Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]            [   Tác giả  ] 
 
Những Obelisk Cổ Trên Thế Giới

Sóng Việt Đàm Giang

Nếu ai có dịp đi thăm Washington D.C. chắc chắn không thể nào không đi ngang hay thăm viếng Đài Kỷ Niệm Washington với một obelisk rất cao.

Đài kỷ niệm Washington cũng là đài có obelisk đầu tiên mà người viết được có dịp chiêm ngưỡng tận mắt vào năm 1977. Rồi trong thời gian hơn ba chục năm kế tiếp, người viết đã có dịp được thấy từ một obelisk gốc Ai cập ở công trường La Concorde , Paris, Pháp trong chuyến thăm viếng Paris, một obelisk ở Central Park, New-York City, NY; đến một số obelisk dựng rải rác tại một số công trường ở thành phố Rome, Italy; và gần đây hơn, một số obelisk ở Cairo, Luxor -Ai cập, và một obelisk ở Caesarea - Israel vào cuối năm 2008.

Nguồn gốc và lịch sử một số obelisk cổ trên thế giới là đề tài cho bài viết này.

*
Obelisk, tạm dịch là bút tháp hay bút đá tháp, được gọi là Tejen hay benben hay tekhennu trong ngôn ngữ của người Ai-cập, hay theo Hy lạp là obeliscus/obeliskos -dạng như ngọn giáo, ngọn chĩa đâm thủng- là một chữ đồng nghĩa với "bảo vệ" hay "che chở, chống đỡ". Theo giải thích, cây bút tháp bằng đá có chức năng làm chọc thủng mây và phân tán lực âm luôn luôn đe dọa tích tụ lại dưới dạng bão tố nhìn thấy hay không nhìn thấy được.

Cũng như kim tự tháp, truyền thuyết cổ Ai cập cho rằng tia sáng mặt trời chiếu xuống trái đất mở rộng dần dần tạo nên hình tượng một kim tự tháp hay bút tháp, do đó người Ai cập liên hệ obelisk với thờ mặt trời. Vì là biểu hiệu của mặt trời nên obelisk to lớn chỉ được đặt ở những nơi rộng thoáng của đền thờ thần mặt trời Amon Re (như trong đền Heliopolis, "thành phố của Mặt trời").

Bút tháp thường được dựng có đôi đặt trước hai tháp lớn của cổng vào đền thờ và có mục đích để bảo vệ nơi thờ phụng. Obelisk theo tài liệu được biết là hiện diện sớm nhất do Abusir khám phá ra từ 2417 BC.

Bút đá tháp nguyên gốc của Ai cập thường là một tảng đá dài duy nhất, làm bằng đá đỏ hay một loại đá tương tự, có đáy hình bốn cạnh, đặt thẳng đứng và trên chóp có phần hình dạng tựa như kim tự tháp được gọi là pyramidion. Phần thân đá thẳng là phần mình, phần giống kim tự tháp bên trên tượng trưng cho tia sáng mặt trời thường được dát vàng hay hổ phách kim (electrum). Tất cả được đặt lên một cái đáy.

Thường thường một obelisk có ghi khắc chìm chữ hình biểu tượng (hieroglyph) của Ai cập ở cả bốn mặt của thân obelisk. Nhà khảo cổ Jean-Francois Champollion trong những cuốn ghi chép lại công trình khảo cứu cho biết trên obelisk do Belzoni tìm thấy tại Philae có khắc tên Cleopatra và Ptolemy. Champollion là người đầu tiên đã diễn giải được ý nghĩa của những chữ viết theo lối chữ cổ của Ai-cập gọi là chữ hình biểu tượng Ai Cập (*). Khi phân tích chữ viết trên tấm đá Rosetta vào năm 1822 và so sánh với những chữ trên obelisk ở Philae, Champollion đã tìm thấy có sự liên hệ giữa hieroglyph và chữ Hy lạp, hệ thống chữ viết Ai cập này là một hỗn hợp giữa phát âm học và tượng hình pháp.

