Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ
Truyện ngắn Xuân Tuynh

Ngôi đền cổ làng Phủ

Từ ngày ngôi đình cổ làng Phủ được Bộ Văn hóa cấp bằng chứng nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia, có nhiều khách du lịch, nhà sử học, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà điêu khắc, họa sĩ... đến thăm. Ông thủ từ đình làng Phủ bận rộn suốt ngày. Hết đón đoàn này lại đón đoàn khác. Cái ấm nhôm bự sư nấu nước phục vụ khách của ông sôi sùng sục trên bếp suốt ngày giống như một chiếc máy phát điện nhỏ chạy hết công suất. Cô cháu gái mười tám tuổi của ông bận rộn với công việc nấu nước pha trà, quét dọn đình, tiếp khách mồ hôi ướt đẫm mặt mày, hai má cô lúc nào cũng đỏ ửng như hai quả bồ quân. Cô là nhân vật được nhiều du khách để ý bởi nét đẹp hồn nhiên, mộc mạc của một cô thôn nữ vùng quê kiểu đồng bằng Bắc bộ; các vị "phó nháy" thì luôn lấy cô ra làm người mẫu.

Trong số đông các họa sĩ về vẽ đình làng Phủ, người làng Phủ đặc biệt chú ý đến ông Họa sĩ tuổi trạc ngũ tuần, tóc muối tiêu, gương mặt chữ điền, phúc hậu. Ông Họa sĩ này có mặt thường xuyên ở đình làng Phủ. Ông mang chiếc cặp đen to như chiếc va ly. Bên trong đựng đầy giấy cùng bút, cọ vẽ đủ loại. Ông miệt mài vẽ đình làng Phủ ở mọi góc độ, không bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào của ngôi đình. Nhiều ngày ông vẽ quên ăn, quên uống, vẽ như chạy đua với thời gian. Các bậc trung niên trong làng Phủ nhìn ông thấy quen quen nhưng không nhận ra ông là ai, tên gì. Trong làng duy nhất chỉ có anh em ông Ngạn, thủ từ đình làng Phủ là biết rõ về ông Họa sĩ này. Vào ngày rằm, tháng tám năm Tân Mùi, tròn một năm, đình làng Phủ được công nhận Di tích Quốc gia, bà con trong làng tề tựu đầy đủ cúng đình. Khi mọi người ngồi quây quần bên mâm cỗ, có mặt đầy đủ các chức sắc trong làng, ông Ngạn mới phân bua về sự có mặt của ông Họa sĩ ở làng Phủ trong suốt một tháng qua, gây sự chú ý của cả làng.

Nâng chén rượu lên, chúc mọi người, ông Ngạn cạn ly rồi chậm rãi nói:

- Thưa các bậc cao niên trong làng, thưa bà con cô bác. Bà con cô bác còn nhớ Tiểu đoàn 18, Quân khu 3 không? - Mấy ông già, bà già gật gù nói: "Có, có nhớ. Đơn vị này năm một ngàn chín trăm sáu chín về đóng quân ở làng ta". Ông Ngạn nói tiếp:

- Đúng rồi. Tiểu đoàn 18 về đóng ở làng Phủ cả năm trời. Ông Họa sĩ thường lui tới vẽ đình làng ta thời gian qua. Đó chính là anh Họa sĩ họ Lê, Lê Hùng. Anh Hùng ngày ấy là cán bộ trẻ Tiểu đoàn 18, quê ở Phú Thọ. "Có phải cái nhà anh Hùng, người yêu của cô Hường, con gái ông Quỹ Thiên không?" - mấy bà ngồi phía sau lưng ông Ngạn hỏi.

- Đúng. Đúng là anh Hùng đó. "Mối tình của cô Hường và anh Hùng, một mối tính buồn mà đẹp như trong phim ảnh, bậc trung niên ở làng Phủ ai chẳng biết". - Một bác ngồi cùng mâm với ông Ngạn, nói.

