Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]

HOA CỦA ĐẤT (*)

Truyện ký của Nguyễn Chính

"Đất đai cằn cỗi thì đời vẫn nở hoa
Hoa của đất - người xây nhà,dựng cửa"

Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước ta đã và đang trải qua thời kỳ đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển : Thời kỳ lột xác. Sự trì trệ của nền kinh tế kéo dài trong những năm chiến tran đã phải chịu thêm hậu quả của thời bao cấp, với hàng ngàn tỷ đồng thất thoát, thua lỗ, cùng hàng chục ngàn tỷ đồng nợ khó đòi của các doanh nghiệp. Nhiều tên tuổi nổi danh bằng những thành tích giả nay chỉ còn trong ký ức, như những dấu tích, như những kỷ niệm buồn của một thời "công trường mở ra, cờ nhiều hơn cuốc". Song, thật đáng mừng và như một tất yếu, giữa sự tàn héo đến cằn cỗi đó của nền kinh tế, suốt hai thập kỷ qua vẫn xuất hiện những chồi non, những mầm, những nụ từ sỏi đá vươn lên tự khẳng định mình, bởi cái bí quyết : dám thấy, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm... Và để chăm chút cho những chồi non, những mầm, những nụ đó là những con người mà khối óc, bàn tay cùng tâm huyết của họ, đã góp phần dựng lên những cột mốc trên con đường đi lên của quê hương, đất nước. Như tất cả mọi người, họ cũng là "Hoa của đất". Vinh quang thay, tự hào thay, trong thời kỳ xây dựng đầy gian khó, nhọc nhằn này, đất nước đã có họ, như trong chiến tranh từng có những anh hùng.

Tất cả những cộng sự và ngót hai ngàn cán bộ, công nhân của mười bốn đơn vị thành viên trong Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá Khánh Hoà (KHATOCO) vẫn thường gọi giám đốc Nguyễn Xuân Hoàng một cách gần gũi, thân thiết : anh Năm hoặc chú Năm, không chỉ bởi sự kính trọng về tuổi tác, mà còn vì anh vừa là người thiết kế công việc, người tổ chức thực tiễn, vừa là người chỉ huy rất tin cậy của họ. Từ những ngày đầu mới thành lập (1982), với muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, có thể nói từ con số không, anh đã kề vai sát cánh bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình, cùng họ tạo dựng nên một KHATOCO như ngày nay với cơ ngơi, vốn liếng hàng ngàn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ, trở thành một trong những doanh nghiệp đa ngành lớn, làm ăn hiệu quả của cả miền Trung và của cả nước. Người ta bảo nước mình có lẽ hiếm có ai "ở ngôi" giám đốc lâu và bền như anh. Nói vậy để nhắc tới giám đốc của những "cỗ máy nghiền ngân sách", sau vài ba năm làm "tán gia bại sản" dân chúng đã phải vào tù, hay có vị may mắn "hạ cánh an toàn" hoặc lại được "cân nhắc" làm lãnh đạo to hơn. Thật ra thì vào những năm 1989 - 1992 ở thành phố biển này, thiên hạ cũng có câu "nhất... nhì... tam... tứ ...", gắn với tên tuổi của bốn "người hùng", trong đó tên anh được xếp ở hàng thứ hai. Nhưng anh chỉ mỉm cười : "Bình phẩm, luận bàn là quyền của thiên hạ, mình cứ sống thật với mình, giữ lấy truyền thống, cốt cách gia đình mình, thì có gì đâu mà phải buồn...". Anh tiếp tục toàn tâm toàn ý cho công việc, cho những đề án thông minh, táo bạo với khát vọng cháy bỏng, mở rộng sản xuất của KHATOCO. Và năm tháng qua đi, thời gian đã có câu trả lời "người nào, vật nào, chỗ ấy".

