Chim Việt Cành Nam             Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Tình ai trên nớ
Quỳnh Chi
Chị Huệ thấy Chiếc Mưn đi học về mặt mày buồn so, ngồi một chỗ, lâu lâu lại chà chà lòng bàn tay phải vào người, vào chân, như muốn chùi cho sạch cái gì, bèn chạy lại hỏi :

-Tay em răng rứa ?

Chiếc Mưn ngửng nhìn chị, rồi bỗng nước mắt ràn rụa.

-Khi không mà em bị thầy Đằng khỏ tay, ...như ...ri nì !

Cô bé cầm lấy cây thước kẻ trên bàn, ra dấu gõ vào lòng bàn tay mình.

Chị Huệ trố mắt nhìn, tưởng mình nghe lầm. Chuyện này nghe mới lạ chứ ! Đúng là như sét đánh ngang tai. Chị vội nâng bàn tay của Chiếc Mưn lên vừa xoa vừa xăm xoi coi thử có còn lằn đỏ của cây thước kẻ hay không. Mà tại sao Chiếc Mưn lại bị thầy khỏ tay chớ. Chữ viết của Chiếc Mưn không phải là đẹp lắm, nhưng tập vở lúc nào cũng sạch sẽ, chữ viết ngay hàng thẳng lối. Học trò giỏi, tháng nào cũng đứng nhất, mà lại nhút nhát chẳng dám làm tàng làm phách với ai, sợ thầy đến nỗi Chiếc Mưn thường kể là em phải nín thở  mỗi khi đi qua trước cổng nhà thầy. Chị biết chắc là Chiếc Mưn không dám làm điều gì ngỗ nghịch để bị đòn phạt như vậy đâu. Chắc hẳn là phải có điều chi khúc mắc. Chị Huệ thấy thương Chiếc Mưn quá, chị ấp bàn tay em trong tay chị, chờ cho em hết khóc.

- Răng mà thầy lại khỏ tay em ?

-Tại có mấy nam sinh không thuộc bài, thầy kêu em lên khỏ tay cho họ mắc cỡ mà lo học. Tại em khỏ nhẹ, nên thầy khỏ.. tay em, thầy nói là phải  mạnh như rứa, chị nợ .

Chiếc Mưn kể đến đó thì hai mắt đã ráo hoảnh, nhưng em khẽ nấc lên một tiếng như vẫn còn tức tưởi.

Chị Huệ đã hiểu, buột miệng than

-Cái ông thầy Đằng ni dữ như thiên lôi, mà còn chướng chi a !

**

Thầy Đằng nghỉ dạy  luôn vào cuối năm đó, rồi dọn nhà đi, nghe đâu cả gia đình thầy về Huế. Thật ra mỗi lần đi qua nhà thầy, Chiếc Mưn vừa sợ đến nín thở, vừa hồi hộp  muốn tò mò nhìn vào để mong gặp mấy cô thiếu nữ nhà thầy, người nào người nấy xinh đẹp, tóc dài óng ả. Năm khi mười họa Chiếc Mưn bắt gặp mấy chị đứng trước nhà. Có lẽ mấy chị này là con hay cháu chi đó của thầy, và đã lên trung học, vì Chiếc Mưn không hề thấy mấy chị ở trường tiểu học của mình. Hay mấy chị là cháu nội hay cháu ngoại của thầy, ở đâu đó xa lắm, thỉnh thoảng tới thăm thầy cũng không chừng.

Thời gian thấm thoát trôi qua, khi Chiếc Mưn lên trung học đệ nhất cấp, trường tiểu học mới xây lại ở gần nhà ga, còn mấy phòng học của trường tiểu học cũ ở ngay bên cạnh nay thuộc luôn vào trường trung học, trong đó có mấy phòng học được dành làm nhà cho thầy hiệu trưởng .

Học cùng lớp đệ thất với Chiếc Mưn bấy giờ có Diệu Liên, con gái thầy hiệu trưởng, mẹ Diệu Liên cũng là cô giáo dậy Pháp văn.