Mối tình của Hùng và Hường được các ông bà trong làng Phủ kể:

Mùa xuân năm một nghìn chín trăm sáu chín, đơn vị Hùng về đóng quân ở làng Phủ luyện tập để bổ sung cho chiến trường miền Nam, Hùng là cán bộ trung đội trưởng, ở trong nhà của Hường, ngày ấy cô Hường là tiểu đội trưởng, tiểu đội dân quân làng Phủ. Hùng là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, vui tính, nói chuyện có duyên, hát chèo, hát dân ca Quan họ rất hay. Hùng còn có khiếu vẽ. Anh vẽ khá đẹp. Hùng ấp ủ sau này hết chiến tranh trở về, theo học mỹ thuật. Hùng biết nhiều làn điệu chèo. Hường cũng là người mê chèo, hát chèo cũng ngọt ngào. Ngoài giữ chức tiểu đội trưởng dân quân, Hường còn tham gia trong đội chèo của làng. Một cô gái có gương mặt trái xoan, đôi má lúm đồng tiền, miệng cười có duyên. Trong đội chèo của làng, Hường thường đóng các vai nữ chính như Thị Kính trong tuồng Quan Âm Thị Kính; Thúy Kiều trong Truyện Kiều. Qua những đêm giao lưu văn nghệ giữa đơn vị của Hùng với thanh niên, dân quân địa phương, Hùng và Hường say mê tiếng hát chèo của nhau. Nhiều đêm văn nghệ Hùng và Hường cùng lên hát song ca. Trong hoạt cảnh chèo: "Đường về trận địa" Đội văn nghệ làng Phủ mời Lê Hùng thủ vai anh bộ đội (vai cô dân quân do Lệ Hường đóng). Hai người diễn với nhau rất "ăn ý". "Con sông lâu vẫn chảy i nay con cá i nó vẫn lội. Rằng sông ơi tôi hỏi đơn vị chuyển về i hi đâu...". Làn điệu đường trường Vị Thủy Hùng cất lên làm thổn thức con tim bao cô gái làng Phủ. Riêng Lệ Hường, giọng hát của Hùng đã ngấm vào trong từng mạch máu của cô. Hai người yêu nhau từ đấy.

Hường và Hùng sau mỗi ngày luyện tập, tối về hai người lại kéo nhau ra ngồi dưới mái hiên đình làng tâm sự, bàn luận về cái hay cái đẹp của các làn điệu chèo. Nhiều đêm họ ngồi với nhau đến khuya, mái đầu ướt đẫm sương đêm. Hường nói với Hùng:

- Anh Hùng này, chúng ta yêu nhau, đợi khi nào đất nước thống nhất, anh từ chiến trường trở về, chúng ta sẽ làm lễ cưới. Chúng ta phải sống chung thủy với nhau trọn đời, anh có dám hứa với em điều đó không? - Hùng vuốt nhẹ lên mái tóc mềm mại, óng mượt của Hường. Nói nhỏ vào tai Hường:

- Anh hứa, anh hứa. Lời hứa của một người lính có ánh trăng kia chứng giám. - Hường gục đầu vào bờ vai Hùng, nước mắt trào ra, nói nhỏ:

- Dù phải chờ đợi anh bao lâu em vẫn chờ, vẫn đợi!

Đêm rằm tháng tám, năm một ngàn chín trăm bảy mươi, một đêm đáng nhớ, một đêm sâu đậm nhất của Hùng và Hường. Hùng ngồi tâm sự với Hường để sáng hôm sau chia tay nhau, Hùng cùng đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Dưới ánh trăng rằm vằng vặc, trong làn gió thu se lạnh, hai người ngồi sát bên nhau trò chuyện. Chuyện về gia đình, chuyện đất nước, chuyện hiện tại, tương lai... cứ thế như kéo dài cho đến khi gà trong xóm gáy vang, người trong làng đã thức dậy ra đồng, hai người mới chia tay. Trước lúc chia tay Hùng đặt một nụ hôn khẽ khàng lên môi Hường. Đây là nụ hôn đầu tiên Hùng hôn lên môi Hường sau bao ngày tháng dài yêu nhau. "Em sẽ nhớ suốt đời cái giây phút này, cái nụ hôn ấm nồng này". Hường xúc động.

