Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          

Vang rộn tiếng ve - Semishigure 

Nguyên tác: Fujisawa Shuhei 
Bản dịch Việt ngữ© Phạm Vũ Thịnh 

 Chương 2 - Đêm Hội
1

Bunshiro đi chân trần, tưới nước cho đám cà tím trong vườn rau. Ba luống cà trong góc vườn rau còn điểm những hoa tím trong đám vô số những quả non làn da bóng loáng. Nhà chỉ có ba người, nên ba luống cà tím này thừa sức cho đủ số cà để ăn và làm dưa xổi mỗi ngày, đến mùa thu còn dư lại để làm đủ một vại dưa muối dự trữ cho mùa đông nữa.

Nhưng không có đất nào hút nước nhiều cho bằng đất trồng cà tím, Bunshiro luôn luôn nghĩ thế. Ai cũng nói là cà tím mà không tưới nước nhiều vào thì da cà không thể nào mỏng mà căng, cà không thể nào ngon được. Vì thế, sáng tưới chiều tưới, ba luống cà hút nước cứ như là đất toàn cát, nên Bunshiro cứ phải xách gàu đi tới đi lui từ khúc sông sau nhà đến vườn rau, mỗi ngày ít nhất bốn, năm bận.

Tưới xong, Bunshiro trả gáo múc vào lại trong gàu nước, đưa tay lau mồ hôi trán. Mặt trời nghiêng về hướng tây, bóng đám cây tạp um tùm sau nhà phủ trùm lên nửa vườn rau, nhưng khoảng rào trước và chiếc cổng thô sơ vẫn còn bật nẩy lên những tia nắng cháy mùa hạ. Không khí oi bức như lửa cháy hừng hực, tiếng ve vang rân trong đám cây tạp như còn khơi lửa thêm cho bầu không khí oi nồng ấy. Toàn thân Bunshiro đẫm mồ hôi, chỉ có gót chân trần lành lạnh dễ chịu.

-"Chắc là đủ rồi". Bunshiro mãn nguyện ngắm vườn cà tím. Được tưới tràn đầy, mặt đất trên ba luống cà toả làn hơi nước mỏng mảnh. Bunshiro định tưới luôn chỗ nước còn lại trong gàu vào đám rau bên cạnh. Hôm nay có Hội Đêm ở đền Kumano nên võ đường cho nghỉ tập. Bunshiro vừa nắm gáo múc nước lên lại, thì nghe có tiếng mẹ anh gọi. Có vẻ bà đang ở đâu trước cửa. Bunshiro vội vã đi vòng ra trước nhà. Có bà Koyanagi hàng xóm và cô Fuku đứng ở đấy.

-"A, anh Bunshiro. Đang tưới cà đấy à?". Bà Koyanagi nở nụ cười suồng sã trên khuôn mặt phẳng dẹt thiếu thịt. -"Chịu khó quá nhỉ!". Bà nịnh thêm, nhưng thấy cả Bunshiro lẫn mẹ anh vẫn im lặng, nên nói vào chuyện bà cần ngay. -"À, có chút chuyện muốn nhờ......"

-"......"

-"Năm nay lại cũng xin dắt giùm cháu Fuku đi xem Hội..."

Bunshiro nhìn sang mẹ. Bà Toyo vốn không thích bà Koyanagi này. Cứ sang mượn tương, mượn dầu, thậm chí có lúc mượn gạo, vay tiền nữa, nhưng chẳng bao giờ thấy cất công sang trả. Tiền cho mượn thì không thể bỏ mặc được nên lắm lúc phải hối thúc bà ta trả lại, mẹ anh đôi khi cũng bực mình mà quở là người đâu lại có thứ cư xử cẩu thả như thế.

Dù vậy, mỗi lần bà Koyanagi sang vay mượn, hay nhờ chỉ cách may vá, mẹ anh cũng không sao từ chối được, lại phải chịu khó giúp cho bà ấy. Lần này, Bunshiro cũng thấy mẹ anh không giấu được vẻ mặt cau có khó chịu.

