Trở Về   ]         [  Tác giả   ] 
Laiquangnam giới thiệu
Tương Tiến Tửu của Lý Bạch 
Hơn 4 thập niên về trước, hồi còn "mài đủng quần" ở ghế nhà trường, học chết bỏ, chưa dám làm quen với rượu, chữ nhàn còn quá xa lạ ,được học đôi câu thơ của Cao Bá Quát lòng đã lấy làm thích, nhìn và nghe giáo sư văn chương của mình mê say giảng bài hát nói "Thú Nhàn" trên bục gỗ rước bảng đen trong lúc mà mỗi trang nhật báo lại đầy tin chiến sự lại có ảnh minh họa vầng khăn sô trên đầu người thiếu phụ, lòng biết bao cảm xúc, bài này có mấy câu :

"Gõ nhịp lấy, đọc câu "Tương Tiến Tửu"
"Quân bất kiến,
Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi"
Làm chi cho mệt một đời! "

Tương tiến tửu dịch nôm là mời nâng ly, cũng là tên một bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch. Trong Cổ nhạc phủ có điệu Tương tiến tửu, nghĩa là cùng uống rượu. Lý đã mượn tên riêng của điệu này mà viết nên khúc này .

Lớp học sinh chúng tôi ,vào các năm đệ tứ, đệ nhị thời trước 75 ,tại miền Nam ViệtNam ai cũng đã phải học thuộc lòng bài này học để đi thi nên người có tệ thì cũng thuộc lõm bõm đôi câu. Vì lý do đó, mà với nhiều người, nay muốn được đọc lại toàn văn bài "Tương Tiến Tửu" của Lý Bạch với một tinh thần thưởng ngoạn, luôn là một thú vui, nhằm khám phá lại cái tuổi học trò của mình ngày xưa ngày xưa thân ái ấy. Bài "Tương Tiến Tửu" này đã được nhiều thi nhân của chúng ta dịch ra thơ quốc âm, trong số những người dịch có cả thi sĩ thời danh Vũ hoàng Chương, nó đã theo cùng ông với một giai thoại văn học tương đối thú vị. Cụ Lê Văn Ðình có kể lại, trong tập hồi ký Ai Đã Làm Chi Đời Ta của Vũ Hòang Chương có đoạn viết "...Ba hôm sau, Ngọc Giao đến tìm, reo lớn từ cầu thang, nơi căn gác Hoàng vừa thuê được trên con đường Quan Thánh, đối diện vườn hoa Hàng Đậu: Có tiền cho ông rồi! thì ra ông bạn quý của Hoàng đã mách nước cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh xin tái bản tập tho Mây. Tác quyền định là hai ngàn đồng; hãy đòi đưa một ngàn trước, còn một ngàn nữa đưa sau, rất có thể ngay sau khi khách lên khuôn chữ. Đang nằm dịch bài Tương Tiến Tửu, phân vân chưa biết dịch đọan cuối ra sao?

"Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu
Hô nhi tương xuất hóan mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu"

Hoàng nghe câu chuyện của Ngọc Giao, liền nổi hứng , dịch luôn thành bốn câu thơ song thất lục bát:

Ngựa hoa đấy, áo cừu cũng đấy,
Gọi trẻ em đổi lấy rượu mau
Ta cùng người, lại cùng nhau,
Uống cho ngàn trước, ngàn sau tan buồn

Tuy ngàn sau chưa đến, nhưng có ngàn trước trong túi, cũng oai lắm, Hoàng vững bụng rời nhà lại Hàng Điếu, và đi tìm cố tri...."(2)

Có lẽ hồn thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương tan vào bốn câu này và ông cố dịch sao cho đạt ý của thi nhân và cả của lòng mình vào thời điểm ấy ,"ngàn trước, ngàn sau" vừa là ý thơ nguyên tác vừa là "anh hai" mang đén niềm vui cùng bè bạn đang chờ. Đọc qua chúng ta còn nghe được tiếng cười ha hả của Vũ Hoàng Chương lẫn của bè bạn ông đang chờ phiên "độ" ấy . Lý Bạch vào lúc hạ câu kết trong nguyên tác có lẽ đã tốn nhiều tâm huyết, nay những giòng cuối này luôn là một thách thức cho bao người gốc Việt muốn dịch lại , họ cũng muốn đem đến cho khách thơ của mình thêm một vài phút giây sảng khoái .

