Gõ cửa thiền Phần 1: Lời nói đầu Nguyên Minh dịch và chú giải Ngài Nam Tuyền nói: “ Tâm bình thường là đạo. ” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này. Vì thế, thiền không phải là một lãnh vực siêu nhiên vượt ngoài phạm trù ý thức thông thường như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại chính là sự soi rọi, chiếu sáng những trạng thái tâm thức hết sức bình thường mà mỗi người chúng ta đều đã và đang trải qua trong cuộc sống thường ngày.

Một trăm lẻ một câu chuyện trong sách này là một trăm lẻ một câu chuyện hết sức bình thường. Phần lớn được chuyển dịch sang Anh ngữ từ tập sách tiếng Nhật có tựa là Shaseki-shu (được dịch sang Anh ngữ là Collection of stone and sand ) có nghĩa là “góp nhặt cát đá”. Đúng như tên gọi đó, trong tuyển tập này bạn sẽ không tìm thấy những ngọc ngà châu báu rực rỡ muôn màu, mà chỉ có những đá sỏi, đất cát hết sức bình thường, luôn có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi được soi rọi dưới ánh sáng tỉnh thức của thiền, mỗi một hòn sỏi, hạt cát nơi đây đều sẽ toát lên những ý nghĩa phi thường. Khi hiểu được điều này, người đọc sẽ nhận ra bằng tâm thức rộng mở của chính mình rằng phép mầu vi diệu nhất chính là việc bước đi vững vàng trên mặt đất.

Từ khi thiền sư Muju (Vô Trú) đưa ra tác phẩm này tại Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 13, nó đã nhanh chóng cuốn hút đông đảo mọi tầng lớp người đọc. Có người tìm thấy trong tác phẩm những nụ cười ý vị, những phút giây thanh thản giải tỏa sự căng thẳng trong cuộc sống; người khác lại tìm thấy nơi đây những thông điệp sâu sắc về ý nghĩa đời sống, về mục đích cao cả nhất của một kiếp người... Nói chung, tùy theo những khả năng nhận hiểu khác nhau mà tác phẩm này hầu như có thể khơi mở được tất cả những dòng suy tư khắc khoải của mỗi người. Đó chính là nét độc đáo của tác phẩm, và cũng chính là lý do giải thích vì sao đã có rất nhiều bản dịch tác phẩm sang các ngôn ngữ khác liên tục ra đời.

Mặt khác, năng lực nhận thức của mỗi chúng ta luôn thay đổi qua sự học hỏi và kinh nghiệm sống. Vì thế, nếu bạn đã từng đọc qua tác phẩm này cách đây nhiều năm, thì chắc chắn khi đọc lại nó một lần nữa bạn cũng sẽ có được những cảm nhận khác biệt hơn so với lần đọc trước. Đây lại là một nét độc đáo khác nữa của tác phẩm. Và điều này giải thích vì sao tác phẩm vẫn tồn tại và duy trì được giá trị của chính nó qua nhiều thế kỷ, cũng như chắc chắn sẽ còn tiếp tục tồn tại lâu dài trong tương lai.

Bản Việt dịch này được thực hiện dựa trên bản Anh ngữ của Nyogen Senzaki và Paul Reps , được ấn hành lần đầu tiên tại London (Anh quốc) vào năm 1939, chủ yếu dựa vào tác phẩm trước đây của thiền sư Muju và sưu tập thêm một số các giai thoại khác trong nhà thiền, được lưu truyền rộng rãi ở Nhật trong suốt hơn 5 thế kỷ. Chúng tôi cố gắng giới thiệu với quý độc giả qua hình thức song ngữ để tạo điều kiện đối chiếu với bản tiếng Anh, qua đó những người có khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ có thể tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Và điều này cũng nhằm bổ sung những chỗ khiếm khuyết mà có lẽ ít nhiều không sao tránh khỏi trong bản Việt dịch, như kinh nghiệm đã cho thấy từ những bản dịch trước đây.

Cuối cùng, trong quá trình chuyển dịch, người dịch đã không sao ngăn được dòng cảm hứng được khơi dậy từ tác phẩm, nên cũng mạn phép ghi lại những cảm xúc của mình sau mỗi câu chuyện. Đây là những ý tưởng, nhận thức chủ quan của người dịch, chỉ ghi lại đây để chia sẻ phần nào cùng bạn đọc, hoàn toàn không có ý giảng giải hay bình luận về tác phẩm. Vì thế, nếu có những sai lầm hoặc nhận thức lệch lạc nào đó trong phần này, xin bạn đọc hiểu cho đó chỉ là lỗi lầm của cá nhân người dịch, không liên quan đến tác phẩm. Ngoài ra, hầu hết những câu chuyện này đều xảy ra ở Nhật, nên danh từ “ thiền ” trong toàn bộ dịch phẩm này mặc nhiên được dùng để chỉ cho pháp thiền ở Nhật ( Zen ) chứ không chỉ chung các phái thiền khác nhau trong đạo Phật.

Và bây giờ, xin mời bạn đọc bước vào thế giới của những câu chuyện bình thường, với những nhân vật và sự kiện rất bình thường, để qua đó cảm nhận được những ý nghĩa hết sức phi thường!


Mùa Xuân 2008

Nguyên Minh
Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 2: 1. Tách trà Nguyên Minh dịch và chú giải Nan-in[1] là một thiền sư Nhật sống vào thời đại Minh Trị (1868-1912). Ngày kia, ngài tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.

Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp tục rót.

Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng được nữa phải kêu lên: “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”

Thiền sư nói: “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”

Viết sau khi dịch
Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi, xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức ngày càng thu hẹp.

Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có. Khi tách trà của bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên thế giới!


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 3: 2. Hạt ngọc trong bùn Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Gudo là bậc thầy của vị hoàng đế đương thời. Dù vậy, ngài thường du phương hoằng hóa, một mình đi khắp đó đây như một vị tăng khất thực. Một hôm, ngài đang trên đường đến Edo, trung tâm văn hóa chính trị của chính quyền quân sự thời ấy. Khi sắp đến ngôi làng nhỏ Takenaka thì trời đã tối và mưa tầm tã. Thiền sư bị ướt đẫm trong mưa, đôi dép rơm của ngài rách tả tơi. Đến một ngôi nhà gần làng, ngài nhìn thấy có khoảng bốn, năm đôi dép để nơi cửa sổ. Ngài định ghé vào mua một đôi khô ráo. Người phụ nữ trong nhà biếu ngài đôi dép và nhận thấy ngài bị ướt sũng nên mời ngài trú lại qua đêm. Thiền sư nhận lời và cảm ơn bà.

Ngài vào nhà và đọc kinh trước bàn thờ của gia đình. Sau đó, ngài được giới thiệu với mẹ và các con của người phụ nữ. Nhận thấy cả nhà đều có vẻ buồn bã, thiền sư liền hỏi họ xem có việc gì bất ổn không.

Người phụ nữ thưa với ngài: “Chồng của con là người mê cờ bạc và nghiện rượu. Lúc có vận may được bạc, anh ta uống say và đánh đập vợ con. Lúc đen đủi thua bạc, anh ta vay mượn tiền người khác. Thỉnh thoảng anh ta uống đến say mềm và không về nhà. Con biết làm sao đây?”

Ngài Gudo nói: “Tôi sẽ giúp anh ta. Chị cầm lấy ít tiền đây và mua cho tôi bình rượu ngon với đồ nhắm. Rồi chị có thể đi nghỉ, tôi sẽ ngồi thiền trước bàn thờ.”

Khi người đàn ông về nhà vào khoảng nửa đêm, anh ta say khướt, la lối: “Này bà, tôi đã về rồi! Nhà có gì ăn không?”

Thiền sư lên tiếng: “Tôi có đồ ăn cho anh đây. Tôi bị mắc mưa và vợ anh đã tử tế mời tôi nghỉ chân qua đêm. Để đáp lại, tôi có mua về đây ít rượu và cá, anh có thể dùng.”

Người đàn ông hài lòng lắm, lập tức ngồi vào đánh chén cho đến khi ngã lăn ra sàn nhà. Ngài Gudo ngồi thiền ngay cạnh anh ta.

Sáng ra, khi tỉnh dậy thì người chồng đã quên sạch chuyện đêm qua nên hỏi ngài Gudo, khi ấy vẫn còn đang ngồi thiền: “Ông là ai? Ông từ đâu đến đây?”

Thiền sư đáp: “Tôi là Gudo ở Kyoto, đang trên đường đến Edo.”

Nghe tên vị Quốc sư, người đàn ông vô cùng hổ thẹn, hết lời xin ngài tha lỗi.

Ngài Gudo mỉm cười dạy: “Mọi thứ trên đời này đều vô thường. Cuộc sống rất ngắn ngủi. Nếu anh cứ tiếp tục cờ bạc rượu chè, anh sẽ không có thời gian để tự mình đạt được bất cứ điều gì khác, và cũng gây ra nhiều khổ đau cho gia đình.”

Người đàn ông chợt thức tỉnh như vừa ra khỏi một giấc mơ. Anh ta nói: “Thầy dạy chí phải. Làm sao con có thể đền đáp ơn thầy đã dạy dỗ thức tỉnh con. Xin cho con mang hành lý tiễn thầy một đoạn ngắn.”

Thiền sư chấp thuận: “Được, tùy ý anh vậy.”

Hai người khởi hành. Sau khi đi được khoảng ba dặm, ngài Gudo bảo anh ta quay về.

Anh ta nài nỉ: “Xin đi thêm năm dặm nữa thôi.”
Và họ tiếp tục đi, cho đến khi ngài Gudo quay sang bảo anh ta: “Giờ thì anh trở về được rồi.”
Người đàn ông đáp lại: “Xin cho con tiễn thầy mười dặm nữa.”

Khi đã đi thêm được mười dặm, thiền sư bảo: “Bây giờ anh hãy về đi.”

Người đàn ông quả quyết: “Không, con sẽ đi theo thầy suốt quãng đời còn lại của con.”

Các thiền sư Nhật thời hiện đại có nguồn gốc truyền thừa từ một vị thiền sư lỗi lạc nối pháp ngài Gudo. Vị thiền sư ấy có tên là Mu-nan, nghĩa là “người không bao giờ quay lại”.

Viết sau khi dịch
Từ một kẻ đam mê cờ bạc rượu chè, trong thoáng chốc đã trở thành người dứt bỏ tất cả để dấn thân vào con đường cầu đạo giải thoát và trở thành một viên ngọc quý chói sáng trong cửa thiền. Quả là một cuộc chuyển hóa nhiệm mầu, kỳ diệu đến mức vượt ngoài sức tưởng tượng!

Nhưng mỗi chúng ta thật ra đều có thể tự mình thực hiện một cuộc chuyển hóa tương tự như thế. Bởi vì vấn đề cốt lõi được nhận ra ở đây không phải đi tìm một sự toàn hảo tuyệt đối, mà là biết quay lưng vĩnh viễn với những sai lầm đã từng mắc phải.

Người có thể dứt khoát quay lưng với những sai lầm của chính mình thì sẽ không có việc gì khác không thể làm được. Điều đó hoàn toàn không dễ dàng, nhưng lại là điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Chỉ cần bạn đạt được quyết tâm “không bao giờ quay lại” thì con đường phía trước chắc chắn sẽ rộng mở thênh thang hướng về một tương lai tươi sáng.


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 4: 3. Thật thế sao Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Hakuin[6] luôn được mọi người sống quanh ngài ca ngợi về nếp sống trong sạch, đạo hạnh. Gần nơi ngài sống có một cửa hàng thực phẩm. Hai vợ chồng người chủ cửa hàng có một cô con gái trẻ đẹp. Thật bất ngờ, một hôm hai người bỗng nhận ra cô con gái của mình đã mang thai!

Điều này làm cho cha mẹ cô gái bừng bừng nổi giận. Cô lại nhất định không chịu khai ra ai là tác giả cái bào thai đó. Tuy nhiên, sau bao nhiêu lần tra vấn hạch hỏi, cuối cùng cô lại chỉ đến thiền sư Hakuin!

Trong tâm trạng cực kỳ tức giận, cha mẹ cô lập tức tìm đến chỗ vị thiền sư. Sau khi nghe sự việc, ngài chỉ hỏi lại: “Thật thế sao?” Rồi chẳng biện bạch gì.

Sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho ngài. Vào lúc này, thanh danh của ngài chẳng còn gì nữa, nhưng ngài không màng đến điều đó. Ngài hết lòng chăm sóc đứa bé. Ngài đi xin sữa từ những người hàng xóm cũng như tất cả những thứ cần thiết để nuôi dưỡng nó.

Một năm sau, người mẹ trẻ không còn dằn lòng được nữa, liền thú nhận sự thật với cha mẹ nàng, rằng người cha thực sự của đứa trẻ là một thanh niên làm việc ở chợ cá.

Cha mẹ nàng lập tức đến chỗ thiền sư Hakuin để tạ lỗi, cầu xin sự tha thứ của ngài, và xin được nhận đứa bé về.

Thiền sư vui vẻ chấp thuận. Khi trao lại đứa bé, ngài cũng chỉ nói mỗi một câu: “Thật thế sao?”

Viết sau khi dịch
Khi phải chịu đựng những sự oán giận hay chê trách về một sự việc mà mình không hề thực hiện, chỉ có thực hành nhẫn nhục mới có thể giúp ta vượt qua được với tâm trạng thản nhiên mà không có sự khổ đau, uất ức.

Thiền sư đã chứng tỏ một khả năng chịu đựng oan khuất gần như không giới hạn. Nhưng điều  đáng nói hơn nữa là ngài hầu như không tỏ ra vẻ gì cho thấy việc ngài đang phải chịu đựng. Hạnh nhẫn nhục của ngài đã thành tựu đến mức có thể chấp nhận mọi nghịch cảnh với một tâm thức an nhiên không lay động.


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 5: 4. Người biết vâng lời Nguyên Minh dịch và chú giải Những buổi giảng pháp của thiền sư Bankei[7] không chỉ có các thiền sinh tham dự mà còn lôi cuốn rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Ngài không bao giờ viện dẫn kinh điển, cũng không đi sâu vào những học thuyết cao siêu. Thay vì vậy, những lời ngài nói ra luôn xuất phát từ tâm thức của ngài và đi thẳng vào tâm thức người nghe.

Thính giả đông đảo của ngài làm cho một vị tăng thuộc phái Nichiren[8] tức giận, vì có nhiều môn đồ đã rời bỏ ông để đến nghe giảng dạy về thiền. Vị tăng tự phụ này liền tìm đến chỗ ngài Bankei, quyết tâm tranh biện với ngài.

Đến nơi, ông ta gọi lớn: “Này, thiền sư! Đợi chút đã nào! Những ai kính trọng ông đều sẽ vâng lời ông, nhưng người như tôi đây không kính trọng ông, liệu ông có thể làm cho tôi vâng lời ông chăng?”

Thiền sư Bankei nói: “Được, ông cứ đến bên tôi, tôi sẽ cho ông thấy.”

Ông tăng ra vẻ tự đắc, rẽ đám đông tiến về phía ngài Bankei.

Ngài Bankei mỉm cười nói: “Được rồi, hãy đến đứng bên trái tôi.”

Ông tăng làm theo.

Nhưng ngài Bankei lại nói: “Ồ không, có lẽ chúng ta sẽ nói chuyện tốt hơn nếu ông đứng bên phải tôi. Nào, hãy bước sang đây.”

Ông tăng vẫn với vẻ tự phụ, bước sang đứng bên phải ngài Bankei.

Thiền sư kết luận: “Ông thấy đó, ông thật biết vâng lời, và tôi nghĩ ông là một người rất hòa nhã. Nào, bây giờ xin hãy ngồi xuống đó lắng nghe!”

Viết sau khi dịch
Lời xưa thường nói: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Có những việc tưởng như rất dễ nhận ra, nhưng trong tâm trạng bị sân hận che lấp thì chúng ta thường trở nên si mê đến nỗi không sao nhận biết được. Trường hợp của ông tăng cao ngạo này là như vậy: Ngoan ngoãn vâng theo sự sai khiến của ngài Bankei mà không hề biết rằng mình đang rơi vào một cái bẫy. Và sự thành công của ngài Bankei chính là ở chỗ biết mình biết người, đã đánh đúng vào nhược điểm của một người đang tức giận, đó là sự thiếu sáng suốt.

Nhưng xét cho cùng thì mục tiêu của thiền cũng không phải là gì khác ngoài việc cố gắng loại trừ tất cả những tâm trạng thiếu sáng suốt. Vì vậy, người như ông tăng này mà tìm đến với ngài Bankei thì quả thật là đúng thầy, đúng thuốc rồi vậy!


