Chim Việt Cành Nam            [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

 
Con sít, con nít và con nhít
___________

Nguyễn Dư

" Quan họ bộ đội " ngoài Bắc có bài Trống cơm :  
Trống cơm khéo vỗ nên vông,
Một bầy con sít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện đi tìm chăng tơ.
Thương ai duyên nợ tang bồng.
(Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Văn Hóa, 1962, tr. 182).

Trong Nam, vào những năm 1960 cũng có bài Trống cơm, lời ca đại khái là :
 

Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ (ớ mấy bông mà) nên bông...
Một bầy tang tình con nít ( ớ mấy lội, lội) lội sông
Đôi con mắt (ớ mấy là) lim dim...
Lời hát hơi khác nhau. Đặc biệt là một bên có con Sít, bên kia có con Nít.

Trong Nam ca con nít là... đúng điệu quá trời rồi, phải không tía ? Nhưng phiền một điều là Trống cơm là Dân ca Quan họ. Tại sao con nít trong Nam lại chạy tuốt ra Bắc Ninh lội sông làm chi vậy à?

" Quan họ bộ đội " không chơi với con nít, hát con sít cho xong chuyện, khỏi thắc mắc. Khoan khoan hò ơi... Có người hỏi con sít là con gì thế nhỉ?

Tiếng Việt có con bọ xít và con sít.

Bọ xít là một loài bọ cánh nửa, thân hình năm góc, có vòi châm hút nhựa cây, tiết chất rất hôi.

Con sít là một loài chim cỡ bằng con gà, chân cao, mỏ đỏ, lông đen ánh xanh, hay phá hoại lúa (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê).

Bọ xít và sít bay trên trời, đỗ trên cây, thỉnh thoảng đáp xuống đất hay xuống ruộng nước để kiếm ăn.

Bọ xít và sít không có khả năng kéo bầy lội sông. Hát rằng " Một bầy con sít lội sông đi tìm " là sai.

Rốt cuộc cả hai lời hát đều... có vấn đề à?

***

Con nít rủ nhau lội sông nô đùa, nghe rất hợp lí, nhưng không đúng đất dụng võ.

Tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa chữ Nít (chữ Nôm) là trẻ con.

Tự điển Génibrel (1898) có từ Nhít (từ địa phương miền Bắc) nghĩa là trẻ con. Từ Nhít (trẻ con) này không có trong các từ điển khác.

Chữ Nít được Huỳnh Tịnh Của viết bằng chữ Niết (Niết bàn).

Chữ Nhít được Génibrel viết bằng chữ Niết + chữ Tiểu (nghĩa là nhỏ).

NítNhít có nghĩa giống nhau, có âm (Niết) giống nhau.

Nhít (miền Bắc) hay Nít (miền Nam) là một, tương đương với chữ Nhi (chữ Hán, nghĩa là trẻ con).

Chúng ta còn giữ được một dấu vết hiếm hoi của chữ Nhít.

Bộ tranh Oger (1909) có một tấm vẽ cái tiểu sành đựng hài cốt trẻ con. Tên tranh được nghệ nhân dân gian ghi là Cái tiểu " nhị ". Chữ Nhị có kí hiệu của chữ Nôm. Nếu đọc chữ Nhị theo nghĩa (nhì hoặc hai) thì tên tranh không có nghĩa. Chữ Nhị phải được đọc theo âm thành Nhít. Tên tranh là Cái tiểu nhít, tức là Cái tiểu trẻ con.

Trở lại bài dân ca quan họ Trống cơm.

Ngoài hai chữ Nhít và Nít nghĩa là trẻ con, chữ Lội cũng cần được phân biệt.

Lội của miền Bắc nghĩa là đi trên mặt nền ngập nước (Từ điển tiếng Việt). Trẻ con (xắn quần) lội qua chỗ sông cạn nước. Giống như ngày xưa, lúc mực nước sông Hồng xuống thấp, trẻ con rủ nhau lội sang bãi Phúc Xá mót khoai lang !

