Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Khí vị Phong lan Huế

Trần Hạ Tháp

Loài hoa tượng trưng cho cao nhân, ẩn sĩ ở lâm tuyền...Những hiền nhân xưa dựng lều nơi thâm sơn cùng cốc. Hoặc các thiền sư với chùa, am chốn núi đồi thanh tịnh. Các vị chỉ có suối, lan, kinh kệ, thi văn và mây trắng. Khi tao ngộ loài hoa kia - khác với phàm nhân tìm tiêu dao để lãng quên ngày tháng - cao nhân, ẩn sĩ hoặc bậc thanh tu không lánh đời. Họ chỉ lánh mình để trước tác hoặc nghiền ngẫm kinh văn nhằm liễu đạo, truyền đời...Đấy là những người học rộng tài cao, thiết tha với vận mệnh chúng sinh song chẳng để tâm đến quyền chức lợi danh. Những thứ ấy, với cao nhân, ẩn sĩ hoặc bậc thanh tu nào khác gì đôi dép bỏ bên đường...

Tất cả tìm một chốn tĩnh tâm để lặng lẽ soi mình lên mặt gương thế sự. Thân nhàn song tâm tư họ - khác hẳn - luôn đồng cảm và thao thức cùng nhân quần xã hội. Từ trong cảnh giới đặc biệt ấy mà "U cốc phong lan" dần dà đã trở thành người bạn thân thiết không biết từ bao giờ. Người bạn ấy vốn "vô ngôn" giữa rừng xanh núi thẳm.

Huế với nhiều cảnh chùa trầm mặc cổ kính không xa cách phồn hoa đô hội bao nhiêu, phong cảnh tuyệt vời. Tự nhiên, nơi đây phong lan càng trở nên gần gũi những ý nghĩa nguyên thuỷ so với nhiều nơi khác.

Đó đây trong quá khứ, không hề thiếu những danh tác thi văn hoặc các giai thoại thiền lý thấp thoáng hương vị núi rừng và loài hoa cao khiết kia đã ra đời...Thời gian đi qua, phong lan vẫn ở lại núi rừng nhưng danh tác, giai thoại kia - ra đời bên suối nước lều tranh - lại trở về xuôi, để mãi mãi đi vào lòng nhân thế. "Lan tự, hữu dư hương". Chữ-của-hoa-lan. Những dòng chữ người xưa lưu lại qua phong cách ấy được quý trọng, mệnh danh hương thơm một loài hoa từ đấy...

"Nhược chi, lan khí vị
Như hồ, hải khâm hoài".

Một trong số ít - quá hiếm hoi - những câu thơ lưu truyền, ca ngợi thứ "khí vị" tuyệt vời của những bậc đạo sư, danh sĩ suốt một đời đem tâm hồn soi bóng chữ. Họ tuy sống lặng lẽ cô tịch mà lòng dạ rộng mênh mông, thoát ra ngoài tham luyến nhân sinh.

"Khí vị" ấy kín đáo, diệu vợi như hương cỏ Chi, hương hoa Lan trong rừng thẳm. Loài hoa treo mình giữa trời đất, không một lần chăm bón, nâng niu. Phong lan chịu nắng mưa, ở vị trí vươn mình hơn đồng loại nhưng khiêm nhường không kiêu sa, chắng bao giờ lộ liễu chỗ đông người. Đấy cũng là loài hoa khổ hạnh cơ cầu, chịu đựng với ngần bao bão tố, cuồng phong...Hoàn toàn khác với hạng chùm gởi, ký sinh - đến tá túc nơi đâu làm héo tàn đến đấy - phong lan chỉ hút gió, ngậm sương. Khi ra hoa, dâng hiến hương sắc chung, khiến mỹ lệ cho một vùng quanh nó...Vâng, nếu tiên cảnh có hoa, trước nhất phong lan hẳn là loài hoa tồn tại chốn Bồng lai...

Cao nhân ẩn sĩ khiêm nhường trước lợi danh, chức tước. Tưởng như họ tiêu cực, như chỉ muốn đứng riêng ngoài nhân thế. Nhưng - lạ thay - đấy lại là những người thấu triệt, nói lên nỗi niềm sâu kín nhất trong cõi lòng nhân loại. Từ đó, họ gần gũi nhân sinh. Sự gần gũi mức độ "khâm hoài" không khác gì cật ruột. Cảm xúc của những con người ấy - vĩnh cửu với thời gian - quả thực đã rộng, sâu "như hồ, hải". Phong lan và ẩn sĩ hoặc bậc liễu đạo với chúng sinh. Văn bút với cuộc đời. Thiên nhiên và nhân bản...

Sự ẩn hiện, gắn bó nói trên của phong lan qua độ dày minh triết phương đông sẽ hoàn toàn xa lạ với những đoá lan xuất xưởng từ công nghệ hôm nay. Thứ phong lan nhân giống, được ra đời trong ống nghiệm văn minh.