Chị Huệ đã lấy chồng nghỉ việc từ lâu. Khi vừa gặp Diệu Liên học cùng lớp, Chiếc Mưn thấy vui, vì lại được nghe hắn líu lo nói chuyện với  mình bằng những chữ ni nì nớ nợ nờ, giống như chị Huệ ngày nào. Khi mới vào học, hai đứa hay ra chơi ngồi đu, chiếc đu buông từ cành cây đa thật lớn trong sân trường. Nhưng chỉ được nửa năm sau, Diệu Liên không còn cùng ra chơi với Chiếc Mưn cùng các bạn gái nữa. Các bạn kháo nhau rằng Diệu Liên thương anh trưởng lớp tên Nhạn. Anh này đậu thủ khoa kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất. Chắc là nhờ học giỏi, điểm thi của anh nghe nói rất cao, nên anh được con gái thầy hiệu trưởng để ý. Chiếc Mưn nhớ hồi nhỏ bà ngoại có kể chuyện Cúc Hoa thương Trần Minh con nhà nghèo cũng vì người này học giỏi. Hình như con gái lớn lên rồi ai cũng thương người con trai nào học giỏi, cho nên Chiếc Mưn không lấy làm lạ khi nghe chuyện Diệu Liên. Chỉ có điều là Diệu Liên bị ba hắn la là còn nhỏ quá, nên cấm đoán, nhốt hắn luôn trong nhà. Có nghĩa  là tới  giờ ra chơi  thì hắn phải về nhà ở ngay trong trường,  vì ba hắn sợ hắn hò hẹn gặp gỡ anh Nhạn. Chiếc Mưn cũng không lấy chi lấy làm lạ, vì thầy hiệu trưởng ni cũng nổi tiếng nghiêm khắc, hay phạt cấm túc, nam sinh trong trường ít ai dám nghịch ngợm phá phách, nhất nhất đều răm rắp tuân theo kỷ luật . Không được chơi với bạn, Diệu Liên buồn thiu. Có lần, gặp hôm được nghỉ giờ Hóa học giữa buổi sáng, Diệu Liên cũng phải về nhà, nên đã rủ Chiếc Mưn cùng về nhà với mình. Vừa bước vào nhà, Chiếc Mưn giật mình đánh thót. Ai dè trên tường có treo hình thầy Đằng. Hóa ra ông thầy nớ là ông nội của Diệu Liên, thầy hiệu trưởng là một trong mấy ông con trai của thầy. Hèn chi mà ba Diệu Liên cũng nổi tiếng thét ra lửa, có khác chi thầy Đằng mô nờ.
 
 

Vì Ba Chiếc Mưn hay thuyên chuyển luôn, sau đó Chiếc Mưn đổi trường ngay giữa năm học, chẳng còn biết chuyện của Diệu Liên và anh Nhạn sau đó ra sao nữa. Nhưng có ngờ đâu khi lên đệ nhị cấp, Chiếc Mưn lại có dịp gặp Diệu Liên vào mùa bão lụt năm đó. Còn nhớ mãi hôm đó khi Chiếc Mưn đang đứng ôm thùng cứu trợ ngoài đường, gần đầu cầu trong phố, bất ngờ có cô gái đi qua trước mặt Chiếc Mưn, chợt quay lại hỏi :

-Chiếc Mưn ! Phải Chiếc Mưn không ?

 Đã từ lâu không còn ai biết đến tên Chiếc Mưn, cái tên bị gọi chệch đi từ hồi tiểu học, do cậu bé con cô giáo ngọng ngịu khi theo đòi Chiếc Mưn chơi với bé ngày nào. Chiếc Mưn giật mình nhìn kỹ lại cô gái xinh đẹp đứng trước mặt mình. Diệu Liên đó sao. Ngày bé Diệu Liên uốn tóc, nhưng giờ đây mái tóc đó thật dài óng ả sau lưng. Hỏi thăm mới biết ba Diệu Liên nay là Trưởng Ty Học vụ trong tỉnh. Tuy nhiên Diệu Liên nay học ở một trường đệ nhị cấp nơi mẹ đang dậy, mà không muốn đổi trường để đi theo Ba. Tình cờ cuối tuần Diệu Liên tới thăm Ba nên mới tới đây. Ty Học Vụ ở ngay gần cầu, ngay góc đường cách đó không xa. Trong một thoáng, Chiếc Mưn chợt nhớ câu chuyện giữa Diệu Liên với anh Nhạn, hồi đó nghe đâu hai người hay chép những bài thơ tình bằng tiếng Pháp gửi cho nhau, Chiếc Mưn hỏi không chút nghi ngờ:

-Mình đi ban C. Diệu Liên đi ban chi ? Chắc cũng ban C.

Diệu Liên lắc đầu:

-Không, Diệu Liên đi ban B, theo ông anh của mình cũng học ban B, Chiếc Mưn nợ.

Chiếc Mưn gật đầu thông cảm. Chiếc Mưn cũng vậy, suýt chút nữa là cũng theo ban A, vì từ nhỏ tới lớn hay đọc trước các sách giáo khoa của chị, cái gì Chiếc Mưn cũng bắt chước chị.

Phút giây gặp gỡ thật ngắn ngủi, vì Chiếc Mưn đang công tác hiệu đoàn, còn Diệu Liên thì buổi trưa hôm đó- một ngày chủ nhật- lại phải theo mẹ trở về cho kịp hôm sau đi học.

