Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Bàn về toát yếu "bản sắc dân tộc" ?

Trần Hạ Tháp

A/ Bản sắc dân tộc là vấn đề thiết thực nhưng hết sức tế nhị. Thiết thực do hiện nay ai cũng nằm lòng câu định hướng văn hóa nước nhà "Phát huy một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Tế nhị vì không hề đơn giản - để một cách dứt khoát, ổn thỏa - trả lời minh bạch câu hỏi mang tính thực thi cấp thiết : Thế nào mới đích thực bản sắc dân tộc ? Có hay không ? Những ấn định, giới hạn cụ thể nhằm đi đến một toát yếu cho bản sắc dân tộc ?

Khi nào câu hỏi trên chưa được trả lời nghiêm túc, thì khi ấy những vận dụng đi vào đời sống văn hóa còn có thể tùy tiện - thậm chí lệch lạc - là điều khó tránh khỏi. Trên tinh thần xây dựng để soi sáng, nên mở ra cuộc vận động thảo luận một cách khoa học, danh chính ngôn thuận.

Để thật sự trong văn hóa có "phát huy" "tiên tiến" , trước hết rất cần phát huy dân chủ tính phản biện, đi đến chỗ rốt ráo vấn đề. Định hướng văn hóa không thể không rõ ràng đối tượng của nó, nhất là ở giai đoạn hội nhập thế giới như lúc này. Địa vị chủ sở hữu văn hóa còn có nghĩa vụ đáp ứng những câu hỏi tương tự để người nước ngoài am hiểu. Họ đang có nhu cầu học hỏi, tham vấn văn hóa dân tộc ta một cách chánh đáng. Tối thiểu, nắm được cái toát yếu, cô đọng của vấn đề. Tại sao không ?

B/ Dân tộc mang nội hàm hết sức lớn lao và đa nghĩa. Khi nói "Dân tộc ta anh hùng" tất nhiên không có giới hạn cho riêng một thời kỳ nào trong lịch sử. Đấy là nghĩa tuyệt đối, tổng thể. Còn với phát biểu "Gia nhập vào WTO dân tộc ta đang đứng trước một vận hội mới để hòa nhập thật sự vào cộng đồng thế giới" thì nghĩa tương đốidân tộc lúc này chỉ ứng với một giai đoạn cụ thể, mới lạ chưa từng có trước đây bao giờ. Thế thì, dân tộc"bản sắc dân tộc" thuộc về nghĩa nào ? Tương đối hay chính xác phải hiểu là tuyệt đối ?

Ý nghĩa tuyệt đối của dân tộc hết sức to tát, thiêng liêng. Nội hàmbaophủ từ quá khứ, tới hiện tại và mãi đến tương lai, muôn thuở... Trong đó liên hệ tất cả sắc tộc, người Việt nói chung... Từ Hồng Bàng với huyền sử Lạc Long Quân, Âu Cơ mở ra sơ sử các vua Hùng dựng nước, trải qua thời kỳ trung sử lâu dài, đến hiện sử và còn biết bao thế hệ nối tiếp sau này... Phân biệt ý nghĩa tuyệt đối với ý nghĩa tương đối ở dân tộc là rất cần thiết. Nói thế để thấy khi liên hệ đến dân tộc thì chúng ta hết sức thận trọng . Dân tộc trong "Bản sắc dân tộc" đang nói nơi đây thuộc về nghĩa tuyệt đối, tổng thể.

C/ Nói về "Bản" - cái Gốc - là đã tự mang nghĩa truyền thống, lâu đời và phân biệt - chứ không cách biệt - với những giá trị tựu thành văn hóa hiện đại. Bởi như một "Thân cây vĩ đại sống bốn ngàn năm" để biểu tượng, nềnvăn hóa nước nhà không thể có ngọn mà không gốc. Mặt khác, cũng không thể chỉ có gốc mà không ngọn. Gốc và ngọn đều là bộ phận hữu cơ không thể tách rời. Song gốc - Bản - là lâu đời, truyền thống, là chỗ phát sinh, chỗ dựa vững chắc cho - Ngọn - mọi giá trị phát triển lâu dài về sau...

