Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [  Mục Lục  ]

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm

*

11. Thời Nguyễn Sơ (1802-1883)
với 
80 năm rực rỡ của văn hóa Phú Xuân

Lê Văn Hảo

"... Thời kỳ Nguyễn Sơ đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của
80 năm văn hóa Phú Xuân trong nhiều lãnh vực ..."
 
 Triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc

Triều Nguyễn (1802-1945) là vương triều cuối cùng của thời đại quân chủ Việt Nam.

Với tất cả 13 đời vua, khởi đầu từ Gia Long và kết thúc với Bảo Đại, thời Nguyễn có thể chia ra làm hai giai đoạn : thời Nguyễn Sơ (1802-1883) và thời Nguyễn Mạt - thuộc Pháp (1885-1945).

Sau khi đánh bại triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi, niên hiệu Gia Long, vẫn đặt kinh đô tại Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay), đặt quốc hiệu là Việt Nam (1804-1838) rồi Đại Nam (1838-1945). Cương vực nước ta thời Nguyễn tương đương với phần lớn lãnh thổ Việt Nam ngày nay.

Thời kỳ Nguyễn Sơ đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của 80 năm văn hóa Phú Xuân trong nhiều lãnh vực.
 
 

Sông Hương, người tình muôn thuở của Phú Xuân-Huế

Sông Hương đã được nhiều người xem như là một dòng sông thơ, một dòng xanh văn hóa, và xin được dùng một hình tượng lãng mạn để gọi dòng sông êm đềm là người tình muôn thuở của đế đô Phú Xuân-Huế.

Quả thật, sông Hương rất diễm lệ. Tự bao đời Hương vẫn lững lờ trôi qua những xóm làng, những nhà vườn xinh tươi, từ làng Nguyệt Biều tới cửa Thuận An. Hương là bản giao hưởng xanh giữa trời và nước, điểm xuyết bằng mảng đỏ hoa phượng, mảng trắng nón bài thơ và tà áo dài nữ học sinh dập dìu trên những nẻo đường, nhịp cầu, bến nước.
 

 Kinh thành Phú Xuân-Huế, chốn "thần kinh"

Đại Nam nhất thống chí đã dành những lời đẹp đẽ và trang trọng để nói về kinh thành Huế:
"Đây là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng cân phân giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thủy có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ có đèo Ngang với ải Hải Vân chặn ngăn, sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuộn, hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt thật xứng là thượng đô của nhà vua".
Các cụm kiến trúc chính trên địa bàn kinh thành là Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, khu Lục Bộ, Khâm Thiên Giám, viện Thương Bạc, lầu Phu Văn, đình Nghinh Lương…

Trung tâm của kinh thành là khu Đại Nội với gần 140 công trình kiến trúc, được xây dựng và trang trí độc đáo : cửa Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, Triệu Miếu, thư viện Thái Bình Ngự Lãm, nhà hát Duyệt Thị…

Nằm ngoài kinh thành là đàn Nam Giao, Hổ Quyền, Văn Miếu, Võ Miếu, điện Hòn Chén và hàng chục ngôi chùa cổ kính mà nổi tiếng nhất là chùa Thiên Mụ được xây dựng từ 1061.

Xa xa ở phía Nam sông Hương là quần thể các lăng tẫm của sáu vua Nguyễn từ Gia Long tới Khải Định, một thành tựu rực rỡ của nền kiến trúc truyền thống Việt Nam.
 
 

Giữa thế kỷ 19, vua Thiệu Trị (1841-1847) đã từng gọi Phú Xuân là chốn Thần Kinh, sau đó người Pháp đã dịch ra là La Merveilleuse Capitale.
 

 Khoa học nhân văn thời Nguyễn Sơ

Nói tới khoa học nhân văn thời này chủ yếu là nói về một nhà bác học bách khoa và hai cơ quan học thuật lớn của triều Nguyễn.

