Chim Việt Cành Nam         [ Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Mưa thơ tháng 6

Phanxipăng

Tháng 6. Mưa đầu mùa thả từng giọt nhặt thưa xuống Sài Gòn. Tôi cùng em thả từng bước song song trong chấp chới lay bay muôn nghìn lá me. Sau mưa, đất trời dường mới hơn, người người dường thanh thản hơn, và tất cả dường tình tứ hơn.

Ngước đôi mắt lá răm nhìn tôi, em hỏi bằng giọng Huế pha pha Nam Bộ nghe ngọt lịm:

 - Làm báo và làm thơ, anh xem nghề nào chính, nghề nào phụ?

Tôi trả lời:

- Hai việc này, anh đều làm bằng... tay phải, em à.

Quả vậy. Mỗi công việc có những đặc trưng, yêu cầu riêng, đem lại những thú vị, phấn khích riêng, và cả những bực dọc, phiền muộn riêng. Đôi phen, công việc nọ có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho công việc kia. Dễ thấy nhất là báo chí ngốn hầu hết thời gian, tâm sức. Báo chí lại đòi hỏi nhanh nhạy, chính xác, kịp thời và mang tính phối hợp nhân sự cao. Ngày N, giờ G, dứt khoát phải hoàn chỉnh bản thảo. Và phải hoàn chỉnh tốt, đủ số chữ, số trang, số tranh, số ảnh, dữ liệu, luận chứng, luận cứ, v.v. Báo chí vận động với tốc độ và cường độ của một ngành công nghệ đặc biệt trong thời đại tin học, nên giới làm báo chí chuyên nghiệp đã được xem là những... sinh thể đặc biệt. 

 Thì sau những giây phút tác nghiệp báo chí căng thẳng, vất vả, nhọc mệt, tôi hay về an trú giữa thi ca - một ngành tạm gọi là "thủ công mỹ nghệ", một cõi sáng tạo hết sức riêng tư. Ngẫm cho cùng, hai công việc bổ sung bổ túc cho nhau cực kỳ tuyệt diệu. Như tôi với em.

 Em chợt hỏi, giọng ríu rít tợ chim sâu:

- Nhiều người vẫn bảo: Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm. Anh nghĩ sao?

Tôi thở làn thuốc dài, buồn bã hỏi lại:

 - Em tin chăng điều ấy?

 Chiều dần buông. Vào một quán cà phê ven sông, tôi hỏi:

- Em đã đọc Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (1914 - 1984) chưa?

Em gật. Thật bất ngờ, em rút sổ tay chìa tôi xem trích đoạn tác phẩm kia được em chép nắn nót:

 "Báo là một bộ môn văn hóa phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội; báo là một phương tiện nói lên phẩm chất hoặc văn minh ưu việt hoặc thoái hóa, đồi trụy của chế độ ấy; báo chụp lại một cách chân thành tình tiết tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của một chế độ; báo luôn luôn có tính năng xây dựng; báo là cơ quan bảo vệ và phổ cập chân lý; mà báo cũng còn là một kỹ nghệ để cho nước này ganh đua với nước kia, để tranh đấu cho sự thật, để góp phần tích cực vào sự đóng góp của một nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... và với cộng đồng thế giới. Sứ mệnh thì lớn mà người làm báo thường thường lại gian nguy, thiếu thốn, nhưng họ cứ làm báo, cứ say sưa, cứ vượt hiểm nghèo, cứ nghe chửi rủa, cứ cắn răng lại mà chịu đựng, miễn là đạt được lý tưởng của mình: phải chăng đó là tất cả cái vô lý nhưng cũng là tất cả cái cao thượng vượt bậc của nghề nói láo ăn tiền?".

 Nhà báo kiêm nhà văn họ Vũ chấp bút những dòng đó trong hoàn cảnh sống vất vả, thậm chí túng bấn, vào năm 1969, độ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Chẳng rõ lúc viết xong, Vũ Bằng cười hay khóc?

 Khép cuốn sổ thoang thoảng mùi hoa mộc, tôi thong thả kể em nghe về một anh bạn đồng nghiệp của tôi hiện đang làm việc cho một tờ báo nọ. Là con người khỏe mạnh và nhanh như sóc, quan hệ rộng, rành rẽ lắm trò đời, nhưng bao lâu nay anh ấy vẫn cùng gia đình sống đạm bạc trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp thiếu thốn tiện nghi ở cuối một ngõ hẻm ngoại thành. Ảnh thừa biết nhiều "chiêu" kiếm tiền "nhân danh nhà báo", nhưng ảnh quyết không nhúng tay. Có lần trà dư tửu hậu, ảnh chân tình bộc bạch:

 - Mình làm báo với tâm nguyện: hãy luôn cố gắng để mươi, mười lăm năm sau, con cháu mình đọc những trang báo hôm nay có thể chê rằng cha anh thực hiện chưa hay, chưa giỏi, nhưng chúng không thể cười mỉa thế hệ đi trước thiếu lương tâm nghề nghiệp.

Tôi thực sự trân quý anh ấy từ dạo đó, em à.

 Khúc Menuet của Mozart vang lên. Hai đứa lắng nghe. Trước khi ra về, em thỏ thẻ:

- Vậy giữa làm thơ và làm báo, anh yêu công việc nào hơn?

Tôi đáp:

- Bằng nhau.

Em nhay nháy mắt, cười phô lúm đồng tiền:

- Chao ôi! Cái gì anh cũng... ham!
 

Khuya nay, ngồi trước bàn phím, bên những đóa hồng bạch mà em vừa tặng tôi nhân "Ngày nhà báo", tôi lặng lẽ lật lại mấy chồng báo cũ có, mới có, đọc lại dăm bài của mình lẫn bài của người. Bỗng dưng, những câu hỏi của em vần vũ hiện về và bất thình lình òa xuống lòng tôi một trận mưa. Trận mưa kéo dài thâu đêm. Có lẽ sẽ kéo dài suốt cả tháng hoặc lâu hơn nữa.

Tôi gọi đó là: trận mưa thơ. 
 

Đã đăng báo Long An Cuối Tuần 349 (19-6-1993)

Tranh dán giấy của Phanxipăng