Có nhiều tài liệu viết rằng chữ obelisk là chữ Hy-lạp mà không phải nguồn gốc Ai-cập. Lý do vì nhà du lịch người Hy-lạp là người đầu tiên miêu tả những bút đá tháp này.

Đá obelisk Ai cập thường lấy từ đá granite đỏ (hay đá syenite) ở vùng nước tràn mạnh đầu tiên (cataract đầu tiên) của sông Nile gần Aswan.

(Aswan là tỉnh ở bên bờ đông của sông Nile tận cùng phía bắc của điểm nước mạnh đầu tiên, ở đây cataract có nghĩa là nước tràn mạnh mà không phải là thác nước. Sông Nile có 6 cataract, chỉ có cái đầu tiên là thuộc Ai cập, 5 cataract kia thuộc Sudan).

Những obelisk tạc thô ở tại hầm núi đá đuợc kéo bằng người, bằng ngựa, bằng thừng hay có khi cả bằng kéo trượt trên bùn đến bờ sông Nile và chuyên chở đến địa điểm để hoàn tất và dựng. Dựng một obelisk thẳng lên cần dùng xà beng làm đòn bẩy, đổ đất cao ở dưới xà beng thành gò để nâng dần bút tháp lên cho đến khi có thể kéo cái obelisk lên được cho thẳng. Tưởng cũng nên nói là khi Augustus di chuyển obelisk vào cỡ 1500 năm sau đó thì đã có phương tiện di chuyển như ròng rọc, trục nâng cất, và bánh xe, những tiện ghi mà thời cổ người Ai cập không có.

Cho tới hiện nay người ta chỉ phát hiện được có hai mươi chín obelisk Ai-cập, cộng thêm một cái "obelisk không hoàn tất" ở Aswan. Hiện nay chín trong số 29 obelisk nay còn lưu lại tại Ai-cập. Số còn lại đã phân tán trên khắp thế giới. Ở Rome, số obelisk còn nhiều hơn ở tại Ai Cập. Ngoại trừ một obelisk Ai-cập bằng đá đỏ được Herod the Great dựng lên ở công trường đua ngựa tại thành phố Caesarea , Israel, tất cả obelisk Ai-cập trong Đế quốc La mã được dựng lại ở Rome.

Trước khi nói về obelisk cổ của Ai cập ở các nơi trên thế giới, tưởng cũng nên nhắc đến obelisk của đài kỷ niệm Washington ở Washington DC.

Đài kỷ niệm Washington, xây năm 1848-1884, có hình dạng như một obelisk Ai Cập. Đài bút tháp này cao nhất thế giới (555 feet 5.5 inches/169.29 m) ), nhưng lẽ dĩ nhiên nó không phải làm từ một khối đá duy nhất mà làm bằng một hỗn hợp đá hoa (marble), đá hoa cương (granite) và sa thạch (sandstone) tạo thành.
 

Đài kỷ niệm Washington
Washington D.C. (photo SV)
Obelisk không hoàn tất
ở Aswan, Ai cập

Những bút tháp Ai cập trên thế giới

Rome, Italy được coi như là là "thủ đô của obelisk" trên thế giới với 8 obelisk xuất phát từ Ai Cập. Nổi tiếng nhất phải kể obelisk đặt ở công trường Saint Peter với chiều cao là 25.5 m/83.6 ft và nặng 331 tons.

Obelisk Ai-cập cao nhất của Rome là bút đá tháp đặt tại Lateran Basalica, cao 32.2m/105.6 feet, nặng 455 tons.

Ngoài 8 obelisk đặt ở Rome, nước Ý còn ba obelisk khác nữa ở tại ba nơi là Sicily, Florence và Urbino.

