Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về 

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

 Chương 9 - Mù sương
1

Bunshiro múa kiếm gỗ để tập, lưu lại một mình trong võ đường vắng lặng. Anh tấn theo thế Bát song, tưởng tượng đối thủ đang chém tới mãnh liệt, nhắm vào vai trái và cổ tay trái của anh. Bunshiro dời chân một chút, né tránh rồi lập tức uốn lưng sấn tới, hét một tiếng lớn, thanh kiếm gỗ rung lên, chém bổ xuống đầu đối thủ.

Lặp đi lặp lại thế kiếm ấy 10, 20 lần, mồ hôi rịn ra không chỉ trên người, mà cả trên tóc, nhỏ giọt từ mặt anh. Cánh tay anh mỏi dần, thanh kiếm gỗ trong tay múa, nặng như chì. Buông gối ập xuống sàn, Bunshiro ngưng lại, thở. Đầu nghiêng xuống, mồ hôi từ mặt anh rơi ròng ròng xuống sàn gỗ. Lấy khăn giắt ở lưng lau mặt xong, Bunshiro đứng dậy. Đôi chân tấn, trái phải trước sau ngược lúc trước, lại chờ đối thủ tưởng tượng chém tới. Lần này, địch nhắm chém vào thân người. Bunshiro nhanh nhẹn lui cả hai chân lại, nhưng giữ nguyên hình tấn Bát song. Tiếp đó, hai chân lướt tới như trượt trên sàn, ấn gót sâu mà giương kiếm chém xuống. Tiếng anh hét xé tan không khí tĩnh lặng của võ đường. Bunshiro chầm chậm rút kiếm lại từ thế chém.

Đột nhiên, Bunshiro quay phắt lại như bị tấn công, thanh kiếm gỗ giương lên chờ và thối lui 1, 2 bước. Trong góc võ đường mờ tối, thoáng bóng người hiện ra.

-"Ta đây".

Bóng người ấy lên tiếng, rồi dời ra chỗ có chút ánh dương tàn buổi chiều dọi vào. Thầy Ishiguri, chủ võ đường đấy.

-"Làm con giật mình đấy, phải không?"

Thầy nói, tiếng nói nghe không rõ, vì dạo này răng đã rụng nhiều rồi. Nghe trong giọng nói có lẫn tiếng cười, Bunshiro hạ thanh kiếm gỗ xuống. Thầy đang vui, nhưng lúc nãy Bunshiro đã cảm thấy như có ai rình chém mình, sát khí đằng đằng. Anh nói nhẹ:

-"Thưa thầy, trêu con thế không tốt".

-"Ha ha ha!". Thầy Ishiguri cười lớn. -"Thử con đó thôi". Ông bước đến trước Bunshiro, nắm cây quạt như tấn kiếm. -"Thế kiếm vừa rồi, còn có sơ hở. Ta làm đối thủ cho, chém tới xem!"

-"Thưa thầy, không được đâu. Thầy cũng dùng kiếm tập chứ".

-"Không sao. Cứ chém tới, đừng nương tay!"

Nghe thầy nói thế, Bunshiro thi lễ, lùi lại, cầm kiếm gỗ đứng tấn. Tất nhiên, đó là một cơ hội tuyệt hảo để được thầy chủ trường dạy bảo. Nhưng mặt khác, Bunshiro cũng nghĩ đến tình trạng sức khỏe của thầy. Dạo này ông hay bị bệnh, từ lâu đã không ra võ đường. Có vẻ thầy nhìn thấu gan ruột Bunshiro, nên quát lớn:

-"Đã bảo đừng nương tay rồi. Nào, đánh đi".

Bunshiro tấn mạnh xuống chân, giương kiếm tấn theo thế Bát song. Toàn thân lấy lại sức mạnh ban nãy.

Thầy Ishiguri đã tấn kỹ từ lúc nào rồi. Quả thật thế tấn không có chút khe hở. Thân người gầy ốm tóc bạc trắng ấy nhỏ hơn Bunshiro nhiều, trông như nấp phân nửa sau cây quạt, khó thấy chỗ nào tấn công được.

Thầy Ishiguri vốn là con nối dõi của một nhà võ sĩ làm trưởng quan trong phiên trấn, sẽ nối nghiệp cha làm trưởng quan, nhưng từ năm 20 tuổi lên trú nhậm trên Edo, đã làm môn đệ phái Kudon, và vận mệnh thay đổi từ đó. Ông đã tập luyện 10 năm ở võ đường phái Kudon, hành hiệp giang hồ 5 năm ở các xứ khác, rồi trở lại Edo, luyện kiếm thêm 3 năm, tổng cộng 18 năm chuyên niệm vào việc luyện kiếm thuật. Tất nhiên phiên trấn đã chấp nhận như thế. Khi ông trở về xứ, phiên trấn khuyến khích ông mở võ đường này.

Phía sau cây quạt kia là kiếm sư 50 năm kinh nghiệm đấy. Bunshiro không còn ngại ngùng gì nữa. Anh chuyển chân tấn. Chờ đợi.

Chợt thấy thân người thầy Ishiguri rướn lên. Rồi lại cúi khom xuống, lướt tới. Cây quạt biến thành lưỡi dao bạc nhắm người Bunshiro phóng tới. Bunshiro rút chân lại, né tránh, vừa né vừa dời trục chân trái lên phía trước một chút. Rồi dậm chân phải tới trước, đồng thời chém xuống trán ông Ishiguri. Nhưng thanh kiếm tre và khí phách dũng mãnh của anh chỉ chém vào khoảng không mà thôi.

-"Đây này!". Thầy Ishiguri đến bên Bunshiro, đánh nhẹ vào chân trái của anh. -"Khi dấn chân này tới trước, phải hòa theo hướng tiến của đối thủ mới được. Chỉ thu ngắn khoảng cách mà thôi thì không nắm được đối thủ đâu. Làm lại đi!"