- Phan Huy Chú (1782-1840) là nhà bác học lớn ở thế kỷ 19. Đời làm quan của ông lắm lúc thăng trầm nên ông chán nãn đã xin từ quan về làng dạy học và viết sách. Cống hiến chủ yếu của Phan Huy Chú là công trình biên khảo đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí.

Bộ sách này gồm 49 quyển, chia thành 10 bộ môn: địa lý thiên nhiên và địa lý lịch sử Việt Nam; tiểu sử của các vua chúa, công thần, tướng lãnh và các nhà trí thức danh tiếng trong lịch sử đất nước; chế độ quan chức và guồng máy hành chính; lễ nghi và phẩm phục; chế độ khoa cử; chế độ thuế khóa; luật lệ; cách tổ chức và luyện tập quân đội; thư mục các sách Hán Nôm; chính sách và quan hệ ngoại giao. Lãnh vực nào Phan Huy Chú cũng tập hợp được tài liệu khá đầy đủ và sắp xếp có hệ thống. Đây là bộ bách khoa toàn thư lớn của thời đại quân chủ.

Cơ quan khoa học nhân văn quan trọng nhất thời Nguyễn là Quốc Sử Quán, được thành lập từ 1821, với những công trình quan trọng hàng đầu là :

- Đại Nam thực lục, 560 quyển ;

- Đại Nam liệt truyện, 85 quyển ;

- Đại Nam nhất thống chí, 45 quyển ;

- Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, 53 quyển, trên 4.000 trang, v.v.

Tổng cộng số sách do Quốc Sử Quán khắc in và xuất bản lên tới 68 bộ. Do giá trị khoa học của khối lượng xuất bản phẩm này, Quốc Sử Quán đáng được xem như là viện hàn lâm một thuở.

Cơ quan khoa học nhân văn quan trọng thứ hai của triều Nguyễn là Nội Các, được thành lập năm 1829. Đây là nơi vừa lưu trữ văn thư, vừa tổ chức biên soạn, khắc in và phát hành một số sách của triều Nguyễn.

Công trình đồ sộ nhất của Nội Các là Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, một bộ sách tổng hợp về lịch sử, chính trị và điển chế thời Nguyễn, gồm 262 quyển, khoảng 8.000 trang, được biên soạn từ năm 1843 và hoàn thành năm 1851. Đây là nguồn tư liệu gốc ghi chép khá đầy đủ và tường tận các chiếu chỉ, tấu sớ, chỉ dụ của triều đình liên quan tới Lục Bộ và nhiều cơ quan khác.
 

 Văn học thời Nguyễn Sơ

Văn học thời này gồm hàng chục tác giả, nhưng theo thiển ý có bốn gương mặt lớn tiêu biểu.

- Nguyễn Du (1765-1820) vừa là nhà thơ Việt Nam kiệt xuất, vừa là danh nhân văn hóa thế giới. Khi Gia Long lên ngôi, ông ra làm quan đến chức Tham Tri bộ Lễ và từng đi sứ Trung Quốc. Là tác giả ba tập thơ chữ Hán, Nguyễn Du được biết nhiều nhất vì đã viết ba áng văn Nôm: Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) và nhất là Truyện Kiều bất hủ.

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du ký thác nhiều tâm sự. Ông than thở mình có tài mà phải chịu sống lận đận, từ đó ông cảm thương cho tất cả những con người vì miếng cơm manh áo mà phải vất vả long đong, những con người tài hoa mà bạc mệnh, nhất là những kiếp hồng nhan đa truân.

Truyện Kiều đã nhấn mạnh trên hai chủ đề lớn : tài và mệnh vốn ghen ghét nhau ; phận đàn bà bao giờ cũng đáng thương. Do trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện của tác giả, truyện Kiều đã trở thành áng văn kiệt tác hàng đầu của văn học Việt Nam.

- Cao Bá Quát (1809-1854) vừa là nhà thơ, vừa là thủ lĩnh nông dân. Năm 1853 ông từ bỏ chức quan giáo thụ (dạy học) để về Mỹ Lương (Hà Tây) chiêu tập nông dân nổi lên khởi nghĩa chống triều Nguyễn rồi bị bắn chết tại trận.