Một đôi obelisk Ai-cập gọi là Kim của Cleopatra (Cleopatra's Needles), được làm quà tặng của Ai cập, một cho Anh quốc đặt ở London cao 69 feet, nặng 187 tons, và một cho Mỹ đặt ở thành phố New-York, NY cao 70 feet, nặng 193 tons;

Một obelisk Ai cập, quà tặng của Ai cập cho Pháp, cao 75 feet, nặng cỡ 230 tons đặt tại Place de la Concorde ở Paris, Pháp.

Istanbul, Turkey cũng có một obelisk gọi là obelisk Theodosius.

Dưới đây là danh sách tất cả những obelisk đã và đang được biết đến, thời gian thành lập, đặt ở đâu, và tại thành phố cùng quốc gia nào.

Egypt -- 9

Pharaoh Tuthmosis I, Karnak Temple, Luxor
Pharaoh Ramses II, Luxor Temple
Pharaoh Hatshepsut, Karnak Temple, Luxor
Pharaoh Senusret I, in Heliopolis, Cairo
Pharaoh Ramses III, Luxor Museum
Pharaoh Ramses II, Gezira Island, Cairo, 20.4 m
Pharaoh Ramses II, Cairo International Airport, 16.97 m
Pharaoh Seti II, Karnak Temple, Luxor, 7 m
Pharaoh Senusret I, Faiyum (ancient site of Crocodilopolis), 12.9 m

France -- 1

Pharaoh Ramses II,tại công trường La Concorde, Paris

Israel -- 1

Caesarea obelisk tại công trường đua ngựa ở Caesarea

Italy --8

Hiện nay có ít nhất là 8 obelisk được biết có nguyên thủy từ Ai Cập đã được chuyển về Rome sau khi người La mã thắng cuộc chiến. Ngoài ra cũng còn có ít nhất là 5 obelisk hoặc làm ở bên Ai Cập, có lẽ do đặt hàng của những nhà quyền quý La mã hay là được làm ở La mã rập khuôn theo obelisk của Ai Cập.

Tại Ý còn có ba obelisk thấy ở Piazza del Duomo, Catania (Sicily) , Boboli Gardens (Florence) và Urbino.

Poland -- 1

Ramses II, Poznađ Archaeological Museum, Poznan.

Turkey -- 1

Pharaoh Tuthmosis III, ở công trường Hippodrome, Istanbul

United Kingdom -- 4

Pharaoh Tuthmosis III, "Cleopatra's Needle", ở Victoria Embankment, London
Pharaoh Amenhotep II, tại Oriental Museum, University of Durham
Pharaoh Ptolemy IX, Philae Obelisk, tại Kingston Lacy, gần Wimborne Minster, Dorset
Pharaoh Nectanebo II, British Museum, London

United States -- 1

Pharaoh Tuthmosis III, "Cleopatra's Needle", tại Central Park, New York City

Lịch sử của một số obelisk trên thế giới

Obelisk ở London_Anh quốc

Chiếc Kim của Cleopatra ở Anh quốc

Chiếc bút tháp của Cleopatra tọa lạc ở thành phố Wesminster, đối diện Vườn bờ đê caoVictoria, gần cầu Golden Jubilee. Vị phó vương Ai cập thời bấy giờ Mohammad Ali đã tặng Đế quốc Anh để mừng hai trận chiến thắng trên sông Nile và Alexandria (1801) của Anh quốc

Dù mang tên là bút tháp của Cleopatra, nhưng nó không có liên hệ đến nữ hoàng Cleopatra. Chiếc bút tháp London được làm cỡ 1475 BC ở Heliopolis. Người La-mã cai trị Ai-cập thời bấy giờ đã di chuyển nó đến Alexandria vào 12 BC. Lúc ấy Cleopatra đã chết được hơn 18 năm, và Ai-cập là thuộc địa dưới quyền cai trị của Hoàng đế Augustus Caesar.

Cả ba obelisk, nay đặt ở Place de la Concorde -Paris, London-Bristish, và New-York city-USA, do Hoàng đế Thumose III đặt làm vào năm 1450 BC, được cắt từ đá granite đỏ ở Northern Quarry, Aswan, Ai Cập.