Anh được sinh ra trong một gia đình nho giáo giàu truyền thống yêu nước ở Nam Quang, Nam Đàn, Nghệ An. Các cụ bên nội đều làm quan, nhưng có tư tưởng Duy Tân và ủng hộ phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ nên bị điều vào Sông Cầu (Phú Yên), rồi Phan Rí (Bình Thuận). Suốt hai thời kỳ kháng chiến, cha anh và những người chú ruột đều tham gia cách mạng, nhiều người giữ trọng trách trong các cơ quan Nhà nước ở Khu, ở tỉnh và Trung ương. Anh có dáng người tầm thước, da ngăm đen, khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt một mí luôn nhìn thẳng, lúc nào cũng toát ra sự tinh nhạy, sắc sảo. Có người nói, trong anh có những "tố chất" của nhà kinh doanh, đó là khả năng tự kiềm chế và kiểm soát được mình; là con người của hành động, có bản lĩnh để kiên trì những sáng kiến và biến những ý tưởng đúng thành việc làm cụ thể, rất chăm chỉ, chịu khó tư duy và quy tụ xung quanh mình những cộng sự tận tuỵ... Nhưng tôi nghĩ trong anh còn có cả "tố chất Duy Tân" thừa hưởng từ thời các cụ. Bởi lẽ anh rất hay "duy tân", "cải cách", "xê dịch", không bao giờ tự bằng lòng với cái đã qua, cái hiện có. Và quan trọng hơn là không bao giờ chịu dừng lại ở một điểm nào, khiến "con tàu KHATOCO" lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng khởi động. Cái sự hay "xê dịch" của anh đã có từ thời còn nhỏ, nên dù được gửi theo học các bà xơ ở nhà thờ tại thành phố Vinh hay vào Trường thiếu sinh quân Trần Quốc Tuấn, anh cũng "phá ngang" bỏ dở. Tôi được nghe kể, năm 14, tuổi anh được ông chú ruột là giám đốc một cơ quan lớn ở Trung ương, đón ra Hà Nội học, nhưng chỉ ít tháng sống trong "khuôn phép" của bà thím, anh đã đánh bài "chuồn" với lá thư để lại : "Con xin cám ơn chú thím, nhưng cho con được tự lập, xin chú thím đừng tìm con". Và cậu bé nhà quê này đã "xê dịch" xuống bến Phà Đen, làm phu khuân vác suốt một năm trời. Khi ông chú phát hiện được, mới "bắt" đưa xuống Hải Phòng, rồi về Đông Triều học ở Trường học sinh miền Nam, để cuối cùng trở thành sinh viên khoá 5 của Học viện Nông lâm, tức Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội bây giờ. Đầu những năm 1960, kỹ sư nông nghiệp rất hiếm, mỗi tỉnh chỉ có vài người. Chàng kỹ sư ham hiểu biết, thích học hỏi, chịu được khổ, lại sẵn máu "xê dịch" Nguyễn Xuân Hoàng, liền xung phong lên Hoà Bình, một tỉnh miền núi phía Bắc. Sau một thời gian công tác, anh được đề bạt làm quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện Lương Sơn. Cuối những năm 1960, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng mở rộng ra miền Bắc và mỗi lúc càng thêm ác liệt, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp. Đoàn chỉ đạo sản xuất gồm các kỹ sư trẻ, giàu năng lực và tâm huyết được thành lập, do đồng chí Nguyễn Công Tạn (nguyên là P.Thủ tướng Chính Phủ) làm trưởng đoàn. Kỹ sư Hoàng được rút về làm phó đoàn. Thời gian này, phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt" nhằm động viên sức người, sức của chi việc cho miền Nam, rất sôi nổi. Nhiều điển hình tiên tiến trong nông nghiệp xuất hiện, đã có tác động to lớn cho cả tiền tuyến và hậu phương. Cũng trong thời gian này, một vài "mô hình sản xuất lớn" được thể nghiệm. Khu kinh tế Thanh niên ra đời, đã thu hút một lực lượng hùng hậu lớp trẻ, với mục tiêu biến một vùng đồi núi hoang vu, rộng lớn thuộc huyện Thanh Sơn (Vĩnh Phú) thành "cơm áo, hoa hồng", thành một "Thành phố Thanh niên". Sau khi được điều về giữ chức Phó giám đốc, đồng chí Nguyễn Công Tạn đã "kéo" kỹ sư Hoàng về làm đội trưởng khu Văn Thanh (cách khu bộ khoảng 20 km). Ở miền Bắc, cái thời "ta đi khai phá rừng hoang..." đã trở thành phong trào, thành bài hát của thanh niên ấy quả thật đã góp phần nhanh chóng biến cả ngàn hécta rừng hoang đầu nguồn thành đất canh tác. Và, trong khi hàng triệu khối đất màu đã bị xói mòn sau mấy mùa mưa, người ta vẫn tranh cãi chưa xong về việc "tày đình" là trồng cây gì cho phù hợp ? Trường phái "tung hô" tính ưu việt "mau thấy" của cây chuối không chịu "trường phái" xác định cây dứa, cây chè là chủ lực. Hồi ấy, có người đã nói thẳng : "Sức người dời non, lấp biển, làm nên tất cả thì đúng là quý rồi, biến "đất" thành cơm đã khó, sau này biến "sỏi đá" thành cơm còn vạn lần khó hơn". Kỹ sư Hoàng không sa đà vào các cuộc tranh luận, anh âm thầm làm thực nghiệm, để cuối cùng đưa ra một kết luận đầy tính thuyết phục : chè và dứa là hai loại cây vừa chống được xói mòn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho vùng đất này. "Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý". Vâng ! Hơn ba mươi năm đã qua, huyện miền núi Thanh Sơn (nay thuộc Phú Thọ) đã từng bước đi lên bằng cây chè và cây dứa. Sau này, Khu kinh tế Thanh niên thất bại, theo tôi (người viết bài này), hoàn toàn không phải do giải pháp khoa học kỹ thuật xác định sai, cũng hoàn toàn không phải do những trái bom tội ác của giặc Mỹ điên cuồng ném xuống sau đó, mà phải tìm lý do ở khâu quản lý nóng vội, duy ý chí, vốn là căn bệnh phổ biến của một thời.