*

Sau ngày miền Nam giải phóng, Hùng trở về. Trên đường từ Sài Gòn ra, Hùng không về quê mà khoác ba lô đến thẳng làng Phủ, về với Hường. Vừa tới đầu làng, Hùng hay tin Hường đã hy sinh từ giữa năm một ngàn chín trăm bảy mốt, sau cái ngày hai người chia tay nhay tròn một năm. Bao nhiêu hy vọng, ấp ủ những năm sống ở chiến trường, ngày thống nhất đất nước sẽ về gặp lại người yêu, cùng dắt tay nhau bước lên xe hoa trong ngày hợp hôn đã vụt tắt. Hùng đau khổ tột cùng, đứng chết lặng giữa sân đình làng Phủ.

Dân làng Phủ kể: "Cuối năm một ngàn chín trăm bảy mốt, một đêm rét buốt, máy bay giặc Mỹ điên cuồng bắn phá dữ dội xuống cầu Đoan Vĩ, cách làng Phủ chừng hai cây số. Tiểu đội nữ dân quân 12 ly bảy của Hường phối hợp với đơn vị pháo cao xạ bộ đội chủ lực bắn trả quyết liệt suốt một giờ đồng hồ. Chúng phát hiện trận địa 12 ly bảy của Hường, lao thẳng xuống bắn róc két, cả khẩu đội hy sinh. Xác của Hường văng xa cách trận địa năm trăm mét, hai ngày sau đồng đội và bà con cô bác trong làng mới tìm thấy, mang về an táng trong nghĩa trang của xã.

Thương nhớ người yêu, Hùng đã tự tay kết một vòng hoa lớn mang ra nghĩa trang, đặt lên mộ người yêu và lần lượt đốt từng cây nhang một cho đến khi hết một bó nhang lớn cắm lên phận mộ Hường, Hùng ngồi ở đó suốt nửa ngày trời mới ra về. Nước mắt của Hùng ướt đẫm đám cỏ trước mộ Hường.

*

Trở lại với ngồi đình làng Phủ. Một ngôi đình có cách đây ngót hai trăm năm, một ngôi đình được những bàn tay tài hoa nhất trong vùng kinh Bắc xây dựng. Những nét trạm trổ tinh xảo tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết nhỏ khiến người xem phải bái phục. Đình làng Phủ được các nhà điêu khắc đánh giá vào loại bậc nhất, nhì trong số các đình, chùa ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng Phủ là nơi ẩn náu, hoạt động bí mật của Việt Minh. Dân làng Phủ sống chất phác, giàu lòng yêu nước. Nhưng làng Phủ lại là một làng nghèo nhất trong vùng. Dân làng Phủ sống chủ yếu bằng nghề nông. Một năm cày cấy hai vụ lúa nhưng chỉ thu hoạch một vụ, còn một vụ ngập chìm trong nước, thu hoạch chẳng là bao. Bởi nơi đây là vùng đồng chiêm trũng. Từ ngàn xưa, làng Phủ có câu:

"Làng Phủ khổ lắm người ơi

Sống thì ngâm thịt, chết thời ngâm xương".

Ông tổ của làng Phủ, người có công lập làng là cụ tiên sinh Nguyễn Hữu Lợi. Cụ Lợi xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ có vầng trán cao, rộng. Tính tình điềm đạm, giàu lòng thường người.

Cạnh làng Phủ là làng Viềng. Làng Viềng diện tích rộng gấp đôi làng Phủ. Dân làng Viềng có cuộc sống khá giả. Ngoài làm nông, còn có các nghề phụ như trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, nghề mộc, nghề rèn... Dân làng Viềng nhiều người học cao, đỗ đạt ra làm quan to trên huyện, trên tỉnh.