Nói xong, ông lại thủ cây quạt đứng tấn. Bunshiro sấn tới, chém. Không phải một lần, mà hơn 10 lần lặp lại cùng thế đánh ấy. Cho đến lúc sắp tắt tia nắng thoi thóp cuối cùng chiếu qua cửa sổ, Bunshiro mới cảm thấy các đầu ngón chân của bàn chân trái mà thầy đã chỉ bảo, mới nắm được động hướng của thân người thầy Ishiguri. Hướng sấn tới của chân phải nhờ đó mà thay đổi khác hẳn lúc trước.

Những tiếng thét tấn công thoát ra từ miệng anh mê man, thanh kiếm gỗ chém xuống cây quạt chống đỡ của thầy vang tiếng chan chát. Chỉ là cây quạt, nhưng thế đỡ của thầy Ishiguri thật dũng mãnh, đánh bật thanh kiếm gỗ của Bunshiro tung bổng lên trời. Bunshiro dội ngược lại. Nhưng thầy Ishiguri cũng buông quạt, ngã bật ngửa. Bunshiro vội vàng đặt kiếm xuống, chạy lại bên thầy.

-"Thưa thầy có sao không? Có bị thương ở đâu không?"

-"Có bị thương gì đâu nào!"

Thầy nói thế, nhưng thở hổn hển khổ sở khi Bunshiro đỡ ông dậy.

Thình lình ra võ đường, chống đỡ thế chém của Bunshiro đến hơn 10 lần như thế, ông đã làm quá sức mình rồi. Bunshiro tràn ngập lòng hối hận, xoa mãi tấm lưng gầy trơ xương của thầy mình. Có vẻ nhờ thế mà dần dần hơi thở ông bình thường trở lại, và ông đứng dậy được một mình. Ông nhìn Bunshiro nói với giọng thất vọng:

-"Đỡ được rồi nhưng mắt ta tối sầm lại, đến ngã ra đất. Thân thể ta đã già đi, rạn nứt cả rồi".

-"Thưa thầy, vì con mà thầy phải gắng quá sức, xin thầy tha tội".

-"Có sao đâu, con khỏi phải xin lỗi. Chính ta bảo con tập mà".

Bunshiro đưa thầy đến cửa nhà chính, mở cánh cửa bằng gỗ sam nặng nề, dày cui ra. Từ trong, tỏa ra ánh sáng đèn nhạt nhòa. Nhà đã thắp đèn rồi. Thầy Ishiguri ngoái đầu lại nói:

-"Thay áo quần xong thì ghé lại đây, ta có chuyện nói với con".

Ra ngoài sân mờ tối, múc nước lau mồ hôi, Bunshiro nghĩ không biết thầy muốn nói chuyện gì. Anh chắc chắn là mình đã chẳng làm gì để phải bị la rầy cả. Dạo này, anh đến võ đường không sót một ngày nào. Thấy thế, Inukai Hyoma cũng lì lợm đòi giao đấu, mà hắn thách thì Bunshiro nhận lời đấu, nhưng tránh không đi đến chỗ như chó dại cắn nhau như trước nữa. Lúc trước, mỗi lần Hyoma khiêu chiến, anh đã giơ hết nanh vuốt ra chống lại, bởi lòng anh cay đắng vì cái chết tức tưởi của cha anh cùng với cảnh ngộ gia đình anh phải sống nhờ bố thí trong dãy nhà bẩn chật ấy. Lúc đó, căm phẫn vì đời sống không có chút hy vọng tương lai, và chung quanh, người ta khinh thị rẻ rúng anh là con của kẻ tội phạm, nên Bunshiro đã lao mình vào cuộc đấu khốc liệt với Hyoma.

Bây giờ đây, niềm cay đắng ấy chẳng phải đã tiêu tan hoàn toàn. Sự thật trong biến cố đưa đến cái chết của cha anh vẫn còn bao trùm trong bí mật, chưa ai lên tiếng giải thích rõ ràng cả. Và tuy bổng lộc của gia đình đã được phục hồi, Bunshiro đã có phần an tâm về sinh hoạt của mình thật, nhưng đến lúc ra mắt quan Chưởng quản việc Kiểm nông, ông Kashimura tuy có chúc mừng anh, nhưng cũng đã nói:

-"Ngài Satomura là người lắm mưu kế. Chớ có lơ đểnh. Tiền đồ của một gia đình đã bị đóng dấu phản nghịch rồi thì không lạc quan được đâu".

Bunshiro cũng nghĩ là quan sát của ông Kashimura như thế là đúng. Nghĩ lại mình đã vui mừng vì được phục hồi bổng lộc cũ, rồi hớn hở đi báo tin cho các nhà hàng xóm Koyanagi và Yamakishi, Bunshiro cảm thấy như mình bị dội một gáo nước lạnh.

2

Niềm cay đắng trong lòng Bunshiro còn có một nguyên nhân khác nữa, một nỗi u uất sâu kín không giải tỏa được. Đó là chuyện cô Fuku đã trở thành trắc thất của Lãnh Chúa rồi. Cảnh ngộ của hai người đã khác xa nhau rồi, chẳng nên mềm yếu mà tiếc nuối chi mãi. Chút tình của anh đối với Fuku đã thanh toán xong xuôi. Cho dù quá khứ ấy có đáng lưu luyến bao nhiêu đi nữa, bây giờ, cũng chỉ là quá khứ mà thôi.

