Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]
Sa di Chômei
Cảm Nghĩ Trong Am
(Hôjô-ki)
***
Tu sĩ Kenkô
Buồn Buồn Phóng Bút
(Tsurezure-gusa)
***
Hai tùy bút cổ điển Nhật Bản
Nguyễn Nam Trân phiên dịch, chú thích và khảo dị
BẠT

CHÔMEI VÀ KENKÔ
TRONG DÒNG VĂN HỌC ẨN SĨ NHẬT BẢN

I) Ẩn sĩ là người thế nào?

Ẩn dật là hành động cách ly và thoát ra khỏi tập đoàn. Có thể nói lịch sử của loài người là lịch sử của sự xung đột giữa cá nhân và đoàn thể. Cho đến nay, lịch sử cho thấy bên ngoài, xã hội đã khống chế được cá nhân, thế nhưng, bên trong, cá nhân vẫn tìm cách đề kháng để gìn giữ sự tôn nghiêm của chính mình. Khi muốn hoàn toàn làm chủ được mình thì chỉ có cách thoát hẳn ra ngoài xã hội như một con chim nhạn từ bỏ đàn và bay lấy một mình. Thế nhưng sau khi xa bầy như thế thì chim cũng như người đều phải nếm trải biết bao nhiêu cô đơn và thống khổ.

Người ta lánh đời vì nhiều lý do. Lịch sử có, xã hội có. Thế nhưng cơ bản vẫn là lý do có tính triết học một khi đã cho cuộc đời là một cõi vô thường. Chỉ có sự cách tuyệt với đời mới giúp ta tìm ra bản ngã hằng thường. Người mắc chứng nan y như ung thư muốn buông trôi tất cả còn phải tiếp thân nhân đến thăm ở bệnh viện nhưng kẻ lánh đời thì muốn xa cả người thân, trốn vào chỗ sơn lâm cùng cốc, nghĩa là chấp nhận một sự cô độc hoàn toàn. Cho nên ẩn dật là vừa vứt vỏ xã hội, vứt bỏ nhân quần và dập tắt thất tình lục dục.

Do đó để hiểu dòng văn học ẩn sĩ hay văn học thảo am thời Trung Cổ Nhật Bản mà đại biểu là hai nhà tùy bút Chômei và Kenkô, ta phải hiểu tư tưởng lánh đời, thoát tục đã chi phối hành động con người từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim. Trong mấy nghìn năm, con người đã ràng buộc con người, cá nhân cũng tự ràng buộc chính mình. Lánh đời là cắt gỡ một phần nào những ràng buộc đó. Thiền học giúp người ta thoát ra bằng cách đưa họ về tình trạng gỗ đá của tọa thiền để tìm ra sự đồng nhất của những mâu thuẫn tuyệt đối và dẫn họ đến đại ngộ. Còn ẩn giả thì trong cô độc, cố đi kiếm cái đẹp tịch liêu của vạn vật và chân lý của cuộc đời. Phải chăng cùng với sự thoát ly này, con người cũng như vật chất sẽ tìm ra sức mạnh của mình như nhà vật lý lượng tử Max Planck ( 1858-1947) từng quan niệm.

Ishida Yoshisada chủ trương mỹ học của ẩn sĩ có nét độc đáo của nó. Ông không đồng ý với Suzuki Daisetsu khi ông này chủ trương Thiền là bản chất của văn hóa Nhật Bản. Ishida cho rằng cùng lắm có thể nói là thiền tông có ảnh hưởng lớn chứ không hề là yếu tố quyết định. Hai yếu tố thẩm mỹ Wabi và Sabi mà người ta còn chưa biết rõ đã bắt nguồn từ đâu mới là những yếu tố cấu thành văn học ẩn sĩ cũng như Yugen (u huyền) là nguyên tố của văn chương cung đình. Wabi là sống trong " bần hàn ", thiếu thốn (của cải, quyền lực, danh vọng) nhưng không cảm thấy mất tự do vì biết mình sẽ vượt qua những ràng buộc đó tiến về những giá trị cao cả hơn. Vì thế cho nên tuy nghèo mà không nghèo vậy. Còn Sabi là trạng thái " thô phác " hoang sơ, không hoàn thiện, không hợp thời và như thế, cô quạnh tịch liêu, đứng bên lề xã hội nhưng tạo cho mình cơ hội để nhìn thấy bản ngã.