-"Được chứ". Bunshiro nói.

Anh đồng ý đưa cô Fuku đi xem Hội Ðêm ở đền Kumano. Hội tế mùa hạ ở đền Kumano của xóm Jinmei trở thành hào nhoáng như ngày nay, nghe đâu là từ thời Lãnh chuá Ukyo Dayu Masatake hai đời trước. Tế lễ suốt ba ngày. Từ xưa, ngày đầu tiên không cho người thường được vào đất đền, để nghi lễ tế thần được cử hành trang nghiêm, ngày thứ hai trở đi mới cho phép mang các hàng quán vào. Người từ các làng xóm quanh thành đến viếng các hàng quán và xem đô vật sumo trên đất đền cũng đã nhiều nhưng chưa đông lắm. Ðến thời Lãnh chuá Ukyo Dayu Masatake hai đời trước, hội bắt đầu có lệ đêm lễ thứ ba, xe kiệu và vũ công diễu hành qua các phố, từ đó Hội tế đền Kumano thay đổi hẳn, được biết tiếng là Hội Đêm tưng bừng vui nhộn nhất trong Lãnh địa.

Đoàn vũ công nam nữ tổng cộng đến ba trăm người, áo quần đẹp đẽ, nhảy múa mở đường, tiếp theo là một đoàn 17 xe kiệu, gồm 15 xe kiệu của làng và hai xe kiệu đặc biệt của Lãnh chúa do các võ sĩ thuộc hạ trong các đội quân bắn súng, đội cung tên và đội thương kích kéo đi. Các xe kiệu này, đến khoảng sau 8 giờ tối là các phu kiệu bắt đầu thấm rượu uống "cho lên tinh thần" lúc khởi hành, theo lệ là đến các ngả ba ngả tư thì tung hoành biểu diễn múa kiệu cuồng nhiệt; thường hăng hái quá đà đụng chạm vào xe kiệu bên cạnh, thế là các xe kiệu kèn cựa quần thảo nhau náo động cả lên. Những xe kiệu ngang ngược như thế nhiều khi còn tông cả vào đám người đứng xem chen chúc nhau bên đường đến không còn khe hở, nên Hội Đêm đền Kumano còn là một lễ hội có phần nguy hiểm nữa, thế nhưng chính sự cận kề nguy hiểm ấy lại là một trong những nét hấp dẫn khách đến xem Hội Đêm này.

Lãnh chúa hai đời trước vốn là người thích hội hè đến nỗi đã bắt đoàn vũ công và xe kiệu diễu hành qua trước cung Shirahagi là nhà nghỉ mát bên ngoài thành của gia đình Lãnh chúa, để xem trước khi cho đi vào các phố chợ. Và cho phép tất cả võ sĩ thuộc hạ, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong phiên trấn được tự do đi xem Hội Ðêm, mà vừa xem Hội vừa ăn tiệc uống rượu cũng được nữa. Tập quán ấy vẫn còn lưu lại đến ngày nay.

Do đó, các nhà có thế lực trong phiên trấn thường thuê nguyên cả tầng lầu của các nhà buôn dọc theo đường có đoàn vũ công và xe kiệu đi qua, để cùng vợ con bạn bè vừa uống rượu ăn tiệc vừa thưởng lãm đám rước kiệu ấy. Người kém thân thế hơn thì đứng dọc theo đường rước kiệu, vừa xem vừa giốc bầu rượu nhâm nhi, dần dần đã thành lệ rồi. Mà rượu vào thì lời ra, và sinh chuyện đánh nhau, nhưng phiên trấn cũng không bắt phạt nghiêm khắc trong đêm hội này. Sinh chuyện cãi vã, đánh nhau thì cũng từ các võ sĩ cấp thấp, các cậu lính trơn đó thôi, phiên trấn cũng hiểu thế nên khoan dung cho họ được dịp một đêm hội này mà xả hết những uất ức thường ngày.

