Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]             [ PDF ]

TÍ THỊ
 訾 氏

Nguyên tác   : Huỳnh Song Dị Thảo
Tác giả   : Trường Bạch Hạo Ca Tử
Bản dịch của  : Phạm Xuân Hy

Cóp da nách, làm áo cừu, nói khuấy U Minh câu chuyện cũ,
 Rót chén rượu, vần quản bút, học theo Cô Phẫn sách người xưa.

Liễu Tuyền Cư Sĩ  BỒ TÙNG LINH

Lúc binh triều đình mới bình định xong Tân Cương, thì thành trấn chợ búa tương đối còn vắng vẻ ít người. Nhưng về sau thì khách thương buôn bán đến tụ tập đông như kiến. Có một cửa tiệm, kêu là Nghĩa Tụ, là tiệm cầm đồ mở đầu tiên ở đấy. 

Trong tiệm có mướn một người làm công Mỗ, mà thuật giả quên mất tính danh, tuổi ngoài hai mươi, làm cho chủ cũng đã lâu ngày. 

Cuối thu năm mậu tý, một hôm, Mỗ cảm thấy đau bụng, phải ra gấp khỏi quán để đi đại tiện. Bấy giờ, chiến tranh cũng mới vừa chấm dứt, nên ngoại thành còn chưa có người ở. Cỏ hoang. Cành gẫy. Lan tràn hai bên đường, ngừơi ta có thể tiện đâu bạ đấy, không ai cấm cản gì. 

Khi Mỗ kéo quần ngồi xuống đất , thình lình nghe có tiếng người cười từ trong bụi cỏ vọng ra. Mỗ đưa mắt nhìn. Té ra là một thiếu phụ xinh đẹp, cũng đang ngồi chồm hổm đối diện với mình. 

Thiếu phụ cười gượng gạo bảo Mỗ : 

- Tớ ngồi đây, mà sao đằng ấy coi như không có ai vậy !

Mỗ kinh ngạc, cho là đàn bà cư dân trong vùng, cũng chẳng kịp xong việc, cứ đứng dậy đi ngay. Sau ngoái lại nhìn, thấy thiếu phụ cũng từ từ rẽ đám cỏ hoang mà đi, bấy giờ Mỗ mới yên bụng. 

Mấy ngày sau, Mỗ lại trở lại chỗ cũ, đã thấy thiếu phụ đến đó ngồi trước. Cả hai nhìn nhau, rồi cùng cười. Tuyệt nhiên, nàng không có vẻ gì là xấu hổ ngượng ngùng. Mỗ đoán chừng có thể chim được, bèn buông lời ong bướm, lên tiếng lả lơi trước. Thiếu phụ cũng vui vẻ tiếp nhận. Rồi dẫn nhau đến một góc kín đáo, vắng vẻ, dã hợp mây mưa. 

Việc xong thì đi. 

Mỗ trở về tiệm, đến đêm nằm ngủ một mình, chừng nửa khuya, đã thấy thiếu phụ thình lình tìm đến. Lặng lẽ âm thầm, không nghe tiếng động nhỏ. Mỗ đã bị nàng mê cảm, nên chẳng cần hỏi thiếu phụ đến bằng cách nào, cứ kéo lên giường, cùng nàng hoan lạc, quấn quýt còn hơn lần trước gấp bội. 

Mỗ hỏi nàng tính danh. Nàng nói là họ Tí. Lại hỏi đến chỗ cư ngụ, thì nàng nhất định không chịu trả lời, duy chỉ nói : 

- Chàng đã được người đẹp bầu bạn là đủ rồi, hà tất hỏi điều khác làm gì ?

Chừng đến lúc trời sáng, thiếu phụ dậy trước, mặc quần áo vội vã ra đi, trong tiệm không ai hay biết gì. 

Tự đó, đêm nào cũng đến. Hễ đến là cùng Mỗ xoắn xuýt hoan lạc. 