Có khi nào bạn tự hỏi, vào lúc nào thì người đàn ông uống say?. Nếu họ "thành thật khai báo" thì đây là một trong các lý do chính: một là " buồn quá "do bất lực trước hoàn cảnh xung quanh, trở nên buồn phiền có khi bất đắc chí .Sa vào tình huống này, họ nào có giải quyết được việc gì, ngày qua ngày, họ càng lún vào sâu vào vũng lầy buồn bực; hai là, uống rượu để tự thưởng mình khi mình vừa đạt một thắng lợi nào đó; ba là khơi khơi tự nhiên khi gặp bạn bè cảm thấy quá vui bèn xáp vô, tới luôn, say xỉn lúc nào không hay....Nhưng với ba nguyên nhân đã dẫn đến việc uống rượu kể trên cũng khó để mà Lý trở thành một "thi thiên tửu" được. Lý Bạch là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất trong thời Đường của Tàu . Ông được xếp trên cả Đổ Phủ và Bạch Cư Dị . Ông uống rượu như hủ chìm, đó là một phong cách sống của ông ,uống rượu để cổ võ cho cái đạo Lão của ông , cái đạo đã cho rằng cuộc đời là ngắn ngủi !.

Nếu như bạn may mắn là một thực khách trong buổi tiệc rượu mời Tương Tiến Tửu, của Lý ngày hôm ấy, hẳn bạn vẫn còn mang cái dư vị lý thú khôn cùng cho đến tận ngày hôm nay. Thitiêntửu mà người sau tặng cho Lý quả là tương xứng. Có lẽ vì hiểu tính cách Lý Bạch như vậy, lạiquangnam có thêm bài dịch ngẫu hứng thứ hai, dành cho quý đồng hương nay đã bước vào tuổi sáu xấp, hay sem sém bảy xấp cùng nhau vui qua chữ nghĩa .Vào giờ này, các bạn thân thương của tôi ,các đàn anh kính mến của tôi, đang ngồi đâu đó trên khắp trái đất này, bên bàn rượu, hãy bình tâm nghe lại giọng thơ có cái hơi "air Quảng Nam" một chút, khách thơ cố tưởng chừng hồn mình đang được bay về đậu ở quê nhà. Xin các vị khác quê, đừng lên án lạiquangnam quá địa phương tính mà chê trách. Đi xa gặp đồng hương, tuy không thấy người, nhưng được nghe lại hơi ấm, giọng cưng cứng từ quê nhà, qua giọng thơ "hơi cà chớn cà chua" mà thấy lòng ấm lại là một điều an ủi cho laiquangnam nầy lắm lắm, bởi mình sống có ích trong lúc này. Nay anh em ta đã bao năm bương chải với cuộc sống, làm thân ly khách, lập nghiệp từ đống tro tàn với hai bàn tay trắng, xa quê nhà, sắp xếp bầy con đang tuổi ăn tuổi học ,nay bọn trẻ đã thành đạt , "bi giờ" gặp bạn bè có dịp "chén tạc chén thù", có chai rượu ngon , có dăm bạn hiền, ngoái nhìn lại cái đích cuối đời, con cháu đùm đề dễ gì mấy ai có tiền mà có được, khách thơ tội vạ gì mà mình không tự thưởng cho mình vài chung rượu nhạt cho dù có đang là độc ẩm .Buồn chi!

laiquangnam xin lạm bàn về bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch nay đã đủ dài . Nay xin mời quý khách thơ, huynh đệ cùng nâng chén, "Tương Tiến Tửu".

Chúng ta vào cuộc !

