Chim Việt Cành Nam              [ Trở Về  ]           [Trang Chủ ]

 
Phật giáo Việt Nam và quần chúng
tại miền nam Việt Nam từ đầu thế kỷ 20
___________

Quách Thanh Tâm

(bài phát biểu trong Hội Thảo "Hướng phát triển Phật giáo Việt Nam: quá khứ, tương lai" ,
 Trúc Lâm Thiền Viện tại Pháp, 8-9-1996)

Miền nam Việt Nam mang nhiều nét đặc thù sâu đậm mà ảnh hưởng đến tâm linh và đời sống của quần chúng chưa bị kỹ nghệ hay đô thị hóa quá khích chi phối. Kể từ ngày sử ghi có người Việt đến cư ngụ làm ăn trên đất nầy đến nay đếm được chỉ hơn 400 năm (1623: phái bộ chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở thuế ở Prei-Nokor: Saigon; 1658: Trịnh Hoài Ðức ghi là có "lưu dân Việt đến sống chung với người Miên khai khẩn ruộng đất''; 1698: Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra Gia Ðịnh phủ với xứ Ðồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Vùng Long Hồ dần dà được nối vào Gia Ðịnh, vùng An Giang nối vào Long Hồ...) (1). - một vùng còn nặng nét "đất mới'' đó người dân nơi đây rất gần gũi với thiên nhiên, trầm mình trong trời đất bao la, gởi mình cho quỷ thần đỡ nâng trừng phạt.
 

I- Những nét đặc thù của miền Nam Việt Nam tác động đến đời sống tâm linh của con người.

Miền Nam là một châu thổ mà địa thế còn đang xây dựng ở nhiều nơi. Cao độ chung không quá 1-3m trung bình trên mặt đồng bằng. Châu thổ mênh mông (39952 km2), tuy cao độ có khác đi ít nhiều tuỳ nơi, nhưng độ khác biệt nầy không làm mất cái cảm giác bằng phẳng của toàn phần. Châu thổ còn có nhiều vùng trũng như vùng trũng giữa Châu đốc và Hà Tiên, vào mùa nước lớn 5000m3/giây đổ vào đây trước khi chảy ra vịnh Thái Lan. Những khu vực trũng sót thấp hơn 1m rất thường gập ở miền tây bị ngập nước vào mùa mưa. Ðồng bằng Cà Mau còn có nhiều chổ nằm trong tình trạng lầy lội (2). Trên cái địa diện bằng phẳng đó, một núi con, một gò khiêm nhượng nhưng nổi bật ra là một nơi được xem như thiêng liêng linh địa (núi Bà Ðen ở Tây Ninh; Thất sơn ở Châu Ðốc, núi Châu Thới ở Biên Hòa). Nhiều chùa cổ được dựng lên tại những nơi nầy. Sự tín ngưỡng và lòng sùng bái của người dân vẫn còn mạnh.

Rừng ngập rậm rạp âm u, nhiều muỗi mòng, rắn độc và thú dữ, tuy ngày nay đã chế ngự nó được một phần nào, nhưng âm hưởng huyền bí vẫn còn phảng phất và vẫn còn ít nhiều tác động đến trí tưởng tượng chung.

Hằng năm, mực nước sông Tiền và sông Hậu lên cao từ tháng VII đến hết tháng XI, cao nhất vào các tháng IX và X. Tuy ngập lụt không đe dọa như ở châu thổ sông Hồng vì có nhiều nguồn thoát thủy (3), nhưng cái cảnh trời nước bao la làm cho việc đi lại rất khó khăn trong mùa lũ cũng đã gieo ấn tượng cô liêu, nhỏ bé cho những ai sống trong những đêm yếu đèn mờ ảo với tiếng nước vỗ chập chờn dưới cọc nhà. Thân phận con người trong môi trường đó thì có khác gì "vách đổ với tường xiêu'' (Mai Trực Thiền Sư Viên Chiếu 999-1090).

Miền Nam Việt Nam vào những thế kỷ XVII-XVIII là một vùng thưa dân đất trống so với châu thổ sông Hồng. Các điểm tụ cư rải rác trên các giồng đất tương đối cao.

