Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Thái tử Shotoku và chùa Horyu Ji ở Nhật Bản

Võ Quang Yến

Vào giữa thế kỷ 6, lúc triều đình Yamato chính thức chấp nhận Phật giáo từ Triều Tiên nhập vào, cũng là lúc nội bộ chính quyền Nhật Bản lủng củng và chia làm hai phe. Một phe bảo thủ gồm có hai gia đình Mononobe (chức vụ bảo vệ, cảnh sát) và Nakatomi (đặc nhiệm nghi thức, lễ bái) cố sức bám giữ vào đạo Shinto. Phía kia dựa vào thế lực của gia đình Soga, muốn đất nước mở rộng ra những tư tưởng mới lạ. Moriya, gia trưởng Mononobe, lấy cớ bệnh dịch phát ra là vì các thần địa phương tức giận và được vua cho phép đốt cháy ngôi chùa của gia đình Soga, vứt tượng Phật xuống sông. Một cuộc nội chiến diễn ra. Rút cuộc gia đình Soga thắng thế sau khi Moriya tử trận ở Shigi năm 587. Từ đây Nhật Bản bước vào một kỷ nguyên mới, mở cửa ra lục địa. Phật giáo mạnh mẽ nẩy nở trên đất Phù Tang, nhất là người cầm đầu nhóm cải lương là thái tử Shotoku (574-622).

Khi vua Yomei băng hà năm 592, em gái là hoàng hậu Suiko, mà mẹ thuộc dòng Soga, lên ngôi kế vị, nhường quyền nhiếp chính cho người cháu con vua Sotoku Taishi. Là một người thông minh bậc nhất thời bấy giờ, thái tử lại rất uyên bác, thấm nhuần nhân bản Trung Quốc. Ông học thánh kinh dưới sự chỉ đạo của Eji, một vị chân tu bác học Triều Tiên. Khảo cứu về ba kinh thánh, ông chú trọng về kinh Diệu Pháp Liên Hoa, viết những bài bình chú đầu tiên về tiếng Nhật, sau nầy có ảnh hưởng nhiều lên Phật giáo Nhật Bản luôn mấy thế kỷ, ngày nay đang vẫn còn được nghiên cứu. Mọi hành động của ông đều được hai đức tính chủ yếu chỉ đạo : sự khoang dung và lòng trắc ẩn. Về mặt đạo đức, khoang dung là điểm trung tâm của kinh Diệu Pháp Liên Hoa vượt lên trên mọi khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa nên trong rất lâu kinh nầy rất được tôn trọng ở Nhật, thể hiện trong sự chung sống hòa bình giữa Phật giáo, Khổng giáo, Thần giáo và ngay cả Công giáo đến từ phương Tây xa xăm. Còn lòng trắc ẩn toàn năng là lý tưởng tiêu biểu nhất của vị bồ tát Đại thừa. Thông thạo chính văn thánh sử, ông lập đạo Phật thành quốc giáo (594). Năm 604, ông cho ban bố một chỉ dụ 17 khoảng dựa lên những giới luật Phật giáo và đạo lý Khổng giáo. Quan niệm như một bảng hướng dẫn đạo đức cho giới quan lại trong triều, chỉ dụ bắt đầu với câu : "Hòa hợp là giá trị tối cao". Ông căn dặn không nên mù quáng tuân theo dụ mà thực hiện hòa hợp dựa lên một sự thấu hiểu lẫn nhau. Phải chăng đây là một lời dạy trong lý thuyết đạo Phật ? Từ đấy, Phật giáo là chất keo gắn bó hoàng triều với các tầng lớp quí tộc và những giới tăng lữ.