Thế nhưng phương châm khoan dung này lại là mầm mống gây phiền nhiễu vô cùng cho giới phụ nữ, con gái các nhà võ sĩ, vợ của các nhà buôn bán, người sinh sống trong phố,... Bởi lắm kẻ lợi dụng cơn say mà chọc quấy phụ nữ ngay tại chỗ đông người. Nhiều cô gái không dám đi xem hội là vì thế.

Vì sự tình ấy nên bà Koyanagi mới sang nhờ đưa cô Fuku cùng đi xem hội. Và Bunshiro đã dắt cô Fuku đi xem Hội Đêm suốt 4, 5 năm nay rồi nên cũng chẳng phải là chuyện đột ngột gì. Dù vậy, Bunshiro cũng hiểu lý do khiến mẹ anh bực bội ra mặt. Hẳn là mẹ anh nghĩ bà Koyanagi này lại trơ trẽn đến nhờ vả gì đây, nhưng chắc không chỉ có thế. Bởi năm nay thì khác, cô Fuku đã 12 tuổi rồi, không còn được xem là con nít nữa. Chắc chắn là mẹ anh tức giận sao bà Koyanagi không biết suy xét, lại đến nhờ anh dắt con gái mình đi xem hội ban đêm.

Thế nhưng, khi Bunshiro tỏ lời đồng ý, cô Fuku ngẩng mặt lên nhìn anh và bà Toyo, niềm hân hoan tỏ lộ trên khuôn mặt của cô thật là ngây thơ. Niềm hân hoan ấy có vẻ không chỉ hiện lên khuôn mặt mà còn biểu lộ trên toàn thân cô nữa. Rõ ràng là cô muốn được đi xem Hội Ðêm với anh lắm. Bunshiro nghĩ mình đồng ý là đúng.

Mẹ con bà Koyanagi ấp úng cảm ơn và bước ra khỏi cửa, bà Toyo nhìn đưa theo rồi nói:

-"Thật chẳng hiểu bà ấy nghĩ sao chứ..."

Bunshiro im lặng. Thấy mẹ bực bội ra mặt như thế, anh sợ nếu anh nói gì không khéo, có thể mẹ anh nổi giận thêm mà cấm luôn cả anh không cho đi xem hội nữa thì khổ. Nhưng mẹ anh không cằn nhằn gì thêm, chỉ bảo có dắt cô Fuku đi thì gắng tránh người ta dòm ngó.

Trở vào nhà, bà hỏi có cần thêm tiền túi không, thấy Bunshiro ngần ngừ suy nghĩ, bà đưa cho mười đồng tiền có lỗ.

Thường ngày ở võ đường, tập luyện đến chiều tối, lúc lau mồ hôi xong, sửa soạn ra về thì ai cũng đói meo. Và như nhìn thấu suốt được đến bên trong dạ dày của các cậu thiếu niên này, ngay trước võ đường Ishiguri có một quán bánh kẹo, mùa đông bán bánh dầy và bánh trôi, mùa hè có bánh trôi và bánh nếp bọc lá tre.

Tất nhiên chẳng phải là mỗi ngày, nhưng bọn thiếu niên hay chạy vào trong quán, vừa lấm lét canh chừng các con mắt đàn anh nghiêm khắc, vừa chui vào góc quán, góc nhà mà ngốn vội mấy miếng bánh. Nhờ thế mà lưng lửng bụng để có sức mà về nhà.

Thế nhưng, bánh trôi, bánh nếp bọc lá tre thì chẳng phải ai cũng mua được. Người có tiền trong đám bạn, trong trường hợp nhóm của Bunshiro thì là Owada Ippei, trả tiền mua bánh, còn Bunshiro và Yonosuke thường là khách ăn theo mà thôi. Sự tình ấy bị cha mẹ biết là khoảng ba năm về trước. Bà Toyo vặn hỏi chuyện ấy ra xong thì nhìn Bunshiro với vẻ mặt chán ngán cùng cực.