Bên cạnh người Khờ Me đã sinh sống tại đây từ trước khi người lưu dân Việt đến lập cư, còn có người Hoa từ những năm cuối thế kỷ thứ XVII sang xin định cư. Họ là những phần tử không thần phục nhà Mãn Thanh, gồm nhiều hạng người thương nhân, binh lính, nho sĩ, tu sĩ phật giáo, họa sĩ, thầy lang, dưới sự hướng dẫn của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Ðịch. Chúa Hiền Vương (Nguyễn Phúc Tần 1948-1987) đã cho phép họ vào định cư tại vùng Biên Hòa-Gia Ðịnh, lập Ðại phố châu (Biên Hoà) phồn thịnh và Mỹ Tho Ðại phố (1682 và 1683).Về phía Tây, Mạc Cửu đến lập nghiệp trên đất khmer vào đầu thế kỷ XVII sau về thần phục Chúa Nguyễn và nhờ đấy mà miền biên ải Hà Tiên đã trở thành điểm tụ di dân người Hoa và giữ vai trò tiền địa trong việc khai quan mở cõi cùng bảo vệ biên cương. Là những thành phần sinh hoạt năng động, thêm được qui chế hành chánh ưu đãi (4) trong quá khứ họ vừa là một sức mạnh dân số (5,5% dân số toàn miền Nam vào thời điểm 1946-1986 ) (5), vừa là một sức mạnh kinh tế vừa là một lực lượng văn hoá đáng kể trong quá trình dựng nước miền Nam. nh hưởng người Hoa trong lãnh vực tôn giáo là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên nếu các thiền sư theo luồng di dân vào Nam đa số là người Trung hoa, như thiền sư Viên Quang trụ trì tại chùa Giác Lâm, một ngôi chùa cổ tại thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và được xem là tổ đình của phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Ngươn Nam bộ, tuy các chi phái được nhắc đến thường là Lâm Tế và Tào Ðộng gốc từ Trung Quốc, nhưng Phật giáo Nam bộ giao hòa nhiều ảnh hưởng địa phương nên mang rất nhiều đặc thù dân tộc tính. (6)

" Nhiều ngôi chùa của người Hoa, có các vị tổ khai sơn là những thiền sư Trung Quốc, cũng đã có mặt tại vùng đất mới đồng thời với cuộc di dân của người Việt. Nhưng trong quá trình lịch sử, khá nhiều ngôi chùa nầy đã dần dần chuyển sang cho người Minh Hương hoặc trở thành chùa Việt như chùa Long Thiền (Ðồng Nai); hoặc biến thể sang hướng khác, trở thành ngôi chùa Minh Sư sau nầy (đặc biệt là chùa ở Long An). Do đó, trước đầu thế kỷ XX, chùa Hoa thờ Phật là chính ít được nhắc đến, chỉ phổ biến dạng miếu thờ thần, được dân gian quen gọi là chùa, một dạng tín ngưỡng dân gian của người Hoa..." (Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, tr. 14)

Trên bước đường di dân lập nghiệp trong môi trường hoang dã thiếu nhiều tiện nghi, Trời Phật là niềm tin vô tận trước bao hiểm họa đói khát bệnh tật. Ðối với những ai hằng ngày phải chạm mặt với muôn vàn thử thách thì Trời và Phật là đấng thiêng liêng, Trời và Phật là một, là ánh sáng đưa đường đến bình an, đến miền cực lạc. Phật bà Quan âm là vị Bồ tát rất gần gũi với quần chúng. Vở kịch Quan Âm Thị Kính đã từng được bao thế hệ đọc xem, cái gương nhẫn nhịn, từ bi, cái lòng tin vững chắc nơi đấng Vô Thượng đã đưa Phật giáo từ bi tịnh độ vào quần chúng một cách sâu đậm tuy gián tiếp:

" Ngoài Tam quan nếu có lòng thành
Trên cửu phẩm cũng nhờ Phật chứng "
Những lời trên đây mà một tác giả đã gán cho Thị Kính khi nàng chịu oan sống nuôi con người thành con mình ngoài cửa tam quan chùa là tấm gương hi sinh, từ bi vô lượng mà người dân dã mộc mạc đã ghi trong tâm khảm của mình. Nương cửa Phật sẽ phải là những người hoàn hảo vượt lên trên cả những huấn điều nhân đạo thường nhật.

Cũng trong hoàn cảnh dân thưa nước độc, mà bệnh thời khí thường hoành hành gây chết chóc, nên truyền thống tin tưởng vào các hoạt Phật hiện ra để cứu độ chúng sanh rất thịnh ở nhiều nơi như vùng Láng Linh, miệt Rạch Giá. Sức tin vào các vị đạo Lành dùng nước chữa bệnh, không học mà làu thông kinh thánh, biến hóa thần thông, tái sinh độ thế, nếu có phản ánh ít nhiều Lão giáo tu tiên trường sanh bất tử, thì cũng nói lên nhu cầu tâm linh của quần chúng , cần dựa vào một mãnh lực siêu nhiên bất phân giai cấp từ bi vô lượng để có thể giữ vững can đảm mà chống lại với môi trường khắc khổ .