Thế nhưng, thỉnh thoảng, từ đáy lòng Bunshiro vẫn có khối tưởng niệm không sao nuốt trôi cứ trào lên cổ họng. Cứ vương vấn mãi chuyện Fuku không phải là dâu một nhà thường dân, mà đã trở thành vợ lẻ của một Lãnh Chúa. Anh nghĩ đó chẳng phải là ý muốn của Fuku. Cô chỉ là cành hoa bị bẻ gãy. Ông bà Koyanagi thành đạt như thế chẳng nói làm gì, nhưng Fuku hẳn chẳng vui mừng gì chuyện được cất nhắc lên làm vợ lẻ của Lãnh Chúa. Fuku chẳng được hạnh phúc đâu. Nghĩ thế, Bunshiro lại cảm thấy tức ngực, và nếm vị cay đắng không tỏ cùng ai được. Nghĩ đến Fuku, anh thấy rõ là mình đã mất đi thứ gì quý báu vô cùng.

Cũng niềm cay đắng này đã khiến anh đi tập ở võ đường chăm chỉ từ mùa xuân đến nay. Ở võ đường, chuyên niệm vào việc tập kiếm thuật, hoặc hành hạ thân thể mình đến mức cùng cực, giúp anh quên đi bất an về tương lai hay thương xót cho Fuku. Tuy nhiên, niềm cay đắng ấy ẩn náu sâu kín trong lòng anh. Không bộc lộ ra thành những trận đấu như chó dại cắn nhau giữa anh và Hyoma. Gần đây, Bunshiro đã có thể như người lớn khi nhìn lại chuyện thời trước. Anh nghĩ đó là trò đùa trẻ con. Bây giờ dù Hyoma khiêu khích và anh nhận đấu đi nữa, anh cũng không còn sa đà hùng hổ như trước.

Thế nhưng, có lúc niềm cay đắng giấu kín ấy lại tìm cách trào lên, đột ngột phun ra. Như lần đấu tập với Ohashi Ichinoshin mấy ngày trước. Chính Ohashi tìm đến thách đấu. Vẫn với giọng trây trúa ấy, hắn bảo đã lâu không so tay với nhau, chẳng lẽ Bunshiro tránh hắn sao, rồi cười nhạt:

-"Nghe nói dạo này, cậu vượt hơn cả ta nữa kia. Thế thì chỉ giáo cho vài đường đi nào".

Bunshiro định chỉ từ chối nhẹ nhàng thôi, nhưng nghe hắn nói giọng mỉa mai như thế, anh nổi giận. Miệng hắn nói xin chỉ giáo, nhưng rõ ràng trong bụng hắn chỉ lợi dụng cơ hội để hành hạ anh thôi. Bunshiro nghĩ không thể thua trận này được. Anh tin rằng tài nghệ của mình đã đạt đến mức có thể thắng tên đàn anh này rồi.

Các môn sinh khác đều ngừng tập chăm chú xem. Trận đấu có kết quả Bunshiro thắng 2 trong 3 hiệp. Nhưng... Bunshiro nghĩ có lẽ cách thắng có chút vấn đề...

Hiệp đầu, Ohashi chém tuyệt diệu vào cổ tay Bunshiro, thắng điểm. Hắn to con nhưng lại sở trường về thế kiếm chém vào tay đối thủ. Lần này hắn thắng nhờ sở trường ấy. Nhưng ngay sau đó, Bunshiro chém trúng vai Ohashi, thắng hiệp thứ hai. Ohashi khăng khăng không chịu, cho là chỉ xớt qua vai thôi, và còn trật vai ra cho xem nữa. Nhưng người giám định là Maruoka Shunsaku vẫn giữ quyết định đã tuyên, khiến Ohashi hậm hực đấu tiếp.

Sự kiện xảy ra ngay sau đó: sau hai ba lần chạm kiếm, Bunshiro chém mạnh trúng giữa trán Ohashi. Đòn trúng mặt minh bạch không chối cãi gì được nữa, nhưng ngay lúc Maruoka tuyên điểm, cũng là lúc thanh kiếm tre của Bunshiro chém xuống tiếp như điện chớp. Cùng chỗ bị đánh trúng liên tiếp, Ohashi tét trán, ngã xuống bất tỉnh. Tất nhiên, Bunshiro bị Maruoka quát mắng nặng nề, và sau này còn bị thầy Satake hôm ấy vắng mặt, quở trách nữa. Nếu chuyện đến tai thầy chủ trường, hẳn còn bị trách phạt nặng nữa kia.

Vừa nghĩ ngợi như thế, vừa thay áo quần xong xuôi, Bunshiro đóng cửa võ đường, kiểm soát cẩn thận rồi ra nhà chính. Bà Ishiguri nghe động, ra hành lang đón anh đưa vào phòng khách có ông Ishiguri ở đấy. So với thầy gầy ốm tóc bạc trắng, mặt đầy vết nhăn sâu, bà vợ mập mạp, không chỉ khuôn mặt như trẻ nhỏ, mà da dẻ cũng mịn màng, cử động nhanh nhẹn, trông còn rất trẻ trung. Điều đó cũng đương nhiên thôi, bởi nghe đâu hai ông bà cách nhau đến hơn 10 tuổi. Ông Ishiguri chuyên tâm vào chuyện luyện tập kiếm pháp, không có thì giờ kiếm vợ nữa, đến năm 30 tuổi, mới nghe theo lời khuyên của người quen mà lấy vợ là con của một võ sĩ trú nhậm trên Edo. Vợ ông lúc đó đâu chừng 18, 19. Hai người cử hành hôn lễ trong dinh của phiên trấn trên Edo, rồi ở mãi trên ấy, đến 8 năm sau, vợ ông mới thấy được tận mắt cảnh tuyết rơi nơi xứ sở của chồng mình. Hai người có hai con trai, tuy ông không làm việc cho phiên trấn nhưng vẫn được giữ phần đó, hiện nay, con trưởng của ông lãnh bổng lộc nhà, làm trưởng quan và sống ở căn nhà khác ngoài thành. Thỉnh thoảng lại thấy cô bé cháu nội ông, con của người con trưởng ấy, đến võ đường thăm ông bà, còn ngày thường chỉ có hai vợ chồng già với một phụ nữ trung niên giúp việc nhà ở đây thôi.