Cũng như nhiều obelisk khác, cả ba đểu có những chữ tượng hình Ai cập (hieroglyph) khắc trên bốn cạnh. Những chữ ghi trên đài miêu tả chiến công của Ramesses II được khắc thêm vào cỡ 200 năm sau đó.

Obelisk của London này như viết ở trên, đã dựng ở Cesaerium, Alexandria, và được mang tên Cleopatra từ khi được chuyển đến Alexandria. Cho đến chiến thắng của quân đội Anh do Lord Abercombie dẫn đầu đánh bại Napoleon tại trận chiến Alexandria vào năm 1801, thì obelisk này bị giật đổ phủ vùi dưới cát. Vào năm 1819, vị tổng trấn Mohammad Ali của Ai-cập đã có ý kiến tặng obelisk này cho Anh quốc để kỷ niệm chiến thắng của họ. Mặc dù chính quyền Anh chấp thuận nhưng vì lý do chuyên chở khó khăn nên obelisk này vẫn cứ nằm tại Alexandria.

Sau cùng, với phí tổn tài trợ bởi một tư nhân (Sir Erasmus Wilson), chính quyền Anh đã mang được obelisk về London.

Kỹ sư John Dixon và người em đã chế ra một cái tầu đặc biệt có thể nổi trên mặt nước cuốn chung quanh obelisk và mang obelisk về Anh được an toàn.

Obelisk được dựng lên vào năm 1878 tại Victoria Embankment, London. Cũng tại Victoria Embarkment này, thấy có những tượng sphinx đầu người mình thú bằng đồng có ghi chữ hieroglyph xác định "thần Thuthmosis tốt lành ban sống đời". Một số băng ghế ngồi có tay dựa giống như sphinx có cánh. Obelisk bằng đá granite hồng này có mang hai hộp bằng sành có chứa những vật như sách Thánh kinh với ngôn ngữ khác nhau, một gói đựng kẹp tóc, một cái đội xe, ấn bản báo chí kỹ thuật, cùng hình của 12 người đàn bà đẹp nhất nước Anh.
 

Kim Cleopatra ở London

Obelisk ở New York_USA

Obelisk ở New-York City là một trong cặp bút tháp với obelisk đặt tại London, Anh quốc. Cặp obelisk này được làm do lệnh của Thumosis III, hoàn tất vào cỡ 1467 BC, và được dựng tại Heliopolis-Ai cập. Sau đó được đặt tên là Cleopatra khi chuyển về Alexandria.

Bút tháp này là quà tặng của Egypt cho USA vào năm 1869, để tri ân sự giúp đỡ của Mỹ trong việc hoàn tất kinh đào Suez. Obelisk dài 70 feet, nặng 193 tons có cái chân đáy nặng 50 tons vào tháng 7 năm 1880. Sau một cuộc hành trình vất vả giữa thành phố New-York, sau cùng obelisk cũng đến được địa điểm lựa chọn ở gần viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art, ở East Side và đại lộ 81.

Obelisk chính thức khánh thành ngày 22 tháng 1, năm 1881
Phía đáy của obelisk đuợc các cơ quan chính phủ đương thời đó gửi tài liệu lưu trữ . Một mặt trên đáy obelisk có hàng chữ: "Cái obelisk này được dựng lên khởi thủy từ Heliopolis, Ai-cập trong năm 1600 BC. Sau đó được người La-mã chuyển đến Alexandria vào năm 12 B.C. Sau đó obelisk được Khedives, Ai- cập tặng cho thành phố New-york. Obelisk được dựng lên ở đây vào ngày 22 tháng 11 năm 1881, qua sự rộng rãi tài trợ bởi William H. Vanderbilt" (William H. Vanberbilt là nhà đại tư bản đường rầy xe lửa).
 