* * *

I-Nguyên tác và các bản dịch quốc âm

I-1-Nguyên tác

(李 白)
將進酒
君不見
黃河之水天上來
奔流到海不復回

又不見
高堂明鏡悲白髮
朝如青絲暮如雪

人生得意須盡歡
莫使金樽空對月
天生我材必有用
千金散盡還復來
烹羊宰牛且為樂
會須一飲三百杯

岑夫子
丹丘生
將進酒
杯莫停
與君歌一曲
請君為我傾耳聽
鐘鼓饌玉不足貴
但願長醉不願醒
古來聖賢皆寂寞
惟有飲者留其名
陳王昔時宴平樂
斗酒十千恣讙謔
主人何為言少錢
徑須沽取對君酌

五花馬
千金裘
呼兒將出換美酒
與爾同消萬古愁
 

I-2-Bản phiên âm

TƯƠNG TIẾN TỬU

Quân bất kiến,
Hoàng hà chi thủy
Thiên thượng lai,
bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Hựu bất kiến,
Cao đường minh kính,
bi bạch phát,
triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sứ kim tôn không đối nguyệt.
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

Sầm phu tử,
Đan Khâu sinh,
Tương tiến tửu,
Bôi mạc đình,
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thinh.
Chung cổ soạn ngọc bất túc quí,
Đản nguyện trường túy bất nguyện tỉnh .
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần vương tích thời yến Bình-Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.

Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

Theo ngu ý của laiquangnam trong nguyên tác các cụm: Sầm phu tử,Đan Khâu sinh, Ngũ hoa mã ,Thiên kim cừu, Thái hư tuy là các danh từ tiếng Hán, dẫu là danh từ riêng hay danh từ chung , nhưng trong bài này chúng trở thành những "từ văn học " nên rất khó tìm một từ nôm tương đương để khi khách thơ đọc lên thì nghĩ ngay đến một một xâu chuổi ý tưởng mà ta có thể hình dung được, chính các từ như vậy khiến làm tăng ý thơ cổ, đó là lý do khiến các bài thơ cổ cứ được dịch đi dịch lại mãi. Ví dụ : Sầmphutử tương đương ý : này anh bạn già uyên thâm uyên bác ; Đan Khâu sinh tương đương ý : này anh bạn trẻ đầy sức trai ,ÐanKhâu sinh kia ơi! thấy bạn ta nhớ tuổi xuân ta đã một thời đi qua; Ngũ hoa mã, Thiên kim cừu là những báu vật đã theo ta trong những ngày trong triều, nay với ta nó không bằng một cuộc vui cùng bè bạn thân thiết hôm nay; như thế các danh từ riêng ,danh từ chung này trong tiếng Hán như là một sự gợi ý cho một xâu chuổi ý niệm tiếp theo...

I-3-Dịch nghĩa bài thơ Tương Tiến Tửu
(GS Trần trọng San dịch nghĩa)

Bạn không thấy sao: Nước sông Hoàng hà từ trên trời chảy xuống, chảy ra đến biển, không quay trở lại. Bạn há không thấy sao: Trước tấm gương sáng trên nhà cao, thương cho tóc bạc: buổi sáng giống như tơ xanh, chiếu tối thành ra tuyết trắng.
Ở đời, khi nào đắc ý, hãy nên hưởng hết thú vui, chớ nên để chén vàng trống rỗng trước vầng trăng. Trời sinh ra ta, đã có tài thì ắt có dùng. Còn ngàn vàng kia dù có tiêu tan hết, rồi cũng sẽ trở trở về.

Mổ dê, giết trâu, ta hãy hưởng vui, hãy nên một lần uống cạn ba trăn chén. Nào thầy họ Sầm, nào chàng Đan Khâu, ta hãy mơi rượu, chớ ngừng nâng chén.Vì các bạn, tôi hát một khúc; xin các bạn hãy vì tôi mà lắng tay nghe Chuông trống, cỗ bàn chẳng đáng quí trọng; chỉ mong luôn say, chớ không mong tỉnh. Xưa nay các bậc thánh hiền đều vắng lặng tiếng tăm, chỉ có kẻ uống rượu là thanh danh vẫn để lại.