Thơ văn của ông tuy thất lạc nhiều nhưng vẫn còn khoảng trên một ngàn bài, phần lớn là thơ chữ Hán. Về chữ Nôm ông đã viết bài phú Tài tử đa cùng nổi tiếng và nhiều bài hát nói tuyệt tác. Cao Bá Quát là con người phóng khoáng, bất khuất, không chịu ép mình vào khuôn phép, lại hay băn khoăn về cuộc sống đau khổ của nhiều hạng người nên ông có hoài bão lớn là lật đổ chế độ chuyên chính đương thời.

Cao Bá Quát sử dụng tiếng Việt một cách độc đáo, tài tình với nhiều hình ảnh mới lạ cho nên mặc dù đã từng khởi nghĩa chống triều đình ông vẫn được Tự Đức đánh giá cao về tài văn chương.

- Miên Thẩm (1819-1870), tước Tùng Thiện Vương, vừa là con vua Minh Mạng vừa là cha vợ của Đoàn Hữu Trưng, thủ lãnh cuộc khởi nghĩa Chày Vôi (1866) đưa dân phu đột nhập vào hoàng cung định giết Tự Đức. Ông sáng tác rất nhiều thơ chữ Hán, tập thơ Thương Sơn gồm 2.000 bài, trong đó ông hoàng này đã nhiều lần phản ánh đời sống lầm than của người dân bị tầng lớp quan lại, phú hộ và cường hào áp bức, bóc lột triền miên.

Sống vào giai đoạn đất nước ta bị Pháp xâm lược, ông đã sáng tác một số bài thơ yêu nước mà cảm động nhất là bài Đọc văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

- Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) là một người theo đạo Công giáo đã từng chu du nhiều nơi trên thế giới như Hongkong, Singapore, Roma, Paris và học được nhiều điều hay của nền văn minh và công nghệ tiên tiến thế giới. Về nước, ông làm phiên dịch tiếng Pháp cho vua Tự Đức. Với tầm nhìn xa trông rộng và nhận thức sâu sắc tình trạng lạc hậu của nước ta, ông đã viết bản điều trần Tám điều cấp cứu nổi tiếng gởi triều đình đề nghị nhanh chóng duy tân đất nước, mở rộng quan hệ ngoại giao với phương Tây và cử người đi học khoa học kỹ thuật để có thể trở nên tự lập, tự cường, nhưng vua quan quá thủ cựu mù quáng đã khước từ tất cả. Sau đó ông còn gởi thêm cho vua bản điều trần đề nghị cải cách, chấn hưng kinh tế, cũng vẫn là tiếng nói trong sa mạc.

Trong kho tàng văn chương chính luận Việt Nam, các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ là những kiệt tác nói lên nhãn quan sáng suốt và tinh thần thực tiễn của một nhà tư tưởng lớn trước các vấn đề của đất nước và thời đại.
 
 

 Cửu Đỉnh, một đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam

Nói tới mỹ thuật thời này là phải nói tới các di tích lịch sử, văn hóa Huế được UNESCO thừa nhận là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại : các chùa chiền, các lăng tẫm, Hổ Quyền, cầu ngói Thanh Toàn..., trong đó Cửu Đỉnh là kiệt tác mỹ thuật lớn nhất.

Được đúc trong những năm 1835-1837 đời Minh Mạng, đó là những văn vật đã làm kinh ngạc nhiều khách du lịch và nhà văn hóa nước ngoài đến thăm Huế, kể cả những vị khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn.

Trong chín cái đỉnh ấy, lớn nhất là đỉnh Cao : cao 2,2 m, đường kính miệng : 1,15 m, đường kính bụng : 1,65 m, nặng : 2.755 kg. Đỉnh Huyền nhỏ nhất cũng cao 1,9 m, đường kính miệng : 1,12 m, đường kính bụng : 1,61 m, nặng 2.017 kg. Nghệ nhân phường đúc ở Huế cùng với nhiều nghệ nhân tài giỏi khác trong cả nước đã sử dụng hơn 20 tấn đồng thau để hoàn thành Cửu Đỉnh, mỗi đỉnh là một công trình tinh xảo với 18 bức chạm nổi tinh vi.
 