Như thế được một tuần, người trong tiệm thấy Mỗ thân hình sơ sác, gầy hẳn đi như que củi. Ăn uống cũng ít ỏi, không được như trước, có ý nghi hoặc, nhưng chẳng nghĩ là víệc đã xẩy ra như thế. 

Ít lâu sau, Mỗ đâm ra lẩn thẩn, lo lắng. Nhớ ít mà quên nhiều. Thường ngày, Mỗ vốn giữ việc sổ sách kế toán, ghi chép việc thâu xuất những đồ vật đem đến cầm thế rất là tươm tất rò ràng. Nhưng bây giờ thì rối rắm như tô vẽ, nhiều chỗ thiếu sót, mất mát. Chủ tiệm lấy làm nghi ngờ, tính đuổi đi. Mỗ năn nỉ khẩn nài ba bốn lần, chủ miễn cưỡng giữ lại. Nhưng chỉ hai ngày sau, tật cũ lại tái phát, chủ mới quyết ý đuổi đi. 

Mỗ có người anh, làm công cho một tiệm khác, nghe thấy thế, mới chậy đến khóc lóc van xin với chủ tiệm, xin giữ em mình lại. Chủ thương tình, thôi không đuổi nữa, mới bầy tiệc mời người anh ăn. Nhân cơ hội, mọi người mới hỏi Mỗ về nguyên nhân của căn bệnnh. Mới đầu, Mỗ có ý dấu, không muốn nói, nhưng người anh vừa khuyên giải vừa trách móc, Mỗ mới thực tình thổ lộ. 

Mọi người nghe nói thế, đều cho là ma. 

Đến khi tra hỏi các hộ dân thì chẳng có ai là họ Tí cả. Việc lại càng thêm mơ hồ, khó hiểu. 

Đến tối, mọi người bảo anh Mỗ ở lại ngủ, thì đêm đó thiếu phụ không đến. Chừng người anh có việc phải đi, thiếu phụ lại đến, Mỗ không sao nhịn được, bèn cùng nhau soắn suýt. Ân cần say đắm hơn nhiều. Sáng dậy thì nàng lại đi. 

Mọi người thấy thần sắc của Mỗ biến đổi kỳ lạ, biết Mỗ bị ma mê cảm, bèn cùng nhau mưu đem chăn gối mùng mền của Mỗ để ở dưới khám thờ Táo quân, bên trên khám để tượng Quan Thánh Đế. 

Qủa nhiên, thiếu phụ biệt dạng, không thấy đến nữa. 

Đến buổi chiều hôm sau, chủ tiệm e ngại các phòng sau tiệm để trống, tịch mịch, mới bảo cho người khác đến ở. Nhưng đến canh khuya nửa đêm, thì tiếng soong chảo, chén tách, nổi lên xoang xoảng như nhà nổi sấm sét, rồi ngoài cửa gió đập ầm ĩ, cả đêm không sao nắm mắt ngủ được. Chủ tiệm lại sai người khác dắt dao đến ngủ trong đó, nửa đêm hễ nghe thấy tiếng động thì dậy bắt ma, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy gì cả. Lúc trở về giường ; mới đặt mình thiu thiu ngủ thì lại nghe thấy có tiếng cười " hắc hắc ", lẫn với những tiếng tát vào mặt để làm trò đùa, quấy phá không sao chịu nổi. 

Trong đám có người lanh trí mới bầy mưu cho Mỗ trở về ngủ lại chỗ cũ, khi thiếu phụ đến thì giả đánh tiếng ho làm tín hiệu, mọi người xông vào bắt, ắt sẽ truy tìm ra tông tích. 

Mỗ bất đắc dĩ phải nghe lời. 