Ngày trước, Trần vương mở tiệc tại quán Bình Lạc, có mười ngàn bình rượu, thả sức vui cười. Tại sao chủ nhân lại nói ít tiền? Hãy mau mua rượu, rót mời các bạn.
Này con ngựa năm sắc hoa, này áo cừu vàng, hãy gọi trẻ đem ra đổi lấy rượu ngon, để cùng với các bạn cùng tiêu tan mối sầu muôn đời.

I-4-Dịch sang thơ quốc âm

Tương tiến tửu
(Mời nâng ly)

Quân bất kiến !
nước sông Hòang từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?

Há chẳng biết!
đứng trước gương, thương thay tóc bạc
sáng đang xanh, chiều xác xơ phai!

Cõi trần ai phải duyên thì tới,
Đừng ly không rượu dưới trăng ngà.
Trời sinh ta..tài ta khả dụng,
Vàng rủ về hơn chúng đi ra .
Trâu dê giết tạ hoan ca,
Ba trăm chén rượu _phải là... một hơi !

_Mời ! ...thầy họ Sầm ,
_Mời ! ...bạn Đan Khâu,
_Xin cùng nâng chén kết thân!,
_Xin đừng ngừng chén, ngại ngần lạ quen!.

Ta vì bạn ca lên một khúc,
Bạn vi ta xin chúc tai nghe.
_Đừng vì chuông trống... e dè!
_Tỉnh chi, sứa với bạn bè..._mới hay!
Thánh hiền im tiếng xưa nay,
Còn người thánh rượu ngày rày danh thơm .

Xưa Tào Thực tiệc xôm Bình Lạc
Rượu ngàn vò mặc xác vui chơi,
Nói chi tiền ít Chủ ơi,
Rượu ngon mang thết, tiếp mời Bạn ta.!

_Này !
...."- ngựa Ngũ hoa !
_Thiên kim cừu áo !
_Gọi nhanh nhanh bọn trẻ cầm đi !
_Rượu ngon trao lấy! , _ chờ gì!"
Đuổi sầu vạn cổ đì về Thái hư.!
                             laiquangnam dịch

I-5-Chú vài từ trong bài

1-Quân bên tiếng Tàu tương tự như là You trong tiếng Anh, Tiếng Việt của ta không có từ tương đương. Có lẽ tạm dùng từ "Huynh" để chỉ các người bạn nhậu trong trường hợp này là phù hơp chăng ? bởi Huynh muốn trang trọng là trang trọng, muốn "khơi khơi" là khơi, từ mang tính ngang ngang không khinh không trọng ...

2.- Đọan thơ này, khi thi nhân rời kinh thành lấy thú bù khú với bè bạn bên ly rượu làm vui .Ông chỉ còn các vật rất qúy mà nhà vua đã ban tặng cho ông khi ông còn ở trong triều, đó là "Ngũ hoa mã " (ngựa quý 5 sắc), Thiên kim cừu (Áo lông cừu dát vàng). Lý Bạch quá đổi chịu chơi !. Ngựa Ngũhoa ,áo Thiênkimcừu còn quý hơn là tờ hộ khẩu thời 75 tại miền nam mà chúng ta đã có dịp làm sở hữu ..Mất nó là "hậu khổ" ngay tức khắc .

3-Sầm phu tử, là Sầm trưng Quân
Đan Khâu sinh là Nguyên Đan Khâu,
cả hai đều là bạn thân rất thành danh , người là bạn vong niên của Lý ,người là người bạn trẻ .tuổi tấc không thành vấn đề với Lý, miễn sao hiểu nhau là được .Vui mà .

4-Soạn ngọc: món ăn ngon và quý .