Với xác tín ấy, Bản sắc được ngầm hiểu như là sắc thái truyền thống, khu biệt - chủ thể - để không nhầm lẫn qua một dị thể văn hóa nào dù ở giữa - một "rừng cây văn hóa" có nhiều giống loại rất khác nhau. Thậm chí vẫn có thể hiện hữu nhiều thứ cùng loại như cùng trong một Khối văn hóa Á đông chẳng hạn...Song riêng biệt phong cách, dáng vẻ, thế đứng, tuổi thọ, hoàn cảnh ứng phó và sức đề kháng, mệnh vận...mỗi cá thể trong đó thì nhất thiết không bao giờ như nhau. Chúng ta không nói về "Khối Văn hóa" mà trực tiếp đang tư duy về "Nền Văn hóa" dân tộc chúng ta. Vì vậy, Bản sắc nhắm chừngchưa thể được nhận chân thích đáng chỉ mới qua các thuộc tính tinh thần có thể đều hiện hữu chung cho nhiều dân tộc, nhiều dị thể văn hóa khác nhau ? Ví dụ, lòng yêu nước chẳng hạn. Thuộc tính tinh thần này vốn chung chứ không riêng cho một dân tộc nào cả. Tất nhiên sẽ đồng loạt hiện hữu rất nhiều thuộc tính cao quý khác, nếu liệt kê. Như thế, lòng yêu nước cứ vẫn chưa đủBản sắc dân tộc ? Dù cao quý, nó cũng chỉ ở mức thuộc tính tinh thần phổ thông ? Phổ thông ở mức độ thế giới.

D/ Đến đây, một số các quan điểm mới, cũ đã tách biệt ra - gián tiếp hoặc là trực tiếp - thành hai khuynh hướng rất khác nhau để khẳng định vấn đề. Hướng có quan điểm phản biện như câu hỏi trên thì tích cực tiếp tục truy cứu. Hướng còn lại - cổ điển hơn - đơn giản chỉ cho rằng những thuộc tính tinh thần như anh hùng, cần cù, hòa hoãn, giàu lòng yêu nước...Mặc nhiên đã là Bản sắc dân tộc. Tạm gọi đấy là khuynhhướng mặc nhiên và nhu cầu soi sáng thêm vấn đề cũng dường như không còn được chú trọng. Ngoài ra, còn một sốquan điểm mới lạ, song lắm lúc cực đoan nhất là ngẫu hứng lý luận...theo cảm quan, kiến chấp riêng tư...

Vâng, lòng yêu nước, tính cần cù yêu lao động, dũng cảm anh hùng, hòa hoãn khôn ngoan, thông minh sáng tạo, bất khuất kiên cường... tuy cao quý song chưa hề là đặc sản tinh thần riêng dân tộc nào. Nếu mặc nhiên cứ coi đó là Bản sắc,khác gì tuyên bố chúng ta có cùng "Bản sắc" với rất nhiều dân tộc trên thế giới (!?) Đó là một ví dụ. Điều đáng tiếc, không ít người lấy phản biện ấy để tự ti dân tộc. Làm gì đủ chân lý ở đây một khi các phản biện loại nầy chỉ mới nói lên một phần ba sự thật ?

Trước hết rất cần nhấn mạnh rằng, qua Văn hóa để nhận định về Bản sắc dân tộc song chỉ mới lưu ý về mặt tinh thần mà chưa chú trọng tới các hoạt động thể hiện tinh thần ấy thì nhất thiết chưa đủ nghĩa lĩnh vực Văn hóa. Chính các hoạt động thể hiện ấy - phong cách - mới nắm phần soi sáng vấn đề. Trong khi Văn đứng trướcđể khẳng định những gì cao quý, hay đẹp về mặt thuộc tính tinh thần, thì hóa nối tiếp theo sau hàm ý các hoạt động, sinh hoạt cụ thể liên đới được thể hiện ra bên ngoài để thành hình các phong cách Văn hóa riêng biệt. Nói cách khác, có thể sẽ tồn tại nhiều phong cách riêng biệt, khác nhau trong các hoạt động mà hóa thành tựu, song chúng liên đới đồng nhất ở mục đích chung là thể hiện cho Văn , thuộc tính tinh thần cao quý của dân tộc.