Có lần tôi hỏi Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hoàng : "Là kỹ sư nông nghiệp, đúng vào thời kỳ ngành nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu mang tính cách mạng to lớn và sâu sắc, làm thay đổi mùa vụ, cách nghĩ, cách làm từ ngàn đời của nông dân; đó là sự ra đời của các giống lúa xuân. Lúc đó anh ở đâu ?". Sau giây lát trầm ngâm, anh kể : "Rời Khu kinh tế Thanh niên, mình được cử đi nghiên cứu sinh ở Bun (Bulgaria), nhưng phải chuẩn bị nhiều thứ thủ tục phiền toái quá, vậy là mình ở lại và xin về Phòng trồng trọt Ty Nông nghiệp Hà Bắc. Trưởng phòng lúc ấy là anh Mai Thúc Lân (hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội). Mình được cử về chỉ đạo sản xuất "đưa lúa xuân thành vụ chính" ở xã Hoà Bình, huyện Yên Phong. Đây là xã được coi là có cán bộ bảo thủ và lạc hậu nhất huyện, nhưng lại khá "nổi tiếng" về phong trào nấu rượu lậu. Sau khi tìm hiểu kỹ về điều kiện đất đai, khí hậu, thuỷ lợi và tập quán canh tác, mình đã bàn kỹ với Thường trực huyện uỷ, cùng một lúc làm hai việc, vừa "cải" và "cách" một số cán bộ lừng khừng, cản trở ở xã, vừa quyết tâm làm "đại trà" lúa xuân ngay đầu vụ. Được tập thể huyện uỷ nhất trí cao, mình triển khai công việc ngay. Vụ lúa xuân đầu tiên thắng lớn, sản lượng tăng gấp hai vụ lúa chiêm năm trước, nông dân rất tin tưởng và phấn khởi. Đồng ruộng được quy hoạch hợp lý, cùng với phong trào nuôi bèo hoa dâu, thuỷ lợi nhỏ, hồ chứa nước nuôi cá... và thắng lợi của vụ lúa xuân tiếp theo, đã góp phần để Hoà Bình trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ...". Để hoàn thành bài ký này, nhân một chuyến công tác, chúng tôi đã có dịp đến thăm xã Hòa Bình và vùng đất ngày xưa là Khu kinh tế Thanh niên. Mấy chục năm đã qua, cuộc sống của những nơi mà kỹ sư Hoàng một thời gắn bó và yêu mến như quê hương thứ hai của mình đã thay da đổi thịt. Nhiều thế hệ thanh niên đã lớn lên và trưởng thành ... Tôi chợt nhớ đến công lao và đóng góp của kỹ sư Hoàng, rất nhỏ thôi, chỉ như một nét bút điểm xuyết trong bức tranh toàn cảnh sinh động và rất "duy tân", nơi vùng đất mà người ta không thể quên một thời nghèo khó ...

