Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]

Nẻo về văn hóa văn minh Việt Nam
*
Thăng Long - Hà Nội 
Giữa đại vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ

Lê Văn Hảo

Đã có một cuộc trưng cầu ý dân của một ông vua : Chiếu Dời Đô
Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Trong một tờ chiếu bất hủ, nhà vua đã suy tư và giải thích : "Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, đặt đúng giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú tốt tươi, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào ? ".

Sử cũ ghi lại : Bầy tôi đều nói : "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu để trên cho có nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của đông người, việc lợi như thế ai dám không theo". Vua rất mừng. Mùa thu tháng 7 dời kinh đô từ Hoa Lư sang thành lớn Đại La. Thuyền tạm đỗ dưới chân thành, có rồng vàng hiện ra trước thuyền ngự, vì thế đổi tên là Thăng Long (rồng bay).

Ý nghĩa con rồng Việt Nam và kinh đô Rồng Bay
Đúng như nhiều nhà văn hóa học đã phân tích, đối với người Việt Nam con rồng vốn có từ lâu và mang một ý nghĩa lớn. Huyền thoại rồng bay lên trước mặt vua trên bầu trời Đại La đã thể hiện khí thế của triều đình mới và phản ánh hoài bảo chung của cả dân tộc muốn vươn lên với khí thế và sức mạnh của rồng. Rồng là biểu tượng thiêng liêng, là vật tổ của nhân dân Việt cổ. Vua đầu tiên và tổ đầu tiên của chúng ta là vua Rồng xứ Lạc, và chúng ta là con Rồng cháu Tiên. Vua Rồng Việt cổ đã chiến thắng bọn ác quỷ trên rừng dưới biển để xây dựng một giang sơn cho muôn đời con cháu. Qua đêm dài Bắc thuộc đau thương, rồng đã co lại để lấy sức rồi cuối cùng vùng lên. Và rồng đã bay trên mảnh đất Thăng Long đón chào cuộc dời đô của vua Lý, cũng là nghênh đón một thời đại mới cho cả dân tộc Đại Việt đang hồi sinh và phục hưng.

Sau cuộc dời đô với tư thế một quốc gia cường thịnh, triều Lý đã biến Thăng Long thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, đã sửa sang lại thành quách, xây dựng nhiều công trình văn hóa : cung điện, lâu đài, chùa quán, đền miếu, hình thành nên một quần thể kiến trúc bề thế và ngoạn mục mà mới đây các nhà khảo cổ học đang làm sống lại dưới mắt chúng ta.

Một biến cố khảo cổ học lớn lao đang diễn ra tại Hà Nội : phát hiện di tích hoàng thành Thăng Long
Trên khu vực nằm giữa các đường lớn Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, từ tháng 12-2002 đến nay, Viện Khảo Cổ Học đã tiến hành đào bới trên một diện tích hơn 200.000 m2 : đây là qui mô khai quật lớn nhất ở Việt Nam mà cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ đó đã phát hiện một phức hệ di tích-di vật vô cùng phong phú và đa dạng có từ thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9), với nhiều triệu di vật thu thập được.

Trên cơ sở phát hiện này, các nhà khảo cổ học còn phải dành nhiều thời gian để chỉnh lý các hiện vật và hoàn chỉnh các hồ sơ khoa học ; các nhà khoa học nhân văn thuộc nhiều chuyên ngành liên quan cũng cần nhiều thời gian để nghiên cứu hàng loạt vấn đề được đặt ra, nhưng về đại thể đã có đủ cơ sở khoa học để đưa ra những đánh giá bước đầu về giá trị lịch sử-văn hóa của khu di tích đã phát hiện.
Đây là di tích một phần phía tây hoàng thành Thăng Long các thới Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng thế kỷ 11-18, ngược lên thành Đại La thế kỷ 7-9 và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ 19. khu di tích này đã bộc lộ một chiều dày lịch sử hơn 13 thế kỷ, nó là di sản văn hóa vô giá của dân tộc mà nếu nghiên cứu kỹ, bảo tàng tốt, chắc chắn sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Từ ba năm nay, dư luận trong nước và trên thế giới đã sôi nổi lên tiếng, đánh giá cao khu di tích lớn lao này. Những thông tin phía Việt Nam đưa ra thì chúng ta đã biết. Còn sau đây là phát biểu đáng chú ý của hai chuyên gia châu Á.