Ngẫm suy hai từ Văn hóa ắt thấy hướng phản biện, thực ra chỉ mới đánh giá ở Văn mà chưa chú ý đến hóa. Đều cùng có lòng yêu nước , song tiến tới để đạt một phong cách thể hiện riêng thì không có dân tộc nào giống dân tộc nào. Đi lính, xâm lược để mở mang bờ cõi như thực dân trước đây, đối với dân tộc họ là thể hiện lòng yêu nước. Tự vệ chống ngoại xâmđể sinh tồn như lịch sử chúng ta từng trải qua cũng là thể hiện lòng yêu nước. Đó đều là giá trị chung. Thậm chí, hạn chế sinh sản như Trung Quốc hoặc ngược lại, khuyến khích sinh sản như một vài nước ít dân hiện nay thì đều thể hiện một giá trị nầy. Tùy theo đối sách củamỗi giai đoạn trong lịch sử, chỉ riêng một dân tộc ta mà nói cũng có khi lòng yêu nước được thể hiện qua nhiều phong cách khác nhau là có thực... Khi quyết chiến hết sức ác liệt không hòa hoãn, song cũng có khi phải linh động đàm phán bằng sứ thần hoặc trên bàn hội nghị. Phức tạp hơn, là khi cả hai hình thái nầy cùng tương tác hỗ trợ nhau do nhu cầu lịch sử. Lẽ đó, thuộc tính tinh thần là lòng yêu nước thì không đổi nhưng phong cách thể hiện lại đa dạng, phức tạp, rất giàu có... Từ đó, nói"dân tộc ta giàu lòng yêu nước" thì quả là không sai nhưng chưa thể viện dẫn chừng đó để mặc nhiên đưa thuộc tính tinh thần này vào Bản sắc dân tộc được, do chưa đủ để phân biệt với dân tộc khác. Đồng thời có thể bị hiểu lầm là tự tôn thái quá, là vô tình và gián tiếp xem nhẹ "lòng yêu nước của dân tộc khác".

Muốn đưa vào Bản sắc, cần phát biểu lại chính xác hơn, cẩn trọng hơn đểkhông bị phản biện, nhất là phải chỉ ra được sự đặc biệt - duy nhất - không giống ai về phong cách thể hiện. Và hơn thế, phong cách đó còn có tính tái hiện, đa số trong quá trình lịch sử dân tộc đến nổi đã trở thành truyền thống lâu dài. "Dân tộc ta rất giàu các phong cách thể hiện lòng yêu nước, nhất là qua quá trình giữ nước trong lịch sử một ngàn năm. Sự giàu có ấy đã trở thành bản sắc". Như vậy có thể nói rằng, chưa hề dừng lại chỉ ở lòng yêu nước không thôi mà còn đặc biệt hơn, cao hơn ở chính các phong cách thể hiện lòng yêu nước của dân tộc ta rất giàu có. Vô số, với đủ mọi hình thái hoạt động cụ thể không thể nào kể hết được. Phong cách ấy đích thực là Bản sắc dân tộc. Phong cách ấy mới đủ để phân biệt với các phong cách của dân tộc khác là điều cố nhiên. Bởi lẽ, trong phong cách thì sự xuất hiện những nhân vật văn hóa lịch sử tương ứng, đặc trưng gắn liền với giá trị phong cách ấy để nó là duy nhất, vô song. Làm gì có "thêm một vài Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông hoặc hàng loạt danh tướng Lý Thường Kiệt ở dân tộc khác..." ?! Ngoài nhân vật hoạt động ra, chưa kể đến cùng trong phong cách riêng ấy còn bao gồm những yếu tố khác cấu thành để nói lên tính duy nhất, không thể nào trùng lặp... Như hoàn cảnh bao trùm, vị trí của địa lý hiện trường, hợp tác người dân, chuyển biến qua các giai đoạn khác nhau, thành quả và các ảnh hưởng từ thành quả đó đi tới mức độ nào ?...

