Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Thi sĩ và ... chó
-
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Theo từ điển Merriam-Webster thời thi sĩ là người làm thơ, người viết ra những vần điệu. "One who writes poetry, a maker of verses". Định nghĩa này được các nhà thơ hoan hỉ chấp nhận ngay.

Nhưng theo một cuốn từ điển khác có tên là Longman Dictionary Of Contemporary English thời thi sĩ phải là kẻ làm ra những bài thơ (hay hoặc nghiêm túc). "A person who writes (good or serious) poems."

Không rõ đây có thật là sự gặp gỡ của hai tư tưởng... "lớn" không mà trong cuốn "Đại từ điển tiếng Việt" của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam (năm 1999) người ta thấy định nghĩa "thi sĩ" là... "nhà thơ". Tra cứu chữ "nhà thơ" thời được giải nghĩa là: "người chuyên sáng tác thơ, có tài năng và có tác phẩm giá trị đuợc thừa nhận".

Hai định nghĩa sau này bị nhiều nhà thơ coi là... khôi hài và trật lất hết chỗ nói. Ở trên cái cõi đời ô trọc này hiếm có nhà thơ nào mà lại cho là mình... không có tài năng, thơ mình không hay và tác phẩm của mình không có giá trị đâu. Hầu như ai cũng có cảm tưởng mình là... thi bá cả. Họa chăng thơ dở và tác phẩm tầm thường là của... người khác mà thôi. Còn cái khoản thơ nghiêm túc thì càng phải xét lại nữa. Không phải lúc nào "người em sầu mộng" cũng được "thi bá" mang ra làm đề tài rồi phong em lên ngôi "hoàng hậu" đâu! Nhiều vần thơ được gợi hứng từ một con vật thường bị coi là... hạ đẳng, đó là... chú chó.

Vậy nhân dịp Năm Tuất chúng ta thử đọc dăm ba vần điệu tạm gọi là... Thơ Chó xem sao!

Tục truyền rằng vào thời vua Tự Đức, một hôm có hai vị quan trong triều đình cãi lộn nhau. Mới đầu còn đấu khẩu lời qua tiếng lại, (thường được gọi là đánh võ miệng) rồi sau chuyển qua giai đoạn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" tức là đánh đá nhau. Sự việc đến tai nhà vua, vua cho triệu cả đôi bên vào để hỏi duyên cớ. Cả hai vị "tai to mặt lớn" đều đổ lỗi lẫn cho nhau và tâu rằng lúc ẩu đả có mặt một nhân chứng, đó là Cao Bá Quát. Vua liền đòi ông này vào khai làm chứng. Cao Bá Quát làm sớ tâu trình sự việc như sau để vua có thêm tài liệu... xử kiện:

"Bất tri lý hà ?
Lưỡng tương đấu khẩu.
Bỉ viết cẩu,
Thử diệc viết cẩu.
Bỉ thử giai cẩu,
Dĩ tương đấu ẩu.
Nguy tai nguy tai,
Thần cụ thần tẩu."

Nếu toà án có một thông dịch viên thời bản phúc trình trên được dịch là:

"Chẳng biết lý sao?
Hai bên cãi nhau.
Bên này bảo chó,
Bên kia cũng chó.
Hai bên đều chó,
Rồi họ đánh nhau.
Nguy thay, nguy thay,
Thần sợ, thần chạy."

Tờ sớ tâu của cái ông "nhân chứng" Cao Bá Quát này chẳng biết đúng sai ra sao nhưng đã khiến cho mọi người nghe được lấy làm hả hê, vui sướng trong bụng khi thấy có người đã thừa cơ để công khai "mắng xéo" mấy lão tham quan ô lại là "chó" ngay ở trước mặt nhà vua mà không sợ bị quở phạt vì cái tội "khi quân", thất lễ. Cái ông nhân chứng này thật quả là khéo léo nhưng đã... tỏ ý coi thường chó rồi.

