Trở Về
Chèo thuộc loại sân khấu kể chuyện (Việt Nam), hay nói rõ hơn loại sân khấu kịch hát kể chuyện dân tộc

Nghệ nhân vừa bước vào chiếu chèo đã nói rõ là sẽ kể lại câu chuyện (đã xảy ra) bằng trò diễn, để khán giả qua đấy mà khách quan nhận xét những sự hay dở, phải trái trong suy nghĩ và ứng phó của nhân vật. Họ vừa thưởng thức tài nghệ người đóng vai, từng lúc thông cảm hay xúc động trước tình huống hoặc sự biến mà nhân vật nhận chịu, đang thể hiện trên chiếu, vừa nhắc nhau phẩm bình diễn kỹ của nghệ nhân hoặc tự rút ra bài học thiết thân trong cuộc sống thường ngày.

ở vở cổ nào cũng vậy, ngay trong lớp giáo đầu, sau câu hát chúc "trăm họ câu ca cổ vũ" hoặc dân làng "bình an khang thái" là tiếp đến:

Nhớ xưa tích cũ
Có một chàng tên gọi Trương Viên

Nghệ nhân ra chiếu là dễ dàng xưng danh nói tên tuổi gia thế khát vọng cho khán giả biết sẵn nhân vật mình sắm thuộc loại người nào:

Tôi họ Chu tên gọi Mãi Thần
Tài học đà thông kinh quán sử,
Tuổi đã cao, nhà lại khốn khó,
Ðấng trượng phu, sinh chửa gặp thì...

Tiếp theo là các sự biến xảy đến tuần tự, làm cớ cho nhân vật bộc lộ suy nghĩ và hành động. Số sự biến này, về gốc gác không có "dây mơ rễ má" gì với nhau, nghe qua tưởng chúng là những hiện tượng xã hội xảy đến ngẫu nhiên; song xét kỹ chúng phải được đặt đúng theo trình tự đã do bản trì sắp xếp mới chứng minh được đạo đức nhân vật, từ mỏng đến dày, kỳ tới khi đạt yêu cầu giáo huấn mà toà soạn giả đề ra cho bản trò. Hay nói khác đi, cách chọn lựa và trình bày những sự biến trong một tích với cách ứng phó của mỗi nhân vật đều có đặc điểm khuyến giáo đạo đức chi phối. Nhìn bên ngoài, những sự được xếp theo thứ tự tự nhiên, không xáo trộn việc sau đi lên việc trước.

Tỷ như Thị Phương được phát lộ phẩm chất để xứng đáng là "nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người", qua mấy sự biến:

một, dọc đường chạy giặc bị đói, nàng cắt thịt cánh tay đem nấu cháo dâng mẹ
hai, vào động Qủy bị Quỷ đói ăn thịt, nàng kể lệ sự tình, được Quỷ vợ thương, xin Quỷ chồng tha và cho vàng;
ba, gặp Hổ bị Hổ đòi ăn thịt 1 trong 2 người, mẹ và con đều dành nhau xin chết, làm Hổ thông cảm mà tha cả hai.
bốn, Thần rừng đòi nàng khoét mắt làm thang thuốc chữa bệnh cho mẹ, nàng vâng chịu và bị mù...

Hoặc Châu Long nuôi bạn thay chồng 3 năm dòng, đã ở danh phận "vợ chồng" với Lưu Bình, phải chịu 3 lần thử thách mỗi khi chàng đòi giao hoà, và phải có cách từ chối khôn khéo làm sao không làm mếch lòng, trái lại càng tâm phục, xứng đáng là người phụ nữ "dạ sắt gan vàng"

ở mỗi nhân vật trên, xét nguyên nhân nội tại, các sự biến xảy đến với họ dường như không dính dáng với nhau; chúng xảy đến ngẫu nhiên chẳng khác chuyện đi đường bị phân chim rơi xuống đầu. Có điều mỗi sự biến đó đòi hỏi nhân vật phải có suy nghĩ và ứng phó chứng minh một khía cạnh phẩm cách; và các khía cạnh phẩm cách bộc lộ sau khi giải quyết sự biến đó, cần theo trình tự của bản trò quy định, để đạo đức nhân vật dày lên từng lần, kỳ tới khi đạt đủ mức giáo huấn của bản trò. Mọi sự thể hiện lẫn lộn trật tự trên dưới các sự biến đã chọn lựa, sẽ chỉ làm giảm sút hiệu quả sân khấu, vi phạm vào quá trình chuyển hoá tâm lý môi sinh vẫn quen quan niệm ở địa bàn.