Ca ngợi các thuộc tính tinh thần cao quý rất dễ dàng, ai cũng đóng góp lập tức một cách đầy quán tính và "chiếu lệ". Song ca ngợi về Bản sắc đòi hỏi chứng minh trước con mắt khách quan, trí tuệ thế giới. Nếu không, sẽ chủ quan và thiếu khoa học. Không bao giờ có loại "khoa học chiếu lệ".

E/ Đã là Bản - cái Gốc, cái vốn - thì không bao giờ chỉ thể hiện thiểu số trong quá trình lịch sử dân tộc cả. Chắc chắn có sự ưu thắng nằm ở tính tái hiện, đa số. Có nghĩa, phải gắn liền với truyền thống. Điều này lý giải minh bạch cho những sự kiện lịch sử có khi tương tự nhau ở dân tộc này và cả dân tộc khác... Nhưng mức độ giá trị khác nhau xa. Một đằng phải được đánh giá như Bản sắc đối với dân tộc này, song với dân tộc kia thì chưa hẳn. Bởi lẽ bên cạnh còn nói lên sự ưu thắng về tính tái hiện, đa số ở dân tộc này mà dân tộc kia thì không. Đến đây, tính truyền thống sẽ là yếu tố tái khẳng định. Nó là vị tài phán sau cùng để ấn chứng Bản sắc. Do thế, một khi tính truyền thống dần nhạt nhòa, không tiếp tục tái lập phong cách qua lịch sử nữa thì không thể khiên cưỡng vẫn gọi đấy là Bản sắc.

Xét về mặt tinh thần thì quá trình giữ nước của dân tộc ta đã tự nói lên lòng yêu nước. Bên cạnh đó - để ví dụ - đế quốc Trung Hoa cũng vẫn có quá trình giữ nước. Họ có lòng yêu nước của riêng họ. Đó chỉ mới thuộc tính chung về mặt tinh thần, không thể căn cứ chừng ấy, bảo rằng "Trung và Việt là hai dân tộc có chung Bản sắc ở lòng yêu nước". Thuộc tính ấy cùng hiện hữu xét chỉ về mặt Văn, còn mặt hóa mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự khác biệt nhau ở mỗi phong cách thể hiện. Qua lịch sử, đế quốc Trung Hoa vẫn lấy lý luận "Môi hở răng lạnh" hoặc "Đi khai hóa Nam man miền phên dậu" để không biết bao nhiêu lần vận dụng tinh thần "giữ nước" nhằm phục vụ cho mục đích xâm lăng và thống trị phong kiến. Phong cách thể hiện lòng yêu nước của họ như thế không phải là đột xuất mà đã hình thành truyền thống lâu dài, tái hiện và đa số. Suốt ngàn năm, lịch sử dân tộc ta đã tốn biết bao xương máu để tự vệ, và để ngăn chận tối đa truyền thống bạo hành áp đặt lên trên đất Việt. Đối diện với ý đồ ấy, tinh thần giữ nước của ta khác hẳn, lòng yêu nước của ta đã được thể hiện theo những phong cách khác hẳn... Tinh thần giữ nước của ta không đi đôi với truyền thống áp đặt, bạo hành. Ngược lại, đi đôi với truyền thống lấy nhu thắng cương, chuyên dựa vào dân để trường kỳ kháng chiến. Còn Lòng yêu nước của ta xuất phát từ ý thức tự vệ, từ sự sống còn của dân tộc. Tính tái lập, đa số trong vấn đề nầy lịch sử đã khẳng định... Nó vốn đã trở thành truyền thống.

