Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

VÒNG HOA TANG
Lê Vĩnh Hòa
Người lớn kêu nó là thằng Tây Say, còn trẻ nhỏ chúng tôi kêu nó là thằng Ðá, bởi vì tên nó là Pierre, người luôn luôn nặc hơi rượu.

Pierre Maurice trên 30 tuổi, hình thù dữ tợn trông phát tởm. Tóc nó vàng cháy, bú xù như một đống giẻ rách nát. Cả cái mặt chỉ thấy râu là râu. Râu xồm xàm khắp hai bên má, dưới cằm, tràn lan hai bên mép chỉ còn để lộ ra một cái lỗ mũi  to lớn cao nhồng và hai tròng mắt đục ngầu màu sữa lỏng. Người nó cao lớn dình dàng, tôi chỉ đứng cỡ ngang hông.

Lông lá ở khắp ngực, bụng, tay, chưn của nó rậm như cỏ mọc trong vườn hoang Nghe người ta nói dân Tây ăn ở vệ sinh ra làm sao không biết, chớ như thằng Tây Ðá chắc khó có người Việt Nam nào ở dơ qua mặt nó nổi. Bộ đồ nhà binh của nó chắc đã cả năm không giặt một lần, lên nước đen hù, đất đóng dày như mo. Tay chưn nó hờm đóng cả lớp. Ðứng gần nó thiệt muốn bịt lỗ mũi.

Nhưng nói cho ngay, chưa ai từng bịt lỗ mũi trước mặt nó bao giờ trừ những kẻ không thích sống, bởi vì nó là thằng xếp bót tàn nhẫn nổi danh. Không say thì còn khá, say rượu rồi thì nó cũng say luôn máu người. Có máu nó mới vui. Xẻo một cái mũi, lắt một cái tai, lột trần truồng người ta cho kiến lửa cắn, vân vân ... đối với nó là một thú tiêu khiển thích thú. Bàn tay của nó đã vấy không biết là bao nhiêu máu của dân lành.

Mỗi buổi chiều, khi kèn giới nghiêm trên vọng canh sắp trổi, nó từ quán chú Xiếu trở về, đi xà nịch xà nang muốn chật đường lộ, lưỡi lê xệ xuống gần tới đầu gối. Ðường xá vắng hoe, cửa nẻo đóng chặt, chó mèo im hơi lặng tiếng. Nó nói ba xí ba tú, bước tới hai bước, bước lui một bước, quát tháo vang lừng. Có khi đương cười hô hố như chó sủa, nó vụt a lại ôm gốc cây, khóc hu hu như ông cha mồ tổ nó chết. Những giờ phút đó, sinh hoạt của mọi người, từ chợ tới bót gần như ngưng hẳn.

Hôm đó, sau buổi học chiều, tôi đang bồng em chơi trước ngõ, thì Tây Say tới. Cỡ nầy là nó mới bắt đầu đi lại quán chú Xiếu đây, người còn tỉnh táo. Không hiểu sao, khi qua ngõ tôi, nó đi chậm lại, mắt chăm chăm nhìn vào chúng tôi rồi nó đứng hẳn lại, đưa tay búng chóc chóc:

- Nhỏ !

Tôi hơi sợ nhưng vẫn riu ríu bước. Khi tôi đã tới gần, nó vẫn không làm gì cả. Nó đứng nhìn trân trối đứa em nhỏ mà tôi đang bồng trên tay. Qua giây phút đó, tôi bỗng bắt chợt được thái độ lạ lùng mà xưa nay hắn chưa từng có: đôi mắt hắn lờ đờ hẳn đi, u ám như một buổi chiều mất nắng, gương mặt hắn trở nên phờ phạc và môi hắn hơi run. Trước mắt tôi, Tây Say không còn vẻ hung dữ độc ác nữa. Hắn chỉ là một con người như mọi người.

Hắn đưa bàn tay khổng lồ đầy lông lá ra, nhẹ nhàng xoa xoa trên bàn chưn nhỏ nhắn của em tôi. Thằng bé sợ quá úp mặt vào ngực tôi mà khóc hét lên. Tây Say rút tay lại, nuốt nước miếng. Vẻ khát khao, thèm thuồng tình cảm hiện rõ trên đôi mắt long lanh của hắn. Tôi thấy tội nghiệp cho hắn quá, nhưng phải bồng em đi chỗ khác dỗ. Tây Say chạy theo hỏi bằng tiếng Pháp:

- Em mầy hả ?