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 6: 5. Hãy yêu công khai Nguyên Minh dịch và chú giải Có 20 tăng sinh và một ni cô tên Eshun[9] cùng theo học thiền với một vị thiền sư.

Ni cô Eshun vô cùng xinh đẹp, cho dù đã cạo tóc và ăn mặc đơn sơ. Nhiều tăng sinh đem lòng thầm yêu trộm nhớ, và một người trong số đó đã viết cho cô một lá thư tình, khẩn khoản xin cô một buổi hẹn hò.

Eshun không viết thư trả lời. Ngay hôm sau đó, vị thiền sư có buổi giảng pháp chung cho cả nhóm. Sau buổi giảng, Eshun từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng mắt về phía vị tăng sinh đã viết thư cho mình và nói: “Nếu anh thật lòng yêu tôi nhiều đến thế, thì ngay bây giờ hãy đến ôm tôi đi!”

Viết sau khi dịch
Có những việc dù biết là không tốt nhưng người ta vẫn có thể mắc vào, nếu họ tin rằng sẽ không có ai hay biết. Trong đạo Phật thường nói đến cả hai tâm trạng tàm và quý. Khi lỡ mắc phải một sai lầm, cần phải có cả hai tâm tàm và quý mới có thể giúp ta nhanh chóng cải hối và không còn tái phạm. Tàm là tự thẹn với lòng mình, và quý là xấu hổ với người khác. Hầu như đa số mọi người đều biết xấu hổ với người khác về việc xấu mình đã làm, nhưng biết nuôi dưỡng tâm hổ thẹn với chính mình thì không phải ai cũng có. Ông tăng lén lút nghĩ đến chuyện tư tình, chính là vì đã có quý mà chẳng có tàm! Vì thế nên cách tốt nhất để liệu trị căn bệnh của ông không gì bằng công khai sự việc!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 7: 6. Chẳng động lòng thương Nguyên Minh dịch và chú giải Có một bà cụ ở Trung Hoa là thí chủ của một vị tăng trong hơn hai mươi năm. Bà đã dựng cho ngài một cái am nhỏ và cúng dường thực phẩm hằng ngày để ngài tu thiền. Cuối cùng, bà muốn biết việc tu tập của vị tăng đã tiến triển đến mức nào trong suốt thời gian đó.

Để biết được điều đó, bà liền nhờ đến một cô gái đầy dục vọng. Bà bảo cô gái: “Hãy đến ôm lấy ông ta rồi bất ngờ hỏi xem ông ấy muốn làm gì.”

Cô gái tìm đến chỗ vị tăng, bất ngờ ôm chầm lấy và vuốt ve ông, rồi hỏi ông muốn làm gì tiếp theo.

Vị tăng trả lời có phần hơi thơ mộng: “Như cây cổ thụ mọc trên tảng đá lạnh mùa đông, không tìm đâu ra chút hơi ấm nào!”

Cô gái quay về và kể lại những gì vị tăng đã nói.

Bà cụ kêu lên một cách giận dữ: “Nghĩ mà xem! Vậy mà ta đã nuôi dưỡng cái gã ấy hơn hai mươi năm rồi! Hắn ta chẳng lưu tâm gì đến nhu cầu của cô, cũng không thèm tìm hiểu rõ hoàn cảnh của cô. Cứ cho là hắn không cần phải đáp lại dục tình, nhưng ít nhất cũng phải biểu lộ đôi chút từ tâm chứ!”

Bà lập tức đến chỗ cái am nhỏ của vị tăng và nổi lửa thiêu rụi.

Viết sau khi dịch
Tình dục và tình thương dường như không có sự phân biệt rõ nét. Đôi khi tình dục có thể biến thành tình thương, nhưng thường xảy ra hơn lại là điều ngược lại.

Phụ nữ là đối tượng khơi dậy tình dục, nên người tu tập phải hết sức cảnh giác cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, xét cho cùng thì phụ nữ cũng là con người. Nếu chỉ vì họ là đối tượng khơi dậy tình dục nơi nam giới mà không yêu thương họ thì thật sai lầm và bất công!

Vì thế, đòi hỏi của bà cụ nơi vị tăng kia tuy có phần hơi quá đáng nhưng thật ra cũng không phải là không có lý!


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 8: 7. Thông báo Nguyên Minh dịch và chú giải Ngày cuối đời, thiền sư Tanzan[10] đã viết 60 tấm bưu thiếp và bảo người thị giả của ngài mang gửi hết đi. Rồi ngài viên tịch.

Trên tấm bưu thiếp viết rằng:

Tôi sắp rời khỏi thế giới này.
Đây là thông báo cuối cùng của tôi.

Tanzan,
Ngày 27 tháng 7 năm 1892

Viết sau khi dịch
Mỗi ngày quanh ta đều có những lời cảnh báo về cái chết, khi có những người khác từ giã cuộc đời này. Nhưng hầu hết chúng ta đều phớt lờ đi và không bao giờ chịu nhớ rằng chính mình rồi cũng sẽ chết. Nếu mỗi người chúng ta đều luôn nhớ đến điều này, chắc chắn ta sẽ làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn!

Thiền sư với tâm từ bi vô lượng nên trước khi rời bỏ cuộc đời còn cố gắng gửi đến cho chúng ta những lời cảnh báo cuối cùng, nhất là những lời cảnh báo về cái chết được đưa ra bởi một người còn sống!


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 9: 8. Những đợt sóng lớn Nguyên Minh dịch và chú giải Vào đầu thời Minh Trị (1868-1912), có một nhà đô vật nổi tiếng tên là O-nami, trong tiếng Nhật có nghĩa là “những đợt sóng lớn”.

O-nami vừa có sức mạnh cực kỳ, vừa giỏi thuật đô vật. Trong những trận đấu không có người xem, anh ta đánh bại cả thầy dạy, nhưng khi thi đấu trước công chúng, anh ta lại quá bối rối đến nỗi để thua cả những học trò của chính mình!

O-nami cảm thấy nên tìm đến sự giúp đỡ của một vị thiền sư. Khi ấy, có một vị tăng hành cước[11] là Hakuju đang dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ gần đó. O-nami liền tìm đến bái kiến và trình bày với ngài những bất ổn của mình.

Vị thiền sư bảo: “Tên anh có nghĩa là ‘những đợt sóng lớn’, vậy đêm nay anh hãy ở lại chùa này, cố hình dung mình là những đợt sóng lớn đó. Hãy nghĩ rằng anh không còn là một nhà đô vật luôn lo lắng, sợ sệt nữa, mà là những đợt sóng lớn cuốn phăng đi mọi thứ ở phía trước, nhấn chìm tất cả những gì cản đường. Hãy làm đúng như thế và anh sẽ trở thành nhà đô vật vĩ đại nhất nước.”

Rồi vị thiền sư đi nghỉ. O-nami ngồi xuống thiền định, cố hình dung chính mình là những đợt sóng lớn. Ban đầu, anh nghĩ đến rất nhiều chuyện, nhưng dần dần cảm giác mình là những đợt sóng ngày càng lớn dần lên trong anh. Càng về khuya, những đợt sóng càng lớn hơn, rồi lớn hơn nữa. Chúng cuốn phăng đi những bó hoa cắm trong các độc bình. Ngay cả tượng Phật trên điện thờ cũng bị nhấn chìm trong sóng nước. Trước khi trời sáng, anh đã cảm thấy cả ngôi chùa không còn gì khác ngoài những đợt sóng tràn của mặt biển mênh mông.

Sáng ra, vị thiền sư nhìn thấy O-nami vẫn còn đang ngồi thiền, một nụ cười thoáng nhẹ trên khuôn mặt. Ngài vỗ nhẹ lên vai nhà đô vật và nói: “Giờ thì không còn gì có thể làm cho anh bối rối được nữa. Anh chính là những đợt sóng lớn, anh sẽ cuốn phăng đi mọi thứ ở phía trước.”

Ngay trong ngày đó, O-nami tham gia những trận đấu vật và đều chiến thắng. Từ đó về sau, khắp nước Nhật không còn ai có thể đánh bại được anh.

Viết sau khi dịch
Một người bạn tôi nhiều lần thi hỏng vì không sao giữ được bình tĩnh trong phòng thi. Một người bạn khác thường xuyên thất bại vì chưa bao giờ theo đuổi một dự án nào đến nơi đến chốn. Ngay cả khi mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì anh vẫn có thể bỏ cuộc vì một nỗi ám ảnh của sự thất bại.

Ý chí là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công. O-nami đã có đủ mọi điều kiện để chiến thắng, nhưng anh không có một ý chí kiên định. Vì thế, vị thiền sư đã giúp anh bằng cách bổ sung đúng yếu tố này. Điều kỳ lạ nhất là, trong khi có rất nhiều tố chất bẩm sinh khác không hoàn toàn giống nhau ở mỗi người, thì việc rèn luyện một ý chí kiên định là điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Và hơn thế nữa, đây lại là điểm khởi đầu của tất cả mọi sự nghiệp khác nhau.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 10: 9. Vầng trăng không thể đánh cắp Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Ryokan[12] sống hết sức thanh đạm trong một căn lều nhỏ dưới chân núi. Một hôm, trời vừa tối thì có tên trộm đến viếng căn lều của ngài và không tìm ra được món gì để lấy cả!

Vừa lúc thiền sư trở về bắt gặp. Ngài nói với tên trộm: “Hẳn là anh đã phải đi khá xa để đến thăm tôi, anh không nên trở về tay không, hãy nhận lấy quần áo của tôi như một món quà vậy.”

Tên trộm lấy làm hoang mang bối rối. Hắn chộp lấy bộ quần áo rồi chuồn mất.

Thiền sư Ryokan ngồi ngắm trăng, trên người không một tấc vải, trầm ngâm suy nghĩ: “Anh bạn tội nghiệp! Ước gì ta có thể cho anh vầng trăng xinh đẹp này!”

Viết sau khi dịch
Điều làm chúng ta giận ghét một tên trộm chính là vì đã lấy đi những thứ “của ta”. Nhưng nếu trên đời này chẳng có gì là “của ta” cả thì làm gì có kẻ trộm? Vì thế, dưới mắt thiền sư chỉ có một anh bạn tội nghiệp mà thôi! Tội nghiệp là vì luôn sẵn có những của báu vô giá như vầng trăng xinh đẹp kia nhưng anh ta chẳng bao giờ biết dùng đến, mà chỉ mải miết đi lục lọi, tìm kiếm những thứ không thật sự đáng giá! 


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 11: 10.Bài thơ cuối cùng của Hoshin Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Hoshin[13] sống ở Trung Hoa nhiều năm rồi trở về trụ ở miền đông bắc Nhật Bản, thu nhận đồ chúng. Khi đã rất cao tuổi, ngài kể cho các đệ tử của mình nghe một câu chuyện đã từng được nghe ở Trung Hoa. Chuyện kể như sau:

“Vào ngày 25 tháng Chạp (khoảng năm 1091), thiền sư Đức Phổ bảo với các đệ tử của ngài rằng: ‘Thầy sẽ không sống được trong năm tới, nên các con hãy chăm sóc tốt cho thầy trong năm nay.’

“Đồ chúng đều nghĩ là ngài đang nói đùa, nhưng vì ngài là một bậc thầy hết lòng thương yêu đệ tử nên những ngày cuối năm đó họ luôn thay phiên nhau chăm sóc và chiêu đãi ngài.

“Cho đến đêm giao thừa, thiền sư Đức Phổ nói với các đệ tử: ‘Các con đã đối xử rất tốt với ta. Chiều mai, khi tuyết ngừng rơi ta sẽ giã biệt các con.’

“Các đệ tử đều cười lớn, nghĩ rằng thầy đã già quá nên nói năng lẩm cẩm, bởi vì đêm ấy trời rất trong và không có tuyết!

“Nhưng đến nửa đêm thì tuyết bắt đầu rơi. Và ngày hôm sau thì không ai nhìn thấy thầy đâu cả. Họ chạy đến thiền đường. Ở đó, thiền sư đã viên tịch.”

Sau khi kể xong câu chuyện, thiền sư Hoshin nói với các đệ tử: “Một vị thiền sư không cần thiết phải báo trước thời điểm viên tịch của mình, nhưng nếu ngài thực sự muốn làm điều đó thì có thể làm được.”

Một người trong số đồ chúng lên tiếng hỏi: “Thầy có thể làm vậy được không?”

Thiền sư Hoshin đáp: “Được! Bảy ngày nữa ta sẽ cho các con thấy điều ta có thể làm được.”

Không một đệ tử nào tin lời thầy! Thậm chí đến bảy ngày sau, khi ngài Hoshin cho gọi mọi người đến thì hầu hết bọn họ đều đã quên bẵng đi câu chuyện ấy!

Khi ấy, thiền sư Hoshin nói với các đệ tử: “Cách đây bảy ngày, ta có nói là sẽ giã biệt các con. Theo lệ thường thì ta phải viết một bài kệ thị tịch, nhưng ta chẳng biết làm thơ, cũng không viết chữ đẹp, vậy một người nào đó trong các con hãy ghi lại những lời cuối cùng của ta.”

Mọi người đều nghĩ rằng ngài đang nói đùa. Tuy nhiên, một người trong bọn cũng chuẩn bị để viết.

Thiền sư Hoshin hỏi: “Con đã sẵn sàng chưa?”

Người cầm viết đáp: “Vâng, thưa thầy.”

Ngài Hoshin bắt đầu đọc:

Quang minh tịch chiếu hà sa,
Ta từ đó đến cũng về đó thôi.
Quang minh ấy thật là gì?

Theo hình thức thông thường thì bài kệ này còn thiếu một câu, vì thế người đệ tử liền nói: “Bạch thầy, chúng ta còn thiếu một câu nữa.”

Ngài Hoshin hét lên như tiếng gầm của một con sư tử chinh phục muông thú: “Kaa!”
Rồi ngài viên tịch.

Viết sau khi dịch
Báo trước được thời điểm viên tịch không phải là điều kiện tất yếu để trở thành một thiền sư chứng ngộ, nhưng một thiền sư chứng ngộ thì chắc chắn có thể báo trước thời điểm viên tịch của ngài. Vị thiền sư chứng ngộ không cần thiết phải làm điều đó, bởi vì như thế chỉ có thể làm cho mọi người thán phục chứ không giúp ích gì cho sự giải thoát của ngài. Điều quan trọng hơn cần thấy được ở đây chính là sự ung dung tự tại trong sống chết, cho thấy rằng vị ấy đã biết chắc được nơi mình sẽ đến! 

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 12: 11. Chuyện nàng Shunkai Nguyên Minh dịch và chú giải Nàng Shunkai[14] xinh đẹp còn có tên gọi là Suzu, khi còn rất trẻ đã bị ép buộc phải lập gia đình, dù nàng không ưng thuận. Sau khi cuộc hôn nhân này tan vỡ, nàng bắt đầu theo học môn triết ở một trường đại học.

Nàng quá đẹp nên ai nhìn thấy cũng đem lòng yêu. Hơn nữa, chính nàng cũng nảy sinh tình yêu với người khác ở khắp nơi. Nàng sống trong tình yêu suốt thời gian ở trường đại học. Rồi sau đó, khi không thỏa mãn với triết học, nàng tìm đến một ngôi chùa để học về thiền. Tại đây, các thiền sinh lại đem lòng yêu nàng. Cả cuộc đời Shunkai luôn thấm đẫm tình yêu!

Cuối cùng, nàng trở thành một thiền sinh thực sự ở Kyoto. Các vị sư huynh ở thiền viện chi nhánh của Kennin đều ca ngợi sự chân thành của nàng. Một người trong số đó tỏ ra rất tương đắc và đã giúp nàng am hiểu về thiền.

Vị Viện chủ của thiền viện Kennin tên là Mokurai, trong tiếng Nhật có nghĩa là “tiếng sấm im lặng”. Ông là một người rất nghiêm khắc. Ông tự mình nghiêm trì giới luật và đòi hỏi các tăng sĩ trong thiền viện của ông cũng phải vậy. Trong thời hiện đại ở Nhật, bầu nhiệt huyết mà các tăng sĩ đã mất đi đối với đạo Phật dường như lại trở nên sôi sục khi họ theo đuổi đời sống có gia đình! Ngài Mokurai thường cầm chổi rượt đuổi những người phụ nữ khi thấy họ xuất hiện ở bất cứ thiền viện nào (thuộc Kennin). Nhưng ngài càng xô đuổi thì dường như họ lại càng trở lại nhiều hơn!