-"Chẳng hiểu nhà Owada dạy con cái như thế nào nữa..." Bà cằn nhằn, nhưng rồi quay sang hỏi Bunshiro không thể chịu đựng nổi cơn đói nhất thời đó mà về đến nhà được hay sao. Bà nghiêm nghị dạy con rằng gắng chịu đựng mới xứng đáng là con nhà võ sĩ; nhưng thật ra, bà để tâm chuyện Bunshiro đã để bạn đãi mình ăn mà chẳng thấy xấu hổ gì cả.

2

Từ lần ấy, thỉnh thoảng bà Toyo lại nhắc Bunshiro khi nào cần tiền túi thì hỏi bà.

-"Mẹ không khuyến khích con xài tiền khi ra khỏi nhà đâu nhé. Mẹ chỉ hỏi vì muốn tránh cho con chuyện vạn nhất vì tiền mà phải hổ thẹn đó thôi".

Bà khẩn thiết dạy bảo Bunshiro rằng để cho Owada Ippei đãi cho ăn bánh kẹo như thế là điều đáng hổ thẹn vô cùng. Sở dĩ Toyo đưa cho con mười đồng tiền túi để đi xem Hội Ðêm lần này cũng vì bà nghe biết rằng Hội Đêm có nhiều hàng quà bày bán, con cái nhà võ sĩ cũng nhân dịp được tự do miễn phạt mà mua ăn quà bánh trái hay mực nướng. Hội Đêm năm ngoái, bà cũng đã cho mười đồng tiền rồi.

-"Mẹ không bảo con là tiền đây, tiêu hết cả đi, mà chỉ để dự phòng chuyện phải tiêu thình lình thôi đấy".

Lời dạy về chuyện tiêu tiền của mẹ anh như câu kinh được tụng đi tụng lại như thế, chứ Bunshiro tự mình cũng đâu có định tiêu chỗ tiền túi ấy đâu. Năm nay, anh đã 15 tuổi, không còn thích vào hàng quà bánh ấy kiếm bánh ăn, mà thường ngày cũng không được cho tiền túi. Có điều, khi cầm lấy tiền mẹ đưa, cho vào túi, lòng anh cảm thấy nôn nao quả thật ngày hội lớn đã đến rồi. Anh không hiểu cha nuôi của anh có biết anh được mẹ cho tiền túi như thế này không.

Cô Fuku sang khi Bunshiro ăn chưa xong bữa tối. Anh ăn vội cho xong bữa, rồi ra đón Fuku đang đứng chờ ở ngưỡng cửa tối tăm. Mẹ anh dặn với theo bảo đừng về trễ quá.

Đoàn vũ công và xe kiệu xuất phát từ cổng đền Kumano lúc 6 giờ tối, chỉ ngừng nghỉ giữa đường trước quán trà ở xóm Yumei trong khoảng một giờ, rồi đi một vòng qua các phố ngoài thành, cho đến khi trời sáng, lộ trình và thời gian vẫn như mọi năm. Thế nên khách đi xem đều biết nên đến chỗ nào, chờ khoảng bao lâu thì xem được đoàn rước kiệu. Bunshiro và cô Fuku băng qua sông Gokengawa, đến góc phố Yoshisumi. Tuy không phải là phố chính, nhưng cũng là một phố buôn bán sầm uất có đoàn rước kiệu đi qua. Đã thấy đông đúc khách xem tụ tập bên đường.

Những điểm trọng yếu trên đường đều có đốt lửa phòng gian, những hàng quán buổi tối thường đóng kín cửa thì đêm nay mở cửa, đốt đèn sáng hay treo đèn lồng ngoài mái hiên, nên suốt phố Yoshisumi sáng trưng như ban ngày. Bunshiro nhìn quanh xem hai bạn Ippei và Yonosuke đã đến chỗ hẹn này chưa, nhưng không thấy mặt bạn nào cả.