Không như ở phương Tây chú chó lại được thi sĩ tả dưới hình thức những vần thơ tuy... mộc mạc nhưng đầy... nhạc tính:

"The dog is man's best friend
He has a tail on one end
Up in front he has teeth
And four legs underneath"
(Ogden Nash)

Nếu chuyển ngữ sang tiếng Việt, ta có một bài thơ "tứ tuyệt" nghe cũng có vẻ... "tuyệt vời":

"Chó là bạn thiết của con người
Ở phía đằng sau có cái đuôi
Đằng trước, phía trên, răng thật lắm
Dưới thêm bốn cẳng chạy rong chơi".
(Tâm Minh dịch)

Nhiều thi sĩ ca tụng chó, có lẽ vì cái tính trung thành của chú khuyển. Người ta kể chuyện rằng Mozart, một thiên tài âm nhạc thật hiếm có, nhưng mệnh lại yểu (1756 - 1791). Vào một ngày mùa đông năm 1791 một chiếc xe tang cũ kỹ đã lặng lẽ đưa thi hài ông ra nghĩa địa, trong bầu không khí lạnh lẽo, cô đơn, độc nhất chỉ có một con chó nhỏ trung thành lẽo đẽo theo sau...

Một câu chuyện tầm thường, không đáng để ý, hay bị người đời gọi là "chuyện chó chết". Ấy vậy mà chuyện chó chết sau đây lại đáng để chúng ta suy ngẫm. Xin mời bạn đọc thưởng thức mấy vần thơ của thi hào Lord Byron (1788-1824) ghi trên bia mộ một chú chó vào năm 1808. Thi sĩ hết lời ca tụng các tính tốt của chú chó của ông. Khi chó qua đời ông chôn cất tử tế. Ông còn ngỏ ý nếu sau này mình chết sẽ được chôn cất cùng chỗ với chó (nhưng ý muốn đó về sau không được thực hiện). Ông dựng một bia mộ rất tráng lệ và đắt tiền trên nấm mộ của chú chó. Bia mộ này gây xúc động người coi hơn cái bia mộ của chính Byron ở trong thánh đường Hucknall Torkard nơi Byron được chôn cất về sau này. Mấy vần thơ đó như sau:

"Near this spot
Are deposited the remains of one
Who possessed Beauty without Vanity
Strength without Indolence
Courage without Ferocity
And all the virtues of Man,
without his vices.
This praise which would be
unmeaning Flattery
If inscribed over human ashes
Is but a just tribute to the Memory of
Boatswain, a Dog".
(Lord Byron, 1808)

Ngẫu hứng, xin "phóng tác" bài thơ này sang tiếng Việt để gọi là "mua vui cũng được một vài trống canh":

"Di hài chôn cất tại nơi đây
Từng là sinh vật sống phây phây
Có thừa Sắc Đẹp không Kiêu Ngạo
Có bao Sức Mạnh chẳng Chây Lười
Có đầy Can Đảm không Hung Bạo
Có muôn đức tính của con người
Trừ ra tật xấu thế nhân thôi
Lời khen, ôi sẽ thành vô nghĩa,
Thành lời nịnh hót rất vô duyên
Nếu đề bia mộ người nào đó
Trong cõi nhân gian lắm đảo điên
Nhưng đây là lời ghi tặng lại
Tưởng nhớ Vện Vàng, Chó của tôi!".
(Tâm Minh dịch)

Có người nói: "Les chiens des Seigneurs sont aussi des Seigneurs" (chó của các bậc vua chúa thì cũng là vua chúa). Đối với đại thi hào Lord Byron chúng ta không thể đùa cợt rằng: "Chó của nhà thơ lớn... cũng là một nhà thơ lớn". Nhưng chắc chắn một điều là ai cũng đều khen chó có nhiều tính tốt, mà cái tính đáng khen nhất là lòng trung thành. Ấy vậy mà khi thấy một kẻ xấu, phản phúc, nham hiểm, các Cụ ta thường mắng mỏ là "đồ lòng lang dạ thú". Nghĩ thật oan cho loài thú nói chung và mấy chú chó nói riêng! Chó nào đã tiêm nhiễm phải cái tính lừa thầy, phản bạn, đôi khi phản cả đồng bào cùng tổ quốc như cái tính của một số... Người!.

Cuộc đời của Vện Vàng, chú chó cưng của thi hào Lord Byron, quả thật là đẹp. Không rõ vì sao khi nói tới một cuộc sống khổ sở người ta lại dám dùng chữ "dog's life" tức là "khổ như chó". Chúng ta hãy nghe một đoạn thơ của Nguyễn Vỹ trong bài "Gửi Trương Tửu":

"Thời thế bây giờ vẫn thấy khó.
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết
Mà thương cho tôi thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!"

Người ta kể chuyện rằng nhà thơ Nguyễn Vỹ trong thời gian làm báo Tiếng Dân, La Patrie Annamite, Hà Nội Báo, Le Cygne, Bạch Nga v.v... đã mượn những trang báo để chống lại thực dân nên năm 1930 ông bị 6 tháng tù tại ngục Trà Khê (Phú Yên). Thương cho thân mình, cho cả đồng bào trong ách nô lệ bị thực dân coi rẻ hơn chó, ông đã viết tại ngục tù bài thơ "Trăng, chó và tự do".

