Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]


 
Nhà thơ HOÀNG CẦM

Nguyễn Khôi 

Thi sỹ sinh đêm 12 tháng giêng năm Nhâm Tuất (tháng 2 - 1922) đêm trước của hội Lim quan họ; mất lúc 9h sáng ngày mùng 6-5-2010 tại Hà Nội.

Tên khai sinh là Bùi Tằng Việt (Họ Bùi, ghép tên làng nơi sinh: Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Quên cha: thôn Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh(cụ thân sinh là đồ Nho có tham gia Đông du và Đông Kinh Nghĩa Thục). Mẹ là chị hai quan họ làng Bịu Xim, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

Hoàng Cầm nổi tiếng ngay từ năm 1942 với kịch thơ Kiều Loan; thời kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng với bài thơ dài "Bên kia sông Đuống"(1948); và hình như câu thơ mở đầu thi phẩm tuyệt tác này (đầy chất quan họ và hồn quê Kinh Bắc) : "Em ơi buồn làm chi..." như một tuyên ngôn đời, tuyên ngôn thơ Hoàng Cầm, rất định mệnh, rất tiên chi của một đấng tài hoa xứ Kinh Bắc rất hiểu đời, vượt trên mọi cái trầm luân của đời thường, cứ "đường ta ta cứ đi", đi dưới "mưa Thuận Thành", đi tìm "lá diêu bông"... luôn đổi mới, cách tân thi pháp để có những vần thơ bất tử, đọc lên nghe xao xuyến lòng người như " váy Đình Bảng buông chùng cửa võng..." để "từ thuở ấy/em cầm chiếc lá/đi đầu non cuối bể/gió quê vi vút gọi... diêu bông hỡi... ới diêu bông! "

Thơ Hoàng Cầm là đặc sản văn minh tinh thần của quê hương Kinh Bắc - miền quê Quan họ.Xứ của một cộng đồng làng xã, rất Đại Việt, khá dân chủ, bình đẳng.Con người ở đây lấy tình làng nghĩa xóm làm trọng. Phép Vua thua lệ làng.Hội đồng kỳ lão có quyền cao hơn chức dịch. Ra đường phải cúi đầu chào các già làng, còn với chức dịch như Chánh Tổng, Lý Trưởng xưa thì tùy, không chào cũng không sao. Đi hát quan họ, vào đám hội thì mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, chức vị, không dè bỉu "tiền án, tiền sự"... Tất cả chỉ là "liền anh, liền chị", các quan viên họ cùng say đắm với "yêu nhau cởi áo cho nhau" và "bao giờ thấy lá diêu bông/để cho váy lụa buông
chùng... mà hay!"

Thơ Hoàng Cầm cũng do xuất phát từ hồn quê là thế, với bút pháp độc đáo, một phong cách rất riêng không giống ai, ngôn ngữ tinh luyện siêu đẳng.Thường bất chấp văn phạm.Ông là người kế tục Thơ Mới và đi xa hơn về phía hiện đại - một lối thơ siêu thực hôm nay.Đó là tiếng nói đầy chiêm nghiệm và cũng tràn trề giải thoát.Thơ Hoàng Cầm, chất quan họ Bắc Ninh đạt tới độ Hàn Lâm.Từ thực tại đã thăng hoa tới miền hư viễn của tâm linh.Rất nhiều đam sy, trầm ẩn nên không hiếm khoảnh khắc hồn thơ thi sỹ nhập vào vô thức.Như lời ca quan họ, thơ Hoàng Cầm là ngọn lửa sưởi ấm tình người, là tia nắng mới tỏa sáng nơi chân trời cũ, như ai đó dù đi đâu, đến đâu vẫn gửi hồn về Kinh Bắc thân thương. Thơ Hoàng Cầm đang đi từ chân trời xưa cũ đến chân trời nay tươi mới để ta thêm yêu những chân trời đang có người bay với những người bay đang tới một chân trời đổi mới đầy xán lạn, rất thơ.

Đình Bảng ngày mùng 1 Tết Ất Dậu (2006)
Hà Nội ngày 6-5-2010
SƯƠNG CẦU LIM

Chấp chới lá chè non
          Cầu Lim, Nội Duệ
The Hà Đông đón kiệu
          Bỏ quê Xim
Ếch Quế Dương xếp đùi tròn gõ trống
Sáo sậu Phù Ninh
          rợp nắng
Về Thăng Long

Đá nghển trông con
          gục đầu sườn núi Dạm
Lụa vàng xé lộc rắc tro tiền

Đè ngang khói bếp
Bặt mùi khoai nướng
Đầu rau nằm sấp toạc môi

Trống Chờ thúc chín tiếng
Chuông Trõ nện ba hồi
Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo
Thầy Phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo
Biết lòng chim sáo ri
Gái Cầu Lim,Nội Duệ đã đi

                       Hoàng Cầm
 

Lời Bình Của Nguyễn Khôi:

Đọc thơ Hoàng Cầm có khác nào đọc Marcel Proust (văn hào Pháp 1871-1922) với "Đi tìm thời gian đã mất"... đó là kết tinh của cuộc sống nội tâm với những trăn trở về quá khứ. Tất cả thời gian đã mất trong khi quan sát dòng xoáy ngoài đời, nay thi sỹ đã tìm thấy lại, một hồi tưởng tha thiết biến kết quả quan sát thành chất liệu của thi phẩm.Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình thơ Hoàng Cầm.

Cũng như "lá diêu bông" đến "sương cầu Lim", nhà thơ Kinh Bắc lấy những địa danh cụ thể để nói những cái không cụ thể (một thế giới riêng hư ảo, ẩn hiện giữa một không gian mênh mông của miền quê Quan họ), có khác nào một thoáng Đường thi miêu tả cái cao bằng cái rộng (dục cùng thiên lý mục-cánh thướng nhất tầng lâu).Bắt Hòn Đá và Ông Đầu Rau thành người, đó là cái "mã" chuyển hóa các giác quan, một nghệ thuật bậc thầy mà trong thơ Hoàng Cầm nào đâu có ít. Thơ Hoàng Cầm giàu âm điệu, như ông nói"nhạc là cái xe chở hồn của bài thơ". Ở đây những câu thơ dìu dặt luyến láy là do sắp đặt, nhưng giai điệu bài thơ thì lại xuất thần vượt khỏi sự chủ ý của tác giả, như tự mình nó (văn bản thơ ) dựng được cả một không gian tinh thần (không khí và văn hóa Quan họ), một vương quốc thơ của riêng Hoàng Cầm.

Về ngôn ngữ thơ: Hoàng Cầm rất tài tình trong việc sử dụng các động từ (như "đá nghển"...lụa vàng xé lộc...rồi nện, khua... thật kỳ diệu với thơ).

Cùng với Lá Diêu Bông, cây Tam Cúc thì Sương Cầu Lim là một trong những bài cao thủ, độc đáo nhất của Hoàng Cầm, một tìm tòi thành công trong thi pháp của nhà thơ hôm nay.

Viết tại quê xóm Đình, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
Mồng 1 Tết Ất Dậu (2005)
..