Tôi đáp bập bẹ:

- Vâng, em tôi.

Hắn vừa nói vừa ra cử chỉ cho tôi hiểu:

- Ồ ! Em mầy ! Tao thương nó lắm. Tao cũng có một đứa con nhỏ ...

- Ở đâu ?

- Ở nhà với mẹ nó. Nầy, tao thương nó lắm. Tao cũng thương em mầy nữa !

Y nói bằng môt giọng thành thật, thiết tha. Mặt y ngây ra, thờ thẫn, mắt nhìn ra xa. Tôi đứng lặng yên và em tôi vẫn giấu kín mặt, mắt nhắm híp lại. Tây Say đứng như vậy lâu lắm, mãi cho đến khi kèn giới nghiêm vang lên lảnh lót, hắn mới quay lại nắm chặt lấy bàn chưn của em tôi một lần nữa rồi cúi đầu, chậm chạp trở về đồn. Chiều hôm đó, hắn không đến quán rượu.

Chiều hôm sau và hôm sau nữa, hắn lại đến sân tôi, mỗi lần không quên cầm theo hộp sữa, một khúc bánh mì vuông hoặc mấy thẻ "chocolat" hay một nắm kẹo ngọt để cho em tôi. Và lần lần em tôi không còn sợ hắn lắm nữa. Hắn có thể ôm em tôi vào hai cánh tay lông lá của hắn. Hắn để thằng bé ngồi trên vai hắn, cho nó nắm mớ tóc hắn như nắm bờm ngựa rồi hắn chạy nhông nhổng cùng đường. Mỗi lần thằng bé thích chí cười khanh khách, đôi mắt hắn sáng lên một niềm vui man mác. Trước khi về, hắn lại để em tôi ngồi lên đầu, lên mắt hắn, rồi hun tất cả tay chân mình mẩy của thằng bé. Nhưng râu hắn nhiều quá. Em tôi lại khóc. Vài hôm sau, hàm râu kinh khủng được tẩy sạch.

Chiều chiều, quán chú Xiêu vắng được một ông khách ác ôn. Và xóm chợ tránh được những giờ phút kinh khủng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hắn đã hoàn toàn hết hung tợn trong những cơn say máu bất thường. 

Giữa một buổi chiều xế tháng ba mà nắng trở nên gay gắt như đổ lửa vào thân thể và tâm tánh của con người thì có một loạt súng nổ vang ở đầu cầu ngang chợ.

- Ba thằng lính Tây bị bắn chết, đoạt súng ở xóm Tiều.

Tin loan trong chớp nhoáng. Thiên hạ dọn dẹp rần rần, đưa nhau chạy trốn. Súng từ bót nổ ra ầm ầm. Lê-Dương và Ma-Róc tủa ra tứ phía. Một cuộc trả thù tàn khốc hãi hùng. Bọn chúng hoàn toàn không còn là con người nữa. Ðó chỉ là bầy ác thú trong một buổi loạn rừng. Bắn sạch, phá sạch.

Bàn ghế bị quật nát, lu mái vỡ, tiếng người rú, tiếng gầm thét. Vô phước cho những kẻ chậm chơn.
Vừa bồng em, tôi chạy ra cửa sau; má tôi bị một bá súng vào cổ ngã lăn xuống bất tỉnh, thằng bé nằm sấp xuống thềm. Một tia sáng của lưỡi lê, một tia máu vọt lên giữa những chuỗi cười ghê rợn.
Khi tôi ngẩng đầu lên thì những tia nắng cuối cùng của một ngày tàn chỉ còn lưu lại đôi vệt yếu ớt trên các đọt cau đầu làng.

Tôi đã khóc bao lâu, tôi đã nói những lời gì trước ngôi mộ nhỏ bé ẩm ướt còn mới tinh nầy, tôi không rõ. Bụng đói, cổ khô, miệng đắng, và khắp mình đầy bụi trắng lẫn sình đen.
Ðứa em bé nhỏ xinh xắn của tôi không còn nữa ! Con chim sơn ca nhí nhảnh của tôi đã mất rồi ! Trời ơi ! Ðó là sự thật hay sao ? Ðó không phải là một cơn ác mộng hay sao ? Còn gì mà ngờ nữa: rõ ràng là bây giờ nó đã nằm yên dưới lòng đất, nép thân trong chiếc áo quan ghép lại bằng ba mảnh ván ngựa, sau hè.