 

 Âm nhạc và múa cung đình thời Nguyễn Sơ

Âm nhạc Phú Xuân gồm âm nhạc cổ điển, âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình.

Âm nhạc cổ điển Phú Xuân gồm ca Huế và đờn Huế, với khoảng 50 tác phẩm cơ bản, chia ra thành hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc có những bài bản quen thuộc như Cổ Bản, Lộng Điệp, Long Ngâm… Điệu Nam có các bài bản như Nam Ai, Nam Bình, Tương Tư Khúc, Tứ Đại Cảnh...

Trong khi các nữ nghệ nhân ca Huế có những cách nhấn nhá, láy luyến, lấy hơi, đưa hơi điêu luyện thì các nam nhạc công nhạc Huế có những ngón đàn tế nhị tinh vi. Một nghệ nhân tài hoa có thể sử dụng trên đàn tì bà những ngón chày, hưởng, vả, mổ, bấm, bịt, day, chớp, búng, phi, rải...

Nhạc cung đình ngày nay chỉ còn tồn tại ở Huế. Đây là một bộ môn âm nhạc đã được Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ đề cao, gồm có Đại Nhạc và Tiểu Nhạc. Dàn Đại Nhạc gồm kèn, trống, bộ gõ và nhiều cây đàn; dàn Tiểu Nhạc gồm sáo, đàn nguyệt, đàn nhị, tì bà. Nổi tiếng nhất là các bản Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình báng, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã…

Do tính chất phong phú điêu luyện của nó, nhạc cung đình Phú Xuân-Huế đã được UNESCO công nhận là một bộ phận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2003.

Bên cạnh nhạc cung đình là múa cung đình với những vũ khúc độc đáo như Bát dật, Lục cúng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Tứ linh, Vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng...
 
 

Nghệ thuật ẩm thực cung đình và dân gian Huế 

Huế là vùng đất không rộng nhưng có đủ các yếu tố rừng núi, đồng bằng, sông biển và đầm phá nên rất đa dạng và phong phú về nguồn thực phẩm trong thiên nhiên suốt cả bốn mùa. Huế cũng là nơi kinh kỳ phồn hoa đô hội trong nhiều thế kỷ cho nên nhu cầu ẩm thực được nâng cao để rồi biến thành nghệ thuật ẩm thực cung đình và dân gian của xứ Huế.

Món ăn quý tộc gồm những cao lương mỹ vị mà thuở xưa chỉ có trong cung đình và giới thượng lưu mới được hưởng thụ. Còn món ăn bình dân tuy chất liệu thông dụng, giản dị nhưng do chế biến tinh tế đã trở thành những món ăn đặc sắc, đậm đà hương vị. Trong khoảng gần một ngàn món ăn Huế, có 300 món mặn, 125 món chay, 120 món chè, cháo, bánh, mứt, 60 món dưa, mắm, muối, nước chấm, nhiều loại gia vị và nhiều loại rau sống, v.v.

Cách trình bày món ăn Huế phải thể hiện dưới hình thức đẹp đẽ, trang nhã, rực rỡ như bức tranh hài hòa, nhiều màu sắc làm tăng phần ngon miệng cho người ăn.

Tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Huế là do sự kết hợp giữa chất liệu phong phú và thao tác chế biến tinh tế cầu kỳ do bàn tay khéo léo của người nấu ăn là những phụ nữ Huế tài hoa đã biến những món ăn thanh đạm bình thường vượt khỏi mức giản dị đơn sơ để vươn lên trở thành những món ăn tuyệt ngon và đậm đà phong cách Huế.

Lê Văn Hảo
(Paris)


 [  Trở Về  ]