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam 1975, kỹ sư Hoàng được điều về Phú Yên, nơi có đồng bằng Tuy Hoà, vựa lúa lớn nhất của miền Trung. Nhưng khi tỉnh Phú Khánh được thành lập, anh lại làm thư ký cho đồng chí phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Ngọc Nhường và phụ trách Phòng tổng hợp của Uỷ ban kế hoạch tỉnh. Còn nhớ , vào những năm 1975-1985, nhiều chuyên gia hợp tác hoá của các tỉnh phía Bắc đã được tăng cường cho miền Nam. Một số "chuyên gia" này đã bê nguyên xi mô hình HTX Nông nghiệp kiểu cũ trong thời chiến tranh của miền Bắc để "cải tạo", tổ chức phong trào hợp tác hoá cho các tỉnh miền Trung. Thế là lại thổi kèn, lại trống giong cờ mở, lại xuất hiện những "điển hình"... Nhưng năng suất và sản lượng thì không nhích lên được. Bệnh ấu trĩ, duy ý chí lại xuất hiện ở không ít cán bộ chủ chốt các cấp... Máu "duy tân" của kỹ sư Hoàng đã thực sự bị dội nước lạnh. Nhưng anh vẫn giữ quan điểm riêng của mình và hay "to tiếng" với tác giả các đề án của Phòng Nông nghiệp. Vì phụ trách Phòng tổng hợp nên anh thường được tham dự các buổi giao ban về kinh tế của tỉnh. Song chỉ là "dự thính" nên nhiều việc "ức" mà không được ý kiến gì. Nhưng cuối cùng thì "sự cố" cũng đã xảy ra. Trong một buổi giao ban thường vụ, thấy một đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã sai, lại muốn áp đặt buộc mọi người chấp nhận. Anh đã quên không nhớ mình là ai, liền đứng phắt dậy "cãi". Nhưng cái sự "cãi" của anh lại đúng, vừa có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế, nên được hầu hết các đồng chí thường vụ chấp nhận : "Không đầu tư làm thuỷ điện nhỏ Diên Ông vì vừa tốn kém, vừa hạn hẹp tầm nhìn ... ". Đến nay, khi công trình thuỷ điện lớn sông Hinh sắp khánh thành, càng thấy anh "cãi" đúng. Tôi bỗng nhớ lời giáo huấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh : "Cán bộ khoa học kỹ thuật nghiên cứu nghị quyết để tìm ra những cái sai, cái chưa phù hợp với thực tế, chứ không phải chỉ biết thụ động, chúi đầu vào học nghị quyết". Sau vụ "cãi" này, người ta mới "truy" đến lý lịch của anh, thì ra anh chưa phải là Đảng viên. "Vậy ai cho phép có mặt trong cuộc họp thường vụ ?". Quả là về nguyên tắc, không ai dám trả lời câu hỏi này...

"Tại sao suốt những năm học tập và công tác ở miền Bắc, anh lại không phấn đấu vào Đảng ?". Tôi đặt câu hỏi, nhưng không ngờ tôi bị anh hỏi lại : "Thế theo cậu thì phải phấn đấu như thế nào, ở trường đại học mình được học về lý luận, ra trường mình chỉ biết làm việc và làm việc, nói như cậu thì làm việc khác "phấn đấu" à ?". Nhưng rồi anh cũng tâm sự : "Hồi là Trưởng phòng nông nghiệp Lương Sơn - Hoà Bình, mình và một cậu cán bộ trung cấp trong phòng được cử học lớp đối tượng Đảng của huyện. Người giảng bài là một cán bộ tuyên giáo. Nghe anh ta giảng đến đoạn "chúng ta làm cách mạng, tiến lên chủ nghĩa cộng sản để nông thôn biến thành thành thị, rồi sau đó thành thị sẽ hoá thành nông thôn v.v ... ". Mình biết rất rõ là anh ta giảng sai, bực mình chịu không nổi, thế là mình chán. Mình bảo cậu cán bộ trung cấp rằng, phòng mình dù sao cũng phải có Đảng viên, chú ở lại cố gắng học, mình phải về giải quyết công việc. Sau này hỏi thăm, mình biết một số cán bộ của Phòng nông nghiệp hồi ấy phấn đấu tốt, đều làm to cả. Như Hoàng Văn Hon trở thành Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình. Còn việc kết nạp Đảng của mình lại khá bất ngờ. Một hôm cụ Hồ Ngọc Nhường gọi mình lên bảo : "Em có muốn làm việc tốt hơn, thuận lợi hơn và muốn được cống hiến nhiều hơn không ?". "Dạ có", mình trả lời. Ông liền nói : "Thế thì em phải trở thành Đảng viên". "Mình về suy nghĩ, nhớ đến quãng thời gian công tác, suốt từ khi tốt nghiệp đại học cho đến những tháng năm này, thấy cụ Nhường nói đúng quá. Ngày 19/5/1979, mình được kết nạp vào Đảng".