-"Em đợi ở đây tí nhé". Bunshiro dặn cô Fuku.

Đúng lúc ấy, có lẽ nhờ có ngọn gió nhẹ thổi đến nên tiếng sáo, tiếng trống múa kiệu chợt văng vẳng vọng lại. Rồi khi tiếng vọng ấy dứt đi, lại có tiếng gì như tiếng hoan hô tán thưởng vọng đến. Ðoàn rước kiệu đã tiến lại gần đây rồi. Vừa chợt nghe sau lưng mình có tiếng chân người chạy lại, Bunshiro đã cảm thấy vai mình có ai nắm chặt. Đó là Ippei.

-"Này, có thấy Yonosuke đâu không?". Ippei hỏi, có vẻ hốt hoảng.

-"Có thấy đâu! Yonosuke sao thế?". Bunshiro nói.

Ippei thở gấp, rồi nhìn cô Fuku chăm chú. -"Cô này là ai đây nhỉ?".

-"Cô Fuku nhà Koyanagi đấy mà".

-"À, hàng xóm của cậu chứ gì... Lớn xinh quá nhỉ".

Có vẻ sợ hãi vì bị một chàng trai to lớn hơn cả Bunshiro nhìn mình đăm đăm, cô Fuku nép nhẹ, trốn sau lưng Bunshiro.

Như chợt nhớ lại chuyện Yonosuke, mặt Ippei lấy lại vẻ lo lắng:

-"Tớ đã đến đây từ sớm rồi, nhưng nghe có tin lạ lắm..."

-"Tin lạ là sao?"

-"Nghe nói Yonosuke đã bị bắt dẫn đi đâu đó rồi".

-"Ai bắt?"

-"Một đám đông 5, 6 đứa gì đấy. Mà thằng đầu đảng thì biết là ai rồi".

-"Chờ tí. Thằng Yamane chứ gì?".

-"Đúng đấy. Mizoguchi đã nhìn ra mặt thằng ấy đấy".

Mizoguchi là một đàn em của hai người ở trường Ikoma. Bunshiro hiểu ngay được điều Ippei muốn nói.

-"Không xong! Yonosuke bị chúng hại mất".

Yamane Seijiro là kẻ tranh đua nhất nhì với Yonosuke ở trường Ikoma trong mấy năm nay. Nhưng cuộc tranh đua ấy nay đã ngã ngũ, giữa hai người học trò giỏi này đã thấy rõ trình độ cách biệt hẳn rồi. Seijiro là con nối dõi của một nhà võ sĩ đội trưởng, lãnh lương 230 hộc, không chỉ giỏi về học vấn, mà về kiếm thuật nghe nói cũng đã theo học lâu năm và bắt đầu biểu lộ tài năng ở võ đường Matsukawa xóm Goyumi. Hắn vốn là kẻ có lòng tự hào hơn người, nhưng về học vấn, cố gắng mãi vẫn không sao hơn được Yonosuke, và bây giờ thì đành ngửi bụi từ bước tiến của Yonosuke. Từ lúc hơn thua đã thấy rõ như thế, Seijiro dần dần xao lãng việc học ở trường Ikoma. Thật ra, không muốn học tranh với Yonosuke thì cũng còn đường xin đổi sang trường của phiên trấn được, thế nhưng Yamane không làm thế, mà từ sáu tháng nay nghe đồn là muốn bỏ cả việc học vấn. Lệ thường, đối với con nhà võ sĩ cấp cao, tiền đồ rộng mở đến những địa vị ăn trên ngồi trước, thì học vấn là một điều kiện không thể thiếu được. Yamane Seijiro 17 tuổi, lớn hơn Bunshiro hai tuổi.