- châu thổ điểm tụ cư cũng hiếm hoi. Quần cư thường là ở những doi đất hoặc ở những ngã ba sông. Sinh hoạt trao đổi do đó thường cũng được phát triển cùng độ với nông nghiệp. Tín ngưỡng dân gian dựa vào thần tài, vào các thần linh độ họ đi về an ổn, làm ăn phát đạt không đối kháng với tín ngưỡng Phật giáo. Trái lại khi làm ăn được lợi, họ còn đền đáp lại bằng cách xây chùa đặt tượng tri ân Phật Trời.

Nam bộ đã là một thuộc địa gần một thế kỷ (1862-1945). Sự va chạm với nền văn minh âu tây nơi đây đã có một cường độ mạnh. Nhưng sự va chạm nầy đã không làm mất cá tính dân tộc, mặc dù cũng có lúc nhiều người đã chạy theo phong trào âu hóa, xem văn minh truyền thống nặng ảnh hưởng Trung hoa là hủ lậu. Một trong những phong trào kháng Pháp và chấn hưng truyền thống dân tộc được thể hiện qua phong trào chấn hưng Phật giáo. Rất nhiều sách báo và nghiên cứu giáo lý cũng như những phong trào khuyến thiện được ra đời. Sự sôi nổi của các hoạt động chấn hưng, nhất là sau 1920 đã nói lên tiềm lực mạnh mẽ của nhu cầu tâm linh và lòng tin vào đấng Phật Nhất Như Tự Tại của quần chúng. Ngoài các tổ chức, các hội Phật học, nhiều giáo phái được ra đời, còn có rất nhiều phật tử tu tại gia. Các cư sĩ danh tiếng như Ðoàn Trung Còn, Mai Thọ Truyền đã đóng góp rất nhiều cho phong trào. Ðạo Phật trong giai đoạn kháng Pháp thầm lặng hoặc phát lộ trong nửa đầu thế kỷ XX đã đi rất gần với quần chúng, đã hòa chung với lòng yêu nước, cứu nước của dân gian. Tu không những là tìm hạnh phúc cho cá nhân, mà còn cầu cho chiến sĩ thành công, cho hòa bình sớm về với đất nước. Tu cũng không phải là đến chùa đúng giờ đúng lúc, mà ở bất cứ nơi nào, miễn là tâm thành, thì được Phật chứng. Tu thiền, tu Tịnh rất được ngưỡng mộ. Thiền Tịnh song tu rất quen thuộc với những ai tìm đường học đạo thuở bấy giờ:

"Phật tức tâm Phật tại nơi lòng
Tâm tức Phật lòng thành có Phật"
Hai câu thơ nầy hầu như đã nói lên một sự hiển nhiên, vì nó được cảm thức như một dư âm của tiếng nói tâm hồn Việt vọng lại từ xa xưa qua các lời nói, câu thơ của các bậc tiền bối (7):
"Trong núi không có Phật, Phật chỉ có trong tâm"
(câu trả lời Trần Thái Tông của Quốc sư Viên Chứng, khi vua muốn lên núi Yên Tử để tìm Phật)
Hoặc những câu sau đây của Trần Thái Tông (1225-1258) trong bài Cư trần lạc đạo:
"Bụt ở cuông nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn, nên ta tìm Bụt
Ðến cốc hay, chín Bụt là ta"
(ngụ ý muốn nói Phật ở trong - cuông - nhà. Nhà là nơi ta tạm ngụ trong kiếp sống nầy mà cũng có thể là thân ta nơi ngũ uẩn kết tạo ra hình hài. Ta chẵng phải đi tìm xa Phật. Không thấy Phật hiển nhiên là vì quên mất cái gốc nguồn của ta - khuẩy bổn: quên mất gốc - là Phật. Nếu cố phá vô minh thì biết ngay chính - chín: chính - mình là Phật)
Hoặc qua lời thơ của Nguyễn Trãi:
"Bụt ấy là lòng, bụt há cầu" (Quốc Âm thi tập)
II - Tiềm lực phát triển

Phật giáo phủ trùm thế giới tâm linh của đa số người dân Nam Việt và tiềm ẩn trong đường hướng sinh hoạt đối xử xã giao. Những thuật ngữ nhà Phật hầu như gắn liền với sự việc hằng ngày cũng như ở những lúc trọng hệ trong cuộc đời của từng cá nhân. Ngôi chùa là nơi gột rửa tội lỗi, là nơi bảo bọc người lâm nạn. Thuý Kiều, Nguyệt Nga đã từng nương cửa Phật. Bốn chữ "sống gởi thác về'' hàm chứa bao nhiêu là êm ái là âu yếm cho những ai đang khắc khoải rời bỏ cõi đời đầy cát bụi nầy. "Tiêu diêu nơi cực lạc'' dù cho xa xôi, dù cho huyền ảo đến đâu cũng là một ánh sáng dẫn đường để vượt bao gian khổ của cái xã hội loài người nhất là ở những nơi còn kém mở mang hay còn bị bóc lột.