Đầu những năm 1980, con gà công nghiệp đã trở thành "cứu cánh" cho hàng ngàn gia đình cán bộ, nhân dân ở thành phố Nha Trang và các vùng xung quanh. Phong trào nuôi gà công nghiệp ở đây nổi tiếng cả nước, mà người "thiết kế" và trực tiếp chỉ đạo là kỹ sư Nguyễn Xuân Hoàng. Báo, đài hết lời ca ngợi, coi đó như một thành công mà anh góp phần giải quyết, mở ra một hướng đi mới cho kinh tế phụ gia đình. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ đã sớm nhận ra năng lực tổ chức thực tiễn ở anh. Trước đó, Xí nghiệp gà công nghiệp Nha Trang đang bên bờ vực phá sản. Nhưng khi tôi nhắc đến thời "oanh liệt" ấy của con gà công nghiệp ở Nha Trang, thì anh buồn rầu tâm sự : "Phương án gà công nghiệp hồi ấy mới đi được non nửa phần đường, tiếp theo là phải mở ra một số vật nuôi bổ sung, hỗ trợ khác. Vận trù học trong chăn nuôi không cho phép độc canh, tiếc rằng chưa kịp triển khai thì tỉnh lại thành lập Công ty chuyên doanh thuốc lá và rút mình về..."

Tôi đã xem những hiện vật, hình ảnh và những thước phim tư liệu về buổi đầu thành lập, hầu như chỉ với hai bàn tay trắng của Công ty thuốc lá lúc ấy. Sấy thuốc bằng chảo, quấn thuốc bằng tay... sẽ mãi là những kỷ niệm không quên về một thời gian khó. Tôi cũng có dịp tìm hiểu thực tế ở tất cả các đơn vị thành viên của KHATOCO, từ Nhà máy Thuốc lá, Nhà máy dệt, Công ty 18/4, Nhà máy bao bì, đến các tuyến đảo du lịch sinh thái .v.v... Trong đó , có một số đơn vị đã thực sự được KHATOCO hồi sinh trên cái nền đổ nát, vì thua lỗ, nợ nần, phá sản. Tất cả đã cho tôi một nhận xét : ở xí nghiệp liên hợp có mô hình như một tổng công ty này, các đơn vị không "gắn" với nhau bởi một dấu cộng đơn giản, mà là một chỉnh thể thống nhất, "độc lập" nhưng không phân tán. Các đơn vị không chỉ bổ sung, hỗ trợ cho nhau mà còn tiêu thụ một số sản phẩm của nhau. Tổng giám đốc Hoàng "nắm" các đơn vị rất chắc. Giám đốc các đơn vị đều nói : "Hầu như không một nơi nào, một bộ phận nào mà "ông Già" không để mắt tới". Tôi còn biết, anh không chỉ "để mắt", mà trong tất cả các công việc quan trọng, anh đều cùng họ suy nghĩ , tìm giải pháp tối ưu. Anh bảo : "Rất tin anh em, nhưng khoán trắng thì mình sẽ nhiễm bệnh quan liêu ngay". Đến phân xưởng hợp tác với hãng Rothmans, nơi ra đời của các bao "Ngựa Trắng", tôi hỏi : "Sao lại không phải là liên doanh ?". Anh mỉm cười giải thích : "Khi được phép liên doanh với nước ngoài, bọn mình tính kỹ thì thấy, lương và các chi phí cho phía họ quá cao, gấp từ 10 đến 20 lần so với ta, mà hiệu suất làm việc chưa chắc ai hơn ai. Chi phí cao đều "ăn" vào giá thành, sẽ dẫn đến lỗ, khi lỗ tới mức không chịu nổi thì ta sẽ tự bỏ cuộc, thế là hết. Còn "hợp tác" thì mình "mượn" máy móc, thiết bị của họ, toàn bộ con người quản lý và sản xuất là của mình, phần lãi họ được hưởng theo tỷ lệ hai bên thoả thuận. Gần đây, rất nhiều hãng nước ngoài đặt vấn đề liên doanh sản xuất một số mặt hàng, chắc chắn là sẽ tiêu thụ được, nhưng bọn mình chỉ chấp nhận hình thức hợp tác". Thì ra là vậy, hợp tác sẽ không sợ bị "thôn tính" và nếu có xảy ra chuyện "thôn tính" thì chưa biết ai sẽ "thôn tính" ai...