Bà vợ mang trà và bánh đến cho khách xong, bước ra ngoài thì căn nhà im vắng lạ thường. Không có mưa, nhưng khí ẩm của mùa sương mù len vào khắp trong nhà. Bảo Bunshiro ăn bánh xong, thầy Ishiguri bắt đầu nói về chuyện khác hẳn với những gì anh đã dự đoán.

3

-"Mùa thu này lại có cuộc đấu tế lễ ở đền Kumano...". Thầy nói. -"Ta đã chỉ định con ra đấu với Okitsu Shinnojo đấy".

Bunshiro ngẩng mặt nhìn thầy. Nhưng không đáp ngay được, mà cầm tách trà lên uống hai ba ngụm trà nóng. Anh cảm thấy thầy đang nhìn mình đăm đăm. Bunshiro đặt tách trà xuống đĩa hứng, rồi nhìn thầy lần nữa.

-"Thưa thầy, trên con còn có các anh Tsukahara, Maruoka, Ohashi, lại còn thầy Satake nữa. Chưa phải đến phiên con mà".

-"Satake không ra đấu năm nay đâu. Bảo là Lãnh Chúa đang ở trong xứ, nên không có thì giờ tập luyện đầy đủ, và không địch nổi lứa trẻ đang lên". Thầy thoáng nở nụ cười. -"Ta chỉ định con sau khi đã bàn với Satake và Maruoka. Tsukahara và Ohashi thì không địch lại kỹ thuật của Okitsu đâu, còn Maruoka thì lần này phải làm nguyên soái của toàn võ đường này; tranh với Okitsu, vạn nhất rủi ro mà thua thì còn đâu là uy danh của võ đường nữa".

Cuộc đấu tế lễ ở đền Kumano thường năm được chọn vào ngày tốt trong tháng 10, mùa thu, cử hành trong khuôn viên đền Kumano, là cuộc tỉ thí với võ đường Matsukawa. Trên danh nghĩa, là cuộc đấu để tạo tình thân sâu đậm thêm, đồng thời tăng tiến tài nghệ, nhưng thực tế thì là dịp so tài bất chấp tình thân giữa hai võ đường lớn trong phiên trấn là Matsukawa phái Itto và Ishiguri phái Kudon chia hai thiên hạ, tuy còn có võ đường Ono phái Mugai nữa nhưng quá nhỏ không đáng kể. Đa số võ sĩ trong phiên trấn tụ họp lại để xem cuộc tỉ thí này. Lại thêm có Lãnh Chúa về xứ, sẽ chọn vài cuộc đấu để thưởng lãm trong danh nghĩa khuyến khích võ thuật, nên cả hai võ đường càng không muốn thua đối thủ. Vì thế, cuộc tranh tài mà các môn sinh quen gọi là "cuộc tỉ thí hoa lệ" này làm nảy sinh chuyện chiến thuật chiến lược phía sau, chuyện bày mưu tính kế để tranh thắng, có phần sống sượng.

Bunshiro cũng hiểu chuyện đưa anh ra đấu với Okitsu của võ đường địch Matsukawa cũng nằm trong chiến thuật chiến lược ấy. Okitsu là tay kiếm từ ba năm trước đã nổi bật như sao chổi, trong trận đấu tế năm ngoái đã làm Tsukahara thua xiểng liểng.

Chuyện phải tính toán mưu mô thì hiểu được, nhưng việc đưa anh ra đấu với Okitsu thì không chắc có đúng không. Bunshiro từ Tết năm nay được lên hạng 5, nhưng tự mình chưa nắm được chính xác tài nghệ mình là ở mức nào. Không hiểu có thắng nổi Okitsu không. Mà anh cũng ít có ước vọng công danh là thắng được Okitsu.

-"Anh Tsukahara thì đành rồi, nhưng còn anh Ohashi thì sao ạ? Con nghĩ anh ấy khó thua Okitsu...".

Bunshiro nói. Trong trí anh vẫn còn dư âm của trận đấu gây tranh cãi vừa rồi với Ohashi, có lẽ lần này dành phần vinh dự cho Ohashi thì hơn. Nhưng thầy Ishiguri lắc đầu:

-"Không, Ohashi thì có kỹ thuật, nhưng không tiến hơn được. Không thắng nổi Okitsu đâu... Học kiếm pháp thì có khi đột nhiên như có quỷ thần nhập vào, thình lình tài nghệ tiến vọt lên. Đó là lúc ngộ được tài năng tiềm ẩn về kiếm thuật đấy. Sở dĩ ta cứ hò hét khan cổ, bảo gắng lên, tiến lên mãi cũng bởi kẻ lười biếng thì không có hạnh ngộ thấy được tài năng tiềm ẩn ấy đâu".

-"Thưa thầy, con hiểu".

-"Thế nhưng, cũng chẳng phải cứ cố gắng tập luyện là ai cũng chắc chắn giỏi lên cả đâu. Người tài giỏi thật sự thì hiếm có. Chỉ người như thế mới có ngày thình lình giỏi vượt hẳn lên. Okitsu là một người như thế. Còn ở võ đường này thì Bunshiro, chính con là một người như thế đấy. Inukai Hyoma cũng thế..."

-"......"

-"Nếu con ngần ngại không muốn, thì ta sẽ cho Inukai đấu với Okitsu. Inukai không có tài nghệ bằng con, nhưng có khí thế mà Ohashi không có được".

-"Thưa thầy, không đâu...". Bunshiro có chút bối rối.