Em bé của tôi ơi ! Nếu quả có một đấng Thượng đế, nếu quả có một đấng Thượng đế, nếu quả như có một vị tối cao tối linh, toàn thiện, toàn năng để xử công tội cho muôn loài thì đấng ấy quả có một sơ sót lớn lao đối với cái chết của em tôi ... Anh chứng cho em rằng: Em vô tội !
Chiều nay, anh đi học về đây! Không còn bóng em chập chững trước cửa đón anh, ôm lấy cổ anh, hôn trên má anh, líu lo ríu rít để cho anh siết bé vào lòng.

Trời ơi! Có thể nào tưởng tượng được có kẻ đang tâm đưa lưỡi lê vào ngực em, như kẻ vui chưn xéo nát cánh hoa trên một khúc đường ?

Tôi nghiến răng đứng phắt dậy. Lạ chưa ? Tây Say đã đến đây tự bao giờ, im lìm quì nghiêng trước mộ. Một vòng hoa tang kết bằng những vòng hoa dại: hai nhánh dừa tây, mấy bông dành-dành trắng, một hoa hồng hé nụ và một miếng băng đen để ngay ngắn bên mồ.

- Tây Say ! bè lũ của mầy đã giết em tao ! Cút đi ! 

Tôi khinh bỉ quát lên, rồi sông vào đánh đá túi bụi. Tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi vừa thoi vào mặt, vào mũi, vào tai nó, vừa nguyền rủa :

- Đồ tồi ! Mầy giết chết em tao.

Nó không tránh, không đỡ. Nhưng khi tôi vất phải mô đá, té nhủi xuống đất thì nghe có một tiếng nấc nghẹn ngào. Tây Say hai tay ôm mặt, gục đầu xuống mồ, khóc nức nở, toàn thân run rẩy. Mớ tóc vàng hoe hỗn loạn bê bết những bùn đen.

- Trời ơi ! Tôi đã giết đứa nhỏ ư ?

Tiếng rền rĩ của y lạc lõng giữa bóng tối chập choạng của buổi chiều. Tôi đứng dậy lặng yên.
Đêm buông xuống bao la. Tiếng kèn " lập binh" ngân dài áo não. Xóm thôn lạnh lẽo đau buồn. Xa xăm, lửa hực chưn trời một màu tang tóc.

Sương đã thấm ướt hai vai, tôi vẫn còn đứng lặng. Một bàn tay to lớn kéo sát tôi vào lòng và áp tôi vào ngực. Tôi nghe bên tai có những lời van lơn mà tôi không hiểu hết nhưng tôi biết rõ rằng : đứng trước ngôi mộ nầy, giờ đây không phải chỉ có riêng tôi là người đau khổ.


Người lính viễn chinh năm cũ ! Giờ đây mỗi lần nhìn thấy một lưỡi lê tuốt sáng, tôi lại nhớ đến anh. Anh hãy yên tâm, tôi đã tha thứ cho anh rồi !
Ngày nay đã lớn, tôi có thể hiểu được thêm rằng : bên kia bờ Đại tây dương bát ngát, tôi có những người bạn thân thiết chân thành.
Tôi biết ơn Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu: những người cha đẻ của Bình đẳng, Tự do và Bác ái.
Tôi biết ơn những người vì nền hoà bình của hai dân tộc mà phải chịu khổ ải tù đày.
Với các anh, tôi biết rằng cũng như mọi con người, khi quả tim còn đập, máu còn chảy là tình nhân ái chưa chết hẳn trong lòng.

Tôi cầu nguyện cho anh đây, Maurice Pierre ! Nếu hôm nay, con anh bên bờ sông Seine chưa được thấy mặt anh, nét núi rừng Đông Dương chưa vùi lấp thân anh, nếu giờ đây, anh còn đương ghìm súng dấn thân giữa miền Constantine máu lửa ngất trời, thì tôi xin anh; tôi mong rằng anh sẽ không bao giờ phải đặt lại một lần nữa vòng hoa tang lên mộ ai như anh đã đặt nó lên mộ đứa em yêu dấu của tôi trong một buổi chiều nào.
 

Lê Vĩnh Hòa
III, 57


 [  Trở Về  ]