Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Những ông Tây "rau muống"

Kỳ 6 : Tớ là Dâu
___________

Trần Đình Tú

Source : Tuổi Trẻ Online

TT - Nhiều bạn trẻ Việt Nam đến nay không còn xa lạ với chàng trai người Canada Joseph Ruelle, nổi tiếng vừa hóm hỉnh vừa vui tính, "chơi" được tiếng Việt như người Việt.

Nhiều người gọi ông Tây sinh năm 1978 này bằng cái tên thân mật là Joe hay Dâu! "Mình đến VN là để học, nhưng chính xác là học trong khi phải sống đã. Mình làm việc, kiếm tiền để có một cuộc sống vui hơn, dễ chịu hơn", Joe tâm sự một cách thẳng thắn.

Một "cuộc sống dễ chịu" của Joe đơn giản là: "Đủ tiền uống trà đá sinh viên 1.000đ, ăn phở hay bún ốc 5.000đ và cơm bụi vỉa hè là rẻ nhất nhưng phải có thời gian viết blog bằng tiếng Việt".
 

Nhà trọ, cơm bụi, trà đá...


Joe và những đồng nghiệp
làm chương trình "Kết nối trẻ” của VTV6





Joe tốt nghiệp hai ngành biểu diễn và truyền thông tại Đại học Acadia (Canada). Tháng 10-2002, khi những người bạn cùng lớp với Joe tìm đường sang các nước Mỹ, Anh, Úc làm việc thì Joe chọn VN theo một dự án nhỏ của Chính phủ Canada.

Ấn tượng đầu tiên của Joe về Hà Nội nói riêng và VN nói chung là "không có những tòa nhà chọc trời, những thành phố lớn nhưng con người thật tuyệt vời và gần gũi". Joe kể lại bằng tiếng Việt khá chuẩn: "Mới đến VN lần đầu tiên nhưng mình cảm nhận được rằng sẽ gắn bó với nơi này lâu dài".

Mấy ngày sau, Joe tìm được việc dạy tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ ở phố Cát Linh (Hà Nội) với mức lương không đủ cho một người bình dân sống. "Đó là những ngày sống khó khăn nhất của mình. Tiền kiếm được chỉ đủ trả thuê nhà trọ, ăn cơm bụi và uống trà đá dài dài", Joe chia sẻ.

Cũng chính vì lang thang đi tìm các quán cơm bụi vừa rẻ vừa ngon, la cà quán xá bình dân nên Joe thuộc làu các ngõ phố Hà Nội. "Chỉ tội lúc ấy nói tiếng Việt dở quá, đi mua cái gì cũng toàn bị đắt. Người Việt có từ gì nhỉ? À, đúng rồi, "bần cùng". Hoàn cảnh mình cũng tương tự thế. Nhưng kể cả những lúc như thế, chưa một lần mình nghĩ sẽ trở về nước", Joe nhớ lại.

Để sống được ở VN lâu dài, đầu năm 2004 Joe đăng ký học khoa tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Bây giờ, Joe có thể dùng tiếng Việt làu làu, riêng khả năng viết tiếng Việt của Joe thì khó ai tin được đó là do một ông Tây viết.

Joe vừa rèn giũa vốn tiếng Việt vừa "chạy sô" một loạt công việc để kiếm sống, nói như Joe là "lấy ngắn nuôi dài": làm biên tập thời vụ cho báo Đầu Tư bản tiếng Anh, phụ trách truyền thông cho một dự án của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN, soạn tài liệu bản thảo cho Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)...

Joe phải "quay chong chóng" để xếp lịch sao cho phù hợp: sáng lên lớp, trưa lên văn phòng UNDP, chiều chạy đến nhà in in tài liệu cho UNICEF. "Hôm nào phải biên tập ở báo Đầu Tư nữa thì ù cả tai. Có ốm cũng phải gượng mà đi làm. Thứ bảy, chủ nhật các bạn học cùng đi chơi, nghỉ ngơi thì mình phải cày. Tục ngữ VN chẳng nói đói thì đầu gối phải bò đấy thôi. Muốn mưu sinh bằng chính khả năng của mình ư? Đâu có dễ!", Joe nói.