Tại thiền viện chi nhánh nơi nàng Shunkai tu tập, bà vợ của vị sư trưởng trở nên ghen ghét với lòng nhiệt thành và sắc đẹp của nàng. Khi nghe các thiền sinh ca ngợi việc hành thiền nghiêm cẩn của nàng, bà càng thấy lúng túng, khó chịu. Cuối cùng, bà phao tin rằng Shunkai dan díu với một tăng sinh trẻ, bạn của nàng. Kết quả là anh tăng sinh này bị trục xuất và Shunkai cũng bị đuổi ra khỏi thiền viện.

Nàng Shunkai suy nghĩ: “Dù ta có mắc lỗi về chuyện yêu đương thì bà vợ ông sư trưởng cũng không thể ở lại thiền viện này nếu như bạn ta bị đối xử quá bất công như vậy.”

Và ngay trong đêm ấy, nàng mang một thùng dầu hỏa đến châm lửa đốt rụi ngôi thiền viện cổ đã 500 năm tuổi này. Sáng hôm sau, nàng bị nhà cầm quyền bắt giam.

Một luật sư trẻ quan tâm đến nàng và đã cố gắng làm giảm nhẹ bản án. Nhưng nàng bảo anh ta: “Đừng giúp tôi! Biết đâu tôi sẽ quyết định làm một việc gì khác nữa và cũng sẽ vào tù lại thôi.”

Cuối cùng, bản án 7 năm tù cũng trôi qua, và Shunkai được thả ra khỏi nhà tù, chia tay với người cai tù 60 tuổi đã đem lòng yêu nàng say đắm!

Nhưng giờ đây mọi người đều nhìn nàng như một kẻ mang tiền án “vào tù ra tội”. Không ai muốn gần gũi nàng! Ngay cả những người trong nhà thiền cũng xa lánh nàng, dù họ được cho là luôn tin vào sự giác ngộ ngay trong kiếp này, với thân xác này. Shunkai chợt nhận ra rằng, thiền học là một chuyện, và những người học thiền lại là một chuyện hoàn toàn khác! Bà con thân thuộc cũng không ai muốn liên hệ gì với nàng. Nàng ngã bệnh, trở nên nghèo nàn và yếu đuối.

Rồi nàng gặp một tăng sĩ thuộc phái Shinshu.[15] Vị này dạy nàng pháp môn niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, nhờ đó nàng tìm được đôi chút khuây khỏa và thanh thản. Nàng qua đời khi nhan sắc vẫn còn tuyệt đẹp và chưa tròn 30 tuổi!

Nàng đã ghi chép lại chuyện đời mình trong một nỗ lực vô vọng nhằm động viên chính mình và cũng kể lại phần nào cho một nhà văn nữ. Nhờ vậy mà câu chuyện đời nàng đã được người dân Nhật biết đến. Những người trước đây đã từng từ khước Shunkai, đã từng phỉ báng và ghét bỏ nàng, giờ đây đều đọc lại câu chuyện đời nàng với những giọt nước mắt ăn năn hối tiếc!

Viết sau khi dịch
Với một nhan sắc bẩm sinh và một tâm hồn đa cảm, chuyện đời nàng Shunkai thấm đẫm hương vị tình yêu cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này không đủ để tạo nên bi kịch, vì nàng hoàn toàn có thể trở nên một quý phu nhân giàu sang quyền quý, nếu như nàng muốn thế. Nhưng vì ngay từ khi còn trẻ nàng đã muốn khước từ cuộc sống gia đình và ấp ủ một sự khát khao đi tìm chân lý, thể hiện qua việc theo học triết học và rồi từ bỏ triết học để đến với thiền, nên cuộc đời nàng mới tràn ngập những sóng gió biến động.

Tiếc thay! Nàng đã không có đủ cơ duyên để gặp được những pháp khí chân thật của thiền môn, nên đã không thể chuyển hóa được những nhân tố khổ đau trong cuộc đời mình. Dù vậy, phải thừa nhận là nàng đã sống hết sức mình, và đã làm được tất cả những gì có thể!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 13: 12. Hoan Hỷ Phật Nguyên Minh dịch và chú giải Bất cứ ai từng dạo qua các phố người Hoa ở Mỹ đều nhìn thấy những pho tượng tạc hình một người mập mạp vác cái túi vải trên vai. Những thương gia người Hoa gọi đó là “ông Tàu vui vẻ” hay Hoan Hỷ Phật.[16]

Vị Hòa thượng Bố Đại này sống vào đời nhà Đường.[17] Ngài không bao giờ muốn tự gọi mình là thiền sư, cũng không muốn nhận đệ tử để dạy dỗ. Thay vì vậy, ngài thường lang thang trên đường phố với một cái túi vải lớn và cho vào đó đủ các món xin được như bánh kẹo, trái cây... Rồi ngài mang những thứ ấy phân phát cho những đứa trẻ con tụ tập chơi đùa quanh ngài. Ngài biến đường phố thành những khu vui chơi của trẻ.

Mỗi khi gặp một người tận tụy với thiền, ngài thường chìa tay ra và nói: “Cho tôi một xu nào!” Và nếu có ai bảo ngài quay về chùa để thuyết pháp, ngài cũng chỉ đáp lại: “Cho tôi một xu nào!”

Có lần, ngài đang trên đường rong chơi thì một thiền sư khác tình cờ cùng đi và hỏi: “Ý nghĩa của thiền là gì?”

Hòa thượng Bố Đại lập tức đặt cái túi xuống đất và im lặng.

Vị thiền sư kia lại hỏi: “Vậy chỗ thực dụng của thiền là gì?

Ngay lập tức, “ông Tàu vui vẻ” này quảy cái túi lên vai và tiếp tục bước đi.

Viết sau khi dịch
Bảo đó là thiền cũng được, không phải là thiền cũng được, nhưng điều quan trọng là lúc nào cũng hoan hỷ và ung dung tự tại. Vì thế, ngài không tự xưng là thiền sư, cũng chẳng dạy cho ai đạo thiền, bởi ý nghĩa của thiền chính là sự buông xả mọi thứ, nhưng chỗ thực dụng của thiền lại chính là giữ lấy cái túi vải và tiếp tục con đường hoằng hóa!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 14: 13. Ông Phật Nguyên Minh dịch và chú giải Vào thời Minh Trị, ở Tokyo có hai bậc thầy lỗi lạc với cá tính trái ngược nhau. Thiền sư Unsho[18] giảng dạy ở Shingon là người luôn giữ theo giới luật một cách hết sức nghiêm cẩn. Ngài chẳng bao giờ nhấp môi một ngụm rượu nào, cũng không ăn gì sau khoảng 11 giờ trưa. Bậc thầy kia là Tanzan,[19] một giáo sư triết học tại Đại học Hoàng gia, và là người chẳng bao giờ giữ theo giới luật. Khi thích ăn thì ngài ăn, khi buồn ngủ thì ngay giữa ban ngày ngài cũng ngủ!

Một hôm, ngài Unsho đến thăm ngài Tanzan vào lúc vị này đang uống rượu. Đối với người Phật tử thì ngay cả một giọt rượu cũng không nên để chạm đến môi!

Ngài Tanzan chào hỏi: “Chào sư huynh! Uống một chút nhé?”

Ngài Unsho lớn tiếng đáp một cách nghiêm nghị: “Tôi không bao giờ uống rượu!”

Ngài Tanzan nói ngay: “Người mà không uống rượu thì chẳng phải là người nữa!”

Ngài Unsho tức giận to tiếng: “Có phải anh bảo tôi không phải là người chỉ vì tôi không buông thả với thứ nước độc hại đó? Được rồi, nếu tôi không phải là người, vậy tôi là gì nào?”

Tanzan đáp ngay: “À, sư huynh là một ông Phật!”

Viết sau khi dịch
Giữ theo giới luật là điều tối cần thiết đối với tất cả những người Phật tử, dù là tại gia hay xuất gia. Tuy nhiên, việc giữ giới không chỉ hạn cuộc trong những hành vi nhìn thấy được của thân, mà còn bao gồm cả sự tu dưỡng tinh thần, rèn luyện tâm ý. Giới ngoài thân là để tạo điều kiện cho sự tu dưỡng trong tâm. Nếu trong tâm không có sự tu dưỡng, tiến bộ, thì việc giữ giới ngoài thân cũng không thể mang lại nhiều kết quả.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 15: 14. Quãng đường lầy lội Nguyên Minh dịch và chú giải Có một lần Tanzan và Ekido cùng đi trên một quãng đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn đang trút xuống.

Đến một khúc quanh, họ gặp một cô gái xinh xắn mặc bộ áo kimono và thắt lưng bằng lụa, đang loay hoay không biết làm sao băng qua ngã tư đường.

Ngay lập tức, Tanzan lên tiếng: “Đi nào, cô gái!” Và nhấc bổng cô gái lên trong tay mình, ông mang cô vượt qua khỏi vũng lầy.

Từ lúc đó Ekido im lặng đi không nói tiếng nào, cho đến khi đêm xuống họ vào trú ngụ trong một ngôi chùa. Và rồi Ekido không còn nhịn được nữa, ông lên tiếng bảo Tanzan: “Chúng ta là những người tu hành, không nên đến gần nữ giới, nhất là những người trẻ đẹp. Điều đó rất nguy hiểm. Tại sao sư huynh lại làm như thế?”

Tanzan đáp lời: “Tôi đã bỏ cô ta xuống nơi đó rồi. Anh vẫn còn mang theo cô ta đó sao?”

Viết sau khi dịch
Lại một giai thoại nữa về Tanzan! Chúng ta không thể không nhận ra tinh thần phóng khoáng của một người đã nhuần nhuyễn trong việc nghiêm trì giới luật. Đối với ngài, giới luật không phải là những khuôn thước cứng nhắc, mà chính là phương tiện khéo léo để bảo vệ và giúp đỡ người tu tập. Vì thế, vấn đề không chỉ giới hạn ở việc giữ theo giới luật, mà còn là phải thấu triệt được những ý nghĩa và mục đích của giới!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 16: 15. Hai mẹ con Nguyên Minh dịch và chú giải Shoun là một thiền sư thuộc tông Tào Động của Nhật. Khi ngài còn là một thiền sinh thì cha ngài đã sớm qua đời, nên ngài phải sớm hôm chăm sóc mẹ già.

Mỗi khi Shoun đến thiền đường, ngài luôn đưa mẹ cùng đi. Và vì có mẹ đi theo, nên khi đến các tự viện, ngài không thể sống chung với tăng chúng. Vì thế, ngài thường dựng một căn nhà nhỏ và chăm sóc mẹ ở đó. Ngài thường làm việc sao chép kinh điển, thi kệ để kiếm chút đỉnh tiền mua thức ăn.

Khi thấy Shoun mua cá cho mẹ ăn, người ta chế nhạo ngài, vì một vị tăng sao lại ăn cá! Shoun chẳng để tâm việc ấy. Tuy nhiên, mẹ ngài lại cảm thấy đau lòng khi thấy những người khác cười chê con trai mình. Cuối cùng, bà bảo Shoun: “Mẹ muốn làm ni cô. Mẹ cũng có thể ăn chay như con.” Bà làm như thế thật, và hai mẹ con cùng nhau tu tập.

Shoun rất thích âm nhạc và là người chơi đàn tỳ bà rất giỏi. Mẹ ngài cũng biết chơi. Vào những đêm trăng tròn, họ thường cùng nhau gảy đàn.

Một đêm nọ, có cô gái trẻ đi ngang qua nhà họ, nghe được tiếng nhạc và cảm thấy rung động sâu xa, liền mời ngài Shoun tối hôm sau đến nhà cô chơi đàn. Ngài nhận lời.

Vài ngày sau, ngài Shoun gặp cô gái trẻ ấy trên đường phố và ngỏ lời cảm ơn cô vì sự tiếp đãi chu đáo. Mọi người nghe thấy đều cười nhạo, vì hóa ra ngài đã đến viếng nhà một cô gái lầu xanh!

Ngày kia, ngài Shoun phải đi giảng pháp ở một ngôi chùa xa. Sau đó mấy tháng, ngài trở về nhà và mẹ ngài vừa mới qua đời. Vì những người quen không biết tìm ngài ở đâu nên lúc đó đang cử hành tang lễ.

Khi ấy, ngài Shoun liền tiến lên phía trước, cầm gậy gõ vào quan tài và nói: “Mẹ ơi! Con trai mẹ đã về!”

Rồi ngài tự trả lời thay lời cho mẹ: “Mẹ rất mừng thấy con đã về.”

Và cuộc đối thoại được tiếp tục: “Vâng, con cũng rất mừng.”

Rồi ngài tuyên bố với mọi người quanh đó: “Tang lễ đã hoàn tất! Các vị có thể chôn cất được rồi.”

Về già, ngài Shoun tự biết đã sắp đến ngày cuối đời. Một buổi sáng, ngài triệu tập tất cả đệ tử đến và cho biết là đến trưa ngài sẽ thị tịch. Ngài thắp hương trước di ảnh mẹ và thầy mình rồi viết bài kệ sau:

Sáu mươi năm sống giữa đời,
Tận tâm tận lực làm người tốt thôi!
Mây tan mưa tạnh hết rồi,
Trăng tròn vành vạnh giữa trời trong xanh.

Đồ chúng vây quanh tụng một thời kinh và ngài Shoun ra đi trong sự nguyện cầu của họ.

Viết sau khi dịch
Sáu mươi năm nỗ lực tu hành chỉ để lại một câu chuyện đời thật giản đơn nhưng không đơn giản. Làm một thầy tăng đi mua cá giữa chợ, vô tư đến viếng thăm nhà một kỹ nữ lầu xanh, cho đến dự tang lễ mẹ không một giọt nước mắt hay một tiếng than khóc... Đều là những chuyện để người đời chế nhạo mà không phải ai cũng có thể làm! Nhưng với ngài đó đều là những việc làm tốt nhất, vì không ai có thể làm tốt hơn! Cuối cùng, ngài bỏ lại tất cả để ra đi một cách an nhiên tự tại, như người khách rời bỏ con thuyền khi đã cập bến sông!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 17: 16. Không xa quả Phật Nguyên Minh dịch và chú giải Một sinh viên đại học đến viếng ngài Gasan[20] và hỏi: “Thầy đã bao giờ đọc Kinh Thánh của đạo Thiên chúa chưa?”

Ngài Gasan đáp: “Chưa, đọc ta nghe xem.”

Người sinh viên mở cuốn Kinh Thánh và đọc trong phần thánh Matthew:[21] “...Và tại sao anh em phải lo lắng về áo mặc? Hãy suy xét việc những hoa huệ ngoài đồng mọc lên như thế nào. Chúng không làm lụng cực nhọc, cũng không kéo sợi. Tuy thế, Thầy bảo cho các anh em biết rằng, ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột bậc cũng không ăn mặc đẹp được như một trong các bông hoa ấy...[22] Vậy nên đừng lo lắng về ngày mai, vì ngày mai cứ để ngày mai lo...”[23]

Gasan nói: “Ai nói ra được những lời ấy, ta cho đó là một người giác ngộ.”

Người sinh viên tiếp tục đọc: “...Anh em cứ xin thì sẽ được cho, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở ra cho.”[24]

Gasan nhận xét: “Tuyệt lắm! Ai đã nói ra điều đó thật không còn xa quả Phật.”

Viết sau khi dịch
Chân lý không có sự phân biệt đông tây kim cổ. Những gì phù hợp với chân lý sẽ giống nhau dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc về thời đại nào. Chỉ tiếc là con người thường dựa vào những yếu tố không thực sự cấu thành chân lý để định danh và phân biệt, từ đó mà tạo thành trăm sai ngàn khác!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 18: 17. Nói ít hiểu nhiều Nguyên Minh dịch và chú giải Một y sĩ trẻ ở Tokyo tên là Kusuda gặp lại người bạn học. Người bạn này đã từng học thiền. Kusuda liền hỏi anh ta xem thiền là gì.

Người bạn đáp: “Tôi không thể nói cho anh biết thiền là gì, nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh hiểu được thiền, anh sẽ không còn sợ chết.”

Kusuda nói: “Thế cũng tốt. Tôi sẽ thử xem. Tôi có thể tìm thầy ở đâu?”

Người bạn bảo anh ta: “Hãy đến chỗ thiền sư Nan-in.”[25]

Thế là Kusuda tìm đến chỗ ngài Nan-in. Anh ta mang theo một con dao găm dài khoảng hơn một gang tay để xác định xem bản thân vị thiền sư này có sợ chết hay không.

Vừa nhìn thấy Kusuda, ngài Nan-in đã lớn tiếng chào ngay: “Ô kìa, anh bạn. Anh có khỏe không? Đã lâu rồi chúng ta không gặp!”

Điều này làm cho Kusuda lúng túng, anh nói: “Nhưng chúng ta chưa từng gặp nhau!”