Là xét mối quan hệ cơ khí giữa các sự biến trong quy trình bộc lộ đạo đức mỗi nhân vật chèo. Chứ nhìn tổng quát cả đời một nhân vật thì thấy chúng vẫn nằm trong luật nhân quả thông thường; người tốt trước sau sẽ đạt hạnh phúc cá nhân, nhiều khi là hạnh phúc cả gia đình; kẻ xấu sẽ chịu hậu quả chẳng ra gì Trong khi kịch dram đòi sự đối đãi nhân quả ngay giữa các sự biến trước sau, dắt dây chúng lại để rồi cùng nằm trong chuỗi sự biến của mối mâu thuẫn đã biến thành xung đột mà tác phẩm khai thác...

Cũng vì không ràng buộc vào mối xung đột đang phát triển từ thấp lên cao, mà từng sự biến của chèo có thể tách ra biểu diễn độc lập, và tùy giá trị nghệ thuật (nội dung, diễn xuất) mà nổi lên từng mảng, lớp (nay gọi là trích đoạn). Có điều các mảng lớp này phải được se nối vào một tích trò có đầu đuôi, có kết hậu, làm cho ai xem cũng nhớ và kể lại được câu chuyện về một hay đôi người sống đạo đức hay không có đạo đức; kèm theo vô số cảnh đoạn bài câu hát ,về những hiện tượng trái tai chướng mắt, xảy ra trong sinh hoạt thường ngày ở nông thôn hay cung đình chùa đền. Do đó, không ít câu chuyện cổ trong dân gian được các ông Trùm, bác Thơ, nghệ nhân tài năng soạn lại thành bản trò. Chuyện cổ ở đây có thể mới ở dạng ngắn hoặc vừa, như số chuyện ghi lại trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, cũng có thể là số truyện thơ nôm dài khá phổ biến trong xã hội ta mấy thế kỷ XVII, XVIII, như Phạm Công Cúc Hoa, Hoàng Trìu ,...

Trong quá trình kể lại, việc lược bỏ, kể lướt hoặc nhấn mạnh vào tình tiết hay sự biến nào là hoàn toàn tùy thuộc vào yêu cầu của chủ đề tiết mục, để tích truyện thích hợp với đặc điểm nghệ thuật kịch chủng mà thêm cô đọng, hấp dẫn.

Vì phải kể lại câu chuyện bằng diễn xuất chèo, nghệ nhân không có ý gây cho người xem tưởng nhầm những sự biến đang "xảy ra" trên chiếu diễn là cuộc đời thật, đến mức tê liệt tính năng động chủ quan mà đi tới hoà nhập, tự nguyện làm "tù binh" cho tác giả và đạo diễn (như kịch dram'). Trái lại, nghệ nhân chèo nói rõ và đúng mọi cách để khán giả giữ nguyên trí sáng suốt, bám chắc vào cương vị khách quan, mà cùng họ khảo sát, đánh giá tích hát, đánh giá hành động của nhân vật. Không ít khi, khán giả còn giúp đỡ nghệ nhân thể hiện tốt hơn vai đóng (qua tiếng đế, tiếng trống khẩu, trống chầu,...) góp phần thúc đẩy buổi diễn tiến triển một cách phóng khoáng, thích thú sinh động.

ở chèo, khán giả và nghệ nhân cùng đứng về một phía mà định giá, thẩm xét lại tích truyện đang trình diễn. Bằng những lời xưng danh báo tính, những tiếng Ðế hỏi, Ðế hứng, những câu làm cười...đôi bên giúp nhau dẫn truyện, nhắc nhau tỉnh táo theo dõi và thể hiện câu chuyện sao cho linh hoạt. Từng lúc gặp chỗ "đất tốt" mà soạn giả dành sẵn, nghệ nhân lại vươn lên đóng vai "giống như lột" cốt gây cảm xúc cần thiết cho nhữnh người ngồi thưởng ngoạn vây quanh thống khoái mà ngấm trò. Nghệ nhân không quan tâm nhiều đến "bản thân" sự biến, chỉ thụ động nhận chịu, nhưng phải có cách ứng phó với những tác dộng của sự biến đó sao cho hợp tình hợp lý, chẳng những" bảo toàn"mà còn làm lộ phẩm chất (đạo đức) con người nhân vật, còn nguyên nhân đưa sự biến đến cho "mình" thì đổ tại "hoàng thiên", "tạo hoá xoay vần",... Do đó, các sự biến có sự tách biệt dễ dàng làm thành những "lớp diễn" riêng, như chèo (cổ) có vô số lớp mà ngày nay quen gọi là trích đoạn khả dĩ bứt ra trình bày "độc lập": lớp Phù thủy, lớp Việc làng, lớp đánh ghen...