Obelisk Central Park. NY City
Obelisk Theodosius, Istanbul

Obelisk Theodosius ở Istanbul

Obelisk này mang tên Theodosius bởi vì hoàng đế Byzantine (đông phương La-mã) vào cuối thế kỷ thứ 4 Theodosius I đã mang đặt ở Istanbul (Constantinople). Địa điểm này là công trường đua xe ngựa (Hippodrome Square) ngày trước.

Obelisk tại Istanbul được biết là được Tuthmosis III cho dựng lên ở phía nam của cột thứ bẩy ở Great Temple của Amon ở Karnak. Sau đó không có tài liệu ghi chép lý do mà obelisk này được thuyên chuyển ra khỏi Karnak, chỉ được biết là Constantius II (trị vì AD 337-361) đã ra lệnh cho mang obelisk này về Alexandria, rồi sau đó chuyển về Constantinople (Istanbul) theo lệnh của Theodosius I (trị vì AD 379-395). Obelisk được dựng lên ở Istanbul vào năm AD 390.

Obelisk ở Place de La Concorde, Paris-Pháp

Những ai đã đi Paris, Pháp chơi không thể nào không ghé thăm công trường Concorde nơi có cái Obelisk nổi tiếng trên thế giới, hiện nay được gọi là Luxor Obelisk.

Trong lần thăm viếng Paris, Pháp lần đầu tiên vào năm 1984, người viết đã có dịp thăm viếng và chụp hình một obelisk của Ai Cập cổ đặt tại Place de La Concorde, một nơi được biết trong lịch sử Pháp như là một nơi đẫm máu và là nơi mà vua Pháp Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette bị chém đầu (1793).

Cái obelisk nổi danh này đã được biết là quà tặng của Ai cập vào đầu thế kỷ thứ 19.

Hai mươi hai năm sau, vào dịp đi thăm Egypt vào cuối năm 2008, người viết đã có cơ hội nhìn thấy cái obelisk thứ hai của cặp obelisk đứng trước cửa Temple of Amon, Luxor, Egypt.
 

Place de La Concorde, (1984/photo SV)
Photo (trang Du lich tren internet)

Đài bút tháp đặt ở công trường La Concorde đã được làm ở Ai Cập hơn 3,300 năm, trên đó có chữ viết theo hieroglyph kể lại cuộc trị vì của Hoàng đế Ramesses II và III.

Obelisk nặng cỡ 230 tons và cao 22.83 m, được dựng lên vào năm 1833

Tại chân bút tháp obelisk tại Paris, có hình ảnh mạ vàng kể lại công trình di chuyển obelisk từ Ai cập đến Paris.

Vị phó vương Ai Cập Mohammad Ali đã quyết định tặng nước Pháp cặp obelisk đặt tại Luxor này vào tháng 5, năm 1830, nhưng chỉ có một cái được mang về Pháp. Cái obelisk thứ hai vẫn còn đứng ở Luxor, Ai cập.

Mang được cái obelisk này về Pháp cũng quả là một kỳ công

Champollion, người được giao trọng trách dinh cái obelisk từ Egypt về Pháp đã phải mất biết bao thì giờ để lo việc chuyên chở này. Một cái tàu đặc biệt được hoàn tất, cấu trúc thích hợp để có thể luân chuyển trên sông Nile và mang obelisk về.

Phải mất 18 tháng (April 1831- December 1832) cái obelisk này mới tới được Pháp. Và phải mất hơn 3 năm, obelisk này mới được dựng lên tốt đẹp và được vua Louis Phillippe I khánh thánh ngày 25 October 1836.

Vào năm 1845, mười bốn năm sau khi Pháp nhận món quà obelisk của Muhammad Ali, vua Louis Phillippe đã tặng Muhammad Ali một cái Clock Tower bằng đồng.