Mặc dù không mấy ham chuyện thắng Okitsu để tạo danh vang về kiếm kỹ, nhưng anh cũng đâu có muốn nhường vai trò đó cho Hyoma đứng hạng 7, luôn luôn bám sát chân anh. Nếu nhường cho Hyoma thì không tránh được lời đồn rằng anh sợ quá nên tránh thi tài với Okitsu, như thế, dù thắng hay bại, Hyoma rõ ràng sẽ được lợi. Anh chẳng có lý do gì để giúp hắn được như thế. Mặc dù dạo này, anh dần dần có được thái độ người lớn khi xử sự trước những khiêu khích của Hyoma, nhưng đối với anh, hắn vẫn là một kẻ địch đối lém lỉnh và đáng đề phòng. Anh chưa hề muốn nhường hắn chút gì cả.

-"Nếu thầy phải nghĩ đến cả cỡ Hyoma nữa, thì con xin nhận đấu. Không, nếu là mệnh lệnh của thầy thì con xin lãnh đấu với Okitsu".

-"Vậy thì tốt".

Thầy Ishiguri gật đầu, mãn nguyện, bảo Bunshiro ăn bánh đi, rồi chờ anh ăn xong miếng bánh. Thấy thầy có vẻ mệt nhọc rõ rệt, Bunshiro ăn vội cho xong rồi sửa tư thế định từ tạ ra về:

-"Thưa thầy, nếu không có gì khác, thì con xin phép..."

-"À, còn một chuyện này nữa chứ".

Thầy Ishiguri nói, rồi cầm tách trà lên, uống thong thả, xong đặt tách xuống, đột ngột nói có một thế kiếm bí truyền gọi là Murasame.

-"Đây là thế kiếm cực bí của võ đường này. Ta đã lãnh hội được trên đường tu luyện kiếm pháp, sau đó đã cải tiến thêm thành thế kiếm bí truyền cho môn phái. Cho đến nay, ta chỉ truyền thụ cho mỗi một người, chuyện đã lâu lắm rồi. Giờ đây, ta đã già, phía trước không còn bao lâu nữa, mà người kia cũng chẳng còn trẻ nữa".

Chuyện bất ngờ quá, nên Bunshiro cứng người, lắng tai nghe.

-"Cứ thế này thì cả ta lẫn người ấy cũng sẽ rời khỏi thế giới này mà thế kiếm ấy không truyền được cho đời nữa. Đó là điều duy nhất ám ảnh ta trong tuổi già. Nên ta đã để ý tìm kiếm người nào xứng đáng để truyền thụ, nhưng mãi vẫn chưa thấy ai... Tuy nhiên, ta đã bàn với người kia rằng, nếu con thắng được Okitsu trong cuộc đấu mùa thu này thì có lẽ đó là cơ hội tuyệt hảo đã đến đấy. Chẳng phải ngay lập tức. Nhưng chắc chắn có ngày sẽ truyền thụ thế kiếm ấy... Ngày đó, ta già rồi không còn sức đảm đương nữa, nên nhờ người duy nhất được ta truyền thụ ấy lo việc này hộ ta. Lúc nãy, ta bảo con hãy gắng sức thi tài với Okitsu, cũng vì chủ ý này đấy".

-"Nhưng thưa thầy, còn có thầy Satake, hay anh Maruoka nữa..."

-"Không, thế kiếm bí truyền này đòi hỏi đặc biệt lắm. Cả hai hiện giờ đều giỏi hơn con, nhưng không đủ cốt cách. Mà về tài nghệ thì rõ ràng là con sẽ vượt qua họ. Chính con cũng nghĩ như thế chứ gì... Hãy gắng sức thắng Okitsu đi. Để được truyền thụ thế kiếm bí truyền huyền diệu, vô địch này nhé, Bunshiro".

Dù vẻ mặt hiện rõ nét mệt mỏi, nhưng giọng ông có âm hưởng thích thú.

Bunshiro đóng chặt cửa lớn của võ đường, bước ra ngoài.

Khí trời đêm nồng ấm bao phủ thân thể anh. Bầu trời giăng đầy mây đẫm hơi nước, chẳng thấy điểm sáng nào. Màn đêm ẩm nặng từ trên trời phủ chụp xuống. Mặt đất mờ trắng.

Bunshiro bước về hướng bờ sông Gokengawa, trên đầu, những cánh chim đêm lướt bay, kêu lên những tiếng lảnh lót.

Bunshiro nghĩ đến chuyện thế kiếm bí truyền. Nỗi hưng phấn khi nghe chuyện vẫn còn lưu lại trong anh. Sở dĩ Bunshiro lao mình vào việc luyện kiếm thuật, chẳng phải để thắng Okitsu, cũng chẳng phải để được truyền thế kiếm bí mật ấy của võ đường, mà chỉ vì đã bị đẩy vào chỗ không thể chuyên tâm vào việc gì khác hơn là ngày ngày tu luyện kiếm pháp.

Dù vậy, Bunshiro cũng là người đã nhiều năm khổ luyện tâm thân trong nghề kiếm rồi, nên nghe thầy mình hàm ý muốn truyền thụ thế kiếm bí hiểm bất bại ấy, anh không thể dằn được niềm hưng phấn cao độ. Chính anh chứ không ai khác, đã được chọn làm người thứ nhì được truyền dạy thế kiếm vô địch ấy. Niềm hưng phấn khởi từ nhận thức đó. Nếu đúng như thầy anh nhắm, thì rồi đây, trừ mỗi một người khác thôi, tất cả đồng môn của anh, không ai thấy được thế kiếm bí truyền ấy, chỉ có một mình anh là được biết mà thôi! Tất nhiên là anh sẽ phải thắng Okitsu mới được thế.