Mọi người đều không ai ngủ, im lặng chờ đợi. Chừng đến canh khuya, bỗng nghe tiếng mỗ tằng hắng, mọi người bèn bật hồng sáng chưng, người cầm đuốc, kể cầm đao, hô hoán chạy đến gian phòng ngủ của Mỗ. Kịp đến ngoài cửa còn nghe tiếng cười đùa vui vẻ, nhưng lúc phá cửa bước vào chỉ thấy một mình Mỗ nằm trên giường đang ngủ. Tuyệt không một người nào khác. Ai nấy đều cảm thấy quái đản lạ lùng, bèn ra về, thì thiếu phụ lại quay trở laị, bảo Mỗ với một giọng oán trách : 

- Tớ tuy nhiên có dâm bôn đến nước này, chẳng qua cũng chỉ là một người đàn bà, hà tất mấy gã đàn ông ngông cuồng ấy, lại đe nẹt dọa dẫm làm cho tớ sợ hết hồn như vậy !

Rồi nức nở oán than không dứt. 

Mỗ phải ngon ngọt vỗ về, nàng mới chịu cởi quần áo lên giường cùng Mỗ hoan lạc. Mãi cho đến lúc trời sáng mới thức dậy ra đi. 

Lần này Mỗ cũng chẳng cần dấu diếm gì, cứ đem truyện nói huỵch toẹt cho mọi người biết. 

Mọị người đều nói : 

- Bọn tớ quá hấp tấp vội vã thành ra hỏng việc, tối nay phải chờ cho ả ngủ say, khi ấy cậu lại tằng hắng làm hiệu, và nhớ giữ cho chặt quần áo của ả lại, lúc đó bọn tớ xông vào bắt, ả đang tồng ngồng, tất sẽ không thể trốn được, như thế lẽ nào không bắt nổi. 

Mỗ tán đông ý kiến. 

Chừng đêm thật khuya, thiếu phụ lại đến, Mỗ tỏ ra rất ân cần, nồng nàn, hơn trước gấp bội. Đợi cho thiếu phụ ngủ yên, Mỗ lớn tiếng ho, lại lấy quần áo của nàng dấu ở dưới nệm giường, còn mình thì cuộn người nằm úp lên, giả bộ ngủ say. 

Khi nghe mọi người hô hoán ầm ĩ đẩy cửa vào trong buồng tróc nã, thiếu phụ mới bảo với Mỗ : 

- Bọn côn đồ hung bạo chúng đến rồi đấy, mau trả quần áo tớ, sao mà ngủ như chết vậy ?

Mọi người nghe thiếu phụ nói như thế, càng hô hoán dữ hơn. Tiếng thiếu phụ cũng lại càng khẩn cấp hơn. Một lúc lâu sau, nghe có tiếng như xé vải từ trong buồng truyền ra , đó là do thiếu phụ dứt đứt vạt áo để đào tẩu. 

Lúc mọi người nhìn đến Mỗ, thấy như đang cố sức níu lấy quần áo. Mọi người đến nơi kiểm nghiệm lại, thấy bên cạnh chiếc chăn còn sót nửa chiếc quần hồng , làm bằng giấy. 

Mỗ thấy vậy, sợ quá, nói không nên lời. 

Ngày hôm sau, chiếc áo giấy được đem cho nhiều người truyền nhau xem. Anh của Mỗ nhờ người viết cho một bản văn sớ , kêu cầu với thần Thành Hoàng. Từ đấy không thấy thiếu phụ xuất hiện nữa. 

Còn Mỗ , chẳng bao lâu cũng khỏi bệnh. 

(Dịch xong Paris ngày 6- 10- 2003 lúc 20g29)
___________________________________________________________________________
Vài nét về tác giả .

Trường Bạch Hạo Ca Tử 
長 白 浩 哥 子

Cũng còn gọi là Hạo Ca Tử, là một tác giả gốc Mãn Châu đời Càn Long, tên họ thật và đời sống bất tường. Nhưng theo "Bát Kỳ Nghệ Văn Biên Mục" ghi chú thì Huỳnh Song Dị Thảo do Khánh Lan người Mãn Châu soạn. 