Phật giáo chan hòa trong tâm tư của mỗi người Việt qua những câu hát giọng hò, qua những huấn dụ đậm đà tình thương nhân loại:

"Thương người như thể thương thân
Người ta phải bước khó khăn, đến nhà
Ðồng tiền bát gạo mang ra
Rằng: "Ðây cần kiệm gọi là lám duyên''
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng
Tiếng rằng "ngày đói tháng đông'',
Thương người, bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng
Của là muôn sự của chung:
Sinh không, thác lại tay không, có gì"
                              Nguyễn Trãi: Gia Huấn ca, câu 313-323
Phật giáo còn làm gần gũi con người với nhau dù trong bể khổ, hay cùng giải thoát ngoài vòng sinh diệt. Thế thì còn lạ gì khi những người di dân vào Nam trên đất khách lại thấy ấm lòng khi cùng chung niệm "Nam mô''. Thân phận con người rồi "ai cũng như ai'' đã được diễn tả qua bao lời văn thắm thiết của Nguyễn Du trong "Văn Chiêu hồn'':
"Ai tới đó dưới trên ngồi lại
Lấy chút lòng chớ ngại bao nhiêu
Phép thiêng biến ít ra nhiều
Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sinh
Phật hữu tình từ bi tế độ
Chớ ngại rằng có có không không"(8)
                         Nguyễn Du: Văn Chiêu Hồn, câu 177-182
Hoặc qua những câu dịch bài ngụ ngôn "Quỷ Vô thường và tiều phu'' của Jean de La Fontaine:
"...............................................

Vô thường hỡi dùm ta dắt lối
Lánh trần ai trăm mối nợ đời
Quỉ nghe hiện đến tận nơi
Hỏi "rằng có chuyện chi mời đến ta?''
Quỉ càng hỏi lão già càng sợ
Rồi ngẫu nhiên nói trớ cho qua
Rằng xin nhờ gánh củi về nơi quê nhà
Tuy đã biết trần ai cay đắng
Nhưng khuyên đừng thở vắn than dài
Rồi đây rồi cũng có ngày
Nợ nần trăm mối rảnh tay cho mà
Hơi nào tha thiết thiết tha
- trong bể khổ có ta có mình"
                        Jean de La Fontaine: La Mort et le bucheron,
                        bản dịch của Lê Ðức Mậu(?), 1934 (9)

Qua những nhận xét trên ta có thể nói là " người Việt còn, nước Việt còn thì còn người theo đạo Phật"

Tuy nhiên, Phật giáo Nam Việt uyển chuyển khế lý khế cơ. Là đất của lưu dân, lại là đất đã từng bị ngoại thuộc, miền Nam Việt Nam đã là nơi nuôi dưỡng tinh thần dân tộc ôm ấp tận trong đáy lòng vì sách vở buổi đầu khó có. Miền Nam còn là nơi mà Trời Phật rất gần gũi, thân thương hòa trong thiên nhiên vô tận. Ðây cũng là nơi các Phật Bà rất được tôn sùng (tại núi Bà Ðen hay Bà Ðênh thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Tây Ninh; ở làng Vĩnh tế Châu Ðốc, thờ Bà Chúa Xứ, nhưng tại đây không rõ là nhân dân có tôn là Phật Bà như ở Tây Ninh chăng?)

Trong quá trình đấu tranh dành độc lập, Phật tử tu tại gia đã tìm trong niềm tin của mình, tùy trình độ kiến thức (cư sĩ lão thành, thường dân tay lấm chân bùn quê mùa mộc mạc...) một động lực để vững tin vào tương lai và một sự ấm lòng trong vị tha lai láng. Tu còn là không quên cỗi nguồn dù theo nghĩa hẹp là không quên tinh thần dân tộc, quê cha đất tổ hay dù theo nghĩa rộng là trở về với Phật tính vĩnh hằng.

Và giờ đây trong bôn ba của hiện tượng đô thị hóa, của văn minh hiện đại trọng lợi hơn người trên thế giới, thử hỏi Phật giáo có còn khả năng cứu độ, đi thẳng vào lòng người nữa chăng? Miền Nam Việt Nam với các đặc thù của một địa phương hạn hẹp có thể vin vào Phật giáo để đi vào một thế giới tín ngưỡng đại đồng vũ trụ, hay lại vì sức mạnh của cá tính mình mà lôi Phật giáo vào hàng một tín ngưỡng nặng địa phương tính, chỉ có mãnh lực cho một cộng đồng nhất định, trong một không gian nhỏ bé?
 