5-Trần Vương: tước vương của Tào Thực, con của Tào Tháo. Ông là thi nhân của đời Ngụy, thời Tam Quốc. Bài "Danh đô thiên" của Tào Thực có câu: "Qui lai yến Bình Lạc, Mỹ tửu đẩu thập thiên" (Trở về mở tiệc tại quán Bình Lạc, có mười ngàn đấu rượu ngon).Tào Thực rất nổi tiếng qua bài "củi đậu nấu đậu"được làm khi ông đáp lại lời thách của anh ruột mình ,bài thơ dduojc làm nhanh qua bảy bước đi nay trởthành thànhngữ "bảy bước thành thơ" là nhắc về điển này, thành ngữ dành cho thi sĩ tài hoa.

8-Thái hư là nơi trời đất đang còn là một khối chưa tách ra , ý nói nơi hình thành thế gian lúc ban đầu còn u minh lắm .

* * *

II-Bản dịch biến từ sự ngẫu hứng

II-1-Biến

Thú dịch thơ cổ văn là các bản dịch ngẫu hứng, nó là một thú vui dành cho khách thơ, người dịch chỉ cần nắm ý tổng quát và cái "e"(air) của toàn bài thơ. Nay thỉnh thoảng chúng ta vẫn hay gặp các bàithơbiến , đó là bài thơ ăn theo gởi qua email do bè bạn gởi tới ta,họ mong được chia xẻ,ví dụ các bài thơ họ ăn theo bài của TTKH mới đây.

Laiquangnam xin giới thiệu bản dịch biến của bài này, nó sẽ được dùng khi các bạn nhập bàn, laiquangnam xin cùng cất "tiếng gáy" ăn theo đôi câu thơ cổ của Lý Bạch |gọi là" cho xôm tụ, rằng ta cũng dân chơi cổ văn "thứ thiệt ", laiquangnam "gáy" để góp vui, chẳng hại ai, nó giúp cho mỗi chúng ta vượt qua ngày rộng tháng dài, giảm stress khi làm thân ly khách tại xứ người hay tại chính quê hương mình!.Mong quý bạn rộng lượng.

Laiquangnam xin lỗi trước, vì bản dịch này hơi có giọng Quảng, xin các bạn đừng lấy thế làm phiền, cho laiquangnam là có máu QuảngNamQuốc, bởi nghĩ đến đồng hương là lòng mình đã reo vui, họ là ai mà thân thương đến thế?, họ là người nằm trong nhóm bă?ng hữu đã một thời xuân sắc mà nay đã tóc đã bạc màu, họ đã cùng mình cùng trải qua một thời đắng cay, nghiệt ngã... cùng sinh ở thập niên 1940 trên đất nước này, cuộc sống tuy có lúc cực kỳ khó khăn nhưng không ló cái hèn, không chịu bó tay trước số phận đầy nghiệt ngã, tâm hồn họ nay vẫn còn "nguyên xi" như ngày nào, tình vẫn như xưa ,cho dù nay họ đã bước vào tuổi sáu bảy chục xấp, họ nay đang tản lạc đâu đó trên hàng trăm nước trên quả địa cầu này, nếu bạn rộng lượng, có cùng tần số thì xin bạn vui lòng chìa cánh tay cho laiquangnam níu "dzới", hắn ta kéo mời bạn vô bàn cùng Tương tiến tửu càng đông càng vui trên không gian ảo.

Bài ca trong bàn nhậu.

Tương tiến tửu
"Nào, cùng nâng ly!"

You có biết?
Nước sông Hòang từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?

Dại tái tê !
Đứng trước gương thương thay tóc bạc
sáng đang xanh chiều xác xơ phai!

Cõi trần ai, "trúng đài " thì tới
Đừng ly không rượu dưới trăng vàng
Trời sinh ta tài mang khả dụng
"Vàng chịu chi ,vàng thúng về cùng "
Bê thui ánh lửa bập bùng ....
Dô ! dô! ....,
ta cụng ...râm ran .. đất trời.

Này bạn vong niên !
Này chàng lãng tử !
Nào , nâng ly!
Nào, một tiếng : "dô!"

