Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Xứ Khmer, Người Khmer
Trên đại vùng văn hóa Nam Bộ

Lê Văn Hảo

Từ 20 năm nay, người Khmer có lẽ là một trong vài sắc tộc thiểu số được các nhà dân tộc học, folklore học và văn hóa học Việt và Khmer quan tâm nhiều nhất, từ Ngô Đức Thịnh với Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (Hà Nội, 1984) tới Nguyễn Văn Huy với Cộng đồng người Khmer tại miền Nam (Paris, 1993).

Người Khmer là sắc tộc cuối cùng mà người Việt ở cuối chặng đường tiến về Nam đã gặp gỡ, chung sống và giao hảo với nhiều thiện cảm, có lẽ vì đức tính hiền hòa, kín đáo và văn hóa độc đáo đẹp đẽ của họ. Nhà báo Bửu Ngôn viết : "Ở Nam Bộ bạn có thể gặp người Hoa khắp nơi, họ là chủ quán ăn, chủ tiệm tạp hóa... Nhưng người Khmer thì ít thấy, mặc dầu họ đông không kém. Lý do là người Khmer có khuynh hướng sống khép kín trong sóc, xa thành phố" (Du lịch ba miền, ba tập, "Đất phương Nam", "Về miền Trung", "Hành trình phương Bắc", nhà xuất bản Trẻ, Sài Gòn, 2004). Nếp sống của họ có thể khép kín nhưng văn hóa thì rất cởi mở như cửa Phật rộng mở tại gần 500 ngôi chùa Miên ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Bảo tàng Khmer và ngôi chùa Khmer đặc sắc
Với dân số hơn một triệu, người Khmer đã có chính thức hai viện bảo tàng văn hóa Khmer, một ở Trà Vinh, một ở Sóc Trăng, với các bộ sưu tập mặt nạ Chằn, các nhạc cụ, các bộ y phục, các bộ sách lá buôn và những báu vật khác của văn hóa Khmer.

Mỗi ngôi chùa Khmer lớn hay nhỏ cũng là một bảo tàng về mặt kiến trúc cũng như về nghệ thuật điêu khắc. Nhà người Khmer đơn sơ, mái lá, vách lá nhưng ngôi chùa thì phải là kiên cố, hoành tráng, lộng lẫy, với tư cách là một cơ sở gồm ba chức năng : tôn giáo, giáo dục và văn hóa. Trong chùa không có tiếng chuông, tiếng mõ vì đạo Phật Khmer thuộc tông phái tiểu thừa nhưng ngôi chính điện của chùa là một tòa nhà đồ sộ với bộ mái nhiều tầng, ngói màu vàng rực, các góc mái cong vút lên hình ngọn lửa hay đuôi rắn thần. Tượng Phật Thích Ca, Tiên Nữ, Người Chim, Chằn hung dữ... đều là những tác phẩm mỹ thuật gây ấn tượng mạnh. Khuôn viên chùa rất rộng, với nhiều cây cổ thụ có khi um tùm như rừng cho nên chim chóc thường tụ về.

Nổi tiếng nhất trong các ngôi chùa Khmer là các chùa Âng, Samrong Ek, Kompong Chrây, Cò Giồng Lớn, Phật Lớn, Khléang, Srâychô Mahatup (Mã tộc), còn gọi là Chùa Dơi, Salon còn gọi là Chùa Chén Kiểu, Siemcang...

Những lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn
Người Khmer có rất nhiều lễ hội quanh năm nhưng quan trọng nhất là lễ hội vào năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ hội chào mặt trăng (Ok Ang Bok) và lễ cúng tổ tiên (Donta).

Lể hội vào năm mới là lễ hội trọng thể nhất, diễn ra vào ba ngày 13, 14, 15 tháng Chet, tức vào giữa tháng Tư dương lịch (nếu là năm nhuận thì kéo dài bốn ngày).