"Trước sân tù có con chó L'amie
Trăng với chó tự do ngoài sân ngục...
Tôi bị giam sau bốn bức tường cao
Ôi tự do mình quý biết nhường bao..."

Có lẽ chẳng phải riêng tại Việt Nam người dân chịu cảnh bị khinh rẻ mà hầu hết các nước nhược tiểu kể luôn cả Trung Hoa khi bị các nước Âu Châu xâm chiếm cũng bị làm nhục tương tự như thế. Bọn thực dân Anh khi đô hộ người dân Tàu ở Tân Gia Ba, Hương Cảng và tô giới Thượng Hải, đã xấc xược treo những bảng cấm nơi công cộng như vườn hoa như sau: "Cấm người Trung Hoa và Chó". Thái độ bỉ ổi trên đã được người Nhật đáp lại khi Nhật đuổi bọn da trắng Anh, Pháp, Nga v.v... ra khỏi Châu Á. Các bảng trên công viên, trên vườn hoa có một dòng ghi chú là: "Bất cấm Anh nhân cập cẩu lai..."

"Công viên từ giờ thay đổi lại
Không cấm người Anh với Chó vào..."

Đã từ lâu đời chó luôn luôn được coi là bạn thân thiết nhất của con người. Tính tốt nhất của chó là lòng trung thành. Nhà văn Mark Twain đã từng hạ bút viết: "Nếu bạn lượm một chú chó đói về nhà nuôi nấng nó tử tế, nó sẽ chẳng bao giờ cắn bạn. Đây là sự khác biệt chính yếu giữa chó và người". Sau đó Mark Twain lại viết thêm là: "Khi chó mà quay lưng bỏ chủ nhà đi thì cũng tới lúc bà vợ nên cuốn gói trở về nhà với má là vừa" (when a man's dog turns against him, it is time for a wife to pack her trunk and go home to mamma).

Ta hãy nghe một thi sĩ khác ca ngợi lòng trung thành của chó trong bài thơ "Old dog Tray":

"Old dog Tray's ever faithful;
Grief can not drive him away;
He is gentle, he is kind
I shall never, never find
A better friend than old dog Tray!".
(Stephen C. Foster)

Chuyển ngữ sang tiếng Việt ta có bài thơ "Chó Vện già":

"Chó Vện già mãi trung thành;
Dù đau buồn cũng không đành bỏ đi;
Dễ thương, tử tế kể chi
Trên đời ta chẳng dễ gì kiếm ra
Bạn nào hơn nổi Vện già!".
(Tâm Minh dịch)

Trong một diễn văn đọc tại Thượng Viện Hoa Kỳ năm 1884 George G. Vest đã nói: "Sinh vật tuyệt đối không ích kỷ mà con người có thể có được trong cái thế giới đầy dẫy ích kỷ này, sinh vật không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay phản trắc ta đó là chó... Chó vẫn hôn bàn tay ta dù bàn tay đó không đưa cho nó chút thức ăn gì... Khi tất cả bạn bè khác xa lánh ta thì chó vẫn ở lại cùng ta..."

Mấy cái ông ở cái Thượng Viện xứ Hoa Kỳ này có lẽ là chưa có dịp nghiên cứu về văn chương xứ Việt Nam ta rồi. Ca dao, tục ngữ của ta từ xa lắc xa lơ đã chẳng từng ghi nhận "phát minh" đó hay sao:

"Con chẳng chê cha mẹ khó,
Chó chẳng chê chủ nghèo".

Nước Việt Nam ta cũng có lắm chuyện... "chó chết". Chẳng phải chỉ riêng đại thi hào Byron mới làm bia kỷ niêm chó mà tại nước Việt ta trước đây cũng có người làm như thế, đó là Cụ Phan Sào Nam. Quả thật tư tưởng... lớn lại có dịp gặp nhau!

Tục truyền rằng Cụ Phan Sào Nam từng bị thực dân Pháp và triều đình Huế giam lỏng ở núi Ngự sông Hương và bao vây bí mật xung quanh Cụ bằng một hàng rào những tay sai mật thám. Tuy thế bạo lực của chúng chỉ giam được cái thân xác của Cụ chứ đâu giam được cái tinh thần Cụ.