III - Hướng phát triển

Tín ngưỡng thấm nhuần dân gian, nói chung cho tất cả Việt Nam. Riêng miền Nam, thấm độ ấy càng cao vì con người nơi đây đã phải vật lộn với một môi trường khe khắt, đã phải bó tay trước bao nhiêu bạo lực, niềm tin cuối cùng của họ chỉ còn trông nhờ vào lòng từ bi vô lượng của đấng Vô Thượng , hoặc vào những quyền lực thần bí vượt khả năng của con người trần thế. Ðến lập nghiệp ở nơi xa lạ, họ nuối nắm nhiều với Ông bà cha mẹ, với những anh hùng liệt sĩ mà khí thiêng vẫn còn phảng phất dù đã qua đời (thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá, thờ Trương Ðịnh tại Gò Công). Các nhân vật của thế giới vô hình nầy, trong lòng dân gian, trong trí tưởng tượng của họ đều núp bóng từ bi, nương cửa Phật, sẳn sàng theo Phật tế độ chúng sanh.

A - Hướng tiếp cận dân gian, nhập thế, cứu khổ cứu nước

Vì các lý do nêu trên, đạo Phật, tại đây, sau một thời kỳ suy thoái đã được chấn hưng từ những năm sau 1920 (10) theo hai chiều hướng chính:

1/ gần gũi thân thương, giác ngộ tâm linh, trau dồi nhân đức ân cần giúp đỡ trong những nhu cầu tối thiểu hằng ngày,
2/ đậm đà tinh thần yêu nước.

Nhiều tổ chức, nhiều hội được ra đời như Thiên Thai Thiền giáo tông liên hữu hội (1935, Bà Rịa) với tờ Bát Nhã Âm làm tập chí phổ thông; Thiên Thai giáo quán tông, Pháp Hoa tông (1936)...; hội Kiêm tế (1936, Rạch Giá) với nhiệm vụ vừa hoạt động Phật học vừa kinh bang tế thế. Cơ quan truyền bá của hội là tạp chí Tiến hóa chủ trương chú trọng nhiều về hành động, canh tân, đến độ đòi hủy bỏ truyền thống "đầu tròn áo vuông'' (theo Trần Hồng Liên); Thiền Tịnh đạo tràng (1948), và còn nhiều tổ chức thiên về nghiên cứu giáo lý hay ngược lại trọng về khía cạnh phước thiện, hoặc có ít nhiều màu sắc chính trị đấu tranh khác...

Tuy nhiên để có thể suy luận sâu thêm một ít, xin nhấn mạnh trường hợp Phật giáo Hòa Hảo. Giáo phái nầy được chính thức thành lập ngày 18 tháng năm Kỷ mão (1939). Giáo chủ là ngài Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) sinh quán làng Hòa Hảo quận Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc trước, nay là xã Phú Mỹ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Vào năm 1975, tín đồ của đạo có khoảng 3 000 000 người (theo Etudes viêtnamiennes, Le delta du Mekong, numéro spécial, 1984), và riêng tỉnh An Giang có hơn 1 triệu tín đồ, chiếm 85,4% dân số toàn tỉnh vào cuối những năm 1980 (theo Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Ðường: Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long NXBKHXH, TP HCM, 1990, 380). Ra đời trong lúc lịch sử thế giới giao động vì thế chiến thứ hai vừa nhen nhúm, và cuộc diện chính trị Á châu đang chuyển hướng, Phật giáo Hòa Hảo, đặt vào dòng lịch sử đạo giáo và tư tưởng Việt Nam nói riêng, và của lịch sử Việt Nam nói chung, là một thí dụ linh động của đời sống tinh thần trong một vùng ở trong một thời điểm nhất định. Nếu về sau Hòa Hảo có đi sâu vào đời sống trên bình diện tham gia chính trị hoặc đấu tranh võ trang, thì phân xét lý do, hay luận đúng sai của các sự việc ấy không nằm trong khuôn khổ của bài tham khảo nầy, và cũng ra ngoài khả năng của tác giả.

Vì địa bàn hoạt động cùng trên một vùng địa lý (vùng Thất sơn), vì có nhiều điểm trùng hợp trên bình diện giáo lý và hành tung của các vị được tín đồ tôn làm giáo chủ, hoặc Phật, xuất hiện để cứu thế độ dân (viết kinh giảng, cứu bệnh mầu nhiệm không cần thuốc), dựng cờ cứu nước, nên có truyền thuyết gắn liền Hòa Hảo với các giáo phái Bửu sơn kỳ hương do Ðoàn Minh Huyên sáng lập (truyền từ 1849-1856), Tứ Ân hiếu nghĩa của Ngô Văn Lợi (truyền đạo từ 1879-1890).Tín đồ "Bửu sơn kỳ hương'' còn tin là đức Phật Thầy Tây An (Ðoàn Minh Huyên) đã bốn lần tái sinh chuyển kiếp: Ðức Phật Trùm ở núi Tà Lơn truyền đạo từ 1879-1890; Ðức Bổn sư Ngô Văn Lợi ở núi Tượng; Sư vãi bán khoai ở biên giới Miên -Việt; Ðức Huỳnh Giáo Chủ, người khai sáng đạo Hòa Hảo ở làng Hòa Hảo (11).