Khánh Lan tên chữ là Tự Thôn, là một văn sĩ nghèo, từng giao thiệp với văn học gia nổi tiếng đương thời là Viên Mai. Tuy sống âm thầm không được ngừơi đời biết đến, nhưng phụ thân ông là Doãn Kế Thiện là một đại thần nổi tiếng của Thanh triều, lịch nhậm các chức Tuần Phủ, Tổng Đốc, sau đến Văn Hoa Điện Đại Hoc Sĩ kiêm Quân Cơ Đại Thần. 

Tác phẩm "Huỳnh Song Dị Thảo" gồm có một trăm ba mươi tám truyện ngắn, viết theo lối văn ngôn. 
Mặc dầu mô phỏng theo phong cách của Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, nhưng Huỳnh Song Dị Thảo không phải là không có nhưng tác phẩm ưu tú, tư tưởng và nghệ thuật tương đối cao. Cốt truyện thường có khuynh hướng đề cao nam nữ tự do luyến ái, và đả kích cái lễ giáo của phong kiến hủ bại, nên từ lâu đã được độc giả hoan nghênh ưa thích. 

Một số truyện trong Huỳnh Song Dị Thảo đã được chúng tôi phiên dịch và in trong Hậu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh trước đây. 

 Vài hàng chú thích : 

Quan Thánh Đế 
關 聖 帝

Quan Thánh Đế, còn gọi là Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Vũ, là Đại tứớng nhà Thục Hán đời Tam Quốc, tự là Vân Trường, người Giải Huyện tỉnh Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), oai mãnh cương cường. Cuối thời Đông Hán lưu vong đến Trác Quận, rồi theo Lưu Bị khởi binh. 

Năm Kiến An ngũ niên (tức năm200) Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, Quan Vũ bị Tháo bắt cầm tù, nhưng được Tháo rất kính nể và hậu đãi "lên ngựa tặng vàng, xuống ngự tặng bạc", phong làm Hán Thọ Đình Hầu, nhưng Quan Vũ "thân tại Tào mà tâm thì tại Hán", cuối cung thì trở về với Lưu Bị. 

Năm 214 CN, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu. Năm 219 CN, vây đánh bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân ở Phàn Thành và phá Vu Cấm, nhân vì không phòng bị mặt sau, bị Tôn Quyền tập kích Kinh Châu, thua trận bị giết. 

Quan Vũ được người Trung Hoa thần hóa, thờ cúng, tôn là Quan Thánh Đế, Quan Công. 

Tong sách "Tam Quốc Chí - Thục Thư- Quan Vũ truyện" của Trần Thọ, người đời Tấn có truyện kể về ông. Sau ông lại được La Quán Trung người thời Minh, trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" được tiểu thuyết hóa với nhiều giai thoại, nhiều mầu sắc thú vị. 

Quan Vũ, một người khi sống coi tiền tài như rác rưởi, mà sau khi chết lại được người Tàu đặc biệt tôn thờ là Tài Thần. Tại sao?Theo truyền thuyết, thì vua nhà Thanh là Càn Long mới đăng cơ, thường nghe đằng sau mình có tiếng người đi dép lẹp kẹp, mới quay đầu lại hỏi : "Ai theo sau bảo giá trẫm vậy", thì có tiếng đáp : "Nhị đệ Quan Vân Trường". 

Sau đó Càn Long bèn phong cho Quan Vũ là Tài Thần, và từ đó trên cửa của miếu thờ Quan Vũ người ta thiếp mấy chữ : " Hán vi văn võ đế, Thanh phong Phúc Lộc Thần - 漢 為 文 武 帝 清 封 福 祿 神 "
Ông còn được coi là thủ hộ thần của mấy chục ngành nghề như nghề làm đầu bếp, nghề cắt tóc, nghề cầm đồ, nghề đồ tể, nghề bán thịt, nghề thầy võ, nghề thầy tướng, nghề đậu hũ v. v.... Thành ra, vào các quán ăn, các thương điếm, ở đâu chúng ta cũng thấy người Tầu có bàn thờ Quan Công cả. 