4

Ra đến bờ sông, anh thấy phía bên kia của cầu Chidori bên trái anh, lấp lánh ánh đèn ở con đường chính qua xóm. Cũng còn thì giờ cho vài nhà buôn để đèn buôn bán, nhưng Bunshiro không đi về hướng ấy. Anh bước dọc theo sông, quay lưng về hướng đèn.

Trước mặt anh là các xóm không đèn, nối nhau, một bên vang tiếng sóng nước không ngừng đổ vào bờ. Mấy ngày nay, thấy mây thấp phủ đầy trên núi xa, nơi thượng nguồn của sông, có lẽ vì thế, nước sông dâng lên đã 2, 3 ngày rồi.

Bunshiro không biết mình có thắng nổi Okitsu không. Năm ngoái, anh cũng đã xem trận Okitsu hạ Tsukahara rồi, nhưng lúc ấy anh quá bận trí về chuyện suy tính sao cho hạ được đối thủ chỉ định của anh là Yamane Seijiro nên đã không xem kỹ các thế kiếm của Okitsu. Anh chỉ biết hắn là địch thủ đáng gờm. Muốn thắng Okitsu, hẳn phải nhờ Tsukahara đóng vai đối thủ mà ra sức luyện tập mới được, bởi anh đã thấy Okitsu phong tỏa được các đòn độc của Tsukahara, khiến Tsukahara thảm bại.

Mà chẳng biết ai là người đầu tiên được thầy truyền thụ thế kiếm ấy cho. Bunshiro đâm ra thắc mắc khi về đến xóm nhà mình. Nhân vật ấy hẳn đã là bậc đàn anh trong võ đường rồi. Nghe đâu thầy Ishiguri nghe theo khuyến khích của phiên trấn mà mở võ đường lúc ông 40 tuổi. Tức là 34 năm trước rồi. Điều đó, cùng với lời thầy bảo nhân vật ấy cũng đã già đi, khiến Bunshiro nghĩ người đó phải thuộc vào các lứa môn sinh đầu tiên. Có nghĩa là đã có một môn sinh tài năng vượt bậc khiến thầy không băn khoăn gì khi chọn để dạy thế kiếm ấy. Nhưng Bunshiro chỉ suy đoán được có thế, anh không nghe đồn đãi gì về một môn sinh nào như thế cả, tất nhiên chẳng đoán được danh tính như thế nào. Quan tâm về tay kiếm bí mật ấy càng lớn dần trong tâm trí anh.

Anh vừa mở cửa nhà thì tiếng cười của Ippei lọt ngay vào tai. Có vẻ Ippei đến chơi, không thấy anh nên đang nói chuyện với mẹ anh. Bà Toyo không giấu thái độ thiếu cảm tình với vẻ thô lỗ của Ippei, nhưng Ippei thì lại có lòng muốn an ủi người mẹ của bạn mình, góa bụa vì cái chết tức tưởi của chồng, nên mỗi khi đến thăm, không chỉ nói chuyện với Bunshiro mà ân cần hỏi chuyện bà Toyo nữa.

Bunshiro hiểu rõ sự khác biệt ấy nên cười khổ sở mà lên tiếng: -"Thưa mẹ, con đã về".

Nghe tiếng, người mở cửa kéo ló đầu ra là Ippei.

-"Cậu về trễ thế! Tớ chờ mỏi cả cổ định bỏ về đây này".

Có lẽ Ippei hết chuyện gì hấp dẫn để nói với bà Toyo rồi.

Ippei bảo là đã ăn rồi mới đến nên Bunshiro xua hắn vào phòng 3 chiếu của mình. Anh ăn vội bữa tối, bước vào phòng thì thấy Ippei đã tự thắp đèn và đang giở sách anh chất đống gần tường ra xem.

-"Hừm, xem mà nhớ ngày trước quá đỗi. Bản sao Kinh Thi đây mà".

Ippei lên giọng đọc: Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thực nữ, quân tử hảo cầu, rồi xếp sách lại ngay và trả về góc tường.

-"Hôm nay đến vì có tin cần thông báo đây".

Ippei nói. Vẻ mặt nghiêm trọng không giấu nổi nét cười cợt.

Bunshiro gắng nhịn cười, nói:

-"Có vẻ là tin vui gì đấy chứ gì".

-"Cậu đoán ngay được à?". Ippei nói, bật cười. -"Tất nhiên là tin vui rồi".

-"Chờ tí, để đoán xem nào". Bunshiro cản Ippei, rồi ngoẹo cổ, hỏi: -"Owada Ippei đã quyết định được là sẽ cưới ai rồi chứ gì?"

-"Chuyện đó thì còn nhức đầu lắm". Ippei giả bộ ôm đầu, ra dáng khổ sở lắm. -"Nếu là tin mừng như thế thì đã chẳng cần phải làm bộ nghiêm trọng thông báo gì đâu".

-"Không đúng à?" Bunshiro nói.

Nhà Ippei cùng bà con bắt đầu kiếm vợ cho Ippei đã khá lâu, và chính Ippei cũng đã muốn lập gia đình cho vững vàng rồi, nhưng chẳng hiểu sao chưa gặp được đám nào ưng ý. Cũng đã dạm hỏi đôi ba chỗ, nhưng kết cuộc không tiến triển như ý, cứ thế mà lơ lửng cho đến bây giờ. Dạo này thấy Ippei có vẻ nôn nao, Bunshiro nghĩ là Ippei mới 18 tuổi, đâu có gì phải vội, thế nhưng tâm trạng ấy, thì hẳn phải là người trong cuộc mới hiểu được.

-"Sai bét rồi. Chuyện đó đâu có thu xếp xong dễ dàng được!"