Ngài Nan-in đáp: “Đúng vậy! Ta đã nhầm anh với một y sĩ khác đang học thiền ở đây.”

Với một khởi đầu như thế, Kusuda mất đi cơ hội để thử nghiệm vị thiền sư. Vì thế, anh ta miễn cưỡng hỏi xem mình có thể học thiền với ngài hay không.

Ngài Nan-in đáp: “Thiền không phải là chuyện khó. Nếu anh là thầy thuốc, hãy chữa trị bệnh nhân với một tấm lòng tốt. Đó chính là thiền.”

Kusuda tìm đến ngài Nan-in ba lần, lần nào ngài cũng chỉ nói với anh một điều tương tự: “Một thầy thuốc không nên phí thời gian nơi đây. Hãy trở về chăm sóc bệnh nhân của anh.”

Kusuda không sao hiểu được vì sao những lời dạy như thế lại có thể trừ bỏ được nỗi sợ chết. Vì thế, khi tìm đến ngài Nan-in lần thứ tư anh than phiền: “Người bạn của con nói rằng khi học thiền rồi thì người ta không còn sợ chết. Nhưng mỗi lần con đến đây, thầy chỉ dạy con về chăm sóc bệnh nhân. Con đã quá rõ điều đó rồi. Nếu cái gọi là thiền của thầy chỉ có thế thôi thì con sẽ không đến đây học nữa.”

Thiền sư Nan-in mỉm cười vỗ về: “Ta đã quá nghiêm khắc với anh. Thôi để ta cho anh một công án.”

Và ngài trao cho Kusuda công án “chữ không của Triệu Châu”[26] để nghiền ngẫm. Đây là công án khai ngộ đầu tiên trong sách Vô môn quan.[27]

Kusuda nghiền ngẫm mãi về công án “chữ không” này trong 2 năm. Lâu dần, anh nghĩ là anh đã đạt đến một trạng thái tâm thức nhất định nào đó, nhưng vị thầy của anh nhận xét: “Anh vẫn chưa vào được.”

Kusuda tiếp tục tập trung nỗ lực thêm một năm rưỡi nữa. Tâm hồn anh trở nên tĩnh lặng. Mọi vấn đề đều tan biến. “Cái không” trở thành chân lý. Anh chữa trị cho bệnh nhân rất tốt, và không biết từ lúc nào anh đã không còn bận tâm đến chuyện sống chết.

Và khi anh đến thăm ngài Nan-in, vị lão sư này chỉ mỉm cười.

Viết sau khi dịch
Kusuda đến với thiền chỉ vì sự tò mò: Sao người ta lại có thể không sợ chết? Ngài Nan-in dạy anh rằng thiền là lấy từ tâm chăm sóc bệnh nhân thật tốt. Và khi anh từ chối lời dạy đó, ngài bảo anh về nghiền ngẫm một chữ “không”. Những sự việc này dường như đều rời rạc và chẳng có liên quan gì đến nhau. Toàn bộ công phu ba năm rưỡi của Kusuda hóa ra chỉ là để liên kết những vấn đề rời rạc này lại với nhau. Vì thế, cuối cùng thì anh cũng đã thấy được “cái không” hiển hiện trong cuộc sống, đã chăm sóc bệnh nhân thật tốt và không còn bận tâm lo nghĩ đến vấn đề sống chết. Không cần nói ra, nhưng khi liên kết được tất cả những vấn đề này thành một mối thì anh đã hiểu được thiền là gì. Nghệ thuật chỉ giáo của ngài Nan-in chính là ở chỗ: nói ít, hiểu nhiều!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 19: 18. Ngụ ngôn Nguyên Minh dịch và chú giải Trong kinh điển, Đức Phật có kể lại một ngụ ngôn như sau:

Một người băng qua cánh đồng và gặp một con cọp. Anh ta bỏ chạy, con cọp đuổi theo. Chạy đến một bờ vực sâu, anh ta nắm chặt lấy một cái rễ dây leo và buông mình xuống vực. Con cọp đứng trên bờ vực gầm gừ ngó xuống. Run rẩy, anh ta nhìn xuống đáy vực và thấy một con cọp khác đang chờ để đớp lấy anh! Anh chỉ còn bám víu duy nhất vào sợi dây leo.

Nhưng rồi hai con chuột xuất hiện, một trắng một đen, bắt đầu gặm đứt dần từng chút một vào sợi dây leo. Anh ta chợt nhìn thấy một trái dâu rừng chín mọng ngon lành ở gần đó. Một tay nắm chặt sợi dây leo, anh ta đưa tay kia với hái lấy trái dâu. Ôi trái dâu thơm ngọt biết bao!

Viết sau khi dịch
Không chỉ ở bên trên và bên dưới, mà cuộc sống quanh ta bốn phương tám hướng đều là những con cọp hung dữ, sẵn sàng đẩy ta vào địa ngục để nhận chịu những ác nghiệp đã tạo ra. Sợi dây leo mong manh mà ta đang nắm lấy là mạng sống được duy trì trong từng hơi thở này, vốn dĩ thở ra không hẹn thở vào! Nhưng hai con chuột thời gian ngày và đêm đang kiên trì gặm đứt dần mạng sống, vì mỗi ngày trôi qua ta càng đến gần hơn với cái chết. Thế mà trái dâu ngũ dục vẫn làm cho ta ngày ngày vui thích, say mê không thức tỉnh. Ăn ngon, mặc đẹp, sắc dục, tiền tài... Nếu biết đó chỉ là một trái dâu rừng trong lúc mạng sống đang nguy cấp, sao còn có thể say mê quên cả hiểm nguy?

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 20: 19. Kiệt tác Nguyên Minh dịch và chú giải Khi đến thăm chùa Ơbaku[28] ở Kyoto, người ta có thể nhìn thấy ngay dòng chữ khắc trên cổng chùa: “Đệ Nhất Đế”. Những chữ này cực kỳ lớn và luôn được những người yêu thích nghệ thuật thư pháp ngưỡng mộ như một kiệt tác. Chúng được thiền sư Kosen[29] viết ra từ hai trăm năm trước.

Khi vị thiền sư viết những chữ này, ngài đã viết trên giấy, và từ mẫu chữ trên giấy, những người thợ mới khắc lại thành chữ lớn hơn trên gỗ. Trong khi ngài viết, có một chú tiểu bướng bỉnh luôn ở bên cạnh và giúp ngài mài rất nhiều mực để viết những chữ này. Chú học trò nhỏ bao giờ cũng tìm ra được một điểm nào đó để phê phán chính xác tác phẩm của thầy. Ngay từ bức đầu tiên chú đã nói: “Không đẹp!” Qua một bức khác, vị thầy hỏi: “Bức này thế nào?” Chú kêu lên: “Tồi quá! Còn tệ hơn cả bức trước.”

Ngài Kosen vẫn kiên nhẫn viết hết bức này đến bức khác, cho đến khi đã chất chồng đến 84 bức mà vẫn không được chú học trò tán thưởng.

Rồi khi chú học trò nhỏ có việc phải bước ra ngoài trong chốc lát, ngài Kosen liền nghĩ: “Đây chính là cơ hội để ta tránh được đôi mắt tinh nhạy của nó.” Và ngài phóng bút một cách vội vã, hoàn toàn tập trung vào nét bút, viết ngay ba chữ “Đệ Nhất Đế”.

Chú học trò nhỏ trở vào reo lên: “Ồ! Kiệt tác!”

Viết sau khi dịch
Khi đọc câu chuyện này, hầu hết chúng ta đều thán phục thiền sư Kosen đã tạo ra một kiệt tác có một không hai lưu truyền mãi đến ngày nay, nhưng ít ai trong chúng ta nhận ra rằng chính chú tiểu vô danh trong câu chuyện đã góp phần quyết định trong việc tạo ra kiệt tác này.

Đây chắc chắn là một chú tiểu có thiên tư bẩm sinh cực kỳ bén nhạy, vì chú đã liên tục đưa ra được những phê phán chuẩn xác khiến cho vị thầy của chú không sao bảo vệ được tác phẩm của mình. Nếu chú chỉ khen chê một cách tùy tiện, chắc chắn thầy chú đã không ngần ngại thưởng cho chú một gậy và đuổi cổ ra ngoài để ông dễ dàng tập trung vào công việc. Nhưng vì ông cũng thừa nhận chú có “đôi mắt tinh nhạy” nên vẫn kiên trì chấp nhận những lời phê phán của chú. Và điều này được xác định một cách chắc chắn qua việc chính chú là người đầu tiên thừa nhận tác phẩm (thứ 85) của ngài Kosen là một kiệt tác. Hai trăm năm trôi qua và tất cả mọi người đều đồng ý với chú.

Và cũng chính chú là người tạo ra tâm trạng thích hợp để ngài Kosen thực hiện tác phẩm. Sau 84 lần “bị chê”, vị thiền sư đã trở nên e dè trước đôi mắt tinh nhạy của chú, và ngài vui mừng nắm lấy cơ hội chú học trò nhỏ vắng mặt trong chốc lát để cố gắng hoàn tất tác phẩm trước khi chú bé trở vào. Vì thế, ngài đã phóng bút một cách vội vã và tâm trí không một chút xao lãng, hoàn toàn tập trung, cố viết cho xong ba chữ “Đệ Nhất Đế” trước khi chú học trò nhỏ trở vào. Chính trong tâm trạng tập trung hoàn toàn đó mà tác phẩm này được ra đời. 

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 21: 20. Lời khuyên của mẹ Nguyên Minh dịch và chú giải Jiun là một bậc thầy thuộc tông Shingon[30] của Nhật và là một học giả Phạn ngữ lỗi lạc vào thời đại Tokugawa.[31]

Khi còn trẻ, ngài thường có những buổi giảng pháp cho các huynh đệ đồng tu. Mẹ ngài nghe biết việc này liền viết cho ngài một lá thư như sau:

“Này con, mẹ không cho rằng con hiến mình vào cửa Phật chỉ vì mong muốn được trở thành một cuốn từ điển sống cho kẻ khác. Tri thức và sự giảng giải là không cùng, cũng giống như những vinh quang và sự tôn kính. Mẹ muốn con hãy thôi ngay việc thuyết giảng. Hãy tự giam mình trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng núi non xa xôi hẻo lánh. Hãy dành trọn thời gian cho việc tu thiền và qua đó đạt đến sự giác ngộ chân thật.”

Viết sau khi dịch
Có một người mẹ như thế, xem như ngài Jiun đã có đến hai vị thầy!

Lời khuyên này quả thật có thể dành cho bất cứ ai đang lún sâu trong vũng lầy tri thức mà quên đi mục tiêu tối hậu của người tu tập chính là sự giải thoát rốt ráo. Đức Phật gọi đây là “sở tri chướng” và đã từng cảnh báo rằng: “Quảng văn bác học nan độ!” (Người học nhiều biết rộng thật khó hóa độ!)

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 22: 21. Âm thanh của một bàn tay Nguyên Minh dịch và chú giải Vị Viện chủ của thiền viện Kennin[32] là Mokurai, trong tiếng Nhật có nghĩa là “tiếng sấm im lặng”. Ngài có nhận giáo dưỡng một chú đệ tử nhỏ tên là Toyo, chỉ mới 12 tuổi.

Chú bé Toyo thấy các thiền sinh lớn tuổi đến phương trượng của thầy mỗi buổi sáng và tối để được thầy hướng dẫn qua hình thức tham vấn riêng (sanzen),[33] tức là những lời dạy dành riêng cho từng người, qua đó họ được trao cho những công án để đối trị sự vọng động của tâm ý.

Toyo ao ước mình cũng được dự các buổi tham vấn riêng như vậy. Nhưng thầy Mokurai nói: “Đợi đã, con còn nhỏ quá!”

Nhưng chú nhỏ một mực nài nỉ nên cuối cùng vị thầy cũng ưng thuận.

Trời vừa tối, chú bé Toyo đến đứng trước cửa phòng tham vấn của thầy vào lúc thích hợp. Chú thông báo sự có mặt của mình bằng cách đánh cồng, rồi cúi lễ ba lần từ ngoài cửa một cách cung kính và bước vào ngồi xuống trước mặt thầy, cung kính giữ im lặng.

Thầy Mokurai dạy: “Con có thể nghe được âm thanh của 2 bàn tay khi vỗ vào nhau. Bây giờ hãy cho thầy biết âm thanh của một bàn tay.”

Toyo lễ bái thầy và trở về phòng để suy ngẫm vấn đề này. Qua cửa sổ phòng, chú nghe vọng vào tiếng nhạc của những cô kỹ nữ. Chú reo lên: “A! Ta đã biết rồi.”

Chiều tối hôm sau, khi vị thầy bảo chú diễn tả âm thanh của một bàn tay, Toyo liền bắt đầu chơi nhạc như các cô kỹ nữ.[34]

Thầy Mokurai nói: “Không, không phải! Như thế hoàn toàn không được! Đó không phải là âm thanh của một bàn tay. Con chưa hiểu gì cả!”

Nghĩ rằng tiếng nhạc như thế có thể làm rối trí mình, chú bé Toyo liền dời đến ở một nơi yên tĩnh. Chú lại tiếp tục suy tư. “Cái gì có thể là âm thanh của một bàn tay?” Tình cờ, chú nghe được tiếng nước đâu đó đang nhỏ giọt tí tách. Toyo ngỡ rằng mình đã hiểu được vấn đề.

Lần tham vấn tiếp theo, chú liền bắt chước tiếng nước nhỏ giọt tí tách.

Thầy Mokurai hỏi: “Gì thế? Đó là âm thanh của nước nhỏ giọt, nhưng không phải âm thanh của một bàn tay. Hãy cố lên!”

Toyo tiếp tục suy ngẫm một cách vô vọng về âm thanh của một bàn tay. Chú nghe tiếng gió thổi rì rào. Nhưng âm thanh này cũng không được chấp nhận.

Chú lại nghe tiếng cú kêu. Âm thanh này cũng không được.

Âm thanh của một bàn tay cũng không phải tiếng động của những con châu chấu!

Đã hơn 10 lần chú bé Toyo đến trình với thầy Mokurai những âm thanh khác nhau. Tất cả đều không đúng. Rồi trong suốt gần một năm, chú nghiền ngẫm mãi không biết âm thanh của một bàn tay có thể là gì.

Cuối cùng, chú bé Toyo đạt đến trạng thái nhập vào chánh định và vượt qua được tất cả âm thanh. Về sau chú giải thích: “Tôi không thể thu thập thêm một loại âm thanh nào nữa cả, vì thế tôi đạt đến âm thanh vô thanh.”

Toyo đã nhận biết được âm thanh của một bàn tay!

Viết sau khi dịch
Mắt thấy, tai nghe, lưỡi nếm... đều là những cửa ngõ giao tiếp giữa tâm thức với trần cảnh. Vì tâm phân biệt chịu trói buộc nên trần cảnh cũng có sự phân vạch và giới hạn. Bồ Tát Quán Thế Âm từ nơi chính cửa ngõ nhĩ căn mà đạt đến sự chứng ngộ vạn pháp viên dung, lục căn diệu dụng. Âm thanh trong tu tập được sử dụng như một phương tiện, vì thế tất yếu phải có một khoảng cách nhất định với mục đích cứu cánh. Công phu vượt qua khoảng cách ấy chính là để biến phương tiện trở thành đồng nhất với cứu cánh, âm thanh và tai nghe cũng chỉ là một, nên âm thanh trở thành vô thanh và được cảm nhận không phải bằng nhĩ căn mà bằng chính tâm thức giác ngộ. Đó là âm thanh của một bàn tay!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 23: 22. Trái tim bốc lửa Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Soyen Shaku[35] là vị thiền sư Nhật đầu tiên đến Hoa Kỳ. Ngài thường nói rằng: “Trái tim tôi bốc lửa nhưng đôi mắt tôi lạnh như tro tàn.” Ngài đã đặt ra những quy tắc sau đây để tự mình áp dụng trong suốt cả cuộc đời.

1.   Buổi sáng, thắp hương và thiền định trước khi thay y phục.

2.   Nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Ăn uống cũng có giờ giấc, điều độ và không bao giờ ăn đến mức no bụng.

3.   Khi tiếp khách vẫn giữ thái độ (tự nhiên) như khi ở một mình, và khi ở một mình vẫn giữ thái độ (cẩn trọng) như khi tiếp khách.

4.   Thận trọng trong lời nói, và nói ra thế nào thì phải thực hành như thế ấy.

5.   Khi cơ hội đến đừng để vuột qua mất, nhưng phải luôn suy nghĩ cẩn trọng trước khi hành động.

6.   Đừng nuối tiếc quá khứ. Hãy hướng về tương lai.