G/ Từ những lý luận cơ sở có tính đặc trưng, tiêu biểu nêu trên... Thiết nghĩ, cần thu tóm thành một Toát yếu về Bản sắc dân tộc. Toát yếu này gồm ba thành tố chính. Đấy là Thuộc tính cao quý về mặt tinh thần - Những phong cách, hoạt động nhằm thể hiện thuộc tính tinh thần ấy - Sau nữa là truyền thống hay nói cách khác, sự di truyền lâu dài đến mức đã trở thành hệ thống trong quá trình lịch sử dân tộc. Truyền thống này ấn chứng cho hai thành tố kia để đi đến khẳng định về Bản sắc dân tộc. Ba thành tố này cùng hiện hữu thì Bản sắc hiện hữu. Ba thành tố này thiếu, thì Bản sắc không có lý do đích thực xuất hiện. Biểu đồ đơn giản sau đây nhằm tóm tắt phát biểu trên. Các mũi tên đi lên để chỉ sự thăng tiến. Còn hướng tiến tới hàm ý nối kết để cùng chuyển hóa tựu thành.

Hãy vận dụng thử xem sẽ đánh giá lại khẳng định sau đây như thế nào ? Một quan điểm từ khuynh hướng mặc nhiên "Bất khuất là bản sắc dân tộc Việt Nam". Bắt đầu bằng cách giới hạn vấn đề, tự hỏi :

"Bất khuất" được thể hiện trước cái gì ? Sức mạnh áp chế nào ? Trước nhất, trên câu chữ đã cho thấy tính vô định về đối tượng của tinh thần "bất khuất" vốn rất cao quý này. Gọi là vô định, mượn vào nghĩa toán học- do bởi xuất hiện không ít đối tượng khác nhau để dân tộc ta "bất khuất" - không chịu khuất phục - trước sức mạnh áp chế của nó. Là âm mưu lâu dài thôn tính nước ta ? Hoặc trước nạn đói nghèo, lạc hậu kéo dài do suốt ngàn năm chịu cảnh chiến tranh, không có điều kiện phát triển như các nước giàu có, thảnh thơi ? Cũng có thể trước sự khắc nghiệt do hoàn cảnh thiên nhiên, thời tiết ở một vị trí địa lý đầy bất lợi áp đặt..? Giả thiết đặt ra, cứ coi như đối tượng của tinh thần "bất khuất" ở đây là âm mưu lâu dài thôn tính nước ta. Nếu thế, cần tu chỉnh lại khẳng định đã nêu trên, và đây là điều kiện bổ trợ nhưng không kém phần quan trọng. Có nghĩa, khẳng định đó vốn được "hiểu ngầm" từ câu chữ đầy đủ, minh bạch như sau "Bất khuất không chịu làm nô lệ trước rất nhiều thế lực ngoại bang từng thôn tính nước ta trong suốt ngàn năm lịch sử, đấy là bản sắc của dân tộc Việt nam" .

Thuộc tính tinh thần cao quý "Bất khuất" thì chưa phải sở hữu riêng của dân tộc Việt nam. Đó chỉ mới là Văn , không đủ để tự cho là Bản sắc. Còn mặt thể hiện cụ thể thành phong cách riêng của Việt nam là hóa ở đâu ? Vì thế, câu nói "Bất khuất là bản sắc dân tộc Việt nam" thiếu sót hẳn tính khoa học. Đó chỉ là kiểu "Nói dựa hơi lịch sử" song lại thiếu trách nhiệm lịch sử trong khi, lịch sử vốn có thực chất nghiêm minh. Đấy là bệnh chủ quan, đã quen với "hiệu ứng trong nhà". Với khách quan, chưa đủ sức thuyết phục. Nếu muốn, chỉ nên nói "Bất khuất là thuộc tính tinh thần dân tộc".