Hiện nay tại khu courtyard của Alabaster Mosque (Muhammad Ali Pasha Mosque) ở Cairo vẫn còn cái Clock Tower này. Tuy nhiên cái kim đồng hồ của Clock Tower này không bao giờ chạy dù bao nhiêu kỹ thuật gia tìm đủ mọi cách để sửa chữa.
 

Obelisk. Luxor, Egypt (SV)
Obelisk. Paris, France

 Obelisk ở Rome_Italy

Trong số những obelisk của Ai cập, đáng kể nhất là năm obelisk ghi ở đây.
 

Piazza del Popolo, Rome
Piazza San Giovanni in Laterano

Obelisk ở công trường Popolo (Piazza del Popolo)

Bút tháp đặt ở giữa công trường Popolo có tên là obelisk Flaminio cao 23.2 m/73ft, được tạo nên vào năm 1300 BC và dựng ở Đền thờ Mặt trời ở Heliopolis, Ai cập. Bút tháp được mang về Rome theo lệnh của Hoàng đế Augustus vào cỡ 10 BC và được dựng ở Circus Maximus cho đến năm 1589 thì được di chuyển về công trường Popolo theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Sixtus V. Bút tháp được đặt ở phía nam trước đôi nhà thờ Santa Maria in Montesanto (bên trái) Maria dei Miracoli (bên phải)

Obelisk ở công trường San Giovanni tại Laterano.

Obelisk Laterano là obelisk cao nhất (32.2 m/105.6 ft) trong tất cả obelisk cố Ai-cập. Được làm cho hai Hoàng đế Tuthmosis III và Tuthmosis IV vào thế kỷ thứ 15 đặt tại đền Amun ở Karnak, obelisk này được mang đến Rome do lệnh của Hoàng đế Constantius II vào năm AD 357 và được đặt tại Circus Maximus. Một trận động đất sau đó đã phá hủy và chôn vùi nó cho đến năm 1587 mới được đào lên và dựng lại cho đến ngày nay tại công trường San Giovani ở Laterano.

Obelisk ở công trường Saint Peter

Obelisk này được dựng lên vào năm 1835 BC ở Heliopolis, Ai cập do lệnh của Hoàng đế Ai cập Mencares để vinh danh thần mặt trời. Vào năm 37 BC Hòng đế La mã Caliguna đã cho mang về Rome và dựng ỡ circus của ông. Đền năm 1586, Sixtus V đã ra lện cho chuyển về công trường St Peter. Bút tháp được làm bằng một granite hồng, cao cỡ 25 m (cao thứ hai ở Rome sau obelisk ở Laterano), nặng 330 ton là obelisk Ai cập duy nhất ở Rome không có chữ khắc hieroglyph mà chỉ có chữ Latin khắc vào (xem hình). Trên đỉnh obelisk là một dấu hiệu bằng đồng của Pope Sixtus chứa một thánh gía
 

St. Peter's Square.(photo SV)
     (photo SV)

 
Photo SV Photo SV

Obelisk tại công trường Rotonda hay Obelisk trước điện Pantheon.

Đây là một obelisk nhỏ (cao 6.34 m) được Ramses II cho làm và đặt ở phía ngoài Đền Mặt Trời ở Heliopolis. Obelisk này đã được đặt ở đâu đó cho đến năm 1711 thì Pope Clemens XI cho mang đặt vào giữa bồn phun nước trước cửa đền Pantheon.

Obelisk Minerva

Được coi như là obelisk nhỏ nhất trong những obelisk mang về Rome từ Aicập, obelisk này có nguyên thuỷ, dựng lên theo lệnh của Hoàng đế Ai cập Apries, ở Sais, một thành phố của Hạ Ai cập vào cỡ 589 BC-570 BC. Nó được tìm thấy nằm trong nhà thờ Saint Marie trên Minerva vào năm 1665, và được dựng phía trước nhà thờ trên một điêu khắc hình con voi, một công trình của Gian Lorenzo Bernini và học trò tên Ercole Ferrata vào năm 1667.