7.   Giữ thái độ không sợ sệt của một bậc anh hùng với trái tim yêu thương của đứa trẻ thơ.

8.   Khi đi ngủ, hãy ngủ như đó là giấc ngủ cuối cùng. Khi thức dậy, lập tức rời khỏi giường ngủ như vất bỏ một đôi giày cũ.

Viết sau khi dịch
Sống với một trái tim sôi sục nhiệt huyết và đôi mắt nhìn đời lạnh lẽo như tro tàn; sống với thái độ dũng cảm gan dạ của bậc anh hùng và trái tim vô tư yêu thương của trẻ thơ; đó là những điều chỉ có thể tìm thấy ở một thiền sư mà thôi. Những điều khác đều giúp ta thúc liễm thân tâm, hành xử đúng đắn, nhưng thiếu đi hai phẩm chất tiêu biểu này thì khó mà tin được đó có thể là một vị thiền sư!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 24: 23. Lên đường Nguyên Minh dịch và chú giải Khi vị ni sư Eshun[36] đã qua tuổi 60 và sắp rời bỏ cõi đời này, bà nhờ mấy vị tăng chất một đống củi ở giữa sân.

Và sau khi đã lên ngồi vững vàng giữa giàn hỏa, ni sư cho đốt lửa lên từ bốn phía.

Một vị tăng la lên: “Sư bà ơi! Trên đó có nóng không?”

Ni sư Eshun trả lời: “Chỉ kẻ ngốc như ông mới quan tâm đến chuyện như thế!”

Ngọn lửa bốc lên cao và lão ni sư viên tịch.

Viết sau khi dịch
Đói no, nóng lạnh, sướng khổ, buồn vui... những điều đó mỗi chúng ta đều đã từng trải qua, nhưng rốt cuộc chúng chẳng để lại gì trong ta ngoài một cuộc truy tìm rong ruổi. Chỉ cần buông bỏ được thì mọi thứ đều trở nên tuyệt diệu, mọi hoàn cảnh đều có thể an nhiên tự tại. Công phu tu tập một đời chính là để đạt đến chỗ an nhiên tự tại này. Thế mà vị tăng kia chẳng quan tâm đến, lại chỉ muốn hỏi xem sư bà có bị nóng hay không! Vị lão ni sư đã đến lúc lên đường còn từ bi để lại lời dạy đủ cho ta chiêm nghiệm suốt một đời!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 25: 24. Tụng kinh Nguyên Minh dịch và chú giải Một nông dân thỉnh vị tăng phái Tendai đến tụng kinh cầu nguyện cho vợ anh ta vừa mới chết. Sau khi thời kinh đã hoàn mãn, người nông dân hỏi: “Thầy có nghĩ là vợ tôi sẽ được hưởng phước nhờ việc tụng kinh này không?”

Vị tăng đáp: “Không chỉ riêng vợ ông, mà tất cả chúng sinh hữu tình đều sẽ được lợi lạc nhờ vào việc tụng kinh.”

Người nông dân liền nói: “Nếu thầy bảo rằng tất cả chúng sinh hữu tình đều được hưởng lợi, thì có lẽ những người khác sẽ giành hết phần lợi lạc mà vợ tôi đáng ra được hưởng, vì bà ấy vốn yếu ớt lắm. Vì thế, xin thầy làm ơn tụng kinh riêng cho bà ấy thôi.”

Vị tăng giải thích rằng, tâm nguyện của một người Phật tử là phải cầu phúc và hồi hướng công đức đến cho tất cả chúng sinh.

Người nông dân kết luận: “Thầy dạy như thế là chí phải, nhưng xin thầy cho một ngoại lệ. Có tên hàng xóm đối với tôi rất thô lỗ và tồi tệ, thầy hãy loại hắn ra khỏi số tất cả chúng sinh đó!”

Viết sau khi dịch
Hẳn có không ít người sẽ chê cười anh nông dân với ý tưởng ngây ngô và hẹp hòi đến thế. Nhưng bình tâm xét lại, trong tất cả chúng ta liệu có mấy người thực sự thoát khỏi được sự ngây ngô và hẹp hòi này? Chỉ là với những hình thức tinh tế, khó nhận biết hơn đó thôi!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 26: 25. Thêm ba ngày nữa Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Suiwo,[38] đệ tử của ngài Hakuin, là một bậc thầy giỏi. Trong một khóa tu mùa hè, có một thiền sinh từ một đảo phía nam nước Nhật tìm đến học với ngài.

Suiwo trao cho anh ta một công án: “Hãy nghe âm thanh của một bàn tay.”

Người đệ tử ở lại đó 3 năm mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Một đêm nọ, anh ta nước mắt đầm đìa tìm đến thầy Suiwo: “Bạch thầy! Con phải trở về nam trong sự xấu hổ và ngượng ngập vì không sao giải quyết được vấn đề này.”

Ngài Suiwo khuyên: “Con hãy ở lại thêm một tuần nữa và cố gắng thiền định miên mật.” Nhưng người đệ tử vẫn không chứng ngộ.

Vị thầy lại bảo: “Hãy cố thêm một tuần nữa.” Người đệ tử vâng lời, nhưng vẫn không đạt được gì.

“Hãy gắng thêm một tuần nữa.” Nhưng rồi vẫn không kết quả. Thất vọng, người đệ tử khẩn khoản xin được ra về, nhưng ngài Suiwo yêu cầu anh ta tiếp tục thiền định trong 5 ngày nữa. Vẫn không có kết quả gì.

Khi ấy, vị thầy liền dạy: “Con hãy thiền định thêm 3 ngày nữa, và nếu không đạt được sự chứng ngộ thì tốt hơn con nên tự sát đi.”

Vào ngày thứ hai, người đệ tử chứng ngộ.

Viết sau khi dịch
Vào đầu chuyện đã thấy nói rằng Suiwo là một thiền sư giỏi. Điều đó được chứng minh qua phương cách ngài dắt dẫn một người đệ tử tưởng như đã hoàn toàn không còn hy vọng: thật ân cần, nhẫn nại và cũng không kém phần quyết liệt, dứt khoát. Chính những phẩm chất này của vị thầy đã giúp mang đến sự thành công cho người đệ tử.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 27: 26. Tranh biện Nguyên Minh dịch và chú giải Nếu thắng được trong cuộc tranh biện về Phật pháp với những vị tăng sống trong một thiền viện, thì bất cứ vị tăng hành cước nào cũng sẽ được quyền trú ngụ trong thiền viện đó. Nhưng nếu thất bại, vị ấy sẽ phải tiếp tục ra đi.

Trong một thiền viện ở miền bắc nước Nhật, có hai vị tăng cùng tu tập. Vị sư huynh thật uyên bác, nhưng người sư đệ rất ngốc nghếch và chột mắt.

Một vị tăng hành cước ghé lại thiền viện để xin trú ngụ, theo đúng thông lệ nên đề nghị một cuộc tranh biện về Chánh pháp. Hôm ấy, vị sư huynh sau một ngày học tập đã quá mỏi mệt nên bảo người sư đệ hãy thay thế mình. Ông dặn dò: “Hãy đến đó và yêu cầu một cuộc tranh biện không dùng lời.”

Thế là người sư đệ cùng vị khách tăng đến trước điện thờ và ngồi xuống.

Không lâu sau đó, khách tăng đứng dậy, đi đến chỗ vị sư huynh và nói: “Sư đệ của ngài thật tuyệt vời. Ông ấy đã thắng được tôi.”

Vị sư huynh bảo: “Hãy kể cho ta nghe cuộc tranh biện.”

Vị khách tăng giải thích: “Vâng, trước hết tôi đưa lên một ngón tay, tượng trưng cho đức Phật, bậc giác ngộ. Thế là ông ấy đưa lên hai ngón tay, muốn chỉ đến đức Phật và giáo pháp của ngài. Tôi liền đưa lên ba ngón tay, tiêu biểu cho đức Phật, giáo pháp của ngài và chư tăng, những người luôn sống đời hòa hợp. Ông ấy liền đưa bàn tay nắm chặt vào mặt tôi, ngụ ý rằng tất cả đều xuất phát từ một sự chứng ngộ. Như thế là ông ta đã thắng, nên tôi không được quyền trú ngụ lại đây.” Nói xong, vị khách tăng ra đi.

Ngay sau đó, người sư đệ chạy vội đến chỗ sư huynh và hỏi dồn: “Gã ấy đâu rồi?”

“Ta biết là sư đệ đã thắng rồi!”

“Không thắng gì cả! Em sẽ nện cho hắn một trận.”

Vị sư huynh hỏi: “Thế sư đệ đã tranh biện về điều gì?”

“Hừm! Ngay khi vừa thấy em là hắn đã đưa lên một ngón tay, xúc phạm em bằng cách ám chỉ rằng em chỉ có một mắt! Vì hắn là khách lạ, em nghĩ là nên đối xử lịch sự với hắn, nên em đưa lên hai ngón tay, chúc mừng hắn có đủ hai mắt. Thế là tên khốn bất nhã ấy liền đưa lên ba ngón tay, chỉ ra rằng cả hai người chỉ có ba con mắt! Thế là em nổi khùng lên và bắt đầu vung tay đấm hắn, nhưng hắn đã bỏ chạy và cuộc tranh biện kết thúc!”

Viết sau khi dịch
Nghe có vẻ khôi hài biết bao khi cùng một sự việc mà hai bên lại diễn giải theo hai cách trái ngược nhau. Đối với một người thì đó hoàn toàn là những điều hợp với Chánh pháp, trong khi đối với người kia thì thật không khác gì một cuộc tranh cãi trong đám hạ lưu hỗn tạp. Tất cả đều xuất phát từ những nền tảng tri thức và quan điểm khác nhau. Và nếu hiểu được như thế, ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra rằng trong cuộc sống quanh ta vẫn thường có vô số những trường hợp khôi hài tương tự như thế!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 28: 27. Âm hưởng của niềm vui Nguyên Minh dịch và chú giải Sau khi ngài Bankei[39] viên tịch, một người mù sống gần ngôi chùa của ngài nói với người bạn ông ta:

“Vì mù nên tôi không thể quan sát vẻ mặt của người khác, bởi vậy tôi phải phán đoán cá tính con người thông qua giọng nói. Thông thường, khi tôi nghe ai đó chúc mừng người khác nhân một dịp vui mừng hay một sự thành công, tôi cũng nghe được âm hưởng ghen tỵ tiềm ẩn trong đó. Khi người ta bày tỏ sự chia buồn với nỗi bất hạnh của kẻ khác, tôi cũng nghe được âm hưởng khoái chí và hài lòng, như thể người chia buồn ấy thực ra đang vui mừng vì có điều gì đó vẫn còn lại trên thế gian này để bản thân anh ta có thể chiếm được.

“Tuy nhiên, với tất cả kinh nghiệm của mình, tôi thấy giọng nói của ngài Bankei là luôn luôn chân thật! Khi ngài bày tỏ niềm vui, tôi không nghe được âm hưởng nào khác ngoài sự vui mừng; và khi ngài bày tỏ nỗi buồn, tôi chỉ nghe duy nhất sự buồn bã mà thôi!”

Viết sau khi dịch
Điều mà người mù này nhận ra, có lẽ mỗi chúng ta cũng có thể nhận ra. Khi sự chấp ngã vẫn ngự trị trong tâm ta thì hầu như mọi “người khác” đều là đối nghịch! Cái “được” của bất cứ ai đó cũng đều là cái “mất” của ta, và cái “mất” của bất cứ ai đó cũng đều tạo ra cơ hội cho cái “được” của ta! Vì thế, trong mối quan hệ chằng chịt được xây dựng trên nền tảng của cái “bản ngã” luôn cần được bảo vệ, vun bồi này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể diễn đạt được một âm hưởng thuần túy của niềm vui!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 29: 28. Hãy mở kho báu của chính mình Nguyên Minh dịch và chú giải Ở Trung Hoa, Thiền sư Đại Châu[40] đến ra mắt ngài Mã Tổ.[41] Mã Tổ hỏi: “Ông tìm cầu gì?”

Ngài Đại Châu đáp: “Con cầu giác ngộ.”

Mã Tổ hỏi: “Ông tự có kho báu của riêng mình, sao còn tìm kiếm bên ngoài?”

Đại Châu thưa hỏi: “Chẳng biết kho báu của con ở đâu?”

Mã Tổ đáp: “Cái mà ông đang dùng để hỏi ta đó chính là kho báu của ông.”

Ngài Đại Châu nhân đó chứng ngộ! Từ đó về sau, ngài luôn thúc giục những bạn đồng tu của mình: “Hãy mở kho báu của chính mình mà dùng.”[42]

Viết sau khi dịch
Kho báu quý giá mỗi người đều sẵn có nhưng hầu hết đều rong ruổi tìm cầu đó đây mà không chịu quay về tự mở. Ngài Mã Tổ cũng có nói: “Tức tâm tức Phật.” Mỗi người đều có tâm, nên ai ai cũng có thể thành Phật! Vấn đề là làm sao để tâm ấy thành Phật? Tuy đây không phải là việc dễ dàng, nhưng dù sao cũng phải biết được đúng chỗ để tìm. Nếu hướng mãi ra bên ngoài tìm cầu, khác nào người mài gạch muốn thành gương soi?

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 30: 29. Không còn trăng trong nước Nguyên Minh dịch và chú giải Ni sư Chiyono[43] theo học với thiền sư Bukko ở Engaku trong một thời gian rất lâu mà vẫn không đạt được kết quả.

Cuối cùng, vào một đêm trăng sáng, bà đang xách nước với một cái thùng cũ đan bằng nan tre thì những nan tre chợt đứt rời và đáy thùng rơi xuống. Ngay lúc ấy, ni sư Chiyono đạt được sự giải thoát!

Để ghi nhớ sự kiện này, ni sư viết một bài kệ như sau:

Ta đã tìm mọi cách để giữ lại chiếc thùng cũ,
Vì những sợi nan tre đã yếu ớt và sắp đứt,
Cho đến cuối cùng rồi đáy thùng cũng rơi mất.
Không còn nước trong thùng!
Không còn trăng trong nước!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 31: 30. Thiếp báo danh Nguyên Minh dịch và chú giải Ngài Keichu[44] là một thiền sư lỗi lạc thời Minh Trị, trụ trì ngôi chùa lớn Tofuku ở Kyoto. Một hôm, vị thống đốc Kyoto lần đầu tiên đến viếng thăm ngài.

Người thị giả trình tấm danh thiếp của viên thống đốc, trên đó ghi: “Kitagaki, Thống đốc Kyoto”.

Thiền sư Keichu bảo người thị giả: “Ta chẳng liên quan gì đến người này. Bảo ông ta rời khỏi đây ngay.”

Người thị giả mang trả tấm danh thiếp với lời xin lỗi.

Viên thống đốc nói: “Đó là lỗi của tôi.”

Rồi ông ta lấy bút chì gạch bỏ ngay dòng chữ “Thống đốc Kyoto” và nói: “Xin thưa lại với sư phụ lần nữa.”

Lần này, thiền sư vừa nhìn thấy tấm danh thiếp đã kêu lên: “Ồ, là Kitagaki đó sao? Ta muốn gặp ông ta.”

Viết sau khi dịch
Có quan trọng gì một cái tên gọi mà khiến cho thiền sư phải thay đổi thái độ? Bởi vì xét cho cùng, khi người ta biết thay đổi danh xưng thì chứng tỏ họ đã biết phải ứng xử như thế nào là thích hợp.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 32: 31. Chỉ có loại tốt nhất Nguyên Minh dịch và chú giải Khi thiền sư Banzan[45] đi qua một khu chợ, ngài tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa một người hàng thịt với khách hàng.

Người mua nói: “Cho tôi một phần thịt tốt nhất ở đây.”

Người hàng thịt đáp lại: “Ở đây món nào cũng là tốt nhất cả! Quý khách không thể tìm thấy ở đây bất cứ miếng thịt nào mà không thuộc loại tốt nhất!”

Nghe qua những lời này, ngài Banzan bỗng chứng ngộ!

Viết sau khi dịch
Dưới mắt người bán thịt thì tất cả các món thịt của anh ta đều là tốt nhất! Dưới mắt vị thiền sư chứng ngộ thì tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giải thoát! Bởi vậy cho nên: “Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân!”

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 33: 32. Mỗi khắc một phân vàng Nguyên Minh dịch và chú giải Một lãnh chúa đến nhờ thiền sư Takuan chỉ dạy cho một cách nào đó để tiêu khiển thời gian. Ông ta cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều dài lê thê khi phải luôn dự vào những buổi triều kiến và ngồi ngây ra như tượng gỗ để nhận sự lễ kính của người khác.