Vâng, không chịu làm nô lệ trước thế lực ngoại bang từng thôn tính thì cũng không thiếu dân tộc trên thế giới đứng vào hàng ngũ nầy. Song, xét với vô vàn phong cách dân tộc ta thể hiện - trong suốt ngàn năm lịch sử - thì ắt là có một không hai, duy nhất ! Chính sự lập lại trong suốt ngàn năm lịch sử ấy đã bao hàm luôn thành tố thứ ba. Thành tố truyền thống. Bởi vậy, soi tìm Bản sắc dân tộc lẽ nào luận bàn suông, không lý tới phong cách thể hiện, không đếm xỉa gì truyền thống lâu dài hay ngắn ngủi ? Ngoài ra, chỉ căn cứ những khẳng định có thể đã xuất phát từ một tiên đề thiếu, vô định về đối tượng ... Khiến luận bàn về vấn đề Bản sắc dần đi vào mê lộ, bế tắc. Cố chứng minh - là đúng hay không đúng ? - chỉ căn cứ trên các tiên đề thiếu sót, chính nó đang rất cần bổ sung thì lẽ ra chưa nên vội vã về cả hai phía - khẳng định và phản biện.

H/ Từ mấy luận chứng trên, có thể rút ra vài Hệ quả sau đây. Thiển nghĩ, sẽ góp phần soi sáng thêm vấn đề.

* Thứ nhất : Căn cứ vào mức độ phong phú của các phong cách thể hiện về một thuộc tính tinh thần cao quý nào đó, là nhiều hay ít, để có thể có một cơ sở cho nhận định rằng, Bản sắc ấy đậm đà tới mức nào ? Nếu không, thì quả là tùy tiện khi mặc nhiên, cứ ca ngợi đậm đà một cách trừu tượng. Tuy vậy, đậm đà ở đây chỉ mới xét theo mức độ phong cách.

* Thứ hai : Thành tố truyền thống cũng cho biết Bản sắc ấy đậm đà tới mức nào dựa trên quá trình lịch sử chứng nhận. Là lâu dài ra sao ? Trải qua bao nhiêu năm tháng, thế kỷ ? Và đây, thêm lần nữa đậm đà sẽ đượcchứng nhận theo mức độ thời gian.

* Thứ ba : Nói thế, thì quả là một dân tộc có thể hiện hữu nhiều thứ Bản sắc hay sao ? Vâng, tất nhiên. Tất cả những nét tinh hoa ấy - mỗi thứ như mỗi mặt sáng của một Khối Kim cương vô giá - đều góp phần phản ánh thứ Hào quang Dân tộc. Chúng ta thường nghĩ Bản sắc thì chỉ một "Gốc" ? Điều nầy không sai nhưng chưa đủ. Một "Gốc" song nhiều phía, nhiều mặt. Mỗi phía, một màu sắc dáng vẻ khác nhau. Hai biểu tượng ở đây, "Gốc Cổ thụ" để hàm ý sự sống, sinh sôi và nảy nở. "Khối Kim cương" nhằm gợi tưởng cho tinh thể, sự quý giá, ánh sáng của hào quang. Hai mẫu mực trên là giao thoa giữa hữu hình và trừu tượng.

* Thứ tư : Hai biểu tượng này với những ý nghĩa vinh danh lớn lao và hết sức thiêng liêng vẫn có thể nói chung trong một hội ý vừa đủ, không dài dòng - chẳng riêng gì dân tộc ta mới có - đấy là "Hồn Dân tộc". Cũng có thể nói "Hồn Dân tộc" là điểm giao, là nơi hội tụ của tất cả các Bản sắc dân tộc ấy... Bản sắc phong phú hay không, tùy số lượng nhiều ít. Nhưng "Hồn Dân tộc" chỉ một. Nhất thiết đừng nhầm lẫn Bản sắc với "Hồn Dân tộc".

* Thứ năm : Trong rất nhiều Bản sắc hội tụ kia có loại vĩnh cửu, loại bị biến mất - hoặc biến chất - theo dòng thời gian. Căn cứ vào ba thành tố chính nêu trên - qua mỗi thời đại - điểm danh để chứng nhận mất, còn hay suy thoái ? Hoặc tiếp diễn, song dưới một dạng thức tập trung về đối tượng khác hơn so với đối tượng cố hữu, ban đầu. Ví dụ"Bất khuất không chịu làm nô lệ trước rất nhiều thế lực ngoại bang từng thôn tính nước ta trong suốt ngàn năm lịch sử, đấy là Bản sắc của dân tộc Việt nam". Bản sắc dân tộc ấy vẫn tiếp tục được thể hiện - sau ngàn năm Bắc thuộc - chỉ có khác đối tượng, từ phong kiến Trung Hoa chuyển qua các đế quốc thực dân.