Đầu thế kỷ hai mươi, thấy làng Phủ hàng năm, vào mùa tháng tám đường xa đi lại ngập lụt, việc giao thương trong làng gặp trở ngại, ông Lý Văn Đợi thủ từ làng Viềng là bạn chí thân của ông Nguyễn Hữu Lợi. Ông Đợi nói với ông Lợi, làng tôi khá giả hơn làng ông. Tiền công đức hàng năm dân làng đóng góp rất lớn. Tôi muốn giúp làng Phủ xây một con đường kiên cố từ tỉnh lộ về làng để bà con đi lại bớt khổ. Đổi lại, làng Phủ cắt nhượng cho làng Viềng một trăm mẫu ruộng nằm kề làng Viềng để làng Viềng xây nhà xưởng mở rộng các ngành nghề. Nghe ông Đợi nói vậy, ông Lợi tính toán một chặp rồi gật gù đồng ý. Hai ông làm giấy giao kèo. Trong giấy giao kèo ghi rõ: "Làng Phủ cắt nhượng cho làng Viềng một trăm mẫu ruộng ở phía bắc làng, liền kề với làng Viềng, làng Viềng cho làng Phủ vay số tiền mười vạn đồng Đông Dương, đủ để xây con đường dài hai nghìn mét, từ làng Phủ lên tỉnh lộ. Khi nào làng Phủ hoàn trả đủ số tiền trên, làng Viềng trả lại ruộng đất cho làng Phủ". Bản giao kèo được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

Cầm bản giao kèo về, ông thủ từ Nguyễn Hữu Lợi họp làng, công bố bản giao kèo, những tưởng bà con trong làng vui mừng, không ngờ bà con lại không mấy mặn mà. Bà con chất vấn ông thủ từ. Vay món nợ lớn như vậy biết đến bao giờ làng Phủ chúng ta mới trả được. Vả lại một trăm mẫu ruộng của làng là vùng đất tốt "bờ xôi, ruộng mật". Cắt cho họ khi nào mới đòi lại được. Cắt đất nhượng cho bên ngoài là có tội với tổ tiên. Ông thủ từ phân trần:

- Thưa bà con, món nợ của làng Viềng cho làng ta vay xây đường là vô thời hạn. Đời ta không trả được thì đời con chúng ta trả. Cái lợi trước mắt làng ta có con đường lớn, đi lại bớt khổ. Còn về một trăm mẫu ruộng họ chỉ mượn chứ không phải chiếm hữu.

Một vị cụ già, gương mặt quắc thước, chòm râu bạc phơ, một người có uy tín trong làng đứng lên cật vấn ông Lợi:

- Thưa ông thủ từ. Ông nói món nợ của làng Viềng, đời ta không trả được thì đời con chúng ta trả. Nhưng nếu họ bội ước thì làng ta mất trắng đất đai à?

- Mất là mất thế nào. Đôi bên đã giao kèo, giấy trắng mực đen làm bằng sao có thể mất được. Ông Lợi nói chắc như đinh đóng cột.

Cuộc họp diễn ra căng thẳng, kéo dài chừng hơn một canh giờ vẫn chưa hết ý kiến. Cuối cùng, ông Nguyễn Hữu Lợi lấy quyền là thủ từ, người cao nhất trong làng quyết. Buộc dân làng phải nghe theo. Ai phản đối sẽ xử theo hương ước của làng.

Thấy chồng mang một khoản tiền lớn về nhà cất giữ. Bà Lã, vợ ông Lợi nẩy lòng tham, nói với chồng:

- Ông này, tiền nhiều như vậy, mình lấy ra một ít để sắm đồ đạc trong nhà và chu cấp cho con nó ăn học. Ai biết đấy là đâu.