Bunshiro nói "Không xong! Yonosuke bị chúng hại mất" là bởi có sự tình như thế. Yamane là kẻ thâm trầm mà thù dai. Có lẽ hắn cho là Yonosuke dự phần không nhỏ vào nguyên nhân tạo nên nỗi thất vọng ê chề của hắn. Hoặc là có thể hắn nghe nói thầy hiệu trưởng Ikoma Reisuke giúp cho Yonosuke lên Edo theo học trường Kasai danh tiếng ấy nên tức lộn ruột lên chăng.

-"Có lẽ bọn chúng đã nhắm vào đêm hội này rồi."

Bọn chúng đây là nhóm bè đảng của Yamane. Chung quanh Yamane lúc nào cũng có 4, 5 đứa theo đuôi. Bọn chúng nhắm đêm hội này là dịp không ai nghiêm khắc xử phạt chuyện cãi cọ ẩu đả, để thừa dịp trừng phạt Yonosuke. Bunshiro nghĩ thế. Lời nói của anh cũng được Ippei hiểu ngay mà đáp:

-"Đúng thế rồi. Bọn này bẩn thỉu quá. Được, để tớ đi tìm lần nữa xem sao".

-"Tớ cũng đi tìm cho". Bunshiro nói, nhưng Ippei đưa tay ngăn lại, bảo:

-"Cậu chờ ở đây đi. Có thể Yonosuke quay trở lại đây không chừng. Còn nếu tớ tìm ra Yonosuke thì một mình tớ cũng không đủ đâu. Lúc ấy sẽ quay lại đây gọi cậu tiếp tay".

-"Vậy thì được. Tớ hiểu rồi". Bunshiro đáp.

Ippei quay lưng bước, tấm thân to lớn ấy thoáng chốc đã trà trộn mất hút vào đám đông.

Đám người xem hội đã tụ tập thêm đông nghẹt tự lúc nào. Người dân trong phố cũng nhiều, mà giới võ sĩ cũng lắm. Lại có cả nhiều đám trai trẻ mặt mày hồng hào của các làng lân cận đến xem hội nữa. Biết là đoàn rước kiệu đã đến phố bên cạnh rồi nên ai nấy mặt mày hớn hở hưng phấn, cười nói oang oang. Chung quanh Bunshiro đầy tiếng ồn ào liên hồi không dứt.

Sự thực, đoàn rước kiệu có vẻ đã đến sát đầu phố này rồi; tiếng sáo, tiếng trống, tiếng hò hét kéo xe kiệu, lúc nãy còn nghe nho nhỏ văng vẳng, bây giờ đã nghe rõ ràng từng tiếng. Những người bán rong đi qua đi lại trước hàng người đi xem hội: những người bán kẹo đội mũ đỏ, những người bán mực khô, những người bán món hầm bột khoai nhão gánh theo nồi hầm,... Họ được người lớn, con nít đứng xem kêu gọi tíu tít để mua nắm kẹo hay mấy xiêng bột khoai nhão.

Bunshiro thẫn thờ nhìn đám người nhộn nhịp chung quanh một hồi lâu, vừa hoang mang không hiểu bạn mình Yonosuke bị bắt mang đi đâu. Rồi như chợt nhớ lại, anh quay sang tìm cô Fuku.

Cô Fuku không đi đâu cả, vẫn đứng ngay sau lưng Bunshiro. Khi hai đôi mắt nhìn nhau, cô ngậm miệng cười.

-"Em ăn kẹo không?"

Nghe Bunshiro hỏi thế, Fuku mở lớn đôi mắt và lắc đầu mạnh.

-"Đừng làm khách. Anh có tiền đây".

Bunshiro nói, rồi chờ người bán kẹo đi ngang qua, gọi mua một vòng kẹo mạch nha, trao cho Fuku. Dù trong bóng đêm vẫn thấy rõ cô Fuku đỏ mặt lên, rồi cô nép vào lưng Bunshiro mà liếm kẹo mạch nha.

"Vẫn còn là con nít". Bunshiro nghĩ thế. Cảm nghĩ ấy không hiểu sao, có chút gì khiến Bunshiro an tâm.