Người Nhật có dùng chữ ẩn sĩ (inshi) nhưng thường gọi những kẻ lánh đời là ẩn giả (inja). Họ chia các ẩn giả làm hai loại. Loại thứ nhất là những người lánh đời, tu Phật nhưng không vào chùa mà họ gọi là thánh (hijiri) và ẩn độn giả (intonsha). (Độn ở đây có nghĩa là trốn như trong độn thổ. Như thế họ vừa trốn vừa nấp). Còn những người không lánh đời hoàn toàn thì họ gọi là độn thế giả (độn thế giả) tức là có trốn đời nhưng không đến nỗi ẩn nấp. Loại thứ hai là những người vứt bỏ nghề nghiệp để chuyên tâm vào một lãnh vực nghệ thuật nào đó. Họ sống đời tự do để có thể theo đuổi con đường nghệ thuật của mình, hoặc tệ hơn thì không làm gì cả chỉ diễn trò hay hát rong (asobite), côn quang (yakuza), bài bạc (bakuuchi-uchi) hoặc sống lang thang, không cửa không nhà (kawara-mono).

Dòng văn học ẩn sĩ như thế đã có thể vừa do những ẩn sĩ thuộc loại thứ nhất và loại thứ hai viết ra nhưng dĩ nhiên không phải ẩn sĩ nào cũng muốn viết và có khả năng viết. Hơn nữa, trong số tác phẩm văn học của ẩn sĩ không chỉ có những tác phẩm trực tiếp liên quan đến cuộc đời ở ẩn. Hai tác phẩm thuộc loại chiến ký như Truyện Heike (Heike Monogatari, 1219 ?-1243 ?) Thái Bình Ký (Taiheiki, 1369 ?-1379 ?) là do hai người ở ẩn, Shinnô-zenji Yukinaga và Kojima Hôshi viết ra. Các tác phẩm thuộc loại du ký như Nhật Ký Đêm Mười Sáu (Izayoi Nikki, 1279) và Du Ký Đường Biển (Kaidôki, 1223) hay thuộc loại phê bình thi ca như Sao Chép KhôngTên (Mumyôshô, 1211), Hỏi Đáp Ở Miền Đông (Azuma-mondô, 1470) cũng vậy. Đó là văn học ẩn sĩ theo nghĩa rộng. Văn học ẩn sĩ theo nghĩa hẹp mới là " văn chương của người lánh đời viết về cuộc sống ở ẩn " và như thế trong hai tác phẩm được dịch ở đây chỉ có Cảm Nghĩ Trong Am là gần gũi nhất với định nghĩa này, sau đó mới đến Buồn Buồn Phóng Bút vì dù nội dung ca tụng cuộc đời nhàn tĩnh nhưng vẫn nhắc nhiều đến tục giới. Cùng một thể loại với Cảm Nghĩ Trong Am có lẽ là Mở Lòng Tu (Hoshinshuu, 1216) cũng của Chômei và Bạn Nhàn Cư (Kankyo no Tomo, 1222) của Khánh Chính thượng nhân.

II) Thế giới của ẩn sĩ

Ở Trung Quốc, từ thời đại của thần thoại và truyền thuyết, ta đã thấy bóng dáng những nhà ẩn sĩ. Đạo gia Trang Chu (369 BC?-286BC ?) trong thiên Tiêu Dao Du đã kể tên Hứa Do như một ẩn sĩ đời thượng cổ, sống trên núi Kỳ Sơn, đã từ chối lời mời của vua Nghiêu mời về kế vị. Khoảng hai trăm năm sau, Tư Mã Thiên, khi nói về Bá Di, Thúc Tề trong Bá Di Truyện, cũng nhắc đến tên ông ta một lần nữa. Tuy không có chứng cứ cụ thể về nhân vật này nhưng người ta tin ông ta là ẩn sĩ đầu tiên.Đời Tây Tấn, Hoàng Phủ Bật (215-282) viết Ẩn Sĩ Truyện, tác phẩm thất truyền, có nhắc đến đôi bạn Sào Phủ-Hứa Do. Từ Trang Tử về sau, trong các trước tác của Trung Quôc, không biết có bao nhiêu ẩn sĩ đã xuất hiện mà nổi tiếng hơn cả có lẽ là Đông Phương Sóc,Trúc Lâm Thất Hiền, Vương Hy Chi, Nễ Hành, Cát Hồng, Đào Uyên Minh, Lý Bạch, Lâm Bô, Mễ Phất, Bạch Nhân Phủ, Ngô Trung Tứ Tài, Từ Vị, Từ Hà Khách, Bát Đại Sơn Nhân, Viên Mai...