- Không được. Đây là tiền của làng, tiền làm đường. Mình không thể lấy được. - Ông Lợi thẳng thắn trả lời vợ. Bản chất ông xưa nay là người tốt, người thủ từ được dân làng kính trọng.

Không lay chuyển được chồng, bà Lã làm mặt giận, bỏ bê không chăm lo cơm nước, nâng khăn sửa túi cho đức ông chồng, tối không cho chồng lên giường. Cuối cùng buộc ông Lợi phải nhượng bộ.

Con đường bị cắt xén kinh phí, chất lượng công trình kém, chỉ sao vài năm đã xuống cấp. Ông Ngàn mất tín nhiệm với dân làng.

*

Năm một ngàn chín trăm chín mươi của thế kỷ trước, đình làng Phủ được Bộ Văn hóa cấp bằng Di tích lịch sử, dân làng mở hội đón nhận bằng Di tích, con đường từ tỉnh lộ vào làng vẫn gập ghềnh, ổ trâu, ổ bò. Xe ô tô của lãnh đạo tỉnh, huyện về chồm chồm như cóc nhảy trong vườn. Dân làng Phủ đời sống có khấm khá hơn, nhiều gia đình đã có nhà xây, có ti vi... Tuy vậy, làng Phủ vẫn còn là làng nghèo của xã, của huyện.

Ông Lợi có mắc sai lầm trong vụ cắt đất nhượng cho làng Viềng, cắt xén tiền làm đường, nhưng bà con làng Phủ với tấm lòng vị tha, giàu tình nhân ái đã bỏ qua mọi khiếm khuyết của ông; kính trọng ông là người có công lập làng Phủ. Khi ông Lợi qua đời, dân làng vẫn tổ chức tang lễ linh đình. Lăng của ông được dân làng góp tiền, công xây dựng khang trang, trên một thửa đất rộng đối diện với đình làng. Hàng tháng, vào ngày mùng một, ngày rằm, sau khi cúng đình xong, bà con lại ra thắp nhang cho ông Lợi.

*

Họa sĩ Lê Hùng, sau nhiều ngày miệt mài vẽ đình làng Phủ, anh cho ra đời vài chục bức tranh sơn dầu, đủ kích cỡ. Bức nào cũng sống động. Vẽ tranh phong cảnh về đề tài làng quê là sở trường Hùng. Anh tổ chức một cuộc triển lãm tranh về làng Phủ, nhiều bức tranh đình làng Phủ được giới hội họa cả nước đánh giá cao. Các nhà sưu tập tranh trên thế giới, khách du lịch tìm đến mua tranh của anh. Họa sĩ Lê Hùng từ một chàng họa sĩ nghèo trở nên giàu có. Tên tuổi của anh nổi lên như cồn. Anh được mời đi du lịch khắp đây đó. Họa sĩ Lê Hùng tâm sự:

- Mình có được thành công trong triển lãm cá nhân đầu tiên, bán được nhiều tranh là nhờ có Lệ Hường, người yêu cũ của mình phù hộ.

Lê Hung dành toàn bộ số tiền bán tranh vẽ về đình làng Phủ, ngót một tỷ đồng tặng cho làng Phủ xây dựng lại con đường tỉnh lộ về đình làng to đẹp.

Ngày khánh thành con đường, có đông đảo cán bộ huyện, xã bà con cô bác làng Phủ tới dự. Những chàng trai lực lưỡng làng Phủ bế bổng Họa sĩ Lê Hùng tung lên cao trước sự hò reo của dân làng.

Được trở về làng Phủ, vẽ đình làng Phủ, Lê Hùng thấy ngập tràn hạnh phúc. Ngỡ như mình được gặp lại Lệ Hường, cùng Lệ Hường ngồi trò chuyện dưới mái đình những đêm trăng sáng như cái ngày xưa ấy.

Nha Trang, 20-7-2014

Xuân Tuynh

 

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang 
DĐ: 0908.625.369-