Năm 607, ông gởi một sứ bộ sang triều nhà Tùy, bắt đầu một cuộc giao hảo với Trung Quốc đến 838. Nhiều nhà trí thất, học giả, Phật tử Nhật Bản theo qua học hành, đào tạo. Ảnh hưởng của nền văn hóa Tàu lên đất Phù Tang thật là quan trọng trong đủ mọi mặt triết lý, khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật cũng như trong các ngành kiến trúc, canh nông,...Theo thái tử, không cần phải đi tu mới trở thành Phật được, toàn nhân loại đều có khả năng đạt đến chốn thiên tiên, từ đấy Phật giáo xen lẫn hài hòa với đời sống hằng ngày. Trong cách diễn tấu Phật giáo, thái tử vượt quá thuyết tĩnh tịch đã được trình bày trong các sách xưa để có thể áp dụng một cách vị lợi, tuy không bất đồng với tinh thần Đại thừa suy diễn ở Viễn Đông. Ông luôn tranh thủ cho một ý niệm mỗi người phải làm việc cho lợi ích tập thể, cho hạnh phúc kẻ khác, đứng đầu là những người cầm quyền có trách nhiệm. Ông cho xây dựng nhiều chùa mà có tiếng nhất là chùa Tứ thiên vương Shitenno ji, nay thuộc thành phố Osaka, và Horyu ji ở gần cố đô Nara, trong vùng Ikagura. Shitenno ji bây giờ là một chùa thờ Phật như những chùa khác, nhưng dựa lên căn bản thực dụng của thái tử, trước kia chùa được lập ra theo bốn thể chế : một điện để thờ cúng và học hỏi kỷ luật, triết lý, khoa học Phật giáo ; một phòng chữa bệnh cung cấp cây thuốc cho bệnh nhân ; một nhà cứu tế cho những người nghèo và già yếu ; một bệnh viện chữa miễn phí cho tất cả mọi người.

Horyu ji là ngôi chùa xưa nhất Nhật Bản còn tồn tại và cũng là tập hợp kiến trúc bằng gỗ xưa nhất thế giới. Vào cuối đời thái tử, trong chùa có đến 800 nam và 500 nữ tu sĩ. Chùa được xây dựng năm 607, theo những dòng khắc trên lưng vầng hào quang tượng Phật Dược sư Yakushi nyorai đặt trong kim điện Kondo. Sự tích kể lại vua cha Yomei đau yếu, muốn được lại sức, yêu cầu con cho đúc tượng Phật Dược sư và xây một ngôi chùa để chứa tượng ấy. Trước đó vài năm, thái tử Shotoku đã cho xây điện Ikaruga no miya, vài trăm thước phía đông Horyu ji ngày nay, trong tinh thần nâng cao nền văn hoá quốc gia đồng thời cho phát triển thịnh vượng Phật giáo. Horiyu ji nằm trong thời kỳ hoạt động tích cực nhất đời ông. Về những ngày cuối đời thái tử cũng có những dòng khắc khác trên lưng vầng hào quang tượng bộ ba Phật Shaka kể lại. Năm 621, hoàng hậu Hashihito, vợ vua Yomei và là mẹ thái tử, qua đời, năm sau thái tử lâm bệnh. Vợ thái tử là công chúa Kashiwade no bunin lo chăm sóc thuốc men, quá mệt cũng nằm liệt giường. Thấy vậy, triều đình cùng các bà công chúa và hoàng tử Yamashiro no Oe liền quyết định cho thực hiện một tượng Phật Shaka lớn bằng người thật, hầu mong bảo vệ thái tử sống lâu nếu không là đưa tiễn thái tử về nơi thiên đường cực lạc. Nhưng đầu năm 622, Công chúa Kashiwage qua đời, một ngày trước thái tử. Tượng được nhà điêu khắc Shiba Karatsukuri no Obito no Tori (ngày nay gọi tắc Tori) thực hiện năm 623 trong một bộ ba gồm có đức Thích Ca Shaka đứng giữa hai vị Bồ tát Văn Thù Monju và Phổ Hiền Fugen, một năm sau khi thái tử về chốn suối vàng lúc 49 tuổi.