Ippei nói, rồi giọng trầm xuống bảo là có vẻ thiên hạ không thích nhà nào chỉ còn một mẹ một con, đến phiên Bunshiro cũng có thể sẽ kẹt như thế đấy. Rồi như nhớ ra chuyện định đến nói với Bunshiro, Ippei đổi ra giọng vui vẻ.

-"Lúc nãy, từ thành về, tớ gặp thầy Ikoma đấy. Thầy bảo là vừa từ trường của phiên trấn trở về".

-"Thế à, chuyện ít khi có đấy chứ".

-"Có lẽ thế, nhưng cậu, đã 10 ngày nay không đến trường đấy à?"

-"Ừ".

-"Có chuyện gì à?"

-"Không".

-"Hừm, có vẻ cậu không muốn nói ra". Ippei nói. -"Cũng chả sao. Lúc gặp tớ, thầy bảo là mùa thu này, Yonosuke trở về đây đấy".

-"Ôi, thật sao?". Bunshiro ngạc nhiên lớn tiếng hỏi.

Yonosuke lên Edo du học đã ba năm rồi. Trong khoảng đó, mỗi năm chỉ 1, 2 lần gửi thư nhờ người nào trở về xứ mang về mà thôi, chứ đương sự thì chưa về lần nào cả.

-"Hừm, ba năm rồi mới gặp lại nhau, chắc nó cũng thay đổi phần nào rồi". Lâu ngày được tin vui sắp gặp lại bạn mình nên giọng Bunshiro bất giác có vẻ vui mừng lắm, nhưng anh cũng có chút nghi ngại. -"Thế nhưng đang giữa mùa học mà. Không học mà về xứ được à?"

-"Tất nhiên đâu có thế được". Ippei giải thích theo như thầy Ikoma cho biết. -"Mùa thu này, trường Sanseikan mời thầy Kasai Rando từ Edo đến dạy đấy".

-"Thế à?"

-"Nghe nói trường của phiên trấn này sẽ mở rộng cửa cho tất cả những ai hiếu học, bất luận là võ sĩ cấp cao hay cấp thấp nhất, cũng đều được đến nghe thầy Rando giảng sách Trung Dung và các kinh điển khác trong suốt 20 ngày. Chủ trì là quan Giám học, ngài Shibahara và quan Trung lão là ngài Toyama. Thầy Ikoma cũng giúp một tay đấy".

-"Tớ hiểu rồi. Thế thì Yonosuke tháp tùng thầy Rando mà về chứ gì?"

-"Đúng rồi. Nhưng không chỉ tháp tùng mà thôi đâu".

Ippei cười lớn, bảo: cậu nghe đừng có sửng sốt nhé.

-"Sửng sốt về chuyện gì chứ?"

-"Trong 20 ngày giảng của thầy Rando ấy, có cả giờ để Yonosuke lên giảng bài nữa đấy".

-"Ồ, thật thế à?". Bunshiro nhìn mặt Ippei. Anh có vẻ sửng sốt thật. -"Giỏi quá hả!"

-"Giỏi hơn chúng ta tưởng nhiều. Thư thầy Rando gửi cho thầy Ikoma có viết là Yonosuke có thành tích ưu tú vô cùng; 1, 2 năm nữa có lẽ sẽ thành giảng sư hạng nhất của trường Kasai đấy".

-"Thế thì Yonosuke lên Edo là đúng lắm".

Bunshiro nhớ lại khuôn mặt lấm lét nhút nhát, thân thể bé nhỏ của bạn trước khi lên Edo, anh bất giác mỉm cười, rồi nói:

-"Thầy Ikoma hẳn là hãnh diện lắm".

-"Điều đó thì đương nhiên rồi". Ippei nói, rồi cười, thấy có nếp nhăn nơi cánh mũi. -"Tú tài ở trường Ikoma trở thành tú tài của cả thiên hạ kia mà! Thầy vui sướng quá làm cho kẻ đần độn là tớ đây đâm ngứa cả mắt".

Bunshiro cười vang. -"Chẳng nên ganh tỵ. Có được người bạn ưu tú là niềm vui đấy. Vả lại, Yonosuke đã cố gắng gấp mấy lần người thường. Người cố gắng làm việc thì phải được đền bù xứng đáng chứ".

-"Tớ thì chẳng cố gắng nên chịu thua thôi".

Ippei còn nói dỗi là còn đứng mãi ở hạng 15 trong võ đường nữa, nhưng Bunshiro không thèm đáp lời. Anh biết là hiện giờ, chỉ cần chuyện hôn nhân song suốt là Ippei quên những so bì, hờn dỗi ấy ngay thôi.

-"Thế thì, những buổi giảng bài của Yonosuke ấy...". Bunshiro nói. -"Tớ sẽ đến nghe".

-"Tớ không đi đâu. Thay vào đấy, tớ sẽ dắt Yonosuke đến xóm Somekawa cho nó biết mùi đàn bà". Ippei nói. -"Dụ dỗ tú tài vào đường trụy lạc đấy".

-"Ý ấy hay lắm". Bunshiro cười khoái chí. -"Không chừng Yonosuke lại vui thích lắm đấy".

-"Cậu cũng đi theo chứ?"

-"Không, tớ xin miễn". Bunshiro nói. -"Cũng muốn đi theo các cậu, nhưng tớ đang còn bị phiên trấn giám thị đây. Vả lại, tớ không đến nỗi như cậu, cứ nhấp nhỏm vì thèm gái thế đâu".

-"Chẳng biết có thật thế không đấy, Bunshiro". Ippei nói.

Bunshiro ngẩng mặt lên, thấy Ippei nhìn mình đăm đăm nghi ngờ, hỏi vặn.

-"Cậu nói thế nghĩa là sao?"