Cụ sống những ngày còn lại hiu quạnh bên hai con chó được đặt tên là Vá và Ky. Chắc chắn là cả hai con chó này đều rất trung thành với chủ. Khi chó chết Cụ đề thơ thương tiếc chó:

"Nghĩa dũng cẩu: Vá Chi Trung
Nhân trí cẩu: Ky Chi Trung".

Khi chó chết Cụ không những cẩn thận đem chôn chó vào một nghĩa trang riêng mà còn dựng cho chó một tấm bia để kỷ niệm công đức. Bài bia ấy như sau:

"Người có đức nhân, hơi kén về phần trí,
Kẻ có đức trí, hơi kém về phần nhân.
Vừa trí vừa nhân, thực là ít thấy.
Ai ngờ con Ky này,
Lại đủ hai đức ấy.
Chung nhau thờ một chủ, thời xem nhau là anh em,
chẳng bao giờ như mèo với chó, thực là nhân đó.
Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù,
chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ, thực là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trông giống sức mà người e,
đều mày mới thấy.
Sao mày vội chết?
Hỡi trời hỡi trời!
Lòng ta đau đớn,
Phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá, đau đớn quá!
Kìa những hạng muông người!
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu,
Vì có nghĩa nên trung thành với chủ.
Nói thì dễ, làm thực khó,
Người còn vậy, huống chi chó!
Ôi!
Con Vá, mày đủ hai đức đó,
Há như ai kia,
Mặt người lòng thú,
Nghĩ thế mà đau!
Dựng bia mộ chó".

Cụ Phan tán dương những cái hay của chó, mỉa mai những kẻ "mặt người mà lòng thú". Cụ quả là một người yêu nước nên mới có những hàng chữ trên tấm bia như vậy.

Một thi sĩ khác của dân tộc ta là Nguyễn Du cũng từng nổi hứng làm thơ thương tiếc chó. Chúng ta hãy nghe bài "Điệu khuyển" của Nguyễn Du:

"Tuấn mã bất lão tử,
Liệt nữ vô thiện chung.
Phàm sinh phụ kỳ khí,
Thiên địa phi sở dung.
Niệm nhĩ thuộc thổ súc,
Dữ nhân mao cốt đồng.
Tham tiến bất tri chỉ,
Vẫn thân hàn sơn trung.
Vẫn thân vật thán uyển,
Sổ thí vô toàn công".

Nếu chuyển ngữ qua thơ lục bát ta có bài... "thơ chó" sau:

"Ngựa hay há chết già sao,
Những trang liệt nữ chết nào giống ai.
Người sinh ra ở cõi đời
Khác thường khí phách, đất trời khó tha.
Mi cùng súc vật trong nhà,
So thịt xương với lông da một phường.
Mi ham tiến, chẳng chịu dừng,
Bỏ mình núi lạnh cũng đừng thở than,
Mi từng liều lĩnh tấm thân
Thảy đều thất bại bao lần đấy thôi!"
(Tâm Minh dịch)

Một tác giả vô danh đã viết truyện thơ "Lục súc tranh công". Trong truyện là cuộc đấu lý "hào hùng" giữa sáu con vật thân cận của con người là trâu, dê, lợn, mèo, gà, chó. Để dành phần thắng cho mình trâu công kích chó:

"Chưa rét đã phô bằng rét
Xo ro, đuôi quýt vào trôn
Vấy bếp người, tro trộn chẳng còn
Ba ông táo, lộn đầu, lộn óc..."

Nhưng chó đã cãi lại để tự đề cao mình. Chó kể lể những "công trạng" mà mình đã đóng góp cho chủ nhà:

"...Đêm năm canh con mắt như chong
Đứa đạo tặc nép oai cũng động
Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh..."

Nhân dịp Năm Tuất nói chuyện thi sĩ và chó, ngẫm nghĩ cho cùngthì thấy chó cũng... oai lắm chứ! Chó được các thi sĩ đưa vào làm đề tài trong thơ! Chó cũng còn được đưa vào làm đề tài trong cả... "câu đối" nữa. Ở vùng thôn quê nước Việt Nam ta vào những lúc năm hết, Tết đến nhiều nhà hay đốt pháo làm cho đàn chó khiếp sợ cong đuôi chạy trốn, không dám quay về nữa. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ thấy chung quanh hàng xóm đốt pháo liên hồi để mừng Xuân liền tức cảnh mà hạ bút viết:

"Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó!
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo".

Ôi! Nói chuyện thi sĩ và chó thời thật là...cà kê dê ngỗng. Nói hoài chẳng hết. Xin tạm ngừng ở đây!



 [  Trở Về  ]