Giáo sư Shigeeda Yutaka, thuộc trường đại học tổng hợp Nippon, đã nói : "Các nước láng giềng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan cũng có những kinh thành cổ, hay cố đô được bảo vệ, bảo tồn và đã triển khai những cuộc nghiên cứu lớn về Trường An, Lạc Dương (Trung Quốc), Sukhotai và Atthaya (Thái Lan), Angkor (Campuchia), Khánh Châu (Hàn Quốc), Nara và Kyoto (Nhật Bản), trong đó Kyoto có lịch sử lâu nhất, từ 794 đến 1867. Nhưng nếu kể cả lịch sử trước Thăng Long như An Nam Đô Hộ Phủ thì Hà Nội có lịch sử chính trị và văn hóa gần 1.400 năm : từ 618 đến nay ! Chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á, và có lẽ chỉ có La Mã (thủ đô Ý) mới so sánh được".

Giáo sư Yamanaka Akira, thuộc trường đại học Mie, đã nhấn mạnh : "Đặc trưng nhất của khu di tích hoàng thành Thăng Long này là sự phát hiện đúng trung tâm của các kinh thành, từ các thời An Nam Đô Hộ Phủ, Lý, Trần, Lê và Nguyễn trong cùng một khu khai quật. [...] Di tích kiến trúc như ở khu A1 của hoàng thành Thăng Long rất hiếm hoi. Dù đã có các di tích vĩ đại như Rôma ở Ý, Trường An ở Trung Quốc hay Heian-Kyo ở Kyoto cũng không thể vĩ đại như di tích ở đây. Cho nên di tích này có giá trị xứng đáng là di sản văn hóa thế giới (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, Phát hiện khảo cổ học, đặc san Xưa và Nay, 2004).

Một ngàn năm tinh hoa vùng Thăng Long-Hà Nội
Sự phát hiện lớn lao về di tích hoàng thành Thăng Long có lẽ là bằng chứng cụ thể nhất của truyền thống văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm. Kể từ 1010, khi Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt thì nhiều thiên tài và nhân tài, có tên hay không tên, từ mọi miền đã tập hợp về đây để lập ra phố phường, tạo ra những kỳ tích văn hóa nghệ thuật.

Các nghệ nhân đúc đồng ưu tú đã làm ra "tứ đại khí", bốn vật báu to tát của Đại Việt thời Lý Trần, trong đó có hai "đại khí" ra đời tại Thăng Long : Tháp Báo Thiên vòi vọi và Chuông Qui Điền khổng lồ.

Các nghệ nhân gốm sứ tài giỏi đã tạo ra những ngói thếp vàng, thếp bạc, tô điểm cho lớp mái cong các điện Càn Nguyên, Tập Hiền, Giảng Võ, Long An, Long Thụy và một số chùa chiền hoành tráng như chùa Một Cột nổi tiếng và qui mô lớn (chớ không nhỏ bé như chùa Một Cột hiện nay).

Nghệ thuật múa rối nước và múa rối cạn đã đạt được những thành tựu tuyệt vời : trong ngày hội đèn Quảng Chiếu giữa kinh đô Thăng Long, vua và dân đã được thấy cây đèn độc đáo hình nhà sư, vặn máy biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại chào ; trong ngày hội đua thuyền trên sông Hồng, máy Kim Ngao hình con rùa lớn bơi được trên mặt nước, mắt lúng liếng, miệng phun nước, đầu cử động biết cúi chào nhân dân dự hội (Văn bia chùa Đọi trước tháp Sùng Thiện Diên Linh, tạc năm 1121 đời Lý Nhân Tông).

1076 : Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam được thành lập, sáu năm sau khi Văn Miếu ra đời. Ở Khâm Thiên Giám, đài thiên văn đầu tiên của đời Trần, Đặng Lộ đã chế ra máy Lung Linh Nghi để quan sát các vì sao mà soạn ra lịch riêng cho Đại Việt. Đời Lê, Vũ Hữu và Lương Thế Vinh đã soạn ra sách toán học. Lương Thế Vinh còn viết Hý Phường Phả Lục, công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ở thế kỷ 16, Vũ Như Tô, nhà kiến trúc đại tài, đã xây dựng bên bờ Hồ Tây một đài Cửu Trùng trăm nóc, với bệ ngọc thềm vàng.