Trong 15 năm không ngừng vận động và phát triển, có tới 10 năm KHATOCO phải sản xuất, kinh doanh trong cơ chế bao cấp. Báo Tuổi Trẻ vừa qua đã dẫn lại những nhận xét rất hóm về chế độ bao cấp, trên tờ "Ong đất" của Bungari : "Ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương, nhưng không ai đủ sống. Ai cũng không đủ sống, nhưng ai cũng sống. Ai cũng sống, nhưng ai cũng không hài lòng. Ai cũng không hài lòng, nhưng ai cũng giơ tay đồng ý". Tôi trao đổi những nhận xét này với Tổng giám đốc Hoàng, anh bảo : "Đúng là cứ quen được bao cấp, con người sẽ hỏng. Cũng may là ngay từ khi thành lập bọn mình đã phải tự lo lắng, tự cân đối, tự trang trải lấy, không nhận được một "ân huệ" nào của cơ chế "xin, cho". Cậu thấy đấy, con người của KHATOCO là con người của công việc, của hành động. Họ có quyền làm tốt và hưởng tốt". Về "yếu tố con người" ở KHATOCO, nhiều bài viết ở các báo đã đề cập. Tôi cũng đã mắt thấy, tai nghe về điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở của người lao động ở đây. Trong quá trình phát triển, KHATOCO luôn đổi mới thiết bị và công nghệ, nhiều công đoạn được cơ giới hoá, tự động hoá, nhưng người lao động không bị sa thải. Hơn 15 năm qua, KHATOCO đã rèn luyện và hình thành được một đội ngũ người lao động có tác phong công nghiệp, với ý thức tổ chức kỷ luật và tính tự giác cao. Tội ăn cắp bị xử lý rất nghiêm khắc. Cách đây 10 năm, bảo vệ phát hiện công nhân X. lấy cắp 2 bao "Ngựa Trắng", theo nội quy X. bị đuổi việc. Nhưng X. lại là cháu của một vị lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Ông này đến gặp Tổng giám đốc Hoàng, mong anh "xem lại giúp". Nhưng ông ta đã được trả lời : "Mong anh thông cảm, không thể vì một mình cháu anh mà làm hỏng cả ngàn công nhân khác". Trở lại với những nhận xét hóm hỉnh của tờ "Ong đất", sau khi bỏ công tìm hiểu thực tế, một đồng nghiệp của tôi gật gù : " Ở KHATOCO, ai cũng có việc làm và ai cũng chịu làm việc. Ai cũng làm việc tốt và ai cũng đủ sống. Ai cũng đủ sống và ai cũng "khoái" sống, v.v và v.v".

"Nhưng thời bao cấp, chắc anh cũng phải mấy lần "xé rào" ? - Tôi hỏi Tổng giám đốc Hoàng. " Có chứ ! sau vụ "giá, lương, tiền", mua bán giao dịch bằng tiền mặt rất khó, mà vật tư, nguyên liệu cho nhà máy lại phải mua bằng tiền mặt. Hồi ấy, vật tư nguyên liệu khan hiếm lắm. Khách hàng yêu cầu phải trả bằng tiền mặt và phải giao đúng hẹn. Bọn mình dùng xe ô-tô chở 25 triệu tiền mặt vào TP. Hồ Chí Minh, mà không hề biết rằng đã bị tới ba chặng kiểm soát chờ sẵn. Với lý do vi phạm quy định quản lý tiền mặt, toàn bộ số tiền trên đã bị công an giữ. Phải nhờ tỉnh can thiệp mới được trả. Nhưng bọn mình đã chuẩn bị sẵn một chuyến xe khác, vừa nhận được tiền là lại chở đi gấp. Biết làm sao được, nếu không, chỉ còn nước đóng cửa nhà máy...".

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị của KHATOCO rất lớn. Trong buổi lễ khánh thành nhà máy dệt Tân Tiến, gặp tôi, anh bảo : "Phương châm đầu tư và nhập trang thiết bị của bọn mình là : rẻ, tiên tiến, chất lượng tốt, hiệu quả cao và thu hồi vốn nhanh". Anh nói vậy thì biết vậy, nhưng tôi vẫn tự tìm hiểu qua một "kênh" riêng. Và đây là kết quả mà tôi đã nhờ những tay "anh chị" trong giới chuyên môn thẩm định : Nhờ thay đổi một số hạng mục bất hợp lý trong thiết kế ban đầu và quản lý thi công tốt, thời gian xây dựng công trình nhà máy dệt đã rút ngắn từ 24 tháng xuống còn 11 tháng, tiết kiệm kinh phí gần 16 tỷ đồng. Thiết bị chế biến thuốc sợi, một nhà máy nọ đã mua của Trung Quốc giá hơn 5 triệu USD, trong khi KHATOCO nhập mới của CHLB Đức, cộng thêm phần phụ trợ do Xưởng Cơ khí của KHATOCO tự sản xuất, giá chỉ 1,8 triệu USD. Máy làm gợn sóng bìa các-ton của Nhật, một đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh mua 1,8 triệu USD, KHATOCO nhập thẳng từ Nhật giá 0,7 triệu USD. Máy in ống đồng, giá trung gian chào hàng gần 1 triệu USD, KHATOCO mua 0,7 triệu USD và 3 năm sau đó đã thu hồi vốn ...