Một số trong bọn họ cũng đã để lại cho đời những tác phẩm có giá trị kinh điển. Bản thân Lão Đam và Trang Chu cũng là những ẩn sĩ mà Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh là hai tác phẩm triết học lớn lao khong những của Trung Quốc mà của cả thế giói. Thơ đã có Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung, Nguyễn Tịch, Sơn Đào (trong Trúc Lâm Thất Hiền), Lý Bạch, Đào Uyên Minh, Lý Bạch, nhạc đã có Kê Khang, Nễ Hành, đạo học đã có Cát Hồng, thư đạo đã có Vương Hy Chi (trong nhóm quí tộc phóng cuồng Đông Tấn), trào phúng với Đông Phương Sóc, văn từ với Mễ Phất, kịch nghệ với Bạch Nhân Phủ, họa với Từ Vị và Bát Đại Sơn Nhân, du ký và thám hiểm với Từ Hà Khách, tùy bút với Trương Tái (trong nhóm văn gia theo khoái lạc chủ nghĩa thời Minh mạt), Viên Mai...Nói chung, dù lối sống có khác nhau, họ đều đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống và là những nhà văn hóa lỗi lạc.

Âu Mỹ và các nước châu Á khác tự thời xưa cũng có những nhà ẩn sĩ.Trong một quá khứ xa xưa đã có những nhà tu khổ hạnh sống trong sa mạc vùng Thượng Ai Cập (thế kỷ thứ 4) rồi đến những người nhà tu công giáo đi theo đường cử tiên tri Elijah trong Cựu Ước. Tu sĩ Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo là những nhà ẩn sĩ. Hiền nhân Cổ Hy Lạp như Diogenes, triết gia cận đại Mỹ như Henry David Thoreau, tuy khác nhau về thời đại và địa điểm song đều có lối sống phù hợp với danh hiệu ấy.

     Những nhà ẩn sĩ danh tiếng của Việt Nam, ngoài những bậc tu hành, thường là những vị từng ra góp mặt với đời, sau khi làm tròn phận sự mới trở về vui thú điền viên. Nhiều vị cũng quẳng gánh giữa đường vì chán ngán triều chính, chống đối một chính quyền mình không muốn cộng tác hay muốn chuyên tâm trong một ngành nghề. Họ là Nguyễn Bĩnh Khiêm, Chu An, Lê Hữu Trác, Nguyễn Hãng, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.. và đều là những người có đóng góp vào văn hóa nói chung.

III) Ba dạng thức tiêu biểu Nhật Bản

Nhật Bản từ xưa cũng đã có ẩn sĩ, phần lớn là những nhà tu Phật. Sách Senjuushô (Soạn Tập Sao) đời Kamakura khi phân loại một số người đi ở ẩn có tính ra 13 tăng, 8 quí tộc, 3 vũ sĩ và 6 thường dân, chứng tỏ người nhà chùa vẫn chiếm đa số. Sách chú thêm là 29 nam và 1 nữ, chứng tỏ con số phụ nữ rất ít. Ngoài ra, sách còn phân tích động cơ của những người lánh đời này thì trong đó 10 người vì đứng trước cái chết của một người khác như vua, chủ nhân hay vợ con, 7 người vì chán ngán cảnh đời tranh danh đoạt lợi, 6 người vì xích mích trong giao tế, 5 người vì cám nổi kiếp người bèo bọt và hai người vì nằm mộng thấy một điều kỳ dị.