Obelisk Minerva và nhà thờ Saint Marie nằm ở phía Đông Nam của Pantheon.
 

Obelisk Minerva với nhà vòm Pantheon
Piazza della Rotonda (photo SV)

Ngoài những obelisk có xuất xứ từ Ai Cập cổ kể trên, tại Rome còn có thêm những obelisk Ai cập khác như Monteritorio, Termini (Dogali) và Matteiciano.

Nói về năm obelisk được biết đến có xuất xứ là được làm do người La mã đặt để mang về Rome, (obelisk ở Piazza Esquilino, Piazza del Quirinale, Spanish Steps, Pincian hill, và Piazza Navona), đáng kể nhất là obelisk ở công trường Navona và ở Spanish Steps

Obelisk của Domitian ở tại công trường Navona.

Cái obelisk Domitian nho nhỏ này tự nó thì không nổi tiếng, nhưng công trường Navona thì lại rất nổi tiếng với ba bồn phun nước. Cái bồn chính giữa công trường và lớn nhất là bồn phun nước của bốn giòng sông (Fontana dei Quattro Fiumi) của Bernini, mà obelisk được đặt vào giữa, bồn phun nước này gồm bốn hình tượng tiêu biểu cho sông của bốn lục địa (Nile ở Phi châu, Ganges ở Á châu, Danube ở Âu châu, và Rio della Plata ở Mỹ châu). Trên đỉnh của obelisk có hình một con chim bồ câu, một tượng trưng cho Amphilij. Gian Lorenza Bernini hoàn tất cái bồn phun nước này vào năm 1651.

Hai bồn phun nước ở hai đầu cùa Piazza Navona là bồn nước của Neptune và Moor (Fontana di Nettuno và Fontana del Moro).

Công trường Navona nằm ngay trung tâm lịch sử của thành phố Rome, phía tây của Pantheon. Khu vực này rất đông đúc nhộn nhịp.

Trong cuốn film Angels & Demons (2009), cái obelisk quay hình trong film chính là cái obelisk của công trường Navona, Rome, Italy. Theo cuốn sách Angels & Demons (2000), cốt chuyện nói về "Những Bệ thờ của Khoa học ở Rome", gồm 4 địa điểm, mỗi địa điểm tượng trưng cho một trong 4 yếu tố: đất, không khí, lửa, và nước, tất cả bốn yếu tố được tin là "Lộ trình của Soi sáng". Những Bệ thờ này được dấu như những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo để tránh sử nguyền rủa của toà thành Vatican và bảo đảm sự bí mật của Soi sáng. Những tác phẩm nghệ thuất này đều của Gian Lorenzo Bernini. Trong sách ghi địa điểm bốn tác phẩm như sau: Đất-Habakkuk và Thiên thần trong Chigi Chapel của Santa Maria del Popolo; Không khí- West Ponente tại công trường Saint Peter; Lửa- tượng The Ecstasy của St Teresa tại nhà thờ Saint Maria della Vittoria; và Nước- Bồn Phun nước của Bốn giòng sông ở công trường Navona.

Obelisk ờ Piazza di Spagna.

Công trường Spanish là một nơi rất nổi tiếng của Rome; nơi đây luôn luôn đông đúc, ồn ào, và là một khu vực hỗn hợp gồm một nhà thờ của Pháp (Trinità dei Montu) trên đỉnh đồi, một thềm bực thang mang tên Spanish Steps, và một obelisk. Cái obelisk đặt trước nhà thờ này, lúc trước là sở hữu của một biệt thự tư nhân. Sau này Pope Pius VI đã ra lệnh cho rời về địa điểm hiện tại vào năm 1789. Trên đỉnh obelisk có một một ngôi sao và một đóa hoa lily. Obelisk này được làm tại Rome và là một cóp bản obelisk hiện nay đặt tại công trường Popolo.
 