Thiền sư Takuan viết 8 chữ Hán trao cho ông ta, với ý nghĩa như sau:

Ngày đi không trở lại,
Mỗi khắc một phân vàng.
Thời gian trôi đi mãi,
Mỗi phút quý vô vàn!

Viết sau khi dịch
“Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!” Thật vậy, ai cũng muốn sống lâu muôn tuổi, nhưng ít ai nghĩ đến việc sẽ làm gì nếu thực sự có được quãng thời gian đó! Và trong thực tế thì ngày dài nhất là ngày không có việc gì để làm. Bởi thế, người bận rộn nhất chính là người không biết sẽ làm gì vào ngày mai; và ngược lại, người thảnh thơi nhất là người biết chắc mình sẽ làm gì hôm nay, ngày mai và mãi mãi!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 34: 33. Bài học bàn tay Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Mokusen Hiki đang sống ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Tamba. Một trong các vị thí chủ của chùa thường than phiền về tính keo kiệt của người vợ ông ta.

Ngài Mokusen liền đến thăm nhà bà vợ keo kiệt này và nắm chặt bàn tay thành nắm đấm đưa ra trước mặt bà.

Người đàn bà ngạc nhiên hỏi: “Ngài làm thế có ý gì?”

Thiền sư hỏi: “Nếu bàn tay ta cứ nắm chặt lại như thế này mãi, bà sẽ gọi là gì?”

Người đàn bà trả lời: “Như thế là dị dạng.”

Thiền sư liền xòe bàn tay đưa lên trước mặt bà và hỏi: “Nếu bàn tay ta lại cứ mở ra như thế này mãi, bà sẽ gọi là gì?”

Bà vợ này đáp: “Là một kiểu dị dạng khác.”

Vị thiền sư kết luận: “Nếu bà hiểu rõ được điều đó thì bà là một người vợ hiền.”

Rồi thiền sư ra về.

Sau lần viếng thăm của ngài, bà vợ này đã biết giúp chồng trong việc bố thí cũng như dành dụm.

Viết sau khi dịch
Nắm được, buông được mới thật là người hiểu biết! Việc tốt đẹp đến đâu mà cứ cố chấp một mực không thay đổi thì cũng không thể mang lại kết quả tốt đẹp. Vì thế, bài học của thiền sư Mokusen không chỉ chuyển hóa được bà vợ keo kiệt này, mà còn có thể được ứng dụng trong rất nhiều trường hợp khác!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 35: 34. Nụ cười cuối đời Nguyên Minh dịch và chú giải Trước ngày thiền sư Mokugen[46] viên tịch, chưa có ai từng được thấy ngài mỉm cười trước đó. Khi sắp đến giờ viên tịch, ngài bảo các đệ tử thân cận nhất: “Các con đã theo học với ta hơn mười năm rồi. Hãy bày tỏ cho ta thấy các con thực sự hiểu gì về thiền. Ai có thể trình bày sáng tỏ nhất sẽ là người kế tục và được nhận y bát của ta.”

Mọi người đều theo dõi khuôn mặt nghiêm nghị của thiền sư, nhưng không ai trả lời.

Thế rồi Encho, một đệ tử đã từng theo học rất lâu năm, bước đến gần giường thầy. Ông đẩy chén thuốc về phía trước mấy phân. Đây là câu trả lời của ông để đáp lại lời thầy.

Khuôn mặt vị thầy càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngài hỏi: “Có phải đó là tất cả những gì con hiểu?”

Encho với tay lấy cái chén và đưa về chỗ cũ.

Một nụ cười tươi bừng nở trên khuôn mặt thiền sư Mokugen. Ngài bảo Encho: “Thằng nhãi ranh! Con nỗ lực với ta đã mười năm rồi mà chưa từng thấy được toàn thân ta. Hãy nhận lấy y bát! Những thứ ấy thuộc về con.”

Viết sau khi dịch
Một nụ hoa chỉ nở một lần trong suốt cuộc đời, sao có thể không là hoa đẹp? Sống với nhau mười năm mà thầy chẳng biết trò, trò chẳng hiểu thầy, làm sao có thể cười tươi được? Cũng may, trước giờ nhắm mắt còn được “thằng nhãi ranh” nhìn thấu ruột gan, kể cũng đáng một đời tận tụy!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 36: 35. Thiền miên mật Nguyên Minh dịch và chú giải Các thiền sinh thường theo học với thầy ít nhất là mười năm mới được xem là có thể chỉ dạy người khác. Thiền sư Tenno đã trải qua giai đoạn này và trở thành một bậc thầy. Một hôm, ngài đến viếng thiền sư Nan-in.[47]

Tình cờ, hôm ấy lại là một ngày mưa suốt nên ngài Tenno phải đi guốc gỗ và mang theo dù. Sau khi chào hỏi, thiền sư Nan-in nói: “Tôi nghĩ là ông đã để guốc lại bên ngoài tiền sảnh. Tôi muốn biết ông đã đặt cái dù bên phải hay bên trái đôi guốc.”

Ngài Tenno lúng túng, không có câu trả lời ngay. Ngài nhận ra ngay là mình chưa có khả năng thực hành thiền một cách miên mật. Ngài trở thành học trò của thiền sư Nan-in và tu tập thêm 6 năm nữa mới đạt được công phu thiền miên mật.

Viết sau khi dịch
Nói thiền là một môn học cũng đúng, nhưng dường như không đủ! Thiền chú trọng vào sự thực hành trong đời sống, nên dù học hiểu suốt đời cũng vẫn không có khả năng nhận biết được thiền. Dù vậy, thời gian tối thiểu mười năm sống với thầy, nếu không phải để học thì là gì? Chỉ nên nhớ rằng, với thiền thì sự học hỏi không thôi là chưa đủ, mà cần phải có sự vận dụng, thực hành trong đời sống, và phải là trong từng giây phút không gián đoạn.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 37: 36. Mưa hoa Nguyên Minh dịch và chú giải Ngài Tu-bồ-đề[48] là đệ tử Phật. Ngài có khả năng thấu triệt được tác động của tánh không, tức là sự quán chiếu rằng không có gì thực sự hiện hữu ngoài sự tương quan giữa chủ thể và khách thể.

Ngày kia, ngài Tu-bồ-đề đang ngồi dưới một cội cây, thể nhập vào trạng thái siêu việt của tánh không. Vô số những cánh hoa bắt đầu rơi xuống quanh ngài. Rồi có tiếng chư thiên thì thầm: “Chúng con đang xưng tán ngài vì đã thuyết giảng về tánh không.”

Ngài Tu-bồ-đề nói: “Nhưng ta chưa nói về tánh không.”

Chư thiên đáp lời: “Ngài chưa nói về tánh không, chúng con chưa nghe về tánh không. Đây mới là tánh không chân thật.

Và hoa lại rơi xuống như mưa phủ trên thân ngài!

Viết sau khi dịch
Người thuyết pháp chưa từng thuyết, người nghe pháp chưa từng nghe, đó mới thật là thuyết pháp! Trong kinh Kim cang, Phật dạy ngài Tu-bồ-đề rằng: “Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.” (Này Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp, không pháp nào có thể thuyết, đó gọi là thuyết pháp.) Nhưng không thuyết không nghe thì dựa vào đâu mà hiểu được? Cho nên, chỗ thuyết mà không thuyết đó mới chính là cái ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm nhất của Chánh pháp.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 38: 37. Ấn tống kinh điển Nguyên Minh dịch và chú giải Ngài Tetsugen[49] là một người Nhật đã dành trọn cuộc đời mình cho việc tu thiền. Vào thời ấy, kinh điển chỉ có ở dạng chữ Hán, và ngài quyết định thực hiện việc ấn tống kinh điển. Toàn bộ kinh điển sẽ được in bằng các bản khắc gỗ, với số bản in lên đến 7.000 bản. Quả là một công trình hết sức lớn lao.

Ngài Tetsugen khởi sự bằng cách đi khắp nơi quyên góp tiền cho công việc này. Cũng có một số ít người hiểu được ý nghĩa công trình và góp vào cả trăm đồng tiền vàng, nhưng đại đa số chỉ trao cho ngài những đồng xu nhỏ nhoi. Dù vậy, ngài bày tỏ một sự biết ơn như nhau đối với tất cả những người đã góp tiền. Sau mười năm dài, ngài Tetsugen đã nhận được đủ tiền để bắt đầu công việc.

Tình cờ vào lúc đó lại có một trận lụt lớn do nước sông Uji dâng cao, kéo theo sau là nạn đói. Ngài Tetsugen mang toàn bộ số tiền đã quyên góp được cho việc in kinh dành trọn vào việc cứu đói. Rồi ngài lại bắt đầu công việc quyên góp.

Nhiều năm sau đó, một trận dịch bệnh lan tràn khắp nước. Ngài Tetsugen lại dùng tất cả tiền đã quyên góp được để cứu giúp mọi người.

Và ngài lại bắt đầu việc quyên góp lần thứ ba. Sau hai mươi năm thì ý nguyện của ngài thành tựu. Các bản gỗ được dùng để in ra tạng kinh điển đầu tiên ngày nay vẫn còn được thấy tại chùa Ơbaku ở Kyoto.

Những người dân Nhật thường dạy con cái họ rằng, ngài Tetsugen đã thực hiện được đến ba bộ kinh, và hai bộ đầu tiên không thể nhìn thấy được nhưng còn hơn cả bộ thứ ba!

Viết sau khi dịch
Đức Phật để lại kinh điển với mục đích duy nhất là giúp tất cả mọi người được thoát khổ. Nhưng nếu người ta không biết động lòng trước cảnh khổ của người khác thì việc in ấn kinh điển phỏng có tác dụng gì? Một người bạn đang sống ở Hoa Kỳ kể với tôi rằng, khi nghe tin quê nhà xảy ra bão lụt, có một vị tăng đã bán cả ngôi chùa mình đang trụ trì để gửi tiền về nước cứu trợ! Khi đọc chuyện này, tôi bỗng dưng nhớ đến vị tăng ấy và thấy hết lòng khâm phục. Tiếc thay, vẫn còn không ít những nơi khác người ta bo bo giữ chặt hàng tỷ bạc để chuẩn bị cho việc xây cất đồ sộ hơn mà không nghĩ rằng những đồng tiền ấy có thể cứu giúp được rất nhiều người!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 39: 38. Ni sư Gisho Nguyên Minh dịch và chú giải Ni sư Gisho xuất gia từ khi mới mười tuổi. Khi ấy, dù là phái nữ nhưng bà vẫn phải chịu sự rèn luyện giống như các chú tiểu nam giới. Khi được mười sáu tuổi, bà bắt đầu đi khắp đó đây để tham học với tất cả các vị thiền sư.

Bà theo học với thiền sư Unzan trong ba năm, với thiền sư Gukei sáu năm, nhưng vẫn không đạt được một sự hiểu biết rõ ràng. Cuối cùng, bà tìm đến với thiền sư Inzan.

Cho dù bà là phái yếu, ngài Inzan cũng tỏ ra không một chút nương tay. Ngài quát mắng bà như sấm sét. Ngài đánh tát để làm thức tỉnh nội tâm của bà.

Ni sư Gisho theo học với ngài Inzan trong mười ba năm, và rồi rồi tìm ra được những gì bà đang tìm kiếm.

Để ngợi khen bà, ngài Inzan đã viết một bài kệ như sau:

Ni cô này theo học
Với ta mười ba năm.
Buổi tối cô nghiền ngẫm
Công án sâu sắc nhất.
Buổi sáng lại đắm chìm
Trong những công án khác.
Một ni sư người Hoa
Tên là Tetsuma,
Vượt trội hơn tất cả
Những người đi trước cô.
Kể từ Mujaku,
Chưa có ai chân thật
Như ni Gisho này!
Nhưng còn lắm cửa ải,
Để cô phải vượt qua.
Và còn phải nhận thêm,
Rất nhiều quả đấm thép!

Sau khi ni sư Gisho chứng ngộ, bà đi đến tỉnh Banshu lập nên thiền viện riêng của mình và dạy dỗ một ni chúng 200 người, cho đến khi bà viên tịch vào tháng tám một năm nọ!

Viết sau khi dịch
Từ khi xuất gia cho đến lúc thực sự được chỉ dạy về thiền, người phụ nữ này không hề nhận được bất cứ sự ưu ái nào dựa vào giới tính của mình. Quả thật cũng có phần bất công khi bà phải chịu đựng tất cả những gì mà một bậc mày râu phải nhận chịu, nhưng đây lại chính là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công trong sự nghiệp tu tập của bà! 

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 40: 39. Ngủ ngày Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Soyen Shaku[50] viên tịch vào năm 61 tuổi. Suốt cuộc đời mình, ngài đã để lại một sự nghiệp giáo huấn vĩ đại, rất nhiều hơn so với hầu hết các vị thiền sư khác. Các đệ tử của ngài thường ngủ gật ban ngày vào giữa mùa hè, và ngài luôn bỏ qua điều này cho họ, nhưng bản thân ngài thì lại không bao giờ chểnh mảng.[51]

Khi mới lên 12 tuổi, ngài đã theo học giáo lý triết học của tông Thiên Thai (Nhật). Vào một ngày mùa hè, khí trời quá oi bức đến nỗi cậu bé Soyen duỗi dài hai chân và ngủ thiếp đi khi thầy của cậu vừa đi vắng.

Trải qua ba giờ liền, rồi cậu bé giật mình thức giấc vừa lúc nghe tiếng chân thầy bước vào, nhưng đã quá trễ! Cậu đang nằm duỗi dài chắn ngang cửa ra vào.

“Thật xin lỗi con, thật xin lỗi con...” Thầy chú nói giọng thầm thì, thận trọng bước thật nhẹ nhàng ngang qua người chú như thể đó là một vị khách quý đặc biệt.

Kể từ sau lần này, Soyen không bao giờ ngủ vào buổi chiều nữa!

Viết sau khi dịch
Có hai phương cách qua đó người đệ tử kính nể vị thầy của mình. Một là nể sợ và hai là nể phục. Khi nể sợ thì tâm trạng sợ sệt đó có thể giảm nhẹ đi với thời gian trôi qua, nhưng với sự nể phục thì hầu như sẽ không bao giờ thay đổi. Vì thế, đây chính là phương cách chuyển hóa tốt nhất mà các bậc thầy có thể vận dụng với đệ tử của mình.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 41: 40. Trong cõi mộng Nguyên Minh dịch và chú giải Một người đệ tử của thiền sư Soyen Shaku kể rằng: “Mỗi ngày thầy chúng tôi thường chợp mắt một chút sau lúc giữa trưa.[52] Chúng tôi hỏi thầy vì sao lại ngủ trưa như vậy, và thầy bảo: ‘Ta đi vào trong cõi mộng để gặp các vị cổ thánh, cũng giống như Khổng Tử ngày xưa vậy.’ Khi đức Khổng Tử ngủ, ngài thường mơ thấy các vị cổ thánh và sau đó kể lại cho các đệ tử nghe về họ.

“Một ngày kia trời quá nóng bức nên một số người trong chúng tôi thiếp ngủ đi chốc lát. Thầy quở trách chúng tôi về việc đó. Chúng tôi liền biện bạch: ‘Chúng con đi vào cõi mộng để gặp các vị cổ thánh giống như Khổng Tử.’ Thầy chúng tôi liền vặn hỏi: ‘Thế các vị cổ thánh đã nói gì?’ Một người trong bọn chúng tôi trả lời: ‘Chúng con đã đi vào cõi mộng gặp các vị thánh và hỏi xem thầy có đến đó vào mỗi buổi trưa hay không, nhưng họ nói là chưa bao giờ gặp thầy cả!’”

Viết sau khi dịch
Thật là những chú học trò láu lỉnh! Hẳn là các chú không khỏi thì thầm với nhau rằng “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, hay cũng có thể nói là “hậu sinh khả úy”!

Nhưng thật ra thì sự suy yếu, mỏi mệt của cơ thể vào lúc tuổi già là điều không ai tránh khỏi, ngay cả các thiền sư cũng thế. Sự tinh cần nỗ lực có thể giúp họ giải thoát tâm thức khỏi mọi ràng buộc, nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi món nợ thân tứ đại. Mấy chú điệu nhỏ chưa hiểu thấu việc này, sao dám ngỗ nghịch xuất chiêu với thầy?

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 42: 41. Thiền Triệu Châu Nguyên Minh dịch và chú giải Ngài Triệu Châu[53] bắt đầu học thiền năm 60 tuổi và tiếp tục cho đến năm 80 tuổi thì chứng ngộ.[54]

Ngài giáo hóa đồ chúng từ năm 80 tuổi cho đến năm 120 tuổi.