Ta vì bạn góp vô một khúc,
Bạn vì ta xin chúc tai nghe...
"Cổ bàn, kèn trống mần chi,
Đã dô tới bến, tội gì hổng chơi!..
Xưa nay hiền sĩ im hơi,
Còn người "Thánh rượu", đời đời danh vang
Xưa Tào Thực tiệc vàng Bình Lạc
Rượu ngàn vò mặc xác vui chơi,

_Nói chi tiền ít Chủ ơi,
Rượu ngon tiếp bạn!.., lựa lời gấm hoa!...
_Nhỏ ơi !, Áo quý !, ngựa xa !
Nhỏ mang ngay đổi cho ta ngàn vò !

Xã lòng !.... mình uống, _ đừng so!...
Đạp sầu vạn cổ về lò Thái hư.

(tiếng vọng cuối bài ...)
_Hừ !
_dô!dô!
_100%....
                     laiquangnam dịch theo "ngôn ngữ giang hồ" , 2007.

II-2-Biến sâu

Biếnsâu là gì ?
Biếnsâu là bài thơ đi xa hơn từ nguyên tác, nếu khách thơ thích thì tự mình có thể đế thêm ... Sau đây là một thí dụ biến sâu của laiquangnam .Với dòng thơ biếnsâu từ nguyên tác, laiquangnam mong các bạn trong lúc nhàn rỗi tự biến sâu, để tự vỗ về mình đơn độc bên ly cà phê đen buổi sáng.

02

You có biết?
Nước sông Hòang từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?

Dại tái tê !
Đứng trước gương thương thay tóc bạc,
sáng đang xung chiều đứt bóng đi luôn

Ghim chi trong bụng thêm buồn !
bi giờ ngồi lại xả luôn một lần,
lại đây! xích lại thật gần,
Làm thân ly khách nay cần có nhau.
lại đây ! Mình uống thật say,
nỗi cay, nỗi khổ từ rày đã chôn..
nhìn kìa ! sương khói ....
     ......"Hoàng hôn"!
.....
Sao còn lắm đăm chiêu hỡi người bạn già !

 
o0o-
III) Bản dịch của lớp người xưa

Laiquangnam chọn ba thi nhân lớp trước đó là :Ngô tất Tố, Trần trọng Kim, TCHYA

01

Ngô Tất Tố

Ông nghè Ngô Tất Tố dịch theo thể STLB truyền thống của ViệtNam.
Tuy có đôi câu Cụ Tố dịch phá cách, 8 chữ thay vì bảy chữ như thông lệ, có lẽ Cụ muốn dịch sao cho đạt hết ý thơ mà gác qua hình thức. Khâm phục vô cùng sự phá cách này của người xưa khoa bảng !

SẮP KÈO RƯỢU

Con sông Hòang lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!
Nhà cao, gương xót mái đầu,
Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha.

Vui cho đẫy, khi ta đắc ý
Dưới vầng trăng, đừng để chén không
Sinh ra, trời có chỗ dùng
Nghìn vàng tiêu hết, lại trông thấy về.

Chén đi đã, trâu, dê cứ giết
Ba trăm ly, phải hết một lần
Khâu, Sầm hai bác bạn thân,
Rượu kèo xin chớ ngại ngùng ngừng thôi!

Ta vì bác, hát chơi một khúc!
Bác vì ta, hãy chúc bên tai :
"Ngọc, tiền ,chuông, trống mặc ai,
Tỉnh chi? Chỉ muốn cho dài cuộc say

Bao hiền thánh đến nay đã rõ?
Phường rượu ta tên họ rành rành:
Trần Vương bữa tiệc quán Bình,
Mười nghìn đấu rượu thỏa tình đùa vui"

Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít,
Mua rượu ta chén tít cùng nhau.
Áo cừu, ngựa gấm,để đâu?
Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon

Uống cho muôn thuở tan buồn!
                     Ngô Tất Tố dịch

02

Trần Trọng Kim
(Lão tiền bối dịch bằng STLB rất nghiêm túc)

CÙNG UỐNG RƯỢU

Anh chẳng thấy Hòang Hà nước nọ,
Tự trên trời chảy đổ ra khơi
Ra khơi thôi thế là thôi
Về nguồn trở lại có đời nào đâu