Những sự biến"ngẫu nhiên" được" soạn giả" chọn lọc sắp xếp làm thành bản trò, nhằm vào một chủ đề nhất quán, trên nguyên tắc làm sao cho phẩm chất nhân vật chính yếu, thứ yếu ngày càng sáng rõ, và từ sự biến đó, nghệ nhân thể hiện thành những lớp trò, rồi tùy quan điểm và nhận thức (đối với bản trò) và tài năng của những người ghim ghép chúng thành một vở diễn tổng thể, mà đưa ra công chúng tiết mục mạch lạc, chặt chẽ hoặc bề bộn rối ren. Nói nhân vật chính thứ yếu vì trong số nhiều vở cổ, nhân vật thứ yếu lại là người "làm nên" thân chuyện của tích, trong khi nhân vật chính yếu chỉ như "chủ hờ" là "cột cái" trong gia đình và có mỗi một việc; đi học, đi sứ, đi đánh giặc hoặc làm quan, như Thị Phương trong vở Trương Viên, Châu Long trong vở Lưu Bình Dương Lễ, Cúc Hoa trong vở Tống Trân Cúc Hoa ...

Ðừng quên, cả những câu chuyện "vừa xảy ra" hay "có thể xảy ra" khi được khai thác để soạn thành bản trò, cũng phải "cũ hoá", tức đẩy lùi về thời quá khứ, ngó hầu nhà nghề, trước hết là soạn giả, có thêm điều kiện mà vận dụng số lề thói truyền đời của loại sân khấu kể chuyện, như "nhớ xưa tích cũ" "vậy có thơ rằng" "xưng danh báo tính" đế hỏi tung hứng "...Ðấy cũng là số quy tắc đòi người đóng vai, dẫn tích phải tuân thủ, đồng thời gợi nhắc khách xem thưởng thức nghệ thuật năng động. 

Cho nên nói chèo thuộc loại sân khấu kể chuyện dân tộc trong đó, nghệ nhân sử dụng linh hoạt sáng tạo các yếu tố tự sự, trữ tình, hài hước, phối hợp trong một kết cấu kịch hát độc đáo. Ðánh ngang bằng thể loại kịch hát kể chuyện dân tộc (Việt Nam) với yếu tố tự sự cũng như yếu tố trữ tình, yếu tố hài ước là không thỏa đáng. Vì quá trình phát triển của các loại hình nghệ thuật Tự sự (épique), Trữ tình(lyrique) đến Kịch(théâtre) đã coi là những bước tiến mang tính quyết định thể loại. Chèo là loại kịch hát nhưng vẫn rất coi trọng và sử dụng hiệu quả những yếu tố tự sự, trữ tình, hài ước, ngay khi biết kết hợp các hình thức nghệ thuật khác (như giáo, chèo đò, trò diễn dân gian, bao gồm cả những trò trình mặt, trò trình nghề ...) để tạo thành một loại kịch hát và từng bước chuyển hóa sáng tạo mà "tiến lên". Cái lõi kịch bộc lộ qua số vở có truyền thống, thấy có mức gia tăng rõ dệt, như từ sự nhận chịu thụ động của mẹ con Thị Phương trước những lục lượng hắc ám thiên nhiên, của xã hội, của Thị Kính chịu "nhẫn " trước thái độ lấp trùm của mụ Sùng, trước sự trơ trẽn của Thị Màu, đến "đụng độ" âm thầm nhưng không kém kịch liệt giữa Cúc Hoa và Trưởng Giử, giữa Châu Long và Lưu Bình,... hoặc đụng độ công khai gay gắt vẫn ở mức "nhẹ nhàng" giữa Thị Màu với Thị Kính qua tiếng mõ, giữa Súy Vân với Kim Nham qua lời lẽ diễn,... đến cuộc đối mặt quyết liệt "nảy lửa" giữa Ðào Huế với Tuần Ty và nhân tình...

Trở Về