Du lịch là một trong những tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Khánh Hoà, trong đó phải kể đến các tuyến du lịch đảo. Nhiều hòn đảo rất đẹp, chỉ cách đất liền mấy chục phút thuyền máy, đã thực sự cuốn hút du khách. Giữa năm 1997, Tổng giám đốc Hoàng đã dẫn một số cán bộ của KHATOCO đi khảo sát cụm đảo Hòn Lao - Hòn Thị - Hòn Hèo, tôi cũng may mắn có mặt. Hơn 10 năm trước, người ta đã nuôi khỉ phục vụ nghiên cứu khoa học ở đây, sau khi mục đích này không còn, với kinh phí quá ít, chúng đã phát triển thành bầy, thành đàn, sống gần như hoang dã trên đảo. Sau mấy ngày hăm hở lặn lội tìm hiểu, anh bảo : "Nguồn nước ngọt ở đây dồi dào và rất tốt, mình đã uống rồi, mọi điều kiện khác đều thuận lợi. Chúng ta sẽ biến nơi này thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, với những bãi tắm, cầu cảng, nhà nghỉ, khu vui chơi, giải trí, xiếc thú, nhà sưu tập chim, cá cảnh, hồ nuôi cá sấu .v.v...". Nghe anh nói, nhìn cảnh rậm rạp, hoang vu trước mắt, tôi hình dung cả một khối lượng công việc khổng lồ, rồi còn luận chứng được phê duyệt, còn tiền, còn con người cụ thể, còn v.v và v.v. Nghĩa là, theo kinh nghiệm mà tôi từng biết, qua các dự án chờ "ngâm cứu" phê duyệt ở nơi này, nơi khác, thì chí ít cũng phải mất vài ba năm, mọi cái mới bắt đầu "nhúc nhích". Vậy mà anh còn "phán" xanh rờn : "Chúng ta phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất từ 6 tháng đến 1 năm". Nhưng tôi đã lầm, từ cuối năm 1997 KHATOCO đã khai trương tuyến du lịch đảo Hòn Lao với lời gọi mời trên các báo : "Cụm đảo du lịch sinh thái Hòn Lao... nằm giữa đầm Nha Phu nổi tiếng lắm hải sản, quanh năm biển lặng, nước xanh trong, phong cảnh nên thơ hữu tình. Những nét hoang sơ ngoạn mục của đảo được bảo tồn khéo léo trong sự kiến tạo mới đầy hấp dẫn. Trên đảo có nhiều khỉ nuôi thả tự nhiên, đặc biệt chúng đem lại cho bạn những tiết mục xiếc thể hiện tài nghệ thông minh của loài khỉ, những tiết mục xiếc voi, xiếc chó thật ngộ nghĩnh, dễ thương. Ở đây, có các dịch vụ câu cá, tắm biển, thuyền cao tốc, chèo thuyền, bơi lặn. Bạn có thể từ Hòn Lao qua Hòn Thị trong chốc lát bằng tàu du lịch để ngắm cảnh, tắm biển và nhìn đàn hươu nai đang ung dung gặm cỏ. Những chú đà điểu to lớn lạ mắt. Hoặc xa hơn nữa, bạn sẽ tới Hòn Hèo có độ cao trên 300m với suối Hoa Lan lúc ẩn lúc hiện... Sau một ngày vui chơi giải trí, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản. Đặc biệt, nếu bạn muốn lưu lại qua đêm, nơi đây có các nhà nghỉ trữ tình mang đậm phong cách Việt Nam...". Được biết, đây là tuyến du lịch đảo thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, mức doanh thu bình quân mỗi tháng từ 300 đến 400 triệu đồng. Thế là, chỉ trong một thời gian rất ngắn, KHATOCO đã biến những hòn đảo hoang thành nơi "hái ra tiền". Cũng như chưa đầy 3 tháng, đã biến nhà hàng 62 Trần Phú gắn với tên tuổi "băng Pa-let-tin" khét tiếng thành một tụ điểm sinh hoạt văn hoá ngoài trời duy nhất hiện nay ở TP. Nha Trang. Có tiền làm gì chả được, kể cả mua tiên ! Quả có vậy, mấy chục năm qua, đã có biết bao nhiêu kẻ "làm xiếc" bằng dự án này, dự án nọ để ném tiền dân qua cửa sổ, hoặc đem tiền dân đi "mua tiên", nhưng "tiên" đâu chả thấy, chỉ thấy nhập về toàn rác ! Mới hay, đồng tiền của dân chỉ thực sự sinh lợi cho dân khi ở trong tay những người có tài, có tâm, và quan trọng hơn nữa là có một tầm nhìn ...