Anh chẳng thấy nhà cao gương sáng
Những buồn tênh vì mảng tóc thưa
Sớm còn xanh mượt như tơ
Tối đà như tuyết bạc phơ bời bời

Khi đăc ý cứ chơi cho phỉ
Dưới vầng trăng đừng đễ chén không
Có thân âu hẳn có dùng
Ngàn vàng tiêu hết lại hòng kiếm ra

Trâu dê mổ, tiệc hoa trần thiết
Ba trăm chung cạn hết một lần
Sầm phu tử, Đan khâu quân
Rượu kèo xin chớ ngại ngần uống ngay

Hát một khúc vì ai an ủy
Lắng tai nghe ý vị khôn cùng
Quí gì sọan ngọc cổ chung
Muốn say say mãi tỉnh không thú gì

Bao hiền thánh xưa kia lặng lẽ
Chỉ anh say tiếng để đời đời
Trần vương Bình lạc mua vui
Mười ngàn đẩu rượu chơi bời thỏa thuê

Chủ ông hỡi, chớ e tiền ít
Mua rượu về chén tít cùng ta
Cừu thiên kim, ngựa ngũ hoa
Đem đi đổi rượu khề khà uống chơi
Sầu đâu dằng dặc muôn đời
                    TTK dịch

03

Bản của J. LEBAI
Bản dịch thơ theo thể STLB của TCHYA
(Tchya Đái Đức Tuấn)

1. Há chẳng thấy trên trời sa xuống
2. Nước Hoàng Hà cuồn cuộn tung xuôi
3. Một đi đi mãi ra khơi
4. Có bao giờ lại phản hồi nữa đâu

5. Lại chẳng thấy trên lầu gương tỏ
6. Mái tóc càng soi rõ mầu sương
7. Sáng như tơ chửa nhuộm vàng
8. Chiều đà như tuyết nghĩ thương thân già

9. Cho nên gặp lúc ta đắc ý
10. Phải chơi cho phỉ chí con người
11. Chén vàng chớ để cho vơi
12. Đáy không nhìn bóng trăng soi bẽ bàng

13. Sinh ta có tài năng chí khí
14. Ắt trời không bỏ phí không dùng
15. Ngàn vàng không cũng là không
16. Tiêu đi lại có mất xong lại về

17. Thì hãy mổ trâu dê mà khoái
18. Tụ cho đông uống mãi cho say
19. Rót ba trăm chén rượu đầy
20. Một lần tu cạn một hơi mới đành

21. Nào Sầm tử Đan sinh đâu tá
22. Chớ ngừng tay rót nữa đừng thôi
23. Vì mình ta hát khúc chơi
24. Vì ta mình hãy lắng lời mà nghe

25. Dẫu soạn ngọc chẳng gì đáng quý
26. Chỉ cầu cho túy lý mà thôi
27. Thánh hiền chết cũng lập vùi
28. Còn tên để lại họa người say sưa

29. Yên Bình lạc ngày xưa vui thú
30. Trần Vương mời rượu hũ thập niên
31. Chủ nhân hãy uống chớ phiền
32. Cớ sao than nỗi không tiền với ta

33. Này đây ngựa năm hoa một cỗ
34. Này ngàn vàng cả bộ áo lông
35. Trẻ đâu: Ðổi lấy rượu nồng
36. Cùng người cùng giải sầu đong vạn đời

04

Bản khuyết danh,

(Dịch áp theo nguyên thể cũnglà thể rất được dân khoa bảng " nệ cổ" yêu thích.
Lối dịch áp thường được dùng trong các giảng đường, sách giáo khoa.)

Sắp Mời rượu

Biết chăng ai:
Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời
tuôn đến bể khôn vời lại được.

Biết chăng nữa:
Đài gương mái tóc bạc
sớm như tơ mà tối đã như sương.