Nếu nhận tiền thân của Hòa Hảo là Bửu sơn Kỳ hương và Tứ Ân hiếu nghĩa thì những truyền thống hòa hợp nhiều tín ngưỡng, đơn giản hóa nghi thức, không thờ tượng cốt chỉ thờ trần dà (Bửu sơn kỳ hương thờ trần điều -vải đỏ, khác màu dà nâu đậm ở đây -) "tùy cơ hóa độ'', không nặng về hình nhi thượng, đều có thể thấy ở cả ba giáo phái. Dựa trên căn bản Tứ Ân: ân cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại, đạo nầy đã cho người dân miền tây nửa đầu thế kỷ XX một thích ứng đầy đủ mọi mặt với nhu cầu tâm linh của họ. Bốn trọng ân nầy nguyên là khái niệm "Tứ Ân'' của Phật giáo Trung Quốc: ân phụ mẫu, ân quốc vương, ân tam bảo, ân chúng sinh, đã được cụ thể hóa, Việt hóa, và còn có thể nói gần gũi hóa với quần chúng bằng cách đặc ân đất nước và ân cha mẹ ở hàng đầu.

Tín đồ vẫn dựa vào pháp môn "tu nhân học Phật''. Các bộ kinh Giác Mê của Phật thầy Tây An, Sám giảng người đời của Sư Vải Bán Khoai, Sám giảng thi văn toàn tập của Huỳnh Giáo Chủ vẫn còn được tín đồ nghiền ngẫm.

B - Hướng đặc chú vào hình thức tổ chức gia đình Phật tử và nghiên cứu phổ thông kinh điển

Một trong những mục đích chính của phong trào chấn hưng phật giáo là nhằm tạo điều kiện cho "chư sơn thiền đức đoàn kết lại để chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ''., thí dụ như mục đích của tổ chức Lục Hòa Liên xã ra đời năm 1920 (12).

Nhiều hội đoàn, sách báo được ra đời:

- Hội Phật học Việt nam (1950)
- Ni giới Nam Bộ (1927), với trường Ni đầu tiên của Nam Bộ
- Ðoàn thể Phật Tử (Gia đình Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Học sinh, sinh viên Phật Tử...)
- ......

Các sách báo hỗ trợ cho phong trào chấn hưng, và hoằng hóa trong giai đoạn trước 1975 ra đời với tinh thần đổi mới trong Phật giáo (Phật hóa tân thanh niên, Phật học tổng yếu, Vô thần luận, Chân lý của Tiểu thừa và Ðại thừa của tăng sĩ Thiện Chiếu 1898-1974), với ý chí nghiên cứu sâu rộng kinh sách, đem kinh sách vào quần chúng như các công trình của những vị Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh (Hoa Ngiêm nguyên nhân luận, Tại cư sĩ luật, Duy thức triết học, Khánh Anh văn sao)...Những tập san Pháp Âm Phật Hóa Tân Thanh Niên, Từ bi Âm, Duy Tâm, Từ Quang, Phật Học.. là những cơ quan ngôn luận đã đem lại sự tranh luận sôi nổi về các vấn đề Phật giáo với những nhận thức mới và những khuynh hướng khác nhau, tuy hầu hết đã bị chính quyền thuộc địa đình bản sau vài số.(13)

Một thí dụ về nhiệt tâm đưa đạo đến gần với quần chúng là việc phiên dịch ghi chú bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Cư Sĩ Ðoàn Trung Còn (14) bằng thể thơ song thất lục bát rất quen thuộc với người dân. Lời văn bình dị, dể hiểu, ấm áp:

Chúng tôi mừng rỡ bồn chồn
Cũng như kẻ khó dạ nôn bạc nhiều,
Hôm nay nhờ phật dắt dìu,
Hưởng thâu của lạ trăm chìu quí thay
                               Câu 50-54, phẩm "Tín Giải'' Kinh Pháp Hoa
Kết luận: Hướng phát triển hiện nay

Tôn giáo "sinh ra cùng với xã hội loài người, do con người sáng tạo ra nó, rồi con người lại bị chi phối bởi nó. Tôn giáo còn tồn tại lâu dài'' (Theo Ðặng Nghiêm Vạn). Tuy nhiên ngày nay, xu thế thế tục hóa ngày càng phổ biến trong nhiều tầng lớp xã hội trên thế giới. Hai xu hướng dường như đối nghịch nhau trên có thấy tại miền Nam không và có chèn lấn được thua nhau ra thế nào?