Ngôi chùa Horyu ji bị sét đánh và lần đầu tiên bị cháy một tối mùa xuân 670. Lập tức một ngôi khác được xây thay phía bắc chỗ cũ và hoàn thành vào năm 711. Dần dần nhiều miếu điện được thêm vào và trong thời đại Nara (710-794), dưới sự giám hộ của triều đình, chùa được kê vào bảng "bảy chùa miền nam" hay "mười chùa lớn". Đằng khác, trên nền cũ điện Ikagura no miya, người ta cho xây ngôi chùa Jôgu O in năm 739. Gyushin, vị trù trì Horyu ji, cho cất thêm một cái điện hình bát giác gọi là mộng đình Yume dono vì theo tục truyền thái tử Sotoku đã suy nghĩ ở đây các giải pháp cho những vấn đề chính trị, triêt lý qua các giấc mơ. Thờ trong điện nầy có tượng Quan Âm Guze Kannon bằng gỗ cây long não mạ vàng, mũ miện bằng đồng chạm trổ tinh vi, bộ điệu uyển chuyển khác hẳn với các tượng khác. Kiệt tác thời đại Asuka (538-710), nghe nói tạc theo hình dáng thái tử, tượng được bảo quản toàn vẹn cho đến nay. Nhiều tượng và vật liệu khác của thái tử cũng được dồn về lại đây, biến Yume dono thành một nơi hành hương trong rất lâu độc lập, đến thế kỷ 11 mới nhập vào tổng thể Horyu ji. Nhưng qua thế kỷ 16, lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi chiếm lấy ruộng đất, chùa trở nên nghèo, không có đủ tiền bảo quản những kiến trúc bàng gỗ. Cũng may, cuối thế kỷ 17, những lãnh chúa Tokugawa Tsunayoshi, Mito Komon bổ túc tiền cúng của tín đồ, thực hiện chương trình trùng tu mang tên "Cuộc tu bổ lớn thời đại Genroku" (1688-1707). Đến 1868, đầu thời Phục hưng Minh Trị, Horyu ji cùng những chùa Phật khác ở Nhật Bản lại bị điêu đứng sau khi Phật giáo và đạo Shinto chia rẽ. Qua năm 1872, khi làm thống kê những tài nguyên văn hóa, chính phủ mới nhận thức sự quan trọng của bộ sưu tập quý giá ở Horyu ji. Năm 1878, chính phủ lấy đem về Hoàng cung 300 bảo vật và trả 10.000 yen để sửa chữa chùa. Mặc dù vậy, Horyu ji luôn được biết tiếng khắp thế giới là một kho tàng văn hóa Phật giáo. Mãi đến năm 1930, chùa mới được hoàn toàn trùng tu.

Ngày nay, đi tham quan Horyu ji, khách được mời xem hai nhóm kiến trúc : Sai in phía tây, To in kèm với Kita muro in và Yume dono phía đông. Hai cơ sở quan trọng nhất của Sai in là kim điện Kondo, đặc trưng phong cách Asuka, và tháp năm tầng Goju no to nằm sát phía tây Kondo. Điện thuyết pháp Dai Kodo, phong cách Fujiwara (857-1160), chỉ được dời từ Kyoto về năm 990 để thay thế điện thứ nhất bị cháy năm 925. Qua thế kỷ 12, điện Shoryo in thờ Shotoku cũng mới được xây. Để vào chùa, khách phải bước qua Chu Mon với hai ông hộ pháp Nio xưa nhất Nhật Bản (711), bằng gỗ quét đất, hiện còn vài vết sơn đỏ và đen, biểu hiện ánh sáng và bóng tối. Điện Kondo được trang trí rất tinh vi, chất lượng nghệ thuật đạt mức tối cao. Đáng tiếc là hỏa hoạn năm 1949 đã làm hư hại nhiều tòa nhà và nhất là các tranh vẽ được xem là những kiệt tác nghệ thuật Nhật Bản thực hiện vào khoảng 710, cùng thời với những công trình ở Trung Á như Ajanta. Bây giờ còn lại vài mẫu ở viện bảo tàng và những ảnh chụp trước 1949 trình bày bốn thiên cung Amida (A Di Đà), Miroku (Phật Vị Lai), Shaka (Phật Thích Ca), Yakushi (Phật Dược Sư). Phía trong Kondo, khách còn được chiêm ngưỡng, bên cạnh bộ ba Shaka của nhà điêu khắc Tori, bức tượng đức Phật Dược Sư cùng tác giả thực hiện năm 607, bốn hộ thế thiên vương Shintenno của bốn cõi Trời, bằng gỗ, sơn màu bị phai lạt nhiều.

