Fuku đột nhiên nói. -"Hiếm lắm mới gặp được nhau như thế này, hãy cùng nói chuyện ngày xưa đi nhé".

-"Vâng, được lắm".

-"Vẫn thường nhớ lại chuyện ngày xưa, hay theo sát bên anh Bunshiro để được dắt đi xem Hội Ðêm ở đền Kumano đấy. Chắc hồi ấy, đã làm phiền anh lắm nhỉ?"

-"Không, có gì phiền đâu".

-"Thế các bạn anh ngày xưa, về sau như thế nào?". Ngài Fuku nói, ngón tay bẻ xuống đếm. -"Ngài Owada Ippei này, ngài Shimazaki Yonosuke này,..."

-"Thưa, ngài còn nhớ rõ quá nhỉ".

-"Ngài Owada thì thân thể to lớn, đáng sợ lắm; còn ngài Shimazaki là người học giỏi, cao mà gầy long nhong,..."

Hai người nhìn nhau cười.

-"Shimazaki Yonosuke thì có thể ngài đã nghe thấy, hiện nay là giáo thụ của trường phiên trấn, nghe đâu chỉ vài năm nữa sẽ lên chức hiệu trưởng của trường. Còn Owada Ippei thì đã là Thanh tra trong đội cảnh vệ của Lãnh Chúa, và đã có đến tám đứa con rồi".

-"Ồ, đến tám người con kia à?". Ngài Fuku cười khúc khích, rồi ngưng cười, thầm thì: -"Mà anh Bunshiro cũng thành công lắm chứ. Anh Bunshiro đã có con chưa?"

-"Thưa, được hai đứa". Con trưởng của Sukezaemon là trai, đã 20 tuổi, năm nay vào tập sự trong tổ Hộ vệ, con thứ là gái. -"Con gái út thì cũng đã đến tuổi đi làm dâu người ta rồi".

-"Thế thì hai chúng ta đều đã thành cha mẹ cả rồi nhỉ".

-"Đúng thế".

-"Có thể nào có chuyện con của mỗi chúng ta lại được là con chung của chúng ta không nhỉ?"

Thình lình, ngài Fuku nói như thế. Khuôn mặt nở nụ cười hiền hoà, rạng rỡ như đang mơ tưởng đến một quang cảnh trong mộng mà đã có thể thực hiện được không chừng.

Sukezaemon cũng mỉm cười theo, rồi nói, rõ ràng:

-"Đã không được như thế, là niềm ân hận của cả cuộc đời tôi".

-"Thật à?... Thế thì tôi vui sướng lắm. Nhưng, chắc là phải đến như thế này thôi. Trên đời này, ai mà khỏi có chuyện phải ân hận. Cuộc đời không trọn vẹn......". Khuôn mặt trắng ngà của ngài Fuku thoáng vẻ thẫn thờ như lạc thần một lúc, rồi mắt ngài Fuku trở lại nét sinh động cũ: -"Anh có còn nhớ chuyện đến viếng nhà anh trong đêm trước ngày lên Edo không?"

-"Thưa, còn nhớ rất rõ".

-"Không muốn lên Edo nên đêm ấy đã đến nhà anh định thưa với mẹ anh cho làm dâu nhà anh Bunshiro đấy...... Thế nhưng cuối cùng đã không làm sao mà nói ra thế được. Không thể nào quên được lần ấy đã khóc thảm suốt quãng đường tối về nhà".

Ngài Fuku thở dài. Nghe như lời than về định mệnh so le của hai người. Ngài Fuku bây giờ thì Lãnh Chúa trước đã chết, người con đã sớm thành con nuôi của một cận thần quyền thế của Chúa Tokugawa, nhà cũ thì cha mẹ đều không còn nữa; ngài trở thành người tứ cố vô thân, trơ trọi một mình.

-"Anh có nhớ ngón tay này không nhỉ?". Ngài Fuku đưa ngón tay giữa của bàn tay phải lên, và nhích lại gần Sukezaemon. Hương thơm da thịt phả lên mũi ông. -"Ngón tay bị rắn cắn đấy".

-"Đúng thế. Và tôi đã hút máu ra cho".

Ngài Fuku cúi mặt xuống, hớp một ngụm rượu. Rồi thân người lả đi, tựa hẳn vào cánh tay Sukezaemon. Hai người ôm chặt nhau. Môi Sukezaemon tìm môi Fuku. Người đàn bà đáp ứng nồng nhiệt.

Lòng Sukezaemon tràn ngập tình yêu đương mãnh liệt.

Thời gian trôi đi không ai để ý.

Cuối cùng, ngài Fuku đẩy nhẹ thân người Sukezaemon, sửa lại cổ áo đã bị lệch đi, rồi quay lưng lại phía Sukezaemon, thổn thức thầm lặng một hồi lâu. Sau đó, ngài Fuku ngẩng mặt lên, quay lại phía Sukezaemon, mỉm cười, nói với giọng ẩm nước mắt:

-"Cảm ơn anh Bunshiro, như thế thì không còn phải luyến tiếc gì nữa".

*

Xuống tầng dưới thì đã có kiệu chờ sẵn. Kiệu đến đón theo giờ đã định trước ấy chỉ là loại kiệu chở thuê trong phố buôn bán, để đưa ngài Fuku trở lại tiệm Mino rồi từ đó sẽ đổi kiệu mà về thành. Ngài Fuku cùng người thị nữ im lặng thi lễ rồi bước vào trong kiệu. Sukezaemon nắm dây hàm ngựa, đứng nhìn đưa theo. Khi kiệu ra khỏi cổng quán, Sukezaemon thi lễ với người trong quán rồi dắt ngựa ra cổng. Ông nhìn theo chiếc kiệu xa dần trên con đường khô, đất màu trắng trộn lẫn cát, cho đến khi kiệu khuất sau bóng ngọn đồi lưa thưa đám cây tuyết tùng và dây leo có hoa nhỏ. Ông vỗ nhẹ mặt ngựa rồi nhảy lên, cho ngựa chạy chầm chậm.

Phải chi đừng nhìn khoảng ngực trắng của Fuku, nhìn rồi thì hẳn là sẽ phải khổ sở với ký ức ấy một thời gian. Nhưng mặt khác, tâm tình ông có được niềm thoả mãn sâu đậm. Được gặp Fuku, có được kỷ niệm hôm nay, là niềm hạnh phúc lớn lao cho ông.

Sukezaemon cho ngựa vào con đường xuyên qua ngọn đồi thông ra làng Yajiri. Trong lòng ông hiện lên hình dáng một thiếu nữ mặc áo ngắn tay, bước đi với khuôn mặt buồn thảm cúi gầm xuống. Ông nghĩ có lẽ sẽ chẳng còn được gặp ngài Fuku nữa.

Lúc ông ngẩng mặt lên, từ nãy giờ không để ý tiếng ve vang rộn như mưa rào từ rừng cây tùng bao quanh vọng đến làm điếc cả tai ông. Tiếng ve nhắc ông nhớ lại xóm Yaba ông đã sống thời thơ ấu, và rừng cây tạp ở cuối xóm ấy.

Sukezaemon cho ngựa đi chầm chậm vào giữa rừng cây, rồi dừng ngựa lại khi đến chân đồi cát. Trải rộng trước mắt ông là ánh nắng chói chang không suy suyển theo giờ khắc trôi qua, cùng với đồng cỏ cháy nắng. Ông buộc chặt dây nón.

Sukezaemon thúc ngựa chạy trong ánh nắng nung đốt chan hoà.