Có lần, một thiền tăng thưa hỏi: “Nếu trong tâm con không có gì cả, con phải làm sao?”

Ngài Triệu Châu đáp: “Hãy vất bỏ nó đi.”

Thiền tăng lại hỏi tiếp: “Nhưng nếu con không có gì cả, làm sao vất bỏ?”

Ngài đáp: “À, thế thì làm theo nó vậy.”

Viết sau khi dịch
Nói rằng trong tâm có, là có những gì? Nói rằng trong tâm không, là không những gì? Nếu trả lời được thì thật ra là chẳng có chẳng không. Vì thấy rằng trong tâm không có gì cả nên thật ra là đang ôm giữ cái thấy như thế, ngài Triệu Châu mới dạy rằng phải vất bỏ đi. Nhưng khi quay lại muốn vất bỏ thì chẳng thấy có gì để vất bỏ! Đã thấy được như vậy rồi ắt phải thường giữ làm theo như vậy!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 43: 42. Người chết trả lời Nguyên Minh dịch và chú giải Trước khi thiền sư Mamiya trở thành một bậc thầy lỗi lạc, ngài có tìm đến tham vấn riêng với một vị thầy và được yêu cầu biện giải về âm thanh của một bàn tay.

Mamiya dồn hết tâm trí để nghĩ xem âm thanh của một bàn tay có thể là gì. Nhưng vị thầy của ngài bảo: “Con đã không nỗ lực đúng mức. Con còn bám víu quá nhiều vào chuyện ăn mặc, đồ vật, và cả âm thanh đó nữa. Tốt hơn là con nên chết đi, như thế hẳn có thể giải quyết được vấn đề.”

Lần sau đó, khi Mamiya tìm đến, vị thầy của ngài lại yêu cầu trình bày về âm thanh của một bàn tay. Ngay lập tức, ngài Mamiya ngã lăn ra như thể đã chết.

Vị thầy nhận xét: “Con chết đi cũng tốt, nhưng còn âm thanh ấy thì sao?”

Ngài Mamiya ngước nhìn lên và trả lời: “Con vẫn chưa giải quyết được việc đó.”

Vị thầy kết luận: “Người chết không nói được. Cút đi!”

Viết sau khi dịch
Người chết trong khi đang sống thì may ra có thể vượt qua được vấn đề, nhưng người sống trong khi đang chết thì chỉ là một kẻ đóng kịch, phỏng có ích gì? Ngài Mamiya đã hiểu lầm ý chỉ của vị thầy, nên không chịu chết khi đang sống mà lại chọn sống khi đang chết!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 44: 43. Thiền trong kiếp ăn mày Nguyên Minh dịch và chú giải Tosui là một thiền sư lỗi lạc thời bấy giờ. Ngài đã từng sống trong nhiều tự viện và giáo hóa ở nhiều nơi. Khi ngài trụ ở ngôi chùa cuối cùng, có quá nhiều người theo học đến nỗi ngài phải tuyên bố với họ là sẽ chấm dứt không giảng dạy gì nữa. Ngài khuyên họ nên giải tán và đi đến bất cứ nơi nào họ muốn. Từ đó về sau, không còn ai tìm được bất cứ dấu vết nào của ngài.

Sau đó 3 năm, một người trong số đệ tử bắt gặp ngài đang sống với mấy người ăn mày dưới một gầm cầu ở Kyoto. Ngay lập tức, người này khẩn khoản cầu xin ngài chỉ dạy.

Ngài Tosui đáp: “Nếu con có thể làm được như ta, dù chỉ trong vài ngày, may ra ta có thể dạy con.”

Thế là người đệ tử này liền ăn mặc giống như ăn mày và sống với ngài Tosui trong một ngày. Ngày hôm sau có một người ăn mày chết. Tosui và người đệ tử khiêng xác ông ta đi vào lúc nửa đêm và chôn cất trên một sườn núi. Sau đó, họ lại trở về chỗ ngụ dưới gầm cầu.

Từ đó đến sáng ngài Tosui ngủ say ngon lành, nhưng người đệ tử thì không sao chợp mắt. Sáng ra, ngài Tosui bảo: “Hôm nay chúng ta không cần phải đi xin ăn. Ông bạn vừa chết còn để lại ít thức ăn ở đằng kia.” Nhưng người đệ tử không tài nào nuốt trôi dù chỉ một miếng!

Ngài Tosui kết luận: “Ta đã nói là con không thể làm như ta. Hãy mau rời khỏi đây và đừng bao giờ quấy rầy ta nữa.”

Viết sau khi dịch
Sợi dây trói của thói quen, quan điểm và định kiến, không phải muốn dứt là có thể dứt ngay được! Người kia nếu làm được như ngài thì cần chi phải cầu xin được chỉ dạy? Nếu không làm được thì dù có chỉ dạy phỏng có ích gì? Ấy là do người đệ tử này tìm không đúng chỗ, không thể trách thiền sư không từ bi!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 45: 44. Dạy dỗ kẻ trộm Nguyên Minh dịch và chú giải Một buổi tối, thiền sư Shichiri Kojun đang tụng kinh thì có một tên trộm đột nhập, mang theo thanh gươm bén, bảo thiền sư hãy đưa tiền cho hắn nếu không sẽ bị giết chết.

Thiền sư Shichiri bảo hắn: “Đừng quấy rầy ta. Anh có thể lấy tiền trong ngăn kéo ở đằng kia.” Rồi ngài tiếp tục tụng kinh.

Một lát sau, ngài dừng lại và gọi tên trộm: “Này, đừng có lấy hết! Ta cần một ít để ngày mai nộp thuế.”

Tên trộm lấy gần hết số tiền và chuẩn bị chuồn đi. Ngài Shichiri nói thêm: “Nhận quà của người khác thì phải cảm ơn chứ, anh bạn!”

Tên trộm cảm ơn ngài và chuồn thẳng.

Mấy ngày sau, tên trộm bị bắt và nhận tội. Trong số những người đã bị trộm, hắn khai ra có ngài Shichiri. Khi ngài được mời đến để làm nhân chứng, ngài bảo: “Theo tôi thì người này không phải kẻ trộm. Tôi cho anh ta tiền và anh ta có cảm ơn tôi rồi.”

Sau khi mãn hạn tù, người ấy tìm đến ngài Shichiri và trở thành đệ tử của ngài.

Viết sau khi dịch
Không phải chỉ nói điều tốt là có thể làm cho người khác nghe theo, mà quan trọng hơn là phải tự mình làm được điều tốt. Thiền sư đã cảm hóa được một kẻ xấu bằng hành vi cao quý của mình, còn hơn cả sự tha thứ. Ngài đã xem kẻ trộm cũng là một con người, và là một người bạn cần giúp đỡ. Với cách đối xử ấy mà không cảm động được lòng người mới là điều khó hiểu!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 46: 45. Phân biệt đúng sai Nguyên Minh dịch và chú giải Khi ngài Bankei[56] mở những khóa tu thiền kéo dài nhiều tuần lễ, các thiền sinh từ nhiều vùng trên khắp nước Nhật đều đến tham dự. Giữa một khóa tu như vậy, có một thiền sinh trộm đồ bị bắt quả tang. Vấn đề được trình lên ngài Bankei với yêu cầu trục xuất kẻ phạm tội. Ngài Bankei phớt lờ đi.

Sau đó, thiền sinh này lại tái phạm rồi bị bắt một lần nữa, và ngài Bankei lại bỏ qua. Điều này khiến cho các thiền sinh khác tức giận. Họ liền viết một bản thỉnh nguyện, yêu cầu trục xuất kẻ trộm, nói rõ rằng nếu không thì tất cả bọn họ sẽ cùng nhau bỏ đi.

Sau khi đọc bản thỉnh nguyện, ngài Bankei cho gọi tất cả mọi người đến và nói: “Huynh đệ các con đều là những người khôn ngoan, biết phân biệt đúng sai. Nếu muốn thì các con có thể đi đến một nơi nào khác để tu tập. Nhưng người huynh đệ đáng thương này của các con thậm chí còn không biết phân biệt đúng sai, nếu ta không dạy dỗ thì ai sẽ dạy nó? Ta vẫn sẽ giữ nó lại đây, cho dù tất cả các con có bỏ ta mà đi.”

Một dòng lệ tuôn tràn trên khuôn mặt kẻ phạm tội. Bao nhiêu ham muốn dẫn đến hành vi trộm cắp đều tan biến!

Viết sau khi dịch
Cách nhìn nhận của ngài Bankei là hoàn toàn chính xác và hợp lý. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không biết cách nhìn nhận như thế trong cuộc sống. Thông thường, chúng ta luôn có quán tính cho rằng người làm việc xấu là người xấu, trong khi thật ra hoàn toàn không phải như thế! Chính vì cách nhìn nhận sai lầm này mà rất nhiều khi chính con người đã đẩy đồng loại của mình vào hố sâu tội lỗi, thay vì là cứu vớt họ!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 47: 46.Cỏ cây giác ngộ Nguyên Minh dịch và chú giải Vào thời đại Liêm Thương[57] ngài Shinkan theo học với tông Thiên Thai (Nhật) trong 6 năm rồi theo học thiền trong 7 năm. Sau đó, ngài đến Trung Hoa để thực hành thiền định thêm 13 năm nữa.

Khi ngài trở về Nhật, rất nhiều người muốn đến tham vấn và đặt ra với ngài những câu hỏi mơ hồ. Nhưng không mấy khi ngài tiếp khách, và nếu có thì ngài cũng hiếm khi trả lời những câu hỏi của họ.

Ngày nọ, có một thiền tăng 50 tuổi đang tìm cầu giác ngộ đến thưa với ngài: “Tôi đã nghiên cứu tư tưởng của tông Thiên Thai từ nhỏ, nhưng có một điều trong đó tôi không sao hiểu được. Tông Thiên Thai nói rằng ngay cả cỏ cây rồi cũng sẽ được giác ngộ. Với tôi, điều này dường như quá kỳ lạ!”

Ngài Shinkan liền hỏi: “Bàn luận về việc cỏ cây giác ngộ như thế nào thì có ích gì? Vấn đề là làm sao để chính bản thân ông được giác ngộ. Đã bao giờ ông suy xét điều đó chưa?”

Vị lão tăng ngẩn người: “Tôi chưa bao giờ suy nghĩ theo cách đó!”

Ngài Shinkan kết luận: “Vậy hãy trở về và suy nghĩ kỹ đi!”

Viết sau khi dịch
Vào thời đức Phật còn tại thế, chính ngài cũng luôn từ chối những câu hỏi mơ hồ, không thiết thực. Không ít người đã đến đặt ra những vấn đề như vũ trụ vô hạn hay hữu hạn... Câu trả lời chung của ngài cho tất cả những vấn đề này là hãy quay về nghiền ngẫm những gì thực sự có liên quan đến giải thoát, đến sự giác ngộ, đừng chạy theo những tri thức vô bổ. Năm mươi năm ấp ủ trong lòng một thắc mắc về sự giác ngộ của cỏ cây, nhưng lại chưa từng suy xét về sự giác ngộ của chính bản thân mình. Liệu mỗi chúng ta có đang rơi vào một trường hợp khôi hài tương tự như thế hay chăng?

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 48: 47. Họa sĩ tham tiền Nguyên Minh dịch và chú giải Thiền sư Gessen[58] là một họa sĩ. Trước khi vẽ một bức tranh, ông luôn đòi hỏi phải được trả tiền trước với một giá rất cao. Mọi người thường gọi ông là “họa sĩ tham tiền”.

Có lần, một kỹ nữ đặt ngài vẽ một bức tranh. Ông hỏi: “Cô trả được bao nhiêu?”

Cô gái trả lời: “Ông muốn bao nhiêu cũng được, nhưng ông phải vẽ trước mặt tôi.”

Thế là, một ngày kia cô kỹ nữ cho gọi ông đến. Cô ta đang chiêu đãi một khách làng chơi.

Gessen vẽ bức tranh với một phong cách tuyệt vời. Khi vẽ xong, ông đòi một giá cao nhất thời bấy giờ!

Sau khi trả tiền, cô kỹ nữ quay sang nói với người khách của mình: “Người họa sĩ này chỉ biết tham tiền. Những bức tranh của ông ta rất đẹp, nhưng tâm hồn ông ta thật bẩn thỉu. Tiền bạc đã làm cho tâm hồn ông ta lấm bùn. Một tác phẩm xuất phát từ tâm hồn nhơ nhớp đến thế không xứng đáng để được trưng bày. Nó chỉ đáng để trang trí trên đồ lót của tôi thôi.”

Rồi cô ta cởi váy ra và bảo Gessen vẽ một bức tranh khác phía sau váy lót của mình.

Gessen hỏi: “Cô trả tôi bao nhiêu?”

Cô gái đáp: “Ồ, bao nhiêu cũng được.”

Gessen đòi một giá cực kỳ cao rồi vẽ bức tranh đúng theo yêu cầu, Xong, ông bỏ đi.

Chỉ về sau người ta mới biết được rằng ngài Gessen có 3 lý do sau đây để tham tiền:

1.   Nạn đói khủng khiếp thường xảy ra ở quê ngài. Những người giàu lại không giúp đỡ người nghèo, nên ngài Gessen đã lập một nhà kho bí mật, không ai biết. Ở đó ngài cất giữ lương thực, chuẩn bị cứu giúp khi những trận đói ngặt nghèo xảy ra.

2. Con đường từ làng ngài đến ngôi Quốc tự rất xấu và nhiều khách bộ hành phải khổ sở khi đi qua đó. Ngài muốn làm một con đường tốt hơn.

3. Vị thầy của ngài đã viên tịch mà không thực hiện được ước nguyện xây dựng một ngôi chùa, và ngài Gessen muốn hoàn tất tâm nguyện của thầy.

Sau khi cả 3 điều trên đã hoàn tất, ngài Gessen vất bỏ cọ vẽ và tất cả những đồ dùng vẽ tranh, lui về ẩn trong một dãy núi và không bao giờ vẽ tranh nữa.

Viết sau khi dịch
Bị làm nhục bởi một người kỹ nữ theo cách như thế, dù là một họa sĩ thông thường hẳn cũng không sao chịu nổi, đừng nói là một vị tăng! Thế nhưng ngài Gessen vẫn có thể an nhiên bất động trước mọi sự việc, chỉ một lòng hoàn thành những tâm nguyện cao quý của mình, có thể nói là ngài đã đạt được sự giải thoát tâm ý ngay trong những triền phược của đời sống.

Những kẻ tầm thường quả là không sao thấu hiểu được tâm nguyện và hành trạng của một vị Bồ Tát độ sinh!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 49: 48. Độ chính xác Nguyên Minh dịch và chú giải Sen no Rikyu là một vị trà sư.[59] Có lần, ngài muốn treo một giỏ hoa lên một cây cột nên nhờ một người thợ mộc giúp. Ngài chỉ dẫn cho anh ta di chuyển giỏ hoa lên cao hoặc xuống thấp, sang phải hoặc sang trái, cho đến khi đạt được đúng vị trí mong muốn. Xong, ngài nói: “Đúng là chỗ ấy!”

Người thợ mộc muốn thử vị trà sư, liền đánh dấu điểm ấy và giả vờ quên mất. Rồi anh ta hỏi: “Có phải chỗ này không?” “Hay là chỗ này?”... Anh ta vừa hỏi vừa di chuyển giỏ hoa đến nhiều vị trí khác nhau trên cây cột.

Nhưng vị trà sư có một cảm quan chính xác đến nỗi chỉ khi người thợ mộc đặt giỏ hoa lại đúng vị trí trước đó thì ông mới chấp nhận.

Viết sau khi dịch
Vàng thật không sợ lửa! Vị trà sư đã một lần tìm được vị trí chính xác bằng cảm quan của mình thì tất nhiên không thể thất bại trong lần thứ hai. Nhưng anh thợ mộc cũng không phải là không có lý, vì chúng ta vẫn thường gặp trong đời không ít những kẻ luôn tỏ ra hiểu biết mà trong đầu thực sự rỗng tuếch!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 50: 49. Tượng Phật mũi đen Nguyên Minh dịch và chú giải Một ni cô đang tìm cầu giác ngộ, tạo một tượng Phật và thếp bên ngoài bằng vàng lá. Đi đến đâu cô cũng mang theo tượng Phật vàng này.

Nhiều năm sau, ni cô vẫn mang theo tượng Phật vàng này và đến sống ở một ngôi chùa nhỏ miền quê. Nơi đây có rất nhiều tượng Phật, và mỗi tượng đều có một bệ thờ riêng.