Ẩn sĩ gắn liền với văn học có lẽ bắt đầu với Saigyô (Tây Hành, 1118-1243), một nhà sư du hành cuối thời Heian và đầu đời Kamakura. Theo nhận xét của Ishida Yoshisada (sđd), dòng văn học ẩn sĩ thời trung cổ Nhật Bản thể hiện dưới ba dạng thức : dạng Saigyô, dạng Chômei và dạng Kenkô. Saigyô chỉ chú trọng đến cái đẹp u buồn của thiên nhiên, Chômei lấy cuộc sống nhàn tĩnh cá nhân làm đối tượng, còn Kenkô tập trung vào con người nói chung.

 Saigyô, ẩn sĩ và du hành tăng.

Tục danh của ông là Satô Norikiyo, pháp danh En.i (Viên Vị), trước thuộc đội quân ngự lâm bảo vệ Thái Thượng Hoàng Toba. Năm 23 tuổi, cám cảnh đời vô thường nên xuống tóc đi tu. Trước lên núi Koya, sau về ở vùng biển Ise. Đi du hành rày đây mai đó suốt miền Bắc (xứ Mutsu) và miền Đông Nam đảo Shikoku), sau mất trong một ngôi chùa ở vùng Kawachi (phía đông Ôsaka bây giờ). Có đến 94 bài thơ waka được tuyển vào Shin-Kokinshuu, một tập thơ soạn theo chiếu chỉ. Ngoài ra, còn có tập thơ cá nhân là Sankashuu (Sơn Gia Tập). Thơ ông tràn đầy tình yêu thiên nhiên , từ một làn gió thu nổi trên cánh đồng, một cánh chim bay vút mặt đầm, tiếng thông reo trên đường núi, vòm anh đào che khuất bầu trời xuân cho đến ngọn lau già khô, ngọn khói trên núi Fuji... Trước thiên nhiên và trong cuộc hành trình cô độc, thơ ông tràn đầy lòng thương cảm và man mác một nỗi buồn hoang liêu mà người Nhật gọi là " sabi ". Chất sabi thấy nơi Saigyô đã ảnh hưởng đến các hình thức nghệ thuật như renka (thơ nối vần), thạch đình (viên đình bày đá), cắm hoa, uống trà, thơ haikai. Phong cách và thơ văn ông là nguồn cội thơ của Sôgi, Bashô, Ryôkan, họa của Sesshuu, trà đạo của Sen Rikyuu. Ảnh hưởng rộng lớn ấy khiến cho ngày nay Saigyô vẫn được coi như nhà văn hóa số một Nhật Bản.

Chômei, ẩn sĩ chốn lâm tuyền.

Chômei đã viết Hôjôki năm 1212 nghĩa là sau khi đã chấm dứt 5 năm sống trong thảo am ở Ôhara và dời về vùng rừng núi Hino. Trong thảo am, ông sống cô độc và từ bỏ tất cả từ danh dự, địa vị, của cải, quyền lực, vật chất. Tuy nhiên, dù có thoát ra khỏi xã hội, ông không hề chống lại nó mà chỉ muốn thực hiện một hoài bão cá nhân. Khác với những ẩn sĩ đi trước như Saigyô, quan niệm ẩn dật của ông đã có màu sắc cận đại khi nó tập trung vào cá nhân, có tính hiện thực và thiên về lý tính. Cách ẩn dật của Chômei chẳng những là để hai chân chạm đất mà chẳng hề có chủ tâm đi tìm một lối thoát cho một cõi đời sau. Lối sống ẩn dật của Chômei chỉ có ông theo và sau ông, không ai kế tiếp con đường đó. Hầu như tất cả các ẩn sĩ lớp sau đều sống như Saigyô, nghĩa là, qua cái đẹp, tìm về vĩnh viễn và tuyệt đối, không chú tâm vào cuộc sống nhàn tĩnh.

Kenkô, ẩn sĩ giữa thị thành.