* Thứ sáu : Mặc dù hết sức cao quý, song không nhất thiết loại Bản sắc nào cũng phải cần vĩnh cửu. Vì không lẽ dân tộc cứ muốn dầm mình trong các cuộc chiến giữ nước, nhiều hơn nữa để thể hiện "Bất khuất không chịu làm nô lệ..." ?! Từ đó nhận ra rằng, chưa hẳn sự tiếp tục hiện hữu các loại Bản sắc như thế đã nằm trong khát vọng vĩnh cửu của dân tộc. Nó ra đời ít nhiều do hoàn cảnh lịch sử. Mất đằng này, được đằng kia. Đó là tính đối trọng sâu xa trong lịch sử. "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai". Khát vọng dân tộc là khát vọng thanh bình, vì thế một khi đã giải quyết được khát vọng ấy, thì - hết sức tự nhiên - một phần sức mạnh dân tộc tiềm tàng trong Bản sắc loại nầy không còn được tập trung để phát huy. Tình trạng nầy chưa quyết định được tự nó đã là thực chất của suy thoái Bản sắc.

* Thứ bảy : Vấn đề không phải là lo sợ, đau buồn cho những Bản sắc nào đó - theo vận hành lịch sử - đang trên đà mờ nhạt và có thể tàn phai đi ấn tượng. Quan trọng nhất là phải biết duy trì sức mạnh Bản sắc đó để chuyển hướng đối tượng thiết thực mà dân tộc đang nhắm đến. Khi thực hiện thành công, Bản sắc không suy thoái mà vẫn tiếp tục hiện hữu dưới dạng thức chuyển thái. Nếu không, một phần sức mạnh dân tộc vốn có - từng đánh đổi biết bao xương máu, khổ đau - sẽ tiêu vong dần vì không còn đối tượng để duy trì. Ví dụ cùng là quốc nạn cả, song trong thời hiện đại thì "Giặc tham nhũng" cũng đang "thôn tính nền kinh tế dân tộc" rất gắt gao, âm thầm nguy ngập không kém "Giặc có gươm có súng". Cổ nhơn đã từng gọi chúng là "Sát nhân vô kiếm chi tặc". Với loại giặc nầy, nếu chưa vận dụng sức mạnh Bất khuất của dân tộc thì khó lòng đẩy lui chúng.

* Thứ tám : Bên cạnh những yếu tố mới phát xuất từ văn hóa hiện đại, chuẩn bị để có thể tác thành thêm cho tương lai các mặt Bản sắc khác, vấn đề chuyển thái Bản sắc là hết sức cấp thiết. Một cách đa số, quy luật sống của nhân loại cho thấy chuyển sang thời bình, sức mạnh dân tộc rất thường được vận dụng tập trung cho hai đối tượng nghiêm trọng nhất : Giáo dục và kinh tế.

* Thứ chín : Kết hợp chính đáng và nhuần nhuyễn giữa hai vấn đề quan trọng - chuyển thái Bản sắc dân tộc và chuẩn bị cho sự thành hình các Bản sắc mới ở tương lai là vừa biết duy trì sức mạnh dân tộc từng đánh đổi qua vô vàn máu và nước mắt trong quá khứ - đồng thời - tiếp nhận thêm các sức mạnh mới chứ không "thỏa mãn dân tộc" một cách lạc hậu. Kết hợp ấy, là kết hợp xứng nghĩa tiên tiến nhất cho nền văn hóa chúng ta hiện nay mà vẫn luôn" Đậm đà Bản sắc dân tộc".

(Thành nội - Huế. 9/01- 2007)
Trần Hạ Tháp
Trở Về  ]