   Lâu lắm Chiếc Mưn mới nghe lại giọng nói nhẹ nhàng uyển chuyển của chị Huệ và Diệu Liên. Thật ra năm nay Chiếc Mưn tham gia sinh hoạt hiệu đoàn, trưỏng ban xã hội kiêm quản thủ thư viện là một anh người Huế, nhưng anh ta rất ít nói. Mấy năm gần đây nghe nói các cố vấn Mỹ khuyến khích các trường học Việt Nam phát động phong trào thanh niên học sinh, phong trào du ca, hoạt động hiệu đoàn tại các trường và nhất là trường của Chiếc Mưn bỗng trở nên sôi nổi. Chiếc Mưn hay vào mượn sách nên thường gặp anh học sinh này, nhưng hầu như chưa bao giờ nói chuyện gì với anh quản thủ thư viện, tuy nét mặt anh sáng sủa rạng rỡ có vẻ như là một người rất bặt thiệp. Mỗi lần cuối tuần, Chiếc Mưn hay vào mượn sách, tham lam lựa cả chồng như muốn ôm hết sách của thư viện về nhà, khiến anh ta tuy ít nói, vậy mà khi thấy Chiếc Mưn ôm đồm, có lần anh phải nhắc :

-Giữa tuần tới mượn thêm cũng được, mượn một lần nhiều rứa, xách nặng lắm.

Giọng nói của anh thật nhẹ, thật êm, cũng như giọng nói của Diệu Liên.
 
 

Mùa mưa bão với cuộc lạc quyên cứu trợ qua đi rồi tới Tết. Ra Tết ít lâu, ngoảnh đi ngoảnh lại mà sắp tới mùa thi. Thư viện trường chỉ mở cửa được khoảng một năm thì đóng lại, hình như vì anh quản thủ sau đó bận học thi tú tài II. Từ đó Chiếc Mưn không bao giờ còn gặp anh ta nữa, cho dù là học cùng trường và thành phố thì nhỏ xíu chỉ có mấy con đường.

 Chị của Chiếc Mưn cũng đang bận học thi Tú tài bán. Thỉnh thoảng mẹ sai Chiếc Mưn đi mua các thứ thay chị, vì công việc đó lâu nay của chị. Chiếc Mưn thường đi xe đạp xuống phố mua vài thứ kẹo bánh ở hiệu Bảo Ký hay đồ dùng ở hiệu tạp hóa quen quanh chợ. Mùa này khắp thành phố đầy hoa. Đường đến trường và vài ngả đường khác ngập trong mầu phượng đỏ. Giàn hoa giấy màu tím trước cổng nhiều tư gia thì vẫn nở hầu như quanh năm. Còn đường xuống phố và ra chợ toàn hoa điệp vàng. Trên vỉa hè , những hàng cây điệp nở hoa vàng tươi lấm tấm trong tàng lá xanh lục, để sau đó ít lâu sau sẽ buông xuống từng chùm trái điệp xanh thẫm, sang thu dần khô đen lại như những chùm quả bồ kếp gội đầu. Đối diện với dẫy nhà gồm mấy Ty Sở kiến trúc theo kiểu Tây phương bên kia đường, là những giàn hoa giấy của một hiệu cà phê với những bộ bàn ghế bầy trên vỉa hè, ban đêm có chăng đèn mầu rất đẹp. Đây là con đưòng đẹp nhất trong thành phố. Dạo này hầu như ngày nào mẹ cũng sai Chiếc Mưn đi mua các thứ. Chiếc Mưn thường đạp xe theo đoạn đường có hoa điệp và hoa giấy, đôi khi ngừng lại bên bờ sông ngắm thuyền bè và xem người ta thả vó đánh cá. Hình ảnh những ngôi nhà đẹp, hàng cây điệp, khúc bờ sông với những con thuyền như một bức tranh này, mãi mãi về sau vẫn còn hiện về trong mơ ...
 
 

Một buổi chiều nọ, Chiếc Mưn vừa đạp xe qua khỏi chiếc cầu gỗ có mái che, vừa rẽ ở góc đường để xuống bờ sông, bỗng nghe có tiếng ai gọi thật to, vọng xuống từ trên tầng không cao vút.

-Chiếc Mưn ! Chiếc Mưn ! Chiếc Mưn.....

Giật mình ngửng lên, Chiếc Mưn chỉ kịp thấy có ai đó trên sân thượng của toà nhà Ty Học vụ, đang vừa chạy dọc theo hàng lan can vừa nhoài người ra, nhưng rồi bóng người đó cũng lùi ngay lại để khuất sau hàng lan can màu vàng nhạt.

Phút hồi hộp vì bất ngờ trôi qua, định thần lại trong giây lát, Chiếc Mưn như vụt hiểu.

Trên đoạn đường còn lại dọc theo bờ sông, chiếc xe đạp nhỏ vẫn lướt đi, nhưng giờ đây hầu như không còn có người lái, đã thành một đám mây trắng nhẹ đưa Chiếc Mưn trôi mãi trên nền trời trong vắt, hay như cánh buồm đang đưa thuyền trôi về cửa biển xa xa ...
 

Quỳnh Chi
( 11/2004-8/2008 )




Trở Về   ]