Đúng lúc ấy, anh thấy Ippei đang vẹt người, chạy lại. -"Tìm ra rồi!".

Ippei lại gần, lướt nhìn cô Fuku đang liếm kẹo mạch nha, rồi quay sang Bunshiro thầm thì với giọng trầm nhưng sắc nhọn: -"Ngoài bờ sông. Chúng bắt Yonosuke ra đến tận đấy".

-"Em đừng đi đâu cả nhé. Ðứng đây chờ anh". Bunshiro dặn Fuku, rồi tức tốc chạy theo Ippei.

3

Chạy vào các ngõ hẻm, dần dần bốn bề tối om, im vắng, khác hẳn với cảnh ồn ào náo nhiệt ngoài phố lớn. Hoàn toàn không nghe tiếng gì, cho đến khi ra được con đường sau xóm, vẫn chẳng gặp một ai. Ban đầu, Bunshiro chạy mà chẳng định được chỗ cao thấp trên đường trong bóng tối, nên nhiều lúc vấp váp loạng choạng, nhưng rồi mắt anh quen được ngay. Hai người im lìm chạy. Lại ra khỏi con hẻm, chạy như giông gió trên đường sau các xóm nhà, cuối cùng len qua khỏi một ngõ hẹp chỉ đủ lọt một thân người, thì ra đến con đường ven bờ sông.

Hai người đứng dừng lại. Ðằng xa thấy có đám đông tụ tập.

-"Xem kìa, bọn chúng sắp rút đi đấy". Ippei nói.

Trời đầy mây, chỉ có chút ánh sáng nhợt nhạt phiêu lãng trên con đường ven sông Gokengawa. Trong ánh trắng đùng đục ấy, nổi lên bóng người tụ tập thành một khối. Đúng là bọn Yamane rồi. Không hiểu Yonosuke ra sao.

-"Đừng rút kiếm nhé. Rút ra thì phiền hà về sau đấy". Ippei nói, rồi hỏi nhỏ: -"Sẵn sàng chưa?", dằn giọng như chuẩn bị sức lực. Hai người tiến lên với bước chân bình thường. Đến gần thì dần dần hiểu được tình hình của Yonosuke. Có vẻ bọn trai kia đã để ý có hai người đến, nên đứng yên nhìn về phía họ. Cách chúng khoảng ba tầm kiếm có bóng đen cuộn tròn như khúc gỗ trên mặt đất. Hẳn là Yonosuke đấy rồi.

Bunshiro và Ippei cởi dây đeo thanh kiếm ngắn ra, đặt xuống gốc cây liễu. Thấy động tác ấy, có vẻ bọn kia cũng đã nhận ra hai người là ai. Đột nhiên, cả bọn sột soạt quay lưng dợm bước đi.

-"Ê, chờ tí". Ippei gọi giật lại. Đám trai ấy ngừng bước.

-"Hành hạ Yonosuke xong rồi đấy à?"

-"......"

-"Đã biết kẻ nào bày chuyện này ra rồi. Có Yamane đấy chứ gì?"

-"Rồi sao?". Có giọng lạnh lùng đáp lại. Đúng là giọng của Yamane rồi.

-"Tại sao lại hành hạ Yonosuke đến mức này?"

-"Tại nó làm phách quá". Giọng đáp thản nhiên vô cảm. -"Phải dạy cho nó biết mà giữ phận mình".

-"Giữ phận mình à? Được, vậy thì đây xin đáp lễ bài học ấy".

Vừa nói, Ippei vừa đạp đất nhào tới. Bunshiro xông theo.

Chỉ trừ một người, tất cả bọn kia nhất tề cởi kiếm ném xuống đất. Bọn chúng cũng quen chuyện đánh nhau lắm.

Cuộc loạn đấu âm thầm tiến hành trong bóng tối trên bãi sông. Bọn kia cả thảy năm người, nhưng Yamane Seijiro từ đầu chỉ đứng xem, nên hai người đấu bốn.