Lội của miền Nam nghĩa là bơi. Con nít lội sông là trẻ con bơi qua sông. Trò chơi này nguy hiểm quá.

Nói tóm lại, lời của bài dân ca quan họ Trống cơm đúng ra phải là Một bầy con nhítlội sông đi tìm. Lâu nay, chữ nhít đã bị nhầm thành sít, bị đổi thành nít.

Ngày nay, nhiều ông dửng mỡ có bồ nhí, nhiều căn hộ lụp xụp có chuột nhắt. Có lẽ nhínhắtcó bà con với nhít (nghĩa rộng là nhỏ, bé) chăng ?

***

Đang nói đến trẻ con, nhân tiện xin nhắc lại hai trò chơi của trẻ con...

Thìa la thìa lẩy
Con gái bảy nghề
Ngồi lê là một
Dựa cột là hai
Theo trai là ba
Ăn quà là bốn
Trốn việc là năm
Hay nằm là sáu
Láu táu là bảy.
Thìa la thìa lẩy là một trò chơi của con gái.

Bài ca " kể tội " con gái. Nhưng con trai đừng mừng vội. Thật ra, muốn kể tội con trai thì chỉ cần đổi tội thứ ba " theo trai " thành " theo gái " là xong. Ai dám nói là con trai không ngồi lê, dựa cột, trốn việc, không thích ăn quà hay không láu táu ?

Vấn đề được đặt ra ở đây là tên trò chơi.

Thìa la thìa lẩy, hay nói ngắn gọn hơn là Thìa la, nghĩa là gì, có dính dáng gì với nội dung bài ca không ?

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa Thay lảy : chìa ra như thừa, một cách khó trông : ngón tay thừa mọc thay lảy ở cạnh ngón tay cái. Ở ngay ngoài rìa : Đứng thay lảy ở bờ giếng.

Tự điển Huỳnh Tịnh Của và tự điển Génibrel có từ Thày lay, Từ điển Văn Tân có từ Thay lay.

Thay layThày lay được định nghĩa là : Làm tài hay, gánh vác việc vô can. Làm chuyện thày lay là làm chuyện không ai cầu, ai mượn.

(Ngày nay người ta thường mắng những kẻ thích gánh vác chuyện của người khác, làm những chuyện không ai nhờ mình là...láu táu, nhanh nhẩu đoảng).

Thày lay chính là tội thứ bảy của bài ca.

Rất có thể là Thày lay đã bị biến âm thành Thìa la. Thìa lẩy là láy âm của Thìa la.

Thế nhưng...

Chúng ta còn một bài ca Thìa la khác :
 

Thìa la !
Bà cho ăn bánh
Bà đánh đau tay
Chắp tay lạy bà
Cháu đã thìa la !


Rõ ràng đây không phải là bài ca của một trò chơi nhiều người. Đây là một bài ca của bà hát chơi với cháu. Cháu béthìa lađược thì được thưởng, được bà cho ăn bánh. Hai tiếng Thìa la không mang tính xấu của Thày lay.

Thìa la của cháu bé nghĩa là gì, từ đâu tới ?

Từ cổ Thài lai nghĩa là " trỏ bộ hai chân dạng ra " (Tự điển Khai Trí Tiến Đức).

Nằm thài lai ra : être couché les jambes écartées (nằm dạng hai chân, Génibrel).

Có nhiều khả năng là Thài lai bị biến âm thành Thìa la.

Thìa la là bài ca để bà dạy cháu tập lẫy, lúc cháu được bốn, năm tháng. Đứa bé được đặt nằm ngửa hay nằm xấp. Bà vỗ tay hát cho đến khi " cháu đã thìa la ", lật xấp hay lật ngửa " chổng bốn vó lên trời ".

Có sự trùng hợp lí thú là thày laythài lai bị biến âm, cả hai đều trở thành thìa la. Phải chăng vì người miền Nam phát âm thày lay  giống như  thài lai cho nên người miền Bắc đã biến âm cả hai từ thành một từ chung là thìa la?
 

Nguyễn Dư
(Lyon, 11/2006)


Trở Về