Tại Thăng Long, các nhà sư thời Lý Trần đã sáng tác hàng trăm áng thơ văn Thiền, Lý Thường Kiệt viết Nam Quốc Sơn Hà, Trần Hưng Đạo công bố Hịch Tướng Sĩ, Nguyễn Trãi làm thơ Nôm và sáng tác Đại Cáo Bình Ngô, một áng "thiên cổ hùng văn"". Nguyễn Giảng Thanh ca ngợi Thăng Long là nơi "văn vật thanh danh" qua bài phú Phụng Thành xuân sắc. Đặng Trần Côn viết khúc ngâm Chinh Phụ, Nguyễn Gia Thiều viết khúc ngâm Cung Oán, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, bà Thanh Quan làm thơ Nôm, rồi Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát... với tài năng mỗi người một vẻ, đã cống hiến nhiều kiệt tác làm rạng danh Thăng Long.

Một nét son của vùng văn hóa Thăng Long Hà Nội : nghệ thuật ẩm thực
Một trong những thành tựu lớn của văn hóa văn minh Việt Nam là nghệ thuật ẩm thực. Nói đến cái đẹp, cái ngon, cái hương, cái vị của món ăn Việt Nam trước hết phải nói đến món ăn Hà Nội-Kẻ Chợ, tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Việt Nam xưa nay.
 

Hà Nội ở giữa đồng bằng Bắc bộ nên món ăn Hà Nội được chế biến chủ yếu từ các sản phẩm của nghề nông và nghề đánh cá : thịt heo, bò, gà, vịt, chim, cá, cua, tôm, ốc và rau lành trái ngọt của đồng bằng. Một số món ăn đặc sản của Hà Nội cũng được chế biến từ sơn hào hải vị : dê rừng, heo rừng, hươu nai, rùa núi, cá biển, tôm biển, cua biển, hải sâm...

Nổi tiếng nhất mà rất bình dân là phở Hà Nội, một món ăn dân tộc độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Do tiếp thu ảnh hưởng của nước ngoài nên ngày nay có nhiều loại phở. Phở bò (chín hay tái) đó là loại phở quen thuộc, Việt Nam nhất mà cũng Hà Nội nhất. Bên cạnh phở bò có phở gà, phở vịt, phở heo, phở ngan, có cả phở cá ! Bên cạnh phở nước có phở áp chảo, phở xào, phở chua, phở xốt-vang (do ảnh hưởng của Pháp) và nhiều nữa.

Bánh chưng là món ăn Hà Nội và cũng là món ăn toàn quốc, đó là bánh chưng xanh, nhưng chỉ có Hà Nội là có bánh chưng gấc (bánh chưng đỏ). Khi nói đến những món ăn Hà Nội đặc sắc nhất, người ta nghĩ ngay đến cơm tấm giò chả, bún chả, bên cạnh bún thang, bún bung, bún ốc, bún sườn, bún riêu..., bánh cuốn Thanh Trì, bành dầy Quán Gánh, bánh rán Cầu Khâu, bánh phồng Kẻ Vẽ, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, đùi ếch tẩm bột rán, giò lụa, giò hoa, giò nây, giò hạt lựu... chả quế, chả bì, chả bò... Còn chả cốm, chè cốm, bánh cốm thì được chế biến từ cốm Vòng, món ngon nổi tiếng.

Đỉnh cao của ẩm thực Hà Nội là cỗ, bữa ăn vừa long trọng vừa thân tình. Cỗ Hà Nội có nhiều loại, có cỗ mặn, cỗ chay. Cỗ tứ quí gồm bốn vị hải sản chế biến thành. Cỗ cưới nhất thiết phải có xôi gấc, cỗ nhà đám có xôi trắng.