Nếu Chômei coi cuộc sống nhàn tĩnh thảo am là trên hết, một trăm năm sau, Kenkô tuy vẫn tiếp tục ngồi trong thảo am để mặc cho ngòi bút lôi cuốn mình nhưng trung tâm của sự suy nghĩ của ông không phải là bản thân cũng như cuộc đời ẩn dật của mình. Ông viết về triều thị nghĩa là cuộc sống bên ngoài cửa am, về những người mà ông giao du, từ quí tộc cung đình, giới quan liêu, tướng lãnh, hàng tăng lữ cho đến cả thường dân trong xã hội.

 Có nhiều người xem Tsurezure-gusa như Pensées của B.Pascal, vì vừa chứa đựng một lô-gíc kỹ hà học vừa biểu hiện được những cảm xúc tinh tế. Về mặt nghệ thuật, tuy Tsurezure-gusa không có nét thiên tài thấy trong tuồng Nô của Zeami, trong trà đạo của Rikyuu, trong triết lý Phật Giáo của Dôgen nhưng nó có cái nhìn sắc bén và ngưng đọng, thấu suốt thực thể con người. Hơn thế, nó không cà kê không dứt như Ghi Nhanh Bên Gối (Makura no Sôshi) của nữ học sĩ Sei Shônagon, cũng không có tham vọng dạy dỗ người ta như Góp Nhặt Đá Cát (Shasekishuu) của tăng Mujuu. Nó chỉ nói vừa đủ và ngừng lại ngay khi độc giả cảm thấy nói chừng đó đã đủ.

Điều kiện của ẩn sĩ là sự nhận thức về lẽ vô thường, khuynh hướng tìm về cái đẹp hay cầu đạo, yêu thích đời cô độc u tịch, biết sống cảnh thanh bần. Bốn yếu tố đó đã hội đủ nơi Kenkô. Khác chăng là ông không thương cảm, vịnh thán cảnh đời vô thường như các tác giả đương thời nhưng ý thức về nó như một hiện thực. Đó là quan niệm xem cuộc đời như một tuồng huyễn hóa, và nhờ đó, không sợ cái chết và biết phản ứng tích cực hơn trước những đổi thay.

Saigyô chỉ biết có thiên nhiên, Chômei chỉ biết có bản thân, Kenkô chỉ biết có người chung quanh. Có thể nói, Kenkô yêu thích con người trong mọi hình thái của nó, từ xấu đến đẹp. Ông không chán đời, trái lại ông xem dục vọng thèm sống của con người là vũ khí để chống đối lại sức mạnh của vô thường. Nếu có tỏ lòng thương cảm, ông thương cảm cho những nỗ lực không kết quả đó. Trong một chừng mực nào, ta có thể nói ông là người của một thứ chủ nghĩa hiện sinh dưới dạng sơ khai.
Cho đến thời ông, chưa thấy có một tác phẩm nào phong phú như của Kenkô trong lối diễn tả vì nó đi từ hình thức dạy dỗ, khuyên bảo, phê bình, châm biếm cho đến thuyết phục. Qua 243 tiểu đoạn, ta thấy ông như muốn nói rằng : Cho dầu con người xấu xa gian ác đến mức nào, chúng ta thấy rằng họ vẫn đang " sống " đấy chứ ? Như người xưa từng nghĩ rằng : " Phải là chim mới hiểu chim, phải là cá mới hiểu cá " thì ta cũng có thể nói : " Phải là con người mới hiểu con người ".
Ẩn sĩ cũng có thể sống tích cực giữa nhân quần, và đây phải chăng là thông điệp mà Kenkô đã để lại cho chúng ta ?

Nguyễn Nam Trân
Tham Khảo :


1) Inami Ritsuko, 2001, Chuugoku no Inja (Ẩn sĩ Trung Quốc), nhà xuất bản Bungei Shunjuu, Tôkyô.
2) Ishida Yoshisada, 2001, Inja no Bungaku (Dòng văn học ẩn sĩ), nhà xuất bản Kôdansha, Tôkyô.
3) Kuwabara Hiroshi dịch chú, 1981, Saigyô Monogatari (Truyện Saigyô), nhà xuất bản Kôdansha, Tôkyô, bản in lần thứ 36 (2006).

HẾT



 Trở Về