Obelisk và Spanish Steps
Piazza Navona (photo SV)

Trên đây chỉ là một số obelisk Ai cập và Rome cổ trên thế giới. Những obelisk hiện nay còn ở Ai Cập nằm trong một bài viết khác nói về Ai Cập.

Và sau cùng, mặc dù không liên hệ nhưng cũng kể như là thiếu sót nếu nói đến obelisk mà không nhắc đến nhân vật mang tên Obelix trong loạt chuyện

hoạt họa Asterix rất phổ thông ở Pháp vào những năm 1970 của René Goscinny và Albert Udergo. Obelix, người bạn thân cao lớn mập mạp của Asterix làm nghề tạc và chuyên chở vác sau lưng và buôn bán menhir, một loại đá dài ngày xưa.

Obelisk nói chung, là một biểu tượng mà chúng ta có thể nhìn thấy ở rất nhiều thành phố trên khắp thế giới, hoặc nó cao lớn, đứng sừng sững ở giữa các công trường, hoặc nhỏ hơn tìm thấy ở những đền đài, tiểu giáo đường-nhà mồ, hoặc nhỏ bé khiêm nhường toạ lạc ở những công viên, hoặc rất ẩn dật trong nhiều nghĩa địa trên khắp thế giới.

Ngắm nhìn những obelisk cổ Ai Cập nói riêng, người viết có một cảm tưởng mơ hồ như lạc vào một thế giới huyền bí của lịch sử mà khoa học hiện đại vẫn tiếp tục nghiên cứu khai phá và tìm hiểu.

Từ kim tự tháp (pyramid) đến bút tháp (obelisk), Ai cập quả là một quốc gia có một lịch sử đáng cảm phục và ngưỡng mộ.

Ghi nhận.

Xin có lời cảm ơn chủ nhân, tác giả những bài viết, cùng hình ảnh mà người viết đã mượn đề thực hiện bài viết. Sự sơ xuất không ghi đầy đủ là ngoài sự mong muốn của người viết.

Lời phủ nhận.

Sự trung thực của bài viết này có thể chỉ ở một mức độ giới hạn và không có tính cách nghiêm túc của một bài viết biên khảo.

Hình ảnh và tài liệu thu thập trên internet ngày 22 tháng 5 2009:
http://commons.wikimedia.org/wiki/Obelisks_of_Rome
http://en.wikipedia.org/wiki/Obelisk
http://www.explore-london.co.uk/cleo.html
http://www.artofthestate.co.uk/london_photos/cleopatras_needle.htm
http://www.egipto.com/obeliscos/newyork2.html
http://www.egipto.com/obeliscos/index.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Place_de_la_Concorde
http://www.pbs.org/wgbh/nova/egypt/raising/rome.html
http://www.initaly.com/regions/classic/obelisks.htm
http://www.romeartlover.it/Obelisks.html

(*) Chữ biểu hình tượng hieroglyph có thể đuợc xem tại:
Chữ cổ Ai cập hieroglyph được tạo bởi 3 loại biểu hiệu. Dấu chữ theo alphabet tương ứng với chữ hay âm thanh tạo nên bởi dấu đó. Biểu hiệu âm tiết/âm vần tương trưng cho những âm tạo bởi một nhóm chữ. Dấu hiệu chỉ định liên hệ đến một vật hay một tư tưởng nào đó thí dụ như đàn ông, đàn bà, hay nước. Chữ hieroglyph có thể đọc từ trái sang phải, phải sang trái hay từ trên xuống dưới. Hướng đọc được phân biệt dựa theo cách viết của những biểu tượng hình này hướng về phía đông hay phía tây. Khi bấm vào link đính kèm, nếu dùng cái kính hiển vi trong đó mà soi từng biểu hiệu thì thấy chữ dạng abc hiện ra. Một biểu hiệu có thể có nhiều hơn là một nghĩa.
http://www.seaworld.org/fun-zone/fun-guides/egypt/hieroglyphics.htm

Sóng Việt Đàm Giang
24 May 2009