Cỗ một tầng, hai tầng, hoặc cỗ ba tầng, bốn tầng. Cỗ một tầng thường gồm năm bát : bóng, miến, măng, mọc, chim hay gà tần, và năm đĩa : giò, chả, nộm, xào, thịt gà (hay vịt) luộc. Có khi gia giảm bằng các món rán, nướng, quay, hay nem. Xôi chè là món tráng miệng. Bát nước chấm (nước mắm, tiêu, chanh, ớt, cà cuống) đặt ở giữa mâm cỗ. Mỗi mâm cỗ đẹp như một bức tranh. Sau khi ăn cỗ, uống trà ngon, nghe hát ả đào, hay hát quan họ. Đáng tiếc là ngày nay các phường nấu cỗ thuê chỉ còn là thời vang bóng.

Nét đặc sắc của một vùng văn hóa : hơn trăm lễ hội của Thăng Long ngàn năm
Mới đây, giữa nhiều hoạt động quan trọng, các nhà Hà Nội học đã làm một việc rất có ý nghĩa là thống kê và mô tả rành mạch 113 lễ hội Thăng Long trên tổng số 240 lễ hội Việt Nam đã ghi nhận được. Đó là những lễ hội hiện còn hay mới phục hồi trên địa bàn 7 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, quả là một kỷ lục trên một vùng văn hóa rộng 900 km2, với ba triệu dân (Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ chủ biên, 2001).

113 lễ hội Thăng Long diễn ra từ tháng Giêng đến tháng (Mười) Một âm lịch, nhiều nhất là trong ba tháng đầu năm và tháng Tám (có đến 101 lễ hội, phần lớn là hội làng, hội đình, hội chùa, hội đền), với khoảng 10 hội mang tính chất toàn miền, toàn quốc : những hội liên quan đến Quang Trung Nguyễn Huệ (Đống Đa), An Dương Vương (Cổ Loa), Gióng (nhiều làng), Hai Bà Trưng (nhiều làng), Lý Ông Trọng (làng Chèm), Từ Đạo Hạnh (làng Láng) ; liên quan đến thuần phong mỹ tục và văn hóa nghệ thuật dân gian : thổi cơm thi, đua trải (thuyền), hát ả đào... (làng Thị Cầu, Đăm, Lỗ Khê, Lệ Mật và nhiều nữa).

Chỉ có Thăng Long xưa mới có tứ trấn Đông Đoài Bắc Nam, một phương thức sáng tạo không gian thiêng của tổ tiên ta phủ lên bốn phương trời, từ đó nảy sinh sức mạnh của thần thánh, hỗ trợ cho uy lực quyền vua thêm vững mạnh mà đất nước và nhân dân cũng thêm phồn thịnh và yên vui. Do đó Thăng Long có lễ hội tứ trấn : hội đền Bạch Mã (ở phương đông), hội đền Voi Phuc( (ở phương tây), hội quán Trấn Vũ (ở phương bắc), hội đền Kim Liên (ở phương Nam) là những lễ hội lớn của kinh đô xưa nhằm giữ vững mối tương quan nội lực của một vùng đất anh hùng và văn hiến.

Và cũng chỉ Thăng Long xưa mới có tứ bất tử, bốn vị thần có công với dân với nước nên được tôn vinh lâu dài trong sinh hoạt văn hóa chốn kinh kỳ, và lễ hội tứ bất tử, gồm hội Tầm Xá, hội Phù Đổng, hội phủ Tây Hồ và hội Chử đạo tổ vẫn thịnh hành để đề cao những thánh Tản, thánh Gióng, mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử, và đề cao luôn nàng Tiên Dung vì cả hai đều là biểu tượng cho lòng nhân hậu, hiếu thảo, vị tha, cho tình yêu bền vững không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, cho tinh thần năng nổ kinh doanh, đi đôi với ý chí hạnh phúc, nghị lực đổi đời.

Vì vậy, số lượng lớn và chất lượng của lễ hội Thăng Long có một tầm cao văn hiến đáng kể.

Từ cuộc sống không ngừng sáng tạo đến con người thanh lịch của chốn kinh kỳ ngàn năm
Đã nói đến một ngàn năm tinh hoa văn hóa nghệ thuật của đất Thăng Long từ khi có tháp Báo Thiên, chuông Qui Điền, đã nói đến nghệ thuật ẩm thực, văn hóa lễ hội thì cũng phải nói đến cuộc sống không ngừng sáng tạo nơi 36 phố phường, với hàng chục, hàng trăm ngành nghề, sản phẩm thủ công mỹ thuật mỹ nghệ : từ tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng đến gốm Bát Tràng, giấy dó Bưởi, tơ lụa, chạm bạc, chạm gỗ, sơn mài, khảm trai, đúc tượng, đúc chuông, trồng rau, trồng hoa... làm cho cuộc sồng thêm đẹp, vui, hấp dẫn.