Từ những năm gần đây nhu cầu tâm linh của quần chúng Nam bộ nổi bật qua nhiều sự kiện được quan sát:

- việc xây cất trùng tu chùa chiền tại Việt Nam, và tại Nam bộ có một cường độ đáng kể. Tại nhiều quận trong thành phố Hồ Chí Minh số chùa khang trang, mới được xây thấy được rất nhiều. Số người đi cúng chùa đông đảo cả nam lẫn nữ, cao tuổi hay còn trong tuổi thanh-tráng niên.

- Những ngày vía hội tại Châu Ðốc hay tại Tây Ninh số người hành hương rất đông, mà thành tâm của họ không thể nghi ngờ. Mục đích hành hương có thể có nhiều ý kiến phê phán, nhưng lòng thành ngưỡng mộ là một sự hiển nhiên.

- Sách báo, các bài nghiên cứu, dịch giải kinh tạng được và sẽ được xuất bản nhiều, trường viện ở đủ các cấp đã mở và sắp mở, sinh hoạt thường xuyên. Các chú tiểu còn vừa được học trường đời và trường đạo (căn cứ vào những quan sát không thể được xem là toàn diện cho cả Việt Nam tại một vài chùa ở Huế và trong tỉnh Biên Hòa).

- Nhu cầu tôn giáo Việt Nam được bộc lộ qua các số liệu (do ban Tư tưởng -Văn hóa trung ương cung cấp và đăng trên tập chí Giác ngộ, số 10 bộ mới, tháng 6-1996, tr. 23): Việt Nam có khoảng gần 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo qua 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Ðài, Giáo phái Hòa Hảo, Hồi giáo. Tín đồ Phật giáo có khoảng 10 triệu không kể 2 triệu tín đồ Hòa Hảo và nhiều triệu người Việt tự xem mình có nếp sống hợp với giáo điều Phật dạy.

- Thờ phượng ông bà cha mẹ quá cố là một bổn phận mà đa số người Việt dù giàu hay nghèo đều cố tâm làm tròn. Theo tài liệu điều tra mẫu của Viện nghiên cứu đạo giáo năm 1993 thì tại thành phố Hồ Chí Minh, 84,3% người không theo đạo thiên chúa có thờ phượng tổ tiên (nam: 80,5%; nữ: 88%). Ngày Vu Lan báo hiếu là một ngày lể lớn trong lòng người Việt. Ðô thị hóa cường điệu làm cho nhà ở lên giá, gia cư hẹp đi, nghĩa trang xa xôi, nên việc thờ phượng thường hay nhờ nhà chùa lo liệu. Tro người thân, di ảnh người thân nương cửa Phật. Ngôi chùa đi vào lòng mọi người như thế mỗi lúc mỗi đậm đà thêm lên.

Cá tính của Phật giáo miền Nam có được trọn vẹn trên đà tiến hóa vô biên hiện nay không? Lòng yêu nước, giữ nước của một vùng đất mới trong quá trình lịch sử cận đại đã gắn liền Phật và đời trong đa số quần chúng. Tinh thần "uống nước nhớ nguồn'' "tạc dạ ghi ơn'' là một nét sâu đậm của bản thể cá nhân, thì những ảnh hưởng ngoại nhập khó làm mất đi căn bản và địa phương tánh.

Phật tử Nam bộ của thế kỷ thứ XXI có bị có bị "đóng khung'' trong một vùng địa lý hẹp hòi chăng? Làm sao thế được khi mà giáo lý nhà Phật là một giáo lý đại đồng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Mọi người trong "mười loài'' (thập loại chúng sinh) rồi thì cũng sớm muộn gì cũng được trở về "quê'', về ''nhà'', về lòng Phật nhiệm mầu. Những kẻ:

"Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày vắng xa quê vạn dậm trường''
                                       Trần Thái Tông
chỉ là những người chưa thức tỉnh thôi. Bốn biển là nhà, bao la là cửa Phật thì còn ngại gì rào dậu. Từ bi vô lượng, Phật dạy thương người hơn cả thương thân, ngọn cỏ côn trùng đều là những thành phần trọng kính của vũ trụ. Ðâu là ta đâu là ngừơi, đâu là quan trọng, đâu là kém hèn?:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
                                        Từ Ðạo Hạnh
Bài dịch của Phan kế Bính:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian nầy cũng không
Thử xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có có không là gì?
Một thắc mắc cuối cùng là: sự đơn giản hóa, cụ thể hóa trong quá khứ gần đây có thể trì kéo Phật giáo Nam Việt đi xa với những thắc mắc cao siêu, với những vấn đề tâm linh, hình nhi thượng không? Thiết tưởng đặt vấn đề nầy chỉ là một thắc mắc trí thức thôi. Con đường đi đến giải đáp cao siêu của thân phận con người của ý nghĩa cuộc đời, sống làm gì? chết về đâu, là con đường muôn nẻo mà lý luận uyên thâm chỉ là một thôi. Hành hay luận, hành bằng thân xác hay bằng trí não, thân hay tâm, nếu không có "lòng thành'' thì còn thiếu mất một cái gì căn bản vậy. Nam Bộ là nơi chung sống của nhiều cộng đồng trong đó cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông chiếm một vị trí quan trọng. Số chùa khmer ở bốn tỉnh đồng bằng sông Cửu long năm 1994 không nhỏ (Vĩnh Long 12; Cần Thơ: 24; Sóc Trăng: 89; Trà Vinh: 142) (15). Như thế các nẻo đường lại càng nhiều chi, làm sao trả lời đơn giản được?
 