Khánh Hoà là một trong những tỉnh hàng năm có số thu ngân sách lớn nhất nước. Mấy năm gần đây đã qua mức 600 tỷ, trong đó riêng KHATOCO đã đóng góp hơn một phần ba. Năm 1996, KHATOCO được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hoàng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Cũng năm 1996, anh có tên trong tập sách "Những nhân vật nổi tiếng của vành đai Châu A - Thái Bình Dương" (do một nhà xuất bản có uy tín của Mỹ bình chọn). Mười lăm năm qua với KHATOCO, anh vừa là người chỉ huy, vừa là người lính, không một phút cầu toàn, vụ lợi. Vì thế, anh trở nên gần gũi, gắn bó với con người, với công việc của Xí nghiệp liên hợp mà từ lâu anh vẫn coi như chính gia đình mình. Cũng vì thế mà tính bộc trực, quyết đoán của người chỉ huy và cả tính xông xáo của người lính có trong anh đều được mọi người trân trọng. Nhiều người bảo, Tổng giám đốc Hoàng là "con người của những ước mơ", nhưng là những ước mơ có thể thành hiện thực của đời thường nơi mặt đất. Hay nói như một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng khi đến thăm KHATOCO : "Anh có những ước mơ cháy bỏng và trí tưởng tượng phong phú đặt trong một cái đầu tuyệt diệu..."

Mùa xuân này, tôi lại có dịp cùng anh ra đảo. Khách du lịch chờ xuống tàu sang Hòn Lao ở cầu cảng của KHATOCO khá đông. Mới có hơn 1 năm kể từ ngày bắt đầu khảo sát mà tất cả những ý tưởng ban đầu của anh đã gần như là hiện thực. Anh đưa tôi sang Hòn Thị, nơi có ngôi mộ của một vị Đại lão hành đạo từ những năm đầu thế kỷ mà anh đã cho tôn tạo lại. Tôi cùng anh thắp nén hương đầu năm cầu nguyện cho sự bình an. Anh bảo : "Trong một tương lai gần, nơi đây sẽ là khu điều dưỡng theo phương pháp y học cổ truyền...". Nhìn dáng anh đang săm soi trong khu vườn cây ăn trái mới trồng, rộng mênh mông, đang bén rễ hồi xuân, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh anh hùng lao động Hồ Giáo đã dành cả đời mình cho những đàn bò, những con trâu Mu-ra, chỉ với một mục đích là dâng tặng cho đời dòng sữa ngọt. Cũng như anh, một người bình dị lúc nào cũng tâm niệm : "Khi về với đất, chẳng ai mang theo được cái gì, mình chỉ muốn góp phần tạo dựng, để lại một sự nghiệp. Mình ước mơ...". Giữa buổi sáng mùa xuân này, tôi biết trong anh vẫn còn nhiều lắm những ước mơ, những dự dịnh, những đề án cho tương lai nhưng không vời xa, mà hiện thực, như chính những gì KHATOCO đã tạo dựng được cho mảnh đất quê hương.

"Người là hoa của đất", Vâng ! Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ và không một phút giây ngừng nghỉ. Các thế hệ sẽ mãi nối tiếp nhau chăm chút cho "cây đời mãi mãi xanh tươi". Chúng ta có thể lý giải được nhiều điều, nhưng không thể lý giải thật đúng, thật đầy đủ được về mỗi con người bình dị mà với tâm huyết của mình, họ đã thật sự hiến dâng, để trở thành "HOA CỦA ĐẤT".

Nha Trang, tháng 2-1999
NC
(*) Trong tập Truyện ký "Hoa cỏ dại" - NXB Văn học - 2007


 [  Trở Về  ]