Từ bao đời các nghệ sĩ, nghệ nhân Thăng Long không ngừng sáng tạo những vở chèo, vở tuồng, tiết mục múa rối, chuyện tích dân gian, ca múa nhạc dân gian, trò chơi, trò diễn, thuần phong mỹ tục, cùng với hàng trăm đình chùa, đền miếu để tô điểm cho kinh đô như các nhà Hà Nội học đã tổng kết trong bộ Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long Đông Đô Hà Nội (1991).

Quên sao được những bài ca dao đa tình : Chàng về thiếp nhớ đăm đăm, Giường trên chiếu dưới ai nằm đêm nay, Chàng về thiếp nhớ lắm thay, Giường trên chiếu dưới đêm nay ai nằm.

Quên sao được những làn điệu chèo : hát cách, hát sắp, làn ngay, làn thảm, sử xuân, sử rầu, cách cú, đường trường, gà rừng, lới lơ... với những hình tượng khó quên : Thị Kính hàm oan, Thị Mầu lẵng lơ, Xúy Vân giả dại, Đào Huế đánh ghen, Tuần Ty ngọng nghịu...

Quên sao được những làn điệu ca trù, hát xẩm, qua biểu diễn của những nghệ sĩ dân gian thiên tài Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu...

Kể sao cho hết những sáng tạo trăm màu nghìn vẻ của chốn kinh kỳ mãi mãi tiêu biểu cho nền văn minh Việt Nam, cho nét thanh lịch Việt Nam qua những dáng dấp Hà Nội vô cùng đáng yêu !

Rồi một câu hỏi được đặt ra : những phẩm chất gì đã làm nên tinh hoa ấy ? Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc : "Trước hết đó là yêu nước, yêu dân tộc... Thứ đến là nghị lực, một nghị lực lớn kết tinh của ý chí mạnh mẽ, khả năng hành động và đức tính bền bỉ... Kế đó là chất thông minh và tài hoa. Thông minh thì nhạy cảm, nghĩ nhanh, lắm sáng kiến, đồng thời cũng năng động... Luôn luôn tạo ra cái mới, sản phẩm mới, thơ văn mới, nghệ thuật mới ; óc sáng lại thêm khéo tay và tài hoa nên nghề giỏi, sản phẩm - vô thể và hữu thể - đều tinh xảo, hoàn mỹ. Cuối cùng là lòng nhân hậu. Kẻ Chợ là thương trường lớn, mà thương trường là chiến trường nhưng con người vẫn giữ được lòng nhân hậu. Dân tứ chiếng đến quần cư mà hòa đồng, mà nương tựa vào nhau... Ở thôn quê có người hàng xóm, hàng xã thì kinh đô có người hàng phố, hàng phường với nhau. Tất cả làm ra chất lịch lãm Tràng An, sang mà tinh tế, mà ý nghĩa của nó là lòng tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý, văn hóa trong làm ăn, ứng xử, sinh hoạt lành mạnh".
Đã có nhiều năm sống ở Hà Nội tôi cảm nhận sâu sắc lới nói ấy là sự thật.

Lê Văn Hảo (Paris)
Phụ lục - hát trích đoạn 
Ả Đào  :  Quách Thị Hồ
Tỳ Bà Hành : Quách Thị Hồ
Ca trù Lỗ Khê  :  Phạm Thị Mùi 
Quan họ  :  Nguyễn Long Biên -Nguyễn Văn Bàn
Quan họ   : Nguyễn Thi Sang - Nguyễn Thị Thêm
Quan họ / Ngồi tựa mạn thuyền :  Nguyễn Thị Đại - Nguyễn Thị Sáu
Hát ru đồng bằng Bắc Bộ : Thanh Hoài 
Hát Xẩm  : Hà Thị Cầu 


 [  Trở Về  ]