Vị ni cô này muốn thắp hương trước tượng Phật của mình, nhưng không muốn hương thơm bay sang các tượng Phật khác. Vì thế, cô tạo ra một cái ống để khói hương đi vào đó và chỉ đến với tượng Phật của riêng cô. Điều này làm cho cái mũi của tượng Phật vàng bị đen dần, trông hết sức xấu xí.

Viết sau khi dịch
Xuất gia là buông xả tất cả để hướng theo mục đích duy nhất là giải thoát. Nếu không buông xả thì dù thân sống đời xuất gia nhưng tâm vẫn chưa xuất gia. Thờ kính hình tượng Phật là để nhắc nhở mục tiêu tìm cầu giác ngộ, nhưng nếu bám víu vào tượng Phật đó mà xem là của riêng mình, thì sự thờ kính lễ lạy phỏng có ích gì? Chỉ do sự chấp ngã đó mà tượng Phật vàng kia phải đen dần cái mũi, thật xấu biết bao!

Nhưng cái mũi đen của tượng Phật vàng là điều dễ thấy, còn có biết bao hình tượng tôn quý khác cũng đang ngày càng đen dần bởi sự chấp ngã mà ít ai nhìn thấy. Bởi không chỉ có “tượng Phật của tôi”, mà còn biết bao người vẫn đang ôm giữ lấy “ngôi chùa của tôi”, “tinh xá của tôi”, “tịnh thất của tôi”, “đệ tử của tôi”, “bổn đạo của tôi”.v.v... Giá như không có những cái “của tôi” này thì mọi việc sẽ tốt đẹp biết bao!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 51: 50. Liễu ngộ Nguyên Minh dịch và chú giải Ni sư Ryonen[60] sinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, một vị tướng Nhật nổi tiếng. Sắc đẹp quyến rũ và thiên tài về thi ca đã khiến cô trở thành một công nương trong triều đình, kề cận bên hoàng hậu khi mới 17 tuổi. Tuy còn quá trẻ như thế nhưng danh vọng đã chờ đón cô.

Rồi vị hoàng hậu kính yêu của cô đột ngột qua đời và những mơ ước tràn đầy hy vọng của cô cũng tan thành mây khói. Cô bỗng nhận thức được một cách sâu sắc về sự vô thường trong cuộc sống trên thế gian này. Ngay khi ấy, cô mong muốn được tu học thiền.

Tuy nhiên, gia đình cô không đồng ý và gần như ép buộc cô phải lập gia đình. Ryonen chỉ đồng ý nghe theo với điều kiện là sau khi sinh 3 đứa con cô sẽ được phép xuất gia làm ni cô.

Khi cô chưa được 25 tuổi thì điều kiện này đã đáp ứng, và chồng cô cũng như những người thân khác không còn ngăn cản ước nguyện của cô nữa. Cô cạo tóc, lấy tên mới là Ryonen, có nghĩa là “liễu ngộ” hay “giác ngộ hoàn toàn”. Rồi cô khởi sự cuộc hành trình cầu đạo.

Cô tìm đến thành phố Edo và cầu xin ngài Tetsugyu nhận làm đệ tử. Chỉ nhìn thoáng qua, vị thầy này đã từ chối ngay vì cô quá đẹp!

Ryonen lại tìm đến một bậc thầy khác, ngài Hakuo. Ngài cũng từ chối với cùng lý do, bảo rằng sắc đẹp của cô hẳn chỉ gây ra phiền toái mà thôi!

Ryonen liền lấy bàn ủi nóng áp lên mặt mình. Chỉ trong chốc lát, sắc đẹp của cô đã vĩnh viễn không còn nữa.

Ngài Hakuo liền nhận cô làm đệ tử.

Để ghi nhớ sự kiện này, Ryonen đã viết mấy câu thơ phía sau một tấm gương soi nhỏ:

Ta đốt hương khi theo hầu hoàng hậu,
Để làm thơm những y phục đẹp xinh.
Giờ đây làm kẻ hành khất không nhà,
Ta đốt khuôn mặt để bước vào cửa thiền.

Khi ni sư Ryonen sắp lìa bỏ thế giới này, bà để lại một bài thơ khác:

Sáu mươi sáu mùa thu,
Từng đổi thay trước mắt.
Ta đã nói đủ rồi,
Về ánh sáng vầng trăng.
Thôi đừng hỏi thêm nữa,
Chỉ lắng nghe thông ngàn,
Và những cây bách hương
Khi không có gió!
Viết sau khi dịch
Quả là một cuộc hành trình tìm cầu chân lý có một không hai! Điều đáng nói ở đây là, mục tiêu của cuộc hành trình đã được xác lập ngay từ bước khởi đầu, khi ni sư chọn cho mình cái tên Ryonen – liễu ngộ. Dũng mãnh và dứt khoát nhưng không bồng bột, Ryonen biết rõ khi nào mới nên hành xử một cách quyết liệt. Vì thế, cô vẫn chấp nhận sự sắp xếp của gia đình để đi vào con đường mà bản thân mình không mong muốn, nhưng xác định rõ đó chỉ là một sự thỏa hiệp tạm thời. Khi đã thực sự lên đường cầu đạo, cô không thối chí trước sự từ chối của các bậc thầy, mà sẵn sàng hủy hoại nhan sắc xinh đẹp của mình khi nó trở thành một chướng ngại trên đường cầu đạo. Dù là một phụ nữ, Ryonen đã thể hiện ý chí và quyết tâm tu tập còn hơn cả nhiều đấng trượng phu lỗi lạc!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 52: 51. Thức ăn ngon Nguyên Minh dịch và chú giải Tại thiền viện của ngài Bankei,[61] ông tăng phụ trách việc ẩm thực là Dairyo hết lòng muốn chăm sóc tốt cho sức khỏe vị thầy già của mình nên chỉ cho ngài dùng toàn món miso tươi. Miso là một loại thực phẩm chủ yếu làm bằng đậu nành trộn với lúa mạch và men bia, thường để lên men.

Ngài Bankei nhận ra rằng mình đang được ăn món miso tốt hơn so với các đệ tử của mình, liền hỏi: “Hôm nay ai nấu bếp?”

Dairyo được gọi đến và thưa với thầy rằng, do nơi tuổi tác và cương vị của thầy, thầy chỉ nên ăn toàn loại miso tươi mà thôi. Ngài Bankei liền bảo ông: “Nói vậy tức là ông cho rằng ta không nên ăn gì cả.” Nói xong, ngài bước vào phòng và khóa cửa lại.

Dairyo ngồi ngoài cửa, luôn miệng xin thầy tha lỗi. Ngài Bankei không trả lời. Trong suốt bảy ngày, Dairyo ngồi mãi bên ngoài phòng và ngài Bankei vẫn khóa cửa ở trong.

Cuối cùng, một người đệ tử thất vọng kêu lên: “Có thể là thầy sẽ không sao, thưa thầy. Nhưng người đệ tử trẻ này cần phải được ăn. Anh ta không thể tuyệt thực mãi!”

Nghe như thế, ngài Bankei mở cửa, khuôn mặt nhoẻn một nụ cười. Ngài bảo Dairyo: “Ta yêu cầu phải được ăn cùng một loại thức ăn như những đệ tử thấp kém nhất của ta. Khi nào con trở thành một bậc thầy, ta muốn con đừng quên điều đó.”

Viết sau khi dịch
Chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của một vị thầy già thì có gì là sai? Nhưng vị thầy ấy lại không muốn được hưởng những đặc quyền ưu tiên hơn so với các đệ tử của mình. Thật ra, ngài không hề giận dỗi hay quở trách vị tăng nấu bếp, nhưng chỉ muốn dạy cho ông này – cũng như tất cả các đệ tử khác – một bài học quý giá mà thôi!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 53: 52. Không còn sáng tỏ Nguyên Minh dịch và chú giải Một tăng sinh theo tông Thiên Thai (Nhật), một trường phái triết học của Phật giáo, tìm đến thiền viện của ngài Gasan[62] học thiền. Mấy năm sau, khi anh ta sắp sửa ra đi, ngài Gasan nhắc nhở rằng: “Suy cứu chân lý về mặt giáo điển như một phương cách để thu thập giáo pháp là hữu ích, nhưng hãy nhớ rằng, nếu con không tu tập thiền định miên mật thì sự tỏ ngộ của con có thể không còn nữa.”

Viết sau khi dịch
Nếu như lý thuyết và thực hành được xem là hai yếu tố quan trọng như nhau để đưa đến thành công, thì việc suy cứu chân lý về mặt giáo điển quả thật vẫn là một phương tiện hữu ích cho người tu tập. Đôi khi các bậc thầy nhắc nhở người học không đi sâu vào những tri thức giáo điển, chỉ vì sợ rằng họ sẽ chìm đắm trong đó mà quên đi mục đích tối hậu của việc tu tập.

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 54: 53. Người cho phải biết ơn Nguyên Minh dịch và chú giải Khi thiền sư Seisetsu giáo hóa ở chùa Engaku[63] tại Kamakura,[64] ngài cần có những giảng đường rộng hơn, vì những nơi ngài đang giảng dạy đều đã chật chội vì có quá đông người theo học. Một thương gia ở Edo[65] là Umezu Seibei quyết định sẽ tài trợ 500 đồng ryo vàng để xây dựng thêm một giảng đường rộng rãi hơn. Ông liền mang số tiền này đến gặp vị thiền sư.

Ngài Seisetsu nói: “Được rồi, tôi sẽ nhận.”

Umezu trao túi vàng cho ngài Seisetsu, nhưng ông ta không hài lòng với thái độ của vị thầy. Chỉ với 3 đồng ryo vàng là có thể đủ để một người sống trọn trong một năm, nhưng đưa ra đến 500 đồng ryo vàng mà ông ta thậm chí không nhận được cả một tiếng cảm ơn!

Ông ta nhắc khéo: “Trong túi đó có 500 ryo.”

Ngài Seisetsu đáp: “Lúc nãy ông có nói rồi.”

Umezu nói: “Dù tôi có là một thương gia giàu có thì 500 ryo vẫn là một món tiền rất lớn!”

Ngài Seisetsu hỏi: “Ông muốn tôi cảm ơn ông về việc này?”

Umezu đáp: “Vâng, thầy nên làm như thế mới hợp lẽ.”

Ngài Seisetsu hỏi vặn lại: “Sao lại là tôi? Người cho mới phải cảm ơn chứ!”

Viết sau khi dịch
Có những cách nghĩ tưởng như khác thường, chỉ vì quá đúng với sự thật! Hầu hết những nhận thức của thiền đối với cuộc sống này đều là những cách nghĩ như thế. Người thương gia muốn bỏ tiền ra để làm một việc tốt, cầu phước đức về sau – vì nếu không tin điều này, ông ta đã không làm như thế – thì tất nhiên ngài Seisetsu chính là người đã giúp ông thực hiện tâm nguyện. Nếu không có ngài, ông ta liệu có dùng số tiền ấy để mua phước đức được chăng? Vì thế, chính ông ta mới là người phải biết ơn vị thiền sư. Lại nói, ngài Seisetsu nhận số tiền ấy chẳng phải để dùng vào việc riêng, nên bản thân ngài chẳng có gì để phải cảm ơn cả. Tuy nhiên, khi làm đúng như thế thì hầu hết mọi người lại cho đó là chuyện ngược đời!

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 55: 54. Ý nguyện cuối cùng và di thư Nguyên Minh dịch và chú giải Ikkyu,[66] một thiền sư danh tiếng vào thời đại Ashikaga,[67] là con trai của hoàng đế.[68] Từ khi ngài còn bé, mẹ ngài đã rời khỏi hoàng cung và đến học thiền ở một ngôi chùa. Nhờ đó, hoàng tử Ikkyu cũng trở thành một thiền sinh. Khi mẹ ngài qua đời, bà để lại cho ngài một lá thư như sau:

Gửi con Ikkyu,

Mẹ đã hoàn tất công việc trong đời này và giờ đây sẽ trở về với cõi Thường hằng. Mẹ muốn con trở thành một thiền sinh giỏi và nhận rõ được tánh Phật của mình. Rồi con sẽ biết được liệu mẹ có sa vào địa ngục, hoặc có thường ở bên con hay không.

Chừng nào con nhận ra được rằng đức Phật và người kế tục của ngài là Bồ-đề Đạt-ma đều là những người phục dịch cho riêng con, thì con có thể từ bỏ việc nghiên tầm học hỏi và nỗ lực độ sinh. Đức Phật đã giáo hóa trong 49 năm và trong suốt thời gian đó ngài nhận ra rằng không cần thiết phải nói một lời nào! Con cần phải hiểu nguyên do của điều đó. Nhưng nếu con không hiểu được mà vẫn muốn hiểu, hãy tránh những suy nghĩ vô ích.

Mẹ của con,

Không sinh, không diệt.

Ngày đầu tháng chín

Tái bút.
Giáo pháp của đức Phật chủ yếu nhắm đến việc giúp cho mọi người giác ngộ. Nếu con phụ thuộc vào bất cứ phương tiện nào trong giáo pháp thì sẽ chẳng khác gì loài côn trùng mê muội. Có đến tám vạn quyển kinh điển Phật giáo,[69] và nếu như con có đọc qua hết tất cả mà vẫn không thấy được tự tánh của chính mình thì ngay cả lá thư này con cũng sẽ không hiểu nổi. Đây là ý nguyện và di thư của mẹ.

Viết sau khi dịch
Cha ngài là một hoàng đế nhưng đã không để lại được gì cho ngài. Có lần ông đã tỏ ý chọn ngài làm người kế vị nhưng ý định đó không được ngài chấp nhận. Ngược lại, mẹ ngài đã chọn con đường để lại cho ngài một kho tàng vô giá, gói gọn trong bức thư này. Ngài đã dành trọn cuộc đời để thực hiện di thư của mẹ, và sau khi chứng ngộ vào năm 1420 nhân khi nghe tiếng quạ kêu, ngài tiếp tục quãng đời còn lại đi khắp đó đây để truyền dạy tông chỉ thiền Lâm Tế. Người dân Nhật luôn ghi nhớ hình ảnh của ngài như một vị thiền sư luôn xuất hiện trong chiếc áo rách tả tơi và đôi giày cỏ, nhưng để lại cho hậu thế vô số những ảnh hưởng tích cực còn thấy được trong các môn nghệ thuật mang sắc thái văn hóa thiền như thư pháp, hội họa, thi ca, trà đạo, cắm hoa, kịch Noh, vườn cảnh...

Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Gõ cửa thiền Phần 56: 55. Vị trà sư và kẻ mưu sát Nguyên Minh dịch và chú giải Một chiến binh Nhật tên là Taiko sống vào trước thời đại Tokugawa[70] theo học Trà đạo (Cha-no-yu),[71] hay nghi thức uống trà, với ngài Sen no Rikyu,[72] một bậc thầy của loại nghệ thuật biểu đạt tinh tế sự bình thản và tự hài lòng này.

Một chiến binh khác dưới quyền của Taiko tên là Kato cho rằng sự ham mê Trà đạo của cấp chỉ huy mình là xao lãng nhiệm vụ đối với đất nước, nên anh ta quyết định sẽ giết chết ngài Sen no Rikyu. Anh ta giả vờ ghé thăm vị trà sư và được mời uống trà. Vị trà sư là người lão luyện trong nghệ thuật của mình, nên chỉ thoáng nhìn qua đã biết ngay ý định của anh chiến binh này. Vì thế, ngài đề nghị Kato để lại thanh gươm bên ngoài trước khi vào phòng tham dự nghi thức uống trà, giải thích rằng bản thân Trà đạo chính là biểu hiện của sự an bình.

Kato không chịu lắng nghe những lời giải thích này. Anh ta nói: “Tôi là chiến binh, tôi luôn mang theo gươm. Cho dù có là Trà đạo hay không thì tôi vẫn phải mang theo gươm của mình.”

Ngài Sen no Rikyu chấp thuận: “Được rồi, cứ mang theo gươm của anh vào uống trà vậy.”

Khi ấm nước đang sôi trên bếp than hồng, ngài Sen no Rikyu bất ngờ đẩy nhẹ cho nó nghiêng đổ xuống. Lửa gặp nước kêu lên xèo xèo và một đám mây hơi nước cùng với tro bụi phun lên mù mịt khắp căn phòng. Anh chiến binh hốt hoảng phóng chạy ra ngoài.

Vị trà sư xin lỗi: “Là lỗi của tôi, xin hãy trở vào dùng trà. Tôi đang giữ thanh gươm dính đầy tro bụi của anh đây. Tôi sẽ lau chùi sạch sẽ và trả lại cho anh sau.”

Trong tình thế lúng túng này, người chiến binh nhận ra rằng anh ta thật không dễ giết chết vị trà sư. Vì thế, anh ta từ bỏ ý định.