Ngày thứ nhất của Chol Chnăm Thmay là lễ rước đại lịch tại chùa địa phương. Mọi người lễ Phật, nghe thuyết pháp rồi tham gia các cuộc vui chơi, múa hát tới khuya. Ngày thứ hai là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Trước và sau khi ăn, các nhà sư tụng kinh chúc phúc để tạ ơn những người đã làm ra vật thực và mang nó đến cho nhà chùa ; sau đó dưới sự điều khiển của vị sư cả Achar, mọi người đua nhau đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một ngọn núi lớn ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ, ở trong khuôn viên chùa. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật, tắm sư : sau khi dâng cơm sáng cho các sư, mọi người đem nhang đèn, lễ vật và nước có ướp hương thơm đến trước bàn thờ để tắm tượng Phật, sau đó tắm (tượng trưng) cho các vị sư sãi cao niên rồi ai về nhà nấy làm lễ tắm tượng Phật tại nhà, dâng cỗ bàn cúng tổ tiên, chúc phúc cha mẹ. Lại tiếp tục vui chơi, múa hát : thả đèn trời, đốt ống lói, đánh quay lửa, ném còn, kéo co, đấu vật, đánh võ, chạy đua, múa trống xà dăm, múa ramvong, lâm thôn, hát a day, brop cay, xem biểu diễn sân khấu kịch hát dù kê và sân khấu kịch múa rô băm, thưởng thức nhạc truyền thống từ các dàn nhạc phleng siem, phleng khmer.

Lễ hội cúng trăng (lễ hội chào mặt trăng) là lễ hội lớn thứ nhì của người Khmer được tổ chức vào đúng đêm trăng rằm tháng 10 âm lịch để tỏ lòng biết ơn trăng là vị thần bảo vệ mùa màng, ban bố hạnh phúc cho con người. Lễ hội được cử hành trước sân nhà hay sân chùa, với những lễ vật : chuối, bưởi, cam, khóm, khoai lang, khoai mì, khoai môn, và đặc biệt không thể thiếu là món cốm dẹp. Sau khi khấn vái xong, đợi tuần hương cháy hết, người già gọi các em bé lại ngồi xếp thành hàng và chắp tay lại, rồi từ từ bốc những nhúm cốm đút vào miệng từng em. Sau lễ cúng trăng là các cuộc vui chơi và trình diễn văn nghệ qua lời ca, tiếng nhạc, điệu múa và tiếng trống dồn dập rộn ràng, có khi kéo dài trắng đêm với hàng ngàn người tham dự trong chùa, ngoài sóc.

Tiếp theo đêm lễ cúng trăng, sáng hôm sau là hội đua ghe ngo, sinh hoạt lể hội văn hóa thể thao lớn nhất của người Khmer, thu hút hàng trăm ngàn người xem. Khi pháo lệnh nổ, những chiếc ghe ngo dài như con rắn khổng lồ nổi lên mặt nước lao vút đi như tên bắn. Tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt, tiếng trống thôi thúc cuộc đua vang động cả một vùng sông nước rộng lớn. Từ sau 1975, nhiều cuộc đua ghe ngo chung cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức đều đặn trên sông Hậu, tại thành phố Sóc Trăng. Khách thập phương, người Khmer, người Việt, người Hoa... về dự hội có năm lên tới hơn 300.000 người như vào năm 2002.

Lễ cúng tổ tiên, ông bà (Donta) là lễ hội lớn thứ ba của người Khmer tổ chức linh đình trong ba ngày, từ 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Ngày thứ nhất là ngày cúng lễ nghênh đón ông bà bằng những mâm cỗ thịnh soạn, cúng sáng, cúng chiều tại nhà. Sau đó mọi người đi chùa, mời linh hồn tổ tiên nghe sư sãi tụng kinh, rồi cùng con cháu tham dự văn nghệ múa hát vui chơi thâu đêm suốt sáng. Ngày thứ hai tiếp tục mời ông bà vui chơi với con cháu tới chiều tối. Ngày thứ ba (mồng 1 tháng 9) là ngày cúng tiễn đưa linh hồn ông bà về chốn ở cũ nơi Niết Bàn : mỗi gia đình mời bà con họ hàng, láng giềng chòm xóm tới cúng vái, sau đó cùng nhau dùng cỗ rồi vui chơi, múa hát cho tới tận khuya. Trong ngày này nhà nào khá giả còn mời sư sãi đến tụng kinh, cầu phước cho thêm phần long trọng. Chấm dứt lễ hội Donta là nghi thức thả những chiếc thuyền nhỏ làm bằng bẹ chuối, cau, dừa... xuống sông suối, hoặc mương rạch quanh nhà để ông bà đi đến nơi về đến chốn.

Việc tổ chức thờ cúng ông bà tổ tiên thành một lễ hội lớn chung cho toàn sắc tộc trong không khí lạc quan hồ hởi của toàn thể cộng đồng, với sự hiện diện trọng thể của ngôi chùa và các sư sãi cùng với nhiều sinh hoạt vui chơi và văn nghệ truyền thống là một hình thức biểu hiện thuần phong mỹ tục đáng khâm phục.
 

Lê Văn Hảo (Paris)


 [  Trở Về  ]