Tháp Goju no to cao 32,50 m, xây trên một nền đá kim cương, được tháo ra trong thời kỳ chiến tranh và nay đã được lắp lại. Ở tầng dưới, trên bốn mặt cột trụ nâng đở toàn bộ, một dãy các hình nổi tiểu phẩm bằng đất nung, trình bày cuộc đàm thoại giữa hai đức Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền, thiên cung Phật Vị Lai, cuộc hỏa táng hài cốt đức Thích ca, cuộc nhập niết bàn của đức Phật. Những nhân vật rất hiện thực tuy ánh sáng hơi thiếu để nhìn rõ. Trong điện Kondo, bộ ba tượng Phật Dược Sư Yakushi được đặt giữa hai vị Bồ Tát Ánh sáng Mặt trời Nikko và Ánh sáng Mặt trăng Gakko. Trong điện Shoryo in, ngoài tượng Thái tử Shotoku, còn có những tượng các con ông và tượng sư phụ Eji. Phía đông Sai in, trước đường dẫn lại To in là viện bảo tàng Daihozo den. Tuy một phần lớn các công trình nghệ thuật ở đây đã được chuyển về Viện bảo tàng quốc gia Tokyo, cũng còn lại nhiều tác phẩm quan trọng. Một cái tủ của hoàng hậu Suiko, phong cách Asuka, thực hiện cùng thời với cuộc xây cất chùa, mang tên Tamamushi no zushi, là một thánh tích gọi là con bọ hung vàng Chrysochroaw elegans với chín ngàn cánh cứng lấp lánh trên những nép đứng bằng đồng. Những tranh vẽ trên tủ trình bày ngọn núi Ryoju, nơi đức Thích Ca giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ngọn núi Sumi sen, trung tâm vũ trụ, những mẫu sống trong tiền thân đức Phật : cuộc gặp gỡ với thánh Indra, cuộc hiến thân cho con cọp đói. Thánh tích của công chúa Tachibana giản tiện hơn, chứng tích phong cách chuyển tiếp giữa hai thời kỳ Asuka và Nara, chứa đựng một bộ ba A Di Đà Amida.