Cho dẫu rực rỡ bội phần, lan công nghệ không bao giờ là "U cốc phong lan" theo nguyên nghĩa. Chúng vẫn là phong lan nhưng đã nhạt mờ thứ "khí vị" núi rừng như con người đã xa lạ hẳn với bản nguyên, truyền thống...Có lẽ, cũng từ đó mặc nhiên phân biệt giữa hai loại phong lan. Cổ phong lan hay lan rừng, và phong lan công nghệ...

Tên phong lan rừng đơn sơ, không mang theo họ-thực-vật dài lê thê, vô cảm. Gọi tên chúng không khác gọi đủ bốn mùa hoa : Nghinh xuân, Phượng vĩ, Giáng thu, Đông trúc, Hồ điệp, Dã hạc, Vân hài, Thuỷ tiên, Ý thảo...Rất có thể những mỹ danh thanh nhã ấy đa phần do cổ nhân lưu lại. Song vẫn không ngừng câu hỏi với đời sau : Tại sao ? Khác với bóng dáng tùng, cúc, trúc, mai, đào...từng thấp thoáng qua không ít dòng Đường thi tuyệt mỹ. Đến phong lan - người bạn bên suối nước, lều tranh - lẽ nào ẩn sĩ, văn nhân tưởng chừng như quên lãng ? Vâng, đã là bạn của "U cốc phong lan", người ẩn sĩ hoặc bậc liễu đạo cao thâm không tự ca ngợi lấy biểu tượng bản thân mình. Có chăng, nghĩa"hữu xạ tự nhiên hương" để tháng năm ấn chứng...

Tiềm ẩn trong câu hỏi ấy là đức tự trọng cao khiết của người xưa. Một lẽ khiến những thơ, vịnh loài hoa tế nhị kia rất hiếm được ra đời. Phong lan còn các tên khác "Ẩn sĩ chi hoa" hay "Ẩn hoa" vì thế. Và đã "Ẩn" là không hề hiển lộ :

"Ẩn lan trung hữu bút
Vô vịnh mặc nhiên thi".

Vâng, trong phong lan tự đã có bút ẩn tàng. Không vịnh, mặc nhiên cũng như thơ đã viết. Hãy nhìn những chồi non Dã hạc, Thuỷ tiên nhú lên như những đầu bút mơn mỡn, ta sẽ hiểu vì sao câu thơ trên thành tuyệt bút.

Bậc tài điệu chơi hoa từng phân ra quy tắc, đến nay cơ hồ đã mịt mờ dưới lớp bụi thời gian. Phái"Ẩn hoa" - độc nhất - chuyên chú phong lan. Phái"Hiển hoa" trừ phong lan, gắn bó với bất cứ loại hoa nào mến chuộng. Không bao giờ họ vô ý để phong lan lẫn lộn với các loài hoa khác phái.

Quy tắc đó xuất xứ từ đâu ? Đến nay, chưa khẳng định nào minh bạch, song các tiền nhân người Huế chơi hoa từng truyền gia quy tắc kia cho con cháu trong nhà hoặc được lưu giữ ở thiền môn, đạo viện...Phải chăng chút tâm niệm công phu của người xưa đang chừng như mai một ?

Huế - một phần mùa xuân luôn hiện hình qua hương sắc phong lan. Mùa xuân nguyên sơ, mang hình ảnh khuất khúc các con đường dẫn về phía núi đồi u tịch. Nơi thấp thoáng bóng cổ tự hàng trăm năm còn xanh rêu ngày tháng...Hôm nay, là lúc những chuỗi Nghinh Xuân đang mãn khai trong màn mưa bụi hồn nhiên. Hương thơm ngát, nhẹ lòng.

Có thể chỉ một vài nhành phong lan chưng trong phòng khách tư gia cũng đã chừng mực nói lên sự thưởng thức nào đó. Song để thưởng thức phong lan trong nguyên bản một tác phẩm diệu kỳ...Đừng quên thiên nhiên luôn là phần hồn không thể nào tách rời ra khỏi nó.

Thiên nhiên đã là nhà sắp đặt vĩ đại - tuyệt đối - không con người nào sánh nổi. Phong lan chưng ở đâu đó giữa phồn hoa đô hội hôm nay sẽ mất đi rất nhiều nét đẹp nguyên sơ. Nét đẹp mà riêng loài hoa đặc biệt nầy luôn lấy làm gắn bó hơn những loài hoa khác. Quả thực dưới những mái chùa cổ kính và núi đồi lồng lộng chung quanh kia, phong lan Huế đã cho ta sự thưởng thức đúng nghĩa cái "khí vị" tuyệt vời nhất của nó.

(thành nội - Huế. Khai bút 2008)
Trần Hạ Tháp


Trở Về  ]