-"Thật ra thì tớ nghe người ta đồn, nên thắc mắc đã lâu rồi". Ippei nói. -"Người ta bảo là cô bé Fuku nhà Koyanagi hàng xóm cũ của cậu ấy, Lãnh Chúa xứ mình đã mó tay vào rồi. Cậu có nghe gì không nào?"

-"Không chỉ là lời đồn thôi đâu. Chuyện thật đấy". Bunshiro nói. -"Mà Fuku chẳng còn là cô bé nữa đâu, người lớn đàng hoàng rồi đấy".

-"Thế à. Đúng là cậu đã biết chuyện ấy rồi". Ippei nhăn mặt, rồi đột ngột hỏi. -"Nếu tớ lầm thì xin lỗi, nhưng chẳng phải cậu đã dính cô ấy rồi sao?"

-"Đừng đoán bậy chứ!"

Bunshiro la, nhưng không ngăn nổi mặt nóng bừng lên. Ippei quả là có mắt tinh đời. Tuy chưa đến đâu nhưng lòng anh đã thầm ước như thế, là điều không chối cãi được.

-"Fuku đã lên Edo từ một năm trước rồi. Lúc nãy tớ bảo cô ấy không còn là trẻ con nữa, nhưng lúc đi Edo tất nhiên cô ấy cũng chưa phải là người lớn. Làm thế nào mà tớ dính dáng gì được với một cô bé như thế?"

-"Thế à? Vậy là tớ lầm rồi". Ippei lắc đầu. -"Mà chuyện thế cũng chả sao cả. Tớ thấy dường như lúc này cậu có vẻ thay đổi, không còn như trước nữa, nên cứ nghĩ là vì chuyện cô Fuku ấy".

-"Thế thì cậu suy nghĩ quá trớn đấy. Tớ chẳng có gì thay đổi cả".

-"Thế à? Thế thì tốt". Ippei nói, như để dứt điểm. -"Mà giả dụ có thật như thế đi nữa, thì dù là bạn thân, cũng là chuyện khó mà xen vào được. Phải tự mình giải quyết tình cảm của mình thôi".

Sau đó, hai người nói chuyện võ đường Ishiguri, rồi Bunshiro đưa Ippei ra về.

5

Ra đến bờ sông Gokengawa, Bunshiro trao đèn lồng cho bạn. Nhìn theo Ippei cầm đèn qua khỏi cầu rồi, anh mới quay gót, nhưng chợt thấy ánh lửa trần trụi cháy đỏ trên phía thượng lưu sông Gokengawa nên dừng chân lại, đứng nhìn. Đúng vào khoảng khúc quanh phía đông của sông, có ánh lửa đuốc di động. Thấp thoáng bóng 2, 3 người. Dù ở khoảng cách khá xa, vẫn thấy tàn lửa từ đuốc rơi xuống mặt sông. Có vẻ người ta soi đuốc bắt cá, tuy chẳng biết là cá gì. Bầu khí đêm trắng nhờ nhờ bao phủ xung quanh.

Đứng ngắm một hồi rồi Bunshiro quay trở lại đường cũ. Anh nghĩ tối nay đã tránh nói hai chuyện với Ippei. Một là chuyện cô Fuku. Nhưng ngày trước thì khác, chứ bây giờ Fuku đã là thiếp của Lãnh Chúa rồi. Ippei hỏi kiểu đó, thì anh chẳng thể nào nói sự thật ra được. Chuyện kia là chuyện võ đường. Bunshiro có kể với Ippei về chuyện được thầy Ishiguri gọi vào nhà chính, bảo anh ra đấu với Okitsu trong cuộc đấu với võ đường Matsukawa mùa thu này, nhưng tất nhiên là anh không đả động gì đến chuyện truyền thụ thế kiếm bí truyền cả.

Chẳng phải là nói dối gì, nhưng với Ippei là người bạn tâm phúc, việc gì cũng tỏ lộ cho nhau, mà anh lại giấu đi đến hai chuyện, khiến anh cảm thấy mây trời nặng nề đêm nay còn phủ xuống cả lòng anh nữa.

Đi xuyên qua vài xóm tối, anh về đến con đường trước dãy nhà mình. Đúng lúc ấy, bầu trời đêm tăm tối như hết kham nổi mây trĩu nặng, đã bắt đầu tưới mưa xuống. Mặt anh ướt đẫm nước từ những hạt mưa âm thầm như sương mù.

Bunshiro chạy vội về nhà. Lúc chạy đến khoảng hở của hàng rào thay cổng của dãy nhà, anh chợt thấy có bóng người di động ở con đường phía trước. Một người bước vội, đi mất chỉ nghe tiếng chân, còn một người thong thả bước lại chỗ Bunshiro đang đứng. Nổi bật trên nền đêm là khuôn mặt trắng ngà của cô vợ góa nhà Yada.

Bunshiro hiểu ra người đã bỏ đi là ai. Như mọi lần, Bunshiro đứng lặng, bao trùm trong nỗi phẫn nộ có thêm chút ganh tỵ.

Cô gái đến bên anh, sát đến nỗi hai thân người như chạm vào nhau. Cô nói với giọng sầu muộn khác hẳn ngày thường:

-"Anh Bunshiro đấy à?".

Hành động tiếp theo đó thật bất ngờ. Cô vươn đôi cánh tay ôm nhẹ Bunshiro.

Anh chưa kịp hoàn hồn, thì thân hình cô đã rời ra.

-"Mưa rồi đấy anh".

Cũng với giọng sầu muộn ấy, cô nói xong, bước nhanh về nhà. Chỉ còn mùi hương son phấn và cảm xúc từ cánh tay thon nhỏ lưu lại với Bunshiro.

Người đâu mà lẳng lơ quá! Bunshiro thầm nghĩ.

Nhưng vẻ lẳng lơ ấy rõ ràng là đã mang đến cho anh cảm giác say đắm nữa.