Rồi cơ hội để có một công việc ổn định cũng đến với Joe. Trong một tiểu phẩm phụ họa cho chương trình "Hành trình văn hóa" (VTV3), Joe diễn vai một sinh viên nước ngoài đi mặc cả mua hàng. Cách diễn dí dỏm và hài hước của Joe được những người làm truyền hình để ý đến.

Dịp APEC tổ chức tại VN năm 2006, với vốn tiếng Việt khá sành, Joe được mời làm MC cho chương trình ca nhạc lớn, truyền hình trực tiếp. Khá tự tin trong vai trò MC, Joe đã nhận được những ánh mắt thiện cảm và bất ngờ từ khán giả. Đầu năm 2007, VTV6 ra mắt khán giả, Joe đã có bản hợp đồng làm việc theo ý muốn của mình tại VN.

Làm gì cũng được, ăn gì cũng xong


Joe uống trà đá với sinh viên.

Những ngày này Joe bận túi bụi chuẩn bị và thực hiện một loạt những cảnh quay, show diễn cho các chương trình VTV6.

Joe nói thật mà như đùa: "Lịch "chạy" đã khép kín từ 5g sáng qua 11g đêm, chỉ gặp được mình sớm nhất là giao điểm 0g hai ngày cũ mới. Không "chạy" mất việc là đói thì bỏ tiền nuôi mình nhá!".

Đêm Hà Nội đã rất khuya, Joe mới lần mò từ trường quay về căn phòng chung cư thuê ở phố Kim Liên, ngay sát đường tàu chạy qua chạy lại ầm ào không ai muốn ở. Căn phòng quá trống vắng tiện nghi.

Joe bảo: "Chỉ hợp với những người không ở nhà thường xuyên như tớ thôi. Có chỗ ở là tốt rồi". Rủ thêm hai người bạn ở chung, Joe lý giải: "Kiểu Campuchia cho rẻ!". Chỉ kịp tắm ào một cái, Joe xách xe ra đường "lôi" về cho mình bữa tối (hay bữa khuya) với hai cái bánh mì pate và "gặm" ngon lành vì đói. Gần 2g sáng, khi đường Hà Nội vắng hoe thì mới là lúc Joe thư giãn cuối ngày: lên mạng để viết nhật ký điện tử (blog).

Nhưng 7g sáng hôm sau gặp Joe ở quán cà phê gần Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đã thấy anh cười nói và pha trò bằng những câu đùa kiểu Việt trước khi bước vào dàn dựng một tiểu phẩm mới cho chương trình sắp lên sóng.

"Trông Joe vui vui, ngộ ngộ lại hay đùa vậy thôi nhưng khi làm việc thì cực kỳ nghiêm túc đấy. Cái gì được giao cũng làm ăn ngon ơ. Chưa bao giờ bỏ lỡ việc chung của tập thể đâu", các đồng nghiệp của Joe ở VTV6 tiết lộ.

Còn với Joe: "Có được một chỗ làm ổn định ở VN là tốt lắm rồi. Làm gì cũng được, ăn gì cũng xong, miễn là trụ được và sống được ở đây, nhưng bền vững và ổn định với một công việc vẫn hơn".

15g30, khi giữa hai cảnh quay của chương trình tạm nghỉ 30 phút, Joe đi rất nhanh về phía một quán cơm bụi: "Cơm, cá kho, rau muống luộc. Suất 7.000đ thôi bác nhé". Không phải là khách quen, bà chủ quán há hốc mồm, lấy suất cơm mà bà chủ vẫn lẩm bẩm: "Tây gì mà ăn "keo" thế nhỉ".

Joe nói ăn vậy ngon mà không phí, tiết kiệm dần được khối tiền. Nhiều người thấy Joe bình dân, nghe Joe nói tiếng Việt sành sỏi, ai cũng ngạc nhiên. Những lúc ấy Joe giải thích: "Tớ là Dâu cơ mà. Ông Tây "rau muống" cơ mà!".

Trần Đình Tú
Joe xoa tay cười hề hề: "Blog của Joe thì nhiều người biết, nhưng chuyện Joe viết blog như thế nào chắc chưa mấy người biết". Joe nói chỉ người thân Joe mới kể chuyện "hậu trường"...

Trở Về  ]