Dã hợp 
野 合
Chỉ trai gái ăn nằm với nhau không hợp lễ nghi chính thức , thì gọi là dã hợp. Đàn bà 49 tuổi thì âm tuyệt, đàn ông sáu mươi bốn tuổi thì dương tuyệt, quá tuổi này mà lấy nhau thì gọi là dã hợp. Cũng chỉ trai gái giao hoan cẩu thả ở ngoài đồng

Vân vũ 
雲 雨 

Mây mưa là do dịch từ chữ Hán là vân vũ 雲 雨, ẩn ngữ dùng để chỉ sự nam nữ giao hợp với nhau. Từ ngữ nay rút từ điển tích tronh bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc. Bài phú thuật rằng 

"Thời Chiến Quốc, vua Tương Vương nước Sở cùng với Tống Ngọc đi chơi đầm Vân Mộng, từ xa ngắm nhìn quan cảnh đài Cao Đường, thấy trên đài vân khí phiêu phất, lờ mờ, vua Sở mới hỏi Tống Ngọc : 
"Khi đó gọi là gì vậy ?". 
Tống Ngọc thưa : "Đó là triêu vân, tức mây buổi sáng. "
Vua Sở lại hỏi : "Tại sao lại gọi là triêu vân?". 
Tống Ngọc thưa : "Trước đây tiên vương (tức Sở Hoài Vương) thương du ngoạn trên đài Cao Đường, ban ngày mệt ngủ , mộng thấy có một người con gái , dung mạo diễm lệ như Tây Thi, nói với tiên vương rằng : "Thiếp là con gái Thiên Đế, tên gọi Dao Cơ, qua đời khi chưa lấy chồng, táng ở phía nam Vu Sơn, hồn phách y phụ cùng cây cỏ, mới gọi thiếp là Cao Đường Khách, và Thần Nữ núi Vu Sơn, nay nghe nhà vua đến chơi Cao Đường, nên nguyện tiến dâng chăn gối. 

Tiên Vương bèn cùng Thần Nữ hoan lạc. 

Lúc từ biệt thần nữ bảo với Sở Hoài Vương rằng: "Thiếp tại Vu Sơn chi Dương, cao khâu chi trở, đán vi triêu vân, mộ vi hành vũ, triêu triêu mộ dài dương chi hạ "妾 在 巫 山 之 陽 高 丘 之 阻 旦 為 朝 雲 暮 為 行 雨 朝 朝 暮 暮 台 陽 之 下" , Có nghĩa lả : "Thiếp ở tại phía nam núi Vu Sơn, đèo cao cách trở, sáng thì làm mây, chiều thì làm mưa. Sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài"

Hôm sau Sở Hoài Vương đến xem, thì quả nhiên như vậy, mới lập miếu thờ, gọi là miếu Triêu Vân. 

Người đời sau mới rút hai chữ "vân vũ - mây mưa" từ câu "đán vi triêu vân, mộ vi hành vũ" để chỉ để chỉ sự hoan hợp giữa nam nừ. 

Những từ ngữ Vu Sơn, Dương Đài, Cao Đường, Sở Vũ là cùng một ý nghĩa đó, và cùng chung một điển tích. 

Mỗ

Mỗ là đại từ, trong cổ Hán ngữ, chữ "mỗ" có thể dùng để thay cho người, sự vật, nơi chốn, có thể dùng để chỉ người khác, hay tự xưng mình mỗ. Trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, người ta thấy Lưu Bang nhiều lần tự xưng là mỗ đối với thân phụ. Việc dùng chữ mỗ làm đại từ như vậy kéo dài trong những tác phẩm văn học của Trung Quốc cho đến ngày nay. 

Trong văn học Việt Nam cũng vậy, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ vẫn còn quen dùng chữ "mỗ y sĩ" để tự chỉ về mình, trong cuốn hồi ký của ông. "
 



Trở Về   ]            [ Trang chủ ]