Nhân sinh đắc ý nên càng
Khôn nỡ để chén vàng trơ với nguyệt.
Tài hữu dụng lẽ trời âu hẳn quyết,
Nghìn vàng kia khi hết lại còn.
Lúc vui chơi nào nhắm mùi ngon,
Ba trăm chén cũng dồn một cuộc.
Cụ Sầm rủ cụ Đan khuyên chuốc,
Rượu nâng lên chớ được dừng tay.
Vì ngươi hát một khúc này,
Xin ngươi sẽ lắng tai nghe lấy.
Tiệc chung cổ ngọc vàng là mấy,
Hãy nên say say mãi tỉnh chi mà.
Thánh hiền xưa cũng vẵng xa,
Chỉ có rượu với người say là vẫn để.
Tiệc Bình Lạc xưa kia cũng thế,
Muời nghìn chung mặc thích vui cười.
Tiền chủ nhân bao quản vắn dài,
Cũng mua nữa cùng ngươi khuyên rót.
Ngựa hoa tốt mà áo cừu cũng tốt,
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon.
Cùng ngươi giải vạn kiếp buồn.
                          khuyết danh (7)
 
 

IV-Ngoại Văn

Bản tiếng Anh sưu tập này dành cho một thế hệ người Việt 1,5 nay đang sống tại Hoa kỳ, nay họ nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt, hy vọng qua bản dịch này có dịp giúp khách thơ đối chiếu độ cảm thụ văn chương giữa lớp già chúng ta và lớp trẻ, con cháu mình, có dip đối chiếu giữa tâm hồn Việt và tâm hồn người Âu Mỹ trong thú thưởng thức văn chương cũng như khảo sát sắc đatính của ngôn ngữ Việt. Và từ đó so sánh tính này với người Anh ,người Mỹ kể cả người Tàu. Bản dịch này được dùng trong khoa văn chương, tính chỉ cổ văn TQ, nay còn được dùng tại vài trường Đại học tại Hoa Kỳ

BRINGING IN THE WINE

Translated by Witter Bynner

See how the Yellow River's waters move out of heaven.
Entering the ocean, never to return.
See how lovely locks in bright mirrors in high chambers,
Though silken-black at morning, have changed by night to snow.
... Oh, let a man of spirit venture where he pleases
And never tip his golden cup empty toward the moon!
Since heaven gave the talent, let it be employed!
Spin a thousand pieces of silver, all of them come back!
Cook a sheep, kill a cow, whet the appetite,
And make me, of three hundred bowls, one long drink!
... To the old master, Cen,
And the young scholar, Danqiu,
Bring in the wine!
Let your cups never rest!
Let me sing you a song!
Let your ears attend!
What are bell and drum, rare dishes and treasure?
Let me be forever drunk and never come to reason!
Sober men of olden days and sages are forgotten,
And only the great drinkers are famous for all time.
... Prince Chen paid at a banquet in the Palace of Perfection
Ten thousand coins for a cask of wine, with many a laugh and quip.
Why say, my host, that your money is gone?
Go and buy wine and we'll drink it together!
My flower-dappled horse,
My furs worth a thousand,
Hand them to the boy to exchange for good wine,
And we'll drown away the woes of ten thousand generations!

* * *

V -Tham khảo

1)Nguyễn Q Thắng,Từ Điển Tác Giả Việt Nam, NXB Văn Hóa, 1999, trang 1441:

Vũ Hoàng Chương có ra vở kịch thơ mang tên là "Ta Đã Làm Chi Đời Ta", (1973), và VHC cũng có viểt một tập hồi ký.

2)Lê Vân Đình , "Giai thọai Văn Học Ðường", NXB Thanh Hóa 1997, ( trang 314 , 315).. ..

3)Thơ Đường, Viện Văn học Hà nội , 1978(?)

4)Tuyển tập các bài thơ dịch của Ngô tất Tố ,

5)Thơ Đường của Trần trọng San.

6)Nguyễn Bích Thuận, Thơ Đường , giáo trình dùng trong trường học nxb... , năm, trang 87,88.

6) Trần Trọng Kim, Đường thi, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-2003,(tái bản )

khi dịch bài này cụ Trần khen với đại ý : "....ý thơ rất hào phóng, xưa nay chưa từng có."

7) www.vi.wikipedia.org