Bunshiro nắm được tên đầu tiên, gánh lên lưng và quật xuống đất, nhưng anh bị tên thứ hai đấm mạnh vào mặt đến mắt anh toé lửa, rồi đến phiên anh bị quật mạnh xuống đất. Nhưng khi ngã, Bunshiro đã kịp thời quét chân địch thủ nên cả hai hầu như hợp làm một mà ngã xuống rồi lăn vật nhau, cố ép địch thủ xuống mặt đất, khiến cả hai thân người lấm đầy cát. Kẻ địch to con hơn, vài lần suýt khoá được Bunshiro, nhưng mỗi lần như thế, anh đều lì lợm siết chặt tay chân, vặn người tránh được, cuối cùng, Bunshiro cũng ngồi được lên trên địch thủ. Đúng lúc ấy, thình lình có kẻ từ phía sau chộp siết cổ anh. Có vẻ là tên đã bị Bunshiro quật ngã ra đất. Hắn vòng ra sau lưng Bunshiro, vòng tay quấn quanh cổ anh không nới lỏng chút nào. Bunshiro nhướng người lên, cố kéo vòng tay hắn ra, thì lại bị tên nằm dưới vùng dậy, đá mạnh vào hông anh khiến Bunshiro bất giác cảm thấy thần trí mình lạc đi nơi nào xa lắc. Tai anh mơ hồ nghe vang vang tiếng thét giận dữ của Ippei, rồi cổ anh được buông lỏng ra. Anh nghe tiếng chân bọn kia rầm rập chạy ra xa. Ðịnh thần lại thì thấy mình ngã úp mặt xuống đất.

-"Có sao không?". Ippei hỏi, cúi nhìn anh.

Bunshiro nhỏm dậy, ngồi bệt trên đất, đáp: không sao. Chỗ hông bị đá đau nhức, mặt anh ướt nhơn nhớt như thấm máu mũi, nhưng ý thức thì tỉnh táo.

-"Xem Yonosuke có sao không?"

-"Hắn thì không sao. Đã đứng lên được rồi". Ippei nói.

Yonosuke có vẻ bị đấm đá khá nhiều, tuy đã đứng dậy được thật đấy, nhưng thân thể chao đảo. Bunshiro đến bên bạn, nghe Yonosuke nói: -"Tớ bị đánh tơi bời" với giọng yếu như tiếng muỗi vo ve.

-"Bọn chúng có nói gì không?"

-"Chúng bảo lên trường Kasai học là láo xược".

-"Biết ngay mà!". Bunshiro và Ippei đưa mắt nhìn nhau trong bóng tối.

-"Đến nước này thì dù có thế nào đi nữa, Yonosuke cũng phải lên Edo học cho chúng nó biết mặt".

Ippei cũng cổ vũ: -"Phải thế mới được".

-"Bước đi được không đấy?". Bunshiro hỏi.

-"Bước một mình không được". Yonosuke đáp, giọng yếu đuối.

-"Vậy để tớ đưa cậu về".

-"Bunshiro, cậu quên con gái nhà Koyanagi rồi à?". Ippei nói.

-"Ồ, tớ quên mất".

-"Yonosuke thì mình tớ cũng đủ. Cứ để đấy tớ lo cho". Ippei nói.

Vừa ôm chỗ hông thỉnh thoảng nhói đau, Bunshiro vội vã quay trở lại phố Yoshisumi.

Đoàn rước kiệu đã qua hết rồi, trên đường chỉ còn lác đác vài bóng người. Lửa đèn sáng trưng chiếu sáng khoảng đường rộng vắng người, cô Fuku đang thu mình đứng chờ trong góc phố. Cô nhìn sững khuôn mặt bê bết máu mũi của Bunshiro.

Nghe anh bảo: -"Về nhé!", cô im lặng bước theo chân anh.