Chú thích

(1) Theo Sơn Nam "Lịch sử khẩn hoang miền Nam'' Saigon 1973, 24.

(2) Theo Lê Bá Thảo "Thiên Nhiên Việt Nam'', in lần thứ hai, Hà Nội, 287-288

(3) Nước sông Cửu Long chảy ngược về Biển Hồ chờ ngày xuôi lại; hoặc nhờ sự phân lũ qua hệ thống kinh rạch chằng chịt

(4) Làng người Hoa trung thành với nhà Minh được gọi là "Minh Hương xã'' (làng đốt hương tưởng niệm nhà Minh theo Vương Hồng Sển), làng Minh Hương đầu tiên được lập tại Hội An vào khoảng 1645-1650. Trong Nam làn sóng di dân người Hoa theo đà tăng tầm quan trọng. Nên khi Nguyễn Hữu Chỉnh vào chia ranh dựng nền hành chánh, ông đã qui tụ họ vào hai nơi: một ở làng Thanh Hà dành cho những di dân mới đến (Trấn Biên) và một ở làng Minh Hương (Phiên Trấn). Dưới thời Tây Sơn, dân hai làng lại nhập vào một, và sau đó họ là những thành phần đầu tiên của thành phố Chợ Lớn. Tuy nhiên với thời gian danh từ "Minh Hương" không còn chỉ một địa danh nhứt định gắn liền với một địa bàn địa lý nhứt định mà là một từ chỉ những người con lai Hoa-Việt (cha Hoa mẹ Việt), những người Hoa sinh tại Việt nam, và những người Hoa mới đến định cư. Xem thêm Tsai Maw Kuey: Les Chinois au Sud-Viêtnam, Paris 1968 và Nguyễn Thế Anh: L'immigration Chinoise et la colonisation du Delta du Mékong, in The Viêtnam review Autumn-Winter 1996 Hoàng Sanh Thông ed. Mekong Printing inc.CA pp.154-177; Huỳnh Lứa (chủ biên): Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, TP HCM, 1987

(5) Cf. E.S. Ungar "The struggle over the Chineese community in Viêtnam, 1946-1986, Pacific Affairs, 60, 4, (1987-88) Nguyễn Thế Anh dẫn, như trên, tr. 156

(6) Xem thêm Trần Hồng Liên: Phật giáo Nam bộ, từ thế kỷ 17 đến 1975, TP Hồ Chí Minh, 1966 và Ðạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ-Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, NXBKHXH, TP HCM, 1995

(7) Xem thêm Thiền học đời Trần, Viện nghiên cứu Phật giáo TP Hồ Chí Minh, 1995 Nhiều tác giả: Gs. Minh Chi, HT Thích Thanh Từ, ...

(8) Xem thêm Quach Thanh Tâm: " Văn Chiêu hồn ou la compassion transcendée...'' trong Notes sur la culture et la religion en Péninsule indochinoise, L'Harmattan 1995

(9) Ðây là lời thuộc lòng, nên không bảo đảm là đúng hẳn

(10) Xem thêm Trần Hồng Liên: Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ thứ 17 đến 1975, TP HCM, 1996 và Ðạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Viêt Nam, TP HCM, 1995

(11) Theo Vương Kim và Ðào Hưng : Ðức Phật Thầy Tây An, Long Hoa Saigon 1953

(12) Theo Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam bộ..., 33

(13) Như trên ,61

(14) Chúng tôi cũng không quên các công trình đóng góp của các bậc Hòa Thượng, Cư sĩ khác như Mai Thọ Truyền: Pháp Hoa huyền nghĩa, 1959; Khánh Anh : Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, 1952; Thích Thanh Từ: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải, 1993; Thích Thiện Châu: Thiền định và cuộc sống hôm nay, 1995 .. cùng nhiều công trình khác của các vị trên hay của nhiều vị khác

(15) Không quên Phật giáo Bắc Tông của người Hoa. Những chiều hướng hội nhập việt hóa được quan sát ở nhiều nơi. Trần Hồng Liên,: Phật giáo Nam Bộ..., 99-107 và 115



 [ Trở Về ]