Nhưng có tiếng nhất có lẽ là tượng Kudara Kannon. Kannon là là đức Bồ Tát Quan Âm. Kudara là tên vương triều Paekche bên Triều Tiên : năm 538, trong số quà vua Song Myong nước ấy gởi qua biếu vua Nhật Bản Kimmei có một tượng Phật và từ ngày ấy, nhất là trong thời kỳ Asuka, nhiều tượng Phật khác và các đức Bồ Tát được thực hiện đủ phong cách, phần lớn có ảnh hưởng Triều Tiên hay Trung Quốc. Cao 209 cm (290,80 cm kể cả vầng hào quang), Kudara Kannon, có tên từ 1916, có thể được thực hiện bên Ấn độ rồi đem đến Nhật Bản qua trung gian Triều Tiên. Tượng được chạm trong gỗ cây long não Cinnamomum camphora có mùi thơm lừng tuy cứng, khó đẽo. Bà đứng trên một cái bệ, tay trái nắm miệng một bình nước gỗ cây bách Chamnaecyparis obtusa. Vầng hào quang cũng bằng gỗ cây long não nhưng cái gậy chống đở lại bằng gỗ cây thông đỏ Torreya nucifera. Bà mặc một cái áo cánh sogishi chéo ngang trước ngực từ vai mặt qua háng trái, một cái váy kun khỏa xuống đến chân, cột ngang bụng một cái thắt lưng kéo dài đến bụng. Trên lưng bà, một cái khăn choàng tenne (thiên y) phủ xuống hai vai, chéo ngang đầu gối và thòng xuống chân bệ. Bà đội một cái mủ miện khắc ở giữa một tuợng đức A Di Đà mà đức Quan Âm là một trong những người thay mặt trên cỏi đời nầy. Những đồ nữ trang ở ngực hay những vòng ở cánh tay, cổ tay đều bằng đồng thanh khắc trỗ. Dáng điệu thon gầy, dong dỏng cao nhưng cơ thể rất cân đối, dài đúng tám lần cái đầu. Má hình quả hạnh, miệng hé mỉm cười biểu lộ một vẻ huyền bí nhưng những nét vạch ít nổi, đường lông mày mờ nhạt lan tỏa một tính dịu hiền. Những chi tiết nầy là đặc trưng cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 7 nhưng tượng không lòng khòng, với vẻ mặt nghiêm khác như tượng Gaze Kannon ở điện Yumedono, bố cục không cân đối, không cứng nhắc như bộ ba Phật Shaka ở điện Kondo .

Kudara Kannon là một bức tượng để nhìn từ bốn phía, đặc biệt phía bên để ngắm hai ngón tay mềm mại nắm miệng bình nước. Rất tiếc là ở Viện bảo tàng Horyu ji, tượng được đặt trong một khoảng hẹp cuối phòng khó đi quanh, lại thiếu ánh sáng để nhìn rõ. Trái lại, năm 1997, khi chùa cho Viện bảo tàng Louvre ở Paris mượn trong gần một tháng, tượng đã được kê một mình trong một phòng lớn, có đủ đèn rọi sáng nên khách mặc sức đi quanh phân tích từng chi tiết như ở mặt mày, những hình trổ đồ nữ trang, những nếp áo sogishi, váy kun,... trên một hình tượng bằng gỗ quí báu trong lúc những tác phẩm cùng thời đều bằng đồng. Những nhà khảo cứu dùng bức xạ thấy bên trong tượng được nạo và thay thế vào những mảnh gỗ để tránh khỏi bị nứt nẻ. Toàn thân phủ kín một lớp sơn mài trộn với vỏ bào và mùn cưa. Những lớp màu sắc xanh, đỏ, trắng không đồng đều, khi dày, khi mỏng tùy chỗ, bị tróc đi nhiều. Dù sao, những nhà trang trí Viện Louvre vẫn thấy và biết trưng bày những nét đẹp của tượng Kudara Kannon. Tôi hơi lạ là người Nhật không kém ai về mặt nghệ thuật, hình như quên bỏ một kho tàng quí báu như tượng nầy, trừ phi họ có qua nhiều bảo vật nên không đếm xỉa đến. Nghe nói một ngày mai đây, một cái điện sẽ được xây cất dành cho Kudara Kannon. Ai cũng còn nhớ vào thời Minh Trị (1867-1912), nhà kỹ nghệ kiêm khảo cổ người Pháp Emile Guimet (1836-1918) đã từng đem từ Nhật Bản một số lớn bảo vật về Pháp trưng bày trước ở Lyon, ngày nay ở Paris trong viện Bảo tàng Á Đông mang tên ông. Chùa Horyu ji, với tượng Kudara Kannon và nhiều kiệt tác khác, là một kho tàng của nhân loại và may mắn tên chùa được gắn liền với tên thái tử Shotoku, một người uyên bác đủ mọi mặt, một Phật tử đã đóng góp nhiều trong việc phát triển đạo Phật trên dãy đảo Phù Tang.

Xô thành 2000-2007


Trở Về   ]